Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: An Nam & Những Phát Kiến Chẳng Giống Ai...

  1. #1
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    An Nam & Những Phát Kiến Chẳng Giống Ai...

    An Nam & Những Phát Kiến Chẳng Giống Ai...


    Thiều gia - Nói "phát kiến chẳng giống ai" ấy là do tất cả những phát kiến mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn dưới đây đều là sản phẩm tự bốc tự phát của những người nông dân chân đất mắt toét, của những anh chàng thất học hoặc là học chẳng lên đến nơi đến nóc... Tất cả họ, hoặc do tự ái, hoặc do cáu bẳn, hoặc vì ghen ghét với những người có trình độ học vấn cao, những nhà khoa học... mà nảy ra các phát kiến nhằm tự giải phóng mình. Những phát minh, sáng kiến của họ quả thực là chẳng có sách vở nào miêu tả, không theo bất cứ một khuôn mẫu, bài bản nào và cũng chẳng giống... "ai", nhưng lại vô cùng hữu dụng. Những phán kiến này, không những góp phần giải phóng sức lao động cho chính bản thân họ, nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy xã hội phát triển mà còn khiến cho các nhà khoa học thực sự phải ngỡ ngàng và cũng có nhiều người lấy làm... hổ thẹn lắm lắm.

    Thiều gia xin trân trọng giới thiệu !


    1. Lão nông và sáng chế xe đạp cày đa năng

    Câu chuyện của lão nông Lương Minh Đồng "chế máy cày" đã lan rộng khắp cả vùng huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Để tìm hiểu, một ngày giữa tháng 7/2011, dưới cái nắng như thiêu đốt ở xứ Quảng, chúng tôi tìm đến xưởng sáng chế cày đa năng của lão nông Đồng, ông kể: "Năm 1983 tôi đã có ý định manh nha về một chiếc cày giống bây giờ rồi. Vì hồi đó, nhà có 5 sào ruộng phải kêu đến 3 nhân công mới có thể cày, vun đất. Nhiều lúc tôi bận, vợ phải đi gọi trâu nhờ cày hộ mà còn phải chờ đến lượt. Thế là tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm chiếc cày”. Chiếc cày đầu tiên ông chế cũng bằng chiếc xe đạp cũ của nhà ông.

    Ông kể tiếp: cũng vô tình chạy xe đạp rồi liên tưởng đến chiếc cày nên bắt đầu mày mò sáng chế. Ông lấy ghi đông xe đạp cũ làm tay cầm cày, chế thân cày và lắp thêm lưỡi cày vào. Mất gần 1 tháng để có được chiếc cày đa hệ "đời F1".

    Ban đầu chiếc cày của ông độc nhất có một công dụng là cày, chiếc lưỡi cày được hàn luôn vào thân của cày. Làm thế cũng bất tiện vì vác đi ra đồng rồi vác về mà chỉ có công dụng cày không mà thôi. Đồng thời, lưỡi cày cố định nên gặp loại đất khác nhau là khó cày. Và ông lại lao vào chỉnh sửa sau nhiều lần tháo ra, lắp vào, cuối cùng cũng thành công. Nhưng cái thành công nhất cho chiếc cày của ông chính là cải tiến được bộ phận lắp ráp, thế lưỡi cày.

    Hồi mới xuất xưởng, giá một chiếc xe đạp cày ở mức 50.000 đồng/chiếc. Nhưng nay, xe đạp cày của ông giá 180.000 đồng/chiếc; nếu khách hàng muốn có thêm các loại lưỡi rạch hàng, vun hàng… chỉ phải trả thêm 40.000 đồng. Thử nghiệm cày đất thành công, ông lại nghĩ ra cách để xe đạp cày có thêm nhiều công năng hơn như gieo giống, vun đất, xới cỏ… trên đất cát pha, đất thịt nhẹ.

    Tiếng lành đồn xa, từ chỗ chỉ sản xuất dùng trong gia đình, dần dần nhiều người trong xã, rồi nông dân làm đất màu thuộc lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn và ở các tỉnh lân cận đều tìm đến đặt làm. Một ngày ông chỉ có thể làm được 2 chiếc hoàn chỉnh nên nhiều người phải đặt trước. Đến ngày mùa, cái xưởng nhỏ của ông lại tất bật và rộn ràng khách qua lại.

    Nhiều nông dân sững người khi thấy một mình vợ ông Đồng cày hết 5 sào ruộng, đồng thời tự mình vào hạt, vun đất mà không cần thuê một nhân công nào. Mà công việc lại được hoàn thành chỉ trong có vài ngày. Nhanh gấp bội lần so với những đám ruộng bên.

    Hiện nay, chiếc cày đa năng có thể làm 3 công việc: cày đất, vun đất và xén cỏ. Làm được cả 3 công việc trên là nhờ một bộ phận đa năng có thể lắp, thay ra 3 chiếc lưỡi cày, vun và xén. Bộ phận này có cái hay là có khả năng điều chỉnh độ nông sâu khi cày đất để phù hợp với từng người sử dụng, nhưng bí quyết của chiếc cày nằm ở cách đặt lưỡi, có nhiều người "nhái" cày đa hệ của ông, nhưng đã thất bại vì không thể cày hoàn hảo được.


    Không tốn nhiều sức lực nhưng chiếc xe đạp cày đa năng đã thay thế được cả một con bò, trâu trong việc cày xới đất.

    Thấy chiếc cày của ông làm việc nhẹ nhàng và hiệu quả trên cánh đồng Ngọc Thạch nên mọi người hỏi mua. Thế là chỉ sau một vài năm, trong nhà người nông dân nào ở Đại Hồng đều có một chiếc cày đa hệ do ông Đồng sáng chế. Gần 3.000 chiếc cày đã xuất xưởng đi đến khắp mọi vùng. Ông nói: "Dưới huyện Điện Bàn và TP Tam Kỳ đang đặt chỗ tôi gần 20 chiếc và phải làm thêm gần 10 chiếc để ông gì đó ngoài Nghệ An vào lấy hàng trong tuần tới nên tôi phải tranh thủ".

    Trao đổi với ông Phan Văn Chín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, cho biết: Từ trước đến nay người dân thường sử dụng trâu bò làm sức kéo, nhưng thời gian vừa qua có cày đa năng của lão nông Đồng xuất hiện đã giúp bà con nông dân hoàn toàn có thể giải phóng đất kịp thời vụ, gieo trồng đúng kỹ thuật, giảm tới 50% sức lao động trong các vụ mùa và có giá thành tương đối rẻ. Sự thành công của lão nông Đồng đã đưa bà con vùng xã Đại Hồng cùng nông dân các nơi biết đến thương hiệu cày đa năng của ông hơn - ông Chín nói

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    May 2012
    Bài gửi
    323
    Thanks
    37
    Thanked 36 Times in 29 Posts
    Nông dân làm 'khoa học', nhà khoa học làm gì?


    Gần đây, báo chí tốn không ít giấy mực về việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu… của người dân. Thậm chí, có ý kiến cho rằng giới khoa học Việt Nam với hàng nghìn tiến sĩ không làm được tàu ngầm, trong khi cơ quan quản lý lại không ủng hộ làm những việc như vậy…

    Phóng viên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Bộ Khoa học Nguyễn Quân về vấn đề này:

    - Thưa Bộ trưởng, ông có đánh giá thế nào về các sáng kiến của người dân-hay còn gọi là những “nhà khoa học chân đất” của Việt Nam?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong số hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân, có nhiều sáng kiến để phục vụ sản xuất. Trong số những sáng kiến ấy, có những cái được nâng lên thành sáng chế, nếu nó mới và chưa từng được phát hiện, hay được áp dụng ở đâu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có một số sản phẩm của người nông dân mặc dù có tính mới, áp dụng được, nhưng để gọi là sáng chế thì chưa thật chính xác. Tôi ví dụ như với tàu ngầm Yết Kiêu [của ông Phan Bội Trân-Thành phố Hồ Chí Minh] và Trường Sa 01 [doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa-Thái Bình], Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo cũng như tinh thần khoa học của người dân. Thế nhưng, về mặt nguyên lý mà nói thì những sản phẩm này đã được người ta sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ. Có điều, những sản phẩm trên được nổi tiếng chỉ là do người dân Việt Nam lần đầu tiên làm mà thôi.


    Tôi dám chắc rằng nếu nhà nước giao cho các nhà khoa học, các cơ quan khoa học làm tàu ngầm, máy bay thì họ sẽ làm tốt hơn mô hình của người nông dân đang có rất nhiều.

    Mặc dù đánh giá rất cao tinh thần khoa học của người dân, nhưng nếu chúng ta gọi đây là những sáng chế có tầm quan trọng rất đặc biệt với khoa học thì không phải. Những sản phẩm này chỉ chứng tỏ tại một xưởng thủ công với một vài cá nhân quan tâm tới khoa học, ở trong điều kiện còn rất khó khăn cũng có thể làm ra được những sản phẩm ở trình độ nhất định. Tôi cho rằng, ngay cả khi những sản phẩm này có được thử nghiệm thành công thì khả năng để thương mại hóa hay để rất nhiều người trong xã hội sử dụng, thậm chí xuất khẩu ra các nước là một bài toán lâu dài, phụ thuộc vào cơ chế thị trường, nhất là khi Chính phủ chưa có chủ trương chế tạo tàu ngầm, máy bay. Thực tế, ở các quốc gia phát triển hơn chúng ta hiện nay cũng không dám nghĩ đến việc tự chế tạo tàu ngầm và máy bay. Đây là những phương tiện kỹ thuật đòi hỏi trình độ công nghệ cũng như đòi hỏi an toàn cho con người rất cao. Vì thế chúng ta rất dễ thấy cả thế giới đều dùng Boeing và Airbus thay vì mỗi quốc gia đều chế tạo thương hiệu máy bay cho chính mình. Và trên thế giới cũng chỉ có một số quốc gia chế tạo, xuất khẩu tàu ngầm.


    Tàu ngầm Yết Kiêu 1 trong lần thử nghiệm tại hồ bơi của Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP.HCM năm 2010. (Ảnh do ông Phan Bội Trân cung cấp)

    - Bộ trưởng nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không có những sản phẩm như những “nhà khoa học chân đất?”

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Mặc dù đánh giá rất cao những sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật của người dân, xong nói như vậy là không đúng. Đó là một cách nói cực đoan và gây tác dụng tiêu cực, đặc biệt làm ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của những người làm khoa học. Tôi dám chắc rằng nếu nhà nước giao cho các nhà khoa học, các cơ quan khoa học làm tàu ngầm, máy bay thì họ sẽ làm tốt hơn mô hình của người nông dân đang có rất nhiều. Thực tế máy bay VAM1 của Hội cơ học hoặc máy bay huấn luyện L19 của Viện kỹ thuật không quân những năm trước đây đã chứng tỏ điều đó.

    - Trung bình mỗi năm, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bao nhiêu sáng chế, trong số lượng đó có bao nhiêu sáng chế của “nhà khoa học chân đất,” thưa Bộ trưởng?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Mỗi năm chúng tôi cấp văn bằng bảo hộ và duy trì khoảng trên 1.000 bằng sáng chế của cả trong nước và nước ngoài. Đáng tiếc là trong số đó, bằng sáng chế của người Việt chưa đến con số 100 và hầu hết là của các nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp. Còn sáng chế của nông dân thì năm có, năm không.


    Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa và sản phẩm tàu ngầm Trường Sa của ông. (Nguồn: VNE)

    - Thực tế, nhiều sáng kiến của người dân đáng tầm sáng chế, nhưng họ không biết tới việc phải đi đăng ký văn bằng bảo hộ như thế nào. Bộ trưởng nhận định gì về vấn đề này?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Một là người dân không biết làm thế nào để đăng ký để được bảo hộ. Hai là, hiện nay để đăng ký bảo hộ thì thủ tục còn khá phức tạp, kể cả người dân có biết thủ tục đăng ký thì quy trình cũng quá phức tạp vì họ không có chuyên môn.

    Sáng chế là những ý tưởng, sản phẩm mới mà chưa từng ai đăng ký. Bởi vậy, khi viết được bản mô tả sáng chế đòi hỏi phải là người rất chuyên nghiệp. Bản mô tả phải rõ ràng, bảo đảm tính khoa học để cơ quan thẩm định thấy đúng là mới, thì cơ quan thẩm định mới chấp nhận đơn hợp lệ. Sau đó tiến hành tra cứu hệ thống sáng chế thế giới. Khi tra cứu thấy cái sáng chế của người dân chưa từng được công bố hoặc bảo hộ, đảm bảo tính mới, tính khoa học, khả năng ứng dụng… và hết thời gian theo luật định mà không có khiếu nại, tranh chấp thì cấp văn bằng bảo hộ. Những người dân có ý tưởng sáng tạo ở tầm sáng chế thì nên liên hệ ngay với Sở Khoa học và Công nghệ ở các địa phương để được hướng dẫn. Ở Việt Nam có những tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Tại đây, họ có luật sư, chuyên gia kỹ thuật giúp cho người nông dân viết mô tả sáng chế và làm thủ tục đang ký sáng chế.

    Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ngoài việc phải thuê tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để làm hồ sơ còn phải mất lệ phí đóng cho cơ quan đăng ký của nhà nước. Khi được bảo hộ, hàng năm còn phải đóng phí để duy trì.

    - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những có hỗ trợ gì để nâng cao nhận thức của người dân quyền sở hữu trí tuệ?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng nhiều cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân, ví dụ qua các cuộc thi nhà sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ, chuyên mục "chắp cánh thương hiệu" trên VTV và nhiều chương trình tuyên truyền liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, có cả một chương trình 68 của Chính phủ về phát triển tài sản trí tuệ. Chương trình này ngoài việc hỗ trợ tuyên truyền còn hỗ trợ cho một số viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký tài sản trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa…), xây dựng hệ thống cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ từ Trung ương tới địa phương…


    Chiếc trực thăng đầu tiên của "Hai lúa" Trần Quốc Hải- người nổi tiếng gần xa về việc chế tạo máy bay trực thăng tại nhà riêng ở ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh được trưng bày tại Viện Bảo tàng New York - Mỹ. Ảnh TL

    - Còn những sáng chế, sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn...?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc hỗ trợ “nhà khoa học chân đất” được tiến hành ngay từ khi người nông dân có ý tưởng và liên hệ với các Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương. Hàng năm, khi Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chợ công nghệ thiết bị (Techmart), chúng tôi đều giao cho các Sở Khoa học và Công nghệ mời nông dân có sáng kiến đem sản phẩm của họ đến giới thiệu trong các chợ ấy. Điều này sẽ giúp sản phẩm của người dân được nhiều người biết đến và mở ra cơ hội hợp tác, thương mại hóa sản phẩm. Thực tế, có một số bà con nông dân được giới thiệu sản phẩm tại Techmart đã có nhiều đơn đặt hàng, một vài nông dân đã thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm và trở nên giàu có…

    - Có ý kiến cho rằng cần lồng ghép sở hữu trí tuệ vào chương trình giáo dục, thưa Bộ trưởng?

    Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi nghĩ, trong chương trình giáo dục từ phổ thông phải làm sao để có thể học sinh đi học khi có ý tưởng nào đó thì đã phải nghĩ ngay đến việc phải gặp ai để hỏi và được tư vấn. Hiện nay, chúng ta không đào tạo cho trẻ em cái tư duy ấy. Ở một số quốc gia, khi trẻ nhỏ có ý tưởng, các em sẽ biết phải đến đâu để xin tư vấn, và kể cả giáo viên cũng có tư duy như vậy. Còn ở ta, ngay cả các thầy cô giáo của chúng ta, khi học sinh có ý tưởng hay hay đến hỏi cũng không biết hướng dẫn đến gặp ai hay làm thế nào để phát triển ý tưởng …

    - Xin cảm ơn Bộ trưởng!

    Thanh_long sưu tầm theo báo điện tử "Một Thế Giới".

  3. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Nông dân làm khoa học, nhà khoa học đi học nông dân
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •