PDA

View Full Version : Mộng đàm tạp bút - Phiêu du trong cõi nhân sinh



ngochai
16-09-2013, 08:49 AM
Xưa hay Nay, bất cứ ở thời đại nào cũng vậy, loài người khi mới bắt đầu hiểu biết, đã nhận biết được cái gì là đúng, là sai, là hay, là dở. Nhưng dần dần con người va chạm nhiều với xã hội, rồi bị ô nhiễm, bị tư dục làm mờ mắt, nên sự phán đoán, suy xét dần dần lầm lạc, nên con người cứ từ từ bị sa đọa. Nhất là, đà văn minh vùn vụt tiến, con người bị quá nhiều nhu cầu vật chất đòi hỏi, và phải cố đáp ứng nhu cầu cho đầy đủ như: nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, bếp ga, máy lạnh v.v... Những thứ này lại còn biết bao thứ bên cạnh nó như: có xe hơi, phải mua bảo hiểm, mua xăng chạy xe, có tủ lạnh thì phải lo tiền điện hàng tháng v.v..., đó là chưa kể thời gian càng văn minh, thì con người làm việc càng như cái máy, do đó cũng cần phải nghỉ ngơi, tẩm bổ cho cơ thể lại sức, nên con người lại cần phải lo kiếm tiền cho nhiều, rồi từ cái này dần đến cái khác, con người bị sa đọa lúc nào không hay, có nhiều lúc bừng tỉnh lại, thấy mình cũng quá đáng, nhưng vì bản năng quá yếu hèn, hoặc nhu cầu vật chất đòi hỏi quá mạnh, nên lương tri chỉ vụt qua, mà không ở lại được.

Nên nếu ta ở vào thời buổi văn minh này, mà ta thắng được vật dục cám dỗ, không để con người ta bị sa đoạ, lỗi lầm, như vậy là ta luôn theo được đường công chính, ngay thẳng. Ngay thẳng từ suy nghĩ tới việc làm, đó là ta đã đi được quá nửa đường của Thánh nhân vậy.

Đến tuổi xế chiều, ta từ từ bỏ bớt công việc ngoài đời, lo việc tu thân, và nên luôn tự hỏi: Ta là ai? Từ đâu tới? Và cố gắng trở về nơi cội nguồn của mình một cách tự hào, thanh thản, lo việc giúp người, giúp đời một cách vô tư như mình thở khí Trời vậy, và với nụ cười luôn nở trên môi. Nếu là người có kiến thức sâu rộng, hiểu biết hơn người... nên truyền lại sự hiểu biết cho người đời sau... Đó là ta đã biết đi đúng đường Trời...

Còn nếu như ta dùng cái thông minh, tài giỏi của ta, để mưu cầu tư lợi, cưỡng đoạt của người, hoặc hãm hại người để tranh quyền, đoạt lợi, thì ta đã đi lầm đường, trước sau gì ta cũng bị suy vong, nếu không thì sẽ bị miệng thế cười chê. Thật không đáng vậy!

ngochai
16-09-2013, 09:02 AM
Gây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế thương mại

Thường thường có hai loại chính:

Người có tài thực sự, nhưng lại thiếu người cộng tác. Những người này phải đi tìm người cộng tác, phải chịu trả lương cao để kéo người giỏi về mình. Nhưng nếu họ kiêu ngạo, coi rẻ, bóc lột tài năng người cộng tác, thì cũng chẳng đi tới đâu. Sự nghiệp của họ nếu thành công đi chăng nữa, thì sự thành công đó cũng không vững bền.

Người không có tài, nhưng lại có chí muốn gây dựng sự nghiệp. Những người này sẽ thành công, nếu họ biết tìm người tài năng hơn họ, biết cư xử khéo để lấy lòng người. Những người này, họ biết mình kém tài, thua kém người mà họ mời về cộng tác, nên họ không hợm hĩnh, kiêu ngạo, nếu họ lại tỏ ra rộng rãi với người cộng tác với họ, thì chắc chắn họ sẽ thành công. Tóm lại, Sự thành công ở đời không phải do tại số, hay do may mắn, mà phải nói thành công ở đời, ít nhất cũng phải tài giỏi về một phương diện nào đó vậy.

Gây dựng sự nghiệp dựa trên tri thức, nghiên cứu khoa học

Những người này thường là những người có óc thực tế, Họ biết lợi dụng sự trí tuệ chung của nhân loại, của sự thông minh, của sự chuyên cần nơi chính bản thân họ, để đạt đến mục đích của họ. Họ đã rất vất vả lúc ban đầu (có khi kéo dài cả 10 năm), vừa đi làm, vừa đi học; đã có nhiều người, đã chiếm được địa vị khả quan trong xã hội. Nhiều người, trong số những người này đang đi vào con đường phát minh, nghiên cứu, ngõ hầu có thể mang tài năng mình ra để phụng sự cho nhân loại, cho dân tộc. Họ là những người đáng cho ta kính trọng, và xứng đáng là người dẫn dắt cho con em chúng ta mai sau. Họ là người biết dùng thời gian, biết xử dụng tài năng, biết xây dựng sự nghiệp cho mình một cách đúng đắn.

Gây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực Văn Chương

Những người này như con tầm nhả tơ, mang hết óc chất của mình ra để tạo ra những áng thơ, văn hoặc những sưu tầm nghiên cứu của mình, lòng chỉ mong có thể mang lại lợi ích gì cho thế hệ mai sau, nhưng như 2 câu thơ sau:


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như.
(Ba trăm năm sau còn ai khóc Tố Như - Nguyễn Du)

Nhưng, những áng thơ gợi hình, gợi cảnh của truyện Kiều, khó làm ta quên được. Vẫn biết Văn chương hạ giới rẻ như bèo, nhưng những người cầm bút chân chính, vẫn không sao bỏ nghề được. Phải chăng đó là cái Nghiệp?

Chúng ta, những người đã đi, đang đi, và sắp đi vào con đường xây dựng sự nghiệp ở trên, mong rằng hãy suy nghĩ kỹ càng, rồi mới hành sự, cũng chưa muộn vậy.

ngochai
17-09-2013, 08:38 AM
Thời đại ngày nay, phương pháp dạy trẻ không còn dùng roi vọt như khi xưa nữa. Ở các lớp Mẫu giáo, giáo viên không được ưu đãi một trò nào một cách đặc biệt, và không được phép để một trò nào quyến luyến mình quá độ. Các giáo viên, không những dạy các em đọc, viết, mà phải nghĩ ra những trò chơi, để vui chung với các em trong giờ nghỉ.

Nếu có em nào quá ngỗ nghịch, ưa chọc phá bạn, không nghe lời cô hoặc thầy giáo, thì không được đánh, hoặc dùng roi vọt, mà chỉ trừng phạt bằng cách bắt quỳ một lúc, hoặc quá lắm thì nói lại với phụ huynh để dạy bảo em ở nhà họ.

Nơi Trung Học, thì lại quá lắm. Học trò có người còn nhạo báng lại thầy trong lúc giảng dạy, không còn tôn sư, trọng Đạo như khi xưa. Khi xưa, thầy dạy đóng cả vai cha hay mẹ, có trách nhiệm dạy bảo học trò cũng như dạy bảo chính con cái trong nhà vậy (Quân, Sư, Phụ). Thầy dạy còn trọng hơn cha mẹ. Do đó người trò kính trọng thầy, cô như cha mẹ họ vậy, và các bậc phụ huynh cũng đỡ một phần gánh nặng trong việc dạy dỗ con cái họ.

Ngày nay, cha mẹ thì tối ngày làm việc vì sinh kế, đâu có thời gian để dạy con cái nữa. Phương pháp giáo dục hiện tại lại không cho phép nghiêm phạt học trò, do đó Đạo đức ngày một suy giảm một cách rõ rệt. Sự nền nếp của lớp thanh thiếu niên không còn như xưa, và sự lễ phép, tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, giáo sư, cùng đối với các bậc trưởng thượng suy giảm một cách rõ rệt. Như vậy sự giáo dục đã hỏng từ gốc rồi. Nhân loại ngày nay chỉ để ý về Khoa Học, mà quên đi sự giáo dục về Đạo Đức của con người. Đạo giáo dạy con người cũng nhiều, nhưng chỉ dạy con người đối với Thượng đế, mà không dạy cách trau dồi từ gốc, hỏi sao có thể giác ngộ ngay được, nếu gốc đã bị mối mọt, hư hỏng rồi.

Vậy phương pháp giáo dục nghiêm khắc, hay phương pháp giáo dục thả lỏng như ngày nay, phương pháp nào hơn, tùy ý quý vị phán xét.

ngochai
18-09-2013, 08:27 AM
Luôn cần phải biết chờ đợi, kiên trì, nhẫn nại. Phàm công chuyện gì mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả. . .

Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, mà đợi ngày thành công tới.

Ngày nay, có nhiều người ra trường mà không sao xin được việc làm. Ta phải bình tâm, suy xét xem ta đã khiếm khuyết cái gì. Sau khi biết, ta sẽ dễ dàng sửa chữa nó, và sau ta sẽ thấy ta xin việc dễ hơn trước nhiều. Ta đừng vội nản, và cho rằng Trời chẳng thương ta, hoặc sao số ta xui quá. Ta hãy phân tích xem ta đã làm theo những giai đoạn này chưa?

- Môn ta đang học, ta có thật thích nó không? Hay chỉ theo học vì nó có cái bề ngoài sang trọng, hoặc là học theo sở thích của cha mẹ muốn nó. Nếu không thật thích, sao ta có thể hết sức cố gắng, chuyên cần, để hiểu nó một cách tường tận được.

- Trong thời gian học, ta nên lợi dụng thời kỳ nghỉ hè, để xin vào làm công việc, giống như môn học của ta, để ta lấy kinh nghiệm, sau này khi tốt nghiệp ra ta dễ xin việc. Nếu có thể, hàng năm ta nên tập sự cùng một chỗ hay hơn, như vậy những nhân viên có kinh nghiệm trong sở, họ sẽ chỉ dẫn kinh nghiệm của họ cho ta một cách tường tận hơn.

- Sau khi đã áp dụng 1, 2 ở trên mà ta cũng không xin được việc, thì là vì khả năng hấp thụ sự hiểu biết của ta hơi yếu. Nhưng đừng vội thất vọng, hãy tiếp tục học những lớp huấn luyện thêm về môn đó, nếu ta còn có đủ điều kiện vật chất để tiếp tục, nếu thiếu điều kiện, ta hãy xin một công việc thấp hơn ( dù nó ít lương hơn nhiều), nhưng phải cùng giống môn học của ta, và ta vẫn phải tiếp tục học lớp huấn luyện.

Ta đừng bao giờ nản chí, như vậy sự thành công chắc chắn sẽ đến với ta.

(ST)