KIẾM KHÁCH DỊ THƯỜNG


Huyện Từ Châu, tỉnh Giang Tô có ông bà họ Đổng, sanh một trai, tên Đổng Trọng Thừa. Lớn lên, Trọng Thừa theo nghề võ rồi thành kiếm khách. Trọng Thừa có một thanh trường kiếm, thường tự phụ mình thuộc hàng kiếm khách thượng thừa và trường kiếm của mình thuộc loại bảo vật hiếm có. Ít lâu sau, hai ông bà cưới vợ cho Trọng Thừa, cất cho hai vợ chồng một ngôi nhà lầu, ở sát hàng rào phía đông nhà mình, rồi cho hai vợ chồng ra ở riêng. Sau khi Đổng bà mất, Đổng ông cư ngụ một mình.

Một hôm, Trọng Thừa đeo kiếm, cưỡi ngựa đi chơi. Dọc đường, thấy một khách lạ, dáng vẻ hiên ngang, cưỡi ngựa từ xa đi tới, Trọng Thừa ưa thích lắm, bèn phóng ngựa đến gần, lên tiếng làm quen:"Tại hạ là Đổng Trọng Thừa, quán tại huyện Từ Châu này, dám hỏi túc hạ quý danh là chi, quý quán ở đâu?" Khách đáp: "Tại hạ là Đông Hiến, quán tại huyện Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh!" Trọng Thừa hỏi:"Túc hạ đi đâu đó?" Đông Hiến đáp:"Tại hạ mới từ ngoại quốc về. Trên đường về quê, tại hạ ghé vùng này để coi phong cảnh!" Hỏi:"Túc hạ ra ngoại quốc được bao lâu rồi?" Đáp:"Được hơn 20 năm!" Hỏi:"Túc hạ đi ngao du bốn biển như vậy, chắc đã gặp nhiều loại người. Vậy túc hạ có thấy ai mà túc hạ cho là người dị thường không?" Đáp:"Người dị thường thì nhiều lắm, nhưng chẳng hay túc hạ muốn hỏi người dị thường về phương diện nào?" Trọng Thừa nói:"Vì tại hạ là kiếm khách, muốn học hỏi thêm về kiếm thuật nên chỉ muốn tìm một kiếm khách dị thường thôi!" Đông Hiến nói:"Kiếm khách dị thường thì ở đâu mà chẳng có? Tuy nhiên, ở Trung quốc, muốn được kiếm khách dị thường truyền kiếm thuật cho thì truyền nhân phải là trung thần hiếu tử!" Trọng Thừa hỏi:"Túc hạ có biết chi về kiếm thuật không?" Đông Hiến cười mà đáp:"Không! Tại hạ chẳng biết chi về kiếm thuật cả!" Hỏi:"Túc hạ có thanh kiếm nào không?" Đáp:"Có. Tại hạ có một đoản kiếm!" Trọng Thừa bèn vỗ vào thanh kiếm đeo bên mình mà khoe:"Trường kiếm của tại hạ là một bảo kiếm, sắc bén vô cùng!" Đông Hiến nói:"Vậy túc hạ có thể biểu diễn cho tại hạ coi xem báo kiếm của túc hạ sắc tới mức nào không?"


Hứng chí, Trọng Thừa gật đầu, rút kiếm ra, vừa múa vừa ca. Sau cùng, Trọng Thừa vung kiếm chém cây nhỏ bên đường, khiến thân cây đứt ngọt làm hai. Trọng Thừa hiu hiu tự đắc về bảo kiếm của mình. Vừa toan tra kiếm vào vỏ thì chợt Đông Hiến ngăn lại, nói: "Túc hạ có thể cho tại hạ coi kiếm của túc hạ một lát được chăng?" Trọng Thừa gật đầu, đáp: "Xin sẵn sàng!" rồi trao kiếm cho Đông Hiến. Đông Hiến đỡ kiếm, ngắm nghía hồi lâu, đưa lên mũi ngửi, rồi nói: "Kiếm này được đúc bằng loại thép rất tốt nhưng vì đúc không đúng cách nên có mùi chua như mùi mồ hôi! Vì thế, kiếm này không thể gọi là bảo kiếm được! Tuy tại hạ chẳng biết chi về kiếm thuật nhưng tại hạ nghĩ đoản kiếm của tại hạ có thể vót được kiếm này rất dễ!" Thầm nghĩ Đông Hiến khoa trương thái quá, Trọng Thừa cười gằn mà hỏi: "Túc hạ có đem đoản kiếm ấy theo không?" Đông Hiến gật đầu mà đáp: "Có!" Trọng Thừa nói: "Thế thì túc hạ thử lấy ra vót bảo kiếm của tại hạ xem sao!" Đông Hiến nói:"Tại hạ không dám!" Trọng Thừa hỏi "Sao lại không dám?" Đông Hiến cười, nói:"Vì e túc hạ bắt đền thì tại hạ biết lấy chi mà đền?" Trọng Thừa nói:"Tại hạ hứa là sẽ không bắt đền túc hạ!" Đông Hiến bèn rút từ trong mình ra một đoản kiếm, chỉ dài chừng một thước, vót mạnh vào kiếm của Trọng Thừa. Quả nhiên kiếm của Trọng Thừa bị xén đi một mảng, giống như ngọn măng non bị dao sắc xén. Tiện tay, Đông Hiến chẻ đôi kiếm của Trọng Thừa ra, dễ như chẻ tre. Quá đỗi kinh ngạc, Trọng Thừa cứ đứng há hốc miệng mà nhìn, không thốt được lời nào. Lát sau, khi đã hoàn hồn, Trọng Thừa mới hỏi:"Túc hạ có thể cho tại hạ coi kiếm của túc hạ một lát được chăng?" Đông Hiến gật đầu, cười mà đáp:"Xin sẵn sàng!" rồi trao kiếm cho Trọng Thừa. Trọng Thừa đỡ kiếm, ngắm nghía hồi lâu rồi vung lên múa một bài. Múa xong, Trọng Thừa trả lại cho Đông Hiến mà nói:"Mời túc hạ quá bộ về tệ xá ở chơi một ngày để chúng ta cùng đàm đạo!" Đông Hiến đáp:"Xin vâng!" rồi cưỡi ngựa theo sau Trọng Thừa.


Tới nhà, Trọng Thừa mời Đông Hiến ngồi ở phòng khách dùng trà. Đông Hiến hỏi về gia cảnh thì Trọng Thừa đáp mình là con một, có vợ chưa con. mẹ đã mất, cha cư ngụ ở căn nhà sát hàng rào phía tây. Chợt nghĩ Đông Hiến có kiếm sắc như thế thì chắc phải là người giỏi về kiếm thuật, nên Trọng Thừa nói:"Xin túc hạ truyền kiếm thuật cho tại hạ!" Đông Hiến cười mà nói:"Tại hạ có biết chi về kiếm thuật đâu mà truyền! Tại hạ đã thưa chuyện rồi!" Tin là Đông Hiến nói thực, Trọng Thừa bèn thuyết giảng về kiếm thuật cho Đông Hiến nghe. Đông Hiến chỉ ngồi nghe chứ chẳng nói chi. Lát sau, vợ Trọng Thừa bưng cơm lên mời khách. Cơm nước xong, Trọng Thừa lại thuyết giảng tiếp về kiếm thuật cho Đông Hiến nghe.

Đến khuya, Đông Hiến xin đi nghỉ. Trọng Thừa vào nhà trong lấy chăn gối đem ra cho Đông Hiến. Quá nửa đêm, vợ chồng Trọng Thừa đang ngủ thì tỉnh giấc vì tiếng quát tháo giận dữ ở bên nhà Đổng ông:"Muốn sống thì đi gọi thằng con mi sang đây chịu tội, nếu không thì ta sẽ đánh mi vỡ sọ!" Im lặng hồi lâu, Trọng Thừa lại nghe thấy có tiếng đánh đập rồi có tiếng cha mình rên xiết. Nóng mặt, Trọng Thừa vùng dậy, chạy xuống nhà ngang lấy cây giáo sắc, vác sang nhà cha.


Đột nhiên Trọng Thừa thấy Đông Hiến cũng vùng dậy, chạy tới ngăn mình lại mà nói:"Túc hạ mà sang nhà lệnh nghiêm bây giờ thì nguy hiểm lắm! Tại hạ e rằng túc hạ sẽ chẳng được toàn mạng trở về đây đâu! Túc hạ hãy nghĩ kỹ lại đi!" Trọng Thừa nói:"Cướp đột nhập nhà cha mà con ở ngay bên cạnh không chịu sang cứu thì sao phải là người?" Đông Hiến nói:"Túc hạ quả là một trang hiếu tử! Tuy nhiên lệnh nghiêm chỉ có một mình túc hạ, mà túc hạ lại chưa có con nối dõi tông đường. Nếu túc hạ sang cứu lệnh nghiêm thì có thể là dòng họ Đổng nhà lệnh nghiêm sẽ bị tuyệt tự!" Trọng Thừa hỏi:"Sao túc hạ lại nghĩ như thế?" Đông Hiến đáp:"Vì tại hạ thấy bọn cướp gọi đích danh túc hạ ra thì chắc là bọn chúng đã quyết tâm sát hại túc hạ rồi! Nếu túc hạ không sang nhà lệnh nghiêm thì chúng sẽ sang đây tấn công túc hạ! Còn nếu túc hạ nhất quyết sang nhà lệnh nghiêm thì tại hạ xin giả làm gia nhân, theo sang bên ấy để giúp túc hạ một tay! Túc hạ hãy vào bàn với lệnh chính xem sao!"

Nghe lời Đông Hiến, Trọng Thừa vào phòng ngủ bàn với vợ. Nghe xong, vợ Trọng Thừa nắm chặt lấy vạt áo chồng, kéo lại mà khóc. Đột nhiên, chí khí của Trọng Thừa tan biến mất. Rồi Trọng Thừa nghe lời vợ, không sang nhà cha nữa. Hai vợ chồng lại bàn với nhau rằng có thể là Đông Hiến nói đúng, nghĩa là bọn cướp sẽ sang nhà mình tấn công! Vì thế, hai vợ chồng rủ nhau đi tìm cung tên, đem lên lầu, đóng chặt cửa, rồi chĩa cung tên xuống sân để chờ bọn cướp.

Hồi lâu, hai vợ chồng chợt nghe thấy tiếng Đông Hiến từ trên mái nhà vọng xuống:"May cho túc hạ là bọn cướp bên nhà lệnh nghiêm đã bỏ chạy cả rồi! Tại hạ xin cám ơn túc hạ và lệnh chính đã cho ăn uống! Bây giờ tại hạ xin cáo biệt!" Thấy lạ, hai vợ chồng cùng chạy xuống phòng khách coi thì thấy Đông Hiến đã biến mất. Trọng Thừa bèn chạy sang nhà cha xem sao thì gặp đúng lúc Đổng ông, tay cầm đèn lồng, cũng vừa đi đâu về. Thấy lạ, Trọng Thừa hỏi:"Cha đi đâu về thế?" Đổng ông đáp:"Hồi tối, có ông bạn tới mời cha tới nhà ông uống rượu. Uống xong, cha lại ngồi nói chuyện vãn! Vì thế, giờ này cha mới về! Đêm khuya, con sang đây làm gì?" Trọng Thừa đáp: "Vì con nghe thấy tiếng cướp đánh đập cha ngoài sân rồi lại nghe thấy tiếng cha rên xiết nên con mới chạy sang đây xem sao! Nay thấy cha vẫn được bình an, lại mới đi chơi về nên con thấy chuyện này lạ lắm!" Nghe con nói, Đổng ông cũng hết sức kinh ngạc. Đổng ông mở cổng. Hai cha con cùng chạy vào coi thì chỉ thấy một mớ hình nhân bằng cỏ bện nằm ngổn ngang ở giữa sân. Trọng Thừa bèn thuật đầu đuôi câu chuyện mình gặp Đông Hiến cho cha nghe.

Nghe xong, Đổng ông nói: "Đông Hiến chính là kiếm khách dị thường đó!"

Thieugia