PDA

View Full Version : "vua" đạo văn !



Shaolaojia
29-05-2012, 11:48 AM
Theo Tuoitre Online thứ Ba, 29/05/2012, 07:56 (GMT+7)
TT - Chỉ trong hai ngày 23 và 24-5-2012, các tạp chí chuyên ngành vật lý quốc tế đã gỡ bỏ ba bài viết của thạc sĩ Lê Đức Thông, nâng tổng số bài bị rút vì đạo văn của ông này lên đến con số 7 trong vòng hai năm. Chuyện này gây ảnh hưởng không tốt cho những nhà khoa học VN chân chính...

http://img2.news.zing.vn/2012/05/29/1-11.jpg
Những bài báo khoa học “đạo văn” của Lê Đức Thông


Cái tên Lê Đức Thông thời gian qua đã quá nổi tiếng với chuyện đạo văn. Mới đây, trong hai ngày 23 và 24-5 hai tạp chí khoa học đã công bố rút ba bài báo của tác giả này cũng vì lý do đạo văn.
Những bài báo bị rút đều là của ThS Lê Đức Thông cùng “nhóm nghiên cứu”, trong đó có tên một số giáo sư, chuyên gia vật lý ở các trường ĐH, viện nghiên cứu tại TP.HCM và Hà Nội.
Hai năm rút bảy bài báo

Ngày 23-5, tạp chí khoa học Natural Sciene đã rút cùng lúc hai bài báo vì lý do đạo văn (plagiarism): “Strong limit on Δα/α from the analysis of fell absorption line multiplets” (tạm dịch: Giới hạn mạnh trên Δα/α từ sự phân tích của sự giảm các bội dòng hấp thu) và “New test for cosmological time variation of the fine-structure constant from the analysis of quasar spectra” (Sự kiểm chứng mới về sự phụ thuộc thời gian vũ trụ của hằng số cấu trúc tinh tế từ việc phân tích các phổ quasar).

Tiếp sau đó, ngày 24-5, tạp chí Journal Of Modern Physics cũng công bố rút lại bài báo “Studying cosmological time variability of the fine - structure constant from the analysis of quasar spectra” (Nghiên cứu sự phụ thuộc thời gian vũ trụ của hằng số cấu trúc tinh tế từ việc phân tích các phổ quasar). Cả ba bài báo trên đều của nhóm tác giả Lê Đức Thông.

Trước đó, nhiều tạp chí khoa học quốc tế cũng đã công bố rút hàng loạt bài của nhóm tác giả trên với lý do đạo văn. Cụ thể:

* Tháng 2-2010, tạp chí Physics Letters B có thông báo rút lại bài báo “Search for cosmological time variation of the fine-structure constant using low-redshifts of quasar” (Tìm kiếm sự phụ thuộc thời gian vũ trụ của hằng số cấu trúc tinh tế từ việc phân tích các phổ quasar bằng việc sử dụng các dịch chuyển đỏ cận dưới của quasar) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao và Trần Văn Hùng ra khỏi những bài báo trong giai đoạn “in press” (bài báo đăng tải trên mạng, trong giai đoạn xem xét chuẩn bị in trên tạp chí - PV).

* Tạp chí EPL số phát hành tháng 6-2010 đã có thông báo chính thức rút lại bài báo khỏi tạp chí do đạo văn và toàn văn bài báo “Was the fine-structure constant variable over cosmological time?” (Có hay không hằng số cấu trúc tinh tế phụ thuộc vào thời gian vũ trụ?) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, TS Nguyễn Mộng Giao - Viện Vật lý TP.HCM, TS Nguyễn Thế Hùng - Viện Vật lý Hà Nội và TS Trần Văn Hùng - Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ với việc đóng chữ “Retracted” (bị rút lại) vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghiên cứu.

* Bài báo khoa học mang tên “Search for time variation of the fine-structure constant using [OIII] emission lines” (Astrophysics and Space Science, 2012, volume 339, number 2, page 405 - Tìm kiếm sự phụ thuộc thời gian vũ trụ của hằng số cấu trúc tinh tế bằng cách sử dụng các vạch phát xạ) của Lê Đức Thông, Trần Văn Hùng, Nguyễn Thị Thu Hương và Hà Huy Bằng.

l* Bài báo “New method of searching for cosmological time variation of the fine-structure constant” (Prog Theor. Phys. Vol. 126 No. 1 (2011) pp. 177-184 - Phương pháp mới cho việc tìm kiếm sự phụ thuộc thời gian vũ trụ của hằng số cấu trúc tinh tế) cũng bị ban biên tập các tạp chí trên rút lại.

“Phương pháp Thông” không có giá trị

Lý do rút lại các bài báo trên được ban biên tập các tạp chí nêu ra do nhóm tác giả trên đã viết bài dựa trên nội dung chủ yếu đến từ các bài báo khác, và dẫn nguồn nhưng không được ghi chú. Đồng thời kết luận đây là hình thức đạo văn, thể hiện sự thiếu kinh nghiệm của tác giả trong việc gửi bài báo khoa học. Nhiều nhà khoa học đã phản hồi thông tin trên các trang mạng về trường hợp này đều cho rằng dù với bất kỳ lý do nào, đạo văn bất kỳ hình thức nào đều không được cho phép và khuyến khích trong khoa học. Vì thế tất cả những bài báo này đều không có giá trị!

Ngay khi những thông tin trên được công bố, giới khoa học đều tỏ ra bức xúc và lo ngại. “Đây là việc do một cá nhân cùng một nhóm người gây ra. Nhưng điều đáng ngại là khi các tạp chí khoa học và các diễn đàn trên mạng đều giật tít “các nhà vật lý VN bị rút bài do đạo văn...”. Việc này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các nhà vật lý VN trong tương lai” - TS Cao Huy Thiện, phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM, lo lắng.

Ông Thiện cho biết những bài báo của ông Thông đều liên quan tới “hằng số cấu trúc tinh tế” - vấn đề tuy không phổ biến ở VN nhưng đã được nhiều nhà khoa học vật lý trên thế giới nghiên cứu và công bố trước đó rất nhiều. “Quá trình nghiên cứu của Thông muốn chứng minh hằng số cấu trúc tinh tế thay đổi theo thời gian, bằng cách phân tích dữ liệu từ các phổ phát xạ của các chòm sao. Tuy nhiên những nghiên cứu này có đầy trên mạng” - TS Thiện chia sẻ. Và sau đó ông Thông đã hùng hồn công bố với thế giới là đã phát minh phương pháp phổ chuẩn tinh mới “Thong method” (phương pháp của Thông).

Sau những xôn xao trong giới khoa học về sự kiện Lê Đức Thông, GS Pierre Darriulat - ĐH Khoa học Hà Nội và Phòng thí nghiệm thiên văn VATLY, một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, là người thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của VN cũng như đào tạo các thế hệ học trò say mê vật lý vũ trụ, cũng lên tiếng. GS Pierre Darriulat nói: “Gần đây, một phương pháp phân tích phổ chuẩn tinh mới, thường được xem như là “phương pháp Thông”, đã được trình bày và sử dụng trong một số công bố. Một số trong đó đã bị rút xuống bởi các tác giả bị kết tội đạo văn. Tuy nhiên, ngay cả “phương pháp Thông” cũng là sai!

Một bài toán cũng chưa giải được

Chiều 28-5, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Mộng Giao, hiện là hiệu phó Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, về việc trước đây có ông đứng tên chung trong nhóm tác giả các bài báo của ông Thông, người trước đây giúp đỡ ông Thông về làm việc tại Viện Vật lý TP.HCM. “Cả hai bài báo của Lê Đức Thông có ghi tên tôi đều do cậu ấy tự ý ghi vào. Có chăng đề tài của bài báo trên liên quan đến một bài toán trước đây tôi có giao cho Thông nhưng đến nay Thông vẫn chưa giải được. Thông có đưa cho tôi xem bài báo này, tôi đã yêu cầu Thông sửa đi sửa lại đến lần thứ tư cũng chưa đạt. Sau đó, Thông tự ý gửi đi đăng, tôi không hề biết gửi đi đâu và khi nào” - ông Giao cho biết.

Theo đánh giá của ông Giao, trong bài báo này “có chút kết quả mới nên được tạp chí cho in, nhưng lại lấy văn của người khác viết nên bị phát hiện”. Đến bài báo thứ hai ông Giao cũng khẳng định ông Thông tự ý đưa tên ông vào. “Đôi lúc Thông tìm hiểu ra một vấn đề rất nhỏ nhoi như giải một bài toán nhưng lại cho đó là kết quả nghiên cứu to lớn của mình. Tôi nhiều lần nhắc nhở phải làm việc nghiêm túc trong nghiên cứu nhưng cậu ấy không chịu nghe. Thông còn sử dụng địa chỉ email của tôi để liên hệ với các chuyên gia và tạp chí khoa học để phục vụ những mục đích cá nhân. Lâu rồi tôi không liên lạc với Thông nữa” - ông Giao nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo khoa vật lý ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho hay sau khi có thông tin về việc bài báo khoa học của Lê Đức Thông bị rút xuống có kèm tên hai cán bộ của khoa là Nguyễn Thị Thu Hương và Hà Huy Bằng, khoa vật lý đã yêu cầu cả hai làm văn bản giải thích rõ về sự việc. Trong những văn bản này, hai giảng viên đều khẳng định không liên quan đến bài báo khoa học, không biết mình sẽ được “ghép tên” vào bài báo ông Thông gửi đến tạp chí nước ngoài.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Huy - trưởng phòng tổ chức cán bộ ĐH Khoa học tự nhiên - cho hay trường đang yêu cầu GS Bằng tập hợp đầy đủ chứng cứ liên quan, kể cả bài báo nguyên thủy ban đầu không có tên của GS Bằng, TS Hương và cả thư mà GS Bằng nói đã gửi tạp chí để xin rút tên mà không được. Khi đã có đủ thông tin và phần giải thích rõ ràng của GS Bằng, trường sẽ thông tin chính thức và đầy đủ về “tai nạn” khoa học này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lê Đức Thông (sinh 1981) tốt nghiệp kỹ sư khai thác máy tàu biển Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và từng làm việc tại Viện Vật lý TP.HCM từ tháng 6-2008. Khoảng đầu năm 2010 Viện Vật lý TP.HCM nhận được thư của một số tạp chí khoa học nước ngoài “tố” việc đạo văn và yêu cầu xử lý Lê Đức Thông về việc này. Sau đó, lãnh đạo viện đã giải quyết êm thấm bằng cách yêu cầu ông Thông tự viết đơn xin thôi việc.

Tháng 5-2010, Viện Vật lý TP.HCM đã giải quyết cho ông Thông nghỉ việc.

Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Thông nhưng không được.

Nhóm tác giả: T.HUỲNH - N.HÀ - V.HÀ

Shaolaojia
29-05-2012, 11:51 AM
GS Hà Huy Bằng: “Tôi đã xin rút tên mà không được”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Hà Huy Bằng - phó trưởng khoa vật lý (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), người được xem là “nạn nhân” của “nhà khoa học đạo văn” Lê Đức Thông - khẳng định:

- Việc Thông tự ý đưa tên tôi vào bài báo khoa học rồi sau đó bài báo này bị rút xuống xảy ra từ năm 2010. Cách làm này Thông không chỉ “áp dụng” với tôi mà còn với một số nhà khoa học khác. Những nhà khoa học này cũng đã lên tiếng về sự vô can của họ vì họ hoàn toàn không biết gì về chuyện gửi bài thế này.
http://laodong.com.vn/Image.aspx?id=61906&ts=425&lm=634721731045970000
Gs. Hà Huy Bằng: "Tôi xin rút mà không được".

* Lê Đức Thông có quan hệ thế nào với ông mà tự ý ghép tên ông vào?

- Nguyễn Thị Thu Hương - vợ Thông - là nghiên cứu sinh thứ sáu của tôi, là người vẫn gọi tôi là “bố nuôi”. Hương từng là cử nhân tài năng của trường và một mạch chuyển tiếp lên TS. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, có lần Hương nói với tôi: “Chúng con đang định làm một đề tài về vấn đề này”, tôi rất ủng hộ và có góp ý thêm. Khi đó Hương và Thông yêu nhau, nhưng tôi không biết Thông là ai và cũng không hề biết mối quan hệ của hai người. Cho đến sau đó, khi sang Nhật, Hương đã thông báo về việc Thông đưa tên tôi vào bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài. Tôi và Hương đã trao đổi và viết thư lên tạp chí yêu cầu rút tên cả hai xuống, nhưng luật của họ không cho phép. Bài báo đã được chấp nhận thì không thể thay đổi nữa. Tôi khẳng định chắc chắn văn bản đầu tiên Thông gửi đi không có tên tôi, sau đó Thông yêu cầu tạp chí đưa vào mà tôi không hề hay biết.

* Trong trường hợp này, bài báo bị cho là “đạo văn” khi đã lấy mà “không xin phép” những gì từ các tác giả khác?

- Nghe Hương nói thì lúc đầu tạp chí yêu cầu Thông sửa lại câu, chữ. Nhưng Thông đã sửa lại ẩu quá. Tôi không rõ cụ thể lắm vì chỉ thảo luận, góp ý phần kết luận thông qua Hương. Mà chuyên ngành của tôi là năng lượng cao vũ trụ, còn bài báo của Thông liên quan đến vật lý thiên văn.

* Được biết, không chỉ có bài báo đã bị rút xuống Thông “mượn” tên của ông?

- Đúng là ngoài bài báo bị rút, Thông còn gửi tạp chí khác một bài báo có “đính kèm” tên của tôi. Hai bài báo này có liên quan đến nhau vì khoa học là vấn đề lớn, không dễ gì giải quyết được trong một bài. Tôi cũng liên hệ xin bỏ tên đi mà không được. Tuy nhiên, bài báo này chưa bị rút xuống.

T.HUỲNH - N.HÀ - V.HÀ

thanh_long
12-06-2012, 12:17 PM
Ôi trời ơi, có gì mà to tát cơ chứ, tôi thấy ở nước ngoài người ta cũng đạo văn vậy. Năm ngoái đâu ở Đức hay Hà Lan gì đó, đến bộ trưởng cũng khai man lý lịch, cũng xài bằng giả, cũng đạo văn như thường ... có gì to tát đâu. Các bạn không tin đến trường tui mà coi, các thày cô cũng đạo giáo trình của các trường khác về làm sách của mình nhưng được cái, các thầy cô trường tui (trường ĐH Công nghiệp Tp. HCM) khéo lắm, có "đạo" đấy nhưng hổng có phổ biến ra ngoài, thông thường là các thày trường tui sẽ dùng con dấu ghi "sách lưu hành nội bộ" do vậy mà cũng "hổng" có ai hay, chỉ mình ... tui hay thôi.

Stephany Nguyen
12-06-2012, 07:22 PM
các đề tài nghiên cứu khoa học, phải mất 1 khoảng thời gian khá dài để tìm ý tưởng, biến ý tưởng đó thành hiện thực đồng thời cũng phải đưa ra lý lẽ để chứng minh kết quả nghiên cứu là chính xác, khác với đạo văn trong văn chương, cái việc ăn cắp "bản quyền" như thế này thật là không chấp nhận được, các bài ví dụ mà Shaolaoja đưa trên toàn là những đề tài mang tính chất quốc tế được tạp chí khoa học danh tiếng như Natural Science đăng mà lại là tác phẩm ăn cắp của người khác....thật là mang tiếng xấu cho các nhà khoa học chân chính