Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 10

Chủ đề: Thường Thức - Tả Phế Lù

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts

    Thường Thức - Tả Phế Lù

    Tiểu đệ nhận sưu tầm giúp cho Thiều gia chuyên mục này


    1. Thành ngữ.

    Thành ngữ là một loại đơn vị ngôn ngữ có vai trò tổ chức câu ( lời nói ) tương đương với từ và cụm từ tự do ( ngữ), chứ không phải tương đương với câu. Thành ngữ là cụm từ cố định, đã hình thành từ trước, thuộc loại đơn vị có sẵn, chứ không phải sản phẩm nhất thời trong giao tiếp như cụm từ tự do.

    Thành ngữ có những giá trị nổi bật như:
    - Tính hình tượng: thành ngữ thường dùng cách nói có hình ảnh cụ thể, thông qua những hình ảnh cụ thể Vd:
    thuận buồm xuôi gió, mẹ tròn con vuông…

    - Tính khía quát về nghĩa: Tuy dùng hình ảnh cụ thể, nhưng thành ngữ lại có mục đích nói về những điều có tính khái quát cao, có chiều sâu và bề rộng. Vì vậy, nghĩa của thành ngữ thường mang tính triết lí sâu sắc, thâm thuý, hàm súc.

    - Tính biểu cảm: Mỗi thành ngữ thường mang sắc thái biểu cảm, thể hiện cả thái độ đánh giá và tình cảm của con người.

    - Tính cân đối, có nhịp và có thể có vần.

    2. Điển cố

    Điển cố chính là những sự việc trước đây, hay câu chữ trong sách đời trứơc được dẫn ra và sử dụng lồng ghép vào bài văn vào lời nói để nói về những đều tương tự. Mỗi điển cố như một sự việc tiêu biểu, điển hình mà chỉ cần gợi nhắc đến là đã chứa đựng điều định nói cho nên điển cố có tính ngắn gọn hàm súc chi thâm thuý.

    - Lưu ý: Điển cố không có tính chất cố định về cấu tạo như thành ngữ. điển cố xuất phát từ những sự kiện, sự tích cụ thể trong các văn bản quá khứ hoặc trong cuộc sống đã qua để nói lên những diều khái quát trong cuộc sống của con người. Điển cố cũng thường có hình thức ngắn gọn nhưng nội dung ý nghĩa lại hàm súc.

    <><><><><><><><><><><><><><>

    Tìm hiểu thành ngữ "Tu ! Tu Hú" & Điển cố Chim Tu Hú

    Sự tích chim tu hú


    Thieugia: Liên quan đến loài chim này, Thiều gia đọc được một câu chuyện dưới đây. Thực hư câu chuyện này như thế nào nhưng xét thấy đây là câu chuyện rất hay, rất có ý nghĩa vậy nên xin được chép ra đây để ai thích thì đọc.
    <><><>

    Ngày xưa có hai nhà sư Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian dài tu luyện thì bỗng một hôm, Năng Nhẫn được đức Phật độ cho thành chính quả.

    Bất Nhẫn thấy mình tu hành không kém gì bạn mà không được hưởng may mắn như bạn thì rất buồn bực. Chàng đến trước tòa sen hết sức kêu nài với đức Phật bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật bảo chàng: - "Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng nhẫn nhục trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ rồi sẽ theo bạn cũng chưa muộn".

    Bất Nhẫn nghe lời bèn lên núi chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Chàng cương quyết ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.

    Và từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri vô giác. Những con sâu con kiến bò khắp mình chàng. Những con thú cà vào thân chàng. Những con chim ỉa phẹt lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ một mực tâm tâm niệm niệm nghĩa lý cao thâm của đạo Phật.

    Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết liễu cuộc tu luyện. Một hôm tự dưng có hai vợ chồng con chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc trứng nở, những con chim non kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.

    Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Bất Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây. Hôm đó, đến lượt con chim vợ đi tìm thức ăn cho con.

    Suốt một buổi chiều nó vẫn không kiếm được một chút gì. Mãi đến gần tối lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ mới thấy một con nhện đang giăng tơ trong một đóa hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn mình vào giữa những cánh hoa làm cho chim mất công tìm mãi. Không ngờ hoa sen vừa tắt ánh mặt trời đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó.

    Ở nhà, chim chồng hết bay đi kiếm vợ lại trở về. Đàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm. Mãi đến sáng mai, chờ lúc hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen vợ, chim chồng mắng nhiếc vợ hết lời. Nhưng chim vợ vẫn hết sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả buổi sáng và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn con khóc đói chíu chít điếc cả tai. Nhè lúc vợ chồng chim cãi vã đến chỗ găng nhất, Bất Nhẫn bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vứt mạnh xuống đất và nói: - "Đồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ".

    Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ trong chốc lát.

    Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ kiếm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông nước chảy xiết, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới chịu nghỉ tay.

    Lần này Bất Nhẫn tỏ ra một người rất nhẫn nại. Tuy bến sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra việc gì.

    Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tự nhiên tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Hắn có vẻ là vợ một viên quan sở tại; chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn:

    - Chú nhớ chèo cho vững nghe không. Che mui cho kín. Nếu để chúng ta mà ướt thì liệu chừng kẻo roi quắn đít đó.

    Nghe nói thế Bất Nhẫn đã hơi bực, nhưng chàng nín được và vẫn giữ vẻ mặt tươi cười đáp:

    - Bà và cậu đừng sợ gì cả. Tôi xin cố sức.

    Rồi chàng vận dụng hết tài nghề để đưa hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:

    - Ta quên khuấy đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ.

    Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:

    - Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ ở gậm giường. Thế nào nhà ngươi cũng phải gắng sang lấy cho ta một lần nữa.

    Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẵn đã chỉ tay vào mặt:

    - Cút đi đồ chó ghẻ! Tao có phải sinh ra để hầu hạ mẹ con nhà mày mãi đâu.

    Nhưng người đàn bà ấy vốn là đức Phật Quan âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó; bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:

    - Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục, như thế thì tu gì mà tu. Có tu hú!

    Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi.

    Phật bà Quan âm sau đó bắt Bất Nhẫn hóa thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn với Phật bà.

    Lần sửa cuối bởi nhan_voky; 17-10-2014 lúc 10:56 AM

  2. #2
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Lúa Chiêm

    Dân Việt - Hàng năm ở đồng bằng Bắc bộ, có hai vụ lúa cổ truyền là vụ mùa(*) và vụ chiêm. Từ khi đưa vào cơ cấu gieo trồng các giống lúa xuân (xuân sớm, chính vụ và xuân muộn) thì vụ chiêm có thêm tên gọi là vụ chiêm xuân.

    Vụ lúa chiêm thường được gieo cấy vào cuối năm âm lịch và thu hoạch vào hè năm sau. Đầu vụ thường gặp rét, từ giữa vụ nóng dần lên và có mưa rào. Lúa chiêm kỳ làm đòng rất cần các yếu tố dưỡng chất thiên nhiên, trong đó có chất được tạo nên nhờ tác nhân sấm chớp cơn giông. Vì thế, dân gian có câu:

    “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
    Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!”

    Ngày xưa, Bắc bộ chỉ có giống lúa cần nhiều nước nên hàng năm gieo cấy mỗi một vụ lúa vào mùa mưa nhiều (hè thu), gọi là vụ mùa. Vụ chiêm xuất hiện khi có giống lúa xuất xứ từ đất Chiêm Thành quen chịu khí hậu khô của Trung bộ, được đưa ra Bắc gieo cấy vào mùa ít mưa (đông xuân) rất thích hợp. Thành ngữ “Chiêm Nam mùa Bắc” ý là vậy.


    “Đất tổ” của lúa chiêm - Chiêm Thành hay còn gọi Chăm Pa, là miền đất chạy dài từ nam đèo Ngang (Quảng Bình) đến Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là một “cựu vương quốc” tồn tại từ thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 19, chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Ðộ giáo, Phật giáo và văn hóa Hồi giáo…

    Tổ tiên người Chiêm đã có một nền văn hóa phát triển rực rỡ là văn hóa Sa Huỳnh. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 là thời hoàng kim của vương quốc Chiêm Thành, thời kỳ mà văn hóa Chăm nở rộ, phong phú nhất.

    Chính thời kỳ này đã hình thành nên Thánh địa Mỹ Sơn - một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là một di sản văn hóa thế giới của Việt Nam hôm nay.

    ___________
    (*) Lúa chiêm thường gặt vào tháng 5 (dân gian thường cúng tết 5.5 chính là tết cúng lúa mới để tạ ơn trời đất); lúa mùa thường thu hoạch vào dịp tháng 10 AL
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  3. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    Chiều heo may


    Mùa thu đến. Miền đồng bằng Bắc Bộ quê tôi rười rượi gió heo may. Cũng là gió, nhưng gió heo may kỳ lạ lắm. Nó không ầm ào gào thét, gieo rắc cái lạnh thấu xương như gió mùa Đông Bắc.

    Cũng không hầm hập nóng, vắt kiệt đi từng giọt nước trong cơ thể như ngọn gió Lào giữa hè. Gió heo may là sự giao hòa, đồng thuận giữa trời và đất ban cho quê tôi để mùa thu thêm phần thi vị. Gió về, cả không gian ngập tràn bầu không khí mát mẻ, âm điệu làng quê dịu dàng với hoa reo, lá vỗ. Hương lúa hoài thai sinh nở, hương thị chín đưa mọi người nhớ chị Tấm nhân từ...


    Tuổi thơ, tôi đã bao lần tắm trong chiều heo may trên con đê làng ăm ắp nước. Hằng ngày, khi mặt trời neo đậu ở ngọn núi phía Tây, lũ trẻ chúng tôi lục tục đưa trâu bò ra triền đê gặm cỏ, ngả mình trên triền đê ngắm trời thu thăm thẳm xanh cao. Gió heo may thổi bay mái tóc, mơn man da thịt, rủ rỉ chuyện trò. Nắng chiều hắt xuống mặt sông những ước mơ tinh nghịch.

    Mười mấy năm rồi, mùa thu này tôi mới có dịp về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, tắm trong chiều heo may, nhớ lại tuổi thơ mình. Làng xóm quê tôi đã mới lên nhiều lắm, nhưng con đê vẫn như xưa, giữ bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Tôi thả mình trên triền cỏ, mơ màng như tuổi ấu thơ, quên đi bao vất vả miếng cơm manh áo mấy chục năm dài. Bầy chim chấp chới, thả vào trời tiếng ngân thánh thót, đẩy chiều thu lên cao hơn. Gió heo may quê nhà đã theo tôi đi cùng trời cuối đất để còn mãi trong tôi những xúc cảm dạt dào...

    Minh_anh
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  4. #4
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    486
    Thanks
    30
    Thanked 48 Times in 42 Posts
    Mùa Gió

    Gió chướng là loại gió chỉ có ở miền Tây Nam Bộ: Khi cuối mùa khô (tháng 11-4 năm sau), dịp sau Tết AL, nước sông Cửu Long cạn kiệt nhất, có gió thổi mạnh ngược dòng sông Tiền, sông Hậu mang theo hơi mặn của biển. Lúc này, nước ngọt thấp thì nước mặn tràn ngược từ biển vào rất sâu trong lục địa do địa hình bằng phẳng, có khi vào sâu tới 100km. Gió thổi ngược sông gây khó chịu cho con người và sinh vật nói chung nên nhân dân Tây Nam Bộ gọi là "Gió chướng", nghĩa là gió không thuận lợi.


    + Gió Nồm là cách gọi của đồng bằng Bắc Bộ: Gió Nồm thổi vào mùa Hạ, từ Đông Nam thổi về, mang theo hơi nước nên gió mát mẻ, người dễ chịu. Đôi khi độ ẩm quá cao, gió về ẩm thêm gây ra ẩm ướt nền nhà nên dân ta gọi là "bị Nồm". Còn thông thường, gió Nồm gây ra mát mẻ cho con người và vạn vật.

    + Gió Bắc thực chất là gió mùa Đông Bắc thổi vào đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu vào mùa Đông và đôi khi vào mùa Xuân cũng có. Gió này manh theo không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc tràn sang, gây lạnh hoặc giá rét, vào mùa Xuân kèm theo mưa phùn gây ướt át khó chịu, dân Bắc Bộ còn gọi là gió Bấc (gió bấc mưa phùn). Vẫn loại gió này, khi thổi vào Bắc Trung Bộ (Thanh Nghệ Tĩnh...) lại mang theo hơi lạnh từ biển vào, thường gây ra mưa nhiều và rét lạnh (do hướng bờ biển vuông góc với hướng gió). Cứ gió mùa Đông Bắc về là đồng bằng Bắc Bộ lạnh, còn Bắc Trung Bộ lại kèm theo mưa lạnh.

    + Gió Heo may: Cách nói của người dân đồng bằng Bắc Bộ, chỉ loại gió hướng Tây Bắc thổi về dịp có bão xa ở ngoài Biển Đông (phía Bắc bán cầu có gió bão thổi xoáy ngược chiều kim đồng hồ). Khi có gió này là sắp có bão về ("gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão"). Gió này không phải gió mùa Đông Bắc vì do ảnh hưởng của xoáy bão chứ không do nguồn gió lạnh từ lục địa Trung Quốc thổi sang.

    + Còn nhiều loại gió mà từng khu vực người dân gọi quen thuộc và khác biệt. Ở Tây Nguyên, khi có bão ngoài Biển Đông là trên đó có mưa nhiều...Ở Bình Thuận, dịp cuối Xuân (tháng 3-4) có gió Đông Bắc thổi rất mạnh, mang theo gió khô nóng lắm vì thổi qua vùng cát nóng. Gió thổi mạnh và khô nóng như gió Lào nhưng không phải gió Lào.

    Gió Lào là gió gặp ở Bắc Trung Bộ, đôi khi ảnh hưởng đến đồng bằng Bắc Bộ. Gió Lào trong thuật ngữ Khí tượng gọi là "gió Phơn", thường gặp vào tháng 5-6. Khi đó là mùa mưa ở Cambodia và Lào, gió thổi dọc sông Mekong mang hơi nước về làm mưa nhiều; sau đó gió khô vượt qua dãy Trường Sơn sang bên Vietnam (phần Bắc Trung Bộ) gây ra gió nóng khô, rất khó chịu, đôi khi Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều.

    Trên đây chỉ là một vài loại gió chính của các vùng thường gọi, không đại diện cho cả nước mà chỉ cho từng vùng nhất định. Các bạn đọc tham khảo thêm.
    Đèn mờ như ánh sao rơi,
    Đời như ly rượu đầy vơi, đầy vơi nghĩa gì.
    Rót thêm chén nữa đi em,
    Kẻo rồi quá muộn, kẻo đêm sắp tàn.

  5. #5
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts
    THU SANG VỀ MIỀN TÂY ĐÓN MÙA NƯỚC NỔI


    Khi cái gay gắt của nắng hạ không còn thiêu đốt cũng là lúc miền Tây bước vào “mùa nước nổi”. Khoảng thời gian đặc biệt ấy đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, một kỷ niệm không thể quên khi nhớ về quê nhà.

    Hằng năm, cứ vào tháng 8, 9 âm lịch, nước từ đầu nguồn sông Mekong cuồn cuộn đổ về với tốc độ nhanh như chớp. Nước về An Giang, Đồng Tháp sớm nhất, sau đó mới “chạy” xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang… Lúc này, người miệt sông nước đã chuẩn bị sẵn lưới, giăng câu, lợp, lờ, đó, đăng… để đón bầy cá từ thượng nguồn.

    Vài tháng trời, khu chợ quê tràn ngập cá linh, cá lóc, cá trê, cá rô, cá chạch, lươn, rùa, rắn, chuột đồng… rồi bông điên điển, bông súng đồng, bông so đũa… thật mướt mắt. Thích nhất là cá rô đồng to hơn hai ngón tay, thịt ngọt thơm nấu gì cũng ngon, từ kho tộ, kho tiêu, nấu canh chua bông súng hay chiên xù. Rồi những con cá linh nhảy tanh tách nấu canh bông điên điển, chuột đồng nướng vàng ruộm… tất cả là bữa tiệc dân dã ngon miệng vô cùng.

    Mùa này, rừng tràm Trà Sư đã tràn nước, mang theo từng mảng bèo tấm xanh mướt phủ khắp bến bờ. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, chậm rãi buông mái chèo, du khách an nhàn ngắm tia nắng lấp lánh xuyên qua đám rừng già, hít căng hương hoa tràm thơm ngát. Kia là thế giới sinh động của vô số loài chim quý: cò, diệc, cồng cộc, chích, le le, gà nước, điên điển… thản nhiên bay mà không thèm quan tâm đến những vị khách lạ.

    Vào mùa nước nổi, đến với những khu chợ nổi tiếng trong vùng như Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái Bè… bạn sẽ hòa mình vào thế giới thu nhỏ của vùng sông nước với đủ sản phẩm miệt vườn. Đôi khi không cần mua hàng, chỉ ngắm xoài, cam, chôm chôm, thanh long, bưởi xanh tươi… cũng no con mắt. Xen lẫn trong tiếng máy nổ là tiếng nói cười rộn rã của khách đi chợ, tiếng mời dịu ngọt của tiểu thương. Chợ vãn mà vẫn vẹn nguyên cảm giác bồng bềnh trên mỗi khúc sông, làm lòng ai nấn ná chẳng muốn ra về.

    <><><><>

    Mùa nước nổi, săn cá và chuột ở miền Tây

    Miền Tây mùa mênh mang sóng nước, thu hút đông đảo người bản xứ và khách thập phương tới đây bắt cá linh, săn chuột đồng béo nung núc... để thưởng thức những món khoái khẩu trời ban.

    Khi ngồi trên chiếc xuồng ba lá lênh đênh giữa cánh đồng trắng xóa nước rồi giăng lưới bắt cá linh hoặc lúc ì ụp ở bờ ruộng bắt chuột đồng, nhiều du khách thốt lên “Quá trời thích thú!” theo cách nói của người miền Tây.


    Món chuột đồng khìa nước dừa.

    Thả lưới, buông cần

    Mùa nước nổi, cá linh theo con nước từ Biển Hồ đổ về các nhánh kênh, sông ở miền Tây. Lúc này, cá linh đã lớn, to cỡ ngón chân cái, béo ú, tụ thành từng đàn nhung nhúc. Cách bắt cá truyền thống của người dân nơi đây là dùng lưới hay mùng cũ thả chìm xuống đáy sông, giữ bốn góc rồi rải cám, mỡ lên trên. Khi cá ham mồi theo đàn vào trong thì kéo dây, túm lưới lại kéo lên.

    Khi nước lớn, cá đồng theo con nước tràn ra sông để thỏa sức vẫy vùng. Đây là thời điểm thích hợp để nhàn tản ngồi thả câu vì rất khó bắt chúng bằng lưới. Cá rô non vào sát bờ, bám vào rễ cây, hốc đất để trú và kiếm mồi. Mỗi người một chiếc cần nhỏ, vài con tép làm mồi, ngồi bên bờ sông mát rượi mà tận hưởng cái thú giật cần, gỡ cá.


    Nếu thích không khí sôi động pha lẫn hồi hộp, du khách có thể theo dân địa phương ra đồng săn chuột đồng, bắt ếch. Người thành phố thường không tránh khỏi những pha “vồ ếch” vì không quen chạy trên mặt đê, bờ ruộng. Lấm lem bùn đất nhưng phá lên cười sảng khoái.

    Tận hưởng chuột nướng

    Để đủ vị cho bữa cơm chiều, du khách theo chân các thiếu nữ miền Tây tha thướt trong áo bà ba, nón lá chèo xuồng ra giữa đồng hái bông điên điển, bông súng. Đây là những thứ không thể thiếu để ghép đôi với cá, với tôm, làm nên bữa cơm đậm đà hương vị vùng đất bác Ba Phi.

    Cá lóc đồng thường được nướng trui. Thịt vừa chắc, vừa ngọt, vừa thơm. Đem cuốn lá sen non mới hái dưới đầm, kèm với cà chua, dưa leo, chấm nước mắm chua ngọt. Cắn một miếng, lưỡi và mũi đã no nê hương vị.

    Từ cá linh, bà con miền Tây chế biến thành hàng chục món khác nhau. Cá non thì đổ bánh xèo, nhúng bột chiên giòn, nấu canh chua bông điên điển. Cá lớn thì dùng kẹp tre nướng trui, kho mía rục xương, kho lạt sả ớt, ăn kèm với bông súng, rau đắng, chuối chát, kèo nèo... Đặc sắc nhất có lẽ là cá linh nấu điên điển. Nồi canh có vị chua của me, vị béo của cá, vị thơm của gia vị, vị đăng đắng của rau vàng ruộm, lại thêm gió sông lồng lộng phụ họa, ai không thấy ngon miệng?

    Lạ miệng hơn nữa là món chuột đồng nướng lu thơm lừng, khìa nước dừa béo ngậy. Chuột múp míp vì ăn lúa được nhúng vào nước sôi để làm sạch lông, nướng để khử mùi tanh, ướp ngũ vị hương, sả, ớt, tỏi, đường, muối rồi khìa trên chảo mỡ hoặc dầu ăn. Đợi cho thịt săn, đổ nước dừa xiêm vào xâm xấp, đun lửa liu riu cho nước cạn, thịt ngả màu vàng ruộm.

    Người miền Tây cho rằng, chuột đồng khìa nước dừa chấm với cẩm tương (tương xay, sả, ớt, tỏi, nước cốt dừa, đậu phộng rang đâm nhuyễn với đường), ăn với rau rừng mới là sành điệu.

  6. #6
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    4. Mùa Cốm


    Khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng cùng với con gió heo may thổi về cũng là lúc Hà Nội vào thu.

    Mùa thu Hà Nội rất đẹp với những làn nắng vàng dịu, bay nhẹ nhàng trong gió. Và thoang thoảng khắp không gian của làng Vòng, hương lúa nếp thơm lừng từng con ngõ để những mẻ cốm xanh mượt, nõn nà chào đón mùa thu.

    Đặc sản "Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có 2 vụ: vụ chiêm chỉ có cốm vào tháng Tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng Bảy đến tháng Mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội. Cũng không phải ngẫu nhiên mà thứ quà mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca "Hà Nội mùa thu..., mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp thế nên từ xa xưa, làng Vòng đã nổi tiếng với đặc sản cốm:

    Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
    Tương bần, húng Láng còn gì ngon hơn!

    Hà Nội có rất nhiều món quà đặc sản nhưng không món nào thơm thảo đượm chất đồng quê như hạt cốm xanh. Và dù nhiều làng làm cốm, song cốm làng Vòng vẫn được đánh giá là đầu bảng với vị dẻo ngọt và cả cái sự kỳ công của người làm. Khi lúa vừa chín độ ngả bóng câu thì người ta cắt lúa đem về tuốt hạt, sàng sảy bớt vỏ và tạp chất. Các bà, các cô khéo léo đãi nếp trong bể nước để chọn hạt mảy, căng bóng, sau đó nếp được đem rang bằng chảo gang đúc, đế dày, đảm bảo giữ nhiệt đều. Ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút, bởi nếu đốt bằng than lửa sẽ không đượm không đều nên người làng Vòng chọn củi để đốt lửa. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng người trông bếp phải lựa để bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy.


    Cốm rang xong khi còn nóng là đem giã ngay. Chiếc cối đá được chôn dưới nền nhà để đảm bảo độ đầm, và tránh tiếng ồn. Mỗi chiếc cối như vậy có thể chứa được khoảng 5kg cốm, vừa giã vừa đảo luôn tay từ trên xuống rồi lại dưới lên. Trước đây, khi giã cốm phải cần 2 người, một người đạp chày, một người ngồi đảo tay nhưng nay công đoạn đã được cải tiến bằng máy móc nên chỉ cần 1 người ngồi lo khâu đảo cốm sao cho đều.

    Cốm sau khi giã khoảng 10 phút thấy có trấu thì được đem sàng xảy bớt vỏ, rồi lại đổ vào cối giã tiếp. Cứ như thế giã đến lần thứ 5 thì cốm bắt đầu phân loại. Mỗi loại lại được giã riêng 2 lần nữa mới xong. Cốm làng Vòng ăn vào thấy thơm hương lúa nếp, man mác ngọn gió thu và thoang thoảng mùi lá sen, lá ráy. Người ta gói cốm vào lá sen để hương sen ôm trọn vào lòng hương cốm thơm thanh khiết. Và bên trong những chiếc lá sen đó là những chiếc lá ráy tươi non, căng bóng nhựa sống, chỉ để giữ mãi màu cốm xanh dịu, giúp cho hạt cốm vẫn dẻo và mềm, thơm mùi nếp tươi.

    Cốm không phải để ăn no, người Hà Nội ăn cốm như một thức quà vặt mộc mạc, giản dị nhưng ai cũng háo hức mỗi mùa cốm về. Cốm được người Hà Nội chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, có khi cốm làm nguyên liệu chính, có khi là thực phẩm làm tăng mùi vị trong món ăn khi chế biến. Nhưng dù thế nào thì vẫn không mất đi hương vị thanh khiết trong từng hạt cốm nhỏ.

    Mỗi độ thu về, hương vị đặc trưng của cốm như góp phần làm cho sắc thu Hà Nội thêm nồng nàn, thêm lắng đọng.
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  7. #7
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jan 2013
    Bài gửi
    308
    Thanks
    19
    Thanked 36 Times in 33 Posts
    Nguồn Gốc Của “Đĩ”


    Ngày xưa có cô bé tên là “Gái” rất xinh đẹp, xinh lắm cơ đấy.

    Khi còn nhỏ và đang ở với gia đình Gái là một cô bé hiền lành và cực dễ thương. Cô yêu thiên nhiên, cô yêu cỏ cây hoa lá, yêu bầu trời đầy trăng sao và cả những bầu trời có mây đen kìn kịt…, cô yêu tất cả mọi người.


    Lớn một tí, khi bước vào cái tuổi “dậy thì” thì tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người, nhất là những người khác giới lại ngày càng… mãnh liệt. Càng lớn, Gái càng yêu lắm cái tình yêu trai gái, và nhằm thỏa mãn cho cái “tình yêu” kỳ dị ấy, Gái đặt ra cái lịch là mỗi ngày yêu một người…


    Cứ như thế, Gái yêu đâu được hơn nửa tháng hay hai chục ngày gì đó. Một bữa, mới sáng sớm Gái chợt nhớ nhà bèn tranh thủ bỏ yêu chạy về thăm. Vữa nhìn thấy Gái, mẹ liền nói “Mày đúng là con Đĩ !” Cả làng nghe thấy thế, từ đấy gọi Gái là “Đĩ”...


    Đĩ có nguồn gốc như thế.

    Hết !

    Tp.HCM, ngày 08.1.2015
    Bach_ho theo facebook Nhan_Voky

  8. #8
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Những điều thú vị về hầu đồng có thể bạn chưa biết

    TPO - Hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời. Trong một vài năm trở lại đây, tín ngưỡng này nở rộ, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tín ngưỡng hầu đồng nên có thể lạm dụng hoặc xem đây là trò “mê tín”.


    Hầu đồng là gì?

    Hầu đồng là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần… Về bản chất, lên đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Để phục vụ cho nghi lễ quan trọng này người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát văn (hát chầu văn) để phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh.


    Hoàng Quốc Việt một trong những hầu đồng Hot nhất VN

    Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "cậu", nữ giới được gọi là "cô hoặc bà đồng". "Cậu" thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt... Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều "giá". Đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền rộng rãi 36 giá hầu đồng. Trên thực tế tuỳ từng nhóm người tham gia mà diễn xướng nhiều hay ít các giá hầu đồng.

    Lễ vật hầu đồng

    Lễ vật gồm có chén đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Chính giữa là một cái gương trên phủ một chiếc khăn thêu. Hai bên bục và trước kỷ bày bốn mâm lễ Tứ Phủ mỗi mâm có chín quả trứng, một cái lược, một cái quạt, một đôi guốc, chín vuông vải màu phủ lên trên. Màu phải là màu chính của Tứ Phủ (xanh, đỏ, trắng và vàng). Bên cạnh mâm lễ có một cái chung nhỏ, một cái thau nhỏ. Cứ mỗi lễ phải thay một hình nhân (nộm) và bốn lốt. Bên cạnh mâm lễ Tứ phủ là mâm lễ sơn trang, mà bất cứ thứ lễ gì cũng phải chia ra làm 13 phần. Một phần lớn bày ở giữa còn 12 phần nhỏ bày xung quanh. Cạnh đó là một mâm hài sơn trang (hoặc giống) màu. Mũi hài có thêu hình chim phượng. Một trăm vàng thoi (giấy vàng xếp thành thoi).


    Dương Bảo Quang, hầu đồng nổi tiếng xứ Thanh

    Lễ mặn sơn trang gồm: có ốc, tôm, cá khô, cua (13 hoặc 15 con), mực, nếp cẩm, dừa tươi…

    Lễ sơn trang về đồ chay thường có: 1 mâm hoa quả gồm khế chua, sung chát, gừng cay, chanh ớt, dứa…ở dưới bệ. Thường thì tán lộc sơn trang ở giá chầu bé hoặc cô bé hoặc bất kì giá chầu hoặc cô miền thượng.

    Trước bàn thờ bầy đủ các loại mã và một chiếc thuyền rồng hình cánh phượng có 12 hình nhân chèo thuyền, một đôi ngựa và một đôi voi có đủ yên cương và hàm thiếc. Những đồ dùng mã người ta sẽ hóa (đốt) sau khi lễ xong.

    Ngày nay lễ vật có thay đổi đôi chút tùy nơi, tuy nhiên vẫn phải giữ căn bản tối thiểu tùy đồng tiền dâng cúng.

    Trình tự một buổi hầu đồng

    Bắt đầu buổi hầu đồng, người ta đặt các lễ vật lên hương án. Người hầu đồng để các dụng cụ lên chiếu đồng, bước lên chiếu đồng, lấy hoa xoa lên mặt, quần áo rồi vẩy xung quanh để tẩy uế. Cung văn lên giây đàn, dạo nhạc, hát văn cộng đồng.

