Trang 7/8 ĐầuĐầu ... 5678 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 61 tới 70 của 72

Chủ đề: Tạp Lục Truyện (Quỷ thần - Ma mãnh truyện) !

  1. #61
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    A Tú


    Tiếp theo

    Hôm sau, Tử Cố bỏ tiền ra nhờ một bà mối họ Phó ở huyện Cái tới tiệm tạp hóa hỏi A Tú cho mình. Tới nơi, thấy chỉ có một mình Diêu bà ở tiệm, Phó bà lên tiếng hỏi:"Tiên sinh với tiểu thư đâu rồi?" Diêu bà đáp:"Cháu đang ở Quảng Ninh chơi với các cô em họ, còn ông nhà lão thân thì đang trên đường đi đón cháu về!" Phó bà nói:"Hôm nay lão thân tới đây là để hỏi tiểu thư A Tú cho công tử Tử Cố, con của Lưu bà ở huyện Hải Châu!" Diêu bà đáp:"Chuyện này thì lão thân chẳng dám quyết định! Chờ ông nhà lão thân và cháu về, lão thân sẽ thuật lại để xem ông nhà lão thân và cháu quyết định ra sao!" Phó bà hỏi:"Khi nào thì tiên sinh và tiểu thư mới về?" Diêu bà đáp:"Thực tình thì lão thân cũng chẳng rõ, nhưng nếu lão bà muốn biết thì để khi nào ông nhà lão thân và cháu về tới nhà, lão thân sẽ xin báo tin để lão bà biết ngay!"

    Phó bà về thuật lại cho Tử Cố nghe. Tuy sốt ruột, nhưng chẳng biết làm sao hơn, Tử Cố đành ở lại huyện Cái để chờ Diêu ông về. Mười hôm sau, chợt nghe đồn trong huyện Cái có một đám giặc nổi lên cướp phá, Tử Cố không tin. Thế nhưng, khi thấy huyện dân nhớn nhác bỏ chạy, Tử Cố mới kinh hãi, vội trả nhà lại cho chủ, bảo Bành Xích rong xe cho mình về Hải Châu. Dọc đường gặp giặc, chủ tớ đều bị giặc bắt, mỗi người bị giam một nơi. Thấy Bành Xích cường tráng, đám giặc canh phòng cẩn mật, còn Tử Cố yếu đuối, đám giặc chỉ canh phòng lơ là. Nhờ thế, đêm ấy, Tử Cố lẻn được ra chuồng ngựa, lấy trộm được một con ngựa, phóng về Hải Châu. Tới địa giới Hải Châu, thấy đã thoát hiểm, Tử Cố mới cho ngựa đi thong thả. Chợt thấy một cô gái mặt mũi lem luốc, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới, đang thất thểu bước trên đường, ngay trước mắt mình, Tử Cố chẳng để ý, cứ cho ngựa bước vượt qua. Bỗng nghe thấy tiếng hỏi:"Có phải người đang cưỡi ngựa kia là công tử họ Lưu, tên Tử Cố đó chăng?" Tử Cố mới giật mình, quay ngựa lại. Chợt nhận ra cô gái là A Tú, Tử Cố mừng lắm, nhưng vì đã bị chồn đánh lừa một lần, Tử Cố đâm ra e dè, chỉ hỏi:"Cô nương là ai?" Lộ vẻ ngạc nhiên, cô gái đáp:"Thiếp là A Tú đây mà! Công tử chẳng nhận ra sao?" Tử Cố lại hỏi:"Có thực cô nương là cô A Tú họ Diêu, ở huyện Cái hay không?" Cức kỳ kinh ngạc, cô gái hỏi:"Sao công tử lại hỏi như thế?" Tử Cố chẳng đáp, chỉ xuống ngựa, buộc ngựa vào gốc cây bên đường, rồi bảo cô gái ngồi xuống gốc cây nói chuyện. Cô gái tuân lời.

    Tử Cố bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện con chồn cái già ở Phúc Châu đã hóa thành A Tú để đánh lừa mình. Nghe xong, cô gái nói:"Thiếp là A Tú thực, con gái ông chủ tiệm tạp hóa họ Diêu ở huyện Cái chứ chẳng phải là A Tú giả đâu!" Tử Cố hỏi:"Sao nàng lại lem luốc, rách rưới, tới đây một mình như thế này?" Cô gái đáp:"Nguyên là cha thiếp từ huyện Cái xuống Quảng Ninh đón thiếp về huyện Cái. Tới gần địa giới huyện Cái thì thiếp bị giặc bắt, còn cha thiếp thì được chúng thả cho vễ. Tên tướng giặc bồng thiếp lên mình ngựa, bắt thiếp ngồi sau, ôm quanh bụng y để y phóng ngựa. Vì ngựa phi nhanh, thiếp té xuống đất, lăn đi mấy vòng. Trong khi tên tướng giặc quay ngựa lại để bắt thiếp thì đột nhiên có một nữ lang ở đâu hiện ra, nắm lấy cổ tay thiếp mà kéo đi, nhanh hơn cả ngựa phi, khiến chân thiếp nâng cao khỏi mặt đất, còn tai thiếp thì chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vù vù. Khi thấy tiếng la hét của giặc đã xa dần rồi mất hẳn, nữ lang mới hạ chân xuống con đường này, buông cổ tay thiếp ra mà nói:"Thôi! Tạm biệt nghe! Cứ thủng thẳng đi theo con đường này thì sẽ gặp người yêu. Nếu y có rủ về nhà thì cứ theo y mà về!" Vì thế, thiếp mới tới đây một mình, mặt mũi lem luốc, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới!" Tuy chẳng nói ra, nhưng Tử Cố thầm nghĩ chắc nữ lang ấy là con chồn cái già ở Phúc Châu. Tử Cố lại hỏi:"Tại sao khi xuống Quảng Đông thăm quê, cha nàng đưa cả gia đình đi theo, mà khi trở về huyện Cái cha nàng lại để nàng ở lại?" Cô gái đáp:"Vì chú thiếp giữ thiếp ở lại để làm mối cho một chàng trai họ Phương ở Quảng Ninh!" Tử Cố hỏi:"Thế tại sao cha nàng lại xuống Quảng Đông đón nàng về?" Cô gái đáp:"Vì cha thiếp được chú thiếp báo tin là việc làm mối chẳng thành!" Lúc đó, Tử Cố mới hối hận là mình đã nghi oan cho cậu mình đặt chuyện!

    Tin chắc cô gái này là nàng A Tú họ Diêu ở chợ huyện Cái, Tử Cố bèn nhấc bổng A Tú lên lưng ngứa, rồi cưỡi chung ngựa về nhà mình ở Hải Châu. Tới nhà, Tử Cố đem ngựa vào chuồng rồi dẫn A Tú lên nhà chào mẹ. Thấy mẹ vẫn bình an mạnh khoẻ, Tử Cố mừng lắm, bèn giới thiệu A Tú với mẹ. A Tú vội chắp tay lạy Lưu bà. Lưu bà cũng chắp tay đáp l*ễ. Tử Cố bèn trình với mẹ đầu đuôi chuyến du hành của mình và chuyện gặp A Tú ở dọc đường. Nghe xong, Lưu bà mừng lắm, vội sai gia nhân đi lấy y phục và giỏ trang điểm mới cho A Tú rồi sai dẫn A Tú đi tắm gội. Tắm gội xong, A Tú mặc quần áo mới, rồi trang điểm, khiến dung quang sáng hẳn ra. Lưu bà mừng lắm, nói:"Đẹp như thế này thì thảo nào mà con trai ta chẳng mất cả hồn vía!" Rồi Lưu bà sai gia nhân kê thêm một chiếc giường trong phòng riêng của mình cho A Tú nằm.

    Hôm sau, Lưu bà sai gia nhân đem thư sang huyện Cái mời ông bà Diêu sang Hải Châu thăm con gái và quyết định việc hôn nhân cho con. Tuần sau. Ông bà Diêu cùng sang nhà Lưu bà. Sau khi thi l*ễ và thăm hỏi, Lưu bà dành phòng riêng của mình cho ông bà Diêu ở để hàn huyên với con. Tuần sau, Diêu ông bói ngày lành tháng tốt để làm lễ* vu quy cho con. Sau lễ* thành hôn, ông bà Diêu xin cáo biệt. Lưu bà đi ti*ễn khách đến mấy dặm đường mới quay về.

    Tối ấy, khi động phòng hoa chúc, Tử Cố lấy cái tráp đựng chiếc phong bì phấn ra khoe A Tú, rồi mở tráp, lấy chiếc phong bì còn nguyên dấu lưỡi của A Tú cho A Tú coi. A Tú cảm động, nước mắt lưng tròng. Mở phong bì ra coi, thấy chẳng có phấn mà chỉ có đất sét, Tử Cố kinh ngạc, hỏi:"Sao lại lạ thế?" A Tú cười, đáp:"Đã mấy năm rồi mà bây giờ chàng mới biết hay sao? Hôm chàng mua phấn cho đàn bà điểm trang, thiếp muốn đùa chàng nên đã lấy đất sét bỏ vào phong bì thay cho phấn! Sao hôm ấy chàng chẳng mở phong bì ra ngay mà coi xem là phấn thực hay phấn giả?" Trong khi hai vợ chồng đang đùa rỡn với nhau thì cửa phòng sịch mở, bức rèm được vén lên, rồi có tiếng nữ lang nói:"Hai người được hạnh phúc với nhau như thế này thì phải tạ ơn bà mối đi chứ?" Đưa mắt nhìn ra cửa, thấy một A Tú nữa, Tử Cố cực kỳ hoảng sợ, vụt chạy ra khỏi phòng, đi mời mẹ và cả nhà vào phòng mình coi. Lưu bà và đám gia nhân cùng đi theo Tử Cố. Vào phòng, thấy có hai A Tú giống hệt nhau, mọi người đều sửng sốt, chẳng ai biết được A Tú nào là A Tú thực, kể cả Tử Cố! Chăm chú nhìn hồi lâu, Tử Cố mới nhận ra vợ, bèn bảo vợ cùng mình quỳ xuống mà lạy tạ nữ lang.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #62
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    A Tú

    Tiếp theo...

    Nữ lang đòi mượn một tấm gương. Tử Cố vội đứng dậy, đi lấy gương đem tới. Nữ lang đỡ gương, cầm soi hồi lâu rồi đưa mắt nhìn A Tú chằm chặp tựa hồ như để so sánh hai nhan sắc. Đột nhiên nữ lang chạy vụt ra khỏi phòng. Mọi người cùng chạy theo để giữ lại thì nữ lang đã biến mất. Cảm cái ân nghĩa của nữ lang đã tác hợp cho vợ chồng mình, Tử Cố bèn thiết lập bàn thờ và bài vị để thờ nữ lang, gọi nữ lang là Hồ tỉ tỉ.


    Một tối, Tử Cố được bạn bè mời đi uống rượu. Khuya về, vào phòng, khoá cửa, thấy phòng tối thui, Tử Cố thắp đèn lên coi thì thấy giường trống, chẳng thấy vợ đâu. Toan lên tiếng gọi vợ, chợt nghe có tiếng gõ cửa, Tử Cố chạy ra mở thì thấy A Tú bước vào. Tử Cố hỏi:"Nàng đi đâu đó?" A Tú đáp:"Thiếp ra phòng khách pha trà!" Tử Cố nói:"Ta muốn nàng cùng ta lên giường ân ái!" A Tú cười, đáp:"Uống nhiều rượu quá, đàn bà nào chịu cho nổi? Mùi rượu nồng nặc, chẳng đàn bà nào chịu ngoại tình với đâu!" Tuy chẳng hiểu vợ muốn nói gì, Tử Cố cũng cười rồi nâng cằm vợ lên mà nựng nịu. A Tú hỏi:"So sánh nhan sắc của thiếp với nhan sắc của Hồ tỉ tỉ, chàng thấy ai đẹp hơn?" Tử Cố đáp:"Nàng đẹp hơn! Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thoáng qua diện mạo bên ngoài thì khó lòng mà phân biệt nổi!" A Tú cười, nói:"Chàng nói đúng đó! Thiếp thấy chàng chẳng thể phân biệt nổi thiếp với Hồ tỉ tỉ!"

    Chợt lại nghe có tiếng gõ cửa, Tử Cố chạy ra mở thì lại thấy một A Tú nữa bước vào. Kinh ngạc quá, Tử Cố chăm chú nhìn A Tú trước hồi lâu thì mới nhận ra đó là Hồ tỉ tỉ. Đột nhiên Hồ tỉ tỉ biến mất, rồi hai vợ chồng nghe thấy một chuỗi cười dòn dã từ xa vọng lại. Hai vợ chồng bèn chắp tay hướng về phía chuỗi cười mà vái lạy. Tử Cố khấn:"Xin Hồ tỉ tỉ cho vợ chồng Lưu mỗ được gặp mặt lại để nói chuyện!" Có tiếng đáp:"Thiếp chẳng muốn gặp mặt A Tú nữa!" Tử Cố hỏi:"Vì sao?" Có tiếng đáp:"Vì A Tú đẹp hơn thiếp!" Tử Cố hỏi:"Sao Hồ tỉ tỉ chẳng hiện hình với một diện mạo khác?" Có tiếng đáp:"Thiếp chẳng thể làm thế được!" Tử Cố hỏi:"Tại sao?" Có tiếng đáp:"Vì kiếp trước, thiếp với A Tú là hai chị em ruột trong cùng một gia đình! Một hôm mẹ dẫn hai chị em lên thiên cung gặp Tây Vương Mẫu! Thấy Tây Vương Mẫu đẹp quá, cả hai chị em cùng đem lòng ái mộ. Khi về, hai chị em cùng cố tu sửa nhan sắc mình cho giống Tây Vương Mẫu! Vì A Tú thông tuệ hơn nên thị chỉ cần tu sửa có một tháng mà nhan sắc của thị đã gần giống Tây Vương Mẫu! Thế rồi, chẳng may thị bị chết yểu. Còn lại một mình, thiếp phải tu sửa mất ba năm mà nhan sắc của thiếp cũng chỉ được như thế này thôi! Thiếp hy vọng là khi A Tú tái sinh thì nhan sắc của thiếp sẽ vượt được nhan sắc của thị! Nào ngờ, nay A Tú đã được tái sinh làm con gái gia đình họ Diêu mà nhan sắc của thiếp vẫn còn thua nhan sắc của thị nên thiếp chẳng muốn gặp mặt thị nữa!" Tử Cố hỏi:"Đã thế thì hôm nay Hồ tỉ tỉ còn hiện hình ra với vợ chồng Lưu mỗ làm chi?" Có tiếng đáp:"Vì cảm tấm lòng thành của hai người đã thiết lập bàn thờ và bài vị thờ thiếp nên thiếp muốn hiện hình ra để nói lời cám ơn! Thôi! Thiếp đi đây!" Thế rồi tiếng nói im bặt.

    Từ đó, cứ ba ngày một lần, Hồ tỉ tỉ lại tới nhà Tử Cố, nhưng chẳng hiện hình mà chỉ dùng tiếng nói để hướng dẫn cho vợ chồng Tử Cố biết cách giải quyết mọi gia vụ cho êm đẹp. Một hôm, A Tú về huyện Cái thăm cha mẹ một tháng. Hồ tỉ tỉ liền hiện hình ra với diện mạo A Tú mà ăn ở với Tử Cố như vợ chồng. Đám gia nhân đều kinh hãi, tránh mặt Hồ tỉ tỉ. Trong tháng ấy, một hôm có mấy gia nhân ăn cắp một số vật của Lưu bà. Khi thấy Lưu bà nói cho Tử Cố hay, Hồ tỉ tỉ liền điểm trang đẹp đẽ, lên ngồi ở giữa chiếc sập kê trong phòng khách, gọi toàn thể gia nhân lên tụ tập chung quanh chiếc sập. Hồ tỉ tỉ nói:"Các vật của lão phu nhân vừa bị mất, kẻ nào trót lấy thì phải đem trả lại chỗ cũ!" Rồi Hồ tỉ tỉ rút từ mái tóc ra một chiếc trâm đồi mồi, giơ cao lên mà nói:"Kẻ nào chẳng tuân lời thì sẽ bị chiếc trâm này đâm vào đầu, đau nhức suốt cuộc đời! Lúc đó, có hối thì cũng đã muộn!"

    Sáng sau, quả nhiên các vật mà Lưu bà bị mất cắp đều được đem trả lại chỗ cũ. Hôm A Tú về, Hồ tỉ tỉ biến mất. Nghe chuyện, A Tú cũng bắt chước Hồ tỉ tỉ mà dọa nạt đám gia nhân để chúng phải trả lại những vật chúng đã lấy cắp.

    Từ đó, cứ lúc nào A Tú vắng nhà là Hồ tỉ tỉ lại hiện hình ra với diện mạo của A Tú mà ăn ở với Tử Cố. Ba năm sau. Một hôm, đột nhiên Hồ tỉ tỉ biệt tích.

    ----------------------- Hết ---------------------------
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  3. #63
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Thang Kỳ Ngũ



    Hàn lâm Thang Kỳ Ngũ người Tiền Đường, trước thuê nhà để ứng thí ở Khảo viện, do nhà chật trội lại bên cạnh có gian nhà lớn cửa khóa chặt mà không có người ở. Hỏi thăm láng giềng, họ nói “Đó là nhà của Thái thú Hàng Châu Sài công, có ma dữ quấy phá nên không ai mua”. Thang vốn can đảm nói “Thuê ở được không?”, láng giềng cười cho là điên khùng, cũng không ai cản trở.

    Thang bèn mở cửa vào nhà thấy trên lầu có hai cái bàn bốn cái ghế, phía Tây lầu có cái rương tre. Tuy lâu ngày không có người ở nhưng cũng không có bụi bặm. Thang mừng rỡ, lập tức đem hành lý lên lầu. Lại lấy thêm một bầu rượu, một ngọn côn rồi đốt đuốc nằm đọc sách. Canh ba đêm ấy, âm phong nổi lên nơi cửa sổ, ánh đèn đuốc nhỏ dần rồi có cô gái xõa tóc trần truồng, miệng mồm nhue nhoét máu bước vào. Thang vung côn đuổi đánh, cô gái buồn bã nói “Quí nhân ở đây, thiếp lầm rồi”, lại theo cử sổ mà ra.

    Thang mừng vì ma đã đi định cởi áo đi nằm chợt phòng phía Tây có tiếng động lắc cắc. Nhìn tới thấy có cô gái từ Phòng phía Tây đi ra, tay cầm áo quần đẹp đẽ và các vật khăn lược làm như sắp đi tắm. Thang càng không sợ, làm như không thấy nên vừa uống rượu vừa đọc sách.


    Lát sau, cô gái chải tóc, chỉnh đốn áo quần, sau đó khép nép bước tới quỳ trước mặt, nói “Thiếp có mối oan kỳ lạ, không phải ông thì không ai làm rõ cho thiếp được. Thiếp vốn họ Chu, tên là Mai Hoa là thiếp của Thái thú Hàng Châu Sài công. Vợ cả cả ghen tuông mà gian giảo, biết quan Thái thú thương yêu thiếp nên không dám công khai hãm hại. Hôm thiếp sanh nở, vợ cả đút lót cho bà mụ (người đỡ đẻ khi xưa), lúc đẻ xong bèn lấy dầu của cây đồng sống rồi ngầm bôi vào âm đạo khiến thiếp bị lở loét mà chết. Con trai thiếp tên là Mỗ hiện được bà vợ cả nuôi làm con, mười năm nữa ông sẽ làm chủ khảo Hồ Bắc, con trai thiếp sẽ là học trò của ông ông nên kể cho nó biết mối oan của thiếp. Xác của thiếp hiện đang được chôn ở cạnh giếng bên tường phía Đông lầu này, có viên gạch bát giác làm dấu, ông cứ sai nó cải táng cho mẹ ruột”. Lại chỉ vào cái rương tre nói “Đó là chỗ thiếp cất giấu nữ trang. Lúc thiếp chết, Thái thú vô cùng đau xót lúc ra đi lại rặn người nhà không được đem rương của thiếp về sợ nhìn thấy lại thêm đau lòng. Về sau có kẻ đến trộm, bị thiếp nổi âm phong dọa mà phải lui ra. Hiện trong ấy có ba trăm lượng vàng xin lấy để tặng”. Thang cũng buồn rầu và hứa sẽ làm theo.

    Về sau, mọi chuyện đều đúng như lời người đàn bà ấy nói và cũng từ đấy, ma quái trên lầu cũng tuyệt tích.

    Backieuphong – Theo Tử Bất Ngữ của Viên Mai.
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

  4. #64
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    TIÊU THẤT


    Huyện Lâm Chuy, tỉnh Sơn Đông, có nho sinh Từ Kế Trường, có vợ là Điền thị, vừa xinh đẹp, vừa hiền lành, không ghen tuông, hay chiều chồng, lại hay bỡn chồng. Kế Trường đi thi mãi không đậu, bèn bỏ học, đi làm chủ bạ (thư ký).

    Một sáng hè, Kế Trường đi dự tiệc ở xa. Chiều về, dọc đường khát quá, đảo mắt nhìn quanh để kiếm nhà vào xin nước uống, Kế Trường chỉ thấy toàn là đồng ruộng, với vài ba ngôi cổ mộ rải rác đó đây.

    Lát sau, thấy thấp thoáng ở đằng xa có một biệt thự, Kế Trường mừng quá, rảo bước chạy tới thì thấy một ông lão ngồi hóng gió ở cổng, Kế Trường chắp tay vái chào mà nói:"Tiểu sinh khát quá, xin lão trượng làm ơn cho ngụm nước!" Ông lão liền đứng dậy mà nói:"Xin mời thiếu lang theo lão phu vào nhà!"

    Ông lão dẫn Kế Trường vào phòng khách, mời ngồi, gọi tì nữ bưng trà lạnh lên. Chờ Kế Trường uống hết bình trà, ông lão mới nói:"Xin thiếu lang cho lão phu được biết quý danh!" Kế Trường đáp:"Tiểu sinh là Từ Kế Trường!" rồi ngồi nói chuyện với ông lão.

    Lát sau, khi Kế Trường đứng dậy cám ơn, xin cáo biệt thì bất ngờ ông lão nói:"Trời tối rồi, đường đi khó thấy! Thiếu lang ở đây mà nghỉ, sáng mai hãy về!" Đang say rượu, thân thể mỏi nhừ, được mời ở lại, Kế Trường liền đáp:"Xin vâng!" Ông lão bèn sai tì nữ đi dọn phòng cho khách, rồi quay nói với Kế Trường:"Lão phu đã sai dọn phòng để thiếu lang đi nghỉ, nhưng giờ này còn sớm, thiếu lang hãy ngồi đây nói chuyện với lão phu một lát đã!" Kế Trường đành ngồi lại. Ông lão bèn nói với Kế Trường đủ mọi chuyện cho đến nửa đêm.

    Đột nhiên, ông lão gọi gia nhân, sai bày tiệc rượu cho 8 thực khách. Kế Trường kinh ngạc, chẳng hiểu tại sao giữa đêm khuya mà ông lão lại sai gia nhân bày tiệc, nhưng không dám hỏi tới việc riêng của chủ nhà. Bỗng ông lão hỏi Kế Trường:"Thiếu lang có gia thất chưa?" Kế Trường đáp: "Thưa lão trượng, đã!" Ông lão nói:"Lão phu có chuyện riêng muốn thưa cùng thiếu lang!" Kế Trường vội hỏi:"Thưa lão trượng, chuyện chi?" Ông lão đáp:"Xin chớ chê lão phu đường đột! Lão phu có 7 con gái, đã gả chồng hết 6, chỉ còn đứa út, 16 tuổi. Nay thấy thiếu lang là người xứng đôi với thị nên lão phu muốn gả thị cho thiếu lang làm vợ lẽ, chẳng hay ý thiếu lang thế nào?" Kế Trường lúng túng, chẳng biết đáp lời ra sao. Ông lão bèn sai gia nhân sang hàng xóm mời khách tới dự tiệc rồi sai tì nữ vào nhà trong giục cô út điểm trang rồi mời phu nhân đưa cô út ra chào khách.

    Lát sau, có 4 vị khách già từ ngoài cửa bước vào, rồi phu nhân từ nhà trong bước ra, theo sau là 2 tì nữ dìu 1 nữ lang, tư dung diễm lệ, xiêm y sang trọng. Nữ lang cúi đầu chào mọi người.

    Ông lão bèn đứng dậy giới thiệu mọi người với Kế Trường rồi chỉ Kế Trường mà nói:"Thiếu lang đây là Từ Kế Trường! Lão phu vừa quyết định đêm nay làm l*ễ vu quy cho con gái út sánh duyên cùng thiếu lang! Nửa đêm mà còn làm phiền quý vị tới đây chứng giám, mong quý vị thứ lỗi cho!" Mọi người đều nói lời chúc tụng rồi cùng nhập tiệc.

    Vừa đi dự tiệc ở xa về, còn đang say mèm, thân thể mỏi nhừ, đầu óc rối loạn, Kế Trường chỉ muốn được đi nằm. Thế nhưng, trong tình cảnh ấy, Kế Trường phải mi*ễn cưỡng ngồi vào bàn.

    Thêm vài tuần rượu, Kế Trường say quá, không kham nổi, đứng dậy xin đi nghỉ. Ông lão cố ép ngồi lại nhưng Kế Trường cương quyết từ chối. Ông lão đành sai tì nữ dẫn khách cùng con gái út của mình vào phòng. Tì nữ tuân lệnh, rồi khép cửa phòng mà đi.

    Kế Trường ngồi xuống giường, còn nữ lang thì tới ngồi trên chiếc ghế đặt ở góc phòng, cạnh ngọn đèn. Kế Trường hỏi:"Nàng họ chi?" Nữ lang đáp:"Thiếp họ Tiêu!" Hỏi:"Nàng tên chi?" Đáp:"Thiếp không tên!" Hỏi: "Không tên thì lấy chi mà gọi?" Nữ lang cười mà đáp:"Ai cũng gọi thiếp là Cô Bảy vì thiếp là con gái thứ 7 trong gia đình!" Hỏi:"Gia thế nhà nàng ra sao?" Đáp:"Gia thế nhà thiếp nghèo hèn thô lậu, chẳng có chi đáng khoe. Tuy nhiên, nay được cha đem gả cho một chủ bạ thì thiếp nghĩ gia thế nhà mình cũng không đến nỗi làm nhục gia thế nhà chồng. Chàng chẳng nên căn vặn về chuyện này nữa!" Ngượng quá, Kế Trường không dám hỏi chi thêm.


    Đến lượt Cô Bảy hỏi:"Bây giờ chàng định đưa thiếp về đâu đây?" Kế Trường nói:"Ta muốn xin ở rể tại đây có được không?" Nữ lang đáp:"Không được!" Hỏi:"Tại sao?" Đáp:"Vì chàng còn có vợ cả ở nhà! Chị Cả hiền lành vui vẻ, chẳng biết ghen tuông, sao không đưa thiếp về ở chung?" Thấy Kế Trường ngần ngại, Cô Bảy nói tiếp:"Sáng mai, một mình chàng về nhà trước, xin Chị Cả cho thiếp về ở chung! Nếu Chị Cả ưng thuận thì chàng cứ dọn cho thiếp một phòng riêng. Tối mai thiếp sẽ tự tới, chàng khỏi phải đón rước!" Kế Trường gật đầu.

    Cô Bảy bèn tắt đèn rồi lên giường hoan lạc với Kế Trường. Lát sau, mệt quá, Kế Trường lăn ra ngủ.

    Sáng ra, khi ánh nắng rọi vào mắt, Kế Trường tỉnh giấc thì thấy Cô Bảy biến đâu mất, còn mình thì đang nằm dưới gốc cổ thụ, trên đống cỏ dày. Kinh hãi quá, Kế Trường vội vùng dậy, chỉnh lại mũ áo mà ra về.

    Tới nhà, Kế Trường thuật chuyện cho vợ nghe. Điền thị không tin, cứ rũ ra cười mà nói:"Chắc vì chàng say rượu, té lăn xuống đường mà ngủ rồi mơ thấy thế chứ gì!" Tuy nhiên, vì muốn bỡn chồng, Điền thị vẫn đi dọn một phòng riêng, kê giường nệm mới, gối chăn mới, rồi ra nói:"Thiếp đã dọn xong phòng riêng rồi! Tối nay chàng vào đó mà ngủ với cô dâu!" Nói xong, Điền thị lại rũ ra cười, khiến Kế Trường cûng phải cười theo.

    Tối ấy, cơm nước xong, Điền thị muốn bỡn chồng, bèn tới nắm tay chồng, lôi đến căn phòng mới dọn, mở cửa phòng, rồi lên tiếng hỏi đùa:"Cô dâu đã tới đó ư? Còn chờ gì mà không ra dắt chú rể vào ngủ?" Nói xong, Điền thị rũ ra cười. Chợt thấy ngọn đèn trong phòng loé sáng, Điền thị kinh ngạc, tắt hẳn tiếng cười. Rồi thấy có người từ trên giường tụt xuống, xỏ chân vào giày, chạy ra cửa, Điền thị chú mục nhìn thì thấy một nữ lang xinh đẹp, điểm trang sang trọng như cô dâu ngày cưới. Nữ lang vái chào Điền thị. Điền thị gật đầu đáp lễ rồi hỏi:"Em tới từ hồi nào?" Nữ lang đáp:"Thiếp vừa mới tới!" Điền thị bèn chỉ Kế Trường mà nói:"Bây giờ em cứ giữ chàng ở lại đây, để chị đi lấy rượu vào cho 2 người làm l*ễ hợp cẩn!" Nói xong, Điền thị bước ra khỏi phòng. Nhận ra nữ lang là Cô Bảy đêm qua, Kế Trường mừng lắm còn Cô Bảy thì chỉ che miệng cười. Lát sau, Điền thị đem rượu vào phòng cho 2 người, rồi trở ra. Kế Trường bèn ở lại với Cô Bảy.


    Sáng sau, Cô Bảy dậy sớm, tự ý lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Khi ngủ dậy, thấy nhà cửa sạch sẽ tươm tất, Điền thị thích lắm, không ngớt lời khen. Từ đó, 3 vợ chồng chung sống hòa thuận, vui vẻ trong một nhà.

    Tháng sau. Một sáng, đột nhiên Cô Bảy nói với Kế Trường:"Tối nay, 6 chị của thiếp muốn tới đây ăn uống để xem nhà cửa của chàng ra sao" Kế Trường nói:"Nhà ta nghèo lắm, biết lấy chi mà đãi khách?" Cô Bảy đáp: "Chàng khỏi lo! Vì biết nhà chàng nghèo nên các chị thiếp sẽ cho người đem thức ăn tới. Chỉ nhờ chàng nói với Chị Cả tối nay hâm nóng thức ăn giùm thiếp mà thôi!" Kế Trường bèn ra nói với vợ. Điền thị vui vẻ nhận lời.

    Trưa ấy, quả có người gánh 2 thúng đầy rượu thịt vào đặt ở giữa sân, rồi bỏ đi. Điền thị liền ra lấy, đem vào bếp.

    Tối ấy, khi thấy 6 chị tới, Cô Bảy chạy ra mời vào phòng mình mà giới thiệu từng người với Kế Trường. Kế Trường thấy Cô Cả cũng chỉ chừng 40 trở lại, còn cô Sáu thì chỉ chừng 18, vóc người thon nhỏ, mảnh mai yểu điệu, dáng vẻ vui tươi, ăn nói dí dỏm, chỉ mặc một bộ đồ trắng chứ không trang điểm gì, vì Cô mới góa chồng. Điền thị vào bếp hâm nóng thức ăn. Cô Bảy xuống bếp mời Điền thị cùng lên dự tiệc. Điền thị từ chối, nói đã ăn rồi. Cô Bảy bèn bưng thức ăn lên phòng.

    Mọi người nhập tiệc, chuyện trò vui vẻ. Trong tiệc, Kế Trường ưa nói chuyện với Cô Sáu nhất. Lát sau, mọi người cùng say sưa, cười nói ầm î. Thấy tiếng ồn ào trên phòng Cô Bảy, Điền thị vội chạy lên dòm qua cửa sổ để coi xem có bao nhiêu người thì thấy chỉ có chồng mình với cô Bảy, nhưng Điền thị vẫn nghe thấy tiếng nhiều người cười nói. Cả bọn ngồi dự tiệc tới gần sáng mới đứng dậy cáo biệt. Cô Bảy bèn ti*ễn 6 chị ra về.

    Điền thị vào phòng Cô Bảy nói chuyện với chồng. Thấy bát đĩa trên bàn nhẵn nhụi, Điền thị cười mà hỏi:"Lû nhỏ đói lắm phải không?" Kế Trường hỏi lại:"Tại sao nàng biết?" Điền thị cười mà đáp:"Vì bát đĩa nào cũng sạch trơn như chó liếm!" Rồi Điền thị dọn bát đĩa, đem xuống bếp rửa.

    Ti*ễn khách về rồi, Cô Bảy trở vào phòng thì thấy bát đĩa đã được dọn, bèn hỏi Kế Trường:"Ai dọn bát đĩa thế?" Kế Trường đáp:"Chị Cả dọn, đem xuống bếp rửa rồi!" Cô Bảy vội chạy xuống bếp, giằng lấy bát đĩa trong tay Điền thị mà rửa, giục Điền thị lên nhà đi nghỉ.

    Điền thị lên phòng Cô Bảy, nói với chồng:"Chàng mời khách tới nhà dự tiệc mà lại để cho khách phải đem thức ăn tới thì kỳ cục quá, thế nào rồi họ cũng cười cho! Hôm nào chàng gắng kiếm chút tiền để thiếp làm tiệc cho mà đãi khách!" Kế Trường trầm ngâm, không đáp. Lát sau, Điền thị nói: "Tối nay chàng cứ ở lại đây mà ngủ!" rồi về phòng riêng.

    Còn nữa...
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  5. #65
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    TIÊU THẤT


    Tiếp theo trang trước.

    Tháng sau.

    Một sáng, Kế Trường đưa tiền cho vợ làm tiệc, rồi bảo Cô Bảy về nhà mời 6 chị tới dự.

    Đến tối, Điền thị làm tiệc xong, bày hết lên bàn trong phòng Cô Bảy. Lát sau, khi khách tới, Kế Trường bảo Cô Bảy mời khách vào phòng nhập tiệc. Khách ngồi vào bàn, ăn uống tự nhiên, chẳng khách sáo, nhưng chừa lại 4 bát thức ăn, không đụng đũa tới. Kế Trường lấy làm lạ mà hỏi:"Sao Các Chị không dùng mấy món này?" Khách nhìn nhau mỉm cười mà đáp:"Bữa trước phu nhân nói chúng tôi ăn uống thô tục, bát đĩa sạch trơn như chó liếm, nên hôm nay chúng tôi phải chừa lại 4 món, để phần nhà bếp!"

    Trong tiệc, Cô Sáu cứ buông lời chọc ghẹo Kế Trường khiến Kế Trường đỏ mặt. Thấy thế, bọn chị em bèn đặt ra một luật chơi, gọi là tửu lệnh, hẹn rằng h*ễ ai nói câu gì chọc ghẹo Kế Trường thì bị phạt một chén rượu. Mỗi cô đều bị phạt một vài chén, riêng Cô Sáu thì bị phạt tới 12 chén. Vì thế, Cô Sáu say lảo đảo, mặt đỏ gay, phải giả vờ đi rửa mặt rồi xuống bếp kiếm chỗ ngả lưng.

    Chờ mãi không thấy cô Sáu trở lại bàn tiệc, Kế Trường bèn thắp đèn đi tìm. Xuống bếp, thấy Cô Sáu nằm ngủ ở xó bếp, tay nắm chặt chiếc khăn lụa mỏng, Kế Trường vội cúi xuống gỡ trộm chiếc khăn, cất vào túi, rồi trở lên bàn tiệc mà nói:"Chị Sáu say quá, đang nằm ngủ ở dưới bếp, xin cứ để yên cho chị ấy ngủ!"

    Đêm ấy, bữa tiệc kéo dài đến gần sáng. Lúc tiệc tan, thấy 5 chị lớn đã sửa soạn ra về mà Chị Sáu vẫn chưa trở lên phòng tiệc, Cô Bảy chạy xuống bếp đánh thức. Cô Sáu dụi mắt, uể oải vươn vai, nhưng vẫn còn nằm ngái ngủ, chưa chịu dậy. Cô Bảy phải giục mãi, cô Sáu mới chịu dậy để lên nhà trên, cùng 5 chị lớn ra về. Lần này, cô Bảy bảo Kế Trường đi ti*ễn khách. Được lời, Kế Trường liền đi tiễn một quãng thực xa.

    Khi trở về, Kế Trường cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Lát sau, Kế Trường lẻn ra vườn sau, móc túi lấy khăn ra coi. Thấy khăn đã mất, Kế Trường vừa kinh hãi vừa tiếc rẻ. Nghĩ mình đánh rớt khăn ở dọc đường. Kế Trường vội thắp đèn đi tìm, nhưng tìm mãi không thấy, đành trở về phòng, mặt mũi buồn so. Thấy Kế Trường buồn, Cô Bảy mỉm cười mà hỏi:"Đi đâu về vậy?" Kế Trường đáp:"Đi đóng cổng!" Hỏi:"Đi đóng cổng thì việc gì mà phải buồn thế?" Đáp:"Có buồn chi đâu?" Nói:"Chối làm chi nữa! Khăn của người ta thì người ta lấy lại rồi, tìm làm chi cho mất công!" Kinh hãi quá, Kế Trường đành thú thực:"Ta mê Chị Sáu lắm!" Cô Bảy nói:"Thiếp biết chứ! Thế nhưng, chị Sáu với chàng hết duyên nợ rồi!" Hỏi:"Sao nàng biết?" Đáp: "Kiếp trước, chàng là nho sinh còn Chị Sáu là con gái nhà nông. Chàng gặp Chị thì mê nhưng cha mẹ chàng không cho chàng cưới. Vì thế, chàng ốm tương tư, nằm liệt giường, phải nhờ người đi báo tin cho Chị hay, xin Chị tới thăm và cho chàng nắm tay một lần để lỡ chàng có thác thì cũng đã toại nguyện. Chị ưng thuận nhưng cứ chần chờ. Đến tối, khi Chị tới thăm chàng thì chàng đã thác. Vì thế, Chị chỉ nợ chàng có một cái nắm tay thôi. Hôm nay chàng đã được nắm tay Chị để gỡ trộm khăn thì Chị hết nợ chàng rồi, 2 người khó lòng mà tiến xa hơn được!"


    Tháng sau, Kế Trường lại đưa tiền cho vợ làm tiệc đãi các chị của Cô Bảy, nhưng lần này, chỉ có 5 cô tới dự còn Cô Sáu không tới. Nghi là Cô Bảy ghen, không cho Cô Sáu tới, Kế Trường rất oán hận. Cô Bảy phân trần: "Thấy Chị Sáu không tới, chàng nghi là thiếp ghen, không cho Chị ấy tới. Thực ra thì tại Chị ấy không muốn tới chứ đâu có phải tại thiếp ghen?" Kế Trường vẫn không tin. Cô Bảy bèn tìm đủ mọi cách cho Kế Trường gặp lại Cô Sáu, nhưng Cô Sáu nhất định không chịu gặp lại Kế Trường. Lúc đó Kế Trường mới bớt nghi cô Bảy.

    Tám năm sau.

    Một sáng, đột nhiên Cô Bảy nói với Kế Trường: "Chiều nay, thiếp xin vĩnh biệt chàng!" Kế Trường kinh hãi, hỏi:"Sao lại vĩnh biệt?" Đáp:"Vì duyên nợ với chàng đã hết nên thiếp phải về ở với cha mẹ!" Hỏi:"Nàng không thể ở lại đây được nữa hay sao?" Đáp:"Không! Nhưng trước khi vĩnh biệt, thiếp muốn giúp chàng một việc!" Hỏi:"Việc gì?" Đáp:"Việc gặp lại Chị Sáu! Trong 8 năm qua lúc nào chàng cũng nhớ tới Chị Sáu và oán hận thiếp! Bây giờ, thiếp muốn giúp chàng gặp lại Chị Sáu để chàng toại nguyện. Chị Sáu góa chồng, về ở với cha mẹ. Chàng mời Chị ấy tới đây dự tiệc thì Chị ấy có quyền từ chối, nhưng nếu chàng theo thiếp về thăm cha mẹ thiếp thì Chị ấy đâu có quyền cấm cản chàng? Bây giờ chàng cứ đi theo thiếp, biết đâu Chị ấy chẳng đổi ý, chịu ra gặp chàng thì sao? Xưa nay, nhân định thắng thiên cûng nhiều!"

    Mừng quá, Kế Trường thuận đi theo Cô Bảy.

    Chiều ấy, Cô Bảy vào chào vĩnh biệt Điền thị rồi cùng Kế Trường ra cổng. Cô Bảy vừa nắm tay Kế Trường thì cả 2 cùng bay bổng lên không.

    Lát sau, khi đáp xuống cổng nhà Tiêu lão, Kế Trường thấy ngôi nhà vẫn nguyên như cũ. Thấy Tiêu lão cùng phu nhân đứng ở cổng, Kế Trường vội chắp tay vái chào. Nhị vị khẽ gật đầu đáp l*ễ rồi bảo Cô Bảy dẫn Kế Trường vào phòng khách.


    Sau khi an tọa, phu nhân gọi tì nữ pha trà rồi quay nói với Kế Trường: "Lão thân cám ơn thiếu lang đã cho Con Bảy nhà lão thân được hưởng hạnh phúc với thiếu lang trong 8 năm qua. Vì già yếu, lão thân không tới nhà thiếu lang được lần nào, mong thiếu lang hiểu cho!" Rồi phu nhân quay bảo gia nhân:"Tối nay, bày tiệc rượu cho 5 thực khách!" Gia nhân vâng dạ.

    Tối ấy, khi gia nhân bày tiệc xong, phu nhân sai tì nữ thắp đèn rồi mời Tiêu lão, Kế Trường với Cô Bảy nhập tiệc. Cô Bảy hỏi mẹ:"Các chị con đâu? Sao không thấy ai ra dự tiệc?" Phu nhân đáp:"Hôm qua chúng nó kéo nhau về đây đông đủ cả nhưng sáng nay đứa nào cũng theo chồng về rồi! Chỉ còn Con Sáu ở lại đây thôi!"

    Rồi phu nhân sai tì nữ vào nhà trong mời Cô Sáu ra dự tiệc. Kế Trường hồi hộp chờ Cô Sáu ra nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu! Cô Bảy bèn đứng dậy, chạy vào nhà trong lôi chị ra, kéo ghế ép ngồi, rót rượu ép uống. Đưa mắt nhìn, Kế Trường thấy nét mặt Cô Sáu có vẻ trầm ngâm chứ không được vui như những lần trước.

    Rượu được vài tuần, Tiêu lão với phu nhân cùng đứng dậy, nói lời cáo từ rồi vào nhà trong. Còn lại 3 người ở bàn tiệc, Cô Bảy lên tiếng:"Chị cứ khủng khỉnh làm cao để người ta nghi oan cho em mà oán hận em!" Cô Sáu mỉm cười mà nói:"Em thử nghĩ coi! Con người khinh bạc, gỡ trộm khăn tay, thì gần gũi làm chi?" Nghe thấy thế, Kế Trường mới tin là mình đã nghi oan cho Cô Bảy. Đột nhiên cô Bảy đứng dậy, gỡ 2 chén rượu ở tay 2 người, đổi lẫn cho nhau, rồi ép 2 người cạn chén. Thấy 2 người còn e dè, Cô Bảy nói: "Cạn chén đi chứ! Còn ngượng ngập nỗi gì?" Hai người bèn cùng nâng chén, uống cạn. Cô Bảy bèn đứng dậy, đi vào nhà trong.

    Thấy trong phòng chỉ còn có Cô Sáu với mình, Kế Trường vội xô ghế đứng dậy, chạy tới nắm lấy cổ tay Cô Sáu.

    Đột nhiên, ở phía ngoài phòng có tiếng la hét ầm ĩ rồi có ánh đèn chiếu vào cửa phòng.

    Cô Sáu hoảng hốt giựt tay lại, la lên:"Chết rồi! Tai họa tới bất thần, biết làm sao bây giờ?"

    Đang luống cuống, chợt Kế Trường thấy Cô Sáu biến đâu mất. Buồn bã, Kế Trường ngồi bệt xuống sàn thì thấy nhà cửa, lầu gác, đèn nến đều biến mất, mình đang ngồi giữa bãi tha ma, chung quanh toàn là đồng ruộng, trên đầu là bầu trời đầy sao.

    Chợt Kế Trường thấy từ xa có ánh đèn rọi sáng rồi có một bọn thợ săn chừng hơn chục người, lưng đeo cung, tay cầm đao, ầm ầm chạy tới.

    Nhìn thấy Kế Trường, bọn thợ kinh hãi, hỏi:"Anh là ai? Sao đêm khuya lại tới đây mà ngồi?" Kế Trường đáp:"Tôi là một chủ bạ ở Lâm Chuy! Sáng qua tới nhà bạn dự tiệc, đến tối ra về, tôi bị lạc đường nên phải ngồi xuống đây nghỉ chân!" Bọn thợ hỏi:"Tụi tôi đang theo dõi một con chồn. Nó vừa chạy qua đây, anh có nhìn thấy nó không?" Kế Trường đáp:"Tôi không thấy chi cả!"


    Đưa mắt nhìn quanh, Kế Trường chợt nhận ra mình đang ngồi cạnh một cổ mộ của gia đình họ Vu. Thấy bọn thợ ra về, Kế Trường cũng đứng dậy, theo về.

    Tới nhà, Kế Trường thuật chuyện cho vợ nghe. Điền thị cũng rất kinh ngạc.

    Kế Trường thầm mong Cô Bảy trở lại một lần nhưng trước sau Cô Bảy vẫn tuyệt vô âm tín./.

    Fangzi sưu tầm theo Ninh-hoa.com
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  6. #66
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Vạn Thạch Sợ Vợ


    Huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc, có hai anh em nho sinh họ Dương. Người anh là Dương Vạn Thạch, ngưòi em là Dương Vạn Chung, đều đã có gia đình, và cùng ở chung với cha là Dương ông.

    Vạn Thạch 42 tuổi, có vợ họ Duẩn, không có con. Vạn Thạch thì nhu nhược mà Duẩn thị thì hung ác. Thấy chồng làm điều gì trái ý mình là Duẩn thị lấy roi ra đánh, chẳng ai dám can ngăn. Vì không có con, Duẩn thị phải để cho chồng cưới vợ lẽ, người họ Vương. Tuy nhiên, hàng ngày, Vạn Thạch và Vương thị chỉ dám nhìn nhau chứ chẳng dám nói với nhau một lời. Vạn Chung 40 tuổi, có vợ họ Trương và một trai tên Hỉ Nhi, mới lên 7.

    Dương ông tuổi ngoại lục tuần, goá vợ, tính hiền lành, bị con dâu trưởng là Duẩn thị coi như lão bộc, hàng ngày bị Duẩn thị bắt làm đủ thứ việc. Dương ông mà làm điều gì trái ý Duẩn thị là bị Duẩn thị phạt, bắt phải nhịn ăn. May là mỗi khi bị phạt, Dương ông còn được Vạn Chung lén lấy cơm cho ăn. Chẳng những thế, Dương ông còn bị Duẩn thị bắt phải mặc quần áo rách. Vì vậy, mỗi khi nhà có khách, Vạn Thạch không dám để cho cha ra tiếp, e bị khách chê cười.

    Năm ấy, sắp đến ngày thi, hai anh em lên tỉnh ứng thí. Vào quán trọ thuê phòng, gặp một nho sinh trẻ tuổi, mặt mũi sáng sủa, y phục chỉnh tề, hai anh em liền tới làm quen. Vạn Thạch hỏi:"Xin túc hạ cho biết quý danh!" Nho sinh đáp: "Đệ họ Mã, tên Giới Phủ" Hỏi:"Xin túc hạ cho biết quý niên tuế!" Đáp:"Đệ 30!" Hỏi:"Chắc túc hạ cũng lên đây ứng thí?" Đáp:"Không! Đệ lên đây có việc, chứ không phải là ứng thí!" Rồi Giới Phủ cũng hỏi tên tuổi, quê quán của hai anh em.
    Thấy hai anh em hiền lành, Giới Phủ xin kết nghĩa. Hai anh em ưng thuận. Ba người bèn tới miếu, thắp hương thề nguyền. Vạn Thạch lớn tuổi làm anh cả, Vạn Chung làm anh hai, còn Giới Phủ làm em út.


    Hôm hai anh em thi xong, Giới Phủ sang chơi. Lát sau, Giới Phủ nói:"Đệ có việc bận, phải tạm biệt hai huynh! Sáu tháng nữa, đệ sẽ tới nhà thăm hai huynh!" Rồi từ biệt mà đi. Hai anh em ở lại quán trọ chờ ngày yết bảng. Đến ngày yết bảng, không thấy tên mình, hai anh em bèn trả phòng, về quê.

    Sáu tháng sau, đúng hẹn, Giới Phủ tới thăm. Thấy ở cổng có một ông lão cởi trần, ngồi lần gấu áo bắt rận, Giới Phủ tới gần, nói:"Tiểu sinh họ Mã, tên Giới Phủ, có kết nghîa với hai nho sinh họ Dương trong nhà này. Nhờ lão ông vào nói giùm là có tiểu sinh tới thăm!" Dương ông liền đứng dậy, ôm chiếc áo, lững thững vào nhà. Chợt thấy một người hàng xóm chạy sang cổng nói chuyện với mình, Giới Phủ hỏi thăm xem ông lão vừa ngồi ở cổng là ai? Được biết ông lão đó chính là thân phụ của hai anh em họ Dương, Giới Phủ giật mình kinh ngạc.

    Thấy cha vào nói là có Giới Phủ tới thăm, hai anh em họ Dương mừng lắm, chẳng kịp chít khăn đội mũ, cứ để đầu trần chạy ra đón khách. Sau khi vào nhà, Giới Phủ nói:"Xin hai huynh cho đệ được vào thăm lão bá!" Vạn Thạch vội gạt đi, nói:"Gia phụ bị bệnh, đang nằm trong phòng, rất sợ người vào thăm, xin hiền đệ mi*ễn cho!" Ba người bèn ngồi đàm đạo, từ sáng đến chiều. Khi nhìn ra sân, thấy trời đã tối, Vạn Thạch bèn gọi tì nữ dọn cơm mời khách. Hơn một giờ sau, mới có một tì nữ cầm một bình rượu với ba cái chén vào phòng. Vạn Thạch rót rượu mời khách. Mới rót được lưng chén đã thấy bình hết rượu, Vạn Thạch ngượng quá, biết là vợ cố tình hạ nhục mình. Chờ mãi chẳng thấy ai bưng cơm lên, Vạn Thạch nóng ruột lắm, chạy xuống bếp giục, rồi lại chạy lên phòng khách, mồ hôi ướt đẫm. Lại hơn một giờ sau, mới có một tì nữ bưng cơm canh vào phòng. Vạn Thạch vội mời Giới Phủ dùng cơm. Đang đói, Giới Phủ ngồi vào ăn ngay, nhưng vì cơm hẩm canh sống, Giới Phủ chẳng sao nuốt nổi. Vạn Thạch ngượng lắm, lại vào nhà trong. Thấy thế, Vạn Chung đành phải ngồi lại tiếp khách rồi đi lấy chăn gối đem ra cho khách nằm nói chuyện với mình.

    Giới Phủ trách Vạn Chung:"Trước kia khi mới gặp, đệ cứ nghî hai huynh là người cao nghĩa nên mới xin kết làm anh em. Nào ngờ hai huynh đối xử với lão bá chẳng ra gì, đệ thấy xấu hổ quá!" Vạn Chung ứa nước mắt, nói:"Xin hiền đệ chớ hiểu lầm là chúng huynh bất hiếu! Đáng lẽ ngu huynh phải giấu kín câu chuyện xấu xa trong gia đình, nhưng vì hiền đệ là chỗ thân tình nên ngu huynh xin nói thực! Nhà ngu huynh vô phước lắm! Gia huynh thì nhu nhược, sợ vợ, mà gia tẩu lại hung ác, bắt nạt chồng. Gia huynh để vợ nắm hết quyền uy trong nhà, rồi khi thấy vợ ngược đãi cha, cũng chẳng dám nói lấy một lời!" Giới Phủ nói:"Đại huynh sợ vợ đã đành nhưng còn huynh, sao huynh cũng hèn thế?" Vạn Chung xấu hổ, chẳng biết trả lời ra sao. Giới Phủ giận lắm, nói:"Đáng lẽ đệ định sáng mai sẽ xin cáo biệt nhưng nay được biết chuyện này thì đệ lại đổi ý, muốn xin ở lại để xem vợ đại huynh hung ác tới mức độ nào? Xin quý huynh cho đệ ở lại thêm ít ngày, đệ tự lo lấy cơm nước, chẳng dám làm phiền quý huynh đâu!" Vạn Chung nói:"Được hiền đệ ở lại chơi, ngu huynh mừng lắm! Sáng mai, ngu huynh sẽ xin dọn phòng riêng để hiền đệ ở tạm!" Thầm nghĩ hồi chiều Giới Phủ chỉ được ăn có một chén cơm nên chắc còn đói, Vạn Chung bèn đứng dậy xuống bếp, lén lấy cơm và thức ăn đem lên mời Giới Phủ, nhưng trong lòng vẫn sợ chị dâu biết. Giới Phủ đoán Vạn Chung sợ hãi nên từ chối, bảo đem cơm và thức ăn xuống bếp trả lại.

    Sáng sau, Vạn Chung dọn một phòng riêng, mời Giới Phủ vào ở. Giới Phủ bèn đi chợ, mua thực phẩm và vải vóc đem về phòng nấu ăn và may quần áo. Đến trưa, Giới Phủ ra cổng mời Dương ông vào ăn cơm với mình rồi biếu Dương ông hai bộ quần áo mới. Cảm động, Dương ông ứa nước mắt mà cám ơn. Biết chuyện, hai anh em bật khóc vì xấu hổ. Đến tối, Giới Phủ mời Dương ông vào ngủ ở phòng mình. Vì Hỉ Nhi quen ngủ với ông nên Giới Phủ cũng cho vào ở. Xem tướng Hỉ Nhi, Giới Phủ nói với Dương ông:"Thằng nhỏ này khá hơn cha nó, song nó sớm mồ côi cha và thiếu thời rất vất vả!". Nghe nói Dương ông được ấm no, Duẩn thị tức giận lắm, lên tiếng chửi Giới Phủ là khách lạ, tự nhiên tới nhà người ta, xen vào chuyện gia đình người ta! Thoạt tiên, Duẩn thị còn kiêng nể, chỉ lén chửi Giới Phủ trong phòng mình, nhưng sau thấy Giới Phủ chẳng nói chi nên được thể, tới đứng ở ngoài cửa phòng Giới Phủ mà mắng chửi, cố ý cho Giới Phủ nghe thấy. Hai anh em sợ toát mồ hôi, nhưng chẳng ai dám chạy ra can, còn Giới Phủ thì cứ thản nhiên như chẳng nghe thấy gì.

    Hôm sau, biết Vương thị đã có thai được 5 tháng, Duẩn thị nổi cơn ghen, vào phòng tra hỏi, rồi lột truồng Vương thị ra mà đánh, khiến Vương thị phải lăn lộn dưới đất. Duẩn thị lại gọi chồng vào, bắt phải quỳ xuống cạnh giường, lấy khăn yếm của Vương thị mà mặc vào người, giả làm đàn bà. Sợ vợ quá, Vạn Thạch phải mặc khăn yếm của Vương thị. Sẵn roi trong tay, Duẩn thị lại quất túi bụi lên người chồng, rồi đuổi ra đường. Sợ vợ quá, Vạn Thạch phải đứng dậy, chạy ra cổng. Tới cổng, thấy Giới Phủ đang đứng ở ngoài đường, Vạn Thạch ngượng quá, chẳng dám ra. Duẩn thị đuổi theo, thấy chồng chưa ra đường, lại giơ roi quất túi bụi. Bất đắc dî, Vạn Thạch phải chạy ra đường. Đang cơn ghen, Duẩn thị lại đuổi theo, khoa tay dậm chân mà chửi rủa.

    Thấy chuyện ồn ào, khách qua đường dừng chân đứng coi, đông như kiến. Mắt thấy cảnh tượng này, Giới Phủ tức giận lắm, rảo bước tới gần Duẩn thị, đưa tay chỉ vào mặt mà quát:"Cút vào nhà ngay!" Đột nhiên Duẩn thị khựng lại, im bặt tiếng chửi, mặt mũi tái xanh. rồi quay phắt người, chạy vụt vào nhà, áo quần xốc xếch, tuột cả giày dép. Bị vấp phải đá, Duẩn thị ngã sấp xuống đất. Mặt xám như tro, Duẩn thị lật đật đứng dậy, lết vào phòng, đóng chặt cửa. Lát sau, Duẩn thị mới dám lên tiếng gọi lũ tì nữ đem áo quần, giày dép mới vào phòng cho mình thay. Đột nhiên, Duẩn thị ngồi xuống giường, bưng mặt khóc. Thấy vậy, lũ tì nữ cũng chỉ đứng nhìn chứ chẳng ai dám hỏi nguyên do.

    Giới Phủ dắt Vạn Thạch về phòng mình, đưa tay cởi khăn yếm ra cho nhưng Vạn Thạch co dúm người lại, chẳng chịu cho cởi. Giới Phủ nói:"Sao huynh hèn thế? Sợ vợ, chịu mặc khăn yếm đàn bà đã là hèn! Mặc khăn yếm rồi mà vẫn còn sợ, chịu chạy ra đường cho thiên hạ nhìn thấy thì lại hèn hơn! Đã khuất mặt vợ, mà vẫn còn sợ, chịu mặc nguyên khăn yếm thì hèn quá lắm!" Xấu hổ quá, Vạn Thạch đành tự tay cởi khăn yếm ra nhưng trong lòng vẫn còn nơm nớp, chỉ sợ nếu vợ biết được thì tội nặng thêm. Chờ một lúc lâu, Vạn Thạch mới dám xuống bếp hỏi lũ tì nữ xem vợ mình đang làm chi ở trên phòng. Thấy lũ tì nữ nói bà chủ đang khóc, Vạn Thạch vội bảo chúng lên coi xem vợ mình đã nín chưa. Lũ tì nữ lên coi rồi xuống nói là bà chủ đã nín, đang nằm trên giường. Vạn Thạch bèn dón dén lên phòng, nhưng chẳng dám lên tiếng, sợ lại bị vợ chửi rủa về tội dám tự tiện cởi bỏ khăn yếm, rồi lại bị đánh đập. Chẳng ngờ thấy vợ làm ngơ, chẳng chửi rủa đánh đập mình, chỉ quay mặt vào tường mà ngủ, Vạn Thạch mừng quá, vội chạy ra ngoài, khẽ khép cửa lại, rồi thuật chuyện cho mọi người nghe.


    Còn nữa...

    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  7. #67
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Vạn Thạch Sợ Vợ


    Tiếp theo.

    Lũ gia nhân thấy Giới Phủ đã khiến Duẩn thị phải thay đổi thái độ đối với chồng, đều lấy làm lạ, xúm nhau bàn tán.

    Lát sau, Duẩn thị ngủ dậy. Xuống bếp, thấy lũ gia nhân đang túm năm tụm ba, Duẩn thị đoán rằng chúng đang bàn tán về mình, nên nổi giận, lấy roi vụt chúng túi bụi. Chúng bỏ chạy tán loạn. Đang cơn giận, Duẩn thị gọi Vương thị ra trình diện. Vì bị đánh trọng thương, Vương thị nằm liệt trên giường, chẳng sao ngồi dậy để ra trình diện nên bị Duẩn thị chạy vào phòng, lấy roi quất túi bụi lên người cho đến lúc truỵ thai. Nghe tin, Vạn Thạch thương xót lắm, song chẳng dám chạy vào can, chỉ tới phòng Giới Phủ than thở. Giới Phủ lắc đầu chán ngán, nói: "Huynh đã hèn đến mức độ này thì đâu còn phải là con người nữa?" Nói xong, Giới Phủ lại thương hại Vạn Thạch, nên lấy cơm ra cho ăn, nhưng không cho về phòng. Tới tối, Vạn Thạch xin được về phòng thì Giới Phủ không nghe, bắt phải ngủ lại ở phòng mình. Thấy Vạn Thạch buồn rầu, Giới Phủ cũng thương hại, bèn lấy đàn ra gảy, cất tiếng hát cho nghe.

    Nằm trong phòng, thấy trời đã tối mà chẳng thấy chồng đâu, Duẩn thị hận lắm, nên ngồi dậy, ra mở cửa phòng để xuống bếp sai lũ tì nữ đi gọi Vạn Thạch về. Vừa mở cửa phòng, Duẩn thị giật mình vì thấy một khổng lồ, mặt mũi dữ tợn, đứng sững trước cửa. Nghĩ là kẻ cướp, Duẩn thị cực kỳ kinh khiếp, la lên cầu cứu. Khổng lồ liền bước tới gần, rút dao dí vào cổ mà nói:"Mi mà la thêm một tiếng là ta sẽ giết chết mi ngay!" Duẩn thị nín bặt. Rồi chắp tay van lạy:"Xin ông tha mạng cho con! Con xin biếu ông tất cả của cải trong nhà này!" Khổng lồ nói:"Ta đâu có phải là kẻ cướp? Ta là sứ giả của Diêm Vương! Diêm Vương nói mi hung ác, chẳng biết tim mi ra sao, nên sai ta lên đây mổ ngực mi, lấy tim đem xuống âm phủ để trình Diêm Vương coi!" Nghe xong, Duẩn thị co dúm thân hình, xám ngắt mặt mày, xiêu lạc hồn phách. Khổng lồ bèn kể tội Duẩn thị. Cứ kể xong một tội, khổng lồ lại lấy dao rạch vào ngực Duẩn thị một vạch. Kể xong 30 tội, rạch đủ 30 vạch. Rồi Duẩn thị thấy có bốn đàn ông lực lượng, cũng cầm dao, bước vào phòng. Khổng lồ nói:"Tội lớn nhất của mi là tội đánh vợ lẽ của chồng cho đến truỵ thai. Con của Vương thị cũng là con của mi, nối dõi tông đường cho chồng mi, sao mi nỡ giết thai nhi còn trong bụng mẹ? Tội này chẳng thể nào tha thứ được!" Nói xong, khổng lồ quay qua nói với bốn đàn ông:"Hãy giữ chặt lấy chân tay con mụ này để ta mổ ngực nó, lấy tim ra coi xem hình thù ra sao mà nó hung ác đến thế?" Kinh khiếp quá, Duẩn thị lạy lục:"Con biết tội đã nhiều, nay con xin hối cải! Xin Diêm Vương tha mạng cho con!" Bỗng có một giọng nói uy nghiêm từ ngoài cửa vọng vào phòng, tựa hồ như ra lệnh:"Con mụ này đã xin hối cải thì hãy tạm tha mạng cho nó!" Năm người lập tức tuân lệnh, bước ra khỏi phòng. Duẩn thị mừng vô tả, đứng dậy đi tìm vải để bó vết thương trên ngực rồi lên giường nằm.

    Lát sau, Giới Phủ nói với Vạn Thạch:"Bây giờ huynh có thể về phòng mà ngủ!" Vạn Thạch mừng quá, vội về phòng. Thấy vợ nằm trên giường, máu đẫm cả đoạn vải bó ngực, Vạn Thạch kinh hãi, hỏi nguyên do. Duẩn thị bèn thuật lại chuyện khổng lồ. Vạn Thạch thầm nghĩ chắc chuyện này là do Giới Phủ làm ra.

    Sáng sau, muốn biết điều mình nghî có đúng hay không, Vạn Thạch tới phòng Giới Phủ thuật chuyện. Thấy Giới Phủ cũng tỏ vẻ kinh hãi, Vạn Thạch lại nghĩ là mình đã nghi oan cho Giới Phủ. Từ đó, Duẩn thị không còn hung ác như trước nữa. Giới Phủ cũng mừng cho hai anh em.

    Tuần sau, Giới Phủ gọi Vạn Thạch ra chỗ vắng, nói:"Hôm nay đệ phải dời nhà này. Trước khi đi, đệ muốn nói với huynh một chuyện, nhưng huynh phải hứa là sẽ chẳng được tiết lộ với ai! Nếu huynh không giữ được lời hứa thì gia đình này sẽ bị khốn đốn mà huynh thì chẳng còn là con người nữa!" Vạn Thạch vội nói: "Ngu huynh xin hứa là sẽ chẳng bao giờ dám tiết lộ với ai cả!" Giới Phủ bèn nói: "Thú thực với huynh, cái cảnh khổng lồ rạch ngực vợ huynh là do đệ dùng pháp thuật tạo ra, cốt để cho vợ huynh kinh khiếp mà thay tâm đổi tính. Nay vợ huynh đã hối cải thì đệ cũng mừng cho cả gia đình này!" Nói xong, Giới Phủ vào phòng sửa soạn hành trang, rồi ra chào từ biệt mà đi, hẹn sáu tháng sau sẽ trở lại.

    Giới Phủ đi rồi, quả nhiên Duẩn thị thay tâm đổi tính. Ban ngày thì nói cười vui vẻ, hoà nhã với mọi người, ban đêm thì dịu dàng âu yếm, l*ễ phép với Vạn Thạch. Vì từ ngày cưới vợ đến nay, chưa bao giờ Vạn Thạch được hưởng cái cảnh hạnh phúc êm đềm như thế nên bây giờ Vạn Thạch xúc động lắm, cứ nhấp nhổm toan tiết lộ với vợ câu chuyện khổng lồ, nhưng vì nhớ tới lời hứa với Giới Phủ nên Vạn Thạch lại cố gắng tự kìm hãm.

    Một tối, hai vợ chồng vào phòng ngủ. Đang nằm trên giường, đột nhiên Duẩn thị co dúm người lại, run lên cầm cập, rên lên hừ hừ. Sợ hãi quá, Vạn Thạch hỏi:"Nàng làm sao thế?" Duẩn thị đáp:"Thiếp kinh khiếp quá!" Hỏi:"Vì sao mà kinh khiếp?" Đáp:"Vì thiếp chợt nhớ tới cảnh tượng khổng lồ vào căn phòng này rạch ngực thiếp!" Thương xót vợ, Vạn Thạch quên cả lời hứa với Giới Phủ, bèn tiết lộ cho vợ nghe câu chuyện khổng lồ. Nghe xong, đột nhiên Duẩn thị lại trở nên hung bạo như trước, vùng dậy chửi mắng Vạn Thạch và Giới Phủ ầm ĩ. Biết mình lỡ lời, Vạn Thạch vội quỳ xuống chân giường năn nỉ, xin vợ tha tội cho. Duẩn thị tiếp tục chửi mắng. Tới khuya, khi chửi mắng đã chán miệng, Duẩn thị mới quay đầu nhìn Vạn Thạch quỳ ở chân giường mà nói:"Nếu mi muốn tao tha tội cho mi thì mi phải tự tay cầm dao rạch vào ngực mi đủ 30 vạch như tao đã bị rạch bữa trước! Có thế, cái hận của tao mới tiêu đi cho!" Nói xong, Duẩn thị chạy xuống bếp xách lên một con dao. Nhìn thấy dao, Vạn Thạch cực kỳ kinh hãi, nên vội vùng dậy, vụt chạy khỏi phòng, nhào xuống dưới sân. Duẩn thị cầm dao đuổi theo, khiến chó sủa ầm nhà, gà bay xáo xác, cục ta cục tác, huyên náo một vùng.
    Lũ gia nhân vội dậy thắp đèn, đem ra sân coi. Vạn Chung và Dương ông cũng chạy ra coi. Thấy chị dâu đuổi chém anh mình, Vạn Chung chạy xen vào giữa hai người. Bị Vạn Chung cản đường, Duẩn thị đành dừng lại. Đảo mắt nhìn quanh, thấy Dương ông áo quần lành lặn, cơn giận lại bùng lên như lửa gặp dầu, Duẩn thị bèn quăng dao xuống đất, chạy tới tát Dương ông túi bụi. Tát chán tay, Duẩn thị quay ra túm lấy mớ râu cằm Dương ông mà xoắn, rồi giật mạnh cho Dương ông ngã chúi xuống đất. Duẩn thị liền cúi xuống theo, xé rách bộ quần áo Dương ông đang mặc trên người.

    Nhìn thấy thế, Vạn Chung uất ức lắm, nên nhặt một viên đá ở sân, ném vào đầu Duẩn thị. Trúng đá, Duẩn thị ngã lăn xuống đất, nằm bất tỉnh. Ngỡ là Duẩn thị đã chết, Vạn Chung nói:"Mỗ giết chết chị dâu thì sẽ bị quan tể kết án tử hình, nhưng mỗ chết để cho cha với anh được sống yên ổn thì mỗ cũng mãn nguyện rồi, chẳng còn ân hận chi nữa!" Nói xong, Vạn Chung lững thững đi ra vườn sau.

    Khi cảnh huyên náo đã tạm yên, lũ gia nhân không thấy Vạn Chung đâu, bèn bảo nhau đi tìm. Ra vườn sau cũng chẳng thấy Vạn Chung, chúng kinh ngạc lắm. Chúng bèn chia nhau đi tìm ở khắp mọi nơi trong nhà nhưng vẫn chẳng thấy.
    Tình cờ một gia nhân ra vườn sau gánh nước, ngó đầu nhìn xuống giếng, thấy Vạn Chung nằm ở đáy giếng, bèn hô hoán ầm lên. Mọi người cùng đổ xô ra giếng coi. Lũ gia nhân bèn xuống giếng vớt Vạn Chung lên, thì thấy Vạn Chung đã tắt thở. Chúng bèn khiêng xác Vạn Chung vào đặt nằm ở giữa sân.

    Được hung tin, Trương thị và Hỷ Nhi cùng ra sân ôm lấy xác Vạn Chung mà gào khóc thảm thiết. Lát sau, Duẩn thị tỉnh dậy. Thấy Vạn Chung đã chết, cơn giận của Duẩn thị cũng nguôi đi. Vạn Thạch bèn sai lũ gia nhân phụ giúp Trương thị để lo việc tống táng cho chồng. Chôn cất cho chồng xong, Trương thị thương Hỷ Nhi, thề chẳng tái giá, ở vậy nuôi con. Thế nhưng Duẩn thị không cho, đem Trương thị đi bán cho một phú ông ở trong huyện làm nàng hầu. Mồ côi cha rồi mất mẹ, suốt ngày Hỉ Nhi bị Duẩn thị đánh đập, hành hạ như kẻ thù. Hỉ Nhi phải làm lụng vất vả, mỗi bữa phải chờ lũ gia nhân ăn xong mới được ăn cơm thừa. Sau 5 tháng, thân hình gày đét, chỉ còn da bọc xương, hơi thở thoi thóp như kẻ hấp hối. Tuy biết thế, song Vạn Thạch cũng chẳng dám xin vợ nhẹ tay cho đứa cháu.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #68
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Vạn Thạch Sợ Vợ


    Tiếp theo.

    Đúng nửa năm sau. Một sáng, Giới Phủ lại tới nhà Vạn Thạch. Được lũ gia nhân chạy vào báo, Vạn Thạch vội dặn chúng không được nói cho Duẩn thị biết, rồi ra đón Giới Phủ vào ở trong căn phòng bữa trước.

    Nghe nói có Giới Phủ tới chơi, Dương ông vội đến chào. Nhìn thấy Dương ông lại ăn mặc rách rưới, Giới Phủ kinh ngạc quá, hỏi:"Sao lão bá lại lam lũ thế này?" Dương ông bèn thuật hết mọi chuyện đã xảy ra trong sáu tháng vừa qua. Nghe đến chuyện Vạn Chung tự tử chết, Giới Phủ dậm chân kêu:"Trời ơi! Sao nhị huynh lại bạc phước quá thế!" Nghe nói có Giới Phủ tới chơi, Hỉ Nhi cũng chạy đến chào. Chẳng nhận ra Hỉ Nhi là ai, Giới Phủ hỏi:"Ai đây?" Hỉ Nhi đáp:"Chú chẳng nhận ra cháu hay sao? Hỉ Nhi đây mà!" Kinh ngạc quá, Giới Phủ hỏi:"Cháu đó ư? Sao tiều tụy thế?" Hỉ Nhi chưa kịp đáp thì Dương ông đã thuật chuyện Duẩn thị đối xử tàn tệ với Hỉ Nhi.

    Dương ông vừa thuật chuyện xong thì Vạn Thạch bước vào phòng. Giới Phủ tức giận, quay nói với Vạn Thạch:"Trước kia đệ có nói rằng huynh chẳng phải là con người, nay quả đúng như thế! Vợ đã hung ác tới mức đó thì phải giết chết ngay đi, chẳng việc chi mà phải sợ! Sao huynh hèn nhát thế? Huynh cam tâm để cho vợ đối xử với cha và cháu tàn tệ tới mức này sao?" Vạn Thạch chẳng đáp được lời nào, chỉ cúi đầu ôm mặt khóc. Duẩn thị rất tinh ý. Thấy chồng vắng mặt, Duẩn thị bèn lấy roi đánh lũ gia nhân để tra hỏi. Chúng đành khai thực là Vạn Thạch tới phòng Giới Phủ. Vì vẫn còn sợ Giới Phủ, Duẩn thị chẳng dám đích thân ra đuổi khách, chỉ sai lũ tì nữ đi gọi chồng về. Vừa về tới phòng, Vạn Thạch liền bị Duẩn thị chạy đến tát túi bụi, bắt phải ra đuổi Giới Phủ đi ngay. Vết tát còn hằn trên má, Vạn Thạch cũng phải nuốt nước mắt mà trở lại phòng Giới Phủ. Giới Phủ hỏi:"Ai tát huynh?" Vạn Thạch đáp:"Nội nhân! Nàng bắt ngu huynh phải tới đây đuổi hiền đệ đi!" Giới Phủ hỏi:"Thế huynh có muốn đuổi đệ đi không?" Vạn Thạch mếu máo, lắc đầu. Giới Phủ nói:"Là gia chủ mà huynh chẳng có chút uy quyền nào, cam tâm nhìn vợ tác yêu tác quái, đánh cha mình, giết em mình, bán em dâu, đày đọa cháu! Thế mà huynh cũng chịu được thì thực là quái đản! Huynh đâu còn phải là con người?" Nghe Giới Phủ nói, Vạn Thạch tỏ vẻ xúc động. Giới Phủ bèn nói tiếp:"Vợ mà hung ác đến thế thì phải đuổi ra khỏi nhà ngay! Nếu chẳng chịu đi thì phải lấy dao mà giết! Đừng có sợ! Đệ chơi thân với quan tể huyện này! Đệ còn chơi thân với cả bốn vị thượng quan ở trên quan tể nữa! Toàn là những quan to, có quyền sinh sát ở trong tay! Đệ bảo đảm với huynh rằng nếu huynh có giết chết vợ thì cũng sẽ chẳng bị tội gì!" Nghe Giới Phủ nói khích, đột nhiên Vạn Thạch hùng hổ chạy về phòng.


    Thấy chồng hùng hổ chạy về, Duẩn thị ngạc nhiên lắm, quát:"Mi làm chi thế?" Nhìn thấy vợ, Vạn Thạch lại run cầm cập, mặt mũi xanh xám, đáp:"Giới Phủ sai ta về đuổi nàng ra khỏi nhà!" Duẩn thị nổi giận nói:"Thằng này giỏi thực! Mi dám nghe lời thằng em kết nghîa, về đây đuổi tao ư? Tao phải đánh cho mi một trận mới được!" Nói xong, Duẩn thị đi tìm roi. Vạn Thạch sợ quá, lại bỏ chạy tới phòng Giới Phủ. Thấy Vạn Thạch mặt mũi xanh xám, người run cầm cập, Giới Phủ giận lắm, nói:"Hèn quá lắm, chẳng còn biết phải trái là gì thì làm sao mà thuyết phục được?" Nói xong, Giới Phủ mở túi hành trang, lấy ra một gói thuốc, hòa vào một chén trà, đưa cho Vạn Thạch, nói:"Đây là thuốc Trượng Phu Tái Tạo! Trước kia đệ chẳng muốn cho huynh uống vì sợ tuy thuốc hay nhưng lại độc, có thể hại tới sức khoẻ của người uống! Thế nhưng, nay thấy huynh hèn nhát quá, đệ chẳng còn cách chi khác, đành phải cho huynh uống thuốc này! Vậy huynh hãy uống ngay đi!" Vạn Thạch bèn đón lấy chén thuốc từ tay Giới Phủ mà uống một hơi.

    Lát sau, thuốc ngấm, Vạn Thạch thấy ngực mình nóng ran như lửa đốt. Đột nhiên, Vạn Thạch thấy hận thù vợ vô tả, nên chạy xuống bếp lấy một con dao giắt vào người rồi hùng hục chạy lên phòng vợ. Mắt đỏ ngầu, miệng la hét, Vạn Thạch mắng chửi vợ là mụ đàn bà hung ác. Duẩn thị lấy làm lạ, chưa kịp lên tiếng thì đã bị Vạn Thạch chồm tới vồ như hổ vồ mồi. Duẩn thị vừa né tránh thì bị Vạn Thạch nhanh chân nhảy tới, nắm chặt lấy cánh tay mà đấm vào người như mưa. Tuy thân thể bị bầm tím nhưng Duẩn thị vẫn mắng chửi chồng. Chẳng nói chẳng rằng, Vạn Thạch thò tay vào túi, rút con dao ra. Tuy nhìn thấy dao, nhưng Duẩn thị vẫn tin là chồng chẳng dám giết mình, nên lớn tiếng hỏi:"Mi dám rút dao ra trước mặt tao nhưng mi có dám giết tao không?"Chẳng nói chẳng rằng, Vạn Thạch cầm dao xẻo một miếng thịt đùi Duẩn thị, to bằng bàn tay mà ném xuống đất. Đau đớn quá, Duẩn thị thét lên một tiếng thất thanh, hết sức kinh ngạc về thái độ hung hãn của chồng. Vạn Thạch toan cầm dao xẻo nữa thì Duẩn thị la ầm lên, xin chồng tha cho. Vạn Thạch chẳng nghe, cứ xẻo thêm một miếng. Đau điếng người, Duẩn thị lại thét lên một tiếng thất thanh. Nghe tiếng thét, lũ gia nhân vội chạy lên coi. Thấy dao vấy máu, chúng vội hò nhau ôm lấy Vạn Thạch, lôi ra khỏi phòng. Nghe tiếng thét, Giới Phủ cũng tới coi. Thấy lũ gia nhân lôi Vạn Thạch ra khỏi phòng, Giới Phủ nắm lấy tay Vạn Thạch mà kéo về phòng mình. Đang say máu, Vạn Thạch nói:"Để ngu huynh giết thị đi đã!!" Giới Phủ nói:"Thế là đủ rồi! Giết làm chi?"


    Tới phòng Giới Phủ, Vạn Thạch mệt quá, ngồi phịch xuống ghế, ngủ gà ngủ gật. Đến chiều, hơi thuốc vừa tan, Vạn Thạch tỉnh giấc. Nhớ lại việc làm hồi sáng, Vạn Thạch đâm ra hoảng sợ, mặt mày ủ rũ, mếu máo, nói với Giới Phủ:"Ngu huynh chỉ sợ nội nhân thù ghét thì ngu huynh chết mất!" Giới Phủ lắc đầu chán ngán, nói:"Đừng có hèn nhát như thế! Có uy với vợ hay không là ở cái dịp này đây! Muốn làm cho vợ sợ mình, chẳng phải là chuyện một sớm một chiều! Mỗi ngày, phải cố gắng một chút! Hôm qua, đệ thấy huynh như một con người đã chết, nhưng hôm nay, đệ lại thấy huynh như một xác chết hồi sinh! Từ nay, huynh phải thu hết can đảm mà bỏ cái thói sợ vợ đi! Nếu vẫn còn hèn nhát, chẳng bỏ được thì chẳng có thuốc chi chữa nổi đâu! Bây giờ huynh hãy trở về phòng xem hai vết thương của vợ ra sao và xem vợ đối xử với mình như thế nào! Rồi trở lại đây nói cho đệ biết!" Trở về phòng, Vạn Thạch thấy lũ tì nữ đang săn sóc vết thương cho bà chủ. Thấy chồng trở về, Duẩn thị kinh hãi lắm, lên tiếng trước:"Thiếp xin lỗi chàng về những việc làm hung ác trước kia!" Vạn Thạch vội xua tay, nói:"Chẳng cần phải xin lỗi, cứ nằm yên mà nghỉ!" Vạn Thạch lại tới phòng Giới Phủ mà thuật chuyện. Dương ông và Giới Phủ cùng mừng thầm cho Vạn Thạch.

    Ở chơi thêm một tuần, Giới Phủ từ biệt mà đi. Vạn Thạch giữ lại, nói:"Xin hiền đệ ở lại chơi với gia đình ngu huynh thêm ít lâu nữa!" Giới Phủ lắc đầu, nói: "Nay đệ có việc gấp, chẳng thể ở chơi thêm được! Kỳ này, sở dĩ đệ tới đây chơi là vì nhà huynh nằm ngay trên con đường đệ đi Đông Hải! Đệ đã đi sớm hai tuần để ghé vào đây thăm lão bá và hai huynh! Chẳng may nhị huynh đã mất nên đệ không được gặp. Bây giờ gia đạo nhà này đã tạm ổn, đệ mừng cho huynh! Sang năm, trên đường từ Đông Hải về nhà, thế nào đệ cũng sẽ ghé vào đây thăm lão bá và huynh!" Nói xong, Giới Phủ sửa soạn hành trang rồi từ biệt.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  9. #69
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Vạn Thạch Sơn Vợ



    Tiếp theo và hết.

    Từ hôm Giới Phủ ra đi, Duẩn thị thay đổi hẳn tính nết, vui vẻ hòa nhã với mọi người, âu yếm lễ phép với Vạn Thạch. Bị hai vết thương ở đùi, Duẩn thị phải nằm liệt giường mất hơn một tháng. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, Vạn Thạch lại tỏ vẻ sợ vợ. Thấy thế, Duẩn thị lại bắt đầu khinh thường, rồi chế nhạo, mắng chửi chồng. Chẳng bao lâu, Duẩn thị lại hung ác với mọi người như cũ. Vì bị Duẩn thị hành hạ thái quá, Dương ông không chịu nổi, đành bỏ nhà trốn theo một đạo sĩ. Sợ vợ, Vạn Thạch chẳng dám đi tìm cha về. Thấy thế, người làng đều khinh bỉ Vạn Thạch, chẳng ai thèm giao du với.

    Hơn một năm sau.Trên đường từ Đông Hải về nhà, Giới Phủ lại ghé thăm Dương ông và Vạn Thạch. Khi biết chuyện Vạn Thạch nhu nhược, lại để cho vợ tác yêu tác quái như cũ, khiến cha phải bỏ nhà trốn đi, Giới Phủ nói với Vạn Thạch:"Vì huynh hèn nhát thái quá nên đệ cũng bó tay, chẳng còn cách chi chữa cho huynh trở lại thành con người được nữa! Đệ chỉ còn có thể giúp huynh một việc là dắt thằng cháu của huynh đi để nuôi nấng dậy dỗ y cho y nên người mà thôi!" Nói xong, Giới Phủ gọi Hỉ Nhi tới, nhấc lên lưng ngựa mà phóng đi.


    Năm ấy, vì sợ vợ, suốt ngày chỉ lo bị vợ mắng chửi, Vạn Thạch chẳng học hành chi được, văn chương mỗi ngày một kém. Tuy nhiên, đến mùa thu, khi triều đình mở khoa thi ở Hà Bắc, Vạn Thạch vẫn cứ lên tỉnh ứng thí. Chẳng những bị hỏng thi, Vạn Thạch còn bị quan trường cấm không được ứng thí nữa. Năm năm sau. Vì bất cẩn, không đề phòng củi lửa, ngôi nhà của Vạn Thạch bị cháy thành tro. Lửa cháy lan sang hàng xóm, thiêu rụi mất cả chục ngôi nhà chung quanh. Hàng xóm đi kiện. Quan tể bắt Vạn Thạch phải bồi thường. Vì thế Vạn Thạch phải bán hết ruộng vườn để lấy tiền bồi thường. Gia sản khánh tận, chẳng còn nhà ở, chẳng còn tiền tiêu, Vạn Thạch phải bán hết lũ gia nhân rồi dắt hai vợ tới nhà mấy người quen cũ xin ở nhờ ít lâu, song họ đều từ chối. Duẩn thị bèn bắt Vạn Thạch phải bán nốt Vương thị đi. Vạn Thạch phải vâng lời, bán Vương thị cho một nhà giàu ở trong vùng. Duẩn thị bèn dắt chồng tới nhà mấy người anh em ruột của mình để xin ở nhờ ít lâu song ai cũng từ chối vì ai cũng ghét Duẩn thị. Vạn Thạch bèn dắt Duẩn thị xuống Hà Nam mưu sinh. Tới ranh giới Hà Bắc-Hà Nam, Vạn Thạch cạn tiền. Duẩn thị bèn nói:"Mi đã hết tiền thì tao cũng chẳng muốn làm vợ mi nữa! Mi dắt tao đi như thế này là cốt để cho tao bị chết đói phải không? Hãy đem bán tao ngay cho kẻ có tiền để tao được no ấm mà mi cũng có tiền sinh sống!" Vừa lúc ấy, có một gã đồ tể đi qua. Nghe thấy Duẩn thị nói thế, gã bèn hỏi Vạn Thạch:”Có chịu bán vợ không?” Vạn Thạch gật đầu, nói:”500 quan!” Gã trả giá 300 quan. Vạn Thạch còn đang lưỡng lự thì Duẩn thị đã lên tiếng:”300 quan được rồi! Bán tao đi!” Gã đồ tể bèn mở bọc lấy tiền, đếm 300 quan trả cho Vạn Thạch, rồi dắt Duẩn thị về nhà mình ở gần chùa Phổ Đà.


    Nửa năm sau. Một hôm, Duẩn thị cãi nhau với gã đồ tể. Gã nổi giận, lấy dao mổ trâu khoét thủng đùi Duẩn thị, xuyên dây thép qua, treo ngược lên xà nhà, rồi gánh thịt trâu ra chợ bán. Đau quá, Duẩn thị la hét ầm ĩ. Nghe tiếng, hàng xóm chạy sang coi. Thấy cảnh tượng ấy, họ liền lấy kìm cắt đứt dây treo, đỡ Duẩn thị xuống, rút giây xuyên đùi ra cho. Duẩn thị đau điếng người, dẫy dụa, la hét thất thanh, khiến dây thép bị đứt, một khúc dây vẫn còn nằm ở trong đùi, chẳng sao lấy ra được. Mấy tháng sau, vết thương ở đùi mới lành. Tuy nhiên, khúc dây còn nằm trong đùi khiến Duẩn thị bị khập khi*ễng. Thỉnh thoảng trở trời, đùi lại đau ê ẩm. Từ đó, cứ mỗi lần thấy gã đồ tể về tới nhà là Duẩn thị lại kinh khiếp. Gã bắt Duẩn thị phải hầu hạ phục dịch gã suốt ngày đêm, hơi trễ* nải một chút là bị đòn vọt, chửi rủa. Gã có tật nghiện rượu. Cứ mỗi lần gã đi uống rượu về là gã lại chửi rủa đánh đập Duẩn thị tàn nhẫn. Bị hành hạ hết ngày này qua ngày khác, Duẩn thị gày gò ốm yếu, chỉ còn da bọc xương. Lúc đó Duẩn thị mới nghĩ trước kia mình hành hạ người khác thì chắc họ cũng cảm thấy bị khốn khổ như mình bây giờ.

    Vạn Thạch dùng 300 quan tiền bán vợ làm tiền ăn dọc đường để tiếp tục đi sâu xuống Hà Nam. Chẳng bao lâu, số tiền này cũng hết. Tới đâu, Vạn Thạch cũng xin việc làm, nhưng chẳng được ai mướn, nên đành phải hành khất ở dọc đường. Một hôm, đang hành khất, tình cờ trông thấy cổng một dinh thự sang trọng, Vạn Thạch bèn tới xin cơm. Bị người canh cổng đuổi đi, Vạn Thạch toan đi, song vì đói quá, chẳng đi được nữa, đành phải ngồi lì ở ngoài cổng. Lát sau, thấy một vị quan từ trong cổng bước ra đường, Vạn Thạch liền lên tiếng:"Xin đại quan bố thí cho kẻ nghèo khó này một miếng cơm!" Nghe thấy tiếng quen quen, vị quan đứng lại nhìn, rồi hỏi:"Ông lão này tên họ là chi? Quê quán ở đâu?" Vạn Thạch đáp:"Thưa đại quan, kẻ nghèo khó này họ Dương, tên Vạn Thạch, quê ở huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc!" Vị quan giật mình kinh hãi, nói: "Trời ơi! Bác đấy ư? Cháu là Hỉ Nhi đây! Tại sao bác lại bị cùng khốn đến thế này?" Nhận ra vị quan là Hỉ Nhi, Vạn Thạch bất giác oà lên khóc. Hỉ Nhi bèn cúi xuống nâng Vạn Thạch đứng dậy, dắt vào nhà. Tới phòng khách, thấy đồ đạc sang trọng, hoành phi câu đối đều dát vàng nạm ngọc, Vạn Thạch kinh ngạc quá. Hỉ Nhi mời Vạn Thạch ngồi, sai gia nhân pha trà mời uống rồi dọn cơm ruợu mời ăn. Hỉ Nhi ngồi tiếp bác ăn uống. Xong bữa, Hỉ Nhi đứng dậy, đi vào phòng trong. Lát sau, thấy một ông lão tóc bạc lưng còng, một tay vịn vai tiểu đồng, một tay chống gậy, bước ra phòng khách, Vạn Thạch nhận ra ngay ông lão là cha mình.

    Hai cha con nhìn nhau nghẹn ngào, chẳng nói được lời nào. Lát sau, Dương ông mới hỏi Vạn Thạch vì đâu mà nên nỗi khốn khổ như thế? Vạn Thạch bèn kể lể cho cha nghe đầu đuôi sự tình, kể từ lúc nhà bị cháy cho tới bây giờ. Vạn Thạch vừa kể xong thì thấy Hỉ Nhi dẫn một nữ lang từ phòng trong bước ra phòng khách, mà nói với mình:”Nay cháu xin đem vợ cháu ra đây để chào bác!" Nữ lang cúi đầu chào Vạn Thạch. Vạn Thạch đáp lễ. Vạn Thạch hỏi Hỉ Nhi:”Làm thế nào mà cháu được vinh hiển như thế này?" Hỉ Nhi đáp:"Hôm chú Giới Phủ tới nhà bác chở cháu đi, chú ấy đưa cháu xuống đây, thuê nhà cho ở. Mấy hôm sau, chú ấy tìm ra chỗ ở của ông nội cháu, bèn đến đón ông về ở chung với cháu. Sau đó, chú ấy mời một thầy đồ về ở trong nhà để dạy cháu học. Học được một năm, cháu thi đậu vào trường huyện. Năm sau, cháu đi thi hương, đậu cử nhân, được triều đình bổ nhậm về đây làm quan. Cháu có trở về Hà Bắc tìm tới nhà phú ông để chuộc mẹ cháu ra nhưng mẹ cháu từ chối, nói rằng mẹ cháu đã quen cảnh sống ở nhà phú ông rồi, chẳng muốn thay đổi nữa. Mẹ cháu chỉ khuyên cháu nên ăn ở cho có phúc đức. Cháu được triều đình cho ở dinh thự này. Chú Giới Phủ mới tìm chỗ hỏi vợ cho cháu!" Vạn Thạch hỏi:”Bây giờ chú Giới Phủ ở đâu?" Hỉ Nhi đáp:"Thưa bác, cháu không được biết! Cưới vợ cho cháu xong, chú ấy từ biệt mà đi. Ông nội cháu và cháu giữ thế nào chú ấy cũng không chịu ở lại. Thấy cháu cứ năn nỉ mãi, chú ấy mới nói:"Thôi đừng năn nỉ nữa! Để chú nói thực cho mà nghe! Nguyên chú không phải là người mà là chồn đã thành tiên. Chú đã hẹn với bạn bè cùng nhau trở về tiên cảnh rồi!" Nói xong, chú ấy nhất định từ biệt mà đi!". Hỉ Nhi bèn gọi gia nhân lên, sai đi dọn một phòng riêng cho Vạn Thạch ở. Nghĩ tới bác gái Vương thị trước kia cũng bị Duẩn thị hành hạ khổ sở, Hỉ Nhi cảm thương, bèn sai người đi dò la tin tức. Khi tìm ra được chỗ ở của Vương thị, Hỉ Nhi sai gia nhân đem tiền bạc ngựa xe đến chuộc Vương thị về cho Vạn Thạch. Hơn một năm sau, Vương thị sanh được một bé trai.

    Một hôm, vợ Hỉ Nhi cùng Vương thị đi l*ễ Phật ở chùa Phổ Đà, có một toán lính theo hầu. Toán lính đi lùa đám đàn bà con gái cư ngụ quanh vùng tới chùa để đón chào Vương thị và vợ Hỉ Nhi. Duẩn thị cũng bị lùa vào đám đó. Vương thị đi hỏi thăm từng người trong đám. Sắp đến lượt mình được hỏi thăm, Duẩn thị nhận ra Vương thị thì xấu hổ quá, giật lùi lại đằng sau, toan lẩn trốn. Thấy thế, toán lính quát thét Duẩn thị, bắt phải tiến lên rập đầu lạy Vương thị và vợ Hỉ Nhi. Nhận ra Duẩn thị, Vương thị mỉm cười, hỏi toán lính:"Người đàn bà này là ai?" Toán lính đáp:"Là vợ gã đồ tể ở gần chùa!". Vương thị cười, nói:"Vợ đồ tể thì thiếu chi thịt ăn, mà sao lại gầy thế?" Mọi người có mặt trong chùa đều bưng miệng cười.
    Bị Vương thị làm nhục ở giữa chùa, Duẩn thị uất ức lắm, nên khi về tới nhà, Duẩn thị treo cổ lên xà nhà tự ải. Dây treo bị đứt, Duẩn thị rớt xuống sàn nhà, chỉ bị đau chứ không chết. Gã đồ tể biết chuyện, càng thù ghét, chửi rủa đánh đập Duẩn thị tàn nhẫn hơn. Năm sau, gã đồ tể bị bệnh nặng rồi chết. Sau khi chôn cất cho gã, Duẩn thị phải bán rẻ căn nhà của gã để lấy tiền ăn tiêu, lên ngủ nhờ ỏ hành lang nhà chùa. Ít lâu sau, tiêu hết tiền bán nhà, Duẩn thị lại phải theo đám hành khất trong vùng đi ăn xin.

    Một hôm, gặp Vạn Thạch với đám gia nhân đi ở dọc đường, Duẩn thị rập đầu van lạy Vạn Thạch, nước mắt như mưa. Vì có mặt đám gia nhân, Vạn Thạch chỉ dám móc túi lấy tiền bố thí cho Duẩn thị, chứ chẳng dám đứng lại chuyện trò. Về nhà, Vạn Thạch nói với Hỉ Nhi cho Duẩn thị về cư ngụ với mình nhưng Hỉ Nhi nhất quyết chẳng nghe. Không làm sao được, Vạn Thạch đành chỉ lén lút lên hành làng chùa thăm hỏi và bố thí cho Duẩn thị. Biết chuyện, Hỉ Nhi liền sai lính ngầm cho tiền đám hành khất, bảo chúng phải làm nhục Duẩn thị, đuổi khỏi hành lang nhà chùa.

    Duẩn thị đành phải bỏ chùa mà đi mất tích, chẳng ai biết là đi đâu.

    Hết.
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  10. #70
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Bài gửi
    311
    Thanks
    54
    Thanked 48 Times in 40 Posts
    Nhậu với quỷ!


    Tùng Lang có ngư phủ Lý Chánh, người chính trực, đạm bạc danh lợi, sống bằng nghề đánh cá qua ngày. Mỗi khi đánh được cá, thường hay mua rượu về tự nhắp. Một hôm đang đánh chén một mình, bỗng nhiên có một người xuất hiện đứng trước cửa. Lý Chánh lên tiếng:

    - Các hạ là ai vậy?

    Người kia đáp:

    - Ta không phải là người mà là quỷ, chết ở dưới sông này đã năm năm, nay thấy ông uống rượu thiếu bạn nên muốn đến làm quen và xin một chén.

    Lý Chánh đáp:

    - Nếu có hứng thú thì mời các hạ ngồi chung cùng nhắp, làm bạn với rượu, người hay quỷ đều như nhau cả. Quỷ nhận lời mời của Lý Chánh, người và quỷ ngồi trên bàn rượu chè tạc với nhau. Khi rượu hết, quỷ bèn từ giã. Về sau quỷ thường đến uống rượu với Lý Chánh, mối tình nhân quỷ đã trở thành đôi bạn tri giao.

    Một hôm quỷ đến gặp Lý Chánh, nói:

    - Ngày mai sẽ có người chêt giữa sông, đệ sẽ được đi đầu thai, nay đến giã từ huynh, cầu chúc sức khỏe của huynh được dồi dào, bình an.

    Vài ngày sau, Lý Chánh lại thấy người bạn quỷ đến thăm với bộ mặt buồn bã. Lý Chánh hỏi:

    - Mấy ngày trước huynh đã nói là đi đầu thai cơ mà, sao hôm nay vẫn còn ở đây?

    Quỷ đáp:

    - Đúng ra hôm đó có người lái đò bị chết chìm, nhưng người đó mồ côi từ nhỏ, lại phải nuôi thêm một người em dại, thấy mà tội nghiệp, nên lòng đệ không nỡ thấy người chết để mình đi đầu thai. Cho nên hôm nay đến gặp huynh uống rượu giải sầu.


    Một tháng sau, người bạn quỷ lại đến từ giã Lý Chánh:

    - Ngày mai có một thanh niên đến bơi lội và sẽ chết tại đây, đệ sẽ được đi đầu thai, nay đến từ giã huynh.

    Lý Chánh:

    - Đệ chúc mừng cho huynh vậy.

    Qua vài ngày, trong lúc uống rượu, Lý Chánh lại thấy người bạn quỷ xuất hiện. Lý Chánh hỏi:

    - Huynh vẫn chưa được đầu thai hay sao?

    Quỷ đáp:

    - Số của người đó đúng ra bị chết chìm vào hôm đó, nhưng đệ thấy người đó hãy còn mẹ già phải nuôi, nghĩ đến mà thương hại nên đệ cứu người thanh niên đó.

    Lý Chánh:

    - Huynh quả là có lòng nhân từ, có ngày sẽ được phúc báo. Huynh không đi đầu thai nhưng đến đây tạc chén cùng đệ cũng vui.

    Quỷ nói:

    - Ngày mai có một thiếu phụ đến nhảy sông tự tử, đệ sẽ được đi đầu thai, nên đến báo cho huynh hay.

    Lý Chánh:

    - Đệ cũng mừng cho huynh, mong huynh được đầu thai vào gia đình phú quý.


    Qua vài ngày, Lý Chánh lại thấy người bạn quỷ đến nên ngạc nhiên hỏi:

    - Ủa, huynh vẫn chưa được đầu thai à?

    Quỷ đáp:

    - Thiếu phụ nhảy sông là người có chữa, đệ là nam nhi chết còn khổ như vậy, nếu là đàn bà phụ nữ thì lại càng khổ thêm, đệ lại nghĩ đến một mệnh mà chết đến hai người, lòng lại càng không nỡ, nên đệ bỏ ý định đi đầu thai, làm một người bạn quỷ vĩnh viễn cùng huynh.

    Lý Chánh:

    - Nếu huynh không chê đệ nghèo, bỏ chuyện đời ra ngoài, có rượu thì mình nhắp chung, thì làm người hay làm quỷ cũng không có gì khác biệt cả, huynh nghĩ có đúng không?

    Đôi bạn nhân quỷ từ đó lại càng thắm thiết hơn. Một hôm Lý Chánh thấy người bạn quỷ mặc áo cẩm bào đến thăm mình, nên ngạc nhiên hỏi:

    - Huynh làm gì mà hôm nay ăn mặc sang trọng đến thế?

    Người bạn quỷ đáp:

    - Hôm nay đệ đến đây để báo tin mừng và cũng để từ giã huynh. Mừng không phải là đệ được đi đầu thai làm kiếp người mà là làm Thần của sông này. Đức Ngọc Đế xét đệ có lòng nhân từ, chẳng những không nỡ hại người mà còn có lòng cứu người, vì lòng trắc ẩn này nên đệ được Đức Ngọc Đế phong làm Thần.

    Backieuphong sưu tầm
    独步傲游忘世俗
    Độc bộ ngao du vong thế tục
    看遍人间百事奸
    Khán biến nhân gian bách sự gian

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •