Trang 3/4 ĐầuĐầu 1234 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 39

Chủ đề: Nước Việt Mến Yêu & Những Điều Kỳ Thú...

  1. #21
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bốn học sinh Việt giành huy chương Olympic Sinh học quốc tế


    Đoàn học sinh Việt Nam gồm bốn em tham dự Olympic Sinh học quốc tế đều giành huy chương trong đó có một huy chương bạc và ba huy chương đồng.



    Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho đoàn học sinh dự thi Olympic Sinh học quốc tế. Ảnh: LHQ.

    Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) lần thứ 25, được tổ chức tại Indonesia từ ngày 5/7 đến 13/7. Chung cuộc, Việt Nam giành được 4 huy chương, trong đó em Lê Thị Nguyệt Hằng (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) giành huy chương bạc, ba học sinh Phạm Minh Đức (chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), Trần Lê Quốc Khánh (chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) và em Đào Trọng Doanh (chuyên Trần Phú, Hải Phòng) giành huy chương đồng.

    Việt Nam là một trong ít đoàn có tất cả học sinh đọat giải. Trong đó, em Hằng và Đức mới học lớp 11 và có em mới chuyển từ lớp chuyên khác sang học môn Sinh trong thời gian ngắn.

    Trưởng đoàn Sinh học, PGS Mai Sỹ Tuấn cho biết, tất cả bài thi học sinh Việt Nam đều đã được ôn luyện, tuy nhiên khi làm bài vẫn nặng về tâm lý. Ban tổ chức lại yêu cầu thời gian làm bài gấp, trong khi học sinh chưa có kinh nghiệm nên kết quả chưa cao.

    Cũng theo ông Tuấn, nếu nước chủ nhà không trục trặc phần mềm thì có thể đoàn Việt Nam còn có thứ hạng cao hơn. Cụ thể, năm trước Thụy Sỹ sử dụng phần mềm để thi online nhưng năm nay phần mềm đã không chạy được và phải chuyển sang thi giấy, thời gian bị xáo trộn và có nhiều trục trặc.

    Đón đoàn Olympic Sinh học chiều tối 13/7, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển nhận định, năm nay đoàn Sinh học đã cố gắng hơn năm trước. Nếu như những mùa thi trước chỉ đoạt 4 huy chương đồng thì năm này đã có bạc. Thứ trưởng hy vọng những năm tới sẽ tốt hơn dù điều kiện dạy học môn Sinh ở Việt Nam so với các môn khác là khó khăn nhất.

    "Năm 2016 Việt Nam sẽ đăng cai kỳ thi Olympic Sinh học lần thứ 27, thành tích này có tác dụng động viên rất lớn cho học sinh Việt Nam trong thời gian tới", Thứ trưởng Hiển nói.
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #22
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Cõng em vượt núi... tới trường


    Thứ năm, 12/09/2013 15:25

    Để đến lớp học 'con chữ', hàng ngày, anh em Sơn phải chịu bao vất vả, đi bộ mất cả tiếng đồng hồ. Điểm trường Thành Công là xa nhất, sâu nhất của trường Tiểu học Lũng Cao 2, thuộc xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa).

    Nhà Vi Văn Sơn (10 tuổi) ở ngay đầu con dốc cao, khó đi của bản Thành Công. Cậu em Vi Văn Xứng bị liệt chân từ nhỏ, hàng ngày đến trường trên lưng của anh. Cõng em trai 7 tuổi, bàn chân Sơn bám chặt xuống mặt đường đất đỏ và đá lổn nhổn. Đến đoạn đường trơn, cậu phải bỏ dép, đi đất để khỏi trượt ngã. Đi được một quãng, Sơn vừa xốc cho em ngồi gọn trên lưng, vừa kéo quần để khỏi tuột. Bố mẹ lên nương cả ngày, việc học của 2 anh em do Sơn đảm nhận. Buổi sáng, cả 2 ăn vội bát cơm nguội rồi sửa soạn tới trường.


    Hàng ngày Sơn đi bộ 2km đưa em tới trường


    Năm học mới bắt đầu được ít ngày, cậu học trò có thêm nhiệm vụ đưa đón em đi học. 'Xứng nhẹ cân nên em cõng không mệt lắm. Thế này đã nhằm nhò gì so với mỗi lần đi rừng kiếm củi', Sơn gãi đầu cười. Trong lớp, Sơn học khá, luôn giành danh hiệu học sinh tiên tiến. Môn học tốt nhất của em là Toán. Cậu học sinh nổi tiếng láu cá, hay đầu têu những trò nghịch ngợm trong lớp nhưng lại rất thương em trai. Ra chơi, Sơn thường chạy xuống lớp 1 thăm em, rồi cùng các bạn cõng Xứng ra ngoài chơi. Hôm nào anh không xuống, cậu bé được bạn học bế ra gần cửa lớp, ngồi nhìn các anh chị chơi đánh đáo, đánh cù, nhảy dây. Xứng có khuôn mặt thông minh, đôi chân buông thõng lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Em được thầy giáo chủ nhiệm Hà Quản đánh giá tiếp thu bài khá nhanh. Thầy có ý định đến tận nhà kèm thêm để các em không bỏ trường lớp.

    Cùng lớp với Sơn có em Lê Thị Vân (14 tuổi) cũng hàng ngày cõng em tới lớp. Vân người xóm Ho, ở tận trong núi sâu thuộc bản Thành Công. Hàng ngày, cô bé cõng theo em gái Lê Thị Nhiệt 6 tuổi. Hai chị em bước chân ra khỏi nhà lúc 5h30. Quãng đường 4km phải băng qua 3 con suối nhỏ cùng nhiều đoạn dốc khúc khuỷu. Hai chị em đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi thì đến. Nhiều lúc mỏi lưng, gặp đoạn bằng phẳng, Vân lại cho Nhiệt xuống đi bộ một đoạn.

    Cô bé cho hay, trong xóm Ho có nhiều bạn học cùng trường. Sáng sớm, bạn í ới gọi, rồi chờ 2 chị em ở con dốc đầu xóm cùng đi học. Suốt chặng đường, các em ríu rít nói chuyện nên không thấy mệt, quãng đường đi học dường như ngắn lại rất nhiều.


    Hai chị em Vân bảo ban nhau học tập.

    Dù hai chị em cầm ô che nhưng sương núi dày đặc vẫn thấm ướt vai cô chị, ướt tóc cô em. Những ngày mưa bất chợt, 2 chị em bẻ tạm cành cọ che cho đỡ ướt cặp sách. Ấy vậy mà đến được trường thì quần áo vẫn ướt sũng. 'Lúc đó, 2 chị em lại cùng nhau hát bài Đi học, có đoạn cọ xòe ô che nắng ấy ạ', Vân cười hồn nhiên. Bố bị bệnh tâm thần, mẹ quanh quẩn với rẫy và nương nên 2 chị em tự bảo ban nhau học. Bản Ho không có điện, 2 chị em tranh thủ học ban ngày. Buổi tối thắp đèn dầu đọc lại bài một lúc rồi đi ngủ sớm, dành sức ngày mai đến trường. Vân và Nhiệt thường mang theo một vắt cơm nhỏ ăn cho đỡ đói để có sức về nhà.

    Cô học trò 14 tuổi cao tồng ngồng, còn rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Gặng hỏi mãi, Vân mới chịu trả lời: 'Em Nhiệt còn bé, lại không biết gì, đường đi học xa nên em phải cõng'. Cô bé Nhiệt có đôi mắt to tròn, cả buổi chỉ bẽn lẽn cười, nép sau vai chị mà không nói câu nào.

    Theo vnexpress.net
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  3. #23
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Chàng thủ khoa 'rau muống' xứ Thanh

    Thứ tư, 23/7/2014 | 19:16 GMT+7

    Bạn bè gọi Nguyễn Kim Anh (thủ khoa khối B, Học viên Quân y) với cái tên thân mật - "thủ khoa rau muống", bởi sau mỗi giờ lên lớp, cậu học trò nghèo thường ra ruộng hái rau muống phụ mẹ lấy tiền đóng học và trang trải cuộc sống.

    Hai ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Kim Thoa và chị Đào Thị Hiền (ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) luôn rộn rã tiếng cười vì cậu con trai út Nguyễn Kim Anh (học sinh lớp 12C6, THPT Hàm Rồng) vừa nhận tin đỗ thủ khoa khối B, Học viên Quân y.


    Thủ khoa Học viện Quân y Nguyễn Kim Anh (thứ hai từ trái sang) hạnh phúc bên người thân và cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Lam Sơn.

    Cậu học trò nghèo có thân hình mảnh khảnh, nhỏ thó, nước da đen nhẻm nhưng bù lại em có vầng trán rộng toát lên vẻ thông minh và nụ cười hóm hỉnh dễ gần. Kim Anh chia sẻ, đến giây phút này cậu vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì kết quả kỳ thi đại học vừa qua.

    Để có được thành quả như ngày hôm nay, Kim Anh đã vượt qua nhiều thử thách, mặc cảm vì cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chân lấm tay bùn.

    Ngay khi bước chân vào lớp 10 trường THPT Hàm Rồng, Nguyễn Kim Anh đã định hướng cho bản thân phải tập trung học thật tốt khối A để sau này thực hiện ước mơ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Ba năm theo học ở trường trung học, Kim Anh đều đạt học sinh giỏi.

    Bước sang lớp 12, từ chia sẻ, phân tích, động viên của bố mẹ, em tập trung học thêm môn Sinh để thi thêm khối B vào Học viện Quân y. Kim Anh bảo, bản thân cũng không ngờ, chính khối thi dự phòng này lại mang đến cho em kết quả tốt như vậy.

    “Cách đây hai hôm, cô chủ nhiệm gọi điện thông báo, Học viện Quân y có điểm rồi. Cháu nhắn tin qua tổng đài thì họ báo cháu được 28,25 điểm, làm tròn thành 28,5, cộng thêm 0,5 điểm khu vực cháu được tổng 29 điểm. Dù số điểm khá cao nhưng cháu cũng không dám chắc mình có đỗ hay không vì Học viện Quân y thường lấy điểm rất cao. Mãi đến tối 21/7, cô Thủy gọi điện thông báo cháu đỗ thủ khoa, lúc này cả nhà vỡ òa sung sướng”, Kim Anh chia sẻ.


    Sau mỗi giờ đến trường, Kim Anh lại ra đồng phụ mẹ hái rau muống bán. Ảnh: Lam Sơn.

    Kim Anh cho rằng ngoài nỗ lực bản thân thì yếu tố may mắn đóng vai trò khá quan trọng trong việc thi cử. Ngoài kiến thức cơ bản, sự chăm chỉ, miệt mài ôn luyện, đến khi đi thi trúng được đề tương tự dạng từng gặp thì sẽ thuận lợi hơn. Hay khi làm bài cần cẩn trọng từng câu chữ vì có thể có những đề mẹo, nếu mình không tỉnh táo sẽ bị “sập bẫy”.

    Ở khối A, Kim Anh thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, tuy chưa công bố điểm nhưng đối chiếu đáp án thì rất khả quan với kết quả đạt được chừng 28 điểm trở lên.

    Chia sẻ về lý do chọn Học viện Quân y, Kim Anh chùng giọng: “Hoàn cảnh gia đình cháu đặc biệt khó khăn, mọi chi phí ăn học của ba chị em đều trông chờ vào đồng tiền còm cõi của bố quanh năm dãi dầu mưa nắng đi làm đá, làm thợ nề; mẹ chăm bẵm 3 sào lúa và vài sào rau muống. Cháu thi đỗ vào Học viện Quân y sẽ bớt đi phần vất vả cho cha mẹ và về tương lai công việc sau này cũng đỡ lo hơn”.

    Anh Nguyễn Kim Thoa - bố tân thủ khoa Kim Anh tâm sự, rất day dứt vì phận làm cha mẹ mà để các con phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn vật chất. Trước đây còn sức khỏe anh Thoa đi làm đá, mấy năm gần đây khi bước qua tứ tuần anh quay về làm thợ xây cho đỡ nhọc nhằn.

    Bình quân mỗi ngày, anh kiếm được 150.000-200.000 đồng tiền công. Còn chị Hiền quanh năm gắn với đồng ruộng. Hết độ mùa màng chị lại quay sang chăm sóc 2 sào đất trồng rau muống. Chiều chiều chị hái rau mang ra chợ bán.

    Trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh Thoa kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng. Một nửa trong số đó dành chu cấp cho cậu con trai thứ hai Nguyễn Kim Chung vừa hết năm ba Đại học Y Hà Nội. Cả nhà, bốn miệng ăn đều nhìn vào số còn lại.

    Ánh mắt tự hào về cậu con trai vừa đỗ thủ khoa, anh Thoa tâm sự, trưởng thành trong gia đình khó khăn nên từ nhỏ Kim Anh đã biết cách sống tự lập. Nhà ở cách xa trường, mỗi ngày Kim Anh đều đạp xe tự đi. Hết giờ học, cậu tranh thủ ra đồng phụ mẹ hái rau muống, lúc rảnh rỗi, Kim Anh nấu cơm dọn nhà phụ cha mẹ.


    Đỗ thủ khoa nhưng Kim Anh khá khiêm tốn, ngày ngày cậu trò nghèo vẫn miệt mài bên góc học tập. Ảnh: Lam Sơn.
    Cô Lê Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C6 trường THPT Hàm Rồng cho biết, Kim Anh được bạn bè và thầy cô quý mến vì bản tính hiền lành, kiên trì và cẩn thận. Khi thầy cô giao bài tập, em luôn hoàn thành từ bài dễ đến bài khó nhất chứ không chủ quan. Em được đánh giá là một trong những hạt giống của khối 12 nên đặt rất nhiều kỳ vọng.

    "Tôi đặc biệt ấn tượng với cậu học trò này vì tinh thần học tập nghiêm túc. Suốt ba năm, Kim Anh không bỏ một buổi học nào. Trong khi các bạn cách nhà 1-2 km đều đi học bằng xe đạp điện thì trung bình mỗi ngày Kim Anh phải đạp xe hai vòng (khoảng 40 km) đến trường. Thấy cậu học trò nhỏ (khoảng 40kg, cao chưa đầy 1,6 m) nhưng học rất giỏi, nhiều bạn trong trường tò mò tìm tới lớp 12C6 để "xem mặt", cô Thủy cho hay.

    Lê Hoàng
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  4. #24
    Administrator
    Tham gia ngày
    Jun 2011
    Bài gửi
    227
    Thanks
    15
    Thanked 19 Times in 18 Posts
    Vụ nạn nhân sống sót trong vụ sập kho hàng đông lạnh: Kỳ tích bí ẩn

    (Tinmoi.vn) Việc sống sót sau khi nằm kẹt liên tiếp 5 đêm, 4 ngày trong kho cấp đông ở mức nhiệt -18 độ C của anh Anh Mai Thanh Sang – nạn nhân vừa được tìm thấy trong vụ sập kệ hàng đông lạnh của công ty cổ phần Vạn Ý ở Đồng Tháp vào rạng sáng nay (24.7) có thể xem là một kỳ tích về sức mạnh bí ẩn ở con người.

    Như đã đưa
    tin, khoảng 17h ngày 19.7, một nhóm khoảng 12 công nhân đang làm việc trong kho cấp đông thì xảy ra sự cố hàng loạt kệ hàng chứa cá tra đông lạnh bị đổ, tạo ra hiệu ứng dây chuyền làm sập toàn bộ số kệ hàng. Anh Mai Thanh Sang (SN 1991), ngụ xã Bình Thành (huyện Châu Thành) đã bị kẹt lại trong kho hàng lạnh suốt 5 ngày cho tới khi được tìm thấy.

    Qua trao đổi với bác sỹ Vũ Quang Tuấn – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cho biết, việc nạn nhân vẫn còn tỉnh táo sau khi được giải thoát ra khỏi kho hàng đông lạnh có thể xem là một kỳ tích. Vấn đề là cơ thể anh Sang đã bị giảm nhiệt bất thường (từ môi trường ngoài bị giam vào kho lạnh). Ở mức thân nhiệt còn 30 độ C, các chức năng cơ thể bắt đầu suy sụp. Khi diễn ra hiện tượng giảm nhiệt bất thường trong cơ thể, bất kỳ ai cũng có thể chết không lâu sau đó. Cụ thể: Nếu ngâm mình trong dòng nước có nhiệt độ 10 độ C, trong vòng 30 - 60 phút chúng ta sẽ bị ngất và sau 1 - 2 giờ sẽ bị chết vì lạnh. Nếu ngâm mình trong dòng nước 0 độ C, chúng ta sẽ bị ngất sau 15 phút và sẽ chết sau 15 - 60 phút. Vậy nên việc anh Mai Thanh Sang vẫn còn sống đã là một điều kỳ diệu. Và ở góc độ y học, đây có thể xem là một hiện tượng hiếm hoi.

    Anh Mai Thanh Sang

    Về khả năng chịu lạnh của con người trong môi trường độ âm, cho tới thời điểm này, trên thế giới chắc chưa có đối thủ nào vượt qua được ông Wim Hof, 53 tuổi, đến từ Hà Lan đã 8 lần lập kỷ lục thế giới về khả năng chịu lạnh siêu phàm của mình. Người đàn ông “băng” này có thể đi dạo trên Bắc Cực với nhiệt độ lạnh giá là âm 20oC, lặn sâu dưới băng hơn 80m với một bộ đồ bơi bình thường và leo lên đỉnh Everest mà chỉ mặc một chiếc quần soóc. Ông cũng đã ngâm mình trong bể chứa đá cao 1,5m, với khoảng thời gian là 1 giờ 12 phút.

    Tiến sĩ Ken Kamler, tác giả cuốn sách “Vượt qua những thử thách nghiệt ngã” đã từng nhận định: Bình thường, khi cơ thể một người nào đó bị lộ ra ngoài nhiệt độ đóng băng trong một quãng thời gian kéo dài, nó bắt đầu rơi vào trạng thái tồn sinh và dịch thể bắt đầu đông lại. Tổn thương do lạnh giá diễn ra, và để cứu những cơ quan chính yếu, cơ thể hy sinh dòng máu đang chảy đến những đầu cuối và tứ chi, cắt hẳn dòng tuần hoàn máu đến các ngón tay, ngón chân, tai và mũi để duy trì máu chảy vào các cơ quan cần thiết duy trì sự sống. Nếu không điều trị ngay, tổn thương đối với những cơ quan đầu cuối và tứ chi là không thể hồi phục.

    Vì vậy, việc anh Sang vẫn sống sót kỳ diệu sau vụ tai nạn và đã tỉnh táo để trò chuyện với mọi người về vụ việc có thể xem như một câu chuyện thần kỳ./.

    Admin theo Tin Mới

  5. #25
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Chuyện về rắn lạ "giữ nguồn" ở Điện Biên

    Người dân huyện Tuần giáo, Điện Biên lâu nay vẫn đồn thổi về một mó nước ở bản Coong, xã Quài Cang biết tuôn nước lớn nhỏ và được con rắn lạ giữ nguồn.

    Ông Quàng Văn Lả, già làng bản Coong, cho biết:"Chuyện mó nước hiểu tiếng người ở đây là có thật, chẳng có gì phải giấu giếm. Trước kia, khi cây cối trên rừng xung quanh mó nước còn rậm rạp, lượng nước chảy ra còn nhiều và mạnh hơn.
    Khi có tiếng người, mó nước phun như vòi rồng cứu hoả, vì thế mới gọi là Chạng Nậm (nước vòi voi). Cái lạ là nhiều khi dân bản vào dịp lễ hội, trống, chiêng, múa hát ầm ầm là thế, âm thanh ngập cả núi rừng, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mó nước nhưng cứ có người lên mó là nước sẽ chảy khác ngay".


    Theo người dân bản Coong, trước đây, cứ vào những đêm trăng sáng, những người có việc ngang qua mó nước đều thấy một con vật xuất hiện trên tảng đá to cạnh mó nước. Mỗi lần như vậy, mọi người đều sợ hại và bỏ đi, không dám lại gần. Họ cho rằng đó là 'linh hồn con nước' và chính vị thần này đã làm nước chảy một cách kỳ lạ như vậy.


    Mó nước - nơi có giai thoại kỳ bí về con rắn lạ.

    Anh Quàng Văn Tài là con rể của ông Chiến - trưởng bản Coong cho biết: Nhiều năm trước, trong một lần đi làm nương về anh đã từng thấy một con rắn to lắm, thân mình nó xám xịt đang quấn chặt cùng lúc nhiều gốc cây cạnh mó nước.
    Đầu rắn phình to và ngóc lên, phe phẩy như cái quạt nhỏ. Lúc đầu, Tài tưởng đó là một con trăn hoa, định bứt bụi sắn dây gần đó để đến bắt sống. Nhưng lại gần thì Tài mới hoảng hồn bởi anh đó không phải là trăn mà là rắn, loại rắn lạ trông rất huyền bí mà anh chưa thấy bao giờ. Tài chết đứng người trước con rắn đang chằm chằm nhìn mình, cái đầu không ngớt ngoe ngoẩy. Hơn chục phút sau, con rắn mới nhẹ nhàng hạ đầu xuống và trườn vào bụi cỏ bên mép mó nước.
    Lúc đó, Tài cũng hoàn hồn, khi ấy mới biết đầu tóc, quần áo mình ướt sũng mồ hôi vì sợ.

    Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết ông đã mục sở thị 'ngu phạ' - tiếng Thái nghĩa là rắn trời. Ông kể, khi ấy khẩu súng săn của ông đạn đã lên nòng. Thấy con rắn trong tư thế khoanh tròn như cái chiếu con, đầu ngóc lên lắc lư như đang múa bên miệng mó nước, ông vội quỳ xuống và định ngắm bắn. Nhưng trong đầu ông thoáng hiện lên những câu chuyện kể về sự linh thiêng nơi mó nước Chạng Nậm. Ông cũng nghĩ con rắn đã ngự ở đây lâu rồi mà có hại ai bao giờ đâu nên ngón tay ông rời cò súng lúc nào không biết. Chỉ đến khi con rắn thôi lắc lư, bình tĩnh trườn vào bụi cây gần đó thì ông Hoàn mới giật mình nhận ra mình vẫn đang quỳ nhưng báng súng đã chống xuống đất từ lúc nào...
    Câu chuyện thần bí về mó nước Chạng Nậm đã lan truyền đến chóng mặt và thu hút sự hiếu kỳ của biết bao con người tìm về với bản Coong để thoả trí tò mò. Ông Hoàn cũng bày tỏ lo lắng vì sự việc đã đi quá xa:"Rất mong, cơ quan chức năng, chuyên môn xác minh sự việc để dư luận không hướng về mê tín, dị đoan", ông nói.

    THEO ĐẤT VIỆT
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  6. #26
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jun 2012
    Bài gửi
    260
    Thanks
    32
    Thanked 36 Times in 35 Posts
    Bí ẩn về "rắn thần" và chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long

    Thiên Thọ Sơn là quần sơn gồm 42 đồi, núi lớn, nhỏ nằm ở thượng nguồn tả trạch sông Hương (Thừa Thiên - Huế). Trong đó, Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn được chọn làm tiền án của lăng Gia Long, còn gọi là Thiên Thọ lăng.

    Khi nghe hỏi về chiếc chậu cổ gắn với câu chuyện rắn thần, ông Hồ Thúc Muộn, tổ trưởng tổ bảo vệ lăng Gia Long, cho biết:Chiếc chậu cổ này rất thiêng, gắn với truyền thuyết về 'rắn thần', sau đó ông giới thiệu 1 người là nhân chứng sống của tích này…


    Điện Minh Thành - nơi thờ tự vua Gia Long, cũng là nơi đặt chiếc chậu cổ ngày nay.

    Đó là ông Lê Quốc Thành, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Thành là người đầu tiên khiêng chiếc chậu cổ về nhà, rồi sau đó mang trả lại lăng Gia Long...Theo đó, vào năm 1976 khi còn đang đương chức, ông đã xin mang chiếc chiếc chậu cổ này về nhà. Sự việc vẫn chẳng có gì để nói nếu hè năm ấy, ông không thấy một chuyện lạ lùng. Một buổi chiều, ông đang ngủ say thì mơ thấy một con giao long xuất hiện. Ông choàng tỉnh dậy nhìn ra chiếc chậu cổ khiêng từ lăng Gia Long về đựng nước đặt trước hiên nhà thì chợt 'sởn da gà' vì thấy 1 con rắn hổ mang. Con rắn to bằng cổ chân người lớn đang cuộn tròn quanh chiếc chậu, phình mang thè lưỡi, trợn mắt nhìn ông trông rất hung dữ. Quá sợ hãi, ông chạy vào nhà lấy khẩu súng AK (được Nhà nước cấp) ra nhắm hướng con rắn bắn 7 phát nhưng con rắn không chết mà phóng vào bụi rậm biến mất.

    Thấy sự việc diễn ra quá kỳ lạ, nghĩ 'rắn thần' xuất hiện để bảo vệ chậu cổ của đức vua nên mẹ ông Thành đã khuyên con khiêng chiếc chậu ấy đưa về đặt lại vị trí cũ trước sân lăng Gia Long.


    Chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long mang nhiều câu chuyện huyền bí.

    Nhiều vị cao niên làng Định Môn, kể rằng: Sau khi ông Thành đem trả lại chiếc chậu cổ thì có một số người đã đến lăng Gia Long khiêng chiếc chậu này về làm vật dụng, đựng nước, gạo... nhưng sau đó họ đều ngã bệnh nên hoảng sợ trả lại. Như trường hợp cụ Mai Văn Chiêm (nay đã mất), khi đó, cụ cũng mang chiếc chậu cổ về để đựng nước. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì mà 2 đêm liền cụ ngủ đều mơ thấy 1 con giao long nằm cuộn mình trong chiếc chậu. Qua đêm thứ 3, cụ vẫn mơ như vậy rồi đến sáng hôm sau thì ngã bệnh, không thể dậy được nữa. Sự việc càng trở nên phức tạp khi vợ cụ Chiêm bị đau bụng chết 'bất đắc kỳ tử'.


    Ông Vinh (con trai của cụ Chiêm) nói: "Đám tang cho mẹ tui xong, anh em tui bàn bạc, hội ý khiêng cái chậu trả lại chỗ cũ ở lăng Gia Long. Rồi cha tui cũng dần dần bớt bệnh, khỏe lại. Từ đó, người trong làng Định Môn càng tin là chiếc chậu cổ của vua, mình phận bề tôi mà phạm thượng nên mới gặp tai họa". Ông Bùi Ngọc Tùng, Trưởng thôn Định Môn nói, nhờ người dân truyền miệng những câu chuyện huyễn hoặc như vậy mà chiếc chậu cổ quý giá của lăng Gia Long mới giữ được đến ngày nay.

    Và câu chuyện cũng khiến lăng Gia Long trở nên thần bí, hấp dẫn du khách hơn.

    Minhnhat theo CAND Online

  7. #27
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Thực hư ngôi mộ thiên táng có đàn vẹt phủ kín như mây

    Xác người mẹ bị trừng phạt thay con bị nhấn chìm xuống sông. Đêm ấy, trời mưa to gió lớn. Sáng ra, mọi người hết sức kinh ngạc khi thấy nổi lên một gò đất lớn chạy từ giữa sông vào bờ, thành ngôi mộ thiên táng kỳ lạ, phía trên ngôi mộ có một đàn vẹt đông đảo bay kín như một đám mây.

    Họ Trịnh phát tích nhờ đất làng của vợ cụ tổ.

    Theo “Trịnh thị bản tông phả ký”, tổ tiên của Trịnh Kiểm là Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Đặng, người làng Sóc Sơn (tên cũ là Sáo Sơn), huyện Hòa Phúc, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

    Thực hư ngôi mộ thiên táng có đàn vẹt phủ kín như mây - Ảnh 1
    Tương truyền, phía trên ngôi mộ mẹ Trịnh Kiểm có một đàn vẹt đông đảo bay kín như một đám mây.

    Lúc bé, cha mất sớm, Trịnh Đặng lấy nghề cày cấy, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Vốn là người nhân đức nên một hôm, vào lúc trời gần tối, khi một ông già ngoài 70 tuổi gặp trên bờ sông xin được ngủ trọ qua đêm, Trịnh Đặng đã vui vẻ mời khách lạ về nhà và tiếp đãi rất hậu. Đêm khuya, ông già bảo cụ rằng: “Tôi xem ông có lòng thành thực và thấy ở xứ Linh Lạc của núi Đồn bên trái dãy Hùng Lĩnh có một cái huyệt rất quí. Nếu táng ở đó thì bốn đời sau có thể làm nên vương nghiệp nên tôi muốn lấy đó báo đáp lại, ông thấy thế nào”. Ông trả lời: “Tôi nghèo hèn, đâu dám mong điều đó.” Ông lão lại nói: “Trời và người đều thế cả. Chả phải cầu mà được.” Ông mới nghe theo lời ông lão, mà dùng huyệt đó, đem cốt táng ở đó. Táng xong, lại cùng ông lão đến phía đông núi Nguộn ở xã Biện Thượng, tìm đến xứ Ngò Thượng. Ông lão chỉ ở đó nói với ông rằng: “Chỗ này cũng có thể dùng”. Sau đó xem bói chọn làm chỗ đặt nhà cửa để ở. Biện Thượng nằm bên bờ tả dòng sông Mã đoạn hạ lưu chảy qua huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), trở thành nơi khởi sinh của dòng họ Trịnh 12 đời Chúa. Rồi ông lão lại đến xứ Cao Cũ chỉ vào đó nói rằng: “Khí đất ở đó rất quí, sau nên dùng huyệt đó mà cát táng”. Khi về lại Sóc Sơn, ông lão ra đi lúc nào, về nơi nào không ai rõ.
    Trịnh Đặng lấy con gái họ Hoàng làng Biện Thượng rồi dời sang quê vợ ở và sinh ra Diễn Khánh vương Trịnh Lan. Trịnh Lan sinh ra Dục Đức vương Trịnh Lâu. Trịnh Lâu lấy con gái họ Hoàng thôn Hổ, làng Vệ Quốc, huyện An Định, sinh Thế tổ Minh Khang Đại vương Trịnh Kiểm (1503-1570). Khi cầm quyền ông chưa xưng chúa nhưng Trịnh Kiểm là vị Chúa tiên khởi của nhà Trịnh, người tạo dựng vương nghiệp nhà Trịnh truyền mười hai đời, kéo dài 249 năm ròng, quyền lực “nghiêng ngả trời đất”.

    Mộ thiên táng được đàn vẹt che chở?

    Trịnh Kiểm mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, sống ở quê ngoại với mẹ là bà Hoàng Thị Dốc ở quê ngoại. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một cậu bé lanh lợi, biết ứng xử, giỏi đối đáp và đặc biệt là rất can đảm, có hiếu với mẹ. Lớn lên, ông là một tay kỵ mã tài giỏi nên một viên tướng nhà Mạc thu nhận, giao chăm sóc huấn luyện đàn ngựa chiến. Được ít lâu, có người khuyên Trịnh Kiểm không nên cộng tác với tướng nhà Mạc. Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm bỏ Ninh Bang hầu trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn.


    Khu lăng mộ các chúa Trịnh ở Thanh Hóa.

    Tướng nhà Mạc hay được, rất tức giận, bắt mẹ của Trịnh Kiểm nhốt vào một cái cũi tre, lấy đá lớn cột lại, thả xuống vực nước sâu. Khi chiếc cũi chìm xuống đáy, thì đêm ấy lạ thay nước sông như sôi lên, sấm chớp cùng mưa nguồn cuồn cuộn đổ về, nước chảy mạnh như muốn xô trôi cả hai bờ sông cũ. Sáng ra ngừng mưa, người quanh vùng hết sức kinh ngạc khi thấy nơi vực xoáy nhận chìm mẹ Trịnh Kiểm chiều hôm trước bỗng nổi lên một gò đất lớn chạy từ giữa sông vào bờ, thành ngôi mộ thiên táng kỳ lạ ôm giữ thi hài bà mẹ. Lạ hơn, phía trên ngôi mộ có một đàn vẹt đông đảo bay kín như một đám mây. Đàn vẹt ở đó rất lâu rồi bay đi. Vì vậy, Trịnh Kiểm mới đặt tên nơi này là Nghè Vẹt. Nghè Vẹt hiện nay là nơi thờ tự 12 đời chúa Trịnh và mẹ Trịnh Kiểm.

    Về phong thủy, ngôi mộ của mẹ Trịnh Kiểm ở giữa dòng sông. Ba phía có các núi gồm Thổ Tượng, Hắc Khuyển, Ðốn Sơn nối nhau như rồng lượn. Phía bên kia, sông Mã nước trong như ngọc lượn lờ giữa khoảng ruộng đồng xanh ngát. Dòng sông Bưởi từ phía đông nhập vào chẳng khác đuôi rồng đang vẫy. Thế đất này đẹp và rất lạ vì mang hai thế phong thủy là thế “lưỡng long tranh châu” và “thanh long hý thủy”. Biện Thượng nằm trên vùng đất nguyên là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, giáp giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Làng Gia Miêu - quê hương của nhà Nguyễn ở phía Nam của dãy núi. Chốn cũ của họ Trịnh cũng chung mạch, được núi non, sông nước bao quanh, che chở, giữ cho lộc trời bền lâu.

    Cuối năm Kỷ Tỵ 1569, Trịnh Kiểm gần 70 tuổi. Có điềm bất thường lại xảy ra tại huyện Vĩnh Lộc. Vào một đêm trăng giá buốt, một ngôi sao băng dài vài chục trượng đã sa xuống đất, phát tiếng nổ lớn làm mọi người kinh hoàng. Sau đó, Trịnh Kiểm qua đời, mộ phần được đặt cạnh mộ phần mẫu thân.

    THEO BÁO PHÁP LUẬT
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #28
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Lý giải giếng cổ cứ đổi màu là có lũ và bí mật ngôi mộ bà Chùa


    Tp.HCM, ngày 30.3.2015 |04:56|

    (ĐSPL) - Người con gái duy nhất của bà Chùa bị người Tàu bắt đi chôn sống để trấn yểm giữ của, vì thương nhớ con mà bà khóc cạn nước mắt đến chết. Ngôi mộ của bà nằm chơ vơ một mình giữa cánh đồng, và cứ dần dần tự lớn lên.

    Nằm ngay bên ngôi mộ còn có cái giếng hình bán nguyệt được xem như “gương trời” của làng. Tương truyền và cũng kỳ bí là mỗi khi làng có “biến” chỉ cần nhìn nước giếng trong, đục sẽ biết. Điều kỳ lạ là theo lời kể của các cụ cao niên 2 lần nước giếng đổi màu là y rằng làng gặp lũ lụt? Vậy thực hư chuyện này ra sao?

    Nổi da gà lời đồn bóng áo trắng

    Nhiều người đi trên con đường đê sông Đáy qua cánh đồng thôn Tiền (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội) đã vô cùng ngạc nhiên bởi chơ vơ giữa cánh đồng có một cây sữa cổ thụ che bóng mát cho ngôi mộ cổ có từ bao đời nay. Cách ngôi mộ cổ vài bước chân là giếng bán nguyệt được người làng xem như “gương trời”.

    Theo các cụ cao niên trong làng, mỗi khi làng có biến, điềm dữ kéo đến chỉ cần nhìn vào nước giếng sẽ biết được mà tránh. Cho đến nay người làng vẫn thường hương khói khu vực tâm linh này vào những ngày Rằm, mùng Một, lễ tết và truyền miệng nhau nghe câu chuyện bao đời nay về sự kỳ diệu của ngôi mộ cho sữa.

    Để tìm hiểu thực hư câu chuyện trên, người làng giới thiệu chúng tôi gặp cụ Vũ Văn Tụng (81 tuổi), người đã sinh ra và gắn bó với làng từ nhỏ. Nói về ngôi mộ gần giếng nước bán nguyệt, giọng cụ Tụng chậm rãi: “Ngày đó khu vực giếng bán nguyệt gần mộ bà Chùa cây cối um tùm, cách xa làng, ít người qua lại, đứng từ xa chỉ nghe tiếng gió rít đã sởn hết da gà.

    Ngày còn nhỏ đám bạn chăn trâu cùng tuổi tôi không ai dám bén mảng tới gần bởi những âm thanh rùng rợn phát ra từ những lùm cây và những câu chuyện về bóng một trinh nữ thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng. Mỗi lần ra khỏi nhà bố mẹ thường căn dặn, không được chăn trâu gần mộ bà Chùa, chỗ đó linh thiếng lắm, chớ có mạo phạm mà mất mạng như chơi”.


    Giếng bán nguyệt, ngôi mộ bà Chùa và cây sữa.

    Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, dân gian còn đồn thổi thường có một người con gái đi lại quanh khu vực ngôi mộ, áo dài trắng thướt tha như công chúa, đi bên cạnh là con chó trắng. Cô gái được cho là hồn trinh nữ năm xưa bị người Tàu bắt đi chôn sống để trấn yểm giữ của. Bởi thế buổi tối đến không ai dám đi gần khu vực mộ bà Chùa vì sợ trinh nữ bắt(?!).

    Ông Kim Bùi Soạn (61 tuổi), người từng nhiều năm làm cán bộ văn hóa xã và cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử của làng cho biết, mộ bà Chùa cạnh giếng bán nguyệt không biết có từ bao giờ, đời bố, đời ông của tôi sinh ra đã có rồi. Nghe các cụ kể, những người buôn bán trong vùng đi chợ mỗi lần qua mộ bà Chùa đều dừng lại hương khói để mong buôn may bán đắt.

    Và mỗi người tự tay bê một nấm đất dưới ruộng cày đắp lên mộ bà Chùa như một việc cần làm để tạ ơn, rồi dần dần ngôi mộ to bằng cả gian nhà đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” bao nhiêu năm qua. Người làng đi làm đồng sớm thấy kỳ lạ ngôi mộ bà Chùa “tự lớn” đã vô cùng kinh ngạc. Đã lâu lắm rồi, không ai biết người chôn trong ngôi mộ đó là ai. Chỉ biết rằng đó là một người có công với làng.

    Cũng theo ông Soạn, thỉnh thoảng đoạn đê gần mộ bà Chùa lại có một người lao cả người và xe xuống ruộng. Mấy năm trước có một người đi xe máy trên bờ đê vào giữa trưa vắng người qua lại, đường không một bóng người mà lái xe xuống ruộng. Sau khi được dân làng kéo lên, người đó vẫn không biết vì sao lại đâm xuống ruộng cứ như là có bóng người trêu trước xe.

    Chuyện lạ khi gương trời đục ngầu

    Theo các cụ cao niên trong làng, bà Chùa không phải người làng, cũng không ai biết bà đến từ đâu. Bao nhiêu năm nay ngôi mộ được dân làng hương khói. Không rõ ai đặt ngôi mộ bà Chùa, nhưng thế đất được cho rằng sẽ giúp dân làng thịnh vượng. Vị trí đặt huyệt mộ chôn bà Chùa được cho là chưa từng bị chôn lấp, đào xới, đất khu vực đó đặc quánh có màu nâu đậm.

    Theo phong thủy thế đất như thế đặt huyệt rất đẹp, bởi đầu nhìn về phía chợ, nơi buôn bán sầm uất, tấp nập người qua lại sẽ mang lại niềm vui, điềm tốt cho dân làng. Có người kể lại câu chuyện bà Chùa chính là mẹ của trinh nữ bị người Tàu bắt đi và chôn sống để giữ của. Vì thương nhớ đứa con, người mẹ đã khóc đến khi chết. Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử đó đến nay người dân vẫn tôn thờ và xem bà như thánh mẫu.

    Che bóng mát ngôi mộ bà Chùa bao năm qua chính là cây sữa cổ thụ tỏa hương thơm ngát quanh năm. Để tiện việc hương khói, người dân xây một cái am thờ gần ngôi mộ. Điều đặc biệt, những phụ nữ mới sinh mất sữa chỉ cần sắm cái lễ nhỏ đến thắp cầu xin bà Chùa sẽ lại có sữa. “Ngôi mộ linh thiêng lắm, cầu lộc, cầu tài và đặc biệt rất hiệu nghiệm đối với những phụ nữ mất sữa. Như chị gái tôi ngày mới sinh đứa con đầu lòng bị mất sữa. Nghe các cụ mách, lễ chỉ là cân hoa quả, nhưng phải đặt vào đôi quang gánh ra mộ bà. Quả nhiên sau một đêm chị tôi có sữa trở lại. Đến nay nhiều người trong thôn, ngoài xã mất sữa đều tìm đến và rất linh nghiệm”, cụ Tụng nói.

    Nằm cạch ngôi mộ bà Chùa có cái giếng hình bán nguyệt. Bao đời nay người làng xem như “gương trời” của làng. Giếng bán nguyệt không chỉ có dòng nước ngọt lành nức tiếng mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện khó tin về khả năng dự đoán “vận” làng cũng như những quy tắc “để đời” của làng về giữ gìn giếng thiêng. Người ta giữ giếng thiêng như gìn giữ ngôi nhà riêng của mình. Nếu năm nào đó, giếng làng cạn hơn mức bình thường thì ắt sẽ có điềm xấu với dân làng và ngược lại nước đầy ăm ắp là điều tốt lành. Giếng làng còn được coi là con mắt của làng.

    Ông Kim Bùi Soạn cho biết thêm: “Trận lụt lớn vào năm 1969, có người đi làm đồng về báo nước “gương trời” đục ngầu, màu đỏ như phù xa. Nhiều người tò mò chạy ra xem và bảo chắc chắn có điềm xấu về là nước lũ sắp xảy ra. Và y như rằng sau đó xảy ra lũ lụt làm thiệt hại mùa màng. Đến trận lụt năm 1986, nước giếng cũng đục ngầu, người dân trong làng đã kịp thu hoạch mùa màng, gia cố nhà cửa, chuẩn bị tinh thần chống lũ lụt.

    Được xem như con mắt của làng nên các cụ trong làng xây dụng cả những quy ước bảo vệ giếng. Trong đó có những điều cấm kỵ buộc người làng phải tuân theo như cấm thả trâu bò ăn cỏ gần giếng làng, cấm phụ nữ đến tháng không được đi gánh nước, cấm giết mổ gia súc, gia cầm bên cạnh giếng...”.

    TS. Vũ Bằng, Phó viện trưởng viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Trong dân gian người ta vẫn truyền miệng nhau nghe những câu chuyện về giếng nước của làng, đặc biệt những giếng gần sông, đê bỗng nhiên đổi màu khác lạ. Nhiều người cho rằng hiện tượng đó là giếng thiêng, thần bí nhưng thực ra không phải mà là cấu tạo của tầng địa chất ở dưới tác động. Cần phải có kiến thức về địa chất, khoa học thủy văn thì sẽ hiểu tại sao có giếng nước rất đục, có giếng nước rất trong bởi ở dưới có tầng cát, sỏi. Tất cả các hiện tượng đó đều do cấu tạo tầng địa chất ở dưới tạo nên. Còn lý giải vì sao nước giếng gần sông, gần đê lại đục ngầu như nước phù sa trước khi có lũ lụt, vỡ đê. Đây là sự biến đổi về tầng nước ngầm, bởi nguyên tắc bình thông nhau, khi nước sông, nước đê mang theo nước phù sa sẽ dâng lên từ từ và sẽ chảy vào giếng nước nên có hiện tượng nước giếng đổi màu đỏ, đục ngầu. Do đó, nhìn vào nước giếng, người xưa biết được sắp vỡ đê, lũ lụt”.

    Răn dạy con cháu sống trung thực, có ích

    Ông Kim Văn Vân, Trưởng ban văn hóa xã Viên Nội cho biết: “Khu tâm linh bao gồm ngôi mộ bà Chùa, giếng bán nguyệt được người dân thôn Tiền bao năm nay thờ cúng như một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ngoài những câu chuyện người dân thêu dệt đến khó tin, thiếu căn cứ khoa học, nhưng cũng có những câu chuyện để răn dạy con cháu không nên tham lam, ăn trộm, ăn cắp, sống trung thực, có ích cho xã hội, cho đất nước điều đó rất có ý nghĩa. Về phía chính quyền cũng tuyên truyền để người dân thực hiện đúng nếp sống văn hóa mới, tôn trọng văn hóa dân tộc, nhưng không mê tín thái quá, thành mê tín dị đoan thì không nên”

    THIÊN VŨ
    Lần sửa cuối bởi backieuphong; 30-03-2015 lúc 04:57 AM
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  9. #29
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Người uống rượu bia được gọi taxi miễn phí về nhà


    Thứ tư, 15/7/2015 | 09:17 GMT+7

    Ngoài việc nhắc nhở không nên điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, các nhà hàng sẽ giữ xe qua đêm và gọi dịch vụ taxi miễn phí chở khách về nhà. Mô hình này được thí điểm đầu tiên ở Đà Nẵng.

    Ngày 14/7, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết cùng một công ty taxi thí điểm mô hình "Nhà hàng an toàn giao thông – lái xe văn minh, trách nhiệm" giai đoạn 2015- 2018. Đà Nẵng là địa phương được chọn thực hiện giai đoạn 1 (từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016). Giai đoạn tiếp theo sẽ được triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các nhà hàng tham gia vào chương trình này sẽ cam kết việc nhắc nhở, tuyên truyền khách hàng không nên điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia. Khách hàng cũng được cung cấp dịch vụ trông giữ xe qua đêm bảo đảm tài sản cá nhân, và được hỗ trợ gọi dịch vụ taxi miễn phí thông qua ứng dụng GrabTaxi để về nhà.


    Mục tiêu của chương trình nhằm hình thành thói quen "đã uống rượu, bia – không lái xe". Các cơ quan chức năng, điểm kinh doanh đồ uống có cồn, doanh nghiệp vận tải cùng phối hợp phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm giao thông về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông."Chúng tôi khẳng định với sự nỗ lực, cam kết, triển khai quyết liệt, chương trình sẽ đạt được hiệu quả và đi vào thực chất", ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia nói.

    Ngọc Trường
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  10. #30
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    'Xóa' tội hiếp dâm bằng gia súc


    Chủ nhật, 9/8/2015 | 08:28 GMT+7

    Nghe Bá nài nỉ xin "phạt xóa" một con heo cùng hàng chục chai rượu, bà Non đồng ý rút đơn tố cáo nam thanh niên muốn "yêu" bà trong một đêm khuya vắng.
    Con gái của bà Non (xã Long Môn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) tố cáo anh Bá lợi dụng đêm khuya một ngày cuối năm 2014 đã lẻn vào nhà hiếp dâm mẹ mình. Anh này xin bà Non bãi nại và chịu phạt cúng làng một con heo nặng 30 kg cùng rượu gạo để xóa đi lỗi lầm, cam kết không tái phạm, theo tục lệ của địa phương.

    Quá trình điều tra Công an huyện Minh Long xác định bà Non không phản đối, có ý đồng thuận cho anh Bá "yêu" nên không có căn cứ để truy cứu. "Cơ quan chức năng phạt cảnh cáo, kiểm điểm anh ta trước dân về tội quan hệ bất chính", ông Đinh Văn Mân, Phó trưởng Công an xã Long Môn, kể.


    Hôm diễn ra án phạt dân làng thôn Làng Ren tập trung đông đủ. "Tôi đồng ý tha thứ vì anh ta biết lỗi, đã chịu phạt và tạ lỗi trước dân làng", bà Non giải thích.

    Sau khi đi vòng quanh con heo 30 kg và 30 chai rượu gạo đặt giữa nhà sàn làm phép, già làng chậm rãi phân tích chuyện anh này làm bậy, trái với luật tục của làng... Ngại ngùng cầm chai rượu, người đàn ông xin phép dân làng rót chén đầy rồi mời bà con cùng nâng ly uống cạn.

    Anh này cho biết do làm công trình xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên nghĩ cách xin bà Non "ngủ nhờ qua đêm". "Mình làm sai rồi, mong bà con bỏ qua để tôi được sửa chữa lỗi lầm", anh Bá bày tỏ. Tối hôm đó, cả làng vui vẻ ăn uống bên nhau, anh Bá rụt rè cầm dao, xẻ từng miếng thịt heo phát cho đại diện mỗi gia đình trong làng mong tha thứ cho "điều xấu xa".

    Hay mới đây, dân làng thôn Mang Cà Rá (xã Bà Xã, huyện vùng cao Ba Tơ) cũng tổ chức hòa giải, phạt anh Đinh Văn Lý một con heo lớn và ché rượu cần vì không lo làm ăn mà mê đánh bạc, quan hệ bất chính với người phụ nữ khác trong làng.

    Sau khi nghe bà con phân tích chuyện Lý đã có vợ con mà quan hệ với người phụ nữ khác là trái với luật tục của làng, Lý cúi đầu tỏ ra hối hận. "Mong dân làng bỏ qua để tôi được về sống với vợ con, làm ăn sinh sống chứ không đi quan hệ với người đàn bà khác nữa", anh Lý hứa.

    Tương tự, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Công an xã Long Mai - cho biết, hủ tục "phạt xóa" dù đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng đến nay vẫn còn diễn ra ở các buôn làng nơi đây. Dân làng mâu thuẫn với nhau thường tự giải quyết, thỏa thuận. Ai gây ra lỗi phải chịu phạt bằng heo, gà kèm theo rượu đãi mọi người trong buổi hòa giải.

    "Đối những vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi chuyển lên Công an huyện điều tra, đưa ra tòa xử lý", ông Kiên cho biết thêm.

    Theo trưởng công an xã, bên cạnh chuyện ngoại tình, vợ chồng ly hôn muốn hàn gắn tình cảm cũng bị dân làng phạt bằng heo, gà. Sau mỗi lần "xoá tội", nhiều gia đình quên đi chuyện cũ, tha thứ cho nhau trở về chung sống. Tuy nhiên, có một số người vì áp lực phải nộp phạt mà rơi vào bi kịch, tủi hổ với dân làng tìm đến cái chết hoặc rời quê đi biệt xứ.

    Mới đây, do bị chồng bắt quả tang ngoại tình với hai người đàn ông khác, chị Lành (ngụ xã Long Mai) xấu hổ uống thuốc sâu tự tử. Sau khi chị này được cứu sống, anh chồng buộc vợ khai tên những người từng quan hệ rồi buộc họ bồi thường bằng con heo cùng tiền thuốc men.


    Thượng tá Võ Văn Mai - Phó trưởng Công an huyện Minh Long - cho hay tội Hiếp dâm rất nghiêm trọng, phải được xử lý nghiêm để răn đe. Không thể đánh đồng trường hợp bà Non với những vụ việc khác, song điều này không phải dân làng dễ nhận ra để tố cáo với cơ quan điều tra.

    Không riêng gì hiếp dâm, ngoại tình, những người có lỗi với làng thường tự "phạt xóa" chứ ít khi trình báo công an xử lý. "Điều này tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Bởi khi họ không đạt thỏa thuận thì dễ dẫn đến đánh nhau, trả thù có nguy cơ gây án mạng", ông Mai nói.

    Ông Mai cho rằng, để đẩy lùi hủ tục này, trước hết cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; lồng ghép tuyên truyền pháp luật, nhất là luật hôn nhân gia đình cho đồng bào nơi đây.

    Trí Tín
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •