Trang 2/3 ĐầuĐầu 123 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 21

Chủ đề: Trang Thơ _Ca Dao_Tục Ngữ_Thành Ngữ_Điển Cố...

  1. #11
    Senior Member
    Tham gia ngày
    May 2012
    Bài gửi
    323
    Thanks
    37
    Thanked 36 Times in 29 Posts




    Xin đừng ra dạ Bắc Nam
    Ðừng chê lươn ngắn, chớ tham chạch dài

    Xưa kia có thế này đâu
    Bởi vì sợ vợ, nên râu quặp vào.

    Xưa kia ăn đâu ở đâu
    Bây giờ có bí, chê bầu rằng hôi

    Chuột chù chê khỉ rằng hôi
    Khỉ lại trả lời "cả họ mầy thơm" !



    Con cóc nằm mép bờ ao
    Lăm le tính chuyện đớp sao trên trời !

    Rồng vàng tắm nước ao tù
    Người khôn ở với người ngu bực mình

    Trứng rồng lại nở ra rồng
    Liu điu lại nở ra giòng liu điu

    Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Ðồng Nai
    Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
    Thương người quân tử lạc loài tới đây


  2. #12
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts


    Ba cô đội gạo lên chùa
    Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
    Sư về sư ốm tương tư
    Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
    Ai làm cho dạ sư sầu
    Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.


    Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
    *
    * *



    Bà già đã tám mươi tư
    Ngồi trông cửa sổ gởi thư lấy chồng
    Bà già đi chợ cầu Bông
    Hỏi thăm thầy bói lấy chồng lợi chăng
    Thầy bói xem quẻ nói rằng
    Lợi thi có lợi nhưng răng không còn.
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  3. #13
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    DUYÊN TÌNH CON GÁI BẮC



    Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
    Thương lại bóng hình người năm năm trước...

    Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
    Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
    Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
    Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!

    Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
    Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
    Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
    Nên hùng hộ để đợi giờ thua thiệt!


    Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

    Nghe nói em vừa thi rớt Luật
    Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
    Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
    Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!



    (Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
    Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
    Ta - thằng ôm hận tú tài đôi
    Không biết tìm ai mà kể lể



    Chim lớn thôi đành cam rớt lê.
    Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
    Nếu vì em mà ta phải điên tình
    Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

    Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
    Tay tre khô mối mọt ăn luồn
    Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
    Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

    Em chẳng bao giờ rung động cũ
    Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
    Nên trở về như một con sâu
    Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm



    Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
    Lá xanh em chưa dấu lở loang nào
    Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu
    Nhìn lá nõn, tiếc, thèm ...đâu dám cắn!

    Nếu vì em mà thiên tài chán sống
    Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

    NGUYỄN TẤT NHIÊN

    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  4. #14
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bài thơ
    Tiếng biển


    Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển
    Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết
    Những ngày này trong mỗi người dân Việt
    Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi...
    Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi
    Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời
    Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ
    Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi...
    Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi
    Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi
    Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ
    Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi...
    Em có nghe tiếng biển trong lòng người
    Tiếng của hòa bình tiếng hạnh phúc vui tươi
    Nhưng tàu giặc mà tấn công bờ cõi
    Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi...
    Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi
    Đảo nhỏ yêu thương chỉ mong tiếng biển cười
    Đón bình minh mỗi ban mai ngày mới
    Tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi...


    Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi
    Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người
    Hướng về phía Đông lặng nghe tiếng biển
    Mong bình yên cho tàu cá ra khơi...
    Vợ yêu ơi, anh phải đi trực rồi
    Phút chào nhau nhau tiếng biển bỗng mặn môi
    Chiều nay nhé, hết ca anh lại hẹn
    Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời...

    Thiều gia giới thiệu.
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  5. #15
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2012
    Bài gửi
    200
    Thanks
    91
    Thanked 23 Times in 19 Posts
    GIẤC MƠ ĐÊM QUA

    TS: LÊ THỐNG NHẤT

    Mới chợp mắt mà ngủ say đến thế?
    Thấy tám chục con tầu như đồ tể biển xa
    Thấy dàn khoan lạ lùng như một bóng ma
    Thấy những vòi rồng như bạch xà phun nước...
    Thấy học sinh hỏi tôi mà tôi chưa làm sao giảng được
    Thấy con tàu giám ngư thân mình xước hiên ngang
    Thấy bản tin phía kia vẫn giọng lưỡi sỗ sàng
    Thấy đáy biển thân yêu hàng ngàn đợt sóng
    Thấy người Mỹ hiểu ra độ nóng
    Thấy Asean cùng ký chẳng sợ gì
    Thấy những đoàn biểu tình bao biểu ngữ xá chi
    Thấy lịch sử cha ông như nguyên xi thời ấy.

    Chuyện ở biển ắt sẽ làm sóng dậy
    Chuyện anh em chưa hề thấy bao giờ
    Chuyện bên nhau có lúc vẫn như mơ
    Chuyện bây giờ chẳng ai thờ ơ sống
    Bác nông dân dừng cày bên thửa ruộng
    Chị lao công quét rác cũng nghẹn ngào
    Ông nhiều tuổi rồi vẫn bực tức ra vào
    Em nhỏ thơ ngây cũng thấy nao nao lắm!
    Sông Hồng từ đâu mà tươi máu thắm ?
    Cả dãy Trường Sơn xương trắng bao người
    Hội nghị Diên Hồng, bóp trái cam tươi
    Thấy cả trong mơ triệu người : Sát Thát!
    Người tử tế không bao giờ hèn nhát
    Người nhân từ không thích khạc đạn bom
    Người cần lao không sợ chí mỏi mòn
    Ôi! Việt Nam xin giữ tròn khí phách!
    Thấy láng giềng tự dưng sang khoét vách !
    Thấy bạn xưa đang đào ngạch vô nhà !
    Thấy quốc cường mà tay cướp, miệng la
    Thấy người anh bỗng gian tà quay quắt
    Giấc mơ đêm thấy lòng như đau cắt.
    Mắt mở ra chẳng thấy mắt nhắm vào
    Chợt nhìn ra trời muôn vạn vì sao
    Thấy mình ngỡ như hoá vào dân tộc.

    Giấc mơ đêm có lẽ là phút chốc
    Khi tỉnh rồi...chẳng lẽ độc mình ta
    Chợt đứng lên và nhìn tận biển xa
    Ta không ngủ bởi vì là sóng gọi
    Ta đồng thanh cùng triệu lời muốn nói
    Ta hoá vào trang chói lọi sử xưa
    Ta biến thành muôn trận nắng, cơn mưa
    Để ước nguyện : Non nước chưa nô lệ
    Những ngày này giấc ngủ sao khó thế?
    Trời không giông sao sóng bể thét gào?

    trai_xu_doai sưu tầm

  6. #16
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Ngũ xú Trung Hoa


    Trong tiếng Hoa, chữ ngũ (五)có nghĩa là 5; chữ xú (臭)có nghĩa hôi thối, xấu. Trung Hoa Ngũ Xú(五臭中华)là cụm từ dành để chỉ 5 người đàn bà xấu nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Vậy họ là những ai và sống trong thời kỳ nào ? Dưới đây, xin giới thiệu lần lượt 5 giai nhân xấu xí nhất của Trung Hoa nhưng lại có tài năng xuất chúng, phẩm hạnh cao thượng. Ho không chỉ hoàn thành sứ mệnh của người phụ nữ trong việc tề gia mà giúp chồng làm nên sự nghiệp lớn lao lưu danh trong sử sách Trung Quốc.

    1. Chung Vô Diệm vợ của vua Tề Tuyên Vương
    2. Hoàng Nguyệt Anh vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng
    3. Mô Mẫu
    4. Mạnh Quang
    5. Vợ Hứa Doãn


    Chung Vô Diệm

    Chung Vô Diệm (chữ Hán: 鐘無艷; bính âm: Zhōng wú yàn, không rõ năm sinh năm mất) tên thật là Chung Li Xuân (鍾離春), người đất Vô Diệm (nay thuộc phía đông huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông). Thường gọi là Chung Li Vô Diệm, bà là Vương hậu của Tuyên Vương Điền Tịch Cương (田辟彊) nước Tề.

    Chung Vô Diệm là người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử, được mệnh danh là một trong Ngũ xú Trung Hoa. Sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa... (無艷, Vô Diệm trong tên bà có nghĩa là không đẹp) Khi còn nhỏ chỉ thích săn bắn, tập võ, múa gươm. Do dung mạo xấu xí, đến 40 tuổi vẫn chưa chọn được người chồng vừa ý. Bà ta tuy xấu nhưng thông minh tài trí hơn người.

    Bấy giờ, Tề Tuyên Vương dù ngồi trên ngôi báu nhưng chỉ vui chơi hưởng lạc, không lo chỉnh tu chính sự. Một hôm, Tuyên Vương đang uống rượu giữa bầy cung nga xinh đẹp, vui chơi ở Tiệm Đài. Chung vô Diệm xin vào yết kiến, tự xưng là người con gái không lấy được chồng của nước Tề, nghe nói Tề Vương là người hiền minh, xin vào hậu cung lo việc quét tước cho vua. Các cung nữ nghe xong bụm miệng cười, Tuyên Vương nghe tâu cũng tức cười nhưng vì lòng hiếu kỳ, ra lệnh cho vào yết kiến. Tuyên Vương hỏi: "Xú phụ! Ngươi sao không chịu ở yên nơi quê hương mà tự tiến lên vua. Phải chăng ngươi có tài nghệ cao kì?". Vô Diệm đáp: "Không dám nói kì tài cao nghệ, chỉ học được thuật ẩn hình, xin vì đại vương hiến chút nghề mọn để giúp vui". Nói xong liền ẩn mình, không ai thấy nữa.

    Hôm sau Tuyên Vương lại triệu đến làm trò. Vô Diệm không nói, chỉ trừng mắt, cắn răng, giơ tay, vỗ gối... làm 4 động tác và kêu liên tiếp 4 tiếng "hiểm". Tuyên Vương hỏi ý nghĩa ra sao? Vô Diệm nói rằng: "Nay nước Tề có sự uy hiếp của Tần ở phía Tây, Sở phía Nam, đó là nguy hiểm thứ nhất. Đại vương làm nhọc sức dân, hao tốn tiền của, lập Tiệm đài hoa lệ, đó là điều nguy hiểm thứ hai. Trong triều thì biếm người hiền, dùng kẻ nịnh, đó là điều nguy hiểm thứ ba. Đấng quân vương đam mê tửu sắc, không sửa sang chính trị trong nước, đó là điều nguy hiểm thứ tư. Thiếp trừng mắt vì đại vương xét cái biến phong hoả, cắn răng là thay đại vương trừng trị cái miệng chống can gián, giơ tay là vì đại vương đuổi kẻ bề tôi xàm nịnh, vỗ gối là xin đại vương dẹp bỏ cái đài ăn chơi." Vua Tề nói quả nhân có điều đó bao giờ và tức giận định lôi ra chém. Chung Vô Diệm không tỏ ra sợ hãi nói với nhà vua, thiếp chết cũng không có gì đáng ngại, chỉ xin được nói rõ trước khi chết. Vua Tề bảo cho phép nhà ngươi nói, nếu nói sai lập tức bị chém đầu. Chung Vô Diệm lấy lời lẽ phân tích rõ chính sự trong nước, các mối nguy cấp của nước Tề. Vua Tề nghe ra liền giải tán tiệc tùng và triệu nàng về cung lập làm chánh hậu. Cũng từ đó vua Tề rất chú tâm vào việc nước, tin dùng người có tài, xua đuổi bọn xu nịnh. Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm mà nước Tề sau đó đã trở nên hùng mạnh, trong thời Tề Tuyên vương tại vị, không có nước nào đến xâm phạm. Người sau viết rất nhiều truyện về nàng Chung Vô Diệm để ca ngợi tài năng, đức độ và sự dũng cảm của nàng. Tuy nhiên phần cuối truyện có thay đổi, thêm vào nội dung sau khi Chung Vô Diệm giúp vua trị vì thiên hạ thành công, cuối cùng đã hóa thành người đàn bà đẹp như tiên và coi Chung Vô Diệm là tiên nữ bị đày xuống trần giúp vua.

    Giai thoại về Hoàng Nguyệt Anh

    Hoàng Nguyệt Anh là vợ Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam quốc. Theo mô tả trong lịch sử thì bà có mái tóc vàng và làn da nâu, còn về dung mạo như thế nào thì không được mô tả lại.

    Có sách tả bà dáng người cao,thon thả nhưng mặt đen đúa đầy mụn nhọt trông rất khó coi, sách khác lại tả bà hình dáng thô kệch, thấp bé đen gầy, khuôn mặt đầy rỗ. Tuy thế, bà lại là một người phụ nữ rất dịu dàng và chu đáo. Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn,mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả, vợ chồng kính nhau như khách,chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì.Nếu không nhờ có bà làm hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị. Thế mới biết câu "tề gia trị quốc bình thiên hạ" là một thứ tự có cơ sở... Người đàn ông phải làm cho yên ổn chuyện gia thất mới có thể ra ngoài trị nước cứu đời.. Và Hoàng Nguyệt Anh đã làm thay cho Gia Cát Lượng nhiệm vụ "tề gia" để ông chuyên tâm giúp đỡ Lưu Bị... Ta có thể thấy, vị trí và vai trò không nhỏ của Hoàng Nguyệt Anh đối với bản thân cũng như sự nghiệp của Gia cát Lượng.

    Ý kiến thứ hai thì lại cho rằng Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có nhan sắc mĩ miều, xinh đẹp tuyệt trần nhưng lại cố ý đeo mặt nạ xấu xí để tìm được "người anh hùng thật sự" của mình. Khổng Minh nghe tiếng Hoàng Nguyệt Anh tài giỏi phi thường, đã bất chấp mọi tin đồn không hay về nhan sắc của bà và đến cầu hôn. Hoàng Nguyệt Anh đã thử thách trí tuệ, tài năng(qua trận pháp vườn đào) lẫn đức độ của Gia Cát Lượng trước khi chấp nhận cuộc hôn nhân này... Để rồi sau đó, bà âm thầm lui về sau làm hậu phương ủng hộ và giúp đỡ cho chồng. Có người cho rằng sau đó bà vẫn mang mặt nạ (mạng che mặt) khi ra ngoài. Điều đó chứng tỏ rằng bà không phải là người trọng hư danh, không vì chút sĩ diện,danh dự mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, gây nên nhiều xáo trộn không cần thiết. Một người phụ nữ có địa vị,có nhan sắc và có tài năng như bà lại chấp nhận rút lui, làm cái bóng phía sau chồng, phẩm chất này chỉ có ở những người phụ nữ dịu dàng,nhân hậu... Hoàng Nguyệt Anh quả thật là người vợ vĩ đại mà Khổng Minh tiên sinh đã may mắn tìm thấy được.
    Những truyền thuyết,dã sử chung quanh người phụ nữ tài năng này rất nhiều, và hiện tại cũng đang trong tình trạng "chín người mười ý".Thế nhưng tóm tắt sơ lượt lại thì có 2 luồng ý kiến cơ bản nhất. Mọi người đếu đồng ý rằng, Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có tài hoa xuất chúng, thông thiên văn,tường địa lý, bát quái ngũ hành,kì môn độn giáp, ngay cả binh pháp (thứ chỉ dành cho đấng mày râu) bà cũng rất am hiểu. Gia Cát tiên sinh tinh thông binh pháp, ít nhiều phải kể đến công lao của bà.Trong một vài tư liệu cũng có ghi, các phát minh "mộc ngưu lưu mã", "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" và bánh bao của Khổng Minh cũng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh. Và cũng ít ai biết rằng,Long Trung sách của Gia Cát Lượng cũng dựa trên sự gợi ý ít nhiều của bà. Nói chung,Hoàng Nguyệt Anh là một hậu phương vững chắc và trợ thủ đắc lực của Gia Cát Lượng, góp phần không nhỏ vào các thành công của ông sau này.

    Theo Hàn Lộ công ti, đồng sản xuất bộ phim điện ảnh "Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh" giới thiệu, Gia Cát Lượng phe phẩy quạt lông, phong lưu lỗi lạc, diệu kế liên tiếp xuất ra có thể nói là không ai không biết, nhưng nguồn gốc chiếc quạt lông đó từ đâu mà ra thì chưa chắc mọi người đều biết.

    Gia Cát Lượng trong lần đầu tới cầu hôn, cô gái xấu xí tóc vàng da đen đã tặng chàng một cái quạt lông và hỏi: "Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt lông không?" Gia Cát Lượng nói: "Là lễ nhẹ mà nghĩa tình thì nặng phải chăng?" A sửu cô nương nói: "Còn ý nghĩa thứ hai?" Gia Cát Lượng suy nghĩ mà không thể giải đáp. A sửu nói tiếp: "Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện ngài nói tới Tào Tháo Tôn Quyền thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt lúc đó" Chính là A sửu cô nương thông minh hiểu chuyện, biết đại trượng phu khi làm việc tập trung khí lực, không thể để tình cảm xao động, càng không thể để người ta phát hiện, nếu không đại sự tất không thành .Đó cũng chính là lí do sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về rồi quạt lông vẫn không rời tay...
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  7. #17
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Tiếp trang trên

    Giai thoại về Mô Mẫu

    Người xấu nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc là Mô Mẫu, vô cùng xấu xí, được ví như quỷ Dạ Xoa. Nhưng bà lại có trí tuệ, đối xử với mọi người rất hiền đức. Do đó, Hoàng Đế đã lấy bà làm vợ.
    Trong "Tứ tử giảng đức luận", Hán Vương Tử Uyên có nói: "Mô mẫu người lùn, dù hiền lành nhưng vẫn không giấu nổi (bộ mặt) xấu. Tuy vậy đức hạnh của Mô Mẫu được phụ nữ đương thời ca ngợi". Trong "Cửu chương, tích vãng nhật", Khuất Nguyên đã đánh giá Mô Mẫu rất cao. Trí tuệ của Mô Mẫu cũng không tầm thường vì thế Hoàng Đế đã cưới bà làm vợ. Truyền thuyết nói, Hoàng đế đánh bại Viêm Đế, giết Xi Vưu, đều có công của Mô Mẫu giúp đỡ bên trong.

    Giai thoại về Mạnh Quang

    "Cử án tề mi" là câu chuyện kể về vợ Lương Hồng thời Đông Hán là Mạnh Quang. Sau khi lấy Lương Hồng, Mạnh Quang rất tôn trọng chồng. Bà là người rất xấu xí, vừa béo vừa đen, khỏe đến mức có thể bê được cối đá. Lương Hồng là người rất có danh tiếng. Trước khi lấy vợ, rất nhiều nhà danh giá muốn gả con gái cho ông nhưng ông đều không đồng ý.
    Sau ngày cưới, Mạnh Quang bỏ khăn che mặt, mặc quần áo hàng ngày để làm việc nhà. Sau đó, nàng cùng chồng lên núi ở, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc.

    Giai thoại về vợ Hứa Doãn

    Hứa Doãn lấy con gái của Nguyễn Đức Uy làm vợ. Dưới ánh nến trong đêm, thấy con gái họ Nguyễn xấu xí, chàng vội chạy ra khỏi phòng, từ đó không dám vào nữa. Sau đó Hằng Phạm là bạn của Hữa Doãn đến thăm, nói với ông rằng "Nhà họ Nguyễn gả con gái họ cho anh là có lý do, anh thử hỏi xem". Hứa Doãn nghe lời Hằng Phạm, cuối cùng đã chịu vào phòng. Nhưng vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ, Hữa Doãn lại chạy ra ngoài, Nguyễn Thị giữ chồng lại. Hứa Doãn vừa giật tay áo vừa hỏi "Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?" Nguyễn Thị trả lời "Thiếp chỉ thiếu đức dung. Người quân tử có 100 đức, chàng có được bao nhiêu đức?" Doãn Hứa trả lời: "Ta có đủ 100 đức". Nguyễn Thị nói "Trong một trăm đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?" Hứa Doãn không nói được gì. Từ đó về sau chàng yêu mến và quý trọng vợ./.

    Backieuphong
    sưu tầm theo Internet
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  8. #18
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    Chuyện xưa tích cũ

    "Cổ Bồn Nhi Ca" hay câu chuyện Quạt mồ



    Trang Tử (tiếng Hán: 莊子; ~365–290 trước CN) tên thật là Trang Chu (莊周) người đất Mông (đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay). Trang Tử là nhà tư tưởng, triết gia sống vào thời Chiến Quốc (cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương), là tác giả cuốn sách "Nam Hoa Kinh" nổi tiếng.

    Chuyện kể:

    Một hôm, khi đang thẩn thơ nơi sườn núi Trang Tử gặp một thiếu phụ mặc tồ đang đang ngồi cầm cây quạt quạt một nấm mồ mới đắp đất chưa ráo.

    Trang Tử lấy làm lạ hỏi :

    - Tại sao nàng lại ngồi quạt nấm mồ ấy làm gì thế ?

    Thiếu phụ đáp :

    - Chồng thiếp không may chết sớm nắm xương tàn chôn cất nơi đây. Lúc sinh tiền đang nồng duyên hương lửa chồng thiếp có dặn rằng nếu rủi ro mà chồng thiếp có mất sớm thì hãy đợi cho nấm mồ lên cỏ đã rồi hãy tái giá. Nay chồng thiếp rủi mất mà gió mưa tơi tả biết bao giờ nấm đất nầy khô để cho loài cỏ mọc lên được. Mà ba thu đằng đẵng; đêm xuân một khắc ngàn vàng tiện thiếp chờ sao được ! Vì vậy thiếp mới quạt cho đất khô để cỏ mau mọc chừng ấy dẫu thiếp có tái giá thì cũng khỏi phụ lòng người chín suối.

    Trang Tử nghe dứt lời thở ra một hơi dài não nuột trách cho lòng người đời sớm bạc tình và nói :

    - Nếu nương nương muốn cho đất khô ngay không khó gì cả. Kẻ bất tài này xin quạt giùm cho.

    Thiếp phụ nghe nói mừng rở trao chiếc quạt the cho Trang Tử. Trang Tử vận dụng hết "bản ngã" hướng vào nấm mồ dùng phép quạt mấy cái nấm mồ tự nhiên khô ráo đồng thời cỏ xanh lấm tấm nảy chồi.

    Thiếu phụ mỉm cười mặt tươi như đóa hoa buổi sáng quỳ xuống tạ ơn Trang Tử và nói:

    - Tiện thiếp mang ơn tiên sinh rất trọng nơi đây biết lấy gì đền ơn. Vậy xin tặng tiên sinh chiếc quạt này.

    Vừa nói thiếu phụ hai tay vừa nưng chiếc quạt lên ngang mày rồi hớn hở ra đi.

    Trang Tử cầm cây quạt che ngấm nghía lòng nao nao một nỗi buồn khó tả. Cho hay sự đời chỉ là một bức màn thưa ân tình chỉ là một lớp vỏ che đậy những bản năng dục vọng kinh tởm của con người.

    Về đến nhà Trang Tử vẻ mặt lạnh lùng trước khi bước vào mái hiên ngâm mấy câu :

    Bất thị oan gia bất tụ đầu oan gia tương tụ kỷ thời hưu ?

    Tảo tri tử hậu vô tình nghĩa Tựu bả sinh tiền ân ái câu.

    Dịch :

    Nếu chẳng oan gia đâu gặp nhau oan gia ràng buộc được bao lâu ?

    Nếu hay lúc chết không tình nghĩa thì sống thà đừng ân ái nhau.

    Thấy mặt chồng bước vào nhà rầu rầu lại vừa ngâm thơ vừa cầm cây quạt the Điền thị ngạc nhiên hỏi :

    - Tại sao chàng đi chơi về lại buồn bã như thế. Chiếc quạt kia ở đâu vậy ?

    Trang Tử đem chuyện thiếu phụ quạt mồ kể lại đầu đuôi cho vợ nghe và nói thêm rằng :

    - Đây là cây quạt bạc tình mà thiếu phụ ấy đã tặng cho ta.

    Điền thị nghe chồng kể đầu đuôi nổi giận mắng rằng :

    - Cái thứ đàn bà quỷ sứ ấy chồng chết nấm mồ chưa xanh cỏ đã toan bề ân ái thật là khốn kiếp lẽ ra thứ ấy phải giết đi rồi đem thả trôi sông để khỏi làm nhơ cho giới phụ nữ.

    Trang Tử nghe vợ nói chỉ cười không đáp buồn bã ngâm tiếp mấy câu thơ :

    Sinh tiền cá cá thuyết ái ân
    Tử hậu nhân nhân dục phiến văn
    Họa hổ họa bì nan họa cốt
    Tri nhân tri diện bất tri tâm.

    Dịch :

    Khi sống người người khoe ân ái.
    Lâm chung kẻ kẻ muốn quạt mồ.
    Vẽ cọp vẽ da xương khó vẽ
    Biết người biết mặt biết lòng sao ?

    Điền thị nghe mấy câu thơ càng thêm cáu tiết hơi giận phừng phừng trách chồng sao lại đem những hạng đàn bà mất nết ấy mà so sánh với mình. Dễ thường tất cả đàn bà trong xã hội ai cũng thuộc vào loại đó sao ?

    Trang Tử mỉm cười nói :

    - Thôi đừng có làm giận làm hờn mà chi. Tôi giả thử nếu mai kia mốt nọ rủi tôi mà có bất hạnh đi rồi liệu đóa hoa hải đường kia đang độ phơi phới hơi xuân có thể phong kín nhụy hương mà chờ quá hạng thiều quang chín chục đó không ?

    Điền thị cắn môi phì cười nói :

    - Nếu đã là trung thần thì không bao giờ thờ hai chúa gái tiết trinh bất sự nhị phu. Nếu bất hạnh mà chàng có rủi ro điều gì thiếp xin cam phận đến già chứ không bao giờ nghĩ đến những chuyện đê hèn như vậy.

    Trang Tử nghe vợ nói cười xòa tỏ ý khó tin.

    Điền thị tức giận chụp cây quạt xé nát rồi nói :

    - Để làm gì cái đồ phụ bạc này nhìn thêm nhơ mắt. Chỉ có lúc chàng chết đi mới rõ bụng người đàn bà này tiết hạnh dường nào !

    Trang Tử nói :

    - Thôi ! nàng đừng giận dữ làm gì ! đó là ta thử lòng nàng đó thôi nếu quả nàng có lòng trinh tiết như vậy thì còn gì quý hóa bằng.

    Tuy nói thế nhưng nét mặt Trang Tử từ đó vẫn không phai màu chán ngán !

    Chẳng bao lâu Trang Tử lâm bịnh mỗi ngày một trầm trọng thêm. Điền thị cả ngày sùi sụt bên giường.

    Một hôm Trang Tử gọi vợ đến nói :

    - Bịnh tôi đã nguy ngập không thể sống được lâu rất tiếc là cây quạt mồ không còn để nàng dùng mà quạt cho nấm mồ tôi xanh cỏ để nàng sớm được tái giá cho khỏi tiếng tăm người đời dị nghị.

    Điền thị vừa khóc vừa nói :

    - Xin chàng cứ tịnh dưỡng chớ có buồn bã như thế mà tổn hại tinh thần. Thiếp là một người có học biết chữ "Tùng nhất chi chung" lẽ đâu lại làm được chuyện đê hèn như thế nếu chàng không tin thiếp xin tử tiết trước mặt chàng để chàng trông thấy tấm lòng chung thủy.

    Trang Tử hổn hển nói :

    - Lòng nàng đã như thế thì dẫu có nhắm mắt tôi cũng an lòng.

    Nói xong Trang Tử tắt thở. Điền thị lăn lóc than khóc rất não nề bi ai thống thiết. Nàng mặc đồ tang lo việc khăn liệm quàng quan tài nơi giữa nhà để phúng điếu.

    Qua mấy ngày Điền thị khóc sướt mướt bỏ ăn bỏ ngủ. Đến ngày thứ bảy bỗng có một chàng thư sinh mặt như dồi phấn môi tợ thoa son áo tía quần đen phong nghi tuấn tú có giắt theo một người lão bộc đến tự xưng là Vương Tôn nước Sở. Ngày trước có đính ước cùng Trang Chu theo đòi học tập nay đến nơi mới hay Trang Chu đã chết nên Vương Tôn cảm nghĩa xin vào phúng điếu.

    Điền thị phải ra tiếp kiến.

    Khi Vương Tôn khóc lạy linh cữu xong Điền thị mời Vương Tôn vào nhà khách để dùng trà.

    Thấy một gã thư sinh trẻ đẹp như thế Điền thị thoắt động lòng tuy bên ngoài giữ lễ nhưng bên trong cũng muốn kiếm cách làm quen để tiện bề gần gũi.

    Vương Tôn nói :

    - Trang tiên sinh đã ra người thiên cổ nhưng lòng ngưỡng một của tôi vẫn còn. Nay tiểu tử muốn xin lưu lại nơi đây một trăm ngày trước là trọn đạo cư tang sau mượn sách vở của tiên sinh để học đòi được phần nào hay phần ấy.

    Vớ được dịp may Điền thị tủm tỉm cười cung kính đáp :

    - Tình nghĩa thầy trò xin Vương Tôn đừng ngại gì cả.

    Nói xong nàng xuống bếp lo sửa soạn cơm nước đãi đằng rất hậu.

    Thảo đường gồm có ba gian gian giữa quàng linh cữu gian bên phải Vương Tôn ở.

    Điền thị đêm đêm lấy cớ đến khóc chồng nhìn ngắm Vương Tôn mắt liếc lòng mơ mối tình mỗi ngày một tha thiết. Tuy nhiên hình như có một giòng sông ngăn cách Điền thị không biết làm sao để vượt qua bờ sông ân ái; một hôm nàng đánh liều gọi người lão bộc của Vương Tôn đến hỏi :

    - Chủ nhân của ông đã có vợ con chưa ?

    Người lão bộc đáp :

    - Thưa phu nhân chủ tôi lâu nay lo trau dồi kinh sử chưa có thì giờ để nghĩ đến việc đó.

    Điền thị mỉm cười hỏi tiếp :

    - Ông liệu xem những người đàn bà như thế nào mới hợp ý Vương Tôn ?

    Người lão bộc nói :

    - Mấy hôm nay chủ nhân tôi ước mong sao được có người nhan sắc như phu nhân mới vừa ý.

    Điền thị không dè dặt nữa nói thẳng :

    - Ông có thể tác thành cho hai bên chúng tôi được không ?

    Người lão bộc làm ra vẻ e ngại nói :

    - Điều đó chủ tôi còn gì mong ước hơn song sợ e tiếng thầy trò thiên hạ dị nghị chăng?

    Điền thị dẫn giải :

    - Vương Tôn tuy trước kia có lời nguyện ước song chưa từng học với chồng tôi một

    ngày nào thì sao gọi là nghĩa thầy trò ? Vậy ông là một người lão bộc trung thành tôi nhờ ông giúp đỡ nếu việc được thành công tôi sẽ trọng thưởng.

    Người lão bộc tỏ ý thuận tình bước đi. Điền thị còn căn dặn theo :

    - Nếu ngày nào xong việc ông nhớ tin cho tôi biết liền đi nhé !

    Một ngày trôi qua thời khắc đối với Điền thị như dài dằn dặc trong lòng mơ ước không yên.

    Còn nữa...
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  9. #19
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    "Cổ Bồn Nhi Ca" hay câu chuyện Quạt mồ


    Tiếp theo...


    Sáng hôm sau Điền thị nóng ruột quá mới gọi lão bộc đến phòng hương hỏi chuyện.

    Vừa mới gặp mặt Điền thị người lão bộc đã nói :

    - Nương Tử ôi ! Công việc bất thành rồi.

    Điền thị nghe nói trong mình lạnh toát mồ hôi rướm ướt áo hỏi vội :

    - Sao ? Sao thế ?

    Lão bộc chậm rãi đáp :

    - Chủ tôi nói cũng có là. Theo người thì sắc đẹp của Nương Tử tuyệt lắm rồi tình sư đệ cũng không đáng kể duy chỉ có ba việc này thực là khó khăn lắm.

    Điền thị nóng lòng hỏi :

    - Việc gì ? Ông cứ nói mau đi !

    - Điều thứ nhứt : Chiếc quan tài còn quàn nơi giữa nhà thây người chết chưa lạnh nếu bàn tính đến cuộc hôn nhân e bất nghĩa lắm. Điều thứ hai : Trang tiên sinh cùngNương Tử thuở nay ân ái đậm đà tình chăn gối không gì thương tổn. Vả lại Trang tiên sinh lại là một bậc tài hoa lỗi lạc còn chủ nhân tôi học mọn tài sơ e không xứng đáng với Nương Tử chăng. Điều thứ ba : chủ tôi đến đây không có mang theo tiền bạc bao nhiêu lấy gì mà lo sính lễ. Vì các lẽ đó mà công việc không thành.

    Điền thị nghe xong cười nói :

    - Cả ba điều ấy rất dễ giải quyết : Sau nhà còn một cái phòng trống tôi sẽ thuê người khiêng cái quan tài kia đem ra để tạm sau đó. Vong phu có gì đáng gọi là đạo đức và tài năng đâu. Trước kia đã có hai đời vợ nhưng vì dạy không được nên phải bỏ đi thiên hạ đều cho là bạc bẽo. Sau đó Sở vương hâm mộ hư danh nên mời về làm tướng y tự biết mình bất tài nên lánh mặt nơi thôn dã sống ẩn dật nơi chốn núi non. Hôm trước đây hơn một buổi dạo chơi y có gặp một thiếu phụ quạt mồ liền giở trò trêu hoa ghẹo nguyệt đoạt cây quạt của thiếu phụ đem về đây. Tôi nổi giận xé chiếc quạt ấy ra từng mảnh. Ông coi đó ! như vậy mà còn tình nghĩa yêu đương gì nữa chứ !

    Việc tiền bạc Vương Tôn nói đó cũng không khó khăn gì. Tôi là chủ rồi còn ai mà đòi sính lễ nữa. Đến như tiệc tùng thì tôi còn của cải hơn mười lượng vàng lại không đủ chi dùng sao ! Nếu Vương Tôn mà có cố tình kết tóc trăm năm với tôi thì chúng ta làm một cái lễ mọn để động phòng hoa chúc cũng đủ lắm rồi.

    Nói xong Điền thị lấy vàng giao cho lão bộc đem về đưa cho Vương Tôn và hẹn đêm hôm ấy làm lễ hợp cẩn.

    Tối hôm đó Điền thị được tin Vương Tôn khứng chịu một bề rất mừng rỡ mượn người khiêng chiếc quan tài của Trang Tử để ra phía nhà sau rồi thay đổi đồ tang mặc áo gấm quần hồng thắt hoa kết lá trước thảo đường muôn màu sặc sở. Sửa soạn xong Điền thị ngồi chờ Vương Tôn đến.

    Mãi đến quá canh hai Vương Tôn mới qua thảo đường. Điền thị nóng lòng như đốt đôi mắt long lanh hai má ửng hồng nhìn Vương Tôn khôi ngô tuấn tú trong chiếc áo cẩm bào màu lục. Hai người làm lễ xong men rượu hiệp cẫn nuốt chưa trôi qua nửa cổ Điền thị phút động hương tình dục Vương Tôn vào phòng nghỉ sớm... Bỗng Vương Tôn mặt mày nhăn nhó chàng lăn dưới đất la ôi ối. Không rõ việc gì Điền thị hoảng kinh đến ôm Vương Tôn vào lòng. Người lão bộc nghe tiếng chạy đến thấy vậy nói với Điền thị :

    - Chủ tôi trở lại bệnh đau bụng trước kia rồi đó. Bịnh này thì không có thuốc nào chữa nổi chỉ trừ có được một vật ấy mà thôi.

    Điền thị lo lắng hỏi :

    - Vật gì thế ?

    Người lão bộc giải thích :

    - Trước kia bình nhật cứ mỗi lần bịnh ấy phát lên thì vua nước Sở phải giết một tù nhân lấy bộ óc ngâm rượu cho Vương Tôn uống thì khỏi ngay. Nay bịnh ấy tái phát mà ở nơi chốn sơn lâm cùng cốc này tìm đâu ra được thứ đó chắc là chủ tôi phải chết mà thôi.

    Điền thị sốt ruột hỏi :

    - Thế thì óc của người chết có dùng được hay không ?

    Người lão bộc nói :

    - Người chết chưa quá một trăm ngày thì bộ óc vẫn dùng làm thuốc ấy được. Trước kia tôi có nghe quan Thái y nói như vậy.

    Điền thị hớn hở nói :

    - Vong phu chết chưa quá hai mươi ngày vậy thì ta nạy quan tài mà lấy vật ấy.

    Người lão bộc làm ra vẻ ngần ngại nói :

    - Chỉ sợ Nương Tử không nỡ làm như thế.

    Điền thị bỉu môi nói :

    - Ta cùng Vương Tôn kết nghĩa đá vàng cho đến răng long bạc đầu thân của ta còn không tiếc huống chi một nắm xương tàn kia mà ăn nhằm vào đâu.

    Nói xong Điền thị gởi gắm cho người lão bộc ở lại săn sóc Vương Tôn còn mình thì chạy thẳng xuống nhà dưới tay cầm một cây búa tay nắm một con dao mò sang bên phòng có để linh cữu của chồng.

    Vừa đến nơi Điền thị không cần nghĩ ngợi gì nữa cả hai tay hươi búa bổ vào quan tài mấy cái nắp quan tài bật tung ra. Bên trong nghe có tiếng rên rồi bỗng thấy Trang Tử lồm cồm ngồi dậy. Điền thị hoảng kinh đứng cứng ngắt như trời trồng hai tay rụng rời rơi lưỡi búa và con dao xuống đất.

    Trang Tử nói :

    - May phước nhà ta trời không nỡ để tuyệt mạng tôi chết đã hơn mười ngày mà còn sống lại được vậy thì chúng ta cùng về phòng nói chuyện cho vui.

    Trang Tử đi trước Điền thị nối gót theo sau mồ hôi toát ra như tắm da mặt cắt không còn chút máu chỉ sợ về đến phòng gặp người lão bộc và Vương Tôn ở đó nàng sẽ không biết nói làm sao với chồng. Chưa tìm được lời lẽ nào để nói dối thì hai người đã đến nơi. May thay người lão Bộc và Vương Tôn lại biến đi đâu mất.

    Điền thị vững lòng lấy hết can đảm nói :

    - Từ hôm phu quân mất đến nay suốt ngày đêm tôi khóc mãi không ăn không ngủ gì được cả. Bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên tôi sực nhớ đến cổ nhân có chuyện hoàn hồn nên vội vã bửa nắp quan tài để xem chàng có sống lại chăng !!!

    Trang Tử mỉm cười nói :

    - Phu nhân có lòng như vậy ta rất cảm ơn song ta chết chưa quá hai mươi ngày lẽ ra phải cư tang thủ tiết chứ sao lại mặc áo tía quần hồng làm gì vậy ?

    Điền thị không biết nói sao đành làm lơ dở trò vuốt ve hàng ngày để làm cho phai sự bẽn lẽn của mình. Thôi thì mắt liếc miệng cười đủ trò nghệ thuật.

    Trang Tử chỉ cười và cũng chỉ biết cười thôi chứ không còn nói được lời nào nữa. Sai lấy rượu uống uống đến say mèm rồi trèo lên giường ngủ rồi lại chợt dậy lấy bút viết :

    Tòng tư liễu khước oan gia trái
    Nhĩ ái chi thời... ngã bất ái.
    Nhược kim nhĩ tố phu thê
    Phạ nhĩ phủ phách thiên linh cái !...

    Dịch :

    Từ đây nguyệt đứt dây oan trái
    Người yêu ta lắm... ta tê tái
    Nay dầu giữ mãi nghĩa phu thê
    Búa kia sẽ bửa đầu ta bễ !...
    Điền thị nghe xong bốn câu thơ thẹn đỏ mặt lòng như chết điến chưa kịp biện bạch lời nào thì Trang Tử đã ngâm bồi thêm bốn câu thơ nữa :

    Phu thê bách nhật hữu hà ân ?
    Kiến liễu tân nhân vong cựu nhân !
    Phủ đắc cái quan tao phủ phách
    Như hà đẳng đãi phiến can phần ?

    Dịch :

    Trăm ngày tình nghĩa có gì ơn ?
    Được mối duyên tình cựu nghĩa nhơn !
    Nhát búa nạy quan còn thấy đó
    So người quạt mộ gái nào hơn ?
    Ngâm dứt bốn câu thơ Trang Tử nói với Điền thị :

    - Để ta gọi thầy trò Vương Tôn đến đây cho phu nhân xem nhé !

    Liền lúc đó ngoài cửa quả có Vương Tôn và người lão bộc thấp thoáng trước rèm bên trong Trang Tử lại biến đi đâu mất. Điền thị biết chồng mình hóa phép để thử lòng mình nên quá hổ thẹn thắt cổ mà chết.

    Trang Tử đem thây vợ xuống đặt vào chiếc quan tài bị phá vỡ rồi lấy chiếc chậu vàng vừa gõ vừa ca (Cổ bồn nhi ca tức vừa gõ chậu vừa hát) :

    Ngã tai nhĩ nhoa khẩu
    Ngã tử nhĩ bất giá
    Thê bị tha nhân hữu
    Ngã bị tha nhân khóa
    Ngã nhược chân cá tử
    Nhất trường đại tiếu thoại

    Dịch :

    Ta sống nàng khoe khoan
    Có chết nguyện thủ tiết
    Nhưng rồi lại thay chồng
    Ngựa hồng người khác cỡi
    Nếu mà ta chết thực
    Trò cười thật mỉa mai !

    Ca xong đập vỡ cái chậu rồi nổi lửa đốt ngôi nhà. Tất cả đều cháy rụi. Từ đó Trang Tử ngao du trong thiên hạ sớm chiều bạn với trăng sao cây cỏ...

    Shaolaojia​ sưu tầm
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  10. #20
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    HỌC MÀ VUI - VUI MÀ HỌC

    SONG HỶ LÂM MÔN - 双喜临门


    Tể tướng, thi nhân Vương An Thạch

    Vương An Thạch (đời nhà Tống) đã sáng tạo nên chữ Song Hỷ bằng 2 chữ Hỷ được lược bớt bộ Thảo, để nói về hai lần gặp may lớn của mình là vừa thi đỗ cao lại vừa lấy được vợ đẹp.

    Năm 20 tuổi, Vương An Thạch lên kinh đô thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối:

    走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步
    Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.

    Nghĩa là: Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng đi.

    Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói:

    - Câu nầy dễ đối thôi.

    Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.

    Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp.

    Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối:

    飛虎旗,旗虎飛,旗捲虎藏身
    Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.

    Nghĩa là: Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.

    Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:

    Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.

    Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc. Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi.

    Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.

    Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên:

    Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.

    Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng:

    - Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.


    Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang

    Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.

    Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức.

    Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: cưới được vợ tài giỏi và đậu Trạng nguyên.

    Vương An Thách rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ HỶ (囍) dán trước nhà và ngâm:

    Vận may đối đáp thành song hỷ,
    Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.

    Gốc tích của chữ SONG HỶ là do điển tích này, tức là vừa cưới được vợ, vừa thi đậu Trạng nguyên. Hai niêm vui lớn cùng đến một lúc còn được gọi là SONG HỶ LÂM MÔN - 双喜临门 (2 niềm vui cùng vào cửa). Nhưng về sau, chữ SONG HỶ được dùng với ý nghĩa khác hơn một chút: là hai việc vui mừng song song nhau: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.


    Trong đám cưới người Việt, chữ Song Hỉ biểu đạt niềm vui, hạnh phúc của hai dòng họ cũng như của cặp tân lang - tân nương. Chữ Song Hỉ xuất hiện rất nhiều trong đám cưới của người Việt từ thiệp cưới, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu… Nó được dán từ nhà ra ngõ, từ cổng khách sạn vào phòng ăn để thông báo với mọi người về đám cưới và nơi gia đình tổ chức bữa cơm chia vui mời khách khứa, họ hàng... Mặc dù không biết chữ Hán nhưng nhìn thấy biểu tượng song hỷ thì ai cũng biết là có đám cưới./.

    Shaolaojia_Thiều Sơn
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •