PDA

View Full Version : Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Thánh Nhân của dân tộc



Shaolaojia
24-12-2012, 10:44 PM
Có thể khẳng định:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của Chủ Nghĩa Nhân văn, Anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết, khát vọng độc lập và tinh thần tự tôn của dân tộc Việt.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hiện thân của "Hồn thiêng sông núi", của trí tuệ Việt Nam mà đích xác người chính là nhà tiên tri, vị chí thánh chí nhân của dân tộc Việt.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/DanhNhan/bac.jpg

Chủ Tịch Hồ Chí Minh hiện thân của chủ nghĩa nhân văn, anh hùng cách mạng...



(PL&XH) - Mỗi độ xuân về, người dân Việt Nam nhớ Bác Hồ - qua những vần thơ chúc Tết của Người. Trong thế kỷ 20, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tên Người không chỉ vĩ đại đối với dân tộc Việt Nam mà còn vang danh khắp năm châu bốn biển.

Hàng năm, mọi đình, đền, miếu mạo thờ Đức Thánh Tản Viên đều tổ chức lễ hội, nhưng được tổ chức với quy mô lớn vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu (âm lịch), các tên gọi này cũng là tên gọi các tháng giữa bốn mùa. Tháng Tý là giữa mùa Đông thì tháng Ngọ là giữa mùa Hè; tháng Mão là giữa mùa Xuân và tháng Dậu là giữa mùa Thu. Đó là quy luật của trời đất, tâm linh của vạn vật theo Ngũ hành tương sinh (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ), linh khí của đất trời tạo hóa.


http://plxh.vcmedia.vn/3NCUx6SWmxMOl0W3fVRqKDA4wvoAn/Image/2011/12/1_51998.JPG
Bác Hồ với đồng bào, cán bộ, bộ đội tại Thuận Châu ngày 7-5-1959

Điểm lại những mốc son lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, trùng hợp với điều này: Năm 1930 (năm Canh Ngọ) - Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Năm 1945 (năm Ất Dậu) - Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1954 (năm Giáp Ngọ) - Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Chấn động địa cầu" lập lại hòa bình ở Việt Nam. Năm 1960 (năm Canh Tý - Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tạo bước ngoặt thế và lực cho cách mạng bước sang giai đoạn mới. Năm 1972 (năm Nhâm Tý) với chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" quật ngã "Pháo đài bay B52" trên bầu trời Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris. Kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt hơn 30 năm là cuộc Tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975 (năm Ất Mão). Đó là những mốc thời gian kỳ diệu của cách mạng Việt Nam, đều rơi vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu! Đôi điều quy luật trong thời đại Hồ Chí Minh đã minh chứng cho dân đất Việt thờ Thánh Tản Viên trong tứ niên: Tý - Ngọ - Mão - Dậu quả là điều kỳ diệu.

Tại những thời khắc quyết liệt đầy cam go của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán trước mọi tình thế của cách mạng. Nhớ lại xuân Nhâm Ngọ (năm 1942) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trường ca "Lịch sử nước ta" với 236 câu lục bát, cuối tác phẩm có mục ghi những mốc lớn trong lịch sử dân tộc, trong đó có dòng chữ tiên đoán: "Năm 1945 (năm Ất Dậu) - Việt Nam độc lập".

Trong cuốn sách “Nam Đàn xưa và nay” đã phân tích về một sự kiện kỳ lạ: "Tại cuốn Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Đương Lịch, viết vào cuối thế kỷ 18 có nhắc đến câu sấm truyền... "Độn sơn phân giới... Nam Đàn sinh thánh". Học trò của cụ Phan Bội Châu lúc đó đã hỏi: "Nam Đàn sinh thánh" có phải ứng vào thầy không? Cụ Phan đã giải thích: "Câu sấm truyền ấy có ứng thì là Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này)". Ngay sau Cách mạng tháng Tám, cụ Huỳnh Thúc Kháng khi đó là Phó Chủ tịch nước, có thời gian ngắn làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khâm phục trí tuệ siêu phàm, tâm linh thấu thiên cơ của Người: "Tầm con mắt trong cao tột bậc, nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhận định, đánh giá tầm nhìn đi trước thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: "Người thường kể với chúng tôi, dự đoán tương lai. Người nói, chừng 4 hay 5 năm nữa, cách mạng Việt Nam sẽ thành công...". Ngay đánh giá "Thế và Thời" trong khởi nghĩa giải phóng dân tộc, theo quan điểm Hồ Chí Minh đó là "vận nước". Bởi "Đại sự muốn thành công phải nhờ "vận nước"! Ngay cả thời điểm trước lúc ra đi, Người đã để lại cho toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta những lời tiên tri trong những vần thơ chúc Tết năm 1969 (năm Kỷ Dậu), để 6 năm sau, đúng năm 1975 (năm Ất Mão) đã trở thành hiện thực:


"Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!".

Người dự đoán thật chính xác: Đánh cho Mỹ cút năm 1973 thì Ngụy ắt phải nhào, phải sụp đổ tan tành năm 1975.

Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong tâm linh của Người khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của các di tích, danh lam thắng cảnh và các vùng đất linh thiêng của Tổ quốc, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 về "Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá hủy đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng, mộ, chiếu sắc, văn bằng... có ích cho lịch sử". Và, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự thảo, được Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) - Văn bản quan trọng nhất, thể chế hóa đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Suốt cả cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn đến thăm những di tích thiêng liêng của đất Việt như đền Hùng, chùa Hương Tích, chùa Côn Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, di tích Cổ Loa thành, chùa Trầm... Người luôn luôn trân trọng giá trị tâm linh. Ngày hòa bình mới được lập lại, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành kính lễ Phật Bà Quan Thế Âm khi về chùa Hương Tích hay khi cùng vua Lào (sang thăm Việt Nam năm 1963) đến lễ Phật tại chùa Quán Sứ.


http://plxh.vcmedia.vn/3NCUx6SWmxMOl0W3fVRqKDA4wvoAn/Image/2011/12/12345_7528c.JPG

Đó là sự kế tục dòng chảy văn hóa tâm linh đất Việt. Các đời vua, các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều sớm tìm đến vùng đất thiêng nhằm khởi phát để nối mạch thông linh: Thiên - Địa - Nhân, tạo thế trường tồn cho đất nước, cho muôn đời con cháu mai sau.

Khi đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý tới khu linh thiêng K9- Đá Chông, Ba Vì. Theo quan điểm của triết học phương Đông, bình địa rộng lớn của K9 là nơi tổng hòa các yếu tố linh thiêng quy tụ. Bởi, trước mặt là sự giao thoa của 3 dòng: Sông Đà, sông Thao và sông Hồng; sau lưng dựa núi Tản Viên, hai bên tả, hữu triền núi thoai thoải, nước sông Đà "trường lưu thủy" chảy từ tả sang hữu (trái sang phải) hội hợp về biển lớn đúng với cái thế "Tiền cận Giang - Hậu tựa sơn" (trước là sông, lưng tựa núi). Thế đất của K9 là "thế tay ngai", hội tụ phát tích linh khí, nằm trong năm vùng địa linh tuyệt diệu của đất Việt. Vì vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ bảo vệ K9 không được chặt cây, phá đá, phải giữ nguyên các quần thể, từng khối đá trụ nơi đây.

Người đã đi xa 43 năm, để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào, đồng chí cả nước. Tại nhiều đình, đền, miếu, chùa và nhiều gia đình đã lập bàn thờ tỏ lòng thành kính với Người. Đất nước vào xuân, đôi điều tâm linh trong tư tưởng Hồ Chí Minh như một giá trị vô giá trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trí Hải

Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu

ngochai
25-12-2012, 10:44 AM
Một bài phân tích tuyệt hay với góc nhìn độc đáo. Quả là đã khai nhãn cho kẻ hậu học rất nhiều.