Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Tiếng "Lóng" Trong Giang Hồ & Tiếng "Lóng" Trong Võ Thuật !

  1. #1
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    Tiếng "Lóng" Trong Giang Hồ & Tiếng "Lóng" Trong Võ Thuật !

    Tiếng "Lóng" là gì ?

    Thiều gia - Tiếng lóng là một hình thức biểu đạt khác của ngôn ngữ. Giống như ngôn ngữ, tiếng lóng là một tập hợp từ, cụm từ, mang tính qui ước dùng để biểu đạt ý nghĩ, lý trí, tình cảm hoặc dùng để hiệu triệu, truyền mệnh lệnh... nhằm giúp người đối thoại hiểu mình, hiểu thông điệp mà mình muốn chuyển tải.

    Tiếng lóng còn được gọi là "Mật ngôn ẩn ngữ" (lời nói mang tính bí mật, ẩn dụ), ít phổ biến và tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh, ngữ cảnh khác nhau mà có những qui tắc dùng riêng biệt.




    Ngôn ngữ giang hồ

    Giới giang hồ sử dụng ngôn ngữ hết sức bí ẩn thường gọi là tiếng lóng. Tiếng lóng được bắt nguồn từ đâu? Tại sao dân giang hồ lại sử dụng ngôn ngữ kỳ quái này?

    Nguồn gốc của tiếng lóng

    Ở Việt Nam, tiếng lóng xuất phát từ bọn cờ bạc bịp. Một sòng bạc cần nhất là việc thông tin kịp thời giữa gã phát hỏa, cánh hồ lỳ, chủ sòng và bọn chân gỗ cò mồi. Nhưng nếu sử dụng bạch thoại thì các con bạc nạn nhân sẽ phát hiện ra. Chính vì vậy bọn chúng quy ước với nhau một số từ mà nếu đưa vào câu nói thì ngoài chúng ra, chẳng ai hiểu nổi. Nhờ vậy, việc thông báo tình trạng “con mồi” nhiều hay ít tiền, nên dùng cách nào để vét sạch túi con bạc đang khát nước… tất thảy đều được mã hoá.

    Thời của những Sáu Cường tung hoành bến xe lục tỉnh, hay Năm Bính hét ra lửa ở xứ Bắc kỳ bảo hộ, tiếng lóng đã có mặt như một hành trang không thể thiếu của giới lưu manh. Nhưng theo thời gian, kho từ vựng giang hồ phong phú dần. Bọn lưu manh cần thay đổi mã hóa liên tục, thậm chí vay mượn của bọn lục lâm gốc Hoa ở Chợ Lớn. Chẳng tên nào rỗi hơi làm việc thay đổi ấy nếu như các cơ quan chức năng không dần dà nghiên cứu và nắm rõ về các loại hình ngôn ngữ giang hồ chẳng thua gì chủ nhân của chúng!

    Tiếng lóng của miền Bắc

    Miền Bắc sử dụng tiếng lóng đầu tiên. Theo các tài liệu còn lưu giữ thì ngay ở đời nhà Mạc, trong Lịch Triều Tạp Kỷ đã nhắc đến việc có một loại ngôn ngữ riêng của bọn đạo tặc. Nhưng rộ lên có lẽ là thời Pháp thuộc, khi rượu và thuốc phiện được chính quyền xem là nguồn thu thuế chủ yếu, cờ bạc và mại dâm được khuyến khích một cách bán chính thức. Giang hồ lưu manh nổi lên khắp cõi và tiếng lóng được dùng nhiều. Thậm chí có những từ lóng của thời kỳ này vẫn còn lưu lại đến tận bây giờ. Giang hồ Bắc thường có câu giễu cợt: “Phỉnh ơi, phỉnh có thương sô, thì phỉnh ghếch cớm cho sô ghềnh vòm…”, nghĩa là: “Em ơi em có thương anh, thì em cảnh giới công an cho anh trèo vào nhà ăn trộm!”. Hoặc vào tù, đề đối phó với công an khi cần thông cung hoặc đối phó với cán bộ canh giữ, ngôn ngữ giang hồ càng phức tạp hơn. Quả tắc, tức giỏ đồ thăm nuôi của đồng phạm, khi chúng cần thông báo cho nhau đề tìm cách trấn lột. Đầu gấu để chỉ các tay anh chị sừng sỏ. Nhưng nếu gã anh chị ấy có những phút tỏ ra là hữu danh vô thực thì có ngay cụm từ đầu mèo để phân biệt rạch ròi. Các sát thủ được gọi là bò cạp, nhưng nếu còn trẻ tuổi thì gọi là chim chích. Hay như kiểu Hân Còi ở Hải Phòng, Thiện Chọi ở Hà Nội, Tịnh Què ở Thanh Hóa thì vì quá dữ dằn nên được gọi luôn là chim mỏ sắt.

    Những hàng hóa hay mục tiêu, cách làm ăn được chỉ danh hết sức lạ lẫm như ôm boong, đá cẩu... là giật giỏ xách, hành lý trên tàu xe rồi bùng tức chạy trốn. Hay như chềnh là trèo vào, đột là phá cửa vào, vòm là nhà để trộm. Bè dọc là tàu xe có hành trình dài còn ngắn thì gọi là bè ngang. Nghẽo là xe đạp nhưng nghẽo lại là xe gắn máy.

    Khi giang hồ Bắc vào Nam từ những năm 80 với Thịnh Kiếm, Tâm Bưởi, Linh Gù – em Hoà Củi… thì hệ thống tiếng lóng cũng theo chúng xâm nhập vào Sài Gòn nhưng chỉ giới hạn ở vùng Trà Bắc Lê Lai, Nguyễn An Ninh, quận 1.


    Tiếng lóng giang hồ Sài Gòn

    Giang hồ bản địa gốc Nam không quá phức tạp nên đã tạo ra 2 loại mã hóa được gọi là “U Đì U Bí” và “Bò kho”. Tiếng U Đì U Bí có nguyên tắc như sau: Tất cả các câu nói sẽ được chẻ ra từng chữ rời rạc để thêm chữ đì hoặc bí vào. Thí dụ “Thằng cha đó để bóp túi bên phải” sẽ có câu mã hóa: “Thì bắng chi bá đí bó đủ bế bí bóp tí búi bi bến phỉ bái”. Tất cả được nói và dịch nhanh chóng theo nguyên tắc “thì bắng” là “thằng”, “chi bá” là cha… bỏ hết chữ bí, có ngay câu hướng dẫn bọn móc túi vị trí bóp tiền! Còn tiếng Bò Kho thì theo thứ tự như sau: “Thằng bò cha đó bò để kho bóp bò túi bên kho phải kho”, bỏ hết những chữ bò kho sẽ có ngay thông điệp. Nhưng quả thật nếu chúng nói nhanh thì những người lương thiện sẽ ngỡ ngàng nghe như người dân tộc nói chuyện.

    Trong tù, bọn lưu manh sáng chế ra 2 loại hình để thông cung gồm đánh quạt và đánh chữ. Chúng dùng quạt viết chữ ngược và với tầm xa cả trăm mét như trong khu Trại giam Chí Hòa, vẫn thông cung ngọt sớt. Nếu ở gần, chúng sử dụng ngón của 2 bàn tay để viết chữ với tốc độ cực nhanh, khả năng đọc cũng tùy ở tên giang hồ ấy thông thạo chữ viết đến đâu, chúng gọi là Cộng Chữ. Tuy nhiên, về sau ở các trại giam nhất là Chí Hòa, 2 loại hình thông cung này không còn được sử dụng. Lý do đơn giản: Cán bộ điều tra còn đọc nhanh hơn chúng!

    Ông Thiệu, một sói già Hà Nội vào ngụ cư ở vùng Cầu Sạn, Bùi Thi Xuân Tân Bình, người được xem là thủy tổ của “đoản” tức chìa khóa đa năng dùng trộm xe, cùng Ba Gà là hai người đưa vào tiếng lóng Sài Gòn hàng loạt từ mới mẻ.“Khứa cổ tại, ở miệt chớm mai chò mính… lương cội đa, đa cội dược…”, khi dịch thành ngôn ngữ đời thường thì có nghĩa là: “Con mồi nhiều tiền, ở số 129, làm nhanh chạy nhanh kẻo bị cảnh sát bắt!”. Hệ thống đếm của giang hồ Sài Gòn cũng đơn giản: Miệt là 1, mai là 2, báo là 3, tứ là 4, nốc là 5, suông là 6, mảy là 7, mám là 8, mính là 9, chò là 10, chớm là trăm… Khứa là khách, cổ là nhiều, tại là tiền…

    Hoàng loạt nghề phạm pháp cũng được giang hồ Bắc di cư sáng tạo: Kỳ bẽo là cờ bạc bịp, quái xế là trộm xe, hồ là móc túi, ăn bay là cướp giật bằng xe cao tốc, bốc nhơ là giật dây chuyền, nhập nha là trộm nhà, đá dạo là trộm vặt… Mục tiêu cũng được đặt tên như khổ chủ được gọi là chốt, xe đạp là xe điếc, xe Hon là xế nổ, sung gọi là độp. Hệ thống ngôn ngữ của giang hồ Bắc di cư nhanh chóng được chấp nhận vì phong phú và dễ nhớ.

    Tiếng lóng giang hồ thời hiện đại

    Bây giờ hệ thống ngôn ngữ giang hồ cũ vẫn dùng nhưng không còn thích hợp. Giang hồ kin kin thời nay đi cướp giật nhưng ít phải dè chừng, vẫn oang oang khoe thành tích giữa quán cà phê lắm em chân dài như một niềm tự hào. Chính vì thế, tiếng lóng trở nên dễ hiểu, phổ biến và tất nhiên gọn hơn nhiều.


    Đại Cathay, một giang hồ cộm cán trước 1975

    Xưa kia tiếng lóng phát xuất từ cánh cờ bạc và tội phạm chuyên nghiệp. Nhưng từ vựng của giang hồ hiện nay được bổ sung lại từ cánh dân chơi con nhà tử tế hoặc bọn nghiện ma túy oặt người. Uống thuốc lắc gọi là cắn kẹo, hút bồ đà gọi là bin và hút ketamine thì gọi là đập đá. Ngay cả khi thiếu tiền chơi mà túy đi cướp giật thì gọi là mua hàng, mua ma túy mang về gọi là đi cộng… Hàng loạt ngôn ngữ liên quan đến bọn cậu ấm len lỏi dần vào thế giới giang hồ lưu manh Sài Gòn và xóa đi ranh giới giữa 2 loại lưu manh con nhà tử tế và lưu manh bình dân.

    Có thể kể lại một buổi ăn chơi của giang hồ trộn lẫn để thay cho lời kết. Tuấn Kim, một cậu ấm khét tiếng theo kiểu ngày nào không xài trên hai mươi triệu đồng, ngày đó không xem là ngày. Từ 12 giờ trưa khi vừa thức giấc, Tuấn Kim đã điện thoại cho các chiến hữu chuẩn bị cho việc ăn chơi. Trong số gần 20 mạng tụ tập ở cà phê Window 4, quá nửa là giang hồ thứ thiệt và gái vũ trường, rồi tất cả sang quận 7 tìm nơi để đập đá.
    Sau đó là nhậu bờ kè nghêu sò ốc hến và vũ trường, cũng vẫn thực đơn “lắc”. Ngay cả lúc kéo về căn biệt thự ở quận 2 của một cô ấm cậu chiêu thành viên trong nhóm để sinh hoạt tình dục bầy đàn, vẫn không thiếu lắc! Có điều khi bám theo chúng, nếu không có một số từ vựng nhất định của tiếng lóng giang hồ thì việc hiểu chúng đi đâu, sắp làm gì… e là chuyện không thể!

    Ngôn ngữ giang hồ, tức là tiếng lóng, người lương thiện trong xã hội quả tình không thể hiểu nổi và cũng chẳng cần cố gắng tìm hiểu. Nhưng đã có lần, nhờ hiểu quá rõ về loại ngôn ngữ này, một người buôn bán nhà đất bình thường đã kịp thời chạy luôn vào trụ sở công an phường, thoát được một vụ cướp táo tợn mà lũ tội phạm ngang nhiên “tiết lộ” ngay trước mũi con mồi.

    Các cơ quan chức năng, đặc biệt trong công tác phòng chống tội phạm, việc nghiên cứu và giải mã toàn bộ các kiểu ngôn ngữ lưu manh để tìm ra biện pháp đối phó, thiết nghĩ là cần thiết!.

    Thiều gia
    Nguồn: Báo Thanh Niên
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #2
    Administrator
    Tham gia ngày
    Jun 2011
    Bài gửi
    227
    Thanks
    15
    Thanked 19 Times in 18 Posts
    Tác giả: Nguyễn Đức Dân

    Hiện nay người ta quan niệm về tiếng lóng khác đi. Đó là lớp từ vựng dùng không theo thể thức chuẩn, không theo quy ước như cách dùng thông thường. Chúng là những từ mang những thông tin không chính thức như nghĩa thông thường, có thể là những từ mới hoặc những từ ngữ vốn có nhưng nay được dùng với nghĩa mới, trong một hoàn cảnh mới.

    Sao gọi là “lóng”?

    Tiếng lóng là slang, cant (tiếng Anh), là argot, jargon (tiếng Pháp). Người ta không biết đích xác từ slang xuất hiện lúc nào, nhưng năm 1736 đã xuất hiện từ điển Nathan Bailey’s Canting Dictionary (thieving slang). Trong từ điển này, người ta sưu tầm từ ngữ của bọn trộm cắp (Foot-Pads), ăn mày (beggars), dân lang thang (gypsies), bọn lường gạt (cheats), bọn đào ngạch, khoét vách, bẻ khóa (house-breakers), phu bốc vác (shop-lifters), bọn cướp đường (highway-men)…
    Từ xưa, nói chung, tiếng lóng là ngôn ngữ của tầng lớp hạ lưu như dân gypsy,…

    Ngay tựa đề ấy cũng cho biết, từ xa xưa, tiếng lóng là ngôn ngữ của bọn trộm cắp, và nói chung là của tầng lớp hạ lưu. Vì vậy, trước đây ở rất nhiều nước, nhiều người coi tiếng lóng là thứ ngôn ngữ thiếu văn hóa, không nên dùng.

    Thậm chí ở Việt Nam, cách đây chưa xa, cũng có những nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh trong ngôn ngữ, không có tác dụng tích cực, không làm giàu thêm ngôn ngữ toàn dân, phải triệt để chống tiếng lóng và kiên quyết gạt nó ra khỏi ngôn ngữ văn hóa. Bạn có thể tìm thấy điều này qua giáo trình Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976), hoặc công trình Tiếng Việt trên đường phát triển (NXB Khoa học Xã hội, 1982) của Nguyễn Văn Tu và Nguyễn Kim Thản. Ở Việt Nam, tôi không rõ từ “lóng” trong “tiếng lóng”, “nói lóng” xuất hiện từ bao giờ. Nhưng trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của, in năm 1895, đã có từ “nghe lóng”, nghĩa là “nghe qua vậy, nghe lóm nghe không chắc”, “lóng tai” nghĩa là “lặng (/lắng) tai, nghe cho tỏ rõ”, và “hỏi lóng” nghĩa là “hỏi lén”,… Trong Việt Nam Tự điển, xuất bản năm 1931, đã cắt nghĩa lóng là “thứ tiếng của một bọn dùng riêng với nhau để cho người ngoài không hiểu: tiếng lóng của cô đào. Tiếng lóng của lái lợn. Nghĩa rộng: nghe được câu chuyện người ta nói riêng với nhau gọi là nghe lóng”. Vậy thì, từ 1895, Huình Tịnh Của đã giảng nghĩa “nghe lóng” là nghe lóm, nghe theo cách bí mật, không chính thống, “hỏi lóng” là hỏi lén, hỏi bí mật, theo cách không chính thống. Đó cũng là cách giải thích cho “nói lóng” là cách nói bí mật, nói theo cách không chính thống. Vậy thì, trong tiếng Việt, từ cuối thế kỷ XIX, từ “lóng” đã có cái nghĩa “chuyện riêng tư, thầm kín, không chính thống”.
    Vỏ ngữ âm của từ “lóng” rất gần với slang. Nhưng chưa có chứng cứ nào chỉ rõ từ lóng bắt nguồn từ slang.

    Do đâu hình thành từ slang?

    Vài định nghĩa khác : Từ điển Petit Larousse illustré (1973): “Từ vựng riêng biệt của một nhóm, một nghề hoặc một giai tầng xã hội”.

    Hiện đại Hán ngữ từ điển (Trung Quốc, 1998) giải thích về li yu (lý ngữ – tiếng lóng): “Những phuơng ngôn thô tục hoặc luu hành hạn hẹp”.

    Advanced learner’s English dictionary (1993): “Các từ, cụm từ rất thân mật, không nghi thức, thuờng dùng trong lời nói, nhất là giữa những nguời cùng một nhóm xã hội, làm việc cùng nhau và không đuợc xem là thích hợp cho những bối cảnh nghi thức, cũng nhu chẳng thể sử dụng lâu dài”.
    Các từ điển trên không phân biệt tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp. Nhà nghiên cứu Da Zhaomin của Trung Quốc (1996) đề xuất cách gọi khác: ấn ngữ / ám ngữ / hắc thoại. Tác giả này chia ra hai loại lớn, gọi là “ẩn ngữ nghề nghiệp” và “ẩn ngữ giang hồ”.

    Có nhiều giả thuyết về cội nguồn từ này. Xin nêu để các bạn tham khảo:
    - Trong tiếng của một tộc người ở Trung Âu gốc Á, sống lang thang (trước đây thường gọi là dân di-gan, dân bô-hê-miêng, dân gipsy), slang là cái lưỡi, là ngôn ngữ.
    - Theo các tác giả O. Ritter (1906), K. Werstendorpf (1923), slang chính là cách đọc dính của cụm từ thieves’ language, gypsies’ language.
    - Tiếng Thụy Điển có từ slengjenamn có nghĩa là bí danh. Các tiếng Đan Mạch, Na Uy đều có từ slæng, sleng với nghĩa bóng là ngôn ngữ của riêng từng nhóm người mà phát âm nghe thành slang. Đó có thể là nguồn gốc của từ slang.
    - Trong tiếng Pháp thế kỷ XVII, nargue có nghĩa là trộm cắp, sau chuyển thành động từ narguer rồi thành danh từ (un) argot.

    Hiện nay người ta quan niệm về tiếng lóng khác đi. Đó là lớp từ vựng dùng không theo thể thức chuẩn, không theo quy ước như cách dùng thông thường. Chúng là những từ mang những thông tin không chính thức như nghĩa thông thường, có thể là những từ mới hoặc những từ ngữ vốn có nhưng nay được dùng với nghĩa mới, trong một hoàn cảnh mới.

    Dầu muốn hay không, tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động tồn tại trong hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào. Đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885), trong tác phẩm Le dernier jour d’un condamné (Ngày cuối của một tử tù), in năm 1828, đã từng chú ý sử dụng tiếng lóng. Thậm chí trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Les misérables (Những người khốn khổ), in năm 1861, ông để cả chương VII trong phần thứ tư để bàn về tiếng lóng.

    Ở Việt Nam, tiếng lóng đã được nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX. Công trình đầu tiên về tiếng lóng trong tiếng Việt là bài viết mang tựa đề L’argot annamite (tiếng lóng trong tiếng An Nam) được đăng năm 1905 trong tập san BEFEO của trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội), của học giả nước ngoài J. N. Cheon.

    Năm 1925, học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947) cũng có bài L’argot annamite de Hanoi (Tiếng lóng Việt Nam ở Hà Nội). Năm 2001, tác giả Nguyên Văn Khang cho xuất bản cuốn Tiếng lóng Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội), một cuốn sách có ích cho những ai quan tâm đến tiếng lóng. Song, trong công trình này còn để lại những vấn đề cần bàn bạc thêm. Victor Hugo: “… Tiếng lóng vừa là một hiện tuợng văn học vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản là gì? Là ngôn ngữ của tiếng lóng khốn cùng. Mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Về phuơng diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể kỳ thú hơn nhiều khoa học khác…” (trích Những người khốn khổ).
    Trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, ở Tôi kéo xe của Tam Lang, rất nhiều tiếng lóng đã được sử dụng. Những thiên phóng sự đặc sắc của Vũ Trọng Phụng như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Làm đĩ (1936), Lục xì (1937),… cũng chứa biết bao tiếng lóng.

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •