Nếu môn Lịch sử tiếp tục như hiện nay, chính nó đã và đang giáng "đòn chí mạng" vào nỗ lực muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà và rồi, người dạy chứ không chỉ người học sẽ "xé đề cương".

Gần đây có khá nhiều bài viết về những chuyện xung quanh môn Lịch sử trong trường phổ thông, nhất là sau sự việc các em học sinh "xé đề cương môn Sử". Nhiều ý kiến thông cảm cho đó là phản ứng tự nhiên, tính trẻ con của tuổi học trò khi "nghe tin thầy cô ốm" để được nghỉ học. Ai từng là học trò chắc cũng từng trải qua cảm xúc đó.

Khoa học hay chỉ là...công cụ

Tận trong đáy lòng, không có học sinh nào mong cho thầy cô ốm. Mà nếu học sinh thực lòng mong người thầy cô nào đó đừng đến dạy, có lẽ chính thầy cô đó cũng cần xem lại mình. Vì dạy học cũng là một nghệ thuật- nghệ thuật truyền đạt kiến thức và giao tiếp. Nghệ sỹ mà diễn chán ngắt thì khán giả bất đắc dĩ nhất định chỉ mong người ấy... ốm? Đa số những ý kiến khác chê trách học sinh và cả người dạy môn Sử.

Thông điệp thứ nhất của các ý kiến là nhấn mạnh GD toàn diện. Điều đó hoàn toàn đúng. Ta thử nhìn qua một trong những nước có nền công nghệ, toán học hàng đầu thế giới là Mỹ. Ở đó các môn khoa học xã hội rất được coi trọng.

Trong bảng xếp hạng 50 trường ĐH hàng đầu thế giới theo ngành của THE hoặc trong bảng xếp hạng của Jiaotong Thượng Hải[2] (2012), các trường ĐH của Mỹ như Standford , Columbia, Harvard, Chicago, California (Berkeley),... vẫn là những trường đứng đầu bảng về ngành xã hội- nhân văn (Arts and Humanities).

Lý do để các môn học xã hội- nhân văn tại Mỹ được coi trọng rất đơn giản: Đó là khoa học!

Sức thu hút người học có thể có rất nhiều nguyên nhân, từ sức hấp dẫn của nội dung môn học đến việc làm và môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Sức thu hút người quan tâm còn nằm ở sự khác nhau của mục tiêu và cả triết lý GD cho ngành này. Nơi coi nó là khoa học, nơi chỉ coi là công cụ phục vụ chính trị nhất thời.


Sự quan tâm và coi trọng ngành xã hội- nhân văn ở Mỹ không chỉ thể hiện trong các bảng xếp hạng ĐH thế giới, nó còn thể hiện ở con số sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội có việc làm rất cao ở đây. Năm 2012, năm của suy thoái kinh tế toàn cầu, khoảng 91,1% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học xã hội (social science), 91,6% sinh viên tốt nghiệp ngành nhân văn[3], ... có việc làm. Như vậy tỷ lệ thất nghiệp với những ngành xã hội- nhân văn không cao so với ở Việt Nam, cho dù thu nhập ban đầu của họ chỉ khoảng 33.000 USD/năm, như trong bảng dưới đây.

Khi phê phán học sinh không chọn học ngành Lịch sử, "quay lưng lại với lịch sử", xin các vị đừng quên lời dạy "có thực mới vực được đạo". Đã bao nhiêu thầy cô hoặc những người đang phê phán học sinh không chọn môn Lịch sử đã cho con mình chọn ngành học này mà khi ra trường thì "Phía trước là bầu trời" bao la? Người ta không nên khuyên người khác làm điều mà mình không muốn.

Tại Việt Nam, tôi tin rằng tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân ngành xã hội- nhân văn cao hơn số liệu đã công bố. Hơn thế nữa, người có việc làm cũng không thoải mái trong công việc. Có người nói thẳng ra là không có... tự do trong nghiên cứu và công bố.

Cái "rào cản hư vô" nhưng vô cùng nghiệt ngã. Một ví dụ nhỏ, chuyện Lê Văn Tám đến giờ hầu như ai cũng biết là chuyện không có thật, nhưng cũng không ai dám công khai sau khi GS Phan Huy Lê cho biết lời dặn dò của ông Trần Huy Liệu. Trong khi đó một ông GS "phương pháp luận Sử học" của một trường 'mô phạm' nói: "Nhắc lại để làm gì? Biết sự thật được cái gì?"

Vậy lịch sử không nhắc đến chuyện của quá khứ, không nói sự thật thì nhắc chuyện của tương lai chắc? Việc đó đã có các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng lo rồi. Nhắc lại cái hay để phát huy, nhắc lại cái dở để tránh chứ còn để làm gì? Như vậy, môn Lịch sử mới thật đàng hoàng là một khoa học.

Người Việt trong nước đều biết rõ "khối C" là ba môn thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ gồm Văn, Sử và Địa. Ban đầu, hai môn sau thường được cho là môn 'học thuộc' ít cần tư duy và chỉ cần chăm chỉ. Nhưng nay môn Văn cũng chịu chung số phận vì chương trình, cách dạy và cách học đến thi cử đều dường như chỉ khiến người học học thuộc là đủ - học thuộc bài giảng, học thuộc bài "văn mẫu" ... Có nghĩa là nó không đòi hỏi người học tư duy độc lập hay sáng tạo.

Bản chất môn học xã hội- nhân văn ở Việt Nam có đảm đương vai trò môn khoa học hay chỉ làm công cụ mang tính thời sự ăn xổi? Trong thực tế đang tồn tại sự học lệch, dạy lệch, thi lệch đáng tiếc. Nhưng mặt khác, chương trình, nội dung tài liệu giáo khoa môn xã hội, trong đó có môn Lịch sử hiện nay đang bị người học quay lưng lại quả cũng không oan, như bài "Tiếc gì những bài văn 'cúng cụ'!" đã chỉ ra. Nhìn nhận đánh giá sự việc phải ít nhất từ hai phía.

Lịch sử và tài liệu giáo khoa môn Lịch sử


Trong bài viết "Dạy sử: Không thể nấu sỏi và nước lã thành súp", tác giả đã bàn về chuyện tại sao người dạy chán dạy, người học chán học môn này. Một khi cả người dạy và người học đều chán thì những người hoạch định chương trình cho môn Lịch sử cần xem lại chính mình và sản phẩm của mình trước khi phê phán người dạy và người học.

Một dân tộc và mỗi người dân của dân tộc đó cần phải biết về lịch sử của quốc gia mình và dân tộc mình. Michael Crichton, tác gia người Mỹ phát biểu một cách giản dị: "Nếu không biết lịch sử, bạn là chiếc lá mà không biết rằng mình là một phần của cái cây."

Tuy nhiên, dường như có một số ý kiến đánh đồng môn Lịch sử trong trường học hiện nay với lịch sử dân tộc. Môn Lịch sử chỉ là một trong rất nhiều phương tiện giúp học sinh hiểu về lịch sử chứ bản thân nó không thể là lịch sử, nó cũng chỉ như các môn học khác. Sự đánh đồng như thế không khác gì coi trường "ĐH Văn hóa" là văn hóa.

Cũng chính vì thế, khi chọn một trong số những môn còn lại cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD- ĐT đã chọn ngẫu nhiên bằng cách rút thămcũng là dễ hiểu, trừ trường hợp thi tất cả các môn đã học, kể cả GD Quốc phòng đến GD Công dân. Lịch sử có khi còn nhờ may rủi- được gọi là thời cơ - huống hồ môn Lịch sử.

Về vai trò môn Lịch sử và hiểu biết về lịch sử, ta cần đánh giá đúng vị trí và tầm quan trọng của môn học này. Có một số người tự huyễn hoặc cho rằng môn học của mình là "quan trọng nhất", hoặc "khoa học của mọi khoa học". Trong GD toàn diện, không có môn nào là quan trọng NHẤT cả.

Người viết bài này không biện minh cho việc không thuộc lịch sử nước nhà. Nhưng, cực đoan đến mức cho rằng "không thuộc sử nhà là không yêu nước", là quan điểm chụp mũ. Thuộc sử nhà chưa chắc đã yêu nước. Ngược lại, không thuộc sử không đồng nghĩa với không yêu nước.

Yêu nước phải được thể hiện bằng hành động.Thử hỏi bao nhiêu người đã ngã xuống vì đất nước này thuộc sử nước nhà? Thử hỏi bao nhiêu người lao động một nắng hai sương xây dựng đất nước thuộc sử nhà? Nhưng chính những con người đó, có khi chưa bao giờ biết đến cuốn sách giáo khoa Lịch sử, lại là những người mà lịch sử dân tộc đã thấm vào tận huyết quản.

Lịch sử nước nhà không chỉ là sách giáo khoa, mà sách giáo khoa Lịch sử không hẳn là lịch sử nước nhà.

Thiên chức muôn thuở của khoa học lịch sử là ghi chép lại những gì đã xảy ra một cách trung thực, chứ không đòi hỏi sự sáng tạo nào. Còn người ta dùng các ghi chép đó hoặc "tra chuôi, tra cán" cho nó phục vụ mục đích gì lại là chuyện khác". Vậy, sách giáo khoa lịch sử trong trường học của chúng ta đã trung thực chưa?

Nếu môn Lịch sử tiếp tục như hiện nay, chính nó đã và đang giáng "đòn chí mạng" vào nỗ lực muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà và rồi, người dạy chứ không chỉ người học sẽ "xé đề cương".

Xin kể chuyện học sinh đỗ ĐH vào ngành báo chí thuộc ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn (ĐHQGHN) nhưng bỏ sang học ngành IT ở trường ĐH khác, vì "làm báo ở Việt Nam không phải làm báo theo đúng nghĩa". Cho đến nay, đó vẫn là quyết định sáng suốt trong hoàn cảnh đặc thù. Đó chính là con của người viết bài này.

Các môn xã hội khác cũng có những vướng mắc tương tự. Những sinh viên tương lai nhìn vào các bậc tiền bối của mình mà cần...liệu đường đi. Chỉ khi nào được "cởi trói" một lần nữa thì các môn xã hội mới mong thu hút được người học.

Nguyễn Nguyễn

theo vietnamnet