PDA

View Full Version : Liên quan đến vụ lật ca nô trên biển Cần Giờ...



thieugia
05-08-2013, 08:56 PM
http://static2.news.zing.vn/v3/images/header/znews_logo_1.01.jpg
Cập nhật thứ bảy, ngày 03/08/13 08:51 sáng

Tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, lúc 20h25 tối 2/8, ca nô của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi từ Gò Công Đông về Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị chìm tại khu vực xã Lý Nhơn, cách bờ Cần Giờ khoảng 3,5km, 9 người trên ca nô mất tích.

Đây là loại ca nô cao tốc, bằng chất liệu composite, khi bị nạn trên ca nô có 30 người thuộc công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng công ty khí Việt Nam, đóng tại khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu.


http://img2.news.zing.vn/2013/08/03/1-41.jpg
Những người sống sót đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh Trường Nguyên.

30 người này đang trên hành trình đi dự đám cưới ở Tiền Giang trở về. Hiện công ty này đang liên hệ thuê trực thăng để tìm kiếm người mất tích.

Tài công của chiếc ca nô gặp nạn là Phạm Duy Phúc, thợ máy là Nguyễn Văn Dương.

Lúc 21h tối cùng ngày, một người đàn ông tên Nguyễn Ngọc Tuấn đã đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) báo tin và đề nghị trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Trung tâm 3 điều tàu SAR 272 ra tìm kiếm cứu nạn, tàu này đã vớt được 3 người trên biển.

Cùng lúc đó tàu BP02 của Bộ đội biên phòng TP.HCM đã vớt được 14 người. Chủ ca nô gặp nạn cũng đã thuê ca nô dịch vụ vớt được thêm 4 người nữa, trong đó có đôi vơ chồng người nước ngoài.

Do điều kiện thời tiết và đêm tối, việc cứu hộ diễn rất khó khăn. Hiện vẫn còn 9 người mất tích. Tàu SAR 272 đã phát hiện được vị trí ca nô bị chìm và đang tích cực tìm kiếm người bị nạn.

Cho đến 8h sáng hôm nay, ông Huỳnh Cách Mạng, chủ tịch UBND huyện Cần Giờ xác nhận đã cứu được 21 người, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Cần Giờ. 9 người còn lại, theo ông Mạng, nhiều khả năng đã mất tích.

Hiện tại các cơ quan chức năng đang huy động lực lượng tìm kiếm dọc trên các tuyến sông thuộc xã Lý Nhơn và Long Hòa.

Nguyên nhân ban đầu có thể do ca nô chở quá tải.

Sáng 3/8, đại tá Trần Công Hiểu, Phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết ca nô gặp nạn là một trong hai ca nô được xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsopetro tài trợ cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây khoảng 2 tháng.

Ngày 9/7, ca nô này bị trục trặc, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lại cho công ty Cổ phần công nghệ Việt - Séc (đơn vị đóng ca nô) để sửa chữa.

Khi xảy ra tai nạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa nhận bàn giao lại ca nô này.

Cũng theo đại tá Hiểu, ca nô này chỉ có khả năng chở khoảng 18 người. Tuy nhiên khi xảy ra tai nạn, trên ca nô có tổng cộng đến 30 người.


Danh sách nạn nhân

http://img2.news.zing.vn/2013/08/03/7355110152411771264057601365n.jpg


21h ngày 2/8, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) nhận thông tin báo nạn từ đại diện Công ty Cổ phần bến tàu du lịch dịch vụ Maria: Tàu chở khách H29-BP chở khoảng 30 người chạy từ Gò Công Đông đi Vũng Tàu bị phá nước lúc 20h, sau đó mất thông tin liên lạc khi tàu ở gần bãi tắm Cần Giờ.

Vietnam MRCC cũng đã điều tàu SAR 272 làm chỉ huy hiện trường, lập kế hoạch và chỉ đạo các tàu có mặt tại hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã hướng dẫn, chăm sóc y tế ban đầu đối với người bị nạn. Trong quá trình tổ chức tìm kiếm cứu nạn, tàu SAR 272 đã phát hiện xác tàu H29-BP chìm, trôi dạt và tàu SAR 272 đã neo giữ xác tàu này.

Để tìm kiếm thêm người bị nạn, Vietnam MRCC điều động tiếp tàu SAR 413 đi cứu nạn, mặt khác tiếp tục yêu cầu các phương tiện của các cơ quan, đơn vị khác tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đến 4h ngày 3/8 lực lượng cứu nạn đã tìm kiếm tiếp được 4 người bị nạn, nâng tổng số người tìm kiếm được là 21 người.

Hiện nay, Vietnam MRCC vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tàu SAR 413, SAR 272 và các phương tiện của các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân vẫn còn mất tích.

Theo Tuổi Trẻ

thieugia
05-08-2013, 09:04 PM
TPHCM:

Nhiều câu hỏi cần giải đáp sau vụ chìm tàu làm 9 người chết

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/dan%20tri%20logo.jpg
Thứ hai, 5/8/2013 - 07:13:01 AM

(Dân trí) - Tính đến sáng 5/8, 2 nạn nhân cuối cùng trong số 9 người mất tích trong vụ chìm tàu đã được tìm thấy. Công tác cứu hộ, cứu nạn kết thúc song hàng loạt câu hỏi lớn được đặt ra, cần được làm rõ.

Trong những ngày qua, ưu tiên hàng đầu là công tác cứu chữa các nạn nhân may mắn sống sót và tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Điều kỳ diệu đã không xảy ra khi những hy vọng về sự sống sót đối với 9 nạn nhân không thành sự thật. Họ đã chết sau thời gian dài vật vã, không nơi bám víu giữa sóng biển.

Một số cuộc họp, đánh giá ban đầu tỏ vẻ hài lòng với công tác cứu hộ cứu nạn. Những đánh giá đó có thể chủ quan khi đem so sánh số người được cứu sống (21) nhiều hơn so với số nạn nhân mất tích (9). Sự chênh lệch đó, tự hài lòng là đã thành công. Thực ra, mất một mạng người, hẳn đã là sự thất bại.

Theo thông tin ban đầu, chiếc tàu H29-BP là 1 trong 3 con tàu (dạng ca nô) do công ty liên doanh tặng cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu H29 – BP được sản xuất theo công nghệ mới nhất của Czech, bằng các vật liệu đặc biệt, có khả năng chống chìm. Tàu có sức chuyên chở 12 người. Thế nhưng, món “quà tặng” ý nghĩa này có chút trục trặc và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải đưa đi bảo dưỡng tại công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech vào ngày 9/7. Phải chăng, món “quà tặng” này có vấn đề về chất lượng?


http://dantri4.vcmedia.vn/5vbKT1ccccccccccccv1/Image/2013/08/tau-3-3a5ca.JPG
Chất lượng của 3 con tàu được tặng có vấn đề? (Ảnh: Đình Thảo)

Tàu bảo dưỡng, sữa chửa, chưa được bàn giao thì chiều 2/8, sau cuộc gọi từ lãnh đạo Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina, ông Vũ Xuân Đào (Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech) đã đồng ý cho 3 chiếc tàu này rời “bệnh viện” để đi Tiền Giang đón các công nhân đang ăn cưới về Vũng Tàu. Điều này, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ ông Vũ Xuân Đào quá cả nể lãnh đạo công ty du lịch Marina nên “mù quáng” đưa những chiếc tàu đang rệu rã đi đón người, bất chấp hiểm nguy rình rập. Cũng có thể, đây là thương vụ, vì một khoản tiền cho thuê hay lót tay nào đó mà ông Đào “nhắm mắt làm liều”?!.

Chẳng hiểu sao, con tàu đang sửa chữa, chưa đăng kiểm vẫn được Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép xuất bến. Để hậu quả của nó là cái chết tức tưởi của 9 con người. 21 nạn nhân được cứu sống, nhưng ký ức kinh hoàng những giây phút chiến đấu với tử thần, cũng không dễ nhạt phai.

Công tác cứu hộ, cứu nạn được xem là một thất bại lớn bởi việc huy động lực lượng tại chỗ chậm, 2 con tàu đi cùng nhiều khả năng bỏ mặc chiếc tàu chìm. Sự việc xảy ra khoảng 19h đêm 2/8 nhưng mãi đến 1h ngày 3/8 thì tàu cứu hộ, cứu nạn mới tiếp cận, trong khi hiện trường vụ chìm tàu chỉ cách đất liền khoảng 10km tới Cần Giờ và 20km tới Vũng Tàu, từ đất liền ra hiện trường bằng ca nô chỉ 10-20 phút, bằng tàu cá chỉ 40-50 phút. Vậy tại sao, hơn 5h đồng hồ sau, các lực lượng cứu hộ cứu nạn mới đến hiện trường? Phải chăng, chính sự chậm trễ đã để xảy ra hậu quả thảm khốc?

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng việc ứng cứu chậm trễ là do người báo tin chậm và có ý giấu giếm, không cung cấp đầy đủ thông tin như vị trí tàu gặp nặn, số người hiện có trên tàu, hiện trạng kỹ thuật con tàu…

Trong “nhật ký cứu nạn” của Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu thì lúc 21h ngày 2/8, đơn vị này mới nhận thông tin có tàu bị nạn ở Cần Giờ từ một người tên Nguyễn Ngọc Tuấn của Công ty du lịch Marina. Tuy nhiên, ông Tuấn không nói cụ thể về số người trên con tàu bị nạn, không nói rõ tọa độ và cũng không cho biết là sự việc đã xảy ra cách đó 2h đồng hồ.


http://dantri4.vcmedia.vn/5vbKT1ccccccccccccv1/Image/2013/08/cuu-nan-45903.JPG
Để xảy ra tổn thất về tính mạng con người là một thất bại (Ảnh: Đình Thảo)

Cũng lúc 21h ngày 2/8, Trung Tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) cũng tiếp nhận thông tin báo từ ông Tuấn. Trung tâm 3 liền thông báo, xác minh đến Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu… nhưng các đơn vị này cho biết chưa nhận được thông tin nào về vụ việc này.

Ông Phạm Hiển, Giám đốc trung tâm 3 cho biết, mãi đến 22h cùng ngày, ông Tuấn mới thông báo rõ tọa độ nơi con tàu bị nạn. Thông tin đó ông Tuấn có được từ một người làm chung công ty đi trên con tàu khác báo lại sau khi đã vào bờ an toàn. “10 phút sau, chúng tôi đã điều tàu SAR 272 nhanh chóng ra hiện trường tìm kiếm người bị nạn”, ông Hiển nói. Phải chăng, 2 con tàu đi cùng phát hiện tàu H29-BP gặp nạn nhưng không ứng cứu hay kịp thời báo tin cứu nạn?

Ngay khi các đơn vị nhận tin ở TPHCM nhập cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thì mãi 22h45 ngày 2/8, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn từ ông Tuấn và triển khai lực lượng ra hiện trường.

Rõ ràng, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai cứu hộ, cứu nạn “có vấn đề”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lỗi chủ quan cũng xảy ra khi con tàu hết nhiên liệu, đang trôi tự do nhưng những người trên tàu tin có khả năng xử lý được nên báo tin khẩn chậm. Cũng có thể, vì biết việc thuê – mượn tàu để “chở lậu”, chở quá người quy định, nếu báo tin thì sẽ không hay nên một số người liên quan đang cố giấu thông tin để “tự xử lý”. Tuy nhiên, khi không xử lý được thì phát tin khẩn cấp thì mọi chuyện đã quá muộn.

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn cũng như quy trình xử lý thông tin, cứu hộ, cứu nạn đang được khẩn trương điều tra làm rõ.

Công Quang

thieugia
05-08-2013, 09:16 PM
Thảm họa trên biển, 9 người chết và mất tích: Ém thông tin tai nạn?
http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/thanh-nien-logo.png
05/08/2013 11:40

Những thông tin PV Thanh Niên thu thập được trong ngày hôm qua cho thấy thảm họa chìm ca nô đã được một số người biết rất sớm, nhưng không báo ngay cho cơ quan chức năng.


http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20138/NAM/003/ban-do.jpg;pvaa791aa927ec6ce8
Vị trí ca nô bị chìm - Đồ họa: Hồng sơn

Cơ quan chức năng TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định địa điểm ca nô bị chìm chỉ cách mũi Cần Giờ (H.Cần Giờ) khoảng 10 km, mũi Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) khoảng 20 km. Đại diện một công ty chuyên đóng mới ca nô ở TP.Vũng Tàu khẳng định, với quãng đường này, một chiếc ca nô cứu hộ (công suất khoảng 85 - 200 CV, loại ca nô khá phổ biến hiện nay), dù xuất phát ở mũi Cần Giờ hay mũi Vũng Tàu, thì chỉ cần khoảng từ 10 - 20 phút; với tàu cá của ngư dân cũng chỉ mất 40 - 50 phút. Vậy vì sao địa điểm gặp nạn chỉ cách bờ khoảng như vậy mà các nạn nhân phải vật lộn trên biển suốt nhiều giờ đồng hồ, để dẫn đến hậu quả quá thảm khốc?

Kêu cứu từ 18 giờ


Có thể ngay từ đầu anh Tuấn đã biết thông tin ca nô bị nạn khá rõ nhưng đã không báo cho cơ quan chức năng sớm.
Tôi có cảm giác như anh Tuấn đã giấu một số thông tin khi khai báo.
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3

Trước thông tin cho rằng việc cứu nạn, cứu hộ diễn ra chậm dẫn đến nhiều nạn nhân mất tích, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3), khẳng định: “Chúng tôi đã triển khai cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân rất nhanh”.

Ông Hiển cho biết, lúc 21 giờ ngày 2.8, Trung tâm 3 nhận được điện thoại từ một người tên Tuấn báo có vụ một ca nô chở khách bị nạn ở khu vực bãi tắm Cần Giờ. Ngay sau khi nhận được thông tin này, Trung tâm 3 đã đề nghị HCM radio thông tin rộng rãi trên các phương tiện để xác minh thông tin tàu chở khách bị nạn. “Chúng tôi đã yêu cầu anh Tuấn đến Trung tâm 3 trình báo vụ việc, đồng thời gọi điện xác minh từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, TP.HCM, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Giờ…, nhưng lãnh đạo các đơn vị này đều cho biết chưa nhận được thông tin về ca nô chở khách nào bị nạn. Mặc dù như vậy, chúng tôi vẫn xác minh qua nhiều nguồn để xác định có tàu bị nạn hay không nhưng vẫn không phát hiện được gì thêm”, ông Hiển nói.

Đại tá Lê Ngọc Hùng, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng TP.HCM, cho biết lúc 21 giờ 38 phút, Bộ đội biên phòng nhận được thông tin về vụ tai nạn nói trên.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV thu thập được, sự cố đã xảy ra từ trước đó khá lâu. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu tiếp nhận một bản tường trình của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ Công ty du lịch Vũng Tàu Marina, trong đó ghi: “Khoảng 18 giờ ngày 2.8, có người báo với tôi là tàu mang ký hiệu H29-BP sắp hết nhiên liệu và yêu cầu tôi tìm một chiếc tàu nào đó để tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, do tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) chỉ có những ca nô bé, không thể nào đi được và cũng không biết địa điểm ở đâu. Sau đó, khoảng 20 giờ thì chúng tôi mới biết được tàu đang bị trôi ở khu vực Cần Giờ, và có nhờ tàu của biên phòng xuất phát khoảng 20 phút ngay sau đó luôn. Đến 20 giờ 25 phút thì tôi nhận được tin nhắn tàu bị chìm. Lúc đó, tôi bắt đầu liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm sự trợ giúp…”.

Trong khi đó, ông Tuấn cũng có đơn đề nghị Trung tâm 3 cứu nạn, nêu: “Khoảng 20 giờ 25 ngày 2.8, tôi nhận được tin báo là tàu chở 30 khách ký hiệu là H29-BP bị nạn tại khu vực Cần Giờ (tọa độ chưa xác định), tất cả hành khách đều có mặc áo phao cá nhân…”.

Thấy bị nạn nhưng không cứu ?


Tìm thêm được thi thể 5 nạn nhân
Sau những nỗ lực tìm kiếm trên diện rộng, đến tối qua các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 5 thi thể là nạn nhân vụ chìm ca nô H29-BP, trong đó có thi thể của tài công Phạm Duy Phúc (55 tuổi, ngụ Quảng Bình). Như vậy, đến nay đã có 7 người chết, 2 người còn mất tích.

Với bản tường trình và đơn đề nghị cứu nạn này, ông Hiển nhận xét: “Có thể ngay từ đầu anh Tuấn đã biết thông tin ca nô bị nạn khá rõ nhưng đã không báo cho cơ quan chức năng sớm. Tôi có cảm giác như anh Tuấn đã giấu một số thông tin khi khai báo”. “Mãi đến 22 giờ 5 phút cùng ngày anh Tuấn mới cho chúng tôi tọa độ của tàu bị nạn. Anh Tuấn nói tọa độ này mới được một người ở công ty làm chung cho. Người này đi trên ca nô khác vào bờ trước đó. Đến 22 giờ 10 phút, chúng tôi đã điều tàu SAR 272 nhanh chóng ra hiện trường tìm kiếm người bị nạn”, ông Hiển cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi về lý do vì sao biết ca nô bị sự cố từ rất sớm nhưng lại đến cầu cứu đơn vị cứu hộ muộn, ông Tuấn chỉ nói chung chung: “Những thông tin nhận được về sự cố ca nô bị nạn đều bằng tin nhắn của những số lạ (?!), và tham gia vào vụ việc này chỉ vì trách nhiệm và lương tâm”.

Chiều 4.8, nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Sinh (TP.HCM), anh Trần Quốc Tuấn (một trong số 21 người được cứu), cho biết thời điểm ca nô bị lật chìm vào khoảng 19 giờ ngày 2.8. Lúc này anh Nguyễn Văn Cương dùng điện thoại gọi cho một người tên Quý đi ở chuyến ca nô sau để báo tin. “Một lúc sau hai chiếc ca nô chạy gần tới chỗ xảy ra tai nạn, chạy chậm lại một chút và đi luôn. Một lúc sau, anh Cương nói với mọi người là những người trên hai ca nô nhắn tin là đã định vị được địa điểm, hãy yên tâm sẽ về báo để có người ra cứu”, anh Tuấn kể.

Trao đổi với PV Thanh Niên về thông tin trên, ông Phạm Hiển nói: “Hôm nay, cũng nghe nhiều người hỏi nhưng tôi chưa biết thực tế thế nào. Nếu biết ca nô H29-BP bị nạn nhưng vẫn không đến ứng cứu là vi phạm pháp luật”.

Rõ ràng, với những thông tin nói trên, có quá nhiều điều cơ quan chức năng cần làm rõ: Vì sao thông tin ca nô gặp nguy hiểm ông Tuấn đã biết từ rất sớm nhưng không báo ngay cho cơ quan chức năng? Khi xảy ra tai nạn, người đi trên 2 ca nô cùng hải trình biết tọa độ tai nạn nhưng sao không báo ngay cho cơ quan cứu nạn mà đến 22 giờ 5 phút mới báo? Những số “máy lạ” nhắn tin cho ông Tuấn là của ai? Vì sao hai ca nô cùng hải trình thấy tai nạn không tổ chức cứu người…

Huy động lực lượng tại chỗ chậm

Trao đổi với PV vào chiều qua về công tác cứu hộ trong vụ chìm ca nô H29-BP, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của các bên tham gia cứu nạn. Tuy vậy, ông Nhật cũng thẳng thắn: “Việc cứu hộ cũng có điểm chưa hoàn hảo. Nếu huy động các thuyền ghe của dân tham gia cứu nạn thì hiệu quả cao hơn. Chúng ta phải rút kinh nghiệm là huy động tại chỗ chậm, vì người dân tiến sát bờ, quen địa hình, chỗ chìm ca nô cũng rất cạn, nên tàu cứu hộ khó vào trong khi ghe thuyền người dân dễ tiếp cận hơn”.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của Cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM sẽ triển khai điều tra, xác định nguyên nhân vụ chìm ca nô. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của công tác cứu hộ, cứu nạn nên hiện toàn lực lượng đang tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích. Ông Sang cũng nhìn nhận: “Bài học rút ra sau sự cố nghiêm trọng này là phải làm sao phát huy tối đa năng lực của lực lượng hiện có tại chỗ, bởi vì khi tai nạn xảy ra thì các lực lượng chức năng từ Sài Gòn, Vũng Tàu dù xuất phát ngay nhưng khi đến hiện trường cũng phải mất một thời gian nhất định”.

Một cán bộ từng công tác trong ngành hàng hải cho rằng có đến 9 người chết và mất tích là điều rất đáng tiếc vì “chúng ta chưa huy động hết các lực lượng sẵn có tại Cần Giờ và Vũng Tàu để cùng tham gia tìm kiếm và cứu hộ”. “Với nhiều tàu đánh cá trên biển thì gió mạnh cấp 6, cấp 7 không nhằm nhò gì. Chúng ta đã không tổ chức huy động ngay lực lượng này cùng đi tìm kiếm, cứu hộ, trong khi tàu cá từ Cần Giờ ra đến vị trí tai nạn chỉ mất khoảng 30 phút hành trình”, ông nói và cho biết vào điểm xảy ra tai nạn, ông có 2 chiếc tàu đánh cá ở khu vực Cần Giờ, nhưng tiếc là không có thông tin gì về vụ tai nạn để kịp tham gia ứng cứu.

THANH NIÊN

thieugia
05-08-2013, 09:32 PM
Chàng trai nhường áo phao đã cứu 4 người trước khi chết
http://static2.news.zing.vn/v3/images/header/znews_logo_1.01.jpg
Cập nhật thứ hai, ngày 05/08/13 05:48 chiều

Như tin đã đưa, khoảng 21h ngày 2/8, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên sông Soài Rạp (đoạn chảy qua xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) làm 9 người mất tích. Hiện tất cả đã được tìm thấy thi thể, bàn giao cho gia đình tổ chức lễ mai táng.

Giây phút đón hung tin

Trong số 9 nạn nhân tử vong, có một trường hợp vì muốn cứu sống người khác nên đã bị nước cuốn trôi và tử vong, đó là anh Trần Hữu Hiệp (SN 1988, trú thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Theo thông tin từ những người sống sót, anh Hiệp trước khi chết đã cứu sống được 5 người, trong đó có 1 thai phụ.


http://img2.news.zing.vn/2013/08/05/1-3.JPG
Di ảnh anh Hiệp.

Chúng tôi về gia đình anh Hiệp sau 3 ngày xảy ra tai nạn nghiêm trọng trên, đúng lúc gia đình chuẩn bị đón thi thể anh, dự kiến về đến quê vào lúc rạng sáng ngày mai (6/8). Cả gia đình ông Trần Hữu Trọng (SN 1957, bố đẻ anh Hiệp) như chết lặng sau khi nhận hung tin và kiệt quệ tinh thần từ hôm đó đến nay.

Gạt dòng nước mắt lăn dài, ông Trọng mở lời: “Cháu Hiệp là con út, là đứa hiền lành, biết sống nhất nhà”.


http://img2.news.zing.vn/2013/08/05/2-4.JPG
Ông Trọng và vợ (giữa) đau buồn chờ đợi người thân đưa thi thể anh Hiệp về nhà.

Vợ chồng ông Trọng sinh được 3 người con, tất cả đều được ông bà nuôi ăn học tử tế, sống hiền lành. Trong đó, anh Hiệp là con trai út trong gia đình nên được ông bà Trọng yêu chiều và quan tâm nhất.


“Trong cơn hoạn nạn, anh Trần Hữu Hiệp đã tự nguyện nhường lại chiếc áo phao đang mang trên người cho một phụ nữ đang chới với dưới dòng nước”.

“Nhường xong chiếc áo, anh Hiệp bám vào thành tàu nhưng liên tục bị nhiều cơn sóng khác đánh dạt ra. Nhiều con sóng khác lại ập vào, anh Hiệp lúc này đã kiệt sức lại trôi ra xa, chúng tôi cố gắng níu giữ anh Hiệp. Tuy nhiên lúc này anh đã quá kiệt sức, không thở được nữa" - anh Nguyễn Văn Dương, nạn nhân trên chuyến tàu định mệnh kể lại.

Sau khi học hết lớp 12, anh Hiệp thi đỗ rồi theo học trường cao đẳng hóa chất Phú Thọ. Năm 2008, anh tốt nghiệp với tấm bằng khá. Trước khi vào Nam làm công nhân cơ khí, anh Hiệp có thời gian lặn lội ở nhiều tỉnh thành phía Bắc làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Đi đâu Hiệp cũng được mọi người quý mến”, một người dân nói.

“Lúc còn đi học, cháu cũng đã tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải cuộc sống sinh viên nên gia đình tôi cũng đỡ vất đi nhiều. Ra trường, nghĩ thương bố mẹ, cháu không quản công việc nặng nhọc, lăn lội nhiều nơi rồi cũng kiếm cho mình một công việc với mức thu nhập khá, hằng tháng cháu vẫn gửi tiền về đỡ đần cho gia đình”, ông Trọng kể.

Kể lại giây phút nhận hung tin, ông Trọng nhớ lại, khoảng 13h ngày 3/8, vợ chồng ông Trọng vừa ăn cơm xong, đang ngồi nghỉ trưa thì nhận được cú điện thoại từ công ty nơi anh Hiệp làm việc. “Lúc đó tôi thấy số máy bàn mã tỉnh trong Nam, cứ nghĩ đầu giây bên kia là Hiệp về nên rất phấn khởi. Ai ngờ họ báo rằng, con tôi đã mất tích ngoài biển trong một chuyến đi du lịch cùng anh em công ty”.

Nhận tin, ông Trọng vẫn không dám tin điều đó là sự thật, ông cúp máy rồi chạy ra kể lại với người vợ là bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1957). Bà Thìn nghe thế rồi cùng ông chạy vào, gọi vào số máy anh Hiệp nhưng không liên lạc được, ít phút trấn tĩnh tinh thần, ông bà Trọng nhờ người gọi lại xác minh.

“Vài tuần trước cháu còn gọi điện về bảo là tranh thủ kiếm tiền để cuối năm về dự đám cưới anh trai, thế mà nay cháu đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi”, bà Thìn khóc nức nở.

Cứu 4 người trước khi nhường áo phao

Cô Tào Thị Hoạt (trú quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), là mợ ruột của anh Hiệp kể lại: “Nhà tôi ở cách đó gần 120km. Tôi nhận tin lúc hơn 13h chiều rồi bắt xe chạy một mạch xuống biển, đúng lúc đội cứu hộ đang cố hết sức tìm kiếm các thi thể, trong đó có Hiệp. Đến 17h, thi thể cháu đã được tìm thấy, đưa lên bờ”.

Cô Hoạt xúc động kể chuyện đã tiếp xúc với một số người đi cùng đoàn với anh Hiệp nhưng may mắn thoát chết. Họ cho biết, anh Hiệp đã cứu được tổng cộng 5 người, trong đó có một phụ nữ đang mang bầu. “Tôi nghe họ kể lại, lúc cano lật úp, Hiệp là thanh niên khỏe mạnh và đang mặc áo phao nên đã căng mình cứu vớt được 4 người đưa lên thuyền. Thấy một người phụ nữ đang mang bầu, yếu ớt bám vào thân cano, Hiệp đã không tiếc mạng sống cởi áo phao đưa lại cho người này. Do đã đuối sức, Hiệp bị sóng đánh dạt ra xa rồi mất tích. Mặc dù một số người được cứu tìm mọi cách giúp đỡ Hiệp nhưng tất cả đều bất lực”, cô Hoạt kể lại.


http://img2.news.zing.vn/2013/08/05/4-3.JPG
Đông đảo người dân đến chia buồn cùng gia đình ông Trọng.

Ông Lê Đức Thủy, Trưởng thôn 4, xã Thạch Long nhận xét, anh Hiệp là một thanh niên sống hiền lành, tử tế và thường xuyên giúp đỡ người gặp nguy nan. “Bản thân anh Hiệp xưa nay sống rất hiền lành, đoàn kết, có lòng thương người”, ông Thủy nhận xét thêm.

Ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, chính quyền xã Thạch Long đang tích cực phối hợp cùng gia đình ông Trọng để tiếp nhận và tổ chức lễ mai táng trang trọng cho anh Hiệp. “Việc anh Hiệp qua đời là một tổn thất to lớn không chỉ vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mà anh còn là một thanh niên sống rất có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên giúp đỡ mọi người”, ông Thủy nói.

Được biết, suốt nhiều năm nay ông Trọng, bà Thìn bệnh nặng nên anh Hiệp làm ra bao nhiêu tiền thì đều gửi về phụ giúp gia đình. “Cháu mới đi làm được vài năm. Bản thân vợ chồng tôi đau ốm quanh năm nên cháu Hiệp là trụ cột chính trong gia đình, giờ cơ sự ập xuống thế này, chúng tôi không biết phải sống thế nào”, ông Trọng nói.

A. Thanh
Theo Infonet

thieugia
06-08-2013, 08:38 AM
Vụ canô chìm trên biển: Xuất hiện những tình tiết bất ngờ
http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_tto.png
06/08/2013 07:56 (GMT + 7)

TT - Trong ngày 5-8, PV Tuổi Trẻ đã tiếp cận được bản tường trình của ông Hà Ngọc Phước - giám đốc nhà máy sản xuất ống thép dầu khí thuộc PV Pipe.
Ông Phước là một trong những người biết rất sớm vụ chìm canô. Lần theo bản tường trình này, PV Tuổi Trẻ phát hiện tình tiết mới, không xuất hiện trong những ngày qua.
8g30 sáng 5-8, tàu cứu nạn SAR 413 đưa thi thể nạn nhân Nguyễn Bá Đức vào bờ. Trước đó, thi thể nạn nhân Đào Mạnh Cường cũng được đưa vào bờ. Sau hơn 60 giờ làm việc liên tục, công cuộc cứu nạn canô chìm trên biển Cần Giờ (TP.HCM) kết thúc.


Lần theo lời khai của người trong cuộc


Biên phòng Tiền Giang không biết canô vào sông Soài Rạp

Ngày 5-8, ông Phan Hồng Châu - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Tiền Giang - cho biết về nguyên tắc, ba chiếc canô từ Vũng Tàu vào sông Soài Rạp thuộc địa phận xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông phải trình báo với trạm biên phòng tại cảng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông). Tuy nhiên, các canô này không trình báo vào và cũng không trình báo khi trở ra nên bộ đội biên phòng không biết.


http://tuoitre.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=648904
Thợ máy canô bị chìm Nguyễn Văn Dương - Ảnh: Đông Hà

Theo ông Châu, sông Soài Rạp khu vực Vàm Láng rộng khoảng 3km. Nửa sông bên bờ nam do bộ đội biên phòng Tiền Giang quản lý, còn nửa bờ bắc do TP.HCM quản lý. “Nếu tài công trình báo đúng quy định thì chắc chắn bộ đội biên phòng sẽ kiểm tra các loại giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, áo phao, thiết bị an toàn hàng hải... Khi đó chắc chắn sẽ phát hiện canô chở quá số người quy định và sẽ không cho rời bến. Đằng này người ta cố tình né trạm kiểm soát nên làm sao biết mà xử lý, ngăn chặn?
V.TR.

Tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Dương - 28 tuổi, thợ máy của canô bị nạn, người đầu tiên rơi xuống biển khi canô lật - cho biết nếu được cứu nạn kịp thời thì chắc rằng vụ tai nạn không đến nỗi quá bi thảm. Theo anh Dương, sau khi canô bị chìm khoảng một giờ thì có một canô đi ngang và dừng lại nhưng chỉ chạy lòng vòng, pha đèn rồi bỏ đi.

Trong khi nổi trên biển, anh Dương cùng nhiều người khác đã che chắn, bao quanh anh Nguyễn Văn Cương - người có điện thoại duy nhất trên canô - để anh này khỏi rơi xuống biển, giữ cho điện thoại khỏi bị ướt. Anh Dương cho biết có nghe anh Cương gọi điện báo sự cố cho sếp. “Nếu tàu cứu hộ đến sớm hai tiếng thì sẽ ít người chết. Đằng này đến sáu tiếng mới tới nên nhiều người không còn sức để bám vào canô” - anh Dương nói.

Bản tường trình của ông Hà Ngọc Phước cho thấy ông Phước có mặt trên một trong ba chiếc canô chở người đi dự đám cưới và có nhận được tin canô bị nạn, sau đó báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc và Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina .
Bản tường trình nêu rõ: Khoảng 17g40 ngày 2-8, chiếc canô bị nạn xuất phát từ Gò Công Đông đi Vũng Tàu. Hai canô còn lại xuất phát khoảng 18g45 cùng ngày. Trên đường đi, đến khoảng 20g10, ông Phước có nhận một cuộc điện thoại từ số máy của anh Nguyễn Văn Cương nhưng không nghe rõ, ông Phước có liên lạc lại thì nhận được tin tàu bị nạn. Theo ông Phước, ngay sau khi biết tin tai nạn, ông có liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều ở Vũng Tàu Marina) để báo tin tai nạn, gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận với ông Phước tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu và ông Sơn đi cùng tàu.

Đến 21g34 ngày 2-8, ông Phước lại nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung “có chiếc canô thấy tụi em mà nó không ghé”. Ông Phước có nhắn lại “tụi em thử coi đúng không”, “tàu anh đi đang gặp nguy, tài công nói quay lại là sẽ bị chìm luôn, trấn an anh em đi tàu bị nạn bình tĩnh, tàu cứu hộ đang ra”. Sau đó, anh Cương nhắn lại trả lời “OK”. Đáng chú ý, ngay khi biết được canô bị nạn lúc hơn 20g và nhận tin nhắn trên, ông Phước có yêu cầu canô quay đầu lại để cứu người nhưng người lái không đồng ý. Canô của ông Phước về đến Khu công nghiệp Đông Xuyên vào lúc hơn 23g cùng ngày.

Trong khi đó, ông Phạm Hiển, giám đốc Trung tâm phối hợp cứu nạn tìm kiếm khu vực 3 (Trung tâm 3), cho biết lúc 21g trung tâm này mới nhận được điện báo từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Vũng Tàu Marina) và 20 phút sau ông Tuấn đến trung tâm trình báo sự việc bằng đơn viết tay. Sau khi xác minh thông tin, lúc 22g10, Trung tâm 3 điều tàu SAR 272 ra hiện trường. Vậy câu hỏi đặt ra là có không một chiếc tàu cứu nạn đã ra hiện trường trước khi tin xấu được báo cho cơ quan chức năng?

Có tàu ra cứu rất sớm

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nghi vấn có tàu xuất bến đi tìm canô bị chìm trước khi thông báo cho cơ quan chức năng về vụ tai nạn, ông Vũ Văn Đảo, giám đốc Việt - Séc, xác nhận: “Chuyện đó là đúng. Chính tôi là người đề nghị biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu cho xuất bến tàu cứu nạn và tàu xuất bến khoảng 19g30 tối 2-8. Cùng đi còn có ông Tạ Thanh Sơn, người của Việt - Séc”.

Ông Đảo cho biết ông cũng là người đi trên chuyến canô cùng với ông Hà Ngọc Phước. Trên đường đi từ Gò Công Đông về Vũng Tàu, vào lúc hơn 19g thấy thời tiết bất thường và lo ngại cho chiếc canô đi trước (tức canô bị nạn), nên ông đã điện về cho ông Sơn, yêu cầu ông này nhờ bộ đội biên phòng cho một tàu đi ra để phòng ngừa tình huống xấu nhất. Ông Sơn điện lại cho ông Đảo nói phải điện cho chỉ huy trưởng thì mới được điều tàu đi. Ông Đảo điện cho thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu - nhờ cho tàu đi và được ông Quỳnh đồng ý. Lúc này vào khoảng 19g30, ông Sơn cùng lên tàu của biên phòng đi với bộ đội biên phòng. Tuy nhiên tàu của biên phòng không tìm thấy canô bị nạn vì không biết tọa độ. “Thấy thời tiết quá xấu và nguy hiểm nên tôi chỉ yêu cầu tàu ra để đề phòng trường hợp xấu nhất. Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết canô đã bị chìm” - ông Đảo nói.

Ông Đảo chính thức biết tin canô bị chìm từ ông Hà Ngọc Phước. Ông Đảo kể thấy ông Hà Ngọc Phước lo lắng, ông đã hỏi cụ thể thì ông Phước mới nói canô bị chìm. Lúc này là 20g26. Ngay sau đó, ông Đảo điện tiếp cho thượng tá Quỳnh nói chính thức là canô bị chìm, cần khẩn cấp cứu nạn nhanh hơn nữa.

21g ngày 5-8, chúng tôi có điện thoại và thông báo về những những lời kể của ông Vũ Văn Đảo cho thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh biết. Thượng tá Quỳnh nghe câu chuyện rồi chỉ nói: “Để kiểm tra lại”.

Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu nói gì?

Trước đó sáng cùng ngày, đại tá Đào Quang Hiển, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định trong ba canô chở người đi đám cưới có hai canô của đơn vị này đang sửa chữa ở Công ty Việt - Séc và bị lấy ra ngoài chở khách. Trả lời câu hỏi tại sao bộ đội biên phòng không biết Công ty Việc - Séc tùy tiện đưa tàu ra hoạt động ngay trên vùng biển thuộc quyền tuần tra của đơn vị này mà không bị phát hiện, ông Hiển nói: “Cái này Công ty Việt - Séc xác minh chứ hỏi như thế làm sao chúng tôi trả lời được. Biển thì rộng bao la như thế...”.

* Nhưng thưa ông, hai chiếc canô này khi xuất bến phải đi ngang đồn biên phòng?

- Có nhiều đường lắm. Phương tiện này do công ty đang sửa chữa, tự ý lấy đi, tránh khu vực kiểm soát của bộ đội biên phòng. Canô lại bị nạn trên vùng biển không thuộc chúng tôi quản lý, ngoài tầm kiểm soát.

* Hai canô còn lại trong đoàn (trong đó có một canô của biên phòng) có tải trọng yếu hơn canô bị nạn nhưng vẫn chở đến 38 người và về đến đảo Long Sơn, tức là đi sâu vào vùng kiểm soát của biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, vậy mà vẫn không bị phát hiện?

- ... (im lặng)

* Bạn đọc của báo rất quan tâm và đợi câu trả lời?

- Cái này để chúng tôi kiểm tra, vì vừa rồi lo cứu nạn, phải xác minh chính xác mới trả lời được. Đành rằng trong quản lý nhà nước thì chúng tôi có trách nhiệm đó, nhưng riêng vụ tai nạn này thì chúng tôi phải xác minh lại canô xuất phát từ đâu và đi như thế nào.

* Có thông tin nói 20g ngày 2-8, biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được tin canô gặp nạn, điều tàu ra cứu nạn nhưng không phối hợp với Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm 3?

- Không phải, chúng tôi chỉ được thông tin từ Trung tâm 3, lúc đó gần 21g. Khi nhận được thông tin chúng tôi yêu cầu các lực lượng xuất phát ngay, vừa đi vừa cập nhật tọa độ...

Sẽ triệu tập người lái 2 canô còn lại

Ông Nguyễn Xuân Sang - giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM - cho biết những ngày qua Cảng vụ TP.HCM rất vất vả trong việc tìm ra ai là người lái hai chiếc canô còn lại trong đoàn canô chở công nhân của PV Pipe. Sau nhiều lần liên hệ, đến sáng 5-8 công ty này mới cung cấp tên của hai tài công là Lục Văn Bảo (sinh năm 1989) và Lê Văn Hiếu (sinh năm 1988). Tuy nhiên, Việt - Séc vẫn không chịu cho số điện thoại và địa chỉ của hai tài công này.

Theo kế hoạch giữa Cảng vụ TP.HCM và Việt - Séc, chiều 5-8 Cảng vụ hàng hải TP.HCM làm việc với hai tài công này, trong đó sẽ xác định có hay không việc các tài công này thấy chiếc canô bị nạn nhưng không dừng lại để ứng cứu. Nhưng đến trưa 5-8, Việt - Séc lại cho biết hai tài công Bảo và Hiếu đang bị ốm, không thể làm việc được.

Trước tình huống này, ông Nguyễn Xuân Sang phải trao đổi với ông Lê Văn Chiến - giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu. Hai bên sẽ phối hợp làm công văn triệu tập tài công Bảo và Hiếu lên Cảng vụ Vũng Tàu để làm việc. Theo ông Sang, nhất định hai tài công này sẽ phải làm việc với Cảng vụ TP.HCM để làm rõ các vấn đề về vụ tai nạn. Trường hợp cuối cùng, Cảng vụ TP.HCM sẽ đề nghị cơ quan công an hỗ trợ.

ĐÔNG HÀ - VIỄN SỰ - MẬU TRƯỜNG

fangzi
09-08-2013, 08:42 PM
Chàng trai nhường sự sống trên con tàu đắm được vinh danh

VNEXPRESS
Thứ sáu, 9/8/2013 10:12 GMT+7

Trong giây phút sinh tử, Trần Hữu Hiệp đã quyết định nhường áo phao cho một phụ nữ, anh còn bơi cứu được nhiều người khác. Tuy nhiên vì kiệt sức, chàng trai đã tử vong trước khi đội cứu hộ tìm đến.

Chiều 8/8, tại xã Thạch Long (Thạch Thành, Thanh Hóa), đoàn công tác của Trung ương Ðoàn phối hợp với Tỉnh Ðoàn Thanh Hóa, đại diện Tập đoàn Dầu khí đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình và truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Trần Hữu Hiệp (25 tuổi), người đã nhường áo phao cứu được 5 người trong vụ chìm tàu làm 9 người chết tại biển Cần Giờ (TP HCM).


http://l.f29.img.vnecdn.net/2013/08/09/1-1376015501_500x0.jpg
Hàng trăm người dân đón linh cữu Hiệp trong ngày trở về đất mẹ. Ảnh: Lê Hoàng

Trong vụ chìm tàu H29 - BP của Công ty Cổ phần bến tàu dịch vụ du lịch Maria trên sông Soài Rạp (đoạn chảy qua xã Long Hòa, Cần Giờ, TP HCM) ngày 2/8, Trần Hữu Hiệp đã quên thân mình cứu được 5 người.

Hiệp là con út trong gia đình thuần nông. Cậu tốt nghiệp Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ năm 2008. Sau một thời gian làm việc tại Hà Nội, năm 2011, Hiệp vào làm tại Công ty sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang. Lần về quê gần đây nhất của Hiệp là dịp Tết vừa rồi. Đây cũng là lần cuối Hiệp gặp người thân.

Người thân kể lại, khi gia đình đang làm thủ tục khâm liệm tại bệnh viện chiều 4/8 thì một phụ nữ trẻ đang mang thai được chồng đưa đến, gào khóc tiễn đưa Hiệp. Người phụ nữ kể rằng, trong chuyến tàu định mệnh hôm ấy, Hiệp đã kéo chị bám vào thành ca nô, tránh bị sóng cuốn đi.

Chị còn cho biết, ngoài việc cởi áo phao nhường cho một phụ nữ cùng trên chuyến đi gặp nạn, Hiệp cũng đã bơi trên sóng lớn, tìm cách dìu nhiều người khác đang chới với, đưa vào bám thành ca nô để đợi cứu hộ.

“Em nó còn trẻ quá, lại phải xa gia đình đi làm ăn xa, giờ chết nơi đất khách quê người thế này, đau lắm... Nhưng dù đau đớn, tôi và gia đình vẫn rất tự hào về con trai. Nó đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa”, ông Trần Hữu Trọng, nói về con trai của mình.

Anh Phạm Trọng Dũng, Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa chia sẻ, trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo giữa cái sống và cái chết, Hiệp đã làm được một điều mà chắc chắn nhiều người không làm nổi, đó là tự nhường đi cơ hội sống sót của mình cho người khác.

“Hành động của Trần Hữu Hiệp khiến nhiều người cảm động, khâm phục. Tấm gương của anh đã và đang lan tỏa nhanh chóng tới tuổi trẻ xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung”, anh Dũng nói và cho biết thời gian tới, Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tấm gương Trần Hữu Hiệp trong các cuộc vận động tuổi trẻ sống đẹp.

Lê Hoàng

fangzi
12-08-2013, 05:13 AM
Tp. Hồ Chí Minh:

Vụ chìm tàu kinh hoàng: Khen thưởng 12 tập thể, 21 cá nhân xuất sắc trong tìm kiếm, cứu nạn
10/08/2013 20:15


(TNO) Sáng nay 10.8, UBND TP.HCM họp tổng kết công tác tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố vụ chìm ca nô H29-BP tại khu vực biển Cồn Ngựa, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) làm 9 người chết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và càng đau đớn hơn khi có nhiều người chết và mất tích. Vụ việc xảy ra là bài học xương máu để cơ quan quản lý nhà nước rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trong công tác quản lý các phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố.


http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20138/MinhNguyet/khenthuong205238380.jpg;pv7a1340da9f748fe7
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trao tặng bằng khen cho 7 người dân của huyện Cần Giờ và tỉnh Long An

Ông Quân yêu cầu các đơn vị như Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố… cần quy định rõ sử dụng các phương tiện không được ngoài công tác công vụ. Các cơ quan khác cũng tuyệt đối không đưa phương tiện công vào mục đích cá nhân.

Cho rằng vụ chìm ca nô gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ông Quân cho biết đã đề nghị làm rõ nguyên nhân liên quan đến sự cố; đồng thời thành phố đã có văn bản khẩn đề nghị Bộ Công an xem xét tiến hành khởi tố để xử lý nghiêm theo luật định.

Dịp này, UBND TP.HCM quyết định tặng bằng khen cho 12 tập thể và 21 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Đặc biệt, trong đó có 7 cá nhân là người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ và tỉnh Long An.

Tin, ảnh: Đình Phú

fangzi
12-08-2013, 05:17 AM
Nghe ông chủ tịch UB nói đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và vô cùng đau đớn, là bài học xương máu... nhưng lẽ ra khi trao thưởng ông phải có biểu cảm đau đớn, buồn thương chứ đằng này mặt ông hơn hớn, và toe toét cười thế kia thì không biết ông đau ở chỗ nào ? Chỗ nào là bài học xương máu nhỉ?

doancongtu
12-08-2013, 10:08 AM
Có Khen nhưng không biết có chê không nhỉ ? Và lúc nào chê, chê ai ???

taothao
12-08-2013, 01:24 PM
Thưởng phạt luôn cần thiết và cần sự nghiêm minh.

Trong vụ việc này: Phạt những kẻ tắc trách (vô nhân tính?!) gây ra hậu quả nghiêm trọng; Thưởng những cá nhân và tập thể có công trong cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, thưởng phạt phải đi đôi với nhau, cân xứng với nhau, tiến hành song song với nhau...

Cứ sau một sự cố, một thảm họa... lại có hoạt động khen thưởng - điều này là cần thiết. Nhưng, cần thiết hơn nữa đó là các sai phạm cần được khắc phục - không phải bằng những khẩu hiệu, bằng những lời phát biểu... mà cần lắm những hoạt động cụ thể và hiệu quả. Những người tử nạn đã ra đi mãi mãi, người thân của các nạn nhân đang trong cơn đau đớn đến tột cùng vì sự ra đi quá đột ngột của người thân trong gia đình... có ai đoái hoài tới họ? Những kẻ tắc trách gây ra hậu quả nghiêm trọng đang tìm mọi cách quanh co chối tội, đưa đẩy trách nhiệm... ngoài tòa án lương tâm của chính họ thì pháp luật đang ở đâu?