Trang 3/5 ĐầuĐầu 12345 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 47

Chủ đề: Cuộc Sống Mến Yêu...

  1. #21
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Quảng Bình
    Người tật nguyền trồng rừng trên đỉnh Thuận Hoan
    Tác giả: Quang Bình


    Trên đỉnh núi Thuận Hoan, phóng tầm nhìn ra xa thấy được cả thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Gió thổi mát, ông Trần Xuân Tiết (60 tuổi, ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá) cười nhẹ: "Mát ghê chưa. Hồi đó, tui vừa trèo vừa bò lên tới được đây là mệt muốn chết, không có một ngọn bóng râm, toàn bụi lúp xúp. Bây chừ mới thành được rừng".
    Bại liệt và cái thòng lọng ở cổ

    Chúng tôi ngồi dưới mái lợp trước sân ngôi nhà xây 3 gian vững chãi sát chân núi Thuận Hoan để ăn lạc rang và uống nước chè xanh do chính tay ông Tiết pha. Rồi ông rủ rỉ kể về những tháng ngày vất vả trôi qua. Sinh ra trong một gia đình bần nông, 18 tuổi ông Tiết vào lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào.

    Năm 1976, ông về quê và xây dựng gia đình với cô thôn nữ Đinh Thị Vân ở huyện miền núi Minh Hoá. Nhà hai bên nội ngoại đều nghèo nên cưới xong là hai vợ chồng dắt díu nhau dựng túp lều nhỏ sát chân núi Thuận Hoan để ở. Hồi đó, miếng ăn quanh năm là củ mài, lâu lâu mới có bữa cơm độn nhiều sắn lát. Hai vợ chồng cứ quần quật làm cũng không đủ cho con ăn. Giữa năm 1978, trong một lần làm đồng về, ông cảm thấy đầu nhức như búa bổ, mắt mũi tối sầm, tay chân tê cứng. Họ hàng làng xóm chạy chữa khắp nơi mới giật được mạng sống của ông về với vợ con nhưng chân và tay trái của ông bị liệt hoàn toàn. Thương chồng bà Vân khóc khô nước mắt, còn ông nằm liệt giường...


    Phút thảnh thơi của ông Tiết bên gốc cây rừng

    Ông nằm trên giường bán thân bất toại, mọi thứ xem như đã hết, duy chỉ cái đầu là mông lung liên hồi, không lẽ bó tay cam chịu số phận? Bản thân khổ đã đành, vợ khổ đã đành, nhưng mấy đứa con dại, rồi đây răng sống được giữa cuộc đời đầy giông bão nếu không có người cha trụ cột? Nghĩ thế, ông quyết chí phải luyện tập, phải tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khi ngồi được, đứng được, ông tập đi men theo thành giường. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng, hai tháng và hai năm sau ông đã đi được, tuy khập khiễng, tuy loi choi từng bước trên mặt đất nhưng ông nghĩ chỉ còn một cánh tay thôi thì cũng phải dựng lại được cuộc đời.

    Khi những bước chân như muốn dẹo vì di chứng bám được chặt vào đất, ông Tiết đã bắt đầu tập cầm lại cái cuốc, cái rựa, cái cày để bắt đầu lên nương. Ngày đầu tiên ông ra đồng, con trâu đi trước, ông tha cái cày đi sau. Người làng phát hoảng lên khi thấy ở cổ ông có thêm sợi dây thòng lọng. Hay tin hàng xóm nói chồng mình chắc lên núi tự tử cho khỏi cảnh sống mòn, bà Vân chạy té tát lên trước chặn đường rồi ôm lấy ông mà van nài đừng nghĩ đến chuyện dại chuyện dột, ở lại no đói có nhau, cho con có cha, cháu có chú...

    Ông Tiết lõm bõm nghe lời nấc của vợ cũng thủng câu chuyện muốn nổi cà lăm: “Ai nói chi bậy bạ, ai làm chi mà chuyện dại. Tui tập đi cày bà biết không? Nếu biết rồi thì tránh ra cho tui đi nhờ mà về nhà coi ổ gà mới nở kẻo chết gà con...”. Tránh thì tránh, nhưng nhất thiết bà Vân không chịu về mà cứ theo sau để xem ông cày ra sao và... canh chừng sợ ông đổi ý.


    “Bụi mây trong ni là sang năm thu hoạch được rồi...”

    Ra tận ruộng, ông đặt ách lên cổ trâu, mọi việc chậm chạp hơn người bình thường, con trâu hiền nhà ông thương chủ mà đứng yên cho ông mang ách vào. Đám thanh niên thấy tội lao vào giúp, ông quát một trận liền ra xa đứng nhìn. Xong xuôi mọi thứ ông cầm cày thúc trâu tiến tới. Đường cày đầu tiên ông ngã chúi nhụi xuống đất, cày xong cả thửa ruộng mất cả một ngày. Mỗi lần ngã, chiếc dây mũi trâu buộc vào cánh tay liệt xiết mạnh làm tóe máu. Lúc chân bước thành thục trên đất cày, ông đã sắp đất thành luống, sắp công sức mồ hôi thành ruộng lúa.

    Rừng cây đời người

    Những chiều muộn, ông ra sau nhà nhìn lên vạt rừng nghèo kiệt xác xơ và bị người ta đốt cháy nham nhở mà ao ước có sức khỏe để trồng rừng. Ở núi thì trồng rừng, rừng nhiều thì gỗ nhiều sẽ cho bán để xây đắp cuộc sống gia đình đề huề... Một buổi sáng, ông nói vợ nấu ăn no rồi vác rựa đi ra phía núi. Thấy chồng có ý tưởng trèo núi trồng rừng, bà Vân lại van nài: "Thôi ông đừng làm cho cả nhà lo nữa. Người ta chân cẳng đầy đủ mà có ai trồng nổi cây săng mô, ông như rứa thì làm sao được". Ông Tiết cười động viên: "Thì hôm ni tui trồng một bụi, mai trồng một bụi; một trăm hôm thì có một trăm bụi chớ có chi là khó khăn hè".


    Chăm sóc cho cây...
    Nói rồi, tay lành cầm rựa nhúc nhắc một chân lành, một chân liệt lên vạt núi sau nhà. Từng ngày một, đơn độc trên núi trọc, trong lúc người làng vỡ hoang trồng sắn, bắp thì ông lại trồng rừng trên những khu rừng đã mất. Lúc đầu ông đầu tư công sức phục hồi nhiều loại cây gỗ như dẻ, chẹo, bài lài, sồi... Sau đó lại tiếp tục đào hố trồng tre, trồng mây tắt để nhắm đến mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.

    Tiếp đó ông bắt đầu khai hoang, quy hoạch lập trang trại để trồng rừng tự nhiên và cây ăn quả. Kế hoạch có vẻ dễ nhưng với một người chỉ còn nửa thân hình như ông Tiết làm được việc đó quả là kỳ công. Ông bảo: "Người ta cố gắng một thì tui phải cố gắng mười. Còn một tay thì mần răng cầm được cuốc, mần răng cuốc được đất. Loay hoay mãi tui khám phá chiêu dùng dây buộc vào cán cuốc lồng vào cổ rồi dùng sức mạnh của nửa thân còn lại nhấc cuốc bổ đất thành cuốc trồng cây". Những ngày đầu chưa quen, dây cứa vào cổ chảy máu thấm vai. Nhiều khi ông nghĩ bỏ cuộc nhưng vẫn quyết chí vì để phấn đấu đưa vợ con ra khỏi danh sách đói nghèo của xã.

    Khi chúng tôi muốn đi lên rừng, ông vui vẻ nhận lời rồi đi trước, vẫn tay lành cầm cây cuốc đã vẹt mòn lưỡi. Con đường đi lên vạt rừng xiên chéo, khá dốc, đi một hồi đã thấy mồ hôi mướt mát. Chốc chốc ông lại đứng như đợi chúng tôi rồi dựa cây cuốc vào thân cây rừng chỉ vào một cây có tán xanh um kể: "Đó, cây nớ là sồi, thuộc loại có hoa năm ngoái, có trái năm ni đó. Hồi hắn ra hoa mà không thấy trái, tui nói chắc là không tới đâu rồi chớ. Không ngờ năm sau mới thấy quả. Có mấy người đến mua làm chi không rõ, nghe nói làm thuốc, mỗi cân được ba mươi bảy ngàn. Mỗi cây cũng được chục cân mà có đến mấy chục cây. Cũng kiếm được tiền chớ hè”.


    Lên thăm rừng

    "Một người liệt bán thân như ông Tiết mà trồng được rừng, giữ được rừng là một kỳ công. Ngoài khu rừng nhiều loại cây gỗ, ông còn phát triển chăn nuôi trâu bò, heo gà để tăng thu nhập. UBND huyện đã tặng nhiều giấy khen về thành tích trong lao động sản xuất của ông Tiết và Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã tặng ông Bằng khen vì thành tích làm vườn giỏi...", ông Hoàng Minh Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa.
    Băng qua một khoảng rừng dày, đến vạt rừng thấy chằng chịt dây mây leo cao tuốt luốt. Ông lấy tay kéo thử một cây mây rồi phấn khởi: "Khoảng hai ngàn rưỡi gốc mây do dự án cấp giống trồng được 4 năm nay rồi. Trung bình cây dài trên bốn mét cả đó. Sang năm là tui cho thu hoạch lứa cây mẹ rồi bồi sức tiếp cho nhánh con mọc lên...”.

    Bây giờ ông sở hữu mấy hecta rừng, chúng tôi đã tẩn mẩn hỏi nhiều người về khu rừng của ông, nhiều người bảo to, rộng, lớn, cán bộ xã bảo chưa đo đạc kỹ, chắc cũng phải vài chục héc ta, lúc khởi điểm chỉ là 3 héc ta, nay lại gấp mấy lần rồi. Anh Trần Văn Tư, một nông dân hàng xóm sang góp chuyện thấy chúng tôi cứ băn khoăn về diện tích thực khu rừng của ông Tiết thì nói: Không quan trọng việc mấy ha rừng mô mấy anh. Cái trên cả là một người bị liệt nửa thân như thế mà dám trồng cả rừng, giữ được cả rừng thì thành tài rồi. Tui hỏi anh, có được mấy người như rứa trên đất nước ni...

    Ừ, tôi cũng đồng tình với kiểu tranh luận rất thực tế đó của anh Tư mà rồi cứ nắm chặt bàn tay lành lặn của ông Tiết khi chia tay, mặc cho ông cứ nhắc tới nhắc lui: Cho tui gửi lời thăm bà con nội, ngoại...

    Thiều gia theo Báo Nông Nghiệp VN (thứ 3 ngày 28/9/2010)
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  2. #22
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Bỏ học tiến sĩ về quê làm mắm

    Thứ ba, 25/6/2013 11:55 GMT+7
    Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...
    Những ngày này, Đào Thị Hằng tất bật đi về giữa TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị để tham dự hội thảo, làm thủ tục kiểm định chất lượng các loại mắm, thiết kế nhãn mác, quảng bá hàng hóa... Vì thế, Hằng hầu như không có nhiều thời gian để thăm nhà.

    Sinh ra trong gia đình đông anh em, làm nghề chài lưới ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nhà Hằng rất nghèo. Trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên cô thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia. Còn Hằng chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc thợ may. Thi năm đầu tiên trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, Hằng xin ba mẹ ôn thêm năm nữa.


    Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. Ảnh: Báo Quảng Trị.

    Năm sau Hằng đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm (Huế) với 26 điểm và may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và học bổng thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên. Vào đại học, Hằng theo đuổi ước mơ du học. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Australia. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, Hằng nhận học bổng tiến sĩ.

    “Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn", Hằng chia sẻ và cho hay một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của cô là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ Tây, nhưng quyết định trở về nước với quan niệm đất nước cần ông hơn là các nước phát triển.

    Trong lần trao đổi với ông Thiện về cách thức giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Ký ức của Hằng vẫn vẹn nguyên về những năm tháng vất vả, khó nghèo: "Mùa hè khi ba làm được nhiều cá, tôm, bán không hết, mẹ tôi đưa về nhà ướp muối làm mắm đu đủ, mắm cà. Mùa đông khi trời mưa gió, món thường nhật của cả gia đình tôi là cơm nóng với mắm. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng xoong bằng nước mắm. Mắm mẹ làm đã nuôi 6 chị em chúng tôi khôn lớn”.

    Đầu năm 2013, ngay khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại. Để được người dân chia sẻ, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm làm mắm ruốc gia truyền, cô đã về nhà dân ở lại hàng tuần liền, cùng xắn tay làm mắm với bà con.

    Các bà, các chị giàu kinh nghiệm làm mắm đã tận tình chỉ bảo cho Hằng cách làm các loại mắm, cách nếm, thử mắm xem vị, mùi mắm như thế nào là đạt yêu cầu. Đi đến đâu, Hằng cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại công thức, kinh nghiệm làm mắm của từng vùng miền, làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

    Đi nhiều vùng miền, Hằng được biết nhiều loại mắm đặc sản từng được tiến vua như mắm thu, mắm đối, mắm nhum..., nhưng nay rất ít người làm. Nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng vẫn chưa được bán rộng rãi, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ. Thêm một điều nữa là hầu như con cháu của các dì, các mệ vốn có truyền thống làm mắm ngon lâu đời đều không muốn nối nghiệp gia đình.

    "Cộng thêm áp lực từ nước mắm sản xuất công nghiệp vốn rẻ, quảng cáo hoành tráng, chai bao đẹp mắt lại hợp khẩu vị, khiến họ không mặn mà gì với nghề làm mắm ruốc truyền thống. Cứ tiếp tục như vậy thế hệ con cháu mình sẽ không biết nước mắm, mắm ruốc là gì, quan trọng hơn là mất nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển cả ngàn năm nay”, Hằng trăn trở.

    Hằng cho rằng, nghề làm mắm và nước mắm duy nhất có ở Việt Nam. Thái Lan nhập nước mắm Việt Nam về pha chế rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Bangladesh chỉ có ruốc khá thơm ngon và thường được người dân bỏ vào giấy kẽm, nướng lên cho thơm trước khi nêm vào thức ăn. Qua đi thực tế ở các vùng làm mắm ruốc và nước mắm truyền thống ven biển các tỉnh miền Trung, kết hợp với kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình, Hằng nhận thấy, về nước mắm, mỗi loại cá sẽ cho mỗi loại nước khác nhau về màu sắc, mùi thơm và độ ngọt.


    Đào Thị Hằng bên sản phẩm của mình tại một hội thảo về môi trường. Ảnh: Báo Quảng Trị.

    Hiện Thuyền Nan có 5 loại nước mắm, đều nguyên chất, đảm bảo thơm ngon, không hóa chất, không chất bảo quản. Hằng trực tiếp làm việc, đặt hàng với hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng. Điều đặc biệt hầu hết gia đình là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh cảnh khó khăn.

    Cô giải thích, sở dĩ chọn những hộ làm mắm lâu đời có hoàn cảnh đặc biệt tham gia dự án sản xuất là giúp họ có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện cho con cái học hành. Từ khi tham gia dự án của Hằng, các sản phẩm của dì Rỏ, mệ Tùng (ở Mỹ Thủy, Hải Lăng), dì Xây, dì Lê, vợ chồng anh chị Xiêm Cát, dì Thảo, anh Tùng (ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đã có mặt khắp các tỉnh thành.

    Hiện tại, chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, Hằng phải tích cực phân phối sản phẩm thông qua kênh bán lẻ và bán hàng trên mạng. Khi hoàn thành xong việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, cô sẽ mở rộng phân phối, cũng như ấp ủ xây dựng một cơ sở sản xuất có quy mô, mời những người làm mắm ruốc có uy tín về làm, đồng thời mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

    “Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.

    Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 tuổi, Hằng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.

    Giải đáp thắc mắc vì sao chọn tên Thuyền Nan để gắn với thương hiệu sản phẩm mắm ruốc, Hằng bộc bạch: “Chiếc thuyền nan ở vùng biển quê mình giờ hiếm lắm, bà con đều đóng tàu lớn để ra khơi. Nhưng dù gì đi nữa, thuyền nan vẫn là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, cũng như gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Tôi cũng trưởng thành và được nuôi lớn nhờ thuyền nan đánh cá của gia đình, nhờ nó tôi đã được đến nước Australiaxa xôi để học tập và giờ quay về để được góp một phần nhỏ bé giúp bà con quê mình”.

    Theo báo Quảng Trị
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  3. #23
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Tp. Hồ Chí Minh
    Rơi từ tầng 12, nam công nhân thoát chết kỳ diệu

    Thứ năm, 4/7/2013 17:28 GMT+7
    Sáng 4/7, một công nhân chỉ bị gãy xương sau khi rơi từ tầng 12 của công trình xây dựng nằm trên quốc lộ 1A (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM).


    Việc nạn nhân rơi từ tầng 12 của chung cư này nhưng chỉ bị thương được cho là kỳ diệu. Ảnh: An Nhơn

    9h sáng, anh Huỳnh Thanh Chúc (39 tuổi, ngụ Tiền Giang) cùng nhóm công nhân lên thi công tại tầng 12 của block chung cư Thái Sơn đang xây dựng. Đang làm việc, anh Chúc trượt chân rơi xuống đất.

    Thấy anh Chúc nằm bất động tại chỗ, nhiều đồng nghiệp tưởng chừng anh này đã tử vong. Tuy nhiên, nạn nhân chỉ bị thương và được đưa vào bệnh viện gần hiện trường cấp cứu .

    Theo các bác sĩ của bệnh viện, công nhân này chỉ bị gãy xương đùi, xương bả vai nên không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện, anh Chúc được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

    An Nhơn
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  4. #24
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Vụ chìm tàu tại Cần Giờ:
    “Anh đã cứu tôi rất nhiều lần”


    (LĐO) - Thứ năm 08/08/2013 15:08

    “Sau này, khi tôi không thể bám trên phần nổi của ca nô và bị tuột xuống, anh Hiệp vẫn cố sức đỡ tôi, bảo tôi bám vào sợi dây thừng buộc ở ca nô và nói: Hãy cố gắng!” – chị Thu, nạn nhân sống sót trong vụ chìm tàu tại TPHCM khiến 9 người chết, nói.


    Chị Thu vẫn chưa hết bần thần sau vụ tai nạn kinh hoàng.

    Sáng ngày 8.8, tại Cảng Vụ hàng hải Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu), 4 người sống sót trong vụ chìm ca nô đêm ngày 2.8 gồm: Chị Phạm Thị Thu (1991), anh Nguyễn Văn Cương (1988), anh Đoàn Hữu Thắng (1988) và anh Lai Hồng Phúc (1982) đã được triệu tập để lấy lời khai.

    Chị Phạm Thị Thu (SN 1991, quê Thanh Hóa) - nhân viên y tế Cty PV Pipe đã tường trình về hành động của anh Trần Hữu Hiệp - người đã cứu chị Thu.

    Chị Thu cho hay: Sau khi ca nô bị lật, chúng tôi thoát ra bằng cửa trước và bằng cửa sau, ngoi lên mặt nước, bám trụ vào phần ca nô còn nổi lại trên mặt nước. Là con gái và không biết bơi nên tôi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều các anh như anh Phước, anh Tuấn, anh Đức...

    Trong đó, anh Trần Hữu Hiệp là giúp đỡ tôi nhiều nhất. Mỗi lần sóng đánh vào ca nô, mọi người đều bị tuột tay khỏi ca nô, chìm vào biển nước. Những lúc như vậy, anh Hiệp luôn kéo tôi rồi đẩy tôi lên phần ca nô nổi trên mặt nước. Anh đã cứu tôi rất nhiều lần như vậy. Sau này, khi tôi không thể bám trên phần nổi của ca nô và bị tuột xuống, anh Hiệp vẫn cố sức đỡ tôi và bảo bám vào sợi dây thừng buộc ở ca nô. Anh nói với tôi: Hãy cố gắng!

    Sức con người ai cũng có hạn, vì thế sau rất nhiều đợt sóng lớn, thời gian lênh đênh trên biển quá lâu, đói, lạnh, mất sức nên khi được anh đỡ trên tay, tôi nhìn thấy mỗi khi sóng dập, anh lại ói liên tục nhưng vẫn cố đỡ để tôi không bị sóng đánh ra ngoài.

    Rồi anh cũng không thể chịu đựng được, tay buông dần vì không còn sức để bám. Mọi người hô hoán giữ anh lại nhưng vì sóng quá lớn nên không ai có thể giữ nổi anh ở lại. Tiếp theo, những người xấu số khác cũng lần lượt ra đi.

    Tôi đã may mắn sống sót trở về nhưng một số không ít các anh, các chị đi cùng chuyến ca nô định mệnh đó đã không thể trở về.

    Tôi mong các ban ngành liên quan sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng và đề cao tấm gương cao cả của các anh, các chị đã mất.
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  5. #25
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    Trở thành 'người rừng' sau trận bom kinh hoàng

    Thứ năm, 8/8/2013 12:54 GMT+7

    Hoảng loạn trước cái chết thảm thương của mẹ và 2 con trai khi bom Mỹ dội trúng nhà, anh bộ đội ôm đứa con hơn 1 tuổi chạy vào rừng sâu sống cách biệt suốt 40 năm.


    Lá thuốc giúp cha con ông Thanh vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu 40 năm qua. Ảnh: Trí Tín

    Vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng, băng qua nhiều ghềnh thác suốt hơn 4 giờ, đoàn công tác của huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đi "giải cứu" cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor) mới tiếp cận được căn chòi lá nằm chót vót trên thân cây cổ thụ ở đỉnh núi APon.

    Nơi ở của cha con ông Thanh nhìn từ xa như một tổ chim lớn trên cây chò già và được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô. Cách căn chòi lá vài mét là dòng suối chảy róc rách theo máng hứng làm bằng nửa thân cây lồ ô. Đây là nguồn nước sinh hoạt của cha con ông Thanh.

    Muốn lên được căn chòi lá này, dân làng phải leo lên chiếc thang làm bằng thân cây rừng được buộc bằng những sợi mây. Mái chòi được lợp bằng các loại lá chuối khô, mây rừng và lá cây sộp đan chồng lên nhau. Ngôi "nhà" rộng chừng 2m2 ám đầy khói tro. Ngoài khoảnh nhỏ làm bếp để sưởi ấm, nấu ăn, khoảng trống còn lại chỉ đủ cho cha con ông Thanh nằm.

    Anh Hồ Văn Tri (con trai ông Thanh) bảo, người thân kể rằng năm 1972 cha anh đi bộ đội đóng quân gần nhà. Một hôm, nghe tiếng bom dội, ông Thanh tức tốc chạy về thì thấy căn nhà chỉ còn là đống đổ nát, mẹ và 2 con trai lớn tử vong.

    "Trước mất mát quá lớn, cha hoảng loạn ôm anh Lang mới hơn một tuổi chạy vào rừng sâu lẩn trốn biệt, còn tôi vừa chào đời. Mãi đến năm 12 tuổi tôi mới theo bác ruột tìm gặp cha và anh trai sống trong căn chòi lá làm ở trên cây cao", ông Tri kể.

    Sau lần gặp ấy, mỗi năm hai lần anh Tri gùi muối, dầu hỏa và cây rựa mang vào rừng sâu dù đến giờ cha và anh trai vẫn chưa nhận ra anh là người ruột thịt. Mỗi lần vào thăm anh Tri đều ngủ ven suối, không dám ngủ trên chòi với cha và anh trai mình vì... sợ.


    Chiếc quần bộ đội mà "người rừng" giữ gìn suốt 40 năm qua. Ảnh: Trí Tín

    Theo anh Tri, nhiều lần dân làng vào rừng định khuyên cha và anh trở về nhà nhưng hễ thấy người lạ là họ lẩn trốn rất nhanh. Để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khu rẫy lân cận tìm giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng. Vì thế, đoàn công tác đã rất bất ngờ khi đứng trước đám rẫy rộng gần một ha với đủ các loại lúa rẫy, bắp, mè, mía và cây thuốc lá... của cha con ông. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc lên xanh tốt.

    Ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) cho biết, nhiều lần dân làng lên núi làm rẫy đã mang quần áo, xoong nồi, rìu, rựa cho cha con ông Thanh nhưng ông lão vẫn gói lại để trong chòi, ít khi dùng đến. Hàng ngày hai cha con chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây, tự chế ra những dụng cụ để giã gạo lúa, mì thành bột. Hay mày mò làm ra rất nhiều lê, mác, cung tên, bẫy, rìu... để săn bắt thú rừng, sống cuộc đời hoang dã.

    Theo ông Lâm, để vượt qua những mùa đông giá rét, cha con ông Thanh đã ủ lửa trong chòi và hút thuốc lá để làm ấm cơ thể. Kiểm tra căn chòi, dân làng phát hiện nhiều loại thịt thú rừng, trong đó có thịt chuột phơi khô và hàng chục ống lồ ô lớn chứa đầy lương thực dự trữ như lúa, mè và ớt khô. Cha con "người rừng" còn gói ghém cẩn thận răng và mật của nhiều loài thú dùng làm trang sức và chữa bệnh.

    Ngoài ra, ông Thanh còn được cho là đã nghĩ cách nấu chín củ mì (sắn), sau đó dùng chày giã nát rồi lấy lá dong gói bánh cúng tế "thần rừng". Nhiều người bất ngờ hơn khi ông lão vẫn còn gói cẩn thận chiếc áo ấm màu đỏ của anh Lang lúc nhỏ và chiếc quần xanh của ông thời còn là bộ đội chống Mỹ.

    "Không ngờ sau 40 năm sống biệt lập giữa rừng, với cuộc sống hoang dã khắc nghiệt, ông Thanh vẫn nuôi con trai sống sót từ lúc một tuổi đến giờ", ông Hồ Văn Xanh, người cùng làng thảng thốt khi lên đón họ về nhà.


    Sau 40 năm xa cách, anh Tri mới được trực tiếp chăm sóc cho cha mình. Ảnh: Trí Tín.
    Hay tin cha con ông Thanh được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu, suốt từ đêm qua, hàng trăm người dân ở khắp nơi đã đến chia vui cùng gia đình. Sức khỏe ông Thanh đã suy kiệt nên các y bác sĩ ở Trung tâm Y tế Tây Trà đang tích cực cấp cứu. Còn anh Lang bập bẹ vài tiếng như muốn hỏi thăm tình hình của cha.

    Được đưa lên Trung tâm Y tế, vừa nhìn thấy cha nằm bẹp một chỗ, tay được gắn dây truyền nước biển, anh Lang ú ớ kêu to, đôi mắt đầy vẻ sợ hãi. Người đàn ông 41 tuổi ra hiệu cho mọi người mang cha về. Sau khi được người thân an ủi, anh đồng ý theo về nhà nhưng cứ ngồi lì một góc hút thuốc lá, ánh mắt u buồn.

    Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Trà cho biết, sau khi cha con ông Thanh trở về, huyện đã đến thăm hỏi hỗ trợ lương thực giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cũng được tăng cường, quản lý không để cha con ông Thanh quay lại rừng sâu.

    Qua xác minh, huyện xác nhận ông Thanh từng là bộ đội chống Mỹ, nhà ông bị dội bom khoảng năm 1972 khiến mẹ và hai con trai của ông qua đời. Nhằm tạo điều kiện cho cha con ông sớm hòa nhập cộng đồng, huyện hỗ trợ xây nhà và xem xét giải quyết các chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông trong thời gian sớm nhất.

    Trí Tín
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  6. #26
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts
    Ăn phở miễn phí ở Hà Nội


    Bắt đầu từ cuối năm 2012, một quán phở đặc biệt xuất hiện giữa lòng Hà Nội, quán phở miễn phí của vợ chồng chủ quán tốt bụng được nhiều người chú ý. Với mục đích giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có bữa ăn ấm lòng, vợ chồng anh Khánh và chị My (219 Khương Trung Mới, Hà Nội) đã tổ chức bữa phở miễn phí vào mỗi sáng chủ nhật. Ai cũng có được những suất ăn nóng hổi mà không phải lo khoản tiền phải trả.

    Đến bây giờ, quán phở miễn phí vào mỗi sáng chủ nhật đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo. Ai cũng tấm tắc khen lòng tốt của cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, để có nhiều người biết đến và tin tưởng vào những bữa ăn miễn phí như thế này, vợ chồng chị My đã phải đến tận nơi những gia đình khó khăn vừa phát phiếu ăn, vừa giới thiệu về chương trình của quán. Việc làm của anh chị khiến không ít người cảm động, bởi theo như lời nhiều người dân thì: “Có mơ cũng không nghĩ lòng tốt của họ là thật”.


    Nghĩa cử đẹp Xúc động với tình người ở quán phở miễn phí


    Những suất phở miễn phí (Ảnh: Bình Minh)
    Những ngày đầu, thực khách đến chưa đông, một phần nhiều người dân vẫn e ngại, rụt rè với tâm lý ăn miễn phí. Có lẽ chính vì thế mà vợ chồng chị My luôn căn dặn nhân viên phải niềm nở, ân cần với khách. Dần dần khách tới quán ăn vào mỗi chủ nhật ngày càng đông.

    Mỗi cuối tuần, quán phở này sẽ phát 100 suất phở miễn phí bằng phiếu vào thứ 6, 7. Tới sáng chủ nhật, thực khách chỉ cần mang phiếu ăn này tới cửa hàng sẽ được ăn những bát phở miễn phí nóng hổi.


    Nghĩa cử cao thượng (Ảnh: Bình Minh)

    Không chỉ người dân, mà hành động đẹp này của vợ chồng chủ quán đã được cộng đồng mạng lan truyền mạnh mẽ. Ai cũng cảm phục lòng tốt của anh Khánh, chị My. Hàng nghìn lượt like và chia sẻ đã được dành cho lòng tốt của chủ quán. Tất cả cộng đồng mạng đều tấm tắc khen ngợi về hành động đầy ý nghĩa của anh chị và mong rằng việc làm này sẽ còn được nhân rộng hơn trên đất nước Việt Nam. Thậm chí, có một số thành viên trên facebook còn tình nguyện nhận làm chân phục vụ không lấy tiền công cho quán vào mỗi cuối tuần.


    Cộng đồng mạng xôn xao với thông tin về quán

    Giản dị hơn, vợ chồng chị My chỉ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm được nhiều suất phở miễn phí hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở 100 suất mà có thể hàng trăm suất cho nhưng người nghèo.

    Trà đá, cơm và phở miễn phí… những hành động đơn giản, những bữa ăn không hề cầu kỳ nhưng chứa đựng trong đó là lòng tốt giữa con người với nhau. Chỉ cần có thế cũng đủ khiến người nghèo có thêm niềm tin vào cuộc sống.

    Nhan_voky theo nguoiduatin

  7. #27
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Người đưa đò” ở bến biệt ly


    Lâu nay, nhiều người nghèo khó không thể lo hậu sự cho thân nhân thường tìm đến địa chỉ quen thuộc trong một con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 - TPHCM, đó là nhà của ông Ba Oanh (Bùi Văn Oanh). Đến nay, đội mai táng của ông đã lo hậu sự miễn phí cho hơn 1.000 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã có 30 người được ông Ba Oanh và đội mai táng tặng quan tài, tổ chức tang lễ miễn phí.

    <>Trả nghĩa cho đời

    “Năm 1976, cha tôi mất. Gia đình tôi lúc đó quá nghèo, không mua nổi quan tài cho người quá cố. Sau 2 ngày ôm thi thể cha than khóc, tôi tìm đến một trại hòm mua chịu chiếc quan tài. Sau đám tang cha, gom góp tiền giúp đỡ, phúng điếu của bà con hàng xóm cộng thêm 3 năm đạp xe ba gác thuê, tôi mới trả xong nợ mua áo quan” - ông Ba Oanh ngậm ngùi.

    Hằng ngày đạp xe ba gác thuê, ông Ba Oanh chứng kiến biết bao cảnh đời éo le, khốn khó, khi chết không có tấm áo che thân. Xót xa cho thân phận người nghèo, không biết từ bao giờ, ông đến với nghề nhặt xác, sau đó tìm cách an táng miễn phí cho những trường hợp neo đơn, cơ cực.

    Mặc mưa gió, sớm khuya, gần xa, hễ nghe điện thoại báo tin là ông Ba Oanh lại lặn lội đạp xe đi nhặt nhạnh thi thể người gặp nạn. “Trước đây, có ngày, tôi nhặt thi thể 2-3 nạn nhân bị tai nạn giao thông. Gặp trường hợp quá nghèo khó, tôi sẵn sàng đứng ra lo mai táng cho họ. Nhiều vụ tai nạn rất thảm khốc, thi thể nạn nhân bị dập nát, tôi phải chui dưới gầm xe thu hồi từng bộ phận của họ đem ra, sau đó sắp xếp lại hoàn chỉnh mới xong việc” - ông Ba Oanh cho biết.


    Ông Ba Oanh đã nhặt hàng trăm thi thể nạn nhân và cùng một số người mai táng miễn phí cho cả ngàn trường hợp
    Có lần đạp xe ba gác trên đường Nguyễn Tất Thành - quận 4, ông Ba Oanh chứng kiến một vụ tai nạn giao thông mà thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn. Xung quanh, người đi đường chen lấn đứng xem nhưng không ai dám đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường. Ông lẳng lặng bước vào nhặt xác, sau đó chạy vạy khắp nơi xin quan tài vì gia đình nạn nhân quá nghèo khó.

    Thấy ông có lòng, một phụ nữ đã cho người mua chiếc quan tài mang đến. Từ đó, mỗi lần gặp những trường hợp nạn nhân quá cơ cực mà ông ngược xuôi xin quan tài mãi không xong, người phụ nữ này lại đứng ra trợ giúp.

    Ngoài việc nhặt xác những nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, ông Ba Oanh còn không nề hà nhận vớt các thi thể chết trôi lâu ngày mà không ai dám đụng tới vì đã phân hủy, thối rữa. “Mỗi lần nhớ về quá khứ nghèo khó, nhớ về cha mình khi mất không có nổi chiếc quan tài đã được nhiều người giúp đỡ, tôi không còn thấy ngán ngại công việc này. Đó cũng là một cách tôi trả nghĩa cho đời, cho cha tôi” - ông tâm sự.

    <>Ám ảnh cơ cực đời người

    Lúc rảnh rỗi, ông thu xếp thời gian đến “học nghề” ở các đám tang. Ông đã sắm sửa được 15 bộ trang phục tang lễ và vận động một số người là thợ hồ, chạy xe ôm, ba gác... để thành lập đội mai táng miễn phí. Hiện nay, đội mai táng của ông có 27 thành viên, riêng gia đình ông đã đóng góp 7 người.

    Không chỉ hoạt động ở TPHCM, đội mai táng của ông Ba Oanh còn sẵn sàng đến bất cứ đâu từ Bắc chí Nam nếu người nghèo cần đến. “Suốt 33 năm nay, ngoài việc nhặt hàng trăm thi thể nạn nhân bị tai nạn giao thông, chết đuối lâu ngày, tôi và đội đã mai táng miễn phí cho cả ngàn trường hợp neo đơn, nghèo khó...” - ông cho biết.

    Hình ảnh một người đàn ông đạp xe rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở TPHCM xin quan tài cho những trường hợp nghèo khó đã quá quen thuộc với nhiều người. Vì thế, nhiều người quen đã ví ông như “người đưa đò ở bến biệt ly”. “Trước đây, mỗi lần gặp nạn nhân có gia cảnh quá khó khăn, tôi lại tất bật đi xin quan tài. Nơi này không cho, tôi lại đạp xe đi nơi khác, chừng nào có mới thôi. Gần đây, tôi đã có “mối” một số người cho quan tài nên trong nhà luôn để sẵn 2 chiếc, khi nạn nhân cần là đáp ứng” - ông nói.

    Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời “đưa đò” của mình, ông Ba Oanh thổ lộ: “Cách đây hàng chục năm, có một đôi vợ chồng trẻ quê Nghệ An vào TPHCM mưu sinh. Hằng ngày, chồng đi bán vé số, vợ rửa chén bát thuê. Một hôm, anh chồng đang đi bán vé số thì bị đột quỵ rồi qua đời. Chủ nhà trọ sợ xui xẻo nên không cho mang thi thể anh về nhà.

    Đội mai táng của tôi đã đến thuyết phục mãi, chủ nhà mới cho phép giăng bạt ngoài sân khâm liệm, sau đó vội vã đưa người xấu số về quê an táng. Hai năm sau, khi tôi đang lúi húi sơn chiếc áo quan trước cửa nhà, người vợ dắt con tới quỳ lạy tạ ơn. Đó là “chuyến đò” buồn nhất trong cuộc đời dính vào nghiệp nhặt xác, mai táng của tôi”.

    “Người đưa đò” tâm sự rằng ông mong ngày càng có nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những nạn nhân khốn khó để họ ra đi được thanh thản. “Điều thiết thực nhất mà tôi mong là có được nhiều người giúp quan tài, để khi gặp những phận người cơ cực nằm xuống, đội mai táng của tôi không phải chạy ngược xuôi, gõ cửa từng nhà nhờ giúp đỡ” - ông Ba Oanh bộc bạch.

    <>Cùng nuôi heo đất

    Sau những cuốc xe ôm, những buổi phụ hồ hay các chuyến xe ba gác, anh em đội mai táng của ông Ba Oanh lại bỏ một phần tiền công để nuôi heo đất, khi có việc cần đến là “mổ” lấy tiền lo hậu sự cho người nghèo. Riêng ông Oanh, hằng tháng được các con cho 1-2 triệu đồng, ông không dám xài mà để dành đóng góp với đội.

    Nguồn : 24h.com.vn
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #28
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bí ẩn ngàn đời trong "túi phép" của các thầy mo xứ Mường

    Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví văn hóa dân tộc Mường là kho tàng những điều thần bí, thậm chí ma mị đến khó tin. Trong những chiếc túi kì bí của các thày mo xứ Mường, không phải ai cũng được biết được trong đó có những gì...

    "Có “Mo” thì mới có Mường"?

    Người Mường luôn tự hào với cách ví von nếu “ không có mo thì không có người Mường" cũng giống như không có làng xã thì không có huyện, tỉnh. "Mo" là phạm trù văn hóa rất rộng, là một hình thức diễn xướng văn hóa dân gian đặc biệt trong đám tang của người Mường. "Mo" là đại diện duy nhất có thể giao tiếp với người đã chết và dẫn hồn người chết đi khắp nơi trong thế giới bên kia.

    Người Mường quan niệm chết không phải đã là hết. Bởi thế, "trần sao âm vậy", người chết cũng phải có trâu, bò, gà, lợn làm vốn "mưu sinh" ở thế giới khác. Họ mổ các con vật nuôi trong nhà, mời thầy mo làm lễ cúng tế, dâng cho người thân. Trong "mo" cúng thường nhắc đi nhắc lại một điều: "Mua đừng bán, bạn đừng cho", ý dặn "vong" phải giữ lấy những vật cúng tế để làm vốn liếng làm ăn ở thế giới của mình. Đừng cho ai, đừng bán đi kẻo thành ma đói, lang thang tội nghiệp.

    Làm thầy mo phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe. Người khỏe mạnh, không đui, chột, què quặt, không nói ngọng và có uy tín trong làng bản mới được lựa chọn. Thông thường, "mo" có tính chất gia truyền và không phải ai cũng có thể "hành nghề". Đặc biệt, thầy mo phải có bản lĩnh hơn người, trong lúc tang gia bối rối vừa là niềm tin của người sống, vừa làm chỗ dựa cho linh hồn người chết.


    Thầy mo nổi tiếng khắp vùng Lạc Sơn Bùi Văn Chuẩn.

    Khám phá túi "khót" thần kỳ

    Phong tục lạ: Người Mường không có tục thờ cúng tổ tiên trong nhà. Chỉ ngày 30 Tết, họ làm mâm cơm mời người đã mất về nhà rồi chiều mùng 1 lại làm cơm tiễn về trời đất. Tuy nhiên, riêng trong nhà thầy mo, quanh năm có một ban thờ nhỏ để thờ người truyền nghề cho mình.
    Những con đường đá sỏi vòng vèo tại thôn Vín Thượng, Hương Nhượng, Lạc Sơn . Hễ ngồi ở quán nước nào hay trò chuyện với bác xe ôm dọc đường đầu thị trấn thì đều nghe nhắc nhiều đến thầy mo Bùi Văn Chuẩn, khiến chúng tôi hết sức tò mò.

    "Mo" Chuẩn năm nay đã 87 tuổi nhưng minh mẫn và mạnh khỏe. Bắn một điếu thuốc lào thật dài và bằng tiếng Kinh lưu loát, ông cười hiền hậu, tâm sự: "Nhờ nghề "mo" mà tôi khỏe mạnh. Làm "mo" phải có tâm, không giữ được đạo đức mà làm sai lệnh đấng linh thiêng thì bị giày vò cho đói khổ, bệnh tật, ốm đau đến chết".

    Đến bây giờ, ông cũng không nhớ nổi gia đình mình đã có nghề "mo" từ đời nào. Chỉ biết rằng khi người cha mất đi, ông được chọn nối nghề. Rời chức cán bộ mặt trận Tổ quốc xã về hưu, ông chuyên tâm làm "mo", cúng đưa tiễn bao con người ở khắp vùng về với trời đất. Ai ai cũng biết đến "mo" Chuẩn vì ông cúng rất giỏi. Hơn nữa, ông luôn sống giản dị và hướng dẫn bà con dân bản theo "mo" một cách lành mạnh, không lợi dụng, biến tướng thành mê tín dị đoan.

    Qua "mo" Chuẩn, được biết: "Khót" là túi đồ nghề cực kỳ quý hiếm của mỗi thầy mo xứ Mường. Trong đó, có rất nhiều đồ vật chuyên dụng, nhưng có thể chia thành 4 nhóm chính: Nhóm xương răng động vật, đồ kim khí, đá và các loại củ quả. Nhìn qua thì chúng là những vật dụng bình thường nhưng lại mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Mỗi bộ phận trên cơ thể động vật như nanh hổ, nanh báo, sừng tê giác, ngà voi... đều đại diện cho con vật ấy hình thành "đội quân tinh nhuệ, hộ vệ" thầy mo đi trấn yểm khắp nơi. Người ta phải vào rừng, tìm những con vật chết hoang và quan niệm đó là những cái chết linh thiêng, sẽ ứng nghiệm với nghề. Đá quý được lấy trong tự nhiên, gọi chung là cang cầm. Đồ kim khí thường là một lưỡi rìu có từ thời Đông Sơn, có người gọi là lưỡi tầm sét hay kẹo lẹt ma ươi.

    Trước khi vào đám ma, thầy mo sẽ khấn thức gọi hồn tất cả các con vật dậy để cùng góp sức mạnh dẫn hồn người chết và cũng là để bảo vệ cho chính thầy mo. Trong quan niệm của người Mường, mỗi cái chết đều có lý do riêng và thường có những ẩn ức, oan khuất. Do vậy, hồn ma không cam chịu đi một mình, sẽ tìm cách quay về "vật" người sống (?!). Thầy mo phải nhờ đến những con vật dữ tợn kia bảo vệ. Khi đi cúng, bên cạnh túi "khót", mỗi thầy mo sẽ mang theo khánh và một con dao dài bên cạnh.

    Theo lời ông Chuẩn: "Bây giờ thầy cúng nhiều, "mo" cũng nhiều kiểu loại. Ở mỗi xóm bản đều có người hành nghề cúng bái để mưu sinh. Những thầy mo chuẩn như tôi còn rất ít nên được nhiều người trọng vọng. Vì thế, các "mo" địa bàn sẽ không hài lòng, sinh đố kỵ từ thói ghen ăn, tức ở. Cho rằng mình bị "cướp cơm", họ sẵn sàng đọc "tiếng" (một loại bùa độc trong quan niệm người Mường - PV) để gieo bùa ốm đau, bệnh tật lên "kẻ thù". Có dao sẽ giúp tránh được tà ma, bùa chú hiểm ác". Dao cũng là vật dụng giúp thầy mo mở đường sang thế giới hồn ma mông muội. Khắp cùng trời cuối đất, có rất nhiều nơi kinh khủng chỉ có "mo" mới có thể biết và dẫn người chết đi được.

    Túi "khót" không phải ai cũng được cần đến. Tất cả con cháu trong gia đình ông Chuẩn đều tuyệt đối tuân theo lời nguyền: "Tự nhiên lấy túi "khót" sẽ bị trời đánh, thánh vật". Do đó, nơi để túi "khót" rất trang trọng, chỉ mình ông Chuẩn lui tới. Mỗi lần đi cúng đám, ông Chuẩn phải đọc thần chú và làm các thủ tục xin phép cẩn thận mới được mang theo.


    Một thầy mo đang chuẩn bị cúng. Ảnh Bùi Huy Vọng.

    Lo ngại biến tướng gây nhiễu loạn

    Nét văn hóa tâm linh âm - dương của xứ Mường
    Ông Bùi Huy Vọng, người chuyên nghiên cứu văn hóa tộc Mường cho biết: "Để kể hết "mo" phải có từ 13 - 15 đêm. Năm 1942, gia đình quý tộc đời nhà Lang đã từng ghi kỷ lục tới 13 đêm "mo". Thầy mo luôn có những ứng xử đặc biệt với túi phép của mình. Mỗi năm vào ngày 27 tháng Chạp, túi "khót" được chủ nhân mang ra rửa sạch bằng rượu và phơi khô để cầu mong những ứng nghiệm linh thiêng trong năm mới".
    Trưởng bản Vín Thượng, ông Bùi Văn Bé cho biết: "Theo nếp sống văn hóa mới hiện nay, "mo" vẫn còn nhưng thông thường chỉ kể từ 1 - 2 đêm. Trước đây, nếu gia đình nghèo không nuôi được gia súc gia cầm, thầy mo có quyền không cho cái xác được địa táng mà phải phơi xác. Tuy nhiên, hủ tục đã dần được loại bỏ. Người Mường bây giờ tổ chức đám tang gọn nhẹ, tiết kiệm. Gia đình đông con có thể cúng tế chung, tránh lãng phí, không phải chuẩn bị riêng đồ lễ như trước đây".
    Trong thế giới thầy cúng của người Mường có 3 dòng chính là "mo", mỡi và trượng (tiếng Mường gọi là K-Lượng, Tr-Lượng - PV). Lời "mo" luôn dạy cho con người lẽ sống nhân văn, không ăn trộm ăn cắp, không làm điều xằng bậy. "Mo" là ứng xử cuối cùng của con cháu đối với người đã khuất. Bởi thế, bản thân "mo" Mường hết sức nhân văn, yếu tố mê tín dị đoan hầu như là không có. Chỉ có những biến tướng từ mỡi và trượng là rất đáng lo ngại. Nó khiến xã hội trở nên nhiễu loạn. Mỡi là một hình thức như bà đồng, cốt của người Kinh, chuyên cúng cầu an chữa bệnh cho người sống. Trượng có thể vừa cúng vừa chữa bệnh. Ở những thời điểm khó khăn trước đây, con người có sinh mà không có dưỡng, bệnh tật, đói khổ, họa thú dữ, hổ báo quanh sườn. "Mo", mỡi và trượng trở thành điểm tựa tâm linh cho con người vượt qua những sự biến khốn cùng của đời sống.

    Tuy nhiên, nhiều mỡi và trượng đã lợi dụng cúng bái để làm kinh tế, biến niềm tin tâm linh của con người thành mê tín dị đoan. Vấn đề này cho đến nay vẫn tồn tại trong các bản làng người Mường trên khắp vùng cao Tây Bắc. Nếu như các cơ quan chức năng không kiên quyết vào cuộc thì không chỉ nguy hại đến đời sống của bà con người Mường nói riêng mà còn ảnh hưởng xấu đến văn hóa của dân tộc Mường nói chung.

    Nhiều người vẫn giữ thói quen quy nạp tất cả mỡi, trượng là "mo" thì thực sự không công bằng !

    Nguồn: Người Đưa Tin
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  9. #29
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Đồng Nai
    Cụ bà 104 tuổi một mình “quật ngã” tên cướp


    (Dân trí) - Nhìn thấy cụ Bài có một xấp tiền cất trong túi, Tú đã nảy sinh lòng tham đột nhập vào nhà khống chế cụ để cướp tài sản. Phát hiện sự việc, cụ bà đã giữ tay tên cướp và hô hoán mọi người hỗ trợ bắt giữ Tú.
    Ngày 9/7, cụ bà Võ Thị Bài (104 tuổi, ngụ ấp 6, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã được UBND huyện Cẩm Mỹ khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm.


    Cụ bà Võ Thị Bài một mình quật ngã tên cướp.

    Trước đó, ngày 29/6, Vũ Văn Tú (22 tuổi, ngụ ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có đến làm rẫy thuê cho gia đình cụ Bài. Khoảng 9h sáng cùng ngày, Tú có hỏi mượn cụ Bài 50 ngàn đồng để làm việc riêng. Trong lúc lấy tiền từ túi đeo bên người, cụ Bài đã bất cẩn để cho Tú nhìn thấy một xấp tiền loại 50 ngàn đồng nên Tú đã nảy sinh lòng tham.

    Đến khoảng 15h30, trong lúc cụ Bài ngủ trưa, Tú đã lẻn vào nhà bằng cửa sau, dùng tấm chăn chụp kín mặt cụ Bài, rồi giật túi tiền cụ đang đeo bên người.

    Cụ Bài vùng vẫy, hất chăn ra rồi chồm dậy, ôm chặt lấy cánh tay của Tú, đồng thời tri hô “cướp, cướp…”. Nghe tiếng cụ Bài kêu cứu, con gái cụ đang làm rẫy ở gần đó vội chạy về hô hoán, cùng người dân vây bắt Tú giao công an xã Lâm San xử lý.

    Thảo Trần
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  10. #30
    Administrator
    Tham gia ngày
    Jun 2011
    Bài gửi
    227
    Thanks
    15
    Thanked 19 Times in 18 Posts
    Hút thuốc lào bằng điếu dài... 1,5m
    Điếu lớn nhất dài hơn 1,5 m, đường kính gần 20 cm, được dân bản Lương Ngọc (Thanh Hóa) làm từ thân cây luồng. Để rít được một hơi thuốc, người hút cần nhờ người ngồi phía dưới hỗ trợ châm lửa đốt thuốc.

    Những ngày đầu xuân, du khách thập phương đến ngắm suối cá lạ ở bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) còn được dịp trầm trồ trước những chiếc điếu cày khổng lồ, lạ mắt do dân bản Lương Ngọc sản xuất theo phương pháp thủ công.

    Điếu dài trung bình 1-1,5 m, lớn nhất dài hơn 1,5m, đường kính 20 cm, nặng gần 20 kg. Tất cả đều do nghệ nhân Phạm Văn Thống (46 tuổi) làm từ cây luồng, cây bương rừng. Ông Thống cho biết, sau chuyến đi rừng đầu năm 2012, phát hiện những cây luồng cong queo mọc trong vách đá hình thù rất kỳ quái, lạ mắt nên bắt đầu nghĩ ra ý tưởng làm những chiếc điếu bán cho du khách.




    Chiếc điếu lớn nhất của ông Thống dài hơn 1,5 m, đường kính gần 20 cm, nặng gần 20 kg


    “Những cây luồng mọc trong vách đá cả mấy chục năm, thân cong queo, không thể dựng nhà cửa nên thường bị bà con chặt bỏ hoặc làm củi đốt, rất phí. Lúc đầu, tôi chỉ làm thử một cái điếu để hút cho vui nhưng thấy nhiều người khen đẹp, có du khách còn nằng nặc ngỏ ý muốn mua nên tôi chuyển sang làm để bán”, ông Thống kể.

    Để làm một chiếc điếu, ông Thống phải mất cả tuần vào rừng săn nguyên liệu và đục đẽo công phu. Sau khi hoàn thiện, ông bày bán ngay tại cửa hàng bán đồ lưu niệm của gia đình với giá từ 600.000 đến hơn 2 triệu đồng một chiếc. Cũng theo ông Thống, chỉ trong mấy tháng cuối năm 2012 và dịp đầu xuân, ông đã bán được cả chục chiếc điếu.

    Do quá nặng nên chiếc điếu khổng lồ được chủ nhân thiết kế thêm phần bánh xe để tiện cho việc di chuyển, hay gắn thêm hộp tre đan dùng đựng thuốc lào. Cũng vì dài quá cỡ nên để hút được một hơi thuốc, người hút cần thêm một nhân lực ngồi phía dưới hỗ trợ châm lửa đốt thuốc.


    Đây là tác phẩm của phạm nhân ở trại giam số 5, đóng trên địa bàn Cẩm Thủy, Thanh Hóa


    Ngoài những chiếc điếu khổng lồ trên, tại bản Lương Ngọc còn bán một loại điếu khủng không kém. Đó là tác phẩm của phạm nhân ở trại giam số 5, đóng trên địa bàn Cẩm Thủy. Những chiếc điếu này thân thẳng, dài 1,5 m, đường kính hơn 20 cm, được chạm trổ hình rồng, phượng. Nõ điếu to bằng chiếc bát con, được ghép trên thân một con rùa. Chân điếu được làm bằng gỗ, chạm trổ khá tinh xảo.

    Thieugia theo VnExpress

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •