40 thương binh giả hầu tòa chật cứng pháp đình



03.03.2014 | 20:30 PM

Ngày 3/3, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên toà sơ thẩm, xét xử vụ án làm giả hồ sơ thương binh đối với 40 bị cáo với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

40 bị cáo này đã thông qua 1 đối tượng trung gian là Lê Tuấn Nghênh (sinh năm 1952 ở Cửu Yên, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) để hợp thức hoá hồ sơ bao gồm bệnh án, giấy giám định thương tật giả nhằm trục lợi tiền chế độ của nhà nước. Trong số này, có cả đối tượng đã là thương binh nhưng vẫn làm hồ sơ giả có thương tật nặng hơn nhằm hưởng mức trợ cấp nhiều hơn.


40 bị cáo ngồi chật cứng phòng xét xử

Từ tháng 9/2006 đến tháng 8/2012, tổng số tiền mà 40 đối tượng này chiếm đoạt của nhà nước lên đến gần 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra Nghênh còn bị cáo buộc chiếm đoạt 84 triệu đồng của hai đối tượng bị xử lý hành chính. Sau khi vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, tất cả các đối tượng này đã đến cơ quan CSĐT đầu thú và bước đầu một số đối tượng đã trả lại khoản tiền trục lợi từ ngân sách nhà nước.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh, Lê Tuấn Nghênh có quen biết với Lê Đình Thảo (SN 1953 ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên). Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2006, Thảo làm bác sỹ ở Phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110 (thành phố Bắc Ninh) để kiểm tra hồ sơ thực thể và giám định thương tật cho những người có công với cách mạng theo Thông tư số 16 của Bộ LĐ-TB-XH.

Nghênh liên lạc với Thảo nhờ làm giúp chế độ thương binh cho 42 đối tượng ở xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức (Thuận Thành) mà Nghênh biết rõ không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh. Họ là những người đã từng đi bộ đội nhưng không có thương tật hoặc có thương tật nhưng không có giấy tờ chứng minh. Có 2 đối tượng trong số đó chưa được hưởng chế độ thương binh nên chỉ bị xử lý hành chính. 40 đối tượng làm giả trót lọt hồ sơ thương binh đã chiếm đoạt của nhà nước tổng số 2,2 tỷ đồng.

Viện KSND tỉnh truy tố Lê Tuấn Nghênh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS), có mức hình phạt tù từ 12 năm đến chung thân. 28 bị cáo khác bị truy tố theo điểm e, khoản 2 điều 139 BLHS, có mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. 11 bị cáo bị truy tố theo khoản 1 BLHS, có mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm.

Liên quan đến vụ án này ngoài Lê Đình Thảo (đã chết vì bệnh) còn có 3 đối tượng nguyên cán bộ, bác sỹ Viện Quân y 110, trong đó 1 người cũng đã chết. Hiện 2 người còn lại được giao cho Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 1 xem xét giải quyết.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong năm ngày, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 7/3 tới.

Trong những năm gần đây, việc làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh để trục lợi chính sách diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Thanh tra Bộ LĐTBXH, tính từ năm 2008 đến 2013, trên phạm vi cả nước có hơn 7.000 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp do không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 75 tỷ đồng.

Bùi Quang Linh