PDA

View Full Version : Mưu Trí Người Xưa...



thieugia
24-05-2013, 10:37 PM
1. Án Anh Đi Sứ nước Sở...


Án Anh (tiếng Trung: 晏嬰; bính âm: yàn yīng; Wade-Giles: Yen Ying) tự Bình Trọng là một nhân vật lịch sử sống và làm quan hai triều vua Tề Trang công và Tề Cảnh công thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng trí tuệ thông minh và là một vị quan tài ba của nước tề.

Khi Án Anh đi sứ nước Sở, Sở vương muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày nhiều trò để hạ nhục ông. Nhưng Án Anh bằng tài trí thông minh đã tõ rõ tiết tháo của kẻ trung thần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vua giao, giữ gìn được quốc trước mặt chư hầu. Ông xứng đáng là chính trị gia có tài kinh bang tế thế, nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/DanhNhan/danh_tuong/n%20anh%20%20i%20x.jpg
Án Trọng Tử

Nước Sở cường thịnh, chư hầu đều có ý sợ hãi, sai sứ đến triều cống. Quan đại phu nước Tề là Án Anh (tên tự là Bình Trọng) phụng mệnh Tề Cảnh công sang sứ nước Sở. Sở Linh vương bảo triều thần rằng:

– Án Anh mình không đầy năm thước, mà chư hầu đều khen là người giỏi. Nay các nước chỉ có Sở ta là cường thịnh hơn cả, ta muốn làm cho Án Anh phải sỉ nhục, để nâng cao cái uy của nước Sở, các ngươi thử nghĩ xem có kế gì ?

Quan thái tể là Viễn Khải Cương mật tâu rằng:

– Án Anh là người tài ứng đối, tất phải dùng nhiều cách mới sỉ nhục được hắn.

Viễn Khải Cương liền đem mưu kế nói với Sở Linh vương. Sở Linh vương nghe lời. Đêm hôm ấy, Viễn Khải Cương đem quân ra khoét một cái lỗ nhỏ ở bên cửa đông, vừa vặn độ năm thước, rồi truyền cho quân canh cửa, đợi khi nào sứ nước Tề đến thì đóng chặt cửa giữ lại, rồi bảo chui qua cái lỗ nhỏ ấy mà vào. Được một lúc, Án Anh mặc áo cừu rách, đi cái xe xấu và con ngựa gầy, đến cửa đông, trông thấy cửa thành đóng, liền dừng xe lại, sai người gọi cửa. Quân canh cửa trỏ vào cái lỗ nhỏ ở bên cạnh mà bảo Án Anh rằng:

– Ngài đi qua cái chỗ ấy, cũng rộng rãi chán, cần gì phải mở cửa!

Án Anh nói:

– Đó là chỗ chó chui, chứ không phải chỗ người đi. Có sang sứ nước chó thì mới vào cửa chó, chứ sang sứ nước người thì tất phải đi cửa người.
Read More

Quân canh cửa đem lời nói ấy phi báo với Sở Linh vương. Sở Linh vương nói:

– Ta muốn giỡn hắn, ai ngờ lại bị hắn giỡn lại!

Nói xong truyền mở cửa thành cho Án Anh vào. Án Anh vào trong thành, thấy có một toán xa kỵ, người nào cũng to lớn lực lưỡng và rậm râu, tay cầm một ngọn giáo thật dài, trông như vị thiên thần, đến đón Án Anh, có ý muốn tỏ rõ Án Anh là người thấp lùn bé nhỏ, Án Anh nói:

- Ta sang sứ hôm nay là vì việc giao hiếu, chứ không phải là muốn gây việc chiến tranh, dùng làm chi những kẻ vũ sĩ ấy!


http://thaicucthieugia.com/images/stories/DanhNhan/danh_tuong/001.jpg
Án Trọng Tử đi sứ nước Sở

Án Anh nói xong bão vũ sĩ đứng ra một bên, rồi giục xe thẳng tới cửa triều. Ngoài cửa triều có hơn mười viên quan, đều mũ cao áo dài, đứng sắp hàng hai dãy. Án Anh xuống xe, chắp tay vái chào. Trong hàng các quan, có một viên trẻ tuổi hỏi Án Anh rằng:

– Ngài có phải là Án Bình Trọng, người ở đất Di Duy (tức là Lai Địa) đó không Án Anh nhìn xem ai thì tức là con Đấu Vi Qui, tên gọi Đấu Thành Nhiên, hiện đang làm quan Giao doãn . Án Anh đáp rằng:

– Phải! chính tôi đó! chẳng hay ngài định dạy điều gì ?

Đấu Thành Nhiên nói:

– Nước Tề, kể từ đời Thái công thuở xưa, vốn là một nước cường thịnh, sao từ khi Hoàn công mất đi rồi, trong nước nhiều loạn, tranh cướp lẫn nhau, hết bị Tấn đánh, lại bị Tống đánh. Vua Tề ngày nay, cũng chẳng kém gì Hoàn công, mà cái hiền đức của ngài phỏng có thua gì Quản Trọng (tức là Quản Di Ngô), sao ngài không biết giúp vua Tề để chấn hưng cơ nghiệp cũ, mà chịu cúi đầu thờ nước lớn như đám nô bộc, thật tôi không hiểu ra làm sao!

Án Anh đáp rằng:

– Có biết thời thế mới gọi là tuấn kiệt, có thông cơ biến mới gọi là anh hào. Từ khi nhà Chu suy, Tề và Tấn làm bá chủ ở Nam Man, dẫu bởi có nhân tài, nhưng chẳng qua cũng là do khí vận. Kìa như Tấn Tương công và Tần Mục công cường thịnh biết bao mà sau cũng phải hèn yếu; nước Sở từ khi vua Trang vương mất đi, cũng thường bị quân Tấn và quân Ngô đến đánh, cứ gì một nước Tề! Chúa công tôi hiểu lẽ ấy, cho nên vẫn luyện tập quân mã để đợi thời; nay sai tôi sang đây là theo lễ giao hiếu với lân quốc, sao gọi là nô bộc được ? Ngài có phải là dòng dõi Tử Văn đó không ? Tử Văn khi xưa là một bậc danh thần ở nước Sở, biết thời thế, thông cơ biến, mà sao lời nói của ngài nghe trái với Tử Văn nhiều lắm!

Đấu Thành Nhiên thẹn đỏ mặt lên, cúi đầu lui ra. Được một lúc, trong hàng bên tả lại có người hỏi Án Anh rằng:

- Án Bình Trọng tự phụ là người biết thời thế, thông cơ biến, nhưng trong khi Thôi Chữ và Khánh Phong nổi loạn, thì triều thần nước Tề, từ Giải Cử trở xuống, bao nhiêu người tử tiết, Trần Văn Tử cũng bỏ cả cơ nghiệp mà đi. Ngài là thế gia nước Tề, đã không dám đánh giặc, cũng không biết tử tiết, còn bo bo giữ lấy danh vị làm chi!

Án Anh nhìn xem ai thì tức là quan thượng đại phu nước Sở, tên gọi Dương Mang, tên tự là Tử Hà. Án Anh đáp rằng:

- Người có tiết lớn thì không cần những điều nhỏ mọn, người biết lo xa thì không nghĩ đến những sự tầm thường. Ông vua vì nước mà chết thì bề tôi nên chết theo, nay vua Trang công tôi không phải vì nước mà chết, những người chết theo, toàn là vì tình riêng, tôi dẫu hèn mạt, có đâu dám liều chết để mua lấy cái hư danh ấy! Vả bề tôi gặp lúc trong nước có nạn không thể làm gì được thì mới nên bỏ đi, tôi không đi là để lập vua mới mà giữ lấy nước, chứ có phải là vì tham danh vị đâu ? Nếu ai cũng đi cả thì việc nước còn trông cậy nỗi gì! Huống chi việc biến loạn, nước nào chẳng có, ngài chắc các quan triều thần nước Sở đều là những người một lòng tử tiết cả hay sao ? Sao ngài chỉ biết trách người mà không biết trách mình ?

Dương Mang nín lặng không đáp được nữa. Bỗng thấy trong hàng bên hữu lại có một người ra hỏi Án Anh rằng:

– Ngài nói là ngài muốn lập vua mới để giữ lấy nước, câu nói ấy có ý khoe khoang quá! Trong khi họ Thôi và họ Khánh giết nhau, họ Trần và họ Bão tranh quyền nhau, chẳng thấy ngài có mưu kế gì lạ cả, nếu quả ngài có lòng báo quốc thì sao lại như thế!

Án Anh cười mà nói rằng:

– Ngài biết điều ấy, nhưng chưa biết điều khác! lúc bấy giờ, tôi ở liền bên cạnh chúa công, tôi bày mưu lập kế, để giữ yên nước nhà, những kẻ bàng quan tài nào mà biết rõ được ?

Trong hàng bên tả lại có một người ra bảo Án Anh rằng:

– Đại trượng phu gặp thời, đã có đại tài lược, tất có đại qui mô! Tôi xem ra thì ngài khó lòng mà tránh khỏi được cái tiếng bỉ lận.

Án Anh nhìn xem ai thì là quan thái tể nước Sở tên gọi Viên Khải Cương. Án Anh nói:

- Tại sao ngài lại biết là tôi bỉ lận ?

Viễn Khải Cương nói:

- Thân danh ngài làm tướng quốc thì mũ áo và xe ngựa, tưởng cũng nên trang sức để tỏ cái ân huệ của vua, cớ sao lại mặc áo cừu rách, cưỡi con ngựa gầy, mà đi xứ nước ngoài như vậy, chẳng lẽ lương ăn không đủ hay sao ? Tôi nghe nói cái áo cừu của ngài, may từ thuở bé, đã ba mươi năm nay không thay; mà mỗi khi tế lễ, ngài dùng con lợn nhỏ quá, đến nỗi vai lợn không chật mâm, như thế không phải bỉ lận là gì!

Án Anh vỗ tay cười rầm lên mà nói rằng:

– Sao kiến thức của ngài thiển cận như vậy! Tôi từ khi làm tướng quốc đến giờ, suốt trong họ hàng nhà tôi đều được mặc áo đẹp, ăn miếng ngon, không ai phải đói rét; những nguời hàn sĩ nhờ tôi mà được ấm no, cả thẩy đến hơn bảy mươi nhà, thế thì muốn tỏ cái ân huệ của vua, còn gì bằng điều ấy!

Án Anh nói chưa dứt lời thì trong hàng bên hữu lại thấy có một người trỏ tay vào mặt Án Anh mà cười vừa nói:

- Tôi nghe nói vua Thành Thang mình cao chín thước là bậc hiền vương, Tử Tang sức địch muôn người là bậc danh tướng. Nay ngài mình thấy không đầy năm thước, sức yếu không tròi nổi một con gà, chỉ nghề bẻo lẻo mồm miệng, tự phụ là tài giỏi, tôi tưởng nên lấy làm xấu hổ lắm mới phải!


http://thaicucthieugia.com/images/stories/DanhNhan/danh_tuong/chin%20quc.jpg
Nước Tề (nằm phía Đông Bắc) trong thời Xuân thu - Chiến quốc


Án Anh nhìn xem ai thì tức là cháu công tử Chân, tên gọi Nang Ngoã, tên tự là Tử Thường, hiện đang làm chức Xa hữu. Án Anh tủm tỉm cười mà đáp rằng:

– Tôi nghe nói cái quả cân dẫu nhỏ, bao giờ cũng đè được nghìn cân; cái chèo dẫu dài, bao giờ cũng ngâm ở dưới nước. Trương Địch người cao mà bị giết ở Lỗ, Nam Cung Trường vạn sức khỏe mà bị giết ở Tống; túc hạ mình dài sức khỏe, có lẽ cũng giống hai người ấy. Tôi biết thân không có tài cán gì, nhưng hỏi thì phải nói, sao ngài lại chê là bẻo lẻo mồm miệng ?

Nang Ngoã không biết nói thế nào nữa. Bỗng nghe báo cáo quan lệnh doãn và Viễn Bái đến. Các quan đều sắp hàng đứng đợi. Ngũ Cử mời Án Anh vào triều, rồi bảo các quan đại phu rằng:

- Án Bình Trọng là hiền sĩ nước Tề, sao các ngài lại nói quá như vậy ?

Được một lúc Sở Linh vương ra ngự triều. Ngũ Cử đưa Án Anh vào yết kiến. Sở Linh vương trông thấy Án Anh liền hỏi rằng:

– Quái lạ ! Nước Tề quả thật là thiếu người hay sao ?

Án Anh nói:

– Người nước Tề tôi, hà hơi thì thành ra mây, vẩy mồ hôi thì thành ra mưa, đi thì phải chen vai, đứng thì phải chen chân, sao gọi là thiếu người ?

thieugia
24-05-2013, 10:44 PM
Án Anh đi sứ nước Sở

** Tiếp theo


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anhminhoa/dsc03861.jpg
Án Anh nước Tề thời Xuân Thu

Sở Linh vương nói:

– Thế thì sao lại sai tiểu nhân sang sứ nước ta ?

Án Anh nói:

– Nước tôi vẫn có lệ: người hiền sang sứ nước hiền, người ngu sang sứ nước ngu, đại nhân sang sứ đại quốc, tiểu nhân sang sứ tiểu quốc. Tôi là tiểu nhân, bất tài bất đức, vậy mới phụng mệnh sang sứ nước Sở.

Sở Linh vương nghe nói có ý hổ thẹn, nhưng trong lòng lấy làm lạ. Gặp bấy giờ có người ở ngoại thành đem dâng hộp hoan quất (quít). Sở Linh vương cầm ngay một quả đưa cho Án Anh. Án Anh cắn ăn cả vỏ. Sở Linh vương vỗ tay cười ầm lên mà bảo rằng:

– Người nước Tề dễ thường không ăn quít bao giờ ! Cớ sao lại không bóc vỏ ?

Án Anh nói:

– Cứ theo trong lễ thì vua đưa cho quả gì, bề tôi cũng không được bóc võ mà quẳng đi. Nay đại vương đưa cho tôi, cũng như là chúa công tôi đưa cho tôi vậy. Đại vương không truyền cho bóc vỏ, nên tôi phải ăn cả.

Sở Linh vương bất giác kính phục, mời ngồi uống rượu . Được một lúc, có ba bốn võ sĩ giải một tên tù đi qua dưới thềm. Sở Linh vương nói:

– Tên tù ấy người ở đâu ?

Võ sĩ tâu:

- Người nước Tề.

Sở Linh vương hỏi:

- Phạm tội gì ?

Võ sĩ tâu:

– Tội ăn trộm .

Sở Linh vương ngoảnh lại bảo Án Anh rằng:

– Người nước Tề dễ thường quen tính ăn trộm hay sao!

Án Anh biết là Sở Linh vương cố ý bày ra chuyện ấy để chế nhạo mình, mới đáp lại rằng:

– Tôi nghe nói giống quít ở xứ Giang Nam, đem sang trồng ở xứ Giang bắc thì hóa ra chua, là tại thổ nghi không giống nhau. Nay người nước Tề, khi ở nước Tề thi không ăn trộm, khi sang Sở thì hóa ra ăn trộm, thế là tại thổ nghi nước Sở, chứ có tại gì người nước Tề!

Sở Linh vương nín lặng hồi lâu rồi nói rằng:

– Ta định chế nhạo nhà ngươi, chẳng ngờ lại bị nhà ngươi chế nhạo!

Bèn tiếp đãi Án Anh rất trọng thể, cho đến khi về nước Tề .

******************************
Tp. Hồ Chí Minh ngày 24.5.2013
Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu

thieugia
24-05-2013, 11:37 PM
2. Thái Trạch Khích Phạm Thư


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anhminhoa/dsc03864.jpg
Thái Trạch thuyết khách Phạm Thư


Thái Trạch hiệu là Cương Thành Quân, mũi hếch, vai lồi, mặt to, sống mũi tẹt, đầu gối cong, người nước Yên. Đi du thuyết nhiều nước đều không thành công. Năm 43 đời Tần Chiêu Vương (264 tcn), biết thừa tướng nước Tần là Phạm Thư lo sợ vì tiến cử phải những người làm phản, nên ông sang Tần. Thái Trạch khích Phạm Thư, thế là 2 nhà thuyết khách thi tài với nhau. Cuối cùng Phạm Thư phát hiện ra tài của Thái Trạch, ông tiến cử Thái Trạch với Tần Chiêu Vương thay mình làm thừa tướng. Thái Trạch làm thừa tướng mấy tháng, có người gièm, sợ bị giết ông cáo bệnh trả ấn thừa tướng nhưng vẫn ở Tần hơn mười năm, Thờ Chiêu Vương, Huệ Văn Vương, Trang Tương Vương và Tần Thuỷ Hoàng.Thái Trạch là người nước Yên, đi du học, xin làm quan ở các nước lớn, lại đến nước nhỏ chẳng được ai dùng, bèn đến nhờ Đường Cử xem tướng. Thái Trạch nói:

- Tôi nghe tiên sinh xem tướng cho Lý Đoái, nói: "Nội trong năm ngày sẽ cầm quyền cả nước", điều đó có không?

- Có

- Như tôi thế nào?

Đường Cử nhìn chăm chú rồi cười mà nói:

- Tiên sinh mũi hếch, vai lồi, mặt to , sống mũi tẹt, đầu gối cong. Tôi nghe nói "thánh nhân không thể lấy chuyện tướng mạo mà nói được", có lẽ tiên sinh là người như thế chăng?

Thái Trạch biết Đường Cử trêu mình, bèn nói:

- Việc giàu sang thì tôi đã có sẵn rồi, chỉ chưa biết có sống lâu hay không. Tôi muốn biết điều đó.

Đường Cử nói:

- Tiên sinh thọ từ giờ trở đi là 43 năm.

Thái Trạch cười từ giã ra đi, bảo người đánh xe:

- Ta ăn gạo ngon, thịt béo, ruổi ngựa đi nhanh, mang ấn vàng, lưng buộc dây ấn màu tía, vái chào trước mặt nhà vua, giàu sang thì bốn mươi ba năm cũng đủ.

Thái Trạch sang Triệu bị Triệu đuổi, sang Hàn, Ngụy trên đường đi bị người ta cướp mất nồi, chảo. Nghe nói Ứng Hầu dùng Trịnh An Bình, Vương Kê, đều phạm tội nặng với nước Tần, trong bụng Ứng Hầu có ý thẹn, Thái Trạch bèn đi sang phía Tây vào Tần.

Khi sắp ra mắt Chiêu Vương, Thái Trạch sai người phao tin để khích cho Ứng Hầu giận:

- Có người khách nước Yên tên là Thái Trạch là người biện sĩ kiến thức siêu việt, biện luận tài giỏi, khôn ngoan khác thường, anh ta nếu vào yết kiến vua Tần thì thế nào cũng làm ngài nguy khốn và giật mất địa vị của ngài.

Ứng Hầu nói:

- Việc Ngũ Đế, Tam Đại, học thuyết của bách gia, ta đều biết cả, lời biện luận của mọi người ta đều bẻ gãy được. Nó làm khốn thế nào được ta mà đoạt được đia vị của ta.

Phạm Thư cho người gọi Thái Trạch đến. Thái Trạch vào vái chào Ứng Hầu. Ứng Hầu vốn đã không bằng lòng, đến khi tiếp kiến lại thấy y ngạo mạn, Ứng Hầu bèn trách y rằng:

- Ông thường phao tin rằng muốn thay ta làm thừa tướng nước Tần có phải không?

Thái Trạch đáp:

- Phải.

Ứng Hầu nói:

- Xin cho nghe thuyết của ông như thế nào?

Thái Trạch nói:

- Ố, sao mà ngài thấy muộn thế. Đại phàm trật tự bốn mùa thay nhau đổi, thành công rồi thì rút lui. Thân thể mạnh mẽ, chân tay lanh lẹn, tai mắt tỏ tường, trí khôn sáng suốt điều đó chẳng phải mọi kẻ sĩ đều muốn hay sao?

Ứng Hầu nói:

- Phải.

Thái Trạch nói:

- Nắm lấy điều nhân, giữ lấy điều nghĩa, làm việc hợp đạo thi hành ân đức, đắc chí trong thiên hạ, thiên hạ vui vẻ, tôn kính hâm mộ đều muốn tôn làm vua, đó chẳng phải là chí hướng của kẻ sĩ có tài biện thuyết hay sao?


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anhminhoa/dsc03865.jpg

Ứng Hầu nói:

- Đúng.

Thái Trạch lại nói:

- Giàu sang vinh hiển, xử lý vạn vật, khiến cho vạn vật đều êm đẹp, tính mạng lâu dài, sống trọn tuổi trời, không phải chết yểu. Thiên hạ nối được cái quy mô của mình, giữ được cơ nghiệp của mình, truyền mãi đến vô cùng, cả danh lẫn thực đều đẹp đẽ, ân đức tràn khắp ngàn dặm, đời đời khen ngợi không bao giờ dứt, cùng với trời đất không bao giờ cùng, đó chẳng phải là dấu hiệu của đạo đức, thánh nhân gọi đó là điềm lành, việc tốt dó sao?

Ứng Hầu nói:

- Đúng.

Thái Trạch nói:

- Xem việc nhà Tần đối với Thương Quân, nước Sở đối với Ngô Khởi, nước Việt đối với đại phu Chủng thì kết cục của họ có làm ta vừa ý không?

Ứng Hầu biết Thái Trạch muốn dùng cách biện thuyết để bắt bí mình, nên dùng lối ngụy biện nói:

- Tại sao lại không được. Công Tôn phương thờ Hiếu Công suốt đời không hài lòng, chỉ lo việc công mà không nghĩ đến việc riêng, đặt ra dao cưa để cấm bọn gian tà, việc thưởng phạt đều rõ ràng, làm cho nước được thịnh trị, phơi gan ruột, bày tỏ nỗi lòng, chịu người ta oán giận, lừa bạn cũ, giành bắt công tử Ngang nước Ngụy, làm cho xã tắc nhà Tần được yên, làm lợi cho trăm họ, cuối cùng vì nước Tần bắt sống tướng địch, cướp đất ngàn dặm. Ngô Khởi thờ Điệu Vương, khiến cho việc riêng không được hài đến việc công, giời gièm pha không che được người trung thực, khi nghe lời nói, không cốt nghe kẻ a dua theo mình, không vì việc nguy mà thay đổi hành động, làm việc nghĩa không tránh hoạn nạn, chỉ lo làm sao cho nhà vua xưng bá, làm cho nước được mạnh, không từ tai họa gian nguy Đại phu Chủng thờ Việt Vương, vua tuy bị khốn, bị nhục, nhưng mình vẫn đem hết lòng trung thành không chút lười biếng, vua tuy ở trong cảnh nguy vong, vẫn đem hết lòng mà không rời công thành mà không khoe khoang, giàu sang mà không, kiêu ngạo nhác nhớn. Ba người kia đã đạt đến mức độ cao nhất của điều trung, cho nên người quân tử vì giữ nghĩa mà chết, trong lúc hoạn nạn, coi chết như về. Sống mà nhục chẳng bằng chết mà vinh. Kẻ sĩ vốn có cái nghĩa chịu hy sinh thân mình, để cho cái danh được thành. Chỉ cốt đó là đạo nghĩa thì dù có chết cũng không oán hận, có gì là không được đâu?

Thái Trạch nói:

- Vua thánh, tôi hiền là cái phúc lớn trong thiên hạ; vua sáng tôi ngay là cái phúc của nước; cha nhân từ, con hiếu, chồng tín vợ trinh, đó là cái phúc của nhà. Vì vậy cho nên Tỷ Can trung mà không thể bảo tồn được nhà vua Ân; Tử Tư khôn mà không thể bảo toàn được nước Ngô; Thân Sinh có hiếu mà nước Tấn nổi loạn. Họ đều là những tôi trung, con hiếu, nhưng nước nhà vẫn loạn lạc, vẫn bị tiêu diệt là tại làm sao? Vì không có vua sáng, cha hiền để nghe họ, cho nên thiên hạ đều căm ghét, mắng nhiếc vua và cha mà thương cho kẻ làm tôi và làm con. Nay Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng làm người tôi thì phải, nhưng vua của họ thì trái. Cho nên đời khen ba người này lập được công, nhưng vẫn không được báo đáp, chứ có phải thích việc họ không gặp thời mà chết đâu. Nếu cứ đợi chết rồi sau đó mới được gọi là trung, mới lập được danh tiếng thì Vi Tử không đáng gọi là nhân, Khổng Tử không đáng gọi là thánh, Quản Trọng không đáng gọi là lớn. Người ta lập công, ai lại không muốn được thành đạt toàn vẹn? Thân và danh được toàn vẹn là tốt nhất. Danh có thể nêu gương mà thân thì chết đó là hạng thứ hai. Danh bị ô nhục mà thân được toàn vẹn thì đó là hạng bét. Lúc đó, Ứng Hầu mới khen là giỏi.

Thái Trạch dần dần tìm ra chỗ hở, bèn nói:

- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng làm tôi tận trung lập nên công, đó là điều đáng mong mỏi. Hoành Yêu thờ Văn Vương, Chu Công giúp Thành Vương, há không phải là bậc thánh trung hay sao. Theo như ý ngài làm Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng với làm Hoành Yêu, Chu Công thì nên làm người nào hơn?

Ứng Hầu nói:

- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng không thể bằng được.

Thái Trạch nói:

- Thế thì vua của ngài về mặt nhân từ, tin dùng kẻ trung thần, nhớ đến tình xưa nghĩa cũ, tôn trọng kẻ sĩ có tài và có đạo gắn bó với họ, không bỏ sót người công thần, so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương thì ai hơn?

Ứng Hầu nói:

- Chưa biết như thế nào.

Thái Trạch nói:

- Nay nhà vua thân với kẻ trung thần nhiều lắm là như Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương. Về mặt trổ tài trí lực, giúp cho nhà vua bình định được việc nguy, sửa sang chính trị, dẹp loạn, làm cho quân mạnh, trừ bỏ điều lo lắng, tiêu diệt điều tai nạn, mở mang đất đai, trồng trọt ngũ cốc, làm cho nước giàu, nhà no đủ, nhà vua mạnh, xã tắc được tôn trọng, tôn miếu được hiển vinh, thiên hạ không ai dám phạm đến nhà vua, uy thế của nhà vua vang dội khắp bốn bể, công lao vang lừng ở ngoài vạn dặm, thanh danh sáng ngời đến ngàn đời, thì ngài so với Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng ai hơn?

thieugia
24-05-2013, 11:49 PM
Thái Trạch Khích Phạm Thư

** Tiếp theo



http://thaicucthieugia.com/images/stories/anhminhoa/dsc03854.jpg

Thái Trạch


Ứng Hầu nói:

- Ta không bằng.

Thái Trạch nói:

- Nay nhà vua về mặt thân với kẻ trung thần, không quên tình xưa nghĩa cũ đã không bằng Hiếu Công, Điệu Vương, Câu Tiễn, mà về mặt công lao được tin yêu, thân cận ngài lại không bằng Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng. Đã thế, tước lộc, chức vị của ngài lại sang trọng hơn, nhà cửa của ngài lại giàu có hơn cả ba người kia, thế mà ngài còn chưa rút lui thì tôi sợ còn đáng lo hơn cả ba người kia. Tôi xin lo thay cho ngài. Tục ngữ có câu: "Mặt trời lên đến đỉnh đầu thì sẽ xế, trăng đầy thì khuyết, sự vật thịnh thì suy. Đó là cái lẽ thường của trời đất. Khi tiến khi lùi, khi đầy khi vơi theo thời tiến hoá, đó là cái đạo thường của thánh nhân. Cho nên "nước có đạo thì làm quan, nước không có đạo thì đi ở ẩn". Thánh nhân nói: "Rồng bay lên trời, lợi thấy kẻ đại nhân". Bất nghĩa mà giàu sang thì ta xem như dám mây nổi". Nay oán thù ngài đã trả, ân đức ngài đã báo, điều sở nguyện đã đạt, thế mà không thay đổi cái kế của mình, thì tôi trộm cho ngài như thế là không nên. Vả chăng con chim trả, chim hộc, con tê ngưu, con viu, chỗ ở không phải là không xa chỗ chết, mà sở dĩ chết là vì ham mồi. Tô Tần, Trí Bá không phải là không đủ trí khôn đề tránh điều nhục, tránh xa cái chết, nhưng sở dĩ đều chết, đó là vì tham lợi không chịu dừng lại, cho nên bậc thánh nhân đặt ra lễ để hạn chế cái lòng dục, lấy ở dân có chừng mực, sai dân đúng thời vụ, dùng của cải của dân có mức độ. Cho nên trí họ không tự mãn, hành động của họ không kiêu, luôn luôn theo đạo mà không bỏ. Vì vậy giữ mãi được thiên hạ mà không mất. Ngày xưa Tề Hoàn Công nhóm họp chư hầu, chỉnh đốn thiên hạ, đến khi họp ở Quỳ Khâu thì có ý kiêu căng, chín nước phản lại; vua Ngô là Phù Sai, quân đội vô địch trong thiên hạ, dũng mãnh coi khinh chư hầu, lấn át nước Tề, nước Tần cho nên rút cục thân bị giết, nước bị mất. Hạ Dục, Thái Sử Hiệu hò hét làm ba quân sợ hãi, nhưng thân bị chết bởi một người tầm thường. Những người này thanh thế đã đến cực thịnh, nhưng không quay về với đạo lý, không khiêm tốn rút lui để an tâm chịu nghèo hèn cho nên mới xảy ra tai hoạ như thế! Thương Quân làm pháp lệnh cho Tần Hiếu Công, cấm nguồn gốc của tội ác, có công nhất định thưởng, có tội nhất định phạt, làm cho cân ngang nhau, chỉnh lý việc đo lường, điều chỉnh nặng nhẹ, phá vỡ các đường thiên, đường mạch để cho dân ổn định được nghề nghiệp. Do đó thống nhất được tục lệ, khuyến khích người cày làm hết cái lợi của đất, một nhà không lo hai việc, ra sức cày ruộng, súc tích lương thực, tập nghề chiến trận; kết quả, khi dám binh dành thì mở đất rộng, khi nghỉ binh thì nước được giàu, cho nên trong thiên hạ không đâu địch nổi, có uy thế đối với chư hầu, lập thành cơ nghiệp nước Tần. Công ông ta đã thành, rút cục ông ta lại bị xe xé xác. Đất Sở vuông mấy ngàn dặm, người cầm kích một trăm vạn, Bạch Khởi chỉ huy mấy vạn quân, đánh nhau với Sở, đánh một trận lấy đất Yến, đất Sính, đốt Di Lăng; đánh hai trận phía Nam lấy đất Thục, đất Hán, rồi vượt qua nước Hàn, nước Ngụy đánh nước Triệu mạnh; phía Bắc chôn sống Mã Phục, làm cỏ hơn bốn mươi vạn người, họ bị chôn ở gần Trường Bình, máu chảy thành sông, sóng sôi lên như sấm. Sau đó, vào vây Hàm Đan, khiến cho nước Tần có được cơ nghiệp đế vương. Nước Sở, nước Triệu là nước mạnh trong thiên hạ và là kẻ thù của nước Tần. Nhưng từ đó về sau, Sở, Triệu đều nem nép sợ không dám đánh Tần nữa. Đó là cái thế của Bạch Khởi. Bạch Khởi thân hành đánh lấy bảy mươi thành, nhưng khi công đã thành, lại bị nhà vua trao kiếm chịu chết ở Đỗ Bưu. Ngô Khởi lập phép tắc cho vua Sở Điệu Vương, giảm bớt uy lớn của các quan đại thần, bãi những người không có năng lực, những người vô dụng, bỏ những chức quan không cần kíp, trừ việc xin xỏ ở cửa nhà tư, thống nhất phong tục nước Sở, cấm những người đi du thuyết, biểu dương những kẻ sĩ giỏi cày và chiến đấu, phía Nam lấy đất Dương Việt, phía Bắc thâu tóm đất Trần, đất Thái, phá kế liên hoành, giải tán kế hợp tung, khiến cho những kẻ sĩ đi du thuyết đều không có cách nào mở miệng, cấm bè đảng để khuyến khích trăm họ, ổn định chính trị nước Sở, binh lực nổi tiếng trong thiên hạ, uy thế làm chư hầu phải phục. Nhưng khi công đã thành, cuối cùng lại bị xé cả tay chân. Đại phu Chủng vì Việt Vương nghĩ mưu sâu bày kế xa, chuyển mất thành còn, nhân điều sỉ nhục mà đổi thành vinh quang; khai khẩn đất đai đầy cỏ dại lập thành ấp trại, vở đất trồng ngũ cốc; cầm đầu kẻ sĩ bốn phương, trên dưới đều hết lòng giúp cho cái hiền của Câu Tiễn, trả được cái thù với Phù Sai; cuối cùng phá được nước Ngô mạnh khiến cho nước Việt làm nên nghiệp bá. Công như thế rõ ràng là rực rỡ vậy. Kết cục Câu Tiễn phụ bạc mà giết ông ta. Bốn người này công thành mà không bỏ đi cho nên tai vạ đến thân mình. Đó là biết duỗi mà không biết co, biết đi mà không biết về vậy. Phạm Lãi biết điều đó vượt ra khỏi ràng buộc của thế lợi, trốn đời, suốt đời làm Đào Chu Công. Ngài không thấy người ta đánh bạc hay sao? Có kẻ muốn tố nhiều, có kẻ muốn tố ít, rồi tiến lên dần dần, đó là điều ngài đã biết rõ. Nay ngài làm tướng nước Tần, bàn kế không rời khỏi chiếu, bàn mưu không ra khỏi nơi lăng miếu, ngồi mà khống chế chư hầu, lấy hết Tam Xuyên để bồi đắp cho đất Nghi Dương phá được cái hiểm ở Dương Trường, chẹn được con đường Thái Hàng, sáu nước không dám hợp tung, đường sạn đạo ngàn dặm thông đến đất Thục, đất Hàn, khiến cho thiên hạ đều sợ Tần. Như thế là điều mong muốn của Tần dã đạt được rồi và công của ngài cũng đã đạt tột độ rồi đó. Nay cũng là lúc nước Tần chia công. Nếu ngài như thế mà không rút lui thì sẽ như Thương Quân, Bạch Công, Ngô Khởi, đại phu Chủng vậy. Tôi nghe nói: "Nhìn xuống nước thì thấy mặt mình; nhìn vào người thì biết dữ lành. Kinh thư có câu: "Sau khi thành công, không thể ở lâu , Ngài chịu tai họa của bốn người kia làm gì? Tại sao ngài không nhân lúc này trả ấn thừa tướng, trao ấn nhường cho người hiền, rút lui về ở ẩn nơi rừng núi xa, xa lánh thế sự . Như thế thì thế nào cũng được cái liêm của Bá Di, suốt đời làm Ứng Hầu, đời đời xưng công, lại được cái tiếng nhân nhượng của Hứa Do, Diên Lăng Quý Tử, được cái thọ của Kiều, Tùng, thế chẳng hơn cuối cùng mắc tai hoạ sao? Nếu ngài cứ tiếc mà không nỡ rời, nghi ngờ mà không dám quyết định, thì thế nào cũng mắc cái họa của bốn người kia. Kinh dịch có câu: "Càng Long hữu hối". Đó là nói chỉ biết tiến lên mà không biết lùi, chỉ biết duỗi mà không biết co, chỉ biết đi mà không biết về vậy. Xin ngài nghĩ kỹ cho.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anhminhoa/dsc03869.jpg
Ứng Hầu giưới thiệu Thái Trạch với Tần Vương

Ứng Hầu nói:

- Hay lắm! Ta nghe nói: "Chỉ muốn mà không biết dùng thì sẽ mất điều mình muốn; có mà không biết cho là đủ thì sẽ mất điều mình có". May mắn được tiên sinh chỉ giáo, Thư này xin kính cẩn vâng lời.

Bèn mời vào ngồi, tôn làm thượng khách. Mấy ngày sau, Phạm Thư vào triều, nói với Tần Chiêu Vương:

- Vừa có một người khách ở Sơn Đông đến tên là Thái Trạch. Ông ta là người biện sĩ, biết việc Tam Vương, hiểu sự nghiệp Ngũ Bá, biết sự biến đổi của thế tục, có thể giao chính sự nước Tần cho ông ta. Thần thấy người rất nhiều, nhưng không ai bằng, thần cũng không bằng. Thần xin tâu để nhà vua biết.

Tần Chiêu Vương mời vào tiếp kiến, cùng nói chuyện rất lấy làm thích, cho làm khách khanh. Ứng Hầu nhân đấy cáo bệnh rút lui, trả lại ấn thừa tướng. Chiêu Vương cưỡng ép Ứng Hầu dậy, Ứng Hầu bèn cáo bệnh nặng. Phạm Thư thôi làm thừa tướng. Chiêu Vương thích kế hoạch của Thái Trạch bèn phong Thái Trạch làm thừa tướng nước Tần, sang Đông thôn tính nhà Chu.

Thái Trạch làm thừa tướng mấy tháng, có người gièm, Thái Trạch sợ bị giết, bèn cáo bệnh trả ấn thừa tướng, hiệu là Cương Thành Quân, Thái Trạch ở Tần hơn mười năm, thờ Chiêu Vương, Huệ Văn Vương, Trang Tương Vương, cuối cùng thờ Thủy Hoàng Đế, đi sứ cho nước Tần sang nước Yên, được ba năm thì nước Yên sai thái tử Đan vào làm con tin ở nước Tần .

Thái sử công nói:


- Hàn Tử nói: "Ống áo dài khéo múa, lắm tiền khéo buôn". Lời nói ấy đúng làm sao! Phạm Thư, Thái Trạch là nhưng người biện sĩ giỏi nhất một thời, thế mà đi du thuyết chư hầu, đến lúc đầu bạc cũng không có cơ hội thành đạt. Đó không phải là kế hoạch của họ dở mà chỉ vì những nước họ đến du thuyết đều yếu. Đến khi hai người làm khách ở nước Tần, nối gót nhau làm khanh tướng, công để lại trong thiên hạ. Đó là vì cái thế mạnh và yếu khác nhau vậy. Nhưng kẻ sĩ cũng có lúc ngẫu nhiên mà gặp cơ hội. Những người hiền hơn hai người kia, nhưng thể trổ hết tài nhiều không kể xiết. Thế nhưng hai người, nếu không bị khốn cùng thì làm sao mà khích lệ họ được ?