Trang 5/8 ĐầuĐầu ... 34567 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 72

Chủ đề: Tạp Lục Truyện (Quỷ thần - Ma mãnh truyện) !

  1. #41
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    NGÂM THƠ NÊN VỢ THÀNH CHỒNG
    BẠCH THU LUYỆN



    Sau tiết Đoan Dương (mồng 5 tháng 5 âm lịch), trời đổ mưa liên miên, nước dâng cao, thuyền bè di chuyển dễ dàng, Mộ ông bèn dẫn con đi buôn hàng, chất xuống thuyền, lái về Trực lệ. Về nhà, Thiềm Cung tương tư Thu Luyện mà thành bệnh. Mộ ông lo lắm, hết mời thầy thuốc tới coi mạch bốc thuốc, lại mời đồng cốt tới lập đàn cầu đảo, nhưng bệnh tình của Thiềm Cung chẳng thuyên giảm. Thiềm Cung bèn thổ lộ tâm sự với mẹ, rồi nói:"Chẳng có thuốc nào chữa được bệnh của con đâu! Chỉ có cách cho con được gặp Thu Luyện mà thôi!" Nghe vợ thuật lại, Mộ ông nổi giận, mắng chửi con om sòm. Thế nhưng, tuần sau, thấy bệnh của con càng ngày càng nặng, Mộ ông mới sợ, đành đem con xuống thuyền, đặt nằm trong khoang, chở xuốngVũ Xương. Tới nơi, Mộ ông đậu thuyền ở bến cû, lên bờ hỏi thăm cư dân xem nhà Bạch bà ở đâu, nhưng chẳng ai biết Bạch bà là ai. Mộ ông đành trở về thuyền. Vừa về tới bến, bỗng thấy một bà lão vái chào mình, Mộ ông chắp tay đáp lễ *. Bà lão nói:"Lão thân họ Bạch, làm ngh« lái thuyền, có đứa con gái tên Thu Luyện, đã cùng lệnh lang quyến luyến trong suốt năm qua! Nay xin mời quan nhân xuống thuyền lão thân nói chuyện!" Mộ ông theo Bạch bà xuống thuyền thì mới biết thuyền Bạch bà là chiếc thuyền đậu sát thuyền mình. Bạch bà lên tiếng gọi con ra chào khách. Ra chào Mộ ông xong, Thu Luyện khoanh tay, cúi đầu, đựng ở góc khoang. Thấy Thu Luyện vừa đẹp vừa hiền, Mộ ông cũng mừng thầm, nhưng khi nghĩ đến gia thế, thấy Thu Luyện là con bà lái thuyền thì Mộ ông lại chẳng ưa, nên nói:"Con tôi bị bệnh tương tư lệnh ái! Tôi đã mời thầy thuốc tới coi mạch bốc thuốc, lại mời đồng cốt tới lập đàn cầu đảo, nhưng bệnh tình của y chẳng thuyên giảm. Nay xin lão bà cho lệnh ái sang thuyền tôi gặp y để coi xem bệnh tình của y có giảm được hay không?" Bạch bà đáp:"Nếu quan nhân chưa thuận cho lệnh lang kết hôn với con gái lão thân thì lão thân chưa dám cho con gái sang thuyền quan nhân!"


    Nghe thấy mẹ từ chối lời thỉnh cầu của Mộ ông, Thu Luyện buồn lắm. Mộ ông lại năn nỉ Bạch bà cho Thu Luyện sang thuyền mình. Thấy con mình buồn rầu mà lại thấy Mộ ông năn nỉ, Bạch bà mới nói với Mộ ông:"Thôi được! Để tối nay, lão thân sẽ cho con gái sang thăm lệnh lang!" Mừng quá, Mộ ông bèn xin cáo biệt.

    Tối ấy, Mộ ông lên bờ đi dạo để Thu Luyện được sang thuyền mình, tự do trò chuyện với Thiềm Cung. Lát sau, Thu Luyện sang thuyền gặp Thiềm Cung. Thấy Thiềm Cung nằm thiêm thiếp trong khoang, mắt lờ đờ nhìn mình, Thu Luyện bật khóc, rồi mếu máo nói:"Năm ngoái, thiếp tương tư chàng mà thành bệnh, rồi được chàng ngâm thơ cho nghe mà khỏi! Năm nay, đến lượt chàng tương tư thiếp mà thành bệnh! Vậy để thiếp ngâm thơ chữa bệnh cho chàng! Thực ra, thiếp có nhiều chuyện muốn nói, nhưng vì chàng đang bị bệnh, nên phải chữa bệnh cho chàng trước đã, rồi mới nói chuyện sau!" Nghe Thu Luyện nói, Thiềm Cung mừng lắm, song vì đang yếu nên chỉ khẽ gật đầu. Thu Luyện bèn ngâm bài thơ La Y Diệp Diệp của Vương Kiến ba lần. Nghe xong, Thiềm Cung th«u thào nói:"Bài thơ này chỉ chữa được tâm bệnh của con gái chứ đâu có chữa được tâm bệnh của con trai? Tuy nhiên, chỉ cần nghe thấy giọng ngâm của nàng là ta đã thấy sảng khoái rồi! Bây giờ xin nàng ngâm cho nghe bài Dương Li*ễu Thiên Điều Tận Hướng Tây!" Thu Luyện bèn lấy giọng mà ngâm. Nghe xong, Thiềm Cung vui quá, cứ ca tụng mãi về giọng ngâm, rồi nhờ Thu Luyện ngâm cho nghe một bài khác. Nghe Thu Luyện ngâm xong, Thiềm Cung vụt ngồi nhỏm dậy, nói:"Ta khỏi bệnh rồi! Nàng nói nàng có nhiều chuyện muốn nói với ta sau khi ta khỏi bệnh! Vậy bây giờ nàng nói đi!" Thu Luyện gật đầu, rồi hỏi:"Chàng có biết cha chàng với mẹ thiếp đã nói với nhau những gì không?" Thiềm Cung lắc đầu, đáp:"Làm sao mà ta biết được? Thế nhưng, hôn sự của chúng mình có thành hay không?" Thu Luyện lắc đầu đáp: "Không thành!" Thiềm Cung hỏi: "Sao nàng biết?" Thu Luyện đáp:"Vì tuy cha chàng chẳng nói ra, nhưng thiếp nghĩ cha chàng chẳng ưa gia thế nhà thiếp, khi biết thiếp là con gái một bà lão lái thuyền!" Thấy Thiềm Cung im lặng, Thu Luyện bèn cáo biệt. Đi dạo về,vào khoang thăm con, thấy con đã ngồi dậy được, Mộ ông mừng lắm, bèn ngồi hỏi chuyện Thu Luyện sang thăm. Thiềm Cung thuật lại mọi chuyện cho cha nghe, rồi xin cha chấp thuận cho mình được cưới Thu Luyện. Nghe xong, Mộ ông khuyên:"Thu Luyện cûng đẹp đấy! Thế nhưng, vì là con gái một bà lão lái thuyền mà lại giỏi nghề ngâm thơ, nên ta nghĩ nếu Thu Luyện chưa bị tàn tạ thì cûng chẳng còn trinh tiết!" Rồi chẳng chờ cho con nói, Mộ ông đứng dậy mà ra khỏi khoang.


    Hôm sau, khi thấy Mộ ông lên bờ đi dạo, Thu Luyện lại sang thuyền thăm Thiềm Cung. Thiềm Cung bèn thuật lại những lời của cha cho Thu Luyện nghe. Thu Luyện nói:"Ở đời, chuyện gì mình càng cầu mong thì càng bị cản trở, mình càng cần gấp thì càng bị diên trì. Nếu chàng chẳng cầu mong được cưới thiếp ngay, thì cha chàng còn có cái gì để mà cản trở với diên trì? Vì thiếp đã trộm xét được ý cha chàng nên thiếp có cách khiến cha chàng sẽ chấp thuận hôn sự của chúng mình. Lúc đó, nếu chàng cầu xin thì chắc là sẽ được toại nguyện!" Thiềm Cung hỏi:"Nàng có cách gì có thể khiến được cha ta chấp thuận?" Thu Luyện đáp:"Phàm là nhà buôn, ai cûng thích buôn những mặt hàng sinh lời. Cha chàng là nhà buôn nên cûng thích như thế! Thiếp có thuật biết trước vật giá! Vừa rồi, thiếp coi các mặt hàng mà cha chàng buôn thì thấy chẳng có mặt hàng nào sinh lời cả. Nay thiếp sẽ đưa cho chàng một danh sách đầy đủ những mặt hàng ít vốn nhiều lời, từ những mặt hàng một vốn hai lời đến những mặt hàng một vốn chín lời để chàng trình với cha. Khi cha chàng chở hàng lên Trực Lệ bán mà thấy tiền lời đúng như thế thì sẽ chấp thuận cho thiếp được làm vợ chàng!" Thiềm Cung hỏi:"Nhưng biết đến bao giờ cha ta mới chấp thuận?" Thu Luyện cười, đáp:"Chàng đừng nôn nóng! Sang năm, khi chàng trở xuống thành Vũ Xương này thì chàng mới có 18! Lúc đó, thiếp mới có 17! Chúng mình còn trẻ chán, còn sống hạnh phúc bên nhau dài dài!" Nói xong, Thu Luyện xin cáo biệt. Lát sau, khi thấy cha trở về thuyền,Thiềm Cung bèn thưa với cha rằng Thu Luyện có thuật biết trước vật giá rồi đưa trình cha danh sách những mặt hàng vốn ít, lời nhiều. Đọc danh sách, tuy chẳng tin lắm, nhưng Mộ ông vẫn lấy nửa số vốn còn lại trong túi, đem đi buôn những mặt hàng ghi trong danh sách. Khi chở hàng lên Trực Lệ bán, những mặt hàng mà Mộ ông tự ý buôn đều bị lỗ vốn. Trái lại, những mặt hàng mà Mộ ông buôn theo danh sách của Thu Luyện đều được lời nhiều. Vì thế, bù qua sớt lại, Mỗ ông huề vốn. Lúc đó, Mộ ông mới phục tài Thu Luyện. Thấy thế, Thiềm Cung nói với cha:"Nếu cha chấp thuận cho con cưới Thu Luyện thì Thu Luyện có thể làm giàu cho cả gia đình ta!" Mộ ông chỉ im lặng.

    Năm sau, Mộ ông đem hết vốn liếng xuốngVũ Xương buôn hàng, bảo Thiềm Cung đi theo. Tới nơi, Mộ ông neo thuyền· bến cû, rồi lên bờ, vào chợ mua sính l*ễ để hỏi vợ cho con. Thiềm Cung chỉ mong được gặp Bạch bà và Thu Luyện. Trong chín ngày đầu, chẳng thấy thuyền Bạch bà đâu, Thiềm Cung buồn lắm. Sáng ngày thự mười, khi ngủ dậy, chợt thấy thuyền Bạch bà neo dưới gốc cây liễu, sát cạnh thuyền cha, Thiềm Cung mừng lắm, vội trình cha. Mộ ông bèn bảo con tắm gội, ăn mặc sạch sẽ, để đi hỏi vợ. Mừng quá, Thiềm Cung vội tuân lời cha. Lát sau, Mộ ông bảo con đem sính l*ễ theo mình sang thuyền Bạch bà. Mộ ông nói chuyện với Bạch bà, xin được cưới Thu Luyện cho Thiềm Cung. Bạch bà nhận lời cầu hôn, nhưng khi Mộ ông xin nạp sính lễ thì Bạch bà chẳng chịu nhận, chỉ lấy lịch ra coi ngày tốt để định ngày làm lễ vu quy cho con.

    Vào ngày vu quy, Mộ ông thuê thuyền khác để ngủ một đêm, nhường thuyền của mình cho con làm lễ hợp cẩn với Thu Luyện.

    Sáng sau, Bạch bà sang bảo Thu Luyện dẫn chồng về thuyền mình ở, trả thuyền cho Mộ ông. Thu Luyện bèn lập một danh sách các mặt hàng vốn ít, lời nhiều, rồi xin Mộ ông xuống Hồ Nam buôn hàng theo danh sách ấy. Nghe lời con dâu, Mộ ông lái thuyền xuống Hồ Nam một mình để buôn hàng.

    Khi Mộ ông chở hàng lên tới Vũ Xương thì giá hàng tăng vọt, một vốn bốn lời. Mộ ông bèn bảo con trai và con dâu sang thuyền mình để cùng về Trực Lệ.


    Thu Luyện nói với chồng:"Lên Trực Lệ cư ngụ thì cũng được, duy có điều là nếu thiếp không có nước hồ ở Vũ Xương mà rưới vào thực phẩm thì thiếp sẽ bị hen suy*ễn, chẳng sao sống được. Vậy chàng hãy lấy cho thiếp một bình nước hồ để đem về Trực Lệ!" Thiềm Cung vội làm theo lời vợ.

    Còn nữa...
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  2. #42
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    NGÂM THƠ NÊN VỢ THÀNH CHỒNG
    BẠCH THU LUYỆN



    Về nhà, cự đến bữa ăn là Thu Luyện lại lấy bình nước hồ rưới mấy giọt vào cơm, tựa như người ta rưới nước tương vậy. Mộ ông bán hết hàng, lời rất nhiều, trở thành cự phú. Từ đó, mỗi chuyến xuống miền nam buôn hàng, bao giờ Mộ ông cũng bảo con dâu chỉ cho mình biết những nơi buôn hàng cùng những mặt hàng nên buôn và khi trở về Trực Lệ, bao giờ Mộ ông cûng đem theo một bình nước hồ Vũ Xương cho con dâu. Tuy nhiên, vì nước hồ trữ lâu quá hai tháng sẽ hết hiệu nghiệm, nên tháng nào Mộ ông cũng xuống miền nam buôn hàng để lấy về cho con dâu một bình nước hồ mới.

    Bốn năm sau, Thu Luyện sanh được một trai.

    Một hôm, nhớ mẹ, Thu Luyện khóc lóc, đòi chồng cho mình bế con về Vû Xương thăm mẹ. Thiềm Cung nói lại với cha. Chiều con, Mộ ông bèn lái thuyền chở cả gia đình con xuống Vũ Xương. Tới bến Vũ Xương, Thu Luyện chẳng thấy thuyền mẹ thì kinh hãi, hớt hơ hớt hải kéo tay chồng chạy lên bờ, bảo chồng đi về hướng đông, còn mình thì đi về hướng tây hỏi thăm tin tức Bạch bà. Thu Luyện đi hỏi thăm khắp nơi nhưng chẳng thu lượm được tin tức chi cả, đành trở về thuyền. Thiềm Cung cũng không thu lượm được tin tức gì, nhưng có gặp một ngư phủ câu được một con cá lớn, bằng đứa trẻ lên mười. Đến gần hỏi thăm, Thiềm Cung được biết con cá ấy có tên là cá ký, trông rất giống người, có đủ cơ phận như người vậy.


    Đứa con trai của vợ chồng Thu Luyện

    Về thuyền,Thiềm Cung thuật chuyện cho vợ nghe. Đột nhiên Thu Luyện kinh hãi, nói với chồng:"Trước kia, thiếp có lời thề là nếu biết ai bắt dược cá ký thì thiếp sẽ mua lại cho bằng được để phóng sinh. Nay chàng phải đi mua ngay con cá ấy đem về thả xuống hồ cho thiếp!" Thiềm Cung vội đi tìm ngư phủ.

    Gặp được ngư phủ, Thiềm Cung hỏi giá bán con cá ký. Ngư phủ nói giá 10 đồng vàng. Thấy con cá đắt nhất cûng chỉ đáng giá 3 đồng là cùng, Thiềm Cung mà cả, trả 5 đồng. Ngư phủ không chịu. Thiềm Cung không mua, về nói với vợ. Thu Luyện tái mặt, thở hổn hển, nói:"Thiếp về nhà chàng, mưu toan buôn bán cho gia đình, tiền lời thâu vào chẳng dưới một vạn lạng vàng. Nay con cá ấy chỉ hơi đắt một chút mà chàng còn cò kè bớt một thêm hai, chẳng chịu mua cho thiếp! Nếu chàng chẳng nghe lời thiếp thì thiếp sẽ đâm đầu xuống hồ này mà chết!" Kinh hãi quá, Thiềm Cung vội vào khoang, lấy cắp 10 đồng vàng của cha, đem đi mua con cá ký, rồi đem thả xuống hồ. Về thuyền, chẳng thấy vợ đâu, Thiềm Cung kinh hãi, vội chạy đi tìm, nhưng không tìm thấy. Suốt đêm hôm ấy, Thiềm Cung lo lắng, chẳng sao ngủ được.

    Gần sáng, trong lúc đang lo âu, chợt thấy vợ về thuyền, Thiềm Cung mừng quá, vội hỏi:"Nàng đi đâu về thế?" Thu Luyện đáp:"Thiếp vừa đi gặp mẹ!" Hỏi: "Nàng gặp mẹ ở đâu?" Đáp:"Ở dưới hồ Động Đình! Bây giờ thì thiếp phải thú thực với chàng rằng mẹ thiếp chính là con cá ký mà chàng vừa thả xuống hồ! Mẹ thiếp được Long quân cho giữ chức hành lữ ti, trông coi việc thuyền bè đi lại trên mặt hồ!" Hỏi:"Đã là hành lữ ti, sao mẹ còn để cho ngư phủ bắt?" Thu Luyện đáp:"Vì gần đây, Long quân muốn tuyển phi tần. Có kẻ xấu miệng tâu với Long quân rằng thiếp đẹp lắm. Long quân bèn cho đòi mẹ thiếp xuống long cung, truyền cho mẹ thiếp phải đưa thiếp xuống long cung làm phi tần. Mẹ thiếp tâu rằng thiếp đã có chồng. Long quân truyền cho m ẹ thiếp phải bảo thiếp bỏ chồng. M ẹ thiếp nói với thiếp, nhưng thiếp không nghe. Vì thế, Long quân mới đày mẹ thiếp xuống bãi hồ Vũ Xương, ngưng cung cấp thực phẩm, khiến mẹ thiếp phải tự đi tìm miếng ăn, rồi mắc phải mồi câu!" Thiềm Cung hỏi:"Nay mẹ đã thoát nạn thì có được Long quân tái cung cấp thực phẩm không?" Thu Luyện buồn rầu, lắc đầu mà đáp:"Chẳng những không được mà còn sợ bị Long quân buộc tội thêm!" Hỏi:"Có cách chi khiến mẹ được mi*ễn tội không?" Đáp:"Có!" Hỏi:"Cách chi?" Đáp:"Thiếp có giữ của mẹ thiếp một vuông lụa đặc biệt. Nếu bây giờ được Chân quân viết cho một chữ MIN trên vuông lụa ấy thì tự nhiên mẹ thiếp được miễn mọi tội dưới long cung!" Hỏi:"Chân quân là ai mà lại có uy quyền đối với Long quân như thế?" Đáp:"Là một tiên ông, thường xuống trần gian, biến thành một đạo sĩ thọt chân chống gậy, có thể đi lại trên mặt hồ y như đi lại trên mặt đất!" Hỏi:"Sao nàng không xin Chân quân viết cho?" Đáp:"Một là vì Chân quân chẳng tiếp đàn bà, hai là vì Chân quân rất hâm mộ văn sĩ!" Hỏi:"Làm thế nào để gặp được Chân quân?" Đáp:"Ngày mai, trong khoảng giờ mùi (từ 1:00 giờ đến 3:00 chiều), Chân Quân sẽ đi qua bến hồ này!" Thấy chồng e ngại, Thu Luyện bèn nói:"Nếu chàng thực lòng yêu thiếp thì hãy xin Chân quân viết lên vuông lụa của m ẹ thiếp một chữ MIN! Còn nếu chàng nghĩ mẹ thiếp là cá, rồi coi thường, chẳng giúp, thì thiếp xin trả lại đứa con này cho chàng, rồi xuống long cung làm phi tần, cho mẹ thiếp được miễn tội! Ở với Long quân, chắc chắn là thiếp sẽ được sủng ái gấp trăm lần ở với chàng!" Nghe vợ nói, Thiềm Cung kinh hãi quá, vội nói:"Để ta đi xin chữ MIN đem về dâng mẹ!" Thu Luyện bèn lấy từ túi áo ra một vuông lụa, đưa cho chồng mà dặn:"Khi nào Chân quân hỏi chàng muốn gì thì chàng chỉ cần đưa vuông lụa này ra, xin Chân quân viết cho một chữ MIN!" Thiềm Cung bèn nhận vuông lụa, rồi nói:"Xin tuân lời nàng!"

    Trưa sau, Thiềm Cung lên bờ đứng chờ Chân quân . Đúng đầu giờ mùi, quả có một đạo sĩ chống gậy, khập khi*ễng đi qua chỗ mình đứng, Thiềm Cung vội phục xuống đất lạy đạo sĩ. Đạo sĩ liền bỏ chạy dọc theo bờ hồ. Thấy thế, Thiềm Cung vùng dậy, chạy theo. Đạo sĩ lia gậy chống xuống mặt hồ, rồi phi thân đứng trên gậy. Thấy thế, Thiềm Cung cũng phi thân theo. Khi chân chạm gậy, bỗng Thiềm Cung thấy gậy đã biến thành thuyền nên lại phục xuống lạy đạo sĩ.

    Đạo sĩ hỏi:"Nhà ngươi muốn xin điều chi?" Thiềm Cung vội đứng dậy, móc túi lấy vuông lụa đưa ra, xin đạo sĩ viết cho một chữ MIN. Đạo sĩ trải vuông lụa xuống sàn thuyền coi, rồi hỏi:"Nhà ngươi lấy vuông lụa này ở đâu?" Kinh hãi quá, Thiềm Cung đem hết sự thực ra thuật lại. Nghe xong, đạo sĩ cười, nói:"Vuông lụa này là cánh con bạch ký mẹ! Hai mẹ con đều mê thi ca phong nhã! Cái lão Long quân đã già mà còn đòi bắt bạch ký con làm phi tần để thì thực là hoang dâm vô độ!" Nói xong, đạo sĩ lấy từ túi áo ra một chiếc bút, viết lên vuông lụa một chữ MIN, vẽ một phù hiệu ở cạnh, rồi trả vuông lụa cho Thiềm Cung. Thiềm Cung lại phục xuống sàn thuyền lạy tạ đạo sĩ, rồi đứng dậy. Đạo sĩ bèn quay thuyền vào bờ. Tuân lời đạo sĩ, Thiềm Cung lên bờ. Chợt quay đầu nhìn, Thiềm Cung thấy đạo sĩ đã đạp chiếc gậy lướt ra khơi, chỉ trong khoảnh khắc đã biến mất ở chân trời, Xuống thuyền, Thiềm Cung thuật lại câu chuyện cho vợ nghe. Thu Luyện mừng lắm, dặn chồng:"Xin chàng đừng tiết lộ chuyện này cho mẹ thiếp biết!" Thiềm Cung đáp:"Xin tuân lời!" Từ đó, hai vợ chồng với đứa con sinh sống rất hạnh phúc bên nhau, và hàng tháng Mộ ông vẫn xuống miền nam buôn hàng.

    Ba năm sau.

    Một hôm, Mộ ông xuống miền nam buôn hàng. Chuyến này, sau tròn hai tháng, Mộ ông vẫn chưa về, khiến Thu Luyện không có nước hồ mới để rưới cơm ăn, nên bắt đầu lên cơn hen suyễn. Thu Luyện bèn dặn chồng:"Nếu thiếp chết, xin chàng đừng đem xác đi chôn, chỉ lấy vải khâm liệm rồi đặt nằm trên giường! Hàng ngày, cứ vào mỗi giờ mão (từ 5 đến 7 giờ sáng), ngọ (từ 11 giờ sáng đến 01 giờ chiều), và dậu (từ 7 giờ đến 9 giờ tối), xin chàng cứ ngâm bài thơ Đỗ Phủ Mộng Lý Bạch một lần, bên cạnh xác, thì xác sẽ chẳng bị hư! Khi nào cha đem nước hồ mới về, xin chàng tháo bỏ vải khâm liệm, ngâm xác vào một bồn nước có pha nước hồ mới, thì thiếp có thể hồi sinh!" Mới hen suy*ễn có ba ngày mà Thu Luyện đã chết. Theo đúng lời vợ dặn, Thiềm Cung lấy vải khâm liệm xác, rồi đặt xác nằm trên giường. Hàng ngày, vào mỗi giờ mão, ngọ, dậu, Thiềm Cung lại ngâm thơ bên cạnh xác.Sau khi Thu Luyện chết được nửa tháng, Mộ ông mới đi buôn về, đem theo một bình nước hồ mới. Nghe tin con dâu chết, Mộ ông buồn lắm, nhưng Thiềm Cung thì vẫn bình tĩnh mà làm theo lời vợ dặn, đem xác ngâm vào một bồn nước có pha nước hồ mới. Quả nhiên, hơn một giờ sau, Thu Luyện hồi sinh. Từ đó, Thu Luyện tỏ ý muốn về Vũ Xương cư ngụ.

    Mười năm sau.
    Mộ ông mất. Sau khi làm l*ễ an táng cho cha, Thiềm Cung chiều ý vợ, đưa cả gia quyến di cư xuống Vũ Xương lập nghiệp.

    ---------------------------------------------- Hết ---------------------------------

    Backieuphong Theo bản dịch của GS Đàm Quang Hưng Giáo Sư Toán Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  3. #43
    Senior Member
    Tham gia ngày
    May 2012
    Bài gửi
    270
    Thanks
    32
    Thanked 22 Times in 20 Posts
    Củng Tiên
    Vị Tiên Họ Củng



    Đạo nhân họ Củng, không có tên tự, cũng không rõ quê quán ở đâu. Có lần tới xin ra mắt Lỗ vương nhưng người canh cổng không chịu vào báo, gặp lúc một quý nhân trong vương phủ đi ra, đạo nhân vái chào ngỏ ý. Quý nhân thấy quê mùa bèn đuổi đi, kế lại trở lại, quý nhân nổi giận sai người đuổi đánh. Tới chỗ vắng người, đạo nhân cười đưa ra trăm lượng vàng nhờ kẻ đuổi theo nói lại với quý nhân rằng “Ta cũng không cần gặp vương, chỉ nghe nói cây cỏ lâu đài trong vườn hoa sau vương phủ là danh thắng trên đời, nếu dẫn ta vào xem một phen là mãn nguyện rồi". Kế lại lấy tiền bạc ra đút lót người đuổi theo, người ấy mừng rỡ về thưa, quý nhân cũng mừng liền dẫn đạo nhân vào cửa sau, dạo xem khắp nơi rồi theo lên lầu. Quý nhân đang tựa bên cửa sổ thì đạo nhân xô một cái, chỉ thấy mình rơi ra ngoài lầu, may có sợi dây leo vướng ngang bụng nên còn treo lơ lửng trên không. Nhìn xuống thấy sâu chóng mặt mà sợi dây cứ kêu rắc rắc như sắp đứt, sợ quá la ầm lên.

    Không bao lâu mấy tên thái giám chạy tới, vô cùng hoảng sợ vì thấy quý nhân cách mặt đất rất xa, lên lầu cùng xem thì thấy đầu dây buộc vào lầu Muốn cởi ra để cứu nhưng thấy dây nhỏ quá không thể dùng sức, tìm đạo nhân khắp nơi nhưng ông đã biến mất, đành bó tay hết cách về tâu với Lỗ vương. Vương tới nhìn thấy rất lấy làm lạ, sai rải cỏ khô dưới lầu, định chặt đút dây. Chuẩn bị vừa xong thì dây leo tự đứt mà chỉ cách mặt đất không đầy một thước, mọi người đều cười ngất. Vương sai hỏi xem đạo sĩ ở đâu, nghe nói ở nhờ nhà Tú tài họ Thượng bèn tới hỏi thì ông đi chơi chưa về. Kế gặp nhau giữa đường, bèn đưa về ra mắt vương.
    Vương cho ngồi ăn tiệc, đòi làm trò vui, đạo sĩ thưa “Thần là người quê mùa, không có tài gì lạ, nay được thương tới xin hiến một ban nữ nhạc để chúc thọ vương gia”. Rồi lần trong tay áo lấy ra một mỹ nhân đặt xuống đất, nàng dập đầu lạy vương xong, đạo sĩ bảo diễn vở Dao Trì yến để chúc vương muôn tuổi. Mỹ nhân lên sạp hát mấy câu, đạo sĩ lại lấy ra một người nữa, tự xưng là Tây Vương Mẫu, giây lát lấy ra Đổng Song Thành, Hứa Phi Quỳnh, tất cả tiên nữ trên trời đều lần lượt ra mắt. Sau cùng là Chức Nữ tới yết kiến, dâng vương một bộ áo trời màu vàng lóng lánh chiếu sáng cả nhà. Vương nghĩ là đồ giả đòi xem, đạo sĩ vội nói không nên nhưng vương không nghe cứ giở ra xem, quả thấy áo trời liền lạc không có đường may, không phải sức người làm được. Đạo sĩ tỏ vẻ không vui, nói "Thần hết lòng thờ đại vương nên tạm mượn áo của Thiên Tôn cho xem, nay bị trọc khí nhiễm vào, làm sao trả lại cho chủ cũ?". Vương lại nghĩ những người ca hát ắt đều là tiên nữ, muốn giữ lại vài nàng nhưng nhìn kỹ lại thì đều là con hát thường ngày trong phủ. Lại ngờ khúc hát ấy thì họ chưa từng học qua, hỏi tới thì họ cũng ngơ ngác không tự biết. Đạo sĩ lấy bộ áo trời châm lửa đốt rồi cho vào trong tay áo, khám tới thì không thấy đâu nữa.


    Vương vì thế rất trọng đạo sĩ, giữ ở lại trong phủ. Đạo sĩ nói “Tính quê mùa thấy cung điện như chậu lồng, không bằng ở nhà Tú tài được tự do hơn”, nên cứ đến khuya lại về nhà Thượng Tú tài. Hôm nào vương cố giữ thì cũng ngủ lại, mỗi lần có yến tiệc lại đảo lộn hoa cỏ bốn mùa làm vui. Vương hỏi "Nghe nói người tiên cũng không thể quên tình, có đúng không?”' đạo sĩ đáp "Có lẽ người tiên thì đúng thế, chứ thần không phải là người tiên nên lòng như cây khô thôi”. Một đêm đạo sĩ ngủ lại trong vương phủ, vương sai một ca kỹ tới nhìn. Nàng vào phòng, gọi mấy tiếng không thấy đáp, thắp đèn soi thấy đạo sĩ nhắm mắt ngồi trên giường, lay gọi thì hé mắt một cái rồi nhắm lại, lại lay nữa thì ngáy vang lên. Xô mạnh thì ông ngã lăn ra mà vẫn ngủ say, ngáy vang như sấm. Gõ lên trán thấy cứng ngắt chồn cả ngón tay, có tiếng như gõ vào gang sắt, bèn về bẩm lại với vương. Vương sai lấy kim đâm thì đâm không vào, xô thì thấy nặng không thể lay chuyển, gọi thêm hơn chục người xúm lại khiêng ông ném xuống dưới giường, nghe như tảng đá nặng ngàn cân rơi xuống đất.

    Sáng tới thấy ông vẫn ngủ dưới đất, kế tỉnh dậy cười nói "Ngủ một giấc say như chết, rơi cả xuống giường mà không biết". Sau vương sai đám con gái nhân lúc ông nằm ngồi tới cấu véo làm vui, nhưng véo cái đầu thì da thịt còn mềm, qua cái thứ hai đã cứng như sắt đá. Đạo sĩ ở nhà Thượng Tú tài, thường suốt đêm không về, Thượng khóa cửa đi ngủ, đến sáng ra mở của đã thấy đạo sĩ nằm trong phòng. Lúc trước Thượng dan díu với ca kỹ Huệ Ca, đã thể lấy nhau. Huệ phong nhã hát hay, ngón đàn nổi tiếng một thời, Lỗ vương nghe tiếng triệu nàng vào hầu hạ, vì thế đôi bên tuyệt đường đi lại, lòng thường thương nhớ nhưng không sao nhắn gởi gì được. Một đêm Thượng hỏi đạo sĩ có gặp Huệ Ca không, đạo sĩ đáp “Các ca kỹ trong phủ ta đều gặp qua nhưng không rõ là nàng nào”. Thượng tả dung mạo tuổi tác, đạo sĩ mới nhớ ra. Thượng xin nhắn giùm một câu, đạo sĩ cười nói “Ta là người tu hành, không thể đưa tin cho ông được”.
    Thượng năn nỉ không thôi, đạo sĩ đưa tay áo ra nói "Nếu nhất định muốn gặp nàng một lần thì mời vào đây". Thượng nhìn vào thấy to rộng như gian nhà liền khom người chui vào, lạí thấy sáng sủa sạch sẽ, rộng bằng cái phòng khách, bàn ghế vật dùng không thiếu món nào, ở trong không hề thấy khổ cực buồn bã. Đạo sĩ vào phủ đánh cờ với Lỗ vương, chờ lúc Huệ Ca tới gần, giả phất tay áo phủi bụi, Huệ Ca bị hút vào mà chẳng ai thấy. Thượng đang ngồi một mình tơ tưởng chợt thấy có mỹ nhân từ mái hiên rơi xuống, nhìn lại thì là Huệ Ca. Hai người ngạc nhiên mừng rỡ, âu yếm nhau rất mực. Thượng nói "Duyên lạ hôm nay không thể không ghi lại, xin cùng làm thơ liên cú” rồi viết lên vách rằng "Hầu môn tự hải cửu vô tung” (Cửa hầu tựa biển mỏi mòn trông), Huệ nối theo “Thùy thúc Tiêu lang kim hựu phùng” (Ai biết người xưa lại tái phùng). Thượng viết tiếp “Tụ lý càn khôn chân cá đại” (Tay áo bao la trời đất rộng), Huệ viết “Ly nhân tư phụ tận bao dung” (Dung trai xa vợ gái thương chồng). Vừa viết xong chợt có năm người bước vào, đội mũ có góc, mạc áo đỏ nhạt, nhìn ra đều không quen biết, mà họ cũng im lặng không nói chỉ bắt Huệ Ca đi. Thượng kinh hãi không rõ vì sao, đạo sĩ về nhà gọi Thượng ra hỏi chuyện tình tự, Thượng giấu giếm không kể hết. Đạo sĩ mỉm cười cởi áo, lộn tay áo ra cho xem. Thượng nhìn kỹ thấy có tự tích lờ mờ nhỏ như chân kiến, té ra là bài thơ liên cú.


    Mười mấy hôm sau lại xin vào phủ, trước sau cả thảy ba lần. Huệ Ca nói với Thượng rằng "Thiếp nghe trong bụng máy động rất lo lắng, vẫn phải lấy lụa thắt lại. Nhưng trong vương phủ tai mắt rất nhiều, thảng hoặc một sớm sinh nở thì biết tìm chỗ nào giấu được trẻ khóc. Phiền chàng bàn tính với tiên ông họ Củng, cứ thấy thiếp xoa bụng ba lần thì nhờ người ra tay cứu vớt". Thượng theo lời, trở về thấy mặt đạo sĩ liền quỳ rạp xuống không chịu đứng lên. Đạo sĩ kéo đứng lên, nói "Hai người nói với nhau những gì ta đã biết rồi, xin đừng lo lắng. Dòng giống nhà ông chỉ nhờ có một chút đó, ta đâu dám không hết lòng giúp đỡ. Nhưng từ nay không cần vào đó nữa, điều ta muốn báo đáp cho ông vốn không phải chỉ ở việc tư tình thôi đâu”. Mấy tháng sau đạo sĩ từ ngoài vào cười nói "Ta đã đưa công tử về đây rồi, mau lấy tã lót ra”.

    Vợ Thượng rất hiền, hơn ba mươi tuổi sinh nở mấy lần mà chỉ nuôi được một trai, vừa sinh con gái đầy tháng thì chết, nghe Thượng nói ngạc nhiên vui mừng đích thân ra đón. Đạo sĩ thò vào tay áo lấy đứa nhỏ ra, nó im lặng như đang ngủ mà rốn còn chưa cắt, vợ Thượng đón lấy bế lên mới khóc oa oa. Đạo sĩ cởi áo nói "Máu đẻ làm dơ áo thế này là đạo môn kỵ nhất, nay vì chuyện của ông mà vật cũ hai mươi năm một sớm phải bỏ đi". Thượng đưa áo khác cho thay, đạo sĩ dặn "Cái áo cũ của ta chớ bỏ, chỉ cần xé một mảnh bằng đồng tiền đốt đi mà uống thì có thể chữa được chứng khó sinh và trụy thai", Thượng vâng lời. Lâu sau đạo sĩ chợt nói với Thượng "Chiếc áo cũ của ta nên giữ lại chút ít mà dùng, sau khi ta chết cũng đừng quên!”.

    Thượng cho là lời bất tường nhưng đạo sĩ không nói gì mà ra đi, vào gặp vương nói "Thần muốn chết". Vương giật mình hỏi, đạo sĩ đáp “Đó là số trời đã định, còn nói gì được". Vương không tin cố giữ lại, đánh xong một ván cờ đạo sĩ vội đứng lên, vương lại ngăn cản, xin phép ra nhà ngoài vương bèn cho. Đạo sĩ ra đó nằm xuống, nhìn lại thì đã chết rồi. Vương sắm sửa quan tài mai táng tử tế. Thượng tới điếu tang rất đau xót, bấy giờ mới hiểu là đạo sĩ đã báo trước. Cái áo cũ của đạo sĩ để lại làm thuốc thôi sản rất hay, người tới xin nối gót ngoài cổng. Ban đầu còn cho cái tay áo vấy máu, kế cắt tới cổ áo vạt áo chỗ nào cũng hiệu nghiệm. Sau Thượng nhớ lời đạo sĩ dặn, e vợ sẽ gặp nạn khi sinh nở nên cắt một mảnh dính máu to bằng bàn tay cất kỹ. Gặp lúc Lỗ vương có nàng ái phi lâm bồn ba ngày không sinh được, các thầy thuốc đều hết cách, có người kể lại chuyện Thượng, vương lập tức triệu vào, ái phi chỉ uống một chén thuốc là sinh được ngay.

    Còn nữa...

  4. #44
    Senior Member
    Tham gia ngày
    May 2012
    Bài gửi
    270
    Thanks
    32
    Thanked 22 Times in 20 Posts
    Củng Tiên
    Vị Tiên Họ Củng

    Tiếp theo

    Vương cả mừng, tặng tiền bạc vải vóc rất hậu nhưng Thượng đều từ chối không nhận. Vương hỏi vậy muốn gì, Thượng đáp "Thần không dám nói", gạn hỏi mấy lần Thượng mới dập đầu thưa “Nếu được đội ơn trời thì chỉ xin ban cho nàng ca kỹ cũ Huệ Ca là đủ”. Vương triệu nàng tới hỏi tuổi, nàng thưa "Thiếp vào phủ năm mười tám tuổi, qua mười bốn năm rồi”' Vương thấy nàng đã lớn tuổi bèn gọi tất cả các ca kỹ ra cho tùy thích chọn lựa nhưng Thượng không ưng ý một ai. Vương cười nói "Anh học trò này khờ quá, hay mười năm trước có đính ước với nhau rồi?". Thượng kể thật mọi chuyện, vương liền sai đem đủ xe kiệu đưa Huệ Ca về với Thượng, cho luôn nàng những tiền bạc vải vóc đã ban làm của hồi môn.


    Đứa con trai Huệ sinh tên Tú Sinh, "Tú” là ẩn nghĩa chữ "Tụ” (tay áo) vậy, năm ấy đã mười một tuổi. Vợ chồng thường nhớ ơn người tiên, năm nào đến tiết Thanh minh cũng đi viếng mộ. Có người đi buôn ở Trung Châu (tỉnh Tứ Xuyên) lâu năm, gặp đạo sĩ trên đường trao cho một quyển sách, nói “Đây là sách trong phủ Lỗ vương, lúc đi vội quá chưa kịp trả lại, nhờ ông trả hộ". Người ấy về nghe tin đạo sĩ đã chết không dám tâu, Thượng bèn cầm sách vào tâu hộ. Lỗ vương mở ra xem thì đúng là sách đã cho đạo sĩ mượn, lấy làm ngờ vực sai quật mộ đạo sĩ lên xem thì chỉ thấy quan tài rỗng không. Sau con trai Thượng chết yểu, may có Tú Sinh nối dõi, càng phục lời tiên tri của tiên ông họ Củng.
    ------------------------------------------------

    Dị Sử thị nói: Càn khôn trong tay áo là lời ngụ ngôn của cổ nhân, há phải là có thật đâu, sao lại lạ lùng đến thế. Trong tay áo có trời đất, có mặt trời mặt trăng, có thể lấy vợ sinh con mà lại không bị cái khổ thúc thuế đòi lương, không bị cái phiền muộn của người đời, thì những rận rệp trong đó cũng khác gì chó gà ở cõi Đào Nguyên* đâu! Trộm mong người thường cũng được tới đó, thì chết già ở nơi ấy cũng được.

    *Đào Nguyên: Đào Tiềm thời Tấn có bài Đào hoa nguyên ký kể chuyện một ngư phủ lạc vào rừng, theo dòng suối có hoa đào trôi ra ngược lên tới nguồn thì gặp một nơi có người ở, hỏi ra thì họ nói rằng tổ tiên tránh loạn thời Tần chạy vào sinh sống đã mấy trăm năm rồi, không biết việc đời bên ngoài thay đổi ra sao. Đào Nguyên đây dùng chỉ cõi thanh bình hạnh phúc ở nhân gian.

  5. #45
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bát Đại Vương
    八 大 王



    Phùng sinh ở huyện Lâm Thao (tỉnh Cam Túc), người thuật chuyện không nhớ tên, chỉ biết là dòng dõi thế gia đã sa sút. Có người chài lưới thiếu nợ sinh không trả nổi nên cứ bắt được ba ba là đem lại biếu. Có lần biếu con ba ba cực to, trán có đốm trắng, sinh thấy hình dạng lạ lùng liền thả ra sông. Sau sinh đi thăm con rể trở về, tới bờ sông Hằng Hà thì trời vừa tối thấy một người say có hai ba tiểu đồng theo sau ngất ngưởng đi tới, thấy sinh hỏi là ai? Sinh đáp bừa là kẻ đi đường, người say giận nói "Chẳng lẽ không có tên họ à, sao chỉ nói là kẻ đi đường?," Sinh sốt ruột lo về nên không buồn đáp, cứ đi thẳng qua mặt, người say càng giận, nắm lấy áo sinh không cho đi, mùi rượu nồng nặc. Sinh rất khó chịu mà cố sức gỡ ra không được bèn hỏi ngươi tên gì, người say lè nhè đáp “Ta là Lệnh doãn cũ ở Nam Đô, ngươi định làm gì?". Sinh nói "Thế gian có thứ Lệnh doãn như vậy, thật là chửi cả thiên hạ. May là Lệnh doãn cũ đấy, chứ nếu là Lệnh doãn mới chắc giết ráo người đi đường rồi phải không?". Người say giận lắm toan giở võ, sinh lớn tiếng nói "Phùng mỗ ta không phải là kẻ để yên cho người đánh đâu!". Người say nghe thế đổi giận làm vui, lảo đảo lạy rạp xuống nói "Té ra là ân chủ, mới rồi đường đột xin đừng bắt tội", rồi đứng dậy bảo kẻ tùy tùng về trước dọn rượu.

    Sinh từ chối không được, người ấy nắm tay dắt đi vài dặm thì tới một xóm nhỏ, vào trong thấy nhà cửa đẹp đẽ như phủ đệ quý nhân. Người say hơi tỉnh rượu rồi, sinh mới hỏi thăm tên họ là gì, y đáp "Nói ra xin chớ kinh hãi, ta là Bát Đại vương ở sông Thao đây. Mới rồi tiên Thanh Đồng ở Tây Sơn mời đi uống rượu, không ngờ say quá nên xúc phạm tôn nhan, nghĩ rất hổ thẹn". Sinh biết là yêu quái, nhưng thấy tình ý niềm nở nên cũng không sợ sệt gì. Giây lát rượu thịt dọn lên ê hề, giục sinh ngồi vào tiệc. Bát vương uống rất hào, dốc cạn liên tiếp mấy chén, sinh sợ y say lại sinh sự bèn giả say đòi đi nằm. Bát vương hiểu ý cười nói "ông sợ ta bừa bãi sao? Xin chớ lo, phàm kẻ say vô hạnh rồi qua đêm nói rằng không nhớ đã làm những gì là nói dối thôi, bọn bợm rượu mất nết thì mười người có chín người như vậy đấy. Nhưng ta tuy không dám sánh với người tốt song nghĩ lại cũng chưa từng dám làm điều vô lại với bậc trưởng giả sao ông cự tuyệt thẳng thừng như thế?". Sinh bèn ngồi xuống nghiêm sắc mặt can rằng "Ông đã tự biết, sao không sửa đổi?", Bát vương đáp “Lão phu lúc làm Lệnh doãn thì say sưa còn quá ngày nay, từ khi làm Thượng đế tức giận bị đày ra cù lao, cố bỏ thói cũ đã hơn mười năm. Nay sắp chết mà còn lận đận không được vẫy vùng nên thói cũ lại nảy sinh mà không tự biết. Nay xin kính cẩn vâng lời ông".


    Nhà cửa đẹp đẽ như phủ đệ quý nhân.

    Đang chuyện trò thì nghe tiếng chuông chùa xa xa, Bát vương đứng lên cầm tay sinh nói "Gặp gỡ không được lâu, nay có một vật xin tặng để đền ơn lớn. Vật này không nên mang lâu, khi nào được như nguyện rồi xin trả lại cho ta”. Rồi khạc ra một hình người bé tí dài hơn một tấc, lấy móng tay rạch vào cánh tay sinh, đau như xé ruột, đặt mau hình người lên rồi đè xuống, buông tay ra thì đã chìm hẳn vào trong thịt, vết móng tay vẫn còn mà chỗ đó gồ lên như mụn nhọt. Sinh sợ hãi hỏi, Bát vương cười không đáp, chỉ nói “ông nên đi thôi” rồi tiễn sinh ra. Bát vương trở vào, sinh ngoảnh nhìn thì xóm làng nhà cửa đều biến mất, chỉ có một con ba ba lớn đang ì ạch bò xuống nước rồi mất tăm. Sinh kinh ngạc sửng ra hồi lâu rồi tự nghĩ vật mình vừa được cho ắt là ngọc ba ba.

    Từ đó mắt rất sáng, phàm nhưng nơi có châu báu, dù ở tận suối vàng cũng nhìn thấy được, ngay cả những món chưa từng biết cũng ứng khẩu gọi được đích danh, đào được mấy trăm lượng vàng chôn ngay dưói phòng ngủ, việc chi tiêu cũng đầy đủ. Sau có người bán ngôi nhà cũ, sinh nhìn thấy tiền bạc chôn giấu vô số bèn bỏ nhiểu tiền ra mua, từ đó giàu có ngang bậc vương hầu, các loại ngọc quý hiếm trên đời trong nhà đều có đủ. Lại được một tấm gương, phía sau chạm hình chim phượng đeo vòng, mây nước và Tương Phi, chiếu sáng cả dặm, có thể thấy rõ từng sợi tóc. Người đẹp mà soi vào thì hình bóng sẽ in lại, lau chùi cũng không mất được, nếu thay quần áo khác soi lại hoặc người đẹp khác soi lên thì ảnh trước mới mất đi.

    Lúc bấy giờ công chúa thứ ba trong Túc vương phủ* nhan sắc tuyệt đẹp, sinh rất hâm mộ. Gặp lúc công chúa đi chơi núi Không Động, sinh tới rình trong núi chờ khi công chúa trên kiệu bước xuống lấy gương ra soi rồi mang về đặt lên bàn, nhìn kỹ thấy mỹ nhân ở trong cầm khăn mỉm cười, miệng như muốn nói, mắt như muốn liếc, mừng rỡ cất kỹ. Hơn một năm, vì vợ nói lộ ra, Túc vương nghe được cả giận, bắt giam sinh, đòi lấy tấm gương, định xử án chém. Sinh hối lộ rất nhiều cho một quý nhân trong vương phủ, nhờ tâu với Túc vương rằng "Nếu vương tha thì bao nhiêu của báu trên đời muốn có cũng dễ, nếu không thì ta cũng tới chết là cùng, mà vương thì chẳng có lợi gì cả". Vương muốn tịch biên gia sản và đày sinh đi xa, công chúa thứ ba nói "Y đã nhìn con, dù giết mười lần cũng không đủ gột rửa tiếng nhơ, chi bằng gả con cho y”. Vương không nghe.


    Công chúa đóng cửa không chịu ăn, Vương phi lo quá, cố nói với vưong, vương bèn thả sinh ra, lại sai vị quý nhân kia ngỏ ý với sinh. Sinh từ chối nói "Người vợ từ lúc hàn vi không thể bỏ, ta thà chết chứ không dám vâng lệnh, nếu vương cho chuộc tội thì dốc hết gia sản ra cũng được", vương giận lại bắt giam sinh. Vương phi triệu vợ sinh vào cung, định hạ độc giết chết. Vợ sinh vào, đem chiếc giá gương san hô làm lễ ra mắt, lời lẽ mềm mỏng dễ thương, Vương phi hài lòng, sai bái kiến công chúa thứ ba, công chúa cũng thích, bèn đính ước làm chị em rồi sai người vào ngục dụ sinh. Sinh nhắn vợ rằng "Con gái nhà vương hầu thì không thể lấy việc cưới trước cưới sau mà bàn lớn bé được đâu”. Vợ không nghe cứ về sắp đặt sính lễ đưa tới vương phủ, người đội lễ vật có tới hàng ngàn, nhiều loại châu quý ngọc lạ nhà vương cũng không biết tên.

    Còn nữa...
    ------------------------------------------------------------

    *Túc vương phủ:tức Túc Trang vương, hoàng tử thứ mười bốn của Minh Thái tổ nhà Minh, được phong là Hán vương, năm Hồng Vũ thứ 25 (1392) đổi phong là Túc vương, năm sau ra lập phủ đệ ở Cam Túc.


    Thiều Gia - Theo Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  6. #46
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Bát Đại Vương
    八 大 王



    Tiếp theo

    Vương cả mừng gả công chúa cho sinh, công chúa vu quy cũng đem tấm gương về. Một đêm sinh ngủ một mình, mơ thấy Bát vương nghênh ngang vào, nói "Vật ta đã tặng nay nên trả lại. Mang nó lâu quá thì hao tổn tinh huyết, chiết giảm tuổi thọ". Sinh vâng dạ, giữ lại uống rượu, Bát vương từ chối, nói "Từ lúc nghe ông khuyên, ta bỏ dứt rượu được ba năm rồi". Rồi há miệng cắn vào cánh tay, sinh đau quá tỉnh dậy, nhìn lại thì chỗ mụn nhọt đã tiêu tan, từ đó lại như người thường.
    -------------------- Hết ---------------------

    Dị Sử thị nói: Tỉnh thì còn là người mà say rồi thì như con ba ba, những kẻ uống rượu đều như thế cả. Nhưng con ba ba kia tuy hàng ngày quen thói uống rượu bét nhè song không dám quên ơn, không dám vô lễ với bậc trưởng giả, con ba ba chẳng cũng hơn xa con người sao? Lắm kẻ tỉnh thì không bằng người, say thì không bằng con ba ba, người xưa soi gương bói rùa*, chắc là lấy con rùa để soi mình chăng? Vì vậy làm bài phú Người uống rượu. Phú rằng:

    Có một vật nọ, rong chơi ngon miệng, uống vào thì ngất ngất ngây ngây, tên gọi là rượu. Chủng loại rất nhiều, công lao đã lắm. Dùng để tiếp đãi tân khách, dùng để thù phụng cha anh. Dùng để vui sướng lúc một mình, dùng để hợp cẩn thành đôi lứa. Có khi làm lưỡi câu để câu hứng thơ, có khi làm cái chổi để quét phiền muộn. Cho nên chàng rượu tới thường thì người người kết bạn, làng say vào sâu thì kẻ kẻ quên sầu. Đài hèm bã đã cao, công chĩnh vò bất hủ. Một thạch ấy sức quan Tề*, năm đấu làm tên Học sĩ**. Thế nên rượu nhờ người mà nổi danh, nhưng có khi người vì rượu mà mang tiếng.

    Kìa như Mạnh Gia rơi mũ*a, Lưu Linh vác mai**b, Sơn Giản say mèm***c, Đào Tiềm lược rượu (4*). Say ngủ bên người đẹp, không ý tư thông (5*), nhúng đầu vào nghiên sâu, có thần giúp sức (6*). Kẻ sĩ cưỡi thuyền rơi nằm đáy giếng (7*), ông quan bộ Lại bị trói bên lò (8*). Thậm chí nếu rụt đầu (9*) mà nghịch ngợm, cũng còn chưa hại vật mà bất nhân. Tới như khi mưa chiều tuyết tối, hoa sớm trăng khuya, gió lặng bụi yên, bạn xưa gái mới, dép giày trộn lẫn, lan xạ thơm lùng, đùa trăng cợt gió, hát nhỏ chuốc vơi, điệu nhạc hay vừa mới trỗi, trên chiếu lặng tựa không người, trò chuyện giống hoa bay sáng miệng, ngâm thơ như lắc ngọc khua vàng, dẫu quá chén mà say khướt, cũng hồn trong mà ngủ yên. Nếu thế thì dù mỗi ngày mỗi uống cũng chẳng hại gì tới danh giáo. Còn như trong dục nhập nhằng, hát ca bậy bạ, đứng ngồi nhớn nhác, cười nói ồn ào, chuyện bé xé ra to, cãi vã nhiếc mắng, rướn cổ nhăn mày như uấng thuốc độc, ngã bầu rơi chén tắt nến đổ đèn, rượu ngon lênh láng, say sưa bét nhè thì phép uống rượu vốn cấm, tình ý như thế chẳng thà đừng uống.

    Lại có kẻ rượu vừa nuốt xuống hơi đã bốc lên, lảm nhảm lè nhè chê chủ keo kiệt, đã không biết cư xử lại không biết uống rượu, thứ khách rượu không có phẩm giá ấy thì càng quá lắm. Thậm chí có kẻ vừa uống xong thì thôi khách sáo, trợn mày bứt tóc cởi áo xắn quần, bọt nhểu nhảo đầy mồm miệng, ói òng ọc ra áo quần, cổ rướn dài như chó sủa, tóc rối bời như ăn xin. Bụng chạm đất mà miệng kêu trời, tựa bày gan ruột, tay thì khua còn chân lại rũ, như bị phanh thây. Tài thơ phú không lời để tả, bút đan thanh khôn họa thành tranh. Cha mẹ già bị chửi, vợ con yếu khó dìu, có khi chú bác bạn bè bỗng dưng mà chịu nhục. Dùng lời nhỏ nhẹ can ngăn thì càng thêm u mê dữ tợn, đó gọi là uống rượu mất nết, không thể cứu giúp gì được. Duy có một cách để giã rượu, cách ấy ra sao? Chỉ cần lấy một cái gậy, trói tay chân lại như lối mổ heo, cứ đập vào mông đừng đánh lên dầu, hơn trăm gậy rồi chắc chắn tỉnh lại.

    Thiều Gia theo Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh
    --------------------------------------------

    *Bói rùa: một cách bói toán thời cổ, lấy cái mai rùa hơ nóng lên rồi theo những vết nứt nẻ mà đoán hay dở xấu tốt.
    *Một thạch... quan Tề: Sử ký, Thuần Vu Khôn truyên chép vua Tề hỏi Khôn uống được bao nhiêu rượu, Khôn đáp cũng tùy nơi tùy lúc, như uống trong các yến tiệc ở triều đình, phải giữ nghi lễ thì một đấu cũng say, còn uống trong những hội lễ chốn đân gian, thả sức vui chơi thì một thạch mới say.
    ** Năm đấu... Học sĩ: lấy ý câu trong bài Bát tiên ca của Đỗ Phủ thời Đường "Tiêu trục ngũ đẩu phương trác nhiên, Cao đàm hùng biện kinh tứ diên" (Uống cạn năm đấu mới hứng chí, Đàm luận hùng hồn kinh bốn bên).
    *a Mạnh Gia rơi mũ: Tấn thư, Mạnh Gia truyện chép Mạnh Gia làm Tham quân dưới trướng Hoàn ôn, nhân ngày Trùng dương Ôn hội hết các tướng lên núi Long Sơn ăn tiệc, mọi người đều mặc giáp trụ, Ôn say quá gặp cơn gió mạnh thổi rơi cả mũ mà không hay.

    **b Lưu Linh vác mai: Tấn thư, Lưu Linh truyện chép Lưu Linh là một trong Trúc Lâm thất hiền, tính hay rượu, đi đâu cũng mang bầu rượu theo, sai đầy tớ vác mai đi cùng, nói "Nếu ta chết thì chôn luôn tại chỗ".

    ***c Sơn Giản say mèm: Thế thuyết chép Sơn Giản trấn thủ Sơn Dương, ở đó có họ Tập có khu vườn đẹp, Giản thường tới uống rượu say khướt.

    4* Đào Tiềm lược rượu: Tống thư chép Đào Tiềm thời Tấn ở nhà lấy khăn đội đầu lược rượu, lọc xong lại đội lên đầu. Có người láng giềng mời qua uống rượu, trong rượu có cặn, Tiềm lập tức cởi khăn ra lược.

    5* Say ngủ... tư thông: Thế thuyết chép Nguyễn Tịch là một trong Trúc lâm thất hiền, cạnh nhà có người đàn bà rất đẹp mở quán bán rượu, Tịch và Vương An Phong thường cùng nàng uống rượu, có lần say nằm ngủ khoèo bên cạnh nàng. Người chồng lúc đầu rất ngờ vục, sau rình theo dõi thì thấy Tịch không có ý gì khác.

    6* Nhúng đầu... giúp sức: Đường quốc sử bổ chép Trương Húc giỏi viết chữ thảo, tính hay rượu, lúc uống say rồi cứ lấy đầu làm bút nhúng vào mực viết chữ, biến hóa nhiều lối như có thần giúp.

    7* Kẻ sĩ... đáy giếng: lấy ý câu trong bài Bát tiên ca của Đỗ Phủ "Tri Chương kỵ mã tự hành thuyền, Nhãn hoa lạc tỉnh thủy đê miên" (Tri Chương cưỡi ngựa ngỡ đi thuyền, Mắt hoa rơi giếng ngủ say mèm).

    8* ông quan... bên lò: Tấn thư, Tất Trác truyện chép Tất Trác làm Lại bộ lang, cạnh nhà có quán trọ nấu rượu, Trác nhân đêm lẻn qua uống trộm bị người nấu rượu bắt trói, sáng ra mới biết là Tất Lại bộ.

    9* Rụt đầu: nguyên văn là "hiệu miết tù” (học lối miết ẩm, tù ẩm). Hoa mạn lục chép bọn Tô Vũ Khâm, Thạch Diên Niên có nhiều lối uống rượu như "quỷ ẩm", "liễu ẩm", “tù ẩm", "miết ẩm", "hạc ẩm", trong đó "tù ẩm" là để lộ đỉnh đầu đứng chung quanh bàn uống rượu như bọn tù, “miết ẩm” là lấy chăn lông quấn quanh người chỉ thò đầu ra, uống xong một chén thì rụt đầu vào trong như con ba ba.
    Lần sửa cuối bởi thieugia; 30-01-2014 lúc 05:39 PM
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  7. #47
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Đạo Sĩ



    Hàn sinh nhà thế gia, thích khách. Người cùng xóm có anh chàng họ Từ, thường hay đến uống rượu. Một hôm khi họp vui, ở ngoài cổng có kẻ đạo sĩ đến ăn xin. Người nhà cho tiền, cho gạo không lấy, cũng không đi. Lũ người nhà tức giận, cũng mặc kệ. Hàn nghe thâý tiếng xô xát cãi cọ nhau đã lâu, hỏi các người nhà, chúng thưa thực như vậy. Nói chưa dứt lời đạo sĩ đã cứ vào. Hàn cho mời ngồi. Đạo sĩ đến với chủ nhân và các khách giơ tay chào khắp một lượt, rồi liền ngồi. hỏi qua gốc tích thời nguyên ở trong cái miếu đổ nát ở xóm đông.
    Hàn nói:
    -“Không hay con hạc lại về từ bao giờ, thành ra tôi thiếu cái lễ địa chủ”.
    Trả lơì thưa rằng:
    -“Kẻ quê kệch mơí đến, không có chơi bời quen ai, nghe rằng ông ở đây rộng tính, cho nên muốn được đến để uống rượu mà thôi”.
    Hàn bảo rót rượu. Đạo sĩ uống được nhiều. Từ thấy quần áo rách bẩn, lại trông ra khốn đốn, có ý khinh bỉ không cần làm lễ tiếp chi. Hàn cũng coi là một người khách thoáng qua vậy. Đạo sĩ uống luôn đến hơn hai chục chén, rồi chào mà ra đi.
    Từ đấy, mỗi lần yến họp khách, đạo sĩ cứ đến gặp ăn thời ăn, gặp uống thời uống. Hàn cũng hơi thấy là đáng chán. Trong khi uống rượu vui, Từ đùa giễu rằng:
    “Đạo sĩ chỉ cứ làm khách mãi, sao không làm chủ một bận chăng?”
    Đạo sĩ cười mà rằng:
    “Đạo sĩ với cư sĩ cũng như nhau, chỉ có hai vai đem một cái mồm mà thôi”. Từ thẹn không nói được nữa.
    Đạo sĩ nói:
    “Tuy vậy, kẻ theo đạo này có lòng thành đã lâu, thế nào cũng cố hết sức gọi là kiếm một hai chén nước để báo đền lại”.
    Uống xong, dặn rằng:
    “Đến trưa mai xin mời quá bộ”.


    Ngày hôm sau, chúng rủ nhau cùng đi, còn ngờ là không đặt rượu, mà đạo sĩ đã đón đợi ở ngang đường. Vào cổng thời thấy nhà cửa mới làm hết, gác rộng liền mây, rất lấy làm sự lạ, cùng bảo với nhau rằng:
    -“Lâu chúng ta không đến đây, không biết làm nhà mới từ khi nào?”
    Đạo sĩ nói:
    - “Vừa mới làm xong không bao lâu”.
    Vào đến trong nhà, thời bày đặt rất lịch sự sang trọng những vật mà các nhà gia thế không thể có. Hai người thấy mà phải kính sợ. Mời ngồi xong rót rượu, bưng thức ăn lên, toàn là đứa hầu nhỏ khoảng mười sáu tuổi cả, mà mặc áo gấm đi giày điều. Rượu và thức ăn, thơm tho đầy nhiều. Ăn xong các thứ đồ nước bưng lên, nhiều quả không biết tên gọi đựng bằng những đồ thủy tinh quý, ngọc thạch sáng soi khắp bàn ghế và giưòng phản. Rượu uống bằng thứ chén pha lê, chu vi đến một thươc. Đạo sĩ nói:
    - Gọi chị em họ Thạch lên đây.
    Đứa nhỏ chạy lúc lâu. Có hai mỹ nhân đến. một người nhỏ dài như thể cành liễu yếu, một người mình ngắn tuổi trẻ hơn. Hai đằng cũng đẹp cả, đạo sĩ sai hát để mua vui cho cuộc rượu. Người trẻ tuổi đánh phách mà hát, người lớn tuổi thổi sáo mà họa lại. Tiếng nghe trong mà nhỏ tuyệt hay. Một khúc hát đã xong, đạo sĩ sai rót rượu mời cả khách một lượt. Lại quay lại hỏi người đẹp rằng:
    - Lâu không múa còn nhớ chăng?
    Liền có những đầy tớ đem chiếu trải ra ở dưới chỗ chiếu rượu, hai người con gái múa đối nhau. Áo dài phất tung, hương thơm bay loạn. Múa xong tựa nghiêng mình ở bức họa hình. Hai người khách thần hồn bay mất, không ngờ say quá lúc nào. Đạo sĩ cũng chẳng cần sự khoản tiếp nữa, chỉ cứ cất chén uống thật mạnh. Rồi đứng dậy bảo khách rằng:
    - Xin các ông cứ xơi rượu cho, tôi đi nghỉ một thoáng xin ra ngay. Nói xong liền đi.
    Ở dưới vách phía nam nhà, có bày một cái giường khảm xà cừ. Đứa con gái đem nệm gấm ra trải, ôm đỡ đạo sĩ lên nằm. Đạo sĩ kéo người đẹp mà dài, lên giường cùng gối nằm, sai người bé tuổi đứng ở bên dưới để xoa, gãi. Hai người khách thấy bộ trạng ấy, lấy làm khó chịu quá. Từ bèn nói to bảo rằng:
    - Đạo sĩ không được hỗn thế.
    Nói rồi định đến để quấy rối. Đạo sĩ vội trở mình trốn đi mất.
    Trời đã sáng, rượu và mộng cùng tỉnh ra, thấy một vật gì ở trong lòng lạnh thấu điếng người. Dậy nhìn xem, thời là mình ôm một hòn đá dài mà nằm dưới hầm vậy. Vội trông lại Từ, thấy Từ vẫn chưa tỉnh, mà đầu gối vào một hòn gạch vỡ, ngủ say bét như ở chuồng tiêu. Đá cho một đá, thức dậy cùng nhau lấy làm sợ. Lại nhìn khắp bốn phía thì thấy đầy một sân cỏ rậm, hai gian nhà nát mà thôi.

    Thiều gia - theo Liêu Trai Chí Dị/Bồ Tùng Linh
    Lần sửa cuối bởi thieugia; 31-01-2014 lúc 01:10 AM
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #48
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    CHÂU NHI

    Sách trái nhân tiên phản dạ đài
    Cảm ân hồn hựu phụ thi lai
    Châu nhi chân tự Châu như ý
    Bất cách u minh nhậm vãng lai



    Tổng Đông Châu, huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Nam có phú thương họ Lý tên Hóa, có trên trăm mẫu ruộng, trên ngàn cân vàng. Năm Lý ông tứ tuần, Lý bà mới sanh được một gái, đặt tên là Tiểu Huệ, tư dung cực kỳ di*ễm lệ. Ông bà thương yêu con lắm. Hàng ngày, Lý ông cứ cầu Trời khấn Phật cho vợ mình sanh được một trai để nối dõi tông đường, nhưng trước sau ông bà vẫn chỉ có một mụn gái. Dinh cơ rộng lớn, con cái hiếm hoi nên nhà cửa rất lạnh lẽo.

    Năm 14 tuổi, Tiểu Huệ đột nhiên bị bạo bệnh mà mất. Nhà cửa Lý ông đã lạnh lẽo lại lạnh lẽo thêm. Thấy mình đã già, không sanh con được nữa, Lý bà bèn cưới cho chồng một cô vợ lẽ, người họ Ngô.

    Năm sau, Ngô thị sanh được một trai, đặt tên là Châu. Cả nhà quý Châu như hạt ngọc, gọi là Bé Châu. Bé Châu hay ăn chóng lớn, bụ bẫm tròn trịa, tính tình dễ* thương, nhưng cử chỉ chậm chạp, nói năng ngọng nghịu, hành động dại dột, trí óc trì độn. Năm lên 6, Bé Châu vẫn chưa phân biệt nổi đậu với thóc.

    Trên núi Cao Sơn, tổng Đông Sơn, có ngôi chùa Quỳnh Liên. Trụ trì ngôi chùa là một thiền sư chột mắt, họ Vệ. Vệ thiền sư thường xuống núi, tới nhà dân trong tổng quyên tiền. Dân chúng đồn rằng thiền sư có tài nói đúng các sự việc xảy ra cho từng người, nhưng lại có tà thuật sát hại người. Vì thế, khi thiền sư tới nhà ai quyên tiền, thì dù chủ nhà có ghét, vẫn phải đem tiền ra biếu, vì sợ làm phật ý thiền sư, gia đình mình sẽ bị tai họa.

    Thấy thiền sư cứ ỷ vào tà thuật để bắt nạt dân, Lý ông ghét lắm.

    Một sáng mùa đông, thiền sư xuống núi, tới nhà Lý ông quyên một trăm quan tiền. Vốn ghét thiền sư, Lý ông chỉ cho một chục quan. Thiền sư không nhận. Lý ông cho thêm chục quan nữa. Thiền sư vẫn không nhận. Lý ông lại cho thêm chục quan nữa. Thiền sư nổi giận, nói:"Giàu có mà keo kiệt! Phải nạp đủ trăm quan, không được thiếu một đồng!" Lý ông cũng nổi giận, nói:"Ăn mày đòi xôi gấc, ăn xin mà hống hách. không nhận thì cút đi!" rồi cho tiền vào túi. Thiền sư giận quá, mặt đỏ gay, đứng phắt dậy, dọa: "Đừng có hối!" rồi vùng vằng bỏ đi.


    Tuần sau, Bé Châu đang khỏe mạnh, đột nhiên bị chứng đau bụng kịch liệt, lăn lộn trên giường, mặt xám như tro. Cả nhà, ai cũng nghĩ rằng thiền sư đang dùng tà thuật để sát hại Bé Châu. Lý bà và Ngô thị cùng khuyên chồng nên đem tiền lên chùa biếu thiền sư để xin thiền sư tha cho Bé Châu. Vì nể vợ thương con, Lý ông đành đếm đủ trăm quan, đem lên chùa. Gặp thiền sư, Lý ông nói:"Con tôi bị chứng đau bụng kịch liệt, mong hòa thượng cứu chữa cho. Tôi xin tạ hòa thượng một trăm quan" Vì vẫn còn hận Lý ông, thiền sư mỉa mai từ chối:"Kiếm được một trăm quan cũng không phải là dễ*, nhưng bần tăng không dám nhận vì bần tăng chỉ là một thầy chùa nghèo trên sơn tự vắng, có tài chi mà cứu chữa cho ai?" Biết thiền sư không chịu tha cho con mình, Lý ông đành đem tiền về.

    Tới ngõ, thấy cả nhà đang khóc, Lý ông đã chột dạ. Vào nhà, thấy Bé Châu đã chết, Lý ông đau đớn lắm, hận thù thiền sư vô cùng.

    Hôm sau, Lý ông sai gia nhân làm lễ mai táng trọng thể cho con. Tang lễ xong, Lý ông lên huyện đường nạp đơn kiện thiền sư đã dùng tà thuật sát hại con mình. Quan tể đọc đơn, nửa tin nửa ngờ, sai lính lên chùa bắt thiền sư xuống huyện đường đối chất. Trong lúc quan hỏi cung, thiền sư trả lời rất hỗn xược. Quan giận lắm, sai lính nọc ra đánh mười roi. Đánh vào mông, nghe tiếng kêu bồm bộp như đánh vào mo cau, lính lấy làm lạ, bèn trình quan. Quan nghi là thiền sư có lót vật độn bên trong y phục, bèn sai lính lột cà sa ra khám thì bắt được 5 lá cờ xí, 1 cỗ quan tài, 2 hình nhân gỗ, tất cả đều nhỏ như đồ chơi trẻ con. Quan giận lắm, hỏi:"Có phải nhà ngươi đã dùng những yêu vật này để sát hại Lý Châu không?" Thiền sư đáp:"Không phải" Hỏi: "Thế thì dùng để làm chi?" Đáp:"Để làm đồ chơi, bố thí cho trẻ con nghèo" Quan quát:"Chỉ nói láo. Đồ chơi bố thí thì việc chi phải giấu? Đúng là những yêu vật để sát hại trẻ con!" Nói xong, quan múa tay bắt quyết, thành thạo tựa pháp sư. Ngỡ là quan biết phép hóa giải yêu vật của mình, thiền sư chột dạ, bèn nhận tội. Quan liền lên án tử hình. Thiền sư kinh hãi, van lạy xin tha. Quan không tha, cứ ra lệnh cho lính đánh đủ trăm roi rồi giam vào ngục, chờ ngày hành quyết. Bị lính đánh quá tay, thiền sư không chịu nổi, chết ngay giữa huyện đường. Quan bèn sai lính đem xác đi chôn.

    Thấy thiền sư đã chết, Lý ông cũng hả dạ, bèn lạy tạ quan rồi xin phép ra về. Khi trời nhá nhem tối, Lý ông về tới nhà, vào thẳng phòng Lý bà, leo lên giường ngồi, thuật cho Lý bà nghe chuyện Vệ thiền sư bị lính đánh chết. Bỗng có một đứa bé chừng 7 tuổi bước vào phòng, hỏi Lý ông:"Sao ông đi nhanh thế? Cháu chạy theo hụt cả hơi mà vẫn không bắt kịp!"

    Kinh hãi quá, Lý ông toan lên tiếng hỏi xem nó là ai thì thấy nó đã biến mất. Đảo mắt nhìn quanh, thấy nó đang ngồi chễm chệ ngay cạnh mình, Lý ông bèn co cẳng đạp nó xuống sàn. Nó té rất nhẹ nhàng, không gây một tiếng động. Nằm dưới sàn, nó mỉm cười mà hỏi:"Sao ông lại đạp cháu?" Lý ông chưa kịp đáp thì đã thấy nó lại đang ngồi chễm chệ ngay cạnh mình. Kinh hãi quá, Lý ông thét lớn:"Nhà có ma!" rồi vùng dậy, kéo Lý bà xuống bếp, bảo bà đóng cửa lại mà nằm im.


    Rồi Lý ông chạy tới phòng Ngô thị gõ cửa. Ngô thị vừa mở cửa thì thấy Lý ông nhảy vọt vào phòng, quay mình khóa cửa thực kỹ. Không biết là có chuyện chi, Ngô thị chỉ trố mắt nhìn chồng.

    Chợt thấy có kẻ túm ống quần mình mà lắc, Lý ông cúi nhìn xem là ai. Thấy lại là đứa bé vừa rồi, Lý ông kinh hoàng tột độ, quát ầm lên:"Mi là thằng bé nào mà cứ theo ta mãi thế?" Đứa bé mỉm cười, đáp:"Cháu là một thằng bé cũng bị Vệ thiền sư giết chết như Bé Châu nhà ông!" Hỏi:"Họ tên mi là chi?" Đáp:"Cháu họ Lưu, tên Cảnh Chiêm" Hỏi:"Quê mi ở đâu?" Đáp: "Ở Tô Châu" Hỏi:"Vệ thiền sư quen biết mi ra sao?" Đáp:"Vệ thiền sư đâu có quen biết gì cháu!" Hỏi:"Không quen biết gì mi, mà sao lại giết mi?" Đáp:"Vì năm ngoái, cha mẹ cháu cùng mất, anh ruột và chị dâu cháu chiếm cứ ngôi nhà, đuổi cháu đi. Thấy thế, ông bà ngoại cháu đem cháu về nuôi. Một hôm, cháu đang đứng chơi ỏ trước cổng nhà ông bà ngoại cháu thì Vệ thiền sư từ xa đi tới, tay cầm một lọ thuốc dí vào mũi cháu, khiến cháu bị mê đi. Thiền sư bèn bế cháu tới một nương dâu vắng mà giết, vứt xác ở gốc dâu!" Hỏi:"Tại sao bây giờ mi lại tới đây quấy nhi*ễu ta?" Đáp:"Cháu đâu có tới đây quấy nhi*ễu ông!” Hỏi:"Thế mi tới đây để làm chi ?" Đáp:”Để xin ông nhận cháu làm con nuôi!" Hỏi:"Mi xin làm con nuôi ta để làm chi?" Đáp:"Để trả ơn ông!" Lý ông hỏi:”Ta có giúp mi việc chi đâu mà mi phải trả ơn?” Cảnh Chiêm đáp:”Có! Ông đã giúp cho cháu được hả dạ!” Lý ông hỏi: ”Hả dạ về việc chi?” Cảnh Chiêm đáp:”Về việc ông đã đi kiện Vệ thiền sư khiến thiền sư bị lính đánh chết! Thưa ông, vì cháu bị chết oan, linh hồn chưa được siêu thoát nên chưa được đi đầu thai. Hôm nghe tin ông kiện Vệ thiền sư nơi quan tể, cháu bèn lén lính canh cổng âm phủ, trốn lên dương thế, tới huyện đường coi. Thấy thiền sư bị lính đánh chết, cháu hả dạ lắm. Trở về âm phủ, cháu nhờ tào quan xin với Diêm Vương cho cháu được làm con nuôi ông. Diêm Vương đã chấp thuận rồi!" Lý ông nói:"Tuy Diêm Vương đã chấp thuận rồi, nhưng mi là ma, ta là người, thì làm sao ta có thể nhận mi làm con nuôi được?" Cảnh Chiêm cười, nói:"Được chứ sao không? Ông chỉ cần cho cháu một phòng nhỏ, một giường nệm, mỗi ngày một bát cháo loãng là đủ!"

    Lý ông bèn quay hỏi Ngô thị:"Có nên nhận nó làm con nuôi không?" Ngô thị đáp:"Thì ông cứ thử nhận xem sao" Lý ông lại xuống bếp hỏi ý kiến Lý bà. Lý bà cũng đáp như Ngô thị. Lý ông bèn nhận Cảnh Chiêm làm con nuôi, cho nó vào ở phòng cũ của Bé Châu, đầy đủ giường nệm, rồi dặn gia nhân mỗi ngày bưng vào phòng cho nó một bát cháo loãng. Cảnh Chiêm mãn nguyện lắm. Ban ngày, nó chỉ nằm trên giường, tối đến mới ngồi dậy, ra sân chơi. Thấy nó, ai cũng ngỡ là người sống chứ chẳng ai nghĩ nó là ma.

    Bốn hôm sau. Tối đến, Cảnh Chiêm ra sân chơi. Nghe tiếng Ngô thị khóc con, nó tới gõ cửa. Ngô thị ra mở. Nó xin vào nói chuyện. Ngô thị cho vào. Nó hỏi:"Mẹ ơi, Bé Châu chết đã bao lâu rồi?" Ngô thị đáp:"Đã 7 ngày" Nó nói:"Bây giờ đang giữa mùa đông, tiết trời lạnh lắm, chắc xác Bé Châu chưa hư. Mẹ thử nói với Bố cho khai mộ Bé Châu lên coi. Nếu quả xác nó chưa hư thì con có thể nhập vào xác nó, khiến nó sống lại!" Ngô thị bèn đi tìm Lý ông, thuật lại lời Cảnh Chiêm. Nghe xong, Lý ông mừng lắm.

    Sáng sau, Lý ông sai một toán gia nhân ra khai mộ Bé Châu rồi dẫn Cảnh Chiêm ra coi. Khi mở nắp quan tài, thấy xác con, Lý ông thương cảm, ứa nước mắt. Chợt thấy Cảnh Chiêm biến mất, Lý ông nghĩ là nó đã nhập vào xác con mình, bèn sai gia nhân bế xác Bé Châu về nhà, đem vào phòng, đặt lên giường. Lát sau, Bé Châu sống lại, nhưng vì còn yếu, chỉ nằm trên giường.

    Nghe tin, cả nhà kéo nhau lên coi. Thấy Bé Châu đòi uống nước nóng, gia nhân vội chạy đi lấy. Bé Châu uống xong, mồ hôi vã ra, ngồi nhổm dậy, nói chuyện rất hoạt bát khôn ngoan, không ngọng nghịu như trước, khiến cả nhà phải ngạc nhiên.

    Tối đến, Bé Châu nằm ngủ. Lát sau, Ngô thị vào thăm thì thấy nó lại nằm cứng đơ. Lấy tay sờ mũi, không thấy hơi thở, Ngô thị kinh hãi, hô hoán ầm lên. Cả nhà huyên náo, cùng chạy lên coi. Thấy thân xác nó chẳng cục cựa, ai cũng thở dài, nghĩ rằng nó lại chết. Mọi người đành để nó nằm yên trên giường, ai về phòng nấy.

    Còn nữa...
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  9. #49
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Châu Nhi

    Tiếp theo


    Sáng sau, gia nhân vào coi, thấy Bé Châu sống lại, bèn hô hoán ầm lên. Cả nhà lại chạy lên coi. Thấy Bé Châu cứ chết đi sống lại, Lý ông lấy làm lạ, bèn hỏi:"Tối qua con đã chết, sao sáng nay lại sống?" Bé Châu đáp:"Tối qua con đâu có chết! Con theo Bé Kha xuống âm phủ chơi, sáng nay mới về" Hỏi:"Bé Kha là ai?" Đáp:"Là một đứa bé cũng bị Vệ thiền sư sát hại như con. Hôm thiền sư giết con, ổng còn giết thêm hai đứa nữa, một đứa tên Kha, một đứa tên Tản" Lý ông hỏi:"Bé Kha ở với ai?" Bé Châu đáp:"Nó ở với Khương viên ngoại" Hỏi:"Nó quen biết với Khương viên ngoại ra sao?" Đáp:"Nó có quen biết chi đâu! Vì thấy ổng không con, Diêm Vương mới bắt nó tới làm con nuôi ổng" Hỏi:"Ở với ổng, nó có được đầy đủ không?" Đáp:"Vì ổng giàu có nên nó cũng được đầy đủ!" Hỏi:"Nó có biết chuyện con được sống lại không?" Đáp:"Có" Hỏi:"Tối qua, con đi đâu gặp nó?" Đáp:"Tối qua, con có đi ra ngoài đâu! Nó lén lính canh cổng âm phủ, trốn lên đây thăm con rồi rủ con xuống nhà Khương viên ngoại ở chơi với nó một đêm để chuyện trò từ biệt" Lý ông hỏi:"Sáng nay, ai đưa con về?" Bé Châu đáp:"Bé Kha!" Hỏi: "Về bằng gì?" Đáp:"Bằng ngựa của viên ngoại!". Lý ông lại hỏi:"Ở âm phủ, con có biết đứa bé nào họ Lưu, tên Cảnh Chiêm không?" Bé Châu đáp:"Chính là con đây! Con có phải là Bé Châu đâu! Con chỉ mượn xác Bé Châu để sống lại thôi. Vì thế, từ nay xin Bố gọi con là Bé Chiêm!" Vỡ lẽ, Lý ông bèn bắt mọi người trong nhà phải gọi Bé Châu là Bé Chiêm.

    Nghe Bé Chiêm nói, Ngô thị bèn hỏi:"Thế ở âm phủ, con có gặp Bé Châu không?" Bé Chiêm đáp:"Có, nhưng nó đã chuyển sinh rồi" Hỏi: "Chuyển sinh làm con ai?" Đáp:"Làm con phú thương họ Nghiêm, tên Tử Phương" Hỏi:"Sao con biết?" Đáp:"Nó thuật lại cho con nghe!" Hỏi:"Nó thuật như thế nào?" Đáp:"Nó thuật rằng Diêm Vương sai quỷ sứ gọi nó vào điện, bảo cho nó biết là Bố với nó không có duyên cha con. Trước kia, Bố có nợ ông Nghiêm Tử Phương 11 vạn đồng. Bố chưa kịp trả thì ổng đã chết. Vì thế, Diêm Vương cho nó lên dương thế làm con Bố để Bố dùng nó thay tiền mà trả nợ ổng. Hôm nọ ổng mới biết nó là con Bố nên ổng xin Diêm Vương cho ổng lên dương thế bắt nó xuống âm phủ làm con, để trừ nợ. Diêm Vương thuận cho. Ổng bèn lên dương thế, tới nhờ Vệ thiền sư bắt nó cho ổng. Vì thế, Vệ thiền sư mới giết chết nó. Như vậy là Bố đã hết nợ ông Nghiêm Tử Phương rồi!"

    Đứng nghe Bé Chiêm nói, Lý ông giật mình kinh hãi, tóc gáy dựng ngược, mồ hôi toát ra. Lý ông thầm nghĩ:"Khi còn ít tuổi, mình có đi buôn ở Kim Lăng. Khi mua hàng của ông Nghiêm Tử Phương, quả thực mình còn nợ ổng 11 vạn đồng. Mình đang gom tiền để trả thì nghe tin ổng mất. Tuy nhiên, ngoài ổng với mình ra, có ai biết chuyện này đâu!" Vì thế. khi nghe Bé Chiêm nói, Lý ông tin ngay.

    Lý bà cũng hỏi:"Thế ở âm phủ, con có gặp chị Tiểu Huệ không?" Bé Chiêm đáp:"Không. Nhưng sớm muộn gì thì con cũng sẽ hỏi được tin tức về Chị cho mẹ. Nhưng xin mẹ cho con biết hồi sinh thời Chị có thích thứ gì đặc biệt không?" Lý bà đáp:"Có. Hồi sinh thời, nó thích nhất là hoa tú đế. Một hôm, nó dùng kéo để cắt móng tay. Chẳng may nó bị kéo cắt đứt tay, máu nhuộm đỏ áo. Nó bèn lấy máu vẽ một bông hoa tú đế trên lụa. Từ hôm ấy, thỉnh thoảng nó lại lấy kéo cắt đứt ngón tay để lấy máu vẽ hoa. Bức tranh nó đắc ý nhất, bây giờ Mẹ vẫn còn giữ làm kỷ vật, treo ở đầu giường nó!"

    Ba hôm sau. Sáng ra, Bé Chiêm chạy tới phòng Lý bà, nói:"Mẹ ơi, chị Tiểu Huệ bây giờ sung sướng lắm" Lý bà hỏi:"Sao con biết?" Bé Chiêm đáp: "Đêm qua, con xuống âm phủ thăm Bé Kha, được gặp Khương viên ngoại. Con hỏi viên ngoại xem ổng có biết gì về chị Tiểu Huệ không thì ổng gật đầu, nói rằng bây giờ Chị oai vệ lắm, cứ ra khỏi cổng là có cả trăm kẻ tiền hô hậu ủng vì Chị đã thành hôn với Thạch công tử, con trai út của Sở Giang Vương. Con bèn xin ổng dẫn con đi gặp Chị. Ổng ưng thuận, rồi dẫn con tới dinh thự của Thạch công tử. Vào sảnh đường, con thấy Chị điểm trang lộng lẫy, đầu tóc giắt đầy châu thúy" Hỏi:"Thế sao nó không về dương thế thăm nhà?" Đáp:"Có phải là ma nào cũng về dương thế thăm nhà được đâu? Thường thì khi người ta chết, ai cũng quên hết mọi việc hồi sinh thời, quên cả cha mẹ. Chỉ có những người ưa thích một thứ gì đặc biệt, thì sau khi chết, nếu có ai nhắc tới, may ra mới nhớ lại được mà thôi!" Hỏi:"Nó đối xử với con ra sao?" Đáp:"Chị đối xử với con thân mật và tử tế lắm. Khi viên ngoại giới thiệu con với Chị xong, Chị liền bảo con lên chiếc sập san hô trong sảnh đường ngồi nói chuyện với Chị. Khi con nói trên dương thế, Bố Mẹ nhớ Chị lắm thì Chị không hiểu chi cả, chỉ ngơ ngác nhìn con như người mơ ngủ. Con bèn nhắc hồi sinh thời Chị ưa lấy máu ngón tay để vẽ hoa tú đế lắm thì Chị mới nhớ lại được, rồi thở dài não nuột"

    Lý bà hỏi:"Nó có đả động chi đến chuyện về thăm nhà không?" Đáp:"Có. Chị nói với con rằng Chị sẽ nhờ Thạch công tử xin với Sở Giang Vương và phu nhân cho phép Chị về thăm Bố Mẹ" Hỏi:"Nó có nói là hôm nào sẽ về không?" Đáp:"Không". Tuần sau, Lý ông đưa Ngô thị về thăm Ngô gia.

    Một sáng, Bé Chiêm chạy tới phòng Lý bà, nói:"Hôm nay chị Tiểu Huệ sẽ về nhà thăm Bố Mẹ" Lý bà hỏi:"Bao giờ thì nó về tới đây?" Bé Chiêm đáp:"Cũng sắp rồi. Chị có dắt theo một đoàn tùy tùng, đông lắm. Mẹ nên mua lấy ít tiền giấy mà đốt để cho bọn họ có chút tiền tiêu và sửa soạn cho bọn họ một bữa rượu thịt" Lý bà vội sai tiểu đồng chạy ra chợ mua tiền giấy và đốc thúc gia nhân sửa soạn rượu thịt.


    Lát sau, Bé Chiêm lại chạy đi tìm Lý bà, nói:"Mẹ ơi, chị Tiểu Huệ đã về tới đây rồi! Chị đang đứng trên phòng khách kia kìa!" Lý bà cùng gia nhân vội theo Bé Chiêm lên phòng khách, nhưng chẳng thấy ai. Lý bà hỏi: "Chị Tiểu Huệ đâu?" Bé Chiêm không đáp, chỉ quay ra nói chuyện với Tiểu Huệ:"Chị hãy ngồi xuống sập này mà nghỉ chân, đừng đứng đó mà khóc nữa!" Mọi người trong phòng đều lắng nghe tiếng khóc nhưng chẳng ai nghe thấy gì. Bé Chiêm quay ra giục Lý bà:"Mẹ hãy sai người đem tiền giấy ra cổng đốt rồi bưng rượu thịt ra cho đoàn tùy tùng của Chị ăn uống!" Lý bà bèn sai gia nhân làm theo lời. Bé Chiêm cũng theo gia nhân ra cổng xem chúng đốt tiền giấy và bày rượu thịt.

    Lát sau, nó chạy vào nói với Lý bà:"Mẹ ơi, chị Tiểu Huệ cũng ra cổng xem đoàn tùy tùng ăn uống và chia tiền. Chị ra lệnh cho bọn họ được tự do, trưa mai mới phải trở lại đón chị" Nói xong, nó lại chạy ra cổng.

    Lát sau, nó lại chạy vào nói với Lý bà:"Mẹ ơi, chị Tiểu Huệ vào nhà rồi! Chị nói với con rằng hồi sinh thời, Chị có cái chăn thêu với đường viền kép, bị đuốc hoa đốt cháy mất một lỗ tròn bằng hạt đậu rồi bảo con hỏi mẹ xem chăn ấy có còn không?" Lý bà đáp:"Còn!" rồi đi lấy chăn đem ra. Bé Chiêm nói:"Chị vào phòng cũ của Chị rồi! Chỉ bảo con thưa với mẹ rằng vì đi đường xa nên bây giờ Chị mệt lắm, rất buồn ngủ. Sáng mai Chị sẽ xin hầu chuyện mẹ. Chị cũng dặn con nếu mẹ đem chăn ra thì đem vào phòng cho Chị!" Nghe Bé Chiêm nói, Lý bà bèn về phòng.

    Hàng xóm phía đông của Lý ông là một gia đình họ Triệu. Ông bà Triệu có ái nữ tên Bích Hằng kém Tiểu Huệ hai tuổi. Hồi sinh thời, Bích Hằng với Tiểu Huệ thân nhau lắm. Đêm ấy, Bích Hằng mộng thấy Tiểu Huệ quấn khăn vàng, mặc áo tía, tới thăm mình, mỉm cười, nói:"Em chớ kinh hãi. Bây giờ chị đã là ma, đang về thăm nhà nhưng không có hình hài để nói chuyện với Bố Mẹ. Sáng mai, em làm ơn cho chị mượn hình hài của em một buổi để chị về nói chuyện với Bố Mẹ"

    Sáng sau, Bích Hằng ngủ dậy, thuật lại giấc mộng cho mẹ nghe. Vừa thuật xong, Bích Hằng té xuống đất, nằm hôn mê. Triệu bà kinh hãi, chẳng biết làm thế nào. Lát sau, Bích Hằng tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn Triệu bà, nói: "Thím Triệu với Tiểu Huệ mới xa nhau đây mà thấm thoắt đã 7 năm rồi. Tóc thím Triệu đã bạc trắng cả!" Triệu bà càng kinh hãi, nhìn con, hỏi:"Con có điên không?" Bích Hằng không đáp, chỉ chắp tay cúi đầu chào mẹ rồi vọt ra cổng, chạy sang nhà Lý ông.

    Tới nơi, Bích Hằng chạy thẳng đến phòng Lý bà, đẩy cửa bước vào. Thấy Lý bà đứng ở góc phòng, Bích Hằng chạy tới ôm chầm lấy mà khóc. Lý bà kinh hãi, chẳng hiểu tại sao con gái nhà hàng xóm lại chạy sang nhà mình, ôm lấy mình mà khóc? Đột nhiên, Bích Hằng nói:"Con về nhà từ sáng hôm qua nhưng vì đi đường xa bị mệt nên chưa hầu chuyện Bố Mẹ được. Trước kia, con sống với Bố Mẹ, chưa được nửa đường đã bỏ ra đi, khiến Bố Mẹ đau lòng. Con đã phạm tội bất hiếu, bây giờ biết chuộc cách nào đây?"

    Vỡ lẽ, Lý bà bật khóc, nói:"Bố Mẹ đau lòng lắm, nhưng bây giờ nghe tin con được phú quý, Bố Mẹ cũng vui mừng" Bích Hằng hỏi:"Bố với dì Ngô có nhà không?" Lý bà đáp:"Đi vắng cả!" Rồi Lý bà hỏi:"Làm dâu một gia đình vương giả mà sao con lại được về thăm nhà dễ* dàng như thế này?" Bích Hằng đáp:"Vợ chồng con cực kỳ hòa thuận, tương đắc. Bố mẹ chồng con cũng rất thương yêu con nên khi con nhờ chồng con xin phép cho về thăm nhà thì bố mẹ chồng con cho phép ngay" Nói xong, Bích Hằng buông Lý bà, chạy tới tường, đứng dựa lưng, nghiêng đầu, chống má, giống hệt điệu bộ của Tiểu Huệ hồi sinh thời. Thấy thế, Lý bà càng thương cảm, cứ sụt sùi mãi. Sau đó, Lý bà dắt Bích Hằng lên giường ngồi hàn huyên tâm sự.

    Còn nữa...
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  10. #50
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Châu Nhi


    Tiếp theo


    Đến trưa, bỗng Bé Chiêm chạy từ cổng vào phòng Lý bà, nói:"Đoàn tùy tùng của chị Tiểu Huệ đã tới ngoài cổng, tề tựu đông đủ rồi!" Bích Hằng vội đứng dậy, chắp tay cúi đầu chào Lý bà, vừa khóc vừa nói:"Thôi, con phải đi đây. Mẹ cho con gửi lời chào Bố với dì Ngô!" Nói xong, Bích Hằng té xuống đất nằm hôn mê. Lát sau, Bích Hằng tỉnh lại. Lý bà bèn sai gia nhân đưa Bích Hằng về nhà.

    Tuần sau, Lý ông cùng Ngô thị từ Ngô gia về. Mấy hôm sau, đột nhiên Lý ông bị bệnh nặng. Lý bà cho mời thầy thuốc tới xem mạch, hốt thuốc cho chồng nhưng bệnh tình của Lý ông chẳng hề thuyên giảm. Bé Chiêm vào phòng thăm Lý ông rồi ra nói với Lý bà:"Có hai con quỷ đang ngồi ở đầu giường Bố, một con cầm trượng sắt, một con cầm dây thừng. Con năn nỉ chúng tha cho Bố, nhưng chúng không chịu. Vậy thì Bố sắp mất rồi!" Nghe thấy thế, Lý bà mếu máo, sai gia nhân chuẩn bị khăn liệm, quan quách cho chồng.

    Tối ấy, đột nhiên Bé Chiêm lại chạy từ cổng vào phòng Lý ông, hét lớn:"Những kẻ dơ bẩn và đàn bà con gái hãy ra khỏi phòng này ngay. Chồng chị Tiểu Huệ là Thạch công tử, sắp tới thăm Bố đó!" Mọi người trong phòng đều kinh hãi, kéo nhau chạy ra khỏi phòng. Nửa giờ sau, Bé Chiêm lại tìm gặp Lý bà, vỗ tay cười, nói:"Mẹ ơi, con mắc cười quá!" Lý bà hỏi:"Mắc cười về chuyện chi?" Đáp:"Về chuyện hai con quỷ ngồi ở đầu giường Bố. Khi nghe tin Thạch công tử sắp tới, chúng sợ xanh mặt, rủ nhau rúc xuống gầm giường Bố để trốn, trông giống hệt hai con rùa".

    Nói xong, Bé Chiêm lại chạy ra giữa sân, ngửa mặt lên trời mà nói: "Thạch đại ca đấy ư? Em là Bé Chiêm, em của chị Tiểu Huệ đây" Thế rồi nó cứ đứng ở giữa sân, ngửa mặt lên trời mà nói chuyện với Thạch công tử. Lát sau, nó lại vỗ tay cười, nói:"Hai con quỷ mọi rợ này thực là ngu xuẩn. Tôi đã năn nỉ chúng mãi mà chúng chẳng chịu tha cho Bố. Bây giờ thì tôi khoái chí quá!" Nói xong, nó chạy ra cổng.

    Lát sau, nó lại chạy vào nhà, nói với Lý bà:"Mẹ ơi, Thạch công tử đã bắt hai con quỷ ấy đi rồi. Công tử lôi chúng từ gầm giường Bố ra, lấy dây trói lại rồi treo lủng lẳng ở cổ ngứa. Như vậy là Bố sẽ không sao hết, Mẹ khỏi phải sửa soạn ma chay cho Bố. Công tử nói với con là sẽ về tâu với Diêm Vương, xin cho cả ba Bố Mẹ thọ đủ trăm tuổi!" Thấy nó nói thế, cả nhà đều mừng. Đêm ấy, đột nhiên bệnh tình của Lý ông thuyên giảm rõ rệt. Ba ngày sau, Lý ông khỏi hẳn bệnh.

    Lý ông bèn mời thầy đồ tới nhà dạy Bé Chiêm học. Nó học rất thông minh. Năm 18 tuổi, nó được nhận vào học ở trường huyện. Tuy sống trên dương thế nhưng nó vẫn có thể nhìn thấy mọi vật dưới chốn u minh. Vì vậy, ở trong làng, nhà nào có bệnh nhân bị ma làm cũng mời nó tới nhà đuổi ma cho. Nó tới nhà bệnh nhân, chỉ chỗ ngồi của ma rồi bảo người nhà lấy lửa đốt, khiến ma sợ, phải bỏ chạy. Thế là bệnh nhân khỏi bệnh.

    Năm Bé Chiêm 20 tuổi, một hôm chính nó bị bệnh nặng, người cứ gầy dộc đi, da dẻ xanh xao vàng vọt. Lý bà bảo nó:"Con hãy chỉ chỗ ma ngồi trong nhà mình để Mẹ lấy lửa đốt cho con được khỏi bệnh!" Nó cười, đáp: "Ma đâu có làm gì được con. Bệnh của con là do thần linh trách phạt về tội tiết lậu thiên cơ. Mươi hôm nữa, hết hạn phạt, con sẽ khỏi!"


    Quả nhiên, mười ngày sau nó khỏi bệnh. Từ đó về sau, chẳng bao giờ Bé Chiêm đả động chi đến những chuyện dưới chốn u minh nữa./.

    Backieuphong: Theo Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh (bản dịch của GS Đàm Quang Hưng - Giáo Sư Toán Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •