Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 18

Chủ đề: Lật Lại Hồ Sơ: Những Vụ "Hình Án" Điển Hình Do Người Làng Võ Gây Ra...

Threaded View

  1. #11
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bài 6
    Nỗi đau không lời của thân sinh nhà vô địch, HLV võ thuật: TRẦN ĐỨC KHANG



    Có lẽ HLV Trần Đức Khang không còn xa lạ trong làng võ thuật Việt Nam, ông không chỉ nổi tiếng bởi là thầy của nhiều học trò đã thành danh trên các đấu trường mà ông còn nổi tiếng bởi sự vượt lên chính mình (ông từng bị thương nặng ở chiến trường, tưởng như tàn phế). Nhưng có lẽ số phận bi đát đến với ông, khi hai người con trai từng là hai vận động viên wushu nổi tiếng giờ lại là những người dính vào vòng lao lý.

    Giây phút vinh quang và những bi kịch kéo dài

    HLV Trần Đức Khang cầm cuốn album ảnh của cả gia đình, rất nhiều ảnh chụp hai cậu con trai thời vẫn còn đang ở đỉnh cao danh vọng. Tất cả những bức hình ấy giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Ông bảo rằng “mỗi khi nhớ con, ông lại đưa ra nhìn để giúp vơi nỗi nhớ, nhưng càng nhìn ông lại càng xót xa bởi mọi thứ dường như đã kết thúc cả rồi”.
    Hai con trai ông đều là những vận động viên wushu có tiếng trong làng wushu nước nhà. Trần Đức Trang, con trai lớn của ông, sinh năm 1980, học wushu với cha năm 6 tuổi và 17 tuổi dành Huy chương Vàng trong giải đấu trẻ toàn quốc. Ngoài ra, Trang cũng từng giành Huy chương Vàng giải hậu SEA Games, Huy chương Đồng Asiad 13… Với những thành tích khiến nhiều người mơ ước ấy, ai cũng nghĩ rằng, Trang sẽ có một tương lai sáng lạn và sẽ làm cho bố – một HLV wushu Việt Nam cảm thấy tự hào về con mình, trò mình.


    Trần Đức Trang trong màu áo đội tuyển Wushu Việt Nam

    Cậu con trai thứ là Trần Xuân Ánh. Ánh được đánh giá là VĐV có tiềm năng của đội tuyển wushu Việt Nam. Cũng giống anh trai, Ánh được học võ năm 4 tuổi và 17 tuổi cũng dành Huy chương Vàng trong giải đấu trẻ toàn quốc, Huy chương Đồng giải vô địch thế giới, vô địch châu Á và rất nhiều thành tích wushu trong và ngoài nước. Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, Trần Xuân Ánh là niềm mơ ước của rất nhiều cô gái trẻ xinh đẹp Hà thành. Lúc bấy giờ, Ánh có một tình yêu đẹp với một diễn viên múa, cô gái ấy giờ đã là một ca sỹ nổi tiếng với chất giọng khàn mà nhiều người yêu nhạc Trịnh vẫn gọi là “Tiểu Khánh Ly”. Thời điểm trước năm 2006, mỗi chiều cuối tuần, bạn bè Ánh thường thấy cậu lái chiếc xe Matiz màu trắng lượn qua khu văn công Mai Dịch đón cô gái bé nhỏ, có gương mặt đẹp như thiên thần về nhà mình ăn cơm. Nhắc đến cô gái, ông Khang mỉm cười ý nhị, pha chút tự hào “con bé đáng yêu lắm, lúc nào đến nhà cũng lễ phép, cả nhà đều mong chúng nó sớm nên duyên chồng vợ, vậy nhưng chẳng ngờ…” – ông chợt buông lửng câu nói, nhìn về xa xăm, một nỗi buồn đau hằn rõ trên gương mặt của người đàn ông đang trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời…

    Trước đây, nhiều người bảo rằng, ông Khang sinh ra là để tận hưởng niềm hạnh phúc, thành công và viên mãn. Hai cậu con trai với những thành tích cao, học trò đều thành đạt. Mỗi lần lên lớp dạy, học trò nhìn ông với một sự ngưỡng mộ vô cùng. Nhiều đồng nghiệp cũng lấy ông làm gương bởi với một người thầy, có một học trò giỏi đã là hãnh diện, trong khi ông có hàng chục học sinh đều thành danh. Cuộc đời tưởng như chỉ có màu hồng ấy bỗng đâu sụp đổ khi cậu con trai thứ vướng vòng lao lý vì tội mua dâm trẻ chưa thành niên năm 2006.


    Thầy Khang đang huấn luyện võ thuật cho đội tuyển Wushu

    “Đó thực sự là thời điểm vô cùng khó khăn khi phải đối diện với học trò của mình” – HLV Trần Đức Khang chua chát. Khi hay tin con bị bắt vì tội ấy, ông rất ngỡ ngàng – “Bình thường, Ánh rất khó tính, chỉ yêu các cô xinh đẹp chứ cỡ làng nhàng là không yêu. Ánh còn thuộc loại bướng bỉnh nhưng nó nắm rất rõ luật Hình sự Việt Nam”. Thế nhưng, các chứng cứ là bằng chứng thuyết phục chẳng thể chối cãi được. Ánh đã phải vào tù, bỏ lại mọi ước mơ về một tương lai rạng rỡ mà bạn bè cũng như gia đình kỳ vọng. Nếu chiểu theo luật, Ánh sẽ bị xử ít nhất là 12 năm tù nhưng vì có thành tích cao trong thể thao nước nhà, cộng với là con thương binh hạng nặng, Ánh được giảm án còn 5 năm. Trong thời gian ở trại, Ánh cải tạo tốt nên được ra sớm hơn quy định.

    Còn Trang, khi đang ở đỉnh cao vinh quang, Trang bị chấn thương và phải ngừng tập luyện để chữa trị. Cũng trong thời gian này, gia đình gặp nhiều xui xẻo, em trai vướng vòng lao lý, Trang không tập trung vào việc gì được nên gia đình quyết định gửi Trang sang Nhật Bản, mong rằng ở vùng đất mới sẽ giúp Trang quên hết những khó khăn trong gia đình để bắt đầu cho một chặng đường dài phía trước.

    Sống ở xứ sở Phù Tang, nhiều lúc nhớ bố mẹ, bạn bè đồng nghiệp, và đặc biệt là môn võ đã gắn bó với mình từ thuở nhỏ… Trang thấy xót xa. Sau khi tiêu hết số tiền bố mẹ hỗ trợ ngày ra đi, Trang gần như phải sống lưu vong ở nước bạn. Tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc thì bất ngờ cậu gặp một người Việt Nam mở công ty vệ sỹ, biết Trang là dân võ nên mời về cộng tác. Vậy là Trang đã có một hướng đi khác với công việc ổn định và thu nhập tốt. Cuối năm 2008, nghe tin em được ra tù, Trang trở về nước để cả gia đình đoàn tụ.

    Thế nhưng, giây phút đoàn tụ chưa kịp lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ thì bi kịch ập đến khi Trang phát hiện, em mình đang có một mâu thuẫn với nhóm bạn và khó hòa giải. Với tư cách là một người anh, Trang đã bảo với bố rằng “Ánh rất tự tin, nếu ra ngoài vẫn giữ tính cách đó thì dễ gây hậu quả, con phải giúp nó” – nghe con trai nói, HLV Trần Đức Khang cảm thấy rất yên tâm.

    Nhưng, vụ việc hôm ấy khác với những dự tính của Trang. Khi nhờ được một vài người bạn ra mặt hẹn nhóm đối thủ của em ra phố Đoàn Thị Điểm để hòa giải không những không thành công mà lại vô tình đẩy mình và các bạn vào vòng lao lý. Đó là khi Ánh và đối thủ không thể tìm thấy tiếng nói chung, một người nhóm kia lên tiếng thách thức và bị Ánh nhảy vào đánh. Một cuộc ẩu đả làm náo loạn ngã tư Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm. Khi nghe tiếng súng nổ, có người ngã xuống và tất cả cùng chạy tán loạn. Biết không thể hàn gắn được mâu thuẫn, Trang càng ra sức đuổi theo can thì vô tình càng làm cho vấn đề thêm phức tạp. Tiếng là giúp em nhưng cuối cùng lại đẩy mình vào chốn lao tù.

    Về phía Trần Xuân Ánh, sau khi vụ nổ súng trên phố Đoàn Thị Điểm diễn ra, các đối tượng lần lượt đều bị bắt nhưng Ánh đã trốn thoát. Từ bấy đến nay, gia đình HLV Trần Đức Khang vẫn giữ nguyên các nếp sống cũ, số điện thoại cũ phòng trường hợp con gọi về để khuyên nó ra đầu thú nhưng tuyệt nhiên Ánh ra đi không một tin tức.

    Gượng cười quên cay đắng


    Từ ngày các con vướng vòng lao lý, vợ suốt ngày hầu đồng nên ông luôn có cảm giác lạc lõng trong chính ngôi nhà mình. Trước đây, khi gia đình đang yên ấm, vợ cũng ham mê mấy chuyện bói toán, xem tướng số, theo hầu các cô các cậu, ông không hài lòng nên vài lần có lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, hồi đó có các con để hàn huyên tâm sự, nên vợ không nghe thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ông. Thế nhưng, sau khi nhà xảy ra sự cố, ông mải chạy theo các con, tìm cách cứu con, chẳng còn tâm trí đâu để khuyên can vợ “dừng lại” việc đó cả. Đối với ông bây giờ, công việc trên sàn tập dành cho học viên là tất cả sự sống còn lại của ông, nuôi thêm khát vọng để đón chờ ngày các con trở về.

    Trong cuộc trò chuyện với tôi hôm ấy, HLV Trần Đức Khang tâm sự rằng, ông đã từng đối diện với những bi kịch lớn, những nỗi đau hiện hữu mà không thể cất tiếng khóc, những mất mát lớn lao khi chứng kiến người bạn thân nhất ngã xuống trước mặt mà chẳng có cách nào cứu được… vậy nên, khi chứng kiến cuộc sống hiện tại, đối diện nỗi đau hiện tại, ông đã đủ nghị lực để vượt qua, cũng khó nhưng phải kiên cường nhìn vào cuộc sống, coi nó như những thử thách của cuộc đời. Ông cũng xem những vướng bận của các con với vòng lao lý chính là ông trời đang thử thách lòng can đảm của ông. Cuộc đời mà thiếu đi những thử thách ấy thì chẳng còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, cũng có những thử thách lớn quá sức chịu đựng của con người.

    Là một người thầy, mỗi buổi lên lớp, vẫn thường dạy học sinh võ đạo võ đời. Thế nhưng khi xảy ra chuyện, ông chẳng còn tâm trí đâu để nhắc đến hai danh từ ấy bởi ông sợ người ta nghĩ rằng “ông ấy không dạy được con, sao có thể dạy nổi người ngoài” – thế nhưng, vì ông đã dạy mấy chục năm rồi, những cụm từ ấy cứ phát ra từ miệng ông như chính một phần không thể thiếu trong từng chiêu thức võ để truyền lại cho võ sinh. Cũng may, võ sinh của ông phần nhiều đều là người hiểu chuyện nên dù gia đình thầy đã xảy ra biến cố lớn, họ vẫn một mực kính trọng và tha thiết với ngón nghề thầy truyền, đó chính là phần thưởng cuối cùng mà cuộc đời này không lấy đi của ông.

    Khi tôi hỏi về việc phạm tội của các con khiến ông nghĩ gì, HLV Trần Đức Khang thẳng thắn chia sẻ “Trong hai con, Ánh là đứa làm tôi suy nghĩ nhiều nhất, nay “mất” nó rồi, tôi vô cùng đau đớn, bởi xét cho cùng một phần lỗi cũng do mình cứ mải mê với công việc quá, quên mất điều cần có là dạy các con những trải nghiệm bên ngoài xã hội để con không va vấp. Hơn nữa, tôi quá tự tin về các con nên vô tình đẩy các con rời xa vòng tay của mình”.

    Những chia sẻ của người cha làm cho tất cả mọi người con khi nghĩ về cha mẹ mình đều cảm thấy đau đớn. Ai cũng biết, để nuôi con khôn lớn, các bậc sinh thành đã phải hy sinh nhiều như thế nào nhưng chẳng ai nói ra cả. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại rằng, với mỗi con người, nếu chúng ta chỉ biết nhìn thẳng, không ngoái lại nhìn sau, không nhìn xuống mặt đất, không nhìn hai bên thì việc vấp váp ở đời là điều khó tránh khỏi.


    Nhung Lê
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. The Following 3 Users Say Thank You to thieugia For This Useful Post:

    bach_djen (29-08-2013), ngochai (20-12-2012), nha_que (13-11-2013)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •