Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Bát tiên là những ai?

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2012
    Bài gửi
    202
    Thanks
    71
    Thanked 13 Times in 12 Posts

    Bát tiên là những ai?

    Em nghe nói trong một lần đi nhậu ở dưới biển các vị này say sỉn quậy tùm lum nên mới có cái tích "bát tiên quá hải", xin cho biết nói như thế có đúng không ạ? Và tám vị tiên này bao gồm những vị tiên nào?

  2. #2
    Member
    Tham gia ngày
    Aug 2012
    Bài gửi
    30
    Thanks
    19
    Thanked 10 Times in 8 Posts

    Bát tiên là những ai?

    Bát tiên là: Hà Tiên Cô, Tào Quốc Cữu, Làm Thái Hòa, Trương Quả Lão, Hán Trung Ly, Lý Thiết Quải, Lữ Động Tân và Hàn Tương Tử.
    Hà Tiên Cô vốn là một người con gái đất Linh Lăng đời Đường, tên là Quỳnh, sống tại khe suối Vân Mẫu. Năm 14-15 tuổi nằm mơ thấy người thần dạy cho ăn bột vân mẫu, lại gặp dị nhân cho trái đào mà ăn nên không bao giờ biết đói. Thường lui tới nơi đỉnh núi, dáng đi như bay; có thể biết trước việc người. Đến niên hiệu Cảnh Long ( 707-710) đời Đường Trung Tông thì đi mất, người đời truyền tụng nàng là một trong tám vị tiên. Trên đây là thuật theo sách Linh Lăng huyện chí. Còn An Khánh phủ chí thì chép rằng Hà Tiên Cô là do 1 con hươu sinh ra , ở nhờ tại 1 đạo nhân họ Hà nên mới lấy Hà làm họ. Sách Đạo phả nguyên lưu đồ thì lại chép rằng Hà Tiên Cô vốn là một chàng trai, họ Từ, tên là Thánh Thần ( bề tôi của bậc thánh ), thường xuất thần mà đi nơi khác nên người nhà bèn liệm xác . Lúc trở về , nhân nhà họ Hà có người con gái vừa mới chết, bèn nhập vào, sau đắc đạo lên tiên, được nhà Nguyên phong là nguyên quân ( nguyên quân là tiếng dùng để chỉ người phái nữ tu đắc đạo lên tiên, tương đương với chân nhân dùng để gọi nam giới).
    Tào Quốc Cữu là em của Tào thái hậu nhà Tống- vì thế nên mới gọi là quốc cữu – đã tầm sư học đạo ở miền núi non hiểm trở. Gặp Chung Ly Quyền, Lữ Động Tân cho nhập bọn. Đây là điều được ghi chép trong sách Tục văn hiến thông khảo. Sách Từ Châu chí thì chép rằng Tào Quốc Cữu nhà Tống thoát xác tại Ngọc Khư Quán ( quán là nơi tu luyện của đạo sĩ ) – nay còn có tên là Đằng Vân Tự ( chùa Đằng Vân ) – vào năm Thiệu Hưng thứ 4 đời Tống Cao Tông. Nhưng sách Cai dư tùng khảo thì lại nói như sau : “Khảo sát theo sách Tống sử thì em trai của thái hậu Từ Thánh Quan Hiến là Tào Hất chết năn 72 tuổi ; chưa từng có chuyện thành tiên bao giờ”.
    Lam ( thường đọc trại thành Lâm ) Thái Hòa là một ẩn sĩ đời nhà Đường, thường ăn mặc rách rưới, mùa hạ thì nằm chăn thêm xơ bông, mùa đông thì lại ngồi trên đống tuyết . Thường hát bài Đạp đạp ca ngoài chợ thành Tràng An, lời ca thường phảng phất phong vị thần tiên. Sau uống rượu say ở Hào Lương rồi cưỡi hạc bay đi, người đời truyền tụng là một trong bát tiên.
    Trương Quả Lão là một phương sĩ đời Đường, ẩn ca tại núi Trung Điều, thường tự cho là sanh ở thời vua Nghiêu. Vào niên hiệu Khai Nguyên (713-741) đời Đường Huyền Tông được vua sai rước về kinh đô, được ban Ngân thanh quang lục đại phu, lấy hiệu là Thông Huyền tiên sinh. Huyền Tông cho xây Tê Hà Quán , tức là chỗ để tu trên núi Tê Hà . Người đời thường truyền tụng là một trong bát tiên.
    Hán Chung Ly tức Chung Ly Quyền. Sách Tục thông khảo chép rằng Chung Lý Quyền là người Hàm Dương , hiệu là Hòa Cốc Tử , lại có hiệu là Chính Dương Tử và Vân Phòng . Râu đẹp, mắt sắc, thân cao tám thước. Trải qua quan chức dưới 3 triều Hán, Ngụy, Tấn. Tu luyện tại động Chính Dương rồi thành tiên, nay còn hiệu là Chính Dương Đế Quân. Sách Tập tiên truyện chép Chung Ly Quyền, tự Vân Phòng, cuối đời Đường thì vào tu ở núi Chung Nam . Sách Đính ngoa tạp lục lại chép : “ Thời nhà Đường , có người tên là Chung Ly Vân Phòng , tên Quyền , là người đồng thời với Lữ Nham ( tức Lữ Động Tân ), thường tự xưng là “thiên hạ đô tán hán Chung Ly Quyền”. Người thời nay gọi ông là Hán Chung Ly vì đã ghép tiếng “hán” bên trên với hai tiếng “ Chung Ly” bên dưới. Nhưng Hán Chung Ly lại là địa danh chứ không phải nhân danh . Bằng chứng là thơ Đỗ Phủ có câu : “Cận văn Vi thị muội, Nghênh tại Hán Chung Ly” (Gần đây nghe tin cô em nhà họ Vi gả chồng về đất Hán Chung Ly). Vậy Hán Chung Ly là địa danh chứ không phải là tên của một người trong nhóm bát tiên. Chung Ly Quyền mới đúng là tên của vị này . Ở đây vẫn gọi Hán Chung Ly chẳng qua là theo truyền thống.
    Lý Thiết Quải (thường gọi trại là Lý Thiết Quài), đúng ra là Thiết Quải Lý ( người họ Lý có cây gậy sắt ). Sách Trà hương thất tùng sao viết: “ Trong tám vị tiên thì lai lịch Lý Thiết Quải không có cách nào tra cứu được. Sách Kiên hồ tập dẫn sách Tiên tung nói rằng Thiết Quải họ Lý, hình chất khôi ngô, còn nhỏ đã biết theo đạo, tu tiên nơi hang núi vắng. Một hôm đi gặp Lý Lão Quân (Lão Tử) theo hẹn tại núi Hoa Sơn, mới dặn học trò: “ Xác của ta ở tại đây, nếu ta đi ngao du bảy ngày mà chưa về thì mới được hóa xác ta”. Người học trò này vì mẹ bệnh nặng phải về nhà gấp nên mới đến ngày thứ sáu đã hóa xác của Thiết Quải. Đúng ngày thứ bảy Thiết Quải trở về thì chẳng còn xác để phụ vào nên phải nhập vào xác một kẻ chết đói mà đứng dậy. Do đó hình dạng mới xấu xí và chân thì bị thọt”. Nhiều người cho rằng sự tích Lý Thiết Quải là do sự tích của Lý Bát Bách (Lý Tám Trăm) mà ra. Sự tích của Lý Bát Bách được sách Thần tiên truyện chép như sau: “Lý Bát Bách là người đất Thục, không ai biết tên là gì, người thời bấy giờ cứ tính theo tuổi là tám trăm năm mà gọi như thế và lấy đó làm hiệu. Về lai lịch của Lý Bát Bách cũng có nhiều thuyết khác nhau. Sách Bảo Phác Tử nói rằng thời Ngô Đại Đế có người tên là Lý A, sống trong hang, không ăn uống, người ta gọi là Bát Bách Tuế Công ( ông tám trăm tuổi ). Sách Tấn thư chép rằng đạo sĩ Lý Thoát lấy yêu thuật mê hoặc người ta, tự nói rằng mình tám trăm tuổi, do đó lấy hiệu là Lý Bát Bách. Sách Tống sử thì chép rằng đời Đường có vị tiên là Lý Lương, hiệu là Lý Bát Bách . Sách Tứ Xuyên tổng chí chép rằng Lý Bát Bách là người đất Thục, đã sống trải qua các đời Hạ, Thương, Chu, tuổi đã tám trăm. Cũng nói rằng hễ nhích 1 cái là đi tám trăm dặm, do đó mà có hiệu là Lý Bát Bách. Thời Chu Mục Vương, hiệu là Tử Dương Chân Nhân , lại phong Diệu Ứng Chân Nhân. Sách Thiết vi sơn tùng đàm nói rằng xác của Lý Bát Bách tan rã, lại nhập vào xác khác mà sống lại. Sách Trà hương thất tùng sao cho rằng chuyện người đời truyền tụng về Lý Thiết Quải ê rằng chính là do chuyện Lý Bát Bách phụ hội thêm mà thành.
    Lữ (Lã) Động Tân (chữ Động cũng đọc thành Đồng ) là người đất kình triệu đời Đường, tên là Nham ( Động Tân là tự), hiệu là Thuần Dương Tử. Đời Đường Vũ Tông, hai lần thi tiến sĩ không đỗ mà tuổi đã sáu mươi tư. Trong khi giang hồ lãng du, gặp Chung Ly Quyền, học được thuật kéo dài tuổi thọ . Ban đầu ở núi Chung Nam, sau được Chung Ly Quyền đưa đến núi Hạc Lĩnh mà truyền nốt cho bí quyết trên. Động Tân đắc đạo rồi bèn đi qua các miền Giang, Hoài, Tương, Đàm, Nhạc, Ngạc và Lưỡng Chiết, người khác không thể biết, tự xưng là Hồi Đạo Nhân. Người đời còn gọi là Lão Tổ, nhà Nguyên phong là Thuần Dương Diễn Chính Cảnh Hóa Tôn Hựu Đế Quân.
    Hàn Tương Tử chính tên là Hàn Tương. Tục truyền đã tu tiên đắc đạo và là cháu của nhà thơ Hàn Dũ. Hàn tiên truyện chép rằng ông của Tương tên là Trọng Khanh, cha tên là Hội. Học đạo từ thuở nhỏ rồi được Lữ Động Tân độ cho lên tiên. Tương lại muốn độ cho chú là Dũ. Nhân lúc Dũ được phong chức Hình bộ thị lang, mở tiệc mừng với bạn bè,đồng lieu, Tương cũng đến dự, khuyên Dũ bỏ quan học đạo, trao cho Dũ một bài thơ trong đó có hai câu: “ Giải tạo thuân tuần tửu, Năng khai khoảnh khắc hoa” ( Ta biết làm ra rượu “rót mãi còn hoài” và có thể làm nở hoa “phút chốc”). Dũ chỉ trích, cho là dị đoan, không them theo. Tương bèn lấy hồ lô đường kính một tấc ra rót rượu cho khắp lượt khách dự tiệc, lại lấy chậu đựng lửa mà trồng sen, trong phút chốc đã trổ hoa. Trên hoa lại có đôi câu đối: “ Vân hoành Tần Lĩnh gia hàn tại? Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền” (Mây giăng Tần Lĩnh, nhà đâu tá? Tuyết lấp Lam Quan ngựa khó lên). Dũ không hiểu ra, Tương bèn chia tay mà đi. Sau Hàn Dũ vì can gián việc rước xá lợi của Phật nên bị biếm đổi đi Triều Châu. Bèn từ biệt gia đình đi nhậm chức mới. Đi qua Lam Quan ( ải Lam), gặp tuyết rơi dày,ngựa đuối sức giữa đường thì Hàn Tương chợt đến. Dũ bấy giờ mới hiểu ra hàm ý đôi câu đối ngày trước, bèn thốt rằng “Thầy nói linh nghiệm thay”. Nhưng lòng vẫn hướng về vua nên không nỡ theo Tương tìm tiên học đạo.
    Trở lên là sự tích của bát tiên dựa theo Từ hải. Sở dĩ các vị tiên trên đây họp thành nhóm bát tiên chẳng qua là do hư cấu của người đời sau trong Nguyên kịch. Các sách chép rằng kịch thời nhà Nguyên có vở Bát tiên quá hải. Vở này có lẽ đã làm cơ sở cho một phần truyện Đông du ký đời nhà Minh, trong đó có kể truyện tám vị tiên vượt biển Đông Hải đi dự hội vườn đào của Tây Vương Mẫu. Bấy giờ không có thuyền, Lã Động Tân liền đề nghị mỗi người cứ cưỡi báu vật của mình mà vượt qua biển, mọi người đồng ý. Thế là Lã Động Tân thả chiếc khèn xuống biển, Thiết Quải Lý thả cái gậy xuống, Hàn Tương Tử thả cái giỏ hoa xuống, Lam Thái Hòa thả tấm gỗ bách xuống, Hán Chung Ly thả chiếc trống, Trương Quả Lão bèn cưỡi con lừa giấy, Tào Quốc Cữu thả xuống tấm giấy ngọc bản, Hà Tiên Cô thả cái lờ tre xuống biển. Các vị thần tiên đứng lên trên các bảo vật vượt qua Đông Hải bình an. (Theo Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc, Lê Huy Tiêu biên dịch, Hà Nội, 1993, tr.40)
    Sau đây là dấu hiệu để dễ nhận ra từng người trong nhóm bát tiên. Lý Thiết Quải tay cầm gậy sắt, lưng đeo hồ lô. Trương Quả Lão râu tóc bạc phơ, lưng đeo tích trượng. Hán Chung Ly phạch ngực, bụng phệ, tay phe phẩy quạt lông. Lữ Động Tân có dáng thư sinh, lưng đeo cặp kiếm âm dương. Hà Tiên Cô thân hình ẻo lả, một tay xách giỏ hoa quả, một tay cầm hoa sen. Tào Quốc Cữu mặc triều phục, đội mão cánh chuồn, tay cầm chiếc hốt. Hàn Tương Tử đẹp trai, miệng thổi chiếc sáo trúc. Còn Lam Thái Hòa là thiếu niên còn để trái đào, tay cầm chiếc phách đang gõ nhịp nhảy múa (X. Lý Việt Dũng, “Bàn về Tranh bát tiên”, Phát triển kinh tế, Xuân Quý Dậu, 1993, tr.46).

  3. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Hàn Tương Tử chính tên là Hàn Tương. Tục truyền đã tu tiên đắc đạo và là cháu của nhà thơ Hàn Dũ. Hàn tiên truyện chép rằng ông của Tương tên là Trọng Khanh, cha tên là Hội. Học đạo từ thuở nhỏ rồi được Lữ Động Tân độ cho lên tiên. Tương lại muốn độ cho chú là Dũ. Nhân lúc Dũ được phong chức Hình bộ thị lang, mở tiệc mừng với bạn bè,đồng lieu, Tương cũng đến dự, khuyên Dũ bỏ quan học đạo, trao cho Dũ một bài thơ trong đó có hai câu: “ Giải tạo thuân tuần tửu, Năng khai khoảnh khắc hoa” ( Ta biết làm ra rượu “rót mãi còn hoài” và có thể làm nở hoa “phút chốc”). Dũ chỉ trích, cho là dị đoan, không them theo. Tương bèn lấy hồ lô đường kính một tấc ra rót rượu cho khắp lượt khách dự tiệc, lại lấy chậu đựng lửa mà trồng sen, trong phút chốc đã trổ hoa. Trên hoa lại có đôi câu đối: “ Vân hoành Tần Lĩnh gia hàn tại? Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền” (Mây giăng Tần Lĩnh, nhà đâu tá? Tuyết lấp Lam Quan ngựa khó lên). Dũ không hiểu ra, Tương bèn chia tay mà đi. Sau Hàn Dũ vì can gián việc rước xá lợi của Phật nên bị biếm đổi đi Triều Châu. Bèn từ biệt gia đình đi nhậm chức mới. Đi qua Lam Quan ( ải Lam), gặp tuyết rơi dày,ngựa đuối sức giữa đường thì Hàn Tương chợt đến. Dũ bấy giờ mới hiểu ra hàm ý đôi câu đối ngày trước, bèn thốt rằng “Thầy nói linh nghiệm thay”. Nhưng lòng vẫn hướng về vua nên không nỡ theo Tương tìm tiên học đạo.
    Cảm ơn bạn trantrungdong rất nhiều, một bài sưu tầm quá độc đáo, tôi nghe nhiều về bát tiên nhưng tích này thì nay tui mới được nghe.
    Rất hay, cảm ơn bạn.

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •