PDA

View Full Version : Kinh Dịch - Triết Lý Nhân Sinh Quan Trong Cuộc Sống



ngochai
02-05-2012, 01:50 PM
Một ngày nắng đẹp tiết Thanh Minh, Sài Gòn rực rỡ nắng vàng, ngochai qua thăm nhà Thiều lão gia. Bên ấm trà đậm hương vị miền Bắc đang tỏa hương trên những chén trà “hạt mít”, theo đúng cách mà cổ nhân vẫn gọi là “trà dư tửu hậu”, tôi hỏi Thiều lão gia về các vấn đề liên quan tới “Triết lý nhân sinh quan trong ý nghĩa các quẻ Dịch” trong cuốn Kinh Dịch.

Vốn là người yêu thích Kinh Dịch, tôi cũng đang “tọc mạch” tìm hiểu cái món Kinh Dịch này-cuốn sách mà sau một thời gian tìm hiểu, tôi thấy mình đọc xong cuốn sách mà chẳng hiểu gì. Nghe giang hồ đồn đại, tôi mới biết rằng Thiều lão gia đã chuyên tâm tìm hiểu và nghiên cứu Kinh Dịch một thời gian dài, thế là khi tới nơi, tôi liền hỏi Thiều lão gia về các vấn đề liên quan tới cái món Kinh Dịch này. Sau vài tuần trà, Thiều lão gia chia sẻ các vấn đề liên quan tới Kinh Dịch (lịch sử hình thành, xuất xứ…) và các nội dung cũng như ảnh hưởng, ứng dụng rộng rãi của Kinh Dịch trong lịch sử và trong đời sống nhân sinh.

Nhận thấy giá trị Triết học thiết thực của Kinh Dịch, ngochai mạo muội đưa lên diễn đàn ngõ hầu chia sẻ một góc nhìn về chủ đề này. Nội dung các bài viết được ngochai ghi nhận chủ yếu từ những nhận định và gợi ý của Thiều lão gia, trên cơ sở đó thu thập và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để tạo thành bài viết hoàn chỉnh.

Trân trọng.

ngochai

ngochai
02-05-2012, 01:55 PM
MỞ ĐẦU

Danh từ Kinh Dịch vốn đã sớm trở thành thần thoại trong tâm mục nhiều người. Tuy vậy, hiếm người hiểu rõ nội dung của nó thế nào, nên nó mới thành ra môn tuyệt học. Thực ra môn Triết học này có thể nói là bộ kinh điển rất cổ của Đông phương, nội dung đề xuất mọi vấn đề liên quan đến vũ trụ, nhân sinh, tinh thần, vật chất, tìm tòi nguyên lý, diễn dịch phép tắc… Quả là trong-ngoài, thô-nhuyễn không gì không đầy đủ, vừa làm mực thước cho đời cổ lại vừa làm chuẩn tắc cho đời nay. Nhỏ thì một sự vật như chân tơ kẽ tóc cũng đều sắp đặt rõ ràng có chỗ có nơi, lớn thì đạo lý trị quốc gia thiên hạ, không gì không tìm thấy nguyên tắc chỉ đạo từ Dịch lý. Cũng vì lẽ “Thái Cực Âm Dương” được giảng trong Kinh Dịch mà bộ kinh này dễ bị hiểu lầm là học thuyết tông giáo, thậm chí bị gán cho là “mê tín dị đoan”. Thực ra, Thái Cực chỉ là giả định để thuyết minh khởi điểm của vũ trụ, còn Âm Dương là giả định hai thứ tượng trưng trái nghịch đối đãi nhau, chứ chẳng thần bí gì cả. Còn như người xưa dùng Dịch lý diễn thành Bốc Phệ (bói toán), xét ra có phần nào mê tín thì đó chỉ là do trong thời đại Thần quyền mượn bói toán để giúp cho việc chính trị giáo hóa. Dịch học là Đạo mà Bốc Phệ là Thuật để hành Đạo, không thể vì Thuật ấy gần mê tín mà liên đới mạt sát, sổ toẹt cái Đạo của Dịch học. Với lại, lật xem Kinh Dịch sẽ thấy lời lời đều có tôn chỉ, từ đấy “trí tri” ra mọi sự, mọi vật… Quả là một môn học thực dụng không ngờ gì nữa.

Tuy vậy, muốn hiểu Dịch học là dù tương đối, ít nhất cũng cần có trình độ giáo dục bậc trung, có hiểu biết cơ bàn về Quốc học và Hán học; đọc và hiểu kinh văn thì mới đẩy và mở được cánh cổng lớn Dịch học.

Thật ra, những vi ngôn diệu chỉ của Dịch học đều đầy rẫy khắp nơi khắp chốn, thể hiện nơi từng thể hiện nhỏ nhặt tầm thường diễn ra hàng ngày. Sở dĩ khó hiểu là tại văn tự cổ xưa và các nhà nghiên cứu Dịch học các đời chú thích rắc rối, phân tích chi li từng câu, từng lời, luận bàn ý nghĩa vụn vãnh, kiến nhân kiến trí lắm chỗ khác nhau, thành thử người mới tiếp cận Dịch học không biết đâu mà lần.

Trân trọng.

ngochai (ghi)

ngochai
02-05-2012, 02:16 PM
Ý nghĩa của quẻ ĐẠI HỮU trong Kinh Dịch.

Khi đạt được những thành tựu nhât định, không nên tự mãn, không nên kiêu ngạo.


Quẻ Đại Hữu có cấu trúc: Ly trên, Càn (Kiền) dưới. Ngày xưa, được mùa lớn thì gọi là “Hữu”, năm được mùa lớn thì gọi là “Đại Hữu”. Ý nói là việc có thành tựu, có thành công.

Luận: Chung sức với người tất được vật về, do đó là Đại Hữu. Đoàn kết với người thì được vạn vật và mọi người cảm mến mà nghe theo, sau đó thì thu hoạch lớn. Do đó, ở đây ta có thể hiểu Đại Hữu là sự nghiệp, công việc đã thành công (lớn).

Những ý nghĩa mà quẻ Đại Hữu gợi ý với chúng ta thật rõ ràng, tức nói về thành công và những phép tắc cần lưu ý khi đạt thành công. Cần đạt tới đoàn kết với sự cảm thông và tấm lòng rộng mở sẽ mang lại đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, do vậy sẽ có sức mạnh to lớn. (Phần này các bậc Tiên Sư nhắc nhở rất rõ sự cẩn trọng khi mỗi người đã đạt được những thành tựu lớn-Đại Hữu, huống hồ những kẻ hậu học như chúng ta đôi khi chỉ đạt được những thành tựu nhỏ nhoi thôi mà dường như đã vội quên lời dạy chí tình, chí nghĩa, chí lý này-NV)

Nghĩa: Đại Hữu sau khi thành công, phải biết thế nào là đủ đầy? Biết thế nào là khiêm tốn tự kiềm chế? Biết thế nào là “nhân sinh lý lẽ” trong cuộc sống?

1. Đối với mỗi cá nhân, sau khi thành công (dù lớn, dù nhỏ) vẫn phải như thời kỳ gian khổ phấn đấu, lo lắng cẩn thận, cần cù không nghỉ, như vậy mới bảo vệ và giữ gìn được thành quả. Vì rằng, thành công dễ làm đắc ý, đắc ý thì thiếu sáng suốt để phân định ngay gian, trước sau, hưng suy. Khi có chút thành tựu, sai lầm mà người ta dễ mắc là kiêu ngạo tự mãn. Mà sự việc thì không bao giờ bất biến, thành công thì không phải chỉ một lần thành công là thụ hưởng đời đời. Phát triển thành công, rất có thể thất bại. Do vậy, thành công đã khó, giữ được thành công càng khó hơn. Mà muốn bảo vệ thành công phải tránh kiêu ngạo, nóng vội, giữ vững tác phong chăm chỉ cần cù, phấn đấu gian khổ không ngừng. Thành công nhiều quá chưa hẳn đã là chuyện hay, huống hồ những thắng lợi này chưa hề được củng cố, không được vênh váo mà phải tiếp tục phấn đấu gian khổ.

2. Đại Hữu khi thành công, dù có thế nào, cũng phải bám chắc mục tiêu, bám chắc vào chính nghĩa, kiên trì thuần chính, ổn thỏa, chu đáo (giống như xe lớn chở đồ vật, đắc trung đắc chính, không thất bại, vững chắc không lung lay nghiêng ngửa). Đây là lời nhắc nhở chân thành - của các bậc Tiên Sư - cho những ai nghĩ rằng sau khi thành công, thanh danh và quyền thế to lớn, có thể quyết định tùy tiện, xằng bậy càn rỡ. Trong xã hội bây giờ thấy không ít những người như vậy.

3. Khi đạt được Đại Hữu, muốn bảo vệ thành công của mình, mỗi cá nhân cần thực hiện phương châm và lối sống “chiêu hiền đãi sỹ, xa rời tiểu nhân, gần người quân tử”. Thời điểm đạt được thành công (gồm cả trường hợp đạt được thành công nhỏ nhoi), người ta dễ mất cảnh giác với bản thân và với người khác, tiểu nhân và kẻ xấu thừa cơ tiếp cận thâm nhập, gây hại, xúc xiểm.

4. Cá nhân khi đạt được thành tựu nhất định càng phải thận trọng khiêm tốn, biết tự kiềm chế, không tham lam vô độ, không làm bậy làm xằng, chỉ như vậy mới “không có lỗi”. Bất kể sự vật nào, khi phát triển lớn mạnh đến đỉnh cao là đang thai nghén sự khủng hoảng. Nếu không biết tự kiềm chế, cảnh giác với thói kiêu ngạo, thì sẽ khó tránh khỏi thất bại trong tương lai.

5. Đối với mỗi cá nhân khi đạt được thành công, để giữ vững thắng lợi phải lấy thành tín làm gốc. Cá nhân đó cần đối xử với các bằng hữu bằng lòng chân thành, tin cậy lẫn nhau.

6. Khi Đại Hữu thành công, mỗi người phải biết tri túc, giữ vững phẩm chất khiêm tốn, cẩn thận, phấn đấu gian khổ, giữ vững thành công, phát triển tiến bộ,… như vậy mới phù hợp với phép tắc của tự nhiên, mới không làm hỏng những thành tựu mà mình đã đạt được.

ngochai
05-05-2012, 11:59 AM
Ý nghĩa của quẻ KHUÊ trong Kinh Dịch.

Tìm cái khác biệt nhỏ nhưng không quên cái chung lớn.

Quẻ Khuê có cấu trúc: Ly trên, Đoài dưới. Khuê có nghĩa là trái khác, trái ngược nhưng còn có nghĩa là hòa đồng. (nghĩa lý của Hán tự phức tạp thật-NV)

Luận: Trời Đất trái nhau mà mọi việc giống nhau. Nam nữ trái nhau mà chí thông nhau. Vạn vật trái nhau mà mọi việc giống nhau.

Vạn vật tuy bề ngoài khác nhau, nhưng tồn tại tính thống nhất. Trời và Đất (âm-dương) tuy trái ngược, nhưng dưỡng dục vạn vật thì như nhau. Nam nữ tính tình, thể chất khác nhau, nhưng lại có thể cảm thông nhau. Đó là tự nhiên vạn vật trong cái giống nhau có cái khác nhau, trong cái khác có cái giống. Không có giống nhau thì không có cái khác nhau và ngược lại. Trời đất không trái ngược nhau thì không hoàn thành cuộc tạo hóa. Nam nữ không phân biệt thì không nên đạo người. Vạn vật không trái ngược nhau thì không thể thành muôn loài. Cho nên trong giống nhau có khác nhau, trong khác có giống, trái nhau nhưng phụ giúp nhau là quy tắc chung của trời đất (âm-dương).

Người quân tử nên bắt chước tinh thần của quẻ Khuê, trong cái giống nhau tìm cái khác nhau, trong cái khác nhau tìm các giống nhau. Từ đó chỉ cho chúng ta cách nhận thức và giải quyết chính xác quan hệ dị đồng và xung đột mâu thuẫn trong các vấn đề. Quẻ Khuê mang tư tưởng biện chứng (duy vật biện chứng trong Triết học) sâu sắc. “Có và không sinh ra nhau, khó và dễ hỗ trợ nhau, dài và ngắn biểu hiện nhau, cao và thấp dựa vào nhau, âm và thanh hòa hợp nhau, trước và sau nối nhau, hưng và suy theo nhau.”

Nghĩa: Cho nên, khi đối mặt với một vấn đề, mỗi người mỗi lòng, mỗi người mỗi ý kiến khác nhau, mâu thuẫn phức tạp, chúng ta cần lưu ý điều gì?

1. Giữa các sự vật có sự khác nhau bất kỳ nào cũng đều có điểm tương đồng. Ngay cả giữa chính và tà cũng không ngoại lệ. Nước và lửa tuy tuyệt đối không dung hòa nhau, nhưng trong một điều kiện nhất định, nước (tính lỏng nhu thuận) cũng có thể chuyển hóa thành nguyên liệu của lửa, lửa cũng có thể trở thành nguồn gốc của nước. Điều này yêu cầu chúng ta khi phân tích phê phán sự vật, không nên phủ định tuyệt đối, cũng không nên khẳng định tuyệt đối, bởi vì chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau.

2. Trong cái khác nhau tìm sự giống nhau. Không nên chỉ thấy cái sai biệt giữa chúng mà không thấy được điểm chung của chúng. Đôi khi, chính những điểm chung hình như rất nhỏ này lại có thể trở thành cơ sở quan trọng của vấn để cần giải quyết hay vấn đề cần so sánh.

3. Chân thành và tin tưởng lẫn nhau với tấm lòng và tâm hồn cởi mở là điều căn bản trong quá trình phân biệt và tìm kiếm cái khác nhau và giống nhau. Bản thân không chân thành hoặc hoài nghi lòng chân thành của người khác thì không thể đạt được mục đích tìm sự giống nhau.

4. Hiệp đồng và đoàn kết dựa trên căn bản các điểm tương đồng có vai trò rất quan trọng. Muốn cải biến cục diện của trùng trùng mâu thuẫn – mà lại không đoàn kết, trong khi bị sự chia rẽ phân ly làm suy yếu, khiến không thành công gì trong sự nghiệp, từ đó có thể có hại tới lợi ích của mọi người. Cho nên, tìm được sự hiệp đồng đoàn kết là tôn chỉ tối cao của việc trong cái khác nhau tìm sự giống nhau. Trong thực tiễn, bất kể thời điểm hay tình huống nào đều cần sự cảm thông từ những ý kiến khác nhau, cố gắng đạt được sự thống nhất ý chí. Sự hiệp đồng chân chính không những cần có một mục tiêu chung mà còn phải gắng sức làm cho mục tiêu cá nhân hài hòa vào mục tiêu chung, và làm cho mỗi cá nhân tìm được chỗ đứng của mình trong tập thể, trong cộng đồng, phát huy đầy đủ năng lực của bản thân.

5. Nghi kỵ đi đôi với tầm nhìn hạn hẹp là điều tối kỵ trong việc tìm sự giống nhau. Nó dẫn tới sự mất tín nhiệm lẫn nhau và chia rẽ trong cộng đồng, làm suy yếu cộng đồng. Nếu cứ quyết liệt trong cuộc cạnh tranh, tranh đấu mà thiếu tầm nhìn rộng và phân tích sâu sắc thì điều này sẽ mang lại cơ hội có thể lợi dụng cho đối phương, dẫn đến những tổn thất không đáng có.