Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Kiện Trung Quốc ? Làm Sao Kiện, Kiện Như Thế Nào?

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts

    Kiện Trung Quốc ? Làm Sao Kiện, Kiện Như Thế Nào?

    Bài 1:

    Kiện Trung Quốc vụ giàn khoan, Việt Nam đã có “nỏ thần”!



    (ĐSPL) - Trên mặt trận pháp lý quốc tế, Việt Nam có những lợi thế mà Trung Quốc không có. Luật pháp quốc tế là tử huyệt của Trung Quốc, song lại là chiếc “nỏ thần” của Việt Nam trong thời đại mới.

    LTS: Nhiều luật sư tin rằng bằng những chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu khởi kiện việc Trung Quốc đặt giàn khoan khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng tiến hành khởi kiện như thế nào? Trình tự vụ kiện ra sao? Có nên khởi kiện ngay ở trong nước trước khi đưa ra tòa án quốc tế như ý kiến của nhiều luật sư đã đề xuất? Ai là người đứng ra kiện và trong thời gian bao lâu? Báo Đời sống Pháp luật khởi đăng loạt bài “Bao giờ Việt Nam kiện Trung Quốc?” nhằm lý giải những vấn đề trên.

    Theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ Bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự, rõ ràng là hành vi xâm phạm chủ quyền đặc biệt nghiêm trọng.


    Điều 57 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 quy định rằng chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý, đồng thời tại điều 76 của Công ước quy định một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa của một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý.


    PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế.

    Cách xác định khác lớn hơn 200 hải lý, đó là nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Như vậy, theo 4 cách xác định chiều rộng thềm lục địa, 200 hải lý là khoảng cách xác định nhỏ nhất. Chiểu theo ranh giới 200 hải lý sẽ thấy vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản, đó quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếu theo điều 56 và điều 76 của Công ước Luật biển. Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nhằm mục đích thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền với đáy biển của thềm lục địa nằm hoàn toàn trong nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, đó là Việt Nam.

    Quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này là quyền được cấp phép cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các công trình nổi trên biển. Giàn khoan Hải Dương 981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đã đưa vào và hạ đặt trong thềm lục địa của Việt Nam khi không được sự đồng ý của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc vi phạm quyền tài phán của Việt Nam. Bên cạnh đó, các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng.


    Với những hành động ngang ngược của mình, Trung Quốc không có trong tay cả pháp lý và đạo lý.

    “Khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, TS Diến khẳng định. Hành vi của Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến, máy bay quân sự hộ tống giàn khoan 981, dùng vòi rồng, dùng tàu đâm va và cản trờ cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động hoàn toàn phi pháp trong chiến lược hợp pháp hóa hành động xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tạo thế có lợi cho việc đàm phán với Việt Nam nếu có thể trong tương lai, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp.

    Phân tích sâu hơn, PGS.TS Nguyễn Bá Diến cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là hiện thực hóa đường lưỡi bò, một bước rất nguy hiểm trong tham vọng bành trướng bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. “Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974, Trường Sa 1988. Họ ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, tiến hành cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, công khai chào thầu 9 lô dầu khí và đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vừa qua, đã thể hiện âm mưu đầy tham vọng của Trung Quốc là muốn nuốt trọn biển Đông”.

    Theo TS Diến, với những hành động nêu trên, Trung Quốc đã vi phạm một loạt các văn bản quốc tế. Cụ thể, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc, các Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế tuyên bố ngày 24/10/1970; Vi phạm Công ước Luật biển 1982 (Trung Quốc phê chuẩn năm 1996), vi phạm các quy định về ứng xử của các bên trong biển Đông ký giữa Asean và Trung Quốc năm 2002. Vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải pháp vấn đề trên biển giữa 2 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký ngày 10/11/2011 tại Bắc Kinh.

    “Với bộ hồ sơ, căn cứ pháp lý như vậy chúng ta có quyền đưa ra các cơ quan Liên Liên Hiệp quốc, Đại hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc. Căn cứ lập luận, chứng cứ pháp lý và văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam có đầy đủ có thể khởi kiện việc Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam. Dựa vào kho chứng cứ khổng lồ, Việt Nam có thể đưa ra các tổ chức Quốc tế: tòa án Công lý Quốc tế, tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, tòa án Luật Biển, tòa án trọng tài đặc biệt của Công ước Luật Biển. “Thời cơ đến rồi, không còn chần chừ nữa”, TS Diến nói và cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý, hoàn thiện chứng cứ lập luận của mình, tập hợp các chuyên gia pháp lý Việt Nam làm lực lượng nòng cốt trên mặt trận pháp lý quốc tế. Trên mặt trận này, Việt Nam có những lợi thế mà Trung Quốc không có.

    “Trung Quốc lâu nay đuối lý, thấp lý, phi lý, đó là điểm yếu của Trung Quốc. Luật pháp quốc tế chính là tử huyệt của Trung Quốc nhưng chính là một trong những “nỏ thần” của Việt Nam trong thời đại mới”, TS Diến nhận định.

    Mời độc giả đón đọc bài 2: Ai đứng ra kiện? Kiện ở đâu?

  2. The Following User Says Thank You to bach_djen For This Useful Post:

    ngochai (24-05-2014)

  3. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts
    Bài 2:
    Ai sẽ đứng ra kiện Trung Quốc?


    (ĐSPL) –Việc Trung Quốc gây hấn và ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép và tàu quân sự cùng tàu công vụ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

    Ai có thể là người đứng ra khởi kiện?

    Ở đây có hai loại cơ quan tài phán quốc tế. Loại cơ quan tài phán quốc tế thứ nhất là Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ. Đối với tòa án này, chúng ta nên lập hồ sơ để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng, Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ chỉ xem xét vụ việc khi có sự chấp thuận của tất cả các bên liên quan, trong khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy trước Trung Quốc sẽ không chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ.

    Nhưng dù có thế thì chúng ta vẫn nên làm bởi lẽ, việc lập hồ sơ để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nó có ý nghĩa chính trị pháp lý rất lớn, nó cũng là căn cứ để chúng ta chia sẻ với quốc tế cũng như nhân dân Việt Nam rằng căn cứ pháp lý đã được xây dựng đầy đủ trong bộ hồ sơ này.

    Về phía Trung Quốc, nếu họ từ chối việc đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế thì hành vi từ chối của họ sẽ làm bộc lộ những tuyên bố yêu sách chủ quyền không có căn cứ pháp luật nên họ sợ, họ phải từ chối. Đó cũng là một thách thức rất lớn đối với Trung Quốc, cho nên chúng ta vẫn nên làm việc này.


    Tiến sĩ Luật Quốc tế Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

    Loại cơ quan tài phán thứ hai có liên quan trực tiếp đến biển hay các quyền chủ quyền trên biển, đó là Tòa án Luật biển theo Công ước năm 1982. Thẩm quyền của tòa án Luật biển là giải quyết tất cả vụ việc phát sinh, tranh chấp hoặc vi phạm liên quan đến việc áp dụng Công ước Luật biển năm 1982, trong trường hợp giàn khoan của Trung Quốc cùng các tàu quân sự xâm phạm và có những hành vi gây hấn tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì chúng ta nên xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Toán án Luật biển theo quy định của Công ước năm 1982.

    Đối với các cơ quan tài phán quốc tế, vì đây là việc kiện giữa các quốc gia với nhau nên người đứng kiện phải là Nhà nước, là Chính phủ, phải thông qua con đường ngoại giao để đệ trình. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng quyền tài phán quốc gia của chúng ta. Chúng ta biết rằng, phạm vi lãnh thổ quốc gia của mỗi nước cũng như ở các vùng mà quốc gia đó có quyền tài phán ví dụ như ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế…, thì các quốc gia hay nhà nước ở trên vùng lãnh thổ của quốc gia đó có quyền thực thi các biện pháp pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền thực thi pháp luật. Đó gọi là quyền tài phán. Cho nên trong vụ việc mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã gây hại về vật chất đối với các ngư dân, thì các ngư dân của chúng ta hoàn toàn có quyền khởi kiện họ.

    Hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương cũng gây thiệt hại về kinh tế cho hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, vậy thì Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng có quyền được khởi kiện ra trước tòa án của Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc bởi vì trong quá trình hoạt động của Hội nghề đánh bắt cá thì họ bị ngăn cản, cản trở. Thực tế cho thấy, bây giờ cứ ra ngoài đảo Lý Sơn cách khu vực giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép khoảng 10 hải lý thì Trung Quốc đã ngăn chặn không cho vào, người dân Lý Sơn cũng không thể vào trong khu vực đó để đánh cá được nữa.

    Đặc biệt, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiện nay, kể cả 1 người dân làm nghề đánh cá cũng có quyền khởi kiện. Đây là những vụ kiện có tính chất kinh tế dân sự, thể hiện việc Tòa án Việt Nam thực hiện quyền tài phán của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng như trên những vùng biển mà Việt Nam có quyền tài phán được Luật Biển quốc tế công nhận.

    Hồ sơ khởi kiện gồm những gì?

    Nếu ta khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế để khẳng định chủ quyền về lãnh thổ đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì về mặt nội dung, chắc chắn chúng ta phải đưa ra được những chứng cứ thuyết phục về việc nhà nước Việt Nam chiếm hữu, kiểm soát, quản lý một cách liên tục và hòa bình những hòn đảo mà trước đó không có nhà nước nào tuyên bố chủ quyền, chiếm hữu hoặc tranh chấp với Việt nam. Chúng ta phải chứng minh được điều đó cả về mặt lịch sử, cả về mặt pháp lý.

    Chiếm hữu về mặt nhà nước có nghĩa là thực hiện các hành vi mang tính nhà nước. Như chúng ta đã biết, dưới thời kỳ nhà Nguyễn, chúa Nguyễn đã từng cử những đội hải binh Hoàng Sa, Trường Sa ra các đảo đó để tuần tra, kiểm soát. Sự chiếm hữu về mặt nhà nước còn thể hiện trong quan hệ quốc tế. Vào khoảng thế kỷ thứ XVII – thế kỷ thứ XVIII, một số các tàu buôn của Hà Lan khi muốn vào các vùng biển của Trường Sa, Hoàng Sa đã từng phải ghé qua để xin phép triều đình nhà Nguyễn. Điều đó thể hiện rằng, ở thời điểm đó, Nhà nước Trung Hoa chưa hề có sự hiện diện tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

    Về mặt hồ sơ thì phải theo quy tắc tố tụng của cơ quan tài phán. Điều này đòi hỏi sự công phu và sự chuẩn bị hết sức cẩn thận, đòi hỏi trí tuệ của cả một tập thể gồm các chuyên gia, các luật sư, các nhà nghiên cứu. Trong trường hợp của Việt Nam, chúng ta cũng nên huy động thêm sự tham gia của các luật sư quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, không chỉ ở trong khu vực mà kể cả ở các nước phát triển như Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp… Từ những năm 90 thế kỷ trước đã có nhiều học giả, chuyên gia quốc tế đã cùng với các chuyên gia Việt nam nghiên cứu về các vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan tới Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Có thể nói kho lưu trữ để chứng minh về quyền lịch sử và sự hiện diện về mặt nhà nước của chúng ta là tương đối phong phú. Vấn đề bây giờ là phải tập hợp lại để chuẩn xác các hồ sơ và chuẩn bị được bộ hồ sơ theo đúng quy tắc tố tụng của cơ quan tài phán.

    Hồ sơ chứng minh về lịch sử bao gồm các sự kiện lịch sử, những văn kiện của Nhà nước Việt nam qua suốt các triều đại, những công bố, tuyên bố về mặt nhà nước của các quốc gia khác liên quan tới Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những tài liệu ký kết thương mại, kinh tế nhưng trong đó có thể hiện vấn đề công nhận chủ quyền, bản đồ qua những thời kỳ khác nhau gồm cả bản đồ quốc tế và bản đồ quốc gia trình ra tòa để xem xét về tính lịch sử và xem xét về sự thừa nhận của các quốc gia… Vậy nên chắc chắc bộ hồ sơ đó sẽ rất lớn, cần sự chuẩn bị rất công phu.

    Quy trình khởi kiện thế nào?

    Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hợp Quốc, chúng ta nên có sự trao đổi trước với Trung Quốc, và có thể với các quốc gia liên quan ven biển Đông. Nên lưu ý rằng, không chỉ mình Việt Nam có yêu sách về vấn đề chủ quyền trên các quần đảo của Trường Sa và Hoàng Sa mà có cả Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Do đó, chúng ta cần tham vấn các quốc gia có liên quan, không loại trừ khả năng chúng ta có thể mời được họ cùng tham gia với chúng ta trong vụ kiện này.

    Chúng ta khởi kiện về việc xác định chủ quyền về các quốc gia ven biển Đông tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ đòi lại chủ quyền hợp pháp của mình theo Công pháp quốc tế, mà chúng ta cũng đang thể hiện rằng chúng ta sẵn sàng giải quyết việc phân định chủ quyền đối với các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Pháp luật và Tập quán Quốc tế, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982.


    Các tàu của Trung Quốc mở vòi rồng tấn công vào các tàu của Việt Nam.

    Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án Luật biển để chống lại hành vi xâm phạm của Trung Quốc tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế thì chúng ta cũng cần có một hành động ngoại giao là trao đổi trước với phía Trung Quốc, rằng trước tình hình đang bế tắc như thế này, Việt Nam đề nghị không còn gì để đàm phán bởi Trung Quốc đã vi phạm rất rõ ràng. Và để có căn cứ pháp lý thì Việt Nam sẽ đưa vụ kiện này ra Tòa án Luật biển quốc tế, đề nghị Trung Quốc hợp tác. Còn nếu Trung Quốc từ chối thì chúng ta công bố với thế giới rằng, Việt Nam muốn đưa vụ việc này ra Tòa án Luật biển nhưng Trung Quốc đã từ chối. Tuy vậy, Việt Nam vẫn khẳng định rằng Việt Nam cần phải bảo vệ quyền chủ quyền của mình tại Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa bằng biện pháp hòa bình, thông qua một cơ quan tài phán quốc tế - là Tòa án Luật Biển. Dù Trung quốc có hợp tác hay không trong việc đưa ra vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 ra Tòa án Luật Biển, Chính phủ Việt nam nên cho lập bộ hồ sơ khởi kiện và tiến hành ngay các thủ tục tố tụng cần thiết tại Tòa án Luật Biển.

    Tiến sĩ Luật Quốc tế Hoàng Ngọc Giao
    Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó trưởng Ban Biên giới Chính phủ

    P/s: Mời đọc bài 3: Kiện cách nào cho chắc thắng?

  4. The Following User Says Thank You to bach_djen For This Useful Post:

    ngochai (24-05-2014)

  5. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts
    Bài 3:
    Vụ giàn khoan 981- Kiện cách nào cho chắc thắng?


    (ĐSPL) – Dù ta có đủ chứng cứ và thủ tục cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng có thể xảy ra. Ngay cả lực lượng luật sư của chúng ta cũng phải chuẩn bị rất kĩ để có thể làm việc với các cơ quan tài phán.

    Với hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho tàu, máy bay tấn công, uy hiếp các tàu chấp pháp đang làm nhiệm vụ của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực.

    Nhận định về việc Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam khi đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, Luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư AIC, thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trong trường hợp nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế thì chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành thực hiện những vụ kiện mang tính chất dân sự, ngay tại trong nước.


    Luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành thực hiện những vụ kiện mang tính chất dân sự, ngay tại trong nước.

    Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ đứng ra khởi kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hay Hội nghề cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc bởi vì trong quá trình hoạt động của Hội nghề đánh bắt cá thì họ bị ngăn cản, cản trở.
    Thậm chí, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiện nay, kể cả 1 người dân làm nghề đánh cá cũng có quyền khởi kiện về vấn đề này. Trong trường hợp khởi kiện trong nước, thì tòa án Việt Nam sẽ xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. “Theo quy định thông thường, khi kiện ra cơ quan tài phán quốc tế thì phải 2 bên cùng đồng thuận kiện, 2 bên cùng đưa ra thì phiên tòa đó mới được công nhận. Nhưng riêng đối với trường hợp của Philippines thì họ lại kiện khác, họ yêu cầu giải thích về luật nên không cần phải có 2 bên nên tôi thấy Philippines kiện thông minh rất thông minh. Từ đó tôi nghĩ Việt Nam cũng nên rút kinh nghiệm để lựa chọn cách kiện thế nào cho hợp lý”, luật sư Sơn nhận định.


    Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

    Tuy nhiên từ đây, nhiều người lại đặt ra câu hỏi rằng, liệu khi tòa án Việt Nam thụ lý đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và đưa ra phán quyết, thì bên phía Trung Quốc, mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Dầu khí Hải Dương có thực hiện nghĩa vụ bồi thường hay không? Về vấn đề này, Tiến sĩ Luật Quốc tế Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó ban Biên giới chính phủ, thành viên Ban nghiên cứu biển Đông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã dẫn chứng ra một thực tế về trường hợp tương tự đã diễn ra ở Châu Âu. “Các đây vài năm, có 1 sự kiện là chủ đầu tư ở Bangkok thuê nhà thầu của một nước ở châu Âu để thực hiện gói thầu xây dựng đường cao tốc tại châu Âu. Nhưng sau đó lại phát sinh tranh chấp khi chủ đầu tư không chịu thanh toán cho nhà thầu châu Âu. Vì vậy nhà thầu quyết định khởi kiện ra tòa án ở Châu Âu nơi họ có trụ sở. Phán quyết của tòa án sau đó có hiệu lực, nhưng chủ đầu tư ở Bangkok lại không thi hành phán quyết đó. Một thời gian sau, tưởng như là không làm gì được thì tòa án ở châu Âu bất ngờ ra phán quyết bắt giữ máy bay của Hoàng gia Thái Lan sang và đang đỗ tại sân bay của châu Âu. Việc bắt giữ này là để đảm bảo thi hành phán quyết mà trước đó đã yêu cầu chủ đầu tư Thái Lan phải thực hiện.
    Đó là một ví dụ để cho chúng ta thấy rằng, chúng ta có thể thực hiện quyền tài phán quốc gia, và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thực tế quốc tế”, TS Giao quả quyết.


    TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

    Ths. Hà Công Anh Bảo – Phó trưởng Khoa Luật – ĐH Ngoại thương cũng cho rằng, rõ ràng chúng ta không nên vì những khó khăn trong việc thi hành án mà chùn bước trong quyết tâm của mình, vì chúng ta có chân lý, có lẽ phải, có sức mạnh pháp lý để làm điều này.

    Trong khi đó, theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, dù ta có đủ chứng cứ và thủ tục cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng có thể xảy ra. Ngay cả lực lượng luật sư của chúng ta cũng phải chuẩn bị rất kĩ để có thể làm việc với các cơ quan tài phán. Hiện nay, thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý. “Khi chúng ta kiện Trung Quốc về những việc làm của họ, với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện này lên các cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ các cơ sở để kiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng, kiện lên cơ quan tài phán là cả một quá trình với các thủ tục. Nên ta phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp để có thể đảm bảo tiếng nói chân lý được thành hiện thực”, ông Trục cho biết.

    HOÀI THU

    Mời đọc bài 4: Từ vụ kiện giữa Philippinnes - Trung Quốc, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

  6. The Following User Says Thank You to bach_djen For This Useful Post:

    ngochai (24-05-2014)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •