PDA

View Full Version : Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ



backieuphong
26-08-2013, 08:52 AM
Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ

Đại Đoàn Kết - 24/08/2013 10:49
Mấy ngày qua, nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch, trong các Hội đồng tư vấn yêu cầu tôi với tư cách "người trong cuộc” phải có tiếng nói công khai về những gì mà anh Lê Hiếu Đằng viết về Mặt trận và các thành viên của Mặt trận.

Đọc "Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” và những bài anh Lê Hiếu Đằng trả lời phỏng vấn RFA, của RFI, tôi thực sự ngỡ ngàng và không thể hiểu nổi sự "trở cờ” trong anh. Tôi sẽ đề cập những vấn đề khác sau. Trong bài này, tôi tập trung làm rõ những điều anh nói không đúng về Mặt trận và các thành viên của Mặt trận.

1. Trả lời phỏng vấn ngày 18-8-2013, anh Lê Hiếu Đằng viết: "Trước đây, Việt Nam có 3 Đảng… Thế nhưng hai Đảng Dân chủ và Xã hội bị Đảng Cộng sản Việt Nam bức tử, giải tán một cách ngang nhiên”. Tôi có thể nói ngay rằng: Đây là một phát biểu hết sức hàm hồ, hết sức vô trách nhiệm. Nó xúc phạm đến vong linh của những người đã khuất thuộc hai đảng trên và gây bất bình cho gia đình các vị cũng như những đảng viên còn sống.

Có lẽ anh Lê Hiếu Đằng chưa có dịp tiếp xúc với các đảng viên, đặc biệt là những nhân vật tiêu biểu của hai đảng trên như các vị: Phan Tử Nghĩa, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Lân, Dương Đức Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Đăng Khoa, Đỗ Đức Dục và nhiều người khác. Phần lớn các vị là những trí thức tên tuổi, những nhân sĩ nổi tiếng, những nhân cách lớn được Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta kính trọng. Đó là những con người mà uy lực không thể khuất phục, tiền tài, danh vọng không thể mua chuộc.

Ai có thể bức tử được những người như vậy?

Cán bộ Mặt trận Trung ương lâu năm chắc còn nhớ: Một trong những sự kiện quan trọng diễn ra trong 2 năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới là quá trình chuẩn bị kết thúc tổ chức và hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam theo nguyện vọng lâu nay của hai Đảng. Với tình cảm sâu sắc và tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức thành viên có truyền thống đấu tranh lâu dài và có những đóng góp lớn cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, suốt từ năm 1977, hai đảng bày tỏ nguyện vọng của mình muốn kết thúc hoạt động sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử được đề ra trong Cương lĩnh là đấu tranh cho độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt trận Trung ương đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần gặp gỡ, trao đổi chân thành, cởi mở với lãnh đạo hai đảng và mong muốn hai đảng tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình trong giai đoạn mới của cách mạng.

Hai đảng đã thông báo cho Mặt trận Trung ương biết tình hình phát triển đảng viên trong 10 năm qua (từ 1977 đến 1988) là: tâm trạng các đảng viên và các vị lãnh đạo chủ chốt ngày càng không yên tâm về hoạt động của đảng mình; địa bàn hoạt động ngày càng co lại; đối tượng kết nạp và những người muốn tham gia vào hai đảng trên (kể cả con cái các vị) ngày càng ít đi; số đảng viên của mỗi đảng còn rất ít và tuổi cao, sức khỏe yếu.

Đặc biệt trong 3 ngày, từ 14 đến 16-5-1988, Trung ương Đảng Dân chủ có tổ chức hội nghị nghe ý kiến của đảng bộ các địa phương và mời Mặt trận Trung ương cùng dự. Hầu hết các cán bộ, đảng viên tham gia hội nghị đó đều đề nghị kết thúc hoạt động của đảng và nhất trí kiến nghị với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và MTTQ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đảng Dân chủ kết thúc tốt đẹp sự nghiệp vẻ vang của mình, đồng thời cần có những chính sách đối với những cống hiến của đảng về quyền lợi chính trị, những anh em có đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận quá trình hoạt động cách mạng. Sau khi hai đảng kết thúc, các đảng viên hai đảng sẽ sinh hoạt trong các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của hai đảng, ngày 10-10-1987, Mặt trận Trung ương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Nhà nước cùng lãnh đạo hai đảng có văn bản gửi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kiến nghị cho phép hai đảng chấm dứt các hoạt động của mình.

Lễ kết thúc hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam đã được tổ chức trọng thể vào ngày 15-10-1988 tại Nhà hát lớn TP Hà Nội.

Lễ kết thúc hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam được tổ chức vào ngày 30-10-1988, sau 3 ngày họp đại hội toàn thể phiên cuối cùng từ ngày 28 đến 30.

Sự thật là như vậy. Có ai "bức tử” ai đâu.

2. Trong bài "Những điều nói rõ thêm” của anh Lê Hiếu Đằng đề ngày 19-8-2013 có nêu: "Có buổi làm việc với ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận) Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam. Trong cuộc họp, hai ông đặt vấn đề: Trong hệ thống chính trị hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải giữ vai trò "đối trọng”, đã bị phê phán kịch liệt và có lệnh không được phép nhắc lại nữa. Ông Lê Quang Đạo cũng được cho về nghỉ vì dám có chủ trương nói trên.

Ở đây, anh Lê Hiếu Đằng đã có sự nhầm lẫn hay cố tình nhầm lẫn? Xin nhắc lại là năm 1994 đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Khóa IV, đồng chí Trần Văn Đăng, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Tổng Thư ký. Đồng chí Năm Vận là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký khóa III (1988) và Chủ tịch là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đồng chí Phạm Văn Kiết mất năm 1995. Còn chẳng có cơ quan nào cho đồng chí Lê Quang Đạo về nghỉ như anh viết, mà làm Chủ tịch Mặt trận đến hơi thở cuối cùng, sau một đợt nhồi máu cơ tim. Đồng chí Phạm Thế Duyệt lúc đó là Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị được Đảng phân công và Ủy ban Trung ương Mặt trận bầu làm Chủ tịch vào tháng 8-1999.

Có lẽ do tuổi cao sức yếu, nên có thể anh Lê Hiếu Đằng có sự lẫn lộn và vì vậy người đọc có thể nghi ngờ sự chính xác và trung thực các thông tin mà anh đưa ra.

NGUYỄN TÚC
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)