PDA

View Full Version : Biển Đang Nóng Lên ?!



admin
03-06-2015, 04:35 AM
Biển Đông: Đừng để Việt Nam đứng giữa hai “làn đạn”

Dân trí Trước những động thái mới của các nước về vấn đề Biển Đông, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng, phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo ta đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh.

Ngày 2/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - đã chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn
Từ khi Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, còn Mỹ quyết định xoay trục sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì tình hình biển Đông ngày càng nóng hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Biển Đông tuyến hàng hải hết sức quan trọng cho nên nó là mối quan tâm, lợi ích chung của nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Đối với Trung Quốc, một điều rõ ràng là họ có xu hướng mở rộng, độc chiếm Biển Đông. Điều đó cho thấy Biển Đông là khu vực nhạy cảm, do vậy, phải bảo đảm lợi ích giữa các nước trong hòa bình. Còn nếu xảy ra xung đột, không chỉ riêng chúng ta mà nhiều nước bị thiệt hại.

http://dantri4.vcmedia.vn/ryypmVTAZJlwHI8kqoH1EiHU9txooH/Image/2015/06/lay-eda2a-694e3.JPG
Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội


Vậy Việt Nam ứng xử thế nào trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích giữa hai cường quốc này?
Ở những vùng biển quốc tế, quyền lợi giữa các nước là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không có chuyện anh to, anh bé. Còn khi người khác xâm phạm đến chủ quyền của mình thì mình phải bảo vệ trước chứ không thể tôn trọng lợi ích nào cả.
Trước sự việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ đã đem tàu chiến và máy bay bay qua khu vực này để khẳng định tự do hàng hải. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng có những tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào thái độ đó của Mỹ trong thời gian qua?
Đây là vấn đề lợi ích của các nước lớn, đan xen, lợi dụng lẫn nhau, còn Việt Nam như đứng giữa hai làn đạn. Do vậy, theo tôi mình phải cương quyết, nhất quán, không ngả về bên nào. Ứng xử vấn đề này phải rất khéo léo, cái gì tranh thủ được thì phải tranh thủ, còn cái gì ảnh hưởng đến quyền lợi thì mình phải cương quyết.
Kiên quyết đấu tranh những gì Trung Quốc vi phạm
Chiều ngày 5/6, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, sau đó Quốc hội có ra Nghị quyết hay thông báo để cử tri nắm được tình hình hay không?
Trong chương trình trước đó thì không có, thế nhưng trước sự phức tạp tình hình, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông vào chiều 5/6 tới. Còn việc ra Nghị quyết thì Quốc hội phải có cả một quy trình cụ thể. Thực tế đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông như xây cảng, sây bay quân sự, đưa pháo ra các đảo ở Trường Sa còn nghiêm trọng hơn cả sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trước đây? Do vậy, nhiều cử tri cho rằng, phản ứng của ta hiện nay là chưa tương xứng với tình hình?
Thực chất đây là sự cạnh trang giữa hai siêu cường. Do vậy, vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo mình đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh.
Trước khi sang đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain có chia sẻ gì về vấn đề biển Đông không?
Ông John McCain còn phản đối việc Trung Quốc tôn tạo, xây đắp trái phép các bãi đá, đảo ở biển Đông gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước trên thế giới vì đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Trước hành động của Trung Quốc, ông John McCain mong muốn các bên dùng biện pháp hòa bình để đảm bảo vấn đề an ninh trong khu vực.
Việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam liệu có là điều kiện để ta tăng cường năng lực quốc phòng, bảo đảm vấn đề an ninh Biển Đông?
Có thể nói, việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Tức là độ tin cậy của Việt Nam trong vấn đề hội nhập ở mức cao hơn. Khi độ tin cậy cao hơn thì các xu hướng hợp tác thuận lợi hơn nhiều.
Việc Mỹ mở cửa như vậy, còn Việt Nam mua như thế nào thì phải cân nhắc, tính toán kỹ. Vì thực chất tiềm lực quốc phòng của mình trên biển mình không thiếu, nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình? Nói như thế không phải là chủ quan nhưng khả năng của mình là cũng đảm bảo được.
Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)

thieugia
04-06-2015, 08:35 PM
Thế giới


Philippines xác nhận xây căn cứ hải quân gần Trường Sa

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/dan%20tri%20logo.jpg
Thứ Năm, 04/06/2015 - 16:19


Dân trí Hải quân Philippines đã công bố những tấm hình xác nhận việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình xây dựng căn cứ tại vịnh Oyster ở Palawan, cách quần đảo Trường Sa khoảng 160 km, tạp chí quân sự IHS Jane's ngày 2/6 đưa tin.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Chinh_Em/Bien_Hoa_Nam/philippines.jpg
Tàu chiến hải quân lớp Hamilton của quân đội Philippines. (Ảnh: The Diplomat)

Theo thông báo của Hải quân Philippines, giai đoạn nêu trên, chủ yếu tập trung xây đường, sẽ cho phép quá trình xây dựng căn cứ diễn ra khẩn trương hơn.

Tạp chí IHS Jane's cho rằng dự án xây căn cứ hải quân mới của Philippines sẽ bao gồm một cơ sở có bãi đáp trực thăng, một trung tâm huấn luyện tác chiến, một trạm radar và trung tâm thông tin liên lạc, một mạng lưới các tiền đồn và hệ thống giám sát và có khả năng một khu vực để thực hiện các hoạt động chung mỗi khi căn cứ này có "đối tác" của Manila tới thăm.

Một khi được hoàn thành, giới chức Philippines khẳng định căn cứ này sẽ có thể tiếp đón các loại tàu chiến cỡ lớn, kể cả tàu chiến của Mỹ.
Trước đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang, Jr. đã nhắc tới việc xây dựng căn cứ nêu trên là "mục tiêu ưu tiên hàng đầu" của quân đội nước này trong thời gian tới.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tướng Catapang nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ có thể tới căn cứ này để tiếp nhiên liệu và lưu lại. Ngoài ra, ông cũng lên tiếng hoan nghênh sự góp mặt của hải quân các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc và Việt Nam.

Theo đánh giá của giới phân tích, nếu căn cứ nêu trên được hoàn thành, Hải quân Philippines sẽ có được một căn cứ chiến lược để ứng phó trước những nguy cơ xảy ra xung đột, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng sau các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc tại những khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược đòi chủ quyền.

Ngọc Anh Theo Diploma

thieugia
04-06-2015, 09:56 PM
Thế khó của Mỹ với Trung Quốc tại Biển Đông

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/logo_vne.png
Thứ năm, 4/6/2015 | 14:17 GMT+7

Trung Quốc khăng khăng không chịu dừng các hoạt động xây dựng phi pháp tại Biển Đông, khiến Mỹ rơi vào thế lưỡng nan, không thể không kiềm chế Bắc Kinh, nhưng lo ngại một phản ứng sai có thể dẫn tới xung đột quân sự hoặc chiến tranh lạnh.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2015/06/04/24-8114-1433393912.jpg
Đô đốc Tôn Kiến Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần qua. Ảnh: WSJ

Tại Hội nghị Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích hành động xây đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng, Mỹ sẽ điều máy bay và tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố việc tiếp cận quá gần các bãi đá mà Bắc Kinh đang chiếm đóng là hành động khiêu khích.

Ông Carter cũng điểm các hệ thống vũ khí mới mà Washington dự định sẽ điều tới châu Á, trong đó có tàu khu trục tàng hình Zumwalt. Đây được cho là nhằm tạo cơ sở để Mỹ triển khai lực lượng tới khu vực trong tương lai.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như không e ngại các tuyên bố của ông Carter. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, tiếp tục bao biện cho hành động xây đắp đảo trái phép của nước này tại Biển Đông. Thậm chí một đại diện của Trung Quốc, đại tá Triệu Hiểu Trác, còn cho rằng "lời lẽ của ông Carter không cứng rắn" như dự đoán.

Theo Wall Street Journal, sự ngoan cố này của Trung Quốc đặt chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý quan hệ hai nước. Hiện nay đang có một cuộc tranh luận trong giới chức Mỹ giữa những người tin rằng các hoạt động của Trung Quốc phải được kiểm soát và kiềm chế; với những người lo ngại rằng một phản ứng sai của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm tái bảo đảm cho các đồng minh vốn lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể sẽ tạo ra nguy cơ gây đối đầu với Trung Quốc và có thể phân cực khu vực, tạo ra một thế khó cho các quốc gia châu Á, những nước không muốn phải chọn đứng hẳn về một bên nào.

Các quốc gia như Hàn Quốc là đồng minh quan trọng, nhận sự bảo vệ quân sự từ Mỹ, nhưng lại có mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Seoul và Bắc Kinh hôm 1/6 vừa ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương, được lãnh đạo hai nước đánh giá là "cột mốc lịch sử". "Thông qua thỏa thuận này, Trung Quốc có thể đã tìm cách nắm lấy Hàn Quốc trong khi cạnh tranh để giành sự lãnh đạo kinh tế và chính trị ở Đông Bắc Á", New York Times dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Một số nhà phân tích Mỹ lập luận về một sự thoả hiệp, theo đó Mỹ sẽ nhượng bộ để Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực, và Washington sẽ rút bớt lực lượng để tạo ra một vùng đệm chiến lược giữa hai nước. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt trật tự hậu Thế chiến II mà Mỹ đóng vai trò là cường quốc dẫn đầu.

Một số khác, trong đó có cả các nghị sĩ quốc hội, tin rằng Mỹ cuối cùng sẽ phải thể hiện sức mạnh quân sự, bất chấp nguy cơ có thể xảy ra những toan tính sai lầm từ cả hai phía. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ là Thượng nghị sĩ John McCain với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động gây bất ổn chừng nào nước này còn chưa thấy rằng cái giá phải trả sẽ lớn hơn lợi ích đạt được.

Ngay cả giới quân sự Mỹ hiện cũng không có một sự đồng thuận về cách tiếp cận tình hình. WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, một số quan chức trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhận thấy sự cần thiết phải có phản ứng đối với sự hung hăng của Trung Quốc, trong khi một số khác tại Lầu Năm Góc lại lo ngại rằng phản ứng quá nghiêng về sức mạnh sẽ mang đến hệ quả ngoài ý muốn.

"Hiện không có một quan điểm thống nhất trong Bộ Quốc phòng. Tất cả đều nhất trí rằng những gì họ (Trung Quốc) đang làm là sai, nhưng vấn đề hành động như thế nào để thay đổi cách hành xử đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ", quan chức này nói.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện để ngỏ khả năng thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Phát biểu tại hội nghị cuối tuần qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho biết nếu như Bắc Kinh cảm thấy uy hiếp tại Biển Đông đủ lớn, thì sẽ có thể thiết lập ADIZ. Trước đó, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng có phát biểu tương tự.

Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có thể là những quân bài trong một cuộc chơi quy mô lớn hơn sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới, khi Trung Quốc nỗ lực phá vỡ vành đai hệ thống liên minh của Mỹ trải dài từ Hàn Quốc tới Australia mà Bắc Kinh tin rằng nó đang trấn áp sự trỗi dậy của nước này.

Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Obama đang tìm kiếm một "sự cân bằng hợp lý" để vừa có thể gia tăng sức ép nhưng vừa tránh làm tình hình căng thẳng vượt mức cần thiết mà vẫn đạt được mục tiêu. Theo ông David Shear, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, "không có giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho vấn đề này".

Đức Long