Trang 2/2 ĐầuĐầu 12
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 20

Chủ đề: Tìm Hiểu Một số Môn Võ Trên Thế Giới...

  1. #11
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    Muay Thai: Môn võ giết người


    Muay Thai xuất xứ từ môn ''Krabi Krabong'', một môn võ thuật của đất Xiêm (SIAM, Tên cũ của Thái Lan). Thời xa xưa, quân lính hoàng gia thường chiến đấu với kiếm ở tay phải. Nhưng sau đó nghệ thuật chiến đấu bằng kiếm không còn nhu cầu cần thiết tập luyện trong quân đội nữa vì sự xuất hiện của súng đạn, nó dần dần biến đổi và trở thành môn võ quen thuộc trong dân chúng, được giữ thành một bộ môn thể thao chiến đấu và trở thành niềm tự hào của người dân Thái.

    Trong quá khứ, môn quyền thuật Muay Thai từng được dùng làm môn giải trí được ưa thích của biết bao triều đại Hoàng gia Thái Lan. Để sôi động hơn nữa, các võ sĩ đã dùng những loại bao tay cuốn bằng da ngựa được buộc bằng dây gai, trộn chung với mãnh vụn thủy tinh cho trận đấu máu me hấp dẫn hơn, kết quả càng thảm khốc bao nhiêu thì kẻ chiến thắng càng được tôn vinh bấy nhiêu.


    Lễ chào và làm phép đặc trưng Wai Kru (Ram Muay) của quyền thuật Muay Thai.

    Huyền thoại Muay Thái

    Lịch Sử của Muay Thai bắt đầu vào khoảng năm 1774, một nhà quyền thuật của phái Muay Boran (hậu thân của Muay Thai hiện đại) nổi tiếng của Thái là Nai Khanomtom, không may anh ta bị quân xâm lăng Miến Điện (Myanmar ngày nay) bắt cùng nhiều tù nhân khác sau trận thất thủ đẫm máu của thủ đô Ayutthaya thời bấy giờ. Nai Khanomtom bị bắt và đưa về thủ đô Rangoon, Miến Điện.

    Trong một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng của mình, nhà vua muốn được thấy võ thuật Thái Lan giao đấu cùng các môn võ cổ truyền của nuớc mình, với ý đồ muốn khoe nền võ thuật cực thịnh ''bất bại'' của Miến Điện. Biết được tù binh Nai Khanomtom là một cao thủ quyền Thái, nhà vua quyết định hạ nhục anh bằng cách bắt phải giao đấu với vô địch Miến Điện đang có mặt.

    Trước khi vào cuộc đấu, Nai Khanomtom xin được dùng điệu múa Wai Kru (Ram Muay) đặc trưng của quyền thuật Thái để biểu diễn trước khi chiến đấu. Nhờ điệu múa đó đầy huyền hoặc đó mà các thần linh của tổ tiên Thái giúp cho Nai Khanomtom làm mờ mắt đối thủ và đè bẹp cao thủ đất Miến Điện trước mặt nhà vua một cách dễ dàng. Với lòng háo thắng và làm nhục quyền thuật Thái, nhà Vua ra lệnh cho Nai Khanomtom phải đấu thêm với 9 võ sĩ khác nếu muốn được sống và thả tự do. Không có chọn lựa nào khác nào ngoài việc phải chấp nhận chiến đấu thêm 9 trận tiếp theo, mà trận cuối cùng là một võ sư danh tiếng nhất của Miến Điện.


    Cuối cùng bằng tất cả quyết tâm và nghị lực Nai Khanomtom đánh gục tất cả 10 cao thủ bằng toàn kỹ thuật chân truyền đặc trưng của võ Thái. Nhà Vua phải ngậm ngùi thốt lên: ''Mỗi đòn thế của võ Thái chứa đầy nọc độc, chỉ với tay không mà đánh gục ngã 10 cao thủ của ta, chỉ vì nhà vua ngươi không tốt mới mất nước, nếu nhà vua ngươi tốt thì không cách nào mà ta có thể lấy được thành phố Ayutthaya".

    Vì mến chuộng tài năng của Nai Khanomtom, nhà Vua ra lệnh ban cho anh ta hai lựa chọn: "Được sống giàu sang suốt đời hay là được cưới hai cô vợ xinh đẹp người Miến Điện". Sau một hồi suy nghỉ đắn đo, Nai Khanomtom thưa rằng: "Thưa bệ hạ, tiền là vật dễ kiếm, tôi xin nhận người đẹp."

    Nhà vua liền cho anh ta 2 cô vợ và thả tự do cho quay về cố quốc với tất cả tù binh Thái khác. Để kỷ niệm và vinh danh môn Muay Thai, Hoàng gia Thái Lan lấy ngày 17/3 hàng năm làm "Ngày Võ Sĩ" hay còn gọi là "Ngày Quyền thuật quốc gia" cho cả nước ghi ơn.

    Môn võ không dành cho những người yếu tim

    Muay Thai với lối kỹ thuật chiến đấu vô cùng mạnh bạo, còn được gọi là "Nghệ thuật bát chi", tức là chiến đấu bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối, với nguyên tắc dứt điểm đòn nhanh, áp đảo đối phương không có cơ hội chống trả.

    Khi vào trận chiến, người võ sĩ Muay Thai không từ nan bất cứ mục tiêu nào, cố gắng đánh gục đối thủ ngoại trừ nơi mà theo luật định thượng đài của Muay Thai cấm, đó là đánh hoặc hạ bộ.


    Muay Thai không từ nan bất cứ mục tiêu nào

    Sở trường của các võ sĩ Thái là những đòn chân như phang ống, đá đảo sơn khi áp sát hoặc đối phương chưa kịp hoàn hồn là họ tới tấp các đòn đánh chỏ, gối, đấm đủ loại múc, móc để chiếm ưu thế tối đa. Họ thường sử dụng kỹ thuật "trên đe dưới búa", tức là nghiêng người tay đánh chỏ vào lưng đối phương, đồng thời lên gối vào bụng; hoặc kỹ thuật phóng người lên đá bằng gối vào ngực, cằm, cổ đối phương nhằm hạ gục anh ta tức khắc.


    Một trong nhiều tuyệt chiêu dùng đầu gối của Muay Thai.

    Phương tức tập luyện của các võ sĩ rất đơn giản, bằng cách tập đá vào thân cây chuối, bao cát, chạy cự ly dài, bơi lội, nhảy dây, tập với các mục tiêu di động bằng cách buộc trái banh trên các sợi đây rồi đá liên tiếp để luyện sự chính xác và nhanh. Khi thượng đài, các võ sĩ Muay Thai được trang bị rất đơn giản, không cầu kỳ các trang bị an toàn như luật đấu của Karate hay Taekwondo mà chỉ quần ngắn, bao tay theo kiểu của quyền anh thế giới, chân quấn băng, bảo vệ răng.

    Muay Thai: Môn võ giết người

    Tuy nhiên, trên đấu trường là một lẽ, trong thực dụng của cuộc sống là một lý lẽ khác. Muay Thai là môn võ thuật rất mạnh bạo nhưng vẫn có những nhược điểm của nó. Nếu gặp phải một đối thủ thuần nhu như Judo hoặc Aikido thì kết quả vẫn chưa biết đâu là thắng bại, sự thiếu vắng các đòn vật khi áp sát hoặc cách dùng lực quá mạnh bạo sẽ dễ dàng đưa đến chuyện mất thăng bằng. Đó chính là điểm yếu của Muay Thai.


    "Đồ nghề" khi ra trận

    Hàng trăm trại tập luyện Thái được mở ra khắp nơi trong nước, những trại nổi tiếng có đến cả vài ngàn người đến để xin học. Các phương cách tập luyện đầy truyền thống đã thu hút rất đông số lượng người yêu thích môn võ này khắp nơi trên thế giới đổ xô đến Thái Lan để mong có cơ hội trở thành cao thủ Muay Thai.

    Ngay từ đầu từ thập niên 90, Muay Thai đã được ưa chuộng và biết tiếng khắp nơi trên thế giới. Muay Thai đã xác chứng sự hiện hữu của mình trong các giải đấu quốc tế như ''PRIDE Fighting Championships'' và ''Ultimate Fighting Championships''. Hầu hết các võ sĩ Thái Lan đã làm mưa làm gió trên chiến đài các giải tranh tài lớn. Môn Quyền Anh lâu đời của thế giới đã trở thành những bóng mờ trước kỹ thuật tàn bạo và lối chiến đấu đầy nghệ thuật của quyền Thái.

    Muay Thai là một phần tài sản trong kho tàng văn hoá Thái Lan, một đất nước an bình không hề có chiến tranh trong suốt 200 năm qua. Chính phủ Thái muốn biến Muay Thai như một hình tượng mạnh mẽ, đầy năng động của một quốc gia đầy tai tiếng là một thiên đàng du lịch tình dục cho đàn ông ngoại quốc. Chính chủ tịch hiệp hội thể thao và thanh niên của Thái Lan từng tuyên bố: "Trong vòng 20 năm tới, Muay Thai đối với thanh niên Thái Lan sẽ được biết đến như Taekwondo đối với thanh niên Hàn Quốc."


    Muay Thai đến cả với nữ giới

    Muay Thai đối với nhiều người dân Thái Lan nghèo nàn là một cứu cánh và cơ may để thay đổi cuộc đời vốn khốn khó trong một quốc gia đang phát triển. Chỉ cần chút năng khiếu, tài năng và sự chuyên cần luyện tập, một người võ sĩ có thể trở nên nổi tiếng và cuộc đời thay đổi.

    Cuộc đời sự nghiệp của các võ sĩ Muay Thai rất ngắn ngủi, chỉ trong 5-10 năm để quyết định sự thành bại. Hiện nay, giới phụ nữ Thái đang dần dần chiếm được nhiều sự cổ vũ nồng hậu của giới yêu thích võ thuật, mặc dù luật truyền thống của Muay Thai cấm phụ nữ bước lên sàn đấu, vì sàn đấu là nơi trang nghiêm đã được các nhà sư Phật giáo Thái Lan ban phép lành.

    Minh_anh theo Hiepkhidao.net
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  2. #12
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    Câu chuyện của nhà vô địch Muay Thái

    TS - Ở Thái Lan không ai không biết đến cái tên Nong Tum - nhà vô địch Muay Thái lừng danh với bộ sưu tập thành tích đáng nể: thượng đài gần 60 trận, trong đó hơn 30 trận hạ knock-out đối phương.

    Chúng tôi được nghe kể nhiều về Nong Tum, nhưng ngồi trước mặt chúng tôi hôm nay lại là một con người khác đến bất ngờ!...


    Con đường Muay Thái đã mang lại cho Nong Tum vinh quang và tiền bạc kể cả sau khi giải nghệ

    “Nụ hôn của mãnh hổ” !

    Chúng tôi thật may mắn khi có mặt ở Bangkok cũng là lúc Nong Tum vừa trở về từ Mỹ. Nhưng gặp nhân vật nổi tiếng như Nong Tum thật không phải dễ. Sau hàng chục lần email, nhờ cậy cả quan chức địa phương, điện thoại trực tiếp nhưng vẫn không thể tiếp cận được.

    Kiên trì liên lạc, cuối cùng người trợ lý điện thoại cho biết: Nong Tum đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn! Chúng tôi đến nơi hẹn, tiếp chúng tôi lại là một gương mặt nữ xinh đẹp đến lạ thường, mái tóc dài đen nhánh, gương mặt trái xoan gợi cảm và miệng luôn nở nụ cười đầy quyến rũ... Câu chuyện Muay Thái được bắt đầu từ những ký ức tuổi thơ:

    “Tôi sinh ra tại Bangkok nhưng lớn lên ở Chiang Mai trong một gia đình rất nghèo. Chính vì cuộc sống quá nghèo nên như bao đứa trẻ khác ở Chiang Mai, tôi đã quyết định tìm đến Muay Thái không chỉ để thoát khỏi cái nghèo, cái đói mà còn có một ước nguyện thầm kín ẩn sâu trong tâm hồn một cậu bé mười tuổi...”.

    Năm 12 tuổi, Nong Tum lần đầu tiên thượng đài. Nong Tum kể: “Gần như tôi đã đánh cược cả đời mình, thậm chí tính mạng cho trận đầu tiên!”. Do nhà quá nghèo nên Nong Tum không đến học tại lò võ nào mà tự luyện tại nhà qua người hàng xóm biết chút ít Muay Thái. Trên sàn đấu hôm ấy là cuộc đọ sức giữa một người được đào tạo bài bản và một bên là “đấu sĩ miệt vườn” - điều tối kỵ và rất nguy hiểm trong Muay Thái. Nhưng đó là con đường duy nhất của Nong Tum.

    Cậu bé lao vào đối thủ như mãnh thú với những trận đòn khủng khiếp mà sau này nhiều người thân kể lại: nếu trọng tài không kịp can thiệp chắc có lẽ đối thủ của Nong Tum khó lòng tiếp tục theo nghiệp võ! Theo dự kiến, trận đấu kéo dài năm hiệp. Nhưng mới ở hiệp thứ hai, đối thủ của Nong Tum đã nằm bất động trên sàn đấu giữa tiếng reo hò man dại của những kẻ cá cược. Các chủ lò đã tranh nhau mời chú bé con này về đào tạo miễn phí. Họ đã nhận ra sự lạnh lùng đến khủng khiếp khó có đối thủ nào trụ nổi trước cậu bé.

    Sau hơn 20 trận hạ knock-out đối thủ, tên tuổi của Nong Tum bắt đầu vang danh khắp Thái Lan. Nhiều đối thủ “có số, có má” nghe nhắc đến cái tên Nong Tum là từ chối thượng đài, cho dù tiền cá cược rất cao. Điều lạ thường là sau mỗi trận hạ knock-out đối phương, Nong Tum thường cúi xuống hôn lên gương mặt đẫm máu của đối thủ đang gục ngã trên sàn! Phong cách rất “tình tứ” và lối đánh không tuân thủ theo chuẩn mực nào càng giúp Nong Tum nổi tiếng. Một thời báo chí Thái Lan đã gọi nụ hôn của Nong Tum là “nụ hôn của mãnh hổ”...

    Tiền thù lao mỗi trận giác đấu dành cho Nong Tum cứ thế tăng dần theo từng cú ngã bất động, những hình hài đầy máu me, những chấn thương mang theo suốt đời của các đối thủ đã chạm mặt với anh. Có những lúc thu nhập hằng tháng của nhà vô địch lên tới hàng chục ngàn baht (4.000 baht bằng khoảng 100 USD). Nổi tiếng và có tiền, Nong Tum thường chỉ gửi về quê nuôi cha mẹ phân nửa, số còn lại anh âm thầm gửi ngân hàng và chờ đợi cho tới một ngày...

    “Ngay từ năm lên 6-7 tôi đã biết trái tim mình không thuộc về thân xác này, nhưng cái nghèo, cái đói giày vò hằng ngày vẫn còn là nỗi ám ảnh trước mắt. Thật tình tôi chỉ thích được yêu thương dỗ dành, tôi rất sợ những trò bạo lực, đấm đá. Ngày nhỏ bọn con trai thường lôi tôi ra để đấm để đá vì chúng bảo tôi “õng ẹo như con gái”, tôi chỉ biết khóc và ước gì mình là con gái thật để bọn bạn khỏi mang ra cười chê.

    Có lần nghe người làng bảo trên thủ đô có thể “biến” nam thành nữ được, tôi rất chú ý câu chuyện này và nghĩ: chỉ có đi theo Muay Thái ước nguyện này mới có thể thành sự thật... Nụ hôn của mãnh hổ ư? Người ta không hiểu tôi, đó là nụ hôn yêu thương, nụ hôn của lời xin lỗi vì tôi đã làm họ đau đớn, tôi luôn yêu thương những chàng trai, nhất là những chàng trai khỏe mạnh, cường tráng...” - Nong Tum trở lại những ký ức ngày xưa bằng lời thổ lộ về cuộc đời mình với chúng tôi.

    “Nếu có kiếp sau…”

    Hội đồng Muay Thái thế giới (WMC) được Chính phủ hoàng gia Thái thành lập và hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ TDTT và du lịch Thái. Chủ tịch WMC là ông Chetta Thanajaro - cựu tướng lĩnh trong Quân đội hoàng gia Thái, đồng thời là chủ tịch danh dự Ủy ban Olympic Thái Lan. Nhiệm vụ chính của WMC là tìm cách mở rộng môn võ dân tộc Muay Thái ra khắp thế giới.

    Đến nay WMC đã có 109 nước thành viên đến từ năm châu lục. Các thành viên của WMC sẽ được giúp đỡ lập ra các hiệp hội, CLB, liên đoàn hoặc hội đồng Muay Thái. Các thành viên trong ban điều hành WMC đến từ 50 quốc gia. Cứ hai năm một lần, WMC sẽ nhóm họp và bầu ra ban điều hành mới.

    Nong Tum quyết định treo găng vào năm 1999, đã đến lúc Nong Tum muốn cho mọi người biết ý nguyện thầm kín của mình: “Tôi là một katoey (người có giới tính thứ ba). Tôi muốn sống đúng với con tim mình qua một cuộc phẫu thuật chuyển giới tính!”. Cả nước Thái bàng hoàng.

    Những người katoey ở Thái Lan không ít, họ sống giữa hai giới tính nam và nữ khá bình đẳng, nhưng với Nong Tum thì không thể được vì đây không chỉ là thần tượng của ý chí, sức mạnh và lòng tự hào của bao nhiêu thanh thiếu niên nghèo ở nông thôn mà còn là nhà vô địch huyền thoại của các sàn giác đấu! “Không thể được!” - những người đam mê môn Muay Thái gào thét. Nhưng đó là ý chí sau cùng của nhà vô địch!

    Để bước lên đỉnh vinh quang, không ít lần Nong Tum cũng phải sụp đổ, mê man trên sàn đấu với cơ thể đầy máu và không ít lần phải đưa vào bệnh viện cấp cứu tính mạng, nhưng có lẽ không đau đớn nào bằng khi thực hiện tâm nguyện được trở thành nữ giới. Với một võ sĩ, một nhà vô địch thì việc giã từ sàn đấu khi còn đang sung sức là một điều đau đớn không kém.

    “Cơ thể tôi bắt đầu trở nên mềm nhũn ra sau những tuần lễ đầu tiên uống thuốc hormon. Cảnh vinh quang chiến thắng, những bắp thịt căng tròn, những đòn quyết chiến, những gương mặt đầy máu cứ ùa về trong giấc mộng mị hằng đêm. Đã có lúc tôi chợt nghĩ: Mình có sai lầm không, hy sinh vì cái gì nào? Được sống đúng với bản năng hay tiếp tục con đường vinh quang?...” - Nong Tum tâm sự.

    Sau nửa năm được các bác sĩ tư vấn tâm lý và uống thuốc bổ sung hormon nữ, nhà vô địch quyết định ký giấy xác nhận và đặt mình dưới lưỡi dao phẫu thuật của các bác sĩ. Sau gần hai năm trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, nhà vô địch huyền thoại một thời đã chính thức trở thành cô Parinya Jaroenphon - Nong Tum!

    Dù đã giã từ sàn đấu nhưng hiện tại Nong Tum vẫn được xem là ngôi sao, nhưng là ngôi sao sáng của nền công nghiệp giải trí Thái Lan. Cô đã đi biểu diễn Muay Thái ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ... Những show một nữ võ sĩ thách đấu với các nam võ sĩ trên khắp thế giới đã mang về cho cô cả núi tiền.

    Cô cũng đã tham gia đóng bộ phim Beautiful boxer (Nữ võ sĩ xinh đẹp) mà nội dung tái hiện cuộc đời của chính mình. Bộ phim đã gây xôn xao dư luận ngay ở những tuần lễ đầu tiên công chiếu, nhiều người tỏ ra cảm thông nhưng cũng không ít người phản đối vì làm mất đi hình ảnh một thần tượng của Muay Thái!

    Đầu tháng 4-2005, kênh truyền hình Channel 3 của Thái Lan cũng vừa cho trình chiếu bộ phim hình sự nhiều tập Người đàn ông thép, trong đó Nong Tum được mời thủ vai chính chuyên đi tìm tiêu diệt những kẻ gian ác trong xã hội. Một hãng phim khác cũng vừa ký hợp đồng với Nong Tum để thực hiện một bộ phim kể về cuộc sống của những người thay đổi giới tính...

    Đã là một siêu sao trên bầu trời nghệ thuật Thái Lan nhưng Nong Tum vẫn không quên con đường đầu tiên đưa cô đến đỉnh vinh quang như hôm nay. Nong Tum bỏ tiền túi ra lập một trại huấn luyện Muay Thái ở ngoại ô Bangkok và thu nhận các thiếu niên nghèo từ nông thôn ra nuôi dạy miễn phí. Nong Tum bảo: “Với tôi, Muay Thái đã là máu là thịt, không có nó tôi chẳng có ngày hôm nay”.

    Chúng tôi hỏi Nong Tum: “Nếu có kiếp sau, cô sẽ chọn giới tính nào để đầu thai?”. Nong Tum đặt tay lên tim mình: “Tôi muốn là một người đàn ông, một người có trái tim đàn ông và tôi tin rằng mình vẫn sẽ là một nhà vô địch Muay Thái!”...

    BINH NGUYÊN - DUY BÌNH
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  3. #13
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    3. Quyền Anh


    Một trận đấu Quyền Anh nghiệp dư

    Quyền Anh hay còn gọi là Boxing, gọi theo kiểu huỵch toẹt Nam bộ là "đấm bốc". Đây là môn võ mang tính đối kháng giữa 2 người có nguồn gốc, xuất xứ từ phương Tây, sử dụng cú đấm kết hợp với di chuyển chân, đầu và thân mình. Quyền Anh nghiệp dư là một nội dung thi đấu của nhiều đại hội thể thao trên toàn thế giới, đặc biệt trong các kỳ thế vận hội Olympic.

    Nguồn gốc

    Nhiều chứng minh chỉ ra rằng quyền anh có sớm ở bắc châu Phi khoản 4000 năm TCN và Địa Trung Hải khoảng 1500 năm TCN. Hy Lạp khoảng 900 năm TCN và La Mã cổ đại 500 năm sau Công Nguyên. Khoảng 3700 năm trước công nguyên, ở xứ Mésopotamie (cổ Hy Lạp) đã lưu hành môn đấu quyền, thuỷ tổ của môn quyền Anh ngày nay. Có một thời gian môn đấu quyền bị suy vi, mãi đến năm 1750 trước CN mới thịnh hành trở lại. Bấy giờ, vào những ngày nghỉ ngơi nhất định, đều tổ chức thi đấu với sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp. Đương thời, Hy Lạp phát triển khá mạnh mẽ những cuộc thi đấu quyền, thậm chí còn cho phép các đối thủ được phép mang thêm dây da hoặc dây sắt vào tay để hạ đối thủ nhanh hơn, bởi luật thi đấu lúc đó là đấu đến khi nào có một người không thể tiếp tục đấu nữa mới thôi.

    Năm 746 trước CN, sau khi La Mã tiêu diệt Hy Lạp, môn đấu quyền cũng truyền theo đến La Mã với sự hưởng ứng nhiệt tình của tầng lớp thanh niên. Tuy nhiên, do sự phát triển môn đấu quyền ngày càng đi sâu vào sự tàn nhẫn, nên đến năm 404 trước Công nguyên, hoàng đế La Mã là Theodosius đệ nhất đã ra lệnh cấm hẳn môn đấu quyền.

    Đại khái: Cho đến nay vẫn chưa xác định được mốc thời gian cụ thể khi Quyền Anh ra đời.

    Quyền Anh hiện đại

    Đến thế kỷ 16, môn đấu quyền xa xưa của Hy lạp – La Mã đã trở thành một hoạt động ưa chuộng của giới trung lưu và thượng lưu ở nước Anh trong phong trào phục hưng.

    Từ năm 1719 đến năm 1730, James Figg đã chiến thắng nhiều đối thủ và được coi là Nhà vô địch Quyền Anh hạng nặng đầu tiên, và cũng là người đầu tiên mở trường dạy môn đấu quyền.

    Sau đó, một nhà vô địch người Anh thế hệ nối tiếp là Jack Broughton đã đi xa hơn: mở trường dạy đấu quyền, phát minh ra đôi găng tay để giảm bớt tai nạn trong thi đấu, lập ra qui tắc đấu quyền mang tính thể thao hơn...

    Năm 1973, Jack Broughton sửa đổi lại thể lệ tranh giải võ đài Luân Đôn thành bộ “Luật Quyền Anh” chính thức.

    Theo thể lệ tranh giải võ đài Luân Đôn, mỗi trận chia ra làm từng hiệp một và chỉ chấm dứt khi nào một võ sĩ bị đánh knockout. Nếu võ sĩ bị đánh ngã trong vòng 30 giây mà không đứng dậy thì trọng tài sẽ tuyên bố thắng cho võ sĩ đã đánh ngã. Đặc biệt là các đấu sĩ được phép dùng các đòn vật trong trận đấu.

    Đến năm 1865, một hầu tước người Anh là Queens Beery Vlll lại cải tiến qui tắc đấu quyền thành một qui tắc mang tính tài tử hơn: chỉ đấu ba hiệp, mỗi hiệp ba phút, thay vì đấu mười sáu hiệp như qui tắc Broughton.

    Năm 1872, bộ luật của Queens Beery chính thức được áp dụng vào những trận đấu. Sau này qui tắc Broughton trở thành luật thi đấu quyền Anh nhà nghề và qui tắc Berry trở thành luật thi đấu quyền Anh nghiệp dư.

    Năm 1904, lần đầu tiên được đưa vào chương trình thế vận hội Olympic và trở thành môn thi đấu chính thức của các kỳ thế vận hội.

    Năm 1920, Liên đoàn Quyền Anh thế giới (AIBA) ra đời. Và tính tới thời điểm năm 1994, đã có 122 quốc gia gia nhập AIBA, cho đến nay theo thống kê trên trang web của AIBA đã có 194 quốc gia (trong đó có Việt Nam) trực thuộc tổ chức này.

    Quyền Anh nghiệp dư


    Các trận đấu Quyền Anh nghiệp dư không dài hơn 3 hiệp, thường 2-3 phút mỗi hiệp. Găng tay nặng hơn của các võ sĩ chuyên nghiệp và thường có đeo mũ bảo vệ đầu.

    Phân loại hạng cân

    Quyền anh nghiệp dư, một đặc trưng của thế vận hội Olympic từ năm 1904, được tổ chức theo bộ luật Olympic thế giới.

    Các hạng cân:
    Hệ thống cân theo Kg (Metric) và hệ thống Aviordupois được sử dụng chia làm 12 hạng cân của Olympic từ 48 kg (105 lb) đến trên 91 kg (200 lb).


    Hạng cân...

    Tính điểm

    Mỗi đòn đánh hợp lệ được tính 1 điểm.

    Đòn đánh được tính điểm:


    Trong mỗi hiệp, Giám định sẽ cho điểm căn cứ vào các đòn đấm của VĐV. Để cho điểm mỗi đòn đánh, đòn đó không bị ngăn chặn hay bảo vệ và phải trúng đích với diện tích tiếp xúc hợp lệ của găng, đòn đó phải trúng đích vào phần trước của đầu hay thân thể kể từ thắt lưng trở lên. Các đòn tạt ngang (Swings) đánh đúng như trên cũng được tính điểm. Giá trị của các đòn đánh giáp thân sẽ được đánh giá vào cuối của lần giáp thân giữa VĐV và tùy thuộc vào số đòn đánh chiếm đa số của VĐV đó.

    Đòn đánh không ghi điểm: Cú đánh vi phạm luật (đánh dưới thắt lưng, gáy ,đá ...) hoặc đánh bằng cạnh, mắt sau của găng, đánh mở găng hoặc bất kỳ phần nào khác ngoài diện tích găng che cảu các khớp của năm ngón tay (diện tích tiếp xúc hợp lệ), chạm vào cơ thể mà không có lực của vai hay cơ thể, đánh bằng cánh tay.

    Hình thức cho điểm: Quyết định cho điểm được thiết lập, giám định ấn các nút được hướng dẫn để cho phép VĐV có những đòn đánh chính xác, hợp lệ. Về cơ bản, những đòn đánh chính xác và các thông tin khác được ghi lại và tính toán một cách tự động bởi máy chấm điểm. [b]VĐV sẽ được điểm nếumáy nhận được ít nhất 3 trong 5 giám định ấn nút cho điểm VĐV đó.

    VĐV sẽ được điểm nếu đòn đánh hợp lệ ít nhất 3 trong 5 giám định ấn nút ch điểm. Có những đòn đánh không đủ 3 Giám định ấn nút cho điểm mà ví dụ như chỉ có 2 giám định ấn nút cho điểm sẽ cũng được máy chấm điểm lưu giữ lại. Đây là cơ sở để xác định VĐV nào thắng nếu cuối trận đấu số điểm của 2 VĐV được máy chấm là bằng nhau, dựa vào thông tin trên được máy chấm điểm lưu giữ lại, người ta tính được VĐV nào có nhiều đòn đánh hợp lệ hơn. Nếu 2 VĐV vẫn bằng nhau, 5 giám định sẽ quyết định VĐV thắng cuộc dựa vào Điều 17.3.3(Tất cả các cuộc thi đấu đều phải chỉ định được VĐV thắng cuộc còn trong các cuộc đấu hữu nghị giữa 02 nước có thể có trận hòa) bằng cách nhấn nút bấm thích hợp.

    VĐV thắng điểm được xác định trên cơ sở tổng các đòn chính xác đếm được trong các hiệp đấu, VĐV có nhiều đòn chính xác hơn sẽ là người thắng cuộc.

    VĐV thắng K.O đối phương khi tung ra đòn đánh hợp lệ khiến đối phương không thể tiếp tục thi đấu sau 10 lần đếm của Trọng tài chính( 10 giây).

    Thắng do cách biệt trình độ:

    -Nếu giám sát trưởng sau khi hội ý với các thành viên trong Ban Giám sát tin tưởng rằng máy chấm điểm điện tử với 15 điểm cách biệt giữa hai VĐV, trận đấu có thể chấm dứt để tránh cho một VĐV bị những đòn không cần thiết. Ông ta có quyền dừng trận đấu bằng cách gõ cồng hay các phương tiện khác, hỏi ý kiến trọng tài và theo kết quả đó tuyên bố "Góc X là người chiến thắng bởi RSC". Lưu ý:

    -Nếu một VĐV bị truất quyền, VĐV kia là người thắng cuộc. Nếu cả hai VĐV bị truất quyền, quyết định sẽ được công bố. VĐV bị truất quyền không được bất kỳ giải thưởng, huy chương, cúp, xếp hạng của toàn bộ giải đấu.

    Luật count-back trong quyền Anh nghiệp dư:

    Có 5 trọng tài cùng tham gia chấm điểm trong mỗi trận đấu quyền Anh nghiệp dư, nhưng chỉ có điểm số của 3 trọng tài chấm cân bằng nhau nhất được chọn để tính điểm chung cuộc. Khi điểm số cuối trận cũng vẫn là ngang bằng nhau (như 18-18 trong trận chung kết hạng siêu nặng ở Olympic London 2012 chẳng hạn), điểm số từ 2 trọng tài sẽ bị loại bỏ, và điểm số của trọng tài còn lại chính là điểm số cuối cùng.

    Trong trường hợp điểm số vẫn hòa, điểm số cao nhất và thấp nhất của các trọng tài ở góc võ đài xanh và đỏ sẽ bị loại bỏ. Nếu điểm số vẫn hòa, 5 trọng tài sẽ họp với nhau để đưa ra biểu quyết kẻ thắng và… người bại.

    Còn nữa...

    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  4. #14
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Quyền Anh

    Tiếp theo...


    Quyền Anh chuyên nghiệp



    Muhammad Ali năm 1960

    Tại Mỹ, quyền anh chuyên nghiệp được tăng cường kiểm soát bởi Uỷ ban quyền anh quốc gia từ năm 1920 khi New York ban hành một đạo luật mới gọi là Luật Walker nhằm tránh những lạm dụng có thể xảy ra, quy định số tiền trong giải đấu và thiết lập một uỷ ban quyền anh quốc gia. Sau đó các nươc khác cũng thông qua điều luật tương tự như thế và cũng thành lập các phòng ban kiểm soát giống như tại các bang và thành phố của Mỹ.

    Các bộ luật quốc gia chính thức về quyền anh chuyên nghiệp gồm các chi tiết kỹ thuật về xây dựng võ đài, hình vuông có kích thước là 16 – 20 ft (4.9 - 6.1 m); trọng lượng tối thiểu của găng tay bông từ 6 - 8 oz (170- 227 g); số vòng đấu tối đa ( thường là 12 hiệp trong các trận giành chức vô địch); quy định về trọng tài và giám khảo; các định nghĩa và phạt lỗi; các hệ thống tính điểm để xác định kẻ thắng cuộc mà không phải dùng đến nốc ao.


