PDA

View Full Version : KHỔNG TỬ - Tính Cách và Lối Sống Của Bậc Thánh Nhân



ngochai
02-06-2012, 01:15 PM
Lời Bạt

Từ xưa tới nay hầu hết các học giả viết về học thuyết Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫn Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Khổng tử gia ngữ… làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì trong những sách dẫn trên, ngoài bộ Luận ngữ là đáng tin nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của Khổng tử.

Muốn hiểu về Khổng Tử và Đạo Khổng thì không thể không tìm hiểu thông tin về tiểu sử và đời sống của Khổng Tử.

(Bài viết được sưu tầm-Nguyễn Hiến Lê)

ngochai

------------------------------------------------


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/5/54/Confucius_Tang_Dynasty.jpg
Một tác phẩm hội họa về Khổng Tử, của họa sĩ Ngô Đạo Tử (680–740) thời kỳ Nhà Đường.


LỐI SỐNG

Chúng ta chỉ biết được ít điều chắc chắn về đời Khổng tử – tôi không tin chắc lắm những việc Tư Mã Thiên chép về thời ông tham chính ở Lỗ – chúng ta cũng không biết chân dung ông ra sao. Có nhiều sách bảo ông to lớn, lùn, có tướng ngũ lộ – một tướng quí hiển: mắt lồi, trán gồ, mũi sư tử, yếu hầu lồi, răng ho, bàn tay to, miệng rộng, râu rậm; người ta quen hình dung ông như vậy, trong một bộ triều phục đại phu; nhưng đúng hay không thì không ai biết. Hình ảnh đó cho tôi cảm tưởng một ông lão đạo mạo, nghiêm trang, chỉ hợp một phần nào với tính tình của ông tả trong Luận ngữ thôi.

Những người chép Luận ngữ sao mà ghi tỉ mỉ thế, từ những lời nói đùa, tới những cử chỉ hàng ngày, những thói quen kì cục của ông, khiến cho người đời sau biết rõ tính tình, lối sống của ông còn hơn là tư tưởng của ông nữa. Phần tư tưởng này ngày nay đã có nhiều điểm lỗi thời, có triết gia chính trị nào dựng một học thuyết cho hai ngàn rưỡi năm sau bao giờ? – nhưng con người của ông thì tôi chắc đời nào cũng có người quí mến. Không một triết gia Trung Hoa nào gây cho ta được nhiều cảm tình như ông, và không một nhà giáo Trung Hoa nào được môn sinh ngưỡng mộ, thương tiếc như vậy, phần lớn là nhờ tư cách và tính tình của ông.

Trong cuốn Nhà giáo họ Khổng, chúng tôi đã phác qua tư cách của ông, ở đây xin bổ túc ít điều.

Luận ngữ có một thiên đặc biệt là thiên Hương đảng gồm 18 bài mà trừ bài cuối, còn thì chuyên ghi chép thái độ, cử chỉ, nét mặt, dáng đi của ông, khi ở triều đình, ở làng xóm, ở nhà, ngồi xe… chép một cách rất trung thực. Phải là những người thán phục ông tới nỗi coi nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất tiếu của ông đều đáng là bài học cho đời sau; lại thương tiếc vô cùng, muốn khắc vào óc mình bất kì một nét nào của của ông, mới nảy ra ý làm công việc đó được. Và nhờ vậy mà thiên Hương đảng thành một thiên đặc biệt nhất, không tiền khoáng hậu trong văn học Trung Quốc.

Nhiều người không thích thiên đó, vì thấy ông: Khó tính, chẳng hạn món ăn mà chín quá, không ăn; cắt không ngay ngắn (hoặc không đúng cách) không ăn; nước chấm không thích hợp, không ăn…; rượu bán ở cửa hàng không uống, thịt mua ở chợ không ăn… (bài 8);

Kì cục, như cắt áo thì tay áo bên phải ngắn hơn bên trái để dễ làm việc; không bận áo màu hồng và màu tía, vì không phải là chính sắc (bài 6); khi lên xe thì đứng ngay ngắn rồi mới nắm lấy sợi dây để bước lên, ngồi xe thì không quay đầu lại, không nói nhanh, không chỉ trỏ (bài 17); ở triều đình, khi rảo bước tiến lên thì hai cánh tay đưa thẳng ra như cánh chim (bài 3, 4) theo Tư Mã Thiên thì ngay thời Khổng tử, các đại phu nước Tề cũng đã chê thói đưa cánh tay ra như chim đó rồi; Ở triều đình, cung kính thái quá, có vẻ như giả dối: “Khi vua lâm triều, thì ông cung kính, có vẻ không yên tâm” (bài 2). “đi ngang qua ngai vua (dù là ngai trống) ông biến sắc, chân bước run run, nói như chẳng ra lời” (bài 4); khi đi sứ nước ngoài, cầm thẻ ngọc khuê thì ông khom khom như bưng chẳng nổi (…) ông biến sắc như sợ sệt, chân ren rén từng bước như noi theo một vật gì” (bài 5).

Những lời chê đó có lí một phần cả đấy; nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy ông cũng có những điểm đáng cho học: Cách ăn ở của ông hợp vệ sinh: thức ăn mà sắc đã biến, hư rồi, không ăn, mùi hôi cũng không ăn, không đúng bữa không ăn, ăn thịt ít hơn cơm, rượu không uống tới say… (bài 8).

Cách mặc thì lựa màu thích hợp nhau: áo ngoài và áo trong cùng một màu, hoặc cùng đen, cùng trắng, cùng vàng cả, tùy màu; ông quả có óc thẩm mỹ; lại thực tế, có sáng kiến nữa: áo ngủ dài gấp rưỡi thân người, để phủ kín mình và chân. Như vậy, ta thấy ông làm việc gì cũng suy nghĩ chín chắn không theo thói đời, không sợ khác người.

Còn thái độ của ông ở triều đình thì chúng ta sẽ xét trong chương V, tiết Đức trị.


ngochai

ngochai
02-06-2012, 01:19 PM
TƯ CÁCH, TÍNH TÌNH

Thiên Hương đảng cho ta biết tỉ mỉ về lối sống của Khổng tử; về tính tình của ông thì ta phải lượm rải rác trong tất cả các thiên khác. Ở đây tôi chỉ ghi lại hai nét mà tôi cho là nổi bất nhất trong cá tính của ông: Ông có uy mà lại rất khả ái Ông rất “humain” – có tình người, mà cũng có một số nhược điểm của con người, tuy cao thượng hơn chúng ta những cũng rất gần chúng ta.

Ông có uy. Bài VII.37 bảo “Tử… uy nhi bất mãnh” (Khổng tử oai vệ mà không dữ dằn”; bài XIX.25, Tử Cống bảo ông “khi sống được mọi người tôn kính”. Cái uy đó do ông “ôn hòa mà nghiêm trang” (bài VII.37) ít nói nhưng hễ nói thì xác đáng, thâm thúy.

Bài XVII.19 ông bảo ông không muốn nói…vì Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn qua lại, vạn vật vẫn sinh trưởng. Khác hẳn Mặc tử, Mạnh tử, dù dạy bảo môn sinh hay đáp lời các vua chúa, ông chỉ vắn tắt một câu, hai câu, chứ không thao thao bất tuyệt. Chẳng hạn Phàn Trì hỏi về nhân, ông đáp: “Ái nhân” (bài XX.22); lần khác ông khuyên Tử Cống: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (bài XV.23); Quí Khang tử hỏi ông về chính trị, ông đáp: “Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính” (Chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính?) – (bài XII.17); Tề Cảnh ông cũng hỏi ông về chính trị, ông chỉ đáp: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (bài XII.11). Toàn là những câu đáng làm châm ngôn cả. Chỉ có một lần ông giận quá mắng Nhiễm Hữu một hơi, giọng rất hùng hồn, nhưng cũng chỉ dài khoảng 120 chữ, mà lời cũng rất thâm thúy.

Bài XVI.1 đó tôi đã giới thiệu trong một đoạn ở chương II. Ông thường khuyên môn sinh phải cẩn thận lời nói (I.14, IV.24). Ông rất ghét những kẻ xảo ngôn (bài I.3, V.24) Mặc dầu ông khuyên môn sinh học Kinh Thi để biết ăn nói, đối đáp, nhưng ông cũng bảo người quân tử không cần có tài ăn nói. Nhưng nguyên nhân chính cái oai của ông là ở chỗ đức ông cao và sở học ông rộng.

Ông suốt đời dạy học, bất kì hạng người nào ông cũng nhận, không một chút vị lợi; rồi ông bôn ba mười ba năm để tìm cơ hội thi hành đạo cứu đời của ông, “biết rằng không thể làm được mà cũng làm” (XIV.39); khi thầy trò bị tuyệt lương ở khoảng Trần, Thái, môn sinh đói quá, đau, không ngồi dậy được có người phẫn uất, hỏi ông: “Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư?”, ông bình thản đáp: “Người quân tử có khi khốn cùng là lẽ cố nhiên, kẻ tiểu nhân khốn cùng thì làm càn”. (XV.1); ông không cần ai biết mình (IV.14), không tranh với ai (III.7); ông “dục lập nhi lập nhân” (VI.28); việc gì cứ hợp nghĩa thì làm (IV.10)…, đức của ông ở đó.

Còn sự hiếu học của ông thì không ai bằng: đi đâu cũng học, gặp điều gì cũng hỏi, không thẹn gì việc hỏi người dưới, mê học nhạc Thiều tới không biết mùi thịt trong mấy tháng, học tới quên già.

Tôi thích bài VII.18 trong đó ông tự xét mình: Một đại phu nước Sở, làm quan lệnh ở huyện Diệp hỏi Tử Lộ về ông. Tử Lộ không biết đáp sao. Khổng tử bảo Tử Lộ: “Sao anh không đáp: ông ấy là người phát phẫn đọc sách (tìm hiểu đạo lý) đến quên ăn, khi tìm được rồi thì vui sướng đến quên mọi lo buồn, không biết rằng cái già nó tới nơi rồi, như vậy đó”. Trách chi ông chẳng nổi tiếng là nhà bác học nhất thời đó, và các vua chúa gặp điều gì không hiểu chẳng sai người lại hỏi ông. Suốt thời Tiên Tần, không có ai coi trọng sự học như ông, và trong số môn sinh xa của ông, có lẽ chỉ Tuân Tử là noi gương được ông.

Cái uy của ông như vậy hoàn toàn do tư cách của ông, cho nên mọi người đều phục ông, kính ông.
Đặt biệt nhất là ông vừa có uy vừa rất khả ái. Ông khả ái trước hết vì ông yêu đời yêu người.

Thiên Hương đảng đã cho ta thấy ông biết hưởng những lạc thú nhỏ ở đời: ăn ngon, mặc ấm và có mỹ thuật; thịt cá phải tươi, phải cắt ra sao, có nước chấm thích hợp…, mặc thì mỗi mùa một khác, màu sắc phải hợp với nhau, nhưng cái gì cũng vừa phải thôi, trừ khi uống rượu thì gặp lúc vui, gặp bạn quý ông có thể uống nhiều, nhưng không để tới say.

Ông vốn không ham phú quý, biết an bần lạc đạo. Bài VII.15, ông bảo: “Ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, trong cảnh đó cũng có cái vui”. Nhưng làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như mây nổi”. Ông rất khen Nhan Hồi: “Hiền thay, anh Hồi. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người khác ưu sầu không chịu nổi cảnh khốn khổ đó, anh Hồi thì vẫn không đổi niềm vui. Hiền thay anh Hồi” (VI.9). Ông cũng khen Tử Lộ là không xấu hổ vì bận áo xấu mà đứng chung với người bận áo đẹp, quí (IX.26). Và ông khuyên môn sinh học đừng vì bổng lộc (VIII.12), chỉ nên cầu đạt đạo, chứ không cầu chuyện ăn (nghĩa là bổng lộc), chỉ nên lo không đạt đạo chứ không lo nghèo (ưu đạo bất ưu bần – XV.31).

Nhưng ông không chê sự phú quí, nếu họ hợp nghĩa, hợp đạo. Cho nên ông bảo “phú quí mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người ta cũng làm; phú quí mà không thể cầu được thì ta cứ theo sở thích của ta” (VII.11). Mà sở thích của ông là học suốt đời, dạy người không mỏi, sửa đổi xã hội, ngâm thơ (Kinh Thi), học nhạc (ba tháng học nhạc Thiều ở Vệ), ca hát (gặp người nào hát hay, ông bảo hát lại cho ông cùng hát), ông quả là một nghệ sĩ yêu đời, một triết gia có nhân sinh quan khoáng đạt. Ông biết hưởng lạc ở đời, mà cách sáng suốt nhất để hưởng lạc là gặp cảnh nào sống theo cảnh nấy: “Tố phú quí hành hồ phú quí, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di địch hành hồ di địch”.

Một môn sinh là Nguyên Tư, làm gia thần cho ông khi ông làm Tư Khấu ở Lỗ. Cứ theo lệ của nhà nước, ông phát cho Nguyên Tư chín (hay năm) trăm học (hay đấu) lúa. Nguyên Tư vốn nghèo mà thanh liêm, thấy bổng lộc nhiều quá, từ chối, như vậy là biết ở trong cảnh nghèo hèn mà không biết ở trong cảnh giàu sang. Ông bảo: “Đừng từ chối. Nếu thấy dư thì đem chu cấp cho những người trong làng xóm”. (VI.3).

Có hồi chán nản vì xã hội Trung quốc, ông muốn qua ở với các dân tộc thiểu số ở miền Đông (Cửu Di). Có người bảo: “Các nơi đó bỉ lậu, làm sao ở được?” Ông đáp “Người quân tử lại ở (giáo hóa họ) thì còn gì bỉ lậu nữa?” Ông chỉ nói vậy thôi chứ không đi, nhưng nếu đi thì chắc ông cũng tìm thấy cái vui ở các nước đó (như sau này Tô Đông Pha đời Tống tìm thấy cái vui ở đảo Hải Nam với dân tộc Lê), mà cải hóa phong tục của dân bản xứ được.

Tôi thích nhất bài XI.25, nó cho thấy bản tính yêu đời, nhiều nét khả ái của ông, tinh thần lạc quan của ông, khác hẳn hình ảnh một ông lão nghiêm khắc, cố chấp, lúc nào cũng thủ lễ mà nhiều người không đọc kỹ Luận ngữ thường tưởng tượng lầm về ông. Nghệ thuật tự sự và tả người trong bài cũng cao. Tôi xin phép chép lại trọn bài dưới đây; độc giả có đọc đi đọc lại bốn năm lần cũng vẫn còn tìm thấy thêm được ý vị.


ngochai

ngochai
02-06-2012, 01:22 PM
TƯ CÁCH, TÍNH TÌNH

(tiếp theo)

“Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng tử bảo: “Các anh cho rằng ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả (Lời ông thật nhũn). Ở nhà các anh thường nói: “Chẳng ai biết ta”. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng?” Tử Lộ vội vàng: - Ví như một nước có một ngàn cỗ xe, bị ép giữa hai nước lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ; cho tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà lại biết đạo lí nữa. Khổng tử mỉm cười rồi hỏi: “Còn anh Cầu thì thế nào?” (Nhiễm Hữu) đáp: - Như có một nước vuông vức sau bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm. Cầu tôi cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về lễ nhạc thì đợi xin bậc quân tử.

(Khổng tử lại hỏi) “Xích, còn anh thì thế nào?” (Công Tây Hoa) đáp: - Về lễ nhạc tôi không phải là giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở ngôi miếu hoặc trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ chương phủ mà xin làm một tên tiểu tướng (vị quan nhỏ coi việc lễ).

(Khổng tử lại hỏi) “Điểm, còn anh thì thế nào?” Lúc đó Tăng Tích gảy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống “keng!”, mà đứng dậy đáp: - Chí của tôi khác ba anh đó. Khổng tử bảo: - Hại gì, cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi. Tăng Tích thưa: - Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sau người vừa tuổi đôi mươi, với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà.

Khổng tử trầm ngâm một chút rồi than: - Ta cũng muốn như Điểm vậy”. Khổng tử rất muốn hưởng thú nhà, có lẽ không kém Lão tử sau này, nhưng vì còn xã hội, nhân quần nên không thể ở ẩn được. Một hôm Tử Lộ hỏi đường một nông phu là Kiệt Nịch, Kiệt Nịch đã không chỉ đường mà còn khuyên thầy trò Tử Lộ nên tránh đời ô trọc, mà ở ẩn như mình. Tử Lộ về kể lại cho Khổng tử nghe, ông bùi ngùi nói: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú; ta không sống chung với người trong xã hội thì sống chung với ai? Nếu thiên hạ thịnh trị thì Khâu này cần gì phải sửa đổi nữa”.

Lời đó phát từ tấm lòng yêu người thắm thiết của ông. Mặc dầu sống trong một thời loạn, (coi lại chương đầu) thấy bao nhiêu cảnh phản loạn, tàn bạo, dâm bôn; mặc dầu ông chê thời ông đạo đức đã suy, người ta phần nhiều giả dói, nói mà không làm (XVI.11), hiếu sắc hơn hiếu đức…: vua thì như Tề Cảnh công “có bốn ngàn con ngựa mà không có đức gì để người dân khen” (XVI.12), đại phu thì như Tử Tây, một đại phu nước Trịnh khiến ông chỉ bĩu môi, bảo: “Con người ấy! Con người ấy!” (XIV.9)…; mặc dầu vậy ông vẫn tin ở con người.

Ông không như Mạnh tử, Tuân tử, bảo “ai ai cũng có thể thành Nghiêu, Thuấn được”, mà chỉ cho rằng “bản tính con người gần giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau” (XVII.2), nghĩa là đại đa số có thể cải hóa được, trừ một số ít là “bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi” (XVII.3): bậc thượng trí tức bậc thánh, “mới sinh ra đã biết rồi” (sinh nhi tri chi), không cần ai dạy nữa; còn kẻ hạ ngu thì dù gặp cảnh thất bại rồi, cũng không chịu học, chịu sửa tính để tránh thất bại về sau. (XVI.9) (Xin coi thêm Đại cương Triết học Trung quốc của chúng tôi – Quyển hạ tr.68 trở đi – Cảo thơm 1965 – Ở đây tôi không muốn trở lại vấn đề đó, mà chỉ xét tính tình Khổng tử thôi).

Vì tin ở bản tính con người nên ông mới “hối nhân bất quyện”, và bôn ba hết nước này tới nước khác tìm cơ hội cải tạo xã hội. Ông cho yêu người, giúp người là đức cao quí nhất, cho nên khi Phàn Trì hỏi về đức nhân, ông đáp: “Nhân là yêu người” (XII.22); và sau khi Tử Lộ tỏ chí hướng của mình là mong được giàu sang để bạn bè hưởng chung, hỏi lại ông về chí hướng của ông, ông đáp: “Ta muốn các người gia được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về”. (Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi – V.25). Đó là mục đích mà tới ngày nay loài người vẫn còn đương theo đuổi.

Ông biết là trong xã hội có nhiều người xấu, nhưng cách xử sự của ông vừa nhân, vừa trí. Ông bảo: “Không tiên liệu rằng người ta gạt mình, đứng ức đoán rằng người ta không tin mình, nhưng gặp những người như vậy, mình biết được ngay, như vậy là hiền đấy!” (XIV.31).

Ông ghét một số người như bọn “xảo ngôn lệnh sắc” (I.3) bọn bẻm mép lợi khẩu (XVII.18), bọn “hương nguyện” (giả đạo đức, làm bộ cao thượng XVII.13), “ghét người nói điều xấu của kẻ khác, ghét kẻ dưới mà hủy báng người trên, ghét kẻ dũng cảm mà vô lễ, ghét người quả cảm mà cố chấp” (XV.24); ghét kẻ bóc lột người khác để làm giàu, và một lần ông muốn đuổi Nhiễm Cầu đi, không nhận là học trò mình nữa, vì Nhiễm Cầu nghe lời chủ là Quí Thị, thu thuế nặng của dân. (XI.16)…

Nhưng ông cũng khuyên không nên ghét bỏ ai thái quá, nhất là kẻ bất nhân, vì không cho họ cơ hội để ăn năn, gạt bỏ hẳn ra thì họ sẽ nổi loạn (VIII.10). Và ông khuyên người ta phải khoan hồng, nhất là những kẻ ở địa vị cao: “Bậc trên mà không khoan hồng, trong việc tế lễ mà không nghiêm túc, gặp việc tang mà không bi thương, hạng người như vậy còn có gì cho ta xét nữa?” (III.26).

Nếu ai có lòng tu tỉnh, xin học ông thì dù dĩ vãng không tốt, ông cũng thâu nhận, tức như trường hợp một thanh niên làng Hổ (một làng dân có tiếng là ác nghịch) lại xin học, môn sinh có người không muốn ông nhận, ông bảo: “Người ta tiến bộ thì mình tán thành, thoái bộ thì không tán thành, hà tất phải (nghiêm khắc) thái quá. Người ta tự tinh khiết mà mong được tiến bộ thì ta tán thành lòng tinh khiết của họ (bây giờ), chứ không kể tới dĩ vãng của họ” (VII.28).

Trong Luận ngữ có rất nhiều lời khuyên về cách xử thế, xét người, không thể nào kể ra hết được, tôi chỉ lựa ít bài tỏ lòng yêu người như trên, và ít bài dưới đây nữa để độc giả thấy tình cảm của ông đối với người thân và sơ ra sao. Bài VII.9 chép: “Khi ăn với người có tang thì (vì buồn mà) ông ăn không no. Ngày nào ông đi điếu mà khóc thì ngày đó không đàn ca”.

Bài IX.9: “Thấy người bận đồ sô gai (đồ tang), người bận lễ phục với người mù, thì những người đó dù nhỏ tuổi, ông cũng đứng dậy; đi qua mặt những người ấy thì ông rảo bước”. Đối với một nhạc sư mù, ông thật có ý tứ: Khi người đó lại thăm ông, ông bước đến bực thềm, ông bảo: “Đây là thềm”. Bước tới chiếu, ông bảo: “Đây là chiếu”. Mọi người ngồi rồi, ông bảo nhạc sư: “Ông mỗ ngồi kia, ông mỗ ngồi kia”. (XV.41).
Ở triều về, nghe nói chuồng ngựa cháy, ông hỏi ngay: “Có ai bị thương không?” Chứ không hỏi ngựa. (X.12). Không hỏi ngựa nghĩa là chưa vội hỏi ngựa. (X.12). Vì ông cũng thương cả loài vật: đi câu cá, ông chỉ dùng cần chứ không dùng lưới; bắn chim thì không bắn chim đương ngủ. (VII.26).


ngochai

ngochai
02-06-2012, 01:23 PM
TƯ CÁCH, TÍNH TÌNH

(tiếp theo)


Ông rất đa cảm, mau nước mắt. Tôi đã kể lần Nhan Hồi chết, ông khóc lóc, bi thảm quá tới nổi môn sinh phải can. Lại thăm Bá Ngưu bị một bệnh nan y, ông nắm tay, thay thở: “Vô lí! Do mệnh trời chăng? Con người như vậy mà bị bệnh đó! Con người như vậy mà bị bệnh đó!” (VI.8). Ông thương môn sinh như con, gả con gái cho Công Dã Tràng vì “tuy nó bị tù, nhưng không phải tội của nó”; gả con gái của anh cho Nam Dung (Nam Cung Quát) vì “nước có đạo thì trò ấy tất được dùng, nước vô đạo thì không bị hình phạt”.

Như vậy thì môn sinh yêu lại ông như cha, có nhiều người tuy bốn năm chục tuổi và vẫn theo ông (như Tử Lộ, Tử Cống, Nhiễm Cầu…) và khi ông chết, để tang ông ba năm, không có gì là khó hiểu cả.

Ông khả ái không phải chỉ vì ông yêu đời, yêu người mà còn vì ông tự nhiên, bình dân, thân mật, vui tính, thành thực, ôn hòa… Bài X.16 bảo ở nhà, Khổng tử không có dung nghi như ở triều (cư bất dung), mà rất tự nhiên. Bài VII.4 cũng bảo khi ông nhàn cư thì đoan trang, thần thái hòa vui. Chúng ta đã thấy nhiều lúc ông thân mật với môn sinh, hội họp họ lại, hỏi chí hướng của mỗi người, phê bình họ, rồi tỏ chí hướng của mình cho họ nghe.

Ông không dấu giếm họ gì cả, bảo họ: “Các trò ngờ rằng ta có điều gì giấu các trò chăng? Ta chẳng có điều gì giấu cả. Ta không làm điều gì mà chẳng cho các trò hay, Khâu này như vậy đó (VII.23). “Khâu này như vậy đó”: lời tự nhiên mà thân mật làm sao. Trần Cang không hiểu tính ông, tưởng ông truyền riêng cho Bá Ngư (con ông) một phần thâm thúy nào của đạo, hỏi Bá Ngư, Ngư thành thực đáp “không”, bấy giờ Trần Cang mới biết mình nghi lầm thầy (XVI.13).

Một hành động rất tự nhiên, làm cho ta mỉm cười, là khi ông cầm gậy gõ vào ống chân của Nguyên Nhưỡng (một người quen biết đã lâu rất phóng túng, bỏ cả lễ phép) sau khi mắng Nhưỡng: “Hồi nhỏ không biết kính thuận người lớn, lớn lên không làm được gì đáng khen, già rồi mà không chết. Như vậy chỉ báo hại người ta thôi” (XIV.44).

Ông thực khác xa Đổng Trọng Thư đời Tây Hán, “buông màn ngồi đọc sách và giảng sách, học trò ở ngoài màn cứ thứ đệ đến thụ nghiệp, có kẻ không bao giờ trông thấy mặt, (…) có khi ba năm không ngó ra ngoài vườn” (Trần Trọng Kim – Nho giáo. Quyển II, tr.27, Tân Việt in lần thứ 4); mà một số nhà Nho của ta nghiêm khắc tới nỗi con cháu nen nét không dám lại gần; họ có thể ở “sân Trình” chứ nhất định không phải là ở “cửa Khổng”, đã quá nhiễm Tống Nho mà quên lời dạy “thiếu giả hoài chi” của Khổng tử.

Trong Nhà giáo họ Khổng tôi đã kể vài lúc vui tính của ông, như khi Tử Cống hỏi ông có viên ngọc đẹp thì nên cất vào hộp nay nên cầu có thương nhân tốt mà bán đi, ông đáp: “Bán đi chứ, bán đi chứ! Ta đợi có thương nhân đây”. (IX.12). Bài đó lí thú ở chỗ Tử Cống là một người giỏi buôn bán, dùng lời lẽ một thương nhân, và ông cũng đáp lại như đáp một thương nhân. Lúc khác ông tự ví ông với một trái bầu khô, chỉ để treo mà không ăn được (XVII.7); và theo Tư Mã Thiên, có lần ông tự nhận ông như một con chó nhà có tang.

Ông nói đùa với Nhan Hồi, bảo: “Thầy tưởng anh (đánh nhau với họ mà) chết rồi chứ”, khi gặp lại Nhan Hồi sau mấy ngày thầy trò lạc nhau ở đất Khuông (XI.22). Ông mỉa Tử Du cai trị một thành nhỏ mà dùng lễ nhạc cũng như cai trị một nước, bảo: “Mổ gà cần chi tới dao mổ bò”. Tử Du đáp: “Ngày trước Yển con nghe thầy dạy: “Người quân tử học đạo (lễ, nhạc) thì yêu người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến”. Biết rằng mình quá vui tính mà lỡ lời, nên ông vội quay lại bảo các môn sinh theo ông: Này, các trò, lời anh Yển đúng, lời ta nói chỉ là đùa thôi”.

Một điểm khả ái nữa của Khổng tử là ông có tinh thần bình dân, không phân biệt giai cấp, ai cũng dạy (hữu giáo vô loại XV.38), dù là người thấp mà có điều gì đáng cho mình học thì cũng học (bất sỉ hạ vấn), không chê những nghề hèn, tự nhận rằng hồi nhỏ nghèo hèn, nên học được nghề bỉ lậu (IX.6); bảo nếu phú quí mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người, ông cũng làm được (VII.11).

Trong bài XIII.4, ông chê Phàn Trí nhỏ nhen khi xin ông dạy cho nghề nông; không phải là ông coi nghề nông là thấp hèn, mà chỉ trách Phàn Trí không biết rằng trau dồi tư cách, học đạo trị dân thì giúp được đời nhiều hơn là cày ruộng. Ông khen Án Bình Trọng (Án Anh), tể tướng nước Tề, là khéo cư xử với bạn, lâu ngày mà vẫn tôn kính bạn (hoặc lâu ngày mà vẫn được bạn kính nể: “thận dữ nhân giao, cửu nhi kính chi”) (V.16).

Tôi chắc chính ông cũng vậy. Tình bạn của ông với Cừ Bá Ngọc, một đại phu nước Vệ, cũng bền lắm. Khi tới Vệ, Bá Ngọc sai người lại thăm. (XIV.25).

Ông lựa bạn mới giao du. Ba hạng bạn tốt là bạn chính trực, bạn thành tín, bạn biết nhiều (XVI.4). Đối với bạn thì chắc ông cũng như Tử Du: can gián một vài lần thôi, nếu nhiều lần quá thì bạn sẽ mất lòng mà xa mình (IV.26).

Riêng ông thì ông chấp nhận được lời nói thẳng, dù là của người dưới. Hai lần Tử Lộ nóng nảy tới thô lỗ, xẵng giọng bảo ông: “Không có nơi nào để hành đạo thì thôi, hà tất phải đến với Công sơn Phất Nhiễu” (XVII.5); “Bật Hật làm phản mà thầy muốn qua với y thì sao phải lẽ” (XVII.7); tuy ông cũng có đáp, đưa lí do của ông, nhưng rồi ông cũng nghe lời Tử Lộ mà không đi.

Đức ông cao như vậy, nên không môn sinh nào không vừa trọng vừa mến.

Một lí do nữa khiến ông khả ái là ông rất gần chúng ta, phức tạp như chúng ta, cũng có một số nhược điểm như chúng ta.

Trong thiên X chúng ta đã thấy ông khó tính trong việc ăn mặc, và có vài thói quen kì cục.
Ông có nghệ sĩ tính mà lại rất có qui củ, rất thực tế trong hành động, chẳng hạn khi ông bảo nghe lời nói của một người rồi còn phải xem việc làm của người đó nữa (V.9), cho nên ông không chỉ vì lời nói mà đề cử một người nào, nhưng cũng không vì phẩm hạnh xấu của một người mà không nghe lời nói phải của người đó. Thái độ đó sáng suốt, có suy tính, không nông nổi.

Bình thường ông rất nhũn, như trong bài VII.18 tôi đã dẫn ở trên, hoặc khi ông bảo ông biết được nhiều nghề vì hồi nhỏ nghèo hèn (IX.6), và khi ông bảo Tử Cống rằng ông chưa đạt được đạo người quân tử là không lo buồn, không nghi hoặc, không sợ hãi (XIV.28). Nhưng nhiều lúc ông lại tin rằng ông có sứ mạng lập lại sự nghiệp của Chu công, rằng trời cho ông có đức, Hoàn Khôi không làm gì được ông, (VII.22) rằng chỉ có trời biết ông thôi (XIV.35)…

Ông rất tế nhị ngay cả với học trò, như khi ông cho Tử Cống chỉ như một món đồ dùng (chỉ dùng vào được một việc, không phải hạng đa tài), rồi thấy Tử Cống không vui, ông nói thêm: “Anh như cái hồ liễn”, nghĩa là một thứ liễn đẹp, quí đựng xôi để cúng (V.3). Nhưng cũng có khi ông tỏ ra rất khó chịu, như khi Dương Hóa sai tặng ông một con heo sữa luộc chín, ông không muốn gặp y nên rình khi y đi vắng mà lại nhà y tạ ơn; rồi ở giữa đường, bất ngờ gặp y, y hỏi ông mấy câu đại ý muốn thuyết phục ông ra làm quan với y, ông làm thinh hai lần và cuối cùng chỉ đáp gọn lỏn: “Tôi sẽ ra làm quan” (XVII.1). Cố ý bất nhã nhất là lần ông không muốn tiếp Nhụ Bi, sai người ra bảo rằng ông đau; người này vừa mới ra tới cửa, ông cầm ngay cây đàn sắt lên gảy và hát, cố y cho Nhụ Bi nghe thấy.

Ông rất tin ở sứ mạng cứu đời, nhưng sau mười mấy năm bôn ba mà không được ai dùng, mấy lần ông tỏ ra chán nản, than thở muốn đi “cửu di” muốn về Lỗ…, điều đó ta hiểu được: ai cũng có những lúc yếu đuối như vậy.

Nhưng ông nôn nóng giúp đời tới cái mức hai lần, hai kẻ phản loạn là Công sơn Phất Nhiễu và Bật Hật, mới mời ông, ông muốn đi liền thì ông quả đã vụng tính, không xét hai kẻ đó có chính nghĩa hay không, có thể làm nên sự nghiệp hay không. Cũng may mà cả hai lần Tử Lộ đều can ông và ông đổi ý, nếu không thì tất ông cũng sẽ phải bỏ họ sau một thời gian ngắn, để giữ được cái “kiên” cái “bạch” của ông, mà vừa ôm hận, vừa mang tiếng. Về điểm đó ông không bằng Mạnh Tử sau này: Mạnh Tử giữ đúng qui tắc hơn, không chịu “uổng xích nhi trực tầm”.

Câu ông trả lời Tử Lộ: “Ta đâu phải trái bần khô người ta treo mà không ăn được” (XVII.7) mâu thuẫn với thái độ của ông khi ông khen Nhan Hồi (trong vụ tuyệt lương ở Trần Thái) vì Nhan Hồi đã thưa với ông: “Đạo của thầy cao quá cho nên thiên hạ không ai theo được, nhưng thầy cứ theo đó mà làm. Người ta không dung nạp được thầy thì có hại gì? Chính vì người ta không dung nạp được thầy mà thầy mới là bậc quân tử”.

Chính vì Khổng tử có những lúc yếu ớt, mâu thuẫn nên ông mới gần chúng ta. Người đương thời (một viên thái tể) coi ông là một ông thánh vì ông đa tài (IX.6), người Trung Hoa đời sau tôn ông là một ông thánh, vì ông đã tặng cho họ một triết lý rất nhân bản, đào tạo cho họ biết bao thế hệ kẻ sĩ quân tử. Danh hiệu đó rất xứng. Và trong số bốn năm ông thánh mà tôi được đọc tiểu sử cùng sự nghiệp, tôi thấy Khổng thánh khả ái nhất.


ngochai