PDA

View Full Version : Kinh Dịch với Luận Lý Học



ngochai
13-12-2012, 12:12 PM
DỊCH KINH VỚI KHOA LUẬN LÝ HỌC HÌNH THỨC CHÂU ÂU

Dịch Kinh chủ trương Vạn Tượng biến thiên, vô thường, vô định, lại chủ trương mọi sự đều tương đối, Âm biến Dương, Dương biến Âm, cho nên dĩ nhiên Dịch Kinh trái ngược với khoa Luận Lý học hình thức Âu Châu. Luận Lý học hình thức (Logique formelle) vì chủ Tĩnh nên lấy nguyên lý đồng nhất, nguyên lý triệt tam (Principe d’identité et Principe du tiers-exclus) làm căn bản.


Theo những nguyên lý trên thì A=A, B=B

A không thể vừa là A, vừa là B.

Đó là một lối lý luận không đếm xỉa đến thực tại, đến thời gian, đến sức biến hóa của vạn vật.

Dịch Kinh trái lại chủ trương: với thời gian A biến thành B, B biến thành A, phản phúc, tuần hoàn vô cùng tận. Nhìn vào đồ bản Phân cung quái tượng thứ tự ở đầu sách Chu Dịch bản nghĩa, ta thấy quẻ nào biến hóa đến nửa chừng cũng biến thành quẻ đối lập, mãi tới chung cuộc mới phục hồi được nguyên bản. Ví dụ ta lấy quẻ Kiền (Càn), ta thấy nó biến hóa qua 8 giai đoạn như sau:


I : 1/ Kiền 2/ Cấu 3/ Độn

II : 4/ Bĩ 5/ Quan 6/ Bác

III : 7/ Tấn

IV : 8/ Đại hữu


Kiền khí bị tiêu hao dần. Một sự biến thiên điên đảo lớn xảy ra:

1/ Nội quái ở I biến thành ngoại quái ở II

2/ Ở II, ta thấy nội Quái thuần có Khôn. Giai đoạn phục hồi bắt đầu. Ở IV ta lại thấy Nội Quái là Kiền. Như vậy Kiền phục hồi nguyên thể.

Nhìn vào đồ bản Phục Hi lục thập tứ quái phương vị, ta cũng thấy: Kiền biến hóa dần thành Khôn, Khôn lại biến hóa dần thành Kiền.

ngochai
13-12-2012, 12:15 PM
Luận lý học hình thức Âu Châu phân chia Vạn Hữu thành những thực thể đối lập nhau, và chủ trương đã “chống đối thời không thể hòa hiệp được”.

Ngược lại Dịch Kinh chủ trương mọi sự đối lập đều là tương đối, nhất thời, đều có thể hóa giải, trong cái xung khắc, vẫn có những yếu tố hiệp hòa.

Dịch Kinh chủ trương mọi sự trong vũ trụ đều sống động, uyển chuyển, biến thiên, liên tục. Những sự cứng cỏi, ù lì, bất động, gián đoạn là do trí não con người tạo ra. Muốn phô diển sự biến thiên uyển chuyển ấy, Dịch đã chủ trương Quẻ biến hóa, Hào biến hóa, Dương biến hóa, Âm biến hóa, không có gì là cố định trên vòng Dịch cả. Ngay đến thứ tự của 64 quẻ trong bộ Kinh Dịch cũng được xếp theo định luật Biến thiên điên đảo.

Ta thấy quẻ nào cũng có quẻ đối nhau hay là ngược nhau, từng đôi một.

Dịch Kinh chủ trương Âm Dương, trời đất, nam nữ tuy rằng khí chất, tính tình, hình thù ngược nhau nhưng thực ra đều góp phần vào trong một đại cuộc, một viễn đích.
Dịch viết: Trời đất nghịch nhau nhưng cùng chung một việc, trai gái nghịch nhau, nhưng thông cảm nhau bằng ý chí, vạn vật nghịch nhau nhưng đều góp phần công lao vào đại cuộc. Biết tùy thời sử dụng cả hai lực lượng chống đối mới là cao siêu vậy! (Thiên địa Khuê nhi kỳ sự đồng dã. Nam nữ Khuê nhi kỳ chí thông dã. Vạn vật Khuê nhi kỳ sự loại dã. Khuê chi thời dụng đại hỹ tai. Khuê, Thoán truyện)

Tóm lại, nếu ta hiểu Dịch lý, và có một tầm mắt siêu không gian, thời gian, đồng thời bao quát không gian, thời gian, ta sẽ thấy:


- Lý tưởng (Idéal) là thực tại (Réel)

- Tiềm ẩn (Potentiel) là thể hiện (Actuel)

- Tương khắc (Contraires) là tương thừa (Complémentaires).

Nói thế, nghĩa là với thời gian ta sẽ thấy lý tưởng trở thành thực tại, uớc mơ trở thành thực tế, cái gì tiềm ẩn sẽ được hiệp hòa... Một lối nhìn, lối nghĩ chơ vơ không có không gian, thời gian, cũng y như con người không có xác thân, tuổi tác, một dân nước không có hoàn cảnh, lịch sử, là một sự kiện vô nghĩa lý, không thể hiểu được.

ngochai
13-12-2012, 12:17 PM
MỘT SỐ ĐỊNH LUẬN QUAN TRỌNG CỦA DỊCH

Những định luật quan trọng của Dịch là:

a) Định luật biến Dịch tuần hoàn, biến Dịch có chu kỳ, chung nhi phục thủy, vô cùng vô tận, với những định luật phụ thuộc như vãng lai, tụ tán, phản phúc.

b) Định luật Âm Dương tương thôi, Dương biến Âm, Âm biến Dương. Vì có sự biến chuyển Dịch nói trên, gần đây đã được các triết gia Âu Châu đề cập tới dưới hình thức này, hay hình thức nọ. Đã có ít nhiều nhà thiên văn học, triết gia bắt đầu nói đến sự biến Dịch tuần hoàn (loi de l’éternel retour) trong số có Nietzsche và Jean Charles Pichon. Định luật Âm dương tương thôi nhi sinh biến hóa đã trở thành biện chứng pháp của chủ nghĩa Karl Marx, vì biện chứng pháp lấy sự mâu thuẩn, chống đối làm động cơ đẩy và sinh xuất mọi biến thiên. Định luật Âm biến Dương, Dương biến Âm đã được xác định bằng phương trình của Einstein:


E = MC2

(trong đó E là năng lượng

M là khối lượng vật chất

C2 là tốc độ ánh sáng lên bình phương)


Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