PDA

View Full Version : Xét Xử "Phúc Thẩm" Kháng Cáo của Các Bị Cáo Trong Vụ Dương Chí Dũng



thieugia
23-04-2014, 04:41 AM
Dương Chí Dũng thề không nhận 10 tỷ

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vne.png
Thứ ba, 22/4/2014 | 00:00 GMT+7


Sáng 22/4, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng quả quyết "có trời đất chứng giám" không nhận 10 tỷ đồng và thấy "hối hận" không hiểu vì sao lại bỏ trốn khi biết tin bị khởi tố.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/dng%20h%20dng.jpg
Dương Chí Dũng cùng em là Dương Tự Trong tại Tòa...

Hôm nay, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 9 trong 10 người liên quan vụ tham ô, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Vinalines. Người duy nhất không chống án là bà Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù.

9 người chống án gồm: Dương Chí Dũng kêu oan tội Tham ô và đề nghị xem xét lại tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế; Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, án tử hình) kêu oan; Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường; Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.

Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.

Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị trả lại nguyên trạng 3 căn nhà đã kê biên của gia đình. Một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác là bạn gái Phan Thị Thảo của ông Dũng kháng cáo cho rằng căn hộ tại chung cư cao cấp 88 Láng Hạ (Hà Nội) kê biên của ông Dũng có một phần tiền cô góp vào.

Nguyên đơn dân sự của vụ án được xác định là Vinalines. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng Kiểm và Bộ Tài chính có mặt.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/04/22/Duong-Chi-Dung-JPG-4439-1398162249.jpg
Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Việt Dũng

Quá trình thẩm vấn sáng nay, Dương Chí Dũng thừa nhận việc phê duyệt mua ụ nổi 83M là "sai quy trình" song lý giải thời điểm đó phía Nga đang muốn bán, Vinalines cũng đang có nhu cầu nên đồng ý. Việc mua bán do Ban tham mưu nghiên cứu thị trường đảm nhận.

"Chính bị cáo có đề nghị mua ụ nổi ở Nauy nhưng không được đồng thuận", cựu chủ tịch HĐQT Vinalines trình bày và cho biết việc quyết định mua ụ nổi 83M quá niên hạn sử dụng là do tập thể HĐQT quyết định, giao tổng giám đốc Mai Văn Phúc thực thi.

Về việc bị kết tội Cố ý làm trái trong việc mua 83M gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng, ông Dũng thanh minh: "Bị cáo không phải biết sai mà cố ý làm nhưng do HĐQT đã nhất trí 100% nên bị cáo phải đồng tình".

Tiếp đó, ông Dũng kêu oan khi bị kết tội Tham ô tài sản qua việc nhận lại quả 10 tỷ đồng của bên bán ụ nổi. "Thề có trời đất, bị cáo không hề nhận", ông quả quyết.

Dù một mực bảo không nhận số tiền trên qua Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) song ông Dũng cho hay vào dịp lễ tết cũng từng nhận phong bì và rượu biếu của cấp dưới này.

Ông Dũng khai quen giám đốc Công ty AP (Singapore, đơn vị môi giới bán ụ nổi) từ năm 2000 trong một cuộc hội thảo. Tuy nhiên, quá trình đàm phán, giao dịch giá về 83M ông không tham gia.

Trình bày lý do bỏ trốn sau khi biết thông tin mình khởi tố, Dương Chí Dũng bảo "hối hận", "không hiểu sao có ý định vậy". Theo kế hoạch sang Mỹ không thành nên ông phải quay về Campuchia và bị bắt tại đây.

Dương Chí Dũng muốn mang "tất cả tài sản của mình có và những tài sản kê biên để khắc phục" hậu quả cho hai tội danh bị cáo buộc. Hiện gia đình đã nộp trước 4,7 tỷ đồng.

Dù đồng ý sẽ khắc phục hết 10 tỷ tiền của tội Tham ô, khắc phục một phần tiền phải bồi thường của tội Cố ý làm trái theo quy định của pháp luật, song ông vẫn đề nghị HĐXX "làm rõ sự thật, để không oan cho ai, kể cả bị cáo".

Tương tự, cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc phủ nhận việc cầm 10 tỷ đồng của AP đưa thông qua Sơn, cho rằng lời khai của Sơn về việc này là "sai". Ông chỉ nhận "có tý quà" của Sơn là chai rượu Chivas và một phong bì trong đó có 2 triệu đồng, chứ không phải là cả valy tiền như quy kết.

Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Trong các hạng mục của tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Ông Dũng dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga cho dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.

Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.

Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.


Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines.

Ngày 17/5/2012, cơ quan điều tra khởi tố thêm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải.

Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế tại Campuchia.

Để "cứu" anh không bị bắt, em trai ông Dũng là Dương Tự Trọng (cựu cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) bị cáo buộc đã chỉ đạo, tổ chức cho 6 người đưa anh trốn ra nước ngoài. Hiện ông Trọng bị tuyên 18 năm tù theo trình tự của một vụ án khác.

Mai Chi

thieugia
24-04-2014, 04:10 AM
VKS tiếp tục đề nghị tuyên tử hình Dương Chí Dũng

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vne.png
Thứ tư, 23/4/2014 | 15:35 GMT+7

Chiều nay, cho rằng không có căn cứ xác định Dương Chí Dũng bị oan trong cáo buộc tham ô 10 tỷ đồng, đại diện VKSND Tối cao đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên với cựu Cục trưởng Hàng hải này.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/lng%20dng.jpg
Dương Chí Dũng khi còn "Cưỡi ngựa bắn cung"

Trước khi đọc căn cứ đánh giá kháng cáo của 9 người, đại diện VKSND Tối cao nhận định trong việc mua ụ nổi cũ nát 83M, các bị cáo đã làm trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Ở tội Tham ô, 4 bị cáo đã chia nhau 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) "lại quả" từ bên bán.

VKS cho rằng kháng cáo kêu oan của hai tử tù Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines, cựu Cục trưởng Hàng hải), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc) và Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, án 19 năm), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, 22 năm), Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, án 7 năm) là không có cơ sở để chấp nhận.

Việc cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Phúc 18 năm tù do Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế là cao so với vai trò của bị cáo này. Tuy nhiên, ông Phúc cùng ông Dũng, Sơn, Chiều bị đề nghị tăng mức tiền bồi thường.

Với 4 bị cáo còn lại gồm: Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, án 7 năm), Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm), Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm), VKS cho rằng mức án và bồi thường cấp sơ thẩm tuyên là quá cao, đề nghị giảm cho họ.

Kháng cáo của ba người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có vợ và người tình của ông Dũng muốn lấy lại một phần các căn nhà bị kê biên, VKS cho rằng không có cơ sở chấp nhận.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/04/23/dung-500-1-7601-1398241472.jpg
Và khi xuống ngựa "lượm thung bắn ruồi"

Trước đó trong phần thẩm vấn sáng nay, bị cáo Phúc cho biết không nắm rõ tiến trình xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, do dự án này được HĐQT phê duyệt trước khi ông về làm Tổng giám đốc. “Tôi không nắm bắt được gì, việc bàn giao, nhận nhiệm vụ tổng giám đốc chỉ diễn ra khoảng một phút”, ông Phúc trình bày.

Ông Phúc khai với hai tháng điều hành Vinalines, bị cáo không có chỉ đạo cụ thể mà tất cả do cấp phó Trần Hữu Chiều báo cáo, tham mưu. Ông Phúc cho rằng rất tin tưởng nên để ông này thực hiện dự án từ đầu đến cuối.

Giọng xúc động, ông Phúc cho biết, để sự việc xảy ra như ngày hôm nay thấy có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thời gian đương chức, bị cáo đã cố gắng hết sức để chèo lái “con tàu Vinalines”, thu lãi về cho Tổng công ty hơn 4.000 tỷ đồng. “Tôi có lỗi và đang làm mọi thứ để khắc phục hậu quả”, bị cáo nói và cho biết gia đình đã nộp 3,5 tỷ đồng để khắc phục.

Về việc bị cáo Sơn khai giao 10 tỷ đồng tiền "lại quả" trong thương vụ mua ụ nổi cũ nát 83M với giá cao ngất ngưởng, cựu Tổng giám đốc Vinalines khẳng định "không có".

"Sơn khai khi mang đến nhà, lúc giao ở quê trong khi thực tế không biết nhà tôi tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long", bị cáo Phúc nói và cho rằng Sơn là kẻ man trá trắng trợn. Cũng theo ông Phúc, không có chuyện con trai cùng đi gặp Sơn để nhận tiền như lời khai của anh này vì thời gian đó con trai ông đang du học ở Anh.

Trả lời câu hỏi của luật sư Hoàng Hữu Được rằng nếu đoàn khảo sát báo cáo đúng thực tế tình trạng ụ nổi thì có đồng ý mua không, ông Phúc trả lời "không", bởi khi xem báo cáo dù đã được "tô hồng" mà vẫn còn thấy băn khoăn, trăn trở.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2014/04/23/son1-JPG-5725-1398227793.jpg
Nhiều luật sư tập trung thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn sáng nay. Ảnh: Việt Dũng.

Chuyển sang thẩm vấn ông Sơn, cả luật sư Được và Trần Đình Triển đều cho rằng việc khai nhận của bị cáo này liên quan đến “sinh mạng” thân chủ họ là ông Phúc và Dương Chí Dũng nên chất vấn sâu. Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi, bị cáo Sơn đều không trả lời, hoặc bảo “đã khai tại cơ quan điều tra, phiên toà sơ thẩm” với quan điểm là bảo lưu nội dung đã trình bày tại cơ quan điều tra.

Theo luật sư Được, lần chuyển 5 tỷ đồng "lại quả" cho ông Phúc, Sơn khai em gái đưa 3 tỷ, còn mình tự rút ngân hàng 2 tỷ. Tuy nhiên phía ngân hàng lại khẳng định không có việc bị cáo rút tiền. Khoản tiền 10 tỷ được Sơn giao cho ông Phúc trong 3 lần, khi giao cả valy tiền, lúc lại để trong túi xách. Trả lời điều này, bị cáo Sơn nói ngắn gọn: “Tôi xin xác nhận, sự thật thì không thể thay đổi”.

Luật sư Triển trước khi thẩm vấn tiếp bị cáo Sơn đã hỏi ông này giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra thì nhận được câu trả lời đồng ý. Luật sư cho biết về khoản chia "lại quả", ông Sơn từng có 3 lời khai khác nhau. Tại toà sơ thẩm, bị cáo khai chia ông Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, còn lại ông ta giữ. Lời khai khác thể hiện: “Anh Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, anh Chiều một tỷ, còn lại chia cho anh em”; một lời khai khác nói chia cho ông Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ, ông Chiều 500 triệu đồng, còn lại chia cho anh em.

Gương mặt khắc khổ, bị cáo Sơn giải thích thực tế là chia cho ông Phúc và Dũng mỗi người 10 tỷ, còn lại cho bị cáo. "Những bản khai khác do điều tra ghi không đúng ý tôi, tôi không thể kiểm soát hết nội dung”, ông Sơn trả lời.

Chiều nay phiên toà tiếp tục.

Việt Dũng

thieugia
24-04-2014, 04:21 AM
Luật sư của Dương Chí Dũng đề nghị hủy án sơ thẩm

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vne.png
Thứ tư, 23/4/2014 | 20:53 GMT+7

Cho rằng lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, người khai chia 20 tỷ đồng cho các sếp Vinalines có nhiều mâu thuẫn, các luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm.

Chiều 23/4, sau khi VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, các luật sư đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ để chứng minh lời khai của ông Sơn có những mâu thuẫn.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy trình bày, Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines nhưng trên thực tế không quản lý trực tiếp “một cắc”. Theo điều 318 Bộ Luật hình sự, làm gì có căn cứ pháp lý buộc thân chủ ông tham ô. "Việc 1,66 triệu USD có phải là tài sản của Vinalines hay không? Không có bình diện pháp lý nào để chứng mình số tiền này của Vinalines”, luật sư trình bày.

Theo quan điểm luật sư Thủy, không có chứng cứ quy kết ông Dũng, Phúc, và Chiều là đồng phạm. Ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm không một ai làm rõ việc bàn bạc giữa những người trong nhóm tham ô này. Lời khai của bị cáo Sơn chỉ là một phía. Cơ quan điều tra đã “rất khéo” khi sử dụng lời khai của người này và các nhân chứng (đều là người nhà của Sơn) để quy kết tội danh của ông Dũng.

Luật sư Thủy cho rằng, cần phải thận trọng lời khai của những nhân chứng này vì họ là anh em ruột. Khi đứng trước tình huống sẽ phải nhận bản án nghiêm khắc thì tâm lý con người có những việc làm không chính xác, khai nhận có lợi cho người thân. “Phải chăng đó là một sự hợp thức hóa chứng cứ”, luật sư nói và cho rằng để kết tội tham ô, cần làm rõ mối quan hệ Dũng, Phúc, Sơn. Luật sư Thủy đề nghị huỷ án sơ thẩm.

Người bào chữa thứ hai cho bị cáo Dũng là luật sư Trần Đình Triển, trước khi vào phần trình bày ông này cho rằng, VKS giữ quyền công tố ở phiên phúc thẩm này đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Ông Triển trích lời VKS đề nghị nâng mức bồi thường, và khẳng định, ở phiên tòa này không có kháng cáo kháng nghị, nên VKS căn cứ vào đâu để đề nghị. Vụ án được mở theo kháng cáo của các bị cáo, do đó, theo luật định, không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Luật sư Triển cũng chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong lời khai của ông Sơn, khi bị cáo này có tới 3 lời khai về việc chia lại quả 1,66 triệu USD tại cơ quan điều tra và ở phiên sơ thẩm. Ngoài ra, lời khai và các chứng cứ cho thấy, ông Sơn có mâu thuẫn thời gian khi trình bày gặp ông Dũng tại khách sạn Victory chiều tối một ngày vào tháng 7/2008. Trong khi ông Dũng khai, 15h30 ngày hôm đó vẫn đang ở trên máy bay thì không có chuyện Sơn gọi điện hẹn gặp. Mặt khác, ông Dũng cho biết để về đến khách sạn cũng mất vài tiếng vì đường phố TP HCM thời điểm này giao thông tắc nghẽn.

Luật sư Triển cũng trình ra bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow mà ông cùng đồng nghiệp sang Singapore thu thập được. Lời tuyên thệ của ông Goh cho thấy, không có thỏa thuận, gặp gỡ với bị cáo Dũng. Luật sư đề nghị hủy một phần vụ án ở hành vi tham ô tài sản để điều tra lại.

Còn luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho Mai Văn Phúc, cho rằng thân chủ ông là người thực hiện ý chí của HĐQT Vinalines trong việc xúc tiến xây dựng nhà máy sửa chữa tàu thuỷ phía Nam và mua ụ nổi 83M. Ông Được phủ nhận lời khai của bị cáo Sơn khi cho rằng ông Phúc chỉ đạo các thành viên trong đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Liên bang Nga “phải mua được ụ nổi qua công ty AP” và chỉ đạo việc nhận và chia 1,66 triệu USD. Trong khi đó, lời khai của ông Goh cho thấy chỉ gặp ông Phúc lần duy nhất khi hai bên chào hỏi xã giao.

Trong các lời khai của bị cáo Sơn về việc đưa 10 tỷ đồng cho ông Phúc, luật sư Được thấy có nhiều mâu thuẫn. Trong lần đưa 5 tỷ đồng (3 tỷ do em gái đưa, 2 tỷ Sơn rút từ ngân hàng) khi thì khai 3 lần tại nhà ông Phúc ở Làng Quốc tế Thăng Long, khi nói ở quê. Trong khi đó, ông Phúc thừa nhận chỉ nhận một lần phong bì 2 triệu đồng từ bị cáo Sơn đem biếu cùng chai rượu ngoại.

“Lời khai của ông Sơn mâu thuẫn với chính mình và của ông Phúc”, luật sư Được nói. Tuy nhiên, theo luật sư, cơ quan chức năng sử dụng lời khai của em gái ông Sơn là Trần Thị Hải Huyền và Trần Hải Hà để buộc tội hai bị cáo Dũng và Phúc là không khách quan. Ông Được đề nghị huỷ án, trả hồ sơ điều tra lại.

Cùng bào chữa cho ông Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, quan điểm luận tội của VKS không xuất phát từ diễn biến nào trong phiên toà, thể hiện VKS đã chuẩn bị trước hồ sơ. Những chứng cứ mới không được đưa ra trong quan điểm của VKS. Điều đó dẫn đến việc nhiều tài liệu đã gửi lên phiên tòa không được xem xét.

“Tôi cho rằng xem xét mối quan hệ của ông Goh và một ai đó trong Vinalines là sai đối tượng. Ông Goh không có quyền quyết định về việc chuyển 1,66 triệu USD”, luật sư Thiệp phát biểu và đề nghị phải xác minh quan hệ của Global Success với Vinalines mới xác định được ai là người thương thảo về khoản lại quả này.

Về tội danh cố ý làm trái, ông Thiệp cho rằng, do có sự chuẩn bị trước và không cập nhật nội dung diễn biến phiên toà nên đại diện VKS đã không điều chỉnh nội dung kháng cáo của ông Phúc. Ở phiên toà phúc thẩm, bị cáo Phúc thấy có trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát, đang cố gắng khắc phục một phần hậu quả.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/dng%20chm.jpg
Dương Chí Dũng kêu oan tại tòa...

Động cơ của bị cáo khi thực hiện hành vi cố ý làm trái, hoàn toàn với ý thức tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của HĐQT. Bị cáo vốn không đủ thời gian, vì mới nhận chức 2 tháng, ký hợp đồng giao nhận nhiệm vụ chỉ trong một phút. Theo luật sư, ông Phúc sai khi nóng vội hoàn thành công việc được giao.

Bản án sơ thẩm nhận định “phải có thoả thuận trước của ông Dũng, Phúc mới có khoản lại quả 1,66 triệu USD”, trong khi đó, luật sư Triển đã công bố tuyên thệ của ông Goh không thể hiện điều này. Ông Thiệp cũng nghi ngờ việc một tháng sau khi ký kết hợp đồng mua ụ nổi thì công ty Phú Hà đã thành lập là có nguyên do.

8h ngày mai (24/4), phiên toà tiếp tục phần tranh luận.

Việt Dũng.

Bản khai tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh Hoon Seow, tại Singapore ngày 16/4/2014:

1. Tôi là giám đốc điều hành của công ty Addpower Pte Ltd và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M

2. Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và một phiên dịch.

3. Do có quan hệ từ trước, tôi được công ty Global Success (GS) tiếp cận để tư vấn về phương thức giao và bảo hiểm cho việc giao ụ nổi. Tôi đã khai báo điều này với cơ quan điều tra Việt Nam theo biên bản tờ khai ngày 2/11/2012.

4. Trước khi tôi tham gia việc bán ụ nổi 83M, GS từng đàm phán với Vinalines. Chủ sở hữu ụ nổi 83M chỉ muốn bán ụ nổi thông qua công ty của mình ở nước ngoài theo phương thức FOB qua Nakhodka, Nga trong khi Vinalines muốn mua theo phương thức CIF- giao tại cảng Việt Nam. Khi việc đàm phán đi đến chỗ bế tắc, GS đã tiếp cận AP đề nghị AP làm bên trung gian giúp thực hiện giao dịch mua bán. Lần đầu tiên tôi gặp đoàn cán bộ Vinalines đi mua ụ nổi tại Vlađivostok, Nga.

5. Sau khi cả GS và Vinalines đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP, một văn bản chào bán chính thức đã được AP gửi cho Vinalines theo hướng dẫn của GS và sau đó việc thương thảo mua bán ụ ổi bắt đầu. Việc thương thảo được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu.

6. AP và GS đã ký thỏa thuận nhằm tạo cơ sở cho AP hoạt động với tư cách môi giới cho GS. Các điều kiện của thỏa thuận bán do GS đưa ra và quyết định

7. Trong quá trình trao đổi và đàm phán vói ông Sơn và những người của ông Sơn đại diện cho Vinalines, tôi không nói bất cứ điều gì về việc lại quả. Theo tôi biết, ông Sơn không nói được tiếng Anh. Mọi trao đổi và thương thuyết giữa tôi với ông Sơn được thực hiện thông qua phiên dịch.

8. Việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Trước khi thỏa thuận được ký, AP không hề biết công ty Phú Hà.

9. Tôi không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại NH UOB. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi GS thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành. Chi tiết về tài khoản của công ty Phú Hà là do ông Sơn thông báo cho AP để tôi thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD.

10. Theo yêu cầu của ông Sơn, tôi ký một thỏa thuận đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa ngay sau khi hoàn tất thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Tôi cũng không hề giữ bản sao nào của thỏa thuận này hay tham gia vào hoạt động nào của công ty liên doanh. Tôi nhớ là sau đó cũng theo yêu cầu của ông Sơn, một bộ chứng từ đã được ký để dừng hoạt động của liên doanh.

Những điều tôi khai trên đây là theo đúng quy định của Đạo luật khai báo và tuyên hệ (khoản 22); nếu khai man tôi xin chịu mọi hình phạt theo quy định của Luật và tôi cũng cam đoan rằng những điều khai ở trên là hoàn toàn đúng sự thật.

minh_anh
24-04-2014, 09:23 PM
Toàn Cảnh Phiên Tòa Xử Đại Án Vinalines

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/001.jpg

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vietnamnet.png
24/04/2014 14:26 GMT+7

- Ngày 24/4 là ngày thứ 3 diễn ra phiên phúc thẩm. Dương Chí Dũng nói lời sau cùng: Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan. Bị cáo trung thành với xã hội, yêu cuộc sống, yêu gia đình...

14 giờ: Phiên tòa buổi chiều bắt đầu.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, được dẫn giải vào phòng xét xử, ông Dương Chí Dũng vui vẻ bắt tay, trò chuyện với các luật sư. Thấy bị cáo Mai Văn Phúc được đưa vào phòng xét xử, ông Dũng lịch sự quay ra bắt tay người đồng phạm. Được hỏi, bị cáo có trình bầy gì thêm ngoài phần bào chữa của các luật sư, ông Dương Chí Dũng trả lời: “Không”. Được hỏi câu tương tự, bị cáo Mai Văn Phúc dành nhiều thời gian để trình bầy thêm. Ông Phúc cho rằng lời khai của bị cáo Sơn có quá nhiều mâu thuẫn. Đối với hành vi cố ý làm trái, bị cáo Phúc cho rằng mình không có động cơ gì. “Bị cáo không muốn phụ lòng những người đã ủng hộ mình nên đã phải cố gắng trong công việc. Hơn nữa bị cáo với bị cáo Dũng là không đội trời chung, vậy mà bị cáo không cố gắng thực hiện Nghị quyết của HĐQT thì rất khó cho bị cáo”, lời ông Phúc.

Bị cáo Đức:Tại phiên sơ thẩm, bị cáo đã viết 7 cái đơn gửi lên VKSND Tối cao, lãnh đạo Bộ Công an vì bị cáo không có lỗi. Bị cáo trình bầy ụ nổi không phải tàu biển và BC nói rõ là bị cơ quan điều tra ép ghi theo ý của CQĐT. Bị cáo kêu oan từ đầu và xin thay đổi tội danh.

Bị cáo Triện: không bổ sung

Bị cáo Lừng: không bổ sung thêm gì ý kiến của luật sư.

Bị cáo Dũng: VKS nêu bị cáo chỉ đạo, bằng mọi cách mua được ụ nổi, thật ra các bị cáo khác đều khẳng định bị cáo không có chỉ đạo gì. Một ý kiến của anh Sơn như thế liệu có khách quan không? Bị cáo không hề chỉ đạo gì.

14h30: VKS đối đáp quan điểm bào chữa cho các bị cáo của các luật sư:

Thực ra trong phiên tòa này đã được luật sư Chiến khen là các luật sư được thoải mái đưa ra quan điểm của mình, nhiều vấn đề được các luật sư nói đi nói lại. Đại diện VKS mong rằng, thông qua vụ án này HĐXX sẽ đưa ra được bản án có căn cứ, đúng pháp luật.

Viện kiểm sát đối đáp tại tòa chiều 24/4.

Một số ý kiến của bị cáo Phúc nói ở phiên phúc thẩm, VKS chỉ nêu lời khai của bị cáo Sơn để buộc tội là không chuẩn. VKS đã nêu 6 căn cứ để buộc tội bị cáo Phúc, trong đó căn cứ thứ 6 mới nhắc đến lời khai của bị cáo Sơn.

Theo VKS việc chuyển tiền là có thật, VKS đã nêu đầy đủ luận điểm của mình về việc này. Đối với bị cáo Phúc, VKS cho rằng, số tiền bồi thường 3,5 tỷ đồng là rất nhỏ. Tại tòa hôm qua, bị cáo còn phản đối việc gia đình nộp tiền bồi thường. So với hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo và mức bồi thường trên 100 tỷ đồng thì số tiền đã bồi thường là rất nhỏ. Đối đáp với luật sư Phúc về việc giải quyết bồi thường dân sự khi chưa có đơn của nguyên đơn dân sự là sai. VKS cho rằng, đây không phải là bồi thường dân sự thông thường. Đây là bồi thường dân sự trong hình sự. Cái này không cần có đơn đề nghị của Vinalines.

Đối với ý kiến của luật sư Thiệp: Việc chuyển thủ tục thanh toán tiền có đầy đủ hay không không phụ thuộc vào Citybank, bởi đã có quy định tại Điều 50 của Luật Thương mại. Chỉ có 3/18 loại giấy tờ mà đã thanh toán thì đúng sao được.

Nhiều luật sư cho rằng chưa đánh giá đúng thiệt hại hậu quả khi ụ nổi còn như thế, chưa ai đánh giá được thiệt hại là bao nhiêu mà bắt các bị cáo phải bồi thường là oan uổng. Việc này VKS thấy rằng, tổng các chi phí bỏ ra đến thời điểm 17/5/2012, Nhà nước đã phải chi ra trên 500 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, trong đó trừ đi khoản chi phí mua ụ nổi (37 tỷ) thì còn 366 tỷ tiền thiệt hại. Tính đến thời điểm bây giờ thì còn nhiều hơn nữa.

Liên quan đến nhóm bị cáo tội Cố ý làm trái. Quan điểm của VKS là: VKS đã dựa trên nhiều căn cứ pháp lý. Việc mua ụ cũ về mà không ai chịu trách nhiệm thì vai trò quản lý của Nhà nước ở đâu? Các luật sư cho rằng, chỉ cần Công ước HS là đủ điều kiện nói các bị cáo không phạm tội. Về việc này VKS cho rằng, Công ước HS đưa vào là để đưa ra các mã số để phân loại hàng hóa. Nó là cơ sở để có thống nhất chung để áp thuế. Mà vấn đề thuế VKS không có ý kiến gì. Nhưng quản lý Nhà nước không đơn giản như thế. Không thể đưa rác nước ngoài về VN với giá cao khủng khiếp như thế. Nếu thế, đất nước này đi đến đâu. Quy định của hải quan cũng không đơn giản là các công chức bước 1-5.

Đại diện VKS cho biết, giữ nguyên quan điểm buộc tội của mình.

15h00: Tranh luận với VKS, luật sư Thủy đề nghị VKS trả lời, căn cứ gì chứng minh khoản tiền 1,666 triệu USD là tài sản của Vinalines. Tiền thì được chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà mà lại bảo là tiền của Vinalines? Nếu tiền không phải của Vinalines, sao lại nói các bị cáo tham ô tiền của Vinalines. Số tiền 1,666 triệu USD đã được xác định từ thời điểm nào, trên cơ sở thỏa thuận nào, trên văn bản nào, giữa những ai, cần được làm rõ.

Bản tuyên thệ của ông Goh, xin VKS cho ý kiến, bản tuyên thệ này của ông Goh có giá trị ra sao, và được đánh giá thế nào?

- VKS đối đáp lại ý kiến của luật sư Thủy:

Luật sư Thủy trong lời bào chữa còn cho rằng bị cáo Dũng không thể là chủ thể quản lý tiền của Vinalines nên không phải chịu trách nhiệm. Về việc này, VKS cho rằng Dương Chí Dũng là người chịu trách nhiệm cao nhất nên phải chịu trách nhiệm.

Về khoản tiền 1,666 triệu USD: Khoản tiền này được trích trả, số tiền này nằm trong tổng số 9 triệu mà Vinalines có trong ký quỹ của ngân hàng, trích trong khoản 130 triệu USD mà Vinalines ký quỹ khoản vay. Mà dùng tổng tài sản của Vinalines để thế chấp. Vậy có thể khẳng định Vinalines dùng tiền Nhà nước mua ụ nổi.

Trong số 4 bị cáo bị truy tố tội tham ô, chỉ có 2 bị cáo không nhận tội, hai bị cáo còn lại nhận tội. “Tôi đánh giá tài liệu ghi rất đúng lời khai các bị cáo”, lời đại diện VKS.

Để chứng minh có bàn bạc hay không trong điều kiện Dũng, Phúc không nhận thì cơ quan điều tra khó mà làm rõ. Nên phải tập hợp vào các tài liệu, chứng cứ để đánh giá. VKS cho rằng lời khai của bị cáo Sơn là có căn cứ

Về bản khai của ông Goh, VKS cho biết, đã xem xét kỹ 10 điểm trong bản khai đó. Ở nội dung thứ hai, ông Goh thừa nhận quan hệ của ông Goh với ông Dũng là có. Nhưng trước đây, giai đoạn điều tra Dũng không nhận, sau này mới nhận có quan hệ với ông Goh.

Nội dung thứ tư ông Goh thừa nhận trước khi ký hợp đồng có đoàn khảo sát sang Nga. Nội dung phản ánh loáng thoáng lời khai của các bị cáo từ chối trách nhiệm.

Việc thanh toán ụ nổi bằng tín dụng thư theo thỏa thuận mua bán là một phần thanh toán theo thư tín dụng. Trong hợp đồng 01, 07 không có thỏa thuận nào như vậy. Phải chăng đây là “thủ thuật” để hợp pháp hóa số tiền chuyển về VN?

Ông Goh trả lời, ông mặc nhiên hợp thức hóa số tiền gửi về cho Công ty Phú Hà số tiền 1,666 triệu USD.

15h15: Luật sư Triển đặt câu hỏi cho VKS: Tại sao trong án sơ thẩm, đến lời buộc tội hôm nay, VKS không hề quan tâm đến văn bản Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Bản khai ông Goh có nội dung nói rõ ông không thương thảo với Dũng và Phúc, VKS đã đọc chưa?


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/lut%20s.jpg
Các luật sư Trần Đại Thắng, Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển (từ trái sang). (Ảnh: Nam Phong).

“Đủ căn cứ chứng minh số tiền 1,666 triệu USD là ông Sơn chiếm cả. Tôi sẽ tranh luận với VKS về việc đó”, lời luật sư Triển.

Đề nghị VKS đi theo khoản tiền mà về phía Công ty ông Sơn. Có trong hồ sơ vụ án, trên chứng từ thanh toán gửi về đây là thanh toán phí bảo hiểm, nói rõ M83. Yêu cầu của họ là phải cung cấp tất cả chứng từ gốc từ tiếng Nga sang tiếng Anh mới rút được 1,666 triệu USD ra khỏi ngân hàng.

Hợp đồng hợp tác đầu tư không có giá trị gì. Ông Sơn đẻ ra cái đó không được, sau đó ông Sơn đã ép ông Goh ký vào 6 chứng từ thì mới rút đủ 1,666 triệu USD.

Đề nghị HĐXX xem xét bút lục 2469, là chứng từ xác nhận của cơ quan vận tải của Nga cho thấy ụ này được xuất về, trong đó có cả hợp đồng được công chứng từ phía Nga.

Số tiền 1,666 triệu USD chưa biết đi đâu về đâu.

Đề nghị VKS tranh tụng: Ông Dũng chỉ đạo mua bằng được, thế chứng cứ đâu? Đoàn sang làm việc với Cty Nga, vậy chứng cứ đâu? Ông Goh có nhờ ông Dũng về việc mua ụ nổi, chứng cứ đâu? Mâu thuẫn của lời khai của ông Sơn? Ba lời khai của ông Sơn trong ba biên bản đối chất mâu thuẫn thì áp dụng biên bản nào để luận tội?

15h45: Luật sư Hoàng Hữu Được ý kiến:

Một số quan điểm của tôi đã không được VKS đối đáp. Không có gì mới được cập nhật trong diễn biến phiên phúc thẩm trong bản luận tội của VKS.

Có sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc xác định thiệt hại tội Cố ý làm trái. Đồng ý với quan điểm của luật sư Triển về nhận thức chủ quan của các bị cáo còn chưa xác định được đâu là ụ?

15h56: Luật sư Lê Minh Công: Căn cứ luật sư đưa ra chứng minh bị cáo Khang không phạm tội đã không được VKS đối đáp. Đề nghị VKS tranh luận: Báo cáo giám định bị loại ra khỏi hồ sơ vụ án.

15h59:Luật sư Phạm Thanh Sơn:

VKS không có ý kiến ở phần bào chữa của luật sư thì coi như phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Ma Văn Khang là đúng.

16h00: Luật sư Nguyễn Chiến:

Vấn đề VKS đưa ra không có gì mới. VKS nói rằng phải căn cứ vào điều 11, Luật Hàng Hải, nhưng điều 11 chưa rõ ràng. VKS không công nhận ụ nổi là tàu biển, nhưng VKS lại thừa nhận các bị cáo hải quan tính thuế nhập khẩu của hải quan theo ụ nổi là hoàn toàn đúng không sai.

Xác định nguyên đơn dân sự phải có đơn. Có thiệt hại thì mới có chuyện gây thiệt hại. Không thể nói tài sản Nhà nước thì không cần có đơn.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/0001.jpg

Còn nữa...

minh_anh
24-04-2014, 09:30 PM
Toàn Cảnh Phiên Tòa Xử Đại Án Vinalines

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/vinaline.jpg

Tiếp theo...

16h 15: Đại diện cơ quan đăng kiểm: Anh Dương đi làm như một tư vấn, đề nghị làm rõ, căn cứ để mua là căn cứ của đoàn khảo sát hay là căn cứ của đăng kiểm? Kết quả của anh Dương chúng tôi cho là đúng nhưng có thể coi đó là căn cứ để mua ụ không?

16h 16: Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) ý kiến: Vẫn không đồng ý cho kê biên cả 3 ngôi nhà vì tiền của gia đình vay nợ nhiều. Nhà tôi như thế, đã bán hết tất cả những gì có thể là hơn 5 tỷ. Tôi là người vợ không muốn chồng chết, xin khắc phục hậu quả. Xin xem xét giảm nhẹ cho chồng tôi.

16h17: Bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc): Xin xem xét lại khoản bồi thường của chồng bị quy kết để khắc phục cho chồng. Tôi đã bán hết những gì có thể để khắc phục cho chồng. Tôi không tiếc gì cả, nếu chồng tôi được xem xét giảm nhẹ, bất cứ cái gì tôi cũng trao hết. Kể cả huy động trong họ tộc.

16h20: VKS đối đáp:

Nghe phần tranh luận của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, ý kiến có vẻ "hơi căng". Đại diện VKS nói: Các bên và ngay cả tôi chỉ đưa ra quan điểm giải quyết vụ án, sau đó HĐXX xem xét.

Đối với ý kiến của luật sư Công: Chúng tôi căn cứ vào nhiều tài liệu để buộc tội bị cáo Khang, không chỉ riêng báo cáo giám định độc lập.

Về ý kiến của luật sư Được: Luật sư cho rằng mâu thuẫn của Dũng và Phúc là không đội trời chung. Mâu thuẫu hay không chúng tôi không biết và không đánh giá trả lời.

Các luật sư có gì đó hơi căng, theo chúng tôi không cần thiết phải thế. Các bên, ngay cả tôi, chỉ có quyền đưa ra chứng cứ, quan điểm, chúng tôi không nói chúng tôi đúng.

Bản giám định của cơ quan tư vấn độc lập Vinalines thuê phải được Cục đăng kiểm phê duyệt mới có giá trị.

Vụ án có hai án tử hình, chúng tôi phải rất cẩn trọng. Nếu để oan chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân. Không những không oan mà không được bỏ lọt tội phạm.

Tại phiên tòa, Dũng, Phúc thừa nhận có trách nhiệm trong tội cố ý làm trái. Tội tham ô, các luật sư cho rằng chỉ có lời khai của Sơn và có mâu thuẫn. Chúng tôi ghi nhận đúng là có điều này. Chúng tôi sẽ đánh giá toàn bộ chứng cứ tại phiên tòa để từ đó đưa ra quyết định.

Chúng tôi bảo vệ quan điểm dự án thuộc nhóm A, trên 1.000 tỷ, chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ nên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định.

Báo cáo khảo sát không trung thực, các bị cáo đều thừa nhận. Chúng tôi bảo vệ quan điểm các bị cáo cố ý làm trái.

Về nhóm tội tham ô: Là vụ án điều tra truy xét, 6 năm sau mới truy xét. Trong quá trình điều tra, không phải ai cũng nhận tội. Khi tôi hỏi bị cáo Dương Chí Dũng, khi được phép rồi thì hạng mục làm trước hay làm sau, bị cáo Dũng cho biết hạng mục làm trước.

Vậy nhưng việc mua ụ nổi là việc phải làm sau thì lại làm trước. Chúng tôi đặt vấn đề có phải là vì khoản tiền 1,666 triệu USD không?

Sau khi thủ tục mua ụ nổi hoàn tất, số tiền 1,666 triệu USD đã được chuyển về Công ty Phú Hà. Vậy chúng tôi khẳng định có số tiền 1,666 triệu USD chuyển về, đó là một phần trong số tiền mua ụ nổi.

VKS cho rằng, việc chỉ đạo là có nhưng các bị cáo không thừa nhận.

Việc chậm chuyển tiền cho các sếp là có thể xảy ra. Việc mâu thuẫn ngày tháng đưa thì hiểu là thời gian xảy ra quá lâu. Việc đưa tiền là “hành vi đen” nên có khi mắt la mày lém, không nhìn rõ đặc điểm ngôi nhà, chỉ nhanh chóng đưa tiền rồi đi.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/vinashin.jpg
Những con tàu làm kiệt quệ nền kinh tế Việt...

Lời khai mâu thuẫn là có. Nhưng có thể là do cách ghi lời khai của cán bộ điều tra.

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến lời khai nhận tội của các bị cáo. Trên cơ sở tập trung các chứng cứ có được, với vai trò công tố viên, chúng tôi nhận thấy có đủ căn cứ là niềm tin về lời khai của bị cáo Sơn, nên chúng tôi giữ nguyên quan điểm buộc tội các bị cáo tội Tham ô.

16h 35: Luật sư Triển tranh tụng với VKS và đề nghị nếu hôm nay chưa xong thì để tiếp ngày mai. VKS không lập luận với đúng ý kiến của tôi. Nếu VKS nói rằng ngày giờ không quan trọng là khó chấp nhận. Không thể nói rằng ngày giờ không quan trọng.

16h40: đại diện VKS đáp lời rằng, đã thừa nhận có mâu thuẫn và dành quyền cho HĐXX.

16h45: Luật sư Được tranh tụng:

Không thể dùng niềm tin nội tâm để kết luận các bị cáo.

16h 47: Luật sư Thiệp: Những người tham gia góp tiền chuẩn bị đưa cho Sơn là thời gian dài, mâu thuẫn là có.

16h48: Được nói lời sau cùng, bị cáo Dương Chí Dũng lên tiếng: Không có chuyện bị cáo nhận tiền. Thế số tiền đó kéo vali mang qua sân bay kiểu gì. Bị cáo có quan hệ với ông Goh, bị cáo hoàn toàn có thể thỏa thuận với ông Goh để nhận tiền, sao lại phải thông qua ông Sơn. Cái gì cũng có ngoại lệ, không thể nói bị cáo là sếp cao hơn thì kiểu gì cũng phải được nhận tiền.

16h50:Bị cáo Phúc: Xem xét cho bị cáo vai trò cầm đầu. Bảo bị cáo quanh co chối tội, nhưng thực ra là bị cáo khai báo đầy đủ. Đề nghị xem xét cho bị cáo, không có 5 tỷ bị cáo Sơn tự tay xếp vào vali đưa cho bị cáo được. Bị cáo vừa về xong, chân ướt chân ráo, là người thẳng thắn, thật thà lại mâu thuẫn với anh Dũng thì không có chuyện tiếp nhận ý chí của nhau.

Bị cáo Sơn xin nói lời sau cùng: 2 lời khai của anh Dũng anh Phúc xác nhận không nhận tiền, nhưng lời khai của các anh cấu thành tội danh. Bị cáo khai đúng những gì bị cáo biết.

Trong quá trình xét xử, bị cáo nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo mong muốn gia đình và người thân giúp bị cáo khắc phục phần nào hậu quả. Mong cá thể hóa tội của bị cáo để có mức án đúng người đúng tội.

Xin xem xét mức án của anh Dũng và anh Phúc mong anh có được mức án để không phải tử hình (vừa nói bị cáo Sơn vừa khóc).

Bị cáo Chiều: Mong giảm khoản bồi thường vì gia đình khó khăn, bố mẹ già, nhiều năm ngành hàng hải, bị cáo cố gắng cho Tổng cty phát triển không có mục đích vụ lợi cá nhân.

Đề nghị minh oan tội tham ô, giảm tội cố ý làm trái, mong được xem xét đúng người đúng tội.

Lời sau cùng của Dương Chí Dũng: Để xảy ra thiệt hại tại Vinalines, bị cáo xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân. Trước pháp luật không thể nhận điều không đúng được, nhận điều không có thì không thể được.

Mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa xác đáng chứng cứ thì cho bị cáo giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có thể chờ đến một thời điểm nào đó làm sáng tỏ.

Bị cáo 48 tuổi được bổ nhiệm TGĐ, muốn làm điều gì đó cho ngành, không thành công thành tội, đó cũng là điều đau đớn.

Bố đẻ bị cáo 91 tuổi, gia đình giấu không cho biết. Cụ huân huy chương rất nhiều… Gia đình nội ngoại bị cáo đều có truyền thống. Sai lầm thế này rất buồn…

Không phải bị cáo sợ. Nếu có tội bị cáo sẵn sáng chịu, chỉ mong HĐXX hết sức thận trọng. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn. Trước mắt bị cáo xin vận động gia đình, dù bao nhiêu đi chăng nữa cũng cố gắng khắc phục.

Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan. Bị cáo trung thành với xã hội, yêu cuộc sống, yêu gia đình rất nhiều. Một lần nữa xin tha tội cho bị cáo đã để xảy ra sai phạm này.

Bị cáo Mai Văn Phúc: Bị cáo một lần nữa đề nghị HĐXX xem xét 5 gạch đầu dòng mà VKS căn cứ mà cáo buộc bị cáo tội 'Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' và tội 'Tham ô tài sản'.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/vinashin-luong.jpg

Bị cáo Lừng: đến giờ phút này được nói lời sau cùng, bị cáo có cảnh gia đình, bố mẹ già, vợ ung thư, bị cáo thoát ly gia đình, vướng vào vòng pháp luật thấy rất ân hận, buồn, mong muốn xem xét cho hoàn cảnh gia đình bị cáo.

17h10: HĐXX tạm nghỉ nghị án, 14h ngày 25/4 sẽ tuyên án.

Tuyết Nhung

thieugia
26-04-2014, 05:09 AM
Nguyên Tổng giám đốc: 'Ở Vinalines chỉ đưa bằng tiền mặt'

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Hinh_phap/Dai_An/vinashin.jpg

Bất ngờ quay lại phần thẩm vấn, chiều 25/4, HĐXX phúc thẩm tập trung xét hỏi nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn về việc chia chác khoản lại quả 1,66 triệu USD như thế nào.
Được chủ tọa hỏi suy nghĩ gì về việc luật sư Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng đưa ra bản tuyên thệ của giám đốc công ty AP Goh Hoon Seow, bị cáo Sơn cho rằng, những thông tin đó chắc chắn không đúng sự thật, đồng thời bác bỏ lời tuyên thệ của ông Goh rằng chưa bao giờ tiếp xúc với ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Một loạt chất vấn khác của HĐXX về thời gian ông Goh yêu cầu làm hợp đồng khống để chuyển 1,66 triệu USD về Việt Nam; bị cáo và ông Goh gặp gỡ bao nhiêu lần… ông Sơn đều không nhớ và cho rằng: "Ở thời điểm này có lẽ cách trả lời của ông Goh như vậy không có ảnh hưởng gì". Tuy nhiên, chủ tọa xác định, tuyên thệ này là tài liệu mới, cần phải xem xét.

Trước HĐXX, ông Sơn trình bày, sau khi được ông Goh cho biết lại quả 1,66 triệu USD, bị cáo này đã nói với ông Dũng và Phúc. "Anh Phúc đã bảo bị cáo xúc tiến ngay", ông Sơn khai và cho hay đã cung cấp tài khoản, tên công ty cho ông Goh.

Cả HĐXX và luật sư Nguyễn Huy Thiệp đều thắc mắc, nếu ông Phúc nói xúc tiến nhanh việc chia tiền thì vì sao 5-6 tháng sau, ông Sơn mới đưa cho mỗi người 10 tỷ đồng. Bị cáo này giải thích, thời điểm đó, khi ụ nổi 83M về Việt Nam, được phân công phụ trách quản lý, lai dắt đến một số địa điểm nên mất nhiều thời gian. Các luật sư cho rằng có sự mập mờ ở lời khai này của bị cáo Sơn.

Ông Sơn từng khai, sau khi nhận thông báo của ông Goh về việc chuyển 1,66 triệu USD đã mượn tài khoản của em gái và giải thích "có khoản chuyển cho các bác", song không có nói khoản tiền gì. Bị cáo này cũng quanh co khi khai có lần nói với em gái tìm căn nhà 4 tầng, vị trí đẹp để biếu tặng; sau đó lại giải thích có lẽ em gái hiểu sai, ý của bị cáo muốn chuyển tiền thành hiện vật tương đương.

Sơn khai nhiều lần dùng chứng minh thư rút tiền đưa cho ông Dũng và Phúc, song HĐXX chất vấn tại sao không chuyển khoản mà phải làm vậy. "Bị cáo nói HĐXX không tin nhưng tất cả chuyện đó ở công ty là đều phải bằng tiền mặt", ông Sơn khai. Bị cáo cho rằng, không nhớ chính xác từng lần đưa tiền. Việc rút tiền ở ngân hàng dù không có giấy tờ chứng minh song ông này vẫn khẳng định “đó là sự thật”.

Chủ tọa tiếp tục chất vấn lời khai về lần đưa tiền cho ông Dũng tại khách sạn ở TPHCM, song ông Sơn nói chỉ nhớ là vào buổi chiều.

Lời khai của ông Dũng về việc này mâu thuẫn với Sơn. Ông Dũng thừa nhận, Sơn gọi điện và hẹn sau đó hai người gặp nhau. Trước khi ra về, Sơn để lại chiếc túi có hai bánh xe, bên trong đựng rượu. “Khi ngồi trong phòng chờ lên máy bay, bị cáo mở ra xem qua mới biết đó là rượu mà lúc trước Sơn có nói biếu làm quà”, ông Dũng trình bày. Việc đưa tiền cho ông Phúc, Sơn giải thích sở dĩ có lời khai 3 lần tại nhà vì lúc đầu khai vậy, song sau đó ông ta nhớ ra nên khai lại.

Mua ụ nổi: 'Vinalines phải quyết định nhanh'

Tòa thẩm vấn cựu TGĐ Vinalines Mai Văn Phúc để làm rõ mối quan hệ với ông Goh. Bị cáo Phúc cho rằng chỉ một lần gặp ông Goh tại phòng khách của Vinalines. “Lúc đó bị cáo đi họp, anh Chiều có nói ra chào hỏi xã giao. Bị cáo chưa bao giờ làm việc liên hệ với ông ta. Ông Goh không hề giao dịch, thư từ với bị cáo”, ông Phúc trình bày.

Việc ụ nổi cũ nát có giá 9 triệu USD, ông Phúc cho rằng, do ông ta ép giá xuống, chứ thực tế lúc đầu phía đối tác bán giá hơn 13 triệu. Ông Phúc cũng giải thích, phải mua gấp ụ nổi này vì thời điểm đó phía Singapore có công điện, nếu ngày hôm đó không ký thì sẽ bán cho người khác. Bị cáo chỉ có 2 tiếng nên đã hỏi ban tham mưu, và được họ cho biết đã xem qua ụ nổi. Số tiền mua ụ nổi này được trích ra từ khoản gói 130 triệu USD vay của một ngân hàng.

Trong khi đó, thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines, cho thấy, khoản 9 triệu USD là tổng cộng các khoản mua ụ nổi, phía công ty AP phải lo chi phí hồ sơ thủ tục nhập khẩu, thông quan. Không ai đề nghị chia 8,1 triệu USD thành 3 chứng từ để chia cho AP, Công ty Global Succes và Vinalines.

Việt Dũng