Trang 3/6 ĐầuĐầu 12345 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 60

Chủ đề: Phép Dưỡng sinh theo triết lý của Trang Tử

  1. #21
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb TỀ VẬT LUẬN - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 5

    Nay có người đưa ra một phán đoán. Không biết nó có giống với những phán đoán của người khác hay không. Giống hay không thì chúng cũng là một loại với nhau cả, vậy có khác gì nhau đâu.

    Tôi xin đưa ra một thí dụ. Một người bảo rằng vũ trụ có khởi thuỷ; một người khác bảo không có khởi thuỷ, một người nữa bác thuyết người thứ nhì dùng để bảo vủ trụ không có khởi thuỷ. Nói cách khác: một người bảo mới đầu vũ trụ có cái gì đó (hữu), một người khác bảo mới đầu vũ trụ không có cái gì đó (vô); một người nữa bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có cái gì đó; lại một người thứ tư khác nữa bác cái thuyết người thứ ba dùng để bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có gì cả. Khi thì có (hữu), khi thì không (vô). Mà không biết cái “có”, cái “không” đó có thực là “có”, có thực là “không” không. Tôi mới đưa ra một ý kiến, nhưng nó có thực là ý kiến hay là không có ý kiến gì cả.

    Trên đời không có gì lớn bằng đầu chiếc lông mùa thu, mà núi Thái Sơn thì nhỏ. Không ai thọ bằng đứa trẻ chết yểu, mà không ai yểu bằng ông Bành Tổ. Trời đất cùng sinh ra với tôi; vạn vật và tôi hợp nhất, chỉ là một. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao còn nói về nó được nữa. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao lại không nói về nó được. Cái “nhất” đó thêm cái ta nói về nó, thế là hai cái rồi; hai cái đó với cái “nhất” (nguyên thuỷ) thành ra ba. Cứ như vậy mà tính tiếp thì người giỏi tính cũng đành chịu; huống hồ là người thường. Như vậy là từ “không” (vô) tới “có” (hữu) đã có ba ý khác nhau rồi; huống hồ từ “có” tới “có”, sẽ có cơ man nào là ý. Đừng suy luận gì hết [nghĩa là quên ngôn ngữ, ý tưởng đi] thì thấy được đạo.

    ----------------------------------------------------


    Đạo không có giới hạn, mà ngôn ngữ thì không chắc chắn. Do ngôn ngữ mới có những sự phân biệt này nọ. Chẳng hạn chúng ta phân biệt bên phải bên trái, thứ tự và sai đẳng, phân và biện, cạnh và tranh: đó là tám loại biểu hiện. Mà cái gì ở ngoài vũ trụ thì thánh nhân không cho là có, không nói tới; cái gì ở trong vũ trụ thì thánh nhân nói tới mà không phê bình. Bộ sử Xuân Thu và chuyện chép về các tiên vương, thánh nhân đem ra bàn mà không tranh biện. Sau mỗi cái phân biệt có một cái gì không phân biệt được; sau mỗi cái biện luận có một cái gì không biện luận được. Tại sao vậy? Vì thánh nhân thấu triệt được toàn diện, còn người thường chấp nhất cãi nhau để thắng người khác. Cho nên bảo: “Hễ biện luận là chỉ thấy được phiến diện”.

    Đại Đạo không có tên, đại biện luận thì không nói; đại nhân (nhân từ) thì không yêu riêng ai; đại liêm khiết thì không có hình tích; đại dũng thì không hung hăng.

    Cái Đạo mà minh thị ra rồi thì không phải là Đạo; biện mà phải dùng lời nói thì không đạt được chân lí; nhân (từ) mà cố định thì không hoàn toàn là nhân; liêm khiết mà phô trương thì không được người ta tin; dũng mà tranh đấu (hoặc tới tàn bạo) thì không thành công.

    Như vậy là năm cái đó vốn hồn nhiên, viên thông mà hoá ra có cạnh góc.

    Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của “trí”. Người nào biết biện luận mà không dùng lời, biết rằng Đạo thì không có tên, là có được cái kho của trời (thiên phủ), đổ vô mà không bao giờ đầy, múc ra mà không bao giờ cạn, mà không biết tại sao. Như vậy gọi là “che ánh sáng đi” [đừng cho nó chiếu ra ngoài, mà ở trong sẽ sáng hơn].

    -------------------------------------


    Niết Khuyết hỏi (môn đệ là) Vương Nghê:

    - Anh có biết một chân lí tuyệt đối không? [nghĩa là được mọi vật chấp nhận].

    Vương Nghê đáp:

    - Làm sao con biết được?

    - Anh có biết rằng anh không biết chân lí đó không?

    - Làm sao con biết được?

    - Vậy ra vạn vật không biết gì cả sao?

    Vương Nghê đáp:

    - Làm sao con biết được? Nhưng con thử rán đưa ra ý kiến của con. Làm sao người ta có thể biết được cái mà con bảo là “biết” lại không phải là “không biết”; mà cái con bảo là “không biết” lại không phải là “biết”?

    Chẳng hạn một người nằm chỗ ẩm thấp (trong bùn) mà đau lưng tê liệt nửa người, nhưng một con lươn thì có sao không? Một người ngồi trên ngọn cây thì run rẩy sợ sệt, nhưng con khỉ có vậy không? Chỗ ở của người và hai con vật ấy, chỗ nào là lí tưởng (chính xứ)? Người ta ăn thịt dê, bò, chó, lợn; hươu nai ăn cỏ; rết thích ăn rắn con; cú mèo và quạ thích ăn chuột. Khẩu vị của bốn loài đó, khẩu vị nào là lí tưởng (chính vị)? Khỉ đực sống với vượn cái; nai đực sống với hươu cái; lươn sống chung với cá; nàng Mao Tường và nàng Lệ Cơ được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ tới thì cá lặn sâu, chim bay cao, hươu nai chạy dài. Cái đẹp theo bốn loài đó, cái đẹp nào là lí tưởng (chính sắc)? Theo con thì phân biệt nhân, nghĩa, thiện, ác chỉ là rối mù thôi. Làm sao mà phân biệt được?

    Niết Khuyết lại hỏi:

    - Anh không biết được lợi hại, nhưng bậc “chí nhân” [đức tuyệt cao] có biết lợi hại không?

    - Thưa, bậc chí nhân là thần rồi. Đồng cỏ có cháy cũng không làm cho họ thấy nóng, sông rạch đóng băng cũng không làm cho họ thấy lạnh, sét đánh đổ núi, gió làm dậy sóng cũng không khiến cho họ sợ. Họ chế ngự gió mây, cưỡi mặt trời mặt trăng mà đi chơi ngoài bốn bể, không quan tâm tới sống, chết, huống hồ là tới lợi hại?
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  2. #22
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb TỀ VẬT LUẬN - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 6

    Cồ Thước tử hỏi Trường Ngô tử:

    - Tôi nghe Khổng tử bảo: Thánh nhân không dự vào việc đời, không mưu đồ cái lợi, tránh né cái hại, được người ta vời cũng không mừng, không theo thói đời. Thánh nhân không nói tức là nói đấy, mà nói tức là không nói đấy. Nhờ vậy mà siêu thoát ra ra ngoài cõi trần tục. Thầy chúng ta cho đó là những lời vu khoát mơ hồ. Nhưng tôi cho là những lời phát hiện được cái đạo kì diệu. Còn anh, anh nghĩ sao?

    Trường Ngô tử đáp:

    - Ngay Hoàng Đế cũng hoang mang về điều đó, thì làm sao mà [Khổng] Khâu biết được? Tính anh vội vàng quá. Mới thấy cái trứng anh đã muốn nghe gà gáy sáng rồi, mới thấy viên đạn đã muốn có thịt chim “hào” quay rồi. Để tôi giảng bậy chơi, mà anh cũng nghe bậy chơi nhé. Có phải là thánh nhân theo mặt trời mặt trăng, ôm vũ trụ, hợp nhất với vạn vật, bỏ hết cả mọi sự hỗn độn, u ám, coi các sự tôn ti, quí tiện là một không? Người phàm lao khổ vì sự thị phi, tranh luận, thì thánh nhân thì có vẻ như ngu muội vô tri, đạt được cái thuần khiết của cái “nhất” nó bao quát mọi biến hoá của mọi thời và mọi vật.

    Làm sao tôi biết được ham sống không phải là một thái độ lầm lẫn? Làm sao tôi biết được kẻ sợ chết không giống như một em nhỏ lạc lối, quên mất đường về nhà?

    Nàng Lệ Cơ là con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngải. Khi vua Hiến Tông nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới uớt đẫm vạt áo, nhưng về tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mĩ vị, nàng hối hận giọt lệ ngày xưa. Vậy làm sao tôi biết được khi chết rồi, người ta lại không ân hận rằng trước kia ham sống?

    Có người nằm mộng thấy được uống rượu ăn tiệc, tỉnh dậy tiếc mà khóc; lại có người nằm mộng thấy mình khóc rồi thức vậy vui như đi săn. Mà hai hạng người đó trong khi nằm mộng không biết rằng mình nằm mộng, đôi khi nằm mộng thấy rằng mình nằm mộng, tới khi tỉnh mới biết rằng mình nằm mộng. Và chỉ khi nào đại giác (tỉnh lớn) mới biết rằng đã qua một “đại mộng” (giấc mộng lớn). Bọn ngu tự cho mình là tỉnh khi coi vua là quí, còn kẻ chăn trâu là hèn. Thật là cố chấp!

    Khổng Khâu với anh đều là nằm mộng hết. Mà tôi bảo anh là nằm mộng, thì chính tôi cũng nằm mộng nữa. Những lời đó người thường cho là quái dị, nhưng một vạn năm về sau sẽ có một đại thánh nhân hiểu được. Thời gian đó không dài gì chỉ như từ sáng tới chiều thôi.

    -----------------------------

    Giả sử tôi tranh biện với anh mà anh thắng tôi thì có nhất định là anh phải, tôi trái không? Nếu tôi thắng anh thì có nhất định là tôi phải, anh trái không? Trong chúng ta có một người phải, một người trái? Hay cả hai chúng ta đều phải cả hoặc đều trái cả? Anh và tôi làm sao biết được điều đó? Mà một người thứ ba nào khác thì cũng hồ đồ không biết được, lựa ai sáng suốt làm trọng tài đây? Hỏi một người cùng một ý kiến với anh, thì người đó do lẽ cùng ý kiến với anh, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người cùng ý kiến với tôi thì người này do lẽ cùng ý kiến với tôi, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người ý kiến khác cả tôi lẫn anh, hoặc giống cả tôi lẫn anh thì cũng làm sao phán đoán được? Vậy anh, tôi và người thứ ba đó đều không quyết được ai phải, ai trái. Có nên đợi một người thứ tư nữa không?

    -------------------------------------------------

    Thế nào là hoà hợp với “thiên nghê” (phán đoán hợp với lí tự nhiên, chứ không phải theo tiêu chuẩn vốn dĩ thiên lệch của loài người). Hoà hợp với thiên nghê là [chấp nhận ý kiến của người, và] bảo không phải cũng là phải. Nếu cái gì phải mà quả thực là phải thì nó khác hẳn với cái gì không phải rồi, như vậy không còn phải tranh biện nữa. Nếu cái gì như vậy quả thực là như vậy thì nó khác hẳn cái gì không như vậy rồi, trong trường hợp đó, cũng không còn phải tranh biện nữa. Một chuyển động và một thanh âm tuỳ thuộc nhau mà cơ hồ như không tuỳ thuộc nhau.

    Phán đoán mà hoà hợp với “thiên nghê” là biết tuỳ theo hoàn cảnh thay đổi, như vậy thì đạt được tới vô cực, sống được trọn đời. Quên tuổi mình, quên thị phi đi, ngao du ở chỗ vô cảnh giới (hư vô) và gởi mình trong cõi đó.

    --------------------------------------------------

    Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng:

    - Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng. Lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Tại sao anh không có thái độ độc lập vậy?

    Cái bóng đáp:

    - Tôi sở dĩ như vậy là vì tuỳ thuộc một cái gì. Cái gì đó lại tuỳ thuộc một cái gì khác. Tôi tuỳ thuộc một cái gì thì cũng như con rắn tuỳ thuộc vẩy của nó, con ve tuỳ thuộc cánh của nó. Làm sao tôi hiểu được cái gì làm cho tôi lúc thì thế này, lúc thì thế khác?

    ---------------------------------------------------

    Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hoá bướm hay là bướm mộng thấy hoá Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó là gọi là “vật hoá”.
    Lần sửa cuối bởi ngochai; 19-05-2012 lúc 12:30 PM
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  3. #23
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb TỀ VẬT LUẬN - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Luận giải:

    Chương này là chương quan trọng nhất, chứa nhiều tư tưởng độc đáo nhất trong bộ sách. Trang tử trình bày vũ trụ quan của ông để rút ra một luật thiên nhiên: luật vạn vật tuyệt đối bình đẳng, không có quí tiện, không có thị phi, và một phép xử thế: không tranh luận, để cứu một cái tệ đương thời, là triết gia nào cũng đả đảo các triết gia khác, tự cho mình mới thực nắm được chân lí.

    Trong bài 6, Trang tử bảo: “Cổ nhân, người nào trí tuệ đạt tới tuyệt đỉnh, cho rằng vũ trụ mới đầu không có gì cả”. Bài 2, ông lại bảo: “Không ai biết chủ tể của vũ trụ là gì. Ví thử có một chủ thể đi thì chúng ta cũng không thấy cái dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác dụng mà không thấy hình thể của nó”.

    Chủ trương đó thật rõ ràng: ông không chấp nhận có một vật hữu hình sinh ra vạn vật. Không có một Thượng đế như Nho gia và Mặc gia quan niệm.

    Mới đầu chỉ có một cái gì đó, có lẽ là luật thiên nhiên, mà ông gọi là Đạo. Đạo siêu thời gian, vô hình sắc, mà biến hoá vô cùng (bài 3). Như khi gió thổi, cả vạn hang, lỗ đều vang động lên, phát ra những tiếng khác nhau, “có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít…” (bài 1), nhưng hết thảy những tiếng đó đều do “đất thở” (tức gió) mà phát ra cả.
    Đạo đó không có tên gọi (ý này cũng chính là ý của Lão tử trong Đạo Đức kinh: Đạo khả đạo phi thường đạo); khi Đạo mà đã minh thị ra rồi thì không phải là Đạo (bài 8).

    Vì Đạo gồm vạn vật, vạn vật hợp nhất vào Đạo (bài 4), chúng ta chỉ là một phần tử của Đạo, không thể biết được Đạo (một phần tử làm sao biết được toàn thể), không thể chỉ rõ, giảng nó là cái gì. Cho rằng mình biết được Đạo, là nói bậy, nhận rằng mình không biết được nó, mới là sáng suốt. (Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của “trí” – bài 8).

    Vậy Trang cơ hồ chủ trương thuyết “bất khả tri”.

    Tuy không hiểu được Đạo, nhưng hạng đại trí, đạt Đạo, biết rằng vạn vật hợp nhất ở trong Đạo, nên không phân biệt vật này, vật khác, mình với vật: “Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được. Cho nên mới bảo cái kia là tự cái này mà ra, mà cái này cũng tự cái kia mà có (…) Mình là người khác, người khác cũng là mình” (bài 3).

    Ở đây ta thấy Trang tử vượt Mặc tử. Mặc tử bảo phải yêu mọi người như mình, nghĩa là còn phân biệt người và mình. Trang thì không: người là mình, mình là người. Yêu hay ghét không thành vấn đề nữa: cứ theo tự nhiên, thì cũng như yêu mọi người, mọi vật rồi. Tôi không muốn gọi thuyết của ông là “siêu ái” để so sánh với thuyết “kiêm ái” của Mặc, vì ông không chủ trương “ái”, nhưng tư tưởng của ông quả là cao hơn Mặc nữa. Mà cao hơn tức là khó thực hiện hơn.

    Đã cùng là những phần tử của Đạo cả, nên vạn vật ngang nhau. Thân thể con người gồm một trăm cái xương, chín cái lỗ và sáu “tạng”, có cái nào đáng quí hơn cái nào đâu? Chúng đều là bộ phận của thân thể, đều phục dịch cho ta. Một cái bị bệnh thì những cái khác cũng bị ảnh hưởng lây, mà thân thể của ta mất sự quân bình.
    “Cho nên một cọng cỏ nhỏ với một cây cột lớn, một người đàn bà xấu với nàng Tây Thi, với tất cả các cái bậy bạ, dối trá, quái dị đều hợp nhất ở trong Đạo. Cái nhất đó phân chia ra thành vạn vật” (bài 4).

    Vả lại cái gì cũng ở trong Đạo hết. So với một cái cực nhỏ thì đầu chiếc lông mùa thu là cực lớn; so với cái cực lớn thì núi Thái Sơn vẫn là nhỏ. Loài người ăn thịt dê thịt bò cho là ngon, mà loài dê loài bò lại cho lá cây, cỏ mới ngon; loài người cho Mao Tường, Lệ Cơ là đẹp, nhưng loài chim loài cá thấy hai nàng đó thì hoảng sợ mà trốn; vậy là không có “chính vị”, “chính sắc”, nghĩa là không có gì làm tiêu chuẩn bất di bất dịch cho khẩu vị, sắc đẹp cả, không có gì tuyệt đối cả.

    Hơn nữa, mọi vật đều biến thiên, một việc lúc này cho là khổ, lúc khác lại cho là vui, lúc này cho là phải, lúc khác cho là trái. Nàng Lệ Cơ khi phải xa cha mẹ thì khóc mướt, nhưng về nhà chồng rồi, lại thấy sung sướng mà ân hận rằng trước kia đã khóc. Cho nên chỉ người phàm mới lao khổ vì thị phi, còn thánh nhân thì đạt được cái tinh khiết của cái “nhất” nó bao quát được mọi biến hoá của mọi thời và mọi vật. Cái “nhất” đó là Đạo (bài 11).

    Vì luật biến hoá đó mà sống cũng là chết, chết cũng là sống (bài 3), mộng cũng có thể là thực mà thực cũng có thể là mộng. Ai mà biết được Trang Chu mộng thấy mình hoá bướm hay bướm mộng thấy nó hoá Trang Chu (bài 15). Trong bài 11, Trường Ngô tử bảo bạn là Cồ Thước tử: đời chỉ là giấc mộng lớn; Khổng tử khi giảng đạo lí, là nằm mộng, Cồ Thước tử nhắc lại lời của Khổng tử cũng là nằm mộng, mà Trường Ngô tử khi bảo hai người trên là nằm mộng thì chính mình cũng là nằm mộng nốt nữa.

    Vậy là cơ hồ như Trang tử chủ trương tuyệt đối hoài nghi, tuyệt đối vô vi: đã không có gì là phải, là trái thì cũng chẳng cần phải làm gì cả?

    Đọc lại câu cuối bài 5, chúng ta thấy không hoàn toàn như vậy:

    “Cho nên thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một, mà theo luật tự nhiên. Như vậy gọi là ‘lưỡng hành’”. Nghĩa là phải hay trái, tuỳ theo hoàn cảnh, mà mình phải thích nghi với hoàn cảnh.

    Bài 4 ông còn nói rõ hơn: “…Thánh nhân bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung”.

    Nhưng vậy là Trang cũng nhận có một thái độ “phải”, thái độ đó là vượt lên trên quan niệm “thị phi” của người đời, tuỳ hoàn cảnh mà tìm cái “thị” trong cái “phi”, cái “phi” trong cái “thị”. Có thể gọi thái độ đó là “siêu thị phi”, là dung hoà, gần gần như thuyết “trung dung” của Khổng tử. Đó là một điểm đặc biệt trong triết lí Trung Hoa: hai triết hệ lớn của họ, Khổng và Lão đều có tinh thần dung hoà; nhận rằng mọi thuyết, mọi vật có thể cùng hoạt động (tịnh hành) mà không trở ngại nhau:
    “Xưa mười mặt trời cùng xuất hiện, chiếu sáng vạn vật. Sự chiếu sáng của đạo đức không hơn sự chiếu sáng của mặt trời ư? (bài 9).

    “Đồng qui nhi thù đồ” là vậy. Khổng có thể dung hoà với Lão, mà Phật sau này có thể dung hoà cả với Khổng và Lão. Tuỳ hoàn cảnh, có thể “xuất” như Khổng hay “xử” như Lão, đó là thái độ của tất cả các nhà Nho như Đào Tiềm, Tô Đông Pha tới Chu Văn An, Nguyễn Khuyến… Mà thái độ của dân chúng Trung Hoa cũng như Việt Nam là chấp nhận cả tam giáo: Khổng, Lão, Phật; tâm hồn chúng ta không ai là thuần tuý Khổng hay Lão hay Phật, ai cũng chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo đó, chỉ khác là do bản tính, người thiên về đạo này hơn đạo khác; nhưng cả những người thiên về một đạo nào đó – chẳng hạn Khổng giáo – thì một tuổi nào đó hoặc gặp một hoàn cảnh nào đó, có thể thiên về một đạo khác hơn – chẳng hạn Phật giáo.
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  4. #24
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb TỀ VẬT LUẬN - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Luận giải (tiếp)

    Từ vũ trụ quan kể trên, Trang tử rút ra cho chúng ta bài học này: đừng nên tranh biện.

    Chúng ta nhớ Trang tử sống cùng một thời với Mạnh tử. Thời đó là thời Chiến quốc, thời đại loạn, nhưng cũng là thời tư tưởng Trung Quốc phát triển rất mạnh, thời “bách gia chư tử”. Ngôn luận được hoàn toàn tự do, ai cũng muốn đưa ra một thuyết để cứu nguy cho thiên hạ, mà các vua chúa cũng muốn tìm hiểu tất cả các thuyết để xem có thể áp dụng được không, cho nên trọng đãi các triết gia, mời họ làm cố vấn, coi họ như thầy nữa, như Tề Tuyên vương, Lương Huệ vương, Đằng Văn công đối với Mạnh tử. (Chính Trang tử cũng được Sở Uy vương mời làm tướng quốc mà ông từ chối).

    Trong số các triết gia đó, có độ mươi nhà rất nổi danh như Mạnh tử, Tuân tử, Huệ tử, Công Tôn Long, Trâu Diễn… (không kể Trang tử), nhưng ảnh hưởng lớn nhất, theo Mạnh tử, là học thuyết của Dương và Mặc: “Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ khi bàn bạc, người nào không theo Dương thì theo Mặc”.

    Những học phái đó đả kích nhau, khuynh loát nhau, cho nên càng nhiều càng loạn, từ vua chúa tới dân chúng đều hoang mang, không biết theo ai. Mạnh tử hăng hái nhất, tự cho mình cái sứ mạng bảo tồn, phát huy đạo của Khổng tử, muốn đánh đổ các thuyết khác, đặc biệt là thuyết “vị ngã”, “vô quân” của Dương Chu và thuyết “kiêm ái”, “vô phụ” của Mặc Địch.

    Trang tử cho rằng họ lầm lẫn hết, nên ông không đả riêng một nhà nào (có lẽ một phần vì vậy mà Mạnh tử không nhắc gì tới ông cả), chỉ cảnh cáo họ rằng biện luận chẳng những vô ích mà còn có hại.

    Vì biện luận chỉ thấy được một khía cạnh thôi, Đạo không có giới hạn mà ngôn ngữ thì không chắc chắn. Đạo thì không phân biệt cái này cái kia, do ngôn ngữ mới có sự phân biệt. Nhưng sau mỗi cái phân biệt, có một cái gì không phân biệt được, sau mỗi cái biện luận, có một cái gì không biện luận được (bài 8).

    Người ta tranh biện chỉ mong thắng được người khác, nhưng không hiểu rằng không thể thắng ai bằng cách đó được. Hai bên đều đưa thiên kiến của mình ra mà không chịu nghe lí luận của người kia, y như một cuộc đàm thoại giữa kẻ điếc. Mà nếu một người nào làm cho người kia phải im tiếng thì cũng không nhất định là người đó phải, người kia trái; có phần chắc là người nào cũng có chỗ phải, chỗ trái.

    Nhờ một người thứ ba làm trọng tài thì lại càng vô ích nữa. Nếu người đó cùng ý kiến với người thứ nhất thì làm sao phê phán được người thứ nhì; cùng ý kiến với người thứ nhì thì làm sao phê phán được người thứ nhất; nếu khác ý kiến với cả hai thì càng không thể phê phán được ai phải, ai trái; mà nếu cùng ý kiến với cả hai người thì làm sao còn gọi là trọng tài được nữa? (bài 12).

    Hơn nữa, càng tranh biện, càng làm cho chân lí mờ tối đi, vì thành kiến của mỗi bên, “Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mĩ, phù phiếm che lấp. Do đó mà phái Nho, phái Mặc tranh biện với nhau. Cái gì phái này cho là phải thì phái kia cho là trái; cái gì phái này cho là trái thì phái kia cho là phải. “Đừng chống đối nữa, đó là cái “chốt” của Đạo. Cái chốt đó ở trung tâm cho nên ứng với các biến hoá vô cùng” (bài 3). Có thái độ không chống đối nhau thì mới hiểu được những cái phải, cái trái ở bên ngoài, cũng như từ cái trái thơm (moyeu) của một bánh xe đạt được tới vành bánh xe bằng những chiếc tăm tủa ra khắp phía.

    Và khi phán đoán phải biết tuỳ theo hoàn cảnh mà thay đổi, mới thấy được có điều xưa cho là phải, nay cho là trái, ở xứ này là phải, ở xứ khác là trái, trong cái phải có cái trái, trong cái trái có cái phải. Như vậy là hoà hợp với thiên nghê, cũng gọi là “thiên quân”, tức với cái lí tự nhiên, sự biến hoá tự nhiên của vạn vật. Thái độ vượt lên trên thị phi, thích nghi với hai cái đó, Trang tử gọi là “lưỡng hành”.

    Tư tưởng bình đẳng tuyệt đối trong chương này của Trang tử trái ngược hẳn với tư tưởng của Mạnh tử mà cũng khác tư tưởng của Hứa Hành, một triết gia đương thời.
    Mạnh tử bảo: “Bản chất của mọi vật là không đều nhau” (Phù vật chi bất tề, vật chi tinh dã). Người thì có hạng “quân tử” – tức hạng có tài đức – lo việc trị dân, và hạng “tiểu nhân” – tức hạng bình dân – lo cấp dưỡng cho hạng trên. Vật thì có vật đáng giá gấp mười, gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn vật khác.

    Hứa Hành cho rằng vua không quí gì hơn dân, cũng bình đẳng với dân, cũng phải cày cấy lấy mà ăn, tự dệt chiếu, tự bện dép lấy mà dùng.

    Hai nhà đó đứng về phương diện xã hội, chính trị, còn Trang đứng về phương diện bản thể luận.

    Mạnh tử đả đảo kịch liệt thuyết của Hứa Hành (coi chương Đằng Văn Công – thượng – trong Mạnh tử) mà tuyệt nhiên không nhắc gì tới thuyết (tề vật) của Trang tử, có phần quá khích hơn Hứa Hành nữa. Điều đó hơi ngạc nhiên. Mạnh tử không biết thuyết của Trang tử chăng? Hay mà biết mà cho rằng nó vu khoát, không thuộc về chính trị luận mà thuộc về vũ trụ luận, chẳng làm hại ai, nên chẳng cần phải đả?
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  5. #25
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Lời bạt:

    Nhân gian hỡi Nhân Gian. Trong một xã hội bao gồm đủ các loại người (Nhân), nhưng xã hội vốn "Gian". Làm sao sống cho phải Đạo đây? Trang Tử đã đưa ra những nhận định và gợi mở rất hay.

    "...sống trong cái xã hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với sự vật, đừng nên cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của mình đi, như vậy mới bảo toàn được tính mạng và đạo của mình..."

    Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.

    ngochai

    ------------------------------------------------------------

    Phần 1

    Nhan Hồi hỏi Trọng Ni [tức Khổng tử]

    - Anh tính đi đâu?

    - Con đi qua nước Vệ.

    - Để làm gì?

    - Con nghe nói vua Vệ [Vệ Trang Công] đương tuổi tráng niên, hành vi độc đoán, coi thường việc nước, không thấy lỗi của mình, coi thường mạng dân, người chết đầy đất, nhiều như cỏ khô trong đồng cháy, dân không biết đi đâu. Con đã từng nghe thầy bảo: “Nước nào đã bình trị thì mình nên bỏ mà đi, nước nào loạn thì mình nên tìm tới”. Như một thầy lang thấy bệnh nhân là trị. Con theo lời dạy của thầy mà mong lại cứu nước Vệ được phần nào chăng?

    Trọng Ni bảo:

    - Lại đó để mà bị giết à? Đạo thì không nên tạp, tạp thì hoá phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo lắng, mà không thể cứu được. Hạng “chí nhân” thời xưa giữ vững đạo mình rồi sau mới giúp người khác. Đạo của anh chưa được vững mà sao sửa được hành vi tàn bạo của người khác [tức vua Vệ].

    Lại thêm, anh biết tại sao “đức” sở dĩ bại hoại, còn mưu trí do đâu mà ra không? Đức bại hoại do hiếu danh, mưu trí phát ra do thích tranh đua. Hiếu danh gây ra sự khuynh loát lẫn nhau, mưu trí tạo ra những phương tiện để tranh dành. Hai cái đó đều là những khí cụ bất tường; không làm cho hành vi con người được tận thiện.

    Đức cao và lòng chân thành không đủ để thắng được tính khí của người; danh tốt và tinh thần hiếu hoà vị tất đã cảm được lòng người; nếu anh cố lấy những lời nhân nghĩa, phải đạo mà thuyết con người tàn bạo ấy, thì tức là lấy cái xấu của họ để làm nổi bật cái tốt đẹp của mình, như vậy là “bừa” người ta như bừa cỏ. Bừa người ta thì bị người ta bừa lại, thầy ngại rằng anh sẽ bị hãm hại mất.

    Giả sử vua Vệ yêu người hiền mà ghét người ác, thì cũng đâu đặc biệt cần tới anh [vì nước Vệ có nhiều bậc hiền tài rồi]. Anh không can gián thì thôi, nếu can gián thì vua Vệ sẽ nhân kẽ hở của anh mà đả anh; anh mà chịu thua thì mắt anh sẽ hoa lên, nét mặt anh sẽ dịu xuống, miệng anh sẽ tìm cách bào chữa, thái độ anh sẽ phục tòng, anh sẽ thuận theo ý ông ta. Như vậy không khác gì dùng lửa để diệt lửa, dùng nước để ngăn nước, chỉ tăng thêm tội ác của ông ta. Còn nếu như anh nhất định một lòng can gián, mà không được ông ta nghe thì nhất định sẽ bị ông giết.

    Xưa, vua Kiệt giết [hiền thần là] Quan Long Phùng; vua Trụ giết [chú là] Vương tử Tỉ Can. Những bậc đó ở địa vị thấp làm trái ý vua để bênh vực dân chúng, bị vua hãm hại chính vì hiền đức của họ. Ham danh thì hậu quả như vậy đó.

    Xưa vua Nghiêu đánh các nước Tùng Chi và Tư Ngao; vua Vũ đánh nước Hữu Hổ. Ba nước đó bị tàn phá, dân chúng bị diệt, vua bị giết, vì vua của họ dùng binh lực để cướp bóc các nước láng giềng mà làm giàu. Vừa hiếu danh vừa tham lợi thì hậu quả như vậy đó. Anh không biết điều đó ư? Dẫu bậc thánh nhân cũng không khắc phục được lòng ham danh và lợi, huống hồ là anh. Nhưng có lẽ anh đã có kế hoạch nào đó rồi, thử nói cho thầy nghe nào.

    Nhan Hồi đáp:

    - Con sẽ rán cung kinh mà khiêm nhường; cương quyết mà chuyên nhất, như vậy được không?

    - Không được, vì vua Vệ tự mãn mà tính tình bất thường; không ai dám làm trái ý ông ta; ông ta áp đảo thiện ý của người khác để làm theo ý mình. Con người đó, những thói tốt hằng ngày có thể sửa tính được, mà còn không chịu theo thì làm sao thực hành được đức lớn? Ông ta tất sẽ cố chấp, không chịu sửa đổi. Nếu ông ta bề ngoài tán đồng anh, mà trong lòng không phản tỉnh, thì anh dùng phương pháp đó có ích lợi gì?

    - Nếu vậy thì con dùng cách “trong thẳng mà ngoài cong” của cổ nhân. Kẻ nào “trong thẳng” là môn đệ của trời; môn đệ của trời thì cho vua với mình cũng là con của trời. Là con trời thì đâu cần người khác phê phán ngôn luận của mình là phải hay trái. Thuận với tự nhiên như vậy thì giữ được thiên chân như đứa bé, nên người ta gọi là em bé, mà em bé là môn đệ của trời.

    Kẻ nào “ngoài cong” là môn đệ của người. Hai tay chấp lại, cầm cái hốt, quì xuống, cúi đầu, đó là bầy tôi giữ lễ với vua. Mọi người giữ lễ đó, làm sao con dám không giữ? Làm như mọi người thì không ai trách mình. Như vậy là môn đệ của người.

    Kẻ nào hành động như cổ nhân thì là môn đệ của cổ nhân; kẻ đó chỉ lập lại những lời của cổ nhân can ngăn vua, nhưng đó là lời của cổ nhân chứ không phải lời của chính mình; cho nên dù có cương trực thì cũng không có tội vì chỉ là theo cổ nhân thôi mà.
    Con tính làm như vậy, thầy nghĩ có nên không?

    Trọng Ni đáp:

    - Không. Biện pháp của anh nhiều quá mà không thông đạt. Anh chỉ tính làm sao cho khỏi bị tội, như vậy cảm hoá nhà vua sao được?

    - Con hết cách rồi. Xin thầy chỉ cho con có biện pháp nào nữa không?

    - Anh trai giới đi rồi thầy sẽ chỉ cho. Làm theo thành kiến mà dễ thành công là trái với lẽ trời.

    - Nhà con nghèo, đã mấy tháng nay con không uống rượu, không ăn thịt, như vậy có thể gọi là trai giới được không?

    Trọng Ni bảo:

    - Đó là trai giới để tế lễ, không phải là trai giới của tâm (tâm trai).

    - Thưa thầy, thế nào là trai giới của tâm?

    - Anh tập trung tinh thần, không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng cái khí. Tai chỉ nghe được thanh âm, tâm chỉ lãnh hội được hiện tượng, khí vốn hư cho nên dung nạp được vạn vật. Đạo ở chỗ hư không, cho nên bảo “hư không” là trai giới của tâm.

    - Con khi chưa biết được sự trai giới của tâm thì chỉ cảm thấy có mình thôi, khi đã biết rồi thì không thấy có mình nữa. Như vậy có phải là “hư không” không?

    - Phải, sự kì diệu của chỗ trai giới của tâm là như vậy đó. Thầy bảo anh này: anh có vô nước Vệ thì đừng nên động tâm vì danh lợi. Vua Vệ có nghe lời anh thì anh hãy nói, không nghe thì anh đừng nói. Đừng cho họ thấy kẽ hở của mình, công kích được mình, cứ hư tâm mà đợi khi nào không thể không nói được hãy nói, như vậy là gần đạt được Đạo.

    - Đi mà không chạm đất là điều khó hơn không để lại một vết chân nào trên đất. Giúp việc cho người thì dễ gian dối, giúp việc cho trời thì khó gian dối. Thầy nghe nói có cánh thì bay được, chưa hề nghe nói không cánh mà bay được; nghe nói dùng trí tuệ thì đạt được tri thức, không nghe nói không dùng trí tuệ mà đạt được tri thức. Từ cái hư không của tâm thần mà phát ra ánh sáng; cái phúc ở cả trong sự hư tĩnh của tâm thần. Tâm thần không hư tĩnh thì gọi là “ngồi mà dong ruổi” (toạ trì: thân thể ngồi yên mà tâm thần thì lang thang). Người nào có thể khiến cho tai, mắt thành những cảm quan hướng nội mà thông suốt, mà không dùng tâm trí, thì dù quỉ thần cũng phải qui phục, huống hồ là người? Đó là phép thích ứng với mọi biến hoá của vạn vật, cái nút, cái chốt của sự sáng suốt của ông Vũ, ông Thuấn, cái qui tắc xử sự xuất đời của Phục Hi, Kỉ Cừ huống hồ là bọn người thường.
    Lần sửa cuối bởi ngochai; 22-05-2012 lúc 10:56 AM
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  6. #26
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 2

    Viên đại phu nước Sở họ Diệp [tên Chư Lương], hiệu là Tử Cao, sắp phải đi sứ nước Tề, lại hỏi Trọng Ni:

    - Vua Sở phó thác cho tôi một sứ mệnh quan trọng. Vua Tề đối với các sứ thần các nước ngoài thường tỏ ra rất cung kính, nhưng rốt cuộc chẳng chịu giúp gì cả. Thuyết phục một người thường đã là khó rồi, huống là một ông vua chư hầu. Tôi ngại quá. Thầy tướng bảo Chư Lương tôi rằng: “Việc bất luận là lớn nhỏ, ít có việc nào không gây tai hại. Nếu không thành công, thì nhất định là chịu sự trừng phạt của người trên; nếu thành công thì chịu cái “hoạ của âm dương” [nghĩa là phải lo lắng, lao tổn tinh thần], bất luận là thành công hay không thành công mà không gây tai hại, thì chỉ bậc hiền đức mới được vậy”.

    Tôi bình thường ăn uống đạm bạc, không cầu món ngon, không cần phải giải nhiệt [vì không ăn những đồ bổ mà sinh nóng]. Vậy mà sáng được vua giao cho sứ mệnh thì buổi chiều tôi phải uống nước đá [nước đóng băng] vì lo lắng mà hoá ra nóng trong mình. Chưa thi hành sứ mệnh mà âm dương bất hoà như vậy, nếu sứ mệnh mà thất bại thì bị thêm hình phạt của vua nữa. Làm sao chịu nổi hai nỗi ưu hoạn đó? Làm sao trọn được đạo bề tôi bây giờ? Thầy có điều gì khuyên tôi không?

    Trọng Ni đáp:

    - Trên đời có hai luật chính là mệnh trời và bổn phận. Con yêu cha mẹ, đó là mệnh trời vì đó là thiên tính cố kết trong lòng đứa con. Bề tôi thờ vua, đó là bổn phận; bất luận thời nào, ở đâu, cũng bị sự thống trị của vua không sao tránh khỏi được, cho nên đó là một luật lớn. Con thờ cha mẹ thì phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, như vậy là chí hiếu; bề tôi thờ vua phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, như vậy là tận trung. Người nào làm việc hết lòng thì vui hay buồn cũng không đổi lòng. Biết rằng sự thể không thay đổi được mà an mệnh chấp nhận nó, như vậy là chí đức [có đức tuyệt cao]. Phận làm tôi, con, thế nào cũng có những điều không được như ý, phải miễn cưỡng làm tròn bổn phận mà quên mình đi, như vậy đâu còn tham sống sợ chết nữa? Ông cứ làm sứ mệnh được giao phó đi.

    Tôi đã được nghe điều này, xin kể lại: trong việc giao tế với nhau, nếu ở gần nhau thì do tiếp xúc hàng ngày mà tin nhau; nếu ở xa nhau thì chỉ căn cứ vào những lời trung thực của nhau. Những lời này do một người thứ ba truyền đạt. Truyền đạt những lời vui vẻ hoặc giận dữ của hai bên, là một công việc cực khó. Vì hai bên muốn làm vui lòng nhau thì họ tâng bốc nhau lên; nếu giận nhau thì họ không tiếc lời trách móc nhau. Cái gì quá mức tất không đúng sự thực, không làm cho người ta tin được. Người nào truyền đạt những lời gây lòng nghi ngờ thì tất gặp tai hoạ. Cho nên cách ngôn có câu: “Truyền những lời bình thường thôi, đừng truyền những lời quá lố, như vậy may ra bảo toàn được thân”.

    Như người đấu võ, mới đầu nghiêm chỉnh lắm, rồi sau mới dùng ngón ngầm, rốt cuộc sẽ dùng cả trăm quỉ kế để hạ đối phương. Người uống rượu mới đầu lễ độ rồi sau say sưa, hỗn loạn, hoá ra phóng đãng. Mọi việc đều như vậy: mới đầu nhã nhặn, rồi sau thô tục, mới đầu là chuyện nhỏ, sau thành đại hoạ. Lời nói như sóng gió, mà việc truyền đạt thì có đắc có thất (lỡ lời). Sóng gió dễ nổi lên, sự đắc thất cũng bất thường (như sóng gió) dễ sinh ra nguy hiểm. Sở dĩ người ta nổi giận vì những lời nói quá của người kia. Con thú bị dồn vào đường cùng, sắp chết, nổi giận hoá ra hung dữ với người thợ săn; kẻ dưới bị người trên đối xử hà khắc quá thì cũng bất giác nảy ra ý hãm hại người trên. Những ý nghĩ bất giác như vậy rồi sẽ đưa tới đâu?

    Cho nên cách ngôn có câu: “Đừng sửa đổi mệnh lệnh của vua. Đừng miễn cưỡng làm quá để thành công”. Cái gì vượt quá mức tức là quá độ.

    Sửa đổi mệnh lệnh, miễn cưỡng làm quá thì sẽ hỏng việc. Cho nên giải pháp tốt nhất là phải thủng thẳng. Việc hỏng rồi khó sửa lại được. Vậy chẳng nên thận trọng ư?
    Nên vượt ra ngoài sự vật mà tiêu dao tự tại, thuận theo lẽ tất nhiên để dưỡng tâm, đó là đạt được Đạo. Ông không cần thêm ý kiến của ông, cứ làm theo lệnh của vua. Đó là một việc khó đấy.
    Lần sửa cuối bởi ngochai; 22-05-2012 lúc 10:58 AM
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  7. #27
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 3

    Nhan Hạp (một người hiền nước Lỗ) được vời làm sư phó cho thái tử của Vệ Linh Công, lại thỉnh giáo Cừ Bá Ngọc, bảo:

    - Có một người bản tính tàn bạo, hiếu sát, để cho nó làm theo ý nó thì tất hại cho nước tôi. Nếu ngăn cản nó thì nguy hiểm cho tính mạng tôi. Trí tuệ của nó chỉ đủ để thấy người khác lầm lỗi mà không hiểu tại sao họ lầm lỗi. Đối với kẻ đó tôi phải làm sao bây giờ?

    Cừ Bá Ngọc đáp:

    - Câu hỏi của ông hay lắm. Ông nên cẩn thận, giữ gìn đừng lầm lỗi. Ngoài mặt nên nhã nhặn, thân mật, trong lòng nên hoà thuận. Như vậy vẫn có thể có tai hoạ được. Nhã nhặn, thân mật nhưng đừng nhu nhược [dung túng kẻ đó phạm tội]; lòng hoà thuận nhưng đừng phô trương. Ai nhã nhặn, thân mật tới nhu nhược, bị (kẻ ác) đồng hoá thì sẽ sa đoạ. Ai khoa trương sự hoà thuận là muốn cầu danh, mưu mô hại người. Học trò ông còn là một đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít như nó; nó hành động không có phép tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó; nó phóng đãng, ông cũng làm bộ phóng đãng với nó; như vậy ông lần lần sửa đổi được nó.

    Ông có thấy con bọ ngựa đưa càng lên định ngăn chiếc xe không? Nó không thấy việc đó không thể làm được vì nó quá tự cao tự đại. Ông phải coi chừng đấy. Phải thận trọng. Nếu ông khoe tài ông mà xúc phạm học trò ông thì ông gần như con bọ ngựa đó.

    Ông có biết người ta nuôi cọp ra sao không? Người ta không dám cho nó ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó.

    Phải cho nó ăn đúng giờ, tuỳ theo nó vui vẻ hay hung dữ mà thuần phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó.
    Một người yêu ngựa tới nỗi dùng sọt hứng phân nó, dùng vỏ sò lớn hứng nước tiểu nó. Một hôm muỗi bu trên mình ngựa, người đó vô ý đập muỗi mạnh quá, ngựa kinh hoảng, cắn bể hàm thiếc, rồi làm nát đầu và ngực người nuôi. Bản ý người đó tốt mà bị hại như thế đấy. Vậy ông chẳng nên thận trọng ư?
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  8. #28
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 4

    Một người thợ mộc tên Thạch, qua nước Tề, tới một chỗ tên là Khúc Viên, thấy trên nền xã (nơi tế thổ thần) có một cây “lịch”. Tàn lá nó che được cả ngàn con bò, vòng thân nó tới cả trăm vi; nó cao như núi, lên khỏi mặt đất tám trượng rồi mới đâm cành. Có tới một chục cành lớn có thể khoét làm thuyền được. Người ta ùn ùn kéo nhau tới coi, nhưng người thợ cả không thèm ngó, cứ tiếp tục đi.

    Người học trò tập nghề nhìn cây ấy một hồi lâu lại nói với thầy: “Từ khi con theo thầy học nghề, chưa bao giờ con thấy khúc gỗ lớn như vậy. Tại sao thầy không ngừng lại coi?

    Người thợ cả bảo:

    - Thôi, đừng nói nữa. Cây đó vô dụng. Dùng để đóng thuyền thì thuyền chìm; để đóng quan tài thì quan tài mau nát; để làm cánh cửa thì cánh cửa thấm nước; để làm đồ dùng thì đồ dùng mau hư; để làm cột nhà thì cột nhà mau bị mối, mọt. Không dùng được việc gì cả. Chính vì nó vô dụng nên mới thọ được như vậy.

    Sau khi về nhà, người thợ cả nằm mê thấy cây của thổ thần đó hiện lên bảo: “Tại sao chú cứ so sánh như vậy? Chú muốn ta giống với những cây hữu dụng ư? Khi cây tra, cây lê, cây quất, cây bưởi có trái chín thì chúng bị tàn phá, cành lớn bị bẻ gẫy, cành nhỏ bị vặt trụi. Vì chúng hữu dụng nên khốn khổ suốt đời và chết sớm. Thế là tự chúng gây sự tàn phá cho chúng. Những vật nào hữu dụng cũng đều như vậy cả. Đã từ lâu ta cầu được vô dụng, mấy lần suýt chết, nay mới được như sở nguyện đấy. Sự vô dụng đó rất hữu ích đối với ta. Nếu ta dùng được vào việc gì thì làm sao sống lâu mà to lớn được như vầy? Chú và ta đều là sinh vật cả. Một sinh vật làm sao phán đoán được một sinh vật khác? Một người vô dụng sắp chết như chú làm sao biết được thế nào là một cây vô dụng? Người thợ cả tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho học trò nghe.

    Người này hỏi:

    - Cây đó đã cầu được vô dụng, thế thì tại sao lại làm cây tượng trưng thổ thần?

    Người thợ cả đáp:

    - Im đi, đừng nói nữa. Nó tạm dựa vào thổ thần như vậy để những kẻ không hiểu nó khỏi chê nó là vô dụng. Nếu nó không tượng trưng cho thổ thần thì bị người ta đốn rồi còn gì? Cách tự bảo toàn của nó thật khác thiên hạ; lấy thường tình mà chê trách nó, chẳng là sai lầm quá ư?
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  9. #29
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 5

    Nam Bá Tử Kì tới đồi Thương, thấy một cây lớn lạ lùng, tàn nó có thể che cả ngàn cỗ xe bốn ngựa.

    Ông ta tự hỏi:

    - Cây này là cây gì? Nó dùng được vào việc gì không? Từ dưới nhìn lên, những cành nhỏ cong queo của nó không thể xẻ thành cái đòn, cái rường nhà được. Ngó xuống, cái thân to lớn nứt nẻ, đầy mắt của nó không làm quan tài được. Liếm lá của nó thì miệng sẽ loét lỡ. Nó hôi thúi, chỉ ngửi thôi cũng hoá điên, mê sảng suốt ba ngày.

    Rồi Tử Kì tự kết luận:

    - Cây đó thật vô dụng cho nên mới lớn được như vậy. Bậc thần nhân cũng cầu được bất tài như cây đó.

    -----------------------------------------------


    Nước Tống, ở một nơi tên là Kinh Thị, mọc nhiều cây thu, cây bách, cây dâu. Những cây mà thân vừa một chét tay, thì bị đốn làm cọc cho khỉ. Những cây vừa một ôm thì dùng làm rường cột cho những nhà lớn. To hơn nữa thì khoét làm quan tài cho những thương gia giàu có và các nhà sang trọng. Vì vậy mà những cây đó bị búa rìu đốn, không hưởng hết tuổi thọ. Vì chúng hữu dụng nên mới bị hoạ.

    Thời xưa, bọn thầy pháp không dùng con bò trán trắng, con heo mõm cong, và đàn ông bị bệnh trĩ liệng xuống sông để tế thần, vì cho như vậy là bất tường. Nhưng chính thần nhân thì lại cho vậy là đại cát.

    ------------------------------------------------


    Xưa có một người hình thù kì quái: cằm thòng xuống tới dưới bụng, vai nhô lên khỏi đỉnh đầu, xương sống đưa lên trời; ngũ tạng [tức tâm, can, tì, phế, thận] nằm lộn ngược lên phía trên [trong ngực], hai đùi đưa lên tới ngang sườn. Hắn may vá, giặt dịa cho người khác, đủ ăn. Hắn vét hột trong các thùng lúa đủ nuôi mười người.

    Khi có lệnh trưng binh, hắn khoanh tay mà đi thong dong trong đám đông. Khi có lệnh bắt xâu, hắn được miễn vì tàn tật. Khi nhà nước cứu giúp các người tàn tật thì hắn được ba chung lúa và mười bó củi. Một kẻ hình thù kì quái mà tự túc được và hưởng hết tuổi thọ của trời, huống hồ là người làm bộ có đức tính kì quái.
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  10. #30
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb NHÂN GIAN THẾ - Trang Tử Nam Hoa Kinh

    Phần 6

    Khổng tử qua nước Sở. Một người cuồng nước Sở là Tiếp Dư tới trước nhà Khổng tử, hát:

    Con Phượng kia, con Phượng kia,
    Sao mà đức suy như vậy?
    Không thể biết trước được tương lai,
    Không thể trở lui được về dĩ vãng.
    Khi thiên hạ thịnh trị
    Thì thánh nhân thực hiện sứ mệnh mình.
    Khi thiên hạ loạn lạc
    Thì thánh nhân bảo toàn thân mình.
    Như thời này thì chỉ cầu đừng bị hình phạt.
    Hạnh phúc nhẹ hơn cái lông
    Mà không biết ai biết nhận lấy nó.
    Tai hoạ nặng hơn trái đất
    Mà không ai biết tránh nó.
    Thôi đi, thôi đi! Đừng mong lấy đức cảm hoá người.
    Nguy thay, nguy thay! Đừng tự làm khổ mình nữa.
    Gai góc, gai góc! Đừng ngăn bước đường của ta.
    Đi vòng, đi vòng quanh, đừng để gai đâm vào chân.

    ----------------------------------------

    Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

Tags for this Thread

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •