PDA

View Full Version : Thái Cực Quyền - Tạp Luận Vấn Đáp



ngochai
28-04-2012, 01:45 PM
LỢI ÍCH CỦA VIỆC LUYỆN TẬP THÁI CỰC QUYỀN

Ích lợi của việc luyện tập Thái Cực Quyền rất nhiều. Mỗi động tác của Thái Cực Quyền hầu như là sự vận động của toàn thân, làm cho mỗi bộ phận trong cơ thể có cơ hội hoạt động. Trong khi luyện tập cần có sự kết hợp động tác với hô hấp một cách tự nhiên, làm phát triển cơ quan hô hấp và gia tăng lượng hoạt động của phổi.

Lượng vận động tuy lớn nhưng không kịch liệt, làm cho huyết dịch tuần hoàn suôn sẻ, phát triển cơ năng tim, làm cho tim đập một cách hòa hoãn nhưng khỏe khoắn, làm giảm thiểu hiện tượng ứ máu và bệnh cứng động mạch. Đồng thời việc thay cũ đổi mới các tế bào (hiện tượng chuyển hóa) luôn luôn được xúc tiến, các phế vật trong cơ thể được bài trừ nhanh hơn. Sự luyện tập còn làm cho bao tử và ruột co thắt tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, làm giảm các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa (táo bón, đại tràng, đau bao tử… ). Nói chung cải thiện hệ thống tuần hoàn và hệ thống tiêu hóa trong cơ thể.

Tập luyện Thái Cực Quyền đòi hỏi “tâm tĩnh”. Việc nội liễm tinh thần và tập trung tinh thần là cách phát triển đại não rất tốt. Hơn nữa, trong sự vận động mà các động tác vốn dĩ đã phức tạp lại nối với nhau một cách hoàn chỉnh thì não phải làm việc hết mức và tập trung. Điều này là sự huấn luyện rất tốt đến trung khu thần kinh, tăng cường một cách tự nhiên- tác động điều tiết đối với các bộ máy sinh học toàn cơ thể, đặc biệt là hệ thống khí quản, làm gia tăng tính thích ứng của thân thể đối với ngoại giới. Như việc thích ứng với thời tiết nóng lạnh thất thường cũng như khả năng đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.

Cho nên, nếu kiên trì luyện tập Thái Cực Quyền thì sẽ đạt được mục đích cường thân kiện thể và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra luyện tập Thái Cực Quyền còn giúp ta rèn luyện được các phẩm cách tốt đẹp như: trầm tĩnh, thanh thảnh, kiên nghị, nhẫn nại, mẫn cảm và tập trung ý chí. Ngày nay, mục đích của chúng ta khi luyện tập Thái Cực Quyền không chỉ đơn thuần coi nó như một môn võ thuật, mà còn coi nó là một phương pháp rèn luyện thân thể, khu trừ bệnh tật, làm cho chúng ta luôn luôn giữ gìn tinh lực được sung túc.

ngochai
28-04-2012, 02:55 PM
ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA THÁI CỰC QUYỀN

Thái Cực Quyền là loại vận động đặc thù, không những khác với các môn thể thao thông thường mà ngay đến cả các môn quyền thuật khác nó cũng có phong cách riêng biệt. Sau đây xin được giới thiệu những đặc điểm chủ yếu.

1. Động tác mềm mại, nhu nhuyễn, buông lỏng, thong thả.

Thái Cực Quyền đòi hỏi người tập phải “dụng ý bất dụng lực”, không được gồng căng cứng các cơ, toàn thể các khớp xương phải lỏng, bất kỳ động tác nào cũng phải mềm mại, buông lỏng, thong thả, tốc độ không nhanh mà chậm rãi. Như quyền luận có nói: “vận kình như trừu ty”, “mại bộ như miêu hành”. Thời gian đi một bài quyền thường khá dài.

2. Động tác nào cũng là vận động toàn thân.

Ở một số môn thể thao, thường phân chia vận động của tay, vận động của chân… Một số môn quyền thuật cũng thế, trước là đấm một quyền sau là đá một cước… Nhưng luyện tập Thái Cực Quyền thì khác, Thái Cực Quyền đòi hỏi sự chuyển động của toàn thân thể, hễ động một thì không chỗ nào là không động, hễ tĩnh một thì không nơi nào không tĩnh.


“Nhất động vô hữu bất động. Nhất tĩnh vô hữu bất tĩnh.
Thượng hạ tương tùy, nội ngoại tương hợp.”

Nếu như luyện Thái Cực Quyền mà không luyện được toàn thân vận động, mà có bộ phận “đứng chết trân”, thì đó là một khiếm khuyết lớn.

3. Mỗi động tác cần được kết hợp với hô hấp một cách tự nhiên.

Có người hỏi rằng: trong khi tập luyện các loại vận động khác, có bao giờ ngừng hô hấp đâu? Tại sao Thái Cực Quyền lại cho hô hấp là một đặc điểm của mình?

Lý do như sau. Sự hô hấp trong Thái Cực Quyền là có quy luật, khi nào hít vào, khi nào thở ra đều được thực hiện nghiêm túc chứ không phải hít thở một cách tự nhiên mà bình thường người ta không chú ý tới, mà cũng không phải là miễn cưỡng gắng gượng dồn nén hơi thở. Sự hô hấp phải làm sao đạt được đến trạng thái: sâu, dài, đều, im, thoải mái tự nhiên. Đối với người mới học, chỉ cần hít thở bình thường tự nhiên là được rồi.

4. Khi vận động cần phải “tâm tĩnh”.

Tâm tĩnh tức là tâm thần an tĩnh, tinh thần nội liễm, không hoảng loạn, không hồ tư loạn tưởng … Điều này làm cho vỏ ngoài đại não êm dịu lại một cách từ từ, tuyệt đại bộ phận bị đi vào trạng thái khống chế - tức là có dịp được nghỉ ngơi. Ngoài ra, lượng hô hấp tăng nhiều, huyết dịch tuần hoàn mau chóng, giúp cho đại não thu được nhiều dưỡng liệu và dưỡng khí, điều này có tác dụng rất tốt đối với việc nâng cao và tăng trưởng cơ năng, và mức độ làm khỏe mạnh bộ phận cao cấp của hệ thống trung khu thần kinh. Năng lực hoạt động của trung khu thần kinh được mạnh mẽ thì có ảnh hưởng tốt đến hoạt động điều tiết, sự phối hợp hoạt động của các hệ thống khí quan trong cơ thể. Do đó, có thể khẳng định, yêu cầu “tĩnh tâm” của Thái Cực Quyền có cơ sở sinh lý học vững chãi và cũng là đặc điểm quan trọng nhất của Thái Cực Quyền.

ngochai
30-04-2012, 12:12 PM
LUYỆN GIÁ TỬ VÀ ĐÒI HỎI CHÍNH XÁC TRONG CÁC TƯ THỨC

Gọi là luyện giá tử khi ta đi liên tiếp từ thức này sang thức kia theo một thứ tự nhất định của bài quyền. Luyện giá tử còn gọi là bàn giá tử. Giá tử còn gọi là giá thức hay tư thức.

Tập các động tác tư thức phải chính xác vì mỗi động tác của Thái Cực Quyền là sự vận động toàn thân, tức là mọi phần cơ thể đều hoạt động, phối hợp nhịp nhàng. Thường người mới học khó làm đúng yêu cầu này. Nên nhớ, bất kỳ động tác nào của Thái Cực Quyền cũng là động tác đồng thời toàn thân, không được có một bộ phận nào của cơ thể bị ngưng trệ. Hơn nữa, tư thức bài quyền còn phải đi cho đẹp. Động tác của tay đi theo đường tròn hoặc đường cung. Điều này người mới học cũng thấy khó làm. Như vậy, các động tác tư thức phải chính xác thì mới có lợi ích cho thân thể và thể hiện được vẻ mỹ quan và sự mực thước của Thái Cực Quyền.

Để thực hiện được các động tác một cách chuẩn xác, đạt được "tận thiện tận mỹ", người mới học Thái Cực Quyền cần lưu ý hai vấn đề sau đây.

1. Tiến độ luyện tập không được quá nhanh.

Người mới học thường bị tính hiếu kỳ thúc đẩy, chỉ cố ý ham học cái mới mà không ôn luyện cái cũ và thường biện minh là “học hết bài quyền trước rồi sẽ sửa tư thức sau”, mà kỳ thực học xong bài quyền rồi, sự lầm lẫn giữa nội dung và hình thức của tư thức đã định hình (tật), lúc đó sửa chữa lại mới thật là khó.

Ngược lại, nếu học chậm, học hết một thức rồi tới thức khác, làm sao cho đến mức cổ nhân nói “chiêu chiêu đắc pháp, thức thức chính xác”, thì cơ sở quyền thuật mới vững chắc, công phu tự nhiên thành thục.

2. Luyện tập thường xuyên.

Học xong một bài quyền rồi, phải luyện tập thường xuyên và dốc lòng nghiên cứu, tự mình thể hiện yếu lý của mỗi động tác, thì mới diễn quyền ngày một chính xác. Điều này không những nâng cao chất lượng vận động mà còn nuôi dưỡng được tập quán (phản xạ) ứng biến chậm lẹ. Nếu kém sức khỏe, tiến độ tập luyện chậm thì cũng không nên lấy đó làm tự ti. Cổ nhân nói câu “Công phu bất khuy thân” (công phu không phụ lòng người), ý nói gắng gượng được phần sức nào thì được bấy nhiêu phần hiệu quả. Chỉ có hằng tâm, không lười biếng thì nhất định sẽ thành công.

ngochai
07-05-2012, 12:20 PM
TÁC DỤNG VÀ Ý NGHĨA CỦA HÍT THỞ-HÔ HẤP TRONG THÁI CỰC QUYỀN

Sự hô hấp có tính quy luật trong khi vận động là một đặc điểm chủ yếu của Thái Cực Quyền. Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, trước hết cần phải nói rõ hai vấn đề chính: ảnh hưởng của hô hấp (hít thở) đối với sức khỏe; sự quan trọng của hô hấp trong Thái Cực Quyền.

1. Hô hấp là hai phương diện hút thu dưỡng khí và thở ra thán khí của cơ thể.

Dưỡng khí được hít vào càng nhiều, ích lợi cho cơ thể càng tăng. Do đó, trong khi vận động, sự gia tăng dung lượng khí trao đổi do hô hấp chính là một vấn đề then chốt. Trong lúc chúng ta đang ở trạng thái tương đối an tĩnh, thì mỗi phút số lần hô hấp ước chừng 16 đến 18 lần. Nhờ hô hấp mà dung lượng khí trao đổi ước chừng 350 cm3. Dung lượng này trong trạng thái tương đối an tĩnh không phải luôn luôn đủ dùng. Bởi vì trong lúc chúng ta lao động cơ bắp hoặc vận động thân thể, không phải chỉ cần hấp thụ nhiều dưỡng khí, mà cả đến sự oxy hóa và sự phân giải của oxygen cũng gia tăng rất nhiều, dung lượng trao đổi trong cả hai buồng phổi có thể tăng lên đến 1200 cm3. Do đó, việc lao động cơ bắp và vận động thể dục có tương quan với việc nâng cao lượng trao đổi khí ở phổi, nghĩa là làm thể chất khỏe mạnh, có tác dụng rất quan trọng.

2. Luyện tập Thái Cực Quyền đòi hỏi phải kết hợp động tác với hô hấp.

Sự đòi hỏi này là thỏa đáng. Vì sao? Bởi vì Thái Cực Quyền nắm được cái chìa khóa quan trọng mở được cánh cửa đi vào sức mạnh của thể chất. Nội dung của chìa khóa đó nằm trong 3 khía cạnh sau đây.

a. Rèn luyện cơ hô hấp, gia tăng hoạt lượng của phổi (Phế hoạt lượng).

Cơ hô hấp bao gồm luôn các bắp thịt của các bộ phận mạng ngực (hoành cách mô) và hai cơ sườn. Mạng ngực co rút lại khiến cho xoang ngực nở lớn ra, cơ ở giữa hai sườn (tầng ngoài) co rút lại làm cho khoang ngực nở to ra. Như vậy, xoang ngực nở lớn làm cho phổi nở nang, dung lượng khí trao đổi tự nhiên tăng.

Phế hoạt lượng là gì? Khi ta hít vào một cách đầy đủ, rồi lại thở hết hơi ấy ra, thì lượng khí mà phổi đã dung nạp ấy gọi là Phế hoạt lượng. Phế hoạt lượng có thể gia tăng nhờ luyện tập. Về mặt biểu khán, động tác Thái Cực Quyền thoạt trông thì chậm chạp, nhưng lượng vận động lại không ít, do đó cũng làm gia tăng lượng khí trao đổi khi hô hấp. Điểm nổi bật của Thái Cực Quyền trong hô hấp là ở chỗ thay đổi một cách có ý thức số lần hô hấp và mở rộng phế hoạt lượng, làm cho động tác (vận động) và hô hấp có sự phối hợp nhịp nhàng. Hơn nữa, phải hô hấp cho đúng cách: sâu, dài, đều, im (thâm-trường-quân-tĩnh). Cứ luyện tập bền bỉ như vậy, thì tự nhiên phát triển được cơ hô hấp, gia tăng được phế hoạt lượng. Sự phát triển và gia tăng này có tác dụng rất tốt đối với sự cải tiến cơ năng và tình trạng lành mạnh của khí quan hô hấp.

b. Đạt đến mức “hấp khí dưỡng thần”.

Thần chính là hệ thống thần kinh, đúng hơn nữa là hệ thống thần kinh cao cấp đó chính là não bộ. Khi vận động, do yêu cầu của vận động Thái Cực Quyền, mà nhu cầu về dưỡng khí tương đối nhiều. Luyện tập Thái Cực Quyền đòi hỏi nâng cao dung lượng khí trao đổi của phổi một cách có ý thức. Trên thực tế, lượng dưỡng khí tu vào này lớn hơn mức đòi hỏi cần thiết của cơ thể, do đó các bộ phận trong cơ thể - nhất là não – hấp thụ dưỡng khí một cách sung túc, làm cho thần khí thanh sảng (tinh thần, ý chí trong lành và khoan khoái). Như vậy chính là đạt được mục đích “hấp khí dưỡng thần”.

Mặt khác, khi luyện tập Thái Cực Quyền còn phải đạt được yêu cầu “động trung cầu tĩnh”. Tĩnh là làm cho các bộ phận của cơ thể, nhất là não bộ, trở nên êm đềm, yên ấm, làm cho tốc độ chuyển hóa không quá nhanh, lượng tiêu hao cũng có thể giảm thiểu. Đồng thời, do ảnh hưởng của phương thức vận động đặc thù trong Thái Cực Quyền, tốc độ tuần hoàn của máu tăng nhanh, làm cho các bộ phận của cơ thể-nhất là não bộ-hấp thụ dưỡng liệu và ôxy nhiều hơn, chất dinh dưỡng và ôxy trong cơ thể bị tiêu hao ít hơn, điều này rõ ràng làm cải thiện trạng huống của thể chất. Đồng thời trong lúc vận động, đại bộ phận trong lớp vỏ ngoài của đại não bị đặt trong trạng thái ức chế, do đó đại não có cơ hội nghỉ ngơi rất bổ ích-đây là bước đưa đến dưỡng thần. Kết quả đạt được dưỡng thần trong phương thức này so với các cách nghỉ ngơi thông thường khác là cao hơn rất nhiều, bởi vì kết quả ấy thu lượm do ở sự phát triển các tác dụng tích cực của sự vận động. Phàm những bệnh tật nào liên quan đến hệ thần kinh sẽ chuyển biến tốt đẹp một cách từ từ, như các bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ, huyết áp cao… sẽ dần dần biến mất nhờ tập luyện Thái Cực Quyền.

c. Tiêu trừ sự ứ huyết trong cơ thể, xúc tiến sự tuần hoàn của máu.

Thực hiện hô hấp và vận động một cách nhịp nhàng cũng có thể gia tăng sự hồi lưu của tĩnh mạch. Ví như lúc hít vào, dung tích của lồng ngực lớn ra, áp suất nội bộ tăng cao, kết quả là áp lực trong tĩnh mạch ở xoang trên dưới giảm bớt, sự hồi lưu của tĩnh mạch nhanh hơn. Trong quá trình luyện tập Thái Cực Quyền, điểm này biểu hiện rất rõ rệt. Trong khi luyện tập Thái Cực Quyền, toàn thân buông lỏng không căng thẳng, hơn nữa lại kết hợp giữa hô hấp và vận động một cách có ý thức, như thế làm cho hô hấp thuận theo tự nhiên. Hiệu quả với hô hấp sẽ gia tăng, nói cách khác, chính là sự tuần hoàn của máu và chất bạch huyết tăng nhanh hơn một cách tốt đẹp.

Ngoài ra trong Thái Cực Quyền còn yêu cầu hô hấp phải sâu, phải đạt được “khí trầm đan điền” nữa-đây chính là một loại hô hấp bằng hoành cách mô. Phương thức hô hấp này, trên bình diện y lý và dưỡng sinh có tác dụng hữu ích. Sự co rút và dãn nở của các hoành cách và các cơ bụng làm cho áp lực trên bụng không ngừng thay đổi. Lúc phúc-áp tăng cao, tĩnh mạch xoang bụng chịu tác dụng của áp lực sẽ đem máu về tâm-thất phải; ngược lại, lúc phúc-áp giảm thiểu, máu lại đi về xoang bụng. Như vậy là cải thiện trạng huống tuần hoàn của máu. Thêm vào đó, sự vận động của hoành cách mô làm cho gan được được xoa bóp, làm tiêu trừ sự ứ huyết ở gan.

Cho nên, sự kết hợp hô hấp với vận động của Thái Cực Quyền có một ý nghĩa dưỡng sinh rất rõ rệt và chắc chắn.

ngochai
16-05-2012, 01:24 PM
MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ LUYỆN TẬP THÁI CỰC QUYỀN

Luyện tập Thái Cực Quyền có những ích lợi như vậy, thế thì có phải ai cũng có thể tập nó chăng?

Ðúng vậy, hễ là người bình thường (không kể tuổi tác, gái trai) đều có thể tập (nhưng đối với người bệnh thì khác, như bệnh lạc huyết, bệnh tim ở thời kỳ nghiêm trọng). Còn như trẻ em khỏe mạnh mà tập thì cũng không có gì trở ngại. Ðây chính là tính cách phổ biến của Thái Cực Quyền vì nó thích nghi với mọi người có thể chất, thể lực khác nhau. Chẳng qua, các huấn luyện viên cần chú ý đến trạng huống sức khỏe của người học mà tùy nghi dạy quyền, như về mặt thời gian dài ngắn, số lượng động tác nhiều ít, vv… Ðó là tùy người mà dạy và dạy một cách linh động. Những lúc luyện tập một mình cũng nên chú ý đến điểm này.

Giới người thích nghi nhất với việc tập Thái Cực Quyền, có thể chia ra như sau:

1. Từ trung niên đến lão niên, những ai không thể hoặc không muốn tập các môn vận động khác.

2. Thể chất suy nhược hoặc có bịnh mạn tính, như huyết áp quá cao, viêm khớp xương có tính phong thấp, phổi mới kết hạch, thần kinh suy nhược, cho đến bệnh kinh nguyệt không đều hòa ở phụ nữ (Tốt nhất là nên đi khám bác sĩ xem tình trạng sức khỏe).

3. Công chức, giáo sư, y sĩ, trí thức ... Giới này vốn có nếp sinh hoạt an tĩnh, không ham thích những vận động kịch liệt (dữ dội), nên rất dễ thích nghi với việc tập TCQ.

4. Các bà các cô nội trợ, bất luận trung niên hoặc lão niên, đều có thể tập TCQ.

Như vậy giới thanh niên không thích hợp ới TCQ chăng? Căn cứ vào giá trị và hiệu dụng của sự vận động TCQ, thì không có gì là không thích hợp cả. Nhưng căn cứ vào đặc điểm của sự vận động của TCQ là mềm mại, hòa hoãn cùng với tính cách của thanh niên thì không thích hợp lắm; bởi vì thể chất và thể lực của thanh niên phát triển rất nhanh, thanh niên thường có tính hiếu động, ham thích những vận động kịch liệt như điền kinh, các bộ môn bóng, hoặc các môn quyền thuật và khí giới khác. Nhưng nếu giới thanh niên có người thấy hứng thú việc tập TCQ thì dĩ nhiên là vô hại.

Có người cho rằng TCQ chỉ là một hình thức trị liệu đối với những người suy nhược vì bệnh. Ðiều này không đúng. Trên thực tế, chúng ta thấy rất nhiều người không bệnh hoạn mà tập TCQ thì tinh lực của họ vượng hơn, thịnh hơn, lòng dạ cởi mở tươi tắn hơn. Như vậy, môn quyền thuật này không phải dành cho những người bệnh nhược, mà đối với người không bệnh cũng có tác dụng dưỡng thân không kém.

ngochai
16-05-2012, 01:38 PM
CÁC HỆ PHÁI THÁI CỰC QUYỀN VÀ ĐẶC ĐIỂM

Các hệ phái TCQ rất phức tạp. Nếu lấy sự lớn nhỏ của chiêu-thức (dáng, hình thức di quyền) mà phân biệt thì có thể chia làm ba phái chính. Nếu căn cứ vào nội dung quyền thức và nguồn gốc khác nhau thì có thể chia làm bảy nhà.

I. Ba Hệ Phái

1. Ðại Giá Thức:

Do Dương Trừng Phủ làm đại biểu. Loại quyền giá này được truyền thụ bởi cha ông là Dương Kiện Hầu, và đến ông thì có sửa đổi lại đôi chút. Quyền thức mở rộng, nhẹ nhàng, trầm trọng (trầm ổn), thường gọi là Dưong phái.

2. Trung Giá Thức:

Do Ngô Giám Tuyền làm đại biểu. Giá thức không lớn không nhỏ (không rộng, không hẹp) mà vừa vừa, nổi bật ở sự nhu hóa. Nguồn gốc của loại quyền giá này như sau: Cha của Ngô Giám Tuyền là Ngô Toàn Hựu, đầu tiên học đại giá thức với Dương Lộ Thiền, rồi lại học tiểu giá thức với Dương Ban Hầu (con của Dương Lộ Thiền), và truyền cả hai môn này lại cho con mình là Ngô Giám Tuyền. Giám Tuyền bèn dung hợp chiết trung, tự mình thành một phái, gọi là Ngô phái.

3. Tiểu Giá Thức:

Do Vũ Vũ Tương làm đại biểu. Họ Vũ vốn người huyện Vĩnh Niên, phủ Quảng Bình, Tỉnh Trực Lệ, đến Ôn Châu Hà Nam, theo học với Trần Thanh Bình. Học được bộ thứ hai của tân giá tử, rồi tự mình cải tiến. Quyền thức khéo léo, khít khao, kín đáo, thân pháp thì thấp. Tự dựng thành một phái, gọi là Vũ phái.

I. Bảy Nhà Giá Thức

1. Trần gia Lão Giá:

Quyền phổ nhà họ Trần. Truyền bởi Trần Trường Hưng thuộc Trần Gia Câu, Ôn Châu, Hà Nam. Quyền thức là đại giá thức của lão giá nhà họ Trần.

2. Trần gia Tân Giá:

Truyền bởi Trần Hữu Bản của Trần Gia Câu, quyền thức thuộc bộ đầu trong tân giá của nhà họ Trần, cũng thuộc đại giá.

3. Trần gia Tiểu Giá:

Truyền bởi Trần Thanh Bình ở làng Siêu Bảo (gần Trần Gia Câu), quyền thức thuộc bộ thứ hai trong tân giá của nhà họ Trần, thuộc tiểu giá.

4. Dương gia Ðại Giá:

Truyền bởi Dương Trừng Phủ (Hà Bắc). Ông nội của Dương Trừng Phủ là Dương Lộ Thiền, vào khoảng các năm Hàm Phong đời vua Văn Tông triều Thanh (tức là từ 1851 trở đi), đem TCQ đến Hà Bắc, sau đó cha con Dương Kiện Hầu, Dương Trừng Phủ cải tiến mà thành.

5. Vũ gia Tiểu Giá:

Truyền bởi Vũ Vũ Tương, người huyện Vỉnh Niên, sau truyền cho Hác Vi Trinh và ông này đem truyền ở Bắc Kinh.

6. Ngô gia Trung Giá:

Do cha con Ngô Toàn Hựu, Ngô Giám tuyền truyền bá, như đã nói trên.

7. Tôn gia Tiểu Giá:

Truyền bởi Tôn Lộc Ðường (Bắc Kinh), họ Tôn học với Hác Vi Trinh rồi cải tiến, tự dựng thành một nhà.

Những điều trình bày ở trên chỉ cứ vào các tài liệu đích thực và xác thực, và phân biệt một cách đại cương thành ba phái bảy nhà; còn nếu muốn phân biệt tường tận hơn thì vấn đề rất phức tạp, nhà nào cũng có ưu điểm riêng, người học tùy theo thể chất, tuổi tác và sở thích mà chọn lựa cho mình.

ngochai
17-05-2012, 05:59 PM
Ý NGHĨA HAI CHỮ “THÁI CỰC” TRONG THÁI CỰC QUYỀN

Tại sao môn quyền thuật này được gọi là Thái Cực Quyền?

Trước hết chúng ta hãy lý giải "khởi nguyên"" và ý nghĩa của hai chữ "Thái Cực". Thái Cực là danh từ được dùng đầu tiên ở kinh Dịch. Quyển kinh này quan niệm rằng lúc Trời Ðất chưa hình thành là Thái Cực (còn gọi là Thái Sơ, Thái Nhất nữa). Sau đến đời nhà Tống, có Chu Ðôn Di vẽ ra một bức Thái Cực đồ, có thuyết minh kỹ càng, nhằm giải thích ý nghĩa hàm ngụ và sự biến hóa phát triển của ý niệm Thái Cực. Nghĩa đen của hai chữ Thái Cực: Thái là lớn lao, Cực là trạng thái ban sơ hoặc cao cấp nhất của sự vật. Bởi vì ngày xưa không có ai biết vũ trụ, lúc quả đất chưa xuất hiện, thực sự như thế nào, thời gian ấy dài bao nhiêu triệu năm? cho nên cổ nhân mới đành đặt gọi cái vũ trụ lúc bấy giờ là Thái Cực, hoặc là Vô Cực. Trong Thái Cực đồ khuyết của Chu Ðôn Di, câu đầu tiên là "Vô Cực Nhi Thái Cực" (Nhi ở đây có nghĩa "tức là", nghĩa là Vô Cực tức là Thái Cực, chứ không phải là từ Vô Cực mà sinh ra Thái Cực). Ý niệm này còn được mô tả trong câu "Thái Cực bản Vô Cực" (Thái Cực vốn là Vô Cực).

Do đó, việc mệnh danh môn TCQ có nguồn gốc nhất định. Chúng ta có thể biện giải một cách giản đơn như sau: mỗi động tác của TCQ đều đi theo đường tròn giống như là các đường tròn được biểu thị trong Thái Cực dồ. Trong các động tác đường tròn này có chứa rất nhiều sự biến hóa, như hư thực, động tĩnh, cương nhu, tấn thối, vv... Luyện TCQ, ta thấy các ý niệm động trung cầu tĩnh, tĩnh trung cầu động, dụng ý bất dụng lực, giống như điều thường gọi là vô trung sinh hữu (thực ra không phải là từ không mà sinh ra có, mà là "cái không" phát triển dần dần thành "cái có", giống như cái lẽ Vô Cực mà Thái Cực). Ðộng tác trong TCQ, từ khai thức đến thâu thức hoàn toàn liên tục, không một chổ nào đứt đoạn, giống như một vòng tròn hoàn chỉnh, không thể tìm được đầu mối; đó chính là cái lẽ "Thái Cực vốn là Vô Cực".

ngochai
17-05-2012, 06:28 PM
SO SÁNH THÁI CỰC QUYỀN GIẢN HÓA VÀ THÁI CỰC QUYỀN NGUYÊN HỮU

TCQ giản hóa giống TCQ nguyên hữu ở các điểm sau:

1. Tương đồng về phương diện động tác tư thức , tức là có cùng cơ bản với TCQ nguyên hữu, vì TCQ giản hóa chủ yếu được rút từ giá tử của Dương Trừng Phủ.

2. Tương đồng về nguyên tắc: vận động (như trầm kiên trụy trửu, hàm hung bạt bối); yêu cầu về tâm lý (như tinh thần nội liễm, tư tưởng tập trung); yếu điểm-yếu quyết của động tác (như thượng hạ tương tùy, phân thanh hư thực).

3. Tương đồng về phương diện rèn luyện thân thể và nâng cao mức độ khỏe khoắn (cũng có cùng hiệu quả).

Các điểm khác nhau như sau:

a.Phương diện động tác:
TCQ giản hóa:Tự giản đến phồn, trước dễ sau khó.
TCQ nguyên hữu:Từ phồn đến giản, trước khó sau dễ.

b.Phương diện tư thức
TCQ giản hóa: Lặp lại ít.
TCQ nguyên hữu: Lặp lại nhiều.

c.Phương diện học tập
TCQ giản hóa: Động tác tư thức rõ ràng phù hợp với người mới học hoặc tự học.
TCQ nguyên hữu: Động tác tư thức phức tạp và khó hơn; thích hợp cho người có căn bản võ thuật, hoặc người sành về TCQ giản hóa.

d.Toàn bộ quyền lộ
TCQ giản hóa: Ngắn, cả thảy có 2 lần tới lui.
TCQ nguyên hữu: Dài, cả thảy có 5 lần tới lui.

Phụ chú: Cách so sánh nêu trên chỉ tương đối, chưa mang tính kỹ thuật chuyên sâu.

ngochai
19-05-2012, 12:59 PM
NHỮNG KHÓ KHĂN KHI HỌC THÁI CỰC QUYỀN

Có Người bảo rằng TCQ rất là khó học! Ðâu là những khó khăn chính? Làm thế nào để khắc phục?

Vấn đề TCQ khó hay dễ học, mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Một số người bảo rằng nó tương đối khó học; nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu, cái khó khăn nhiều khi khó diễn tả. Nhưng một số khác cho rằng, TCQ không khó khăn như vậy, tức là tuy có khó khăn nhưng vẫn có thể khắc phục được.

Như đã nói trên, TCQ có phong cách và đặc điểm riêng, mà những đặc điểm này người ta ít khi gặp, hay thực hành trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó khi họ làm những động tác của TCQ, họ thấy không quen thuộc.

Chúng ta có thể cho vài thí dụ để làm sáng tỏ điểm này như sau:

1. Bình thường, khi ta tập những động tác thể dục thể thao, hơn phân nửa các động tác là vận động cục bộ, vận động theo đường thẳng. trong khi đó, mỗi động tác của TCQ là vận động toàn thân, vận động đường tròn; cho nên người mới học, khi tập luyện, nếu chú ý tay trái thì lại quên mất tay phải, nếu chú ý hai tay thì lại quên mất hai chân. Chính vì phải chú ý đến toàn diện thân thể và lại thêm thực hiện động tác đường tròn nên mới sinh ra cảm tưởng khó khăn.

2. Lúc bình thường, ta đứng trên hai chân, trọng lượng của toàn thân do hai chân chia nhau gánh chịu, nhưng khi đi quyền, hai chân phải phân thanh hư thực (hư thực phân minh), thường là một chân đứng gập gối chịu đựng trọng lượng của toàn thân, còn chân kia biến thành hư bộ. Ðây cũng không phải là thói quen của người mới tập TCQ.

3. Bình thường chúng ta hít thở rất tự nhiên, không hề thấy khó khăn gì, nhưng trong khi luyện TCQ, hơi thở phải phối hợp đều đều với động tác. Ðiều này đối với người mới học cũng là khó.

Thế nhưng, cần phải nói rõ là chẳng có gì lạ nếu người mới học gặp những khó khăn nêu trên trong thời gian luyện quyền, và về sau những khó khăn này sẽ từ từ biến mất.

Làm thế nào giúp cho người mới học khắc phục khó khăn?

Về mặt này, huấn luyện viên nên tùy học viên mà ấn định giáo trình và phương pháp chỉ dạy, và trong khi dạy quyền không nên nói một cách cưởng điệu hóa và khoa trương những khó khăn, để tránh cho học viên tránh khỏi tâm trạng lo lắng. Ðối với từng tư thức hoặc động tác, nên chia thành đoạn mà dạy, còn về việc kết hợp hô hấp với động tác, không nên đòi hỏi nhiều ở người học để làm tăng thêm lòng tin tưởng tập luyện của họ.

Về phần người học TCQ, phải dốc lòng mà học tập, phải cẩn thận ghi nhớ mỗi động tác, mỗi tư thức và tập đi tập lại nhiều lần. Chứ nên mong mỏi thành công nhanh chóng hoặc nửa chừng thấy khó mà bỏ bê (bán đồ nhi phế). Cần nhớ là lúc mới học bao giờ cũng khó, nhưng sau giai đoạn nhập môn rồi, nắm được quy luật nguyên lý TCQ rồi, dần dần mới thể nghiệm được sự kỳ diệu của trạng thái viên hoạt khinh linh do môn quyền thuật này đem lại.