PDA

View Full Version : Chuyện Bi Hài Về Những Tấm Bằng Cử Nhân, Thạc Sĩ...



thieugia
06-08-2014, 05:41 PM
Chuyện Bi Hài Về Những Tấm Bằng Cử Nhân, Thạc Sĩ...

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/tin%20phong%20oline.jpg
06:52 ngày 04 tháng 08 năm 2014

TP - Người có bằng cấp thất nghiệp ngày càng cao, là thực trạng đáng báo động. Ba tháng đầu năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó có khoảng 200.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Làm thế nào để vượt qua thất nghiệp, tìm kiếm việc làm, khẳng định bản thân, Tiền Phong sẽ cùng các bạn trẻ đi tìm câu trả lời này.


Bài 1: Thất nghiệp hay không làm được việc?

Không tìm được việc là câu chuyện thường được nhiều bạn trẻ đề cập hiện nay. Nhiều bạn có được việc như ý nhưng lại để tuột mất vì thiếu kỹ năng.

Bằng đại học chưa phải thước đo

Đinh Văn Hạnh ở Phủ Lý- Hà Nam nhận ra rằng bằng đại học không phải thước đo khi sau 3 năm ra trường vẫn không tìm được việc. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải (Hải Phòng), Hạnh làm hơn chục bộ hồ sơ gõ cửa nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhưng kết quả Hạnh nhận lại đều là không trúng tuyển. Hạnh chuyển sang đi học nghề sửa xe máy, hiện là chủ một cửa hàng sửa xe, rửa xe tại Hà Nội. Tấm bằng đại học để nguyên trong góc tủ, Hạnh dường như quên mình đã là cử nhân mà yên phận là thợ sửa xe.

Lâm vào tình cảnh tương tự như Hạnh, Nguyễn Thị Hà tốt nghiệp khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí Tuyên truyền đã phải sống trong thời gian dài khủng hoảng việc làm. Hiện Hà làm quản lý một cửa hàng thực phẩm, công việc không liên quan chuyên ngành đã học. Hà xác định: “Có sống trong cảnh thất nghiệp, người này nhìn ngó, người kia dò xét mới thấm thía nỗi buồn tủi, sự chán nản. Tôi chấp nhận làm nghề tay trái để khỏi mang tiếng ăn bám bố mẹ”.

Thiếu kỹ năng ứng xử, sợ không làm được việc

Sau 2 năm vật vã xin việc, Trần Vân Anh ở Việt Trì- Phú Thọ (tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội) cũng được người quen giới thiệu ứng tuyển một vị trí tại Công ty du lịch ở Hà Nội. Qua các vòng kiểm tra trình độ, phỏng vấn, Vân Anh được Cty gọi về Hà Nội thử việc một tháng. Thay vì hào hứng với công việc mới, Vân Anh từ chối với lý do: “Sợ không làm được việc, không đáp ứng được chỉ tiêu doanh số”. Hỏi ra mới biết Vân Anh được một người trong công ty cho biết sẽ phải đáp ứng doanh số lên tới hàng trăm triệu một tháng. Chỉ nghe thông tin chưa qua kiểm chứng Vân Anh đã bỏ cuộc.


Ba điểm yếu

“Doanh nghiệp luôn cần người làm được việc ngay nhưng việc đào tạo sinh viên ở đại học còn có 3 điểm yếu: ngoại ngữ, kỹ năng mềm, thực hành chuyên môn. Giữa đào tạo và thực tế còn có khoảng cách vì trang thiết bị phục vụ đào tạo nhiều trường chưa đáp ứng được, sinh viên ít điều kiện thực hành tốt nên ra trường không đáp ứng ngay công việc của doanh nghiệp”
Lê Hữu Lập, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông


http://dantri4.vcmedia.vn/kKFnLhfAcwDUhUCdARj2/Image/2011/10/41111-SV-lam-don-xin-viec-thu_738e5.jpg

Chuyện của Nguyễn Thu Phương ở Thạch Hà - Hà Tĩnh lại khác. Tốt nghiệp Đại học Vinh (Nghệ An), Phương được giới thiệu việc làm tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Đi làm được vài tuần, Phương nước mắt ngắn dài, gọi điện cho người thân. Khi thì than thở việc bị đối xử không công bằng, bị người kia ghét, người nọ gây khó dễ, khi thì kêu không tìm được đường đi gửi công văn, giấy tờ...Có khó khăn, có trở ngại là Phương khóc, không biết cách tự giải quyết. Còn doanh nghiệp thì ngao ngán.

Rất khát khao việc làm, khi trúng tuyển vào vị trí khảo sát của một công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông, Phạm Việt Thắng (tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) vô cùng hào hứng. Chia sẻ với bố mẹ ở quê (Quỳnh Phụ, Thái Bình), Thắng cho hay sắp tới sẽ đi thực tế dài ngày ở miền Nam. Thắng khẳng định sẽ hoàn thành tốt công việc. Nhưng đi thực địa được 2 tuần, Thắng gọi điện về nhà kêu gặp nhiều bất công, bị đối xử thiên vị và không thể chịu đựng thêm được nữa. Tình hình này kéo dài Thắng sẽ bỏ công trường để về, chấp nhận xin việc khác. Bố mẹ như ngồi trên lửa, lo lắng, liên tục gọi điện động viên. “Trong xã hội luôn tồn tại bất công. Điều cần làm là phải đấu tranh để giảm bớt bất công, còn nản chí nghĩa là thất bại”, thấm thía lời khuyên ấy của bố, Thắng lấy lại tinh thần, tiếp tục ở lại làm việc. Chuyện của Thắng là điển hình cho thấy tình trạng thiếu kỹ năng ứng xử trong công việc hiện nay của nhiều bạn trẻ.

Ảo tưởng

Tham gia nhiều buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, Đào Thị Hằng, chủ thương hiệu Mắm Thuyền Nan (thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, cô nhận thấy ứng viên thường đòi hỏi mức lương và chế độ họ mong muốn hơn là quan tâm việc mình sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp. Ảo tưởng giá trị bản thân là thực tế nhiều bạn trẻ mắc phải trong khi tìm việc dẫn đến thất nghiệp. Bởi với nguồn vốn có hạn nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải cân nhắc khi tuyển dụng, và thường chỉ giữ lại những nhân sự có khả năng tạo ra lợi nhuận.


Trong quý I năm 2014 có 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24 trình độ cử nhân trở lên bị thất nghiệp. Mới đầu tháng 7/2014, hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp (thông tin tại hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý 2 năm 2014, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức).
Hằng chia sẻ: Khi mới ra trường, các bạn đừng nên quá quan tâm chuyện lương bổng. Nếu có công ty nào nhận, hãy làm việc một cách nhiệt tình, học hỏi thật nhanh và nhiều từ công việc hiện tại, kể cả những công việc nhỏ nhất. Nên xác định đó là thời gian học việc, trải nghiệm thực tế. Sau thời gian đó, bạn đòi hỏi tăng lương cũng chưa muộn vì chẳng ông chủ nào để bạn ra đi khi bạn tạo ra giá trị dương cho công ty.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, tiếng Anh tốt nhưng Hằng từ chối vào làm ở một cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Hằng chọn công việc vất vả hơn với mức lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, vì đây là công việc cô yêu thích và tin sẽ học được rất nhiều điều khi làm công việc này.

Để có thêm thu nhập, Hằng đi dạy kèm Toán và tiếng Anh vào buổi tối. Hằng gặp người quản lý trực tiếp để yêu cầu giao thêm việc, không nhận phụ cấp, chỉ mong được dạy để trưởng thành trong công việc. Sau hai năm làm việc không mệt mỏi, Hằng trưởng thành hơn nhiều trong nghề và nhận học bổng toàn phần học thạc sỹ ở Úc. Hằng chia sẻ: “Úc là nước có phúc lợi xã hội rất tốt cho công dân của đất nước họ nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết bạn mình là người bản địa, tốt nghiệp đại học đi làm tình nguyện viên 2 năm cho một công ty để học việc, trước khi được nhận vào làm việc chính thức”. Hằng ngộ ra rằng “khi không làm việc vì tiền, tiền sẽ tìm đến bạn”.

Chìa khóa nào?

Anh Trần Xuân Hải, Trưởng phòng dự án, chính sách và tuyển dụng, Ban Nhân sự, Tập đoàn FPT cho biết: Sinh viên rất cầu thị trong xin việc, nhưng phần nhiều các bạn không được tuyển do thiếu kỹ năng, thiếu tự tin. Anh Hải cho rằng, khi tuyển dụng doanh nghiệp dựa vào năng lực của ứng viên chứ không quan tâm nhiều đến bằng cấp, bởi vậy mỗi bạn phải tự trau dồi kỹ năng, kiến thức, tự tin đối thoại và nên chủ động gõ cửa doanh nghiệp để tìm cơ hội, đó là chìa khóa để mở ra việc làm.

Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo nhấn mạnh: “Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sinh viên. Hiện nay, yêu cầu thực tế của doanh nghiệp khác nhiều so với kiến thức tiếp thu trong nhà trường. Việc học là trang bị những kỹ năng, kiến thức nền tảng nhưng để có thể bắt kịp được tốc độ, guồng quay của công việc trong các doanh nghiệp lớn yêu cầu các bạn cần có thêm kiến thức nâng cao, kiến thức thực tế, cọ xát và sức bền. Ngoài ra, yếu tố định hướng là rất quan trọng, thường thì học sinh học hết cấp 3 chỉ lo làm thế nào để đỗ đại học và chọn một trường gần nhất với khả năng đỗ của mình mà chưa biết chọn trường phù hợp với năng lực của mình. Đó là do thiếu sự định hướng từ gia đình, từ nhà trường. Điều này rất nguy hiểm, tạo ra một đội ngũ nhân sự không thực sự có chất, dẫn chứng là sinh viên ra trường có phải đến phân nửa đi làm trái ngành nghề”.

Làm thế nào để sinh viên nâng cao kỹ năng? Cô Lê Thị Thu Thủy (Trưởng phòng Quản lý đào tạo- Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho rằng, trong quá trình đào tạo nên trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm bên cạnh những kiến thức chuyên môn. “Điều này phụ thuộc vào từng trường, ở Đại học Ngoại thương có bộ môn rèn luyện kỹ năng để các em ra trường không bị sốc với thực tế”, cô Thủy nói.

Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, kỹ năng mềm là một trong 3 điểm yếu trong sinh viên hiện nay. Ông Lập cũng chia sẻ lo ngại số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm cao quá trong khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tuyển ít, chưa cân đối được cung- cầu.

(còn nữa)

thieugia
07-08-2014, 04:58 AM
Bài 2

Người có bằng cấp thất nghiệp ngày càng cao

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong số hơn 1 triệu người bị thất nghiệp (cả nước) trong 3 tháng đầu năm, có tới hơn 200 nghìn người có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Đây là thực trạng báo động.

Sinh viên đua nhau thất nghiệp

Ngô Cao Sơn, sinh năm 1985 (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp bằng khá trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương Hà Nội. Để có cơ hội việc làm, Sơn nộp đơn xin học liên thông lên Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Sau khi ra trường, Sơn đi khắp thành phố nộp hồ sơ xin việc nhưng không ai nhận.

Hết làm nhân viên quán cà phê đến nhân viên trông giữ xe đạp, cuối cùng, Sơn cũng được nhận dạy hợp đồng tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tuy nhiên, vì lương thấp, không đủ tiền ăn, xăng xe, tiền nhà…, Sơn quyết định rời Hà Nội về quê.

Tưởng về quê sẽ dễ kiếm việc, ai ngờ hồ sơ gửi đi nhưng không một đơn vị nào chịu nhận. Cha mẹ Sơn làm nông, nhà nghèo “rớt mồng tơi”. Dù tuổi gần 60, nhưng cha Sơn vẫn hằng ngày dùng xe thồ chở muối đi đổi khoai, sắn, gạo, thóc. Vất vả từ sáng tinh mơ đến tối mịt, đi hàng chục kilômét cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Thương cha, Sơn đành bỏ sự nghiệp làm thầy, xin làm cộng tác viên ở phòng văn hóa huyện.

“Tất cả các chương trình nghệ thuật, hội, họp của huyện… đều do mình thiết kế phông chữ, chương trình, nhưng suốt 3 năm miệt mài cống hiến vẫn không được ký hợp đồng”, Sơn cho biết. Theo Sơn, dù có làm tốt đến mấy cũng không được ký hợp đồng chỉ vì cha mẹ không kiếm nổi vài chục triệu đồng để “chạy chọt” như người khác.

Thực ra, không phải chỉ có Sơn thất nghiệp, mà hiện nay, có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường chưa có việc làm. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH (công bố ngày 1/7), trong quý I năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145,8 nghìn người so với quý 4 năm 2013.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm. Cụ thể, trong quý đầu năm, có 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp, tăng 4,3 nghìn người so với quý 4 năm ngoái. Ngoài ra, có 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp, tăng 7,5 nghìn người so với quý 4 năm 2013. Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), 3 tháng đầu năm 2014, cả nước có hơn 500 nghìn thanh niên (từ 15-24 tuổi) bị thất nghiệp, tăng 17 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái với gần 1,3 triệu lao động thiếu việc làm. “Đặc biệt, có 21,2% thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp”, ông Ngọc nói.


http://images.tienphong.vn/Uploaded/thien/2014_07_02/15a_OTTG.jpg.ashx?w=440&h=250&crop=auto
Ba tháng đầu năm, 200.000 người trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học thất nghiệp

Lương, thưởng chênh lệch lớn

Theo công bố của Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nhà nước cao nhất với 6 triệu đồng/tháng (riêng doanh nghiệp nhà nước hơn 6,8 triệu đồng/tháng); trong khi đó, khu vực cá thể có mức thu nhập thấp nhất, chỉ 3,2 triệu đồng/tháng.

Nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn thấp nhất với 3,2 triệu đồng/tháng; trong khi nhóm ngành công nghiệp xây dựng là 4,5 triệu đồng và nhóm ngành dịch vụ 5,4 triệu đồng.

Qua điều tra trong quý I, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động ngành “hoạt động tài chính, ngân hàng” và “kinh doanh bất động sản” cao nhất, lần lượt là 8,1 và 7,6 triệu đồng. “Đây là hai ngành có mức thu nhập tăng nhiều nhất so với năm ngoái (tăng 0,8 và 1,7 triệu đồng).

Ngành nào sẽ tuyển dụng nhiều nhất?

Kết quả điều tra thực trạng sử dụng lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2013 cho thấy, số lao động có nhu cầu tuyển thêm năm 2014 khoảng 600 nghìn người. Theo ông Ngọc, ngành có nhu cầu tuyển lao động nhiều nhất là “công nghiệp chế biến, chế tạo” với 288 nghìn người và “xây dựng” 50 nghìn người.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc cũng cho biết, trong năm 2014, kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi sẽ tạo cơ hội cho thị trường lao động chuyển biến tích cực. Nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng, tập trung tại những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Thực tế, trong quý I, có hơn 346 nghìn người được giải quyết việc làm; 323 nghìn lao động được hỗ trợ tạo việc làm trong nước và 7,7 nghìn người được tạo việc làm thông qua Dự án vay vốn tạo việc làm từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm”, PGS.TS Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với thực trạng số liệu thanh niên thất nghiệp gia tăng như hiện nay, câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, là phải làm sao cải thiện tốt hơn hệ thống giáo dục đào tạo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, các số liệu công bố của Bộ LĐ-TB&XH khá nóng hổi về thực trạng thanh niên thất nghiệp hiện nay. Theo vị lãnh đạo này, thực tế, trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có tới 8,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn nữa...

thieugia
07-08-2014, 04:59 AM
Bi kịch của tấm bằng đại học

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/tin%20phong.jpg
Tiền Phong - 06/08/2014 06:26 5

TP - Ra trường, nhiều cử nhân thất nghiệp đành giấu bằng tốt nghiệp, tìm cách để làm công trong các khu công nghiệp. PV Tiền Phong cũng đã giấu bằng cử nhân, nhập vai làm công nhân tại một số nhà máy lớn ở phía Bắc.

Để trúng tuyển làm công nhân, cử nhân phải cạnh tranh với lao động phổ thông. Tuy nhiên, ở nơi mà cử nhân không được coi trọng, cuộc cạnh tranh rất cam go và phần thua chắc chắn nghiêng về những người tốt nghiệp đại học nếu hé lộ thân phận thật.

“Có bằng cử nhân cũng là tội”

Cầm 4 bộ hồ sơ, PV Tiền Phong nhập vai một cô gái tốt nghiệp cấp 3, mấy năm tìm việc không thành. Địa chỉ đầu tiên tôi đến là KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Khu vực thông báo tuyển dụng có cả trăm người đứng dưới cái nắng chói chang. Những ánh mắt chăm chú dõi theo từng dòng chữ thông báo tuyển với mức lương 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Tôi bắt chuyện với 30 người tới tìm việc trên tay có bộ hồ sơ ghi năm sinh 1991 và 1992 mới biết họ đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Đặc biệt, thông báo tuyển công nhân của các công ty đều nêu rõ không tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, chỉ tuyển lao động tốt nghiệp THPT. Dù chỉ ghi tốt nghiệp THPT trong hồ sơ, nhưng để không tuyển nhầm cử nhân của các Cty sử dụng nhiều chiêu nhằm sàng lọc những ứng viên này.

Trước khi đi dự tuyển, tôi đã sống cùng công nhân trong khu ký túc xá để lấy kinh nghiệm. Các cử nhân đi trước hiện đang làm công nhân cho tôi biết: Khi phỏng vấn, giám khảo hỏi bất cứ điều gì liên quan bằng cấp đều phải coi như không biết, không có, chỉ tốt nghiệp THPT.

Chị Phạm Thị Tình (cử nhân Kế toán, Đại học Thành Đô, Hà Nội) từng trượt khi thi vào làm công nhân do lỡ khai có bằng đại học, nhớ lại: “Lúc trả lời phỏng vấn, giám khảo hỏi: “Em có đi học gì không?”. Tôi trả lời học kế toán. Thế là mình thi trượt”.

Nữ công nhân Phạm Thị Cảnh (Cty Canon, KCN Thăng Long) kể: Ứng viên vào phỏng vấn, tuyển trạch viên thông báo, công ty muốn tìm gấp nhân viên văn phòng, ưu tiên những người có bằng cao đẳng hoặc đại học, biết sử dụng máy vi tính.

Ai có bằng cấp thì bước sang bên để phỏng vấn riêng. Lập tức, gần nửa số người thi tuyển bước ra với hy vọng được làm văn phòng. Nhưng không ngờ, đấy chỉ là cách để loại những người có bằng cấp.

“Họ đánh trúng tâm lý những người có bằng cấp muốn làm việc nhàn nhã, lương cao. Kết quả, những người bước ra hôm đó đều trượt hết”, chị Cảnh nói.

Trường hợp chị Vũ Thị Vân, quê xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội (cử nhân Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) thi tuyển công nhân cùng đợt với tôi còn xót xa hơn. Với bằng phổ thông chị Vân đã được nhận thử việc tại Cty TNHH Denso Việt Nam (KCN Thăng Long), nhưng đang làm thì bị đuổi.

“Nhân viên nhân sự phát hiện sơ yếu lý lịch ghi trình độ đại học chị nộp qua mạng internet trước đó nên đuổi việc. Vì bằng đại học mà kế sinh nhai bị cắt đứt. Với công nhân, có bằng đại học cũng là tội”, chị Vân nói rồi chào chúng tôi rồi ra về.

Sau lần ấy, chị Vân gọi điện thoại dặn tôi: “Trong công ty em nhớ cẩn thận, đừng để lộ chuyện học đại học. Giờ xin việc khó lắm, vào được rồi thì cố làm ở đó em nhé”.

PV Tiền Phong tiếp tục nộp hồ sơ vào Cty Samsung (Phổ Yên, Thái Nguyên), ngay lối vào công ty treo biển thông báo tuyển dụng dài gần 5m: “Tuyển công nhân tốt nghiệp trung học phổ thông”. Chúng tôi tới phòng tuyển dụng của công ty lúc 15h30, hai chồng hồ sơ dày hơn 40cm đặt trên bàn, dãy ghế dành cho ứng viên không còn chỗ trống, nhiều người phải ngồi xuống sàn nhà. Cạnh tôi, chị Hà Thị Lệ (quê huyện Tân Sơn, Phú Thọ) tiết lộ, tốt nghiệp Cử nhân Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) nhưng không tìm được việc nên xin làm công nhân bằng tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.

“Sinh viên tốt nghiệp cùng trường mình làm ở công ty này đông lắm, họ nói mình mới biết để xin vào đây”, Lệ nói. Tại các khu công nghiệp khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh… những trường hợp tương tự không hiếm.

Thi tuyển công nhân

PV Tiền Phong nộp 4 bộ hồ sơ xin làm công nhân ở 4 công ty khác nhau, 2 bộ ghi trình độ tốt nghiệp THPT nhanh được gọi phỏng vấn, 2 hồ sơ ghi tốt nghiệp đại học bặt vô âm tín.

Ngày 3/7, tới phỏng vấn tại Cty TNHH Denso Việt Nam, trong giấy hẹn ghi rõ: “Không nhận hồ sơ trình độ cao đẳng, đại học nộp vào vị trí công nhân”. Trong số 300 ứng viên công nhân phổ thông có khoảng 1/3 có bằng nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, nhưng chỉ dùng bằng THPT. Khi tôi “tự khai” mình tốt nghiệp đại học, thất nghiệp tới đây làm việc họ mới dám chia sẻ thật về ngành học của mình.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/tan_dzoc/tuyn%20nhn%20vin.jpg
Ứng viên đo chiều cao, cân nặng chờ phỏng vấn tại công ty TNHH Denso Việt Nam sáng ngày 3/7.

Dưới nắng nóng chói chang, 300 con người căng thẳng, mệt mỏi đợi tới lượt phỏng vấn. Thay bằng nụ cười hớn hở, khuôn mặt tự tin của những ứng viên chỉ tốt nghiệp cấp 3, các cử nhân mang vẻ rụt rè khi nói chuyện với người lạ. Mồ hôi nhễ nhại, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Mê Linh, Hà Nội) cho biết, vốn là cử nhân Quản trị Nhân lực (Học viện Hành chính Hà Nội). Hạnh than thở: “Mình đi thi tuyển công chức không lo lắng bằng xin công nhân”.

Vòng phỏng vấn trực tiếp, những ứng viên có học bạ THPT “đẹp”, nhiều điểm cao sẽ bị hỏi: “Bạn có học nghề gì không, sao bạn không học cao đẳng hay đại học?”. Trình độ cao nhất của bạn là gì”… Nhiều ứng viên buột miệng trả lời trình độ cử nhân sẽ lập tức bị loại.

12 rưỡi trưa, tôi vào phòng chờ phỏng vấn. Trong lòng đầy lo lắng bởi một nửa cử nhân tôi làm quen trong buổi sáng đã không “qua mặt” được nhà tuyển dụng. Khi trả lời phỏng vấn, tôi phải luôn tâm niệm, không được nhớ và nhắc đến việc đã học đại học.

Người tuyển dụng hỏi “Học lực cấp 3 của em tốt, sao không học đại học hay cao đẳng, từng làm ở công ty nào chưa...?”. Với câu trả lời: “Chưa đi làm ở đâu, do gia đình khó khăn nên không học tiếp lên đại học”, tôi được nhận làm công nhân.

Qua vòng phỏng vấn, có 150/300 ứng viên đủ tiêu chuẩn tiếp tục được khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Tây Hồ, Hà Nội). Qua 3 vòng kiểm tra, số lượng ứng viên được nhận chỉ còn hơn 90 người, số bị loại chủ yếu do mắt cận, tim đập nhanh, sức khỏe kém... Qua những lần trò chuyện, có tới 50% trong số đó tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Nữ công nhân Phạm Thị Cảnh (Cty Canon, KCN Thăng Long) kể: Ứng viên vào phỏng vấn, tuyển trạch viên thông báo, công ty muốn tìm gấp nhân viên văn phòng, ưu tiên những người có bằng cao đẳng hoặc đại học, biết sử dụng máy vi tính. Ai có bằng cấp thì bước sang bên để phỏng vấn riêng. Lập tức, gần nửa số người thi tuyển bước ra với hy vọng được làm văn phòng. Nhưng không ngờ, đấy chỉ là cách để loại những người có bằng cấp.

Bài 4: Tác giả - cử nhân báo chí may mắn qua được các cuộc kiểm tra và trở thành công nhân. Tại Cty mới, các ông cử, bà cử làm gì để hòa nhập vào môi trường lao động chân tay và vì sao các nhà tuyển dụng ở đây lại “kỳ thị” bằng đại học đến vậy?

(Còn nữa)

backieuphong
26-08-2014, 09:55 PM
Tiến sĩ ở Pháp vẫn trượt viên chức Hà Nội

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Thi_Nhan/tien%20si%20gia.jpg

Không qua được kỳ tuyển dụng viên chức, một tiến sĩ Vật lý học tại Pháp và một thạc sĩ tốt nghiệp ở Anh tiếp tục làm hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội.

Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bà Lê Thị Oanh, cho biết thông tin trên tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội về tổ chức bộ máy, sử dụng biên chế hành chính sự nghiệp sáng 21/8. Theo bà Oanh, trường đang có một giáo viên hợp đồng là tiến sĩ Vật lý ở Pháp về. Nhà trường rất muốn tuyển dụng người này để giảng dạy môn Vật lý bằng tiếng Anh, nhưng trong quy chế chung về tuyển dụng của thành phố thì giáo viên này không thuộc diện đặc cách (có hai hình thức tuyển dụng là xét tuyển đặc cách và xét tuyển). Khi tổ chức xét tuyển, vị tiến sĩ trên cũng không nằm trong nhóm có số điểm cao do sự khác nhau giữa đào tạo trong nước và nước ngoài. Điểm của tiến sĩ Vật lý ở nước ngoài chỉ đạt 8, trong khi nhiều thí sinh học trong nước đạt loại giỏi với 9,5 điểm. “Theo quy định thì xét điểm từ cao xuống thấp, nên tiến sĩ Vật lý không đỗ trong kỳ xét tuyển viên chức của nhà trường”, bà Oanh nói và cho biết thêm, một giáo viên hợp đồng của trường tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh cũng gặp tình huống tương tự. Vì vậy, bà hiệu trưởng đề nghị có cơ chế riêng để thu hút những đối tượng trên.

Chia sẻ với lãnh đạo THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, không cần so sánh thí sinh tốt nghiệp ở nước ngoài với thí sinh tốt nghiệp trong nước, kể cả việc so sánh các thí sinh học ở trong nước cũng đã thấy bất hợp lý. Chủ tịch Hội đồng cho hay, học sinh học các trường ĐH Dân lập tỷ lệ giỏi rất nhiều, trong khi đó nếu học ở trường ĐH công lập đạt bằng giỏi rất khó. Chính sách của nhà nước là không được phân biệt dân lập và công lập nên khi xét tuyển, các thí sinh học công lập thường bị thiệt thòi hơn. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trước đây các đối tượng thủ khoa đại học trong nước, bằng giỏi, xuất sắc ở nước ngoài sẽ được tuyển thẳng. Tuy nhiên, sau khi có quy định mới của Chính phủ, các đối tượng trên không phải qua kỳ thi tuyển dụng nhưng vẫn phải qua vòng thi sát hạch.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Thi_Nhan/gi%20o.jpg

Thông báo kết quả sát hạch công chức năm 2014 của Sở Nội vụ cho thấy, 41 thí sinh nộp hồ sơ sát hạch vào các Sở, ngành, quận, huyện của thành phố. Đây là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Kết quả sát hạch, 10 thí sinh không đạt yêu cầu (6 thí sinh là thủ khoa các trường ĐH trong nước, 4 thí sinh bằng giỏi nước ngoài). Kết quả kiểm tra, sát hạch công chức kỳ tuyển dụng năm 2013 cũng cho kết quả tương tự. Có 14/43 thí sinh diện xét tuyển đặc cách “không đạt yêu cầu” (trong đó 9 thí sinh có điểm không đạt và 5 thí sinh bỏ sát hạch).

Một thông tin khác được hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đưa ra tại buổi làm việc, theo thống kê của nhà trường, số các em học sinh sau khi tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước về làm việc cho các cơ quan của thành phố không nhiều và các em làm việc cho các cơ quan của TP HCM nhiều hơn Hà Nội. “Chúng ta phải có cơ chế thu hút nguồn nhân tài này về làm việc cho thành phố”, bà Hiệu trưởng đề xuất.

Theo VnExpress