PDA

View Full Version : Trần Đăng Khoa-Chiến Sĩ Trên Mặt Trận Văn Hóa



ngochai
28-08-2012, 11:12 AM
Lời bạt:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Văn hoá là một mặt trận”. Tư tưởng ấy của Người là hiện thân những khát vọng của cả dân tộc ta trong việc khẳng định bản sắc của mình.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, theo tinh thần ấy, Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách và những quyết sách liên quan đến việc xây dựng đời sống văn hoá mới, bảo tồn di sản văn hoá và luôn coi văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Và hiện nay, khi chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế và văn hoá quốc tế, hơn lúc nào hết, quan điểm này lại càng phát huy giá trị và tính chính xác của nó.

Có thể nói, tư tưởng “Văn hoá là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn toả sáng, trường tồn theo thời gian và luôn đồng hành cùng dân tộc.

Nhân loạt bài đầy cảm hứng của minh_anh về Trần Đăng Khoa, ngochai xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những bài "bút chiến" của anh Khoa-người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- trong đời sống đương đại hiện nay.

ngochai

ngochai
28-08-2012, 11:16 AM
Trần Đăng Khoa

Nghe cái tên bài rùng rợn quá, bạn đọc khéo lại nghĩ, Lão Khoa chắc chán văn chương rồi, muốn chuyển sang “sản xuất” kịch bản phim kinh dị. Nhưng không! Lão đâu giám ngộ nhận. Tiếng ta thán của dân đấy!

Số là, trận bão Kai tax, bà con ta vẫn quen gọi là cơn bão số 5, vừa tràn qua Biển đông rồi đổ vào Trung Quốc, chỉ vẹt qua Móng Cái của ta. Những năm gần đây, mưa bão rất nhiều. Nhưng chưa có trận bão nào đổ thẳng vào Hà Nội. Thủ đô của ta cũng như nhiều tỉnh ở Bác bộ, chỉ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Thế mà đường phố đã thành sông. Cây đổ hàng loạt. Nhiều tuyến phố ngổn ngang, tanh bành như vừa qua một trận bom B52. Nhiều “xế hộp” đang chạy trên đường còn bị bẹp dúm vì cây đè. Thật khổ cho anh bạn trẻ lái xe cho hãng Taxi Mai Linh, đã phải bỏ lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ dại rồi “ra đi” vì một cái chết “lãng xẹt”, không thể tưởng tượng nổi. Giữa trung tâm Thủ đô còn xuất hiện cả hố “Tử thần”. Một cung đường chính vừa mới “khánh thành” chưa được bao lâu đã bị “bẻ gẫy” vì một cái hố toang hoác đủ “nuốt” đến cả mấy cái xe tải.

Thật kinh hoàng!

Thế rồi cơ quan chức năng “vào cuộc”. Tranh cãi loay hoay đến mấy ngày để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố đáng tiếc. Cuối cùng cũng bắt được thủ phạm. Kẻ tội đồ nguy hiểm, không thể tha thứ được ấy là…Mưa bão!

Thế là …Huề cả làng!

Làm sao bắt được ông …Thiên lôi ra để nghiêm trị.

Thật khổ cho “ông Thiên lôi”. Khổ vì bị đổ vạ. Nhưng cũng may cho “ông”, dân chúng ngày nay cũng đã khác rồi. Chẳng ai tin lời “phán quyết” trơn mòn mà đến cả trẻ con cũng không tin được. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa ấy vẫn là cách làm ăn điêu chác. Điều này dường như đã thành hệ thống rồi. Ngay cả đường xá lộ thiên trên mặt đất, đến mấy cái cọc tiêu đường, người ta còn lấy cọc tre thay cốt thép xi măng thì làm sao tin được những công trình ngầm chìm sâu dưới lòng đất mà mắt người lại không nhìn thấy được! Trong khi các nhà chuyên môn vẫn loay hoay muốn xác định rõ đường sụt trước làm cho cống vỡ, hay cống vỡ rồi mới dẫn đến sụt đường, thì người dân bình thường cũng đã nhận ra ngay sự thật, dù họ không phải là người có chuyên môn. “Tất cả cũng chỉ do cẩu thả”. Hệ thống thoát nước đường cống, phần đế móng làm quá tạm bợ, khi có nước chứa, ống đầy nước, sức nặng tăng lên, làm lún đất, ống sẽ bị bẻ gãy, nước rút hút theo đất cát bao quanh ống, thế là rỗng ruột tức khắc. Công trình bị phá. Đường xá bị đứt gẫy, sạt lở là điều không thể tránh khỏi. Tất cả mọi hố tử thần đều sinh ra như thế.

Tôi đồng ý hoàn toàn với một người dân, khi anh đề nghị, cần phải xem xét lại chất lượng thiết kế, kể cả khâu giám sát thi công. Ở đây còn thiếu cả những cái tối thiểu. Thứ nhất: Thiếu móng hay gối đỡ cống. Thứ hai: Chất lượng bê tông cống ly tâm không bảo đảm. Dạng cống này, trong thân cống phải có thép, vì là cống chịu lực, thường cống qua đường như thế này phải là cống có sức chịu trọng tải lớn. Ở đây, mới chỉ do sạt lở xô đẩy, cống đã vỡ vụn vì không có thép. Thứ ba: Đó là mối nối liên kết các đốt cống. Ở đây, mối nối chỉ có khoảng 5cm là không hợp lý. Đúng ra, phải sử dụng loại mối nối có ron cao su, có thể ngậm sâu đến 10cm thì may ra mới bảo đảm được sự an toàn. Do mối nối ngắn, dưới tác dụng lớn của xe cộ, sự lún không đồng đều vì không có móng, làm các mối nối hở, để nước thoát ra ngoài cống, dẫn đến sự lún sụt là điều xảy ra tất yếu. Thêm nữa, chúng ta vẫn thiếu một cái nhìn có tính đại cục, lại không đồng bộ. Bởi thế, đi trên phố, ta luôn gặp cảnh đào đường. Ông Bưu điện đặt dây điện thoại và cáp quang. Ít tháng sau lại đào đường. Ông Cấp nước đô thị đặt ống dẫn nước. Tưởng đến thế đã là yên. Ai ngờ lại đào đường. Lần này thì ông Điện lực chuyển dây tải điện xuống hệ thống ngầm. Cứ liên miên thế, ông nọ đào ông kia. Mà ông nào cũng chỉ biết mỗi việc của mình. Vậy thì làm sao tránh được hiểm họa.

Chúng ta vẫn quen tư duy theo lối nhiệm kỳ với cách làm ăn manh mún tạm bợ, miễn là có lợi ích trước mắt cho một người, hay một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì an toàn hạ cánh. Còn lại “sống chết mặc bay”! Hậu quả tội vạ thế nào đã có con cháu gánh chịu.

Với lối nghĩ như thế, cách làm ăn như thế, nên các công trình của chúng ta thường không bền vững, cho dù đó là những công trình có tính thế kỷ. Nhiều cung đường chưa kịp sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Thăng Long chữa đi vá lại, rồi đường hầm Thủ Thiêm rạn nứt, đập Sông Tranh bục nước. Người ta còn lấy cả rẻ rách nhét vào các lỗ rò. Nghe cứ như chuyện phiếm. Bây giờ con đập ấy đã được khắc phục. Nhưng cách làm ăn chắp nhặt vá víu như thế, liệu có bảo đảm được sự an toàn bền vững hay không?

Trở lại với Hố tử thần giữa Thủ đô Hà Nội. Tôi đồng ý với tiếng nói của rất nhiều người dân lương thiện: “Thuế của dân không thể đổ xuống sông, xuống biển, cũng không để chảy hết vào túi các nhà thầu”. “Đã đến lúc phải rõ ràng, minh bạch trong mọi việc, ai làm sai, làm vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm, chứ không ngồi đổ lỗi cho nhau, để rồi cuối cùng, dân vẫn phải gánh chịu thiệt hại.

Cần xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh cho việc tiến hành xây dựng các công trình lớn về sau. Chỉ mới ảnh hưởng hoàn lưu bão mà đã như thế, nếu có bão đổ vào thực sự, hay lớn hơn, nếu xẩy ra động đất thì sẽ ra sao? Không thể hình dung nổi thảm họa sẽ khủng khiếp như thế nào? Thảm họa không phải chỉ đến từ thiên nhiên, mà đến từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một người hay một nhóm người. Còn bao nhiêu những hố tử thần vẫn đang mai phục dưới mặt đường kia? Nên yêu cầu các bên, từ thiết kế đến thi công, phải chịu mọi tổn thất và bỏ ra kinh phí để xây dựng lại chứ không thể cấp thêm bất cứ đồng vốn nào. Tiền của dân không phải là vỏ hến. Ngay cả người được trao quyền nghiệm thu cung đường đó cũng phải chịu trách nhiệm về sự cố này.

Còn vụ cây đổ, đè bẹp hàng loạt xe cộ, dẫn đến cái chết tang thương của một tài xế Taxi thì ai chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ Công ty cây xanh của Thành phố không có chút liên quan? Nếu vừa rồi, bão lớn thực sự đổ vào thành phố thì thảm họa sẽ như thế nào? Thật không thể hình dung được! Hầu hết các cây lớn đổ trên các tuyến phố vừa rồi đều là xà cừ. Loại cây lớn, nhưng lại có rễ chùm, độ bám đất không sâu, vì thế, không cây nào có thể tồn tại được khi có gió lớn. Vậy có nên để loại cây ấy trên những đường phố có đông dân cư không? Chẳng phải ngẫu nhiên, một ký giả đã phải kêu lên một cách đắng đót: “Tử thần ở đâu ư? Tử thần vẫn chờ ta, đứng đầy cả ở hai bên đường. Đi giữa thành phố Hòa bình mà cứ thấy nơm nớp...”

Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt. Vứt mẩu thuốc lá xuống đường cũng bị phạt đến mấy trăm dollas. Chỉ một vụ đổ tầu, một cây cầu bị sập, người chịu trách nhiệm ngành đó, thậm chí cả ở cấp cao hơn có liên quan cũng đã tự làm đơn từ chức. Ngay cả khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã chuyển công tác khác, kể cả người đã về hưu rồi cũng vẫn phải hầu tòa. Ta hiểu vì sao có những vị Tổng thống, quyền thế lẫy lừng, mà đến lúc nghỉ rồi còn phải ra đứng trước vành móng ngựa. Khi đã làm làm điều ác, có tội với dân, thì sẽ không còn được yên thân, cũng không còn chốn an toàn nào để mà “hạ cánh”

Bao giờ chúng ta mới tới được một nếp sống văn minh như thế?

Cần lấy lại niềm tin của nhân dân. Không thể khác. Bởi mất niềm tin là mất hết. Đó cũng là một thảm họa khó lường.

ngochai
28-08-2012, 11:31 AM
Vâng. Đúng vậy. Đây chỉ là chuyện phiếm. Và đã là chuyện phiếm thì chả có gì quan trọng. Bạn đọc nào rỗi rãi thì ghé qua. Còn không, các vị có thể tạt qua các chuyên mục khác. Tờ báo này đề cập đến rất nhiều vấn đề chúng ta quan tâm. Nghe chuyện lão Khoa mãi cũng nhạt. Bây giờ, ta thử thay sự tẻ nhạt ấy bằng câu chuyện phiếm này, xem có vui hơn chăng? Bởi đây không phải chuyện của lão Khoa, mà là chuyện của hai người.

Đồng ý. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao, có bạn đọc bảo: “Lão Khoa rất lắm chuyện! Chính tôi cũng muốn xem chuyện mới của lão!”.

Ấy chết, tôi đâu có chuyện gì. Trông mặt đã thấy tẻ ngắt. Nghe tôi lại còn chán hơn.
Anh có quan tâm đến vụ Trọng Tấn, Anh Thơ không?

Đấy là hai ca sĩ tôi rất yêu mến. Họ cũng là những nghệ sĩ đứng đắn. Chất giọng lại đẹp. Hầu như trong suốt chặng đường làm nghệ thuật của mình, từ lúc bắt đầu xuất hiện cho đến hôm nay, hầu như họ chỉ hát những ca khúc Cách mạng, ca khúc truyền thống, và hát rất hay. Trong chuyến công tác tại Lào, họ cũng đã biểu diễn xong. Chỉ bỏ cuộc gặp mặt, giao lưu. Như thế, kể ra cũng đáng trách, vì đây là đối ngoại. Tuy vậy, mấy hôm trước, đọc trên báo chí, thấy họ có thể bị kỷ luật, bị đình chỉ giảng dạy và cấm biểu diễn, tôi lại thấy tiếc. Rất tiếc. Không phải tiếc cho họ mà tiếc cho chính chúng ta. Cũng may, cuối cùng, kỷ luật chỉ là cảnh cáo, thôi thế cũng được. Cũng là một bài học cần nhắc nhở. Vậy thôi.

Ông đã đi qua nhiều vùng đất. Vậy ông thích sống ở đâu hơn? Ở quê hay ở phố?

Tôi là anh nhà quê, nhưng lại sống ở nhiều thành phố, trong đó Hải Phòng chỉ có 3 năm - hồi tôi là lính hải quân, Moscow (Nga) 7 năm - hồi đi học, còn Hà Nội là mấy chục năm sống và làm việc. Mỗi nơi đều có cái hay riêng. Hải Phòng cho tôi cảm giác thoải mái, bởi đây là thành phố thợ, cũng toàn dân tứ chiếng, nói như thi sĩ Văn Cao trong trường ca “Cửa biển”: Những người dân nghèo về đây/ Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến, vì thế, đến với người Hải Phòng, mình không phải giữ kẽ, xã giao, có thể nằm lăn ra sàn nhà mà ngủ, vào bếp vét cơm nguội ăn. Tôi coi thành phố này như quê hương thứ hai của mình, dù sống ở đây rất ít. Hà Nội ô hợp, nhưng vẫn có vẻ đài các thanh lịch riêng. Quê hương Hải Dương thì tôi vẫn luôn gắn bó. Còn có những thành phố tôi chỉ ghé qua, nhưng lại để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất, ví dụ như Đà Nẵng….

Nhắc đến “phố” ông nghĩ đến cái gì đầu tiên?

Tốc độ và nhịp sống.

Thế còn “quê”?

Sự tĩnh lặng.

Nhưng không phải lúc nào đó cũng là ưu điểm?

Đúng vậy. Tốc độ khiến người ta biết tận dụng thời gian, nhưng sống quá gấp cũng dễ tạo ra tai họa. Còn tĩnh lặng lại kéo theo sự ứ đọng trì trệ.

Hai thành phố lớn Hà Nội - TPHCM vẫn hay được người ta đưa ra so sánh như là đại diện cho miền Bắc - miền Nam, về con người, cảnh quan, lối sống... Trong mắt ông thì thế nào?

Tôi có cảm giác TPHCM giống một cô gái tràn căng sức sống, mặc quần sooc chạy việt dã, còn Hà Nội lại là một cụ già mang khăn xếp áo the, tập dưỡng sinh, gương mặt trầm mặc như đang nghĩ ngợi, nhưng thực chất thì ...chẳng nghĩ gì cả.

Tôi lại thấy Hà Nội xô bồ hơn là sự trầm mặc?

Sự xô bồ thì ở đâu chả có. Hải Phòng, TPHCM và bất cứ thành phố nào, có lẽ trừ Đà Nẵng. Phố xá là thế. Ở Hà Nội có còn gì là nguyên gốc của nó đâu. Nhà văn Tô Hoài gọi Hà Nội là cái chợ, toàn dân “tứ chiếng”. Bây giờ Thủ đô của chúng ta còn có cả đồng bào dân tộc ít người. Ở Hà Nội không có sự kỳ thị địa phương. Đó là điều hay nhất, cho thấy thành phố này còn có khả năng phát triển tốt. Các cụ bảo Đất lành chim đậu. Nhưng có điều lạ, chỉ người Bắc ùn ùn vào Nam sinh sống, chứ không có người Nam nào ra Bắc sống cả. Người Nam chỉ tập kết ra Bắc trong những năm chiến tranh, hoặc ra Bắc làm nhiệm vụ, như các bác Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn sang, Nguyễn Tấn Dũng..., nhưng khi hết nhiệm kỳ, các bác ấy lại trở về quê hương bản quán. Những người dân Nam bộ khác cũng vậy. Như thế, Hà Nội, hay rộng hơn, Miền Bắc liệu có phải là Đất lành không?

Ông vừa nhắc đến hai thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội. Vậy còn đặc tính của người dân…

Người Nam sống thật hơn, và họ cũng sống thực tế hơn người Bắc. Tôi chỉ xin đơn cử một chi tiết thôi. Đó là cái xe máy. Với người Sài gòn, xe chỉ là vật dụng đơn giản, giúp con người đi lại. Thế thôi. Người Sài Gòn thường chọn mua xe tốt, nhưng không chú ý đến xe. Xe thế nào cũng được, miễn chạy tốt, còn tróc sơn, sây sát cũng chẳng sao. Xe vứt lăn lóc ở đâu cũng được. Còn với người Hà Nội thì cái xe còn là vật trang trí, là tài sản, danh dự, là rất nhiều thứ …ngoài xe, nên họ dán ni lông, giữ gìn rất cẩn thận. Nếu không may có sự va chạm, với người Sài Gòn, chỉ xin lỗi một câu là xong, nhưng với người Hà Nội thì phải đền lớn đấy, nếu là xe mới. Vì thế người Sài Gòn sướng hơn người Hà Nội. Người Sài Gòn cưỡi xe, còn ở Hà Nội thì xe nó lại…cưỡi người. Khác nhau căn bản là thế đấy.

Ông vừa nhắc đến Đà Nẵng. Một thành phố dù chỉ đi qua, nhưng lại lưu trong ông ấn tượng mạnh nhất?

Đúng vậy. Vì đó là một thành phố chuẩn, dù nhìn ở mọi góc độ. Tôi không thấy đâu hay như Đà Nẵng. Theo tôi, Đà Nẵng là thành phố nền nếp nhất nước. Nhìn đâu, ta cũng thấy dấu ấn, tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Đường phố sạch sẽ, quy củ. Không người lang thang cơ nhỡ, không có đĩ điếm, trấn lột, cũng không có trẻ con chạy theo khách du lịch ăn xin. Thành phố có biện pháp tạo công ăn việc làm cho mọi kiếp người bất hạnh. Bất cứ người dân bình thường nào cũng có thể gặp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá Thanh, dù gặp trực tiếp hay “gặp” qua điện thoại. Thậm chí ông Bí thư còn tìm đến cả những người mới ra tù để bố trí công ăn việc làm cho họ.

Ông đã gặp ông Nguyễn Bá Thanh chưa?

Chưa, nhưng đi đâu tôi cũng thấy dân khen ông ấy. Từ một Giáo sư có tên tuổi, đến những ông đánh xe thồ, xe xích lô ba gác, ai cũng khen Nguyễn Bá Thanh. Trong khi ở các tỉnh khác, chỉ thấy người dân kêu ca về lãnh đạo của họ.

Tôi có một kỷ niệm ở phố cổ Hội An, một nơi trong lành, người ta buôn bán trong một bầu khí quyển trong vắt. Tôi vào một cửa hàng quần áo, người bán cẩn thận hỏi “Ông mua để mặc lâu dài hay mặc vài lần rồi bỏ?”, tôi trả lời rằng tôi mua đồ mặc lâu dài chứ, “Nếu thế thì ông nên sang cửa hàng bên kia, còn ở đây đồ không được tốt”. Có mấy ai buôn bán, lại nói hàng của mình không tốt, và có trách nhiệm với khách hàng như thế không? Ở Hà Nội, nếu chỉ hỏi mà từ chối mua hàng có khi còn bị người bán hàng chửi bới, có khi còn “đốt vía”, như xua ma quỷ hiện hình. Thêm nữa, ở Hội An, giá bán cho Tây cũng như bán cho ta. Tất cả đều một giá, chứ không như ở Hà Nội, cứ thấy ông ngoại quốc nào đó là đội giá lên. Rất không ổn. Đó là buôn bán nhỏ. Là làm ăn manh mún, tư duy tỉnh lẻ. Người làm ăn lớn thì chữ Tín hàng đầu. Người ta có thể chịu thiệt để giữ uy tín. Ai đã đến rồi còn muốn trở lại.

Tôi còn nhớ một ấn tượng nữa với Lãnh đạo Đà Nẵng. Đó là chuyến đi Trường Sa đợt tháng Tư vừa rồi. Khi đến thăm các đơn vị tác chiến nơi đầu sóng ngọn gió, mấy ông Lãnh đạo Đà Nẵng phát hiện một chàng trai Đà Nẵng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, và thế là ngay giữa Trùng khơi, họ đã ký quyết định trao tặng gia đình anh một căn hộ ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Rồi sau, họ còn phát hiện thêm một chiến sĩ nữa, anh không phải công dân Đà Nẵng mà là người Thanh Hóa, nhưng lấy vợ Đà Nẵng, và vì thế, anh cũng được ghi nhận, để về đất liền tìm hiểu. Nếu anh cũng có cảnh ngộ tương tự như người lính kia thì cũng sẽ được trao một căn hộ như vậy.

Nếu vị lãnh đạo nào cũng hết lòng tận tụy, biết chăm lo cho công dân của mình như thế, thì cuộc sống của chúng ta cũng đã khác rồi.

Ở nước mình, có rất nhiều người như Nguyễn Bá Thanh và các cộng sự của ông, chỉ có điều họ có được trao trọng trách, có được đặt đúng vị trí để phát huy hiệu quả hay không?

Dù cuộc sống hôm nay còn nhiều chuyện đau lòng, nhưng tôi tin, rất tin trong xã hội ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Và những gì tốt đẹp ấy, sẽ còn lại mãi…