PDA

View Full Version : Vụ Sập Hầm Thủy Điện Tại Lâm Đồng



thieugia
17-12-2014, 09:34 PM
12 công nhân đã bị đất đá dày cô lập từ bốn phía

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm.jpg


http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/ngh%20bo.png
Thứ tư, 17/12/2014 | 19:03 GMT+7

Nằm cách khu dân cư xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khoảng 1 km, hầm thủy điện Đạ Dâng bao phủ xung quanh bởi đồi núi. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình đã thi công được 600 m đường hầm xuyên qua những đồi thông. Chỉ còn hơn 100 m nữa, hầm này sẽ được thông nhưng sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hầm thủy điện bất ngờ bị sập sáng 16/2. Hơn 30 công nhân đang làm việc chỉ kịp nghe tiếng ầm ầm và đất đá bất ngờ ập xuống. 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm trong khi 12 đồng nghiệp bị kẹt bên trong.

Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500 m. Mọi nỗ lực quay lại cứu đồng nghiệp của những người thoát chết đều vô vọng khi lối thoát duy nhất lúc này bị chặn bởi khối đất, đá khổng lồ. Gần 200 người trong lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng sau 12 giờ nỗ lực đã vỡ òa niềm vui khi mũi khoan vào được bên trong và nhận thông tin tất cả các nạn nhân đều còn sống.

12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Đường hầm lại nằm âm dưới mặt đất 70 m, cộng với mưa lớn cả ngày hôm qua khiến nước ngầm trong hầm ngày một cao lên. Tại vị trí sập phía trên đỉnh đồi có 2 hố sâu, đất đá từ đây vẫn tiếp tục đổ xuống.

Hơn 30 giờ, nhiều phương án được đưa ra, song việc đưa 12 nạn nhân kẹt bên trong hầm thủy điện bị sập vẫn gặp vô vàn khó khăn do địa hình quá khắc nghiệt.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm%203.png
Đồ họa hầm thủy điện bị sập khiến 12 công nhân mắc kẹt.

Phương án đầu tiên của lực lượng cứu hộ là tập trung khoan thẳng từ miệng hầm thủy điện, đưa đường ống dẫn oxy vào nơi 12 nạn nhân bị kẹt. Đồng thời khẩn trương gia cố, ổn định vị trí bị sập để đưa một ống sắt có đường kính khoảng 60 cm vào hiện trường, vừa hút đất đá, nước vừa để các nạn nhân chui ra ngoài. Cùng với đó, việc khảo sát tìm kiếm vị trí rò rỉ, ngăn nước mưa từ trên xuống cũng được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, việc khoan đưa đường ống dẫn khí vào bên trong vấp phải nhiều khó khăn. Các mũi khoan không thể đi sâu vì gặp phải các tảng đá mồ côi cực lớn. "Mũi khoan máy áp lực cao đầu tiên được 9 m thì bị dội khi gặp đá. Mũi thứ hai cũng chỉ được 13 m", ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết. Sau nhiều giờ nỗ lực nhưng các mũi khoan bị gãy, vẫn chưa thể liên lạc với số nạn nhân mắc kẹt bên trong, chỉ huy cứu hộ hiện trường tính đến phương án thứ hai là khoan thủng từ trên ngọn đồi xuống. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng phương án này rất phức tạp, khó khả thi vì độ sâu là 70 m, cần phải khảo sát địa chất.

Trong lúc nhiều tính toán được đưa ra thì đến 19h40 ngày 16/12, lực lượng cứu hộ đã xuyên thủng đoạn hầm thủy điện bị sập, sau khi mũi khoan thứ 3 đi được 26 m. Qua đường ống khí 30 cm đưa vào, mọi người đã nghe được tiếng nói của các nạn nhân kẹt bên trong vọng ra. Họ cho biết vẫn an toàn, bên trong lạnh và rất đói, nước rò rỉ bị khối đất đá chặn đường thoát nên đang dâng lên.

Suốt đêm qua lực lượng cứu hộ gấp rút bơm oxy, truyền sữa, nước gừng, cháo... vào bên trong để họ đủ sức chống chọi. Các phương án đào đoạn hầm bị sập để nhanh chóng đưa nhóm người bị nạn ra ngoài tiếp tục được bàn tính. Song, lực lượng cứu hộ không thể đưa động cơ lớn vào khoan vì địa chất hầm yếu, có thể sập tiếp bất cứ lúc nào.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/nc%20hm%20l.jpg
Nước trong khu vực hầm sập cao hơn một mét chứ không thấp như khu vực bên ngoài. Ảnh: Phước Tuấn

Sáng 17/12, lực lượng công binh của Quân khu 7 được huy động đến hiện trường đào hầm theo hình chữ A. Phương án tối ưu nhất là đào sâu vào 35 mét, xuyên qua đống đất đá rồi từ đó đưa mọi người ra ngoài. Song song đó, cứu hộ dùng 40 m3 gỗ thông để kè đường hầm chống sập. Bên trong, các nạn nhân cho biết họ phải ngồi co ro trên thiết bị công trình để tránh lạnh. Nước đã dâng cao một mét tính đến chiều nay, đe dọa tính mạng 12 người. Lực lượng cứu hộ khẩn trương cho khoan thêm đường ống khí đối lưu và một đường ống ở phía sau đường hầm để gấp rút bơm nước ra.

Một mối đe dọa khác với lực lượng cứu hộ là trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m. Trong đó, một hố khoảng 4 m, sâu 2 m và một lỗ khoảng 15 m, sâu 10 m. Hai hố nằm giữa hai ngọn đồi, nếu trời mưa sẽ là nơi trũng nước đặc biệt nguy hiểm cho đường hầm. Hiện, đơn vị thi công đã cho phủ bạt, rào chắn cảnh báo ở khu vực hố.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/hm2.jpg

Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo phải chạy đua với thời gian để cứu người. Việc cứu hộ sẽ đồng thời thực hiện theo 3 phương án, từ 3 hướng, là từ hai đầu hầm và từ đỉnh đồi xuống. Ở phương án từ trên xuống sẽ áp dụng khoan cọc nhồi và dự tính sẽ mất 2 ngày để khoan thủng nếu không gặp đá. Hai Bộ trưởng yêu cầu lực lượng cứu hộ khẩn trương khoan lỗ thoát nước xuyên qua khối đất đá, rút nước trong hầm ra đồng thời gia cố bộ khung hầm (hình chữ A hoặc chữ nhật kích thước 1-1,5 m), đào thủ công lỗ thoát nạn và đào đến đâu chèn ngay khung đỡ đến đó.

Hiện lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng vẫn nỗ lực với nhiều phương án để sớm tiếp cận nạn nhân. Cảnh sát cứu hộ TP HCM cùng nhiều chuyên gia đào hầm mỏ ở Quảng Ninh cũng được nhờ chi viện. Một nhóm bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy cũng được lệnh của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên đường đến Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân.

An Nhơn

thieugia
17-12-2014, 09:45 PM
Cuộc giao tiếp đặc biệt trong đường hầm bị sập

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vne.png
Thứ tư, 17/12/2014 | 07:55 GMT+7

Áp sát vào đường ống tiếp thức ăn, thanh niên cứu hộ đẩy cây xúc xích vào ống, hô to: "Trong đó lấy được chưa?". Không thấy tiếng trả lời, anh lại rút ra đẩy vào. Những động tác cứ lập lại và vỡ oà niềm vui khi phía trong khối đất đá bít bùng vọng ra thông điệp "chúng tôi nhận được rồi".


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/chuyn%20sa%20vo%20hm.jpg
Công nhân tiếp ứng sữa vào cho các nạn nhân trong đêm khuya 16/12.

Suốt đêm 17/12, việc cứu hộ cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo tại tỉnh Lâm Đồng vẫn diễn ra rất khẩn trương. Hơn 12 tiếng sau sự cố, mũi khoan đã xuyên thủng qua đống bùn nhão, betông sắt thép vào bên trong. Áp miệng vào đường ống nhỏ, những người cứu hộ liên tục hét to: "Mọi người ơi! Có ai nghe thấy gì không?". "Yên lặng quá", một công nhân tham gia cứu hộ quay ra thông báo sau khi chờ đợi một lúc không thấy động tĩnh gì. Bất ngờ: "Chúng tôi an toàn, chúng tôi an toàn", giọng một thanh niên từ bên trong vọng ra khiến những người ở ngoài nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy nhau. "Chúng tôi đói lắm", giọng nói bên trong tiếp tục vang ra. Cả trăm người nháo nhào khi thông tin nhanh chóng được báo ra ngoài cửa hầm, nhiều người ôm lấy mặt.

Hàng loạt phương án được ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn đưa ra. Trong khi lực lượng cứu hộ vẫn không ngừng khoan gia cố đường hầm, một nhóm công nhân được lệnh mang sữa, nước gừng và các thức ăn loại nhỏ vào bên trong. Đường ống nhỏ lúc này trở thành công cụ để truyền oxy, thức ăn và cả giao tiếp của các nạn nhân với thế giới bên ngoài. Trong đường hầm đầy nước dài khoảng 500m, gần chục người cùng dâng cao ống chuyền thức ăn. Sữa được đưa vào trước để 12 nạn nhân uống cầm sức. "Nhận được chưa, các anh chị nhận sữa được chưa?", câu hỏi thỉnh thoảng vang lên. Mọi động tác lúc này đều được thực hiện từ từ, tỉ mỉ. Nước gừng và cháo gà xay nhuyễn cũng được chuyển vào trong cho các nạn nhân bằng cách này.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm.jpg

Tiếp đó, nam thanh niên cứu hộ sau một lúc đẩy dây xúc xích vào ống, hô to "trong đó lấy được chưa, ngoài này tụi em không thấy gì hết" rồi áp tai vào ống chờ nghe phản hồi. Cứ mỗi lần trục trặc, anh này lại kéo thức ăn ra rồi lại chầm chậm đưa vào. Những động tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Cứ thế, thông tin về tình trạng oxy, mực nước... bên trong hầm đều thông qua ống sắt này. Tiếng động của những động cơ máy móc hoạt động liên tục vang vọng trong hầm cản trở rất nhiều đến cuộc giao tiếp đặc biệt này. Ngồi mệt lả ngoài cửa hầm gặm vội chiếc bánh mì khi được đồng nghiệp thay ca khoan đường hầm, anh Trần Nhân Tăng cho biết là công nhân Công ty Sông Đà 505 nhưng làm cách hiện trường xảy ra tai nạn một quả đồi. Sáng qua nghe tin sập hầm, tất cả anh em đều chạy qua đây với hy vọng đồng nghiệp đều chạy thoát nhưng ai cũng bàng hoàng khi hay tin có đến hơn chục người bị mắc kẹt bên trong. "Nhìn đống đất đá, bùn nhão chặn kín miệng hầm, chúng tôi quặn thắt lòng vì không biết những đồng nghiệp của mình còn sống hay không. Giờ hay tin mọi người bình yên thì quên hết mệt mỏi", anh Tăng nói. "Hồi hộp, căng thẳng, dù chặng đường đào đất để giải thoát cho 12 người còn gian nan nhưng nghe được giọng những người bên trong là niềm vui quá lớn với chúng tôi rồi", một công nhân ngồi cạnh anh Tăng, chia sẻ.

Đêm rừng mưa lạnh cắt da, người người túc trực, thay phiên nhau. Hàng trăm ánh mắt vẫn tiếp tục hướng vào cửa hầm mong chờ thông tin từ những nạn nhân bước ra từ cõi chết. "Giây phút được tin 12 công nhân của mình còn sống tôi lặng người vì hạnh phúc. Cả đời tôi chưa có niềm vui nào như tối nay, đúng là phép màu", ông Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trình Công ty Sông Đà 505, nói.

Phước Tuấn

admin
19-12-2014, 04:53 AM
Thứ năm, 18/12/2014 | 19:58 GMT+7


70 giờ tìm cách tiếp cận các nạn nhân kẹt trong hầm thủy điện


Hơn 500 người nỗ lực suốt ngày đêm với nhiều phương án cứu hộ liên tiếp kể từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Sau 70 giờ, việc tiếp cận các nạn nhân vẫn chưa khả thi.


http://l.f30.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-1-1418904210_660x0.png
7h ngày 16/12, hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ bị sâp khi hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong. 20 người may mắn chạy kịp ra bên ngoài trong khi 12 đồng nghiệp của họ bị kẹt lại bên trong. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình này đã thi công được 600 m đường hầm xuyên qua, còn hơn 100 m nữa, hầm này sẽ được thông. Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500 m.


http://l.f29.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-2-1418904234_660x0.png
Suốt nhiều giờ sau đó, lực lượng cứu hộ đông đảo của Lâm Đồng nỗ lực tiếp cận nạn nhân nhưng bất thành. Đến 19h40, mọi người đã xuyên thủng đoạn ống chừng 3 cm qua khối đất, đá sập chừng 30 m. Niềm vui vỡ òa khi qua đường ống khí đưa vào, mọi người đã nghe được tiếng nói của các nạn nhân kẹt bên trong vọng ra. Họ cho biết vẫn an toàn, bên trong lạnh và rất đói, nước rò rỉ bị khối đất đá chặn đường thoát nên đang dâng lên.
12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Công cụ duy nhất để họ tiếp nhận cháo sữa, oxy và truyền thông điệp ra bên ngoài là ống thông khí này.


http://l.f32.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-3_1418907687_660x0.png
Ngày 17/12, việc cứu hộ được tiếp tục với sự có mặt của nhiều lực lượng từ công binh, thợ mỏ, cảnh sát TP HCM. Ngoài địa chất phức tạp với cát, đá mồ côi, một mối đe dọa khác với lực lượng cứu hộ là trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m khiến việc đào bới luôn tiềm ẩn rủi ro, có thể làm hầm sập thêm.
Cơ quan chức năng đưa ra 3 phương án. Ngoài phương án khoan thẳng từ phía trước hầm chừng 30 -40 cm, thêm 2 phương án nữa được đưa ra là khoan từ trên đỉnh đồi xuống vị trí hầm bị sập (70 m) và khoan từ phía sau hầm (hướng hạ lưu). Trong khi đó, nước trong hầm bắt đầu dâng cao.
Tối cùng ngày, việc cứu hộ có tiến triển mới khi một bóng đèn nhỏ nối dây diện đã được luồn thành công qua ống sắt vừa khoan được, đưa qua đầu bên kia cho các nạn nhân có ánh sáng.


http://l.f32.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-4_1418907140_660x0.png
Lúc này, nước trong đường hầm nơi các nạn nhân đang kẹt dâng lên đến 1,4 m. Ưu tiên số một của cứu hộ lúc này là hút nước ra càng sớm càng tốt. 20h30, lực lượng cứu hộ tại hiện trường đã khoan xuyên đường ống thứ hai rộng khoảng 6 cm vào trong và rạng sáng ngày 18/12, thêm một đường ống nữa được khoan thành công. Tuy nhiên, đường ống thứ 3 chọc vào nhưng các nạn nhân không mở van nên phương án này không phát huy tác dụng. Sau cả ngày hoạt động, đường ống nhỏ cũng hút được gần hết nước ra ngoài. Lực lượng cứu hộ đánh giá đây là điểm thành công nhất trong công tác cứu hộ ngày thứ 3.
Nước sẽ được bơm ra ngoài. Đầu hầm còn lại phía bên kia, lực lượng cứu hộ cho biết đã khoan được 16 m trong số 60 m. Riêng hướng từ trên đỉnh đồi khi khoan được 35 m đã gặp phải tảng đá lớn nên phải dừng lại. Nhưng với nỗ lực, cứu hộ đã đưa được tảng đá lên và mũi khoan tiếp tục đi.


http://l.f31.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-5b-1418904304_660x0.png
Cả 3 hướng khoan từ phía trước (tạo ngách hầm đi qua khu vực sập), sau và bên trên vẫn tiếp tục thực hiện để tiếp cận vị trí của 12 nạn nhân. Trong ngày thứ 3, một phương án nữa được tiến hành là khoan thêm một đường hầm men theo ngách bên trái theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.


http://l.f30.img.vnecdn.net/2014/12/18/time-6-1418904319_660x0.png
17h ngày 18/12, sau khi khoan được 40 m từ đỉnh đồi trong số 70 m, mũi khoan bị gãy. Lực lượng cứu hộ phải chuyển sang một vị trí khác và phải khoan lại từ đầu. Đây là hướng khoan được cho là rất quan trọng nhất vì sẽ là đường "tiếp tế" quần áo ấm cho các nạn nhân bị kẹt bên trong hầm. Trong khi đó, đường hầm ngách men theo bên phải đã đi được 6 m, bên trái 2 m; đường hầm phía hạ lưu được 47 m.

Hữu Công - An Nhơn
Đồ họa: Xuân Việt

fangzi
20-12-2014, 06:12 AM
Giải Cứu Thành Công 12 Nạn Nhân Trong Vụ Sập Hầm Tại Thủy Điện Dạ Dâng

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm%20c.png

Như đã đưa tin từ trước, tai nạn sập hầm xảy ra khoảng 7h ngày 16/12. Công ty Cổ phần Sông Đà 505 - đơn vị thi công cho biết, đoạn bị sập cách cửa hầm 300m, hầm sâu khoảng 6m, có 12 người (1 nữ) bị kẹt bên trong.

Lực lượng chức năng huy động hơn 700 người đến hiện trường giải cứu các nạn nhân. Trong đó có lực lượng Công binh, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, lực lượng PCCC TP.HCM, các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh viên đa khoa Lâm Đồng…


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sap-ham-6%201.jpg

Công tác giải cứu rất được dự quan tâm của dư luận, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các bộ ban ngành. Đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ các nạn nhân. Tuy nhiên, qua 4 ngày đêm, các phương án đưa ra điều đi vào bế tắc vì nền đất ở đây khá phức tạp. Nhiều mũi khoan xuống sâu hàng chục mét thì bị gãy do gặp phải đá cứng.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sap-ham.jpg

Các đơn vị cứu hộ phải cung cấp sữa và cháo cho các nạn nhân thông qua ống dẫn trong 4 ngày đêm. Nước trong hầm có lúc dâng lên hơn 1,5 mét, đe dọa tính mạng 12 công nhân. Một mũi khoan từ cửa hạ lưu thông tới hầm để hút nước vào sáng 19/12.

Theo dự kiến của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đến sáng 20/12, hai ngách phụ của hầm chính sẽ thông đến nơi các nạn nhân bị nạn. Tuy nhiên, bất ngờ đến 16h30 cùng ngày, khi lực lượng công binh đào ngách trái được khoảng 15 mét thì phát hiện một lỗ hổng. Khi qua lại thì các chiến sĩ thấy 12 nạn nhân đang ngồi bên trong.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm%20f.png

Sau đó, nhà chức trách tiến hành đưa các nạn nhân ra ngoài trong tình trạng tương đối khỏe mạnh. Sau khi ủ ấm, 12 công nhân được đưa đến bệnh viện Lâm Đồng trong tiếng hò reo của mọi người, kết thúc chiến dịch giải cứu 4 ngày đêm.

Fangzi theo Tin Mới

thieugia
20-12-2014, 06:20 AM
Nạn nhân vụ sập hầm thủy điện: "Luôn tin rằng sẽ được cứu sống"

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm%20b.png

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ tại bệnh viện, anh Hoàng Văn Sơn (25 tuổi, quê Nam Định) kể lại: "Những ngày qua, anh rất sợ, có những lúc cảm giác tuyệt vọng. Đặc biệt ngày hôm qua, khi nước cao tới cổ, mọi người thực sự mất bình tĩnh. Tuy nhiên, hàng ngày nghe được tiếng mọi người ở bên ngoài động viên, được tiếp tế thức ăn đầy đủ, anh em cũng đã dần lấy lại niềm tin, luôn tin rằng: sẽ được cứu sống". Anh Sơn cũng cho biết: "Tuy tin sẽ được cứu sống, nhưng ngày hôm nay mọi người cũng bất ngờ khi được cứu sống. Tất cả động viên nhau ráng chờ, giữ niềm tin nhưng cũng không ngờ được cứu nhanh như thế". Được biết, các nạn nhân đã được ăn bữa ăn chiều đầu tiên sau những ngày mắc kẹt trong hầm.
Anh Nguyễn Tiến Đoàn, một trong những nạn nhân cho biết: "Năm nay anh 30 tuổi, và dù anh chỉ đang ăn một tô mì gói, nhưng đây là bữa ăn chiều đầu tiên ngon nhất trong cuộc đời của anh". Cũng tại bệnh viện, PV Zing cũng đã có cuộc trò chuyện với nạn nhân Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Anh Tuấn.


http://media.doisongphapluat.com/thumb_x670x/386/2014/12/19/nan-nhan-tuan.JPG

Anh Nguyễn Văn Quang (30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) kể: "Kíp của chúng tôi đi làm từ lúc 6h, trong đó có 12 người đi trước, 3 người đi sau. Chúng tôi đi vào hầm được khoảng 500 m thì bỗng hàng chục khối đất đá từ trên nóc rơi xuống, tất cả 12 người bên trong chỉ thoát chết trong gang tấc. Chỉ trong tích tắc chúng tôi bị tách biệt với thế giới bên ngoài, bóng tối đen kịt. Thời điểm mới bị kẹt trong hầm, mọi người rất hoang mang và nghĩ rằng chỉ trong ngày đầu tiên là sẽ bỏ mạng, nhưng không ngờ phép màu đã xảy ra. Đến nay, khi về tới bệnh viện tôi vẫn không tin là mình còn sống".


http://media.doisongphapluat.com/thumb_x670x/386/2014/12/19/nan-nhan-quang.JPG
Anh Quang kể lại giây phút sinh tử. (Ảnh: Zing).

Cũng theo anh Quang, thời điểm nước dâng lên tới cổ, mọi người hoang mang tột độ, tuyệt vọng vì nghĩ rằng không còn đường sống. Thật may mắn, mọi người đã bắt được tín hiệu với lực lượng cứu nạn, được đưa ống dẫn khí, ống thoát nước ra ngoài, mực nước rút dần, niềm tin về sự sống với 12 người đã được nhen nhóm. "Những ngày bị kẹt trong hầm, chúng tôi sợ nhất là cái lạnh, ai cũng co ro, run cầm cập. Sau mỗi lần ăn cháo, uống nước từ đường ống, chúng tôi phải thống nhất phương án tập hợp lại với nhau để nói chuyện và ca hát cho chống lại cái lạnh tê người ở trong hầm", anh Quang kể tiếp. Trong số 12 công nhân, duy nhất chỉ có một công nhân nữ đó là chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An). "Tuy là nữ công nhân duy nhất bị kẹt lại, nhưng chị Ngọc không hề sợ hãi. Chị ấy chỉ nhớ đến đứa con trai 4 tuổi đang sống cùng ông bà nội ở ngoài quê", anh Quang nói.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sap-ham.jpg
Trong số 12 công nhân, duy nhất chỉ có một công nhân nữ đó là chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An).

Còn công nhân Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Từ thời điểm nhờ ống dẫn nói chuyện được với đội cứu nạn, biết những người thân đang có mặt tại hiện trường, chúng tôi ai nấy đều đã tự động viên với nhau hướng về gia đình mình đang mất ăn, mất ngủ ngày đêm trông ngóng, nên phải cố gắng bám trụ, lạc quan để đợi tới ngày được đoàn viên".

MY VÂN (TỔNG HỢP)

thieugia
20-12-2014, 06:50 AM
Cảm Ơn !

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Dac_Biet/sp%20hm%20c.png

VTTG - Trong những ngày qua, cùng với quân dân cả nước chúng tôi ngày nào cũng dõi theo tin tức của các anh chị, những người công nhân trong vụ tai nạn tại thủy điện Đạ Dâng. Chúng tôi vẫn cầu mong sự tốt lành sẽ đến với các anh chị ! Và... chúng tôi cũng òa vỡ vui mừng khi được tin các anh chị được lực lượng cứu hộ giải thoát một cách an toàn.

Thật là hanh phúc! Và chẳng gì vui hơn. Võ thuật Thiều gia xin được gởi lời chúc mừng chân thành nhất đến tất cả các anh chị, những người vừa từ cõi chết trở về. Nhân đây, võ thuật Thiều gia cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhất, lòng khâm phục nhất trước ý chí kiên cường, nghị lực phi thường và lòng quả cảm của các anh chị.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Nhan_Van_Hieu_Le/hoa.jpg

Xin được gởi tới lực lượng cứu hộ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất, xin cảm ơn và trân trọng sự nỗ lực của các anh.

Tp.HCM, ngày 20.12.2014
Võ sư Thiều Ngọc Sơn