PDA

View Full Version : Trí Thức Hay Trí "Cà Chua", Trí "mắm"...



doancongtu
07-09-2014, 10:22 PM
Thạc sĩ bỏ thủ đô lên Mộc Châu trồng cà chua

http://thaicucthieugia.com/images/stories/anh_bai_dang/quan_lai_xua/m%20vn%20quan.jpg

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/tin%20kh%20tin.jpg
Chủ nhật, 20/7/2014 | 07:00 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Cây trồng - Đại học Nông nghiệp I, anh Trương Văn Dư (sinh năm 1981, Phú Xuyên, Hà Nội) tìm được một công việc trong doanh nghiệp nước ngoài tại thủ đô. Đến năm 28 tuổi anh nhận tấm bằng thạc sĩ khi đang làm cho một doanh nghiệp Nhà nước với mức lương cao.

Sống trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã trải qua nhiều vất vả nên anh luôn nuôi quyết tâm phải làm giàu. Nhận xong bằng thạc sĩ, anh Dư rủ một số bạn bè lên Mộc Châu thuê đất để làm nông nghiệp vì thấy khí hậu ở đây rất phù hợp. Ý tưởng này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ gia đình, đặc biệt là mẹ anh.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anh_bai_dang/quan_lai_xua/quan%20ngoi%20mo.jpg

"Mẹ tôi nhiều lần khóc, khuyên can tôi ở Hà Nội làm việc rồi lập gia đình. Với những người thân của tôi, việc học hành bao nhiêu năm, đang đi làm ổn định, rồi lại tính về vùng đồi núi xa xôi để làm nông nghiệp thực sự là khó chấp nhận", anh Dư kể lại. Tuy nhiên, cuối cùng anh vẫn một mực lên đường. Khi mới lên Mộc Châu, anh cùng bạn bè thuê 1,5ha đất để trồng dưa hấu. Do nguồn cầu của thị trường không lớn, bán không được giá nên chẳng mấy chốc nhóm bạn phải chịu lỗ 50 triệu đồng. Bạn bè anh rời Mộc Châu trở lại với Hà Nội, trong khi chàng thạc sĩ vẫn kiên trì, không cam chịu thất bại.

Một mình ở lại, nhưng con đường đi tiếp theo ra sao vẫn là một câu hỏi lớn khiến anh Dư đau đầu. Với suy nghĩ, nếu cứ làm những sản phẩm thông thường, theo cách quen thuộc thì khó mà thành công được nên anh Dư nảy ra ý tưởng trồng cà chua trái vụ vì mặt hàng này hiện nguồn cung ở miền Bắc khá hạn chế. "Ở miền Bắc, cà chua chỉ trồng được một vụ. Thị trường vẫn có không ít hàng Trung Quốc, còn vận chuyển từ Đà Lạt thì chi phí quá cao", anh lý giải. Bắt tay vào triển khai kế hoạch mới, năm 2010 anh Dư tiếp tục thuê trang trại dưa hấu với giá 60 triệu một năm. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Giai đoạn từ tháng 4 đến 6, Mộc Châu thường bị ảnh hưởng gió tây, thời tiết nắng, rất khô và nóng. Do chưa có kinh nghiệm xử lý ánh nắng nên đợt giống đầu tiên, cây chết hàng loạt, anh tiếp tục lỗ vài chục triệu. Để cứu vãn tình hình, số lượng cà chua giống còn sống, anh triển khai để trồng thương phẩm. Tuy nhiên, khi gần được thu hoạch thì những trận mưa liên tiếp hàng tuần lại khiến cà chua bị nứt, phải đổ đi số lượng lớn. "Khi đó, mẹ lên thăm tôi ở Mộc Châu, bà vừa đi hái những quả cà chua còn sót lại, vừa khóc. Và đã có những lúc tôi suy nghĩ hay trở về Hà Nội, sống cuộc sống trước kia", anh kể lại.


http://m.f25.img.vnecdn.net/2014/07/19/TS-0-2584-1405740904.jpg
Anh Dư luôn nuôi quyết tâm phải làm giàu.

Tuy nhiên, cái giá anh phải trả đã quá đắt nên việc từ bỏ cũng không dễ dàng. Đúng thời điểm đó, Viện Rau quả Việt Nam mới được chuyển giao kỹ thuật lai ghép cà chua lên gốc cà tím từ trung tâm phát triển rau thế giới nhưng chưa có đối tác dám nhận thử nghiệm. Anh Dư quyết định mạo hiểm thêm một phen mặc dù chi phí đầu tư cho dự án này không phải nhỏ. "Việc triển khai một dự án mới, vốn sẽ huy động từ đâu, tổ chức, sắp đặt sản xuất ra sao, đầu ra của sản phẩm thế nào... là những câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời. Cuối cùng sau nhiều ngày trăn trở, tôi tính sẽ vay tiền để làm, mặc dù lúc đó cũng rất run", anh nói.

Anh cũng lý giải, việc ghép cây cà chua lên gốc cà tím sẽ hạn chế được bệnh héo xanh, một bệnh phổ biến nguy hiểm mà người trồng cà chua vụ sớm không thể tránh khỏi. Để thực hiện kế hoạch mới, anh vay một tỷ đồng từ bạn bè, gia đình để làm nhà kính và sản xuất cà chua giống ghép trên cây cà tím trên diện tích ban đầu là 8.000 m2. Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Năm 2012 anh Dư đã quyết định thành lập Công ty cổ phần GreenFarm. "Khi đã làm được sản phẩm có giá trị mang tính chất hàng hóa đưa ra thị trường thì mặt hàng đó cũng cần một cái tên, một địa chỉ giao dịch... mới tiến xa được", anh lý giải về quyết định của mình.

Hiện diện tích sản xuất của Green Farm đã được mở rộng và công suất ghép hàng năm được 2,5 triệu cây giống, với giá bán 1.200 đồng mỗi cây. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm diện tích hơn 1,5ha trồng rau an toàn cung cấp cho các nhà bán lẻ ở khắp nhiều tỉnh thành. Anh cho biết, năm 2013, doanh thu từ tiền cây giống ghép khoảng 3 tỷ, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt trên một tỉ đồng. Còn lợi nhuận từ sản xuất rau an toàn vào khoảng 300 triệu. Trong năm nay, anh Dư dự định sẽ nâng công suất ghép giống lên khoảng 3 triệu cây cà chua và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên khoảng 5 ha.

Còn nữa...

doancongtu
07-09-2014, 10:30 PM
2. Bỏ học Tiến sĩ về quê làm mắm !


Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...

Những ngày này, Đào Thị Hằng tất bật đi về giữa TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị để tham dự hội thảo, làm thủ tục kiểm định chất lượng các loại mắm, thiết kế nhãn mác, quảng bá hàng hóa... Vì thế, Hằng hầu như không có nhiều thời gian để thăm nhà.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, làm nghề chài lưới ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nhà Hằng rất nghèo. Trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên cô thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia. Còn Hằng chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc thợ may. Thi năm đầu tiên trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, Hằng xin ba mẹ ôn thêm năm nữa.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tao_lao/Tao_lao/hng.jpg
Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. Ảnh: Báo Quảng Trị.

Năm sau Hằng đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm (Huế) với 26 điểm và may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và học bổng thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên. Vào đại học, Hằng theo đuổi ước mơ du học. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Australia. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, Hằng nhận học bổng tiến sĩ.

“Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn", Hằng chia sẻ và cho hay một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của cô là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ Tây, nhưng quyết định trở về nước với quan niệm đất nước cần ông hơn là các nước phát triển.

Trong lần trao đổi với ông Thiện về cách thức giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Ký ức của Hằng vẫn vẹn nguyên về những năm tháng vất vả, khó nghèo: "Mùa hè khi ba làm được nhiều cá, tôm, bán không hết, mẹ tôi đưa về nhà ướp muối làm mắm đu đủ, mắm cà. Mùa đông khi trời mưa gió, món thường nhật của cả gia đình tôi là cơm nóng với mắm. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng xoong bằng nước mắm. Mắm mẹ làm đã nuôi 6 chị em chúng tôi khôn lớn”.

Đầu năm 2013, ngay khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại. Để được người dân chia sẻ, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm làm mắm ruốc gia truyền, cô đã về nhà dân ở lại hàng tuần liền, cùng xắn tay làm mắm với bà con.

Các bà, các chị giàu kinh nghiệm làm mắm đã tận tình chỉ bảo cho Hằng cách làm các loại mắm, cách nếm, thử mắm xem vị, mùi mắm như thế nào là đạt yêu cầu. Đi đến đâu, Hằng cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại công thức, kinh nghiệm làm mắm của từng vùng miền, làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

Đi nhiều vùng miền, Hằng được biết nhiều loại mắm đặc sản từng được tiến vua như mắm thu, mắm đối, mắm nhum..., nhưng nay rất ít người làm. Nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng vẫn chưa được bán rộng rãi, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ. Thêm một điều nữa là hầu như con cháu của các dì, các mệ vốn có truyền thống làm mắm ngon lâu đời đều không muốn nối nghiệp gia đình.

"Cộng thêm áp lực từ nước mắm sản xuất công nghiệp vốn rẻ, quảng cáo hoành tráng, chai bao đẹp mắt lại hợp khẩu vị, khiến họ không mặn mà gì với nghề làm mắm ruốc truyền thống. Cứ tiếp tục như vậy thế hệ con cháu mình sẽ không biết nước mắm, mắm ruốc là gì, quan trọng hơn là mất nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển cả ngàn năm nay”, Hằng trăn trở.

Hằng cho rằng, nghề làm mắm và nước mắm duy nhất có ở Việt Nam. Thái Lan nhập nước mắm Việt Nam về pha chế rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Bangladesh chỉ có ruốc khá thơm ngon và thường được người dân bỏ vào giấy kẽm, nướng lên cho thơm trước khi nêm vào thức ăn. Qua đi thực tế ở các vùng làm mắm ruốc và nước mắm truyền thống ven biển các tỉnh miền Trung, kết hợp với kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình, Hằng nhận thấy, về nước mắm, mỗi loại cá sẽ cho mỗi loại nước khác nhau về màu sắc, mùi thơm và độ ngọt.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tao_lao/Tao_lao/hng%202.jpg
Đào Thị Hằng bên sản phẩm của mình tại một hội thảo về môi trường. Ảnh: Báo Quảng Trị.

Hiện Thuyền Nan có 5 loại nước mắm, đều nguyên chất, đảm bảo thơm ngon, không hóa chất, không chất bảo quản. Hằng trực tiếp làm việc, đặt hàng với hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng. Điều đặc biệt hầu hết gia đình là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh cảnh khó khăn.

Cô giải thích, sở dĩ chọn những hộ làm mắm lâu đời có hoàn cảnh đặc biệt tham gia dự án sản xuất là giúp họ có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện cho con cái học hành. Từ khi tham gia dự án của Hằng, các sản phẩm của dì Rỏ, mệ Tùng (ở Mỹ Thủy, Hải Lăng), dì Xây, dì Lê, vợ chồng anh chị Xiêm Cát, dì Thảo, anh Tùng (ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đã có mặt khắp các tỉnh thành.

Hiện tại, chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, Hằng phải tích cực phân phối sản phẩm thông qua kênh bán lẻ và bán hàng trên mạng. Khi hoàn thành xong việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, cô sẽ mở rộng phân phối, cũng như ấp ủ xây dựng một cơ sở sản xuất có quy mô, mời những người làm mắm ruốc có uy tín về làm, đồng thời mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

“Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.

Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 tuổi, Hằng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.

Giải đáp thắc mắc vì sao chọn tên Thuyền Nan để gắn với thương hiệu sản phẩm mắm ruốc, Hằng bộc bạch: “Chiếc thuyền nan ở vùng biển quê mình giờ hiếm lắm, bà con đều đóng tàu lớn để ra khơi. Nhưng dù gì đi nữa, thuyền nan vẫn là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, cũng như gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Tôi cũng trưởng thành và được nuôi lớn nhờ thuyền nan đánh cá của gia đình, nhờ nó tôi đã được đến nước Australiaxa xôi để học tập và giờ quay về để được góp một phần nhỏ bé giúp bà con quê mình”.

Đoancongtu, theo báo Quảng Trị

thanh_long
11-09-2014, 04:31 PM
Phải vào Đại học – Lối mòn tư duy người Việt

Ở Việt Nam, khi con cái đỗ đại học, gia đình thường mở tiệc lớn ăn mừng, coi đó là một sự kiện đáng tự hào. Cũng vào mỗi mùa thi, người ta lại nghe tin nhiều sỹ tử bị rơi vào trầm cảm, tự kỷ, bỏ nhà ra đi hay dại dột tìm đến cái chết chỉ vì… trượt đại học. Áp lực từ nhiều phía khiến việc trượt đại học trở thành “cú sốc đầu đời” với không ít bạn trẻ, họ trở nên bối rối, hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/anh_bai_dang/Tan_dzoc/anh-1.jpg
Áp lực từ nhiều phía khiến việc trượt đại học trở thành “cú sốc đầu đời” với không ít bạn trẻ

Đối với những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, đại học chỉ là một trong số các lựa chọn, và chính phủ luôn khuyến khích những hướng đi mới. Thế nhưng ở Việt Nam, đại học vẫn còn được tung hô và trở thành áp lực nặng nề cho người trẻ và chính gia đình của họ. Phải chăng, đó là hệ lụy của lối tư duy cũ kỹ và có phần cực đoan của người Việt – bằng mọi giá phải vào đại học???

Tương lai nào cho những cử nhân thất nghiệp?

Theo thống kê của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm 2012, trong 100% sinh viên mới ra trường, có đến 63% sinh viên không tìm được việc làm và 37% sinh viên còn lại cần được các nhà tuyển dụng huấn luyện lại những kỹ năng làm việc cần thiết. Trong số sinh viên tìm được việc làm thì đến hơn 50% là làm trái ngành nghề.

Đáng buồn hơn là những con số này có xu hướng ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý I năm 2014, cả nước có hơn 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, tăng 90.000 người so với quý IV năm 2013, tăng hơn 130.000 người so với quý IV năm 2012.

Theo Th.S Vũ Chí Thành, Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội: “Có một nghịch lý đang tồn tại ở thị trường lao động nước ta, là trong khi nhiều doanh nghiệp đang khát nhân sự, khó khăn khi muốn tuyển nhân sự phù hợp, thì hàng năm, có hàng vạn sinh viên ra trường không xin được việc làm.”

Nếu coi đại học là tấm vé thông hành cho tương lai, thì đối với những cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, tương lai của họ sẽ đi về đâu?

Doanh nghiệp không đánh giá cao bằng cấp

Sự thật là hầu hết các doanh nghiệp đều không coi trọng yếu tố bằng cấp khi tuyển dụng.

Do đó, hàng trăm nghìn sinh viên dù tốt nghiệp với bằng cử nhân, thạc sỹ nhưng nếu thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thì vẫn bị các doanh nghiệp từ chối.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó TGĐ Công ty CP cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ cao Việt Nam cho biết, tại doanh nghiệp của bà không có sự phân biệt về đầu vào giữa lao động là học viên các trường nghề và cử nhân đại học

Đại diện FPT Software, bà Tạ Thị Kim Ngân (HR Manager) cũng khẳng định: “Doanh nghiệp không quan trọng bằng cấp nhưng quan trọng năng lực cá nhân”. Đối với công ty Appota, ông Đỗ Tuấn Anh (CEO & Founder) thẳng thắn xếp loại: “Bằng cấp chỉ là tiêu chí thứ 5, xếp sau các tiêu chí kinh nghiệm thực chiến về chuyên môn, khả năng thích nghi, khả năng tự học hỏi và khả năng làm việc nhóm. Do vậy, khi phỏng vấn bằng cấp không ảnh hưởng nhiều tới cuộc trao đổi”.

Đây là sự “lệch pha” đáng tiếc, cho thấy việc đào tạo và sử dụng lao động đang tách rời nhau. Các trường đại học chưa có sự liên hệ, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng đào tạo ra nhiều nhưng về chất lượng thì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Chọn trường vừa sức, thành công trong tầm tay

Ở một góc độ khác, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả. Thay vì đuối sức trong **cuộc chạy đua mang tên “đại học”, các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn một ngôi trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn.

Đăng ký học các trường nghề đang là một xu hướng được khuyến khích tại các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Úc, Singapore… Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cũng ngày càng đánh giá cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động tốt nghiệp trường nghề. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó TGĐ Công ty CP cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ cao Việt Nam đánh giá: “Các lao động tốt nghiệp trường nghề có phần vượt trội hơn về sự hòa nhập cũng như đáp ứng đòi hỏi công việc so với các cử nhân đại học.”

Trong khi cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp hàng loạt thì theo đánh giá của Tổng cục dạy nghề, tỷ lệ học viên có việc làm các hệ trung cấp, cao đẳng nghề luôn đạt 75%, có ngành đạt 90%.

Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic

Được trang bị đầy đủ kiến thức và các kỹ năng cần thiết, sinh viên các trường nghề có nền tảng tốt để tự tin làm việc và theo đuổi đam mê.
Không chỉ đơn giản là một công việc sau khi ra trường, những câu chuyện có thật sau đây chắc chắn sẽ khiến chúng ta thay đổi suy nghĩ về việc chọn trường, chọn nghề và nên hay không nên bất chấp tất cả để vào Đại học. Võ Chí Tùng, sinh năm 1991, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế website Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, từ chối lời mời làm việc của nhiều doanh nghiệp để cùng bạn bè mở một công ty riêng chuyên về lĩnh vực CNTT. Trong ba tháng, Tùng giữ vị trí quản lý và cùng đồng nghiệp triển khai thành công hơn 30 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong, ngoài nước.

Mai Khánh Nam, một cựu sinh viên khác vừa tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế website tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng Kỹ thuật công ty INKIU Việt Nam với thu nhập hàng tháng trên 10 triệu đồng. Ngoài Tùng, Nam, rất nhiều sinh viên của FPT Polytechnic cũng đang làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn như Fsoft, FIS, Samsung… với mức lương nhiều người mơ ước.

Như vậy, dù không sở hữu bằng đại học trong tay, nhiều bạn trẻ vẫn có được thành công từ khá sớm. Được trang bị đầy đủ kiến thức và các kỹ năng cần thiết, sinh viên các trường nghề có nền tảng tốt để tự tin làm việc và theo đuổi đam mê. Đại học không phải con đường duy nhất để đến với thành công, và đừng tự biến mình thành những chú “gà công nghiệp” gắn mác cử nhân.

Thanh_long theo Internet

nhan_voky
12-10-2014, 09:11 AM
Cử nhân về quê nuôi bồ câu, gà đồi

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/thanh-nien-logo.png
04/09/2014 03:20

Từ chối công việc có mức lương 7 triệu đồng/tháng và cơ hội thăng tiến, anh Trần Thanh Sơn (25 tuổi, ở xóm Đồ Sơn, xã Bài Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An) vừa tốt nghiệp đại học đã về quê mở trại nuôi chim bồ câu, gà đồi, với thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vuot_kho/trn%20thanh%20sn.jpg
Anh Trần Thanh Sơn bên đàn bồ câu giống - Ảnh: Phạm Đức

Cách đây 2 năm, anh Trần Thanh Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý nhân sự. Với tấm bằng cử nhân loại khá, anh được nhận vào làm việc tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.Vinh với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Đó là niềm mơ ước của nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, nhưng Sơn sau khi suy nghĩ kỹ đã quyết định về quê lập nghiệp.

Sơn kể, khi đang là sinh viên, trong một lần đi thực tế tại các trang trại ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thấy người dân ở đây nuôi chim bồ câu đạt giá trị kinh tế cao, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người nên Sơn bắt đầu tìm hiểu mô hình này.

Sau khi về quê, Sơn gom số tiền tích cóp của gia đình cùng với khoản vay mượn được 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rồi ra Bắc Giang và Viện Chăn nuôi tại Hà Nội mua 300 cặp bồ câu giống Hà Lan. Sau gần 2 tháng, các cặp bồ câu của anh đẻ trứng và nở nhiều bồ câu non. Để có thêm kiến thức nuôi loài chim này và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, Sơn lên mạng tìm hiểu và cung cấp sản phẩm miễn phí cho các quán ăn, nhà hàng dùng thử. Kết quả là khách hàng tìm đến với anh ngày một đông.

Cùng với nuôi bồ câu thương phẩm, bồ câu giống, Sơn còn nuôi gà đồi - giống gà cỏ Nghệ An nổi tiếng. Hiện anh đang nuôi thử nghiệm gà mía Yên Thế (Bắc Giang). Đây là những giống gà được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn hợp tác với 2 trang trại vệ tinh 5 ha ở xã Quang Thành (H.Yên Thành) và 1 ha ở xã Giang Sơn (H.Đô Lương, Nghệ An). Ở các trang trại này, anh không trực tiếp chăn nuôi nhưng nhận bao tiêu sản phẩm và cung cấp con giống. Trong chuồng trại của anh và 2 trang trại vệ tinh có khoảng 4.000 con bồ câu chuyên sinh sản, 8.000 con bồ câu thịt và trên 3.000 gà cỏ.

Sơn cho biết kỹ thuật nuôi bồ câu khá đơn giản nhưng hiệu quả cao. Mỗi đôi bồ câu thương phẩm được bán với giá 150.000 đồng, bồ câu giống 270.000 - 300.000 đồng/cặp, gà cỏ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Mỗi ngày, 3 trang trại xuất ra thị trường khoảng 300 kg thịt gà, bồ câu. Trừ các chi phí, mỗi tháng Sơn thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Hiện Sơn đã thành lập công ty riêng nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc chim bồ câu cho hơn 100 hộ dân trong vùng. Trang trại của anh trở thành địa chỉ tham quan học hỏi kinh nghiệm của thanh niên, nông dân trong và ngoài tỉnh.

Phạm Đức - Phan Ngọc