PDA

View Full Version : Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp



ngochai
01-05-2014, 04:40 PM
Lời Bạt:

Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân Tộc ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân tài kiệt xuất của nước Việt ta.

Thực tiễn cho thấy, những sự kiện và diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự quyết tâm một lòng với tinh thần "quyết chiến quyết thắng" của toàn Quân và toàn Dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực Dân Pháp với mục tiêu "độc lập, dân tộc, dân chủ, nhân dân".

Cuốn sách "Điện Biên Phủ" của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những tài liệu tham khảo quý về giai đoạn lịch sử này của Dân Tộc ta. Cuốn sách được in năm 1998 của NXB Chính trị Quốc gia.


"Điện Biên Phủ là chiến công vang dội đầu tiên của một dân tộc vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. Đây cũng là trận tiêu diệt chiến lớn điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Ý nghĩa dân tộc và quốc tế lớn lao của Điện Biên Phủ là ở chỗ đó. Chính vì vậy mà Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của con người Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc đấu tranh thoát ách áp bức bóc lột, vươn tới độc lập tự do."


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/6/64/CamcoDienBienPhu.jpg

-----o0o-----


GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Như mọi người đều biết, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi vẻ vang, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta chống cuộc “chiến tranh xâm lược bẩn thỉu” của đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ.

Năm 1958, nhân dịp kỷ niệm 4 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết bài cho báo Nhân Dân dưới đầu đề Điện Biên Phủ và được nhà xuất bản Sự thật in hai lần vào các năm 1958, 1960 (khi in trong cuốn sách này được lấy đầu đề là Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ). Bài viết nêu lên một số kinh nghiệm về chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: vấn đề chỉ đạo chiến lược, vấn đề chỉ đạo chiến dịch, mấy vấn đề chiến thuật, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tỉnh thần phục vụ tiền tuyển của nhân dân.

“Tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo Đảng, là yếu tố quyết định thắng lợi. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm vĩ đại nhất”.

Tác giả khẳng đính: “Chính con đường đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã đưa dân ta đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Con đường đoàn kết đấu tranh đó nhất định sẽ đưa dân ta đến những thắng lợi mới to lớn hơn, trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà…”.

Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết cuốn Điện Biên Phủ đầy đủ hơn, phong phú hơn, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ìn lần thứ ba.

Với nhiều tài liệu quan trọng, với lối viết gọn gàng, sáng sủa quen thuộc, tác giả đã phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của đối phương, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại diễn biến của tình hình chiến sự, nêu rõ ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ và của các chiến thắng Đông Xuân nói chung. Tác giả kết thúc cuốn sách với niềm tin: “Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại sẽ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta, dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới ngày càng to lớn.

Với các thế hệ mai sau, Điện Biên Phủ sẽ sống mãi”.

Cuốn Điện Biên Phủ đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh nhiệt liệt. Đây là một tác phẩm có giá trị về sử học, khoa học quân sự và về văn học.

Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ìn lần thứ sáu cuốn Điện Biên Phủ. Thể theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, tác giả đã xuất phát từ diễn biến lịch sử trong mấy chục năm qua mà nêu lên một số suy nghĩ của mình. Tiếp theo từng chương của cuốn Điện Biên Phủ, với lập luận rõ ràng, lời bình sâu sắc, cách viết ngắn gọn và súc tích, tác giả đã viết những suy nghĩ rút ra từ cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp và cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Mỹ - những suy nghĩ sau Điện Biên Phủ 25 năm.

Nhận xét về địch, tác giả viết: “Nhìn lại âm mưu của địch, thấy nổi lên một điểm là chúng luôn luôn chủ quan, luôn luôn phạm sai lầm…

Chúng luôn luôn chủ quan là vì chúng không nắm được quy luật của chiến tranh nhân dân, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do...

Và trong chiến tranh, đã không nắm được quy luật thì tất nhiên không tránh được những quyết định chủ quan, dẫn đến sai lầm về chiến lược. Thất bại là tất yếu”.

Về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng, tác giả viết: “Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công.

Phải nắm vững quyền chủ động trong mọi tình huống, chủ động trong phản công, chủ động trong tiến công, chủ động cà trong tình huống tạm thời tiến hành phòng thủ. Có nắm được quyền chủ động mới buộc được địch hành động theo ý định của ta, mới có thể tạo nên thời cơ mới để tiến công tiêu diệt địch, mới có thể liên tục tiến công quân địch”.

Về bí quyết thắng lợi, tác giả viết: “Bí quyết thắng lợi lớn nhất của dân tộc ta, của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm là đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng với tinh thần quyết chiến và trí thông minh sáng tạo của quân và dân cả nước, giữa tinh thần cách mạng tiền công triệt để của giai cấp công nhân với truyền thống đoàn kết đấu tranh bất khuất của dân tộc, là sự phát triển ngày càng hoàn chỉnh của khoa học và nghệ thuật quân sự đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta, là sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của cả dân tộc được tổ chức lại ở trình độ ngày càng cao với sức mạnh to lớn của thời đại mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc”.

Năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết bài Quyết định khó khăn nhất đăng trên báo Nhân Dân Chủ Nhật về vấn đề thay đổi phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài viết kể lại quá trình suy nghĩ và đi đến quyết đính dứt khoát cuối cùng của mình. Qua bài viết, người đọc thấy rõ tinh thần thận trọng và kiên quyết, phong cách, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao của người chỉ huy, cách xử lý mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thắng lợi của chiến dịch, bảo đảm thực hiện lời dặn của Bác Hồ: “Phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng, không đánh”.

Tác giả viết rằng việc thay đổi phương châm tác chiến là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.

Chúng ta đều hiểu quyết định này có tầm quan trọng rất lớn - lớn nhất - trong sự chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bài viết có những trang sinh động về cuộc họp của Bộ Chính trị, cuộc hành quân ra tiền tuyến, buổi gặp một số nhà văn, nhà báo nước ngoài, cuộc họp Đảng ủy mặt trận, v.v...

Bài viết là một hồi ký đặc sắc, có nội dung quân sự và chính bị sâu sắc lại có tính văn học cao, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội hoan nghênh.

Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết bài Điện Biên Phủ - 40 năm sau nhìn lại. Từ đỉnh cao thắng lợi ngày nay, tác giả nhìn lại cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, những thành tựu và những thiếu sót của công cuộc xây dựng đất nước, tác giả nói lên những suy nghĩ của mình về những giá trị tinh thần và kinh nghiệm thực tiễn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng.

Trong lần xuất bản này, được sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi sưu tầm và in tất cả những bài viết về Điện Biên Phủ của tác giả. Chúng tôi muốn từ hiện thực đì ngược thời gian về Điện Biên Phủ, nên in theo thứ tự.

- Điện Biên Phủ - 40 năm sau nhìn lại.

- Quyết định khó khăn nhất

- Điện Biên Phủ (kèm theo những suy nghĩ nhân dịp kỷ niệm 25 năm).

- Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Phụ lục.

Điều mong muốn thiết tha nhất của chúng tôi là nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao truyền thống Quyết chiến Quyết thắng của Điện Biên Phủ, phát huy những bài học thắng lợi của Điện Biên Phủ, làm nên những Điện Biên Phủ mới trong công cuộc đổi mới hiện nay. Toàn dân đoàn kết, tự lực tự cường, thông minh, sáng tạo, cần kiệm xây dựng đất nước, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, làm cho dân giàu nước mạnh, xây dựng xã hội công bằng và văn minh.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 4 năm 1994

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

ngochai
01-05-2014, 04:42 PM
THƯ CỦA CHỦ TỊCH HÔ CHÍ MINH

GỬI CÁN BỘ VÀ CHIẾN SĨ Ở MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.

Thu Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sình lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.

Năm ngoái các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.

Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.

Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm giành nhiều thắng lợi.

Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú.

CHÀO THÂN ÁI VÀ QUYẾT THẮNG

Tháng 12 năm 1953

HỒ CHÍ MINH




----------0o0.................




THƯ CỦA CHỦ TỊCH HÔ CHÍ MINH

KHEN NGỢI BỘ ĐỘI, DÂN CÔNG, THANH NIÊN XUNG PHONG
VÀ ĐỒNG BÀO TÂY BẮC ĐÃ CHIẾN THẮNG VẺ VANG
Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ


Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.

CHÀO THÂN ÁI VÀ QUYẾT THẮNG

Ngày 8 tháng 5 năm 1954

HÔ CHÍ MINH

ngochai
01-05-2014, 05:13 PM
ĐIỆN BIÊN PHỦ

40 NĂM SAU NHÌN LẠI...

Năm nay, trong khung cảnh đất nước ta hoàn toàn độc lập thống nhất đang trên trường xây dựng Tổ quốc phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1994).

Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa..., cùng với Cách mạng Tháng Tám và Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Điện Biên Phủ là một “cái mốc chói lọi bằng vàng”(2) trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là một trong những thắng lợi có ý nghĩa quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước 30 năm, hết chống Pháp rồi chống Mỹ.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Biết bao biến thiên diễn ra trên thế giới. Mặc dù vậy, những chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, càng lùi sâu vào thời gian, ý nghĩa càng sâu sắc. Điện Biên Phủ là một chiến công như thế.

-----o0o-----

Trí tuệ loài người đang tiến những bước nhảy vọt. Khoa học lịch sử không ngừng phát triển, rọi chiếu ánh sáng tư duy mới vào những trang lịch sử xa xưa. Vì thế mà 40 năm sau nhìn lại, chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, lại càng thêm rực rỡ.

Dưới góc độ khoa học, để đánh giá một chiến công lịch sử, không thể chỉ bằng lòng với những diễn biến trong thời gian xảy ra sự kiện. Phải tìm về cội nguồn, phải suy ngẫm về tương lai. Khoa học và tư duy biện chứng giúp chúng ta thấy rõ hơn nguyên nhân thắng lợi, hiểu rõ hơn ý nghĩa của chiến công lịch sử.

Chiều sâu của chiến thắng Điện Biên Phủ tiềm ấn trong truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc từ khí phách huyền thoại của em bé làng Gióng mới lên ba tuổi đã đánh đuổi giặc nước mà đã cho là muộn, giận chín tầng trời còn thấp khi bay tận mây xanh(3). Chiều sâu ấy tiềm ẩn trong câu thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, từ Hịch Tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo... đến lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tài mưu lược đã sáng tạo ra nghệ thuật đánh giặc của một nước nhỏ luôn đánh thắng những đạo quân xâm lược lớn mạnh. Cho đến ngày nay, bước vào thời đại mới, khi phải chống lại quân đội hiện đại của chủ nghĩa đế quốc trong tình hình Việt Nam còn là một nước nông nghiệp lạc hậu vừa thoát khỏi ách thực dân, Đảng ta với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, đã thừa kế và phát triển sáng tạo truyền thống quân sự oanh liệt của tổ tiên, động viên, tổ chức mọi sức mạnh của dân tộc và của thời đại, vượt qua thử thách, giành thắng lợi vẻ vang.

Điện Biên Phủ là chiến công vang dội đầu tiên của một dân tộc vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. Đây cũng là trận tiêu diệt chiến lớn điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Ý nghĩa dân tộc và quốc tế lớn lao của Điện Biên Phủ là ở chỗ đó. Chính vì vậy mà Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của con người Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc đấu tranh thoát ách áp bức bóc lột, vươn tới độc lập tự do.

Điện Biên Phủ là thành quả của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian không hề làm phai mờ chiến công lịch sử. Những kinh nghiệm thực tiễn của Điện Biên Phủ còn giữ nguyên giá trị.

Đó là kinh nghiệm về sức mạnh to lớn khôn lường của một dân tộc đoàn kết đứng lên chiến đấu giành quyền sốnng thiêng liêng, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” . Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ thống soái tối cao, cuộc kháng chiến cứu nước phát triển lên trình độ mới: một cuộc chiến tranh toàn dân, trong đó “bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc” đều đánh giặc, vì độc lập tự do và thống nhất đất nước. Toàn dân ta tử tiền tuyến đến hậu phương, từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đoàn kết hy sinh chiến đấu, cùng các lực lượng vũ trang con em của mình càng đánh càng mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, đẩy quân địch vào thế sa lầy, bị động, cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang trong trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Cũng với sức mạnh toàn dân ấy, quân và dân ta lại viết tiếp những trang sử anh hùng đánh Mỹ diệt nguy, giành toàn thắng cho dân tộc trong mùa Xuân 1975.

Ngày nay, trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới, Điện Biên Phủ nhắc nhở chúng ta phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, học tập và lao động sáng tạo kiên quyết đưa đất nước từng bước đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới, theo đường lối đổi mới của Đảng ta.

Điện Biên Phủ là thành quả của đường lối cách mạng và khoa học, luôn bám sát thực tiễn, phát hiện quy luật, hành động đúng quy luật bằng biện pháp sáng tạo, kiên quyết đến cùng.

Mùa Thu năm 1953, trong một cố gắng rất lớn, đối phương ra sức xây dựng khối chủ lực cơ động, tiến tới giành lại quyền chủ động chiến lược, hòng kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, với tư duy biện chứng, bộ thống soái tối cao cách mạng đã phân tích tình hình, hiểu địch, hiểu ta, phát hiện mâu thuẫn và chỗ yếu của địch, quy luật vận động của chiến tranh. Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, bằng một sự điều động binh lực cơ động, linh hoạt, tiến công vào những nơi yếu và hiểm yếu của địch, ta đã buộc chúng phân tán binh lực ra nhiều hướng, phải đánh theo ý định của ta, chủ động tạo thế tạo lực để giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch Nava bắt đầu bị phá sản.

Đối phương tập trung lực lượng ngày càng lớn ở Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương ở một địa bàn cô lập trên rừng núi Tây Bắc với mưu đồ thu hút và đánh bại chủ lực ta. Ta đã kíp thời phát hiện cái mới trong ý đồ và sự bố trí lực lượng của địch. hạ quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch ở phút cuối cùng, đổi cách đánh từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Từ chỗ chủ trương diệt địch trong 2 ngày 3 đêm trong một trận, ta đã chuyển sang tiêu diệt địch từng bộ phận, bóp nghẹt chúng trong một hệ thống trận địa sáng tạo, tiến công và bao vây địch, tiến lên tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 55 ngày đêm. Với sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ và có hiệu quả của các chiến trường cả nước, sự đoàn kết chiến đấu của quân và dân hai nước bạn trên bán đảo Đông Dương, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Không phải ngẫu nhiên mà bài học thực tiễn ấy được lặp lại 21 năm sau. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khi cuộc chiến phát triển, tình hình chuyển biến rất nhanh, bộ tướng soái tối cao cũng đã nhạy bén thay đổi kế hoạch, thay đổi cách đánh, chuyển tử kế hoạch cơ bản sang kế hoạch thời cơ. Kết hợp tiến công và nổi dậy, quân và dân ta anh dũng xốc tới theo mệnh lệnh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, giành toàn thắng trong thời gian 2 tháng, không phải mất từ 2 đến 3 năm như dự kiến trong kế hoạch tác chiến ban đầu.

Hiện nay, bài học bám sát thực tiễn, hành động đúng quy luật với tinh thần đổi mới lại được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước. Từ một nền kinh tế bao cấp một thời có tác dụng tích cực trong chiến tranh, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế hàng hóa, mở cửa với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa khi tình hình đã thay đổi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, những thành tựu đáng phấn khởi thu được trong mấy năm gần đây chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn. Với sự nỗ lực chủ quan vượt bậc, nền kinh tế nước ta đang phát triển trong ổn định, đời sống của nhân dân từng bước cải thiện, đất nước đang đứng trước vận hội mới hết sức lớn lao.

Điện Biên Phủ là một minh chứng rực rỡ của tinh thần tự lực tự cường, độc lập tự chủ, trong khi ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế. Từ những năm chiến đấu trong vòng vây đế quốc, chúng ta đã xây dựng lực lượng chính trị và quân sự của toàn dân, xây dựng các đại đoàn chủ lực làm “quả đấm thép” quyết định chiến trường. Cả dân tộc đứng lên không ngại hy sinh, gian khổ, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Chính sự nỗ lực chủ quan của quân và dân ta đã tạo điều kiện tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của Trung Quốc, Liên Xô, sử dụng có hiệu quả cao sự giúp đỡ quý báu của các nước bạn về vũ khí và phương tiện chiến tranh. Nhân tố quyết định bao giờ cũng là nhân tố bên trong. Con người Việt Nam dũng cảm và có trí thức, có kinh nghiệm chiến đấu là nhân tố quyết định đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Từ Đại hội VI đến nay, chính sách của Đảng và Nhà nước ta chủ trương tranh thủ sự hợp tác và viện trợ quốc tế về vốn đầu tư, khoa học và công nghệ, đưa nền kính tế nước ta từng bước tiến kịp nền kinh tế các nước tiên tiến và phát triển. Càng “mở cửa” ra thế giới, chúng ta càng nêu cao tinh thần tự lực tự cường, độc lập tự chủ, ra sức nâng cao dân trí, bồi dưỡng lao động, đào tạo nhân tài, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy cao độ mọi tiềm lực và tài nguyên đất nước, nhất là thế mạnh của con người Việt Nam, chinh phục những đinh cao mới trên mặt trận xây dựng đất nước.

Những bài học của Điện Biên Phủ 40 năm sau vẫn nóng hổi tính thời sự. Chiến thắng lịch sử dạy chúng ta giữ vững cái “bất biến” là con đường cách mạng Bác Hồ đã lựa chọn, giữ vững độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc, tự lực tự cường, luôn luôn đổi mới phù hợp với thực tiễn và quy luật khách quan, đưa đất nước vững bước đi lên, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và mọi nguy cơ có thể đến từ nhiều phía.

ngochai
01-05-2014, 05:14 PM
Điện Biên Phủ là một tất yếu lịch sử. Chế độ thực dân hà khắc đã dẫn tới Điện Biên Phủ, nếu không phải ở Việt Nam thì cũng ở một nơi nào khác là mắt xích nóng bỏng nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Vai trò của dân tộc Việt Nam làm nên Điện Biên Phủ, mở đầu kỷ nguyên vùng dậy của các dân tộc thuộc địa là do lịch sử giao phó. Nhân dân ta đã không phụ sự ủy thác lịch sử này.

Đương nhiên, vinh quang và trách nhiệm phải đổi bằng sự hy sinh to lớn về người, về của, về sự chậm trễ trong xây dựng và phát triển đất nước. Thế nhưng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cái giá phải trả để giành độc lập, thống nhất là cần thiết và xứng đáng. Lênin nói: Cái gì đưa chúng ta đến thắng lợi trong chiến tranh thì cũng đưa ta đến thắng lợi trong cách mạng. Mặc dù quy luật của hòa bình xây dựng khác với quy luật của chiến tranh, nhưng vẫn có những chân lý chung mang tính phổ biến. Những giá trị tinh thần hun đúc trong khói lửa chiến tranh là tài sản quý giá vĩnh hằng, sẽ tạo điều kiện khắc phục sự chậm tiến nhất thời. Bài toán đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội mới, thực hiện hoài bão ngàn đời của dân tộc nhất định sẽ được giải quyết bằng ý chí cách mạng và tài năng của con người Việt Nam, bằng tinh thần Điện Biên Phủ.

-----o0o-----

Sau ngày 7 tháng 5 năm 1954, xuất hiện một cụm từ như là biểu trưng của thời đại.

“Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ”

Việt Nam là đất nước anh hùng, là con người sáng tạo. Hồ Chí Minh là đường lối đúng đắn. Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang. Ý nghĩa của cụm từ ấy càng sâu sắc bốn chục năm sau, đẹp thêm bởi cành nguyệt quế mùa Xuân 1975 toàn thắng và những thành tựu “đổi mới” đang làm cho đất nước chuyển biến từng ngày.

Trên Tổ quốc hoàn toàn độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đang tiến lên trong kỷ nguyên mới: kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân. Đón chào vận hội lớn, chúng ta không quên sự hy sinh vô giá của toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu 30 năm đã chuẩn bị tiền đề.

Nhớ lại ngày chiến thắng năm nào, trên chiến trường khói đạn còn chưa tan hết, các chiến sĩ Điện Biên Phủ đã nhận điện khen của Bác Hồ, kèm theo lời dặn dò không bao giờ cũ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”, “không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”(1). Bác cũng từng dạy bảo: Muốn “xây cầu thắng lợi”, phải củng cố vững chắc cái “nền nhân dân”, và đừng quên chống loài mối mọt.

Trong tình hình đất nước hôm nay, nhân dân ta quyết làm theo lời Bác. Mang tinh thần quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ vào trận mới, mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, con người Viết Nam tự hào, phấn khởi, quyết tâm chống lại những dòng nước ngược, đưa đất nước cất cánh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, công bằng, văn minh và phát triển.

ngochai
01-05-2014, 05:16 PM
.
.

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT

Một buổi sáng đầu tháng 10 năm 1953, tôi từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh tới nơi Bác ở. Mùa thu năm nay đến với những lo âu và hy vọng. Không khí có phần căng thẳng. Không năm nào, vào thời gian này, những đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường lại chưa lên đường. Ta vẫn chưa xác định trận đánh lớn trong mùa khô sẽ nổ ra ở đâu.

Từ Điềm Mặc tới Lục Giã, đi ngựa khoảng vài giờ. Trời mưa. Con đường mòn lầy lội chạy dưới chân núi Hồng, qua những rừng vầu, những thửa ruộng bậc thang, những bản nhỏ thưa thớt.

Nửa buổi sáng, tới Tín Keo, một bản của thôn Lục Giã, nằm ở chân núi. Từ đây có đường sang Tân Trào qua đèo Gie. Lên một đoạn dốc không xa, đã nhìn thấy ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi, giữa rừng vầu. Bác ở Khuổi Tát, một bản nhỏ của người Dao, tận trên đỉnh núi. Ngôi nhà này là nơi Bác thường đến họp với Bộ Chính trị. Những cánh cửa sổ bằng nứa đã được chống cao. Trong nhà, có một bàn tre rộng và mấy chiếc ghế ghép bằng ống bương. Ngồi đây nhìn xuống cánh đồng bậc thang dưới chân núi. Giữa cánh đồng nổi lên một cây cổ thụ. Mỗi lần về họp, nhìn thấy cái cây như gặp lại người quen. Mùa xuân vừa rồi, tôi trở lại Tỉn Keo. Trên nền nhà cũ, hàng bông bụt vẫn đơm hoa. Nhưng giữa cánh đồng, cây cổ thụ không còn. Nó đã bị nước cuốn trôi trong một mùa lũ.

Chốc lát, Bác, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng cùng tới. Anh Nguyễn Chí Thanh không đến họp được vì đang mệt. Cuộc họp lần này có triệu tập thêm anh Hoàng Văn Thái.

Tôi bắt đầu trình bày tình hình địch.

Từ tháng 5, Hăngri Nava đã sang thay Raun Xalăng, làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Viên tướng bốn sao sớm tỏ ra năng động và táo bạo. Nava cho quân nhảy dù xuống tận Lạng Sơn, nằm rất sâu trong hậu phương ta, càn quét lớn ở Bình Trị Thiên, Đồng Tháp Mười, mở hàng loạt cuộc hành binh tại đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, trong tháng 8, Nava bất thần rút quân Pháp khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

Suốt mùa hè, bộ đội đã tập trung rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm. Nà Sản là một mục tiêu trong mùa khô. Vì so sánh với đồng bằng, thì rừng núi vẫn là chiến trường thuận lợi hơn. Tây Bắc lại là hướng ta đã lựa chọn. Địch rút quân ở Nà Sản không khỏi ảnh hưởng tới kế hoạch Đông - Xuân. Trên chiến trường rừng núi Bắc Bộ, Pháp chỉ còn hai lực lượng nhỏ ở Lai Châu và Hải Ninh. Có ý kiến nêu tiêu diệt hai bộ phận này để giải phóng hoàn toàn biên giới Việt - Trung. Đây là những chỗ yếu của địch. Nhưng kế hoạch Đông - Xuân phải nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, tạo nên một bước chuyển mới của chiến tranh. Từ lâu các chiến sĩ đã mơ ước ngày trở về đồng bằng để giải phóng quê hương. Nhưng đồng bằng lại là chỗ rắn nhất. Phòng tuyến boongke của Đờlát đờ Tátxinhi xây dựng trước đây vẫn còn. Hiện nay, Nava đã lại tập trung một lực lượng cơ động lớn chưa từng có từ khởi đầu chiến tranh, sẵn sàng chờ đón cuộc tiến công của ta....

Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói:

- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh.... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tan binh lực thì sức mạnh đó không còn.

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng. Tôi báo cáo tiếp. Gần đây, có thêm nguồn tin của bạn, chúng ta đã nắm được những ý đồ nguy hiểm của Pháp - Mỹ trong kế hoạch Nava. Mùa khô này, Nava chủ trương tiến hành bình định ở Nam Việt Nam, tránh giao chiến với chủ lực ta trên chiến trường Bắc Bộ. Quân Pháp sẽ dùng mọi cách đánh phá vùng tự do, đánh sâu vào hậu phương nhằm giam giữ và tiêu hao chủ lực ta, phá vỡ kế hoạch tiến công của ta trên chiến trường chính. Đồng thời, Nava vẫn ra sức tranh thủ xây dựng lực lượng cơ động lớn mạnh để thực hiện ý đồ chiến lược đè bẹp những đại đoàn chủ lực của ta trong một trận đánh quyết định vào mùa khô sau. Nava dự tính thực hiện những âm mưu này trong vòng 18 tháng.

Tổng quân ủy đề nghị: Để giữ vững và phát huy quyền chủ động, dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương, mở những cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phân tán quân cơ động để đối phó. Tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Theo dõi sát tình hình, khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Trên chiến trường Bắc Bộ, sẽ mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp quân địch ở Thượng Lào. Hướng thứ hai là Trung Lào, và hướng thứ ba là Hạ Lào. Ta sẽ đề nghị Quân giải phóng Pathét Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công vào hai hướng này, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai. Hướng thứ tư, là bắc Tây Nguyên. Vùng tự do rộng lớn ở Liên khu 5 sẽ là mục tiêu của những cuộc tiến công đánh chiếm trong mùa khô này. Ta mạnh dạn đưa phần lớn bộ đội chủ lực của Liên khu 5 đánh lên vùng rừng núi bắc Tây Nguyên. Đây chính là biện pháp vừa tiêu diệt sinh lực đích, vừa bảo vệ vùng tự do Liên khu 5 một cách hiệu quả. Với các chiến trường Nam Bộ, cực nam Trung Bộ và chiến trường sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa kìm chân quân địch, vừa tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, trong khi chúng phải điều quân cơ động đi các hướng khác. Tại chiến trường chính Bắc Bộ, ta có kế hoạch bảo vệ vùng tự do, giấu một số đơn vị mạnh ở những vị trí cơ động, kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra.... Chỉ cần phá vỡ thế tập trung binh lực của địch là đã làm thất bại về cơ bản kế hoạch của Nava.

Bác hỏi:

- Dự kiến đưa quân lên Tây Bắc thì đích sẽ phản ứng ra sao?

- Chúng có thể tăng cường lực lượng giữ Tây Bắc hoặc đánh ra vùng tự do, kéo quân ta về. Chúng cũng có thể rút quân khỏi Lai Châu, như vậy toàn bộ Tây Bắc sẽ được giải phóng.

- Các hướng khác có khả năng thu hút quân cơ động địch không?

- Ngoài Tây Bắc và Thượng Lào, còn Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào là những nơi xung yếu mà địch không thể bỏ.

Hội nghị thông qua bản đề án của Tổng quân ủy và góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Bác nói khi kết thúc hội nghị :

- Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thề thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa.

Trong kế hoạch Nava cũng như đề án hoạt động Đông - Xuân của ta chưa hề xuất hiện ba chữ: “Điện Biên Phủ”. Tuy nhiên, số phận của Nava đã được đỉnh đoạt từ cuộc họp ở Tỉn Keo.

-----o0o-----

Trung tuần tháng 10, Nava “ra tay trước” bằng cuộc hành binh lớn Hải Âu. Ba mươi tư tiểu đoàn địch ào ạt đánh ra Ninh Bình. Ta chỉ sử dụng đại đoàn 320, có mặt tại chỗ, cầm chân quân địch. Các chiến sĩ đồng bằng đã tiêu diệt hàng ngàn quân địch. Sau hai chục ngày đánh ra bị tiêu hao lực lượng mà không đạt kết quả gì, mấy chục tiểu đoàn quân địch lại quay về vị trí xuất phát.

Không để Nava điều hành chiến trận, ta giữ vững chủ động. Cuộc họp tư lệnh các chiến trường trên cả nước, trừ Nam Bộ ở quá xa, vẫn được triệu tập theo đúng kế hoạch.

Ngày 15 tháng 10, đại đoàn đầu tiên của ta tiến lên hướng Tây Bắc. Trong hai ngày 20 và 21 tháng 11, giữa lúc hội nghị phổ biến kế hoạch Đông - Xuân của Bộ Chính trị đang tiến hành, tôi được báo cáo chừng 6 tiểu đoàn quân Pháp đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Ta điều tiếp Đại đoàn 308 lên Tây Bắc, cùng với Đại đoàn 316 đi trước, tiến gấp về Lai Châu. Ngày 10 tháng 12, quân địch ở Lai Châu tháo chạy về Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 chặn đánh và truy kích diệt 14 đại đội địch. Cả hai đại đoàn của ta được lệnh chuyển hướng nhanh chóng đến vào bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ. Một trung đoàn hỏa tốc hành quân vòng về phía nam Điện Biên Phủ, chốt chặn ở Pom Lót, đề phòng địch rút sang Thượng Lào.

Từ ngày 20 đến cuối tháng 12, cuộc tiến công của bộ đội Lào - Việt nổ ra tại Trung Lào và Hạ Lào. Toàn tỉnh Thà Khẹt và thị xã Atôpơ được hoàn toàn giải phóng. Nava vội ném một binh đoàn cơ động xuống căn cứ Xênô ở Xavannakhét và điều quân tới bảo vệ thị xã Pắcxế. Khối quân cơ động của Nava thực sự bắt đầu tan vỡ.

Nava tiếp tục tăng quân lên Điện Biên Phủ. Đến tháng 12 năm 1953, địch đã có ở đây khoảng 10 tiểu đoàn.

Một tập đoàn cứ điểm lại xuất hiện giữa rừng núi Tây Bắc.

Hạ tuần tháng 12, tôi gặp Bác và các anh, báo cáo tiếp tình hình mới. Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Tây Bắc.

Ngày mồng 1 tháng 1 năm 1954, Bộ Chính ta chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch. Tôi kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng và Bí thư đảng ủy mặt trận.

Kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc được triển khai.

Đại đoàn 312 đang náu mình tại một khu rừng già Yên Bái, là đại đoàn thứ ba, được lệnh tiến vào Tây Bắc. Đại đoàn 351 với những đơn vị lựu pháo, cao pháo 37 ly mới tổ chức, vượt sông Hồng, lần đầu tham gia chiến dịch. Một thời gian sau, Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn) cũng được điều động lên Điện Biên Phủ.

Tôi lên Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường.

Bác hỏi:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?

- Các đồng chí Tổng tham mưu phó, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh. Việc ở nhà có anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng. Chỉ trở ngại là ở xa, không thường xuyên xin được ý kiến Bác và Bộ Chính trị.

- Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh.

Tôi cảm thấy nhiệm vụ lần này rất nặng.

ngochai
01-05-2014, 05:19 PM
Ngày 5 tháng 1 năm 1954, tôi cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đường ra mặt trận.

Trong sở chỉ huy tiền phương, hình thành hai bộ phận. Một bộ phận gồm các đồng chí cục trưởng phụ trách theo dõi chiến trường cả nước và chiến trường các nước anh em Lào, Campuchia. Một bộ phận gồm các đồng chí cục phó, đặc trách Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chỉ huy mặt trận. Trong Bộ chỉ huy mặt trận, ngoài tôi, có anh Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng, anh Lê Liêm, chủ nhiệm chính trị, anh Đặng Kim Giang, chủ nhiệm hậu cần. Các anh cùng tham gia đảng ủy mặt trận. Anh Tháì, anh Liêm, anh Giang đã đưa theo các đồng chí Đỗ Đức Kiên, cục phó Cục 1, Cao Pha, cục phó Cục 2 đi trước để chuẩn bị chiến dịch. Cùng đi với tôi, có đồng chỉ Trần Văn Quang, cục trưởng Cục tác chiến, đồng chí Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục quân báo, đồng chí Hoàng Đạo Thúy, cục trưởng Cục thông tin…

Tôi đã đi chiến dịch nhiều lần, kể cả những chiến dịch lớn Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một quang cảnh hùng tráng như mùa xuân năm đó. Chuẩn bị cho những trận đánh lớn, quân và dân ta đã khôi phục và mở rộng hàng ngàn kilômét đường. Qua sông Hồng, chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm đưa chúng tôi đi trên con đường mới mở rộng, màu đất đỏ như son dưới ánh đèn pha. Nhìn những đoạn đường chênh vênh bên bờ vực thẳm, những thành vại cao ngất, thấy công sức đã đổ ra suốt những tháng qua. Phần lớn các suối chưa có cầu. Tử mùa hè, đồng chí Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đã chỉ thị cho công binh và dân công xếp đá làm những cầu ngầm cho xe qua.

Núi rừng Tây Bắc âm u, ban đêm bỗng trở nên sống động. Xe kéo pháo, xe vận tải ì ì nối đuôi nhau. Những đoàn người dài vô tận. Các chiến sĩ súng ống, gạo đạn đầy ắp trên người, đi hàng một, bước gấp. Nhìn dáng đi mạnh mẽ của bộ đội, có thể thấy chiến sĩ năm nay sung sức và tổ chức hành quân của các đơn vị làm khá tốt. Phong phú là màu sắc của những đoàn dân công. Những đoàn xe đạp thồ như những đàn voi con. Người miền xuôi, không ít đồng bào từ sau lưng địch ra, kĩu kịt trên vai đôi quang gánh. Tiếng hò Bắc véo von. Giọng hò Khu Tư trầm và ấm. Đồng bào dân tộc vùng cao, với những bộ quần áo đẹp nhiều màu sắc, người gùi gạo, người dắt ngựa.... Có anh chiến sĩ hậu cần dẫn theo cả một đàn lợn. Tất cả đều đi về một hướng.

Máy bay địch đánh phá ác liệt những đoạn đường xung yếu phần lớn là đèo cao và bến phà. Đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, nơi gặp nhau giữa hai con đường từ Hòa Bình, Yên Bái lên Tây Bắc, đã trở thành những túi bom. Máy bay thả pháo sáng suốt đêm trên những trọng điểm.

Lại nghĩ tới vấn đề tiếp tế đạn dược, lương thực. Đường từ hậu phương ra mặt trận quá dài. Không chỉ những người ở tiền tuyến cần gạo, mà những người vận chuyển gạo cũng phải ăn! Vấn đề này sẽ trở nên gay go nếu chiến dịch kéo dài.

Dọc đường, tôi theo dõi tình hình ở Điện Biên Phủ, và những hoạt động ở các chiến trường, chú ý tới cánh quân Lào - Việt ở Trung Lào, Hạ Lào, sự phát triển của chiến tranh du kích tại Nam Bộ, công tác chuẩn bị chiến dịch bắc Tây Nguyên.

Gần tới Sơn La, đồng chí cục phó Cục 2 điện báo cáo: có những đám khói trong khu đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ. Tôi chỉ thị phải theo dõi thật chặt chẽ, nếu có hiện tượng gì mới thì báo cáo ngay. Biết đâu đây không phải là địch đốt những thứ không thể đem theo trước khỉ rút quân! Phần lớn những đại đoàn của ta tiến lên Tây Bắc. Nếu bây giờ địch rút khỏi Điện Biên Phủ...? Đành rằng ta sẽ có cách khác để tạo điều kiện tiêu diệt sinh lực địch, nhưng việc thực hiện kế hoạch Đông - Xuân ở chiến trường chính không khỏi bị chậm lại. Chẳng còn mấy tháng nữa sẽ đến mùa mưa. Nhưng những đám khói không xuất hiện trở lại, quân địch ở Điện Biên Phủ tiếp tục củng cố công sự.

Trong trận đánh sắp tới, nhiệm vụ quân và dân ta sẽ vô cùng nặng nề. Không nhớ tôi đã đọc ở đâu một câu của Brière de l’Isle, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, hồi cuối thế kỷ trước đã nói với binh lính: “Hỡi binh sĩ Lữ đoàn 2, hãy nhớ rằng từ khi trái đất tồn tại, không bao giờ một quân đội châu Á có thể đánh chiếm một vị trí do binh lính châu Âu chiếm giữ”, Tám năm qua, câu nói đó với chúng ta đã trở thành vô nghĩa. Nhưng bây giờ lại chợt nhớ tới. Vì trước mắt chúng ta là một tập đoàn cứ điểm với những đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Pháp.

Tập đoàn cứ điểm xuất hiện lần đầu tại chiến trường Bắc Bộ trong Chiến dịch Hòa Bình. Năm đó, ta đã bao vây kìm giữ quân cơ động địch ở thị xã Hòa Bình, đánh địch trên đường số 6 và sông Đà, và mở một mặt trận thứ hai ở đồng bằng Bắc Bộ. Bằng cách này, ta đã giành thắng lợi khá lớn. Sau khi địch rút khỏi Hòa Bình, tôi đã tới xem những vị trí phòng ngự của chúng. Những cứ điểm riêng lẻ này khi được kết thành một hệ thống, yểm trợ lẫn cho nhau, được sự hỗ trợ của đại bác, xe tăng, máy bay và những đội quân ứng chiến, rõ ràng là có một sức mạnh khác hẳn.

Một năm sau đó, tập đoàn cứ điểm lại xuất hiện ở Nà Sản, khi bộ đội ta mở Chiến dịch Tây Bắc. Lần này, bộ đội ta đã đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tranh thủ thời gian kẻ địch mới tới chưa kịp củng cố trận gia phòng ngự. Ta đã tiêu diệt được hai cứ điểm ở ngoại vi. Nhưng cái giá phải trả cho mỗi trận đánh, không thể chấp nhận. Một lần nữa, ta lại phải từ bỏ ý định tiến công.

Tập đoàn cứ điểm đã trở thành biện pháp phòng ngự cao nhất của địch, có ý nghĩa chiến lược, mà ta không thể không đánh bại nếu muốn đưa cuộc kháng chiến tiến lên.

Từ sự điều tra và những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, ta đã nhận thấy không phải bộ đội ta không có khả năng tiêu diệt những “con nhím” của địch. Chúng ta thấy có hai cách. Một là, dùng toàn bộ lực lượng đánh cùng một lúc. Một mũi đột kích mạnh mẽ thọc sâu vào sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, giống như lưỡi gươm xọc vào tim địch, tạo nên sự rối loạn ngay từ bên trong. Những mũi khác sẽ nhằm những hướng địch sơ hở, đánh đồng thời, tạo nên sự rối loạn ở cả bên trong và bên ngoài. Ta gọi là cách “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Hai là, đánh từng bước, tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm bằng những trận công kiên kế tiếp. Đó là cách “đánh chắc tiến chắc”.

Trong tờ trình của Tổng quân ủy và phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ gửi Bộ Chính trị ngày 6 tháng 12 năm 1953, chúng tôi đã dự kiến: “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ bốn mươi lăm ngày” không kể thời gian tập trung bộ đội và tiến hành công tác chuẩn bị. Trận đánh có thể khởi đầu vào trung tuần tháng 2 năm 1954. Chúng tôi đánh giá đây “sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay”, sẽ phải sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không. Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ tuyến cung cấp, bộ đội bổ sung, thì “quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42.000 người”. Dự kiến này đã làm theo phương án “đánh chắc tiến chắc”. Từ trước, tôi đã có ý nghĩ, với trình độ tác chiến và trang bị của bộ đội hiện nay, chỉ có thể tiêu diệt những tập đoàn cứ điểm mạnh bằng cách đánh dần từng bước.

Những tin tức từ Điện Biên Phủ báo cáo về, quân địch vẫn ráo riết củng cố công sự. Bộ binh Pháp vốn có truyền thống chiến đấu phòng ngự. Từ ngày nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chúng đã có gần hai tháng rưỡi xây dựng trận địa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phù đã hoàn toàn khác với tập đoàn cứ điểm Nà Sản năm trước…

Từng ngày, tôi nóng lòng sớm tới mặt trận.

ngochai
01-05-2014, 05:20 PM
Mùa khô này, cả nước cùng ra trận. Nhưng chưa chiến dịch nào, con đường ra trận của chúng tôi lại bị đánh phá ác liệt như lần này.

Phải mất trọn một đêm để vượt qua đèo Pha Đin, dài 30km, còn bom nổ chậm và rất nhiều bom bướm, cửa ải cuối cùng trên đường tiến vào Điện Biên Phủ.

Sáng 12 tháng 1, tới Tuần Giáo. Ban ngày, nghỉ lại, chở trời tối đi tiếp vào sở chỉ huy mặt trận. Đây là đất Lai Châu. Thị xã Lai Châu chỉ mới được giải phóng lần đầu cách đây một tháng. Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái hai mái cao vút. Sàn tre ở đầu hồi có ang nước và mấy chậu gỗ trồng những cây hẹ, chủ nhà niềm nở đưa nước pha trà mời khách.

Chợp mắt được một lúc, thức giấc, thấy anh Hoàng Văn Thái từ sở chỉ huy mặt trận đã ra ngồi chờ.

Theo nhận định của các đồng chí đi chuẩn bị chiến dịch, Điện Biên Phủ có một cánh đồng khá rộng, nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi, thuận lợi cho ta. Bộ đội đã tập kết chung quanh Điện Biên Phủ. Lúc này, địch không thể rút lui mà không có thiệt hại. Địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn cô lập về đường bộ; giao thông vận tải, tiếp tế đều trông vào máy bay. Địch có ở Điện Biên Phủ 10 tiểu đoàn. Chúng đã ra sức xây dựng công sự, nhưng chỉ mới làm được những công sự dã chiến. Một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía bộ đội ta, các đơn vị đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Ta đã trao đổi với các đồng chí bạn cùng đi chuẩn bị chiến trường, thấy nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo cho địch một bất ngờ. Đánh nhanh, thắng nhanh, bộ đội đang còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất, và không phải đối phó với khó khăn rất lớn về tiếp tế đạn dược, lương thực cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày…

Bản sơ đồ tập đoàn cứ điểm được trải rộng trên mặt sàn. Lần đầu, tôi nhìn thấy những vị trí địch nhiều và dày đặc đến như vậy. Tử nhiều phía, nhất là phía tây, muốn tiếp cận địch, đều phải vượt qua cánh đồng rộng. Riêng phía đông tập đoàn cứ điểm là rừng núi, nhưng đã bị án ngữ bằng một loạt vị trí nằm khá gần nhau trên những mỏm đồi.

Tôi hỏi :

- Hiện nay còn phải giải quyết những vấn đề gì?

- Đang sửa gấp đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ. Đường này dài gần một trăm kilômét, trước đây chỉ dùng cho xe ngựa, và đã bỏ lâu ngày. Sửa xong đường, đưa pháo vào vị trí là có thể nổ súng.

- Ý kiến các đồng chí chỉ huy các đại đoàn như thế nào?

- Anh em cũng đều thấy là nên đánh ngay khi địch chưa đứng chân vững. Bộ đội rất phấn khởi vì lần này có lựu pháo và cao xạ.

Tôi cảm thấy chủ trương này không ổn, muốn nghe thêm tình hình. Nava hẳn đã quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Bộ đội còn phải mất thêm một thời gian làm đường. Địch còn có điều kiện tăng quân. Ngay bây giờ đánh nhanh thắng nhanh đã khó. Rồi đây hẳn lại càng khó.

Buổi chiều, đi tiếp vào sở chỉ huy nằm ở cây số 15 trên con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

Không khí ở sở chỉ huy rất nhộn nhịp. Cán bộ tham mưu tấp nập chuẩn bị kế hoạch tác chiến, bản đồ, sa bàn. Những cán bộ tới gặp tôi, đều hân hoan nói cần tranh thủ thời gian để đánh nhanh thắng nhanh.

Trong cuộc hội ý của đảng ủy mặt trận, đúng như lời anh Thái đã nói, những đồng chí đã đi trước để chuẩn bị chiến dịch đều nhất trí cần đánh địch ngay trong lúc địch chưa kịp tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày. Các đồng chí dự kiến, với tinh thần “mở đường thắng lợi” của bộ đội và dân công như hiện nay, khoảng năm ngày nữa có thể hoàn thành việc kéo pháo vào trận địa. Mọi người lo, nếu để địch tăng cường tập đoàn cứ điểm quá mạnh, sẽ bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch lớn trong Đông - Xuân này; và cũng lo chiến dịch kéo dài, sẽ không giải quyết được vấn đề tiếp tế trên con đường 500km từ hậu phương ra mặt trận, nằm trên địa hình rừng núi hiểm trở, thường xuyên bị máy bay địch đánh phá.

Tôi thấy cần gặp đồng chí trưởng đoàn chuyên gia quân sự của bạn đã cùng đi lên đây. Quan hệ giữa chúng tôi với các chuyên gia quân sự của bạn từ Chiến dịch Biên giới tới giờ nhìn chung là tốt đẹp. Bạn đã giúp chúng ta nhiều kinh nghiệm quý rút từ chiến tranh cách mạng của Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên. Trưởng đoàn là một cán bộ cách mạng lâu năm, từng trải, lịch lãm và chín chắn. Những cuộc trao đổi giữa chúng tôi thường cởi mở, thân tình. Trước ngày trở về nước, đồng chí đã nói, những năm công tác ở Việt Nam là một thời kỳ “hoàng kim” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đồng chí đã tặng tôi một bức tranh có con chim đại bàng với cây tùng và năm chữ: “Đông phong nghênh khải hoàn”.

Tôi nêu ý kiến của mình là không thể đánh nhanh được. Đồng chí trưởng đoàn quân sự của bạn, sau giây lát cân nhắc, nói đã gặp những chuyên gia cùng đi chuẩn bị chiến trường với cán bộ Việt Nam. Các chuyên gia và các đồng chí Việt Nam đều nhất trí là cần đánh sớm, có khả năng giành chiến thắng bằng “đánh nhanh thắng nhanh”. Nếu để địch tăng thêm quân và củng cố công sự, thì cuối cùng sẽ khó có khả năng đánh thắng.

Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi. Nhưng cũng chưa thật đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được các đồng chí đi trước lựa chọn. Tôi không có điều kiện và thời gian để trình bày đầy đủ với Bác và Bộ Chính trị Trước tình hình như vậy, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu.

Tôi nói riêng với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Chánh văn phòng Bộ Tổng tư lệnh những suy nghĩ của mình, dặn theo dõi, nghiên cứu, suy nghĩ, và chỉ được trao đổi riêng với tôi về vấn đề này. Tôi chỉ thị cho đồng chí cục phó Cục 2 điều tra thật cẩn thận những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được đánh giá là sơ hở, ta sẽ sử dụng mũi thọc sâu đánh vào. Và yêu cầu phải báo cáo hằng ngày những hiện tượng như tăng quân, củng cố công sự của địch.

ngochai
01-05-2014, 05:21 PM
Ngày 14 tháng 1 năm 1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Tham dự có các cán bộ cao cấp, trung cấp của những đại đoàn tham gia chiến đấu. Các đồng chí tư lệnh quân sự: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long..., những đồng chí chính ủy: Trần Độ, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu.... đều có mặt. Rất nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn qua nhiều năm chiến đấu đối với tôi đã trở thành thân thuộc.

Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của bộ. 308 sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng thọc thẳng tới sở chỉ huy của Đờ Cáttri. Các đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ đột kích vào hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu của địch. Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm. Trước mắt, tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội hoàn thành đường kéo pháo và đưa pháo vào trận địa dã chiến. Khi phổ biến quyết tâm chiến đấu, để chuẩn bị phần nào tư tưởng cho cán bộ, tôi nói: “Hiện nay, địch tình chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức theo dõi, để một khi tình hình biến đổi thì kịp thời xử trí”.

Trước mỗi trận đánh, tôi thường khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn, để cùng bàn cách khắc phục. Nhưng lần này, các đơn vị đều hăng hái nhận nhiệm vụ. Chỉ có những người hỏi cho rõ hơn, không có ai thắc mắc gì. Sau này, tôi mới biết có những đồng chí chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ đơn vị quá nặng, lo phải đột phá liên tiếp, trận đánh kéo dài, không giải quyết được thương binh và tiếp tế đạn dược. Nhưng trước không khí chung, không ai nói những ý nghĩ thực của mình.

Một số nhà văn, nhà báo các nước anh em cũng theo bộ đội đi chiến dịch. Một buổi tối, anh Lê Liêm đề nghị tôi và anh Thái gặp bạn trước khi các đồng chí đó lên đường trở về nước.

Cuộc gặp diễn ra bên dòng suối lấp lánh ánh trăng, dưới một chiếc dù hoa, chiến lợi phẩm của những trận đánh địch ở Lai Châu.

Nhà văn Ba Lan nói:

- Thiên nhiên của các đồng chí đẹp quá? Quang cảnh này thật thanh bình.

Lúc này không có một tiếng súng. Dưới ánh trăng, những mỏm đá nhấp nhô mờ ảo.

Tôi nói:

- Tôi cũng thấy quang cảnh ở đây rất đẹp. Tôi ít khi làm thơ, nhưng cảm thấy cảnh này thật nên thơ. Chúng tôi lại sắp chiến đấu chính là để cho khắp đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay.

Đồng chí nhà báo Tiệp Khắc nói:

- Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi thấy không có gì cách biệt giữa vị tướng với một người lính.

Rồi anh kể lại, hôm nay khi lội dọc con suối vào sở chỉ huy, đã nhìn thấy đồng chí Tổng tham mưu phó nhường ngựa cho một chiến sĩ đau chân, xách giày trong tay, cùng lội suốt như mọi người.

- Quân đội chúng tôi như vậy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ của những người đồng chí, những người bạn chiến đấu.

Cuối buổi gặp, đồng chí nhà văn Ba Lan hỏi bằng một giọng vừa lưu luyến vừa băn khoăn:

- Các đồng chí sắp đì chiến đấu, còn chúng tôi thì sắp lên đường trở về nước. Tôi muốn đề nghị đồng chí Tổng tư lệnh cho biết, sau đây chúng tôi sẽ nhận được tin gì?

Tôi đã trả lời :

- Hoặc là các đồng chí sẽ không nhận được tin tức gì về Điện Biên Phủ. Nhưng sẽ được tin chiến thắng của chúng tôi trên các chiến trường khác. Hoặc là các đồng chí sẽ được tin chúng tôi chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi đó sẽ là một chiến thắng rất to.

ngochai
01-05-2014, 05:21 PM
Sở chỉ huy từ cây số 15 chuyển vào cây số 62, gần bản Nà Tấu.

Các đồng chí trong bộ chỉ huy và đảng ủy mặt trận chia nhau đi kiểm tra và đôn đốc công tác chuẩn bị chiến đấu. Phần lớn những trận địa pháo tôi tới thăm, đều nằm ở những nơi trống trải. Pháo đặt ở những vị trí như thế này khí nổ súng rất dễ lộ mục tiêu cho không quân và pháo binh địch đánh phá. Con đường kéo pháo khá dài, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Tôi thấy rất khó kéo pháo vào trận địa theo thời gian dự kiến là hai ngày. Và việc tiếp đạn khi chiến đấu sẽ rất khó khăn.

Bộ chỉ huy mặt trận đã huy động cả Đại đoàn 312 và trung đoàn 57 vào làm nhiệm vụ kéo pháo. Nhưng sau một tuần, pháo vẫn chưa tới trận địa đủ. Cán bộ, chiến sĩ ta chưa lường được sức mình khi phải đưa những cỗ lựu pháo, cao xạ pháo nặng hàng tấn qua núi rừng hiểm trở, nhiều chỗ có độ dốc cao.

Đồng chí Cao Pha báo cáo địch tiếp tục tăng quân. Ở nhiều cứ điểm, địch đã có công sự kiên cố. Mỗi cứ điểm đều có bãi mìn kết hợp với hàng rào dây thép gai bao quanh, có nơi rộng tới trăm mét. Những cứ điểm ở phía tây, nơi Đại đoàn 308 sẽ đột phá, tuy có yếu hơn một số cao điểm, nhưng lại nằm trên cánh đồng trống, địch dễ sử dụng xe tăng, pháo binh và lực lượng phản kích, các chiến sĩ ta lại không có địa hình ẩn náu. Đồng chí Hiếu nói riêng với tôi: “Công tác tư tưởng mới nhắc nhiều tới quyết tâm mà ít bàn cách khắc phục những khó khăn trong trận đánh”.

Đồng chí Trần Văn Quang báo tin, ngày 20 tháng 1, Nava đã tung khoảng 15 tiểu đoàn vào nam Phú Yên. Bộ đội Liên khu 5 vẫn tiếp tục tiến hành kế hoạch đã định, chỉ để một bộ phận nhỏ cùng với lực lượng vũ trang địa phương đối phó với cuộc tiến công, đại bộ phận đã tiến lên bắc Tây Nguyên. Trận đánh của ta ở hướng thứ tư sắp bắt đầu.

Sau nhiều ngày đêm chật vật, những khẩu pháo mới xích tới gần trận địa dã chiến. Ngày nổ súng được quyết định là 17 giờ ngày 25 tháng 1. Gần ngày N, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Có tin địch thông báo cho nhau về thời gian tiến công của bộ đội ta. Diễn biến đầu tiên ngoài dự kiến. Tất cả các đơn vị đều đã triển khai sẵn sàng chờ lệnh. Tôi quyết định hoãn thời gian nổ súng lại hai mươi bốn tiếng. Và phân công nhau đi nắm lại tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Từ sau khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu tại hang Thẩm Púa, tôi cảm thấy thời gian rất dài. Nhưng tính lại, mới mười một ngày. Mỗi ngày qua, tôi càng khẳng định là không thể nào đánh nhanh được. Tôi nhớ tới lời Bác dặn trước khi lên đường, và một câu trong nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm 1953: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”. Qua tám năm kháng chiến, bộ đội ta đã trưởng thành. Nhưng vốn liếng quả chưa nhiều. Chúng ta chỉ mới có sáu đại đoàn chủ lực. Hầu hết các đại đoàn đều có mặt trong chiến dịch này!

Đêm 25 tháng 1, tôi thao thức. Đầu đau nhức. Đồng chí bác sĩ buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu.

Khi nghe anh Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, tôi đã thấy nếu ta làm như vậy là mạo hiểm. Từ đó tới nay đã nửa tháng qua. Tình hình địch đã thay đổi rất nhiều. Quân số của chúng không còn là mười tiểu đoàn, mà theo tin của quân báo đã lên tới hơn mười ba tiểu đoàn. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc rất mạnh, được sự yểm trợ của lực lượng không quân, pháo binh, thiết giáp tại chỗ, và chắc chắn còn được ưu tiên yểm trợ số 1 của lực lượng không quân địch ở miền bắc Đông Dương…

Ba khó khăn hiện lên rất rõ.

Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc, ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến, mà còn đánh rất dở!

Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phối hợp như thế nào!

Thứ ba, bộ đội từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 13 km và rộng 6 km... Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết…

Suốt đêm, tôi không sao ngủ được, càng thấy trách nhiệm nặng nề, chỉ mong trời chóng sáng để triệu tập cuộc họp đảng ủy mặt trận.

ngochai
01-05-2014, 05:22 PM
Sáng ngày 26 tháng 1 năm 1954 (trước đây có những tài liệu nói ngày 25 là không đúng), các đồng chí trong đảng ủy xuống đơn vị nắm tình hình chưa về đủ. Trong khi chờ đợi cuộc họp, tôi chỉ thị cho đồng chí Hoàng Minh Phương chuẩn bị cho tôi gặp đồng chí bạn.

Đồng chí trưởng đoàn quân sự của bạn ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe rồi nói:

- Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?

Tôi đáp:

- Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngư, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngư kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định…

Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận:

- Nếu đánh là thất bại.

- Vậy nên xử trí thế nào?

- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí bạn nói:

- Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm việc với các chuyên gia.

- Thời gian gấp. Tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và đã có dự kiến cho 308 tiến về phía Luông Phabăng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo không quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ta lui quân và kéo pháo ra…

Cuộc trao đổi giữa tôi với đồng chí bạn diễn ra khoảng hơn nửa giờ.

Khi tôi trở về sở chỉ huy thì các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ.

Tôi trình bày những suy nghĩ mình đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Mọi người im lặng một lúc.

Rồi đồng chí chủ nhiệm chính trị phát biểu:

- Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?

Đồng chí chủ nhiệm hậu cần nói:

- Tôi thấy cứ nên giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được!

Tôi nói:

- Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng quyết định, là phải có cách đánh đúng.

Đồng chí tham mưu trưởng nói:

- Anh Văn cân nhắc cũng phải... Nhưng lần này, ta có ưu thế binh lực, hỏa lực, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi…

Trao đổi một hồi chưa đi tới kết luận. Cuộc họp tạm dừng một lát.

Khi cuộc họp tiếp tục, tôi nói:

- Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi:

“Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”

Đồng chí chủ nhiệm chính trị nói:

- Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai đám bảo đảm là sẽ chắc thắng trăm phần trăm.

Đồng chí chủ nhiệm hậu cần nói tiếp:

- Làm sao dám bảo đảm như vậy!

- Tôi nghĩ với trận này, ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm.

Bây giờ đồng chí tham mưu trưởng mới nói:

- Nếu yêu cầu cần phải chắc thắng trăm phần trăm thì khó…

Lát sau, Đảng ủy đi đến nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Tôi kết luận:

- Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về đìa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Sau đó, tôi phân công anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho 308.

ngochai
01-05-2014, 05:23 PM
Tôi gọi điện cho pháo binh:

- Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.

Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu, chính ủy pháo bình đáp:

- Rõ! Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.

14 giờ 30 phút, mới cho liên lạc điện thoại với anh Vương Thửa Vũ, tư lệnh Đại đoàn 308.

- Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Phabăng tiến quân. Dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh, trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời.

- Rõ! Anh Vũ đáp.

- Triệt để chấp hành mệnh lệnh!

- Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào?

- Toàn quyền quyết định, tử một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát.

- Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.

Đồng thời, tôi chỉ thị cho một bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyến điện, đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo “Đại đoàn 308 đã về tới...”. Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Do những bức điện này, lúc đầu, địch đã tưởng 308 đang quay về đồng bằng.

Trong ngày hôm đó, tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Không thể dùng điện đài, tôi viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị. Ít ngày sau, nhận được thư của anh Trường Chinh cho biết Bác và các anh ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến tới khi bộ đội giành toàn thắng tại Điện Biên Phủ.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mỗi người còn có những băn khoăn suy nghĩ khác nhau, nhưng toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tinh thần kỷ luật tuyệt vời.

Cả Đại đoàn 312 cùng các chiến sĩ pháo binh, 7 ngày đêm ròng rã, đã kéo pháo ra an toàn trên con đường hiểm trở, bị máy bay và pháo địch biến thành con đường lửa. Các chiến sĩ Đại đoàn 308, lên đường với mỗi người năm lạng gạo, đã đuổi địch trên chặng đường dài 200km với sự phối hợp của bộ đội Pathét Lào và sự đùm bọc của nhân dân Lào, đã đập tan phòng tuyến Nậm Hu, tiêu diệt mười bốn đại đội. Nava lại phân tán lực lượng cơ động, lập thêm một tập đoàn cứ điểm nữa ở Mường Sài, và tăng quân bảo vệ Luông Phabăng.

Ngày tết đến bất chợt với hoa ban nở trắng bên sườn núi và dọc những khe suối quanh sở chỉ huy. Nam Bộ, Liên khu 5 xa xôi gửi điện chúc mừng các chiến sĩ Điện Biên Phủ sớm giành toàn thắng. Trong hàng vạn lá thư từ hậu phương gửi ra mặt trận, có những lá thư từ Mátxcơva, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng. Đêm 30 tết, tôi vẫn theo dõi những khẩu pháo cuối cùng trên đường trở về vị trí tập kết. Anh Vương Thừa Vũ điện về báo cáo những chiến sĩ đầu tiên của Đại đoàn 308 cùng bộ đội Phathét Lào đã ở bên sông Mêcông, cách Luông Phabăng, kinh đô nhà vua Lào 7km.

Cuộc tiến công ở Thượng Lào nổ ra đồng thời với cuộc tiến công giải phóng Công Tum tiếp theo những cuộc tiến công giải phóng tỉnh Thà Khẹt và cao nguyên Bôlôven trước đó, cùng với việc Nava ném quân xuống Điện Biên Phủ đã làm tan vỡ khối quân cơ động của địch.

Đại đoàn 320 cùng với các lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh đã làm mưa làm gió tại đồng bằng Bắc Bộ, đập tan phòng tuyến sông Đáy, đột nhập các sân bay, phá hủy một phần sáu số máy bay của địch ở Đông Dương. 20 trong số 44 tiểu đoàn cơ động của Nava, còn lại ở đồng bằng, phải rải ra để bảo vệ những tuyến đường giao thông quan trọng, đặc biệt là đường 5.

Cuộc tiến công của đích vào Phú Yên bị sa lầy. Quân du kích nam Trung Bộ tập kích thành phố Nha Trang, thị trấn Khánh Hòa. Bộ đội địa phương Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận diệt nhiều cứ điểm đại đội của địch.

Giấc mộng bình định Nam Bộ của Nava trong mùa khô này đã tan thành mây khói. Các tiểu đoàn chủ lực của khu, tỉnh ở Nam Bộ đều tiến vào vùng tạm chiếm, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân, đánh đồn, chặn viện, đánh vận động, đánh giao thông, tiêu diệt trên một ngàn đồn bốt, tháp canh (nhiều vị trí đại đội), diệt nhiều đoàn xe cơ giới, xe lửa, tàu thuyền của địch. Quân địch buộc phải quay về bảo vệ những vùng trước đây chúng coi là “bình định xong”. Vùng tự do Khu 9 được giữ vững và mở rộng. Các căn cứ du kích và khu du kích lớn nhỏ đều được khôi phục và mở rộng rất nhiều. Nhiều địa phương mới được giải phóng.

Trên toàn bộ các chiến trường, quân Pháp đều bị sa lầy.

Nhưng trên mặt trận Điện Biên Phủ, quyết đính ngày 26 tháng 1 năm 1954 vẫn còn đứng trước những thử thách cực kỳ lớn. Quân số địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 19 tiểu đoàn, và còn khả năng tăng lên nữa trong quá trình chiến đấu.

Đầu tháng 2 năm 1954, Sở chỉ huy đã được chuyển đến Mường Phăng, một địa điểm mới cách Điện Biên Phủ trên 10km theo đường chim bay. Đứng trên đỉnh núi sau Sở chỉ huy, nhìn thấy rõ cánh đồng Mường Thanh khá rộng và toàn bộ cứ điểm của địch. Nhiều lần tôi đứng quan sát giờ lâu những cứ điểm đỏ ối trên cánh đồng bằng phẳng và những ngọn đồi phía Đông. Máy bay địch, chiếc xếp hàng bên đường băng, chiếc bay lượn trên không thả dù, chiếc lao xuống bắn phá những nơi chúng nghi có quân ta. Những chiếc xe tăng địch chạy trên con đường nối liền Mường Thanh với Hồng Cúm. Tôi suy nghĩ đến những thử thách quyết liệt sắp tới mà bộ đội ta phải sẵn sàng chấp nhận và vượt qua một cách thắng lợi.

Chuẩn bị theo phương châm mới, trận đánh đã lui lại một tháng rưỡi.

Chúng ta đã xây dựng trận địa bao vây và tiếp cận chung quanh tập đoàn cứ điểm, với hàng trăm kilômét chiến hào, để bộ đội có thể chiến đấu cả ban ngày và ban đêm dưới bom đạn.

Chúng ta đã đưa những khẩu pháo vào ẩn náu hoàn toàn trong những căn hầm phân tán giữa lòng núi, và làm đường cho xe vận tải chở đạn tới từng hầm pháo.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng” quân và dân ta đã không tiếc mồ hôi, xương máu, làm nên kỳ công đảm bảo việc tiếp tế đạn dược, lương thực cho các chiến sĩ ở mặt trận.

Ta đã dành cho kẻ địch một bất ngờ lớn nhất, là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố. Ta đã quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta, vào thời gian, địa điểm do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, đồng thời xiết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho tới lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, tiếng súng tiến công của ta ở Điện Biên Phủ bắt đầu. Viên chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh, phải tự sát vì không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo Việt Nam. Đờ Cáttri và bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đành chịu bó tay ngồi nhìn những cứ điểm mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm lần lượt sụp đổ dưới bàn chân không giày của những chiến sĩ xung kích Việt Nam. Trận địa chiến hào của ta, từ núi cao đổ xuống cánh đồng, mỗi ngày càng xiết chặt sợi dây định mệnh chung quanh tập đoàn cứ điểm.

…Ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cáttri. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kẻo cờ trắng đầu hàng.

Quân và dân ta Tháng Năm ấy lại có một chiến công lớn mừng ngày sinh của Bác Hồ. Thư khen ngợi của Bác tới ngay ngày hôm sau:

Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửỉ lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu…”.

Tôi viết hồi tưởng này là để dâng một bó hoa thơm kính viếng anh linh các anh hùng, liệt sĩ, để nói lên sức mạnh thần kỳ của đoàn kết toàn dân chiến đấu, của liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam, Lào, Cămpuchia đã làm nên chiến công hiển hách trong mùa xuân lịch sử, cách đây 35 năm.

HỮU MAI ghi

ngochai
01-05-2014, 05:48 PM
.
.

ĐIỆN BIÊN PHỦ



HÌNH THÁI CHIẾN SỰ VÀO MÙA HÈ NĂM 1953

Mùa hè năm 1953, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã bước vào năm thứ tám. Tám năm đó là những năm chiến đấu cực kỳ gian khổ và anh dũng của quân đội và nhân dân ta chống lại quân đội xâm lược của đế quốc Pháp có can thiệp Mỹ giúp sức, lúc đầu mạnh hơn ta rất nhiều về vũ khí và trang bị.

Tuy nhiên, trải qua tám năm kháng chiến, trái với ý muốn chủ quan của quân địch, lực lượng của quân đội và nhân dân ta không những không bị suy yếu, không bị tiêu diệt, mà ngược lại càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng. Còn về phía địch thì ngày càng lâm vào thế bị động, càng tiếp tục chiến tranh càng gặp những khó khăn mới, đi từ thất bại này đến thất bại khác ngày càng nặng nề hơn.

Bước vào năm thứ tám của cuộc kháng chiến, tình hình so sánh lực lượng đã thay đổi có lợi cho ta. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có một quyết tâm mới: ra sức đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên giành lấy những thắng lọ to lớn hơn, nhằm tạo điều kiện giành thắng lợi cuối cùng. Trong khi ấy quân địch cũng ra sức tìm mọi cách để cứu vãn tình thế lúc bấy giờ rõ ràng không có lợi cho chúng, hòng giành lại thế chủ động, hy vọng đạt được những thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh.


http://images.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=661628

Nhìn lại quá trình phát triển của cuộc kháng chiến là một điều cần thiết để hiểu rõ tinh hình địch, ta và hình thái chiến sự trước khi quân địch đề ra kế hoạch quân sự Nava, cũng tức là trước khi quân ta bắt đầu những chiến dịch mùa đông 1953 và mùa xuân 1954 và chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại.

Dân tộc ta là một dân tộc hết sức yêu chuộng tự do và hòa bình, lại sẵn có truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, giữ gìn độc lập cho đất nước. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 trước quốc dân và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(2).


Mọi người đều biết: chỉ không đầy một tháng, sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời, thì chủ nghĩa đế quốc quốc tế và bọn đồng minh của chúng đã nối tiếp nhau kéo tới, dùng trăm phương nghìn kế hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng vừa mới thành lập. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được đế quốc Anh giúp sức đã gây hấn ở Sài Gòn, mưu toan xâm lược nước ta một lần nữa. Trong lúc đó chúng cũng mưu mô trở lại xâm lược Campuchia và Lào. Chúng đã phái sang sư đoàn thiết giáp cùng lực lượng hải quân còn lại sau chiến tranh thế giới thứ hai, thực hiện kế hoạch chiến lược “đánh nhanh giải quyết nhanh”, cho rằng chỉ trong vòng 10 tuần lễ là có thể “bình định” xong Nam Bộ, làm bàn đạp để tấn công ra miền Bắc…

Nhưng, chúng đã tính nhầm. Nhân dân Nam Bộ đã vùng dậy kháng chiến, nêu cao tinh thần anh dũng bất khuất, dùng mọi thứ vũ khí thô sơ kể cả gậy tầm vông vót nhọn, đương đầu với quân địch có đày đủ máy bay, xe tăng, tàu chiến và đại bác, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu kiên quyết làm thất bại ý đồ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch, phát động chiến tranh du kích ở khắp mọi nơi, giữ vững và phát triển lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Đảng ta, một mặt lãnh đạo nhân dân Nam Bộ kháng chiến, động viên toàn quốc ủng hộ Nam Bộ, mặt khác ra sức lợi dụng mâu thuẫn giữa những kẻ địch, hòa hoãn với Pháp, ký kết hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, gạt 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ra khỏi đất nước, thực hiện chủ trương “hòa để tiến”, tranh thủ thời gian để củng cố chính quyền nhân dân, củng cố lực lượng cách mạng, chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược mới của địch.

Mặc dầu đã công nhận nước ta là một nước tự do và có chủ quyền, đế quốc Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm đặt lại nền thống trị của chúng. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Chúng xé bỏ hiệp định đã ký kết, tiếp tục chiến tranh ở Nam Bộ, lại thực hiện kế hoạch xâm lấn từng bước, đánh chiếm nhiều địa phương ở miền nam Trung Bộ và ở Bắc Bộ. Khả năng giữ vững hòa bình ngày càng trở nên mong manh. Chúng liên tiếp đánh chiếm Hòn Gai, Hải Phòng; sang tháng 12 năm 1946 tăng cường hành động khiêu khích, ra điều kiện đòi tự vệ ta phải hạ vũ khí đầu hàng, gây hấn ở ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Đế quốc Pháp ngoan cố đã chọn con đường dùng chiến tranh để cướp nước ta. Khả năng hòa hoãn không còn nữa. Ngày 17 và ngày 18 tháng 12 năm 1946, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng của Đảng ta đã hạ quyết tâm phát động cả nước kháng chiến và quyết định những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân Việt Nam ta đã triệu người như một vùng lên giết giặc, cứu nước.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp là sự phát triển tất yếu của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành chiến tranh cách mạng, là một cuộc chiến tranh nhân dân, do dân và vì dân, là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đồng thời là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng với một đường lối chính trị và quân sự đúng đắn và sáng tạo.

Tứ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Đảng ta đã nêu rõ: Con đường kháng chiến là con đường duy nhất để bảo vệ đất nước, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Đảng ta lại chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; cuộc kháng chiến đó sẽ lâu dài, gian khổ nhưg nhất định đi đến thắng lợi.

Lực lượng vũ trang của nhân dân ta tuy còn non trẻ, trang bị kém cỏi, kinh nghiệm chiến đấu còn thiếu, nhưng vốn có bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, nêu cao truyền thống của dân tộc, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giàu lòng yêu nước và đầy tinh thần hy sinh dũng cảm, quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước, tử thành thị đến nông thôn, tiến hành một cuộc chiến đấu không cân sức, chống lại quân đội của một đế quốc hùng mạnh đã đứng chân khá vững trên một số địa bàn có tầm quan trọng chiến lược lớn của đất nước ta. Trên khắp các mặt trận, quân và dân ta đã chủ động tiến công quân địch, chiến đấu hết sức anh dũng để tiêu hao và tiêu diệt chúng, đồng thời thực hiện vườn không nhà trống, phá hoại đường sá, cầu cống, sơ tán nhân dân. Đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, quân ta đã chiến đấu với quân địch trong hai tháng trời, giữ vững vị trí ở ngay trung tâm thành phố. Các cuộc chiến đấu đó đã có tác dụng động viên, cổ vũ lớn đối với toàn dân, đồng thời tiêu hao và giam giữ lực lượng của địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến.

ngochai
01-05-2014, 05:51 PM
Ngay từ năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ ba(1) họp vào trung tuần tháng 6 năm 1947, ta đã chủ trương đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân bằng những phương thức tác chiến hết sức phong phú, như đánh vào các đô thị, đánh rất mạnh làm tê liệt các đường giao thông, đánh vào các cơ sở kinh tế của địch và phong tỏa kinh tế địch, phối hợp hoạt động quân sự, vũ trang tuyên truyền với các cuộc đấu tranh chính trị trong những vùng địch kiểm soát v.v…, đồng thời ra sức phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ địa v.v… Quân và dân ta đã đánh địch khắp nơi, đồng thời tích cực xây dựng, giữ vững và phát triển các khu du kích ở nông thôn đồng bằng và các căn cứ địa ở miền rừng núi để làm chỗ đứng chân, kháng chiến lâu dài.

Đế quốc Pháp ngoan cố và xảo quyệt, vừa mở rộng chiến tranh vừa theo đuổi mưu đồ chính trị đen tối, dựng lên chính quyền tay sai. Thu Đông năm 1947, chúng huy động trên một vạn quân tinh nhuệ, mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, căn cứ địa chủ yếu của cuộc kháng chiến, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và quân chủ lực của ta, giành lấy một thắng lợi quyết định và thúc đẩy việc thành lập chính phủ bù nhìn toàn quốc.

Để phá tan âm mưu của địch, quân và dân ta đã “tích cực chuẩn bị chiến dịch mùa đông về mọi mặt… chuẩn bị chống các cuộc quân địch đánh xuyên mũi dùi, đánh vòng thật rộng, nhảy dù đổ bộ sau lưng ta(1). Nhiệm vụ của chúng ta là phải “làm cho địch thiệt hại nặng để không thể gượng lại được sau chiến dịch mùa đông này”(3). Kiên quyết thực hiện chỉ thị của Đảng, quân và dân Việt Bắc, được sự phối hợp chặt chẽ của các chiến trường trên cả nước, đã mở chiến dịch phản công, chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi lớn. Quân địch đã bị thất bại thảm hại. Chiến lược đánh nhanh giải quyết nhanh của chúng bị phá sản hoàn toàn. Đúng như Hội nghị Trung ương mở rộng họp đầu năm 1948 đã nhận định: “cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc và chiến tranh nổi mạnh ở miền Nam đã gây thêm tinh thần nỗ lực phấn khởi trong toàn dân, nhân dân thêm tin tưởng ở tiền đồ kháng chiến vẻ vang của dân tộc”(4).

Với chiến thắng Việt Bắc, chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn mới.

Bị thất bại trong âm mưu đánh nhanh giải quyết nhanh, thực dân Pháp bắt buộc phải kéo dài chiến tranh xâm lược. Chúng chủ trương tăng cường đánh phá nhằm “bình định” vùng chúng chiếm đóng, giành sức người sức của của ta, thực hiện âm mưu thâm độc “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.

Năm 1949, cuộc chiến tranh nhân dân của ta đã phát triển mạnh mẽ và rộng rãi trên khắp các mặt trận. Cũng vào thời gian đó, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giành được những thắng lợi to lớn và đang tiến xuống Hoa Nam. Chính phủ Pháp vạch ra kế hoạch mới, cấp tốc phái tướng Rơve sang Đông Dương hòng cứu vãn tình thế. Rơve chủ trương tăng quân cho chiến trường Bắc Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, tăng cường phòng thủ khu tứ giác Lạng Sơn - Tiên Yên - Hải Phòng - Hà Nội, phong tỏa biên giới Việt - Trung. Kế hoạch Rơve còn đề ra vấn đề ra sức phát triển quân ngụy, sử dụng quân ngụy vào việc chiếm đóng, tập trung quân Âu - Phi đế xây dựng lực lượng cơ động, tích cực càn quét tranh phá nhằm đàn áp phong trào chiến tranh du kích của ta. Thực hiện kế hoạch này, địch đã mở nhiều cuộc hành binh liên tiếp và nhiều cuộc càn quét khốc liệt, mở rộng khu vực kiểm soát của chúng ớ đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Về phía ta, từ sau chiến tranh Việt Bắc, chúng ta đã chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng rãi ở khắp các địa phương bị tạm chiếm, kể cả trong các thành phố bị địch kiểm soát. Phương châm đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung được đề ra và đã được thực hiện khắp nơi, đưa lại nhiều thắng lợi lớn(5).

Một bộ phận bộ đội chủ lực của ta đã được phân tán thành đại đội độc lập tiến sâu vào sau lưng địch, kết hợp tác chiến với vận động nhân dân, đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tiêu diệt địch với xây đựng và bảo vệ cơ sở nhân dân, dìu dắt bộ đội địa phương và dân quân du kích, tiến lên phối hợp với quần chúng đấu tranh chống lại địch. Công tác địch vận, nhất là ngụy vận đã được chú trọng, được coi là một nhiệm vụ chiến lược. Lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương ở vùng sau lưng địch được củng cố và phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các cuộc chống càn quét được tiến hành có kết quả. Chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, các căn cứ du kích và khu du kích xuất hiện sau lưng địch.

Hậu phương của địch dần dần biến thành tiền phương của ta.

Trong khi các trung đội độc lập, các đại đội độc lập hoạt động phân tán khắp các chiến trường sau lưng địch ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ để phát triển chiến tranh du kích rộng rãi thì các tiểu đoàn tập trung cũng được xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận tập kích, phục kích lớn hơn; hoạt động tác chiến của các tiểu đoàn tập trung là mầm mống của đánh vận động sau này. Trong những năm 1948 - 1949 và đầu năm 1950, quân ta đã bắt đầu mở những chiến dịch quy mô nhỏ có tính chất du kích; lực lượng sử dụng khoảng 3 - 4 tiểu đoàn hay nhiều hơn nữa, có khi lên đến 9 tiểu đoàn, vài ba trung đoàn. Trong các chiến dịch đó, ta đã nhằm những hướng sơ hở của địch mà tiến công, tiêu diệt sính lực của chúng, mở rộng vùng căn cứ của ta. Tình hình chung trên chiến trường biểu hiện hình thái giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc vận động luyện quân lập công, quân đội ta vừa chiến đấu vừa xây dựng; lực lượng vũ trang của ta đã lớn lên không ngừng. Đại đoàn đầu tiên của quân đội nhân dân đã ra đời vào năm 1949.

Trong những năm dài chiến đấu trong vòng vây, dựa vào sức mình là chính, chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, phát triển chiến tranh du kích mạnh mẽ và rộng khắp, từng bước tiến lên đánh vận động quy mô nhỏ, giữ vững và mở rộng các căn cứ địa của cuộc kháng chiến, đứng vững và lớn lên trước một kẻ địch mạnh hơn ta nhiều lần về quân số và trang bị. Chúng ta đã từng bước đánh bại chiến lược của địch, giành được thắng lợi ngày càng lớn, tạo nên những điều kiện cơ bản và vững chắc, để qua cuộc chiến tranh giải phóng tiến lên những bước phát triển mới.

ngochai
01-05-2014, 05:51 PM
Mùa đông năm 1950 đánh dấu một sự chuyển biến lớn trong cục diện chiến tranh. Quân ta đã lớn mạnh vượt bậc, đại thắng quân địch trong chiến dịch Biên giới, tiến lên bước đầu nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Các lực lượng vũ trang của ta trưởng thành vượt bậc, trước hết là bộ đội chủ lực. Với quy mô tổ chức lớn hơn, với trang bị vũ khí được cải tiến thêm, trên chiến trường biên giới Bắc Bộ, lần đầu tiên quân ta mở một chiến dịch tiến công lớn, tiêu diệt gọn nhiều binh đoàn lớn trong lực lượng cơ động tinh nhuệ của địch, phá vỡ phòng tuyến biên giới của chúng, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn. Chiến tranh nhân dân đã phát triển lên một bước mới: “Chiến tranh chính quy trên quy mô tương đối lớn xuất hiện ở Bắc Bộ”(1). Nó báo hiệu những thắng lợi to lớn trong những năm tiếp sau. Chiến thắng Biên giới đã chấm dứt sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc đối với cách mạng Việt Nam, nối liền nước ta với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mở ra đường liên lạc giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.

Trước sự phát triển thắng lợi của cách mạng Việt Nam và của cách mạng thế giới, trước sự tổn thất nặng nề của quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp trắng trợn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, tăng cường viện trợ về trang bị vũ khí và kinh phí chiến tranh, đồng thời lợi dụng thế bí của Pháp để thực hiện âm mưu giành giật quyền lợi với Pháp, hòng từng bước thay chân cho Pháp. Thế là bên cạnh thực dân Pháp xâm lược, kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam lúc này lại có thêm bọn can thiệp Mỹ. Đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ đã đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, ráo riết bắt lính, phát triển ngụy quân, ngụy quyền, tăng thêm viện binh, tổ chức những đội quân ứng chiến với quy mô trung đoàn và sư đoàn. Chúng đã ra sức tập trung binh lực vào chiến trường chính là chiến trường Bắc Bộ, buộc phải chuyển chiến lược tử tiến công sang phòng ngự. Chúng đã lập ra các khu vành đai trắng, xây dựng những phòng tuyến vững chắc hơn, bao bọc vùng đồng bằng Bắc Bộ giàu có bằng một hệ thống boong ke, đồng thời chuẩn bị ráo riết các cuộc phản công.

Đại hội II của Đảng họp tháng 2 năm 1951 đã ra nghị quyết về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và của cuộc kháng chiến lâu dài. Những nghị quyết đó đã động viên, cổ vũ, soi đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành những thắng lợi mới. Tiếp đó, chủ trương triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất, đã phát động quần chúng nông dân lao động đông đảo đứng lên, với một khí thế cách mạng mới, đánh đổ đế quốc và phong kiến. Khối liên minh công nông không ngừng được củng cố; mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng và ngày càng vững chắc; chính quyền dân chủ nhân dân được kiện toàn. Công cuộc củng cố căn cứ địa ở nông thôn và xây dựng cơ sở chính trị ở thành thị ngày càng thu được kết quả tốt. Mọi mặt công tác kháng chiến đều phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đã bồi dưỡng có hiệu quả và động viên được mạnh mẽ sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến tranh nhân dân có thêm sức mạnh mới để đánh bại hoàn toàn đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ.

Sau chiến thắng Biên giới, cuộc kháng chiến của chúng ta đã thực sự bước sang một thời kỳ mới. Các chiến dịch tiến công và phản công trên quy mô ngày càng lớn của bộ đội chủ lực liên tục diễn ra trên chiến trường Bắc Bộ; chiến dịch Trung du; chiến dịch Đường số 18 và chiến dịch Hà Nam Ninh trong năm 1951, chiến dịch Hòa Bình mùa đông 1951 và múa xuân 1952, chiến dịch Tây Bắc mùa đông năm 1952. Hình thái tiến công trên từng hướng chiến lược đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ.

Trong các chiến dịch thắng lợi nói trên, chúng ta đã tiêu diệt gọn từng binh đoàn cơ động của địch, tiêu diệt hàng vạn tên địch trong một chiến dịch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn trên chiến trường Bắc Bộ. Các tỉnh quan trọng ở vùng biên giới Việt - Trung: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai, tỉnh Hòa Bình nằm trên đường giao thông giữa Việt Bắc và Liên khu 4, phần lớn đất đai của miền Tây Bắc đi từ sông Thao cho đến biên giới Việt - Lào đều lần lượt được giải phóng. Căn cú địa Việt Bắc, hậu phương chủ yếu của cuộc kháng chiến, đã được mở rộng và củng cố rất nhiều. Trên miền rừng núi Bắc Bộ, quân địch chỉ còn chiếm đóng tỉnh Hải Ninh ở Đông Bắc, thị xã Lai Châu và tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Tây Bắc.

Trong khi chủ lực ta liên tiếp thu được những thắng lợi lớn trên mặt trận chính diện thì chiến tranh du kích đã phát triển mạnh khắp cả chiến trường sau lưng địch ở Bắc Bộ. Trong vùng địch tạm chiếm, dân quân du kích và bộ đội địa phương đã làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, đã kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến hành hàng loạt những cuộc phá tề trừ gian, ở nhiều địa phương đã dấy lên cao trào tổng phá tề, diệt đồn bót, xây dựng chính quyền cách mạng. Chiến tranh du kích đã có bước phát triển mới, kết hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy. Đặc biệt trong chiến dịch Hòa Bình, để phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính diện, chủ lực ta đã tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng sông Hồng, cùng với lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng tiêu diệt, bức hàng, bức rút hàng loạt cứ điểm của địch, mở rộng căn cứ du kích và khu du kích, giải phóng hàng triệu đồng bào. Vùng tạm chiếm của địch bị thu hẹp lại chỉ còn khoảng một phần ba đất đai và làng mạc, ở gần các đường giao thông quan trọng và các đô thị lớn.

Trên chiến trường Bình-Trị-Thiên, mặc dầu điều kiện địa hình có phần không có lợi cho ta, chiến tranh du kích vẫn được giữ vững. Ở miền nam Trung bộ, bộ đội ta đã giữ vững vùng tự do của Liên khu 5, đồng thời cũng đi sâu vào trong lòng đích, mở rộng cơ sở, phát động chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ du kích ở miền Tây Nguyên chiến lược. Ở Nam Bộ, cuộc đấu tranh giữa ta và địch ớ đô thị và vùng ven diễn ra hết sức gay gắt, vùng tự do Khu 9 được giữ vững, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp.

Mùa hè năm 1953, Quân giải phóng Pathét Lào có các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp đã mở cuộc tiến công bất ngờ vào thị xã Sầm Nưa. Phần lớn quân địch ở đây đã bị tiêu diệt. Toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và những địa bàn rộng lớn ở Thượng Lào đã được giải phóng, tạo nên một cục diện mới trong cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân các dân tộc nước bạn, gây nên một thế uy hiếp mới đối với địch.

Nhìn chung cục diện chiến tranh trên chiến trường chính, tức là chiến trường Bắc Bộ thì tử mùa đông 1950 trở đi, quân ta luôn luôn giữ thế chủ động, quân địch ngày càng lâm vào thế bị động. Quân địch ra sức cầu cứu đế quốc Mỹ và như trên đã nói, đế quốc Mỹ đã can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Trong khi đó, Chính phủ Pháp đã nhiều lần thay đổi tướng tá của quân đội viễn chinh. Sau chiến dịch Biên giới, chúng đã phái danh tướng của Pháp là Đờlát đờ Tátxinhi sang Đông Dương. Chúng ta đều biết rằng Đờlát đã ra sức mở rộng quân ngụy, tập trung binh lực, xây dựng phòng tuyến, đánh ra Hòa Bình để giành lại thế chủ động, nhưng rốt cuộc đã bị quân ta đánh bại. Tướng Xalăng thay cho tướng Đờlát cũng đã chứng kiến một cách bất lực những thất bại đau đớn của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào.

Do phải tập trung binh lực phòng giữ đồng bằng Bắc Bộ, nên trên các chiến trường khác địch lại có nhiều sơ hở hơn trước. Hoạt động của quân và dân ta trên các chiến trường đó đã có điều kiện để đẩy mạnh hơn, giành được những thắng lợi ngày càng lớn hơn.

Trên đây là những nét chính về tình hình chiến sự từ lúc bắt đầu kháng chiến cho đến giữa năm 1953.

ngochai
01-05-2014, 05:52 PM
Tình hình ta, địch vào mùa hè năm 1953 đại thể có thể tóm tắt như sau:

VỀ PHÍA TA

Lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt của cuộc kháng chiến, từ chỗ còn non yếu lúc đầu, trải qua tám năm chiến đấu và rèn luyện, đã phát triển và lớn mạnh rất nhiều. Quân đội nhân dân lúc đó đã có những đại đoàn, trung đoàn chủ lực, lại bao gồm nhiều tiểu đoàn và trung đoàn bộ đội địa phương. Ngoài bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương ra, còn có các lực lượng dân quân du kích hùng hậu phát triển rộng rãi khắp nơi.

Sự hình thành và lớn mạnh của ba thứ quân là kết quả của đường lối đúng đắn của Đảng ta: thực hiện động viên và vũ trang toàn dân, phát động chiến tranh nhân dân.

Nó cũng là kết quả của việc thực hiện phương châm tác chiến đúng đắn của chiến tranh cách mạng lâu dài: phát động chiến tranh du kích, tiến từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy ở trình độ ngày càng cao, trên quy mô ngày càng lớn.

Tình hình từ năm 1950 đến năm 1953 như đã nói ở trên là: với hình thái tiến công địch trên từng hướng chiến lược, đánh vận động đã tiến lên chiếm địa vị chủ yếu trên chiến trường chính, tức là chiến trường Bắc Bộ, trong khi đó ở Bắc Bộ, đánh du kích vẫn còn rất quan trọng. Trên các chiến trường khác thì đánh du kích còn giữ địa vị chủ yếu. Dân quân du kích lúc đó đã trở thành một lực lượng rất lớn có tinh thần giết giặc cứu nước rất cao. Với hệ thống làng chiến đấu được xây dựng mạnh mẽ và rộng khắp, các lực lượng dân quân du kích của ta đã liên tiếp tiến công quân địch, buộc chúng phải phân tán đối phó trên khắp các chiến trường, chống càn quét thắng lợi để bảo vệ làng mạc, có kinh nghiệm tác chiến và đã cướp được nhiều vũ khí của địch để trang bị cho mình, và là nguồn bổ sung lớn để củng cố và phát triển quân đội ta.

Bộ đội địa phương hình thành từ năm 1948 trên cơ sở tập trung lại các đại đòi độc lập và một bộ phận các đơn vị dân quân du kích, đã đảm nhiệm được nhiệm vụ tác chiến trong địa phương, tiêu diệt quân địch, chống càn quét, bảo vệ địa phương, tác chiến phối hợp tốt với bộ đội chủ lực và dân quân du kích.

Điểm nổi bật hơn hết là bộ đội chủ lực ta đã lớn mạnh nhanh chóng và có tính cơ động khá cao. Các đại đoàn và trung đoàn chủ lực đều đã được củng cố về tổ chức biên chế, được tăng cường về trang bị bằng vũ khí chủ yếu là do lấy được của dịch, một phần do ta tự sản xuất trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan thiếu thốn, một phần do sự giúp đỡ của các nước anh em. Trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng tác chiến, trải qua các đợt huấn luyện, lại được rèn luyện trong các chiến dịch lớn, đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Quân chủ lực của ta đã tích lũy được kinh nghiệm về đánh vận động và đánh địch trong công sự vững chắc - đánh công kiên, đã quen đánh tập trung với một lực lượng tương đổi lớn, hoạt động trên một địa bàn tương đối rộng, đặc biệt thiện chiến trên chiến trường rừng núi, thực hiện được đánh tiêu diệt, thực hiện được tiến sâu, rút nhanh, tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

Sở dĩ lực lượng vũ trang nhân dân đặc biệt là bộ đội chủ lực có những tiến bộ rõ rệt và nhanh chóng nói trên, trước hết là do Đảng ta đã chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, ra sức tăng cuờng công tác giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng; không ngừng nâng cao bản chất cách mạng, bản chất giai cấp của quân đội ta. Các cuộc chỉnh huấn chính trị đã có một tác dụng lớn làm cho quân đội nhận rõ mục tiêu chiến đấu của mình: vì độc lập dân tộc, vì ruộng đất cho dân cày, để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tinh thần yêu nước và chí căm thù được nâng cao. Cuộc chỉnh quân chính trị mùa hè năm 1953 được tiến hành trong khi Đảng ta thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất đã nâng cao một cách rõ rệt tinh thần quyết chiến quyết thắng, trình độ giác ngộ giai cấp và khí thế cách mạng của quân đội. Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, thực hiện chế độ dân chủ nội bộ đi đôi với kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết anh dũng trong chiến đấu, tích cực cần cù trong công tác và sản xuất, đã trở thành nền nếp sinh hoạt, chiến đấu, và là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.

Nhân dân ta với niềm tin tuyệt đối, đoàn kết một lòng xung quanh Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Những nghị quyết lịch sử của Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng về đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta, về đường lối kháng chiến lâu dài và tiếp đó, cuộc phát động quần chúng triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất đã mang lại sức mạnh đoàn kết chiến đấu mới trong nhân dân, khí thế quyết chiến mới chống kẻ thù đế quốc và phong kiến tay sai, và đã có ý nghĩa quyết định đối với những bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, trên con đường tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Về mặt quốc tế, cuộc kháng chiến chính nghĩa và anh dũng chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta ngày càng được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân Pháp và các nước thuộc địa của Pháp, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Trung Quốc đã làm cho sự so sánh lực lượng trên trường quốc tế chuyển biến có lợi cho phe xã hội chủ nghĩa và các lực lượng dân chủ, độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình. Thắng lợi đó càng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Từ nay, nước ta đã không còn ở trong tình trạng chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, mà đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.

Năm 1950, các nước xã hội chủ nghĩa công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự kiện đó càng làm cho uy tín và địa vị quốc tế của nước ta được nâng cao, làm cho nhân dân ta càng thêm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

ngochai
01-05-2014, 05:53 PM
VỀ PHÍA ĐỊCH

Vào mùa hè năm 1953, nếu tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân ta là một tình hình đầy triển vọng thì ngược lại tình hình cuộc chiến tranh xâm lược của địch lại đầy khó khăn nguy khốn.

Lực lượng của địch lúc bấy giờ có khoảng 45 vạn quân trên toàn chiến trường Đông Dương, trong đó có trên 12 vạn binh lính người Pháp, người Phi và lê dương, ngoài ra là quân ngụy. Tuy so với lúc đầu, số quân của địch đã tăng thêm rất nhiều, nhưng so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc đó đã thay đổi có lợi cho ta hơn trước nhiều.

Nhược điểm thiếu binh lực đối với thực dân Pháp luôn luôn trầm trọng tử khi chúng gây ra chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Đó là vì đế quốc Pháp đã bị suy yếu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, sức người, sức của có hạn, cuộc chiến tranh thuộc địa lại bị nhân dân trong nước phản đối, nên không thể động viên nhiều nhân lực, vật lực để đánh với ta. Nhưng nguyện nhân chính của tình trạng thiếu binh lực là do bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược và phi nghĩa của chúng. Mục đích cuối cùng của chúng là phải xâm chiếm nước ta, bắt nhân dân ta phải làm nô lệ. Nhưng nhăn dân ta lại kiên quyết đứng dậy chiến đấu chống lại chúng, tiêu hao và tiêu diệt chúng. Chúng bị bắt buộc phải phân tán binh lực để đối phó khắp nơi, lập nên hàng nghìn cứ điểm lớn nhỏ để phòng giữ các địa phương chúng chiếm được.

Chính vì vậy mà quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược của quân đội viễn chinh Pháp là cả một quá trình đã thiếu binh lực, lại thiếu binh lực triền miên. Và phân tán binh lực là một quy luật tất yếu. Binh lực càng phân tán thì càng suy yếu, càng bộc lộ sơ hở, càng tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiêu diệt chúng từng bộ phận.

Như trên đã nói, chúng đã bị thất bại trong chiến lược “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Và từ khi phải bị động chuyển sang đánh kéo dài thì chúng đã ra sức sử dụng ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng coi đó là một chính sách quan trọng để giúp chúng giải quyết nạn thiếu binh lực. Nhưng vì lực lượng kháng chiến ta ngày càng lớn mạnh, cho nên việc mớ rộng quân ngụy chỉ đưa lại ít kết quả thành phần quân ngụy càng tăng, tinh thần chiến đấu của quân đội chúng càng giảm sút nghiêm trọng.

Năm 1950, chính là lúc phạm vi chiếm đóng của thực dân Pháp được mở rộng hơn hết, cũng chính là lúc binh lực của chúng bị phân tán nghiêm trọng hơn hết. Chúng đã sa vào thế bị động phòng ngự và thiếu hẳn một lực lượng cơ động chiến lược tương đối mạnh để đối phó với các cuộc tiến công mới của quân ta.

Nhược điểm nói trên của địch càng bộc lộ rõ từ khi quân ta bắt đầu mở những cuộc tiến công trên từng hướng chiến lược. Quân địch không những bị tiêu diệt từng bộ phận sinh lực mà còn phải rút khỏi nhiều địa phương chúng chiếm đóng trước đây. Từ thế chủ động tiến công lúc đầu, quân địch rõ ràng đã lâm vào thế bị động trên chiến trường Bắc Bộ. Chúng đã ra sức tìm cách thoát khỏi tình thế bất lợi đó, tìm cách mở rộng quân ngụy hơn nữa, để tăng thêm số quân hơn nữa, tạo điều kiện tập trung nhiều lực lượng cơ động hơn. Nhưng do mâu thuẫn bên trong của cuộc chiến tranh xâm lược nên chúng ngày càng bị sa lầy, càng thêm nguy khốn không những ở chiến trường chính mà ở khắp cả các chiến trường.

Về mặt chính trị, do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược nên chúng gặp phải sự phản đối ngày càng tăng thêm của nhân dân Pháp cũng như của dư luận tiến bộ của nhân dân trên thế giới. Trong hàng ngũ lính Pháp và Phi, tinh thần chán ghét chiến tranh ngày càng phát triển. Trước những thất bại liên tiếp từ trận Biên giới trở đi, tinh thần chiến đấu của quân đội viễn chinh đã kém lại càng sút kém hơn. Nội bộ thực dân Pháp càng chia rẽ, mâu thuẫn giữa phái chủ hòa và chủ chiến trầm trọng thêm.

Để cứu vãn tình thế ngày càng xấu đi, đế quốc Pháp ngày càng cần thêm viện trợ của đế quốc Mỹ, ngày càng bị phụ thuộc vào đế quốc Mỹ. Viện trợ của Mỹ năm 1951 chiếm 12% trong ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, đến năm 1953 đã lên tới 71%. Đế quốc Mỹ càng tăng cường viện trợ, càng mưu mô chiếm đoạt quyền lợi của Pháp; tuy Pháp và Mỹ đều nhất trí đẩy mạnh cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, xâm chiếm nước ta, nhưng mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp cũng ngày càng tăng thêm.

Chính trong tình hình đế quốc Pháp đang lâm vào cảnh nguy khốn nói trên, đế quốc Mỹ đã thừa lúc đình chiến ở Triều Tiên mà tăng cường can thiệp vào Đông Dương, mưu toan đặt quan hệ trực tiếp với các chính quyền bù nhìn, nhằm hất cẳng Pháp.

Và kế hoạch Nava là âm mưu mới của đế quốc Pháp - Mỹ, nhằm tiếp tục và mở rộng chiến tranh xâm lược ớ nước ta.

ngochai
01-05-2014, 05:54 PM
Bước vào mùa hè năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã phát triển đến trình độ có thể tiến lên giành những thắng lơi quyết định

So sánh tình hình giữa ta và địch lúc bấy giờ nổi lên những điểm chủ yếu sau đây:

Một là, trên khắp các chiến tranh, chiến tranh nhân dân đã được phát triển rộng khắp và mạnh mẽ; cả nước đã đứng lên chiến đấu giết giặc trong nhiều năm. Nhân dân Pháp phản đối mạnh mẽ cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của bọn thực dân; tinh thần chán ghét chiến tranh trong hàng ngũ quân địch ngày càng lan rộng

Hai là, lực lượng vũ trang nhân dân ta, từ những đơn vị non trẻ lúc đầu đã lớn mạnh nhanh chóng và vượt bậc với cơ cấu ba thứ quân, với lực lượng cơ động chiến lược lớn, với thế bố trí chiến lược mạnh, với chất lượng chiến đấu ngày càng cao. Quân đội xâm lược Pháp mặc dù được tăng cường buộc phải phân tán khắp nơi; quân số càng đông, sức mạnh chiến đấu lại càng yếu; thiếu hẳn một lực lượng cơ động chiến lược.

Ba là, ta đã tiến lên giành chủ động chiến lược trên chiến trường chính, còn địch thì ngày càng lâm vào thế bị đông.

Bốn là, cục diện quốc tế thuận lợi với ta hơn là đối với địch.

Tình hình nói trên chứng tỏ quyết tâm kháng chiến và đường lối kháng chiến của Đảng ta là đúng đắn và sáng tạo. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hạ quyết tâm kháng chiến toàn quốc trong điều kiện nước ta đất không rộng, người không đông, nhân dân ta mới tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền ta còn trứng nước, quân đội ta còn non trẻ, chung quanh ta đều là những nước thù địch. Quyết tâm kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến trong tình hình như vậy, là một quyết tâm to lớn, xứng đáng với truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, tuy có sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, nhưng rõ ràng là chúng ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong vòng vây của địch với sự tự lực hoàn toàn về trang bị vũ khí, về vật chất kỹ thuật. Trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ, không những quân đội ta, nhân dân ta đã đứng vững trước kẻ thù đề quốc xâm lược, mà lực lượng của ta về mọi mặt, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đã lớn mạnh lên trông thấy Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ngày càng đoàn kết chiến đấu, lực lượng vũ trang ta ngày càng phát triển. Hệ thống làng xã chiến đấu được xây dựng khắp nơi; đại đoàn đầu tiên của quân đội nhân dân đã ra đời. Chúng ta đã tạo nên những điều kiện và những cơ sở để đưa cuộc kháng chiến tiến lên những bước mới.

Đến khi điều kiện trong nước cũng như điều kiện quốc tế trở nên thuận lợi, nhất là sau khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949, thì nhân dân ta tiếp tục dựa vào sức mình là chính, đã có khả năng đầy đủ đế tiếp thụ có hiệu quả những kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các nước anh em, tạo ra những bước phát triển mới. So sánh lực lượng giữa ta và địch vào mùa hè năm 1953 đã cho phép ta mở ra chiến cuộc Đông Xuân, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Sự phát triển thắng lợi của cuộc kháng chiến là kết quả của những năm chiến đấu lâu dài của toàn dân, kết hợp với những nhân tố mới của thời đại. Đó là kết quả của đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là cách nhìn vấn đề duy nhất đúng đắn với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như sau này, đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đối với toàn bộ sự nghiệp phát triển của cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

ngochai
01-05-2014, 05:55 PM
.
.
ÂM MƯU MỚI CỦA ĐỊCH - KẾ HOẠCH QUÂN SỰ NAVA

Tình hình nguy khốn của quân đội xâm lược Pháp trên chiến trường Đông Dương vào đầu năm 1953 đã đặt ra cho đế quốc Pháp vấn đề hết sức cấp thiết là phải có những phương sách mới để cứu vãn tình thế, tránh những thất bại nặng nề hơn.

Bấy giờ, ở Phấp, trước những tin tức thất trận liên tiếp ở Đông Dương, phong trào của nhân dân đòi chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ngày càng trở nên rộng rãi và mạnh mẽ. Trong Quốc hội Pháp, phái chủ trương hòa bình giải quyết vấn đề Việt Nam ngày càng thu được nhiều phiếu hơn. Ngay đến Chính phủ phản động Lanien - Biđôn cũng nhận thấy không còn có khả năng tiếp tục mãi cuộc chiến tranh xâm lược, không còn có hy vọng có thể tiêu diệt được lực lượng ta và đã đến lúc phải gấp rút tìm ra một lối thoát. Nhưng lối thoát như thế nào? Đó là một vấn đề nan giải. Chính phủ Pháp cho rằng phải tập trung mọi cố gắng tìm ra một “lối thoát vinh dự” nghĩa là “lối thoát trong thắng lợi”. Và muốn đạt mục tiêu đó thì trước mắt cần phải ra sức đẩy mạnh chiến tranh, giành lấy những thắng lợi quân sự tương đối lớn


http://www.cand.com.vn/Uploaded_ANTGCT/maiphuong/27_tren31-400.jpg

Đối với Mỹ thì trước tình hình quân đội xâm lược Pháp bị sa lầy ở Đông Dương, đế quốc Mỹ càng lộ rõ bộ mặt bỉ ổi là một tên sen đầm quốc tế cực kỳ hiếu chiến, thâm độc. Nếu cuộc đình chiến ở Triều Trên đã làm cho chính giới Pháp suy tính đến khả năng giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương bằng một biện pháp tương tự thì cuộc đình chiến đó đã thúc đẩy Mỹ ngày càng tăng cường can thiệp nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương. Chính Alxenhao đã nhiều lần tuyên bố, quyết không để cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế tiến thêm một bước nào ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Đông Dương mà chúng coi là một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Chúng đã không ngừng gây áp lực đối với thực dân Pháp, đòi hỏi thực dân Pháp phải có những cố gắng chiến tranh mới, đồng thời cũng tích cực chuẩn bị để thay thế cho Pháp. Đi đôi với việc tăng cường viện trợ mọi mặt, đế quốc Mỹ đã buộc Pháp phải trao trả quyền “độc lập” cho các chính phủ bù nhìn, tạo điều kiện chính trị để Mỹ có thể nắm trực tiếp các chính phủ này. Viện trợ quân sự của chúng vào năm 1953 hằng tháng đã lên đến trên hai vạn tấn, có tháng lên đến bốn vạn tấn. Chúng lại phái sang hàng trăm nhân viên quân sự, cử một phái đoàn quân sự để kiểm soát thực dân Pháp và các chính quyền bù nhìn, ngày càng trực tiếp tham gia vào việc điều khiển chiến tranh ở Đông Dương.

Vào giữa năm 1953, với sự thỏa thuận của Oasinhtơn, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Nava làm tổng chỉ huy các lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng Xalăng. Mặc dầu chưa có tên tuổi và danh tiếng như Đờlát đờ Tátxinhi, Nava là một nhân tài quân sự trong hàng tướng trẻ tuổi của quân đội Pháp, có tri thức và nhãn quan chiến lược, đã từng cộng tác trực tiếp với thống chế Gioăng trong bộ tham mưu khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Sau một thời gian rất ngắn điều tra và nghiên cứu chiến trường, Nava đã phác họa ra một kế hoạch chiến lược tương đối hoàn chỉnh nhằm cải biến tình hình hòng chuyển bại thành thắng và trong một thời gian ngắn giành lấy một thắng lợi chiến lược có tính chất quyết định.

Nava nhận định rằng, một thiếu sót cơ bản trong sự lãnh đạo chiến tranh của Chính phủ Pháp là không xác định được rõ ràng mục đích của cuộc chiến tranh, và cho đó là nguyên nhân chính làm cho tinh thần của quân đội viễn chỉnh ngày càng sút kém mệt mỏi, làm cho quân ngụy càng không có tinh thần chiến đấu. Bởi vậy, theo Nava thì một mặt Chính phủ Pháp cần xác định chủ trương của mình là tiến hành chiến tranh để bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi nhất định của Pháp ở Đông Dương, mặt khác phải mạnh bạo thừa nhận quyền “độc lập” của các quốc gia liên kết trong khuôn khổ khối liên hiệp Pháp. Cần chỉ rõ cho các “quốc gia” này nhận thấy rằng họ chỉ giành được “chủ quyền” và “độc lập” thực sự khi nào đánh bại được Quân đội nhân dân Việt Nam; và vì vậy họ cần phải động viên toàn lực chiến đấu vì lý tưởng “chủ quyền” và “độc lập” đó, họ phải ra sức củng cố và mở rộng các “quân đội quốc gia”. Đối với Mỹ thì Pháp rất cần đến viện trợ của Mỹ để tiếp tục chiến tranh; Pháp và Mỹ cùng có chung một mục đích là ngăn ngừa chủ nghĩa cộng sản quốc tế, nhưng Pháp không thể chỉ chiến đấu vì mục đích đó để rồi sau này bị Mỹ thay thế ở Đông Dương mà còn phải chiến đấu cho lợi ích của bản thân mình nữa. Trung thành với lợi ích của chủ nghĩa đế quốc Pháp và chỉ biết nhìn vấn đề theo quan điểm của bọn thực dân, Nava cho rằng, nếu xác định được mục tiêu chiến tranh như trên thì không những quân đội viễn chinh Pháp biết rõ vì sao mà họ hy sinh chiến đấu trên chiến trường Đông Dương, mà các “quân đội quốc gia” cũng sẵn sàng tham gia chiến tranh để giành lấy “độc lập” và “chủ quyền”.

Về tổ chức chỉ đạo chiến tranh, , Nava nhận định rằng, do những khủng hoảng nội các liên tiếp, tướng tá chỉ huy ở Đông Dương lại bị thay đổi luôn, nên Chính phủ Pháp thiếu hẳn một sự lãnh đạo chặt chẽ, kế hoạch tiến hành chiến tranh cũng thiếu chủ trương cụ thể và liên tục. Nava cũng thấy rằng, trong lúc đó thì về phía ta, quân đội và nhân dân ta có một mục tiêu chiến đấu rõ rệt: chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc, có một tinh thần chiến đấu rất cao, theo một đường lối kháng chiến rõ ràng, và luôn luôn kiên quyết tiến tới dưới sự lãnh đạo của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nava cho rằng, có gấp rút giải quyết những tiền đề chính trị nói trên: mục tiêu của chiến tranh, chính sách đối với các quốc gia liên kết, việc tổ chức lãnh đạo, v.v... thì Pháp mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Về quân sự, Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ nhận định rằng, tình hình chiến sự ngày càng bất lợi cho quân đội viễn chinh. Đó là vì Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh rất nhiều; bộ đội chủ lực của ta rất thiện chiến, bộ đội địa phương rất quen thuộc chiến trường; quân ta có một tinh thần chiến đấu rất anh dũng, lại có một lực lượng cơ động mạnh gồm nhiều sư đoàn, có khả năng mở những chiến dịch tiến công tương đối lớn. Trong khi đó thì chiến tranh du kích phát triển khắp nơi, đã giam giữ và tiêu hao rất nhiều lực lượng của chúng. Về phía quân đội viễn chinh thì ngày càng lâm vào tình trạng phân tán và bị động. Phần lớn lực lượng đều bị bó chân làm nhiệm vụ phòng ngự trong hàng nghìn đồn bốt rải rác trên khắp các chiến trường. Do đó mà lực lượng dự bị địa phương đã yếu, lực lượng tổng dự bị lại càng yếu hơn, thiếu hẳn một khối cơ động chiến lược mạnh để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta hoặc để mở những cuộc phản công giành lại chủ động. Nava đi đến kết luận là cần phải cải biến tình thế đó trên cơ sở xây dựng một quân đội ngụy lớn mạnh để giải quyết vấn đề quân số, thành lập gấp rút một lực lượng cơ động chiến lược mạnh, làm biện pháp chủ yếu để thoát khỏi tình trạng bị động phòng ngự lúc bấy giờ và tiến tới giành lại chủ động.

ngochai
01-05-2014, 05:58 PM
Phân tích các phương hướng chiến lược có thể bị uy hiếp, Nava đã nêu ra những nhận xét như sau:

a) Hướng thứ nhất, có thể bị quân ta uy hiếp là đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, các căn cứ du kích và khu du kích của ta đang phát triển rộng khắp, lực lượng vũ trang địa phương của ta lại khá mạnh, do đó ta có khả năng sử dụng chủ lực, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, phá vỡ phòng tuyến của chúng ở những khu vực nhất định.

Nava cho rằng nguy cơ nói trên cần phải đề phòng, nhưng đây không phải là nguy cơ lớn nhất. Là vì nếu chúng ra sức đánh phá những căn cứ sau lưng địch của ta, lại luôn luôn sẵn sàng một lực lượng ứng chiến thì với điều kiện cơ động nhanh chóng, với khả năng phát huy tác dụng của các binh chủng kỹ thuật, chúng nhất định có thể ngăn chặn được cuộc tiến công của ta phát triển. Và nếu ta có giành được thắng lợi thì cũng chỉ thu được một thắng lợi có giá trị chiến thuật mà thôi. Tuy nhiên, đồng bằng là một vùng nhiều người, nhiều của, vận chuyển tiếp tế đều thuận lợi, quân ta có nhiều khả năng mở cuộc tiến công lớn vào đồng bằng, vì vậy cần phải tổ chức việc phòng thủ hết sức thận trọng.

b) Hướng thứ hai, có thể bị quân ta uy hiếp là hướng tây bắc Việt Nam và Thượng Lào. Ở đây, trên chiến trường rừng núi, chúng có rất nhiều sơ hở. Do chỗ từ trước chỉ coi trọng đồng bằng, coi đồng bằng là vị trí “then chốt của Đông Nam Á” nên việc tổ chức chiến trường miền núi có nhiều thiếu sót binh lực bố trí phân tán, điều kiện tiếp tế khó khăn, điều kiện địa hình thì có lợi cho ta, không lợi cho chúng. Những thiếu sót và những điều kiện không có lợi nói trên đã từng gây ra cho chúng nhiều thiệt hại lớn, nhất là trong các trận Biên giới, Tây Bắc. Cho nên, cần đề phòng nguy cơ quân ta lại mở cuộc tiến công vào hướng này. Một cuộc tiến công mới có thể thu được những thắng lợi không những ở Tây Bắc mà cả ở miền Bắc Thượng Lào, do đó có thể gây ra một ảnh hưởng quân sự và chính trị không nhỏ, không những đối với Lào mà cả đối với Thái Lan.

Nhưng Nava tỏ vẻ yên tâm hơn sau khi cân nhắc khả năng dùng bộ đội lớn của ta trên hướng này, vì các tướng tá quen thuộc chiến trường đều đã kết luận rằng: quân đội ta không có khả năng bào đảm vấn đề cung cấp chi viện với một quy mô lớn trong một thời gian tương đối dài đối với một chiến trường ở rất xa hậu phương của ta, vì vậy ở hướng này ta chỉ có thể dùng một binh lực có hạn mở những cuộc tiến công trong thời gian tương đối ngắn.

c) Hướng thứ ba, có thể bị quân ta uy hiếp là hướng miền nam Đông Dương. Ở đây có miền Tây Nguyên chiến lược liền với Hạ Lào rồi đến chiến trường Nam Bộ nhiều người, nhiều của, lực lượng của địch nói chung so với đồng bằng Bắc Bộ thì yếu hơn nhiều, lại bố trí theo hướng phân tán phòng ngự ở các địa phương.

Nava nhận định rằng, nếu chủ lực ta mở cuộc tiến công về hướng này thì có thể gây nên một sự đảo lộn lớn và thu được nhiều thắng lợi. Mặc dầu trước mắt chưa có triệu chứng gì về một cuộc tiến công như vậy, nhưng từ khi quân ta giải phóng Tây Bắc, bộ đội tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng Pathét Lào hoạt động ở Thượng Lào, giải phóng tỉnh Sầm Nưa và nhiều địa phương khác thì nguy cơ nói trên lại cần phải đề phòng. Do đó Nava đặt ra vấn đề phải kiên quyết ngăn chặn không để cho chủ lực ta vượt ra khỏi chiến trường miền Bắc, vượt khỏi một “tuyến cấm” đại thể đi từ Thà Khẹt đến Đồng Hới.

Đối với chiến trường miền Nam, Nava cho rằng trải qua mấy năm tiến hành chiến tranh mà quân Pháp cứ để cho quân ta giữ vững các tỉnh nhiều người, nhiều của ở Liên khu 5 và một vùng tự do khá rộng ở Khu 9 Nam Bộ, đó là một thất sách lớn, vì ta có thể dựa vào những chỗ đứng chân đó để tăng cường lực lượng, gây những uy hiếp mới cho chúng.

Căn cứ vào những nhận định nói trên, Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ đề ra một kế hoạch tác chiến quy mô nhằm giành lại chủ động, và trong một thời gian ngắn giành lấy một thắng lợi quyết định.

Kế hoạch tác chiến đó đại thể chia làm hai bước:

a) Trong Thu Đông năm 1953 và mùa Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam, đồng thời ra sức mở rộng quân ngụy, tập trung binh lực xây dựng một đội quân cơ động lớn.

Cụ thể là trong những tháng Thu Đông năm 1953, chúng chủ trương tập trung một lực lượng cơ động mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những cuộc càn quét dữ dội để đánh phá các căn cứ du kích và khu du kích của ta, đồng thời mở những cuộc tiến công uy hiếp vùng tự do của ta để giam giữ, tiêu hao chủ lực của ta, làm cho chủ lực của ta mỏi mệt, buộc ta phải bị động chống lại chúng trước khi đi vào thực hiện kế hoạch tấn công của ta. Trong lúc đó chúng sẽ tranh thủ thời gian mở rộng quân ngụy và tập trung binh lực.

Sau mùa đông, tức là sau mùa hành binh lớn ở Bắc Bộ, bước vào đầu năm 1954, chúng sẽ lợi dụng quân ta đã bị tiêu hao, mỏi mệt, phải nghỉ ngơi để chúng chuyển phần lớn lực lượng cơ động vào hoạt động ở chiến trường miền Nam. Lúc bấy giờ chính là lúc điều kiện thời tiết ở miền Nam có lợi cho việc tác chiến của chúng. Ý định của chúng là mở những cuộc hành binh lớn nhằm mục đích chiếm đóng tất cả các vùng tự do còn lại của ta, nhất là vùng tự do Liên khu 5 và vùng tự do Khu 9 ở Nam Bộ. Đánh chiếm được tất cả các vùng nói trên tức là trừ diệt được những mối uy hiếp lớn; địch dự định sẽ nhân đà thắng lợi mà tổ chức thêm quân ngụy đồng thời tập trung thêm lực lượng cơ động tiến hành mọi sự chuẩn bị cho một cuộc đại tiến công trên chiến trường miền Bắc.

b) Nếu kế hoạch trên được thực hiện tốt thì đến Thu Đông năm 1954, với một lực lượng cơ động đã được tăng cường rất nhiều và đang có một khí thế chiến thắng, chúng sẽ chuyển toàn lực ra miền Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường miền Bắc, giành lấy những thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải điều đình trong một tình hình có lợi cho chúng. Và, nếu ta không chịu chấp nhận những điều kiện của chúng thì lúc đó sẽ tiêu diệt chủ lực ta.

Để có đủ lực lương cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch nói trên, Nava chủ trương giải quyết bằng ba biện pháp: mở rộng quân ngụy, mở rộng các “quân đội quốc gia” theo quy mô rộng lớn; rút một bộ phận lực lượng chiếm đóng để tập trung lại; xin tăng viện từ Pháp sang.

Nava không có con đường nào khác là áp dụng chính sách thâm độc mà trước đây tướng Rơve, rồi đến tướng Đờlát đờ Tátxinhi đã đề xướng: “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, dùng quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng thay thế cho các lực lượng Âu - Phi trở về tập trung. Điều mới là Nava đã chủ trương cần thực hiện những phương sách đó với một quy mô rộng lớn hơn, với một tinh thần kiên quyết hơn.

Với vũ khí và đôla của Mỹ, Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ dự định tổ chức ngay trong năm 1953 một lực lượng quân ngụy mới gồm 54 tiểu đoàn gọi là khinh quân và sang năm 1954 thì tăng số đơn vị đó lên gấp đôi, đến 108 tiểu đoàn. Như vậy, đưa số quân nguy từ khoảng 20 vạn lên đến 29 vạn, không kể số quân ngụy ở trong quân đội viễn chinh.

Đi đôi với việc mở rộng quân ngụy, Nava chủ trương nhanh chóng tổ chức ra một lực lượng cơ động chiến lược khá mạnh, đủ sức để đánh bại những chiến dịch tiến công trước mắt của quân ta và nhất là để chuyển sang tiến công chiến lược tiêu diệt chủ lực ta sau này. Cụ thể, Nava dự định trong năm 1953 và 1954 xây dựng một khối lực lượng cơ động là 7 sư đoàn trong đó có 6 sư đoàn lục quân, 1 sư đoàn quân nhảy dù, tất cả gồm 27 binh đoàn cơ động.

ngochai
01-05-2014, 05:59 PM
Trên đây là nội dung cơ bản của kế hoạch Nava. Kế hoạch này được Hội đồng các tham mưu trưởng nước Pháp đánh giá rất cao và ngày 24 tháng 7 năm 1953 được thông qua trước Hội đồng phòng thủ quốc gia của nước Pháp do Tổng thống Pháp đứng đầu gồm có: thủ tướng và các bộ trưởng: ngoại giao, tài chính, nội vụ, quốc phòng, Pháp quốc hải ngoại và bộ trưởng các quốc gia liên kết (bộ trưởng phụ trách Đông Dương), bộ trưởng các quân chủng và các tham mưu trưởng hải, lục, không quân. Kế hoạch này chẳng những được các chính giới của nước Pháp nhất trí mà còn được nhà cầm quyền Mỹ tán thành.

Về phần mình, Chính phủ Pháp quyết định gấp rút điều quân để tăng viên cho chiến trường Đông Dương. Còn Chính phủ Mỹ thì sử dụng ngay 400 triệu đôla để tổ chức quân ngụy ở Việt Nam, quyết định tăng gấp rưỡi viện trợ quân sự cho Pháp (năm 1953 là 650 triệu đôla và 1954 là 1.264 triệu đôla, chiếm 73% chi phí chiến tranh Đông Dương), cung cấp thêm trang bị cho nhiều tiểu đoàn và trung đoàn pháo binh, cơ giới vận tải, tăng thêm 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Các phái đoàn quân sự Mỹ Trapnen, Ô Đaníen liên tiếp sang Đông Dương đốc thúc, giám sát việc thực hiện kế hoạch.

Để thực hiện âm mưu và kế hoạch nói trên, địch đã quyết định rút các lực lượng Âu - Phi tinh nhuệ của chúng ở một số vị trí về tập trung lại. Đồng thời Nava đề nghị Chính phủ Pháp tăng viện hai sư đoàn, nhưng chỉ được chấp nhận 12 tiểu đoàn điều động từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên sang. Bước vào Thu Đông năm 1953, địch đã tập trung được một lực lượng cơ động gồm 84 tiểu đoàn trên toàn chiến trường Đông Dương và để thực hiện bước đầu của kế hoạch Nava, chúng đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động khá mạnh gồm 44 tiểu đoàn tức là trên 50% lực lượng cơ động của chúng lúc đó trên chiến trường toàn Đông Dương.

Chúng đã dùng mọi thủ đoạn dã man tàn bạo để bần cùng hóa nhân dân ta trong vùng tạm chiếm, càn quét, vây bắt, lừa bịp, dụ dỗ, lưu manh hóa thanh niên. Từ tháng 5 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954, số quân ngụy đã tăng thêm 9 vạn 5 nghìn. Địch đã tổ chức thêm được 107 tiểu đoàn. Đây là con số quân ngụy cao nhất từ trước đến lúc này. Tuy nhiên, bọn tướng tá Pháp - Mỹ cũng đã phải thừa nhận rằng, việc mở rộng quân ngụy thực tế chỉ giải quyết được vấn đề số lượng, trong lúc đó thì chất lượng ngày càng sút kém, tinh thần chiến đấu suy sụp, dù chúng đã vận dụng mọi thủ đoạn của chiến tranh tâm lý, nào là chiêu bài độc lập giả hiệu, nêu lý tưởng chiến đấu chống cộng, nào là cho quân lính chúng tha hồ bắn phá, hãm hiếp, cướp bóc trong các cuộc hành binh.

Tử khi mới nhận chức, tướng Nava đã nhiều lần tuyên bố phải hành động theo khẩu hiệu “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tiến công”.

Ngay trong mùa hè năm 1953 và suốt mùa thu năm ấy, địch đã mở liên tiếp hàng chục cuộc hành quân càn quét dữ dội trong vùng chúng chiếm đóng ở Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên và Nam Bộ.

Trong các cuộc hành quân càn quét này, chúng đã huy động những lực lượng khá mạnh, có khi tới hàng chục tiểu đoàn bộ binh, có pháo binh và không quân yểm hộ như trong các trận càn quét lớn ở Bình - Trị - Thiên, vùng Hải Hậu tỉnh Nam Định, vùng sông Luộc tỉnh Thái Bình. Chúng càn đi quét lại nhiều lần, tàn sát nhân dân, vây bắt thanh niên, dồn dân vào các khu tập trung để tiện bề kiểm soát. Chúng ra sức đánh phá căn cứ du kích ta, phá hoại kinh tế, phá hoại lực lượng dự trữ của ta, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện kế hoạch thâm độc mở rộng quân ngụy của chúng.

Tháng 7 năm 1953, chúng cho quân nhảy dù sâu vào hậu phương của ta, tập kích Lạng Sơn và tuyên bố khoác lác rằng đã gây cho ta những tổn thất lớn, mặc dầu cuộc tập kích đó chỉ gây những thiệt hại không đáng kể.

Chúng cho bọn phản động tay sai tăng cường hành động biệt kích, mở rộng những vùng thổ phỉ ở các khu vực gần Lao Cai, Lai Châu, nhất là ở Sơn La.

Tháng 8 năm 1953, chúng rút toàn bộ binh lực ở Nà Sản về tập trung ở đồng bằng và tuyên bố huênh hoang cho cuộc rút quân đó là một thắng lợi lớn. Trước đây, địch đã từng coi Nà Sản là một thành “Vécđoong” thứ hai, chặn đứng cuộc tiến quân của chú nghĩa cộng sản về phía nam. Đến nay, khi phải rút quân để tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt, chúng lại tuyên bố Nà Sản không còn có tác dụng gì về quân sự nữa.

Tháng 10 năm 1953, chúng huy động 6 binh đoàn cơ động mở cuộc tiến công lớn gọi là chiến dịch Hải Âu vào vùng giáp giới Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyên bố đã giành được quyền chủ động, làm tê liệt chủ lực của ta và rêu rao sắp sửa chiếm đóng Thanh Hóa hoặc tiến công lên Phú Thọ. Một đơn vị chủ lực của ta đã được lệnh, thừa lúc chúng tiến quân ra vùng tự do, chọn những nơi địa hình thuận lợi mà tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của chúng. Mặc dầu quân địch tập trung nhiều lực lượng, huy động nhiều pháo binh, cơ giới, không quân ra trận, quân ta đã ra sức khắc phục khó khăn, chủ động lính hoạt, nắm vững cơ hội tốt, anh dũng chiến đấu tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Đồng thời ở vùng sau lưng địch, các đơn vị của ta cũng đẩy mạnh hoạt động, đánh vào hậu cứ của các binh đoàn cơ động của chúng. Trên mặt trận chính diện Ninh Bình cũng như ở vùng địch tạm chiếm, quân ta đã gây cho địch những tổn thất nặng nề, tiêu diệt hơn 4.000 tên và buộc chúng phải rút khỏi vùng tự do của ta.

Thắng lợi này là một thắng lợi lớn đầu tiên của ta trên chiến trường Bắc Bộ trong khi mùa tác chiến thu đông mới bắt đầu

ngochai
01-05-2014, 06:00 PM
Tử lúc tướng Nava sang Đông Dương cho đến thượng tuần tháng 11 thì hầu như mọi việc đều diễn ra thuận lợi, nào là tăng cường việc “bình địmh “vùng tạm chiếm, nào là uy hiếp vùng tự do của ta, nào là rầm rộ “động viên”, ráo riết bắt lính, mở rộng quân ngụy, nào là chủ động trong việc rút quân, chủ động trong việc tiến công, nào là mạnh bạo tập trung lực lượng cơ động chiến lược. Lúc bấy giờ, địch cho rằng kế hoạch Thu Đông của ta đã bắt đầu bị phá vỡ, và một bộ phận chủ lực của ta đã bị chúng tiêu hao, các đơn vị chủ lực khác thì chắc chắn phải sử dụng vào việc bảo vệ vùng tự do. Từ các nhật lệnh, các “thư hằng tuần” của tướng Nava gửi cho binh sĩ cho đến dư luận báo chí Pháp - Mỹ đều để lộ một không khí hết sức lạc quan.

Bỗng nhiên, bộ tổng chỉ huy của địch nhận được một số tin túc tình báo mới: có những triệu chứng về việc di chuyển của một đơn vị chủ lực của quân ta lên hướng Tây Bắc. Địch đứng trước bao nhiêu vấn đề mới: thế thì quân ta mở cuộc tiến công thu đông vào đồng bằng hay lên Tây Bắc; và nếu chủ lực ta tiến công lên Tây Bắc thì làm thế nào để bảo toàn cho lực lượng của chúng ở Lai Châu, nhất là làm thế nào để bảo vệ Thượng Lào.

Sau khi cân nhắc lợi hại, tướng Nava đã đi đến quyết định mớ một cuộc hành binh mới không nằm trong kế hoạch chiến lược của y trước đây.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, một lực lượng cơ động của địch gồm sáu tiểu đoàn tinh nhuệ nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh và đánh chiếm Điện Biên Phủ. Ý định lúc đầu của địch là sau khi củng cố Điện Biên Phủ sẽ liên lạc với Lai Châu và có thể đánh chiếm vùng Tuần Giáo và có thể cả Sơn La, Nà Sản. Như vậy, địa bàn của chúng ở Tây Bắc sẽ được mở rộng, việc phòng thủ Thượng Lào cũng được bảo đảm.

Nhưng, đến trung tuần và hạ tuần tháng 11, địch lại phát hiện những triệu chứng mới: hình như không phải chỉ một đơn vị chủ lực của ta, mà nhiều đơn vị, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất, đang tiếp tục di chuyển lên hướng Tây Bắc. Những tin tức đó lúc đầu chưa được rõ rệt, nhưng càng ngày càng được xác nhận: các đại đoàn 308, 312 và 351 đã mất hút ở Trung Du. Mùa đông năm 1953 là lần đầu tiên địch phát hiện những cuộc chuyển quân của ta tương đối sớm, tuy không phải là sớm lắm. Khác hẳn với những năm trước như trong chiến dịch Biên giới hay chiến dịch Tây Bắc, mãi đến khi quân ta nổ súng, địch mới phát hiện được hướng tiến công chính của ta.

Một vấn đề mới hết sức quan trọng được đặt ra cho bộ tổng chỉ huy quân đội viễn chinh: trước ý định mớ một cuộc tiến công lớn của quân ta, thì giữa hai phương sách: hoặc rút quân khỏi Điện Biên Phủ hoặc tăng cường Điện Biên Phủ và tiếp nhận cuộc chiến đấu với chủ lực ta ở đó, nên chọn phương sách nào?

Ngày 3 tháng 12 năm 1953, tướng Nava quyết định chọn phương sách thứ hai và ra chỉ thị cần giữ vững Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào, tạo mọi điều kiện tốt để tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực ta, nếu ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, đối với Lai Châu thì khi cần có thể rút quân về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Tướng Nava căn cứ vào kinh nghiệm Nà Sản, vững tin rằng: với một lực lượng mạnh, với một tổ chức phòng thủ hiện đại, Điện Biên Phủ nhất định sẽ trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Quân ta đã tiến lên Tây Bắc thì tương kế tựu kế lại càng nên tìm cách thu hút thêm chủ lực của ta, nếu cuối cùng ta không bỏ ý định tiến công thì nhất định chủ lực ta sẽ bị tổn thất nặng nề. Như vậy, không những chỗ đứng chân của địch ở Tây Bắc được giữ vững, Thượng Lào được an toàn mà đồng bằng Bắc Bộ cũng không bị tiến công. Mùa đông sẽ đưa lại những thắng lợi mới. Và khi chủ lực ta đã bị tiêu hao, mỏi mệt, ngược lại lực lượng cơ động của chúng đã được tập trung và tăng cường, tướng Nava sẽ ung dung chuyển sang kế hoạch mùa xuân tức là thực hiện ý đồ tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam như kế hoạch đã định.

Quyết định trên đây của tướng Nava, giữ vững và tăng cường Điện Biên Phủ và tiếp nhận chiến đấu với chủ lực ta ở Điện Biên Phủ là một quyết định có tính chất chiến lược cực kỳ quan trọng. Và sau khi đã hạ quyết tâm chiến lược, thì địch lại tiếp tục tuyên truyền thắng lợi, coi việc đánh chiếm và tăng cường Điện Biên Phủ là một bằng chứng không thể chối cãi của sức mạnh mới khôi phục lại và khả năng cơ động chiến lược cao độ của quân đội viễn chinh. Sau những ngày lo âu không khí lạc quan trong chính giới và dư luận Pháp - Mỹ lại tăng thêm hơn trước nữa.

Trong lúc đó bộ đội chủ lực của ta đang tích cực chuẩn bị mở các cuộc tiến công thu đông và thắt chặt dần vòng vây xung quanh Điện Biên Phủ.

Một trang sử mới bắt đầu trong cục diện của cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

ngochai
01-05-2014, 06:00 PM
Nhìn lại âm mưu của địch, thấy nổi lên một điểm là chúng luôn luôn chủ quan, luôn luôn phạm sai lầm.

Kế hoạch Nava là một kế hoạch chiến lược lớn vận dụng những nguyên lý của khoa học quân sự của Pháp và của Mỹ để phân tích cục diện chiến trường dựa vào một sự cố gắng chiến tranh rất lớn của Pari và Oasinhtơn nhằm giành một thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Cả bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp lẫn các tường tá của Lầu Năm góc đều hết sức tin tưởng vào kế hoạch ấy, càng đi vào triển khai càng thêm tin tưởng và lạc quan.

Mọi người đều biết trước đây, vào tháng 9 năm 1945, khi mới đưa quân trở lại xâm lược nước ta, đế quốc Pháp cũng cho rằng việc ấy dễ dàng như trở bàn tay, muốn lập lại nền thống trị thực dân của chúng trên đất nước ta, chẳng qua chỉ cần tiến hành một cuộcdiễu binh khải hoàn.

Vì sao kẻ thù xâm lược luôn luôn chủ quan như vậy, chủ quan đến nỗi là sắp đến lúc thất bại thảm hại rồi mà lại vẫn còn tưởng rằng chúng đang đi đến thắng lợi to lớn.

Đương nhiên, đó hoàn toàn không phải là bọn tướng tá Pháp - Mỹ kém trình độ văn hóa hoặc thiếu tri thức quân sự, cũng không phải là chúng thiếu hiểu biết về những tính năng và tác dụng của các binh chủng, quân chủng, của các vũ khí và phương tiện chiến tranh mà chúng tung ra chiến trường.

Chúng luôn luôn chủ quan chính là vì chúng không nắm được quy luật của chiến tranh, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do.

Chúng không nắm được và cũng không thể nào nắm được quy luật của chiến tranh. Bởi vì, cuộc chiến tranh do chúng gây ra là chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa. Bởi vì, các quy luật của chiến tranh nói riêng và các quy luật của lịch sử nói chung đều đi ngược lại mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự của chúng, đi ngược lại cả lý do tồn tại của chúng, phủ định không thương tiếc sự tồn tại ấy.

Và trong chiến tranh, đã không nắm được quy luật thì tất nhiên không tránh được những quyết đính chủ quan, dẫn đến sai lầm về chiến lược. Thất bại là tất yếu

Liên hệ đến tình hình trong hai mươi năm lại đây, từ khi đế quốc Mỹ đem quân xâm lược nước ta, chúng ta lại thấy diễn đi, diễn lại hiện tượng chủ quan đó. Với tiềm lực khổng lồ của chúng, đế quốc Mỹ tin tưởng chúng nhất định thắng. Mỗi lần leo thang, tăng thêm quân, chúng lại một lần nữa tin là nhất định thắng. Sự thật trên chiến trường đã diễn ra trải hẳn với ý muốn cửa chúng. Cứ sau mỗi một cố gắng chiến tranh mới để “nhất định thắng” thì chúng lại phải chịu đựng một thất bại nặng nề hơn, cho đến thất bại hoàn toàn.

Thật không phải là ngẫu nhiên mà có sự trùng hợp kỳ lạ giữa hai cuộc chiến tranh xâm lược về quy luật diễn biến.

Đối với đế quốc Pháp khi lực lương quân đội viễn chinh tăng lên đến mức cao nhất, quân ngụy được mở rộng, trang bị vũ khí được tăng thêm, viện trợ của Mỹ cũng được tuôn sang nhiều nhất, thì cũng chính là lúc chúng đang chuẩn bị một cách vô ý thức để đi đến thất bại thảm hại.

Đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cũng vậy. Chính vào thời điểm quân Mỹ tăng lên đến mức cao nhất là lúc chúng buộc phải xuống thang chiến tranh, rút quân khỏi nước ta trong thất bại nhục nhã. Và tiếp đó cũng chính là vào thời điểm chúng cho rằng chiến lược Việt Nam hóa đã thành công, quân ngụy được phát triển đến trên một triệu, được trang bị hiện đại, trở thành đội quán tay sai mạnh nhất của chủ nghĩa thực dân mới, chính vào lúc đó là lúc quân ta phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, bọn đế quốc cũng như các thế lực phản động khác… vẫn luôn luôn mù quáng và ngoan cố, luôn luôn ôm ấp những mưu đồ đen tối và phiêu lưu. Bởi vì, đó là vấn đề thuộc về bản chất của chúng. Chúng đều là những tên học trò dốt, không bao giờ biết tiếp thụ và không có khả năng tiếp thụ những bài học của lịch sứ cho đến ngày chúng bị loại ra khỏi vũ đài của lịch sử.

Vì vậy chúng ta nhất thiết phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng. Và trong những cuộc đụng độ mới trên mọi quy mô có thể diễn ra giữa cách mạng và phản cách mạng, quy luật lích sử sẽ diễn ra theo hướng tất yếu của nó là: địch nhất đính thua, ta nhất định thắng.

ngochai
01-05-2014, 06:03 PM
.
.
CHỦ TRUƠNG CỦA TA TRONG ĐÔNG XUÂN 1953 - 1954,

CÁC CUỘC TIẾN CÔNG LỚN CỦA QUÂN TA
TRÊN CÁC CHIẾN TRUỜNG PHỐI HỢP
TRUỚC CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Như trên đã nói, cục diện chiến trường Việt Nam vào mùa hè năm 1953 đã có những biến đổi quan trọng. Về phía ta thì từ chiến dịch Biên giới trở đi, quân ta đã lớn mạnh vượt bậc, liên tiếp chiến thắng trong nhiều chiến dịch tiến công, giữ vững thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Về phía địch thì địch đã bị thất bại liên tiếp, sinh lực bị tiêu diệt, phạm vi chiếm đóng bị thu hẹp; chúng không thể không dùng những phương sách mới như mở rộng quân ngụy, tăng cường lực lượng cơ động để hòng cứu vãn tình thế. Vì lực lượng của ta trên chiến trường miền Bắc mạnh hơn trên chiến trường khác khá nhiều, vì tầm quan trọng về chính ta cũng như về chiến lược của đồng bằng Bắc Bộ nên địch càng ngày càng có xu thế tập trung lực lượng phòng giữ vùng châu thổ sông Hồng, coi đó là “vị trí then chốt của Đông - Nam Á”.

Tháng 1 năm 1953, Ban Chấp hành Trung ương đã họp hội nghị lần thứ tư. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc một bản báo cáo quan trọng về lãnh đạo quân sự và chính sách ruộng đất. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí với bản báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng ta đã phân tích một cách sâu sắc và khoa học hình thái chiến sự trên chiến trường Việt Nam và nói chung trên chiến trường toàn Đông Dương.

Trung ương nhận định rằng, do tình hình phát triển không đồng đều của lực lượng ta trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ cho nên đại bộ phận chủ lực của địch đã dần dần tập trung ra Bắc Bộ, trong lúc đó trên các chiến trường khác chúng còn nhiều sơ hở. Ở Bắc Bộ thì lực tượng của chúng tập trung ở đồng bằng, còn ở chiến trường miền núi thì chúng tương đối yếu hơn, điều kiện địa hình ở đó lại có lợi cho ta, không lợi cho địch.


http://plxh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/03/06/074Tieudietdich.jpg

Bộ đội chủ lực của ta trải qua các chiến dịch lớn, đã nâng cao sức chiến đấu của mình, có những khả năng mới về đánh vận động cũng như về đánh công sự vững chắc - đánh công kiên. Tuy nhiên, trên chiến trường đồng bằng, như kinh nghiệm các chiến dịch Trung du, chiến dịch đường số 18 và chiến dịch Hà - Nam - Ninh năm 1951 đã chứng tỏ, với một mức độ tập trung binh lực nhất định, ta chỉ thực hiện được ưu thế tuyệt đối trong một thời gian ngắn. Đến khi địch lợi dụng khả năng tiếp viện nhanh chóng của chúng để đưa thêm lực lượng cơ động thì ta lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục phát triển cuộc tiến công của ta. Trên chiến trường rừng núi thì rõ ràng quân ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiêu diệt quân địch. Ở đây thế bố trí của địch còn tương đối phân tán, quân địch bị hạn chế trong việc sử dụng và phát huy tác dụng của pháo binh, không quân, v.v. Việc tiếp tế và tăng viện của chúng cũng chỉ có thể thực hiện bằng đường hàng không, do đó bị hạn chế rất nhiều. Quân ta có nhiều khả năng để thực hiện và giữ vững ưu thế binh lực trong suốt cả chiến dịch tiến công hoặc trên những hướng nhất định của chiến dịch, do đó có thể thu được thắng lợi lớn.

Trên cơ sở sự phân tích nói trên, nắm vững tư tưởng tiêu diệt sinh lực địch là chính, Trung ương Đảng ta đã đề ra phương hướng chiến lược hết sức đúng đắn là: Tập trung lực lương mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng. Nói một cách cụ thể hơn trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, trước mắt việc chính là tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, cũng có thể dùng một bộ phận chủ lực để đánh những trận nhỏ. Còn các chiến dịch lớn thì nên mở vào những hướng khác, làm như vậy cũng tức là dần dần tạo điều kiện để tiến tới giải phóng đồng bằng.

Trung ương Đảng một lần nữa lại xác định tư tưởng chỉ đạo cuộc kháng chiến nói chung cũng như tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội ta: “Phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vì vậy ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh". Chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng.

Chủ lực ta phải lấy đánh vận động làm chính. Dùng cách đánh vận động cơ động linh hoạt để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của địch. Dùng ưu thế binh lực để tiêu diệt địch một cách giòn giã trong từng trận, không đánh tiêu hao, không đánh tan. Quân ta lại cần kết hợp đánh công sự vững chắc - đánh công kiên - với đánh vận động. Đó là một điều cần thiết để đưa các chiến dịch tiến công của ta đến những thắng lợi lớn.

Đồng thời với những chủ trương về lãnh đạo quân sự, Trung ương Đảng ta đã quyết định trong năm 1953 tiến hành phát động quần chúng, thực hiện chính sách cải cách ruộng đất để kịp thời bồi dưỡng lực lượng nhân dân, trước hết và chủ yếu là nông dân lao động, để đẩy mạnh kháng chiến.

Cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất tiến hành từ tháng 4 năm 1953 được mở rộng và trở thành một cuộc cách mạng sâu sắc trên toàn bộ các vùng nông thôn tự do miền Bắc, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nông thôn trong vùng địch tạm chiếm. Khối liên minh công nông không ngừng được củng cố. Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng và ngày càng củng cố. Chính quyền dân chủ nhân dân được kiện toàn. Căn cứ địa nông thôn ngày càng vững mạnh. Mọi mặt công tác kháng chiến đều có bước tiến bộ mới. phong trào thỉ đua yêu nước với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy.

Việc xây dựng và nâng cao chất lượng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân được đặc biệt chú trọng.

Tháng 3 năm 1953, Tổng Quân ủy ra nghị quyết về chỉnh quân chính trị nhằm nâng cao lên một bước mới tinh thần quyết chiến quyết thắng và trình độ giác ngộ giai cấp của quân đội, làm cho quân đội ta càng vững vàng về chính trị, tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức, để làm tròn nhiệm vụ quân sự mới.

Tháng 9 năm 1953, trên cơ sở thắng lợi của chỉnh quân chính trị, phong trào học tập quân sự đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Các đơn vị bộ đội chủ lực đã được huấn luyện đánh vận động, đánh công sự vững chắc, đặc biệt chú trọng cách đánh tập đoàn cứ điểm.

Chúng ta cũng đồng thời nghiên cứu và giải quyết một loạt vấn đề về tổ chức, biên chế, trang bị cho quân đội, kiên quyết rút một số đơn vị chủ lực về tập trung để tăng cường hơn nữa lực lượng cơ động chiến lược. Các đơn vị thuộc binh chủng kỹ thuật như pháo binh, công binh, thông tin trên lạc được củng cố và phát triển.

Sức chiến đấu của quân đội ta thực sự được nâng cao lên một bước mới.

Như vậy là, ngay từ đầu năm 1953, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện cho những bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

ngochai
05-05-2014, 12:15 PM
Từ khi mặt trận Triều Tiên đình chiến, chúng ta đã dự đoán âm mưu mới của đế quốc Pháp - Mỹ là ra sức tăng cường lực lượng và mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Tình hình quân sự vào mùa hè năm 1953 đã trở nên khẩn trương một cách rõ rệt, nhất là từ khi tướng Nava được cử làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh.

Nhân dân và quân đội ta không hề nao núng trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiên quyết chiến đấu để phá tan kế hoạch Nava, đánh bại kế hoạch đó. Nhưng chủ trương chiến lược nên như thế nào, kế hoạch tác chiến nên như thế nào? Trước âm mưu mới của địch, cần phải phân tích tình hình và định rõ phương châm hành động như thế nào cho chính xác, cho bảo đảm thắng lợi?

Vấn đề cụ thể đặt ra là: địch đang tập trung binh lực lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, địch đang tập trung ở đây một lực lượng cơ động lớn hơn hết tử trước đến lúc này, đang càn quét dữ dội vùng tạm chiếm, mở những cuộc tiến công lớn nhỏ ra vùng tự do của ta, như vậy ta nên tập trung binh lực đối phó với địch, hay điều động lực lượng mở cuộc tiến công vào các hướng khác.

Phương sách thứ nhất là: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do của ta; thế thì ta cần tập trung toàn bộ hay phần lớn chủ lực ta ở đồng bằng, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận quân địch, phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do trong một thời gian. Sau khi địch bị tổn thất đến một mức độ nhất định, vùng tự do của ta được củng cố, lúc đó ta sẽ tùy tình hình mà để chủ lực hoạt động ở đồng bằng hay điều động đi hướng khác.

Phương sách thứ hai là: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến trường đồng bằng lại có nhiều thuận lợi cho địch, ít thuận lợi cho chủ lực ta tác chiến, sử dụng chủ lực ở đó chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn, mà lại có thể bị tiêu hao lực lượng. Vì vậy ta cần điều động chủ lực đi đánh ở những hướng khác, ở những hướng địch tương đối sơ hở, tiêu diệt sinh lực địch trong những điều kiện thuận lợi buộc địch phải phân tán đối phó; trong khi đó thì đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường sau lưng địch cả nước. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì lực lượng chúng càng bị phân tán; chủ lực ta thu được thắng lợi ở hướng địch sơ hở thì tự khắc chúng phải rút khỏi vùng tự do của ta.

Lúc bấy giờ chúng ta đã thấy rõ những nét chính của kế hoạch quân sự Nava, nhưng âm mưu của địch vẫn chưa bộc lộ một cách cụ thể. Trung ương Đảng ta đã nghiên cứu và phân tích tình hình, nắm vững tư tưởng và phương hướng chiến lược cơ bản đã được đề ra từ trước, đi tới xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954. Chủ trương đó là: Sứ dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những vùng sau lưng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến truờng sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do, để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ.

Kế hoạch tác chiến đại thể là:

a) Sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc.

b) Đề nghị với Quân giải phóng Pathét Lào phối hợp với các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công vào hướng Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng.
c) Vì hành động của địch chưa rõ rệt nên trước mắt chúng ta chủ trương bố trí một bô phận quan trọng của bộ đội chủ lực ta tại một địa điểm cơ động, giấu kín lực lượng, sẵn sàng hành động. Trước cuộc tiến công của quân ta lên Tây Bắc, địch có thể tăng viện binh lên Tây Bắc, trong trường hợp đó ta sẽ điều động thêm chủ lực lên hướng đó để tiêu diệt sinh lực của chúng. Địch cũng có thể đánh sâu vào một hướng nào đó của căn cứ địa Việt Bắc nhằm cắt đứt đường giao thông, tiếp tế của ta, phá hoại các tuyến chi viện tiền tuyến của ta, gây tổn thất cho vùng tự do của ta đồng thời buộc chủ lực ta ở Tây Bắc phải rút về. Trong trường hợp đó ta sẽ tìm cách dử địch vào thế trận bày sẵn của ta .rồi sử dụng một bộ phận của chủ lực mà tiêu diệt chúng.

d) Ở hướng đồng bằng thì đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, củng cố và phát triển các căn cứ du kích và khu du kích, phối hợp đắc lực với các cuộc tiến công nói trên. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì tiêu hao và tranh thủ tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng.

Trên đây là kế hoạch tác chiến cho bộ đội ta trên chiến trường chính - chiến trường miền Bắc…

ngochai
05-05-2014, 12:16 PM
Trung ương lại căn cứ vào tình hình địch, ta và tư tưởng chỉ đạo nói trên mà định ra kế hoạch tác chiến Đông Xuân cho chiến trường miền Nam, đại thể như sau:

a) Ở miền Nam, ta có vùng tự do rộng lớn ở Liên khu 5, ở đó có lực lượng vũ trang tương đối mạnh. Lúc bấy giờ ta đã nhận được tin tức tương đối đích xác về sự chuẩn bị của địch để đánh chiếm vùng tự do của ta. Ờ Liên khu 5 chúng ta cũng đứng trước một vấn đề tương tự như ở Bắc Bộ: địch sắp mở cuộc tiến công vào vùng tự do của ta; ta nên sử dụng đại bộ phận chủ lực để đối phó với âm mưu của địch, bảo vệ vùng tự do hay nên sử dụng chủ lực vào một hướng khác, ở đó ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiêu diệt sinh lực địch.

Chúng ta đi đến một quyết định mạnh bạo và chính xác là tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu 5 mở cuộc tiến công lên chiến trường miền núi Tây Nguyên, ra sức tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai. Nhân dân, bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng với một bộ phận nhỏ chủ lực có nhiệm vụ tích cực chuẩn bị để đối phó với âm mưu của địch xâm phạm vùng tự do của ta. Chúng ta phán đoán địch có thể tạm thời đánh chiếm một bộ phận đất đai của vùng tự do, nhưng nếu cuộc tiến công của ta phát triển thuận lợi trên chiến trường Tây Nguyên thì cuối cùng chúng cũng bị bắt buộc phải rút quân và có khi phải rút khỏi nhiều địa phương khác nữa.

b) Đối với chiến trường Nam Bộ và cực nam Trung Bộ thì nhiệm vụ là đẩy mạnh chiến tranh du kích, lợi dụng điều kiện thuận lợi mới do quân địch phải tập trung nhiều lực lượng đi các hướng khác mà tăng cường hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, đầy mạnh ngụy vận, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích. Nhân dân vả bộ đội ta ở vùng tự do Khu 9 cũng ráo riết chuẩn bị để đối phó với cuộc tiến công có thể xảy ra của địch.

Trên đây là kế hoạch chủ động mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, phối hợp chặt chẽ các lực lượng, các chiến trường trong cả nước ta và giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương. Đó là một quyết tâm rất cao, một quyết định có cơ sở khoa học vững chắc và rất sáng tạo.

Quyết tâm ấy thể hiện những nguyên tắc cơ bản sau đây về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến:

Một là trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta, nguyên tắc tác chiến cơ bản nhất là phải tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lương ta; có tiêu diệt được sinh lực địch thì mới làm thay đổi được so sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta, có tiêu diệt được sinh lực địch thì mới giải phóng được đất đai. Nếu vì phòng giữ hoặc giải phóng đất đai mà không nắm vững nguyên tắc nêu diệt sinh lực địch thì rốt cuộc lực lượng ta dễ bị tiêu hao mà đất đai cũng không phòng giữ được, càng không giải phóng thêm được. Cho nên cần nắm vững nguyên tắc chính là tiêu diệt sinh lực địch.

Hai là, phải đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Lúc bắt đầu cuộc chiến tranh, lực lượng ta về số quân và trang bị, vũ khí còn yếu hơn địch rất nhiều, nếu ta không nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt thì lực lượng ta không thể bồi dưỡng thêm, không thể lớn mạnh thêm được. Đối với quân đội ta là quân đội của một dân tộc bị áp bức, quân đội của nhân dân lao động thì nhất thiết phải nắm vững nguyên tắc: chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh; hễ đánh là đánh tiêu diệt, không đánh tiêu hao, làm sao qua mỗi một trận chiến đấu, qua mỗi một chiến dịch thì quân ta lớn lên một bước, quân địch yếu đi một bước.

Ba là, vì muốn tiêu diệt sinh lực địch, vì chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng, vì phải làm những việc đó trong điều kiện địch mạnh, ta yếu về số quân và trang bị, vũ khí cho nên phương hướng tác chiến không thể chọn nơi nào khác là những nơi địch sơ hở, tương đối yếu, nhất là những nơi hiểm yếu của địch, ta có nhiều điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tập trung ưu thế tuyệt đối về binh lực hỏa lực, đánh những trận tiêu diệt thật giòn giã. Qua kinh nghiệm thành công và thất bại trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, chúng ta càng ngày càng nhận rõ nguyên tắc quan trọng đó: chọn nơi địch sơ hớ mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh, đặc biệt là những nơi hiểm yếu của địch. Đầu chương này đã nhắc lại rằng, Trung ương Đảng ta đã khẳng định một cách đúng đắn phương hướng chiến lược của bộ đội chủ lực ta: nhằm những chiến trường địch sơ hở, nhằm những hướng quan trọng mà địch tương đối yếu mà mở nhưng cuộc tiến công để tiêu diệt địch. Khi định ra kế hoạch hoạt động Đông Xuân 1953 - 1954, chúng ta đã căn cứ vào phương hướng go Trung ương Đảng xác định.

Bốn là, cũng vì mục đích tiêu diệt sinh lực địch, vì phải nhằm những nơi, những hướng địch tương đối yếu mà đánh, vì phải tạo nên những điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch, cho nên trong tình hình quân sự cụ thể lúc bấy giờ mà đặc điểm lớn là địch tập trung một lực lượng cơ động khá mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, ta không nên mở cuộc tiến công lớn vào khối cơ động mạnh của chúng mà lại phải tìm mọi cách buộc chúng phải phân tán lực lượng. Trước hết là phân tán chúng ra nhiều hướng, như vậy trên mỗi một hướng lực lượng của chúng nhất định sẽ yếu hơn, ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt hơn; tốt nhất là phân tán chúng ra những hướng không lợi cho chúng về địa hình, về sử dụng binh khí, kỹ thuật, về vận chuyển tiếp tế, v.v…, ta càng có nhiều điều kiện hơn nứa để tiêu diệt thật nhiều sinh lực của chúng. Nếu điểm quan trọng nhất trong kế hoạch quân sự Nava là khắc phục mọi khó khăn, dùng mọi biện pháp, kiên quyết tập trung binh lực, xây dựng cho kỳ được một khối cơ động chiến lược hết sức mạnh để đối phó thắng lợi với các cuộc tiến công của quân ta, hơn nữa để mở những cuộc tiến công lớn tiêu diệt chủ lực ta, thì điểm rất quan trọng trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta là khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phán tán, phá vỡ khối cơ động tập trung của chúng, điều động từng bộ phận chủ lực của chúng ra những hướng khác nhau, rồi chọn những hướng thuận lợi cho ta mà tiêu diệt chúng. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, chúng ta có thể làm được việc đó, là vì chúng ta đã nắm được một trong những mâu thuẫn quan trọng của cuộc chiến tranh xâm lược của địch: mâu thuẫn giữa tập trung binh lực và chiếm đóng đất đai, mâu thuẫn giữa việc xây dựng một lực lượng cơ động lớn với việc phân tán lực lượng ra khắp các địa phương, mâu thuẫn giữa tiến công và phòng ngự về chiến lược.

ngochai
05-05-2014, 12:16 PM
Kế hoạch tác chiến Đông Xuân còn thể hiện và nhấn mạnh phương châm tích cực, chủ động, cơ động. linh hoạt.

Tích cực, chủ động nghĩa là nắm lấy cơ hội tốt, tìm chiến trường có điều kiện thuận lợi cho ta, không lợi cho địch mà tiến công quân địch, tiêu diệt sinh lực của chúng; nghĩa là quyết không đi vào chỗ bị động đối phó với địch mà trái lại phải điều động quân địch theo ý muốn của ta; lại có nghĩa là chưa có cơ hội thì tạo nên cơ hội để tiêu diệt chúng.

Lại cần phải cơ động linh hoạt. Vì sao? Vì tình hình địch có thể biến hóa nhanh chóng, một phần là do địch có lực lượng tập trung và có nhiều phương tiện vận chuyển, một phần là do hoạt động của ta buộc địch phải đối phó. Nói chung trên cả chiến trường cũng như nói riêng trên từng hướng một, địch có thể rút chỗ này tăng chỗ kia, có thể tăng ít hay tăng nhiều, có thể đánh ra vùng tự do hay không đánh, đánh ra thì có thể đánh chỗ này hay đánh chỗ khác. Quân ta phải hết sức cơ động, linh hoạt mới không bỏ qua cơ hội để tiêu diệt địch.

Cơ động, linh hoạt như thế nào? Cơ động, linh hoạt tức là sẵn sàng chuẩn bị tác chiến với một kẻ địch như thế này, nhưng cũng sẵn sàng để tác chiến với một kẻ địch như thế khác, có thể tác chiến với kẻ đích chưa tăng cường, nhưng cũng có thể tác chiến với kẻ địch tăng cường hay rút lui; sẵn sàng tác chiến ở đồng bằng nhưng cũng sẵn sàng lén tác chiến ở rừng núi; đang thực hiện kế hoạch tác chiến đã định, nhưng nếu điều kiện thay đổi không lợi nữa thì lập tức chuyển quân hay rút quân; đang điều động lực lượng về hướng này nhưng bỗng tình hình thay đổi thì lập tức điều động lực lượng đi hướng khác. Đối với bộ đội thì cơ động, linh hoạt tức là luôn luôn sẵn sàng tác chiến ở chiến trường nào cũng được, bất kỳ lúc nào cũng được, tác chiến bằng hình thức nào cũng được, chiến đấu với một kẻ địch ở trong vị trí hay trong hành quân cũng đều được, đánh vận động, đánh công sự vững chắc hay đánh du kích cũng đều được, miễn là tiêu diệt sinh lực địch. Nói tóm lại, cơ động, linh hoạt là một biểu hiện của tinh thần tích cực, chủ động, là xuất phát tử tinh thần tích cực tiêu diệt sinh lực địch, tất cả. mọi tư tưởng, mọi hành động đều phục tung mục đích căn bản là tiêu diệt sinh lực địch.

Nhìn chung chiến trường cả nước mà nói thì chủ trương tác chiến Đông Xuân của ta nhằm giữ vững và phát triển quyền chủ động của ta, đánh bại kế hoạch Nava. Chủ trương đó thể hiện một sự hoạt động phối hợp trên tất cả các hướng ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, v.v., thể hiện một sự hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy trên các mặt trận chính diện với chiến tranh du kích trên các mặt trận sau lưng địch, một sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch và nhiệm vụ giải phóng đất đai, lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính.

Làm được như vậy tức là chúng ta lợi dụng được những chỗ yếu, những mâu thuẫn của địch để tiêu diệt địch, mâu thuẫn giữa việc củng cố phòng ngự ở vùng tạm chiếm với việc tiến công ra vùng tự do của ta, mâu thuẫn giữa việc chiếm đóng và bình định các chiến trường miền Nam với việc tập trung lực lượng ra Bắc Bộ, mâu thuẫn giữa chiếm đóng đất đai với tập trung binh lực.

Làm được như vậy thì chúng ta tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, phân tán được lực lượng cơ động của chúng, giải phóng được một bộ phận đất đai, xây dựng được những căn cứ địa mới, sáng tạo được những chiến trường mới, tạo điều kiện để tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch.

Làm được như vậy thì chúng ta giữ vững và phát triển được thế chủ động của ta, làm cho địch ngày càng đi sâu vào con đường bị động.

Làm được như vậy thì chúng ta sẽ phá được âm mưu mới của địch, phá được âm mưu của Nava cũng như trước đây chúng ta đã phá được âm mưu của Tátxinhi.

Làm được như vậy thì chúng ta sẽ “đưa chúng vào một tình thế khủng hoảng lâu dài, giữ vững quyền chủ động của quân ta, tạo ra nhiều thắng lợi mới của quân ta từ đây về sau trên các chiến trường toàn quốc”

ngochai
05-05-2014, 12:17 PM
Trên đây là chủ trương chiến lược và kế hoạch tác chiến của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954.

Thực hiện chủ trương và kế hoạch đó, trong các vùng tự do bị địch uy hiếp, chúng ta đã tiến hành phân tán kho tàng, di chuyển cơ quan, trường học vào sâu trong nội địa, chuẩn bị tự lực đối phó với mọi âm mưu tiến công của địch. Ở trong vùng sau lưng địch thì nhân dân cùng các lực lượng vũ trang ra sức chuẩn bị để đối phó với các cuộc càn quét của địch.

Bước vào tháng 10 năm 1953, hàng chục vạn dân công đã được động viên vào việc chuẩn bị cho các chiến trường; các tuyến đường sá được mở rộng từ trước, lúc này được sửa chữa lại, vũ khí đạn dược được vận chuyển ngày càng nhiều cho các chiến trường.

Giữa tháng 11 năm 1953, một bộ phận chủ lực ta lên đường ra tiền tuyến, đi về hướng Lai Châu. Bộ đội tình nguyện Việt Nam cũng chuẩn bị cùng Quân giải phóng Pathét Lào hoạt động ở hướng Trung Lào.

Các cuộc tiến công Đông Xuân của ta sắp bắt đầu. Chính vào lúc đó cục diện chiến sự có một sự biến chuyển mới.

Địch phát hiện sự di chuyển của một bộ phận chủ lực ta lên hướng Tây Bắc. Ngày 20 tháng 11 năm 1953, chúng đã dùng một bộ phận lực lượng cơ động, nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Một tình huống mới đã xuất hiện.

Chúng ta đã kịp thời nhận đình tình huống mới đó như sau:

Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dầu ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, để che chở cho Thượng Lào, để phá kế hoạch tiến công của ta.

Rồi đây, tình hình địch có thể biến hóa như thế nào nữa?

Chúng có thể vừa giữ Điện Biên Phủ vừa giữ Lại Châu, một nơi chính, một nơi phụ, có thể lấy Điện Biên Phủ làm chính.

Nếu bị ta uy hiếp, chúng có thể co về một nơi và tăng viện thêm một chừng nào; cũng chưa nhất định co về nơi nào, nhưng khả năng co về Điện Biên Phủ nhiều hơn.

Nếu bị ta uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm (trong trường hợp này chúng có thể lấy Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa) nhưng chúng cũng có thể rút.

Đến lúc này, ta chưa thể quyết đoán địch sẽ đóng hay rút, sẽ đóng một nơi hay hai nơi, sẽ đóng lâu dài hay trong thời gian ngắn, sẽ tăng viện nhiều hay ít, v.v.. Một là vì ta chưa có đủ căn cứ cụ thể để phán đoán âm mưu địch, hai là vì địch cũng có nhiều khó khăn, rút thì mất đất, tăng nhiều thì phân tán lực lượng cơ động và có thể bị tiêu diệt nên chưa nhất định đã có chủ trương dứt khoát, hoặc hiện đã có chủ trương nhưng khi gặp khó khăn do sự đói phó của ta gây nên cũng có thể thay đổi.

Vô luận rồi đây tình hình dịch thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta. Nó bộc lộ mâu thuẫn của địch giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng.

Căn cứ vào nhận định nói trên, các đơn vị chủ lực của ta đang tiến quân lên Tây Bắc nhận được mệnh lệnh gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu, đồng thời cho một cánh quân tiến nhanh về phía bắc Điện Biên Phủ, cắt đường rút lui của quân địch ở Lai Châu về phía Điện Biên Phủ, ngăn chặn không cho quân địch ở Điện Biên Phủ tiến lên đón chúng; đồng thời tiến hành bám sát địch ở Điện Biên Phủ, bao vây Điện Biên Phủ và chuẩn bị chiến trường.

ngochai
05-05-2014, 12:18 PM
GIẢI PHÓNG LAI CHÂU BAO VÂY ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ngày 10 tháng 12 năm 1953, tiếng súng tiến công của quân ta bắt đầu nổ trên mặt trận Lai Châu. Trước đó quân ta đã tiêu diệt và gọi hàng hàng nghìn thổ phỉ ở Mường La và Châu Thuận.

Quân địch ở Lai Châu đã cho một bộ phận rút về Điện Biên Phủ bằng máy bay tử ngày 7 tháng 12 năm 1953. Số còn lại là hai tiểu đoàn ngụy và 23 đại đội chuẩn bị rút theo đường núi về tập trung ở Điện Biên Phủ.

Được tin địch rút khỏi Lai Châu, quân ta hành quân cấp tốc theo đường 41, nay là đường số 6, tiến lên truy kích địch. Ngày 10 tháng 12, ta tiêu diệt đồn Pa Ham, một vị trí tiền tiêu của địch cách Lai Châu khoảng 30 km. Ngày 12 tháng 12 năm 1953, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu.

Ngày 13 tháng 12, quân ta tiêu diệt quân địch ớ Mường Pồn và ở đỉnh núi Pu San trên đường rút lui của chúng. Trước đó hai ngày, ta đã tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Điện Biên Phủ tiến lên tại Bản Tấu cách Điện Biên Phủ khoảng 10km về phía bắc.

Trải qua hơn 10 ngày đêm chiến đấu, truy kích, bao vây và tiêu diệt địch trong miền núi hiểm trở này, quân ta đã giải phóng toàn bộ khu vực địch còn chiếm ở Lai Châu, tiêu diệt 24 đại đội địch(1). Trong khi đó, các đơn vị của ta đã bám sát ngay quân địch mới nhẩy dù xuống Điện Biên Phủ và bố trí chặn chúng rút chạy sang Lào.

Sau chiến thắng ở tây nam Ninh Bình, chiến thắng Lai Châu là một thắng lợi lớn của quân ta trong Đông Xuân 1953 - 1954. Thắng lợi đó càng làm cho bộ đội và nhân dân ta thêm tin tưởng.

Một kết quả nữa của trận Lai Châu là quân địch phải gấp rút tăng cường cho Điện Biên Phủ đề tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Kế hoạch tập trung binh lực của Nava bắt đầu bị phá vỡ.

Ngoài đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ đã biến thành nơi tập trung binh lực thứ hai của địch.

Quân ta gấp rút tiến hành bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

GIẢI PHÓNG THÀ KHẸT VÀ NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG Ở TRUNG LÀO

Đồng thời với việc chuẩn bị đánh Lai Châu, bộ đội tình nguyện Việt Nam được lệnh phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mớ cuộc tiến công vào hướng Trung Lào là nơi địch tương đối sơ hở. Đầu tháng 12, địch phát hiện hoạt động của ta, gấp rút tăng thêm quân cho mặt trận này.

Trong hai ngày 21 và 22 tháng 12, các đơn vị Lào - Việt đánh luôn hai trận ở Khăm He và Banaphào gần biên giới Việt - Lào, tiêu diệt hoàn toàn 2 tiểu đoàn cơ động của địch và phần lớn một tiểu đoàn cơ động thứ ba và tiểu đoàn pháo. Chiến thắng trong mấy trận liên tiếp, các đơn vị Lào - Việt tiến rất nhanh về phía Thà Khét, mặt khác truy kích địch về hướng đường số 9.

Địch hoảng hốt bỏ thị xã Thà Khét rút chạy về Xênô là một căn cứ quân sự ở Xavannakhét. Ngày 25 tháng 12, các đơn vị Quân giải phóng Pa thét Lào tiến vào thị xã Thà Khét giải phóng, trên bờ sông Cửu Long(2). Một số vị trí của địch trên đường số 9 bị tiêu diệt.

Vùng giải phóng của nhân dân Lào được mở rộng từ Sầm Nưa đến đường số 9, từ Trường Sơn đến sông Mê Kông. Đường chiến lược số 13 chạy dọc sông Mê Kông bị cắt đứt

Đây là một thắng lợi lớn nữa của quân ta trong Đông Xuân 1953 - 1954. Để kịp thời đối phó với hoạt động của ta, địch đã phải gấp rút điều động những lực lượng cơ động tử đồng bằng Bắc Bộ và từ các chiến trường khác đến tăng viện, tổ chức Xênô thành một tập đoàn cứ điểm lớn để ngăn cản các đơn vị Lào và Việt tiến xuống Hạ Lào. Nava bị bắt buộc phải tiếp tục phân tán binh lực.

Ngoài đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ ra, Xênô đã trở thành nơi tập trung binh lực thứ ba của địch.

--------------------------------

(1) Đại đoàn 316 có nhiệm vụ truy kích tiêu diệt quân địch rút chạy khỏi Lai Châu. Phán đoán đúng ý định và hướng rút quân của địch, đại đoàn đã nhanh chóng tổ chức làm hai cánh, sứ dụng trung đoàn 174 và trung đoàn 98 làm lực lượng chủ yếu đánh địch rút lui. Cánh chủ yếu tới Tuần Giáo thì rẽ tắt qua đèo Pa Thông, cắt đường Lai Châu - Điện Biên Phủ ở Pu San, Mường Pồn; cánh thứ yếu tiến thẳng vào thị xã Lai Châu theo đường cái lớn.

Ngày 10 tháng 12 năm 1953, tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 trên cánh thứ yếu lợi dụng đêm tối tập kích quân địch ở đồn Pa Ham dưới chân đeo Clavô hiểm trở. Đây là vị trí tiền tiêu quan trọng của địch, cách Lai Châu khoảng 30km. Sau 30 phút tiến công, quân ta đã tiêu diệt gọn vị trí này, diệt hai đại đội địch, bắt sống hai đại đội khác.

Ngày 12 tháng 12 năm 1953, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu.
Sau hai ngày đêm ròng rã xuyên rừng vượt núi, nhịn đói, chiu rét, chiếu hướng mà đi, ngày 12 tháng 12, bộ phận đi đầu của cánh quân chủ yếu đã bắt gặp địch trên đường rút quân của chúng. Ngày 13 tháng 12 năm 1953, quân ta tiêu diệt quân địch ở Mường Pồn và trên đỉnh núi Pu San.

Ngày 11 tháng 12 năm 1953, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Điện Biên Phủ tiến lên đón quân Lai Châu tại Bản Tấu, cách Điện Biên Phủ khoảng 10km về phía Bắc.

(2) Đêm 21 tháng 12 năm 1953, hai tiểu đoàn của ta (tiểu đoàn 274 và tiểu đoàn 328 thuộc đại đoàn 325) lợi dụng lúc địch ở vị trí Khăm He chưa cúng cố công sự, bất ngờ tập kích, tiêu diệt nhanh chóng tiểu đoàn lính Âu Phi và đại đội pháo binh địch. Trận Khăm He giáng một đòn mạnh mẽ vào tinh thần binh lính địch ở Trung Lão. Ngây 22 tháng 12 năm 1953, địch ở vị trí Banaphào rút chạy. Đang chuẩn bị đánh công sự vững chắc chuyển sang truy kích, các đơn vị Lào - Việt đá chạy bộ đuổi địch rút bằng cơ giới. Một tiểu đoàn của trung đoàn 66 (đại đoàn 304) xác định được hướng địch rút, tranh thủ thời cơ, kiên quyết bám sát địch, nhanh chóng vượt sông Sêbăngphai trong điều kiện chưa được chuẩn bị, vả tiến công ngay khi chúng vừa cụm lại ở Pa Cuội. Nhờ tích cực và chủ động nắm được yếu tố bết ngờ, tiểu đoàn này đã tiêu diệt gọn trên một tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, bắt sống 500 tên, thu rất nhiều xe cộ và vũ khí.

Thế là, mới trong hai ngày vào chiến dịch, các đơn vị Lào - Việt đá tiêu diệt hoàn toàn 3 tiểu đoàn linh Âu-Phi cơ động và 1 tiểu đoàn pháo binh gồm 2.200 tên. Quân địch hoảng hốt bỏ cả phòng tuyến tháo chạy. Hệ thống phòng ngự cứng nhất của địch ở Trung Lào sụp đố. Cả phòng tuyến địch chắn ngang nước Lào mở toang. Liên quân Lào - Việt tiến rất nhanh về hướng Thà Khẹt và truy kích đích về hướng đường số 9. Địch vội vã rút khỏi thị xã Thà Khẹt.

ngochai
05-05-2014, 12:21 PM
GIẢI PHÓNG CAO NGUYÊN BÔLÔVEN VÀ THỊ XÃ ATÔPƠ

Cùng một lúc với cuộc tiến công ở mặt trận Trung Lào, một đơn vị của các lực lượng Lào và Việt đã vượt qua nhiều vùng rừng núi hiểm trở tiến sâu xuống Hạ Lào, bắt liên lạc với các lực lượng vũ trang địa phương ở đó.

Lợi dụng thế đích sơ hở, ngày 30 và 31 tháng 12, các lực lượng Lào và Việt đã tiến công và tiêu diệt một tiểu đoàn địch ở vùng Atôpơ, giải phóng thị xã Atôpơ. Thừa thắng, các lực lượng đó đã phát triển mạnh về hướng Xaravan, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bôlôven ở Hạ Lào(1).

Quân địch lại phải điều động lực lượng mới đến tăng cường cho thị xã Pắcxế.

GIẢI PHÓNG CÔNG TUM VÀ MIỀN BẮC TÂY NGUYÊN

Mặc dầu bị đánh bại ở nhiều hướng, địch vẫn chủ quan trong phán đoán của chúng. Thấy chiếm được Điện Biên Phủ một cách dễ dàng, địch cho rằng ta không đủ sức để tiến công Điện Biên Phủ, không những vì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, mà lại vì Điện Biên Phủ ở rất xa hậu phương của ta, quân ta có muốn tiến công cũng khó lòng khắc phục được những trở ngại về cung cấp lương thực. Chúng cho rằng, sở dĩ ta tiến công về nhiều hướng cũng là vì ta do dự trước tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; chỉ cần chờ một thời gian nữa, ta gặp khó khăn về lương thực, phải rút quân khỏi Tây Bắc, lúc đó chúng sẽ tìm cách tiêu hao một phần chủ lực của ta và tiếp tục thực hiện kế hoạch đã định, đánh chiếm Tuần Giáo, Sơn La và có thể trở lại Nà Sản.

Cũng do nhận định chủ quan nói trên, mà ngày 20 tháng 1, ở Liên khu 5, chúng huy động 15 tiểu đoàn mở cuộc tiến công vào phía nam Phú Yên. Đó là chiến dịch Átlăng tức là cuộc tiến công chiến lược mà kế hoạch Nava đã chuẩn bị từ trước, nhằm mục đích chiếm lĩnh toàn bộ vùng tự do của ta ở miền nam Trung Bộ.

Mặc dầu địch đánh vào vùng tự do của ta, quân ta ở Liên khu 5 vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch đã định một cách hết sức kiên quyết, chỉ để một bộ phận nhỏ đối phó với địch để yểm hộ hậu phương, còn phần lớn lực lượng thì tập trung tiến công lên Tây Nguyên là một hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối sơ hở.

Cuộc tiến công bắt đầu ngày 26 tháng 1 năm 1954. Ngày hôm sau, ta tiêu diệt tiểu khu Măng Đen là tiểu khu mạnh nhất của địch ở vùng này. Tiếp theo đó ta tiêu diệt Đắc Tô và giải phóng toàn bộ phía bắc tỉnh Công Tum. Ngày 5 tháng 2, ta giải phóng thị xã Công Tum, quét sạch quân địch ở phía bắc Tây Nguyên, sau đó tiến sát đến đường số 19. Cũng trong thời gian đó, ta tập kích vào thị xã Plây Cu. Quân địch rất lúng túng, phải ngừng cuộc tiến công của chúng ở đồng bằng Liên khu 5, điều động nhiều đơn vị ở đó và cả một số đơn vị ở Trung Lào và Bình - Trị - Thiên lên tăng cường cho thị xã Plây Cu và một số cứ điểm miền nam Tây Nguyên để chống đỡ. Lực lượng cơ động chiến lược của địch tiếp tục bị phân tán(2).

Chiến thắng Công Tum là một thắng lợi lớn nữa của quân và dân ta trong Đông Xuân. Tại Liên khu 5, ta đã phá thế uy hiếp của địch đối với phía sau lưng Quảng Nam, Quảng Ngãi, giải phóng cả một địa bàn chiến lược quan trọng ở bắc Tây Nguyên rộng 16.000 km2, với 20 vạn dân, bảo vệ được vùng tự do Phú Yên - Bình Định. Vùng tự do của ta đi từ ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi đến biên giới Việt - Lào, đã được nối liền với vùng giải phóng tây nam Bôlôven của nước bạn.

Thắng lợi này càng chứng tỏ phương châm chỉ đạo của Trung ương là chính xác. Sự đối phó bị động của địch ngày càng bộc lộ rõ rệt. Địch điều động lực lượng tử đồng bằng Bắc Bộ tăng cường cho Trung Lào, rồi lại điều động từ Trung Lào và Bình - Trị - Thiên tăng cường cho Tây Nguyên.

Địch tập trung lực lượng, định nhanh chóng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, nhưng lại phải ngừng hoạt động, phải bị động chuyển lực lượng ra chống đỡ trước cuộc tiến công của ta.

Địch muốn tập trung lực lượng, nhưng lại buộc phải tiếp tục phân tán lực lượng.

Plây Cu và một số cứ điểm ở miền nam Tây Nguyên đã trở thành nơi tập trung binh lực thứ tư của địch.

Cuộc tiến công của ta trên chiến trường Tây Nguyên còn tiếp tục phát triển cho đến tháng 6 năm 1954 và còn thu được nhiều thắng lợi, đặc biệt trong trận chiến thắng lớn ở An Khê, tiêu diệt trung đoàn cơ động số 100 từ chiến trường Triều Tiên mới về, giải phóng An Khê, thu được rất nhiều xe cộ và vũ khí, đạn dược.

GIẢI PHÓNG PHONGSALỲ, LUU VỰC SÔNG NẬM HU, TIẾN SÁT LUÔNG PHA BĂNG

Sau khi Lai Châu bị tiêu diệt, Điện Biên Phủ trở nên quá cô lập. Địch tìm cách nối liền Điện Biên Phủ với Thượng Lào, tăng thêm quân chiếm đóng dọc lưu vực sông Nậm Hu cho đến Mường Khoa, dự định mở đường giao thông với Điện Biên Phủ.

Để đánh lạc hướng phán đoán của địch, tiêu diệt thêm sinh lực của chúng, buộc chúng phải tiếp tục phân tán binh lực, tạo điều kiện tốt cho việc tiến hành mọi công tác chuẩn bị đề mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam được lệnh phối hợp với các đơn vị Quân giải phóng P thét Lào mớ cuộc tiến công vào phòng tuyến địch ở lưu vực sông Nậm Hu, Thượng Lào.

Ngày 26 tháng 1 năm 1954, các lực lượng Lào - Việt tiến công vào Mường Khoa, tiêu diệt một tiểu đoàn lính Âu - Phi ở đó sau đó đã nhanh chóng khuếch trương chiến quả, quét sạch quân địch ở lưu vực sông Nậm Hu, tiến đến sát Luông Phabăng(3).

Phòng tuyến Nậm Hu mà địch cho là con đường “liên lạc chiến lược” của chúng đã bị phá vỡ, 17 đại đội địch bị tiêu diệt, trong đó có toàn bộ một tiểu đoàn lính Âu, Luông Phabăng bị uy hiếp.

Mặt khác các lực lượng Lào và Việt phát triển lên phía bắc và giải phóng tỉnh Phongsalỳ. Căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào được mở rộng thêm gần một vạn kilômét vuông nối đến với khu giải phóng Sầm Nưa và với khu Tây Bắc của ta.

Trước cuộc tiến công mạnh mẽ của liên quân Lào - Việt, địch lại phải điều động lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cương cho Lương Phabăng. Nhiều binh đoàn cơ động của địch từ đồng bằng Bắc Bộ theo cầu hàng không ưu tiên, gấp rút đổ xuống Mười Sài, Luông Phabăng.

Nava lại một lần nữa bị buộc phải tiếp tục phân tán lực lượng, Luông Phabăng trở thành nơi tập trung binh lực thứ năm của địch.

-------------------

(1) Tiểu đoàn 436 thuộc trung đoàn 101 của ta được lệnh tiến sâu xuống Hạ Lào. Hành quân cấp tốc trên 300km, xuyên rừng, vượt suốt, tiểu đoàn 436 bất ngờ tập kích thị xã Atôpơ, tiêu diệt một tiểu đoàn địch, giải phóng thị xã này. Thừa thắng, tiểu đoàn tiến sang giải phóng toàn hộ cao nguyên Bôlôven thuộc tinh Saravan. Vùng giải phóng ở Hạ Lào nối liền với khu căn cứ bắc tỉnh Công Tum của ta.
Thế là nhờ có phương hướng chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng, có bộ đội được xây dựng theo hướng tình nhuệ, có chỉ huy chủ động và táo bạo, một tiểu đoàn ta đã có sức tiến công rất mạnh, hiệu lực chiến đấu rất cao, tiêu diệt được nhiều địch, giải phóng một địa bàn có ý nghĩa chiến lược.
Đầu tháng 2 năm 1954, các đơn vị Việt và Lào tiến sát vùng biên giới ba nước. Một đơn vị tình nguyện Việt Nam được tách ra phối hợp với Quân giải phóng Ítxarắc Campuchia tiến xuống giải phóng Vươn Sai, Xiêm Păng, uy hiếp thị xã Stung Treng. Trong khi đó, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam khác phối hợp với Quân giải phóng Ítxarắc miền đông Campuchia tiến công tiêu diệt địch giải phóng nhiều vùng thuộc tỉnh Công Pông Chàm.
Cuộc chiến đấu của các lực lượng Việt và Lào ở mặt trận Hạ Lào còn tiếp tục phát triển đến tháng 7 năm 1954, phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận khác và thu được nhiều thắng lợi.

(2) Lực lượng tiến công Tây Nguyên của ta có 2 trung đoàn chủ lực: 108 và 803.
Mở đầu ta đánh một lúc 3 cứ điểm Măng Đen, Công Pray, Măng Bút, trong đó trận Măng đen là trận then chốt mở đầu cho chiến dịch do tiểu đoàn 19 thuộc trung đoàn 108 đảm nhiệm. Măng Đen là cứ điểm tiểu khu kiên cố. Trận đánh bắt đâu từ 23 giờ 30 phút đến 6 giờ 45 phút hôm sau, diễn ra quyết liệt tứ phút đầu đến phút chót. Tinh thần quyết tâm diệt địch, anh dũng chiến đấu của cán hộ, chiến sĩ đã dẫn đến thắng lợi. Các cứ điểm Măng Đen, Công Pray, Măng Bút bị tiêu diệt. Hệ thống phòng ngự của địch ở hắc Tây Nguyên bị phá vỡ một mảng lớn. Trung đoàn 108 tiến lên phía Bắc tiêu diệt các đôn còn lại. Trung đoàn 803 trên xuống phía nam uy hiếp thị xã Công Tum.
Tình hình phát triển rất nhanh, có nhiều đồn bốt địch rút chạy trước khi ta đến. Thiếu ăn, thiếu ngủ, ngày nắng, đêm rét, bộ đội ta vân kiên quyết đuổi địch. Dân công nam, nữ gánh nặng trên vai, sát cánh cúng bộ đội truy kích địch. Trong vòng 15 ngày đêm, trung đoàn 108 vừa đuối vừa đánh địch trên 300km đường rừng, diệt Đắc Tô và nhiều vi tri khác, giải phóng toàn bộ phía bắc tỉnh Công Tum.

(3) Đại đoàn 308 nhận lệnh gấp rút tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu của địch. Với tinh thần “tiến công thần tốc”, toàn đại đoàn lập tức lên đường, vừa hành quân, vừa nắm địch, vữa tổ chức chiến đấu, vừa khắc phục mọi mặt về bảo đảm hậu cần. Ngày 26 tháng 1 năm 1954, quân địch khiếp sợ vội bỏ phòng tuyến sông Nậm Hu rút chạy. Được sự giúp đỡ của nhân dân và Quân giải phóng Phathét Lào, đại đoàn 308 chuyển ngay sang truy kích quân địch. Nắm vững thời cơ, liên tục ngày đêm tiến quân, ngày 31 tháng 1 năm 1954, trung đoàn 102 đuổi kịp quân địch ở Mường Khoa đang tháo chạy. Các đơn vị của ta vượt lên trước chặn địch lại, hao vây và tiến công tiêu diệt gần hai tiểu đoàn địch trung đó có một tiều đoàn lính lê dương. Ngây 3 tháng 2 năm 1954 cảnh quân thứ hai của đại đoàn gồm trung đoàn 36 và trung đoàn 88 đã tiêu diệt nhiều địch, tiến tới bờ sông Mê Kông, cách Luông Phabăng 15 km.
Trải qua năm ngày đêm chiến đấu và truy kích liên tục trên chặng đường dài 200km, đại đoàn 308 phát huy truyền thống “Quân tiên phong” đã tiến công thần tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

ngochai
05-05-2014, 12:24 PM
THẮNG LỢI Ở CHIẾN TRƯỜNG SAU LƯNG ĐỊCH:

ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ, BÌNH - TRỊ - THIÊN, CỰC NAM TRUNG BỘ, NAM BỘ

Trong khi địch buộc phải lúng túng đối phó với các cuộc tiến công liên tiếp của chủ lực ta trên nhiều hướng, thì ở chiến trường sau lưng địch, khắp nơi, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đều nắm vững thời cơ đẩy mạnh hoạt động phối hợp.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến tranh du kích phát triển rất mạnh. Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương của ta tiêu diệt hàng loạt vị trí quan trọng của địch, trong đó có những vị trí lớn như vị trí Hoàng Đan ở Hà Nam, vị trí La Tiến ở Thái Bình, vị trí quận Tử Sơn ở Bắc Ninh; buộc địch phải rút khỏi hàng loạt vị trí khác, trong đó có nhung vị trí quan trọng như phân khu Cầu Bố ở Bắc Giang, vị trí Diêm Điền và Cao Mại ở Thái Bình, Kinh Môn ở Hải Dương, Phù Lưu Tế ở Hà Đông, Ao Khoang và Suối Me ở Sơn Tây. Các hình thức tập kích, phục kích, đánh giao thông đều phát triển mạnh, tiêu diệt tổng đại đội, có khi từng tiểu đoàn địch. Đường số 5 là con đường chiến lược huyết mạch của địch bị uy hiếp nghiêm trọng, có khi đã bị cắt đứt hàng tuần. Đặc biệt trong hai cuộc tập kích lớn vào sân bay Cát Bi và sân bay Gia Lâm, quân ta đã phá hủy gần một trăm máy bay của địch. Trong những tháng sau đó, chiến tranh du kích ở vùng châu thổ sông Hồng còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Công tác nguy vận cũng thu được những thành tích rất lớn. Các vùng căn cứ du kích và khu du kích được mở rộng rất nhiều, chiếm ba phần tư đất đai của vùng địch tạm kiểm soát(1).

Ở Bình - Trị - Thiên, cực nam Trung bộ, quân ta cũng hoạt động tích cực, đánh mạnh trên các đường giao thông, đánh đổ nhiều đoàn tàu của địch, phá các cuộc càn quét của chúng, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích, tăng cường công tác nguy vận, thu được nhiều thắng lợi .

Ở Nam Bộ, trong suốt thời gian Đông Xuân, quân ta đã ra sức đẩy mạnh hoạt động phối hợp. Do lực lượng cơ động của địch bị điều động đi các chiến trường khác, do sự cổ vũ của những chiến thắng liên tiếp của quân ta trên nhiều mặt trận, lại do phương châm hoạt động được xác định đúng đắn, một số khuyết điểm trước đây được khắc phục nên chiến tranh du kích có đà phát triển mạnh mẽ, thu được thắng lợi rất lớn. Trên 1.000 đồn trại, tháp canh của địch bị tiêu diệt hoặc bức rút. Vùng tự do Khu 9 được giữ vững và mở rộng. Các căn cứ du kích và khu du kích lớn nhỏ đều được khôi phục và mở rộng rất nhiều. Nhiều địa phương mới được giải phóng. Số địch ra hàng ta lên tới hàng nghìn, về sau lên tới hàng vạn(2).

Vào thượng tuần tháng 3 năm 1954, nhìn chung hình thái chiến sự trên các chiến trường, nổi lên hai đặc điểm đáng chú ý:

Một là, quân ta đã chủ động ở một loạt chiến dịch tiến công trên nhiều hướng, đã chiến thắng khắp nơi, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng nhiều địa phương, trong đó có những vùng chiến lược quan trọng.

Hai là, khối cơ động chiến lược của địch không còn tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ nữa mà đã bị phân tán ra nhiều hướng: Luông Phabăng và Mường Sai ở Thượng Lào, Xênô ở Trung Lào, Plâycu và miền nam Tây Nguyên ở Liên khu 5, lại còn một bộ phận lực lượng tinh nhuệ nhất bị giam chân ở Điện Biên Phủ. Khối lực lượng cơ động nổi tiếng của Nava trước đây tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ là 44 tiểu đoàn, bây giờ chỉ còn 20 tiểu đoàn, nhưng phần lớn những tiểu đoàn này cũng không còn cơ động nữa mà đã phải rải ra để bảo vệ các đường giao thông quan trọng, nhất là đường số 5.

Kế hoạch Nava đã bắt đầu bị phá sản.

âm mưu của Nava là xây dựng một khối lực lượng cơ động chiến lược ngày càng mạnh mẽ để giành lại thế chủ động, nhưng ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động đi khắp nơi, liên tiếp bị tiêu diệt từng bộ phận và ngày càng lâm vào thế bị động chống đỡ.

Âm mưu của Nava là tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận lực lượng chủ lực của ta, phá kế hoạch Thu Đông 1953 của ta; nhưng không những chủ lực của ta không bị tiêu diệt, mà lại chiến thắng liên tiếp; ngược lại chủ lực của chúng lại bị tổn thất rất nặng.

Âm mưu của Nava là “bình định” cùng tạm chiếm nhưng chiến tranh du kích ở đó lại ngày càng phát triển với một khí thế rất mạnh, các căn cứ và khu du kích càng mở rộng.

Âm mưu của Nava là mở những chiến dịch tiến công uy hiếp vùng tự do của ta, giam giữ và tiêu hao chủ lực của ta, nhưng không những vùng tự do của ta không bị uy hiếp, mà ngày càng được mở rộng, chủ lực ta văn giữ tính chất cơ động cao độ; mà chính hậu phương của chúng lại bị ta đánh mạnh, bị uy hiếp hơn bao giờ hết.

Tuy vậy, bọn tướng tá Pháp Mỹ vẫn chưa chịu nhìn thấy sự thật thảm bại đó.

Chúng còn cho rằng, hoạt động của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954 đã lên đến đỉnh cao nhất rồi, cuộc lui quân của ta sắp bắt đầu rồi, ta nhất định không đủ sức để tiếp tục tiến công được nữa.

Chúng còn cho. rằng: mặc dầu đã bị những tổn thất nhất định, chúng đã chống đỡ và ngăn chặn được các cuộc tiến công Thu Đông của ta và thời cơ tốt của chúng đã đến. Xuất phát từ nhận định đó, tướng Nava đã ra lệnh tiếp tục cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, tập trung một binh lực tương đối lớn tiếp tục đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, tiếp tục thực hiện kế hoạch Átlăng bị bỏ dở. Ngày 12 tháng 3, để giành lại chủ động, chúng mở cuộc tiến công đổ bộ lên Quy Nhơn.

Chúng không ngờ rằng ngay hôm sau, vào ngày 13 tháng 3 năm 1954 thì quân ta mở cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu.

--------------------------

(1) Từ 20 tháng 1 đến 20 tháng 2 năm 1954, quân ta đã phá hủy 17 cầu, 18 cống tử Đông Hà lên Rảo Quán trên đường số 9, tiêu diệt và bức rút 6 vị trí, giải phóng hoàn toàn huyện Hương Hóa. Riêng huyện Vĩnh Linh có tới ba vạn dân sát cánh cùng du kích phá hoại cầu đường. Tại Triệu Quang, quân du kích và bộ đội địa phương cũng đã chống càn thắng lợi, giữ vững và mở rộng được vùng căn cứ. Ở Thừa Thiên, quân du kích vả bộ đội địa phương tập kích vào vị trí An Hòa tiêu diệt nhiều địch. Quân ta còn đánh địa lôi tiễn tiếp trên nhiều đoạn đường ở Hương Thủy, Lăng Cô, Mỹ Chánh, Phú Ốc, Huế, Quảng Tri, Huế - Đà Nẵng... lật đổ hàng chục đoàn tàu quân sự, tiêu diệt từ một trung đội đến một tiểu đoàn địch trên một chuyến đi, chỉ riêng trận Lăng Có (Thừa Thiên) quân ta đã lật đổ hai đầu máy, 19 toa, diệt 400 địch; trận Phổ Trạch (Quảng Tư), quân ta đã tập kích, diệt 200 địch, thu 2 đại bác.
Để phối hợp với cuộc tiến công của ta ở Tây Nguyên, quân du kích nam Trung Bộ đã tập kích thành phố Nha Trang; đốt cháy hàng triệu lít xăng, đột nhập thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa) gây thiệt hại nặng cho địch, đột nhập Suối Dầu đốt cháy một kho xăng lớn. Bộ đội địa phương Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đã diệt nhiều cứ điểm đại đội, tiểu đoàn địch, tập kích táo bạo vào La Lung (Phú yên)... diệt trên một tiểu đoàn và tiến sâu vào vùng sau lưng đích tiêu diệt nhiều vị trí và tháp canh. Từng vùng rộng lớn được giải phóng như vùng Điện Bàn ở Quảng Nam (có trên bốn vạn dân), vùng Hòn Khói vả tây bắc Khánh Hòa. Ở cực nam Trung bộ, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, nhân dân đã cùng trung đoàn 812 giải phóng hai huyện Tành Linh và Lương Sơn ở Bình Thuận.

(2) Bước vào Đông Xuân, các tiểu đoàn chủ lực khu: 302, 304, 307 và các tiểu đoàn chủ lực tỉnh: 300, 303, 306, 308, 309, 310, 311, 410... đều tiến vào vùng tạm bị chiếm, nhằm vào những nơi mà đích cho là đã “bình định” xong mà diệt địch đầy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân. Ta đã diệt nhiều dồn bốt từng đại đội địch như: Lộ Mới, Tân Thuận (Long Châu Sa), Bến Sỏi (Gia Ninh), Bến Tranh, Cầu Định (Thú Biên), Ong Tờn (Mỹ Tho), Chắc Tức (Sóc Trăng), và đánh nhiều trận vận động như. Hiệp Thành (Mỹ Tho), Đông Hưng Thuận, Phú Mỹ Hưng (Gia Ninh). Có nơi như ở An Biên (Rạch Gíá) ta kết hợp vây đồn với chặn quân cứu viện, giải phổng cả huyện ly.
Thế uy hiếp của đích trước đây đối với các vùng căn cứ của ta bị phá tan, buộc chúng phải quay về đối phó với ta ngay tại vùng du kích và tạm bị chiếm. Hầu hết các đường bộ, đường sông quan trọng của địch đều bị đánh phá liên tiếp Trẽn các đường chiến lược số 1, 13, 14, các đường xe lứa Sải Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh, các bến tâu Vĩnh Long, Tân Châu, Thù Thừa, quân địch thường xuyên bị phục kích và đánh phá, nhiều đoàn xe cơ giới bi phá hủy, nhiều tàu chiến bị đánh chìm, nhiều đoàn xe lửa bị lật đổ. Trận vận động phục kích trên đường Bạc Liêu - Cà Mau, ta diệt gọn hai đại đội địch. Trận đột nhập bến tâu Vĩnh Long, ta bắn chìm và bắn hỏng nặng bảy tàu chiến địch. Chiến thuật du kích rất độc đáo và lợi hại đã được áp dụng rộng rãi, gây cho địch những tổn thất rất lớn. Cuộc đột nhập kho bom Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, một trong những kho bom lớn nhất của địch ở Đông Dương, đã phá hủy hoàn toàn trên 300 tấn bom, tiêu diệt cả đại đội lính Âu - Phi bảo vệ. Bộ đội Bả Ria - Chợ Lớn cùng đột nhập khách sạn Ô Cấp, diệt hơn một trăm tên sĩ quan Pháp và Mỹ. Đơn vị chủ lực của Mỹ Tho chỉ với một đại đội đã đánh thắng một tiểu đoàn của địch trong trận đánh vận động ở Kênh Bùi, thu hàng trăm súng trong đó có hàng chục trung liên, đại liên và súng cối.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Bộ phát triển mạnh mẽ. Ở Gò Công trong hai ngày, nhân dân và trang giáo mác cúng du kích và một trung đội bộ đội địa phương đã hạ gần một trăm đớn bốt. Ở Gia Định Ninh, Thủ Biên nhân dân vác gậy đuổi đánh đích giữa ban ngây.
Nhiều tiểu đội, trung đội, đại đội địch mang vũ khí ra hàng. Ở Mỹ Tho, năm, sáu đại đội Hòa Hảo bỏ về nhà làm ăn. Ở Bến Tre, một đại đội quân ngụy ở đồn Ba Tri đào ngũ.

ngochai
05-05-2014, 12:25 PM
Nói đến kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông- Xuân 1953- 1954 cho đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta thấy hai điểm nổi bật.

Một là, địch có kế hoạch tập trung binh lực, tăng cường khối cơ động chiến lược, nhằm giành lại chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn.

Ta đã sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở. Ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, phá hoại công cụ chiến lược chủ yếu của chúng, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, làm phá sản kế hoạch Nava.

Hai là, địch không có ý định điều quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc. Ta đã buộc chúng phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Ta đã tạo nên thời cơ và đã lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ trước đây không nằm trong kế hoạch chiến lược của tướng Nava đã trở thành trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Những sự kiện trên đây là sự thể hiện sinh động của sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta.

Trong sự chỉ đạo chiến lược ấy, Đảng ta luôn luôn nắm vững phương châm tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật bất ngờ. Phương châm đó đã được vận dụng và phát triển sáng tạo trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp.

Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công.

Phải nắm vững quyền chủ động trong mọi tình huống, chủ động trong phản công, chủ động trong tiến công, chru động cả trong tình huống tạm thời tiến hành phòng ngự. Có nắm được quyền chủ động mới buộc được địch hành động theo ý định của ta, mới có thể tạo nên thời cơ mới để tiến công tiêu diệt địch, mới có thể liên tục tiến công quân địch.

Muốn nắm được quyền chủ động thì phải phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh. Chúng ta luôn luôn nắm được quyền chủ động, bởi vì khoa học quân sự Mác- Lêninh với phương pháp biện chứng của nó chứa đựng những khả năng vô tận để phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh. Trong chiến tranh, các tình huống chuyển biến mau lẹ; mỗi bên đều tìm mọi cách che giấu ý định và hành động của mình. Vì vậy, sự chỉ đạo chiến lược phải đi sát thực tiễn của chiến trường, hết sức nhạy bén với mọi nhân tố mới nảy sinh; có như thế mới nắm vững được các quy luật của chiến tranh nói chung, cũng như sự vận động của các quy luật ấy trong từng tình huóng, trong mỗi thời điểm nhất định của chiến tranh cũng như trong toàn bộ quá trình diễn biến của nó.

Cũng vì trong chiến tranh, tình hình biến chuyển cực kì nhanh chóng và phức tạp, cho nên một sự chỉ đạo chiến lược đung đắn và sắc bén cần phải kết hợp tính kiên quyết rất cao với tính cơ động linh hoạt. Có như thế mới kịp thời nắm lấy thời cơ, giữ vững quyền chủ động trong mọi tình huống, đồng thời tăng thêm khả năng bí mật bất ngờ, nhân sức mạnh chiến đấu của lực lượng ta lên gấp bội để giáng những đòn quyết định vào phương hướng quyết định, giành lấy thắng lợi lớn nhất.

Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong Đông Xuân 1953- 1954 và trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho quân địch đi từ bị động này đến bị động khác, từ sự bất ngờ này đến sự bất ngờ khác. Bất ngờ đến nỗi khi chúng đang tin tưởng có thể tập trung lực lượng cơ động thì bỗng dưng bị buộc phân tán ra ở những hướng chúng chưa hề có dự kiến. Bất ngờ đến nỗi khi chúng cho rằng ta không còn sức để đánh Điện Biên Phủ thì ngay hôm sau ta mở cuộc tiến công lớn vào ĐBp. Bất ngờ đến nỗi trong khi chúng cho rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm có khả năng gây tổn thất nặng nề cho chủ lực của ta, thì trong thời gian tiếp đó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.

Một nét đặc sắc lớn của sự chỉ đạo chiến lược của ta là đã biết tạo nên một sức mạnh to lớn do sự phối hợp nhịp nháng giữa hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang với cuộc chiến đấu rộng khắp của nhân dân, giữa hoạt động của ba thứ quân, giữa các mặt trận sau lưng địch với mặt trận chính diện, giữa các chiến trường quan trọng trên phạm vi cả nước ta và trên phạm vi chiến trường của toàn bán đảo Đông Dương. Sự phối hợp đó đã diễn ra giữa hoạt động quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Chúng ta đã tạo nên một sức mạnh to lớn của cả nước, một sức mạnh mà sau này, về từ ngữ được khái quát lên thành sức mạnh tổng hợp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, đường lối quân sự cũng như khoa học quân sự của Đảng ta đã phát triển đến những đỉnh cao mới, những khả năng mới về phát hiện và nắm vững quy luật, trên cơ sở đó mà phát huy quyền chủ động, mà vận dụng tư tưởng chiến lược tiến công cũng như nghệ thuật tạo nên sức mạnh tổng hợp ngày càng to lớn. Nhờ vậy mà nhân dân ta đã lần lượt đánh bại chiến lược này đến chiến lược khác của chiến tranh xâm lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại đến toàn thắng.

ngochai
05-05-2014, 12:26 PM
.
.

CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ

TÌNH HÌNH ĐỊCH VÀ CHỦ TRUƠNG TÁC CHẾN CỦA TA


ĐIỆN BIÊN PHỦ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng từ 6 đến 8 km. Đây là cánh đồng lớn nhất, giàu có nhất và dân cư đông đúc nhất trong bốn cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Điện Biên Phủ ở gần biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng, phía đông bắc nối liền với Lai Châu, phía đông và đông nam nối liền với Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản, phía tây thông với Lưông Phabăng, phía nam thông với Sầm Nưa(1). Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ớ giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ lúc đầu có khoảng 6 tiểu đoàn, đến sau tăng lên dần để đối phó với cuộc tiến công của ta. Khi quân ta bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng của chúng đã tăng lên đến 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh; trong quá trình chiến dịch, chúng tiếp tục tăng thêm 4 tiểu đoàn và 2 đại đội nhảy dù, tổng cộng là 17 tiểu đoàn bộ binh. Phần lớn các lực tượng này gồm các đơn vị Âu - Phi và các đơn vị nhảy dù tinh nhuệ. Ngoài ra, còn có 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và 1 phi đội không quân thường trực có 14 chiếc(2). Tổng số binh lực là 16.200 tên.


http://sinhvienirk.net/home/uploads/news/2014_04/dbp_map-thcs-lengochan-hanoivioletvn.jpg

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành những cụm cứ điểm gọi là “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp” có lực lượng cơ động, có hỏa lực của mình, có hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm có nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi một trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) vá bằng một hệ thống hỏa lực rất mạnh.

Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu trung tâm ở ngay giữa làng Mường Thanh, tức là châu lỵ Điện Biên Phủ. Ở đây, tập trung gần hai phần ba lực lượng của địch (tám tiểu đoàn gồm 5 tiểu đoàn chiếm đống và 3 tiểu đoàn cơ động), có nhiều trung tâm đề kháng yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hỏa lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay. Phía đông phân khu có cả một hệ thống điểm cao rất lợi hại, đặc biệt là các ngọn đồi A1, C1, D1, E1; những điểm cao đó là bộ phận phòng ngư quan trọng nhất của phân khu. Địch đã nhiều lần nhận định rằng Điện Biên Phủ là một pháo đài kiên cố, quân ta không thể nào công phá được. Chỉ lấy riêng phân khu trung tâm mà nói, thì lực lượng của địch đã khá mạnh, các điểm cao phía đông là những điểm cao quân ta khó lòng đánh được; chúng lại có sẵn một lực lượng pháo binh và cơ giới đủ sức đánh chặn mọi cuộc tiếp cận qua cánh đồng bằng phẳng, có sẵn một hệ thống công sự, dây thép gai và hào chiến đấu đủ sức tiêu hao và đánh lui mọi lực lượng tiến công, có sẵn một lực lượng cơ động gồm các tiểu đoàn nhảy dù sẵn sàng phối hợp với các trung tâm đề kháng để phản kích và tiêu diệt mọi lực lượng tiến công từ bên ngoài đến, có sẵn một lực lượng pháo binh cơ giới và không quân đủ sức ngăn chặn các lực lượng tiến công và tiêu diệt các căn cứ pháo binh của ta mà chúng cho là dễ phát hiện, vì buộc phải đặt ở sườn núi phía trong lòng chảo, còn nếu đặt ở phía ngoài thì lại quá tầm bắn cần thiết (khoảng cách từ những ngọn núi lớn khống chế Điện Biên Phủ đến sân bay là tử 10 đến 12 km).

Ở phía bắc, có phân khu bắc gồm các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo. Đồi Độc Lập là một ví trí có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Lai Châu vào Điện Biên Phủ.

Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm, nhưng cùng với các vị trí đồi Độc Lập và Bản Keo là những vị trí ngoại vi đột xuất nhất của địch, có nhiệm vụ án ngữ phía đông bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta tử hướng Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ở phía nam, có phân khu nam còn gọi là phân khu Hồng Cúm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công tử phía nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.

Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: một căn cứ ở Mường Thanh, một căn cứ nữa ở Hồng Cúm, có thể yểm hộ lẫn nhau và yểm hộ cho các cứ điểm xung quanh. Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một hệ thống hỏa lực chặt chẽ yểm hộ cho bản thân mình và các cứ điểm xung quanh.

Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh lại còn có một sân bay dự bị ở Hồng Cúm, ngày ngày được nối đến với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 đến 150 tấn. Như vậy là vượt khá xa những dự tính ban đầu của chúng(3).

-----------------------------------

(1) Do địa hình bằng phẳng, vào mùa khô thung lũng Điện Biên Phủ là một địa bàn thuận tiện cho việc sứ dụng xe tăng, cơ giới. Sân hay do quân đội Nhật xây dựng trước đây trên cánh đồng Mường Thanh, có thể mở rộng thành một căn cứ không quân quan trọng. Đường số 41 là trục đường lớn duy nhất theo chiều từ bắc tới nam về hướng Luông Phabăng, kinh đô nước Lào. Phía đông và phía tây thung lũng là hai dãy núi chạy song song theo chiều bắc nam vả khép gần sát nhau ở hai đầu. Dãy Pú Hồng ở phía đông gồm nhưng đinh núi cao, cây thưa, thoải dần về phía thung lung. Dãy Pú Tàcọ ở phía tây, núi cao, rậm rạp, dốc dụng về phía thung lũng.
Ngay sát thung lung về phía đông hắc, có một dải địa hình đặc biệt, gồm một số điểm cao nổi lên cao làm mặt cánh đồng trên dưới 30 mét vả hình thành một bức bình phong che chở cho thung lũng trên hướng Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

(2) Ngoài vũ khí thông thường, quân đích ở Điện Biên Phủ côn được trang bị một số loại khí tải đặc biệt như súng phun lứa, súng đại liên nhiều nòng, mìn đĩa, mìn napan chôn dưới đất, phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại để quan sát và bắn đêm, v.v. với khoảng 3.000 tấn dây thép gai, việc sứ dụng dây thép gai của địch ớ Điện Biên Phủ đã gấp ha lần mức hình thường của quân đội Pháp trên chiến trường Đông Dương.

(3) Theo kinh nghiệm rút ra từ tập đoàn cứ điểm Nà Sản, quân địch dự tính, để duy trì sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đủ khả năng phòng ngự và chiến thắng được quân ta, mức tiếp tế yêu cầu mỗi ngày khoảng 70 tấn trong điều kiện chiến dấu thông thường và 90 tấn trong điều kiện chiến đấu ác liệt.

ngochai
05-05-2014, 12:33 PM
Máy bay trinh sát và khu trục của phi đội thường trực luôn luôn bay lượn trên vùng trời Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ bắn phá và oanh tạc quân ta để yểm hộ cho tập đoàn cứ điểm thì do máy bay địch xuất phát từ các căn cứ Gia Lâm hay Cát Bi đảm nhiệm, về sau có một bộ phận xuất phát từ tàu chở máy bay của Mỹ đậu ở vịnh Hạ Long.

Với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc như trên, Nava đã từng nhận định rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, là một “pháo đài không thể công phá”(1). Do nhận định chủ quan đó, mà địch đã phán đoán rằng quân ta có ít khả năng tiến công vào Điện Biên Phủ, và nếu quân ta mạo hiểm tiến công vào thì càng tốt, vì chắc chắn là quân ta không thể nào tránh khỏi thất bại. Chúng đã coi Điện Biên Phủ là một chiến trường được chuẩn bị sẵn để gây tổn thất nặng cho chủ lực ta. Chúng đã có lần láo xược thả truyền đơn thách thức quân ta tiến công Điện Biên Phủ.

Về phía ta, ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chúng ta đã nhận định rằng: dưới sự uy hiếp của chủ lực ta, quân địch có khả năng rút khỏi Điện Biên Phủ, đồng thời cũng có khả năng tăng cường phòng thủ ở đó, tổ chức Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm; và nếu khả năng thứ hai biến thành hiện thực thì đó là một cơ hội tốt để quân ta tiêu diệt sinh lực tinh nhuệ của chúng. Do dự kiến nói trên, nên trong khi chủ lực ta mở cuộc tiến công lên Lai Châu, ta đã cho một bộ phận cấp tốc tiến về phía tây, cắt liên lạc giữa Lai Châu và Điện Biên Phủ, tiến hành bao vây Điện Biên Phủ, bám sát địch, chuẩn bị chiến trường.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh. Tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự mới nhất của địch trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Hình thức đó đã từng hình thành với một trình độ còn thấp ở Hòa Bình vào cuối năm 1951, đã từng xuất hiện ở Cánh Đồng Chum và Nà Sản vào năm 1952 và đầu năm 1953. Đứng trước hình thức phòng ngự mới nhất, mạnh nhất của địch, chúng ta đã từng đặt ra vấn đề nghiên cứu để giải quyết là nên trực tiếp tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm hay không nên.


http://sinhvienirk.net/home/uploads/news/2014_04/slide-dienbienphu2.jpg

Trước đây, khi bộ đội ta còn yếu, hình thức chiếm đóng và tác chiến của địch là cứ điểm nhỏ và đội ứng chiến nhỏ. Khi bộ đội ta đã đủ sức tiêu diệt viện binh nhỏ và cứ điểm nhỏ thì hệ thống bố trí của địch lại được phát triển và củng cố thêm một bước, dựa vào những cứ điểm lớn, có công sự ngày càng kiên cố, có binh lực và hòa lực ngày càng mạnh hơn, đồng thời dựa vào những đội quân ứng chiến tương đối lớn. Về sau, trước sự lớn mạnh của quân ta, khi một cứ điểm của địch lâm vào nguy cơ bị tiêu diệt thì chúng có hai cách đối phó: một là rút quân để bảo tồn binh lực, hai là tăng cường thêm binh lực và tổ chức phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm.

Cách tổ chúc phòng ngự bằng tập đoàn cú điểm không phải là một sáng kiến của quân đội xâm lược của đế quốc Pháp. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn phát xít Đức đã từng vận dụng cách phòng ngủ bằng tập đoàn cứ điểm, cũng gọi là “chiến lược con nhím”, hòng ngăn chặn những cuộc tiến công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô tiến về hướng Béclin. Các tướng tá Pháp - Mỹ chỉ đem những kinh nghiệm của bọn phát xít Đức vận dụng vào chiến trường Đông Dương, hòng ngăn chặn những bước tiến của quân ta.

Đứng trước phương sách phòng ngự mới của địch, cách đánh của ta phải như thế nào để giành được thắng lợi lớn nhất, trong một tình hình nhất định về so sánh lực lượng giữa ta và địch. Cần nhấn mạnh ở đây một lần nữa rằng trong khi giải quyết vấn đề cách đánh về chiến dịch cũng như về chiến thuật, bao giờ chúng ta cũng xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản về chỉ đạo tác chiến, tức là nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và nguyên tắc đánh chắc thắng.

Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản nói trên, khi hình thức tập đoàn cứ điểm mới xuất hiện, khả năng chiến đấu của quân ta về chiến dịch và chiến thuật còn có hạn, chúng ta đã từng chủ trương không nên trực tiếp đánh vào tập đoàn cứ điểm, mà chỉ tìm cách kiềm giữ chủ lực của địch trong tập đoàn cứ điểm, còn chủ lực của ta thì sử dụng đánh vào một hướng khác, ở đó địch tương đối yếu và sơ hở hơn, ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt sinh lực địch hơn. Chúng ta đã từng vận dụng cách đánh đó trong chiến dịch Hòa Bình. Địch tập trung lực lượng thành tập đoàn cứ điểm ở Hoà Bình thì hướng tiến công chủ yếu của quân ta không phải là Hòa Bình mà là ở những nơi khác; chúng ta đã từng tiêu diệt viện binh của địch và cứ điểm của địch ở ven bờ sông Đà và đã mở cuộc tiến công vào vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, thu được nhiều thắng lợi lớn. Về sau, khi địch tập trung lực lượng ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản thì sau khi tiến hành một hai cuộc chiến đấu ở đây, một bộ phận sinh lực địch bị tiêu diệt, nhưng lực lượng ta cũng bị tiêu hao, ta cũng lại chủ trương trước mắt không mở cuộc tiến công trực tiếp vào Nà Sản. Bộ đội tình nguyện Việt Nam lại phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào hướng Thượng Lào, phía tây nam Nà Sản và đã thu được thắng lợi lớn.

--------------------------------

(1) Cho tới khi ta tiến công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được tăng cường và bố trí với một binh lực tập trung mạnh mẽ chưa từng có 12 tiểu đoàn vả 7 đại đội bộ binh, phấn liwsn là quân tinh nhuệ bậc nhất của địch gồm:

5/7 RTA, tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn Angiêri thứ 7.
3/3 RTA, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Angiêri thứ 3.
211 RTA, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn Angiêri thứ 1.
1/4 RTM, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn Marốc thứ 4.
1/13 DBLE, tiểu đoàn 1 thuộc bán tư đoàn lê dương thứ 13.
3/13 DBLE, tiểu đoàn 3 thuộc bán tư đoàn lê dương thứ 13.
i/2 REI, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn lê dương thứ 2.
313 REI, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn lê dương thứ 3.
1er BPC, tiểu đoàn 1 dù thuộc địa.
8è BPC, tiểu đoàn 8 dù thuộc địa.
2è BAT, tiểu đoàn Thái thứ 2.
3è BAT, tiểu đoàn Thái thứ 3.

Riêng về quân dù, địch đã đưa lên đây bảy phần mười tổng số quân dù ở Đông Dương, trong đó có 100% các đơn vị lính dù người Âu và lê dương. Có đơn vị như bán lư đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 đã có truyền thống hơn 100 năm rồi. Các sĩ quan của địch cùng đều là loại cốt cán, khá bậc nhất của địch.

Các đơn vị pháo binh của địch gồm:

2/4 RAC, tiểu đoàn 2 pháo 105 trung đoàn 4 pháo thuộc địa.
3/10 RAC, tiểu đoàn 3 pháo 105 trung đoàn 10 pháo thuộc địa.
Một đại đội pháo 15.5 thuộc 4/4 RAC - tiểu đoàn 4 trung đoàn 4 pháo thuộc địa và hai đại đội pháo cối 120, tống cộng 20 khẩu.
Máy bay của địch gồm 7 khu trục, 6 liên lạc trinh sát và 1 lên thẳng.

Hệ thống bố trí phòng ngự của địch có 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm, mỗi cụm mang tên một thiếu nữ.

1 - Gabrien (Gabrielle) tức đồi Độc Lập.
2 - Bêatrixơ (Béatrice) tức Him Ijam.
3 - Annơ Mari (Anne Marie) gồm các cứ điểm ở tây bắc sân hay như Bản Kéo, Căng Na...
4 - Huyghét (Huguette) cụm cứ điểm tây săn bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm.
5 - Clôđin (Claudine) cụm cứ điểm nam sân bay Mưòrng Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm.
6 - Elian (Eliane) cụm cư điểm phía đông, tả ngạn sông Nậm Rốm khu vực sở chì huy của Đờ Cattri.
7 - Đôminích (Dominique) cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm.
8 - Idaben (Isabelle) tức Hồng Cúm.

ngochai
05-05-2014, 12:35 PM
Nhưng cách đánh trên đây không phải là cách đánh duy nhất. Chúng ta đã nhận định rằng vấn đề trực tiếp tiến công vào tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là một vấn đề nhất định phải được giải quyết, là một bước tất nhiên quân đội ta phải trải qua trong quá trình phát triển của cuộc đấu tranh vũ trang và trên con đường trưởng thành của quân đội. Thật vậy, chúng ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm thì mới đánh bắt được hình thức đối phó mới nhất, cao nhất của địch, đánh bại được sự cố gắng lớn nhất của chúng trong bố trí phòng ngự, gây cho chúng một sự khủng hoảng mới, tạo nên cục diện mới, mở đường cho quân đội ta tiến lên và thúc đẩy cuộc đấu tranh vũ trang của ta phát triển.

Vì vậy, từ khi hình thức tập đoàn cứ điểm xuất hiện, chúng ta đã dày công nghiên cứu hình thức phòng ngự mới đó của địch, đánh giá và phân tích chỗ mạnh và chỗ yếu của nó, đề ra những nguyên tắc chiến thuật cũng như những yêu cầu về kỹ thuật và trang bị, những khó khăn cần được khắc phục, để rèn luyện cho quân đội ta, chuẩn bị cho quân đội ta tiến lên giải quyết thắng lợi nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Và, có thể nói rằng bước vào Thu Đông 1953, thì quân đội ta đã được chuẩn bị để làm nhiệm vụ đó. Chính vì vậy mà khi phát hiện địch có khả năng tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ và biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm thì Trung ương Đảng ta đã nhanh chóng hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta đã căn cứ vào những khả năng mới của quân đội ta, đồng thời cũng căn cứ vào đặc điểm của chiến trường Điện Biên Phủ, căn cứ vào những điều kiện tác chiến trên quy mô lớn của ta cũng như của địch trên chiến trường này.

Trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa Đông 1953, Điện Biên Phủ đã dần dần trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Nava. Chúng ta có tiêu diệt được Điện Biên Phủ thì mới đập tan được âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ. Tuy nhiên, sự cần thiết phải tiêu diệt tập đoàn cứ điềm Điện Biên Phủ và tầm quan trọng của Điện Biên Phủ không thể coi là cơ sở chủ yếu để hạ quyết tâm đánh Điện Biên Phủ. Vấn đề quyết định là, căn cứ vào sự so sánh lực lượng cụ thể giữa ta và địch lúc bấy giờ, căn cứ vào những khả năng mới của quân ta và những khả năng mới của địch, ta có thể bắt đầu vận dụng cách đánh trực tiếp vào tập đoàn cứ điểm bằng cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ hay không; nói một cách khác, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, tiến công vào Điện Biên Phủ, ta có nắm chắc phần thắng lợi hay không.

So với Nà Sản trước đây thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh hơn nhiều. Không những binh lực và hỏa lực mạnh hơn gấp bội mà tổ chức phòng ngự cũng hiện đại hơn. Nếu Nà Sản là một tập đoàn cứ điểm quy mô nhỏ hơn, chỉ gồm những trung tâm đề kháng đơn giản, thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm quy mô lớn, gồm nhiều trung tâm đề kháng phức tạp. Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ đã đánh giá rất cao những chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, coi đó là một hình thức tập đoàn cứ điểm theo kiểu phức tạp, tổ chức phòng ngự ở một trình độ cao. Chúng đã đi đến kết luận: nếu quân đội ta đã không đánh được Hòa Bình và Nà Sản thì đương nhiên là không thể nào đánh được Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá được.

Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ lại còn cho rằng ưu thế của chúng ở Điện Biên Phủ còn do chỗ vị trí của tập đoàn cứ điểm này nằm ở giữa núi rừng Tây Bắc rất xa những căn cứ hậu phương của ta. Chúng ta muốn đánh Điện Biên Phủ thì phải sử dụng một lực lượng bộ đội khá lớn, phải tổ chức và duy trì những tuyến cung cấp rất dài trong một thời gian khá lâu. Chúng cho rằng, theo những kinh nghiệm chúng đã thu được thì ta hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề chi viện cung cấp theo một quy mô lớn, trong một thời gian dài như vậy. Đó là chưa nói đến những trở ngại và tổn thất rất lớn mà máy bay oanh tạc của chúng có thể gây ra cho việc chuyển quân và việc tiếp tế của ta. Còn như nói rằng Điện Biên Phủ nằm ở giữa một thung lũng xung quanh đều có núi rừng bao bọc, thì thung lũng này là một thung lũng khá rộng, đường giao thông từ Tuần Giáo đi vào là những đường nhỏ, quân ta chắc chắn không thể vận chuyển pháo binh vào gần được, lại càng không thể giải quyết vấn đề tiếp cận qua cánh đồng bằng phẳng để tiến công vào tập đoàn cứ điểm. Như vậy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại càng không thể công phá được.

Nava đã căn cứ vào những lý do nói trên để hạ quyết tâm chiến lược: ra sức tăng cường Điện Biên Phủ, tiếp nhận cuộc chiến đấu với chủ lực của ta, cho Điện Biên Phù là một chiến trường lý tưởng được lựa chọn để gây cho chủ lực ta những tổn thất hết súc nặng nề nếu ta dám mở một cuộc tiến công mạo hiểm.

ngochai
05-05-2014, 12:36 PM
Những chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Nava nêu lên không phải là hoàn toàn không phù hợp với sự thực. Sai lầm của Nava là ở chỗ chỉ thấy chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm mà không thấy hết chỗ yếu của nó. Sai lầm cơ bản hơn nữa của y là, với cách nhìn của một nhà quân sự tư sản, y không thể thấy hết được những khả năng lớn lao của một quân đội nhân dân và của cả nhân dân một nước đang chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, lại càng không hiểu và không thấy được quá trình phát triển tiến lên, những tiến bộ và cố gắng vượt bậc của quân đội ta và của nhân dân ta, không hiểu được và không đánh giá được những khả năng lớn lao của tinh thần đấu tranh bất khuất của một dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng của một quân đội nhân dân.

Khi chúng ta hạ quyết tâm mở cuộc tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta có thấy hết những chỗ mạnh của địch và những khó khăn, trở ngại mà chúng ta có thể gặp phải hay không? Những điều đó chúng ta đều nhận thấy. Nhưng đồng thời chúng ta lại thấy những chỗ yếu của địch mà quân ta có thể lợi dụng; hơn nữa chúng ta lại thấy khả năng to lớn của quân đội và nhân dân ta, có thể vượt qua mọi khó khăn, khắc phục những chỗ mạnh của địch để giành lấy thắng lợi.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có đủ những yếu tố mạnh của mọi tập đoàn cứ điểm, lại có những chỗ mạnh đặc biệt của nó nữa. Nhưng do vị trí của nó nằm cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc và Thượng Lào, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện hoặc tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không. Do đó, nếu đường hàng không bị hạn chế hay bị cắt đứt thì tập đoàn cú điểm rất mạnh này sẽ ngày càng lộ rõ nhược điểm của mình, có thể mất dần sức chiến đấu và lâm vào thế bị động phòng ngự trong những điều kiện ngày càng khó khăn; trường hợp lâm nguy cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn. Đó là chưa nói đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch nói chung là bạc nhược, nếu gặp khó khăn thiếu thốn hoặc thất bại thì lại càng kém sút thêm.

Về phía ta, thì lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Chúng ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực để đánh địch, quân ta lại đã có những kình nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã được bước đầu huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm, có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Vấn đề cung cấp tiếp tế lương thực và đạn dược cho một lực lượng lớn ở xa hậu phương trong một thời gian dài đương nhiên có những khó khăn rất lớn, nhưng ta lại có sức mạnh của một hậu phương rộng lớn, có toàn dân, toàn Đảng, tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ.

Chúng ta cũng đã từng cân nhắc đến khả năng tăng viện của địch trong khi Nava còn có sẵn trong tay một lực lượng cơ động lớn. Do những cuộc tiến công mùa đông của ta, khối cơ động đó đã bị phân tán rất nhiều. Chúng ta dự đoán, trong thời gian tới lực lượng địch có thể bị phân tán nhiều hơn nữa. Cho nên chúng ta đã đánh giá cao tác dụng của các chiến trường phối hợp, trong việc tạo điều kiện tốt cho chủ lực ta tiến công tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, hạn chế sự tăng viện của địch lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Xuất phát từ sự phân tích trên đây, luôn luôn nắm vững nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và đánh chắc thắng, Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Trong khi Nava chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với chủ lực ta thì chứng ta cũng chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ để tỉ.êu diệt những binh lực tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương(1).

Quyết tâm rất lớn trên đây quán triệt phương châm tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt mà Trung ương đã đề ra cho việc chỉ đạo tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954.

Thật vậy, nắm vững phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt trong thời kỳ đầu của chiến cục Đông Xuân, chúng ta đã chủ trương dùng từng bộ phận của chủ lực ta mở nhiều cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối sơ hở, trong khi đó thì ở Điện Biên Phủ quân ta giam hãm chủ lực địch để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt địch trên các hướng khác, đồng thời tiến hành mọi công tác chuẩn bị cần thiết để mở cuộc tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bước sang thời kỳ thứ hai của chiến cục Đông Xuân, công tác chuẩn bị trên mặt trận Điện Biên Phủ đã được hoàn thành, nhiều điều kiện thuận lợi mới đã được tạo ra do những chiến thắng liên tiếp của quân ta trên khắp các chiến trường, chúng ta đã mở cuộc tiến cóng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nếu chủ trương của ta trước đây là tránh những nơi địch mạnh, chọn những hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu để tiến công tiêu diệt địch, thì bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã tập trung đại bộ phận chủ lực của ta tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Nếu trong các cuộc tiến công của ta trong thời kỳ đầu, hình thức tác chiến chủ yếu là đánh vận động và đánh công sự vững chắc nhỏ, thì bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến là một trận đánh công sự vững chắc quy mô rất lớn có tính chất trận địa. Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một biến chuyển mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của quân đội ta. Thắng lợi của chiến dịch to lớn này chắc chắn sẽ mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

------------------------------

(1) Ta sứ dụng 9 trung đoàn bộ hình (gồm 27 tiểu đoàn) và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận pháo cao xạ (phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 - Báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6 tháng 12 năm 1953).

ngochai
05-05-2014, 12:37 PM
Thế là từ khi cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu, nhiệm vụ của chủ lực ta ở Điện Biên Phủ, lúc này đã trở thành mặt trận chính diện của cả nước, không phải là bao vây, giam giữ quân địch nữa mà là chuyển sang tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch.

Nhiệm vụ của bộ đội ta trên các chiến trường cả nước là phối hợp hoạt động với Điện Biên Phủ, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, phân tán giam giữ lực lượng của chúng, giảm đến mức tối đa khả năng của chúng tăng quân thêm cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau khi đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra là vấn đề tiêu diệt bằng cách nào. Đó là vấn đề phương châm của chiến dịch.


http://dienbientv.vn/dataimages/201305/original/images839622_6.jpg

Đi vào phương châm chiến dịch của ta tại mặt trận Điện Biên Phủ, thì trong thời gian đầu khi quân địch mới nhảy dù xuống, quân ta mới thực hiện bao vây Điện Biên Phủ, lực lượng của địch chưa được tăng cường, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố, ta đã có dự kiến tranh thủ thời gian, lợi dụng những điều kiện sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa để đánh nhanh giải quyết nhanh.

Nếu tiến hành chiến dịch theo phương châm này thì sẽ tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, chia làm nhiều hướng, có hướng chính, có hướng phối hợp, đánh sâu vào trong lòng địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm ra từng bộ phận; tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, đánh vào chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất của địch, lợi dụng sơ hớ của chúng để tiêu diệt bộ phận quan trọng của chúng; tiếp đó, tiếp tục giải quyết những bộ phận còn lại, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Đánh nhanh giải quyết nhanh có nhiều điều lợi: quân ta đang sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao, mỏi mệt. Thời gian của chiến dịch không dài, nên vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược có thể bảo đảm chắc chắn, không gặp trở ngại lớn.

Tuy nhiên, đánh nhanh giải quyết nhanh lại có một điều bất lợi rất lớn là quân ta, mặc dầu đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế, lần này là lần đầu đánh tập đoàn cứ điểm, lại gặp một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Bởi vậy, trong khi tiến hành công tác chuẩn bị, ta đã tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta. Chúng ta đã phát hiện địch có tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa phòng ngư, tổ chức hệ thống phòng ngư khá vững chắc. Ở phía Bắc, lúc đầu cao điểm Độc Lập chỉ là một vị trí tiền tiêu, dần dần địch đã tăng cường lực lượng lên tới một tiểu đoàn Âu - Phi và xây dựng thành một cứ điểm mạnh. Cao điểm Him Lam ở phía đông bắc án ngữ con đường lớn độc đạo từ Tuần Giáo tới Điện Biên Phủ cũng được tăng cường, củng cố trở thành một trung tâm phòng ngự kiên cố vào bậc nhất của địch ở Điện Biên Phủ. Hồng Cúm lúc đầu chỉ là một cứ điểm ở phía nam, địch đã phát triển dần thành một cụm cứ điểm, có sân bay dự bị, có trận địa pháo binh riêng, có thể cùng pháo binh ở phân khu trung tâm yểm hộ lẫn nhau. Địch cũng đã đóng thêm một số cứ điểm ở phía tây sân bay Mường Thanh. Các điểm cao lợi hại phía đông vẫn là nơi dịch mạnh hơn cả. Chúng có thể dựa vào đó để kéo dài chiến đấu phòng ngự… Nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng, chúng ta đã nhận định rằng, trong tình huống tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố, không còn ở vào tình trạng lâm thời chiếm lĩnh trận địa nữa, nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì không mười phần đảm bảo thắng lợi. Do đó, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc tiến chắc.

Theo phương châm đánh chắc tiến chắc, chúng ta quan niệm chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là một trận đánh địch trong công sự vững chắc quy mô rất lớn và tiếp diễn liên tục trong một thời gian ngắn từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, mà là một chiến dịch tiến công trận địa, quy mô rất lớn, nhưng lại gồm một loạt nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiếp diễn trong một thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt địch từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm. Tiến hành chiến dịch theo phương châm đánh chắc tiến chắc đưa đến nhiều khó khăn, trở ngại mới. Chiến dịch càng kéo dài, địch càng tăng cường công sự, lại có thể đưa thêm viện binh. Về phía ta thì hoạt động kéo dài, bộ đội có thể bị tiêu hao, mỏi mệt, khó khăn lớn nhất là khó khăn về cung cấp và tiếp tế.

Nhưng đánh chắc tiến chắc thì bảo đảm chắc thắng. Nhìn chung, so sánh lực lượng giữa địch và ta thì ta có ưu thế binh lực, nhưng đó chỉ là ưu thế tương đối; nếu đánh từng bước thì ta có thể tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực, hỏa lực vào từng cuộc chiến đấu, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu. Đánh như vậy lại hợp với trình độ bộ đội của ta. Bộ đội ta lúc đó mới có kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc, tiêu diệt từng cứ điểm độc lập, do hai, ba đại đội hoặc một tiểu đoàn địch phòng giữ, nay cần tiến lên một bước tiêu diệt mỗi lần một hay một số cứ điểm một tiểu đoàn nằm trong tập đoàn cứ điểm, có thể vừa đánh vừa học, bằng một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc gay go phức tạp nhưng không lớn lắm, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch. Chính cách đánh nói trên đã tạo nên bước nhảy vọt làm cho bộ đội ta chỉ trong một thời gian ngắn đã tiến vượt bậc từ chỗ mới tiêu diệt được cứ điểm độc lập một tiểu đoàn của địch đến chỗ tiêu diệt cà một tập đoàn cứ điểm lớn và kiên cố của chúng.

Đánh chắc tiến chắc, chúng ta lại giữ được chủ động hoàn toàn, muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đánh nơi nào thì đánh; lúc nào chuẩn bí đầy đủ và chắc thắng thì đánh, không thì không đánh hoặc chưa đánh; nơi nào cần giữ và có thể giữ thì giữ, không thì không giữ; đánh một trận rồi thấy nên tiếp tục đánh ngay thì đánh, cần nghỉ ngơi để chấn chỉnh lực lượng và chuẩn bị trận sau cho tốt thì vẫn có thể nghỉ ngơi.

Đánh chắc tiến chắc, chúng ta lại có thể khoét sâu nhược điểm lớn nhất của địch là vấn đề tiếp tế vận tải. Chiến dịch càng kéo dài thì địch càng bị tiêu hao nhiều về sinh lực cũng như về vũ khí, đạn dược, càng gặp khó khăn nhiều về tiếp tế vận tải. Nếu ta khống chế được sân bay và hạn chế được đường tiếp tế duy nhất của chúng, nếu ta ra sức thắt chặt vòng vây thì địch càng thêm khốn đốn.

Nhìn chung chiến trường cả nước, thì nếu chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành trong một thời gian dài, các chiến trường khác càng có điều kiện thuận lợi để tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều đất đai, đồng thời làm tốt nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính.

ngochai
05-05-2014, 12:40 PM
Vì những lý do nói trên, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc tiến chắc. Quyết định đó đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, quyết tâm nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng trong việc chỉ đạo tác chiến, quyết tâm động viên toàn lực khắc phục muôn nghìn khó khăn trở ngại đế bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch.

Địch có thể tăng cường, chúng tăng cường thì quân ta phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu hơn và những cuộc chiến đấu gay go hơn mới tiêu diệt được toàn bộ quân địch. Giữa việc cần thiết phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu gay go mà chắc chắn thắng lợi với việc tiến hành ít cuộc chiến đấu mà không nắm chắc phần thắng, chúng ta đã chọn giải pháp thứ nhất. Tuy nhiên, địch có thể tăng viện, nhưng không phải là tăng viện bao nhiêu cũng được, nhất là trong khi quân ta đã hạn chế việc tiếp tế vận chuyển của chúng, trong khi trên khắp các chiến trường cả nước quân ta lại tích cực hoạt động. Chúng tăng cường thì một mặt có thêm lực lượng để đối phó với ta, nhưng mặt khác cũng tăng thêm khó khăn cho chúng.

Bộ đội ta có thể lo ngại vì bị tiêu hao và mỏi mệt, nhưng không phải không có cách nào để tránh hoặc giảm bớt sự tiêu hao mỏi mệt đó. Chúng ta phải hết sức chăm lo giữ gìn sức khỏe cho bộ đội, săn sóc việc ăn uống nghỉ ngơi, tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh ở mặt trận, lại phải tích cực đào công sự, ẩn nấp kín, chuẩn bị đầy đủ việc bổ sung quân số và nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng sau mỗi trận chiến đấu để bảo đảm tác chiến liên tục. Hoạt động dài thì dễ bị tiêu hao mỏi mệt, nhưng so với địch thì ta ở tuyến ngoài, tiến hay lui, đánh hay nghỉ, đều chủ động; còn địch thì ở tuyến trong và bị động; bất cứ lúc nào đều phải ở luôn dưới hầm, tinh thần căng thẳng, luôn luôn lo sợ quân ta tiến công. Vì vậy, chúng ta quyết không sợ tiêu hao mỏi mệt, quyết tìm mọi cách để khắc phục những hiện tượng đó, bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.

Thời gian hoạt động kéo dài, quả thật vấn đề cung cấp tiếp tế là một vấn đề hết sức khó khăn đối với ta. Trong các chiến dịch trước như chiến dịch Tây Bắc chẳng hạn, mặc dầu quy mô nhỏ hơn, lực lượng bộ đội ít hơn, chiến trường lại gần hậu phương ta hơn, mà cũng đã có những ngày bộ đội phải ăn cháo, lại có những lúc hầu như do khó khăn về cung cấp không giải quyết được mà phải bỏ ý định tác chiến. Chiến trường Điện Biên Phủ, ở cách xa hậu phương ta hàng 400 - 500km, các tuyến đường chi viện nhiều quãng hết sức hiểm trở, nếu không quân địch đánh phá, nếu thời tiết không thuận lợi, thì việc chi viện mặt trận chắc chắn sẽ gặp những khó khăn trở ngại hết sức lớn lao. Nhưng chúng ta quyết không thể vì muốn tránh những khó khăn về chỉ viện cung cấp mà lại áp dụng một phương châm tác chiến không bảo đảm thắng lợi. Ngược lại, để giành toàn thắng cho chiến dịch, chúng ta phải nâng cao tinh thần vượt qua gian khổ của tất cả các cán bộ và chiến sĩ, nâng cao tinh thần phục vụ tiền tuyến của các đơn vị cung cấp, vận tải tiếp tế, của các tổ chức dân công. Với quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự hy sinh cố gắng to lớn của nhân dân hậu phương, chúng ta tin tưởng có thể tiến hành được việc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Về mặt này, đối với địch thì cũng không phải mọi sự đều dễ dàng cả; nếu ta hạn chế hoặc cắt đứt được đường hàng không của chúng thì với nhu cầu lương thực, đạn dược rất lớn của chúng, với số thương vong ngày càng nhiều, với tinh thần bạc nhược của một quân đội đánh thuê, chúng sẽ gặp phải những khó khăn không thể lường được, không thể khắc phục nổi.

Một 1o ngại nữa là, nếu thời gian chiến dịch kéo dài thì mùa mưa càng gần lại. Mùa mưa ở chiến trường rừng núi có thể gây ra tai hại lớn, đường sá bị hư hỏng, công sự bị ẩm ướt sức khỏe bộ đội và dân công có thể bị ảnh hưởng. Nhưng so với quân địch thì ta ở trên cao, địch ở dưới thấp, công sự của chúng có thể bị sập đổ, nước ngập đầy hầm, chúng cũng không thể tập trung lên chỗ cạn và trống trải vì sợ hỏa lực của ta. Vì vậy thời tiết có thể gây khó khăn cho ta, nhưng đồng thời cũng gây những khó khăn lớn cho địch.

Để chủ động trong mọi tình huống, trong lúc tích cực chuẩn bị theo phương châm đánh chắc tiến chắc, chúng ta cũng dự kiến phương án chuyển sang đánh nhanh giải quyết nhanh khi có thời cơ. Nếu ta chuẩn bị đầy đủ để đánh chắc tiến chắc thì khi cần, chúng ta hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để chuyển sang đánh nhanh giải quyết nhanh(1).

Thực tiễn của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự đúng đắn của phương châm đánh chắc tiến chắc. Phương châm chỉ đạo đó đã đưa chiến dịch đến toàn thắng. Thể hiện phương châm đánh chắc tiến chắc, nội dung kế hoạch tác chiến của ta ở Điện Biên Phủ gồm gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiêu diệt mỗi lần một hay một số trung tâm đề kháng của địch, hình thành và thắt chặt vòng vây, hạn chế đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Theo dự kiến, chiến dịch có thể gồm hai giai đoạn:

a) Một giai đoạn tác chiến nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa tiến công và bao vây, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, hạn chế đi đến triệt nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch.

b) Khi mọi điều kiện đã được tạo nên đầy đủ thì chuyển sang thời kỳ tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Diễn biến chiến sự đại thể theo đúng phương hướng nói trên, nhưng đi vào cụ thể thì có phần phức tạp hơn.

------------------------------------

(1) Nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”, trong việc chì đạo công tác chuẩn bị ta đã chú trọng cả hai mặt: chuẩn bị đầy đủ và tranh thủ thời gian. Trước đây vì muốn tranh thủ thời gian nên chuẩn bị chưa đầy đủ. Lúc nay đề ra chuẩn bị đầy đủ, chúng ta đã chú ý đề phòng khuynh hướng kéo dài, không tích cực khẩn trương để tranh thủ thời gian. Chúng ta đã đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị trẽn mọi mặt, nhất lả việc chuẩn bị thêm đường mới cho pháo, chuẩn bị trận địa và kỹ thuật bắn của pháo binh, chuẩn bị thêm về vật chất và tinh thần, về kỹ thuật và chiến thuật cho bộ dội; đồng thời chúng ta cũng tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tình hình địch, nhất là nhưng thay đổi về binh lực và cách bố trí của chúng trong tung thâm.
Logged

ngochai
05-05-2014, 12:41 PM
Đối với mặt trận Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là tập trung đại bộ phận chủ lực của ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch với sự phối hợp của các chiến trường hay là chỉ tiếp tục bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giam chân chủ lực của địch ở đây, để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt quân địch ở các hướng khác. Đó là vấn đề hướng chiến lược chủ yếu của chủ lực ta trong cục diện cụ thể lúc bấy giờ. Khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là phải đánh như thế nào đế bảo đảm cho chiến dịch lịch sử này giành được toàn thắng. Đó là vấn đề nghệ thuật chiến dịch và vấn đề chiến thuật.

Chúng ta đều biết rằng các vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật nói trên chính là nội dung chủ yếu của nghệ thuật quân sự. Và nghệ thuật quân sự không phải cái gì khác là nghệ thuật tạo nên một sức mạnh áp đảo nhằm cuối cùng tiêu diệt quân địch, đánh thắng chúng mà ta thì hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất. Nghệ thuật tạo nên sức mạnh ấy bao giờ cũng phải tính đến điều kiện cụ thể của ta và của địch về bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật; phải tính đến điều kiện mọi mặt trên chiến trường chính và cả trên chiến trường phối hợp, lại còn nhất thiết phải tính đến ý đồ chiến lược của địch và những biện pháp chiến thuật và kỹ thuật mà địch có thể sứ dụng để thực hiện ý đồ ấy.

Ngay sau khi chủ lực của địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm bám sát địch, bao vây địch, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. Cho đến khi lực lượng của địch ngày càng tăng thêm, bao gồm nhiều đơn vị tinh nhuệ của khối cơ động chiến lược của chúng, tập đoàn cứ điểm trước xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chúng ta đã căn cứ vào tình hình địch, ta như thế nào để hạ quyết tâm chiến lược quan trọng

Một là, vì chúng ta đã sớm xác định chiến trường chính là chiến trường Bắc Bộ, hướng tiến công chủ yếu của chủ lực ta phải là chiến trường miền núi, cụ thể lúc bấy giờ là chiến trường Tây Bắc. Chúng ta đã chọn hướng chiến lược chủ yếu như vậy là xuất phát từ nhiều lý do, một trong những lý do quan trọng là vì trong điều kiện địch có hỏa lực không quân, pháo binh và cơ giới mạnh, quân ta trang bị và kỹ thuật còn kém hơn thì tác chiến ở địa hình rừng núi đối với ta tương đối có lợi hơn so với địa hình đồng bằng.

Hai là, vì kẻ địch ở Điện Biên Phủ, tuy mạnh nh ưng ở vào thế bị cô lập; việc tiếp tế và bảo đảm hậu cần bằng đường hàng không có thể bị ta hạn chế và cắt đứt. Đó là chỗ yếu chí mạng của chúng.

Ba là, vì bộ đội chủ 1ực của ta 1úc bấy giờ đã có những tiến bộ lớn về chiến dịch và chiến thuật. Quân ta đã có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc và đã được rèn luyện một bước để tiêu diệt địch trong tập đoàn cứ điểm.

Bốn là, vì tuy Điện Biên Phủ ở xa hậu phương ta, nhưng ta đã chuẩn bị các tuyến đường nhằm sử dụng chủ lực trên hướng Tây Bắc; vấn đề tiếp tế hậu cần tuy khó khăn nhưng có thể giải quyết được.

Năm là, vì thế chiến lược chung ngày càng ở thế có lọi cho ta, lực lượng cơ động của địch ngày càng bị phân tán, quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên khắp các chiến trường.

Như vậy, nếu đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì trên hướng chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Đó cũng là sự biểu hiện sinh động của sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng ta.

Trong chỉ đạo chiến tranh, có được một quyết định chiến lược chính xác là một nhân tố quan trọng vào bậc nhất. Nhưng khi đã có quyết định chiến lược chính xác, muốn đảm bảo giành được thắng lơi thì còn phải giải quyết đúng đắn các vấn đề nghệ thuật chiến dịch, về chiến thuật nữa.

Có thể nói rằng, trong một trận đánh, lực lượng hai ra trận như thế nào mới là điều kiện , là khả năng cho môi một bên để giành lây thắng lợi. Thắng lợi ấy còn do cách đánh quyết định. Trước một kẻ địch nhất định, với một lực lượng nhất định của ta, đánh như thế này có thể thắng to, đánh như thế kia có thể thắng nhỏ, thậm chí có khi bị thất bại. Rõ ràng cách đánh có tầm quan trọng quyết định để biến khả năng thắng lợi thành hiện thực.

Đứng về chiến dịch mà nói, trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta đã quyết định vận dụng phương châm đánh nhanh thắng nhanh, tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng mớ cuộc tiến công từ một số hướng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ba đêm hai ngày Theo phương châm ấy, một kế hoạch tác chiến cụ thể đã được đề ra; mọi mặt công tác chuẩn bị đã được triển khai rất khẩn trương; các sư đoàn chủ lực của ta đã được giao nhiệm vụ, các đơn vị pháo binh đã được kéo vào trận địa; công tác bảo đảm hậu cần trên hỏa tuyến đã được đẩy mạnh; mạng thông tin liên lạc đã được tổ chức. Công tác chính trị đã động viên bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Quân ta chỉ đợi lệnh là bắt đầu nổ súng.

Trong suốt thời gian chuẩn bị, chúng ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng, phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. Đến ngày 26 tháng 1 năm 1954, khi kiểm tra tại tình hình địch, ta về mọi mặt thì chúng ta đi đến kết luận: tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước, trong tình hình đó, kế hoạch đánh nhanh không thể bảo đảm chắc thắng được. Sáng ngày 26, vào 1úc 11 giờ, ta quyết định thay đổi cách đánh, bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc. Chiều ngày 26, toàn bộ lực lương ta đã được lệnh rút ra khỏi trận địa, trở về nơi tập kết, các đơn vị pháo binh trước đây đã được lệnh kéo pháo vào đến nay lại được lệnh kéo pháo ra. Và để yểm trợ cho cuộc tạm thời thu quân, sư đoàn 308 đã được lệnh phối hợp cùng Quân giải phóng Pathét Lào, lập tức mớ cuộc tiến quân về hướng Luông Phabăng, vừa tiêu diệt sinh lực địch vừa thu hút hầu hết không quân của địch về hướng đó. Một công cuộc chuẩn bị mới với mộ t khối 1ượng công tác tham mưu, chính trị và hậu cần rất lớn lại được triển khai. Cho đến khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, quân địch tưởng rằng ta đã bỏ ý định mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì ngày 13 tháng 3, quân đội ta mớ đầu cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm. Thắng lợi của chiến dịch chứng tỏ rằng sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác. Nó đã có ý nghĩa quyết đinh đối với thắng lợi của chiến dịch.

Vận dụng phương châm đánh chắc tiến chắc hoàn toàn không có nghĩa là khi điều kiện mọi mặt đã thay đổi có lợi cho ta, khi các thắng lợi liên tiếp của quân ta đã từng bước tạo nên thời cơ mới, thì ta không chuyển sang đánh nhanh thắng nhanh. Thực tế chiều ngày 7 tháng 5, khi tình hình địch đã có dấu hiệu rối loạn, tinh thần suy sụp, thì quân ta lập tức được lệnh nắm lấy thời cơ, vào 15 giờ đã mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm, đến 17 giờ 30 phút thì tiêu diệt toàn bộ quân địch ớ Điện Biên Phủ.

Ở đây tôi muốn phân biệt rõ giữa một quyết định tác chiến chính xác với tinh thần kiên quyết chiến đầu của quân đội. Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dạng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy.

Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phương pháp cách mạng là vân đề quyết định. Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là mộit trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy.

Vấn đề phương pháp tác chiến đã được phát huy đến trình độ mới với nội dung hết sức phong phú và sáng tạo trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước sau này và là một trong những nhân tố đã đưa cuộc kháng chiến ấy đến thắng lơi cuối cùng.

ngochai
05-05-2014, 12:44 PM
.
.

CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ

DIỄN BIẾN CỦA TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ

Tử khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ cho đến lúc quân ta tiến công tiêu diệt Điện Biên Phủ, thời gian gần bốn tháng.

Trong thời gian đó, địch đã ra sức tăng thêm binh lực, đào thêm hào chiến đấu và hào giao thông, tăng cường công sự, củng cố hệ thống phòng ngự của chúng. Trong thượng tuần tháng 12 năm 1953, sau khi Nava đã hạ quyết tâm biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, thì quân địch đã đề ra một kế hoạch phòng thủ gồm bốn bước:

Bước thứ nhất: Làm chậm bước tiến của quân ta bằng cách dùng không quân oanh tạc các đường chuyển quân của ta, các đường giao thông chính từ Yên Bái và Thanh Hóa đi Tây Bắc.

Bước thứ hai: Tiến hành oanh tạc dữ dội để đánh bật quân ta ra khỏi Lai Châu.

Bước thứ ba: Chặn các cuộc tiến công của ta vào Điện Biên Phủ, gây cho ta những thiệt hại nặng.

Bước thứ tư: Khuếch trương chiến quả, mở rộng vùng chiếm đóng của chúng.

Vào cuối tháng 11 năm 1953, quân địch dự định mở một cuộc hành binh đánh vào vùng Thái Nguyên - Chợ Chu để phá hủy kho tàng và thu hút chủ lực của ta. Sau khi cân nhắc lợi hại, chúng nhận thấy không đủ khả năng để thực hiện kế hoạch đó, một mặt vì thiếu binh lực, mặt khác vì sợ vấp phải thất bại như trong cuộc đánh ra Phú Thọ - Đoan Hùng năm trước.

Chúng bèn tăng cường các cuộc ném bom và bắn phá các đường hành quân tiếp tế của ta, có khi suốt cả ban ngày và ban đêm, mong đánh vào một nhược điểm quan trọng của ta là việc chi viện cung cấp cho tiền tuyến, để phá kế hoạch tiến công của ta.

Đẩy mạnh công tác chuẩn bị; mở đường kéo pháo; xây dựng trận địa cho pháo binh và bộ binh; chuẩn bị về cung cấp tiếp tế, chuẩn bị lực lượng bộ đội về mọi mặt, theo dõi tình hình địch.


http://static.kienthuc.net.vn:81/Images/Contents/maianh/20130506/ktt_phaocaoxadb1_kienthuc.jpg

Chính trong điều kiện quân địch đã chuẩn bị đề phòng và dùng mọi thủ đoạn để đối phó, chúng ta đã tiến hành một công cuộc chuẩn bị hết sức to lớn để thực hiện quyết tâm của Trung ương là mở cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân và toàn dân ta đã tập trung lực lượng, cố gắng đến tột bậc để giành thắng lợi lớn cho các cuộc tiến công Đông Xuân của ta mà điểm trung tâm là mặt trận Điện Biên Phủ.

Trên chiến trường cả nước, như đã nói rõ trong phần III, quân ta đã mở nhiều cuộc tiến công thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động khắp nơi, giải phóng nhiều địa phương quan trọng, trong đó có các khu vực xung quanh Điện Biên Phủ, làm cho Điện Biên Phủ ở vào tình trạng hoàn toàn cô lập đồng thời giảm bớt trong một chừng mực nào khả năng tăng viện của địch lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, chúng ta đã xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch to lớn sắp tới

a) Khi địch mới nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ thì Điện Biên Phủ là một vị trí ở cách xa hậu phương của ta, chỉ nối đến với đường số 41 bằng một con đường ngựa dài gần 100km. Đó là con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, đã lâu địch và ta đều ít dùng đến. Con đường đi qua những đồi núi liên tiếp trên những độ dốc khá cao, bị cắt đứt bởi gần 100 con suối lớn nhỏ.

Muốn sử dụng chủ lực, nhất là pháo binh, mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì vấn đề đặt ra trước tiên là phải gấp rút mở con đường Tuần Giáo - Điện Biên để xe hơi có thể chạy được. Quân và dân ta đã khắc phục những khó khăn rất lớn, mở được đường, bắc được hàng chục chiếc cầu qua suối trong một thời gian tương đối ngắn. Về sau, cho đến khi chiến dịch kết thúc, các đơn vị công binh đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững con đường được tốt, mặc dầu địch càng ngày càng tăng cường phá hoại, mưa to và nước lũ gây thêm cho ta rất nhiều khó khăn.

b) Quân ta đã mở đường và kéo pháo vào trận địa. Lúc đầu khi ta tranh thủ điều kiện địch còn sơ hở để đánh nhanh giải quyết nhanh, pháo binh của ta đã được di chuyển bằng xe hơi đến vùng phụ cận Điện Biên Phủ, rồi từ đó cho đến trận địa dã chiến, bộ đội ta đã từng dùng sức người để kéo pháo trong suốt bảy ngày đêm liền.

Trong điều kiện đánh phá ác liệt của máy bay và pháo binh dịch, việc dùng sức người kéo những khẩu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vượt đèo cao, suối sâu trong gần 10 ngày đêm liền trên đoạn đường đài 15km rừng núi, là một thử thách rất lớn đối với chúng ta trong lần đầu đưa pháo lớn ra trận. Với quyết tâm cao và kế hoạch tổ chức ngày càng hoàn chỉnh, hàng ngàn chiến sĩ bộ binh và pháo binh đã vượt qua mọi khó khăn, lập kỳ công bí mật đưa được pháo vào trận địa.

Đến khi phương châm đánh chắc tiến chắc được xác định, để tăng cường việc chuẩn bị, bộ đội ta lại kiên quyết kéo pháo ra. Trong hai mươi ngày đêm liên tục kéo pháo đầy gian khổ hy sinh, cán bộ và chiến sĩ ta đã nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếp đó, chúng ta đã mở năm con đường mới để có thể vận chuyển pháo binh bằng xe hơi, tạo điều kiện sử dụng pháo bình một cách cơ động hơn. Đây là những con đường được mở qua các sườn núi và ngọn đèo ở xung quanh Điện Biên Phủ, trong tầm hỏa lực pháo binh của địch, qua những nơi từ trước đến nay chưa bao giờ có một vết đường con nào cả. Bộ đội ta đã bạt núi xẻ đồi, hoàn thành được nhiệm vụ mở đường cho pháo binh trong thời gian quy định. Những con đường ấy đã được bảo quản tốt và giữ được bí mật nhờ ngụy trang kín đáo mãi cho đến lúc chiến dịch kết thúc.

Để chuẩn bị mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, pháo binh của ta lại được di chuyển qua các con đường mới đó, và trên những đoạn đường quá hiểm trở xe hơi không thể đi qua thì pháo lại được kéo vào trận địa bằng sức người. Việc mở đường cho pháo binh và kéo pháo vào trận địa là một cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của các đơn vị bộ đội pháo binh và bộ binh, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu và lao động của một quân đội cách mạng. Trong khi làm đường và kéo pháo, cán bộ và chiến sĩ ta đã tỏ ra hết sức dũng cảm và cần cù, không ngại pháo binh và không quân của địch, tích cực lao động, ra sức phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ trong những trường hợp khó khăn gian nguy, đã từng có những đồng chí hy sinh thân mình để bảo vệ pháo.

Kết quả là trái với dự đoán của địch cho rằng ta không có cách nào chuyển pháo binh đến gần tập đoàn cứ điểm của chúng, bộ đội ta đã chuyển hàng trăm tấn pháo và đạn dược, vượt qua hàng chục dốc cao vực thẳm, đưa được pháo vào trận địa.