Hiện kết quả từ 1 tới 5 của 5

Chủ đề: Chuyện đời Của Văn Nghệ Sỹ...

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts

    Chuyện đời Của Văn Nghệ Sỹ...

    Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?

    Không chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”. Thanh Niên xin giới thiệu với bạn đọc những tài liệu mới nhất về thi sĩ Bùi Giáng.


    Bùi Giáng qua ký họa của Chóe - Ảnh: Tư liệu

    Có cuộn băng cassette ghi lời kể của chính Bùi Giáng về nguyên do ông bị “áp tải” vào nhà thương điên Biên Hòa.

    Những tài liệu này ghi nhận qua các buổi gặp gỡ với đại diện của Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM - ông Bùi Dương Thạch, hoặc những người từng sống gắn bó nhiều năm với Bùi Giáng như ông Nguyễn Thanh Hoài tại số 482/35/5 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Chính ở địa chỉ đó, hiện vẫn còn lưu giữ các cuốn băng với nhiều chi tiết sống động do Bùi Giáng kể ra, được Thanh Hoài ghi âm:

    “Những năm cuối đời của bác Giáng, nhất là từ 1990 trở đi, hai bác cháu thường ngồi nói những chuyện riêng tư cho đỡ buồn trước hiên nhà, hoặc dưới tàng cây trong sân vào mỗi đêm khi gia đình đã đi ngủ hết. Bác kể hết sức chi tiết về chuyện đời của bác, từ thời còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, rời miền Trung vào Sài Gòn sinh sống, làm thơ và giao du với ai, cũng như việc sáng tác, in ấn như thế nào… Một bữa, tôi lấy máy cassette để ghi âm lại lời nói của bác thì thấy bác có vẻ băn khoăn hỏi: “Mi thâu làm cái chi?”. Tôi nói với bác thâu để có gì hay thì cháu nghe lại không thôi nó quên! Bác nói rứa thì được, mi cứ thâu đi, tao nói cho nghe”. Và Bùi Giáng nói về “sự cố” đã đẩy ông vào nhà thương Biên Hòa với nội dung như lời Thanh Hoài tóm lược dưới đây.

    “Vào những năm đầu tiên của thập niên 1960, bác Giáng viết rất nhiều, gần như không có ngày nào dừng bút, bản thảo dày lên chưa kịp in thì xảy ra vụ cháy nhà nơi bác đang ở trên đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ, khiến bao nhiêu bản thảo cháy rụi. Bác nói với tôi là tao quá tiếc và đau đớn nhất là công trình biên soạn về truyện Kiều ròng rã suốt 3 năm trời đã thành tro, làm tao buồn quá bỏ hết để rong chơi khắp lục tỉnh, sông nước kênh rạch chỗ nào có dịp là tao tới.

    “Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống. Sống dạt dào - sống nóng hổi tươi mới. Sống và sống là thi ca tràn đầy trong thiên nhiên, trong tình cảm và giữa vạn loài. Ôi thời gian là thực chất mới mẻ đang dâng hiến, dâng hiến bất tuyệt cho người, cho ta, cho cây cỏ, cho nắng mưa, cho rượu chè, cho phở tái, cho tình yêu chan chứa giữa lòng nhau mà đau khổ càng rõ nét, càng vút cao tính khoan hòa thánh thiện… Tính cách này đạo Thiền gọi là phỉ lạc, Bùi Giáng gọi là Niết bàn của thi sĩ…”.

    Trần Đới (Thích Thông Bác)
    Khi về, thì Tòa đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn có mời tao đến hỏi thăm, họ nói nếu tao cần sách gì họ sẽ mang tặng không đòi một đồng nào. Nhưng nhà cháy rồi, lấy sách của Pháp của Đức về cũng không có chỗ để, nên tao cám ơn rồi từ chối, không nhận. Thế nhưng hai tòa đại sứ kia không biết thế nào vẫn lại tìm cách gửi đến tao mấy thùng sách quý của các tác giả nổi danh ở nước họ và trên thế giới. Tao đành phải nhận nhưng không biết cất nơi nào nên tao mới đến gặp ông chủ (tạm giấu tên) của NXB VT để vui vẻ tặng lại cho ông ta. Nhưng ông ta không nhận, vì ông nói người Pháp người Đức tặng cho anh toàn sách quý, nếu anh không có chỗ cất vì nhà đã cháy, thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần đến nói là tôi giao lại cho anh. Tao vui vẻ ra về.

    Đến không lâu sau tao kẹt quá, không có tiền đủ để ăn cơm bình dân và uống la-de con cọp chai loại lớn nên tao đến gặp ông chủ NXB kia để nhận lại số sách đã gửi. Nhưng kỳ cục là khi tao đến lấy, thì ông ta không giữ lời, nhất định không chịu trả. Tao nhắc lại là tại sao khi tao tặng thì không nhận, nói giữ giùm, bây chừ đến lấy tại sao lại không đưa? Ông ta cứ một mực tỉnh bơ, không trả. Tao nổi điên tao chửi một trận, rồi tao về. Bước ra ngoài đường tao thấy chiếc xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ đó đang đậu trước nhà, luôn tiện tức quá tao lượm một cục đá xanh thiệt to ném thẳng vào chiếc xe đó cho hả giận, ai dè nó bể cái kính xe, mà lúc đó chiếc xe trị giá cả bạc triệu. Ông ta chạy ra thì sự đã rồi, vừa tiếc của, vừa giận tao lắm, mới điện thoại cho thằng em ruột của tao (không nêu tên) lúc ấy là sĩ quan của quân đội ông Thiệu đến mắng vốn và để chở tao về. Khi về đến nhà, thằng em ruột của tao ngao ngán nhìn tao và có lẽ nhớ đến chiếc xe đắt giá bị bể kiếng rồi sợ rằng tao ở trong nhà nó có thể cũng sẽ gây ra cảnh tương tự như thế. Nói trắng ra là thằng em tao với đứa con gái út của nó chắc hẳn nghĩ rằng tao điên nên đã cùng nói với tao là thôi để ngày mai tụi em chở anh về Vũng Tàu vài hôm nghỉ mát cho khỏe người tĩnh trí anh à. Tao cứ tưởng thật nên sáng hôm sau ngồi lên xe cho chúng chở đi về Vũng Tàu. Nào ngờ đến Biên Hòa tụi nó đã chở thẳng tao vào nhà thương điên để gửi, tao có nói gì đi nữa thì bọn “cai ngục” chung quanh cũng chẳng ai tin, mi thấy có đắng họng không?”. Về sau ông viết mấy câu: “Gặp người tôi tưởng người điên - gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”…

    (Còn nữa)


    Giao Hưởng

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts
    Tản văn
    Nhớ Bùi Giáng


    Sáng nay bừng dậy, ngồi thừ, thấy lòng rỗng không, vợ hỏi ăn sáng cái gì để em mua cũng không thèm trả lời.

    Bật máy lên rồi cứ ngồi thừ, không biết đọc gì, viết gì

    Có cái kịch viết dở cho Idecaf mở ra rồi đóng láị đóng lại. Còn chục ngày nữa, đúng hạn nộp cho Thành Lộc rồi cũng mặc kệ.

    Tự nhiên nhớ Bùi Giáng.

    Nhớ ai không nhớ lại nhớ Bùi Giáng, mình có quen biết gì nhiều lắm đâu.

    Còn nhớ năm 1980, mình lục tủ sách anh Tường, thấy có cuốn Tư tưởng hiện đại (hay gì đó quên rồi) của Bùi Giáng, đọc chẳng hiểu gì cả, chỉ nhớ có một câu ông nói về ông, nghe hay hay: Bùi Giáng là một cái tên có âm hưởng lăng nhăng, không gây được tin tưởng...

    Mình hỏi anh Tường: Bùi Giáng là ai, anh Tường nói ui chà, ông này hay lắm. Rồi anh kể ông học giỏi ra sao, bỏ trường bỏ lớp đi chăn bò ra sao, đang dạy Kiều nổi điên làm đám ma Từ Hải ra sao. Mình nghe như nghe chuyện trên trời, khó tin, một ông điên điên khùng khùng, suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ lại viết mấy vạn trang, toàn chuyện siêu hình, cả thơ văn lẫn triết học thì lạ quá.

    Nghe anh Tường, anh Sơn khen nức nở thơ văn Bùi Giáng, mình sấp mặt đọc mãi, nghĩ mãi, chẳng thấy hay, không thấm được, không dám chê, chỉ sợ mình dốt chưa tìm được chìa khoá lối vào thơ văn của ông.

    Kì lạ, gặp ai hễ nhắc đến Bùi Giáng là khen nức nở, tuyệt không thấy một người nào chê, còn mình thì thật sự không thấy hay, ngoại trừ mấy câu, như ông vẫn nói là theo điệu du côn, đại loại Sài Gòn- Chợ Lớn rong chơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn thì hay. Nhưng bảo là sâu sắc thì mình chịu. Thơ đó mấy ông nhà thơ dân gian Bắc Kì, xứ Nghệ siêu hơn nhiều.

    Mình cứ nghi nghi hay ngườì ta đua nhau sùng bái thơ văn ông theo kiểu hoàng đế cởi truồng, hi hi, nhưng không dám nói.

    1988, 1989 gì đó vào Sài Gòn, ăn chơi nhảy múa với anh Cung Tĩch Biền suốt ngày. Anh Biền nói vợ tao sáng nào cũng cho năm chục. Tao còn lừa bả mua cái này mua cái nọ được vài trăm, anh em mình xài lip ba ga.

    Một hôm đang đi, bỗng anh Biền phanh kít xe máy kêu to: anh! Mình ngồi sau nhảy xuống, thấy đầu xe một người nhỏ thó, đen gầy, áo quần tóc ta rối rắm, không bẩn nhưng thấy ghê ghê, biết ngay là Bùi Giáng. Khi đó ông đeo cái túi cói, vai còn ngoắc thêm mấy cái vỏ lon nước ngọt.

    Anh Biền giới thiệu mình đây là Nguyễn Quang Lập, anh còn ngoéo thêm làm chỗ Hoàng Phủ Ngọc Tường kẻo sợ Bùi Giáng không biết mình là ai.

    Bùi Giáng gật đầu chào mình, mắt nhìn thân thiện, nói mới vô à? Anh Biền nói Nguyễn Quang Lập viết văn giỏi lắm đó anh, anh nói biết rồi, tiếng lục lạc. Mình sướng rêm.

    Anh Biền chào Bùi Giáng rồi đi, không rủ Bùi Giáng đi uống gì cả. Mình hỏi sao không rủ Bùi Giáng đi cho vui. Anh Biền nói mình con nít, ảnh bậc trưởng lão, style khác nhau, không hợp đâu. Chắc anh Biền nói tránh thế thôi chứ anh Biền với Bùi Giáng thì hơn thua nhau mấy tuổi.

    Mình ngồi sau xe thấy Bùi Giáng lúi cúi đi bộ trên vỉa hè, giáng tất bật như đang đi tìm cái gì, thấy thương thương.

    Ngồi uống với anh Biền, mình cứ nhắc đi nhắc lại tiếc không mời Bùi Giáng. Anh Biền nói khổ vậy đó, có nhiều người mình yêu nhưng không gần được.

    Anh Biền nói Bùi Giáng toàn yêu mấy người trên trời. Mình hỏi sao. Anh Biền nói ảnh yêu Thuý Kiều, yêu Nam phương hoàng hậu, yêu Marilyn Monroe... tóm lại vợ con không có, nhà cửa cũng không, phiêu bồng suốt đời, ai cũng thấy ảnh cực, chỉ có ảnh là không thấy.

    Mình nói nghe anh Tường kể Bùi Giáng yêu Kim Cương mà, anh Biền nói yêu văn thơ vậy thôi, có động được cái lông l. nó đâu, chỉ béo thằng Trần Trọng Thức thôi.

    Anh Biền đọc thơ Bùi Giáng gửi Kim Cương, mình thấy hay hay, chép lại ngay: Nếu ngày mai tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt /thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/ (Nhớ nhỏ ngay trên mồ)/ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười đón nhận/ (ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)

    Mình cười khì khì nói thơ hay, yêu vậy mới yêu, anh em mình toàn giả đò yêu thôi. Anh Biền nói chà, có con nào thì ăn tươi nuốt sống ngay, chờ đến khi chết nó tụt quần đái cho vài giọt thì sung sướng cái nỗi gì. Mà mình đã nằm trong hòm rồi, nó đái trển, cũng có thấy bướm nó đâu.

    Mình cười rũ. Cười xong thì thấy thương Bùi Giáng dại gái thế thì xưa nay hiếm.

    Một hôm đang đứng vỉa hè chờ thằng Bùi Chí Vinh, thấy Bùi Giáng đi qua đường, anh đi thẳng băng, đang đi nhanh bần bật bỗng đứng khựng, lại đi nhanh bần bật, lại đứng khựng. Nhiều người phanh kít xe, cau có nhìn anh, có ngườì chửi. Anh cười cười, vẫy vẫy tay ra hiệu xin lỗi.

    Đi đứng thế có ngày chết mất ngáp. Mình cứ đứng nghĩ vẩn vơ không biết Bùi Giáng khùng thật hay khùng giả đò nhỉ? Có anh Tường đây nhất định anh ấy sẽ nói Bùi Giáng đang cố trải nghiệm mọi nẻo đường dẫn cái chết, hi hi.

    Nhiều lần tới quán bia hơi 81 Trần Quốc Thảo, thời đó là nơi tụ bạ của văn nghệ sĩ Sài Gòn, thấy Bùi Giáng cứ đi vào đi ra, không thấy có ai gọi. Đôi khi thấy anh ngồi ghé vào mâm nào đó. Không ai ghẻ lạnh với anh, cũng không ai mặn, nói đông nói tây không đụng gì đến anh cả. Anh ngồi uống chưa hết ly bia thì bỏ đi.

    Chỉ khi gặp anh Thu Bồn thì anh ngồi hơi lâu lâu, vì anh Thu Bồn hay bắt chuyện với anh nhưng cũng chỉ anh Thu Bồn nói, không thấy anh nói năng gì. Cảm giác như anh vừa đánh mất một cái gì, đang muốn đi tìm, cứ nhấp nhổm không yên.

    Thu Bồn nói cái câu anh tặng Trịnh Công Sơn: Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng/ thưa rằng thơ nhạc chỉ chừng đó thôi, câu sau tui nghi không phải của anh, đúng không? Anh cười hắt ra không nói gì.

    Thu Bồn nói câu đó không hay, tui sửa lại vậy nghe: Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng/ Thơ hay nhạc giỏi nhưng không có l.. Anh cũng cười hắt ra, cũng không nói gì, mắt nhớn nhác như đang tìm ai đó.

    Rồi anh đi, đột ngột đi vậy thôi, hình như chẳng chào ai. Mình say sưa nói chuyện với mấy người mới đến, ngoảnh lại đã thấy anh đi đâu rồi.

    Một hôm anh Sơn hẹn mình đến 81 Trần Quốc Thảo, 10 giờ mình đến không thấy, đi ra cổng đứng ngóng thì thấy đằng xa ba bốn thắng thanh niên đang vây quanh Bùi Giáng sừng sộ. Một thằng đạp anh cái ngã ngồi. Mình chạy đến, đỡ anh dậy. Hoá ra anh qua đường láu táu thế nào làm mấy thằng này đi xe máy tránh không kịp, ngã đau, tức, chửi anh ngu, đòi đánh.

    Mình xin lỗi, rồi nói đây là nhà thơ Bùi Giáng, chúng nó người Bắc, nói bùi cái con buồi, rồi bỏ đi.

    Anh Sơn đến, mình kể cho anh Sơn chuyện Bùi Giáng bị tụi thanh niên suýt nữa hành hung. Anh Sơn trợn mắt với Bùi Giáng, nói nhiều lần rồi đó, anh qua đường phải cẩn thận chớ. Bùi Giáng cười hắt ra nói vui thôi mà.

    Hôm anh Thu Bồn chở mình ra ga tàu, chợt thấy ba bốn ngươì đang cố ôm lấy Bùi Giáng, Bùi Giáng thì cố giãy giụa hét lên tui muốn quá đường! Tui muốn qua đường!

    Hai anh em phải dừng xe nhảy bổ đến lôi Bùi Giáng ra khỏi đám đông sừng sộ, họ chửi anh, cặc lọ tùm lum.

    Bùi Giáng vừa thở vừa cười, nói vui thôi mà. Thu Bồn lắc đầu thở dài, nói vui như cha nội sợ quá trời luôn.

    Nguồn: Quang Lập's Blog‎

  3. #3
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Tình sử Bùi Giáng – Kim Cương
    Đệ Nhất Kỳ
    Duyên nợ



    Bùi Giáng (1926-1998)

    Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là "đệ nhất mỹ nhân" trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.
    Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với Báo Thanh Niên một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng… Chúng tôi tạm gác những phần cuối của loạt bài Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị để giới thiệu riêng cùng bạn đọc những tiết lộ của Kim Cương. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nghệ sĩ Kim Cương. Những tiết lộ này sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn con người và sự nghiệp của một thi sĩ độc đáo vào bậc nhất của đất nước.

    Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với NSƯT Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất. Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng vừa qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề "mua" những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói: "Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của Báo Thanh Niên, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung của đất nước, cần có thêm nhiều thông tin về ông. Và vì không lên tiếng nên có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu đúng ông hơn".


    Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng đã được mệnh danh là "kỳ nữ". Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh – Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương: "Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị". Kim Cương trả lời: "Ừ, thì mời ổng tới". Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có "điên điên" như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi". Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới… 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!

    Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: "Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?". Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu… cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi: "Bùi Giáng phải không?". Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu: "Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá".

    Nhưng điều hay nhất ấy là, mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông "quậy" quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng "nương tử Kim Cương". Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.

    – Kính thưa nương tử Kim Cương
    Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
    Ngàn năm điêu đứng đọa đày
    Thiên thu sử lịch cau mày về sau
    Thưa em đời mộng dạt dào
    Tình yêu vô tận yêu đào vô biên

    – Kể từ tao ngộ đầu tiên
    Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
    Bốn mươi năm đã lẫy lừng
    Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
    Trái tim thiết thạch vô ngần
    Từ tam thu tới tử phần hôm nay
    Kể từ sử lịch xa xuôi
    Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em


    Lời nhắn từ Thiieugia: Xin phép bạn Doancongtu cho BQL diễn đàn dời bài viết của bạn vào chuyên đề này cho phù hợp và dễ dàng khi muốn theo dõi.
    Trân trọng cảm ơn!
    Lần sửa cuối bởi thieugia; 21-09-2013 lúc 01:37 PM
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  4. #4
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương

    Tiếp theo...



    Nghệ sĩ Kim Cương


    Đệ Nhị Kỳ
    "Quyền lực" của Kim Cương


    Phải nói là Kim Cương có "quyền lực" rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm "chim bay cò bay" giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được. Tình cờ có ông bạn Đoàn Thạch Hãn trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông: "Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa!". Lập tức ông riu ríu đi theo Đoàn Thạch Hãn.

    Ông còn "ái mộ" bà theo kiểu "kinh khủng" của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin... quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ. Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài - cháu gọi ông bằng bác họ - tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà: "Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra! Đi ra hết!".


    Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được vào...

    Nghệ sĩ Kim Cương nói: "Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc". Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng "cô" đàng hoàng chứ không "nương tử", không "Hằng Nga" gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: "Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả?". Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà.
    Hư vô và vĩnh viễn


    Cũng vô lý như lần kia dưới lá
    Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
    Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
    Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

    Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
    Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
    Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
    Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

    Lá cũng mất như một lần đã lỡ
    Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
    Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
    Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình

    Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
    Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
    Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
    Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn

    Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
    Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
    Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
    Để bây giờ em có biết nơi đâu

    Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
    Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
    Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
    Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không

    Thơ Bùi Giáng
    Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương. Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: "Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt". Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: "Thân mẫu tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...". Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ "khai báo" y như vậy. Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu: "Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi". Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.


    Em bỏ cái tay ra: cho tôi hun một cái nầu...

    Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà:

    - Yêu nhau từ bấy tới nay
    Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
    Thưa em nương tử dịu mềm
    Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
    - Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
    Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
    Cúi đầu bái tạ tình em
    Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
    - Làm thơ tiếp tục yêu em
    Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
    Kể từ lịch kiếp long đong
    Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
    ...

    Hình như là còn... he he
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  5. #5
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương

    Tiếp theo trang trước


    Đệ Tam Kỳ:

    Ba lời cảm tạ của Kim Cương

    Nhà thơ Bùi Giáng về ở nhà của cháu là anh Hoài, vào khoảng năm 1978, đến khoảng 1992, ông đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo: “Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh”. Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu: “Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột”. Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai “say”, như thế khi Kim Cương lên thăm, ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã… ngủ khò. Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá.


    Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài: “Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè?”. “Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!”. “Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây!”. “Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng”. Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.

    Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt: “Tôi mua cho anh kính mới nghen”. Ông lắc đầu: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi”.

    Bốn, năm năm cuối đời, ông gần như tỉnh hẳn, và cứ sáng mùng 1 Tết là ông xông đất nhà Kim Cương. Riết rồi biết ý, đêm giao thừa Kim Cương tự xông đất trước cho mình, để tảng sáng mở cửa đón ông vào. Ông vô nhà, ngồi bệt xuống nền, không bao giờ chịu ngồi trên ghế. Rồi ông lì xì cho Kim Cương, khi 5.000đ, khi 10.000đ. Bà xẻ dưa hấu đãi ông ăn. Ông hớn hở trong sự nâng niu của bà.

    Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà: “Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!”. Bà đáp vui trở lại: “Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!”. Những lúc tỉnh táo, ông nói: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”. Nhân đó bạn bè hỏi: “Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy?”. Ông đáp: “Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh – Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa”.

    15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:

    - Thương yêu có lẽ như là
    Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương

    - Ông đi đau xiết vui buồn
    Một mình ở lại muôn trùng em yêu

    Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: “Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng”. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.

    Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi. Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ:

    “Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.

    Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:

    “Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.

    Và:

    Vô ngần tao ngộ đầu tiên
    Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
    Yêu em từ những kiếp nào
    Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.

    Hết zoài. Hết thiệt zoài
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •