Trang 1/5 123 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 49

Chủ đề: Chung Quanh Việc Trung_Việt Tranh Chấp Ở Biển Đông ???

  1. #1
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    Chung Quanh Việc Trung_Việt Tranh Chấp Ở Biển Đông ???

    Giàn khoan 981 phơi bày chiến thuật mới của Trung Quốc


    Thứ hai, 12/5/2014 | 12:18 GMT+7

    Sự kiện giàn khoan 981 cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động đơn phương nhằm tạo ra "chuyện đã rồi" trên Biển Đông, đồng thời lợi dụng sự khác biệt trong ASEAN để giảm thiểu áp lực quốc tế.


    Trung Quốc điều tàu và máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: Reuters
    Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây chấn động dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng từng hai lần tìm cách tiến hành thăm dò tại khu vực này, nhưng đều rút đi sau khi vấp phải sự phản đối của Hà Nội.

    Tháng 6/2013, trong chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước còn nhất trí sẽ tìm phương thức tiến hành khai thác chung dầu khí. Với sự kiện lần này, Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ nguyện vọng hợp tác tích cực trên.

    Giới phân tích nhận định rằng chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo là tạo ra tình thế "chuyện đã rồi", từ đó ép đối phương hoặc là phải chấp nhận, hoặc là đi đến xung đột.

    "Việc hạ đặt giàn khoan đắt tiền trên dường như cho thấy Trung Quốc ngày càng muốn có hành động lấn tới, sau đó mới chịu tiến hành đàm phán ngoại giao", bình luận viên Jane Perlez của tờ New York Times đánh giá.

    Chiến thuật mới của Trung Quốc đã được áp dụng từ cuối năm 2013 với việc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.

    Hiện nay, Bắc Kinh đang sử dụng công cụ nguy hiểm tiềm tàng trong chiến lược thôn tính Biển Đông, là ngành công nghiệp dầu khí với những giàn khoan mà quan chức nước này gọi là "lãnh thổ quốc gia di động".

    Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí cần đầu tư và sự bảo hộ trên quy mô lớn, tạo cớ để tàu hải cảnh và chiến hạm Trung Quốc xuất hiện xung quanh. Lần này, Bắc Kinh huy động hơn 80 tàu, máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thi hành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

    "Trung Quốc luôn tiến hành sách lược tằm ăn lá dâu, nhằm tăng cường sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Nhưng cách làm lần này là một sự khởi đầu mới", bà Holly Morrow, chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, đại học Harvard, bình luận.

    Hiện nay chưa rõ liệu chiến thuật mới này có giúp Trung Quốc đạt được mục đích hay không. Nhưng hai năm trước đây, Bắc Kinh đã đoạt được quyền khống chế bãi đá Scarborough/Hoàng Nham khỏi tay Philippines.

    Giới quan sát quốc tế cho rằng Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ, quả quyết trước hành động vi phạm pháp luật quốc tế lần này của Trung Quốc. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang gia tăng các hành động cực kỳ nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi nghiêm trọng trên.

    Phép thử với ASEAN
    asean-6293-1399805785-9152-1399867406.jp

    Nguyên thủ các nước ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của khối tại Naypytaw, Myanmar, hôm nay. Ảnh: AFP

    Thời điểm hạ đặt trái phép giàn khoan rất gần với Hội nghị cho thấy Trung Quốc muốn thử thách quyết tâm và khả năng ứng phó của các quốc gia Đông Nam Á. "Hành động của Trung Quốc rõ ràng là một âm mưu được tính toán kỹ từ trước", Wall Street Journal dẫn lời một quan chức ngoại giao châu Á giấu tên cho biết.

    Lần đầu tiên trong 20 năm, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những sự việc đang diễn ra và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

    Một ngày sau đó, lãnh đạo các nước thành viên thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, trong đó kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).

    Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả Hội nghị dù đã có những điểm khác biệt với trước đây, vẫn chưa thỏa mãn được mong muốn của các quốc gia liên quan, bởi không nêu đích danh Trung Quốc trong các tuyên bố chung.

    "Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN chỉ lặp lại lập trường của khối trên vấn đề tranh chấp, không có đột phá", Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đánh giá.

    Không đồng tình với nhận định trên, các quan chức ASEAN cho rằng tuyên bố đã gửi đi "một tín hiệu mạnh mẽ", thể hiện quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.

    "Người ta có thể cho rằng ngoài việc thể hiện mối quan ngại sâu sắc ra, tuyên bố của ASEAN không có ý gì mới, nhưng nó cho thấy lập trường thống nhất trước nay của chúng tôi", Tổng thư kí ASEAN Lê Lương Minh cho biết.

    Trên vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh trước nay vẫn vận dụng chiến lược kép với ASEAN, một mặt tỏ thái độ muốn hiệp thương, đàm phán, mặt khác lại lợi dụng những bất đồng trong nội bộ khối để tránh đối mặt với quá nhiều áp lực.

    Với mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, chính trị khác nhau, đa số các nước không liên quan đến tranh chấp đã tránh né việc phải đứng về bên nào. Điều đó được cho là nguyên nhân dẫn đến việc hội nghị ngoại trưởng tại Phnom Penh năm 2012 lần đầu trong lịch sử không thể ra được tuyên bố chung, bởi bất đồng sâu sắc giữa các bên.

    Mặc dù là quốc gia có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc, nước chủ nhà Myanmar năm nay đã nỗ lực để tránh tái diễn kịch bản trên, thậm chí còn đề nghị các nước có hành động tập thể và thống nhất trong các vấn đề mà ASEAN có quan tâm chung, tuy không nhắc trực tiếp đến Biển Đông.

    Tuy nhiên, với những sự khác biệt cố hữu và hạn chế trong cơ chế quyết sách, các nước thành viên ASEAN được cho là vẫn sẽ chỉ dựa vào Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 để tìm kiếm lập trường chung, cũng như thúc đẩy đàm phán COC.

    Nhưng tương lai đạt được COC được nhận định là quá trình lâu dài, nhiều ẩn số, bởi Trung Quốc không mong muốn bị ràng buộc bởi một thỏa thuận có tính pháp lý. Tổng thư ký Lê Lương Minh cũng thừa nhận rằng các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã có ba vòng hội đàm, nhưng chỉ tập trung vào các vấn đề thủ tục.

    "Chúng tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay là triển khai tiếp xúc với Trung Quốc về các cuộc hội đàm mang tính thực chất. Đương nhiên, điều này cũng giống như nhảy valse vậy, chỉ một phía mong muốn thôi là không bao giờ đủ", một cựu thứ trưởng ngoại giao bình luận.

    Đức Dương
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #2
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Trung Quốc Chỉ Chờ Việt Nam Thiếu Kiềm Chế


    Thứ ba, 13/5/2014 | 10:28 GMT+7

    Chuyên gia Gregory Poling, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Mỹ, cho rằng Việt Nam đã phản ứng chuẩn xác để tránh rơi vào bẫy quân sự hóa của Trung Quốc và dẫn đến xung đột ngoài ý muốn ở Biển Đông.


    Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

    - Ông có đánh giá thế nào về thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn để đưa giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 vào vùng biển Việt Nam?

    - Sự kiện này xảy ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước châu Á và đặc biệt là những tuyên bố mạnh mẽ khi ông Obama có mặt ở Malaysia và Phillippines liên quan tới Biển Đông, nên cũng có thể tính đó là căn cứ để chọn thời điểm, nhưng tôi cho rằng lý do vì ý đồ xưa nay của Trung Quốc với Biển Đông thì lớn hơn.

    Nó nằm trong chuỗi sự kiện mà Trung Quốc đã gây ra với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippines ở Bãi Cỏ Mây trong năm nay. Nó cũng xảy ra sau khi vụ Philippines kiện Trung Quốc bắt đầu và chỉ ít ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Thế nên, nhắm vào Mỹ thì ít hơn, còn với ASEAN thì rõ, họ muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ vẫn cứ lấn tới trong cuộc tranh chấp này.

    - Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc tranh thủ khi Mỹ và thế giới đang tập trung vào tình hình ở Ukraine?

    - Đó cũng là một khả năng. Trung Quốc có thể nghĩ hoặc hy vọng rằng tình hình ở Ukraine làm suy giảm cam kết của Mỹ ở châu Á. Nhưng Trung Quốc bắt đầu khiêu khích các bên tranh chấp từ năm 2009, và năm trước là sự kiện bãi cạn Scarborough. Tất cả đều xảy ra trước khi có khủng hoảng Ukraine.

    Thế nên, bất cứ sự liên hệ nào ở đây cũng có thể làm dư luận nghĩ khác đi về hành động và mục tiêu của Trung Quốc. Đó là chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.

    - Việc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam có phải là vì vấn đề năng lượng hay là Trung Quốc âm mưu lấn rộng ra để tóm biển Đông trong cái gọi là đường chín đoạn mà họ vạch ra?

    - Hoàn toàn không phải vì vấn đề kinh tế. Cũng chẳng phải dầu lửa. Trung Quốc chỉ có một giàn khoan như 981. Nó được sử dụng chính ở vùng biển Hong Kong, và ở khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cần giàn khoan này sử dụng vào mục đích chính là khai thác dầu, thế nên họ tuyên bố chỉ cắm ở đó cho tới tháng 8 hoặc sớm hơn rồi rút về để khoan kiếm dầu thực sự.

    Thế nên đưa giàn khoan tới chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị. Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là bài mà Bắc Kinh sử dụng lâu nay, đó là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.

    Chúng ta có thể tham khảo những gì đã xảy ra ở đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc hay ở bãi cạn Scarborough khi mà Trung Quốc đã làm cho Philippines đưa tàu chiến ra và Trung Quốc hô lên rằng, đó là Philippines có hành động khiêu khích.

    Ở đây, tôi đánh giá cao phản ứng của Việt Nam, chưa rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Việt Nam mới chỉ đưa tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển ra. Còn nếu Việt Nam đưa tàu quân sự ra, tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ chỉ cho thế giới thấy "kìa, Việt Nam đang khiêu khích, đang quân sự hóa khu vực tranh chấp", và sẽ lợi dụng sai lầm đó.
    tau-TQ-dam-tau-VN-3-3592-1399538379.jpg

    Tàu hải cảnh Trung Quốc lao vào tàu Việt Nam, cách nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép 10 hải lý. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.

    - Những gì Việt Nam phản ứng cho tới nay, ông đánh giá thế nào?

    - Tôi cho rằng, tới nay, phản ứng của Việt Nam là chuẩn xác. Việt Nam cần phải cho Trung Quốc biết là không chấp nhận các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Và Việt Nam cũng cần phát thông điệp rõ ràng rằng đây không phải vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

    Hành động thiếu kiềm chế ở đây có thể bị Trung Quốc lợi dụng như tôi vừa nói, và cũng có thể dẫn tới xung đột mà không bên nào muốn. Ở đây, Việt Nam hơn Philippines khi đối đầu với Trung Quốc là dù cho tiềm lực quân sự không bằng về sự hiện đại hay quy mô (so với Trung Quốc) thì Việt Nam cũng vẫn tự tin có đủ khả năng đáp trả.

    Việt Nam có tàu ngầm lớp Kilo hay các hệ thống khác có đủ khả năng gây tổn thương nếu như phía bên kia gây hấn quá mức. Đó là điều mà Trung Quốc không phải đối mặt trong vụ việc xảy ra với Phillippines.

    - Trong bài viết của ông, ông nói rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS. Ông có thể chia sẻ tiếp về luận điểm này?

    - Khu vực đặt giàn khoan ở đây mà xét về pháp lý, cơ sở của Việt Nam đáng kể hơn. Việt Nam có quyền khai thác dầu khí trong vùng biển của mình. Còn nếu cứ cho là Trung Quốc lập luận một vài đảo ở Hoàng Sa là của họ mà ở đây theo tôi cơ sở là rất yếu, thì vùng biển đó rõ ràng là có tranh chấp.

    Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển có quy định rõ là ở vùng biển có tranh chấp không được có hành động đơn phương làm tình hình trở nên xấu đi, có các hành động khiêu khích. Thay vào đó phải nỗ lực để đạt tới thỏa thuận cuối cùng.

    Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng ký với Việt Nam và các nước ASEAN khác về Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), theo đó không có các hành động làm tình hình xấu đi. Quy tắc yêu cầu không được thực hiện bất cứ hành động làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, thì việc dùng tàu uy hiếp và đặt giàn khoan chính là vi phạm. Hơn nữa việc dùng vòi rồng phun nước vào tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã vi phạm cả Công ước lẫn Quy tắc nói trên.

    - Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma và một số hòn đảo mà Việt Nam có chủ quyền. Có sự móc nối nào không giữa việc đặt giàn khoan với các công trình xây dựng đó?

    - Trung Quốc cố gắng xây dựng nhiều các công trình bởi họ muốn lấy đó làm cơ sở để tính chủ quyền mặt nước. Và có thể là để làm bằng chứng một khi họ chiến thắng ở tòa án quốc tế phân xử tranh chấp chủ quyền, rằng giờ nó là của tôi và các cơ sở quản lý này của tôi đã ở đây. Nhưng thật ra, các hành động xây dựng đó lại chẳng có chút giá trị pháp lý nào cả.

    Vì luật quy định là các công trình xây dựng kể từ sau khi khu vực được coi là có tranh chấp đều không được công nhận về tính pháp lý. Nhưng Trung Quốc lại không có ý định ra bất cứ tòa án nào cả. Vì thế, việc xây dựng của họ ở đây là nhằm mục đích khác. Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã đánh chiếm Gạc Ma sau những trận chiến làm 74 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, nên cũng giống như họ đã làm với Philippines: Trung Quốc muốn cho biết rằng không chỉ đánh chiếm, mà còn chiếm giữ.

    - Ngày 7/5, Thượng nghị sĩ John McCain ra thông cáo riêng, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có thông cáo rõ ràng, và trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khi thăm Hà Nội cũng khẳng định quan điểm. Vậy Mỹ có thể làm gì để góp phần giải quyết căng thẳng này khi mà Mỹ tuyên bố rằng lợi ích của mình gắn với khu vực?

    - Đó chính là một phần trong những gì mà Mỹ nên làm. Và nó cũng là hành động mà bất cứ quốc gia có trách nhiệm nào cũng làm khi mà những hành động của Trung Quốc đã vi phạm nền tảng cơ bản là luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và tiếp cận.

    Mỹ lâu nay luôn nhắc đi nhắc lại rằng dù chủ quyền có thuộc về ai thì các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong những ngày qua, Nhật và Singapore đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam. Tôi chờ đợi nhiều quốc gia khác cũng sẽ làm như thế. Và tôi cũng chờ đợi Mỹ và các nước khác dùng các kênh quan hệ của mình với Hà Nội và Bắc Kinh để đảm bảo rằng căng thẳng không tăng nhiệt nữa.

    Tất cả chỉ dừng lại ở cảnh sát biển, chứ không phải hải quân. Hiện tại các cảnh sát biển Việt Nam bị thương, nhưng nên nhớ, khi có một người hy sinh, mọi thứ sẽ vượt tầm kiểm soát. Đó chính là cái mà Mỹ cần làm, chứ việc đưa hạm đội 7 tới chỉ làm tình hình xấu đi.

    Theo TTXVN
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  3. #3
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Trung Quốc đã đánh lừa cả thế giới ra sao?



    17:44 PM, 13-05-2014

    (ĐSPL)– Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo khái niệm và lừa dối công luận quốc tế.

    Luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư AIC, thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra quan điểm như trên tại cuộc đối thoại chia sẻ về tình hình biển Đông, được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức vào sáng 13/5.


    Luật sư Lê Thanh Sơn phát biểu về tình hình biển Đông.

    Nhắc lại vụ kiện của Philipines, ông Sơn khẳng định Trung Quốc đã cố tình đánh tráo khái niệm, tự tạo ra chủ quyền ở đó, xây dựng các thềm lục địa, các khu đặc quyền kinh tế. Còn đối với Việt Nam, các tờ báo, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc hô hào rằng Trung Quốc có chủ quyền ở khu vực đặt giàn khoan, chồng lấn lên các vùng của Việt Nam với mưu đồ biến việc không có tranh chấp thành có tranh chấp.

    “Trung Quốc muốn dựa vào đó để đưa ra tuyên bố về đường lưỡi bò. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì đường lưỡi bò chiếm đến 80% biển Đông. Trung Quốc đã không tôn trọng những điều họ đã ký, chà đạp lên những cam kết mà họ là thành viên, lừa dối công luận thế giới” – Luật sư Sơn khẳng định.

    Phân tích sâu hơn dưới góc độ pháp lý, ông Sơn cho rằng, theo Công ước về Luật biển 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các nước đều có quyền tự do đi lại nhưng không được đánh, bắt cá, hải sản, thăm dò khai thác, đặt đường dây cáp ngầm khi chưa có sự cho phép của quốc gia có chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế đó. Trong trường hợp đang có tranh chấp, Công ước Luật biển 1892 cũng quy định, các bên không được phép làm gia tăng tranh chấp, không được khai thác hay tiến hành các hoạt động nghiên cứu ở vùng biển đó.

    “Từ đó, có thể khẳng định tất cả những hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua không phải là tranh chấp mà là thực chất là xâm chiếm” – Luật sư Lê Thanh Sơn nói và cho rằng, Trung Quốc với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lẽ ra phải tôn trọng các điều đã ký về quy định công ước biển, song họ đã cố tình chà đạp lên tất cả. Mặt khác, cũng chính Trung Quốc là nước liên tục đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo các khái niệm, lừa dối công luận trong những vụ việc tranh chấp tại biển Đông.
    Theo ông Sơn, Việt Nam nên có các động thái cần thiết như gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, kiến nghị vấn đề này lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, và có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

    Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa luật Quốc tế (Học viện Ngoại Giao) cho rằng, Việt Nam không thể hành xử giống Trung Quốc, mà sẽ tuân thủ theo luật pháp quốc tế.


    TS. Nguyễn Thị Lan Anh phân tích về hành vi vi phạm của Trung Quốc.

    Theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh, vị trí hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII qua các hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua Nguyễn. Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1974, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

    Với hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho tàu, máy bay tấn công, uy hiếp các tàu đang làm nhiệm vụ của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực.

    Theo tin tức lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp, bất cứ tàu thuyền nào của Việt Nam đi qua khu vực giàn khoan HD-981 đang hạ đặt trái phép đều bị tàu Trung Quốc bám sát và uy hiếp, tấn công. Như vậy, hành động này cho thấy Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền tự do hàng hải và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không.

    Không chỉ có vậy, với tất cả những hành động ngang ngược, thô bạo trong thời gian qua, Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là, vi phạm cam kết không đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực và giải quyết bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới và giải quyết bất đòng theo tinh thần xây dựng.

    Trung Quốc cũng đang vi phạm 16 chữ vàng là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt là “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

    Căn cứ vào các tài liệu pháp lý, Phó trưởng khoa luật Quốc tế (Học viện Ngoại giao) cho biết, vị trí đặt giàn khoan HD- 981 nằm hoàn toàn trong chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vị trí này cách đất liền Việt Nam 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn một điểm của đường cơ sở theo luật Việt Nam 119 hải lý, cách Hoàng Sa của Việt Nam 66 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Theo TS. Lan Anh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vi phạm trắng trợn các điều luật biển quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chính phủ Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ cam kết thực hiện nghiêm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

    Nhận định hành động của Trung Quốc là không bình thường, bởi nó đang đi ngược lại các thỏa thuận của công ước quốc tế và những điều mà chính Trung Quốc đã đặt bút ký và cam kết, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng – Viện Biển Đông cho rằng, tình hình biển Đông đang có dấu hiệu leo thang chứ chưa hạ nhiệt, nâng từ chỗ quan ngại lên mức độ nguy hiểm”.


    PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng trong cuộc đối thoại về vấn đề biển Đông.

    “Ngay khi các diễn biến dồn dập liên quan đến giàn khoan HD-981 thì Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành các hành động cướp phá, tấn công cả tàu cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ và tàu cá của Việt Nam", ông Tùng nói và khẳng định, đây là hành động phi pháp, đi ngược lại các tuyên bố về chính trị song phương và đa phương, đi ngược lại Công ước Luật biển 1982, trong đó, các bên cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế; cam kết sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp; cam kết kiềm chế không để tình hình leo thang và diễn biến phức tạp.
    Xem thêm clip: Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả

    Thieugia
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  4. #4
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Trung Quốc tăng lực lượng bảo vệ giàn khoan 981


    Thứ năm, 15/5/2014 | 16:22 GMT+7

    Sáng 15/5, các biên đội tàu cảnh sát biển tiếp tục tiến vào khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Trên radar tàu 8003, các tàu phía Trung Quốc hiện lên dày đặc và có xu hướng tăng hơn so với ngày hôm trước.


    “Lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, theo chính nghĩa và được quốc tế ủng hộ, do đó việc Trung Quốc tăng lượng tàu bảo vệ giàn khoan trái phép không làm chúng tôi nao núng mà càng quyết tâm hơn”, đại úy trên tàu cảnh sát biển 8003 nói.

    Những ngày gần đây các tàu hải cảnh Trung Quốc không dùng vòi rồng tấn công như trước nhưng các thủy thủ Việt Nam vẫn nhận lệnh đóng kín các cửa, khoang để tích cực quan sát hành động của phía Trung Quốc. Lúc 8h32 sáng nay, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3411 bất ngờ cắt ngang mũi tàu 8003 của Việt Nam. Tàu Việt Nam phải giảm tốc độ khẩn cấp để tránh va chạm.

    Đến 9h, hai tàu hải cảnh khác của Trung Quốc là 2112 và 3101 cùng tiến sát tàu 8003 Việt Nam, có lúc chỉ cách 100 m. Dù bị kẹp chặt ở thế gọng kìm, song cảnh sát biển Việt Nam vẫn phát loa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động phi pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

    Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu 8003 cho biết, biện pháp tiếp theo của lực lượng thực thi pháp luật là luôn luôn tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981, yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, bên cạnh đó, cũng mềm dẻo để tránh va chạm và xung đột.

    Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nhận định tình hình ở khu vực giàn khoan vẫn căng thẳng. Trung Quốc ban đầu sử dụng khoảng 60 tàu bảo vệ giàn khoan trái phép thì những ngày sau tăng dần lên 70 tàu và hôm qua là khoảng 90 tàu. Tàu quân sự cũng tăng từ 3 lên 7 tàu.

    “Người dân Việt Nam không nên lo lắng vấn đề tàu của ta ít, nhỏ hơn tàu Trung Quốc. Chúng ta có sức mạnh tổng hợp, có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý. Bản chất của dân tộc Việt Nam là nhỏ hơn, yếu hơn và quy luật chiến tranh là mạnh thắng yếu, nhưng đối với Việt Nam lại khác. Ở những thời điểm quyết định Việt Nam luôn mạnh hơn kẻ thù”, Tướng Đạm khẳng định.

    Tư lệnh Cảnh sát biển phân tích, tương quan lực lượng ở toàn chiến trường thì Việt Nam yếu hơn, nhưng ở một chiến dịch thì lại biết tập trung lực lượng, phát huy được ý chí nên mạnh hơn rất nhiều. Đó là nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc.

    “Hoạt động của Trung Quốc là có chủ định và Việt Nam hoàn toàn không bất ngờ. Hiện nay tàu thực thi pháp luật của Việt Nam kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế biển”, Tướng Đạm nói.


    Tàu hải cảnh của Trunq Quốc áp sát tàu Cảnh sát biển của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Ông Nguyễn Văn Trung, Cục phó Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngày 15/5, một số tàu cá của ngư dân đang sản xuất trên khu vực đã bị tàu Trung Quốc áp sát, ngăn cản. Một tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm vào làm gãy cabin sau lái. "Tàu bị hư hỏng đã tự khắc phục và tiếp tục sản xuất tại ngư trường", ông Trung nói.

    Việt Nam vẫn duy trì lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu công vụ khác tham gia bảo vệ chủ quyền. "Số lượng tàu như ngày 14/5. Ngoài ra còn có 30 tàu cá các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa sản xuất tại khu vực", ông Trung cho hay.

    Các tàu chấp pháp Việt Nam thường xuyên bám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho các tàu cá và ngư dân của ta hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực đặt giàn khoan Hải Dương - 981.

    Về lực lượng Trung Quốc, theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, số tàu Trung Quốc đã tăng lên 99 tàu, gồm 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các may bay tuần thám.

    Trung Quốc vẫn ở thế bị động do tập trung bảo vệ giàn khoan, bán kính bảo vệ các tàu này thu hẹp lại trong phạm vi 6,5 hải lý. Tàu Trung Quốc chia thành các tuyến bảo vệ, khi tàu của ngư dân và tàu chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 thì các tàu này sẽ ngăn cản và sẵn sàng va chạm với tàu Việt Nam.

    Tại thực địa, lực lượng Trung Quốc vẫn tăng cường kèm sát, đâm va, cản phá, tấn công tàu Việt Nam khi tiếp cận giàn khoan và sử dụng máy bay quân sự để trinh sát, bay quanh khu vực.

    Tàu Trung Quốc còn thường xuyên rú còi công suất lớn khi lực lượng Việt Nam phát loa tuyên truyền quanh khu vực giàn khoan Hải Dương -981.

    Nguyễn Đông - Hoàng Thùy
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  5. #5
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    Tình hình Biển Đông: Đến mức độ nào Trung Quốc sẽ rút giàn khoan?


    14.05.2014 | 19:27 PM

    Trong sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mục đích thật sự của họ không phải là để khoan dầu. Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á – ông Gregory Poling ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ cho rằng mục đích thật sự của Trung Quốc là gửi một thông điệp chính trị và cũng là một bài cũ quen dùng của Bắc Kinh là dùng lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.

    Trong những ngày qua, Trung Quốc đã dùng lực lượng tàu với số lượng áp đảo thường xuyên có các hành động khiêu khích như đâm vào tàu Việt Nam, tấn công bằng vòi rồng. Điều này cũng nằm trong những tính toán lâu dài của họ.

    Ông Marvin C. Ott cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA nói trên Vietnamnet rằng các hành động này là có tính toán: “Phải nói đây vẫn là những thủ thuật thường thấy, và có vẻ rất hiệu quả của phía TQ. Họ dường như muốn tránh sử dụng hoả lực, tránh sử dụng các loại vũ khí quân sự khi tìm cách mở rộng sự kiểm soát trên Biển Đông. Có lẽ TQ đã tính toán, rằng nếu họ sử dụng sức mạnh quân sự thì toàn bộ tình thế chiến lược sẽ bị thay đổi, nên họ thường sử dụng các biện pháp phi quân sự nhưng vẫn có tính cưỡng ép, kích động như đâm tàu, phun vòi rồng, sử dụng số lượng tàu lớn để uy hiếp đối phương... những biện pháp kiểu như vậy, để mở rộng tầm kiểm soát”.

    Khi tiến hành vụ xâm nhập trái phép này, Trung Quốc đã lập một kế hoạch hoàn hảo đến từng chi tiết. Có một điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã sớm tuyên bố về thời hạn rút giàn khoan đi. Sau cuộc họp báo quốc tế của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố chỉ rút giàn khoan đi vào tháng 8.

    Đặt ra thời điểm này, Trung Quốc đã xác định rõ một ranh giới cho kết quả thắng thua. Nếu họ phải rút đi trước tháng 8 là họ thất bại. Nếu đến tháng 8 họ rút đi thì họ tự coi như chiến thắng bởi vì đã chủ động muốn đến lúc nào thì đến và đi lúc nào thì đi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Rồi sẽ đi tới đâu?

    Phần đông các nhà quan sát quốc tế đều đánh giá Trung Quốc sẽ không đẩy căng thẳng lên đến mức gây sự chú ý của quốc tế. Chiến thuật của họ là lấn dần từng bước từng bước. Cái họ sợ nhất là các hành động của mình bị thế giới chú ý. Giống như tên trộm luôn luôn rón rén từng bước để tránh bị phát giác.

    Tuy nhiên, âm mưu của Trung Quốc không đánh lạc hướng được Việt Nam. Ngay từ đầu, Việt Nam đã đối phó với kế hoạch của người láng giềng rất chủ động và tự tin.


    Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên bị nhiều tàu Trung Quốc vây. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

    Việt Nam chỉ điều các lực lượng chấp pháp trên biển là Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép mặc dù trong số 80 tàu hộ tống giàn khoan có cả tàu hải quân Trung Quốc.

    Tiếp theo, khi các tàu Trung Quốc có những hành động gây hấn, khiêu khích như đâm tàu, tấn công bằng vòi rồng thì Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế công khai vấn đề ra dư luận. Bồi tiếp vào đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị cấp cao ASEAN đã có bài phát biểu đưa vụ việc giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ra hội nghị.

    Bài phát biểu của Thủ tướng đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, phát biểu của Thủ tướng cũng khẳng định kiên trì biện pháp hòa bình và kêu gọi cộng đồng khu vực và quốc tế hãy lên tiếng.

    Mặc dù sự kiện giàn khoan Trung Quốc là đột xuất đối với hội nghị ASEAN ở Myanmar nhưng nó đã được đưa ra thảo luận tại nghị. Kết quả tuyên bố chung của hội nghị đã bày tỏ quan ngại về sự việc này và yêu cầu các bên kiềm chế để đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN đã ra 1 tuyên bố riêng bày tỏ lo ngại về an ninh và hòa bình khu vực. Đây là một sự kiện hiếm hoi kể từ 19 năm nay (1995 đến nay).

    Các bước đi của Chính phủ Việt Nam cho đến nay vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là đúng hướng và chuẩn mực. Dư luận quốc tế đồng tình với Việt Nam và lên án Trung Quốc rất mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, Thủ tướng Nhật đều tuyên bố lo ngại hành động của Trung Quốc gây căng thẳng cho khu vực. Mới đây nhất Ngoại trưởng Mỹ khi điện thoại cho Ngoại trưởng Trung Quốc đã gọi hành động của Trung Quốc là hiếu chiến và khiêu khích.

    Đáp trả phản ứng của dư luận, Trung Quốc tiếp tục leo thang. Hôm 13/5 họ đã điều thêm tàu ra khu vực đặt giàn khoan trái phép nâng tổng số tàu ở đây lên gần 90 chiếc. Đặc biệt trong số tàu tăng cường có 1 tàu săn ngầm của hải quân. Theo cập nhật của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lúc chiều 14/5, Trung Quốc đã tăng cường thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu vận tải đổ bộ đến khu vực giàn khoan.

    Những động thái của Trung Quốc từ đầu sự việc tới giờ cho thấy sự tính toán có hệ thống và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ giảm đi. Tới đây họ có thể còn tiếp tục tăng cường lực lượng để uy hiếp đồng thời tiến hành các hành vi khiêu khích tinh vi, nguy hiểm hơn đối với lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Tuy vậy theo đánh giá của học giả Nhật, Mỹ và quốc tế, khả năng phát triển thành xung đột vũ trang là rất ít.

    Về vấn đề khi nào Trung Quốc rút giàn khoan về? Điều đó tùy thuộc vào phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế. Nếu Việt Nam kiên trì và kiên quyết đấu tranh đồng thời kêu gọi được dư luận quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa thì kịch bản của Trung Quốc sẽ thất bại.

    Trần Vũ
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  6. #6
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Nov 2011
    Bài gửi
    762
    Thanks
    28
    Thanked 113 Times in 88 Posts
    TƯỜNG THUẬT:
    Trong vòng vây tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc


    Tiền Phong - 15/05/2014 06:19 6

    TP - Từ Hoàng Sa, phóng viên Nguyễn Huy điện thoại về đất liền tường thuật diễn biến căng thẳng trên biển Đông. Tình hình trong ngày 14/5 vẫn hết sức căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên siết vòng bảo vệ giàn khoan trái phép, huy động nhiều tàu quân sự và hộ vệ tên lửa áp sát các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam.

    Theo tường thuật của phóng viên, sáng ngày 14/5, biển động mạnh nhưng tàu CSB 8003 cùng các biên đội tàu của lực lượng chấp pháp của Việt Nam bất chấp sự ngăn cản của tàu Trung Quốc vẫn tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động trái phép và rút giàn khoan khỏi vùng biển của chúng ta.

    Vẫn căng thẳng

    7h sáng ngày 14/5, tàu CSB 8003 và các biên đội tàu bắt đầu vừa cơ động thì lập tức tàu Trung Quốc áp sát. Hơn 15 phút sau, tàu 3411 của Trung Quốc đã kèm sát tàu CSB 8003. Khi tàu CSB Việt Nam 8003 cùng các biên đội cơ động vào vị trí cách giàn khoan khoảng 8 hải lý, xuất hiện nhiều tàu Trung Quốc lăm le ngăn cản.

    Trên tàu CSB 8003, thuyền trưởng, đại úy Nguyễn Văn Hưng dùng bộ đàm bình tĩnh chỉ huy các thuyền phó và trưởng các ngành cơ động điều khiển tàu một cách linh hoạt để đổi hướng nhằm tránh né và thoát khỏi tàu 411 của Trung Quốc đang lao đến với tốc độ cao.

    Gần nửa giờ đồng hồ, tàu CSB 8003 thoát khỏi truy cản, vượt qua lớp bảo vệ vòng ngoài để tiến sâu vào vị trí giàn khoan. Lúc 8h15, tàu CSB 8003 cách vị trí giàn khoan 6 hải lý, thì 5 tàu Trung Quốc xuất hiện tiến ra ngăn cản, chặn các hướng tiến.

    Hai tàu CSB Việt Nam 2015 và 2016 tìm cách tiến sâu vào vị trí giàn khoan cũng bị 4 – 5 tàu Trung Quốc với thái độ hung hãn rượt đuổi ngăn chặn, sẵn sàng đâm va, xịt vòi rồng. Tàu Trung Quốc 46102 tăng tốc cố ý đâm vào tàu 2016, rồi lao về phía tàu CSB 8003 cùng tàu 3411 tạo thành gọng kìm ngăn cản tàu CSB 8003.

    Trong khi đó, trên bầu trời, máy bay Trung Quốc liên tục quần lượn nhiều vòng. Khắp các vị trí trên tàu, Cảnh sát biển Việt Nam đều bố trí người túc trực theo dõi, kịp thời báo cáo các hành động quá khích, gây hấn để chỉ huy tàu xử lý một cách linh hoạt nhất.


    Tàu Hải cảnh 44103 Trung Quốc chồm lên đâm thẳng mạn trái đuôi tàu CSB Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt nam

    Chỉ huy và cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 bình tĩnh, khôn khéo điều khiển tàu né tránh các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc đồng thời phát loa tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

    Từ 8h50 đến 8h55 ngày 14/5 tiếp tục phát hiện máy bay cánh bằng mang số hiệu 8321 bay ở độ cao 300 - 500 m liên tục quần lượn trên tàu CSB 8003 và các biên đội tàu khác của Việt Nam. Máy bay này quần lượn 2 vòng rồi ra khỏi vùng quan sát.

    Trong vòng vây của tàu hộ vệ tên lửa

    Trưa ngày 14/5, hai vệt xám lù lù xuất hiện trên biển tiến từ đuôi tàu CSB 8003. Từ vị trí đuôi tàu tổ quan sát thông báo tàu 998 và 999 của Trung Quốc đang tiến gần. Hai tàu này, được phía Trung Quốc tăng cường khép đuôi vòng bảo vệ trong ngày 14/5. Lập tức hai tàu này tiến gần tàu Cảnh sát biển Việt Nam khoảng 2 hải lý.

    Theo quan sát của phóng viên, trên hai con tàu này đều có sân đỗ và chở theo máy bay trực thăng. Trong khi đó, ở vị trí khoảng 4,5 hải lý đôi tàu tấn công nhanh, hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng thường xuyên theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003.

    Theo chỉ huy tàu CSB Việt Nam 8003, các tàu hộ vệ tên lửa này những ngày trước làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài giàn khoan nhưng trong ngày 14/5 đã cơ động để đe dọa các tàu chấp pháp Việt Nam khi chúng ta tiến sâu vào vị trí giàn khoan.

    Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.

    Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Lương Cao Khải - Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay: Trung Quốc vẫn duy trì các lớp tàu dày đặc bảo vệ giàn khoan trái phép. Hiện, vị trí giàn khoan không thay đổi. Trung Quốc đang tăng cường theo dõi các tàu chấp pháp Việt Nam làm việc trên vùng biển chủ quyền. Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.

    Thống kê của các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam khi tiếp cận các vị trí giàn khoan cho thấy, phía Trung Quốc đã huy động ít nhất 21 tàu hải giám và hải cảnh, 15 tàu hàng, 15 tàu cá giả dạng, 3 đầu kéo, 1 máy bay tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép.

    Theo phóng viên báo Tiền Phong, trong ngày 14/5, sau hai lần cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc, biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiến sâu vào gần giàn khoan hơn so với ngày trước. Đặc biệt, tàu CSB 4032 và 4033 có lúc tiến sát, cách giàn khoan từ 5 – 6 hải lý.

    Phóng viên Tiền Phong sẽ tiếp tục tường thuật từ hiện trường trong các số báo tiếp theo.
    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
    "Ai bảo chăn trâu là khổ'' ?
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...

  7. #7
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Thủ tướng: 'Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng'


    Thứ năm, 15/5/2014 | 23:34 GMT+7

    “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng chiều 15/5.

    Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hồng Bàng bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của đất nước và thành phố trong 4 tháng đầu năm 2014, hoạt động của đoàn Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về nguồn vốn và tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh; sớm có tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được về mô hình thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường, thị trấn.


    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng chiều 15/5. Ảnh: G.H.

    Đa số cử tri bày tỏ thái độ bất bình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, hạ đặt trái phép giàn khoan 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Cử tri bày tỏ đồng tình, đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao Asean vừa qua và đề nghị Đảng, Nhà nước cần sớm có biện pháp phù hợp, kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam…

    Phát biểu với cử tri quận Hồng Bàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải tập trung thực hiện từ nay đến hết năm 2014 và thời gian tiếp theo. Trong đó ưu tiên tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối nền kinh tế, tiếp tục ổn định tỷ giá, duy trì dự trữ ngoại tệ ở mức cao.

    Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thực hiện mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, phấn đấu đến cuối năm 2014 đạt mức tăng trưởng 5,8%, như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu chúng ta đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm nay thì sẽ tạo đà thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm 2015, và sẽ cán mức tăng trưởng bình quân chung trong 5 năm là 5,8%, cao hơn mức bình quân của các nước trong khối Asean (các nước Asean tăng trưởng trung bình 5 đến 5,2%).

    Bên cạnh đó là các giải pháp bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân, trong đó có chương trình giải quyết 1,6 triệu việc làm mới đi đôi với giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị.

    Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc tăng cường bảo đảm an ninh – quốc phòng, bảo đảm chủ quyền quốc gia đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ chiến lược. Đối với hành vi của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vị trí thuộc chủ quyền vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đây là việc làm ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Công ước quốc tế về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), là việc làm nghiêm trọng, nếu không kiềm chế sẽ dễ xảy ra xung đột, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông.

    “Trước tình hình này, Đảng, Nhà nước ta hết sức kiềm chế, chân thành mong muốn thông qua đối thoại, theo con đường ngoại giao, nói rõ việc vi phạm của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên đến hôm nay, Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường các hành vi gây hấn, đưa thêm tàu hộ tống giàn khoan, còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam.

    Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối Trung Quốc và kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chúng ta vừa đấu tranh ngoại giao vừa đấu tranh trên thực địa, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phê phán việc làm sai trái của Trung Quốc và đã nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng quốc tế. Vừa qua, ở một số nơi có hiện tượng một số người có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, phá hoại sản xuất, buộc chúng ta phải xử lý”, Thủ tướng khẳng định.

    Thủ tướng cũng lưu ý TP Hải Phòng và các địa phương khác trong đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc cần vận động nhân dân tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục phá tài sản, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, gây mất an ninh trật tự; đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

    Giang Hải
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  8. #8
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Đài BBC

    Đưa Tin Về Biểu Tình Chống Trung Quốc Tại Việt Nam




    Ngày 15.5.2014 | 23:10:23 |

    Chiều 15/5, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Truyền thông Việt Nam nói ông Minh một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu đang xâm phạm “trái phép” vùng biển Việt Nam.

    Ngoại trưởng Việt Nam cũng nói các hành vi “manh động, phá hoại” ở một số nơi tại Việt Nam “là các hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân lợi dụng tình hình để gây rối, làm mất trật tự, an ninh và an toàn xã hội”.

    Ông Minh khẳng định Việt Nam sẽ “làm hết mình để tạo mọi thuận lợi và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả người và các doanh nghiệp Trung Quốc”.
    ---------------------------------------------

    Nhân biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, báo Anh, tờ The Guardian 15/5 ra ở London viết:

    "Năm 2012, chính quyền Trung Quốc cũng cho phép các đợt biểu tình lớn phản đối Nhật Bản vì căng thẳng tại vùng Biển Hoa Đông. Người biểu tình khắp cả nước đã đập phá các cửa hàng Nhật, phá xe do Nhật sản xuất trước khi chính quyền ra lệnh cho họ giải tán."

    "Tuyên truyền của Trung Quốc nay đang kiểm duyệt tin tức về đợt biểu tình [ở Việt Nam], theo trang China Digital Times tiết lộ ra. Trung Quốc nói báo chí 'không được đưa tin về các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc ở Việt Nam bị người Việt Nam tấn công."
    cách đây 10 giờ 12 phút.

    Một công nhân tham gia vào cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói với BBC rằng anh ‘chỉ muốn góp sức với mọi người để đấu tranh với Trung Quốc thôi’.

    Trả lời BBC Việt ngữ hôm 14/05 khi đang trên đường biểu tình cùng với các đồng nghiệp của mình ở huyện Bình Tân, phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, một công nhân có tên là Hoàng Đình Thái nói hành động của anh là ‘tự ý của bản thân’ và ‘không có ai kêu gọi, vận động’.

    “Chiều nay (14/5) tôi mới tham gia (biểu tình) do được nghỉ làm,” anh nói.

    “Bây giờ nước mất nhà tan thì công việc đâu mà làm nữa,” anh nói thêm, “Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam thì chúng tôi mới làm lại.”

    Anh Thái năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, và hiện đang là công nhân của Công ty giày Pou Yuen thuộc sở hữu của Đài Loan đóng tại Quận Bình Tân.

    Khi được hỏi lý do vì sao lần này có nhiều công nhân cũng xuống đường giống như anh, người công nhân này nói: “Lần này cả thế giới ủng hộ mình thì mình đâu có gì phải sợ nó để cho nó leo thang như vậy đâu.”

    Khi được hỏi có sợ việc biểu tình ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bản thân hay không, anh cho biết: “Tất nhiên mình đã xác định nghỉ việc rồi thì phải tính đến việc khác nếu như công việc (biểu tình) cứ kéo dài.”

    “Tất nhiên cũng sợ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì sao không sợ?” anh nói và ở nhà ‘bà xã lại cổ vũ thêm không sợ chồng mất việc’.

    Về hành động bạo động của một số người trong cuộc biểu tình ở Bình Dương, anh cho rằng ‘người ta làm như thế là sai’.

    “Cái việc đấy của những người trên đấy. Có biểu tình đình công thế thôi chứ đừng đụng đến bất cứ tài sản gì vì ít nhất tài sản đó là của Việt Nam mình chứ không phải của nước ngoài.”

    Thieugia giới thiệu
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  9. #9
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Tình hình Biển Đông: Tướng Trung Quốc thăm Mỹ thất bại


    16.05.2014 | 10:57 AM

    Chuyến thăm Mỹ của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc có thể nói đã thất bại khi Mỹ vẫn đều đều ra các tuyên bố về Biển Đông.

    Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – Phòng Phong Huy hôm qua đã có buổi họp báo tại Lầu Năm Góc trong khuôn khổ chuyến thăm của ông này tới Mỹ. Chuyến thăm của ông này bắt đầu từ hôm 13/5 và được thông báo là có đưa việc thảo luận về vụ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Ngày 15/5 ông Phòng Phong Huy đã hội đàm với ông Dempsey – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tại Lầu Năm Góc.

    Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, ông Phòng Phong Huy đã dùng những lời lẽ ngụy biện cho việc làm sai trái của Trung Quốc. Ông này cũng lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc sẽ không từ bỏ giàn khoan dù cho làn sóng phản đối lên cao.


    Tướng Trung Quốc - Phòng Phong Huy.

    Trong khi đó, Tướng Dempsey từ chối tiết lộ chi tiết các cuộc thảo luận với ông Phòng. Theo TTXVN, trả lời sự quan tâm của các phóng viên về chi tiết thảo luận, ông Dempsey chỉ nói: “Chúng ta đề cập đến thực tế rằng việc sử dụng các phương tiện quân sự để giải quyết tranh chấp là hành động khiêu khích và làm gia tăng nguy cơ. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng về chính xác là vấn đề hiện trạng và ai đang tìm cách thay đổi nó”.

    Theo tin của Dân trí, trong khi hai viên tướng Trung Quốc và Mỹ đang hội đàm tại Lầu Năm Góc, Bộ ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa ra sự chỉ trích các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong vụ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Trong cuộc họp báo ngày 15/5, người phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Tôi và các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói rằng việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu với sự hộ tống của các tàu chính phủ vào Biển Đông hoàn toàn là hành động khiêu khích và gây căng thẳng… Đó là một hành động đơn phương, mà nói thẳng là dường như nằm trong một ý đồ lớn hơn của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đối với khu vực tranh chấp theo cách thực sự làm tổn hại tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực".

    Ngoài ra, hôm 14/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại về các hành động thiếu thiện chí trên Biển Đông.

    Phát biểu trong cuộc gặp nhóm phụ nữ làm công tác ngoại giao tại Washington, bà Rice nói: “Trung Quốc đang trở nên bị cô lập nhiều hơn và trở thành mối quan ngại lẫn phản kháng tại các nước láng giềng, vốn không được Trung Quốc hoan nghênh theo quan điểm của họ”.

    Trong các ngày 13, 14 và 15/5, Mỹ liên tục có các tuyên bố ngoại giao về vụ giàn khoan Trung Quốc. Đáng chú ý, các tuyên bố tăng dần về sức nặng. Từ phát ngôn ngoại giao trong họp báo đến phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ và mới nhất là phát ngôn của Nhà trắng.

    Với những thông tin nêu trên có thể nhận định rằng chuyến đi của tướng Trung Quốc đã thất bại vì không “bịt miệng” được Mỹ về tình hình Biển Đông.

    Trần Vũ
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  10. #10
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
    16 Chữ vàng cuả Trung Quốc không quí bằng 4 chữ "Độc Lập - Tự do" của Bác Hồ

    Cập nhật: 11:13 GMT - thứ bảy, 17 tháng 5, 2014

    VN đã tính cả phương án 'không hòa bình'
    Phát biểu tại một hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5, ông Đam được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" và việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa là trái phép. "Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được", tờ VnEconomy dẫn lời ông Đam nói.

    Trả lời trước câu hỏi của truyền thông Việt Nam về việc liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không, ông Đam cho biết "trước hết Việt Nam luôn muốn dùng biện pháp hòa bình".


    Ông Vũ Đức Đam

    “Trong giải pháp hòa bình có nhiều giải pháp nhưng trước hết có đường ngoại giao. Có người nói kiện ra tòa cũng là hòa bình, là hoàn toàn đúng. Cùng cực mà không thể nói chuyện với nhau, thì mới mang nhau ra tòa. Tôi có thể khẳng định Đảng và Nhà nước đều đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án “không hòa bình”. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ, trao đổi một cách thực tâm. Chúng ta cần hòa bình để phát triển, không chỉ cho Việt Nam mà cho khu vực".

    Khi được đề nghị bình luận về "16 chữ vàng, 4 chữ tốt" trong quan hệ với Trung Quốc, ông Đam nói: "Việt Nam luôn nhất quán đường lối hòa bình, hợp tác trong quan hệ ngoại giao nói chung cũng như với Trung Quốc". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Vàng rất quý, nhưng kim cương còn quý hơn vàng. Tôi cho rằng, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Bác Hồ đã dạy, quý nhất là bốn chữ "độc lập, tự do".


    không quí bằng 4 chữ "Độc Lập - Tự do" của Bác Hồ

    'Bình tĩnh và đoàn kết'

    Cũng hôm thứ Bảy, Phó Thủ tướng Việt Nam được một tờ báo Việt Nam khác dẫn lời nói về việc Việt Nam có nên xem xét mở quan hệ 'liên minh' với một quốc gia nào khác không. "Đường lối đối ngoại, quân sự của Việt Nam đều đã công khai hết, " tờ Giađình.net.vn dẫn lời ông Vũ Đức Đam nói,
    "Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta không liên minh quân sự với ai, không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không liên minh với nước nào để chống lại một nước thứ ba. Lúc kinh tế khó khăn và trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước mình thì mình phải hết sức bình tĩnh. Càng khó thì chúng ta càng phải đoàn kết, từ Trung ương Đảng cho đến toàn dân"

    Phát biểu của ông Đam được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi “bình tĩnh và đoàn kết” trong lúc quan hệ Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng vì vụ giàn khoan HD-981. Hôm thứ Sáu, tờ Quân đội Nhân dân dẫn lời ông Sang phát biểu khi gặp cử tri ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, nói: "Đây là chuyện bức xúc cho nhân dân Việt Nam và cả dư luận, cộng đồng quốc tế. Những ngày qua, nước ta xử lý theo đúng các nguyên tắc cơ bản, tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, luôn thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị.

    Cũng hôm 16/5, tờ Lao Động dẫn lời ông Sang nói với cử tri tại cuộc gặp: "Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam không chỉ gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam mà còn gây bức xúc cho cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc đi lại tự do vô hại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì không có vấn đề gì, nhưng Trung Quốc đặt giàn khoan trong phạm vi 200 hải lý là vi phạm và Việt Nam phải đấu tranh. Chúng ta đấu tranh trong hòa bình, nhưng luôn luôn kiên định mục tiêu chủ quyền là tối thượng. Chúng ta sẽ làm mọi cách để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.”

    Ông Sang nhấn mạnh sự 'bình tĩnh' và 'đoàn kết' khi xử lý vấn đề căng thẳng: “Lúc kinh tế khó khăn và trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước mình thì mình phải hết sức bình tĩnh. Càng khó thì chúng ta càng phải đoàn kết, từ Trung ương Đảng cho đến toàn dân,” tờ Lao Động dẫn lời Chủ tịch Việt Nam nói.

    Thiều gia theo BBC tiếng Việt ngày 17.5.2014
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •