PDA

View Full Version : Phép Dưỡng sinh theo triết lý của Trang Tử



ngochai
09-04-2012, 03:34 PM
Lời bạt

Học thuyết Lão Trang có ảnh hưởng rộng lớn trong triết lý nhân sinh quan của các dân tộc Á Đông, trong đó hai tác phẩm lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ: “Lão tử Đạo Đức Kinh” và “Trang tử Nam Hoa Kinh”. Đây cũng là hai cuốn sách gối đầu giường của những người theo đạo Lão Trang, đồng thời là hai cuốn sách tham khảo kinh điển của các hệ phái Võ học theo trường phái Đạo gia. Nhận thấy tầm quan trọng của cuốn sách “Trang Tử - Nam Hoa Kinh”, ngochai xin được giới thiệu sơ lược nội dung của cuốn sách-đặc biệt là những vấn đề và luận điểm liên quan tới Võ học để các huynh đệ bằng hữu gần xa thưởng lãm.

Lão tử và Trang tử là hai triết gia làm tốn giấy mực cho đời sau nhiều nhất: mỗi nhà ít gì cũng được cả trăm người khác chú giải. Một phần là vì triết thuyết của họ rất sâu sắc, ảnh hưởng tới tư tưởng và đời sống Trung Hoa. Nhưng nguyên nhân chính là văn của họ cô động quá, hàm súc quá, có thể hiểu được nhiều cách, nhiều chỗ không ai biết chắc được họ muốn nói gì, đành phải suy đoán. Hai bộ Đạo Đức kinh và Trang tử (Nam Hoa kinh) so với hai bộ Luận ngữ và Mạnh tử về phương diện sáng sủa thực khác nhau xa quá: một bên mù mờ bao nhiêu, một bên sáng sủa bấy nhiêu.

Những nội dung nêu trong loạt bài được người viết tham khảo và sưu tầm từ nhiều nguồn.

ngochai

--------------------------------------------------------


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/f/f2/Trang_tu.jpeg/200px-Trang_tu.jpeg


PHÉP DƯỠNG SINH (Dưỡng Sinh chủ)

Luận:

Đời người có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà đuổi theo cái vô cùng thì tinh thần sẽ mệt mỏi; đã mệt mỏi mà vẫn không ngừng nữa thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị lụy vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ cái đạo TRUNG (không thiên lệch, không thái quá) là bảo toàn được thân-mệnh mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi với đời.



Con Trĩ ở trong chằm, cứ mười bước lại mổ (một thức ăn), trăm bước lại uống, không chịu bị nhốt để người ta nuôi, vì được nuôi, tuy không phải khó nhọc, nhưng không thích.

Hết thanh củi này tới thanh củi khác, nhưng lửa vẫn lan tới vô cùng.

Giải:

Muốn được thảnh thơi, tiêu dao sống trọn tuổi trời thì phải biết phép dưỡng sinh, mà phép dưỡng sinh phải thuận lẽ trời (theo tự nhiên).

Việc đời vô cùng phức tạp, nhưng cứ theo lý tự nhiên mà thích ứng với nó, điều khiển nó thì không mệt sức, không thương tổn tinh thần. Sống chết, tai ương là lẽ tự nhiên, là mệnh trời, đừng buồn vì những cái đó. Đừng quá trọng vật chất, mà cần biết trọng tinh thần tự do, thư thái như con Trĩ. Sau cùng phải giữ đạo TRUNG, đừng làm quá sức mình.

minh_anh
09-04-2012, 04:43 PM
Dưỡng sinh của bác với Lão Trang cao siêu quá, em không theo được. Em thì cứ thế này này:

Nhật xuất nhi tác
Nhật nhập nhi quy
Quật tỉnh nhi ẩm
Canh điền nhi thực
Đế lực ư ngã hà hữu tai?
tạm dịch:

Mặt trời mọc thì dậy làm việc
Mặt trời lặn thì nghỉ ngơi
Đào giếng mà giải khát
cày ruộng lấy mà ăn
Đế vương nào có được (cuộc sống an nhàn, tự do, tự tại) như ta?
Hehe!!!
Kính bác.

ngochai
10-04-2012, 11:18 AM
Mặt trời mọc thì dậy làm việc
Mặt trời lặn thì nghỉ ngơi
Đào giếng mà giải khát
cày ruộng lấy mà ăn
Đế vương nào có được (cuộc sống an nhàn, tự do, tự tại) như ta?

---------------

Chỉ với một đoạn thơ ngắn mà minh_anh đã "điểm huyệt" trúng vấn đề cốt lõi của "vô vi".

ngochai
10-04-2012, 12:07 PM
Lời bạt

Chương Khắc Ý của Trang Tử có nhiều lập luận liên quan đến lý luận Tinh-Khí-Thần của võ thật và dưỡng sinh. Có rất nhiều điểm quan trọng cần tham khảo.

"Chất phác là giữ cho tinh thần không tạp, thuần khiết là giữ cho tinh thần không hao tổn."

ngochai

-----------------------------

Hít thở thật sâu và chậm, tống khí độc ra, hít khí sạch vào, treo mình lên như con gấu, duỗi mình ra như con chim để được sống lâu, đó là hành vi của kẻ sĩ đạo dẫn luyện khí, như ông Bành Tổ (một phái theo Đạo giáo khá đông thời Tần và đầu Hán).

Không mài luyện ý chí mà hành vi tự nhiên cao thượng, không nghĩ tới nhân nghĩa mà tự nhiên vẫn là sửa mình (tu thân), không lập công danh mà vẫn nhàn tản, không đạo dẫn luyện khí mà vẫn thọ, quên hết mà vẫn có đủ, điềm tĩnh đến cực điểm mà bao nhiêu cái tốt đẹp ở đời đều tụ cả nơi mình, như vậy mới là đạt được chính đạo của trời đất, mỹ đức của thánh nhân.

Cho nên bảo: “Điềm đạm tích mịch hư vô, vô vi, đó là căn bản của trời đất, bản chất của đạo đức. Thánh nhân an tĩnh, an tĩnh thì quân bình thoải mái; quân bình và thoải mái thì điềm đạm, điềm đạm thì không ưu tư, hoạn nạn và tà khí không xâm nhập vào mình được, nhờ vậy mà đức được toàn vẹn, tinh thần không bị thương tổn.”

Thánh nhân sống theo luật tự nhiên và chết là biến hóa, khi tĩnh thì tịch mịch như khí âm, khí động thì vận hành như khí dương, không gây phúc cũng không gây họa, có cảm xúc rồi mới phản ứng, có bức bách rồi mới phản động, bất đắc dĩ mới đứng dậy, bỏ trí tuệ, kỹ xảo mà thuận theo tự nhiên. Vì vậy mà không bị tai họa của trời, không bị hệ lụy của vật, không bị lời bài bác của người, không bị sự trách phạt của quỷ thần. Sống thì như bồng bềnh (với đời), chết thì như nghỉ ngơi. Không tư lự, không dự tính, sáng đấy mà không chói lọi, có đức tin đấy mà không nhất định phải đúng hẹn; khi ngủ thì không mộng mị, tỉnh dậy không ưu sầu, tinh thần trong sách, tâm hồn không mệt mỏi. Nhờ hư vô điềm đạm mà hợp với đức trời (đức tự nhiên).

Vui buồn mà không làm hại cho đức, mừng và giận làm hại cho đạo, yêu và gét làm mất cái đức. Cho nên lòng không vui buồn là đạt được chí đức, tinh thần thuần nhất bất biến là đạt được chí tĩnh, không chống đối ai là đạt được chí hư, không tiếp xúc với vật là điềm đạm cùng cực, không có gì là không thuận lòng là đạt được sự tinh túy cùng cực.

Cho nên bảo: “Làm việc khó nhọc mà không nghỉ là thân thể mệt mỏi, dùng tinh lực hoài thì lao tổn, lao tổn tỏn thì sẽ khô kiệt. Cũng như nước kia, không hỗn tạp thì trong trẻo, không động thì phẳng lặng, nhưng nếu úng tắc tù hãm thì cũng hết trong. Nước tượng trưng cho cái đức của trời. Cho nên, thuần túy mà không tạp, tĩnh mà nguyên chất thì không biến động, đạm bạc mà vô vi, khi động thì theo sự vận chuyển của trời (quy luật tự nhiên), đó là phép di dưỡng thần khí.”

Tinh thần con người là cái rất quý, có thể đi khắp bốn phương, không đâu không tới, trên thì lên tới trời, dưới thì bao quát đất, nuôi khắp vạn vật mà không có hình tượng nào cả, có thể bảo nó ngang với Thượng đế. Cái đạo thuần hóa chất phác là giữ thần khí đừng để mất nó, như vậy đạo và thần khí sẽ là một, là một thì thông và hợp với thiên lý.

Tục ngữ có câu: “Hạng thường nhân trọng của cải, kẻ sỹ liêm khiết trọng danh, bậc hiền sỹ trọng chí tiết, bậc thánh nhân trọng tinh thần.” Cho nên, chất phác là giữ cho tinh thần không tạp, thuần khiết là giữ cho tinh thần không hao tổn. Bậc chân nhân hiểu được lẽ chất phác và thuần khiết.

ngochai
11-04-2012, 05:28 PM
Lời bạt:

Phần này Trang Tử đã luận về Đạo và Đức một cách sâu sắc rồi mở rộng ra các vấn đề khác, trong đó câu này rất hay:




"Đạo không thể hợp được với một hành vi nhỏ mọn. Đức không thể hợp được với kiến thức hẹp hòi."

ngochai

----------------------------------------

Cổ nhân trong cảnh hỗn mang, hợp nhất với hoàn cảnh mà được điềm đạm, yên lặng. Thời đó, âm dương điều hòa với nhau, quỷ thần không quấy nhiễu, bốn mùa ứng hợp với thời tiết, vạn vật không bị thương tổn(không làm hại nhau), không chết yểu, ai cũng có trí tuệ nhưng không dùng tới. Như vậy gọi là thời “chí nhất” (hợp nhất hoàn toàn), thời đó không ai “hữu vi”, cái gì cũng theo luật tự nhiên.

Rồi tới thời đạo đức suy vi, Toại Nhân và Phục Hy bắt đầu cai quản thiên hạ, biết thuận theo lòng dân mà không còn hợp nhất hoàn toàn nữa. Kế đó, đạo đức lại suy thêm, Thần Nông và Hoàng Đế lên trị dân, không làm theo lòng dân mà chỉ làm cho thiên hạ được thái bình thôi. Đạo đức lại suy thêm, Nghiêu và Thuấn lên trị dân đặt ra kỷ cương, giáo hóa, làm cho dân mất sự thuần khiết, chất phác, bỏ Đạo để làm điều thiện, hành động trái với Đức, rồi tới bỏ thiên tính mà theo nhân tâm. Người ta lấy lòng dò xét nhau, nên không an định được thiên hạ. Rồi người ta dùng lời hoa mỹ để tô điểm về sự học rộng (để thuyết phục). Lời hoa mỹ làm hại cái chất phác, sự học rộng làm chìm dần cái tâm linh. Do đó dân chúng mê loạn, không thể trở về bản tính nguyên thủy được nữa.

Do đó ta thấy người đời đã đánh mất cái Đạo (chân chính) và cùng với cái Đạo mà suy bại luôn. Đạo và đời làm hại lẫn nhau. Mà người hiểu được Đạo làm sao xuất hiện được, người đời làm sao phát triển đạo được? Đạo không phát triển được ở đời, đời không phát triển được ở Đạo thì bậc thánh nhân dù không ẩn trong rừng núi, đức cũng bị che lấp, không sáng được. “ẨN” không có nghĩa là giấu mình mà là bị che lấp. Thời xưa, ẩn sỹ không phải là người ẩn mình không cho ai thấy, hoặc ngậm miệng không nói, hoặc giấu trí tuệ không cho nó bộc lộ ra. Họ làm ẩn sỹ vì đời đã không thuận mà loạn. Nếu thời đó mà thuận thì họ đã ảnh hưởng khắp thiên hạ, đã phục hồi được sự “hợp nhất hoàn toàn” mà không để lại một dấu vết nào. Vì không gặp thời nên bị cảnh khốn cùng, họ ráng giữ vững bản nguyên, yên tĩnh đợi thời, bảo toàn được thân. Người xưa biết bảo toàn cái thân thì không dùng lời phù hoa tô điểm cho trí tuệ, không dùng trí tuệ của mình làm cho thiên hạ khổ sở, không dùng trí tuệ làm hại cái Đức. Họ thận trọng xử thế để trở về với bản tính, chứ còn làm gì bây giờ?

Đạo không thể hợp được với một hành vi nhỏ mọn., Đức không thể hợp được với kiến thức hẹp hòi. Kiến thức hẹp hòi làm thương tổn cái Đức, hành vi nhỏ mọn làm thương tổn Đạo. Phải sửa mình cho ngay, chỉ có thế thôi. Người nào bảo toàn được thiên tính là người ấy sung sướng.

Cổ nhân bảo sung sướng không phải là có chức cao, bổng hậu, mà là không làm tăng thêm niềm vui của mình được nữa. Ngày nay cho sung sướng là có chức cao bổng hậu, những cái đó thuộc về bản thân chứ không phải bản tính của mình; chúng là ngoại vật, tới với ta chỉ tạm thời. Chúng tới, ta không thể cự tuyệt được, chúng đi ra cũng không ngăn cản được. Đừng vì chức cao bổng hậu mà khoái chí, đừng nên vì cảnh khốn cùng mà chạy theo thế tục. Người nào vui cả trong hai cảnh, chức cao bổng hậu và khốn cùng thì không lo lắng gì hết. Mất những cái gửi tạm đó đi mà mình mất vui thì đủ biết mình có vui cũng là đánh mất bản tính rồi. Cho nên bảo: “Táng thân vì chức tước, của cải, để cho thế tục làm mất bản tính của mình thì là hạng người lộn ngược đi bằng đầu.” (ý nói lộn ngược với cái gốc, với cái đáng trọng).

Người nào muốn sửa tính mà dùng cái học thức thế tục để khôi phục bản thể của nó, người nào muốn chế dục mà dùng những tư tưởng thế tục để được sáng suốt, những người đó là bọn mê muội.

Người xưa muốn tu đạo thì nuôi trí tuệ bằng sự điềm tĩnh. Trọng phép dưỡng sinh mà không dùng trí tuệ thì mới thực là dùng trí tuệ để nuôi dưỡng sự điềm tĩnh. (ý nói: đừng suy nghĩ, đừng dùng trí xảo, cứ hồn nhiên sống, như vậy sẽ được điềm tĩnh). Trí tuệ và điềm tĩnh cùng nuôi lẫn nhau thì sự điều hòa, trật tự, tự nhiên phát ra. Đức là điều hòa, Đạo là trật tự. Cái Đức bao dung được hết thảy, đó là Nhân. Cái Đạo thích nghi được với mọi người, đó là Nghĩa. Trung là hiểu được cái Nghĩa và thân với người khác. Nhạc giúp con người thuần khiết, thành thực mà trở về với cái tính tự nhiên. Lễ giúp con người thành Tín, trong hành vi, trong lời nói, nghiêm chỉnh, văn nhã dong mạo, cử chỉ. Nếu theo ý một người mà đặt ra Lễ Nhạc rồi bắt mọi người theo thì thiên hạ sẽ loạn. Gương dùng đức hạnh của mình mà sửa đổi người khác thì làm cho người ta bất bình, mà bất bình thì là mất bản tính rồi.

ngochai
13-04-2012, 02:29 PM
Lời bạt

Phần này, thông qua quan niệm Chí lạc - cực vui, Trang Tử phát triển và nhấn mạnh sự quan trọng và biến hóa của triết lý “vô vi” cho rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.



“Cực vui thì không vui, cực có danh dự thì không có danh dự”.

“Trời đất không làm gì cả mà không có gì mà không làm”.

ngochai

----------------------------------------

Trên đời có cái gì cực vui (chí lạc) làm cho người ta bảo toàn cái thân được không? Muốn có nó nên làm gì? Dựa vào cái gì? Tránh cái gì? Nhận cái gì? Lại gần cái gì? Xa lánh cái gì? Yêu cái gì? Gét cái gì?

Cái mà mọi người trọng là Phú, Quý, Thọ, đều tốt; cái mà mọi người lấy làm vui thích là mạnh khỏe, ăn ngon, mặc đẹp, được hưởng thanh sắc. Cái mà mọi người khinh là sự bần tiện, chết yểu, ác tật; cái mà mọi người lấy làm đau khổ là thân không được an vui, miệng không được ăn ngon, mình không được mặc đẹp, tai mắt không được hưởng thanh sắc. Ai không được những cái đó thì rầu rĩ, lo sợ. Như vậy chẳng ngu sao, vì những cái đó chỉ là vui về hình hài.

Người giầu lao khổ, làm việc cho nhiều để tích trữ tiền của mà họ tiêu không hết, như vậy là đối với hình hài, họ quá cầu cái vật chất ở ngoài. Người sang (có chức vụ quan trọng), hết ngày tới đêm suy nghĩ , lo lắng không biết việc mình làm tốt hay xấu, như vậy là đối với hình hài, họ coi thường nó quá.

Người ta mới sinh ra đời đã phải lo lắng rồi, nếu trường thọ thì tinh thần mê muội đi, lo lắng nhiều mà vẫn không chết cho, sao mà khổ thế! Như vậy là xa lạ với hình hài, quên không bảo toàn nó. Bậc liệt sỹ hy sinh cho người khác, được thiên hạ khen, nhưng không bảo toàn được sinh mệnh. Không biết như vậy cái thiện có thực là thiện hay không? Hay bất thiện đấy? Bảo nó là thiện thì sao lại không bảo toàn được sinh mệnh của mình? Bảo là không thiện thì sao lại bảo toàn được sinh mệnh của người khác?

Khi xét hành vi của người đời cùng cái họ lấy làm vui, thì không biết cái vui đó có thực là vui không. Cái mà người ta lấy làm thú và hăm hở tranh nhau, như không thể làm khác được và được mọi người gọi là vui: cái đó có là vui thực không?

Vô vi mới thực là vui, nhưng mọi người cho đó là rất khổ. Cho nên, “cực vui thì không vui, cực có danh dự thì không có danh dự”.

Cái phải trái trong thiên hạ, quả là chưa định được; nhưng vô tri thì quyết định được phải trái. Nếu cái cực vui mà làm cho con người ta sống thỉ chỉ có vô vi mới bảo toàn được thân mệnh. Xin thử giải thích: Trời vô vi nên mới trong xanh, Đất vô vi nên mới yên tĩnh. Hai cái vô vi đó phối hợp nhau mà vạn vận mới sinh hóa. Thấp thoáng mập mờ không biết từ đâu mà ra, thấp thoáng mập mờ mà không có hình tượng. Vạn vật phồn tạp, đều từ vô vi mà ra. Cho nên nói, “trời đất không làm gì cả mà không có gì mà không làm”. Ai là người có thể vô vi được đây?

ngochai
16-04-2012, 01:57 PM
Lời bạt

Phần này, Trang Tử nhấn mạnh đến thuyết “vô vi”. Qua ngôn từ, dưới góc độ nhìn nhận của con người hiện đại ngày nay, có thể thấy nội dung phần này mang tính khó hiểu, có thể còn mang tính cực đoan. Tuy nhiên người đọc nên nắm lấy những ý cốt lõi, mang tính triết lý để tham khảo.



"Trời Đất là cha mẹ của muôn loài. Trời đất (âm dương, ngũ hành) hợp thì thànhh hình thể (của muôn loài), tán thì muôn loài lại trở về nguồn gốc (lúc chưa sinh). Ai giữ được toàn vẹn hình thể và tinh thần thì biết thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi."

ngochai

--------------------------------------------------------

Người nào thực hiểu được sự sống thì không quan tâm đến những cái mà sự sống của mình không làm gì được; người nào thực hiểu được vận mạng thì không quan tâm tới những cái mà trí tuệ mình không làm gì được. Muốn nuôi thân thể thì trước hết phải có thức ăn thức uống; nhưng có dư thức ăn thức uống mà thân thể vẫn không được nuôi (vì ngoại vật chưa đủ để nuôi thân thể). Muốn sống thì trước hết phải săn sóc thân thể; nhưng có người thân thể được chăm sóc kỹ mà lại chết yểu. Khi sự sống xuất hiện thì không ai có thể ngăn trở được nó; khi nó mất thì không ai níu nó lại được. Vậy mà buồn thay, người đời nghĩ cứ nuôi thân thể là giữ được sự sống. Nuôi thân thể đã không đủ giữ được sự sống thì trên đời này có gì đáng làm nữa? Cái gì đáng làm mà không thể không làm được, cái đó người ta bảo là không thể tránh được.

Ai muốn tránh sự di dưỡng hình thể thì tốt hơn hết là nên bỏ thế tục đi. Bỏ thế tục thì không còn hệ lụy gì nữa. Không còn hệ lụy thì giữ được quân bình yên ổn. Giữ được sự quân bình yên ổn thì sống một đời sống mới và đạt được mục đích. Tại sao những việc thế tục lại đáng bỏ đi? Tại sao đời sống lại đáng phóng khí (không quan tâm đến)? Là vì bỏ những việc thế tục đi thì không hao tổn thể xác, mà phóng khí đời sống thì tinh thần không bị suy tổn. Thể xác không lao tổn, tinh thần không suy tổn thì hợp nhất được với trời. Trời Đất là cha mẹ của muôn loài. Trời đất (âm dương, ngũ hành) hợp thì thànhh hình thể (của muôn loài), tán thì muôn loài lại trở về nguồn gốc (lúc chưa sinh). Ai giữ được toàn vẹn hình thể và tinh thần thì biết thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi. Mỗi ngày một thích ứng hơn lên mà trở về bản nguyên, như vậy là giúp được đạo Trời (Đạo tự nhiên).

Hễ có hình dáng và âm thanh, khí sắc thì đều là sinh vật cả. Sinh vật khác nhau ở đâu? Làm sao có vật này hơn vật khác được? Chỉ là nhờ không có hình sắc mà thôi. Nhưng vật nào không có hình sắc thì đạt được cảnh giới không biến hóa nữa. Đạt được cùng cực của cảnh giới ấy thì không còn bị các vật khác khống chế nữa. Như vậy là đạt được cái trung độ, cái cương kỷ vô thủy vô chung, mà tiêu dao ở cảnh giới sơ thủy của vạn vật, hợp nhất bản tính, hàm dưỡng nguyên khí, trở về cái Đức nguyên thủy mà cảm thông với tự nhiên. Một người như vậy bảo toàn được thiên tính, tinh thần không suy tổn, ngoại vật làm sao xâm nhập làm hại người đó được.

Theo được Đạo (quy tắc) đó thì thiên hạ được quân bình, không có loạn chiến tranh, không có họa chém giết. Không nên dùng trí tuệ mà mưu cầu tự nhiên, cứ thuận bản tính mà ứng hợp với tự nhiên. Thuận bản tính thì cái Đức sẽ phát, dùng trí tuệ thì sự tàn hại sẽ sinh. Đừng ém cái tự nhiên, đừng diệt thiên tính ở người, như vậy thì may ra dân chúng trở về với bản chân được.

minh_anh
16-04-2012, 05:01 PM
Hễ có hình dáng và âm thanh, khí sắc thì đều là sinh vật cả. Sinh vật khác nhau ở đâu? Làm sao có vật này hơn vật khác được? Chỉ là nhờ không có hình sắc mà thôi. Nhưng vật nào không có hình sắc thì đạt được cảnh giới không biến hóa nữa. Đạt được cùng cực của cảnh giới ấy thì không còn bị các vật khác khống chế nữa. Như vậy là đạt được cái trung độ, cái cương kỷ vô thủy vô chung, mà tiêu dao ở cảnh giới sơ thủy của vạn vật, hợp nhất bản tính, hàm dưỡng nguyên khí, trở về cái Đức nguyên thủy mà cảm thông với tự nhiên. Một người như vậy bảo toàn được thiên tính, tinh thần không suy tổn, ngoại vật làm sao xâm nhập làm hại người đó được.

Theo được Đạo (quy tắc) đó thì thiên hạ được quân bình, không có loạn chiến tranh, không có họa chém giết. Không nên dùng trí tuệ mà mưu cầu tự nhiên, cứ thuận bản tính mà ứng hợp với tự nhiên. Thuận bản tính thì cái Đức sẽ phát, dùng trí tuệ thì sự tàn hại sẽ sinh. Đừng ém cái tự nhiên, đừng diệt thiên tính ở người, như vậy thì may ra dân chúng trở về với bản chân được.
Đây là đoạn đối đáp giữa Liệt Tử và Quan Doãn (Quan Doãn tên là Hi, họ Doãn, là học của Lão Tử, trước có làm quan trông coi cửa quan Hàm Cốc nên mới có tên là Quan Doãn). Liệt Tử hỏi Duãn Hi :
Có bậc chí đức lặn dưới nước mà không bị ngạt, đi trong lửa mà không bị bỏng, bay bỗng trên vạn vật mà không hề run sợ. Xin ngài giảng cho tôi biết làm sao mà họ lại có thể làm được như vậy? và Doãn Hi trả lời:
Bậc chí đức làm được như vậy là nhờ giữ được cái khí thuần hòa,chứ họ hoàn toàn không nhờ vào lòng quả cảm hay sự trí xảo. Ngài ngồi xuống để tôi giảng cho mà nghe... ...
Rất cảm ơn NgọcHải. Chắc viết nhiều quá nên mệt, định đi tắt... hihi. Em trước cũng có đọc mấy tài liệu này, lúc đầu tuy khó hiểu chút (triết mà!!!) nhưng đọc đi đọc lại là hiểu ngay vấn đề í mà. Rất ý nghĩa đấy ạ! Bọn em vẫn đọc đều đấy, xin anh chớ có cắt!.

ngochai
16-04-2012, 06:13 PM
Đây là đoạn đối đáp giữa Liệt Tử và Quan Doãn (Quan Doãn tên là Hi, họ Doãn, là học của Lão Tử, trước có làm quan trông coi cửa quan Hàm Cốc nên mới có tên là Quan Doãn).
...

Rất cảm ơn NgọcHải. Chắc viết nhiều quá nên mệt, định đi tắt... hihi. Em trước cũng có đọc mấy tài liệu này, lúc đầu tuy khó hiểu chút (triết mà!!!) nhưng đọc đi đọc lại là hiểu ngay vấn đề í mà. Rất ý nghĩa đấy ạ! Bọn em vẫn đọc đều đấy, xin anh chớ có cắt!.

----------------------------

Hi hi, cám ơn cao nhân đã chỉ giáo. Đúng là viết tắt-ngắn gọn lại chút xíu thật.

minh_anh chắc cũng thâm cứu món cổ học này nhỉ. Tiếc là ngày nay mọi người đang theo phong trào sính Tây học, dường như bỏ quên vốn học "cổ truyền" của cổ nhân. Quả thật đáng tiếc. :)

minh_anh
17-04-2012, 08:40 AM
Anh Ngochai thân mến. Lẽ thường ở đời là vậy. Đôi khi người ta cứ thích loay hoay, loanh quanh đi tìm cái đẩu cái đâu. Cái đáng tìm thì người ta chê không đáng nên cứ lao tâm khổ tứ, suy nghĩ vẩn vơ; cứ hùng hục khuân những cái chẳng ra thể thống gì, không là cái đinh gỉ gì về đặt giữa nhà ngắm nghía rồi nhang đèn thờ vọng... rà rồi một bữa sáng kia mới chợt vỡ òa khi thấy "Hạnh phúc thật chẳng ở đâu xa! Hạnh phúc đích thực chỉ là những điều thật giản dị và quá tầm thường, những điều đó nó vẫn quanh quẩn đâu đó bên ta đấy thôi.... ". Vâng lẽ đời là như thế!!! Chuyện của những người yêu mến võ thuật cũng không thể nằm ngoài qui luật đó được. Minh_Anh tin rằng rồi sẽ có ngày, những giá trị đích thực của tiền nhân sẽ quay trở lại. Sẽ thay thế cho những tàn dư của chủ nghĩa thực dụng đang ngày đêm làm băng hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp tự ngàn đời của dân tộc, truyền thống nhân nghĩa của Á Đông. Xin được mượn mấy câu thơ của bạn fangzi để nói về chuyện hiện nay, nhiều người đang đổ xô theo lối sống xô bồ của thời mở cửa mà họ quên mất rằng: núi sông vẫn nguyên ... vẻ cũ; quên rằng thị phi thành bại theo dòng nước...
và để rồi chợt nhận ra rằng...... bạn ngư tiều (bạn ngư tiều là ai? Có thể nào là những phẩm hạnh truyền thống, những giá trị văn hóa tự ngàn đời của dân; bạn ngư tiều phải chăng là là những đồng bào mũi tẹt tóc đen... bỏ những kẻ mắt đen mũi tẹt, phá những đình chùa, chiêng chóe để đi theo nếp sống phương tây?!

SỐ PHẬN ANH HÙNG
Tg: La Quán Trung
Trường giang cuồn cuộn chảy về Đông, bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng.
Thị phi thành bại theo dòng nước, sừng sững cơ đồ bỗng tay không.
Núi sông nguyên vẻ cũ, mấy độ ánh chiều hồng.
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi, vốn đã quen gió mát trăng trong,
Một vò rượu đục vui gặp gỡ. Chuyện đời tan trong chén rượu nồng./.
(bản dịch của Ngọc Thạch – Đài truyền hình Hà Nội).
Ôi thôi !!!
Một vò rượu đục vui gặp gỡ,
Chuyện đời tan trong chén rượ nồng!
Kính bác.

ngochai
17-04-2012, 07:50 PM
"Hạnh phúc thật chẳng ở đâu xa! Hạnh phúc đích thực chỉ là những điều thật giản dị và quá tầm thường, những điều đó nó vẫn quanh quẩn đâu đó bên ta đấy thôi.... ".

"Chuyện của những người yêu mến võ thuật cũng không thể nằm ngoài qui luật đó được."


Những luận thuyết của Lão Trang thật sâu sắc và ý nghĩa, muốn noi theo cái Đạo vô vi của Cổ Nhân:





Cửa thiền vừa thủa vui chơi,
Cũng toan chợp mắt sự đời bỏ qua,

Nhưng, Nhân sinh - Nghĩa tình đâu dễ "trôi theo dòng nước..."





Hay đâu trần hải phong ba,
Lửa lòng hồ dễ ai mà tưới tan?
Một bầu nhiệt huyết chan chan,
Thân này nợ với giang san còn nhiều.

minh_anh nói rất đúng: "Minh_Anh tin rằng rồi sẽ có ngày, những giá trị đích thực của tiền nhân sẽ quay trở lại."





Sá chi mặt nước cánh bèo,
Nam nhi hồ thỉ quyết liều mới gan…
Hóa nhi thực có nỡ lòng,
Đang tay vùi dập anh hùng mà chơi!
Lấy ai xoay chuyển đất trời,
Trăm năm càng thấy chuyện đời càng đau!

Trong kiếp người nhân tình thế thái, chỉ mong gặp được người "tương tri"





Cây xanh lá biếc một màu,
Hỏi hồn nghĩa hiệp về đâu bây giờ?
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Tiền đồ man mác ai là tương tri?
Lạ thay trong lúc gian nguy,
Cơn đen đen cả đường đi lối về


Có một điều chắc chắn: Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai.

Kính minh_anh một ly rượu đục.

Thật là: "Thảnh thơi bầu rượu túi thơ".

ngochai
23-04-2012, 03:41 PM
Lời bạt

Phần này có nhiều giá trị tham khảo cho thuật Dưỡng Sinh mà người đọc có thể học hỏi.


"Nước tĩnh mà còn sáng được (phản chiếu được các vật), huống hồ là tinh thần, cái tâm tĩnh của thánh nhân."

"Vô Vi thì vui vẻ, vui vẻ thì không lo lắng gì cả mà trường thọ."

ngochai

---------------------------------

Đạo trời vận hành không ngừng mà làm cho vạn vật sinh thành, đạo Vua thi hành không ngừng mà thiên hạ quy phục, đạo Thánh thi hành không ngừng nên bốn bể khâm phục. Hiểu đạo trời thì hiểu đạo Thánh và hiểu được đức của Đế vương mọi thời mọi nơi, mà hồn nhiên hành động một cách âm thầm, yên lặng. Thánh nhân yên lặng không phải bởi vì coi sự yên lặng là tốt, mà vì lòng mình không bị vạn vật làm náo động. Nước mà tĩnh thì phản chiếu được râu, lông mày; mặt nó thật phẳng, có thể làm bình chuẩn cho thợ mộc được. Nước tĩnh mà còn sáng được (phản chiếu được các vật), huống hồ là tinh thần, cái tâm tĩnh của thánh nhân. Tâm đó là tấm gương của vũ trụ, vạn vật. Sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là bình chuẩn của vũ trụ, mức chí cao của Đạo Đức. Cho nên các Đế vương, Thánh nhân để cho tâm thần nghỉ ngơi. Tâm thần nghỉ ngơi thì mới hư không, hư không thì đầy, đầy thì đủ. Tâm thần hư không thì tĩnh, do cái tĩnh đó mà phát động thì việc nào cũng được nghỉ. Tĩnh thì vô vi, người trên mà vô vi thì người dưới làm trọn trách nhiệm.

Vô vi thì vui vẻ, vui vẻ thì không lo lắng gì cả mà trường thọ.

Hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là gốc của vạn vật. Người hiểu lẽ đó mà trị dân là vua Nghiêu; người hiểu lã đó mà thờ vua là ông Thuấn. Theo đạo ấy mà ở ngôi cao thì có cái đức của Đế vương, Thiên tử, còn ở ngôi thấp là ông Thánh tối tăm (ít người biết tới) hoặc ông vua không ngôi. Theo đạo ấy mà ẩn cư, nhàn nhã ngao du thì được tất cả các kẻ sỹ yêu cảnh sông biển, núi rừng cảm phục. Theo đạo ấy mà tiến thân, giúp đời thì lập được nghiệp lớn, nổi danh và thống nhất được thiên hạ. Theo đạo ấy, Tĩnh, ở ẩn cư thì thành Thánh, mà Động (ra giúp đời) thì thành vua. Vô vi mà được tôn trọng, thuần phác mà không ai ganh với đức của mình được.

--------------------------------

Hiểu rõ được cái đức của trời đất thì thấy được cái gốc lớn, cái tôn chỉ lớn mà hòa hợp với trời; quân bình thiên hạ mà hòa hợp với người. Hòa hợp với người thì vui, hòa hợp với trời thì chia cái vui của trời.

Trang tử bảo:



Hỡi đại tôn sư của tôi, đại tôn sư của tôi!
Người làm cho mọi vật điêu tàn mà không phải là tàn nhẫn,
Người gia ân cho tới vạn vật mà không phải là vì nhân,
Người có trước thời thượng cổ mà không phải là thọ,
Người che chở trời đất, đục đẽo mọi hình thể mà không phải là khéo;
Đó là cái vui của Trời.

Cho nên bảo: Ai biết được cái vui của trời thì sống là hành động thuận với trời, chết là biến hóa cũng như mọi vật; tĩnh thì cùng tịch mịch với khí Âm, động thì cũng xô đẩy, biến thiên khí Dương. Ai biết được cái vui của trời thì không bị trời giận, không bị người chê, không bị lụy vì vật, không bị quỷ thần trách.

Cho nên bảo: Người có động thì như trời, tĩnh thì như đất, tâm thần hợp với vũ trụ mà làm vua thiên hạ, quỷ thần không gây họa được, tâm hồn không bao giờ mệt mỏi; tâm thần hợp với vũ trụ, tới vạn vật; như vậy gọi là cái vui của trời. Cái vui của trời là cái lòng thánh nhân để nuôi thiên hạ.

ngochai
07-05-2012, 01:08 PM
Lời bạt:

Đây là một trong những phần mà ngochai thấy rất hay trong cuốn sách “Trang Tử - Nam Hoa Kinh”. Lời lẽ giản dị, dễ hiểu và không mang tính triết lý cao siêu.

Dưỡng sinh ư? Đâu chỉ đơn thuần như đã nêu các phần trước. Đâu chỉ “tịnh khẩu. tu thân…” là đủ. Còn phải biết nhận định rõ “tám cái tật, sự việc có bốn cái đáng lo”, nhìn nhận rõ “bốn hạng người chính trong xã hội”… và biết tìm về cái bản chân.

Còn một điểm nữa, có sự liên kết và liên tưởng rất hay tới xã hội hiện đại. Phần nói về “Bốn hạng người” trong xã hội, nếu phân bốn hạng này theo cấu trúc xã hội hiện đại sẽ có nhận định rất thú vị: Vua-chính phủ; Chư hầu-chính quyềnTỉnh, thành phố; Đại phu-quan chức; Dân chúng-nhân dân.

ngochai

---------------------------------------
Khổng tử đi chơi trong rừng màn đen, ngồi nghỉ trên gò hạnh (cây hạnh-cây mận). Trong khi môn đệ đọc sách , Khổng tử gẩy đàn Cầm và hát, chưa được nửa khúc thì thấy một ông chài ghé thuyền tiến lại, râu và lông mày đều bạc, tóc xõa, tay áo phe phẩy, lên tới một chỗ cao rồi ngừng lại, tay trái đặt lên đầu gối, tay phải chống cằm, ngồi nghe. Khi khúc hát chấm dứt ông lão vẫy Tử Cống và Tử Lộ tới , rồi trỏ Khổng tử hỏi:
…..

- Thầy Khổng đó làm nghề gì?

Tử Lộ làm thinh, Tử Cống đáp:

- Thẩy Khổng bản tính trọng Trung Tín, thi hành Nhân Nghĩa, sửa đổi Lễ Nhạc, chăm sóc Nhân luân, trên đối với Vua thì Trung, dưới thì giáo hóa dân chúng, làm lợi cho thiên hạ. Đó, thầy Khổng làm những việc ấy.

Ông lão hỏi:

- Có làm Vua một nước nào không?

Tử Cống đáp:

- Không.

- Thế có phụ tá cho một ông vua nào không?

- Không.

Ông lão cười, quay trở về, vừa đi vừa nói:

- Có lòng nhân thật đấy, nhưng ta ngại rằng thầy ấy không tự cứu được đâu. Đã khổ tâm, mệt thân mà lại nguy cho cái bản chân. Hỡi ôi, như vậy là rời cái Đạo xa quá.

Tử Cống trở về kể lại cho Khổng tử nghe. Khổng tử đẩy cây đàn Cầm qua một bên, đứng dậy bảo:

- Ông ấy là một bậc thánh nhân chăng?

Rồi bước xuống gò đi tìm ông lão.


Khổng tử hỏi ông lão:

- Vừa rồi cụ nói chưa hết lời rồi đi. Khâu tôi ngu muội, không hiểu ý cụ, nên xin phép cụ đứng dưới gió, mong được cụ chỉ giáo chỗ kém cỏi của tôi.


Ông lão bảo:

- Luật tự nhiên trong vũ trụ là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương tòng”. Tôi xin đem sở đắc của tôi để luận hành vi của thầy. Hành vi của thầy thuộc về nhân sự. Nếu thiên tử, chư hầu, đại phu và dân chúng, bốn hạng người đó cùng làm trọn phận sự của mình thì xã hội cực trị rồi; trái lại, nếu không làm tròn phận sự của mình thì không gì loạn bằng. Cho nên quan lại phải làm cho hết chức vụ của mình, dân phải lo công việc của mình, không vượt cái phận của mình (thì mới hết loạn).

Ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa dột nát, ăn mặc không đủ, thuế má không nộp, vợ chồng không hòa thuận nhau, trẻ không kính già, đó là điều đáng lo của dân thường.

Không làm tròn nhiệm vụ, bỏ bê việc quan, không thanh liêm, người dưới quyền làm biếng, công nghiệp thanh danh không có gì đáng khen, tước lộc không giữ được, đó là điều đáng lo của các quan đại phu.

Triều đình không có trung thần, quốc gia hỗn loạn, bách công kỹ nghệ không khéo, phẩm vật để tiến cống (thiên tử) không tốt, xuân thu hai kỳ triều bái thiên tử thì tới trễ, không theo mệnh lệnh thiên tử, đó là điều đáng lo của chư hầu.

Âm Dương bất hòa, nóng lạnh không hợp thời tiết làm hại cho vạn vật, chư hầu bạo loạn, đánh chiếm lẫn nhau khiến dân tàn mạt, lễ nhạc không có pháp độ, tài chính thiếu thốn, nhân luân không giữ được, trăm họ dâm loạn, đó là điều đáng lo của thiên tử.

Nay thay, trên không có quyền thế của một thiên tử hay một chư hầu, dưới không có quan chức của một đại thần mà đòi sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, để giáo hóa dân chúng, chẳng là đa sự quá ư?

Vả lại, người ta có tám cái tật, sự việc có bốn cái đáng lo, điều đó không thể không xét được.

Không phải việc của mình mà mình làm, như vậy là Lạm; người ta không muốn nghe mà mình cứ cố khuyên bảo, như vậy là Nịnh (thích nói khéo); đoán trước ý người để làm vừa lòng người, như vậy là Hót, Siếm; chẳng lựa phải trái (cứ nói theo ý người ta), như vậy là A dua; thích vạch cái xấu của người, như vậy là Gièm pha; làm cho bạn bè người ta giận nhau, thân thích người ta xa nhau, như vậy là gây Loạn; khen kẻ gian trá, bài xích kẻ khác mình, như vậy là Gian tà; chẳng phân biệt tốt hay xấu, cứ dung nạp hết ngầm gợi điều người ta thích, như vậy là Hiểm. Tám luật ấy, ngoài thì làm loạn người khác, trong thì làm hại cho bản thân, bậc quân tử không kết bạn với bọn người ấy, mà bậc vua chúa không dùng họ làm bề tôi.

Bốn điều đáng lo là: thích kinh doanh việc lớn, thay đổi chế độ cũ để cầu công danh, như vậy là quá Lạm; tự cho mình là thông minh mà chuyên quyền, xâm lấn người ta, chỉ theo ý mình, như vậy là Tham; biết lỗi mà không sửa, người can mà không nghe, lại còn làm điều ác hơn nữa, như vậy là Lì; đồng ý với mình thì khen, trái ý mình thì chê, như vậy là Kiêu căng.

Chỉ người nào bỏ được tám tật và tránh được bốn điều đáng lo kể trên thì mới có thể dạy được.

Khổng tử xấu hổ thở dài, lại cúi đầu xuống vái hai vái rồi ngửng lên, thưa:

- Khâu tôi bị đuổi hai lần ở nước Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề; ở Tống, người ta đốn cây dưới đó tôi đã ngồi; rồi tôi bị vây khốn ở giữa Trần và Thái, tôi không biết đã mắc lỗi gì mà bốn lần bị gièm chê như thế.

Ông lão để lộ vẻ buồn rầu, đáp:

- Ông khó giác ngộ thật! Một người sợ bốn cái bóng của mình, ghét những vết chân của mình bèn chạy trốn; nhưng càng bước nhiều thì vết chân càng nhiều, càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn không biết chậm lại, càng ráng chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiêt sức mà chết. Người đó cực ngu, không biết rằng, đứng vào chỗ tối thì sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa. Thầy cũng vậy, xét về Nhân Nghĩa, phân biệt sự đồng dị, coi sự biến hóa của động tĩnh, tìm quy tắc để thích nghi sự cho và sự nhận, điều lý các tình cảm yêu và ghét, điều tiết sự vui thích và giận dữ, thì làm sao tránh được tai họa. Thầy nên cẩn thận sửa mình, giữ gìn bản chân để cho người và vật tự thích nghi, thì sẽ tránh được tai họa. Nay thầy không sửa mình, lại đi cầu ở người (hoặc tránh người), như vậy chẳng là quá coi trọng ngoại vật ư?

Khổng tử xấu hổ, hỏi:

- Xin cụ giảng cho thế nào là bản chân?

- Bản chân là cái cực tinh thành. Không tinh thành thì không cảm động người được. Cho nên, kẻ gượng khóc thì bề ngoài tuy thảm mà trong lòng không thương tiếc; kẻ làm bộ giận thì tuy nghiêm mà không uy; kẻ gượng thân ái thì tuy cười mà không thực vui vẻ. Thực bi thảm thì không gào khóc mà trong lòng thương tiếc; thực giận dữ thì tuy chưa lộ sắc giận mà uy nghiêm; thực thân ái thì tuy không cười mà đã vui vẻ. Bản chân ở trong lòng thì tinh thần biểu lộ ra ngoài, vì vậy mà người ta quý cái bản chân. Đem bản chân dùng vào phương diện Nhân luân như thờ cha mẹ thì hiếu thuận, thờ vua thì trung trinh, uống rượu thì vui, đưa ma thì buồn. Trong sự trung trinh, cần nhất là lập công; trong sự uống rượu, cần nhất là vui; trong sự đưa ma, cần nhất là buồn thảm; trong sự thờ cha mẹ, cần nhất là làm cho cha mẹ vui lòng; thành công có nhiều cách, chẳng phải chỉ có một đường mà thôi. Như thờ cha mẹ cần làm vui lòng cha mẹ, bất luận dùng cách nào; uống rượu cần vui, bất luận dùng thứ chén nào; đưa ma cần bi thảm, chẳng cần biết nghi lễ. Lễ là do thế tục đặt ra; còn cái bản chân do trời cho, nó tự nhiên, không hề biến đổi. Cho nên thánh nhân lấy trời làm phép tắc và quý bản chân, không câu nệ thế tục; còn kẻ ngu thì trái lại, không biết lấy trời làm phép tắc mà chỉ lo không hợp với thế tục, không biết quý bản chân mà chỉ theo mọi người, bị thế tục biến hóa, cho nên lòng không thỏa mãn. Tiếc thay, thầy sớm chìm đắm vào sự giả dối, trễ rồi mới được nghe giảng về Đạo.

Khổng tử lại vái hai vái, rồi ngửng lên, thưa:

- Hôm nay tôi được gặp cụ thật là may mắn, do trời dun giủi. Xin tiên sinh đừng lấy làm xấu hổ mà cho tôi được phục dịch và đích thân dạy dỗ tôi. Xin cho biết tiên sinh ở đâu để tôi tới thụ nghiệp mà học Đạo.

Ông lão đáp:

- Tôi nghe nói: kẻ nào có thể theo nổi mình thì hãy dắt kẻ đó tới cái Đạo huyền diệu, bằng không thì đừng dẫn dắt, như vậy mình mới khỏi mang lỗi. Thầy gắng sức đi. Thôi tôi đi đây.

Dứt lời, ông xô thuyền ra rồi biến mất trong đám lau.

Nhan Uyên quay xe lại, Tử Lộ chìa cho Khổng tử sợi dây để nắm leo lên xe, nhưng Khổng tử không quay lại đợi cho nước hết gợn sóng, không nghe thấy tiếng động của chiếc thuyền nữa rồi mới dám lên xe. Tử Lộ ngồi ở một bên hỏi thầy:

- Con được phục dịch thầy đã lâu, chưa hề thấy thầy kính sợ ai như vậy. Ông vua các nước có vạn cỗ xe ngàn cỗ xe hễ tiếp thầy thì đều coi thầy như ngang hàng, mà thầy còn có vẻ ngạo mạn là khác nữa. Bọn chúng con đây đều thấy làm lạ, ông chài đó có gì mà được thầy kính trọng tới mức đó?

Khổng tử cúi dựa vào cái thanh ngang của xe, thở dài:

- Do (tên Tử Lộ), anh thật khó cải hóa. Anh ngụp lặn trong Lễ Nghĩa bao nhiêu năm nay mà chưa bỏ được cái lòng bỉ lậu ấy đi. Lại đây, ta nói cho nghe! Gặp người già mà không biết kính thì không biết Lễ; thấy người hiền mà không biết tôn thì là không có đức Nhân. Nếu ông lão ấy mà không phải bậc chí Nhân thì làm sao khiến cho người khác phải cúi mình ngưỡng mộ; cúi mình ngưỡng mộ mà không chân thành thì là mất bản chân mà có hại cho bản thân. Ôi! Không có lỗi nào lớn bằng bất nhân mà anh lại mắc đúng cái lỗi ấy. Vả lại, Đạo sinh ra vạn vật; vật nào mất cái Đạo thì chết, có nó thì sống, hành động trái với nó thì thất bại, thuận nó thì thành công. Cho nên thánh nhân tôn trọng Đạo, bất luận là nó ở đâu. Có thể bảo rằng ông lão đánh cá ấy có được cái Đạo, làm sao ta dám không kính ông.

ngochai
16-05-2012, 02:57 PM
PHẦN 1

Lời bạt

Đây là chương đầu tiên trong cuốn Trang Tử Nam Hoa Kinh, luận tuyệt hay và thâm thúy.


Có người Tài Trí đủ để làm một chức quan, có người Hạnh làm gương được cho một làng, có người Đức đáng làm vua mà được cả nước phục, nhưng dù thuộc hạng nào thì cũng đều tự đắc như con chim cút kia vậy.
Lớn với nhỏ khác nhau như vậy đó.

ngochai

-----------------------------------

Biển Bắc có con cá gọi là cá Côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim bằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.

Tề Hài là sách ghi những chuyện quái dị. Sách đó bảo khi con chim bằng dời xuống biển Nam, nó đập nước tung tóe lên ba ngàn dặm rồi nương gió lốc cuốn lên cao chín vạn dặm. Nó xuống biển Nam vào tháng 6, lúc gió nổi lên.

(Ở dưới nó là) Hơi nước bốc lên – coi tựa như những con ngựa hoang – và bụi cát, cùng hơi thở các sinh vật. (Mà ở trên nó) màu thanh thiên kia phải là bản sắc của trời không hay là vì trời xa thăm thẳm mà ta nhìn thấy như vậy? Vì từ trên cao nhìn xuống thì cũng thấy một màu đó.

Nước không sâu thì không chở được thuyền lớn. Đổ một chén nước xuống một chỗ lõm ở trước sân thì thả một cọng cỏ xuống làm thuyền được; nếu thả cái chén đó xuống thì chén chạm đất, không nổi được, vì nước nông mà thuyền lớn. Lớp không khí mà không dày thì không đỡ được những cánh chim lớn. Cho nên con chim bằng phải bay lên cao chín vạn dặm để có lớp không khí dày đỡ nó ở dưới, rồi lưng nó mới đội trời xanh, không hề bị cản trở, mà bay xuống biển Nam được.

Con Ve sầu và con chim Cưu cười con chim Bằng rằng: “Chúng tao bay vù lên cây du, cây phương, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay cao chín vạn dặm để xuống phương Nam?”

Người nào muốn tới một chỗ gần ở ngoài thành thì chỉ cần mang theo lương thực cho đủ ba bữa, mà khi về bụng hãy còn no. Kẻ nào muốn đi một trăm dặm thì phải chuẩn bị lương thực để nghỉ đêm; muốn đi một ngàn dặm thì phải chuẩn bị lương thực cho ba tháng. Hai con vật nhỏ kia (tức con ve sầu và con chim cưu) biết đâu lẽ đó.

Trí lực nhỏ không thể so sánh với trí lực lớn; cuộc đời ngắn không thể so sánh được với cuộc đời dài. Làm sao biết được điều ấy? Như cây nấm chỉ sống một buổi sáng thì không biết được trọn một ngày, con Huệ cô (một loại ve sầu, sinh mùa xuân thì mùa hè chết, sinh mùa hè thì mùa thu chết), không biết được trọn một năm; đó là những loài cuộc đời ngắn ngủi. Ở miền Nam nước Sở, có một con Rùa thiêng, mùa xuân của nó dài năm trăm năm; mùa thu dài năm trăm năm; đời thượng cổ có một cây “xuân” lớn, mà mùa xuân dài tới tám ngàn năm, mùa thu dài cũng tám ngàn năm, đó là những loài cuộc đời lâu dài. Ông Bành Tổ (chỉ sống bảy trăm năm) mà ngày nay hễ nói tới thọ, ai cũng cho ông bậc nhất, chẳng đáng buồn ư?

Trong cuộc đàm thoại giữa ông Thang và ông Cách cũng có một đoạn như vầy: Ở phương Bắc hoang dã có một cái biển gọi là “Ao trời”, trong biển có một con cá chiều ngang rộng mấy ngàn dặm, không biết chiều dài là bao nhiêu, gọi là cá Côn; có một con chim gọi là chim Bằng, lưng lớn như núi Thái Sơn, cánh như đám mây rủ ở trên trời, nó nương ngọn gió lốc, xoắn như sừng cừu, bay lên cao chín vạn dặm, vượt lên khỏi các đám mây, lưng đội trời xanh mà bay về biển Nam.

Một con chim cút ở trong cái đầm nhỏ cười nó: “Con đó bay đi đâu vậy? Tôi lên cao độ vài nhẫn rồi xuống, bay liệng trong đám cỏ bồng cỏ cảo, cho bay như vậy là đủ rồi. Con đó bay đi đâu vậy kìa?”.

Lớn với nhỏ khác nhau như vậy đó.

Có người tài trí đủ để làm một chức quan, có người hạnh làm gương được cho một làng, có người đức đáng làm vua mà được cả nước phục, nhưng dù thuộc hạng nào thì cũng đều tự đắc như con chim cút kia vậy.

Ông Vinh tử nước Tống cười họ. Dù cả nước khen ông, ông cũng không mừng, cả nước chê ông, ông cũng không buồn, vì ông biết phân biệt nội và ngoại, vinh và nhục. Người như ông thật hiếm ở đời, nhưng ông chỉ biết tự thủ (tự giữ mình) thôi, chứ chưa tự thích nghi với vật mà thành bậc đại.

Ông Liệt tử cưỡi gió mà bay, thật nhẹ nhàng, khoan khoái, mười lăm ngày rồi về. Có phúc lớn như ông thật hiếm ở đời, tuy khỏi phải đi, nhưng ông vẫn còn tùy thuộc một cái gì (tức đợi cho gió nổi lên).

Đến như hạng người làm chủ được cái chính đạo của trời đất, chế ngự được lục khí để ngao du trong vũ trụ vô biên, thì còn tùy thuộc cái gì nữa đâu? Cho nên người ta bảo “Bậc chí nhân (có Đức tuyệt cao) thì quên mình, bậc Thần nhân thì không lập công, bậc Thánh nhân thì không lưu danh”.

(xem tiếp phần 2)

ngochai
16-05-2012, 03:11 PM
Phần 2

Lời bạt

Đây là chương đầu tiên trong cuốn Trang Tử Nam Hoa Kinh, luận tuyệt hay và thâm thúy.


"Mặt trời, mặt trăng đã xuất hiện, đuốc làm sao còn sáng được nữa mà không tắt đi? Mưa đã đổ mà còn tưới ruộng làm gì cho phí sức?"

ngochai

-----------------------------

Vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho Hứa Do, bảo:

- Mặt trời, mặt trăng đã xuất hiện, đuốc làm sao còn sáng được nữa mà không tắt đi? Mưa đã đổ mà còn tưới ruộng làm gì cho phí sức? Phu tử mà lên ngôi thì nước sẽ trị; tôi còn giữ hư vị này (như người đại diện cho người chết trong tang lễ), tự lấy làm xấu hổ. Tôi xin giao thiên hạ cho phu tử.

Hứa Do đáp:

- Nhà vua trị nước, mà nước được bình trị. Bây giờ tôi lên thay, thế là cầu danh ư? Danh là khách của cái thực, tôi đóng cái vai khách sao? Con chim Tiêu Liêu (một loài chim nhỏ), làm tổ trong rừng, chiếm bất quá một cành cây; con “yển thử” uống nước sông, bất quá đầy bụng thì thôi. Xin nhà vua cứ giữ ngôi. Tôi có biết dùng thiên hạ làm gì đâu. Nếu người bếp mà không biết nấu nướng thì người đại diện cho người chết và người chủ tế cũng không bỏ chức vụ của mình mà thay người bếp được.

--------------------------------------

Kiên Ngô hỏi Liên Thúc:

- Tôi thấy Tiếp Dư nói những lời khoa đại và không xác thực, đi mà không trở về, tôi sợ rằng những lời đó không biết đâu là cùng như dải Ngân hà, quái đản, bất cận nhân tình.

Liên Thúc hỏi:

- Ông ấy nói gì?

- Trên núi Cô Dạ xa xôi, có thần nhân ở, da họ trong trắng như băng tuyết, họ đẹp đẽ, mềm mại như gái trinh. Họ không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương mà sống; họ cưỡi mây và rồng bay mà đi chơi khắp ngoài cõi bốn bể. Họ định thần mà làm cho vạn vật không bị bệnh tật, mùa màng năm nào cũng trúng. Tôi cho là nói bậy, không tin.
Liên Thúc bảo:

- Đúng vậy! Kẻ đui không thấy được những màu sắc, đường nét đẹp đẽ, kẻ điếc không nghe được tiếng chuông, tiếng trống. Nào phải chỉ hình hài mới đui điếc, trí tuệ cũng đui điếc nữa. Lời đó là nói về anh đấy. Những thần nhân đó có đức cao nên hòa đồng được với vạn vật.

Người đời có cầu họ trị nước, họ cũng không thèm chịu khó nhọc về việc cõi tục này. Không có vật gì có thể làm hại họ được; nước có dâng lên tới trời, họ cũng không bị chết đuối; trời có đại hạn tới nỗi kim thạch chảy ra, cháy cả rừng núi, đồng ruộng, họ cũng không thấy nóng. Dùng những trần cấu, cặn bã của họ có thể tạo thành những người như Nghiêu, Thuấn. Họ đâu có chịu lo những việc trần tục của chúng ta.

Một người nước Tống đem mũ lễ qua nước Việt bán. Nhưng người nước Việt cắt tóc, xâm mình, đâu có dùng những mũ ấy.

Vua Nghiêu trị dân, bình định hải nội rồi, bèn lên núi Cô Dạ ra mắt bốn hiền nhân (là Hứa Do, Niết Khuyết, Vương Nghê, Bị Y). Khi trở về tới phía Bắc sông Phần, ông không biết gì nữa, quên mất thiên hạ của ông.

(xem tiếp phần 3)

ngochai
16-05-2012, 03:15 PM
Phần 3

Lời bạt

Đây là chương đầu tiên trong cuốn Trang Tử Nam Hoa Kinh, luận tuyệt hay và thâm thúy.

"Cùng dùng một thứ thuốc mà người thì được phong đất, kẻ vẫn phải đập lụa, chỉ vì cách dùng khác nhau."


ngochai

-----------------------------------

Huệ tử bảo Trang tử:

- Vua Ngụy cho tôi một hột giống bầu lớn, tôi đem trồng được những trái chứa được năm thạch. Dùng cả một trái để chứa nước thì nó không đủ cứng để chịu được, khiêng đi sẽ bể; nếu xẻ nó thành nhiều phần thì lại nông quá, không chứa được bao nhiêu. Thành thử tuy nó lớn mà vô dụng, cho nên tôi đã đập bỏ.

Trang tử bảo:

- Vậy là ông vụng sử dụng những vật lớn rồi. Một người nước Tống chế được một thứ thuốc bôi ngón tay cho khỏi nứt nẻ. Gia đình người đó đời đời làm công việc đập lụa. Một người lạ hay tin, lại trả một trăm đồng tiền vàng để mua phương thuốc. Người đó họp cả họ lại, bảo: “Chúng ta đời đời đập lụa, chỉ kiếm được vài đồng tiền vàng. Bây giờ chỉ trong một buổi có thể thu được một trăm đồng. Nên bán cho họ đi”. Người lạ kia được phương thuốc rồi, lại thuyết vua Ngô. Lúc đó nước Việt đang gây chiến với Ngô, vua Ngô bèn phong người đó làm tướng. Mùa đông, hai bên thủy chiến với nhau, Việt đại bại phải cắt đất cho Ngô, vua Ngô đem đất đó phong cho ông ta.

Cùng dùng một thứ thuốc mà người thì được phong đất, kẻ vẫn phải đập lụa, chỉ vì cách dùng khác nhau. Nay ông có trái bầu chứa được năm thạch, sao không nghĩ cách dùng nó làm một trái nổi để qua sông, hở? Phàn nàn rằng xẻ ra thì nó nông quá, không chứa gì được, chính là vì lòng của ông không thông đạt đấy.

---------------------------------------

Huệ tử bảo Trang tử:

- Có một cây lớn gọi là cây Xư. Thân nó nổi u, chỗ lồi chỗ lõm, không dùng dây mực của thợ mộc mà vạch đường được; cành nhỏ của nó cong queo không dùng cái qui và thước vuông để xẻ được. Nó mọc ở ngay bên đường mà không một người thợ mộc nào thèm ngó tới. Thuyết của ông cũng vậy, rộng lớn mà không dùng được, nên không ai theo.

Trang tử đáp:

- Ông có thấy con li tinh không? Nó nép mình để rình mồi, nó nhảy qua đông qua tây, chẳng kể cao thấp, nhưng có ngày nó cũng chết vì bẫy, vì lưới. Còn con Thai Ngưu thân lớn như đám mây trên trời mà không bắt nổi một con chuột. Ông có một cây lớn mà lo rằng nó vô dụng. Sao không trồng nó ở chỗ hư vô tịch mịch, trong cánh đồng mênh mông, để những kẻ nhàn rỗi thơ thẩn dạo chung quanh thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó? Nó không sợ bị búa rìu đốn, hoặc bị ngoại vật làm hại. Nó không dùng được vào việc gì, thì tai họa làm sao mà đến?

Luận giải

Tóm tắt ý chính trong chương này Diệp Ngọc Lân dẫn lời của Vương Tiên Khiêm (tức Vương Ích Ngô, một triết gia đời Thanh), cho “tiêu dao tự tại là siêu thoát ra ngoài thế vật, theo lý thiên nhiên”. Ý đó giống ý của Quách Tượng (học giả đời Tấn, tự là Tử Huyền, cùng với Hướng Tú là những người đầu tiên chú giải Trang tử) trong câu này: “Vật tuy lớn nhỏ khác nhau (…) nhưng mỗi loài cứ theo thiên tính của mình, làm theo khả năng của mình…” thì là Tiêu Dao. “Theo lý thiên nhiên” hay “theo thiên tính” thì cũng vậy.

Nhưng theo Hoàng Cẩm Hoành lại bác ý của Quách Tượng, cho tiêu dao là “vô vi”, vì Hoàng căn cứ vào câu “Bậc chí nhân thì quên mình, bậc thần nhân thì không lập công, bậc thánh nhân thì không lưu danh”. (Chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh).

Vương Phu Chi (tức Vương Thuyền Sơn, một triết gia danh tiếng đời nhà Thanh) cũng cho rằng phải theo thiên tính của mình (như con chim cưu chỉ bay lên ngọn cây, có khi còn không tới, mà không vì vậy ganh tị với con chim bằng, bay cao được tới chín vạn dặm), nhưng lại chú trọng tới điều kiện này là không phải tùy thuộc cái gì (vô sở đãi) thì mới thực thảnh thơi. Con chim bằng phải tùy thuộc lớp không khí dầy ở dưới nó; Liệt tử cưỡi gió mà bay thật nhẹ nhàng, khoan khoái, nhưng vẫn phải tùy gió nổi lên mới bay được, như vậy chưa thực là tiêu dao. Hễ còn tùy thuộc một cái gì thì chưa được hoàn toàn tự do, làm sao mà thảnh thơi được? Liou Kia hway chắc cũng nghĩ như Vương Phu Chi nên dịch “Tiêu dao du” là “liberté naturelle” (sự tự do thiên nhiên).

Như vậy chúng ta đã có ba điều kiện của sự tiêu dao tự tại rồi:

- Phải thuận thiên tính.

- Không tuỳ thuộc một cái gì (phải được hoàn toàn tự do).

- Vô vi (không lập công, không cầu danh, quên mình đi, tức siêu thoát ra ngoài thế vật để khỏi tuỳ thuộc thế vật); như Hứa Do trong bài là đã tiêu dao; vua Nghiêu trong bài đó chưa tiêu dao, khi ở núi Cô Dạ về, chịu ảnh hưởng của bốn vị thần nhân mà quên mất thiên hạ của mình, lúc đó mới được tiêu dao. Quan niệm vô vi này Trang đã mượn của Lão mà còn tiến xa hơn Lão nữa. Ngoài ra còn thêm một điều kiện nữa.

- Muốn được tuyệt đối tiêu dao thì phải hoà đồng với vạn vật, như các thần nhân trên núi Cô Dạ, lúc đó sẽ chế ngự được lục khí để ngao du trong vũ trụ vô biên, nước lửa đều không làm hại mình được. Ngờ rằng Trang tử ở đây đã chịu ảnh hưởng của Liệt tử.

Bốn điều kiện kể trên là ý chính trong chương này. Ngoài ra còn vài ý phụ nữa như là “vô tài thì toàn mệnh được, như cây xư" , “tiểu trí không hiểu được đại trí, như con ve sầu, con chim cưu, con cút cười con chim bằng”, “khéo dùng vật thì không vật nào là vô dụng; mà chỉ hạng đại trí mới biết dùng những vật tầm thường vào những việc lớn."

ngochai
19-05-2012, 11:42 AM
Phần 1

Lời bạt:

Chương này là chương quan trọng nhất, chứa nhiều tư tưởng độc đáo nhất trong bộ sách. Trang tử trình bày vũ trụ quan của ông để rút ra một luật thiên nhiên: luật vạn vật tuyệt đối bình đẳng, không có quí tiện, không có thị phi, và một phép xử thế: không tranh luận, để cứu một cái tệ đương thời, là triết gia nào cũng đả đảo các triết gia khác, tự cho mình mới thực nắm được chân lí.

ngochai

---------------------------------

Nam Quách Tử Kì ngồi tựa cái bàn con, ngước mắt lên trời, thở dài, như người mất hồn.

Nhan Thành Tử Du đứng hầu một bên, hỏi:

- Sao thầy tới nỗi như vậy? Hình hài như một cây khô mà tinh thần thì như tro tàn?
Người tựa vào bàn lúc này với người tựa vào bàn lúc nãy, không phải là cùng một người sao?

Tử Kì đáp:

- Anh Yển, anh hỏi như vậy là phải? Thầy đã tự quên thầy, anh biết không? Anh đã được nghe tiếng sáo của người mà chưa được nghe tiếng sáo của đất; hoặc đã được nghe tiếng sáo của đất mà chưa được nghe tiếng sáo của trời (thiên lại).

- Xin thầy giảng cho con thế nào là nghĩa làm sao?

- Đất thở thì thành gió. Gió không thổi thì thôi, đã thổi thì cả vạn hang lỗ đều gào thét lên. Anh có nghe gió hú bao giờ chưa? Trên rừng núi cao ghê gớm có những cây lớn chu vi được cả trăm gang tay, thân cây có hang có lỗ, như lỗ mũi, lỗ tai hoặc miệng người; lại có những lỗ (vuông) như lỗ đục trong các đà ngang, hoặc lỗ mắt cáo; có lỗ như miệng cối, như ao sâu, như vũng cạn. Gió thổi thì những lỗ ấy phát ra những tiếng khác nhau, có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít, như tiếng người đi trước hô, người đi sau đáp. Gió hiu hiu thổi thì nghe du dương; gió lớn nổi lên thì nghe ào ào. Gió lớn ngừng rồi, các hang lỗ lại im lặng, mà anh có thấy cành lá lúc đó chỉ hơi lay động không?

Tử Du thưa:

- Vậy tiếng sáo của đất (tức âm nhạc của đất) là do các hang lỗ cả, cũng như tiếng sáo của người là do các ống trúc. Thế còn tiếng sáo của trời, xin thầy giảng cho con.

Tử Kỳ đáp:

- Tiếng sáo của trời gồm những thanh âm biến hóa cả vạn cách mà mỗi thanh âm chỉ tự nó phát ra mà thôi. Nhưng ai khiến cho các thanh âm đó tự nhiên phát ra như vậy?

ngochai
19-05-2012, 11:50 AM
Phần 2

Đại trí thì bao quát, tiểu trí thì phân biệt những cái nhỏ nhặt; lời nói sâu sắc thì sáng rõ, lời nói thô thiển thì rườm, tế toái.

Khi ngủ thì tinh thần hôn mê, khi tỉnh dậy thì thân thể cử động.

Tiếp xúc với người khác thì tự nhiên dụng tâm mưu mô. Do đó mà sinh ra do dự, giả dối, ẩn ý.

Hơi lo sợ thì sinh ra xao xuyến, ưu tư; quá lo sợ thì sinh ra trì độn, mất hồn.

Khi ta hành động thì nhắm người khác như bắn con mồi, rồi thì bất động để nhận định thắng lợi của mình. Do đó khí lực mỗi ngày suy đi như sinh vật vào mùa thu, mùa đông; chìm đắm trong thói xấu, ngột ngạt, càng già càng tệ; hậu quả là tinh thần như chết lần, không sao lấy lại được sinh khí nữa.

Mừng giận, vui buồn, lo lắng, ân hận, phản phúc, sợ sệt, phóng túng, biếng nhác, khinh cuồng, ngạo mạn, tất cả những cái đó tự chúng phát sinh ra như âm nhạc phát từ một ống rỗng (ống sáo) hoặc như nấm từ hơi đất (ẩm ướt) mà ra. Ngày, đêm nối tiếp nhau, ai biết được từ đâu mà có? Hỡi ơi, hỡi ơi; bao giờ chúng ta mới hiểu được lẽ sinh hoá trong vũ trụ?

Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hoá của tự nhiên. Như vậy ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ thể của vũ trụ là gì.

Ví thử có một chủ tể thực đi thì chúng ta cũng không thấy có dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác động mà không thấy hình thể của nó. Chẳng hạn thân thể con người gồm một trăm cái xương, chín cái lỗ và sáu bộ phận ở trong (lục tạng). Chúng ta quí cái nào? Hay quí hết? Hay quí vài cái? Chúng đều phục dịch ta? Chúng đều bị động hết? Cái gì làm chủ tể chi phối chúng? Chúng chi phối và phục vụ lẫn nhau? Nếu có một cái thực là chủ tể chúng thì dù ta hiểu biết hay không hiểu biết nó, cũng không làm tăng hay giảm cái chân thực của nó.

Khi ta đã nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới khi chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau, cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được. Buồn thay! Suốt đời khó nhọc mà không thành công gì cả; tân khổ, mệt mỏi mà không biết để đi tới đâu. Đáng thương thay! Như vậy mà bảo là sống, thử hỏi có ích gì không? Hình hài mà biến hoá thì tinh thần cũng biến hoá. Đó chẳng phải là điều rất thương tâm ư? Người đời mê muội như vậy ư? Chỉ riêng tôi mê muội, còn người khác không mê muội chăng?

Để cho thành kiến của mình làm thay mình, sai khiến mình, như vậy thì ai cũng có thầy hết, còn cần gì nhận người khác làm thầy nữa? Vì tinh thần của mình làm thầy mình, cho nên người ngu cũng có thầy rồi. Kẻ nào muốn vượt thành kiến của mình để phân biệt thị phi thì cũng không khác gì bảo rằng hôm nay đi qua nước Việt mà đã tới đó từ hôm qua rồi, nghĩa là coi cái không có là có. Về điểm đó, thần minh như ông Vũ cũng không thể biết được. Tôi làm sao mà biết được?

ngochai
19-05-2012, 11:56 AM
Phần 3

Nói không phải chỉ là phát hơi ra thành tiếng. Nó là để diễn một cái gì. Nhưng cái ý muốn diễn ấy không hoàn toàn do lời nói định được (nghĩa là lời không sao diễn hết được ý), vậy thì có lời nói không (nghĩa là lời nói có ý nghĩa không), hay không có lời nói (nghĩa là lời nói vô nghĩa, chỉ như hơi phát từ miệng ra thôi). Lời nói khác với tiếng chim con chíp chíp, nhưng vì lời nói không hẳn diễn được ý nghĩa, như vậy thì rốt cuộc có phân biệt được hai cái đó không?

Đạo bị cái gì che lấp tới nỗi phải phân biệt chân với nguỵ? Lời nói bị cái gì che lấp tới nỗi phải phân biệt phải với trái? Khi nào thì đạo không còn, khi nào thì lời không chấp nhận được? Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp; lời nói bị sự hoa mĩ phù phiếm che lấp. Do đó mà phái Nho, phái Mặc tranh luận với nhau. Cái gì phái này cho là phải thì phái kia cho là trái; cái gì phái này cho là trái thì phái kia cho là phải. Muốn thấy điểm phải trong chỗ họ cho là trái, thấy điểm trái trong chỗ họ cho là phải, (nghĩa là muốn thấy phái nào cũng có lí một phần, mà không phái nào hoàn toàn có lí), thì không gì bằng dùng trực giác (đừng lí luận, tranh biện).

Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được. Cho nên mới bảo cái kia là tự cái này mà ra, mà cái này cũng tự cái kia mà có. Chẳng hạn người ta phân biệt sống và chết, sự thực sống cũng là chết, chết cũng là sống. Cái có thể được cũng là không thể được, cái không thể được cũng là cái có thể được. Xác nhận cũng là phủ nhận, phủ nhận cũng là xác nhận. Thánh nhân không chấp nhất nên mới rực rỡ ở trên trời.

Mình là người khác, người khác cũng là mình. Người kia có quan niệm của họ về thị, phi. Mình cũng có quan niệm của mình về thị, phi. Có sự khu biệt thực nào giữa mình và người kia không? Mình và người đừng chống đối nhau nữa, cái chốt (tức cái cốt yếu) của Đạo ở đó. Cái chốt đó ở trung tâm cho nên ứng với các biến hoá vô cùng. Cái “thị” (phải) biến hoá vô cùng, mà cái “phi” (không phải) cũng biến hoá vô cùng. Cho nên mới bảo: Không gì bằng dùng trực giác.

Muốn dùng cái ý niệm độc lập, tuyệt đối để chứng rằng những biểu hiện của ý đó trong sự vật không phải là ý niệm độc lập, tuyệt đối, thì sao bằng dùng cái phi ý niệm để chứng rằng những ý niệm biểu hiện trong sự vật không phải là ý độc lập, tuyệt đối. Muốn chứng rằng con ngựa trắng không phải con ngựa thì sao bằng dùng ý niệm “phi mã” (không phải con ngựa) để chứng rằng ngựa trắng không phải là ngựa. Sự thực vũ trụ chỉ là một ý niệm, mà mọi vật chỉ là một con ngựa.

ngochai
19-05-2012, 12:04 PM
Phần 4

Có đi rồi mới thành đường; có đặt tên rồi mới phân biệt vật này vật khác. Làm sao bảo một vật là nó như vậy? Vì nó như vậy nên bảo nó như vậy. Làm sao bảo một vật không phải như vậy? Vì nó không như vậy nên bảo nó không như vậy. Làm sao bảo một vật là “có thể”. Bảo một vật là có thể vì nó có thể. Làm sao bảo một vật là không có thể. Bảo một vật là không có thể là vì nó không có thể.

Vật nào cũng có cái “như vậy” của nó, vật nào cũng có cái “có thể” của nó.

Cho nên một cọng cỏ nhỏ với một cây cột lớn, một người đàn bà xấu với nàng Tây Thi, với tất cả các cái bậy bạ, dối trá, quái dị đều hợp nhất ở trong Đạo hết. Cái nhất đó phân chia ra thành vạn vật, phân chia ra rồi thì không còn cái trước nữa mà cái này sẽ mất đi. [nghĩa là có sinh thì có diệt, có diệt thì có sinh]. Nhưng không vật nào có sinh thành, có huỷ diệt vì rốt cuộc lại hợp nhất ở trong Đạo.

Chỉ có hạng đạt Đạo mới hiểu được sự hợp nhất đó mà bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung (bình thường). Trung dung thì thực hành được, thực hành được thì thông [có kết quả, không tắt nghẽn], thông thì “được việc” [thành công]. Được việc là gần tới Đạo [vì phải hiểu Đạo rồi mới được việc]. Phải xác nhận sự kiện. Thực hiện mà không hiểu tại sao, đó là Đạo.

--------------------------------------------

Cứ cố chấp tin vào một điều thôi mà không biết rằng điều ấy cũng y hệt các điều khác, như vậy là có tinh thần “sáng ba”. Câu chuyện “sáng ba” như vầy:

Xưa có một ông già nuôi khỉ, bảo chúng: “Tao cho chúng bây sáng ba (trái lật), chiều bốn [trái]. Chúng bây chịu không?”. Chúng đều bất bình. Ông già bèn bảo: “Thế thì sáng bốn [trái], chiều ba. Chịu không?”. Chúng đều mừng.

Sự thực có gì thay đổi đâu mà lần trước chúng nổi giận, lần sau mừng. Ông già đó đã khéo thuận theo bản tính của loài khỉ.

Cho nên thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một, mà theo luật quân bình tự nhiên. Như vậy gọi là “lưỡng hành”.

----------------------------------------------

Cổ nhân có người tri thức đạt được tới cực điểm. Cực điểm đó ở đâu? Ở chỗ cho rằng thời sơ khởi vũ trụ chưa có vật: đó là điểm cực xa, cực cao mà tri thức đạt được, không thể thêm gì được nữa. Hạng người thấp hơn cho rằng thời sơ khởi đã có cái gì đó, nhưng cái đó không nhất định. Hạng thấp hơn cho rằng cái đó đã nhất định nhưng bảo không có thị phi (phải trái, xấu tốt).

Từ khi có quan niện thị phi, ý niệm về Đạo mới suy. Ý niệm về Đạo suy rồi mới có lòng tự ái (lòng yêu ích kỉ). Thật ra có gì là thành và bại không? Hay là không có? Như trường hợp Chiêu Văn chơi đàn cầm, chứng là có thành và bại; Chiêu Văn không chơi đàn cầm thì không chứng được là có thành có bại. Chiêu Văn chơi đàn cầm, Sư Khoáng gõ nhịp; Huệ tử dựa một cây ngô đồng [mà biện thuyết]; ba bậc đó tài trí cực cao, giữ được danh tiếng cho hết đời. Sở thích của họ khác với của mọi người. Họ đều muốn cho người khác hiểu cái mà người ta không hiểu nổi, nên Huệ Thi mới làm hỏng đời ông bằng thuyết “kiên bạch” (cứng và trắng), mà con Chiêu Văn muốn nối nghiệp cha đến nỗi suốt đời không thành công.

Nếu như vậy [tức xét riêng từng người một] mà gọi là thành công thì bất tài như tôi cũng thành công. Nếu như vậy không gọi là thành công được [tức xét chung cả mọi người, mà không phải ai cũng giỏi, thành công như ba nhà đó được], thì tôi và người khác, chẳng ai thành công cả. Thánh nhân chê cái thói làm cho người đời mê loạn, nghi ngờ, nên bỏ hết thành kiến, theo lẽ trung dung tầm thường thôi, như vậy là dùng đến trực giác.

ngochai
19-05-2012, 12:11 PM
Phần 5

Nay có người đưa ra một phán đoán. Không biết nó có giống với những phán đoán của người khác hay không. Giống hay không thì chúng cũng là một loại với nhau cả, vậy có khác gì nhau đâu.

Tôi xin đưa ra một thí dụ. Một người bảo rằng vũ trụ có khởi thuỷ; một người khác bảo không có khởi thuỷ, một người nữa bác thuyết người thứ nhì dùng để bảo vủ trụ không có khởi thuỷ. Nói cách khác: một người bảo mới đầu vũ trụ có cái gì đó (hữu), một người khác bảo mới đầu vũ trụ không có cái gì đó (vô); một người nữa bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có cái gì đó; lại một người thứ tư khác nữa bác cái thuyết người thứ ba dùng để bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có gì cả. Khi thì có (hữu), khi thì không (vô). Mà không biết cái “có”, cái “không” đó có thực là “có”, có thực là “không” không. Tôi mới đưa ra một ý kiến, nhưng nó có thực là ý kiến hay là không có ý kiến gì cả.

Trên đời không có gì lớn bằng đầu chiếc lông mùa thu, mà núi Thái Sơn thì nhỏ. Không ai thọ bằng đứa trẻ chết yểu, mà không ai yểu bằng ông Bành Tổ. Trời đất cùng sinh ra với tôi; vạn vật và tôi hợp nhất, chỉ là một. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao còn nói về nó được nữa. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao lại không nói về nó được. Cái “nhất” đó thêm cái ta nói về nó, thế là hai cái rồi; hai cái đó với cái “nhất” (nguyên thuỷ) thành ra ba. Cứ như vậy mà tính tiếp thì người giỏi tính cũng đành chịu; huống hồ là người thường. Như vậy là từ “không” (vô) tới “có” (hữu) đã có ba ý khác nhau rồi; huống hồ từ “có” tới “có”, sẽ có cơ man nào là ý. Đừng suy luận gì hết [nghĩa là quên ngôn ngữ, ý tưởng đi] thì thấy được đạo.

----------------------------------------------------

Đạo không có giới hạn, mà ngôn ngữ thì không chắc chắn. Do ngôn ngữ mới có những sự phân biệt này nọ. Chẳng hạn chúng ta phân biệt bên phải bên trái, thứ tự và sai đẳng, phân và biện, cạnh và tranh: đó là tám loại biểu hiện. Mà cái gì ở ngoài vũ trụ thì thánh nhân không cho là có, không nói tới; cái gì ở trong vũ trụ thì thánh nhân nói tới mà không phê bình. Bộ sử Xuân Thu và chuyện chép về các tiên vương, thánh nhân đem ra bàn mà không tranh biện. Sau mỗi cái phân biệt có một cái gì không phân biệt được; sau mỗi cái biện luận có một cái gì không biện luận được. Tại sao vậy? Vì thánh nhân thấu triệt được toàn diện, còn người thường chấp nhất cãi nhau để thắng người khác. Cho nên bảo: “Hễ biện luận là chỉ thấy được phiến diện”.

Đại Đạo không có tên, đại biện luận thì không nói; đại nhân (nhân từ) thì không yêu riêng ai; đại liêm khiết thì không có hình tích; đại dũng thì không hung hăng.

Cái Đạo mà minh thị ra rồi thì không phải là Đạo; biện mà phải dùng lời nói thì không đạt được chân lí; nhân (từ) mà cố định thì không hoàn toàn là nhân; liêm khiết mà phô trương thì không được người ta tin; dũng mà tranh đấu (hoặc tới tàn bạo) thì không thành công.

Như vậy là năm cái đó vốn hồn nhiên, viên thông mà hoá ra có cạnh góc.

Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của “trí”. Người nào biết biện luận mà không dùng lời, biết rằng Đạo thì không có tên, là có được cái kho của trời (thiên phủ), đổ vô mà không bao giờ đầy, múc ra mà không bao giờ cạn, mà không biết tại sao. Như vậy gọi là “che ánh sáng đi” [đừng cho nó chiếu ra ngoài, mà ở trong sẽ sáng hơn].

-------------------------------------


Niết Khuyết hỏi (môn đệ là) Vương Nghê:

- Anh có biết một chân lí tuyệt đối không? [nghĩa là được mọi vật chấp nhận].

Vương Nghê đáp:

- Làm sao con biết được?

- Anh có biết rằng anh không biết chân lí đó không?

- Làm sao con biết được?

- Vậy ra vạn vật không biết gì cả sao?

Vương Nghê đáp:

- Làm sao con biết được? Nhưng con thử rán đưa ra ý kiến của con. Làm sao người ta có thể biết được cái mà con bảo là “biết” lại không phải là “không biết”; mà cái con bảo là “không biết” lại không phải là “biết”?

Chẳng hạn một người nằm chỗ ẩm thấp (trong bùn) mà đau lưng tê liệt nửa người, nhưng một con lươn thì có sao không? Một người ngồi trên ngọn cây thì run rẩy sợ sệt, nhưng con khỉ có vậy không? Chỗ ở của người và hai con vật ấy, chỗ nào là lí tưởng (chính xứ)? Người ta ăn thịt dê, bò, chó, lợn; hươu nai ăn cỏ; rết thích ăn rắn con; cú mèo và quạ thích ăn chuột. Khẩu vị của bốn loài đó, khẩu vị nào là lí tưởng (chính vị)? Khỉ đực sống với vượn cái; nai đực sống với hươu cái; lươn sống chung với cá; nàng Mao Tường và nàng Lệ Cơ được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ tới thì cá lặn sâu, chim bay cao, hươu nai chạy dài. Cái đẹp theo bốn loài đó, cái đẹp nào là lí tưởng (chính sắc)? Theo con thì phân biệt nhân, nghĩa, thiện, ác chỉ là rối mù thôi. Làm sao mà phân biệt được?

Niết Khuyết lại hỏi:

- Anh không biết được lợi hại, nhưng bậc “chí nhân” [đức tuyệt cao] có biết lợi hại không?

- Thưa, bậc chí nhân là thần rồi. Đồng cỏ có cháy cũng không làm cho họ thấy nóng, sông rạch đóng băng cũng không làm cho họ thấy lạnh, sét đánh đổ núi, gió làm dậy sóng cũng không khiến cho họ sợ. Họ chế ngự gió mây, cưỡi mặt trời mặt trăng mà đi chơi ngoài bốn bể, không quan tâm tới sống, chết, huống hồ là tới lợi hại?

ngochai
19-05-2012, 12:26 PM
Phần 6

Cồ Thước tử hỏi Trường Ngô tử:

- Tôi nghe Khổng tử bảo: Thánh nhân không dự vào việc đời, không mưu đồ cái lợi, tránh né cái hại, được người ta vời cũng không mừng, không theo thói đời. Thánh nhân không nói tức là nói đấy, mà nói tức là không nói đấy. Nhờ vậy mà siêu thoát ra ra ngoài cõi trần tục. Thầy chúng ta cho đó là những lời vu khoát mơ hồ. Nhưng tôi cho là những lời phát hiện được cái đạo kì diệu. Còn anh, anh nghĩ sao?

Trường Ngô tử đáp:

- Ngay Hoàng Đế cũng hoang mang về điều đó, thì làm sao mà [Khổng] Khâu biết được? Tính anh vội vàng quá. Mới thấy cái trứng anh đã muốn nghe gà gáy sáng rồi, mới thấy viên đạn đã muốn có thịt chim “hào” quay rồi. Để tôi giảng bậy chơi, mà anh cũng nghe bậy chơi nhé. Có phải là thánh nhân theo mặt trời mặt trăng, ôm vũ trụ, hợp nhất với vạn vật, bỏ hết cả mọi sự hỗn độn, u ám, coi các sự tôn ti, quí tiện là một không? Người phàm lao khổ vì sự thị phi, tranh luận, thì thánh nhân thì có vẻ như ngu muội vô tri, đạt được cái thuần khiết của cái “nhất” nó bao quát mọi biến hoá của mọi thời và mọi vật.

Làm sao tôi biết được ham sống không phải là một thái độ lầm lẫn? Làm sao tôi biết được kẻ sợ chết không giống như một em nhỏ lạc lối, quên mất đường về nhà?

Nàng Lệ Cơ là con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngải. Khi vua Hiến Tông nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới uớt đẫm vạt áo, nhưng về tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mĩ vị, nàng hối hận giọt lệ ngày xưa. Vậy làm sao tôi biết được khi chết rồi, người ta lại không ân hận rằng trước kia ham sống?

Có người nằm mộng thấy được uống rượu ăn tiệc, tỉnh dậy tiếc mà khóc; lại có người nằm mộng thấy mình khóc rồi thức vậy vui như đi săn. Mà hai hạng người đó trong khi nằm mộng không biết rằng mình nằm mộng, đôi khi nằm mộng thấy rằng mình nằm mộng, tới khi tỉnh mới biết rằng mình nằm mộng. Và chỉ khi nào đại giác (tỉnh lớn) mới biết rằng đã qua một “đại mộng” (giấc mộng lớn). Bọn ngu tự cho mình là tỉnh khi coi vua là quí, còn kẻ chăn trâu là hèn. Thật là cố chấp!

Khổng Khâu với anh đều là nằm mộng hết. Mà tôi bảo anh là nằm mộng, thì chính tôi cũng nằm mộng nữa. Những lời đó người thường cho là quái dị, nhưng một vạn năm về sau sẽ có một đại thánh nhân hiểu được. Thời gian đó không dài gì chỉ như từ sáng tới chiều thôi.

-----------------------------

Giả sử tôi tranh biện với anh mà anh thắng tôi thì có nhất định là anh phải, tôi trái không? Nếu tôi thắng anh thì có nhất định là tôi phải, anh trái không? Trong chúng ta có một người phải, một người trái? Hay cả hai chúng ta đều phải cả hoặc đều trái cả? Anh và tôi làm sao biết được điều đó? Mà một người thứ ba nào khác thì cũng hồ đồ không biết được, lựa ai sáng suốt làm trọng tài đây? Hỏi một người cùng một ý kiến với anh, thì người đó do lẽ cùng ý kiến với anh, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người cùng ý kiến với tôi thì người này do lẽ cùng ý kiến với tôi, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người ý kiến khác cả tôi lẫn anh, hoặc giống cả tôi lẫn anh thì cũng làm sao phán đoán được? Vậy anh, tôi và người thứ ba đó đều không quyết được ai phải, ai trái. Có nên đợi một người thứ tư nữa không?

-------------------------------------------------

Thế nào là hoà hợp với “thiên nghê” (phán đoán hợp với lí tự nhiên, chứ không phải theo tiêu chuẩn vốn dĩ thiên lệch của loài người). Hoà hợp với thiên nghê là [chấp nhận ý kiến của người, và] bảo không phải cũng là phải. Nếu cái gì phải mà quả thực là phải thì nó khác hẳn với cái gì không phải rồi, như vậy không còn phải tranh biện nữa. Nếu cái gì như vậy quả thực là như vậy thì nó khác hẳn cái gì không như vậy rồi, trong trường hợp đó, cũng không còn phải tranh biện nữa. Một chuyển động và một thanh âm tuỳ thuộc nhau mà cơ hồ như không tuỳ thuộc nhau.

Phán đoán mà hoà hợp với “thiên nghê” là biết tuỳ theo hoàn cảnh thay đổi, như vậy thì đạt được tới vô cực, sống được trọn đời. Quên tuổi mình, quên thị phi đi, ngao du ở chỗ vô cảnh giới (hư vô) và gởi mình trong cõi đó.

--------------------------------------------------

Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng:

- Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng. Lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Tại sao anh không có thái độ độc lập vậy?

Cái bóng đáp:

- Tôi sở dĩ như vậy là vì tuỳ thuộc một cái gì. Cái gì đó lại tuỳ thuộc một cái gì khác. Tôi tuỳ thuộc một cái gì thì cũng như con rắn tuỳ thuộc vẩy của nó, con ve tuỳ thuộc cánh của nó. Làm sao tôi hiểu được cái gì làm cho tôi lúc thì thế này, lúc thì thế khác?

---------------------------------------------------

Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hoá bướm hay là bướm mộng thấy hoá Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó là gọi là “vật hoá”.

ngochai
19-05-2012, 12:39 PM
Luận giải:

Chương này là chương quan trọng nhất, chứa nhiều tư tưởng độc đáo nhất trong bộ sách. Trang tử trình bày vũ trụ quan của ông để rút ra một luật thiên nhiên: luật vạn vật tuyệt đối bình đẳng, không có quí tiện, không có thị phi, và một phép xử thế: không tranh luận, để cứu một cái tệ đương thời, là triết gia nào cũng đả đảo các triết gia khác, tự cho mình mới thực nắm được chân lí.

Trong bài 6, Trang tử bảo: “Cổ nhân, người nào trí tuệ đạt tới tuyệt đỉnh, cho rằng vũ trụ mới đầu không có gì cả”. Bài 2, ông lại bảo: “Không ai biết chủ tể của vũ trụ là gì. Ví thử có một chủ thể đi thì chúng ta cũng không thấy cái dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác dụng mà không thấy hình thể của nó”.

Chủ trương đó thật rõ ràng: ông không chấp nhận có một vật hữu hình sinh ra vạn vật. Không có một Thượng đế như Nho gia và Mặc gia quan niệm.

Mới đầu chỉ có một cái gì đó, có lẽ là luật thiên nhiên, mà ông gọi là Đạo. Đạo siêu thời gian, vô hình sắc, mà biến hoá vô cùng (bài 3). Như khi gió thổi, cả vạn hang, lỗ đều vang động lên, phát ra những tiếng khác nhau, “có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít…” (bài 1), nhưng hết thảy những tiếng đó đều do “đất thở” (tức gió) mà phát ra cả.
Đạo đó không có tên gọi (ý này cũng chính là ý của Lão tử trong Đạo Đức kinh: Đạo khả đạo phi thường đạo); khi Đạo mà đã minh thị ra rồi thì không phải là Đạo (bài 8).

Vì Đạo gồm vạn vật, vạn vật hợp nhất vào Đạo (bài 4), chúng ta chỉ là một phần tử của Đạo, không thể biết được Đạo (một phần tử làm sao biết được toàn thể), không thể chỉ rõ, giảng nó là cái gì. Cho rằng mình biết được Đạo, là nói bậy, nhận rằng mình không biết được nó, mới là sáng suốt. (Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của “trí” – bài 8).

Vậy Trang cơ hồ chủ trương thuyết “bất khả tri”.

Tuy không hiểu được Đạo, nhưng hạng đại trí, đạt Đạo, biết rằng vạn vật hợp nhất ở trong Đạo, nên không phân biệt vật này, vật khác, mình với vật: “Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được. Cho nên mới bảo cái kia là tự cái này mà ra, mà cái này cũng tự cái kia mà có (…) Mình là người khác, người khác cũng là mình” (bài 3).

Ở đây ta thấy Trang tử vượt Mặc tử. Mặc tử bảo phải yêu mọi người như mình, nghĩa là còn phân biệt người và mình. Trang thì không: người là mình, mình là người. Yêu hay ghét không thành vấn đề nữa: cứ theo tự nhiên, thì cũng như yêu mọi người, mọi vật rồi. Tôi không muốn gọi thuyết của ông là “siêu ái” để so sánh với thuyết “kiêm ái” của Mặc, vì ông không chủ trương “ái”, nhưng tư tưởng của ông quả là cao hơn Mặc nữa. Mà cao hơn tức là khó thực hiện hơn.

Đã cùng là những phần tử của Đạo cả, nên vạn vật ngang nhau. Thân thể con người gồm một trăm cái xương, chín cái lỗ và sáu “tạng”, có cái nào đáng quí hơn cái nào đâu? Chúng đều là bộ phận của thân thể, đều phục dịch cho ta. Một cái bị bệnh thì những cái khác cũng bị ảnh hưởng lây, mà thân thể của ta mất sự quân bình.
“Cho nên một cọng cỏ nhỏ với một cây cột lớn, một người đàn bà xấu với nàng Tây Thi, với tất cả các cái bậy bạ, dối trá, quái dị đều hợp nhất ở trong Đạo. Cái nhất đó phân chia ra thành vạn vật” (bài 4).

Vả lại cái gì cũng ở trong Đạo hết. So với một cái cực nhỏ thì đầu chiếc lông mùa thu là cực lớn; so với cái cực lớn thì núi Thái Sơn vẫn là nhỏ. Loài người ăn thịt dê thịt bò cho là ngon, mà loài dê loài bò lại cho lá cây, cỏ mới ngon; loài người cho Mao Tường, Lệ Cơ là đẹp, nhưng loài chim loài cá thấy hai nàng đó thì hoảng sợ mà trốn; vậy là không có “chính vị”, “chính sắc”, nghĩa là không có gì làm tiêu chuẩn bất di bất dịch cho khẩu vị, sắc đẹp cả, không có gì tuyệt đối cả.

Hơn nữa, mọi vật đều biến thiên, một việc lúc này cho là khổ, lúc khác lại cho là vui, lúc này cho là phải, lúc khác cho là trái. Nàng Lệ Cơ khi phải xa cha mẹ thì khóc mướt, nhưng về nhà chồng rồi, lại thấy sung sướng mà ân hận rằng trước kia đã khóc. Cho nên chỉ người phàm mới lao khổ vì thị phi, còn thánh nhân thì đạt được cái tinh khiết của cái “nhất” nó bao quát được mọi biến hoá của mọi thời và mọi vật. Cái “nhất” đó là Đạo (bài 11).

Vì luật biến hoá đó mà sống cũng là chết, chết cũng là sống (bài 3), mộng cũng có thể là thực mà thực cũng có thể là mộng. Ai mà biết được Trang Chu mộng thấy mình hoá bướm hay bướm mộng thấy nó hoá Trang Chu (bài 15). Trong bài 11, Trường Ngô tử bảo bạn là Cồ Thước tử: đời chỉ là giấc mộng lớn; Khổng tử khi giảng đạo lí, là nằm mộng, Cồ Thước tử nhắc lại lời của Khổng tử cũng là nằm mộng, mà Trường Ngô tử khi bảo hai người trên là nằm mộng thì chính mình cũng là nằm mộng nốt nữa.

Vậy là cơ hồ như Trang tử chủ trương tuyệt đối hoài nghi, tuyệt đối vô vi: đã không có gì là phải, là trái thì cũng chẳng cần phải làm gì cả?

Đọc lại câu cuối bài 5, chúng ta thấy không hoàn toàn như vậy:

“Cho nên thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một, mà theo luật tự nhiên. Như vậy gọi là ‘lưỡng hành’”. Nghĩa là phải hay trái, tuỳ theo hoàn cảnh, mà mình phải thích nghi với hoàn cảnh.

Bài 4 ông còn nói rõ hơn: “…Thánh nhân bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung”.

Nhưng vậy là Trang cũng nhận có một thái độ “phải”, thái độ đó là vượt lên trên quan niệm “thị phi” của người đời, tuỳ hoàn cảnh mà tìm cái “thị” trong cái “phi”, cái “phi” trong cái “thị”. Có thể gọi thái độ đó là “siêu thị phi”, là dung hoà, gần gần như thuyết “trung dung” của Khổng tử. Đó là một điểm đặc biệt trong triết lí Trung Hoa: hai triết hệ lớn của họ, Khổng và Lão đều có tinh thần dung hoà; nhận rằng mọi thuyết, mọi vật có thể cùng hoạt động (tịnh hành) mà không trở ngại nhau:
“Xưa mười mặt trời cùng xuất hiện, chiếu sáng vạn vật. Sự chiếu sáng của đạo đức không hơn sự chiếu sáng của mặt trời ư? (bài 9).

“Đồng qui nhi thù đồ” là vậy. Khổng có thể dung hoà với Lão, mà Phật sau này có thể dung hoà cả với Khổng và Lão. Tuỳ hoàn cảnh, có thể “xuất” như Khổng hay “xử” như Lão, đó là thái độ của tất cả các nhà Nho như Đào Tiềm, Tô Đông Pha tới Chu Văn An, Nguyễn Khuyến… Mà thái độ của dân chúng Trung Hoa cũng như Việt Nam là chấp nhận cả tam giáo: Khổng, Lão, Phật; tâm hồn chúng ta không ai là thuần tuý Khổng hay Lão hay Phật, ai cũng chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo đó, chỉ khác là do bản tính, người thiên về đạo này hơn đạo khác; nhưng cả những người thiên về một đạo nào đó – chẳng hạn Khổng giáo – thì một tuổi nào đó hoặc gặp một hoàn cảnh nào đó, có thể thiên về một đạo khác hơn – chẳng hạn Phật giáo.

ngochai
19-05-2012, 12:40 PM
Luận giải (tiếp)

Từ vũ trụ quan kể trên, Trang tử rút ra cho chúng ta bài học này: đừng nên tranh biện.

Chúng ta nhớ Trang tử sống cùng một thời với Mạnh tử. Thời đó là thời Chiến quốc, thời đại loạn, nhưng cũng là thời tư tưởng Trung Quốc phát triển rất mạnh, thời “bách gia chư tử”. Ngôn luận được hoàn toàn tự do, ai cũng muốn đưa ra một thuyết để cứu nguy cho thiên hạ, mà các vua chúa cũng muốn tìm hiểu tất cả các thuyết để xem có thể áp dụng được không, cho nên trọng đãi các triết gia, mời họ làm cố vấn, coi họ như thầy nữa, như Tề Tuyên vương, Lương Huệ vương, Đằng Văn công đối với Mạnh tử. (Chính Trang tử cũng được Sở Uy vương mời làm tướng quốc mà ông từ chối).

Trong số các triết gia đó, có độ mươi nhà rất nổi danh như Mạnh tử, Tuân tử, Huệ tử, Công Tôn Long, Trâu Diễn… (không kể Trang tử), nhưng ảnh hưởng lớn nhất, theo Mạnh tử, là học thuyết của Dương và Mặc: “Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ khi bàn bạc, người nào không theo Dương thì theo Mặc”.

Những học phái đó đả kích nhau, khuynh loát nhau, cho nên càng nhiều càng loạn, từ vua chúa tới dân chúng đều hoang mang, không biết theo ai. Mạnh tử hăng hái nhất, tự cho mình cái sứ mạng bảo tồn, phát huy đạo của Khổng tử, muốn đánh đổ các thuyết khác, đặc biệt là thuyết “vị ngã”, “vô quân” của Dương Chu và thuyết “kiêm ái”, “vô phụ” của Mặc Địch.

Trang tử cho rằng họ lầm lẫn hết, nên ông không đả riêng một nhà nào (có lẽ một phần vì vậy mà Mạnh tử không nhắc gì tới ông cả), chỉ cảnh cáo họ rằng biện luận chẳng những vô ích mà còn có hại.

Vì biện luận chỉ thấy được một khía cạnh thôi, Đạo không có giới hạn mà ngôn ngữ thì không chắc chắn. Đạo thì không phân biệt cái này cái kia, do ngôn ngữ mới có sự phân biệt. Nhưng sau mỗi cái phân biệt, có một cái gì không phân biệt được, sau mỗi cái biện luận, có một cái gì không biện luận được (bài 8).

Người ta tranh biện chỉ mong thắng được người khác, nhưng không hiểu rằng không thể thắng ai bằng cách đó được. Hai bên đều đưa thiên kiến của mình ra mà không chịu nghe lí luận của người kia, y như một cuộc đàm thoại giữa kẻ điếc. Mà nếu một người nào làm cho người kia phải im tiếng thì cũng không nhất định là người đó phải, người kia trái; có phần chắc là người nào cũng có chỗ phải, chỗ trái.

Nhờ một người thứ ba làm trọng tài thì lại càng vô ích nữa. Nếu người đó cùng ý kiến với người thứ nhất thì làm sao phê phán được người thứ nhì; cùng ý kiến với người thứ nhì thì làm sao phê phán được người thứ nhất; nếu khác ý kiến với cả hai thì càng không thể phê phán được ai phải, ai trái; mà nếu cùng ý kiến với cả hai người thì làm sao còn gọi là trọng tài được nữa? (bài 12).

Hơn nữa, càng tranh biện, càng làm cho chân lí mờ tối đi, vì thành kiến của mỗi bên, “Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mĩ, phù phiếm che lấp. Do đó mà phái Nho, phái Mặc tranh biện với nhau. Cái gì phái này cho là phải thì phái kia cho là trái; cái gì phái này cho là trái thì phái kia cho là phải. “Đừng chống đối nữa, đó là cái “chốt” của Đạo. Cái chốt đó ở trung tâm cho nên ứng với các biến hoá vô cùng” (bài 3). Có thái độ không chống đối nhau thì mới hiểu được những cái phải, cái trái ở bên ngoài, cũng như từ cái trái thơm (moyeu) của một bánh xe đạt được tới vành bánh xe bằng những chiếc tăm tủa ra khắp phía.

Và khi phán đoán phải biết tuỳ theo hoàn cảnh mà thay đổi, mới thấy được có điều xưa cho là phải, nay cho là trái, ở xứ này là phải, ở xứ khác là trái, trong cái phải có cái trái, trong cái trái có cái phải. Như vậy là hoà hợp với thiên nghê, cũng gọi là “thiên quân”, tức với cái lí tự nhiên, sự biến hoá tự nhiên của vạn vật. Thái độ vượt lên trên thị phi, thích nghi với hai cái đó, Trang tử gọi là “lưỡng hành”.

Tư tưởng bình đẳng tuyệt đối trong chương này của Trang tử trái ngược hẳn với tư tưởng của Mạnh tử mà cũng khác tư tưởng của Hứa Hành, một triết gia đương thời.
Mạnh tử bảo: “Bản chất của mọi vật là không đều nhau” (Phù vật chi bất tề, vật chi tinh dã). Người thì có hạng “quân tử” – tức hạng có tài đức – lo việc trị dân, và hạng “tiểu nhân” – tức hạng bình dân – lo cấp dưỡng cho hạng trên. Vật thì có vật đáng giá gấp mười, gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn vật khác.

Hứa Hành cho rằng vua không quí gì hơn dân, cũng bình đẳng với dân, cũng phải cày cấy lấy mà ăn, tự dệt chiếu, tự bện dép lấy mà dùng.

Hai nhà đó đứng về phương diện xã hội, chính trị, còn Trang đứng về phương diện bản thể luận.

Mạnh tử đả đảo kịch liệt thuyết của Hứa Hành (coi chương Đằng Văn Công – thượng – trong Mạnh tử) mà tuyệt nhiên không nhắc gì tới thuyết (tề vật) của Trang tử, có phần quá khích hơn Hứa Hành nữa. Điều đó hơi ngạc nhiên. Mạnh tử không biết thuyết của Trang tử chăng? Hay mà biết mà cho rằng nó vu khoát, không thuộc về chính trị luận mà thuộc về vũ trụ luận, chẳng làm hại ai, nên chẳng cần phải đả?

ngochai
22-05-2012, 10:20 AM
Lời bạt:

Nhân gian hỡi Nhân Gian. Trong một xã hội bao gồm đủ các loại người (Nhân), nhưng xã hội vốn "Gian". Làm sao sống cho phải Đạo đây? Trang Tử đã đưa ra những nhận định và gợi mở rất hay.

"...sống trong cái xã hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với sự vật, đừng nên cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của mình đi, như vậy mới bảo toàn được tính mạng và đạo của mình..."

Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.

ngochai

------------------------------------------------------------

Phần 1

Nhan Hồi hỏi Trọng Ni [tức Khổng tử]

- Anh tính đi đâu?

- Con đi qua nước Vệ.

- Để làm gì?

- Con nghe nói vua Vệ [Vệ Trang Công] đương tuổi tráng niên, hành vi độc đoán, coi thường việc nước, không thấy lỗi của mình, coi thường mạng dân, người chết đầy đất, nhiều như cỏ khô trong đồng cháy, dân không biết đi đâu. Con đã từng nghe thầy bảo: “Nước nào đã bình trị thì mình nên bỏ mà đi, nước nào loạn thì mình nên tìm tới”. Như một thầy lang thấy bệnh nhân là trị. Con theo lời dạy của thầy mà mong lại cứu nước Vệ được phần nào chăng?

Trọng Ni bảo:

- Lại đó để mà bị giết à? Đạo thì không nên tạp, tạp thì hoá phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo lắng, mà không thể cứu được. Hạng “chí nhân” thời xưa giữ vững đạo mình rồi sau mới giúp người khác. Đạo của anh chưa được vững mà sao sửa được hành vi tàn bạo của người khác [tức vua Vệ].

Lại thêm, anh biết tại sao “đức” sở dĩ bại hoại, còn mưu trí do đâu mà ra không? Đức bại hoại do hiếu danh, mưu trí phát ra do thích tranh đua. Hiếu danh gây ra sự khuynh loát lẫn nhau, mưu trí tạo ra những phương tiện để tranh dành. Hai cái đó đều là những khí cụ bất tường; không làm cho hành vi con người được tận thiện.

Đức cao và lòng chân thành không đủ để thắng được tính khí của người; danh tốt và tinh thần hiếu hoà vị tất đã cảm được lòng người; nếu anh cố lấy những lời nhân nghĩa, phải đạo mà thuyết con người tàn bạo ấy, thì tức là lấy cái xấu của họ để làm nổi bật cái tốt đẹp của mình, như vậy là “bừa” người ta như bừa cỏ. Bừa người ta thì bị người ta bừa lại, thầy ngại rằng anh sẽ bị hãm hại mất.

Giả sử vua Vệ yêu người hiền mà ghét người ác, thì cũng đâu đặc biệt cần tới anh [vì nước Vệ có nhiều bậc hiền tài rồi]. Anh không can gián thì thôi, nếu can gián thì vua Vệ sẽ nhân kẽ hở của anh mà đả anh; anh mà chịu thua thì mắt anh sẽ hoa lên, nét mặt anh sẽ dịu xuống, miệng anh sẽ tìm cách bào chữa, thái độ anh sẽ phục tòng, anh sẽ thuận theo ý ông ta. Như vậy không khác gì dùng lửa để diệt lửa, dùng nước để ngăn nước, chỉ tăng thêm tội ác của ông ta. Còn nếu như anh nhất định một lòng can gián, mà không được ông ta nghe thì nhất định sẽ bị ông giết.

Xưa, vua Kiệt giết [hiền thần là] Quan Long Phùng; vua Trụ giết [chú là] Vương tử Tỉ Can. Những bậc đó ở địa vị thấp làm trái ý vua để bênh vực dân chúng, bị vua hãm hại chính vì hiền đức của họ. Ham danh thì hậu quả như vậy đó.

Xưa vua Nghiêu đánh các nước Tùng Chi và Tư Ngao; vua Vũ đánh nước Hữu Hổ. Ba nước đó bị tàn phá, dân chúng bị diệt, vua bị giết, vì vua của họ dùng binh lực để cướp bóc các nước láng giềng mà làm giàu. Vừa hiếu danh vừa tham lợi thì hậu quả như vậy đó. Anh không biết điều đó ư? Dẫu bậc thánh nhân cũng không khắc phục được lòng ham danh và lợi, huống hồ là anh. Nhưng có lẽ anh đã có kế hoạch nào đó rồi, thử nói cho thầy nghe nào.

Nhan Hồi đáp:

- Con sẽ rán cung kinh mà khiêm nhường; cương quyết mà chuyên nhất, như vậy được không?

- Không được, vì vua Vệ tự mãn mà tính tình bất thường; không ai dám làm trái ý ông ta; ông ta áp đảo thiện ý của người khác để làm theo ý mình. Con người đó, những thói tốt hằng ngày có thể sửa tính được, mà còn không chịu theo thì làm sao thực hành được đức lớn? Ông ta tất sẽ cố chấp, không chịu sửa đổi. Nếu ông ta bề ngoài tán đồng anh, mà trong lòng không phản tỉnh, thì anh dùng phương pháp đó có ích lợi gì?

- Nếu vậy thì con dùng cách “trong thẳng mà ngoài cong” của cổ nhân. Kẻ nào “trong thẳng” là môn đệ của trời; môn đệ của trời thì cho vua với mình cũng là con của trời. Là con trời thì đâu cần người khác phê phán ngôn luận của mình là phải hay trái. Thuận với tự nhiên như vậy thì giữ được thiên chân như đứa bé, nên người ta gọi là em bé, mà em bé là môn đệ của trời.

Kẻ nào “ngoài cong” là môn đệ của người. Hai tay chấp lại, cầm cái hốt, quì xuống, cúi đầu, đó là bầy tôi giữ lễ với vua. Mọi người giữ lễ đó, làm sao con dám không giữ? Làm như mọi người thì không ai trách mình. Như vậy là môn đệ của người.

Kẻ nào hành động như cổ nhân thì là môn đệ của cổ nhân; kẻ đó chỉ lập lại những lời của cổ nhân can ngăn vua, nhưng đó là lời của cổ nhân chứ không phải lời của chính mình; cho nên dù có cương trực thì cũng không có tội vì chỉ là theo cổ nhân thôi mà.
Con tính làm như vậy, thầy nghĩ có nên không?

Trọng Ni đáp:

- Không. Biện pháp của anh nhiều quá mà không thông đạt. Anh chỉ tính làm sao cho khỏi bị tội, như vậy cảm hoá nhà vua sao được?

- Con hết cách rồi. Xin thầy chỉ cho con có biện pháp nào nữa không?

- Anh trai giới đi rồi thầy sẽ chỉ cho. Làm theo thành kiến mà dễ thành công là trái với lẽ trời.

- Nhà con nghèo, đã mấy tháng nay con không uống rượu, không ăn thịt, như vậy có thể gọi là trai giới được không?

Trọng Ni bảo:

- Đó là trai giới để tế lễ, không phải là trai giới của tâm (tâm trai).

- Thưa thầy, thế nào là trai giới của tâm?

- Anh tập trung tinh thần, không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng cái khí. Tai chỉ nghe được thanh âm, tâm chỉ lãnh hội được hiện tượng, khí vốn hư cho nên dung nạp được vạn vật. Đạo ở chỗ hư không, cho nên bảo “hư không” là trai giới của tâm.

- Con khi chưa biết được sự trai giới của tâm thì chỉ cảm thấy có mình thôi, khi đã biết rồi thì không thấy có mình nữa. Như vậy có phải là “hư không” không?

- Phải, sự kì diệu của chỗ trai giới của tâm là như vậy đó. Thầy bảo anh này: anh có vô nước Vệ thì đừng nên động tâm vì danh lợi. Vua Vệ có nghe lời anh thì anh hãy nói, không nghe thì anh đừng nói. Đừng cho họ thấy kẽ hở của mình, công kích được mình, cứ hư tâm mà đợi khi nào không thể không nói được hãy nói, như vậy là gần đạt được Đạo.

- Đi mà không chạm đất là điều khó hơn không để lại một vết chân nào trên đất. Giúp việc cho người thì dễ gian dối, giúp việc cho trời thì khó gian dối. Thầy nghe nói có cánh thì bay được, chưa hề nghe nói không cánh mà bay được; nghe nói dùng trí tuệ thì đạt được tri thức, không nghe nói không dùng trí tuệ mà đạt được tri thức. Từ cái hư không của tâm thần mà phát ra ánh sáng; cái phúc ở cả trong sự hư tĩnh của tâm thần. Tâm thần không hư tĩnh thì gọi là “ngồi mà dong ruổi” (toạ trì: thân thể ngồi yên mà tâm thần thì lang thang). Người nào có thể khiến cho tai, mắt thành những cảm quan hướng nội mà thông suốt, mà không dùng tâm trí, thì dù quỉ thần cũng phải qui phục, huống hồ là người? Đó là phép thích ứng với mọi biến hoá của vạn vật, cái nút, cái chốt của sự sáng suốt của ông Vũ, ông Thuấn, cái qui tắc xử sự xuất đời của Phục Hi, Kỉ Cừ huống hồ là bọn người thường.

ngochai
22-05-2012, 10:31 AM
Phần 2

Viên đại phu nước Sở họ Diệp [tên Chư Lương], hiệu là Tử Cao, sắp phải đi sứ nước Tề, lại hỏi Trọng Ni:

- Vua Sở phó thác cho tôi một sứ mệnh quan trọng. Vua Tề đối với các sứ thần các nước ngoài thường tỏ ra rất cung kính, nhưng rốt cuộc chẳng chịu giúp gì cả. Thuyết phục một người thường đã là khó rồi, huống là một ông vua chư hầu. Tôi ngại quá. Thầy tướng bảo Chư Lương tôi rằng: “Việc bất luận là lớn nhỏ, ít có việc nào không gây tai hại. Nếu không thành công, thì nhất định là chịu sự trừng phạt của người trên; nếu thành công thì chịu cái “hoạ của âm dương” [nghĩa là phải lo lắng, lao tổn tinh thần], bất luận là thành công hay không thành công mà không gây tai hại, thì chỉ bậc hiền đức mới được vậy”.

Tôi bình thường ăn uống đạm bạc, không cầu món ngon, không cần phải giải nhiệt [vì không ăn những đồ bổ mà sinh nóng]. Vậy mà sáng được vua giao cho sứ mệnh thì buổi chiều tôi phải uống nước đá [nước đóng băng] vì lo lắng mà hoá ra nóng trong mình. Chưa thi hành sứ mệnh mà âm dương bất hoà như vậy, nếu sứ mệnh mà thất bại thì bị thêm hình phạt của vua nữa. Làm sao chịu nổi hai nỗi ưu hoạn đó? Làm sao trọn được đạo bề tôi bây giờ? Thầy có điều gì khuyên tôi không?

Trọng Ni đáp:

- Trên đời có hai luật chính là mệnh trời và bổn phận. Con yêu cha mẹ, đó là mệnh trời vì đó là thiên tính cố kết trong lòng đứa con. Bề tôi thờ vua, đó là bổn phận; bất luận thời nào, ở đâu, cũng bị sự thống trị của vua không sao tránh khỏi được, cho nên đó là một luật lớn. Con thờ cha mẹ thì phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, như vậy là chí hiếu; bề tôi thờ vua phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, như vậy là tận trung. Người nào làm việc hết lòng thì vui hay buồn cũng không đổi lòng. Biết rằng sự thể không thay đổi được mà an mệnh chấp nhận nó, như vậy là chí đức [có đức tuyệt cao]. Phận làm tôi, con, thế nào cũng có những điều không được như ý, phải miễn cưỡng làm tròn bổn phận mà quên mình đi, như vậy đâu còn tham sống sợ chết nữa? Ông cứ làm sứ mệnh được giao phó đi.

Tôi đã được nghe điều này, xin kể lại: trong việc giao tế với nhau, nếu ở gần nhau thì do tiếp xúc hàng ngày mà tin nhau; nếu ở xa nhau thì chỉ căn cứ vào những lời trung thực của nhau. Những lời này do một người thứ ba truyền đạt. Truyền đạt những lời vui vẻ hoặc giận dữ của hai bên, là một công việc cực khó. Vì hai bên muốn làm vui lòng nhau thì họ tâng bốc nhau lên; nếu giận nhau thì họ không tiếc lời trách móc nhau. Cái gì quá mức tất không đúng sự thực, không làm cho người ta tin được. Người nào truyền đạt những lời gây lòng nghi ngờ thì tất gặp tai hoạ. Cho nên cách ngôn có câu: “Truyền những lời bình thường thôi, đừng truyền những lời quá lố, như vậy may ra bảo toàn được thân”.

Như người đấu võ, mới đầu nghiêm chỉnh lắm, rồi sau mới dùng ngón ngầm, rốt cuộc sẽ dùng cả trăm quỉ kế để hạ đối phương. Người uống rượu mới đầu lễ độ rồi sau say sưa, hỗn loạn, hoá ra phóng đãng. Mọi việc đều như vậy: mới đầu nhã nhặn, rồi sau thô tục, mới đầu là chuyện nhỏ, sau thành đại hoạ. Lời nói như sóng gió, mà việc truyền đạt thì có đắc có thất (lỡ lời). Sóng gió dễ nổi lên, sự đắc thất cũng bất thường (như sóng gió) dễ sinh ra nguy hiểm. Sở dĩ người ta nổi giận vì những lời nói quá của người kia. Con thú bị dồn vào đường cùng, sắp chết, nổi giận hoá ra hung dữ với người thợ săn; kẻ dưới bị người trên đối xử hà khắc quá thì cũng bất giác nảy ra ý hãm hại người trên. Những ý nghĩ bất giác như vậy rồi sẽ đưa tới đâu?

Cho nên cách ngôn có câu: “Đừng sửa đổi mệnh lệnh của vua. Đừng miễn cưỡng làm quá để thành công”. Cái gì vượt quá mức tức là quá độ.

Sửa đổi mệnh lệnh, miễn cưỡng làm quá thì sẽ hỏng việc. Cho nên giải pháp tốt nhất là phải thủng thẳng. Việc hỏng rồi khó sửa lại được. Vậy chẳng nên thận trọng ư?
Nên vượt ra ngoài sự vật mà tiêu dao tự tại, thuận theo lẽ tất nhiên để dưỡng tâm, đó là đạt được Đạo. Ông không cần thêm ý kiến của ông, cứ làm theo lệnh của vua. Đó là một việc khó đấy.

ngochai
22-05-2012, 10:37 AM
Phần 3

Nhan Hạp (một người hiền nước Lỗ) được vời làm sư phó cho thái tử của Vệ Linh Công, lại thỉnh giáo Cừ Bá Ngọc, bảo:

- Có một người bản tính tàn bạo, hiếu sát, để cho nó làm theo ý nó thì tất hại cho nước tôi. Nếu ngăn cản nó thì nguy hiểm cho tính mạng tôi. Trí tuệ của nó chỉ đủ để thấy người khác lầm lỗi mà không hiểu tại sao họ lầm lỗi. Đối với kẻ đó tôi phải làm sao bây giờ?

Cừ Bá Ngọc đáp:

- Câu hỏi của ông hay lắm. Ông nên cẩn thận, giữ gìn đừng lầm lỗi. Ngoài mặt nên nhã nhặn, thân mật, trong lòng nên hoà thuận. Như vậy vẫn có thể có tai hoạ được. Nhã nhặn, thân mật nhưng đừng nhu nhược [dung túng kẻ đó phạm tội]; lòng hoà thuận nhưng đừng phô trương. Ai nhã nhặn, thân mật tới nhu nhược, bị (kẻ ác) đồng hoá thì sẽ sa đoạ. Ai khoa trương sự hoà thuận là muốn cầu danh, mưu mô hại người. Học trò ông còn là một đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít như nó; nó hành động không có phép tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó; nó phóng đãng, ông cũng làm bộ phóng đãng với nó; như vậy ông lần lần sửa đổi được nó.

Ông có thấy con bọ ngựa đưa càng lên định ngăn chiếc xe không? Nó không thấy việc đó không thể làm được vì nó quá tự cao tự đại. Ông phải coi chừng đấy. Phải thận trọng. Nếu ông khoe tài ông mà xúc phạm học trò ông thì ông gần như con bọ ngựa đó.

Ông có biết người ta nuôi cọp ra sao không? Người ta không dám cho nó ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó.

Phải cho nó ăn đúng giờ, tuỳ theo nó vui vẻ hay hung dữ mà thuần phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó.
Một người yêu ngựa tới nỗi dùng sọt hứng phân nó, dùng vỏ sò lớn hứng nước tiểu nó. Một hôm muỗi bu trên mình ngựa, người đó vô ý đập muỗi mạnh quá, ngựa kinh hoảng, cắn bể hàm thiếc, rồi làm nát đầu và ngực người nuôi. Bản ý người đó tốt mà bị hại như thế đấy. Vậy ông chẳng nên thận trọng ư?

ngochai
22-05-2012, 10:39 AM
Phần 4

Một người thợ mộc tên Thạch, qua nước Tề, tới một chỗ tên là Khúc Viên, thấy trên nền xã (nơi tế thổ thần) có một cây “lịch”. Tàn lá nó che được cả ngàn con bò, vòng thân nó tới cả trăm vi; nó cao như núi, lên khỏi mặt đất tám trượng rồi mới đâm cành. Có tới một chục cành lớn có thể khoét làm thuyền được. Người ta ùn ùn kéo nhau tới coi, nhưng người thợ cả không thèm ngó, cứ tiếp tục đi.

Người học trò tập nghề nhìn cây ấy một hồi lâu lại nói với thầy: “Từ khi con theo thầy học nghề, chưa bao giờ con thấy khúc gỗ lớn như vậy. Tại sao thầy không ngừng lại coi?

Người thợ cả bảo:

- Thôi, đừng nói nữa. Cây đó vô dụng. Dùng để đóng thuyền thì thuyền chìm; để đóng quan tài thì quan tài mau nát; để làm cánh cửa thì cánh cửa thấm nước; để làm đồ dùng thì đồ dùng mau hư; để làm cột nhà thì cột nhà mau bị mối, mọt. Không dùng được việc gì cả. Chính vì nó vô dụng nên mới thọ được như vậy.

Sau khi về nhà, người thợ cả nằm mê thấy cây của thổ thần đó hiện lên bảo: “Tại sao chú cứ so sánh như vậy? Chú muốn ta giống với những cây hữu dụng ư? Khi cây tra, cây lê, cây quất, cây bưởi có trái chín thì chúng bị tàn phá, cành lớn bị bẻ gẫy, cành nhỏ bị vặt trụi. Vì chúng hữu dụng nên khốn khổ suốt đời và chết sớm. Thế là tự chúng gây sự tàn phá cho chúng. Những vật nào hữu dụng cũng đều như vậy cả. Đã từ lâu ta cầu được vô dụng, mấy lần suýt chết, nay mới được như sở nguyện đấy. Sự vô dụng đó rất hữu ích đối với ta. Nếu ta dùng được vào việc gì thì làm sao sống lâu mà to lớn được như vầy? Chú và ta đều là sinh vật cả. Một sinh vật làm sao phán đoán được một sinh vật khác? Một người vô dụng sắp chết như chú làm sao biết được thế nào là một cây vô dụng? Người thợ cả tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho học trò nghe.

Người này hỏi:

- Cây đó đã cầu được vô dụng, thế thì tại sao lại làm cây tượng trưng thổ thần?

Người thợ cả đáp:

- Im đi, đừng nói nữa. Nó tạm dựa vào thổ thần như vậy để những kẻ không hiểu nó khỏi chê nó là vô dụng. Nếu nó không tượng trưng cho thổ thần thì bị người ta đốn rồi còn gì? Cách tự bảo toàn của nó thật khác thiên hạ; lấy thường tình mà chê trách nó, chẳng là sai lầm quá ư?

ngochai
22-05-2012, 10:43 AM
Phần 5

Nam Bá Tử Kì tới đồi Thương, thấy một cây lớn lạ lùng, tàn nó có thể che cả ngàn cỗ xe bốn ngựa.

Ông ta tự hỏi:

- Cây này là cây gì? Nó dùng được vào việc gì không? Từ dưới nhìn lên, những cành nhỏ cong queo của nó không thể xẻ thành cái đòn, cái rường nhà được. Ngó xuống, cái thân to lớn nứt nẻ, đầy mắt của nó không làm quan tài được. Liếm lá của nó thì miệng sẽ loét lỡ. Nó hôi thúi, chỉ ngửi thôi cũng hoá điên, mê sảng suốt ba ngày.

Rồi Tử Kì tự kết luận:

- Cây đó thật vô dụng cho nên mới lớn được như vậy. Bậc thần nhân cũng cầu được bất tài như cây đó.

-----------------------------------------------

Nước Tống, ở một nơi tên là Kinh Thị, mọc nhiều cây thu, cây bách, cây dâu. Những cây mà thân vừa một chét tay, thì bị đốn làm cọc cho khỉ. Những cây vừa một ôm thì dùng làm rường cột cho những nhà lớn. To hơn nữa thì khoét làm quan tài cho những thương gia giàu có và các nhà sang trọng. Vì vậy mà những cây đó bị búa rìu đốn, không hưởng hết tuổi thọ. Vì chúng hữu dụng nên mới bị hoạ.

Thời xưa, bọn thầy pháp không dùng con bò trán trắng, con heo mõm cong, và đàn ông bị bệnh trĩ liệng xuống sông để tế thần, vì cho như vậy là bất tường. Nhưng chính thần nhân thì lại cho vậy là đại cát.

------------------------------------------------

Xưa có một người hình thù kì quái: cằm thòng xuống tới dưới bụng, vai nhô lên khỏi đỉnh đầu, xương sống đưa lên trời; ngũ tạng [tức tâm, can, tì, phế, thận] nằm lộn ngược lên phía trên [trong ngực], hai đùi đưa lên tới ngang sườn. Hắn may vá, giặt dịa cho người khác, đủ ăn. Hắn vét hột trong các thùng lúa đủ nuôi mười người.

Khi có lệnh trưng binh, hắn khoanh tay mà đi thong dong trong đám đông. Khi có lệnh bắt xâu, hắn được miễn vì tàn tật. Khi nhà nước cứu giúp các người tàn tật thì hắn được ba chung lúa và mười bó củi. Một kẻ hình thù kì quái mà tự túc được và hưởng hết tuổi thọ của trời, huống hồ là người làm bộ có đức tính kì quái.

ngochai
22-05-2012, 10:45 AM
Phần 6

Khổng tử qua nước Sở. Một người cuồng nước Sở là Tiếp Dư tới trước nhà Khổng tử, hát:

Con Phượng kia, con Phượng kia,
Sao mà đức suy như vậy?
Không thể biết trước được tương lai,
Không thể trở lui được về dĩ vãng.
Khi thiên hạ thịnh trị
Thì thánh nhân thực hiện sứ mệnh mình.
Khi thiên hạ loạn lạc
Thì thánh nhân bảo toàn thân mình.
Như thời này thì chỉ cầu đừng bị hình phạt.
Hạnh phúc nhẹ hơn cái lông
Mà không biết ai biết nhận lấy nó.
Tai hoạ nặng hơn trái đất
Mà không ai biết tránh nó.
Thôi đi, thôi đi! Đừng mong lấy đức cảm hoá người.
Nguy thay, nguy thay! Đừng tự làm khổ mình nữa.
Gai góc, gai góc! Đừng ngăn bước đường của ta.
Đi vòng, đi vòng quanh, đừng để gai đâm vào chân.

----------------------------------------

Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.

ngochai
22-05-2012, 10:49 AM
Luận giải

Vương Tiên Khiêm tóm tắt ý nghĩa chương này như sau: Nhan đề “Nhân gian thế” có nghĩa là “dương thế” [tức xã hội thời đại Trang tử]. Thiên này bảo: Phục vụ một ông vua bạo ngược, sống trong cái xã hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với sự vật, đừng nên cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của mình đi, như vậy mới bảo toàn được tính mạng và đạo của mình. Cuối thiên, Trang tử mượn lời của Tiếp Dư:


Không thể biết trước được tương lai,
Không thể hối tiếc được về dĩ vãng.
để bày tỏ lòng mình…

- Phép can gián: phải hư tâm, đừng tranh thắng, khi nào không thể không nói được thì hãy nói.

Cách đi sứ, nói rộng ra là cách giao tế: chỉ truyền lại những lời bình thường của người khác thôi, bỏ đi những lời quá lố, làm đúng việc người ta giao phó cho, nhưng đừng mong thành công mà làm quá, như vậy thì may ra bảo toàn được thân.
Bài 3 chỉ cách dạy người: phải thuận theo thiên tính của họ, như nuôi cọp thì phải để ý tới tính hiếu sát của nó mà đừng xúc phạm nó.

Muốn bảo toàn được thân thì che giấu tài đức của mình đi, kẻ vô dụng, tàn tật lại là kẻ sống yên ổn nhất.

Tóm tắt cả chương chỉ dạy ta cách bảo toàn được thân trong thời loạn. Thâm thuý nhất là câu cuối của chương: “Nhân giai tri hữu dụng chi dụng, nhi mạc tri vô dụng chi dụng dã”.

Về sự chân nguỵ trong chương này, xin coi phần I, chương II – Nên so sánh chương Nhân Gian Thế này với chương Sơn Mộc.

ngochai
23-05-2012, 08:55 AM
Lời bạt

Trang Tử cho rằng Đức Sung Phù thật quang trọng và cần hiểu thấu lẽ.


Ai đạt được lẽ ấy, thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuần hoà, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hoá. Như vậy có cái tài toàn vẹn.

Thấy người nào không sợ là biết người đó bảo toàn được chính khí; như một võ sĩ một mình dám đột nhập vào chỗ thiên quân vạn mã.
ngochai

------------------------------

Phần 1

Tại nước Lỗ có người cụt chân tên là Vương Đài. Số đệ tử theo học cũng ngang với Trọng Ni.

Thường Quí hỏi Trọng Ni:

- Vương Đài cụt mất một chân, vậy mà ở nước Lỗ bọn đệ tử đông như môn đệ của ông. Khi đứng, hắn không giảng dạy gì cả, khi ngồi hắn cũng không nghị luận gì cả, mà đệ tử khi tới học không biết gì cả, khi thôi học thì trí, đức sung mãn. Vậy là có một cách dạy mà không nói, mặc nhiên mà cảm hoá được chăng? Con người đó ra sao?

Trọng Ni đáp:

- Ông ấy là thánh nhân. Khâu tôi chưa kịp lại thăm. Tôi muốn nhận ông ấy làm thầy, huống hồ là những người còn kém tôi. Mà nào phải riêng nước Lỗ mà thôi, tôi còn muốn dắt cả thiên hạ lại học ông ấy nữa kia.

- Con người cụt chân ấy mà hơn ông thì chắc hơn các người thường nhiều lắm. Đời sống nội tâm của ông ấy ra sao?

Trọng Ni đáp:

- Sống, chết là việc lớn, mà ông ấy coi thường; trời đất có sập, ông ấy cũng không bị huỷ diệt; ông ấy xét kĩ cái chân thực, không bị cái giả làm mê hoặc; ông ấy biết rằng vạn vật đều biến hoá, nên giữ cái căn bản chân chính.

- Như vậy là nghĩa làm sao?

- Xét chỗ dị biệt của vạn vật thì lá gan và trái mật khác nhau cũng như nước Sở và nước Việt; xét chỗ giống nhau thì vạn vật chỉ là một. Biết được cái lẽ ấy thì không để ý đến sự nhận thức của tai mắt nữa, mà tâm linh ngao du ở chỗ hài hoà của vũ trụ. Đã thấy vạn vật là một thì không thấy có cái gì mất nữa. Cho nên Vương Đài cho mình mất một chân cũng như mất một cục đất vậy thôi.

Thường Quí hỏi:

- Ông ấy sở dĩ tự tu dưỡng được là nhờ trí năng mà biết được cái tâm của ổng, rồi do cái tâm đó mà hiểu được cái tâm bất biến của mọi thời, như vậy thì có gì mà thiên hạ qui phụ ông ấy?

- Người ta không soi bóng vào một dòng nước chảy mà vào một dòng nước đứng. Vậy thì chỉ cái gì ngưng lặng mới làm cho người khác ngưng lặng được. Những vật thụ mệnh ở đất [do đất sinh ra], chỉ có loài tùng, loài bách là giữ được chính khí, nên mùa đông cũng xanh như mùa hè. Những người thụ mệnh ở trời, duy chỉ có Nghiêu, Thuấn là giữ được chính khí, nên đứng đầu vạn vật: hai ông ấy sửa mình cho ngay được, nên sửa được những người khác cho ngay. Thấy người nào không sợ là biết người đó bảo toàn được chính khí; như một võ sĩ một mình dám đột nhập vào chỗ thiên quân vạn mã. Võ sĩ đó muốn cầu danh, lập công mà còn như vậy, huống hồ một người muốn làm chủ vũ trụ, bao gồm vạn vật, coi thân thể mình như chỗ cư ngụ tạm, coi thanh sắc là ảo tưởng, dùng trí lực mà thấy được mọi hiện tượng là thuần nhất, còn lòng thì không thấy có sinh, tử? Người đó sẽ lựa ngày lên trời, cho nên mọi người tự nhiên qui phụ, chứ người đó đâu có quan tâm tới họ.

ngochai
23-05-2012, 09:00 AM
Phần 2

Lời bạt

“Gương mà sáng thì không bị bụi đóng vào; nếu bị bụi đóng vào thì gương bị mờ. Ở với hiền nhân lâu thì không còn lầm lỗi nữa”.

ngochai

-----------------------------

Thân Đồ Gia cụt một chân, cùng với Tư Sản nước Trịnh theo học Bá Hôn Vô Nhân. Tử Sản bảo với Thân Đồ Gia:

- Nếu tôi ra trước thì anh ở lại một chút rồi sẽ ra sau; nếu anh ra trước thì tôi ở lại rồi ra sau.

Hôm sau, hai người cùng ngồi một phòng, chung một chiếu. Tử Sản bảo Thân Đồ Gia:

- Chúng mình đã hẹn với nhau ai ra trước thì người kia ở lại. Bây giờ tôi muốn ra trước, anh ở lại đây một chút được không? Anh thấy tôi là một vị đại thần cầm quyền mà anh không tránh tôi, bộ anh ngang hàng với viên đại thần cầm quyền ư?

Thân Đồ Gia đáp:

- Ở trong nhà thầy mà có đại thần cầm quyền nữa ư? Anh tự khoe như vậy thì chỉ tỏ rằng anh kém người khác thôi. Tôi nghe nói: “Gương mà sáng thì không bị bụi đóng vào; nếu bị bụi đóng vào thì gương bị mờ. Ở với hiền nhân lâu thì không còn lầm lỗi nữa”. Nay anh học đạo của thầy, noi gương thầy, mà còn ăn nói như vậy, chẳng phải là lầm ư?

- Anh đã tàn tật như vậy mà còn đòi tranh hiền với vua Nghiêu. Xét hành vi của anh đi, không đủ cho anh phản tĩnh sao?

- Nhiều người không nhận lỗi của mình, tự cho bị chặt chân là oan; nhưng rất ít người nhận lỗi của mình mà tự cho rằng mình không đáng còn giữ hai chân. Biết rằng sự thể không làm sao khác được mà vui lòng thuận mệnh, chỉ bậc hiền đức mới được như vậy. Ai mà đi ngang qua đường bắn của ông Nghệ (Hậu Nghệ) thì thế nào cũng bị một mũi tên, may mà thoát được là người mạng tốt đấy. Nhiều người còn cả hai chân, mỉa mai tôi. Trước kia tôi nổi giận lên, nhưng từ khi lại học thầy thì bỏ được giận mà bình tĩnh lại; không biết có phải được cái hiền đức của thầy gột rửa cho tâm hồn tôi không? Tôi đã theo học thầy mười chín năm rồi, mà thầy không hề thấy tôi cụt chân. Anh và tôi lại đây đều để sửa nội tâm mà anh lại chê cái hình hài của tôi, như vậy chẳng phải là lầm ư?

Tử Sản nghe vậy, xấu hổ, đỏ mặt lên bảo:

- Thôi, bỏ chuyện đó đi, đừng nói nữa.

ngochai
23-05-2012, 09:04 AM
Phần 3

Lời bạt

“... sống với chết chỉ là một, cái khả và cái bất khả thì cũng như nhau...”

ngochai

-----------------------------


Nước Lỗ có một người tên là Thúc Sơn, một bàn chân bị chặt hết năm ngón. Anh ta khập khiễng lại thăm Trọng Ni. Trọng Ni bảo:

- Vì không cẩn thận, nên bị vậy, bây giờ lại thì trễ rồi.

Người kia đáp:

- Tôi chỉ vì không có kinh nghiệm, không giữ được thân thể, nên mất mấy ngón chân. Hôm nay lại đây là muốn bảo tồn cái gì quí hơn chân kia. Mới tới tôi tưởng thầy như trời, không vật gì không che; như đất, không vật gì không chở, ngờ đâu thầy lại đáp như vậy!

Trọng Ni bảo:

- Khâu này nông nổi, thầy vô đi, có điều gì xin giảng cho tôi nghe.

Người cụt ngón chân bỏ đi, không đáp. Trọng Ni bèn bảo môn đệ:

- Các anh gắng lên nhé! Người cụt ngón chân kia còn gắng học để sửa lỗi cũ, thì lẽ nào, thân thể còn vẹn toàn như các anh lại không chịu cố sức học tập.

Người cụt ngón chân đó kể lại chuyện ấy cho Lão Đam nghe; rồi hỏi:

- Khổng Khâu chưa là bậc chí nhân ư? Sao mà dạy nhiều học trò [để cầu danh] như vậy? Hình như ông ấy dùng những lời kì quái, nguỵ biện để được danh tiếng, không hiểu rằng một bậc chí nhân chỉ coi cái đó là gông, cùm mà thôi.

Lão Đam đáp:

- Sao ông không giảng cho ông ấy hiểu rằng sống với chết chỉ là một, cái khả và cái bất khả thì cũng như nhau, như vậy may ra cởi được gông cùm cho ông ấy?

- Trời phạt ông ấy như vậy rồi, làm sao tôi cởi gông cùm cho ông ấy được.

ngochai
23-05-2012, 09:09 AM
Phần 4

Lời bạt

“ Tử sinh, đắc thất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền ngu, chê khen, đói khát, nóng lạnh, đó là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời như ngày rồi đến đêm, mả không ai biết gốc ở đâu.”

ngochai

----------------------------------------

Vua Ai Công nước Lỗ bảo Trọng Ni:

- Nước Lỗ có một người [tên là Đà] xấu như quỉ, người ta gọi nó là thằng quỉ Đà. Người đàn ông nào ở chung với hắn, hễ xa hắn là nhớ. Thiếu nữ nào đã trông thấy hắn rồi thì về thưa với cha mẹ thà làm vợ bé hắn còn hơn là vợ cả một người nào khác. Số thiếu nữ đó có trên một chục.

Không hề nghe hắn xướng xuất điều gì, chỉ thấy hắn phụ hoạ thôi. Hắn không có quyền vị gì để cứu mạng cho ai, cũng không có tiền cứu đói cho người khác, mà lại xấu xí làm cho mọi người phát sợ. Hắn chỉ phụ hoạ chứ không xướng xuất mà kiến thức của hắn không vượt khỏi phạm vi trong nước [nghĩa là không rộng gì], ấy thế mà đàn ông đàn bà bu lại chung quanh hắn, chắc hắn phải có gì khác người. Trẫm triệu hắn tới xem, quả thực nó xấu xí phát sợ. Hắn ở với trẫm. Chưa đầy một tháng trẫm đã để ý đến hắn, chưa đầy một năm thì trẫm tin hắn. Lúc đó khuyết viên tướng quốc, trẫm giao chức đó cho hắn. Hắn thờ ơ, có vẻ như chịu nhận, lại có vẻ như muốn từ. Trẫm thấy ngượng. Sau cùng hắn nhận. Chẳng bao lâu hắn bỏ trẫm mà đi. Trẫm rầu rĩ như người mất một cái gì. Không còn hắn thì trẫm vui với ai trong nước này đây? Hắn là con người ra sao?

Trọng Ni đáp:

- Có lần Khâu này đi sứ qua nước Sở, thấy cảnh này: một con heo cái mới chết; đàn con đang bú vú mẹ, bỗng chúng hoảng hốt bỏ mẹ mà chạy tứ tán, vì chúng thấy rằng mẹ không nhìn chúng nữa, có cái gì khác rồi. Chúng yêu mẹ không phải là yêu cái thân thể, mà yêu cái tinh thần làm cho hình thể sinh động.

Chôn cất kẻ tử trận không ai dùng những đồ trang sức vũ khí để trang sức quan tài. Kẻ cụt chân không thích giầy dép. Vì đối với họ những vật đó mất cái công dụng cố hữu rồi. Bọn cung nữ nào được cử vào hầu hạ vua ban đêm thì không được cắt móng tay, xỏ tai. Đàn ông nào có vợ rồi thì phục dịch ở bên ngoài, không được hầu hạ bên cạnh vua. Những người thân thể được toàn vẹn còn được trọng như vậy huống hồ là những người tâm hồn được toàn vẹn.

Tên Đà xấu xí như quỉ kia không nói gì mà được nhà vua tin cậy, không có công lao gì mà được nhà vua quí mến, giao việc nước cho hắn mà sợ hắn từ chối, như vậy tài của hắn phải toàn vẹn mà đức của hắn không hiện ra nên người ta không thấy.

Ai Công hỏi:

- Thế nào là tài toàn vẹn?

Trọng Ni đáp:

- Tử sinh, đắc thất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền ngu, chê khen, đói khát, nóng lạnh, đó là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời như ngày rồi đến đêm, mả không ai biết gốc ở đâu. Ai đạt được lẽ ấy, thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuần hoà, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hoá. Như vậy có cái tài toàn vẹn.

- Thế nào là đức không hiện ra?

- Nước thật yên lặng rồi thì mực nước bình, vì vậy mà nó có thể làm chuẩn tắc cho mọi việc; nó giữ được mực của nó ở trong mà không tràn ra ngoài. Có Đức tức giữ được sự điều hoà hoàn toàn. Đức không hiện ra, nên không ai rời mình được.

Sau đó, một hôm Ai Công hỏi [một môn đệ của Trọng Ni là] Mẫn Tử Khiêm:

- Khi mới lên ngôi, trẫm giữ kỉ cương mà dắt dân, lo cho đời sống của dân, tự cho như vậy là thông đạt lắm rồi. Nay nghe lời của bậc chí nhân [tức Trọng Ni], trẫm ngại rằng mình không thực có Đức, đã khinh suất mà làm hại nước. Trẫm với Khổng Khâu không phải là vua tôi, chỉ là bạn bè lấy đức giao du với nhau thôi.

ngochai
23-05-2012, 09:16 AM
Phần 5

Lời bạt

“ Cho nên thánh nhân Tiêu Dao ở chỗ hư không, coi trí tuệ là mầm thừa [gây tư lự], lễ tín là thứ keo [câu thúc người ta], đức huệ là thứ tiếp dẫn, công nghệ cũng (đáng khinh) như thương mại.”

ngochai

--------------------------------------

Một người gù, chân quẹo, không có môi, lại thuyết vua Linh Công nước Vệ. Nhà vua thích quá tới nỗi thấy người nào bình thường cũng chê là cổ ngẳng. Một người có một cái bướu lớn như cái hủ ở cổ lại thuyết vua Hoàn Công nước Tề, nhà vua thích quá tới nỗi thấy người nào bình thường cũng chê là cổ ngẳng.

Vậy có đức lớn thì có thể làm cho người khác quên hình thể xấu xa kì quái của mình đi. Người nào không quên cái đáng quên [tức hình thể], mà quên cái không đáng quên [tức cái đức], người đó mới thực là quên [nghĩa là không nhớ cái gì đáng khinh, cái gì đáng quí].

Cho nên thánh nhân Tiêu Dao ở chỗ hư không, coi trí tuệ là mầm thừa [gây tư lự], lễ tín là thứ keo [câu thúc người ta], đức huệ là thứ tiếp dẫn, công nghệ cũng (đáng khinh) như thương mại. Thánh nhân không mưu tính cái gì, đâu cần tới trí tuệ; không đẽo gọt cái gì, đâu cần tới keo? Không mất cái gì đâu cần phải tiếp dẫn? Không chế tạo cái gì, đâu cần đến thương mại? Bốn đức đó [không dùng trí tuệ, không dùng lễ tín, không dùng đức huệ, không chế tạo] của thánh nhân gọi là thức ăn của trời, nghĩa là thánh nhân được trời nuôi. Đã được trời nuôi, thì còn cần gì đến người nữa? Tuy có hình thể con người mà không có tình cảm con người. Vì có hình thể con người nên sống chung với con người, vì không có tình cảm con người nên không bị quan niệm thị phi làm bận lòng. Thánh nhân nhỏ xíu vì thuộc về loài người, nhưng lại vĩ đại vì đồng thể [hoặc hoà hợp] với trời.

ngochai
23-05-2012, 09:20 AM
Phần 6

Lời bạt

“Đạo cho ta dong mạo ấy, trời cho ta hình thể ấy, thì đừng để cho sự yêu, ghét làm thương tổn thiên tính... không để yêu, ghét làm thương tổn thiên tính, cứ theo luật tự nhiên, đừng làm gì thêm cho đời sống cả. ”

ngochai

---------------------------------

Huệ tử hỏi Trang tử:

- Con người vốn vô tình sao?

Trang tử đáp:

- Phải.

- Người mà vô tình thì sao gọi là người được?

- Đạo cho nó dong mạo ấy, trời cho nó hình thể ấy, thì sao lại không gọi là người được?

Huệ tử lại hỏi:

- Nhưng đã là người thì làm sao không có tình cho được?

Trang tử đáp:

- Cái ông gọi là tình đó, tôi không gọi nó là tình. Tôi bảo vô tình là thế này: không để yêu, ghét làm thương tổn thiên tính, cứ theo luật tự nhiên, đừng làm gì thêm cho đời sống cả.

- Đừng làm gì thêm thì làm sao bảo tồn được thân thể?

- Đạo cho ta dong mạo ấy, trời cho ta hình thể ấy, thì đừng để cho sự yêu, ghét làm thương tổn thiên tính. Hiện nay ông hướng tinh thần vào ngoại vật làm lao khổ tinh lực ông, dựa vào cây mà biện luận, gục vào cái án mà ngủ. Trời cho ông hình hài mà ông dùng nó để phiếm luận về “cứng và trắng”.

ngochai
23-05-2012, 09:22 AM
Luận giải

Sáu bài thì năm bài đầu dùng những nhân vật tưởng tượng, kì quái: cụt một chân, cụt năm ngón chân, gù lưng, không môi… mà cảm hoá được nhiều người, để tỏ rằng thân thể không đáng kể gì cả, tinh thần mới quan trọng. Người nào có đức thật cao thì chẳng làm gì cả, cũng được người khác quí mến, quên hình dáng xấu xa ghê tởm của mình đi nữa.

Cái đức đó là đức tự nhiên, nghĩa là giữ thiên chân, theo thiên tính, không bận tâm đến sinh tử, thị phi, đắc thất, đói khát, nóng lạnh… vì tất cả những cái này chỉ là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời, coi thân thể mình như chỗ cư ngụ tạm (mất một chân cũng như mất một cục đất), coi thanh sắc là ảo tưởng; trút bỏ hết thế tình, không dùng đến trí tuệ, lễ tín, đức huệ, cũng không chế tạo, sản xuất một cái gì (như vậy là được trời nuôi), mà cũng không nên biện luận, dựng một học thuyết nào cả.

Trang tử dùng hai hình ảnh để tả cái tâm của bậc chí đức đó: ông coi nó như một tấm gương sáng, bụi không đóng vào được; ông bảo nó như một làn nước phẳng lặng, mực nước bình rồi mới làm tiêu chuẩn cho mọi việc, như ống thuỷ chuẩn ta dùng coi xem chỗ nào cao, chỗ nào thấp.

Ai đạt được trình độ đó thì tuy có hình thể con người mà không có tình cảm con người (vì vậy mà gọi là vô tình), và tuy nhỏ xíu vì vẫn thuộc về loài người, nhưng lại vĩ đại như trời vì đồng thể với trời.

ngochai
26-05-2012, 12:55 PM
Lời bạt

Trang Tử luận về Thiên Đạo và Nhân sự thật sâu sắc. Hay đâu, Thiên Đạo và Nhân sự đâu có khác nhau là bao!


"Chân nhân thời cổ có vẻ uy nghi mà không kiêu căng, khiêm tốn mà độc lập; nhân cách khác người mà lòng thì hư tĩnh, không thích khoe khoang; lâng lâng như cực kì vui vẻ, bất đắc dĩ mới xử sự; nét mặt hoà nhã nên ai cũng muốn được thân cận; khoan dung đại độ nên ai cũng muốn qui phụ; tự do nên không ai áp chế được; trầm mặc như ở sau một cánh cửa đóng; vô tâm với thế sự như người quên mất ngôn ngữ."

ngochai

---------------------------------

Phần 1

Biết được thiên đạo và nhân sự, đó là đạt được mức cao nhất của tri thức. Biết được thiên đạo là biết rằng vạn vật do tự nhiên sinh ra, vậy thì phải theo tự nhiên. Biết được nhân sự là dùng cái mà trí tuệ có thể biết được để bảo hộ cái mà trí tuệ không thể biết được hầu hưởng hết tuổi trời, khỏi chết yểu. Như vậy là tri thức cao minh nhất. Nhưng tri thức cũng có cái luỵ của nó, vì tri thức nào cũng phải có đối tượng [rồi mới biết được là đúng hay sai], mà đối tượng lại không xác định được.

Chẳng hạn làm sao biết được cái mà tôi gọi là trời đó không phải là người, và cái tôi gọi là người đó không phải là trời? Với lại chỉ bậc chân nhân mới có được chân tri.
Thế nào là chân nhân? Bậc chân nhân thời cổ không chê ít, không khoe thành công, không cầu kẻ sĩ tới với mình; một người như vậy có lầm lỗi cũng không hối hận, có làm điều tốt cũng không tự đắc; lên cao cũng không run sợ, vô nước không ướt, vì tri thức đạt được Đạo rồi.

Chân nhân thời cổ ngủ không nằm mộng, thức dậy không ưu tư, không ăn thức ngon, thở trầm trầm, vì hơi thở từ gót chân mà lên chớ không phải từ trong họng phát ra. Người nào khi nghị luận bị người ta áp đảo thì lời phát ra như tiếng ụa. Người nào thị dục càng mạnh thì tinh thần càng nông cạn.

Chân nhân thời cổ không ham sống, không sợ chết, sinh ra không thấy làm vui, chết đi không thấy làm buồn (không cự tuyệt), hốt nhiên tới rồi hốt nhiên đi, thế thôi; không quên mình ở đâu mà ra, cũng không cầu được chết, vui vẻ tiếp nhận cái gì tới, rồi khi mất cái đó thì cho nó trở về với tự nhiên. Như vậy là không đem cái tâm của mình làm tổn thương Đạo, không dùng sức người giúp sức trời (bất dĩ nhân trợ thiên), cho nên gọi là chân nhân.

Như vậy thì lòng hết mọi sự, nét mặt thanh thản, trán nở nang sáng sủa, vẻ nghiêm túc như khí thu mà ấm áp như hơi xuân. Vui hay giận đều vô tâm, tự nhiên như bốn mùa chuyển vần, thích nghi với vạn vật mà không biết được dấu vết. Cho nên thánh nhân có thể dùng binh được, diệt nước địch mà không mất lòng dân nước đó, ân huệ truyền tới vạn đời mà không phải vì lòng yêu người.

Ai thích người khác qui phụ mình thì không phải là thánh nhân; ai ban ân huệ cho riêng một người nào thì không phải là có đức nhân; ai chỉ biết lợi dụng hoàn cảnh thôi thì không phải là người hiền; ai không biết rằng lợi với hại là một thì không phải là quân tử; ai cầu danh mà đánh mất chân tính thì không phải là kẻ sĩ; ai đánh mất cá tính của mình thì không chỉ huy người khác được. Như Hồ Bất Giai, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, Cơ Tử, Tư Dư, Kỉ Tha, Thân Đồ Địch, đều bị người sai khiến, hành động theo lí tưởng của người chứ không phải là của chính mình.

Chân nhân thời cổ có vẻ uy nghi mà không kiêu căng, khiêm tốn mà độc lập; nhân cách khác người mà lòng thì hư tĩnh, không thích khoe khoang; lâng lâng như cực kì vui vẻ, bất đắc dĩ mới xử sự; nét mặt hoà nhã nên ai cũng muốn được thân cận; khoan dung đại độ nên ai cũng muốn qui phụ; tự do nên không ai áp chế được; trầm mặc như ở sau một cánh cửa đóng; vô tâm với thế sự như người quên mất ngôn ngữ.

Một người như vậy coi hình pháp là thân thể, lễ nghi là cặp cánh, trí tuệ là thủ đoạn để ứng phó, đạo đức là thuận thiên tính. Coi hình pháp là thân thể mình, nên khoan hồng khi trừng trị; coi lễ nghi là cặp cánh của mình, nên làm việc theo thế tục mà thành công; dùng trí tuệ để ứng phó, nên chỉ hành động khi bất đắc dĩ; coi đạo đức là thuận thiên tính nên dễ dàng đạt được mục đích, như người có hai chân leo lên được ngọn đồi; không khó nhọc mà được mọi người coi là rất hoạt động.

Đối với người đó, ưa và ghét chỉ là một. Hợp nhất với bất hợp nhất thì cũng vậy, theo lẽ trời thì là hợp nhất, theo phép người là không hợp nhất. Nhưng ai coi trời với người là một, không đối lập nhau, thì là chân nhân.

Sống hay chết đều do mạng trời, cũng như có đêm có ngày; cái gì mà loài người không thể can dự vào để thay đổi được thì là tình hình cố hữu của vạn vật.
Người ta coi trời là cha, và yêu trời; thế thì cái siêu việt hơn trời lại chẳng đáng yêu sao? Người ta coi vua là bề trên của mình mà hi sinh cho vua; thế thì chân lí [tức cái Đạo] lại chẳng đáng cho mình hi sinh sao?

