PDA

View Full Version : Một cách nhìn nhận về các Nhà Thái Cực Quyền



ngochai
27-03-2012, 12:24 PM
Nhân dịp các huynh đệ thảo luận về Thái Cực Quyền (TCQ), trong đó có đề cập đến Trần gia, Dương gia… Liên hệ với bài viết “Thái Cực Quyền thích danh của Vương Tông Nhạc” do Shaolaojia viết “Giải thích về danh từ Thái Cực Quyền”, tại hạ có đôi chút suy ngẫm và chia sẻ.
---------------------------------------

Trước hết xin trích dẫn hai nội dung của các bậc Tôn Sư.

Trong phần Ca Quyết của Vương Tông Nhạc đã đề cập rất rõ ràng: (trích)
“Thái cực giả , vô cực nhi sinh , động tĩnh chi cơ , âm dương chi mẫu dã . Ðộng chi tắc phân , tĩnh chi tắc hợp . Vô quá bất cập , tùy khúc tựu thân . Nhân cương ngã nhu vị chi tẩu , ngã thuận nhân bối (cbc: nghịch) vị chi niêm . Ðộng cấp tắc cấp ứng , động hoãn tắc hoãn tùy . Tuy biến hóa vạn đoan nhi lý vi nhất khí …”

“…Trường quyền giả , như trường giang đại hải , thao thao bất tuyệt dã . Bằng , lý , tê ,án , thái , liệt , trửu , kháo thử bát quái dã . Tấn bộ , thối bộ , tả cố , hữu phán , trung định , thử ngũ hành dã , Băng , lý , tê , án , tức khảm , ly , chấn , đoài , tứ chính phương dã . Thái , liệt , trửu , kháo tức càn , khôn , cấn , tốn , tứ tà giác dã . Tấn , thối , cố , phán , định , tức kim , mộc ,thủy , hỏa , thổ dã . Hợp chi tắc vi thập tam thế dã …”

Shaolaojia cũng đã có giải thích cặn kẽ:

“Thái cực quyền trước gọi là Trường quyền, sau lại có tên là Thập tam thế. Vì sao kêu là Trường quyền? Vì khi diễn luyện (ý là đi quyền) như nước Trường Giang cuộn chảy, thao thao không dứt. Thập tam thế ư? Đấy là băng (ta quen gọi là bằng = hất), loát (ta quen đọc là lý = kéo), tê (tức dồn ép lại), án (tức ngăn chặn lại), thái (nắm, ngắt, túm bắt), liệt (xoay chuyển), trửu (cùi trỏ), kháo (dựa vào), tiến (tiến lên trước), thoái (lui về phía sau), cố (quay sang phía trái), phán (lách qua phía phải), định (trung chính tại giữa) chẳng phải là mười ba thế đấy sao? Băng, loát, tê, án, tức là khảm, ly, chấn, đoài là bốn hướng chính đấy thôi. Thái, liệt, trửu kháo, chẳng phải là càn, khôn, cấn, chấn chẳng phải là bốn góc đó sao? Bốn phương tám hướng không phải vòng bát quái thì là gì nào? Lại như tiến lên, lại như lui về, lách qua bên trái, né tràn qua phải, thủ giữa ngay ngắn, bạn thử hình dung nó là kim, mộc, là thủy hỏa, thổ tức kêu ngũ hành. Mỗi chiêu mỗi thức, mỗi thủ mỗi công, trở qua lật lại, không ngoài âm dương bởi vậy mới kêu là Thái cực quyền.”
----------------------------------------

Trước hết, chúng ta thấy rằng, Vương Tông Nhạc đã nêu rõ bản chất cũng như phương pháp luyện tập TCQ. Nhìn tổng thể, các hệ phái (chi phái) TCQ Trần gia, Dương gia, Tôn gia, Ngô gia hay Võ gia thì cũng đều tuân thủ (không nằm ngoài) bản chất và phương pháp tập luyện mà Vương Tông Nhạc đã nêu.

Bên cạnh đó, thực tế chỉ ra rằng, mỗi người đều có khả năng khác nhau, tố chất khác nhau dựa trên những khác biệt về thể chất và tinh thần (sức khỏe, tri thức, nhận thức, nhân sinh quan, văn hóa…) khác nhau. Do đó, Kungfu tích lũy và các nghiệm chứng, bổ túc và phát triển TCQ cũng sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Các hệ phái Trần, Dương,… có sự khác biệt nhất định cũng do những nguyên nhân khách quan đã nêu trên. Mỗi hệ phái đều có những ưu điểm riêng-và theo quan điểm của người viết, không thể và không nên so sánh ở góc độ Hơn Kém. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng-so sánh Hơn Kém.

Mỗi Nhà-Gia đều có cách tiếp cận (lý luận, ứng dụng và phát triển) độc đáo về TCQ. Nếu hình tượng hóa, nói Bát Quái là 8 cách tiếp cận, nếu nói Tứ Tượng là 4 cách tiếp cận, nếu nói Lưỡng Nghi là 2 cách tiếp cận… thì tựu trung lại là tiếp cận đến đạo của “Thái Cực” trong TCQ mà thôi. Do vậy, chúng ta có nên so sánh sự Hơn hay Kém giữa các hệ phái TCQ hay không? Điều này có thực sự cần thiết hay không? Hay chúng ta chỉ nên so sánh ở góc độ của Sự Khác Biệt mang tính độc đáo của các Nhà.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rõ: đã là bài quyền của Trần gia thì phải có “chất” Trần gia, đã là bài quyền của Dương gia thì phải có “chất” Dương gia,… khi luyện quyền. Điều này cần được xác định rõ ràng bởi người luyện tập TCQ. Người luyện tập TCQ nên chọn cho mình một Nhà phù hợp với tố chất vốn có của bản thân để luyện tập mang tính căn cơ và chuyên sâu-song song với đó là sự khảo cứu các ưu điểm của các Nhà khác để bổ túc thêm những khiếm khuyết nếu thấy cần thiết.

ngochai

bulongocvit
27-03-2012, 01:43 PM
Chào huynh,
Bài luận của huynh rất tuyệt và hợp ý tiểu đệ. Muốn viết nội dung như vậy để mọi người ít cãi nhau mà không nghĩ sao để viết được.
Huynh có lẽ học cả trần gia và dương gia? Cách nhận định của huynh rất tổng quát và lại sâu sắc.
Xem ra huynh cũng rất rành về trần gia thái cực?

Trân trọng,
Cao Minh Đạt

langducaca
27-03-2012, 02:00 PM
Bài luận tuyệt hay.
Huynh đệ cũng là người của Thiều gia phái?

lanhhuyet
28-03-2012, 08:59 PM
Người viết rất am hiểu võ thuật và thái cực quyền.
Lý Kiếm Hoa