PDA

View Full Version : Nick Madein Việt Nam - Những chàng trai vượt lên trên số phận



fangzi
26-05-2013, 08:10 PM
Lời bàn của Võ sư Thiều Ngọc Sơn: Mấy ngày gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao về việc tập đoàn thuộc loại đại “tư bản” Tôn Hoa Sen đã chi 36 tỉ Việt Nam đồng chỉ để mờì Nick Vujicic, một anh chàng khiếm khuyết không chân không tay người Melbourne (Australia, hiện định cư tại California, Mỹ) tới Việt Nam chỉ để "truyền lửa", truyền cảm hứng, tạo động lực, tạo cú hích thúc đẩy người khuyết tật Việt...“phấn đấu”(?!).

Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ: “Tại sao chúng tôi lại tiếp đón Nick nồng hậu như vậy là vì chúng tôi đồng cảm, yêu thương với Nick...”. Và nói theo ông Hào, cố vấn cao cấp của chủ tịch Lê Phước Vũ “Chúng tôi không nghĩ đây là đem tiền cho người khuyết tật mà muốn tạo động lực cho họ thông qua việc giao lưu với Nick Vujicic”.

Việc tập đoàn này bỏ ra nhiều tỷ đồng tổ chức sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đang trở thành đề tài Hot được nhiều người quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng, vụ đầu tư này lãng phí, sính ngoại. Kinh tế Việt Nam đang khó khăn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt, vậy mà... Thậm chí có ý kiến cho rằng đây chẳng qua chỉ là hoạt động rửa tiền...

Bỏ qua mục đích, ý đồ của người tổ chức. Nhân sự kiện đình đám này, WEBSITE võ thuật Thiều gia xin sưu tầm và trân trọng giới thiệu đến tất cả bạn đọc những chàng Nick mang nhãn hiệu Madein Việt Nam vô cùng khả kính. Những chàng Nick này hơn trăm vạn lần chàng Nick đến từ xứ Australia (ông Nick này chỉ giỏi trảm phong chém gió, nói theo kiểu các cụ nhà ta là giỏi lẻo mép), họ (Nick Việt) không những học giỏi, làm hay, biết nỗ lực vượt lên trên số phận và khẳng định vị thế của mình trong xã hội mà còn vô cùng khiêm nhượng mỗi khi có ai đó nhắc về mình... Họ xứng đáng được tôn vinh hơn chàng Nick xứ Australia nhưng... xã hội và Tôn Hoa Sen lại cố quên họ mất rồi ?!

Nghĩ mà buồn cho Nick Madein Việt ! Hu... Hu !!!.

1. Chàng sinh viên không tay đầy nghị lực


(Tinmoitruong.vn) - Với đôi chân, em vẫn có thể viết, vẽ, tự cắt tóc cho mình, xâu kim, khâu vá... Em vừa bước vào môi trường đại học, con đường dài với đầy rẫy những khó khăn đang chờ em phía trước.

Em chính là Nguyễn Ngọc Phú, sinh viên năm nhất lớp Khoa học máy tính K6 – trường Công Nghệ Thông Tin – Đại học Quốc Gia. Người được mệnh danh là Nguyễn Ngọc Ký thứ hai của Việt Nam.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/khng%20tay%203.jpg
Phú lấy sách vở ra bằng chân

Câu chuyện của Phú

Phú sinh ra và lớn lên tại vùng quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào ngày 17/7/1990. Khi đó, đứa bé mới sinh ấy rất ốm yếu và không có cả hai tay.

6 tuổi, Phú tập đi được bằng chân và cũng dần nhận thức được xung quanh. Khi thấy mấy đức trẻ con mặc quần xanh, áo trắng đi nhộn nhịp, Phú hỏi thì biết là các bạn đi học. Ý thức của Phú cho biết rằng mình cũng phải như thế. Bố Phú kể: “Lúc đó nghe con nói, cũng chột dạ nên gia đình đi hỏi xin nhà trường tạo điều kiện cho cháu đi học, chẳng được mấy hôm, con bị gởi về vì quá yếu.”

Bố Phú thấy con trai ham học nên bắt đầu tìm đủ mọi cách giúp đỡ. Đôi chân Phú đã không ít lần rớm máu và lở loét khi mới bắt đầu khổ luyện tập viết. Những chữ cái đầu tiên được bố dạy, Phú tập viết bằng phấn. Nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình nên dần dần việc sử dụng chân của Phú dần thành thạo trong cả sinh hoạt hằng ngày.

Đi học muộn hơn các bạn 3 năm nhưng chính sự phi thường từ đôi chân đã mang đến cho Phú đạt thành tích học tập xuất sắc trong nhiều năm liền. Ngoài ra, Phú còn nhận được nhiều bằng khen từ phía tỉnh Nghệ An và các cấp lãnh đạo Quốc gia.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/nguyn%20ngc%20ph.jpg
Nguyễn Ngọc Phú và người bạn thân Nguyễn Quang Nhị

Trong đợt thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng vừa rồi, Phú được tuyển thẳng vào hai trường và quyết định theo học Khoa học máy tính của trường Đại học Công nghệ thông tin. Với chuyên ngành này, Phú mơ ước ra trường sẽ là một hiệp sĩ máy tính, nhanh chóng có việc, đi làm để phụ giúp cha mẹ

Tuy nhiên, với môi trường Đại học mới mẻ và năng động tại TPHCM, em chia sẻ là phải thật cố gắng để có thể hòa nhập và bước vững qua những khó khăn trong việc học cũng như sinh hoạt hiện nay.

Theo chia sẻ, chúng tôi được biết phía Ký túc xá có hỗ trợ cho Phú một phần tiền để giúp em trang trải cho việc học tập. Vừa rồi, đại diện diễn đàn “Người tôi cưu mang” có đến xem xét và sẽ trợ cấp cho phòng Phú máy vi tính trong thời gian sắp tới.

Người bạn đồng hành

Quá trình Phú thành tân sinh viên đại học như bây giờ cũng nhờ không ít sự hỗ trợ và người đặc biệt nhất chính là bố.

Bác Nguyễn Quỳnh Lộc – bố Phú, theo chân con từ những ngày đầu tiên vào TPHCM thi đại học đến nay. Ông là một cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, ông trở về quê với nhiều thương tật rồi cũng lập gia đình và có bốn người con. Những dị tật mà câu con Minh Phú mang cũng là hậu quả của chất độc da cam ngày nào ngấm vào thân thể ông .

Khi biết con đậu đại học, Bác đề nghị bên quản lý ký túc xá cho vào ở cùng để hỗ trợ cho con trong khoảng thời gian dài học tập. Vì phòng của Phú ở còn hai sinh viên “đặc biệt” nữa nên ông còn lo luôn cho cả ba chàng trai này.

Với chấn thương của năm tháng đấu tranh để lại, Bác Lộc luôn nhức đầu và phải uống thuốc kinh niên. Bác Lộc kể: “Những ngày đầu mới vào Sài Gòn, thấy hoàn cảnh cha con khó khăn nên cũng nhiều người giúp đỡ. Giờ thì đã ổn định tại đây nhưng vì khí hậu và môi trường chưa quen nên cả phòng bốn người đều hay bệnh vặt, nhức đầu, sổ mũi suốt.”

Ông chia sẻ, những ngày tháng ở nhà, tuy gia đình không khá giả nhưng cũng nuôi con gà con vịt tạo điều kiện kinh tế. Vì hoàn cảnh và nghĩa vụ với con nên mọi việc ở nhà giao hết cho mẹ Phú với gia tài là mấy sào ruộng. Chính vì vậy, việc tài chính của gia đình càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ông không muốn nói nhiều về gia đình vì cho rằng nó làm cho Phú ỷ lại, không cố gắng.

Do nhàn rỗi, ông thường hay dọn dẹp phòng ốc. Nhờ vậy ông được Ban quản lý ký túc phân cho công việc trông coi phòng sách, phòng tiếp khách. Với công việc này, ông được trả một ít tiền lương để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày.
Huỳnh Trang

fangzi
26-05-2013, 08:59 PM
2. Nghị lực phi thường của cậu bé không tay

Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu

Ngôi nhà mới xây khang trang thay cho mái ngói tường ốp ván năm nào của gia đình cậu bé "chim cánh cụt" Hồ Hữu Hạnh (học sinh lớp 5, trường tiểu học Kim Đồng, ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn nằm trên trảng đất trũng gập ghềnh sỏi đá. Cậu bé "chim cánh cụt" làm xôn xao dư luận thời gian qua nay trông lớn hơn, trưởng thành và chững chạc hơn so với tuổi 12 của mình.

Hạnh phúc không trọn vẹn

Để biết rõ hơn về hoàn cảnh vừa đáng thương vừa đáng khâm phục của đôi chân thay tay ấy, chúng tôi ngược dòng thời gian về với thuở ban đầu khai sinh ra một con người không trọn vẹn. Vì hoàn cảnh khó khăn ở quê hương Nghệ An nên năm 1989 anh Hồ Hữu Thân và chị Bùi Thị Hợp cùng vào Đồng Nai lập nghiệp. Cái duyên trời định gắt kết hai con người cùng cảnh ngộ ly hương lại với nhau để rồi năm 1995 anh chị cưới nhau.

Đứa con đầu lòng chào đời trong muôn vàn khó khăn. Anh Thân ngày ngày lam lũ trên nương rẫy lấy sức người thay máy móc để làm nên màu xanh cho những nương ngô, đậu xanh tốt. Đứa con thứ hai tiếp tục chào đời và đó cũng là nỗi đau không lời ập xuống gia đình anh chị: Khi vừa chào đời thì cơ thể con họ không có hai cánh tay.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/hnh%202.jpg
Đang giúp mẹ rửa bát

Theo lời kể của chị Hợp thì khi mang thai bé Hạnh, chị đi siêu âm ba lần và cả ba lần bác sĩ đều kết luận là thai nhi không bình thường mà không hề giải thích gì thêm. Anh chị cứ nghĩ chắc do thai yếu hay thai nằm ngược chứ đâu ngờ một sự thật nghiệt ngã của số phận đã dành cho đứa con của mình ngay từ trong bụng mẹ. Gần một tháng sau khi sinh, chị Hợp vẫn không hề biết con mình không có tay, mọi sinh hoạt của chị và bé đã có bà ngoại và anh Thân lo.

Sau này anh Thân mới nói rằng, mọi người giấu chị vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần, tâm trí của chị. Khi mới sinh chị rất yếu, người thân sợ chị sẽ không vượt qua được khi biết sự thật. Về nhà, chị Hợp được chồng và gia đình hết lòng chăm sóc, công việc vệ sinh cho con đều do anh Thân hoặc bà ngoại lo hết. Cho đến một hôm mọi người ra ngoài, một mình chị Hợp loay hoay thay tã cho con, kéo tấm vải quấn trên người con chị giật mình hét lên một tiếng rồi ngất lịm.

Khi tỉnh dậy, chị như người mất hồn, không tin vào mắt mình, lúc này chị mới nhớ lại khuôn mặt biến sắc của vị bác sĩ siêu âm và những tiếng sụt sịt của chồng trong bệnh viện mà khi đó chị cứ nghĩ là do anh bị cảm.

Suốt những ngày sau đó, chị Hợp nằm im lìm, lặng lẽ cùng những dòng nước mắt không ngớt tuôn chảy. Chị khóc cho bản thân mình, khóc cho đứa con tội nghiệp. "Tôi đặt ngay tên con là Hạnh vì tôi thấy cháu bất hạnh quá, cả đời này chắc cháu chỉ ngồi một chỗ và đút cho ăn mà thôi", chị Hợp kể lại.

Chị kể tiếp: "Thời gian mà Hạnh biết bò và tập đi, tôi không làm được gì ngoài việc theo dõi, quan sát cháu. Khác với những đứa trẻ bình thường, Hạnh vừa bú mẹ vừa đưa chân lên kẹp vào vú bên kia, rồi khi tập bò, Hạnh trườn như một con sâu đo. Vất vả nhất là lúc tắm cho cháu, tôi cứ sợ tuột tay vì người cháu trơn tuồn tuột không có điểm tựa. Bế con lên tay, mỗi khi con cựa mình là tôi lại hú hồn hú vía. Tôi không dám giao con cho ai trông vì biết đâu người ta sơ ý cái thì không biết đâu mà lường trước được. Những đêm nằm ngủ trong lớp chăn mỏng, Hạnh cứ rúc đầu váo nách tôi rất nhột".


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/ho-huu-hanh%2010.jpg
Làm xiếc cho em vui...

Nguyên nhân vì sao Hạnh lại bị như vậy trong khi ba đứa con khác của anh chị đều khỏe mạnh bình thường. Bản thân gia đình anh chị từ nhỏ cũng không hề có tiền sử bệnh lý dị tật dị dạng như thế này. Anh chị đưa Hạnh đi khám, bác sĩ kết luận Hạnh bị nhiễm chất độc đi ô xin. Lúc này, anh Thân mới nhớ lại hồi anh chị chưa cưới nhau có một thời gian anh làm rẫy ở trong rừng cùng một người bạn, một hôm khi đang phát rẫy người bạn làm cùng với anh giẫm phải một thùng thuốc làm đổ lêng láng ra ngoài (sau này anh mới biết đó là thùng thuốc diệt cỏ còn sót lại từ thời chiến tranh và đã được chính quyền đem đi xử lý).

Trong thời gian đó, anh và người bạn cùng làm rẫy vẫn ăn uống và lao động bình thường, sau này kết luận của bác sĩ cho biết, anh Thân bị nhiễm chất độc đi ô xin. Nhớ tới người bạn ngày nào của mình trong nương rẫy, anh Thân tìm cách liên hệ thì được biết, người bạn cùng làm với anh thuở ấy cũng có một đứa con bị bại liệt, không còn khả năng đi lại.

“Chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh có thể làm nhiều công việc như người bình thường

Đôi chân kỳ diệu

Khác biệt với các anh em trong nhà, ngay từ khi chập chững biết đi, Hạnh đã tỏ ra là một đứa trẻ lanh lợi. Không có cánh tay làm điểm tựa bấu víu, Hạnh đứng dậy lại ngã uỵch xuống, có khi đâm cả đầu vào cột nhà. Vậy mà Hạnh không khóc, vết sẹo cũ chưa lành vết thương mới lại xuất hiện chồng chéo lên nhau.

Những bước chân xiêu vẹo, lảo đảo rồi dần cũng vững vàng, rắn rỏi. Đó là cả một quá trình tập luyện gian khổ của cậu bé Hạnh và như thể khỏa lập sự thiếu vắng cơ thể, Hạnh bắt đầu dùng đến đôi chân và hai con mắt. Hạnh thường trốn mẹ sang nhà hàng xóm chơi rồi đi theo bạn tới trường xem học. Hạnh đứng ngoài cửa sổ ngó vào lớp học, từ đó hình thành trong đầu Hạnh một ý nghĩ muốn được đi học như các bạn. Hạnh về đòi mẹ cho đi học, khi đó em mới 5 tuổi.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/ho-huu-hanh%2011.jpg
Hỗ Hữu Hạnh đang chơi với em

Hạnh viết chữ bằng chân, lúc đầu là những nét chữ nguệch ngoạc, méo mó không ra hình ra dạng. Đôi chân kẹp bút của Hạnh mỏi nhừ, các kẽ ngón chân sưng tấy lên, tóe máu vì Hạnh phải gồng lực lên kẹp chặt bút. "Có công mài sắt có ngày nên kim", dần dần chữ của Hạnh không thua kém gì các bạn trong lớp. Ngoài giờ học, Hạnh giúp ba mẹ làm tất cả những việc trong nhà từ rửa chén, nấu cơm, giặt đồ. Càng lớn Hạnh càng ý thức được bản thân và có phần e thẹn, xấu hổ nên những sinh hoạt cá nhân Hạnh tự tập làm hết mà không phải nhờ đến ai.

Năm 2008, một nhà hảo tâm trên TP.HCM tặng Hạnh chiếc xe đạp 3 bánh và một nhà hảo tâm khác tặng cho Hạnh bộ máy vi tính. Vậy là đôi chân Hạnh tiếp tục chinh phục những thử thách mới cho riêng mình. Hạnh thường lấy xe chở em đi chơi, đi học rồi phụ mẹ chở dưa leo ra chợ bán. Mỗi chuyến xe, Hạnh chở được hai bao có trọng lượng khoảng 50kg. Còn khả năng sử dụng vi tính hiện giờ Hạnh đạt đến trình độ B. Một thành tích mà hiếm có đứa trẻ bình thường nào đạt được chỉ tính riêng ở cái xóm nhỏ nơi Hạnh ở.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/ho-huu-hanh-9.jpg
Giơ... "chân" phát biểu

Hiện giờ trên trán, trên chân của Hạnh vẫn còn vô số những vết sẹo lớn bé trong qua trình tập xe và làm việc. Hạnh cho biết, em bị tai nạn nhiều nhất trong lúc tập xe, có lần đang chạy xe đi học thì gặp một xe tải chở mía, Hạnh lái xe sang vệ đường để tránh xe tải thì bất ngờ trượt chân té xuống rãnh. Theo phản xạ của người bình thường khi ngã lấy tay đỡ còn Hạnh không có tay liền dùng đầu đỡ và lần ấy Hạnh đập đầu xuống đất mạnh quá nên ngất xỉu. Những người đi đường nhanh chóng đưa Hạnh đi bệnh viện cấp cứu nên em đã qua cơn nguy kịch.

Một lần khác, Hạnh khát nước nhưng không có ai ở nhà. Sẵn có bình đá đựng nước nhưng không ngờ trong lại đổ nước nóng, Hạnh kẹp hai chân vào bình rồi dốc xuống miệng, nước nóng chảy tràn ra làm bỏng hết mặt, cổ và bụng của Hạnh, may mà lần đó có người phát hiện kịp thời xử lý nhanh nên không để lại vết sẹo nghiêm trọng.

Giấc mơ "Chim cánh cụt" biết bay

"Chim cánh cụt" là tên gọi thân thương mà bạn bè, thầy cô đặt cho Hạnh. Hạnh cũng rất thích tên đó và lấy làm nick name của mình nhưng em thêm hai từ biết bay vào nữa. Hạnh mơ ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư tin học. Hạnh chia sẻ: "Em thích nhất là tin học, ở đó em có thể khám phá tất cả thế giới bên ngoài chỉ bằng một cú click chuột. Em quyết tâm sẽ theo đuổi ước mơ tin học đến cùng để biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài và làm quen thật nhiều bạn bè trên khắp hành tinh". Quả thật Hạnh rất nhanh và linh hoạt trong xử lý máy tính, chúng tôi đã tận mắt nhìn Hạnh dùng đôi chân gõ bàn phím và rê chuột một cách chuyên nghiệp.

Hoa Nguyên

fangzi
26-05-2013, 09:24 PM
Ngàn Lần Khâm Phục Em !


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/dap-xe-di-hoc.jpg
Nguyễn Hữu Hạnh đang đạp xe... đi học


Ở ấp 2, xã Gia Canh (huyện Định Quán, Đồng Nai), mọi người đều trìu mến gọi chú bé Hồ Hữu Hạnh là “chim cánh cụt”. Hạnh không có đôi tay nhưng có nụ cười thật đáng yêu.

Anh Hồ Hữu Thân và chị Bùi Thị Hợp vốn không khấm khá gì. Làm ăn liên tục gặp thất bại khiến cả gia đình sáu người phải ở nhờ căn nhà của bà ngoại. Thu nhập chính của gia đình nhờ vào mấy sào vườn trồng rau quanh năm. Năm 2000, sinh Hạnh ra, anh chị chết lặng khi con không có đôi tay. “Tôi khóc hết nước mắt khi nhìn con.
Lúc tập bò nó rướn mình như một con sâu đo. Ai cũng nghĩ nó chỉ có thể nằm vậy suốt đời” – chị Hợp nhớ lại. Nhưng cậu bé đã tập bò, ngồi và đi được như bao đứa trẻ khác. Không chỉ vậy, hằng ngày Hạnh còn làm rất nhiều việc giúp đỡ bố mẹ như quét nhà, rửa bát, nấu cơm, chăm sóc đàn vịt… tất cả đều bằng đôi chân.

Một trong những thú vui của Hạnh là dùng chân để nặn những chú chim đất sét. Những chú chim này đều không có cánh. Hạnh hồn nhiên nói: “Những con chim này không có cánh để nó làm bạn với con. Khi nào con được lắp hai cánh tay thì bọn nó sẽ mọc cánh”… – Ảnh: Ngọc Nga Hạnh đến tuổi đi học, anh chị không cho con đi vì nghĩ không có tay lấy gì mà viết, học sao nổi. Nhưng chú bé lén bố mẹ tới đứng học lỏm ngoài cửa lớp mẫu giáo. Cô giáo thấy thương quá, dắt Hạnh về nhà thuyết phục bố mẹ cho em được học. Vào lớp 1, người ta từ chối nhận cậu bé. Hạnh không bỏ cuộc, cậu đi theo mẹ đến trường xin học lần nữa.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/hnh%207.jpg
Giúp mẹ

Sự quyết tâm của Hạnh cuối cùng đã khiến Trường tiểu học Kim Đồng (Định Canh, Định Quán) chấp nhận cậu học trò đặc biệt. Và càng đặc biệt hơn khi ngay năm học đầu tiên Hạnh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và viết chữ rất đẹp. Suốt bốn năm qua, cậu bé đều giữ được danh hiệu đó. Hạnh học giỏi nhất môn toán và ước mơ cháy bỏng của cậu bé là trở thành kỹ sư tin học.

Mỗi lần giải bài tập trên bảng, cậu bé phải tựa vào chiếc bàn của cô giáo rồi dùng chân viết bảng. Trong các môn học, Hạnh học giỏi nhất môn toán

Sáng nào Hạnh cũng dậy thật sớm để cùng bố chăm đàn vịt. Đó là tài sản mà bố mẹ Hạnh đang trông chờ để trang trải chi phí năm học mới cho anh em Hạnh

Quét nhà giúp mẹ

Hạnh được phân công rửa chén buổi trưa, còn anh trai thì rửa vào buổi tối.

Hữu Hạnh bơi rất giỏi. Thấy cậu bé quyết tâm học bơi nên bà chủ hồ bơi trong xã không bao giờ lấy tiền của cậu.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/hanh%203.jpg

“Trồng cây chuối, cây nào lâu hơn”. Hai cô em gái cổ vũ Hạnh chơi trò “trồng cây chuối”. Anh em mình cùng bay nhé! Hạnh nâng cô em gái Ốc Tiêu bằng hai chân. Trong nhà, cậu bé tỏ ra là một “thủ lĩnh” đối với hai cô em gái


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/h%20hnh%201.jpg

Chăm sóc thú cưng là niềm vui của anh em Hạnh. Các em có tay thì dùng tay, còn Hạnh không tay thì dùng chân! Có sao đâu..

Em xin có ý kiến! Trong khi các bạn giơ tay xin phát biểu thì Hạnh giơ chân! Ở lớp Hạnh luôn có bộ bàn ghế riêng để có thể viết bằng chân. Cậu bé là học sinh giỏi bốn năm liền

Sau nhiều lần lén bố mẹ tập đi xe đạp, bị ngã không biết bao nhiêu lần, cuối cùng Hạnh có thể đạp xe băng băng mặc dù lái xe… bằng cằm. Một người quen thấy Hạnh đi xe đạp cực quá nên đã làm cho cậu bé chiếc xe ba bánh đặc biệt. Ngày nào Hạnh cũng tự đi học bằng chiếc xe này…

Nguồn Bài viết và Ảnh: Tuổi trẻ

fangzi
26-05-2013, 11:08 PM
3. Nghị lực phi thường của cô bé 8 tuổi không tay, chân
http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_phatthanh_vov.png
23/05/2013 17:12


“Mẹ ơi, vì sao con không có tay, chân như các bạn ?".

Mọi khó khăn chị Thuỷ đều có thể vượt qua, nhưng không thể nào vượt qua được ánh mắt dò xét của nhiều người….


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/be%20linh%20chi%20.jpg
Bé Linh Chi khi mới sinh

“Mẹ ơi, vì sao con không có tay, chân như các bạn. Bao giờ tay chân con mọc ra hở mẹ?”. Mỗi lần nghe câu hỏi ngây thơ của đứa con gái 8 tuổi “không tay, không chân”, lòng chị Trịnh Ngọc Thủy (tổ 67, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) lại tan nát, nước mắt cứ thế trào ra. Chị không biết giải thích như thế nào để một đứa bé mới 8 tuổi đầu hiểu và chấp nhận với số phận, vì thế nỗi đau lại càng đắng nghẹn trong lòng chị.

Chị tâm sự, mỗi lần nhìn con, chị lại ao ước, nếu có phép màu nào đó để chị đổi được hình hài của mình cho con thì hạnh phúc biết chừng nào. Hình như con bé cũng hiểu được sự khiếm khuyết về hình thể của mình, nên nó rất nhạy cảm. Chị Thủy kể, mỗi khi ra đường, thấy ai tò mò nhìn mình hay xì xào bàn tán, Linh Chi đều rất buồn. Nhìn con mà lòng người mẹ như tan nát. Chị chỉ biết ôm con thật chặt, vỗ về để cho bé nguôi ngoai.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/linh-chi%20.jpg

Như hiểu được lòng mẹ, bé Linh Chi rất ngoan. Ngay từ lúc còn bé tí, bé đã cố gắng tự làm những việc cá nhân để bố mẹ khỏi lo lắng. Bé cố gắng dùng mẩu tay ngắn ngủn của mình để bê nước uống, tự xúc cơm để ăn… Với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi bé, cũng khó khăn lắm mới làm được những việc như thế, thì với Linh Chi, những việc này lại trở nên khó gấp nhiều lần. Để có thể ôm được cốc nước, bát cơm cũng là cả sự khổ luyện của bé và mẹ. Có những lúc, đôi tay ngắn ngủn của bé mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển của bé. Nhưng rồi được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần bé cũng tự làm được những việc của cá nhân.

“Linh Chi chịu khó lắm, chỉ khi nào việc gì quá khó cháu mới nhờ bố mẹ. Chẳng hạn như phải gãi lưng, cháu cũng tìm cách để di lưng vào bàn, ghế cho khỏi ngứa. Còn việc ăn uống, cháu cũng tự mình làm. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và dạy bé tự lập, để sau này lớn lên, bé sẽ không phải làm phiền nhiều người”- Chị Thủy tâm sự.

Chị Thủy kể, khi lên 7 tuổi, nhìn các bạn đến trường, Linh Chi cũng nói với mẹ cho bé được đi học. Mới đầu gia đình chị cũng rất lo lắng, vì nghĩ rằng với đôi tay như thế, làm sao con có thể đi học được. Nhưng nhìn sự khát khao được đến trường của con, chị “liều” xin cho con vào học lớp 1 ở trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Ban đầu nhà trường cũng ngần ngại, nhưng vì sự thiết tha của gia đình, nhất là sự quyết tâm của bé, nhà trường đã nhận cháu vào học.

Những ngày đầu cầm bút đối với Linh Chi là một cực hình. Bé “quắp” bút trong cánh tay bé nhỏ, đầu nghiêng vẹo sang một bên để học viết từng nét chữ. Ngày này qua ngày khác, từng nét chữ siêu vẹo, đổ nghiêng, cánh tay bé phồng rộp, hai mắt đau nhức vì phải nghiêng theo cánh tay và phải nhìn quá sát với trang giấy, nhưng Linh Chi vẫn không nản. Cuối cùng, những nét chữ cũng đã bắt đầu “nghe theo” điều khiển của cô bé, dần ngay ngắn và thẳng hàng.

“Mỗi lần thấy con tì bút để viết từng nét chữ, mặt mũi nhăn nhó vì đau đớn tôi thương con lắm. Khi con viết được rồi thì tôi lại bắt đầu lo lắng, vì bé rất thích viết, thích vẽ, nhưng mỗi lần như thế, không có cách nào khác, hai mắt của bé gần như áp sát với trang giấy, tôi lại sợ cho đôi mắt của con. Tôi chỉ mong sau này có điều kiện có thể có dụng cụ nào đó nối dài hơn cánh tay của con, để bảo vệ cho đôi mắt của con”- Chị Thủy thở dài.

Đừng làm đau nỗi lòng người mẹ

Hiện nay, để Linh Chi được đến trường, gia đình chị phải thuê người đưa đón Linh Chi và chăm sóc cháu ở trường. Hoàn cảnh gia đình chị Thủy cũng gặp nhiều khó khăn. Đứa con thứ 2 của vợ chồng chị năm nay 6 tuổi cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ ông nội- một Đại tá quân đội nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Khe Sanh (Quảng Trị). Tuy bé có đầy đủ hình hài, nhưng mắc chứng bệnh dị ứng máu, đau ốm liên miên. Chồng chị Thủy cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha, sức khỏe cũng giảm sút vì chứng bệnh dị ứng máu.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/khng%20tay%204%20.jpg

“Buổi sáng chúng tôi đưa cháu đến trường, sau đó nhờ một bác chăm sóc cháu trong thời gian cháu ở trường. Vì ở trường không có khu vệ sinh cho người khuyết tật, nên cháu không thể tự đi được. Chuyện ăn uống ở trường của cháu cũng vậy. So với các bạn cùng lứa, cháu ăn uống chậm hơn nên cũng ảnh hưởng đến giờ ăn, ngủ của các cháu khác. Nhiều lúc cháu ăn chậm còn bị các bạn trêu chọc, làm cháu rất tủi thân. Vì thế để cháu được đến lớp, gia đình tôi phải vất cả rất nhiều, phải thuê người để chăm sóc cháu ở trường, cốt một phần để cháu không làm phiền cô giáo và các bạn trong lớp”.

Chị Thủy tâm sự, năm nay Linh Chi học hết lớp 1, nhưng có lẽ sang năm chị vẫn xin cho con ở lại lớp 1. Một phần để con nắm chắc hơn kiến thức đã học, nhưng chủ yếu vẫn là để cháu học cùng với đứa em năm nay cũng vào lớp 1. Em cháu sẽ chăm sóc chị trong việc sinh hoạt ở trường, để gia đình chị không phải thuê người, đỡ phần nào khó khăn. “Một hai tháng tới tôi cũng nghỉ việc, tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn để có thời gian đưa đón, chăm sóc con nhiều hơn. Nhưng như thế tôi cũng không biết lo cho các con thế nào khi công việc không ổn định”.

Chị Thủy tâm sự, dù khó khăn đến mấy, chị cũng chịu được và sẽ cố gắng vượt qua. Nhưng có một nỗi buồn mà nhiều lần chị tự nhủ là sẽ cố vượt qua nhưng chưa lần nào chị vượt qua được. Đó là sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Mỗi khi bé Linh Chi ra đường, mọi người lại xì xào bàn tán. Ở trường, nhiều ánh mắt của các bạn nhìn chằm chằm vào cháu, thậm chí có bạn còn không chơi với cháu và gọi cháu là “đồ cụt tay, cụt chân”. Những lời nói, hành động như thế như ngàn mũi dao cứa vào tâm can người mẹ. Thương mình một, chị lại thương con mười, chị động viên con mà nước mắt cứ lăn dài trên má, mặn chát.

“Là người mẹ, ai cũng mong ước có những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng gia đình tôi không may mắn, tôi không mong mọi người thương hại, chỉ mong họ hiểu được nỗi khổ của mẹ con tôi để thông cảm. Nhiều lúc tôi muốn cho con đi chơi ra ngoài để cho con khỏi cảm giác tù túng, để con được hòa nhập với cộng đồng. Nhưng mỗi lần như vậy, nhiều người không thông cảm, nhìn chúng tôi dò xét, thậm chí có người còn ác miệng nói những câu làm tổn thương cho mẹ con tôi. Linh Chi buồn lắm, cứ luôn hỏi mẹ “Bao giờ tay chân con dài ra hở mẹ?”. Nhìn con, tôi như đứt từng khúc ruột”- Chị Thủy nghẹn ngào.

Chị Thủy kể, ở trường, nhiều cô giáo thông cảm và hết lòng thương yêu Linh Chi nhưng cũng có nhiều cô giáo trẻ chưa thông cảm, họ sợ khi phải tiếp xúc với cháu bé “không chân, không tay”, và cho rằng “nếu nhìn cháu nhiều, họ sẽ sinh ra những đứa con tàn tật như cháu. Tôi chỉ mong Linh Chi mãi mãi không biết chuyện này, vì nếu cháu biết, tôi sợ nó sẽ buồn và mất lòng tin vào cuộc sống này”.

Tp. HCM ngày 26.5.2013
Fangzi theo VOV

trai_xu_doai
29-05-2013, 08:39 PM
Không còn từ nào để tả, thật nà tuyệt vời. Người lành lặn như chúng tôi cũng không thể nào làm được như các bạn. Cảm ơn chủ topic, cảm ơn tật cả các bạn.