PDA

View Full Version : Tư liệu khảo cứu của Thiều gia



Shaolaojia
19-01-2016, 12:01 AM
1. Lạm đàm về tiếng trống... đám ma :)


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Nhan_Van_Hieu_Le/bt%20m.jpg

Xưa thật là xưa và cho đến ngay bây giờ, trống vẫn hẵng còn tỏ ra rất thông dụng ở quê tôi. Không những thế, nó còn có một vị trí đặc biệt trong lòng người dân quê, trong văn hóa làng xã.

Giống như những vùng miền khác trong cả nước, trống gắn liền với người dân quê tôi, hễ có việc gì là người ta… nổi trống. Và thông thường, nếu đã không nổi thì thôi, tức sẽ chẳng có vấn đề gì, chẳng sao nhưng một khi trống đã “nổi” thì y như rằng trong làng trong tổng có chuyện, không hỉ thì… bi.

Trống gắn liền với dân quê tôi, trống ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, trống luồn lách vào trong thơ ca, hò vè… trống không thể tách rời đời sống người dân quê thế nhưng, không phải tiếng trống nào cũng được người dân quê hương tôi thương yêu và nhung nhớ.
Trước hết nói về trống.

Đã là con em, công dân nước Việt thì từ trẻ đến già hỏi ai là người không biết đến “trống”. Trống là một loại nhạc cụ rất quan trọng trong cổ nhạc nói riêng và âm nhạc hiện đại ngày nay nói chung. Không có trống thì chẳng tạo thành văn hóa làng xã (ấy là quan điểm của người viết), không có trống “lễ hội” trở nên nhạt như nước ốc, ao bèo; không có trống các buổi liên hoan biểu diễn văn nghệ thường diễn ra tẻ nhạt, chẳng ra gì; và nhiều khi không có trống, không những trẻ em không biết giờ giấc để đến trường mà ngay như các thầy cô cũng có thể gục đầu xuống mặt bàn, trẻ em sẽ lăn ra ngủ trên mặt bàn vì dạy và học quá giờ (!)…

Trống không những quan trọng mà còn rất gần gũi với người dân quê Việt Nam. Do trống là một loại nhạc cụ tương đối giản đơn, chỉ cần dùng dùi đập đập lên mặt tức trống sẽ kêu. Thế nhưng… Nói thì đơn giản nhưng để gõ cho đúng vần đúng điệu, đúng nhịp đúng phách, đúng bài đúng bản, có lớp có lang thì không phải ai cũng biết, ai cũng làm được (điều này tôi biết rất rõ vì trước kia tôi từng nhiều năm liền, giữ và đảm nhận chức vụ Liên đội trưởng liên đội thiếu niên của làng). Và dù rằng có biết gõ đi nữa, nhưng để phân biệt một cách chính xác thế nào là trống khai trường, thế nào là trống chèo, trống hội, thế nào là trống báo có gian tế, trống báo có giặc vào làng, trống báo nhà có tang, trống tế người quá cố.... Cũng như cách thức gõ, quy tắc gõ v.v thì quả là cả vấn đề nan giải.

Để gõ được trống, không phải cứ vai u thịt bắp mà gõ được... Tôi từng chứng kiến nhiều đám tang, nhiều thanh niên trông rất lực lưỡng, to khỏe nhưng không thể gõ hết ba cuộn trống tế* trong khi đó, có những cụ già bảy tám mươi tuổi lại cứ “khoan nhặt” ngồi mà gõ trống… cả đêm.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Nhan_Van_Hieu_Le/trng%20m%20ma.jpg

Trống có nhiều âm thanh, nhiều trường độ khác nhau. Có tiếng nghe thật oai hùng, nghe như có cả đoàn quân ra trận; có tiếng trống bi ai, buồn như đứt từng khúc ruột, miếng gan và cũng có tiếng nhanh, tiếng chậm, lúc nhặt lúc khoan… Cũng tùy từng trường hợp cụ thể mà có kiểu gõ riêng cho thích hợp, đơn cử như tiếng trống trường:

Khởi đầu buổi sáng, thường thường ông lao công sẽ điểm 3 hồi. Đầu tin sẽ là 2 tiếng tùng tùng, rất nhanh sau đó nghỉ chừng 2, 3 nhịp mới đến tiếng “tùng” thứ 3, lại nghỉ 1 nhịp mới đến tiếng “tùng” thứ 4 và rồi cứ thế ngân dài, càng về sau tiếng càng nhỏ dần, nhỏ dần….
Tiếng trống báo có giặc hay trống báo gian tế, trộm cắp vào làng lại không như thế, thường thường khi có giặc, trộm hay có gian tế vào làng thì trống không đánh kiểu 3 hồi nữa mà lúc bấy giờ, trống sẽ được đánh theo nhịp 1.2/3; 1.2/3; 1.2/3… liên tục, gấp gáp, nghe thôi thúc chứ không thong thả, khoan thai như trống mở hội làng.

Đơn cử vài kiểu gõ như thế để mọi người biết rằng, để đánh được trống cũng rất khó khăn, phải mất nhiều kungfu lắm chứ không hề đơn giản tí nào.

Mình không có tham vọng nói nhiều về trống vì thực chất kiến thức về trống mình chỉ biết bi nhiêu đó thôi, không nhiều. Lẽ dĩ nhiên, mình cũng biết trống thường được dùng vào một số mục đích bi hỉ như sau:

1. Dùng để đánh trong các dịp lễ hội, tết nhất… Tiếng trống này gọi là tiếng trống hỉ (vì ai cũng thích tiếng trống này, từ người già cho đến trẻ thơ. Hễ nghe trống hội là náo nức, rực rạo hết cả người).

2. Tiếng trống dùng trong các trường, trống dùng trong sinh hoạt đội. Đây là trống thường dùng để khai trường, báo hiệu một năm học mới… Thúc giục trẻ em đến trường, ra chơi hay tan lớp, kỳ sinh hoạt đội trong dịp hè… Đây có thể được coi là tiếng trống mừng, trống vui. Mừng vì được cắp sách đến trường, vui vì được giải lao sau một giờ thầy trò căng thẳng, vui vì đã đến giờ về với gia đình, về với cha mẹ… Tiếng trống trường tuy chỉ dùng để khai giảng, báo giờ lên lớp, giờ nghỉ ngơi… Tiếng trống trường này khác hẳn với tiếng trống khác, nó không những có sức lan tỏa tức thời mà còn có khả năng ám ảnh rất nhiều người, nhiều thế hệ. Nó thực sự đi sâu vào trong tâm khảm của mọi người, như những kỷ niệm khó quên, nó theo suốt hành trang cuộc đời của mỗi người…

3. Dùng để đánh báo mỗi khi có giặc (cái này thì mình chứng kiến nhiều, ấy là hồi những năm kháng chiến chống Mỹ. Khi máy bay Mỹ đến đánh phá miền Bắc thường người ta dùng trống để báo tin nhưng về sau do tiếng bom gào đạn réo, bấy giờ tiếng trống nghe lạc lõng giữa không gian, tính cảnh báo không cao bởi vậy người dân mới nghĩ ra cách dùng ngay mảnh bom của Mỹ để làm kẻng báo động thay cho trống. Đây là nguyên do và xuất xứ ra đời của kẻng), để báo động, tập họp dân chúng mỗi khi có trộm cắp vào làng hoặc báo hiệu có tai ương như cháy nhà, chết người… (gọi là tiếng trống báo giặc giã, gian tế vào làng… hay còn gọi trống phòng gian).

Như đã nói trên kia, mình không năng lực để đi sâu tìm hiểu về “trống”. Sẽ là đá “lộn sân” nếu đi quá sâu bởi vậy, trong bài viết này mình chỉ muốn đề cập đến tiếng trống báo tin làng có người thân qua đời. Tiếng trống này có thể được coi là tiếng trống đáng ghét nhất, ghét hơn cả tiếng trống báo trộm cắp, báo có giặc giã… có điều, cách nhìn nhận, trình bày quan điểm, cảm súc của mình là bằng thơ và như đã nói, do trình độ hạn chế, âm luật ngu ngơ, mù mờ, mong mọi người chiếu cố cho cái tính “mạnh bạo” và đề đạt, chỉ giáo, bổ sung thêm.


Ba Hồi Chín Tiếng* !.!.!.

Ba hồi trống nổi, thế là toi
Hiếng mắt ngó coi, chết mịa rồi (!)
Thằng kia chớ đánh thêm chín tiếng*
Chạy báo nhân gian tỉnh lại rồi.

Gò vấp, ngày 18.1.2016
Thiều Ngọc Sơn
<><><><><><>

* Ở quê tôi, khi nhà có tang, nếu là lớn tuổi thường sẽ có các đoàn người đại diện cho dòng tộc, đại diện cho các hội nhóm như Đồng hương, hội lính, đại diện cho gia đình sui gia v.v đem lễ đến viếng và lúc này, dưới sự điều khiển của người gõ trống cái, ban nhạc hiếu sẽ nhạc để cho khách đến tế được thêm phần long trọng.

thieugia
26-01-2016, 10:30 AM
Ba hồi chín tiếng II !!!

Tiếng trống điểm đúng ba hồi chín tiếng
Giục người làng đến viếng tiễn hương thân
Trống loang tiếng khắp xa gần
Báo quê mất một người thân… nữa rồi !!!.

Nghe tiếng trống, ôi thôi lòng… bối rối
Dạ xót xa, chẳng thể nói nên lời
Đứt từng khúc ruột đất ơi !
Bao năm gắn bó, nay người bỏ đi !.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Nhan_Van_Hieu_Le/trng%20m%20ma.jpg

Tiếng trống điểm nghe vừa bi vừa đát
Thợ kèn ca, như xát muối vào lòng
Trống đừng điểm nữa được không ?
Mỗi lần trống điểm đau lòng người quê.

Tp. HCM, ngày 07 tháng 01 năm 2016
Thiều Ngọc Sơn