PDA

View Full Version : Người Nhà Quê - Truyện ngắn



ngochai
25-01-2014, 01:46 PM
Lời bạt:

Truyện ngắn "Người nhà quê" có phong vị triết lý "man mác" - chân thật và cay cay. Chung đề tài này, thi sỹ Tản Đà có bài Thơ "Đưa người nhà quê":


Ai ơi đợi với tôi cùng
Tôi còn bối rối trong vòng tơ vương.
Bao giờ sạch nọ văn chương
Đêm khuya chung bóng, ta thương lấy mình.


http://vtv6.com.vn/uploads_122010/nguoi%20nha%20que.jpg

------------

Người Nhà Quê



Đang học đại học năm thứ ba. Xin đi làm thêm, được nhận ngay vào một cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý trên một khu phố trung tâm, Hương hãnh diện lắm! Đúng là không gian lấp lánh nơi đây mới phù hợp với thân hình thon nhỏ, dong dỏng cao và làn da mịn màng quý phái của cô.

Từ ngày còn ở quê, ai cũng nói Hương bị sinh ra lầm chỗ. Với khuôn mặt thanh tao và cái dáng người sang trọng đó, nhẽ ra cô phải được rơi vào một gia đình vương giả hay chí ít cũng phải là một đại gia giàu có. Nhưng, số phận đã an bài cho Hương làm chị của bốn đứa em nheo nhóc, trong một gia đình thuần nông, thuộc một tỉnh nghèo cách rất xa thành phố.

Có lẽ vì vậy mà Hương luôn gắng sức học hành. Cô muốn gia đình mình có cơ hội thoát ra khỏi những tháng ngày lấm lem bùn đất. Và, cách đây đúng ba năm, ước mơ đó của cô gái nghèo đã trở thành hiện thực.

Ngày Hương nhập học đại học, bố mẹ bán hết cả đàn lợn mới đủ để đưa cho con gái mua sắm đồ dùng và đóng tiền học phí. Về sau, hàng tháng, tiền làm đồng không đủ, mẹ Hương phải chạy vạy vay lãi khắp nơi, cố gắng cho đứa con giỏi dang được bằng bạn bằng bè và nên người.

Hương cảm động lắm, cô cố gắng học tập thật chăm chỉ. Ngay từ năm đầu tiên, cô đã tự tìm đến các trung tâm môi giới nhận địa chỉ để đi dạy gia sư. Sau đó, vì không có phương tiện, thấy nghề dạy học thật sự vất vả lại kiếm được ít tiền nên Hương quay sang công việc bán hàng.

Mới đầu, cũng như chúng bạn, Hương lao vào làm nhân viên bán hàng kiểu đa cấp, rồi đến tiếp thị bia, bánh kẹo, mỹ phẩm... và, sau khi đã tạo dựng cho mình đủ số vốn về kinh nghiệm giao tiếp, Hương tự tin xin vào làm việc tại các cửa hàng sang trọng trên các mặt phố: Bán túi sách, rượu ngoại, quần áo thời trang... và, bây giờ là vàng bạc, đá quý. Đúng như mong đợi của Hương.

Ông bà chủ rất thích Hương. Cô liên tục được thưởng, được tăng lương. Đồng nghiệp xung quanh luôn ghen tị nhưng chỉ dám giấu trong lòng chứ không bao giờ để lộ ra mặt, vì trong quá khứ, có người chỉ vì lườm xéo Hương một lần mà chỉ hai ngày sau đã bị ông bà chủ cho nghỉ việc không một lí do.

Kĩ năng đong đưa khách hàng của cô gái xinh đẹp gốc quê càng ngày càng điêu luyện. Làm ra nhiều tiền, có thể mua sắm thoải mái những bộ đồ và phụ kiện đắt tiền khoác lên người khiến Hương trông thật sự kiêu sa và quý phái. Và, điều gì phải tới cũng sẽ tới: Một ngày đẹp trời, Hương được ông bà chủ đưa lên làm quản lý của cửa hàng lớn nhất cả hệ thống, nằm khang trang, chễm chệ ở giữa trung tâm thành phố.

Dạo gần đây Hương bắt đầu gửi tiền về quê để đỡ đần bố mẹ, cô không hề quên gốc gác của mình nhưng không hiểu sao cứ thấy vị khách hàng nào ăn mặc lôi thôi, đầu tóc luộm thuộm bước vào cửa hàng là Hương tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Đã không ít lần Hương thẳng thừng ra lệnh cho bảo vệ hoặc nhân viên cấp dưới tống cổ những người bán rong khi dám lân la ở khu vực gần cửa hàng. Ông bà chủ biết rất rõ điều này, nhưng vì lượng khách hàng quen đa số là giới quý tộc nên cứ để mặc Hương hành động theo ý mình.

Sáng hôm nay, gặp chuyện khó chịu trên đường đi làm nên vừa tới cửa hàng là Hương đã cáu um lên, gặp bất cứ ai lăng xăng trước mặt là cô chỉ muốn gây sự. Đang quát nạt cô nhân viên mới vào làm vì cắm hoa để dây nước ra sàn thì Hương nhìn thấy ngoài cửa chính có một ông già đội nón lá sùm sụp kín đầu, một tay cầm chiếc điếu cày, tay còn lại khoác chiếc túi cói to, đang định đẩy cửa vào trong. Mặt Hương bỗng đổi màu tím bầm lại, phòng bật điều hòa nên vừa đưa tay lên bịt mũi đề phòng mùi lạ cô vừa bắt cô nhân viên mới đến (đang lau sàn) chạy ra đuổi ông già mà cô cho là dở người kia đi. “Đúng là hãm cả ngày”, Hương lẩm bẩm rồi quay mặt vào trong.


http://t0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRrXaKUlezSc1ivmv7hy7k2vdXPiw1mC LlMLu_tr2D-VCOO_fqz

Sau khi đuổi được vị khách hàng không cần mà tới, cô nhân viên mới tiếp tục cặm cụi ngồi xổm miệt mài lau cho thật sạch sàn nhà. Vào phía trong sắp xếp công việc cho những người khác xong, quay trở ra, dùng mũi giày giẵm mạnh lên cái giẻ lau, Hương hất hàm hỏi: “Ngoài kia bảo vệ đến chưa?”, cô gái đáp lí nhí: “Chưa chị ạ!”, như được đổ thêm dầu vào lửa, Hương tiếp tục cáu um lên: “Vậy tại sao cô không tống khứ cái lão già kia khuất xa khỏi hẳn tầm mắt tôi hả? Giương ngay hai cái mắt ếch của cô nhìn ra bậc thềm mà xem, lão đang chễm chệ ngồi hút thuốc lào rồi xì bã, khạc nước bọt tung tóe khắp nơi kia kìa!”. “Em, em xin lỗi!” Thấy thái độ run sợ của cô nhân viên, Hương càng điên tiết hơn, lồng lộn lên như một con sư tử vừa bị cắt mất đuôi: “Xin lỗi xin liếc cái gì, đứng lên, cầm cái chậu nước lau nhà này ra hất thẳng vào mặt, để lão cút ngay cho tôi”. Cô nhân viên mới làm theo như một cái máy. Ông già nhà quê đang ngồi lim dim thưởng thức hương vị ngọt ngào của bi thuốc lào vừa rít khỏi miệng, thì bỗng bị cả một chậu nước bẩn dội thẳng vào đầu. Ông gỡ chiếc nón ra, dùng ống tay áo sờn cũ đưa lên lau mặt.

Qua cánh cửa kính dày nhưng trong vắt, Hương giật thót mình nhận ra đó là người bố thân thương của cô.

Tháng trước về nhà, Hương đã vẽ sơ đồ tìm địa chỉ cửa hàng và chỗ ở của mình cho bố mẹ, rồi dặn đi dặn lại khi nào rảnh rỗi thì nhớ ra thành phố ở chơi với cô vài ngày...

Nguyễn Dư Trường Anh