Suối mà cạn thì cá cùng trốn với nhau trong bùn, phà hơi cho nhau, phun dãi nhớt vào nhau; như vậy sao bằng ở trong sông, hồ mà quên nhau. Cũng vậy, khen vua Nghiêu, chê vua Kiệt sao bằng coi Nghiêu và Kiệt cũng như nhau [nghĩa là quên thiện và ác, không phân biệt người tốt người xấu nữa].
Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi; vậy coi sống là cái phúc thì cũng phải coi chết là cái phúc.
Cất thuyền trong cái hang, giấu núi trong cái chằm, như vậy là chắc chắn. Nhưng nửa đêm một đấng Vạn năng lại khiêng cả đi thì người đương ngủ[246] không biết được. Chỉ có người nào đem vũ trụ cất vào trong vũ trụ mới không còn sợ mất nữa, vì người đó hiểu được cái lí bất biến của mọi vật.

Có hình thể con người cũng đủ cho ta mừng rồi. Mà hình thể con người chỉ là một hình thức của hàng vạn sự biến hoá của vũ trụ. Vậy thì ngắm những biến hoá vô cùng của vũ trụ còn thích đến đâu! Cho nên thánh nhân muốn trở về cái gốc chung của vạn vật. Mình nên bắt chước người nào coi thọ hay yểu đều là tốt cả, sinh tử đều là tốt cả; huống hồ người nào cho vạn vật đều là các hình thức biến hoá của cái Đạo, lại không đáng cho mình noi theo sao?

Đạo có thực và tồn tại, nhưng “vô vi” mà không có hình trạng. Có thể truyền nó được mà không thấy nó được. Nó tự là gốc của nó, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Nó tạo ra quỉ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất. Nó ở trên thái cực mà không cao, ở dưới lục cực mà không sâu, có trước trời đất mà không phải là trường cửu, có trước thời thượng cổ mà không phải là già. Vua Hi Vi nhờ nó mà hoà hợp được trời đất; vua Phục Hi nhờ nó mà tập hợp nguyên khí; sao bắc đẩu nhờ nó mà vị trí không thay đổi; mặt trời mặt trăng nhờ nó mà vận hành không ngừng; thần Kham Phôi nhờ nó mà làm chủ núi Côn Lôn; thần Phùng Di nhờ nó mà rong chơi trên sông lớn; thần Kiên Ngô nhờ nó mà ở trên đỉnh núi Thái Sơn; vua Hoàng Đế nhờ nó mà lên được mây xanh; vua Chuyên Húc nhờ nó mà ở trong cung phía Bắc; thần Ngu Cường nhờ nó mà làm chúa trên bắc cực; Tây Vương Mẫu nhờ nó mà ngự trên núi Thiếu Quang. Không ai biết nó khởi thuỷ ở đâu, chung cục ở đâu. Ông Bành Tổ nhờ nó mà sống từ đời Hữu Ngu [tức vua Thuấn] tới đời Ngũ Bá ông Phó Duyệt nhờ nó mà làm tướng quốc cho Vũ Đinh, thống trị thiên hạ, [rồi sau khi chết] thành một trong những ngôi sao trên trời, ở vào khoảng giữa sao Đông Duy và sao Ki Vĩ.

ngochai
26-05-2012, 01:01 PM
Lời bạt


"Đạo có thực và tồn tại, nhưng “vô vi” mà không có hình trạng. Có thể truyền nó được mà không thấy nó được."

ngochai

-----------------------------------------

Phần 2

Nam Bá Tử Quì hỏi Nhữ Hữu:

- Ông tuổi đã cao mà sao sắc diện còn trẻ như vậy?

Nhữ Vũ đáp:

- Tôi đã đắc đạo.

- Đạo học được không?

- Không, không được. Ông không phải là người học được đạo. Ông Bốc Lương Ỷ có cái tài của thánh nhân mà không có cái đạo của thánh nhân. Tôi có cái đạo của thánh nhân mà không có cái tài của thánh nhân; nếu tôi đem cái đạo của thánh nhân mà dạy cho ông ấy thì ông ấy có thành thánh nhân ngay được không? Không được. Đem cái đạo của thánh nhân dạy cho người có cái tài của thánh nhân là việc dễ, vậy mà tôi cũng bảo ông ấy phải tốn công luyện tập mới được.

Đây là kinh nghiệm của tôi: Sau ba ngày, tôi coi thiên hạ như hư không. Đã coi thiên hạ như hư không rồi, tôi lại tập bảy ngày nữa, lúc đó coi vạn vật là hư không. Rồi tôi bỗng nhiên giác ngộ, có cảm giác như thấy cảnh bình minh. Có cảm giác đó rồi mới thấy được vạn vật chỉ là một. Thấy vạn vật chỉ là một rồi, sau mới vượt được cổ kim [không bị thời gian hạn chế nữa]; vượt cổ kim rồi sau đó mới vô được cõi không có sống có chết. Bậc chủ tể giết sinh mệnh thì không chết, bậc đó sinh ra sinh mệnh mà cũng lại không sinh. Bậc đó có thể dưới hết, và tiếp nhận hết vạn vật, huỷ hoại được hết, dựng lên được hết. Như vậy gọi là “lúc nào cũng bình thản”; lúc nào cũng bình thản thì trong những biến hoá, nhiễu loạn nào lòng cũng thanh tĩnh.

Nam Bá Tử Quì hỏi:

- Ông học ai mà đắc đạo?

- Tôi học được của con của mực; con của mực là cháu của sự đọc sách; cái này lại do sự sáng suốt mà ra; sáng suốt lại do chú ý; chú ý do sự siêng năng; siêng năng do ca hát [tức thích thú?] mà ra; ca hát do sự tối tăm tịch mịch; tối tăm tịch mịch do sự hư không; hư không do cái không có khởi thuỷ mà ra.

ngochai
26-05-2012, 01:06 PM
Lời bạt


"Ai an thời xử thuận, thì vui buồn không xâm nhập tâm hồn được."

"Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để cho ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi. Vậy coi sống là cái phúc thì cũng coi chết là cái phúc."

ngochai

---------------------------------

Phần 3


Tử Tự, Tử Dư, Tử Lê, Tử Lai nói chuyện với nhau:

- Ai coi sự hư vô là đầu, sự sống là xương sống, sự chết là đốt cuối của xương sống; ai biết được sống chết, còn mất chỉ là một, thì người đó là bạn của chúng ta.

Bốn người đều nhìn nhau cười, đồng ý và kết bạn với nhau. Chẳng bao lâu Tử Dư đau, Tử Tự lại thăm. Tử Dư bảo:

- Vĩ đại thay, tạo hoá! Tạo hoá đã làm cho thân thể tôi co quắp lại như vầy.
Vì lưng Tử Dư cong, xương sống lòi ra, ngũ tạng đảo lộn lên trên, cằm đưa xuống tới rốn, vai nhô lên khỏi đầu, tóc dựng ngược; do âm dương thác loạn cả.

Nhưng lòng bình tĩnh, ông lết tới giếng, soi bóng xuống giếng, than:

- Ôi tạo hoá làm sao cho thân thể tôi co quắp như vầy?

Tử Tự hỏi:

- Anh có thấy gớm không?

- Không, tại sao lại thấy gớm? Nếu tạo hoá muốn biến cánh tay trái tôi thành con gà thì tôi nhân đó mà gáy sáng; nếu biến tay phải tôi thành cây cung thì tôi sẽ nhân đó mà bắn con chim “hào” đem về quay; nếu biến đít tôi thành bánh xe, tinh thần tôi thành ngựa thì tôi sẽ nhân đó mà thắng xe. Với lại “đắc” là nhờ thời cơ, “thất” là do thuận ứng. Ai an thời xử thuận, thì vui buồn không xâm nhập tâm hồn được. Người xưa gọi như vậy là “huyền giải” ; người ta không biết tự cởi cho mình thì sẽ bị kết chặt với vật, mà vật thì không bao giờ thắng trời được. Vậy thì tại sao tôi lại gớm?

Ít lâu sau Tử Lai đau, thở hổn hển, sắp chết. Vợ con đứng vây chung quanh mà khóc.

Tử Lê lại thăm, bảo họ:

- Đi chỗ khác đi, đừng làm kinh động người sắp biến hoá.

Rồi đứng tựa cửa, nói với Tử Lai:

- Cha mẹ đưa con đến đâu thì con phải vâng lệnh. Âm dương [tức Tạo hoá] đối với người khác gì cha mẹ đối với con. Nếu âm dương bắt tôi chết mà tôi không tuân thì tôi là kẻ ngỗ nghịch chứ âm dương có lỗi gì đâu? [B]Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để cho ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi. Vậy coi sống là cái phúc thì cũng coi chết là cái phúc. Nay có người thợ đúc, nấu một kim loại, nếu một phần kim loại ấy nhảy ra ngoài, bảo: “Tôi muốn làm cây kiếm Mạc Da”, thì người thợ đúc tất cho đó là một vật bất tường. Cũng vậy, nếu có một người sắp chết bảo: Tôi muốn còn làm người, còn làm người”, thì tạo hoá tất cho kẻ đó là bất tường. Trời đất là cái lò đúc lớn mà tạo hoá là người thợ đúc lớn; [chúng ta chết rồi] đi đâu mà không được? [Tử sinh như giấc mộng], hốt nhiên ngủ, rồi lại hốt nhiên tỉnh dậy.

ngochai
26-05-2012, 01:16 PM
Lời bạt



“Kẻ tiểu nhân của trời là bậc quân tử của người, mà bậc quân tử của người là kẻ tiểu nhân của trời”.

ngochai

---------------------------------

Phần 4

Tử Tang Hộ, Mạnh Tử Phản và Tử Cầm Trương, ba người kết bạn với nhau, bảo:

- Ai có thể liên hệ với nhau mà không để lộ sự liên hệ ấy, giúp đỡ lẫn nhau mà vẫn vô tâm; ai có thể bay lên trời ngao du trong mây, nhảy nhót trong chỗ vô cực, quên hết sinh tử?

- Tạo hoá vĩ đại thay, sắp làm gì anh đây? sắp đưa anh đi đâu? biến anh thành gan một con chuột hay chân một con trùng?

Tử Lai đáp:

- Ba người nhìn nhau cười, đồng ý và quyết kết bạn với nhau. Không bao lâu, Tử Tang Hộ chết. Khi chưa chôn, Khổng tử hay tin, sai Tử Cống đến giúp việc ma chay. Tử Cống tới, một trong hai người bạn của người chết nghĩ ra một khúc hát để người kia hoà bằng đờn cầm; rồi cả hai cùng hát:

Ôi, anh Tang Hộ,
Ôi, anh Tang Hộ,
Anh đã trở về với bản thể của anh
Mà tụi tôi vẫn còn làm người!

Tử Cống bèn chạy lại bảo:

- Xin hỏi hai ông: người chết nằm đó mà đờn ca như vậy có hợp lễ hay không?

Hai người nhìn nhau cười, đáp:

- Như anh, mới là không hiểu ý nghĩa của lễ.

Tử Cống về kể lại cho Khổng tử nghe:

- Họ là hạng người ra sao? Không tu dưỡng đức hạnh, thái độ không đoan trang. Người chết nằm đó mà họ đờn ca, vẻ mặt thản nhiên, không biết phải gọi thái độ của họ là gì, họ là hạng người ra sao?

Khổng tử đáp:

- Họ sống ở ngoài cõi chúng ta, còn thầy sống ở trong cõi. Trong và ngoài không thông với nhau được. Thầy đã cạn suy nên sai anh lại điếu. Họ đánh bạn với tạo hoá, ngao du trong vũ trụ: Họ coi sự sống như cái bướu, coi chết như cái nhọt vỡ ra. Như vậy coi sinh tử là sự tuần hoàn của cái khí, không phân biệt trước sau. Họ coi hình hài là vật để tạm gởi tinh thần của họ, gởi vào hình thể này hay hình thể khác thì cũng vậy. Họ quên lá gan và trái mật của họ, không để ý tới tai mắt của họ. Họ coi sinh tử như lẽ tuần hoàn, đi rồi trở về, không biết đâu là đầu, đâu là cuối. Họ mang nhiên, bồi hồi sống ở ngoài cõi trần thế, tiêu dao ở cảnh giới vô vi, đâu có chịu sự câu thúc vì lễ nghi để hợp với tai mắt của người đời nữa.

- Vậy thì thưa thầy, thầy sống theo qui tắc nào?

- Thầy là người bị trời đày đoạ, nhưng thầy cũng rán giảng cho anh hiểu điều gì thầy biết.

- Con xin thầy, bọn họ sống theo qui tắc nào?

- Loài cá thích nghi với nước, loài người thích nghi với đạo. Thích nghi với nước thì rúc trong bùn mà kiếm ăn; thích nghi với đạo thì không làm gì mà thiên tính được an định. Cho nên bảo: “Cá ở trong sông, hồ, vui thích mà quên mình, người ở trong đạo và thuật, vui thích mà quên mình”.

- Con xin thầy, thế nào là một người kì dị.

- Người kì dị là người không hợp với người đời mà hợp với thiên lí. Cho nên bảo: “Kẻ tiểu nhân của trời là bậc quân tử của người, mà bậc quân tử của người là kẻ tiểu nhân của trời”.

ngochai
26-05-2012, 01:25 PM
Lời bạt


“Gặp điều thích ý mà không cười, mất cái làm cho mình thích đó thì cũng vẫn cười, chỉ người nào vui vẻ về sự tạo vật an bài cho mình mà thuận ứng với mọi biến hoá, người đó mới đạt được cảnh giới hư vô của trời. ”.

ngochai

-----------------------------------

Phần 5

Nhan Hồi hỏi Trọng Ni:

- Ông Mạnh Tôn Tài [một người hiền nước Lỗ] khi mẹ chết thì khóc nhưng không có nước mắt, lòng không xót xa, để tang mà không hề buồn rầu, vậy mà được tiếng là biết lẽ cư tang nhất trong nước Lỗ; có danh mà không có thực sao? Con lấy làm lạ quá.

Trọng Ni đáp:

- Ông Mạnh Tôn đã đạt được đến tận cùng đạo cư tang rồi. Ông ấy so với người biết tang lễ thì tiến hơn một bực; việc tang nên được giản dị, nhưng [vì thế tục] chưa giản dị được như ý, cho nên như ông ấy cũng đã là giản dị rồi. Ông ấy không phân biệt thế nào là sống với chết, thế nào là trước với sau. Ông ấy chấp nhận, đợi sự biến hoá mà không biết mình sẽ biến hoá ra cái gì. Ai biết được mình đương biến hoá mà thực ra chẳng phải là biến hoá, hoặc đương khi không biến hoá mà thực ra đã là biến hoá rồi? Anh và thầy đều là những người nằm mê mà chưa tỉnh chăng? Ông Mạnh Tôn thấy cái chết thì bề ngoài sợ, nhưng trong lòng không đau khổ. Chết cũng như đổi căn nhà chứ không thật là chết. Ông ấy riêng tỉnh, thấy người ta khóc thì cũng khóc, như vậy là theo hoàn cảnh. Người ta cho cái hình hài tạm thời của mình là cái “ta”, nhưng làm sao biết được cái “ta”đó thực là ta không. Chẳng hạn có thể anh nằm mộng thấy anh là con chim bay lên tới trời xanh, hoặc là con cá lặn xuống đáy vực thẳm. Không biết được người đương nói đây là tỉnh hay nằm mộng. Gặp điều thích ý mà không cười, mất cái làm cho mình thích đó thì cũng vẫn cười, chỉ người nào vui vẻ về sự tạo vật an bài cho mình mà thuận ứng với mọi biến hoá, người đó mới đạt được cảnh giới hư vô của trời.

ngochai
26-05-2012, 01:30 PM
Lời bạt


“Kẻ thanh manh thì không thấy được vẻ đẹp của lông mày, cặp mắt, nét mặt; người mù thì không phân biệt được màu vàng màu xanh của y phục gấm vóc. Kẻ thanh manh thì không thấy được vẻ đẹp của lông mày, cặp mắt, nét mặt; người mù thì không phân biệt được màu vàng màu xanh của y phục gấm vóc. ”.

ngochai

--------------------------------

Phần 6

Một hiền nhân thời cổ là Ý Nhi tử lại thăm Hứa Do.

Hứa Do hỏi:

- Vua Nghiêu dạy anh điều gì?

Đáp:

- Vua Nghiêu khuyên tôi trau giồi nhân nghĩa, biện biệt thị phi.

Hứa Do bảo:

- Anh tới đây làm gì nữa? Vua Nghiêu đã đem nhân nghĩa xâm vào mặt anh, dùng thị phi cắt mũi anh thì làm sao anh còn đạt được cảnh giới tiêu dao, thuận ứng mọi sự biến hoá được nữa?

Ý Nhi tử đáp:

- Nhưng tôi cũng mong tới được bờ rào của cảnh giới ấy.

- Đâu được. Kẻ thanh manh thì không thấy được vẻ đẹp của lông mày, cặp mắt, nét mặt; người mù thì không phân biệt được màu vàng màu xanh của y phục gấm vóc.

- Nàng Vô Trang [một mĩ nhân thời cổ] quên mất sắc đẹp của mình; Cứ Lương [một lực sĩ thời cổ] quên mất sức mạnh của mình; vua Hoàng Đế quên mất trí tuệ của mình, hết thảy đều do công tôi luyện. Biết đâu tạo hoá lại chẳng có thể xoá cho tôi những vết xâm, vá lại cái mũi bị cắt của tôi để thân thể tôi lại trọn vẹn mà theo học tiên sinh?

Hứa Do đáp:

- Chưa biết được, vậy tôi hãy kể đại khái thuyết của tôi cho anh nghe:


Hỡi đại tôn sư của tôi, đại tôn sư của tôi!
Người làm cho mọi vật điêu tàn mà không phải là vì nghĩa,
Người gia ân cho tới vạn đại mà không phải là vì nhân.
Người có trước thời thượng cổ mà không phải là già,
Người che chở trời đất, đục đẽo mọi hình thể mà không phải là khéo.
Như vậy là đạt cảnh giới tiêu dao.

ngochai
26-05-2012, 01:47 PM
Lời bạt


“Cởi bỏ thân thể, trừ tuyệt sự thông minh, rời hình thể, bỏ trí tuệ, hợp nhất với Đạo. ”

ngochai

--------------------------------

Phần 7

Nhan Hồi thưa với Trọng Ni:

- Con đã tiến bộ.

Trọng Ni hỏi:

- Thế nghĩa làm sao?

- Con đã quên nhân nghĩa rồi.

- Được đấy, nhưng chưa đủ.

Hôm khác, Nhan Hồi trở lại thưa:

- Con đã tiến bộ.

- Thế nghĩa làm sao?

- Con đã quên lễ nhạc rồi.

- Được đấy, nhưng chưa đủ.

Hôm khác nữa, lại trở lại:

- Con đã tiến bộ.

- Thế nghĩa làm sao?

- Con ngồi mà quên hết thảy được.

Trọng Ni kinh ngạc hỏi:

- Thế nào là ngồi mà quên hết thảy?

Nhan Hồi đáp:

- Cởi bỏ thân thể, trừ tuyệt sự thông minh, rời hình thể, bỏ trí tuệ, hợp nhất với Đạo, như vậy là ngồi mà quên hết thảy.

Trọng Ni bảo:

- Hợp nhất thì không còn lòng riêng nữa, biến hoá thì không câu nệ. Anh quả thực là hiền nhân rồi. Thầy muốn theo gót anh.

--------------------------------------

Tử Dư và Tử Tang là hai bạn thân. Mưa dầm đã mười ngày mà không gặp bạn, Tử Dư đoán bạn đau, đem một gói thức ăn lại tặng bạn. Tới cửa, nghe thấy tiếng Tử Tang nửa như hát, nửa như khóc, hoà với tiếng đàn cầm:

Cha ư? Mẹ ư?

Hay trời? Hay người?

Giọng yếu ớt mà như hổn hển.

Tử Dư bước vào hỏi:

- Giọng hát của anh sao lại như vậy?

Tử Tang đáp:

- Như vầy, là do số mệnh chăng?

ngochai
26-05-2012, 01:56 PM
Luận giải

Chương này luận về Đạo và sự Đắc đạo.

Đạo là luật biến hoá trong vũ trụ, mà không có hình trạng, tự nó là gốc của nó, nó tạo ra trời đất, vạn vật, cho nên có trước vũ trụ. Nó là chủ tể, đại tôn sư của vạn vật, nó diệt hết mọi vật mà không phải là vì nghĩa, gia ân cho vạn vật mà không phải là vì nhân, nó “vô vi” vì nó là tự nhiên.

Đạo đó có thể truyền được nhưng không thể tiếp nhận được, nghĩa thầy có thể giảng cho môn đệ được mà không thể đem nó cho môn đệ. Chính môn đệ phải tốn công tu luyện, mới đầu phải tập làm sao cho coi thiên hạ là hư không, rồi coi vạn vật là hư không, sinh tử là hư không. Lúc đó đạt tới cảnh giới “toạ vong”, ngồi mà quên hết thảy, cởi bỏ được thân thể mình, trừ tuyệt trí tuệ, mà hợp nhất với Đạo, có cảm giác như thấy cảnh bình minh - thiên khải hay đại giác – thấy vạn vật chỉ là một.

Đạt được Đạo như vậy thì thành bậc chân nhân. “Vô nước không ướt, vô lửa không nóng, hơi thở rất sâu, từ gót chân đưa lên tới mũi”. Chân nhân có lầm lẫn thì cũng không hối hận, có làm điều tốt cũng không tự đắc vì hành động nào cũng- Tôi tìm nguyên nhân nỗi nghèo khốn của tôi mà không ra. Cha mẹ tôi lẽ nào muốn tôi nghèo? Trời che vạn vật, đất chở vạn vật, đâu có riêng ai, vậy có lẽ nào lại muốn riêng tôi nghèo? Tìm hoài nguyên nhân mà không ra. Tôi tới nỗi cực khổ hợp với tự nhiên, cũng theo luật biến hoá, như vậy không có gì là xấu, là tốt. Không ham sống, không sợ chết, vì sống chết là một, chỉ là biến hoá như ngày và đêm thay đổi nhau, “như giấc mộng, hốt nhiên ngủ rồi hốt nhiên tỉnh dậy”. Vả lại, vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để cho ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi”, vậy sống cũng không có gì đáng ham hơn chết.

Chết đối với Trang tử là cởi bỏ hình thể này để mang một hình thể khác; mà người đạt Đạo, thì gặp cuộc đời nào, hoàn cảnh nào cũng vui được: “Nếu tạo hoá muốn cánh tay trái tôi thành con gà trống thì nhân đó mà gáy sáng, nếu biến tay phải tôi thành cây cung thì tôi sẽ nhân đó bắn con chim “hào” đem về quay”.

Không có lớn nhỏ, thọ yểu, phải trái, không có nhân nghĩa lễ nhạc, không có sống chết, vui khổ; mà có lẽ không có cả cái “ta” nữa. Chúng ta còn nhớ, Trang tử thấy mình nằm mộng thấy mình hoá bướm tự hỏi ông là bướm hay bướm là ông, giữa bướm và ông, có gì phân biệt được không. Sau đó ông lại tự hỏi: “Người ta cho cái hình hài tạm thời của mình là cái “ta”, nhưng làm sao biết được cái ta đó có thực là ta không?”. Như vậy cơ hồ Trang nghi ngờ hết thảy, chỉ trừ một điều: luật biến hoá trong vũ trụ: người biến hoá thành vật, vật biến hoá thành người để rốt cuộc lại trở về Đạo.

ngochai
27-05-2012, 09:59 AM
Lời bạt

Cổ nhân có câu với đại ý là: Nhân-có đạo tu thân, Gia-có đạo trị gia, Quốc-có đạo trị quốc. Đạo trị quốc là Đạo của các bậc Đế Vương cần phải học. Trang Tử đưa ra những luận thuyết thâm thúy liên quan tới vấn đề này.



“Dùng lòng nhân để kết nhân tâm, tuy được người ta qui thuận, nhưng chưa thoát ra khỏi sự vật. ”

ngochai

--------------------------------

Phần 1

Niết Khuyết hỏi Vương Nghê bốn câu mà Vương Nghê đều đáp là không biết. Niết Khuyết thích quá, nhảy tưng tưng, lại cho Bồ Y tử hay.

Bồ Y tử bảo:

- Vua Hữu Ngu không bằng vua Thái. Vua Hữu Ngu còn dùng lòng nhân để kết nhân tâm, tuy được người ta qui thuận, nhưng chưa thoát ra khỏi sự vật. Vua Thái ngủ êm đềm, tỉnh khoan khoái; người khác gọi ông là ngựa hay bò, cũng mặc; trí thức ông xác đáng, đức ông chân thực; mà ông chưa hề bị trói buộc.

ngochai
27-05-2012, 10:06 AM
Lời bạt

Trang Tử đưa ra quan điểm xuyên suốt trong luận thuyết của mình, dưới góc độ thật nhân văn.


“Sửa mình cho ngay rồi sau cảm hoá được người.”

ngochai

----------------------------------------

Phần 2

Kiên Ngô lại thăm người cuồng [nước Sở] là Tiếp Dư.

Tiếp Dư hỏi:

- Nhật Trung Thuỷ nói gì với ông?

Kiên Ngô đáp:

- Ông ấy bảo tôi rằng vua mà chấp hành pháp độ, thì làm dân ai dám không nghe mà rồi sẽ bị cảm hoá hết.

Tiếp Dư bảo:

- Đó là cái đức giả dối. Như vậy mà trị thiên hạ thì không khác gì đào kinh trong biển, bắt muỗi đội núi. Thánh nhân trị thiên hạ có trị ở ngoài [tức dùng pháp độ] đâu? Sửa mình cho ngay rồi sau cảm hoá được người. Thuận theo tình cảm của dân, để họ tự lo lấy sự sinh tồn của họ, không ép họ. Con chim biết bay lên cao để tránh cái lưới và mũi tên; con chuột đồng biết đào hang sâu ở dưới gò thờ thần để tránh cái hoạ bị hun khói, bị đào hang. Lẽ nào người không khôn bằng hai con vật nhỏ ấy? [mà không biết tránh hoạn nạn? Vậy cứ Vô vi để làm theo bản tính của họ là biết cách trị nước].

ngochai
27-05-2012, 10:10 AM
Lời bạt

Trang Tử đưa ra quan điểm xuyên suốt trong luận thuyết của mình, dưới góc độ thật nhân văn.


“Tập cho lòng anh điềm tĩnh, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật, đừng có một chút tư ý, như vậy thiên hạ sẽ thái bình.”

ngochai

------------------------------

Phần 3

Thiên Căn (gốc rễ của trời) đi chơi ở Ân Dương, tới sông Lục, gặp Người-không-tên, bèn hỏi:

- Làm sao trị được thiên hạ?

Người-không-tên đáp:

- Cút đi! Quân thô lỗ! Hỏi gì mà thấy ghét! Ta giao du với tạo vật, chán rồi thì cưỡi con chim phiếu điểu để bay ra ngoài vũ trụ và tiêu dao ở chỗ hư vô tịch mịch, trong cõi khoáng đãng, sao anh lại đem cái việc trị thiên hạ ra làm bận lòng ta?

Thiên Căn hỏi nữa. Người-không-tên đáp:

- Anh rán tập cho lòng anh điềm tĩnh, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật, đừng có một chút tư ý, như vậy thiên hạ sẽ thái bình.

ngochai
27-05-2012, 10:14 AM
Lời bạt

Trang Tử đưa ra quan điểm xuyên suốt trong luận thuyết của mình, dưới góc độ thật nhân văn.


“Trị thiên hạ thì công trùm thiên hạ mà cơ hồ không phải là công của mình; vạn vật đều được cảm hoá mà không thấy nhờ đức của mình; công đức ấy có đấy mà không ai chỉ ra được, vạn vật đều thoả mãn.”

ngochai

------------------------------

Phần 4

Dương Tử Cư lại thăm Lão Đam, hỏi:

- Nay có một người mẫn tiệp, quả cảm, nhận thức sáng suốt và sâu sắc, học đạo không biết mỏi, người đó có thể so sánh với một minh quân được?

Lão Đam đáp:

- Hạng đó, thánh nhân cho là chỉ làm tôi tớ thiên hạ, bị luỵ về kĩ thuật của mình, mà hoá ra lao khổ, ưu tư thôi. Cứ xét: “Con hổ con báo vì da nó vằn nên bị người ta săn; con khỉ vì nhanh nhẹn khéo léo, con chó săn vì giỏi đuổi bò, nên bị người ta bắt”. Hạng đó sao mà so sánh với minh vương được.

Dương tử xấu hổ, hỏi:

- Xin hỏi minh vương trị thiên hạ ra sao?

- Minh vương trị thiên hạ thì công trùm thiên hạ mà cơ hồ không phải là công của mình; vạn vật đều được cảm hoá mà không thấy nhờ đức của mình; công đức ấy có đấy mà không ai chỉ ra được, vạn vật đều thoả mãn. Hành động của thánh nhân thần diệu không ai đoán được; họ đồng hoá với sự hư vô.

ngochai
27-05-2012, 10:20 AM
Lời bạt

Trang Tử luận sâu hơn về Thể và Dụng của Hư tĩnh Vô vi.


“Tự rèn luyện để khôi phục được tính chân phác và tập được tính độc lập [đối với trần thế]; giữ được sự hư tĩnh giữa vạn sự thác loạn.”

ngochai

------------------------------

Phần 5

Nước Trịnh có một thầy tướng kì tài tên là Quí Hàm, đoán được sinh tử, tồn vong, hoạ phúc, thọ yểu; biết trước việc sẽ xảy ra năm nào, tháng nào, tuần nào, ngày nào, đúng như thần. Vì vậy người nước Trịnh thấy ông tới là sợ, bỏ chạy.

Liệt tử lại thăm ông ta, phục lắm, về thưa với thầy là Hồ tử:

- Trước, con coi đạo của thầy cực cao thâm rồi, bây giờ con còn thấy có cái còn cao thâm hơn nữa.

Hồ tử bảo:

- Ta chỉ truyền cho anh cái hư văn ở bên ngoài thôi, chứ đâu đã truyền cho cái chân thực bên trong, anh cho như vậy là đắc đạo rồi ư? Gà mái mà không có gà trống thì trứng đâu có nở được; anh cũng vậy, không có cái chân thực của Đạo mà đã ra tranh đua với đời, cho nên bị người ta dò được nhược điểm. Anh thử dắt người đó lại đây coi tướng cho thầy xem sao.

Hôm sau, Liệt tử dắt người thầy tướng lại. Khi ra về, ông ta bảo Liệt tử:

- Thầy anh sắp chết, không sao sống được, không tới mười ngày nữa đâu, tôi thấy có cái tướng lạ quá, như tro ướt.

Liệt tử trở vô, khóc mướt, đầm vạt áo, thưa lại với Hồ tử. Hồ tử bảo:

- Tại lúc nãy thầy hiện ra như khối đất trơ trơ, không động mà cũng không ngừng, không có sinh khí. Anh dắt hắn lại đây một lần nữa coi.

Hôm sau người thầy tướng lại tới, và khi ra về bảo Liệt tử:

- Thật may! Thầy anh nhờ gặp ta nên hôm nay đã đỡ rồi, có sinh khí rồi, thần khí bế tắc đã mở ra rồi. Liệt tử trở vô kể lại cho thầy nghe.

Hồ tử bảo:

- Tại thầy lần này hiện ra như đất đã cày. Sinh cơ (nghĩa tựa như sinh khí) theo tự nhiên mà phát ra, không có hình tượng gì để gọi, nó từ gót chân đưa lên. Hắn thấy sinh cơ của ta nên nói như vậy. Anh lại dắt hắn lại đây lần thứ ba coi.

Hôm sau người thầy tướng trở lại, khi ra về bảo Liệt tử:

- Khí sắc thầy anh bất định, ta không làm sao coi tướng được. Đợi khi nào khí sắc thịnh rồi, ta sẽ coi lại.

Liệt tử vào thưa lại với thầy, Hồ tử bảo:

- Tại thầy để hiện ra cái khí cực hư không, hồn nhiên không cần dấu vết, hắn chỉ thấy ở thầy một sự quân bình giữa âm và dương, cho nên hắn không đoán tướng của thầy được. Con cá kình bơi lội, nước chỗ bị nó quậy nổi sống mà thành vực, có chỗ bị nó ngăn lại mà thành vực, có chỗ chảy xuôi mà thành vực; có tới chín thứ vực, đó mới chỉ là ba. Thầy cũng chỉ mới cho hắn thấy ba tâm trạng của thầy thôi. Lại dắt hắn tới đây một lần nữa coi.

Hôm sau, Quí Hàm theo Liệt tử tới, mới thấy Hồ tử đã kinh hoảng bỏ chạy. Hồ tử bảo Liệt tử: “Đuổi bắt hắn!”. Liệt tử không đuổi theo, quay vào thưa: “Hắn chạy mất hút rồi, con không theo kịp”.

Hồ tử bảo:

- Thầy chưa cho hắn thấy căn bản của đại đạo. Thầy hư tâm mà tuỳ theo hắn nên hắn không sao hiểu nổi thầy. Thầy như ngọn gió thổi thì rạp xuống, như làn sóng bập bềnh mà trôi, cho nên hắn sợ mà chạy.

Lúc đó Liệt tử mới biết rằng mình chưa học được gì ở thầy. Ông trở về nhà, ba năm không ra khỏi cửa, làm bếp thay vợ, nuôi heo như nuôi người, không phân biệt người và vật, không quan tâm tới việc đời, tự rèn luyện để khôi phục được tính chân phác và tập được tính độc lập [đối với trần thế]; giữ được sự hư tĩnh giữa vạn sự thác loạn, như vậy cho tới hết đời.

ngochai
27-05-2012, 10:24 AM
Lời bạt

Trang Tử luận sâu hơn về Thể và Dụng của Hư tĩnh Vô vi.


“Bậc chí nhân dùng cái tâm mình như dùng cái gương: không đuổi vật đi, không đón vật tới, tự nhiên nhi nhiên mà chiếu khắp vạn vật.”

ngochai

---------------------

Phần 6

Vô vi thì làm chủ cái danh; vô vi thì gồm các kế hoạch; vô vi làm cho công việc hoá giản dị; vô vi hướng dẫn trí tuệ. Hiểu được rằng đại đạo là vô cùng [hoặc hiểu được cái lí vô cùng của đại đạo] mà tiêu dao ở chỗ hư không [vô hình tích]; bảo toàn được thiên tính, bỏ hết thành kiến, như vậy chỉ là để cái tâm hư không mà thôi. Bậc chí nhân dùng cái tâm mình như dùng cái gương: không đuổi vật đi, không đón vật tới, tự nhiên nhi nhiên mà chiếu khắp vạn vật, không giấu một chút gì; nhờ vậy mà thắng được vạn vật, không bị vật làm tổn thương.

------------------------

Vua Nam Hải tên là Mau Lẹ; vua Bắc Hải tên là Thình Lình; vua Trung Ương tên là Hỗn Độn [tức không phân biệt]. Một hôm Mau Lẹ và Thình Lình gặp nhau ở xứ của Hỗn Độn, được Hỗn Độn tiếp đã trọng hậu, muốn đáp lòng tốt đó, bàn với nhau: “Người ta ai cũng có bảy lỗ để nghe, ăn và thở; mà anh Hỗn Độn không có một lỗ nào cả, tụi mình thử đục cho ảnh có đủ lỗ đi”. Thế là mỗi ngày họ đục một lỗ, tới ngày thứ bảy Hỗn Độn chết.

ngochai
27-05-2012, 10:28 AM
Luận giải

Chương cuối này thuộc về phần chính trị luận trong học thuyết Trang tử. Đại ý toàn chương được tóm tắt trong bài cuối, bài quan trọng nhất: lí tưởng của các đế vương trị thiên hạ phải là vô vi. Vô vi là cái kho chứa mọi kế hoạch, nghĩa là không kế hoạch nào bằng vô vi; vô vi thì mọi công việc được giản dị, trí óc được sáng suốt. Vô vi là thuận lẽ tự nhiên, cứ hư tâm, không dùng cơ trí, không có thành kiến, thuận theo hoàn cảnh như cỏ rạp dưới ngọn gió, thích ứng với mọi vật, để mọi vật sống theo thiên tính của chúng vì thiên tính của chúng rất sáng suốt, chí cho chúng ta cái gì nên làm, cái gì nên tránh rồi; ta đừng nên đem ý riêng của ta mà lập ra pháp độ bắt chúng theo, như vậy sẽ tai hại như hành động của vua Biển Bắc và vua Biển Nam: đục thêm bảy lỗ cho vua Trung Ương để vua có đủ tai mắt mũi miệng, rốt cuộc là làm cho vua Trung Ương chết.

Thực hành được nguyên tắc Vô Vi ấy thì là minh vương “công trùm thiên hạ mà cơ hồ không phải là công của mình; vạn vật đề được cảm hoá, sống theo bản tính mà không cảm thấy là nhờ đức của mình”.

ngochai
30-05-2012, 10:25 AM
Lời bạt

Trang Tử luận về Ngũ Giác. Ai bảo Trang Tử không duy vật chứ.


“Lạm dụng thị giác thì làm mê loạn ngũ sắc, sai lạc cả đường và nét, khiến người ta choá mắt vì màu xanh, màu vàng và sự rực rỡ của hình thêu, phải vậy không?”

ngochai

---------------------

Phần 1

Ngón chân cái dính ngón thứ nhì, tay có nhánh (tức có sáu ngón) tuy là do trời sinh, nhưng đều là dư về phương diện cơ thể; cái bướu, chỗ thịt thừa tuy từ thân thể phát ra nhưng đều dư về phương diện bản tính tự nhiên. Nhân và nghĩa tuy cũng như ngũ tạng, nhưng nếu thi hành quá mức thì không phải là đạo đức chân chính.

Ngón chân dính nhau là có một miếng thịt vô dụng; tay có sáu ngón là có một ngón vô ích. Ai thi hành quá mức những tình cảm phát ra từ ngũ tạng (tức từ nội tâm), thì là kiểu sức nhân nghĩa mà lạm dụng sự thông minh.

Lạm dụng thị giác thì làm mê loạn ngũ sắc, sai lạc cả đường và nét, khiến người ta choá mắt vì màu xanh, màu vàng và sự rực rỡ của hình thêu, phải vậy không? Li Chu là thí dụ điển hình.

Lạm dụng thính giác thì làm cho ngũ thanh hỗn tạp, lục luật thác loạn, khiến người ta đinh tai về tiếng đồng, tiếng đá, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng hoàng chung, đại lữ phải vậy không? Sư Khoáng là thí dụ điển hình.

Tỏ ra nhân nghĩa thái quá, biểu lộ cái đức, làm hại cái bản tính để cầu danh, như vậy khiến lòng người hoá ra mê hoặc, muốn theo mình mà không theo được, phải vậy không? Tăng Sâm và Sử Ngư, là những thí dụ điển hình.

Đa ngôn, nguỵ biện, dùng những lời vô ích như ngói chất đống, chỉ rối nùi, đùa giỡn với thuyết “kiên bạch, dị đồng”, tức là làm cho tâm thần mỏi mệt, tìm cái hư danh bằng những lí luận phù phiếm, phải vậy không? Dương Chu và Mặc Địch là những thí dụ điển hình.

Tất cả những kẻ đó đều bước lầm vào con đường thái quá, không phải là theo cái chính Đạo trong thiên hạ.

ngochai
30-05-2012, 10:29 AM
Lời bạt

Trang Tử luận về Tính mệnh: chính Đạo của tự nhiên.


“Người nào làm gương mẫu về chính Đạo, thì giữ được sự thể tự nhiên của tính mệnh.”

ngochai

---------------------

Phần 2

Người nào làm gương mẫu về chính Đạo, thì giữ được sự thể tự nhiên của tính mệnh (nghĩa là trời sinh ra sao thì cứ để như vậy), cho nên ngón chân có liền nhau cũng không gọi là dính, ngón tay có mọc nhánh cũng không cho là dư, dài không cho là thừa, ngắn không cho là thiếu. Vì vậy mà chân vịt tuy ngắn, nếu nối cho dài ra thì vịt sẽ đau; chân hạc tuy dài, nếu cắt ngắn đi thì hạc sẽ khổ. Vậy thì cái gì trời sinh ra dài thì không nên làm cho ngắn lại; cái gì trời sinh ra ngắn thì không nên nối cho dài ra. Tự nhiên nó như vậy rồi, có gì đáng ngại mà phải sửa đổi? Nhân và nghĩa chẳng phải là tính tự nhiên của con người ư? Thế thì tại sao những người nhân từ lại nhiều ưu tư như vậy?

Một người có ngón chân dính nhau, cắt rời ra thì khóc; một người có ngón tay mọc nhánh, chặt đi thì gào thét. Hai người đó hoặc thiếu ngón chân (vì hai ngón dính liền làm một thì kể như một), hoặc dư ngón tay, cũng đau khổ như nhau. Những người nhân từ đời nay đau khổ nhìn nỗi đau khổ của người khác. Trái lại những kẻ bất nhân, coi thường những tình cảm tự nhiên (tức lòng thương người), chỉ tham phú quí. Nhân và nghĩa không phải là tính tự nhiên của con người sao? Nhưng tại sao từ đời tam đại tới nay người ta bàn tán ồn ào về chúng như vậy?

ngochai
30-05-2012, 10:32 AM
Lời bạt

Trang Tử nhấn mạnh: Đạo là tự nhiên-Vô vi.



“Vật nào cũng có cái chân tính tự nhiên.”

ngochai

---------------------

Phần 3

Phải dùng cái móc, cái dây (nẩy mực), cái qui (compas), cái củ (thước vuông) để sửa lại, thì tức là tổn thương bản tính; phải dùng dây thừng dây gai, dùng keo sơn để giữ cho chắc thì đều là làm trái với thiên chân. Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, vỗ về bằng nhân nghĩa, như vậy là làm mất cái chân tính tự nhiên của họ.

Vật nào cũng có cái chân tính tự nhiên; chân tính đó tự nhiên cong thì không phải dùng đến móc, tự nhiên thẳng thì không phải dùng đến dây, tự nhiên tròn thì không phải dùng đến cái qui, tự nhiên vuông thì không phải dùng đến cái củ. Cái gì tự nhiên dính nhau thì không phải dùng đến keo sơn, cái gì tự nhiên cột chắc với nhau thì không phải dùng đến dây thùng, dây gai. Vạn vật tự nhiên sinh ra mà không biết tại sao; được bẩm thụ tính này tính nọ mà không biết do đâu. Từ xưa đến nay vẫn như vậy, không có gì thiếu sót. Đã vậy thì làm sao nhân và nghĩa có thể kết chặt mọi người như keo sơn, như dây lớn dây nhỏ mà ảnh hưởng được tốt tới thế giới do Đạo và Đức chi phối? Chúng chỉ làm cho người ta mê hoặc thôi.

ngochai
30-05-2012, 10:39 AM
Lời bạt

Trang Tử luận Đạo Đức và nhấn mạnh: bản chất sự vật mới là điều tối quan trọng.


“Mê hoặc nhỏ thì làm thay đổi phương hướng, còn mê hoặc lớn thì làm thay đổi bản tính.”


ngochai

---------------------

Phần 4

Mê hoặc nhỏ thì làm thay đổi phương hướng, còn mê hoặc lớn thì làm thay đổi bản tính. Làm sao biết được điều ấy? Từ khi vua Thuấn đề cao nhân nghĩa, thiên hạ đều chạy theo nhân nghĩa, như vậy chẳng phải là ông đã làm thay đổi bản tính con người đấy ư? Chúng ta hãy bàn rõ về điểm đó nào. Từ đời tam đại đến nay, không ai là không bị ngoại vật làm thay đổi bản tính: kẻ tiểu nhân hi sinh cho lợi, kẻ sĩ hi sinh cho danh, đại phu hi sinh cho nhà, thánh nhân hi sinh cho thiên hạ [mà không nghĩ gì tới thân], những hạng người đó công việc khác nhau, danh phận khác nhau, nhưng làm tổn thương bản tính, quên mình vì ngoại vật thì đều như nhau.

Tang và Cấu đều chăn cừu và để cừu lạc, đứa thứ nhất vì mãi đọc sách, đứa thứ nhì vì mãi đánh bạc; nguyên nhân tuy khác nhau nhưng đều là đánh mất cừu cả.

Bá Di chết vì danh ở chân núi Thú Dương, Đạo Chích chết vì lợi ở gò Đông Lăng; nguyên nhân chết tuy khác nhau nhưng đều làm tàn hại đến sinh mệnh, tổn thương bản tính cả, vậy thì tại sao khen Bá Di mà chê Đạo Chích? Đều hi sinh cho ngoại vật cả mà kẻ chết vì nhân nghĩa thì người đời gọi là quân tử; kẻ chết vì tiền của thì người đời gọi là tiểu nhân. Đều chết như nhau cả mà phân biệt quân tử với tiểu nhân. Xét về điểm họ làm tàn hại sinh mệnh, tổn thương bản tính thì Đạo Chích và Bá Di cũng như nhau, sao lại gọi người này là quân tử, người kia là tiểu nhân?

ngochai
30-05-2012, 10:42 AM
Lời bạt

Trang Tử luận: thiên tính là gốc.



“Cái tôi gọi là giỏi, không phải là nhân nghĩa mà là cái mà mình tự có sẵn trong bản tính. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là theo nhân nghĩa, mà là theo bản tính cùng khả năng thiên phú của mình.”

ngochai

---------------------

Phần 5


Người nào cưỡng với bản tính để thi hành nhân nghĩa thì dù có được như Tăng Sâm, Sử Ngư tôi cũng không cho là giỏi; người nào cưỡng với bản tính để nếm ngũ vị thì dù có được như Du Nhi, tôi cũng không cho là giỏi. Cũng vậy, người nào cưỡng bản tính để thẩm định ngũ âm, thì dù có được như Sư Khoáng tôi cũng không cho là tai sáng; người nào cưỡng bản tính để nhận định ngũ sắc, thì dù có được như Li Chu, tôi cũng không cho là mắt sáng. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là nhân nghĩa mà là cái mà mình tự có sẵn trong bản tính. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là theo nhân nghĩa, mà là theo bản tính cùng khả năng thiên phú của mình. Như người tôi gọi là sáng tai, thì không nghe người khác mà chỉ tự nghe mình thôi; người tôi cho gọi sáng mắt thì không thấy người khác mà chỉ tự thấy mình thôi. Không thấy mình mà thấy người, không tự mình mà phải nhờ người, thì ta bỏ mình theo người, được cái sở đắc của người mà mất cái sở đắc [tức cái thiên chân] của mình, thích cái người khác thích chứ không thích cái mình thích, thì Đạo Chích và Bá Di đều thiên lệch, lạc lối hết.

Tôi xấu hổ vì Đạo Đức kém, nhưng tôi không dám làm điều nhân nghĩa mà cũng không dám có những hành vi thác loạn, bậy bạ.

ngochai
01-06-2012, 10:18 AM
Lời bạt

Trang Tử luận: thuận theo lẽ tự nhiên, đó là chân lý.


“Vạn vật đều vô tri như nhau, sống theo bản tính của mình. Hết thảy đều vô dục như nhau, cho nên gọi là hồn nhiên, chất phác. Chất phác nên Dân chúng mới giữ được bản tính.”

ngochai

---------------------

Phần 1

Ngựa có móng để dẫm lên sương tuyết, có lông để chống gió lạnh. Chúng ăn cỏ, uống nước, co giò nhảy nhót. Đó là chân tính của chúng. Chúng có cần gì đến đài cao, chuồng rộng đâu.

Một hôm Bá Lạc bảo: “Tôi khéo nuôi ngựa”, rồi đốt, hớt lông chúng, gọt và đánh dấu móng chúng, làm chuồng có sàn gỗ cho chúng ở. Mười con có hai ba con chết. Ông bắt chúng chịu đói chịu khát, phải chạy nước kiệu, phải phi, dùng cái ách bắt chúng đứng yên thành hàng, dùng hàm thiếc khóp mõm chúng, dùng roi quất vào mông chúng, và ngựa chết già nửa.

Người thợ gốm đầu tiên bảo: “Tôi khéo nặn đất sét”, rồi dùng cái qui để làm hình tròn, cái củ để làm hình vuông. Người thợ mộc đầu tiên bảo: “Tôi khéo làm đồ gỗ”, rồi dùng cái móc để làm hình cong, cái dây để làm hình thẳng. Bản tình của đất sét, gỗ có hợp với cái qui, cái củ, cái móc, sợi dây thừng không? Vậy mà đời sau khen Bá Lạc khéo nuôi ngựa, thợ gốm khéo nặn đất sét, thợ mộc khéo làm đồ gỗ. Hạng người muốn cai trị thiên hạ cũng làm như vậy đó.

----------------------------------------

Những con ngựa hoang sống trong đồng, ăn cỏ, uống nước; khi vui thì cà cổ vào nhau, khi giận thì quay lại đá nhau. Chúng chỉ biết có vậy thôi. Khi đeo cái ách vào cổ chúng, cái nguyệt đề vào trán chúng để chế ngự chúng, chúng hoá ra lấm lét, bực tức, vặn cong cái ách, giật đứt dây cương, cắn hàm thiếc để phản kháng. Chúng hoá ra xảo quyệt, tàn nhẫn, đó là tội của Bá Lạc.

Thời vua Hách Tư, dân chúng ở trong nhà, không biết mình làm gì, ra ngoài không biết mình đi đâu, ăn thấy thích, no rồi thì vỗ bụng đi chơi. Họ chỉ biết có vậy thôi.

Rồi sau thánh nhân xuất hiện, dùng lễ nhạc uốn nắn con người, sửa thái độ con người cho ngay ngắn, đề cao nhân nghĩa để vỗ về nhân tâm. Từ đó dân chúng mới tận lực dùng trí xảo, tranh nhau lợi lộc, không làm sao ngăn được nữa, đó là tội của thánh nhân.

ngochai
01-06-2012, 10:21 AM
Lời bạt

Trang Tử luận: thuận theo lẽ tự nhiên, đó là chân lý.


“Âm nhạc làm cho con người phóng đãng, lễ nghi phiền toái gây nhiều bó buộc, và người ta bắt đầu chia rẽ nhau.”

ngochai

---------------------

Phần 2

Tôi cho rằng người khéo cai trị thiên hạ không hành động cách ấy. Bản tính con người không thay đổi. Dệt vải để mặc, cày ruộng để ăn, ai cũng có chung tính đó, mà hồn nhiên, không thiên tư. Như vậy gọi là “thiên phóng”: để mặc thiên nhiên.

Thời đại chí đức [đức được hoàn toàn], người nào cũng bước chậm chạp, ung dung, mắt nhìn thẳng đằng trước. Thời ấy trong núi không có đường mòn, trên chằm không có thuyền, không bắc cầu. Vạn vật cùng sống với nhau, không xâm phạm nhau. Cầm thú thành đàn, thảo mộc sum xuê. Cho nên có thể cột một sợi dây nhỏ dắt cầm thú đi chơi, có thể leo lên cây nhìn tận ổ con quạ, con chim khách.

Thời ấy, loài người sống chung với cầm thú, sinh hoạt chung với vạn vật; như vậy đâu có phân biệt quân tử với tiểu nhân. Vạn vật đều vô tri như nhau, sống theo bản tính của mình. Hết thảy đều vô dục như nhau, cho nên gọi là hồn nhiên, chất phác. Chất phác nên dân chúng mới giữ được bản tính.

----------------------------

Rồi sau thánh nhân xuất hiện, gắng sức thi hành điều nhân, cố ý noi theo điều nghĩa, mà thiên hạ bắt đầu mê loạn. Âm nhạc làm cho con người phóng đãng, lễ nghi phiền toái gây nhiều bó buộc, và người ta bắt đầu chia rẽ nhau.

Không đục đẽo gỗ thì làm sao thành được cái chén để cúng? Không đập mài ngọc trắng thì làm sao trang sức được vương trượng? Không bỏ Đạo đức đi thì nhân và nghĩa có gì đáng lựa? Không rời tính tình tự nhiên thì dùng làm chi tới lễ nhạc? Ngũ sắc không loạn thì ai vẽ chi vẻ này vẻ nọ? Ngũ âm không loạn thì ai đặt chi ra lục luật? Đục đẽo gỗ để làm đồ dùng, đó là tội của thợ mộc. Huỷ bỏ Đạo đức để thay nhân nghĩa vào, đó là tội của thánh nhân.