    Muhammad Ali trong một trận đấu

    Bộ luật quốc gia cũng quy định trận đấu có thể tạm dừng để tránh cho võ sĩ có thể bị chấn thương nặng khi chưa bị nốc ao, khi không còn khả năng bảo vệ mình. Các kỷ lục chính thức về nốc ao như thế được gọi là một quả nốc ao kỹ thuật (TKO). Một cú nốc ao kỹ thuật (TKO) xảy ra khi một võ sĩ không thể tiếp tục chơi hiệp tiếp theo. Một trận đấu như thế được coi là đã kết thúc.

    Mặc dù có 12 hạng cân nhưng phần lớn các võ sĩ chuyên nghiệp chỉ thi đấu trong những cấp sau. Hạng cân tối đa:

    Võ sĩ hạng ruồi, 112 lb (50.7 kg);

    Võ sĩ hạng gà, 118 lb (53.5 kg);

    Võ sĩ hạng lông, 126 lb (57.1 kg);

    Võ sĩ hạng nhẹ, 135 lb (61.2 kg);

    Võ sĩ hạng bán trung, 147 lb (66.6 kg);

    Võ sĩ hạng trung, 160 lb (72.6 kg);

    Võ sĩ hạng dưới nặng, 175 lb (79.4 kg);

    Võ sĩ hạng nặng, 195 lb (88.5 kg) và hơn nữa.

    Sau khi luật Walker được hợp pháp hoá môn thể thao thành ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ. Các nhà vô địch hạng nặng Mỹ nằm trong số những vận đọng viên nổi tiếng trong làng thể thao, gây nên sự kinh hoàng và kính nể vì sức mạnh của cú đấm của họ cả trong nước và trên thế giới. Jack Dempsey giành giả quán quân hạng nặng năm 1919 và bảo vệ danh hiệu của mình trước đối thủ người Pháp Georges Carpentier năm 1921, đây là trận đấu đầu tiên mà thu nhập từ vé vào cổng lên tới hàng triệu đô. Joe Louis bảo vệ danh hiệu vô địch hạng nặng lâu hơn bất kỳ ai - từ năm 1937 đến 1949- bảo vệ thành công danh hiệu của mình 25 lần. Sau khi giành huy chương vàng tại thế vận hội Olympic Floyd Patterson giành danh hiệu vô địch hạng nặng năm 1956, anh trở thành nhà vô địch đầu tiên giành lại danh hiệu này trong trận đấu lặp lại với đối thủ của mình là người Thuỵ Điển Ingemar Johansson năm 1960. Năm 1962, Patterson bị đánh bại bởi Sonny Liston, là một trong những võ sĩ hạng nặng gây kinh hoàng của mọi thời đại. Sau đó Liston bị mất danh hiệu này vào tay võ sĩ nổi tiếng và vĩ đại trong lịch sử là Muhammad Ali (tên khai sinh là Cassius Clay). Sở hữu sức mạnh, tốc độ và lương tri của môn quyền anh, Ali thổi luồng gió mới cho quyền anh ở hạng cân nặng và nổi tiếng trên khắp thế giới bằng chính phẩm chất đáng kính trọng của ông. Đến cuối thập kỉ 80 là thời kì hoàng kim của Mike Tyson khi ông là võ sĩ trẻ nhất khi giành một danh hiệu hạng nặng. Tyson vô địch hạng nặng WBC sau khi đánh bại Trevor Berbick năm 1986, lúc ông 20 tuổi 4 tháng và 22 ngày. Mike Tyson cũng là võ sĩ Quyền Anh hạng nặng đầu tiên đồng thời giữ 3 đai vô địch WBA, WBC và IBF. Hiện nay, làng Quyền Anh hạng nặng đánh dấu sự thống trị của anh em nhà Klitshko người Ukraina khi hai anh em đang nắm giữ tất cả các danh hiệu lớn của Quyền Anh hạng nặng thế giới hiện nay. Người anh, Vitaly Klitschko đang giữ đai hạng nặng WBC. Người em Wladimir Klitschko lừng lẫy hơn khi nắm giữ 4 đai vô địch hạng nặng bao gồm WBA, WBO, IBO và IBF.


    Các võ sĩ nổi tiếng ở các hạng cân khác bao gồm nhà vô địch hạng bán trung và hạng trung là Sugar Ray Robinson, người Mỹ; võ sĩ người Panama Roberto Duran, người giành các danh hiệu thế giới hạng nhẹ, hạng bán trung, hạng siêu bán trung, hạng dưới trung và hạng trung; võ sĩ người Mỹ Sugar Ray Robinson, người giành huy chương vàng Olympic năm 1976 và vô địch thế giới ở năm hạng cân khác nhau (hạng bán trung, hạng dưới trung, hạng trung, hạng siêu trung, hạng dưới nặng); võ sĩ người Mexico Julio Cesar Chavez giành các danh hiệu thế giới ở các hạng siêu lông, hạng nhẹ, hạng dưới bán trung và trở thành người hùng quốc gia của Mexico. Hiện nay, Floyd Mayweather, Jr đang là võ sĩ tiêu biểu nhất ở các hạng cân dưới nặng. Ngoài ra cũng phải kể đến võ sĩ người Philippines Manny Pacquiao hay võ sĩ người Mexico Juan Manuel Marquez.

    Quyền Anh ở Việt Nam


    Người Pháp đã mang môn quyền Anh đến Việt Nam. Tại Sài Gòn vào những năm 1925, môn quyền Anh bắt đầu xuất hiện giữa những lính viễn chinh Pháp lan dần ra giới thanh niên qua những lần thi đấu võ đài. Phải chờ đến những năm bước vào thế chiến thứ hai thì môn quyền Anh mới phát triển rộng rãi hơn và bắt đầu có những giải vô địch.

    Năm 1994, sau sự kiện mất an ninh ở giải Vô địch Quyền Anh quốc gia tại Hải Phòng, Quyền Anh bị cấm thi đấu ở Việt Nam. Đến 2002, Quyền Anh được phép thi đấu trở lại.


    Một trận Boxing kết hợp Let's Việt năm 2013

    Hiện nay, Việt Nam chỉ có Quyền Anh nghiệp dư, chưa có Quyền Anh chuyên nghiệp.

    Tại Seagame 26 diễn ra ở Indonesia cuối năm 2011, Quyền Anh Việt Nam giành được 1 huy chương vàng (Lương Văn Toản, 81 kg nam) và 5 huy chương bạc.

    fangzi sưu tầm
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  5. #15
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ


    Thiếu Lâm Tự

    A. Vài Nét Về Ngôi Chùa Thiếu Lâm Huyền Thoại

    Chùa Thiếu Lâm (Hán tự: 少林寺; bính âm Hán ngữ: Shàolínsì; phiên âm Hán-Việt: Thiếu Lâm tự; dịch nghĩa: "chùa trong rừng gần đỉnh Thiếu Thất") là một ngôi chùa tại Tung Sơn, thị xã Đăng Phong, địa cấp thị Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, có lẽ nó là một cơ sở Phật giáo nổi tiếng nhất đối với phương Tây. Tuy nhiên, võ thuật của Thiếu Lâm tự lại được biết đến nhiều nhất đối với người Á Đông, chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay, từng có câu thành ngữ nói về điều đó: "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm" (mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm).


    Dãy Tung Sơn huyền thoại...

    Theo "Tục cao tăng truyện" (续高僧传, 645) của Đạo Tuyên, chùa Thiếu Lâm ban đầu được Hiếu Văn Đế của nhà Bắc Ngụy xây dựng ở phía bắc núi Thiếu Thất, đỉnh phía tây của Tung Sơn, một trong các ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc cho nhà sư Bạt Đà, người đã thuyết giảng Bộ kinh Phật giáo ở Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ.

    Dương Huyễn Chi, trong "Lạc Dương già lam kí" (洛陽伽藍記; 547), và Lý Hiền (李賢), trong "Minh nhất thống chí (明一統志; 1461), cũng công nhận vị trí và thời đại của ngôi chùa như Đạo Tuyên. Quyển "Gia Khánh trùng tu nhất thống chí" (嘉慶重修一統志; 1843) viết rằng ngôi chùa ở tỉnh Hà Nam, được xây dựng vào năm Thái Hòa (太和) thứ 20 nhà Bắc Ngụy (tức năm 497). Ngôi chùa bị hủy diệt và trùng tu vài lần, trở thành một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc.

    Có lẽ người nổi tiếng nhất có liên hệ với chùa Thiếu Lâm là Bồ đề đạt ma. Ông là một nhà sư được cho là từ Ba Tư hoặc Nam Ấn Độ sang Trung Quốc vào thế kỉ thứ 5 hay thứ 6 để truyền bá Phật giáo. Trường phái Phật giáo do Bồ-đề-đạt-ma lập ra ở Thiếu Lâm trở thành nền tảng cho Thiền tông sau này (cả hai từ Zen hay 禪 "thiền" đều bắt nguồn từ dhyana trong tiếng Phạn, nghĩa là thiền). Sau khi vào Thiếu Lâm tự, truyền thuyết kể rằng Bồ-đề-đạt-ma thấy các nhà sư không có hình thể mạnh khỏe cho thiền định và họ thường ngủ gục trong khi thiền. Chuyện kể rằng Bồ-đề-đạt-ma ngồi thiền quay mặt vào tường trong một hang đá cạnh chùa trong chín năm, sau đó ông giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là thập bát La-hán chưởng hay là các bài tập co giãn cơ bắp kinh điển Đạt-ma. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là một kỉ luật về tinh thần và thể chất.


    Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma

    Sự hệ thống hóa võ thuật bởi các nhà sư có lẽ bắt đầu với những viên quan võ trong quân đội về hưu và đi tu tại đó. Tu viện là một nơi ở ẩn, không giống như là trong chiến trường, do vậy những người đó có thể trao đổi võ thuật và hoàn thiện các miếng võ đó.

    Tiếng tăm về quân sự của chùa bắt đầu vào đầu đời nhà Đường (618–907). Tấm bia của Thiếu Lâm tự năm 728 miêu tả chuyện các nhà sư chiến đấu giúp cho vị hoàng đế tương lai là Lý Thế Dân chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung.

    Khi lên ngôi, vị vua biết ơn và cho mở rộng khuôn viên chùa và cho phép một số nhà sư tiếp tục việc huấn luyện quân sự. Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong hàm như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.

    Ngôi chùa nguyên thủy vẫn tồn tại sau nhiều lần bị cướp phá và được xây dựng lại. Vào 1928, tướng Thạch Hữu Tam thuộc hạ của Tưởng Giới Thạch phóng hỏa đốt chùa, thiêu hủy đi nhiều văn thư vô giá trong thư viện chùa, một số sảnh đường, và làm hư hại nặng tấm bia đã nói đến ở trên.

    Cách mạng Văn hóa Trung Quốc thanh trừng tất cả các nhà sư và các tài liệu Phật giáo tồn tại trong khuôn viên chùa, để chùa hoang tàn trong nhiều năm. Sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng vai chính vào năm 1982, chùa được Nhà nước Trung Quốc cho xây dựng lại và trở thành địa điểm du lịch chính thức. Các nhóm võ thuật trên khắp thế giới đã quyên góp để bảo trì chùa và các khuôn viên quanh đó, và sau đó được ghi danh trên những viên đá có khắc chữ gần lối vào chùa.


    Người ta cho rằng chùa Thiếu Lâm bị phá hủy nhiều nhất là bởi quân đội Mãn Châu nhà Thanh. Tuy nhiên, có lẽ điều đó là không chính xác và chỉ là ngụy tạo. Thực tế, Khang Hi, hoàng đế thứ hai của nhà Thanh, là một người hâm mộ chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam đến mức ông đã khắc chữ trên đá ở phía trên cổng chính của chùa mà cho đến ngày nay vẫn còn. Câu chuyện về nhà Thanh phá hủy chùa Thiếu Lâm có thể là nói về chùa Nam Thiếu Lâm, mà Từ Kha (Xu Ke 徐珂), trong tác phẩm Thanh Bại Lỗi Sao (Qing bai lei chao 清碑類鈔) (1917), cho là ở tỉnh Phúc Kiến.

    Một số sử sách khác còn nói rằng có 3 ngôi chùa Nam Thiếu Lâm trong khu vực này: Nam Thiếu Lâm Tự Bồ Điền Phúc Kiến, Nam Thiếu Lâm Tự Phúc Thanh Phúc Châu Phúc Kiến, Nam Thiếu Lâm Tự Toàn Châu (Tuyền Châu) Phúc Kiến.


    Tổng thống Nga Putin cùng trụ trì Thiếu Lâm tự Thích Vĩnh Tín

    Một đại hội Đạt-ma được tổ chức trong hai ngày 19 và 20 tháng 8 năm 1999, tại chùa Thiếu Lâm, Tung Sơn, Trung Quốc, đã phong hòa thượng Thích Vĩnh Tín (Shi Yong Shin 奭永信) làm phương trượng. Ông là người kế nhiệm thứ mười ba của hòa thượng phương trượng Tuyết Đình Phúc Dụ (Xue-ting Fu-yu 雪庭福裕). Vào tháng 3 năm 2006, tổng thống Nga Putin đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm chùa Thiếu Lâm.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  6. #16
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ

    Tiếp theo...

    B. Shaolin Kungfu

    17/03/2010 13:29 | Phóng sự - Khám phá

    (VTC News) - “Thiên hạ kungfu xuất Thiếu Lâm”, có lẽ không phải chờ đến những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Thiếu Lâm Tự mới được biết đến như là một Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm trung nguyên.

    Trên thực tế, kungfu Thiếu Lâm chính là hình ảnh đại diện của nền võ học Trung Hoa, là cơ sở cho võ công của nhiều môn phái khác, và do đó cũng là phần cơ bản nhất tạo nên môn võ Wushu mà người Trung Quốc tự hào đem ra giới thiệu với thế giới dưới tư cách một phần tinh túy nhất trong truyền thống võ học của mình.

    Cùng với thời gian, đặc biệt dưới ảnh hưởng của các tiểu thuyết, phim ảnh võ hiệp, kungfu Thiếu Lâm Tự trong mắt chúng ta ngày càng nhuốm màu sắc huyền bí và kì ảo.Nhưng điều thú vị là ở chỗ, những gì còn lại đến hôm nay của võ học Thiếu Lâm đủ để chúng ta tin rằng những điều truyền tụng không phải không có cơ sở. Người hâm mộ hẳn đều hơn một lần tự hỏi: Có thật là dưới gầm trời này, trong thế giới thực tại này vẫn tồn tại một không gian võ học cao minh, bí ẩn của ngàn năm trước? Và phải chăng những bí kíp Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh... vẫn nằm yên trong Tàng Kinh các một ngày nào đó sẽ lại tái xuất giang hồ và gây cơn sóng gió, như chúng đã từng gây ra trong quá khứ? VTC News xin trân trọng đăng tải loạt bài viết thú vị về huyền thoại của môn võ lừng danh thế giới này...

    KÌ 1: TỪ ĐẠT MA SƯ TỔ ĐẾN TRUNG NGUYÊN THÁI SƠN BẮC ĐẨU


    Đạt Ma sư tổ

    Ở Trung Quốc hiện nay có đến 10 ngôi chùa mang danh Thiếu Lâm. Tuy nhiên, Thiếu Lâm được nhắc đến trong tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long, cái nôi của thiền tông và võ thuật Trung Hoa là Thiếu Lâm Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay, cách thủ đô Bắc Kinh chừng 600km về phía Nam. Chùa xây dựng trong khu rừng trên đỉnh núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, nên được gọi là “Thiếu Lâm”.

    Tung Sơn thắng địa


    Dãy núi Tung Sơn.

    Dãy núi Tung Sơn là một trong Ngũ Nhạc - một trong 5 dãy núi lớn và danh tiếng nhất Trung Hoa, nằm ở phía Nam sông Hoàng Hà và phía Bắc sông Dương Tử (Trường Giang). Núi Thiếu Thất cao chừng 860 trượng, phong cảnh tao nhã, địa thế thuận tiện, chung quanh núi được bao phủ bởi rừng thiết mộc, một loại cây rắn chắc như sắt, bền bỉ, quí báu hiếm có, tương truyền do Ðạt Ma trồng ở Tung Sơn, dùng làm binh khí và vật dụng cho chùa Thiếu Lâm. Ðỉnh Thiếu Thất bằng phẳng, rộng rãi trên 5.000 trượng vuông, là nơi tọa lạc của ngôi chùa Thiếu Lâm huyền thoại. Gần Thiếu Thất Sơn có Lộng Nguyệt Hồ, sâu khoảng bốn trượng, nước trong suốt, vào những đêm trăng sáng, đứng trên đỉnh Thiếu Thất nhìn xuống mặt hồ giống như một vầng trăng lớn. Hồ là nơi tập luyện "thủy công" cho các môn đồ Thiếu Lâm sau này. Theo sử sách ghi lại, vào đời Hán, Minh Đế một hôm mơ thấy vị thần người tỏa ánh vàng bay đi bay lại trong cung, có người nói là đức Phật Tây phương, vua bèn cho người sang Tây vực cầu Phật pháp, mời về hai vị cao tăng Ấn Độ là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, lập chùa Bạch Mã ở Lạc Dương để hai người giảng kinh. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sau hai người muốn tìm chốn núi cao rừng thẳm để tu luyện, bèn xin tìm nơi thanh tĩnh lập chùa, và đặt chân lên miền đất phúc Tung Sơn, xây dựng Đông Đô Đại Pháp Vương Tự. Minh Đế sùng Phật, quan lại trong triều không kể cao thấp đều phải đến đây nghe giảng kinh. Tại đây, hai vị cao tăng đã dịch xong bộ Tứ thập nhị chương kinh (Bộ kinh 42 chương, được Kim Dung mô tả là đối tượng truy tìm của cả võ lâm và triều đình trong cuốn tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng Lộc đình ký). Như vậy, hạt giống Phật giáo từ Tây phương bay tới Trung Hoa đã nảy mầm ngay trên đất Tung Sơn.

    Thời Tam Quốc, cũng trên đất Tung Sơn xuất hiện vị tăng nhân người Hán đầu tiên trong lịch sử, đó là Chu Sĩ Hạnh, người đầu tiên sang Tây Phương cầu pháp, mang về bản kinh Bát nhã bằng tiếng Phạn. Sách xưa chép rằng, khi ông mất, đệ tử đem hỏa táng, đến lúc lửa cháy tàn mà thân xác vẫn như còn nguyên; đến khi niệm chú thì xương cốt mới tan ra. Năm Khai Hoàng thứ 20 đời Tùy Văn Đế, cao tăng Huyền Trang ra đời ở thôn Trần Hà dưới chân núi Tung Sơn. Bấy giờ các tông phái Phật giáo ở Trung Quốc đua nhau nổi lên, Huyền Trang nhận thấy kinh điển các phái khác nhau, tranh luận không dứt, mà xét cho cùng là do không có kinh điển gốc để tra cứu, bèn vượt gian khổ sang Thiên Trúc thỉnh kinh, mang về dịch trong 19 năm, tất cả 1331 quyển.

    Truyền thuyết Đạt Ma


    Đạt Ma quá giang

    Theo ghi chép trong cổ tịch, Thiếu Lâm là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của Trung Quốc, được Hiếu Văn đế triều Bắc Ngụy cho xây dựng năm Thái Hòa thứ 19 (495) làm nơi tu hành và thuyết giảng cho nhà sư Bạt Đà, vị thần tăng người Ấn Ðộ đầu tiên đến Trung Hoa truyền bá Phật pháp. Tuy nhiên, kungfu Thiếu Lâm lại gắn với tên tuổi của Đạt Ma sư tổ, tức Bồ Đề Đạt Ma, người được cho là tổ khai sơn của Thiền tông Trung Hoa.

    Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma là con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, vượt biển sang Trung Hoa truyền pháp. Lương Vũ Đế chuộng đạo, mời Đạt Ma đến hội kiến, nhưng không cùng chí hướng; Đạt Ma bứt một cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang vân du lên miền Giang Bắc. Năm Hiếu Xương thứ ba, đời Bắc Ngụy (527), Bồ Đề Đạt Ma đến Thiếu Lâm. Có nhà sư ở Tung Sơn tên là Thần Quang nghe danh đến xin bái yết. Đạt Ma vẫn quay mặt vào bức tường, không nói năng gì. Thần Quang không nản, nhủ rằng: “Người xưa cầu đạo, đều phải trải qua gian nan thử thách, chịu những điều người thường không chịu được”. Giữa đêm tháng chạp tuyết lớn đầy trời, Thần Quang đứng chờ bất động bên ngoài chùa, sáng ra tuyết ngập đến đầu gối. Đạt Ma lúc ấy mới hỏi: “Ngươi đứng mãi trong tuyết để chờ gì vậy?” Thần Quang khóc mà nói: “Chỉ mong được đại sư truyền đạo”. Biết Đạt Ma còn e mình chỉ nhất thời kích động, không thể lâu dài, Thần Quang liền rút đao tự chặt đứt cánh tay trái, đặt trước mặt thầy. Đạt Ma bấy giờ mới nhận làm đệ tử, đổi pháp danh là Huệ Khả. Trong chùa Thiếu Lâm hiện nay còn Lập tuyết đình, xây dựng dưới thời Đường, nhằm ghi lại sự tích Huệ Khả chặt tay cầu đạo.

    Tương truyền, trong thời gian ở Thiếu Lâm, thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối, không chịu nổi khí lạnh của núi rừng và thường hay ngủ gật trong lúc nghe thuyết giảng, Đạt Ma bắt đầu nghĩ cách tu rèn thân thể và khắc chế ngoại cảnh cho người học đạo. Kết quả sau 9 năm diện bích tham thiền (ngồi thiền quay mặt vào tường) trong động Trấn Vũ trên núi Thiếu Thất, ngài đã tìm ra tinh yếu và đúc kết vào trong hai cuốn Dịch cân kinh rèn luyện nội công và Tẩy tủy kinh rèn luyện khí công. Có thuyết còn nói rằng, hai bộ Cửu dương chân kinh và Cửu âm chân kinh cũng do Đạt Ma sáng tạo ra. Trong khi đó, một số nghiên cứu lại nhận định, ngài đã kết hợp các bài tập luyện thở Yoga và một số môn võ tay không của Ấn Độ để tạo nên các bài tập rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ cho việc tu hành.

    Theo truyền thuyết đạo Phật, sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma trong thời gian ở Trung Quốc đã dùng 4 quyển Lăng già kinh để dạy đệ tử, sau truyền lại cho Huệ Khả, từ đây, Thiền Tông Trung Quốc có thế hệ truyền pháp đầu tiên. Sau khi Bồ Đề Đạt Ma viên tịch (536), các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương thức ngài truyền lại. Thiếu Lâm phái qua nhiều đời đã được các sư tăng xiển dương, đúc kết và phát triển mạnh mẽ và dần trở thành Bắc đẩu của các võ phái Trung Hoa. Việc hệ thống hóa võ thuật Thiếu Lâm được cho là bắt đầu từ những võ quan về hưu tu hành tại chùa.

    Năm Kiến Đức thứ 3 đời Bắc Chu, Vũ Đế cấm Phật, chùa bị phá. Những năm Đại Tượng được xây dựng lại, đổi tên thành chùa Bộ Cô, mời 120 người gồm Huệ Viễn, Hồng Tuần… đến tu hành, gọi là “Bồ tát tăng”. Đời Tùy Phật giáo hưng thịnh, sắc cho lấy lại tên Thiếu Lâm Tự, ban cấp đất đai, thành ngôi chùa lớn bậc nhất ở phương Bắc.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  7. #17
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ

    Tiếp theo...

    13 võ tăng đời Đường

    Đến đời Đường (618 - 907), Lục tổ Huệ Năng đề ra chủ trương đốn ngộ, cho rằng việc tu hành không cần phải tách rời đời sống thực, “gánh nước chặt củi, đều là diệu đạo”. Công phu Thiếu Lâm bắt nguồn chính từ sinh hoạt thường ngày của tăng nhân. Tương truyền, đệ tử Huệ Quang khi mới 12 tuổi có thể đứng trên miệng giếng sâu đá cầu 500 quả, chứng tỏ công phu không phải hạng tầm thường. Rất nhiều chiêu thức của võ công Thiếu Lâm đều là sự phát triển từ những động tác thường ngày như gánh nước, quét sân, bổ củi… Công phu cao nhất thực ra lại có nguồn gốc hết sức bình dị.

    Đầu đời Đường, Thiếu Lâm đã có một đội ngũ tăng lữ dũng mãnh, thiện chiến. Khoảng năm Vũ Đức, 13 tăng nhân Thiếu Lâm Tự tham gia trợ chiến giải vây trong cuộc chiến thảo phạt Vương Thế Sung của Tần vương Lý Thế Dân, lập công trạng lớn.

    Lịch sử võ thuật Trung Quốc còn nhắc nhiều đến ba vị có công lớn nhất từ Thiếu Lâm Tự là Chí Tháo, Huệ Dương và Đàm Tông. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông Lý Thế Dân phong cho hòa thượng Đàm Tông làm Đại tướng quân, đồng thời đặc chỉ cho phép các hòa thượng Thiếu Lâm được luyện đội ngũ tăng binh, lại cho phép đại khai sát giới. Các triều đại sau này vẫn theo lệ đó.

    Hiện nay trong chùa còn tấm bia Đường Thái Tông tứ Thiếu Lâm Tự chủ giáo ghi lại giai đoạn lịch sử này. Đây chính là sự kiện lịch sử được dùng làm bối cảnh cho bộ phim Thiếu Lâm Tự bản 1982 do Lý Liên Kiệt thủ vai chính Giác Viễn, học trò của Đàm Tông.

    Cao Tông và Võ Tắc Thiên cũng thường đến viếng chùa, phong thưởng rất hậu. Được sự ủng hộ to lớn của triều đình, Thiếu Lâm nhanh chóng phát triển thành Đại phật tự danh trấn thiên hạ. Sau này các vị võ quan của triều đại nhà Đường khi về hưu cũng thường đến chùa Thiếu Lâm để trao đổi võ thuật, tạo nên một không khí giao lưu võ học trở thành truyền thống của nhà chùa cho đến các đời sau.

    Nhưng cho đến lúc này các bộ môn quyền thuật của Thiếu Lâm vẫn chưa được coi trọng và phát triển đúng tầm cỡ, vì lúc đó các phương pháp sử dụng binh khí vẫn còn thịnh hành, và vũ khí phòng thân của các vị tăng nhân trong chùa chíh là cây côn, mà chủ yếu là trường côn. Chùa Thiếu Lâm lúc đó vẫn còn giữ nghiêm giới luật, cấm các tăng nhân sử dụng vũ khí bằng kim loại sắc nhọn có thể gây sát thương. Chính vì vậy, dễ lí giải vì sao côn pháp Thiếu Lâm lại tiến rất nhanh đến trình độ điêu luyện và tinh diệu. Các loại binh khí khác (thập bát ban binh khí võ nghệ) chỉ được phát triển ở các dòng Nam quyền và Bắc quyền Thiếu Lâm sau này mà thôi.

    Khoảng năm Hội Xương, Vũ Tông cấm Phật, chùa bị phá đến phân nửa, suy dần trong những năm cuối đời Đường và được khôi phục dưới đời Tống.

    Tống Thái Tổ và truyền thuyết Hồng quyền

    Lịch sử chép rằng, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lúc thiếu thời đã từng lên Thiếu Lâm học tập võ thuật, và trở thành một quyền sư dạy võ thuật trong chùa Thiếu Lâm, sáng tạo ra Tam thập lục thế trường quyền (36 thế đánh của Thiếu Lâm Trường Quyền) mà sau này gọi là bài Thiếu Lâm Thái Tổ Trường Quyền.


    Thiếu Lâm Thái tổ hồng quyền.


    Sử liệu thời nhà Tống cũng ghi nhận Triệu Khuông Dẫn thường sử dụng côn pháp khi lâm trận, nghệ thuật côn pháp của ông điêu luyện và hiệu quả không kém các đại tướng của ông với các loại binh khí khác.

    Tuy nhiên có một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian mà Thiếu Lâm Tự cũng công nhận: bài Thái Tổ Trường Quyền không phải do Triệu Khuông Dẫn tự soạn ra, mà do ông nằm mơ được tiên nhân dạy cho 36 động tác căn bản của Hồng Quyền, rồi tỉnh dậy theo đó soạn lại. Tuy nhiên, những yếu tố nhuốm màu truyền thuyết này không ngăn cản Hồng quyền trở thành cơ sở để hình dung diện mạo võ công Thiếu Lâm đời Tống.


    Thiếu Lâm côn thuật

    Thời kì này, võ công Thiếu Lâm lại tiếp tục được nâng cao, tăng nhân trong chùa có đến hơn 2000 người. Các nhà sư bắt đầu tổng hợp những phương pháp chiến đấu cá nhân bằng tay không, một thể thức đang được lưu truyền trong dân gian lúc đó. Có thể kể ra một số bài quyền ra đời trong thời kỳ này là Tiểu Hồng Quyền, Đại Hồng Quyền, Thông Tý Quyền, Ngũ Hợp Quyền và Khán Gia Quyền của hòa thượng Phúc Cư.

    Thiếu Lâm đại hội và 72 tuyệt kĩ

    Năm Hoàng Khánh thứ nhất (1312), Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt mệnh cho hòa thượng Phúc Dụ trụ trì chùa Thiếu Lâm, phong cho làm Tấn Quốc Công, thống lĩnh các chùa quán ở Tung Sơn. Từ đó các cao tăng trong ngoài Trung nguyên tụ hội về đây, thi triển võ công, đàm đạo Phật pháp, tăng chúng thường trên dưới 2000 người.


    Tỉ thí võ nghệ

    Tuy nhiên, sự súc tích của các pho sách tổ sư để lại đã khiến tăng chúng không đạt được sự thống nhất trong cách hiểu, từ đó nảy sinh nhiều võ công mới lạ, có lúc rời xa những nguyên lý căn bản. Từ cuối đời Tống, Thiếu Lâm phái nổi lên phong trào sáng tạo mạnh mẽ chưa từng thấy, người người, nhà nhà đều tự nhận mình là môn đồ Thiếu Lâm chính tông. Hiện tượng này chắc chắn không đưa võ công Thiếu Lâm đến đỉnh thịnh, mà dẫn đến tạp nhiễm và suy thoái. Đó không phải điều các trưởng tràng Thiếu Lâm trông đợi.

    Mùa thu năm 1333, vào đời vua Huệ Tông nhà Nguyên, để chỉnh lý nội bộ Thiếu Lâm phái đã phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, Đại hội võ thuật Thiếu Lâm được mở tại Tàng Kinh Các. Đại hội triệu tập 700 trưởng tràng các chi nhánh, các tân môn, cựu môn, các quan nhân nguyên là môn đồ Thiếu Lâm ra xuất chánh, chủ trì đại hội là thiền sư phương trượng đời thứ 12 Nguyên Hạnh và 4 vị trưởng lão tiền bối trước đó đã ẩn cư trên 20 năm trong núi sâu.

    Nguyên Nhiên, bấy giờ là một môn đồ sơ đẳng của Thiếu Lâm, đưa ra ý kiến khởi đầu các môn đồ phải tập những võ công căn bản, sau đó tùy sở trường của từng người thì luyện tập các môn mình thấy phù hợp. Ý kiến được các sư trưởng và toàn thể Đại hội nhất trí thông qua.

    Sau khi tổng kết, xem xét hàng ngàn phương pháp, cách thức, bí quyết tu luyện võ công, gồm khinh công, thủy công, nhuyễn công, ngạnh công, nội công, ngoại công… được các trường tràng, các chi nhánh và các cao thủ phát triển trên nền tảng võ học Thiếu Lâm phái, Đại hội đã tiến hành sắp xếp, phân loại, và tổng hợp thành Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công - 72 tuyệt kỹ võ học Thiếu Lâm Tự, bao quát toàn diện những hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời điểm hoàng kim nhất của võ phái, và dù sau này có một thiên tài võ học tìm thêm được các công phu nào đó và tuyên bố rằng đó là một hệ thống chưa từng có, thì cũng vẫn có thể xếp vào một trong 72 môn loại đã được Đại hội ấn định.

    Cuối đời Nguyên, thiên hạ đại loạn, quân Khăn đỏ kéo đến Thiếu Lâm, tăng chúng tản đi khắp nơi. Như mỗi lần Trung nguyên rơi vào vòng binh hỏa, kungfu Thiếu Lâm lại có dịp xuất thế lập công, và đó cũng là tiền đề cho thời kì cực thịnh của võ công Thiếu Lâm dưới đời Minh.

    Còn tiếp...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #18
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ


    Chủ tịch nước TQ Giang Trạch Dân thăm Thiếu Lâm Tự

    Tiếp theo...

    Kỳ II. TRUYỀN THUYẾT THIÊN HẠ KUNGFU XUẤT THIẾU LÂM

    Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều mơ có được. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy tủy kinh là thần pháp biến đổi từ bên trong, giúp con người cải lão hoàn đồng.

    Từ sức hút của huyền thoại…

    Trong Tiếu ngạo giang hồ, Dịch cân kinh được nhà văn Kim Dung mô tả là thần công do thiền sư Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra, uy lực vô cùng lớn, “hàng trăm năm qua không phải bậc kì nhân thì không truyền thụ, mà dẫu kì nhân nhưng không gặp kì duyên thì cũng không truyền thụ; dù có là đệ tử xuất chúng của chính Thiếu Lâm mà không có phúc duyên thì cũng không được truyền”. Trong tiểu thuyết này, Lệnh Hồ Xung đại đệ tử phái Hoa Sơn bị nhiều luồng chân khí hỗn chiến trong cơ thể, tình trạng vô cùng nguy kịch, chỉ có Dịch cân kinh mới hóa giải được. Nhưng muốn học, điều kiện đầu tiên là phải gia nhập Thiếu Lâm, mà chàng thà chết không phản bội Hoa Sơn, do đó kiên quyết không chịu học. Cuối cùng, cảm kích trước nghĩa khí và công lao của vị thiếu hiệp, Phương Chính đại sư của Thiếu Lâm đã phá luật, mượn lời Phong Thanh Dương để truyền lại bí kíp này cho Lệnh Hồ Xung.


    Còn trong Thiên long bát bộ, Trang Tụ Hiền nhờ luyện Dịch cân kinh mà đẩy được kịch độc băng hàn ra khỏi cơ thể, tự chữa vết thương, rồi trở thành cao thủ hàng đầu trên giang hồ. Ở một cuốn tiểu thuyết Kim Dung khác, Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh cũng nhờ vào bộ bí kíp này để giải thoát cho mình và Hoàng Dung, vạch mặt Dương Khang trong đại hội Cái Bang.

    Sức hấp dẫn của bí kíp võ công này qua nghệ thuật mô tả của Kim Dung lớn đến nỗi, trước năm 1975, ở Sài Gòn xuất hiện những bản Dịch cân kinh giả khác với bản lưu truyền tại Trung Quốc; trong điều kiện khó khăn về thông tin, sách vở bấy giờ, rất nhiều người đã tin và học theo, nhẹ thì vô ích, nặng dẫn tới mất mạng. Trên thực tế, trước khi đi vào tiểu thuyết, ở Trung Quốc, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh đã là những huyền thoại. Tương truyền sau khi Đạt Ma viên tịch, đệ tử Thiếu Lâm tìm thấy trong động một hộp sắt không khóa, nhưng không thể mở ra. Sau đó, có tăng nhân nghĩ ra cách nung nóng hộp, mới mở được, thì ra hộp được hàn kín bằng sáp để tránh hơi nước tràn vào làm hỏng. Trong hộp có hai cuốn sách, một cuốn là Dịch cân kinh, cuốn kia là Tẩy tủy kinh, đều viết bằng chữ Phạn.


    Dịch cân king...

    Một thuyết cho rằng, bấy giờ ở Thiếu Lâm, người thực sự thông hiểu tiếng Phạn chỉ có Nhị tổ Huệ Khả. Huệ Khả để Dịch cân kinh lại Thiếu Lâm, mang theo cuốn Tẩy tủy kinh đi vân du thiên hạ. Các tăng nhân khác trong chùa cũng có mấy người biết chút tiếng Phạn, cùng nhau dịch ra rồi theo đó tu luyện, dẫn đến công phu Thiếu Lâm sau này chia nhiều nhánh, có sự sai khác. Sau đó, có vị tăng nhân mang Dịch cân kinh lên núi Nga Mi gặp nhà sư người Thiên Trúc Bát Lạt Mật Đề, tạo ra bản Dịch cân kinh chữ Hán đầu tiên. Vân du quay về, Huệ Khả mang theo bản dịch Tẩy tủy kinh của mình, lúc đó mọi người mới phát hiện ra Dịch cân kinh với Tẩy tủy kinh là một.


    達摩易筋經 - Đạt Ma Dịch Cân Kinh

    Một thuyết khác phổ biến hơn, và được hưởng ứng hơn, đó là Tẩy tủy kinh đã bị thất truyền. Sự ủng hộ đối với giả thuyết này có lẽ phát sinh từ tâm lí kì vọng, bởi Tẩy tủy kinh vốn được coi là phương pháp tu luyện giúp cải lão hoàn đồng – điều luôn có sức hấp dẫn với bất cứ ai; và việc có đến 2 bộ chân kinh chắc chắn hấp dẫn hơn việc hai bí kíp đó chỉ là một. Đồng thời, khi một bộ võ công bị thất truyền, cũng không loại trừ khả năng nó đang được giữ kín ở đâu đó và sẽ tái xuất giang hồ vào một ngày không hẹn trước, khi đó giang hồ sẽ lại nổi sóng, bước vào một cuộc tranh giành mới để độc chiếm thứ tuyệt đỉnh công phu.


    Tẩy tủy kinh.

    Quan niệm truyền thống cũng cho rằng, kể từ khi Dịch cân kinh ra đời, đối với tăng nhân Thiếu Lâm, ngồi thiền và luyện công mới bắt đầu trở thành hai mặt không thể tách rời, tạo ra nguyên lí “Thiền võ hợp nhất” của công phu Thiếu Lâm Tự.

    Còn tiếp...

    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  9. #19
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ


    Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự

    Tiếp theo...

    Trước khi đi vào tiểu thuyết, ở Trung Quốc, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh đã là những huyền thoại, nhưng những bí kíp võ công này trong văn học nghệ thuật lại có sức hấp dẫn và cuốn hút đến lạ kỳ. Tuy nhiên, sử liệu có vẻ lại cho thấy điều gần như hoàn toàn ngược lại, điều có thể làm thất vọng những “Anh hùng xạ điêu” thời hiện đại đang ôm mộng chạm vào bí kíp ngàn năm.


    Lần theo dòng lịch sử, từ đời Đường trở về trước, chưa có tài liệu chính thức nào đủ chứng minh chuyện Đạt Ma truyền dạy võ công cho đệ tử. Thời Tống Chân Tông, Trương Quân Phòng soạn một bộ Vân kíp thất bá, thuộc loại sách về Đạo giáo, trong đó có một thiên “Đạt Ma đại sư trú thế lưu hình nội chân diệu dụng quyết”. Theo ghi chép trong Tống sử, có một cuốn Tồn tưởng pháp, một cuốn Thai tức quyết của Đạt Ma, một cuốn Đạt Ma huyết mạch luận của Huệ Khả, đều là những sách dạy về luyện khí, dưỡng thần. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có khả năng những sách này là do người đời Tống tạo ra rồi gán tên cho Đạt Ma.

    Đến năm Thiên Khải thứ 4 đời Minh (1624), Tử Ngưng đạo nhân ở núi Thiên Thai tên là Tông Hành có đưa ra một bộ Dịch cân kinh, nói là của Bồ Đề Đạt Ma. Trong cuốn sách này có hai lời tựa, một của danh tướng Lí Tĩnh đời Đường, viết năm Trinh Quán thứ 2 (628), một của danh tướng đời Tống là Ngưu Cao, viết năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142). Phần tựa của Lí Tĩnh viết: “Sau khi Đạt Ma qua đời, để lại một hòm sắt, tăng đồ mở ra thấy có một bộ Dịch cân kinh và một bộ Tẩy tủy kinh, đều viết bằng tiếng Phạn. Tẩy tủy kinh bị Huệ Khả đem đi, đã thất truyền; Dịch cân kinh tuy còn ở Thiếu Lâm Tự, nhưng chỉ có thể đọc hiểu được một phần nhỏ, các tăng đồ diễn giải theo ý mình, rồi theo đó mà tập, vì vậy trở thành bàng môn, mất đi yếu chỉ thực sự của việc chân tu. Sau đó, có cao tăng người Thiên Trúc là Bát Lạt Mật Đề dịch ra, rồi chuyển đến tay Cầu Nhiêm Khách, người này giao lại cho Lí Tĩnh và gọi đó là “Tiên thánh chân truyền”.


    Hầu quyền

    Phần tựa của Ngưu Cao thậm chí còn li kì hơn, và gắn với một nhân vật được người Trung Quốc nói chung và giới võ lâm nói riêng hết sức sùng bái: Nhạc Phi. Bài tựa viết: Trên đường hành quân, Ngưu Cao gặp một nhà sư tự xưng là sư phụ của Nhạc Phi. Vị cao tăng than rằng Nhạc Phi danh tuy thành mà chí chưa đạt, rồi nhờ Ngưu Cao chuyển cho vị danh tướng này một cái hộp, trong có hai quyển Dịch cân kinh; sau đó vị hòa thượng nói phải sang Tây phương gặp sư phụ Đạt Ma, và theo cơn gió mà biến mất. Không lâu sau đó, Nhạc Phi bị gian thần hãm hại, nên bộ sách này vẫn do Ngưu Cao giữ và truyền lại. Tuy nhiên, dựa trên nhiều cứ liệu như văn phong, cú pháp, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại nhận định: chính Tông Hành đã ngụy tạo ra hai phần lời tựa kể trên, nhằm tăng tính chất cao siêu thần bí cho cuốn sách của mình.

    Lúc đầu, Dịch cân kinh chỉ lưu truyền một bản sao, đến giữa đời Thanh bắt đầu xuất hiện bản khắc. Năm Hàm Phong thứ 8 (1858), thêm một bản từ Thiếu Lâm truyền ra, gọi là Vệ sinh yếu thuật. Vương Tổ Nguyên ở lại Thiếu Lâm 3 tháng, tìm được một bản Nội công đồ, một bản Thương bổng phả, nội dung giống như Vệ sinh yếu thuật, liền san cải, bỏ bớt những phần tạp lẫn vào và đặt tên là Nội công đồ thuyết. Những bản khắc đời Thanh này đều dựa trên cơ sở Dịch cân kinh, nhưng bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó một phần lấy từ sách Thọ thế truyền chân của Từ Minh Phong đời Càn Long.


    Túy quyền

    Năm 1938, Ngô Đồ Nam xuất bản cuốn Quốc thuật khái luận, trong đó những phần nói về Thiếu Lâm đều dựa theo thuyết cũ, cho Đạt Ma là thủy tổ, và cho Bạt Đà – Huệ Quang – Đạt Đàm – Đạt Ma – Huệ Khả là các thế hệ truyền thừa.

    Năm 1984, trong bài nghiên cứu “Võ thuật Thiếu Lâm thực chất không có liên quan gì đến Đạt Ma”, giáo sư Trương Truyền Tỉ của đại học Bắc Kinh đã bác bỏ một cách tương đối thuyết phục thuyết Dịch cân kinh do Đạt Ma sáng tạo ra. Dịch cân kinh, tác phẩm được coi là cội nguồn công phu Thiếu Lâm, thực chất là một cuốn sách rèn luyện công phu giúp lưu thông kinh mạch, cường gân tráng cốt của các chân nhân Đạo giáo. Quan điểm này gần đây (2007) đã được chính Thiếu Lâm Tung Sơn xác nhận trên website chính thức của mình. Đây là một tuyên bố gây thất vọng với rất nhiều người, đặc biệt là những fan của Kim Dung, Cổ Long vốn sùng bái những Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh, Cửu âm chân kinh… những bí kíp thượng thừa mang màu sắc huyền thoại. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, ngay cả khi Dịch cân kinh không phải do Đạt Ma sáng tạo ra, thì cũng không phải vô tình mà nó được gán cho Thiếu Lâm; việc nói rằng Tông Hành mượn tên tuổi Đạt Ma cũng khá khiên cưỡng, bởi lẽ các môn phái đều ưu tiên tôn vinh tổ sư của mình, mà bản thân các tông sư của Đạo giáo như Thái thượng lão quân có tầm ảnh hưởng không kém gì Đạt
    Ma.


    Võ vịt - Áp quyền

    Mặt khác, Thiếu Lâm Tự ngày nay đã không còn giữ được nguyên vẹn những kì thư trong Tàng Kinh Các sau nhiều lần binh hỏa, nhiều tuyệt kĩ cũng đã thất truyền, cho nên những gì còn lại ở Thiếu Lâm hiện nay không đủ chứng minh diện mạo Thiếu Lâm trong quá khứ, và những gì các hòa thượng Tung Sơn ngày nay biết đến cũng không phải là toàn bộ sự thật về Thiếu Lâm.

    Mặt khác, ngay cả khi phải thừa nhận rằng Dịch cân kinh không bắt nguồn từ Đạt Ma, Thiếu Lâm Tự vẫn coi đây là một pho võ công quý. Bản thân cuốn sách này cũng được đưa vào các sách dạy y học cổ truyền của Trung Quốc như một tông thư hàng đầu.

    Gần đây, dư luận lại xôn xao khi tìm thấy ở Tứ Xuyên một cuốn Dịch cân tẩy tủy kinh bản khắc in, trên có chữ “Nam Tống Thiếu bảo Nhạc Bằng phụng giám định bản nha tàng”. Việc cuốn sách được khắc in cho thấy tính chính thống và tin cậy của tư liệu trên sách, khiến dư luận hết sức hứng khởi. Nếu được xác minh là đúng, thì thuyết Dịch cân kinh đã có từ đời Tống và gán với tên tuổi Nhạc Phi là hoàn toàn có cơ sở, cũng có nghĩa rằng, bí kíp Dịch cân kinh có thể không chỉ là huyền thoại!


    Võ gà - kê quyền

    Cũng nên nhớ rằng, không cần đến khi Dịch cân kinh ra đời, Thiếu Lâm mới trở thành Thái Sơn Bắc đẩu của võ lâm Trung nguyên. Và kungfu Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, truyền lại đến ngày nay không chỉ nhờ vào những huyền thoại, mà còn nhờ những tuyệt kĩ và chiêu thức võ công có thật, không chỉ vô cùng hiệu quả, mang tính thực chiến cao, mà còn vô cùng tinh diệu và đẹp mắt.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  10. #20
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Shaolin Kungfu - 少林寺 - THIẾU LÂM TỰ

    Tiếp theo...

    C. SHAOLIN BÂY GIỜ

    Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân nhật báo thời gian gầy đây, đặc biệt sau khi có tin đồn các võ sĩ Thái Lan gửi chiến thư thách đấu làm tổn hại thanh danh Thiếu Lâm Tự, Phương trượng Thích Vĩnh Tín đã chia sẻ với độc giả những bí mật về đời sống của các võ tăng.


    Trụ trì Thích Vĩnh Tín đại sư

    Phương trượng Thích Vĩnh Tín cho biết, cũng như các võ tăng khác trong đệ nhất danh tự, tiêu chuẩn sinh hoạt phí mỗi ngày 7 tệ, (khoảng hơn 1USD). Tính thu nhập các khoản, hàng tháng mỗi võ tăng cũng có “thu nhập” từ 100 đến 200 tệ. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc, Phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín có thể được coi là vị trụ trì gây tranh cãi nhất Trung Hoa đại lục hiện nay. Thậm chí, nhiều tờ báo chính thống của Trung Quốc gọi tên là Tổng giám đốc Thiếu Lâm Tự, người đầu tiên đưa Thiếu Lâm Tự bắt nhịp cùng xu thế thương mại hoá, toàn cầu hoá hiện nay. Những hoạt động của môn phái Thiếu Lâm thời gian trong những năm gần đây đã khiến báo chí tốn không ít “giấy mực”.
    Cuộc sống của vị phương trượng đời thứ 30 của đệ nhất danh tự đất Trung Hoa thực tế ra sao là chủ đề quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ Trung Quốc. Phương trượng Thích Vĩnh Tín có thực sự sống xa xỉ như những lời đồn đại hay không?
    Trả lời những câu hỏi rất “đời” và táo bạo của các phóng viên tờ Nhân dân nhật báo, Phương trượng Thích Vĩnh Tín cho biết: “Tôi cũng như mọi người, mỗi ngày chỉ có hơn 7 tệ sinh hoạt phí!”. “Từ năm 1981đến chùa Thiếu Lâm xuất gia, gần 30 năm nay tôi luôn giữ thói quen sinh hoạt cùng ăn, cùng ở như chư tăng trong chùa.”


    Trụ trì Thích Vĩnh Tín - vị vua không ngai đang được các sư hầu hạ và thỉnh thị ý kiến...

    “Hàng ngày, cũng như những võ tăng khác, hôm nào lên thiền đường thì 4 giờ dậy, hôm nào qua Đại Hùng bảo điện thì 5 giờ báo thức. 3 năm trước đây thôi, tiêu chuẩn sinh hoạt phí của mỗi võ tăng Thiếu Lâm bình quân 5 tệ/ngày, hiện nay nâng lên 7 tệ/ngày. Sở dĩ chi phí sinh hoạt chỉ ít như vậy vì ở Thiếu Lâm một ngày 3 bữa, bữa sáng cháo trắng, hai bữa chính cơm chay nên cũng không quá đắt đỏ – Trụ trì Thích Vĩnh Tín chia sẻ.
    Nhân khẩu “thường trú” trong Thiếu Lâm Tự là bao nhiêu? Ngoài chư tăng là những người xuất gia, hàng ngày còn một bộ phận tín đồ cũng ăn uống, sinh hoạt tại chùa. Bộ phận “tài vụ” của chùa sẽ thống kê số lượng người và gửi danh sách xuống chùa Điểm Nhược, ở đây họ căn cứ thu chi để quyết định mức sinh hoạt phí của mỗi thành viên.

    Khi được hỏi: Võ tăng Thiếu Lâm có hưởng lương hay không? Trụ trì mỗi tháng được nhận được bao nhiêu tiền? Phượng trượng Thích Vĩnh Tín cho biết: “Chùa miền Bắc Trung Quốc tương đối coi trọng tu hành”, bởi thế nên “thu nhập của các võ tăng cũng đạm bạc”. Bình quân một tháng, mỗi võ tăng Thiếu Lâm được nhận từ 100 đến 200 tệ, trong đó có Phương trượng trụ trì. Số tiền các tín đồ cúng công đức hàng tháng vào khoảng hơn 1000 tệ chủ yếu chi dùng vào dụng cụ học tập và sinh hoạt và chi phí thiết yếu cho chư tăng. Phượng trượng Thích Vĩnh Tín cho biết thêm, đối tượng có thu nhập cao hơn chút ít trong chùa thuộc về đội ngũ quản lý các hoạt động phật sự và tiếp nhận công đức từ các tín đồ, tuy nhiên cũng chênh lệch “không đáng kể”.

    Các võ tăng “tiêu tiền” như thế nào? Theo người đứng đầu Thiếu Lâm Tự, ở vùng này việc các võ tăng mỗi tháng nhận được 200 tệ tiền tiêu vặt cũng là tương đối lớn. Với khoản chi phí ấy các võ tăng thường dùng mua sách vở, pháp khí, hoặc đơn giản là chiếc may ô. Có lúc các võ tăng dùng tiền đó quyên góp từ thiện. Bản thân nhà chùa cũng có cô nhi viện, thi thoảng tham gia các hoạt động cứu tế người dân bị thiên tai nên có nhiều võ tăng dùng thu nhập của mình vào những việc làm phúc.


    Phóng viên Binh Nguyên (báo Tuổi Trẻ) cùng Tổng giáo đầu của Thiếu Lâm Tự Thích Diên Truyền

    Nhiều độc giả Trung Quốc rất quan tâm tới việc một phương trượng trụ trì mà “đi nước ngoài như đi chợ”, Phượng trượng Thích Vĩnh Tín hay cùng với đà trỗi dậy của Trung Quốc, văn hóa Trung Hoa ngày càng được coi trọng nên “Văn hóa Thiếu Lâm Tự cần phải tham gia trào lưu văn hóa quốc tế”.

    Văn hóa Thiếu Lâm Tự là một bộ phận chủ yếu cấu thành văn hóa Trung Quốc, bản thân văn hóa Thiền của Thiếu Lâm cũng hình thành, phát triển và lớn mạnh trong giao lưu. Thiếu Lâm Tự là đại diện cho văn hóa thiền Trung Hoa được thế giới ngưỡng mộ và quan tâm tìm hiểu, cớ gì ta không quảng bá văn hóa Thiếu Lâm ra thế giới? – thầy Tín đặt câu hỏi.


    Các võ tăng tham gia buôn bán hương hoa, hàng lưu niệm nằm tăng thêm thu nhập...

    Ngày nay, toàn cầu hóa ngày càng phát triển, cộng với sự phát sinh khủng hoảng tài chính kinh tế vài năm trở lại đây càng ngày càng nhiều người quan tâm đến thiền. Do đó Thiếu Lâm Tự chủ trương mở rộng giao lưu và quảng bá văn hóa để giúp “thiên hạ” hiểu hơn về văn hóa Trung Quốc.
    Hiện nay Thiếu Lâm Tự đã triển khai được một số việc, hiệu quả rất tốt. Rất nhiều người tìm đến Thiếu Lâm Tự và nhà chùa cũng mở nhiều trung tâm quảng bá và truyền thụ kiến thức thiền, võ học Thiếu Lâm ở các nước, “tôi tin Thiếu Lâm Tự sẽ còn làm tốt hơn thế.” – thầy Tín khẳng định.
    -----------------------------
    Xin tham khảo:

    Bài viết của phóng viên Binh Nguyên (báo Tuổi Trẻ) người trực tiếp đến Thiếu lâm tự để Nhập môn và tìm hiểu về sự thật về môn võ công lừng danh thiên hạ hiện tại :

    http://thaicucthieugia.com/index.php...hoi-thiu-lam-t
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •