Lại nói chuyện: Liên Hương sau khi tìm được chiếc giày, đưa cầm ra trước đèn xoay trở ngắm nhìn. Cô gái họ Lý ở đâu vụt bước vào, thoạt trông thấy Liên Hương, quay ngoắt lại định chạy. Liên vội lấy thân chắn ngang cửa. Lý quẫn bách không còn biết chạy đi đâu. Chàng trách móc kể tội. Lý không sao đáp lại được. Liên cười mà rằng:š
- Hôm nay mới được cùng dì đối mặt. Trước bảo rằng bệnh của chàng vị tất đã do dì gây ra, nay rốt cuộc thế nào?
Lý cúi đầu tạ lỗi. Liên Hương nói:š
- Mỹ miều như thế mà nỡ đem tình yêu để kết oán thù ư?
Lý vật mình xuống đất khóc ròng, xin rủ lòng thương xót mà cứu giúp. Liên đỡ dậy, hỏi kỹ về thuở sinh thời. Lý đáp:
- Thiếp là con gái ông Thông phán họ Lý, chết yểu, chôn ở phía ngoài bức tường này. Như con tằm xuân, chết rồi mà mối tơ thừa vẫn còn vấn vương chưa dứt. Cùng chàng gắn bó là nguyện của thiếp, đẩy chàng đến chỗ chết thật không phải là tâm nguyện của tôi.
Liên hỏi:
- Nghe nói loài ma, hễ người khác chết thì lợi cho mình, vì chết rồi sẽ đoàn tụ mãi bên nhau, có thực thế không?
Ðáp:
- Không đúng đâu, hai con ma gần gũi nhau, tịnh không có chút lạc thú. Như quả thích thú thì những chàng trai trẻ dưới suối vàng có thiếu gì đâu!
Liên bảo:
- Thực đến là ngốc! Ðêm nào đêm ấy làm miết, đến ma cũng không kham nổi, huống hồ là người!
Lý chợt hỏi:
- Hồ cũng có thể làm chết được người, chị có phép thuật gì mà lại không như thế?
Liên đáp:
- Ðó là hạng chuyên rút tinh bổ khí. Tôi không phải là hạng ấy. Mới hay, trên đời vẫn có giống hồ không hại người, chứ quyết không có giống ma nào không hại người cả, là vì âm khí thịnh quá.


Mới hay, trên đời vẫn có giống hồ không hại người, chứ quyết không có giống ma nào không hại người cả !
Chàng nghe hai bên trao đổi, mới biết hồ và ma đều là chuyện thực. Cũng may tiếp xúc lâu ngày đã quen, nên không còn thấy sợ. Song nghĩ mình chỉ còn chút hơi tàn như sợi tơ, bất giác rống lên khóc. Liên quay lại hỏi Lý:
- Giờ xử trí thế nào với chàng đây?
Lý đỏ mặt, nhún nhường từ tạ, Liên nói:š
- Chỉ sợ chàng khoẻ mạnh rồi, nương tử lại thói chanh chua vẫn đâu vào đấy.
Lý khép vạt áo vái mà rằng:
- Nếu chị có tài chữa bệnh khiến em khỏi phải phụ lòng chàng, thì cũng đáng vùi đầu mãi dưới đất đen, còn dám đâu ngẩng mặt lên với đời nữa.
Liên bèn cởi đẫy, lấy thuốc ra, nói:
- Tôi sớm biết có ngày hôm nay nên sau khi cùng chàng bái biệt đã trèo lên ba ngọn núi hái thuốc; trải ba tháng trời, mới đủ mọi vị. Dẫu bệnh đến sài mòn lịm chết, cho uống vào cũng ít ai không tỉnh lại. Chỉ có điều, chứng bệnh do đâu thì phải lấy đấy làm vị dẫn thuốc. Cho nên không thể không cậy dì giúp sức.
Hỏi cần gì, đáp:
- Một chút nước dãi thơm. Tôi đặt viên thuốc vào, nhờ dì áp miệng vào nhổ cho trôi xuống.
Lý đỏ bừng cả mặt, cúi gầm đầu xuống đưa mắt ngó chiếc giày. Liên đùa nói tiếp:
- Sở thích của em chỉ là chiếc giày đó thôi à?
Lý càng hổ thẹn, không còn biết giấu mặt đi đâu. Liên nói:
- Ngón ngạo lúc bình thường, nay còn tiếc gì nữa chứ?
Rồi lấy một viên thuốc để vào môi chàng, quay sang thúc ép Lý. Lý không đừng được, phải áp vào miệng mà mớm. Liên thúc:
- Mớm nữa đi.
Lại mớm nữa. Mớm đến ba bốn lần, thuốc mới trôi xuống họng. Chỉ một lát, bụng nghe ùng ục như tiếng sấm. Liên lại đặt một viên thuốc khác, rồi tự mình áp môi hà hơi vào. Chàng cảm thấy vùng đan điền như có lửa đốt, tinh thần sảng khoái bừng dậy.
Liên bảo:
- Khỏi rồi.
Lý nghe gà đã gáy, bàng hoàng giã biệt ra đi. Liên nghĩ chàng mới khỏi, cần phải điều dưỡng, ra quán cơm ăn cơm cũng chưa nên, bèn khoá trái cửa ở bên ngoài, vờ làm như chàng đã về quê, để dứt hẳn bạn bè lai vãng, ngày đêm giữ gìn, săn sóc chàng. Lý tối nào cũng đến, hầu hạ rất ân cần, coi Liên như chị, Liên cũng thương yêu hết lòng.
Ở được ba tháng, chàng mạnh khoẻ như xưa. Lý bèn bẵng đi dần, cách hai ngày đêm mới một lần trở lại. Tình cờ có tới cũng ngó qua một chút rồi đi ngay. Lúc gặp mặt nhau chỉ rầu rầu không vui. Liên thường giữ nàng ở lại ngủ chung, cũng không nghe. Chàng phải chạy theo ra, kéo lại, bế thốc vào, người cứ nhẹ như hình nhân bằng cỏ. Nàng không còn trốn được, bàn để nguyên áo xống mà nằm, cuộn tròn mình lại, không đầy hai thước. Liên càng thương, ngầm bảo chàng ôm ấp, như lay mấy cũng không tỉnh. Chàng ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy tìm, thì đã biến mất. Luôn mười ngày sau cũng không thấy trở lại. Chàng tưởng nhớ da diết, thường mang chiếc giày ra cùng đùa nghịch. Liên Hương nói:
- Yểu điệu như thế, thiếp thấy cũng còn thương, huống gì là nam giới.
Chàng nói:
- Ngày trước cứ mỗi lần nghịch đến giầy thì lại xuất hiện, trong lòng đã lấy làm ngờ, nhưng chung quy vẫn chẳng nghĩ được là ma. Nay nhìn giầy lại tưởng đến dung nhan, thật đáng mủi lòng.
Nói rồi chảy nước mắt. Nguyên trước đấy có nhà phú ông họ Trương, có người con gái tiểu tự là Yến Nhi, tuổi vừa mười lăm, bị bệnh không thoát được mồ hôi mà chết. Qua một đêm bổng tỉnh lại, ngồi dậy ngó quanh rồi định chạy. Trương khoá cửa lại, không ra được, cô gái bèn tự nói rằng:
- Tôi là hồn cô gái ông Thông phán, cảm mối tình quyến luyến của chàng Tang, có chiếc giày còn để lại ở nhà chàng. Tôi thực là ma, giữ lại có ích gì?
Nghe lời nói có vẻ ngọn ngành, bèn hỏi duyên cớ vì sao lại đến đây. Cô gái bồi hồi nhìn lui nhìn tới, mơ màng không hiểu ra sao cả. Có người nói thư sinh họ Tang vì ốm đau đã về quê rồi thì cô một hai bảo là nói dối.
Người nhà đâm hoang mang. Anh học trò phía Ðông nghe chuyện, trèo tường vào nhòm thử xem, thấy chàng cùng một người đẹp đang đối mặt chuyện trò. Bất ngờ chạy sấn vào tận nơi; nhưng giữa lúc đang nhớn nhác, người đẹp đã biến mất. Anh học trò láng giềng thất kinh, gặng hỏi. Chàng cười đáp:
- Ðộ trước chẳng đã nói với bác “con mái thì rước vào” đấy thôi.
Anh học trò láng giềng thuật lại lời Yến Nhi. Chàng liền mở cổng, định đi sang để dò xét thực hư, khổ nỗi không tìm ra cớ gì để đến nhà họ cả. Bà Trương nghe chàng quả chưa về quê, lại càng lấy lạ, bèn sai một mụ ở tới hỏi chiếc giày. Chàng lấy trao ngay. Yến Nhi nhận được, mừng rỡ, thử xỏ chân vào thử thì giày nhỏ hơn chân đến một tấc. Sợ quá, cầm gương tự soi, bất chợt hiểu ra mình đã mượn thây người khác để sống lại. Bèn thuật lại đầu đuôi, mẹ mới tin là thực.
Cô gái soi mặt vào gương, khóc oà lên rằng:
- Mặt mũi hồi trước còn hơi tự tin một chút, thế mà mỗi lần gặp chị Liên vẫn xấu hổ vì thua kém, nay lại như thế này, thì làm người chẳng bằng làm ma cho xong.
Bèn cầm chiếc giày gào khóc, khuyên mấy cũng không được. Rồi trùm chăn nằm không nhúc nhích, bảo ăn cũng chẳng ăn, mình mẩy sưng phù lên. Suốt bảy ngày không ăn, rốt cuộc vẫn không chết, mà bệnh phù rạp xuống dần. Cảm thấy đói không nhịn được nữa, bèn ăn trở lại. Vài ngày sau, khắp mình ngứa ngáy, da giẻ bong ra hết. Một buổi sáng ngủ dậy, đôi giày ngủ tuột ra từ lúc nào, vội nhặt lấy mang vào thì rộng tuênh, không vừa chân nữa. Nhân đấy bèn thử lại chiếc giày cũ, thì cỡ chân gầy béo nay thật vừa vặn. Ðã thấy mừng, lại lấy gương soi lại, thì lông my, con mắt, gò má, khoé miệng, giống hệt như thuở bình sinh. Càng bội phần mừng rỡ. Rửa mặt chải đầu rồi lên thăm mẹ. Ai nấy cũng nhìn chăm chăm.
Liên Hương nghe câu chuyện lạ, khuyên chàng nên nhờ người mối đánh tiếng, nhưng chàng nghĩ giàu nghèo cách trở, không dám đường đột đến ngay. Gặp ngày sinh nhật bà Trương, bèn theo đám con rể nhà ấy đến mừng thọ. Bà Trương nhìn thấy tên chàng, bèn bảo Yến Nhi đứng trong rèm nhòm ra để nhận mặt khách. Chàng đến sau cùng. Cô gái chạy thốc ra, túm lấy vạt áo, định theo chàng cùng về. Mẹ phải nạt cho, mới xấu hổ quay lại. Chàng nhìn kỹ, rõ ràng là đúng, bất giác trào nước mắt, bèn phục xuống lại không chịu đứng dậy nữa. Bà mẹ đến đỡ, cũng không cho là sàm sỡ.

(Còn nữa)