PDA

View Full Version : Xin cho hỏi về sự vắng bóng của Thôi Thủ ???



yingyang
05-12-2012, 02:27 AM
Kính chào Thiều Gia Võ Phái !

Rất ngưỡng mộ những hoạt động của Thiều Gia Võ Phái và đặc biệt rất cám ơn những tư liệu hết sức quý được đăng tải tại thaicucthieugia.com !

Nay có ít thắc mắc mong được các bạn giải đáp ,

Trong Thái Cực Quyền nói chung thì việc luyện quyền (Giá Tử) là phương tiện để môn sinh bước vào tán thủ, thôi thủ

1. Về lịch sử : sách của ông Trần Vi Minh giảng giải các yếu lý Thái Cực Quyền có biên rõ từng động tác một đều từ thôi thủ mà ra . Nghĩa là đối phó với địch thủ trên nguyên tắc luôn niêm dính - có vậy mới ra được Đổng Kình - rồi từ đó mới Lý Bằng Án ... Quyền phổ tuyệt đối rất hiếm ít những động tác đánh trả đối thủ dựa vào tốc độ và khoảng cách. Luôn luôn từ Đổng Kình mà ra. Mà Đổng Kình căn bản của Thái Cực là tập từ Thôi Thủ.

2. Phân tích sâu vào thực tế , tức là lược bỏ những thuật ngữ chuyên môn để không bị rơi vào tiểu thuyết hóa võ thuật

Tại sao các danh gia Thái Cực chỉ có 1 hay 2 bài quyền mà thôi ? Trong khi các môn phái khác thì vài mươi bài quyền ? Là bởi vì đơn luyện giá tử nhằm nâng cao thể chất môn sinh, không thể thực chiến từ quyền thì không nên mất thời gian vì nó. Nếu chỉ một mục đích luyện cho chân có lực thì 1 hay 2 động tác tập hàng ngày đã là đủ, không cần mất thời gian để tập vài chục đến vài trăm động tác.

Thời gian còn lại thì phải song luyện, tức thôi thủ mới có thể nói là bước chân qua ngưỡng cửa Thái Cực Quyền.

Song luyện : một vài ví dụ :

Khi phân hư thực bên nặng bên nhẹ trong khi đi quyền là để làm gì : khi thôi thủ tay bạn có lực hướng về phía ta ở đâu thì phần đó hóa hư, bên kia hóa thực.

Đầu treo thân thẳng : thôi thủ giúp các bạn hiểu được những phần này, có lực đến và các bạn giữ được các yếu lý này chính là giúp các bạn tránh được bệnh song trọng, sau đó thì các bạn mới hóa được lực đối phương. Cơ thể các bạn chỉ có duy nhất 1 trục xoay mà thôi

Tùng yêu : đơn luyện thì các bạn không thể nào kiểm chứng được cơ thể mình có thực sự buông lõng mềm mại hay chưa, có lực vào nếu mượt mà hóa nó đi thì các bạn mới thực sự buông lõng, khi đó các bạn mới cảm nhận được chủ soái cơ thể là ở đâu

...

Một vài ví dụ đơn giản, còn thực tế chiến đấu làm thế nào để Niêm là những phần tiếp theo.

Tạm chứng minh cho tầm quan trọng không thể thiếu của Thôi Thủ trong Thái Cực Quyền, mong các bạn cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như nói thêm về Thôi Thủ trong Thiều Gia Thái Cực ?

Xin cám ơn

thieugia
05-12-2012, 01:51 PM
Phép Thôi Thủ & Thái Cực quyền:


Bạn yingyang thân mến !

Trước hết thay mặt cho thái cực Thiều gia cảm ơn bạn đã quan tâm đến diễn đàn, cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà bạn đã dành cho chúng tôi.
Vấn đề bạn hỏi tuy chỉ là “vài ý nhỏ” nhưng đối với chúng tôi nó là cả một vấn đề rộng lớn, để giải thích một cách thật rõ ràng thì tôi nghĩ nó có thể chiếm khoảng 50 trang giấy A4... Vậy chỉ xin phép trao đổi với bạn vài điều vắn tắt như sau:
Trước hết cần phải thống nhất với nhau rằng: Do có quá trình hình thành và phát triển từ lâu đời nên võ thuật hấp thụ những tinh hoa cổ đại như triết học, y học, dưỡng sinh khí công, đạo dẫn, binh pháp, những tinh hoa văn hóa, những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc… mà hình thành một phong cách vận động đặc sắc và riêng biệt có mục đích kiện thân tráng cốt, ích thọ diên niên, khu trừ bệnh tật, đặc biệt tăng cường khả năng phòng thủ, tự bảo vệ mình trước ý đồ tấn công của kẻ địch. Từ những nhận thức trên ta có thể khẳng định võ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc và mỗi một môn võ có những nét đặc thù và bản sắc riêng của nó. Chính vì thế mà võ thuật rất phong phú đa dạng (ở đây lý giải vì sao để tự vệ, tấn công có những môn võ không cần có “thôi thủ’ vẫn bảo vệ mình, bảo vệ người một cách hiệu quả).
Mục đích cao nhất mà võ thuật nhắm đến không phải chỉ đơn giản ở nghệ thuật kỹ kích (đánh nhau), rèn luyện sức khỏe, khu trừ bệnh tật… mà là tính “nhân văn”, “tinh thần thượng võ”. Học võ là để “Tu tâm dưỡng tính” để rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức, học làm người… Người học võ thắng không kiêu, dẫu bại không nản. Luôn có thái độ cư xử đúng mực, trên thì thành kính với tổ, với thầy, dưới thì hiếu để với sư huynh đệ, với chúng đồng môn. Luôn nghiêm cẩn giữ mình, khiêm cung với người, “vị nhân bất vị kỷ”, không ỷ mạnh hiếp yếu… đấy là hiểu trong phạm vi hẹp. Còn trong phạm vi rộng thì học võ cốt là “Khỏe vì nước”, là “Vệ quốc phòng thân”…
Tóm lại: võ thuật là tinh hoa, là di sản văn hóa của nhân loại. Cái đích của võ thuật không phải chỉ dạy về nghệ thuật đánh nhau mà là dạy cái cách làm người.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/picTeacher/dsc01917.jpg
Thường xuyên thực hành đối luyện

Để trả lời vào vấn đề bạn hỏi:
1. Từ “đổng kình” mà bạn vận dụng ở dưới nên hiểu là: làm thế nào để cảm nhận được kình lực (懂=hiểu, nhận biết; 劲=lực) kể cả của đối phương?
Trong TCQ luận Vương Tông Nhạc nói:
Nguyên văn “mỗi kiến số niên thuần công, bất năng vận hóa giả, suất giai tự vi nhân chế, song trọng chi bệnh vị ngộ hỉ” (khi tập TCQ có tới vài năm, tưởng rằng công phu đã thuần thục ấy vậy mà mỗi khi dụng võ lại không thể nào áp dụng được, toàn bị địch nhân khống chế… thế là sao? Đấy là còn bệnh [ý còn non nớt, không hóa giải được khi bị địch nhân tấn công – ND], chưa ngộ ra đấy thôi ). Và Vương tiên sinh đề xuất: “Dục tỵ thử bệnh, tu tri âm dương, niêm tức thị tẩu, tẩu tức thị niêm, dương bất ly âm, âm bất ly dương, âm dương tương tế phương vi đổng kình” (muốn khỏi bệnh đó [tức học rồi mà không sao hóa giải đòn thế của địch nhân, không khống chế được địch nhân…] thì phải hiểu dính vào tức là chạy, chạy cũng chính là dính; biết quân bình âm dương, biết tiến thoái, biết cương nhu, biết công thủ… hiểu được lẽ đó chính là đã ngộ được đổng kình vậy.

Như vậy, ta thấy muốn hiểu (懂đổng)được kình lực, nhận biết được kình lực (ngộ 悟) thì phải tăng cường công tác luyện tập, phải khổ công mới có được. Chỉ có khổ luyện mới có thể có thành công, mới thành tài. Đấy là lý do vì sao người đời lại dùng cụm từ“công fu” để ngầm nói về bộ môn võ thuật.
Còn vì sao tập thôi thủ thì có thể nhận biết được đồng kình? Cái này thiển nghĩ Vương tiên sinh cũng đã chỉ rõ “Đổng kình hậu, dụ luyện dụ tinh, mặc nhận sủy ma, tiệm chí tùng tâm sở dục 懂劲后愈练愈精, 默认揣摩, 渐至从人所欲” thiển nghĩ vấn đề cũng đã rõ nên không cần phải giải thích nữa.

2. Vấn đề bạn thắc mắc tại sao các nhà TCQ chỉ có một hay 2 bài quyền trong khi các môn phái khác thì có vài mươi bài…
Xin thưa với bạn rằng do TCQ là một vận động mang tính đặc thù, lấy triết học của khổng lão, kỳ kinh bát mạch, khí huyết tân dịch của Trung y, lấy âm dương, ngũ hành làm nền tảng… nên không phải cứ thích là ai cũng có thể đẻ ra bài quyền được. Mặt khác do quá trình hình thành và phát triển của TCQ cũng chỉ mới vài trăm năm (1. là cuối Nguyên đầu Minh; 2. Minh mạt Thanh sơ) do vậy so với các môn phái võ khác như võ phái Thiếu Lâm chẳng hạn (chùa Thiếu lâm được xây vào thời Hiếu văn Đế nhà Ngụy 496, và tổ sư Bồ Đề Đạt Ma viên tịch vào khoảng năm 536), thì TCQ có ít bài quyền hơn cũng là điều dễ hiểu. Và theo như tôi được biết, nếu chỉ để chiến đấu nhằm bảo vệ mình, bảo vệ an toàn cho ai đó kể cả “nguyên thủ quốc gia” thì có những môn võ không hề có một bài quyền nào !? Nhưng giang hồ, nhất là đám “cô hồn các đảng” nghe đến cũng phải ớn lạnh xương sống ! Giới võ lâm nghe thôi cũng phải dè chừng… đó chính là môn Quyền Anh. Bạn nghĩ thế nào về việc này?.
Do vậy bạn có thể yên tâm, việc TCQ có một vài bài cũng là bình thường nhưng tương lai tôi nghĩ TCQ có thể còn có rất nhiều bài, chẳng hạn như bây giờ, tôi có thể nhớ và biểu diễn thuần thục khoảng vài chục bài TCQ của các hệ phái... Hihi.

Cũng tại câu hỏi này, có một vấn đề nữa là nếu chỉ để tự vệ, tự vệ một cách có hiệu quả thì trong võ thuật có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải tập “thôi thủ” như bạn nghĩ. Chẳng hạn chỉ với 3 đòn đánh (đấm thẳng, móc ngang, móc lên) nhưng Quyền Anh vẫn là một môn võ khiến võ lâm phải nể trọng. Bạn có thấy ngoài đời có ai kẹp được cổ ai bao giờ chưa? Tôi chắc chắn câu trả lời của bạn sẽ là “không”, vậy đã không có tức là “ảo”, “ảo” tại sao người ta vẫn thích tập đến thế… đơn giản là vì nó đẹp.

Bạn thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi một võ sinh (thuộc môn phái khác) ra đòn móc ngang với vận tốc 70 – 100 km/h để tấn công trong khi võ sinh TCQ lại chỉ phòng thủ với tốc độ 5km/h ?

Phép “thôi thủ” trong TCQ cũng vậy. Bạn có thấy ngoài đường có ai đánh nhau lại giơ tay cho người ta bắt, giơ tay cho người ta đẩy bao giờ không? Đã không thì ta cũng tập làm gì cho phí sức, tốn thời gian… đơn giản cũng chỉ vì nó đẹp?

Có thực sự phép “thôi thủ” trong TCQ chỉ là hư danh, không có hiệu quả không? Có 2 điều cần phải hiểu thật tường tận.

- Chúng ta cần phải hiểu, tiền nhân đặt ra phép “thôi thủ” ngoài mục đích dùng để chiến đấu, để tự vệ, để luyện sức bền, sự dẻo dai, đức kiên nhẫn… mục đích chính của “tiền nhân” muốn người môn sinh phải biết “tri kỷ tri bỉ” (biết người biết ta) thông qua quá trình giao thủ (niêm thủ 粘手=dính tay; thôi thủ推手=đẩy tay) mà người võ sinh cảm nhận được kình lực như sự mạnh, sự yếu, nhanh chậm của đối phương để có cách ứng biến một cách linh hoạt, hữu hiệu “nhân cương ngã nhu vị chi tẩu, ngã thuận nhân bối vị chi niêm, động cấp tắc cấp ứng, động hoãn tắc hoãn tùy – TCQ luận” . Thông qua phép đẩy tay, nếu thuần thục ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất về mục đích, về âm mưu ý đồ, phương thức, thủ đoạn của đối phương “人不之我, 我独知人,英雄所向无敌Nhân bất tri ngã, ngã độc tri nhân, anh hùng sở hướng vô địch” (người không biết ta nhưng ta thì quá biết người đấy mới là con đường dẫn đến Thiên hạ vô địch).


http://thaicucthieugia.com/images/stories/picTeacher/dsc01913.jpg
Tập đối luyện

- Phép thôi thủ trong thái cực quyền không chỉ nhằm làm đẹp mắt mà tính thực dụng, tính hiệu quả của nó rất cao nhưng để đạt được thành quả “tứ lạng bạt thiên cân” không phải là công fu một sớm một chiều, và không phải ai cũng có đủ kiên trì, có đức nhẫn nại làm được… mà là cả một quá trình khổ luyện, là sự bền bỉ phấn đấu không biết mệt mỏi, xuyên suốt trong nhiều năm.

Cuối cùng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, theo Thái cực quyền luận của Vương Tông Nhạc: “tùng nhân tắc hoạt, tùng kỷ tắc bệnh” và Vương tiên sinh đề xuất “bản thị xả kỷ tùng nhân, đa ngộ xả cận cầu viễn” (sống là bỏ mình vì người tức mình vì mọi người thế nhưng thương thay, người bây giờ đại đa số lại lầm lỗi khi bỏ chỗ gần mà cầu cái sự ở xa). Xả kỷ tùng nhân (bỏ mình vì người ) Và đặc biệt nhấn mạnh “Bản thị xả kỷ tùng nhân… bỉ bất động ngã bất động, bỉ vi động, ngã tiên động, dĩ kỷ y nhân, vụ yêu tri kỷ” (bản chất là xả kỷ tùng nhân, là nhường nhịn nhưng…

3. Thái cực Thiều gia đánh giá rất cao về kỹ năng chiến đấu tự vệ của võ thuật nói chung và bộ môn Thái cực quyền nói riêng. Chúng tôi quan niệm rằng, để bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất, người võ sinh không những phải nắm vững các kiến thức về võ học, vận dụng linh hoạt quyền cước… mà điều quan trọng người võ sinh phải biết cách triệt tiêu các ý đồ tấn công, xâm phạm tự phía đối phương. Để làm được điều đó, chúng tôi thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho các võ sinh nhận thức sâu sắc về nhân nghĩa lễ trí tín, tránh làm việc bất nghĩa, điều tiếng thị phi; chủ động trang bị cho võ sinh kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, hạn chế những xung đột không đáng có có thể xảy ra…

Do diễn biến về trật tự trị an trong xã hội ngày càng phức tạp, nạn trộm cắp, cướp hiếp ngày càng trở nên công khai và táo tợn. Làm thế nào để đối phó với nạn cướp hiếp, với tình hình bất ổn về an ninh trật tự hiện nay ? Tập cái gì, luyện bộ môn gì để tự bảo vệ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất ???? Là những câu hỏi mà chúng tôi luôn đặt ra và Thiều gia chúng tôi nhận thấy rằng: để bảo vệ mình một cách hữu hiệu trước nạn cướp bóc, chém giết như hiện nay thì Thái cực quyền, phép “Thôi thủ” không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Vẫn biết những lợi ích to lớn đã được minh chứng của TCQ nhưng trong thời điểm “hiện tại”, chúng tôi chỉ coi Thái cực quyền như một liệu pháp quan trọng nhằm kiện thân tráng cốt, dưỡng tính tồn thần…

Trân trọng !.

yingyang
05-12-2012, 04:29 PM
Rất cám ơn võ sư đã để tâm và trả lời cho thắc mắc của yingyang !

Bài viết của võ sư đã giải tỏa thắc mắc đến tận những phần "nghĩa không đen" sâu sắc nhất của hiện trạng Thái Cực Quyền nói riêng và võ thuật nói chung ngày nay, mong bài trả lời này của võ sư có thể được đăng lên mục tin tức của trang chủ thieugiathaicuc.com !

Đặt câu hỏi không dám có ý gì, vì yingyang được thầy (đã học qua Thái Cực Quyền Trần Gia ) dạy cho cách chiến đấu qua Niêm Thủ. Vì vậy lang thang trên mạng và bị thu hút bởi Thiều Gia Võ Phái nên mới xin vào diễn đàn để mong học hỏi thêm mà thôi

Xin cám ơn võ sư !

trai_xu_doai
12-01-2013, 04:28 AM
Đọc bài phân tích trên của võ sư Thiều Ngọc Sơn em nghĩ thầy nói rất chí lý. Đọc thấy rất chiết khúc, thật hay, rất đúng với thực trạng hiên nay ạ.