PDA

View Full Version : Ly kỳ về tiền kiếp của vua...



trai_xu_doai
18-03-2013, 05:06 PM
Minh Thần Tông

http://thienphatgiao.files.wordpress.com/2013/01/116.jpg
Minh Thần Tông (1572 - 1620)



Minh Thần Tông (1572-1620) tên thật là Chu Dực Quân, hoàng đế thứ 13 của triều Minh (Trung Quốc). Trong sử sách hiện lưu truyền một câu chuyện kỳ lạ về tiền kiếp của ông tại một ngôi chùa ở làng Bóng, xứ Đông của nước Đại Việt.


http://img1.ngoisao.vn/news/2012/2/23/49/CDV222tuong20Le20Thanh20Tongjpg1329961044.jpg
Vua Lê của Đại Việt
http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/chudiepquynh/012013/31/11/tr66_1.jpg
Một buổi thiết triều

Thời vua Lê Kính Tông (1599-1619) và chúa Trịnh Tùng (1570-1623), năm ấy, triều đình cử một đoàn sứ bộ sang nước Minh; Nguyễn Tự Cường (1570-?), Tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1604) được bổ làm Chánh sứ. Khi ở phương Bắc, vị sứ thần nước Việt đã vô cùng kinh ngạc khi được biết một câu chuyện ly kỳ do chính vua Minh Thần Tông kể.
Bấy giờ, sau khi thực hiện các nghi thức và công việc ngoại giao, lúc vào cung bái yết Hoàng đế, Minh Thần Tông bỗng hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường rằng: “Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu hay không?”. Nguyễn Tự Cường đáp là không biết, ông băn khoăn tự hỏi không rõ vua Minh muốn biết đến ngôi chùa đó làm gì.

http://phunutoday.vn/dataimages/201205/original/images697695_TrinhTung_Phunutoday.vn.jpg
Chúa Trịnh Tùng

Thấy vẻ mặt đăm chiêu của viên Chánh sứ, Minh Thần Tông nhân đó mới nói với Nguyễn Tự Cường rằng: “Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị Thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào”. Nguyễn Tự Cường thưa: “Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là kiếp sau của Thiền sư Trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được”.

Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới.
Ngôi chùa đó chính là chùa Bóng tên chữ là Quang Minh Tự, vì xây dựng trên đất làng Bóng nên có tên dân gian như vậy; nơi đây thuộc địa phận xã Hậu Bổng, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Theo các thư tịch cổ như Lĩnh Nam chích quái, Công dư tiệp ký, Đại Nam nhất thống chí…, chùa được khởi công xây dựng vào cuối thời Trần. Ban đầu có quy mô nhỏ, nhưng qua nhiều đời được trùng tu, mở rộng và được coi là một trong những ngôi chùa đẹp. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc có ngàn cây xanh biếc, bốn mặt nước trong, xa xa phía trước có đường cái chạy qua và có dòng sông bao bọc, thật xứng đáng là một thắng cảnh của thiền lâm”.
Chùa Bóng không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp mà còn được biết đến bởi có nhiều vị cao tăng đạo hạnh, có công lao hoằng dương Phật pháp, trong đó, có Thiền sư Huyền Chân (còn gọi là Thiền sư Bật Sô). Theo Quang Minh tự sự tích cho hay, Thiền sư Huyền Chân người làng Hàm Nghi, xã Danh Hương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình) thế danh là Đức, sinh và mất năm nào chưa rõ.
Tương truyền rằng khi đã về già, một hôm, Thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà (Amitabhâ) đến nói cho biết rằng: “Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc”.
Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với đệ tử của mình và dặn: “Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu”. Các đệ tử đều lắng nghe, ghi nhớ và về sau làm theo đúng ý của Thiền sư Huyền Chân.
Vậy là qua tìm kiếm, triều đình nhà Lê không chỉ biết được ngôi chùa Quang Minh mà còn khám phá ra một câu chuyện lạ về tiền kiếp của ông vua nước láng giềng phương Bắc. Sau đó, nhà Lê cho lấy nước giếng của chùa Quang Minh đem sang biếu Minh Thần Tông. Minh Thần Tông liền dùng nước ấy để rửa thì quả là rất hiệu nghiệm, lấy làm vui mừng vì thế đã sai gửi 300 lạng vàng thưởng cho Nguyễn Tự Cường. Tự Cường liền đem toàn bộ số vàng này cúng cho chùa Quang Minh để lo việc trùng tu.
Sau này Nguyễn Tự Cường làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Xuân Quận công; khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo.

Theo baodatviet.vn

trai_xu_doai
18-03-2013, 05:25 PM
Tại sao vua Lê Kính Tông phải thắt cổ tự vẫn?

https://lh5.googleusercontent.com/-l_yosnBxU-4/UUbqkf84YoI/AAAAAAAAA4o/C7Zaysbus_k/s612/Sung+Phuc+Tu.jpg
Kiến trúc chùa triền thời Lý Trần

Trước sự lộng quyền của Chúa Trịnh, Vua Kính Tông không chịu nổi, bèn cùng với con Trịnh Tùng - là Trịnh Xuân mưu giết ông. Việc bại lộ, Trịnh Tùng bức vua thắt cổ chết.

Sử sách chép rằng, đó là ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1619). Lê Kính Tông, vị vua thứ năm của nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi được 19 năm, thọ 32 tuổi.

Tại sao vua Lê Kính Tông phải thắt cổ tự vẫn?


https://lh3.googleusercontent.com/-WRj666-fS7Y/UUbql5mf2AI/AAAAAAAAA5E/KhzsN77weBk/s800/vua+Le.jpg
Vua Lê (Ảnh minh họa)

Vua Kính Tông huý là Duy Tân, là con thứ của Thế Tông. Khi Vua Thế Tông băng hà, Bình An Vương Tịnh Tùng cùng với triều thần cho rằng, thái tử (anh của Duy Tân) không thông minh, bèn lập con thứ - tức Duy Tân, khi đó mới 11 tuổi. Duy Tân được triều thần đưa lên ngôi ngày 27 tháng 8 năm Kỷ Hợi (1599), đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Ðức, lấy năm Canh Tý (1600) làm năm Thuận Ðức thứ nhất.

Từ thấm thía vai trò "Vua bù nhìn"...

Nhà Hậu Lê từ khi Trung Hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi vua, nhưng quyền chính trị nằm cả trong tay họ Trịnh. Cụ thể, khi tàn dư họ Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, vua Thế Tông (cha của Lê Kính Tông) phong cho Trịnh Tùng làm Bình An Vương. Ông bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị quy mô của vị chúa nắm thực quyền, cho lập phủ liêu riêng, gồm đủ cả lục phiên tương đương với lục bộ của triều vua. Phủ chúa toàn quyền đặt quan, thu thuế, bắt lính. Con của Chúa Trịnh cũng được quyền thế tập gọi là Thế tử. Vua chỉ có mặt trong những dịp lễ lạc hoặc khi tiếp sứ Tàu. Từ đấy, bắt đầu một thời kỳ "Vua Lê - Chúa Trịnh".

Lại nói về Lê Kính Tông, khi vừa lên ngôi được vài ngày, nhà vua được Trịnh Tùng gả ngay con gái là Trịnh Thị Ngọc Trinh. Cuộc hôn phối diễn ra êm đẹp và cặp vợ chồng cũng rất hạnh phúc. Tuy nhiên, vì hàng chục năm trời ngồi trên ngai vàng hư vị, nhà vua dần lớn lên, càng thấm thía với vai trò "bù nhìn" của mình: mọi việc đều do Chúa Trịnh quyết; nhà vua không được bàn bạc, thậm chí cả những chỉ dụ cũng do họ thảo ra, đóng dấu vào và nhà vua chỉ có việc phê nét bút son... Vì thế, Vua Kính Tông thấy mình phải giành được thực quyền.

Vào thời điểm đó, xung quanh nhà vua, không có ai có thể giúp đỡ. Những vị quan to, quan nhỏ trong triều, đều ở dưới quyền và tận tụy phục vụ Chúa Trịnh. Sau đó, Lê Kính Tông nhận ra những mâu thuẫn trong các con của Trịnh Tùng. Vua thấy rõ Trịnh Xuân đang khao khát quyền hành, không những muốn tranh giành với anh, mà ngay cả với cha, cũng sẵn sáng gạt đi không kiêng nể.

Thế là, Vua Kinh Tông và Trịnh Xuân đã hợp tác với nhau và lập kế hoạch: Vào giữa tháng 4 năm Kỷ Mùi (1619), ở kinh đô sẽ tổ chức cuộc đua thuyền mời vua chúa và các quan tham dự. Chúa Trịnh Tùng thế nào cũng đi. Theo thói quen, ông sẽ cưỡi voi có nhiều quan quân hộ tống ra bến Đông Hà, cho một thích khách ở nơi kín đáo, nổ súng giết ngay tại chỗ thì cơ hội thành công sẽ rất cao...

... Đến giành lại quyền hành và bị bức tử

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "... Khi về, thường Chúa cưỡi voi. Hôm ấy, Chúa thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và thị vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba, có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Vội sai truy bắt, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng, đem về phủ tra hỏi, y khai là nhà vua và Vạn quận công Trịnh Xuân sai làm. Chúa sai Trấn quận công Trịnh Lâm và Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào điện xét hỏi tả hữu, thì biết hết sự trạng".


https://lh3.googleusercontent.com/-uRD8mMgGp-g/UUbqkT2zP_I/AAAAAAAAA4k/qtQ3IOTSEiw/s500/Ch%C3%BAa+Tr%E1%BB%8Bnh.jpg
Vua Lê_Chúa Trịnh (ảnh minh họa)

Ngày 12 tháng 5, Chúa ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan. Chúa thân bưng mâm vàng trầu cau bước ra, khóc mà nói: "Thời kỳ họ Mạc, nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về, sáng lập triều đình. Tôi tôn phò ba triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã bảy mươi. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này...".

Các triều thần văn võ ai cũng phẫn uất. Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì đều kiên quyết nói: "Con bất hiếu thì phải giết, vua vô đạo thì phải phế" và xin cho Xuân được tự tử. Chúa nói: "Đây là việc lớn, các ông chớ nên khinh suất". Nguyễn Danh Thế xin bắt Trịnh Xuân, bãi hết quan tước, binh quyền, giam vào nội phủ. Chúa nghe theo. Giết nghịch đảng là bọn Văn Đốc.

Vua Kính Tông xấu hổ, nói với hoàng hậu: "Ta còn mặt mũi nào mà gặp vương phụ nữa", bèn tự thắt cổ, rồi băng hà. Chúa nghe tin, nên sớm hôm sau gọi các bề tôi vào nói: "Tai biến của trời không phải vô cớ mà sinh ra, không ngờ nay lại thấy việc này. Nên làm sao bây giờ?". Các quan đều nói: "Thánh thượng chí đức. Nhà vua làm điều vô đạo, tự dứt với mệnh trời, thì lễ tang tế nên tước giảm bớt đi". Chúa bảo: "Lòng ta không nỡ".

Chúa vẫn dùng lễ đối với vua Lê Kính Tông, nhưng không đưa vào thờ ở thái miếu mà lập một điện riêng để thờ cúng, dâng thuỵ là Giản Huy Đế...

Theo Báo Đất Việt