    Ba động tác tiên khởi mà người hầu đồng phải làm là: Chấp tay chờ cho phụ đồng phủ khăn diên lên đầu trùm cả tay xong thì đưa tay lên trán rồi bước chân trái lên một bước, chân phải chụm lên với chân trái, lặp lại thêm hai lần mới quỳ xuống. Người hầu đồng làm lễ vái dập người, hai tay chống xuống chiếu, mặt úp sát, vái ba lễ. Sau đó đứng dậy đi dật lùi ba bước về vị trí cũ. Giá đệ nhất được bắt đầu.


    Dương Bảo Quang

    Cũng như giá đầu, khi sang một giá khác, người hầu đồng sau khi thay đổi trang phục và lễ cụ sẽ bước lên chiếu đồng, cung văn chuẩn bị tấu nhạc. Người hầu đồng, chit xoa khăn vái, ngồi xếp bằng. Người phụ đồng kính cẩn đưa một chiếc khăn phủ diện mầu đỏ. Hầu đồng cầm khăn, vái mấy vái rồi phủ lên đầu, hai tay cầm hai mép khăn phủ ở đầu gối. Một lúc sau đầu hầu đồng lắc lư, đảo đảo rồi bất ngờ hét lên một tiếng, chỉ ngón trỏ trái lên trời. Đó là dấu hiệu giá quan lớn đệ nhất nhập đồng.

    Trình tự của một giá đồng

    1. Thay Lễ phục

    2. Dâng hương hành lễ

    3. Lễ thánh giáng

    4. Múa đồng

    5. Ban Lộc và nghe Văn chầu

    6. Thánh thăng

    Hiện, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị xã hội và văn hoá, một số người lợi dụng nghi lễ hầu đồng vì lợi ích cá nhân. Hầu đồng là để yên căn, yên số, yên bản mệnh, xin sự an lành của chính mình chứ không phải là nơi xin “lộc, lá”.

    Tổng hợp
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  9. #9
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Nguồn gốc bánh... răng bừa !


    Bánh răng rừa là loại đặc sản có nguồn gốc từ nước Cộng Hòa Nhân Dân Thanh Hóa.

    Bánh răng bừa có nguồn gốc hình thành và phát triển từ thời nhà Lê. Đây là loại bánh xưa làm để dâng vua trong lễ hội "tịch điền".

    Tương truyền, hôm vua Lê về làng dự lễ hội "tịch điền", đang cày giữa buổi thì nhà vua đói bụng mới nói với vào trong bờ : "Xem có cái chi ăn không bay, đói quá rồi !". Phần do không chuẩn bị, phần do vua đói "đột xuất" nên bấy giờ, có một bà lão nông dân nghĩa ra cách làm bánh gạo tẻ nhỏ chỉ bằng ngón tay (mục đích cho mau chín) để kịp dâng vua.

    Khi vua nhà Lê vừa cày hết đường cày vòng trở lại, đã thấy có nguyên cả rổ bánh được dâng lên.


    Phần vì ở thôn quê không có đồ ăn vặt, ăn xế như chốn cung đình, phần vì bì bõm sáng giờ dưới ruộng nước nên đói. Vua nhìn thấy những chiếc bánh nho nhỏ, xinh xinh bèn làm một lèo hết hơn... chục cái. Thấy ngon quá, vua cứ thế "xơi".Một nhát, khi đã lưng lửng cái bụng, bấy giờ "ngài" mới ngẩng lên hỏi nhân dân: "Bánh chi mà ngon rứa bay ?".

    Nguyên vì nhà vua đói, mọi người vội vã làm bánh "tiến dâng" nên nhất thời chẳng ai biết bánh ấy là bánh gì. Khi nghe vua nói, dân làng Kẻ Cham (Lam Kinh - Thọ Xuân) mới giật mình, sợ vua trách tội khi quân, dám dâng loại bánh không có nguồn gốc rõ ràng. Cả làng còn đang xám cả mặt, quỳ lạy thề thốt, cam đoan với vua bánh làm bằng gạo tẻ không pha, không hàn the... chợt có người nhanh ý, nhìn thấy bánh giống như những chiếc răng bừa đang vứt lổng nhổng trên bờ ruộng bèn tiến lên tâu: "Dạ, bẩm báo Hoàng thượng ! Bánh mà ngài đang ăn chính là bánh răng bừa đấy ạ !". Vua Lê nghe vậy phán "Ngon, ngon... đúng là vừa ngon vừa chất mà lại phản ánh đúng với thực tế. Thứ bánh này... thật chỉ có Quê Choa mới có - Vua cứ một hai trầm trồ, lát sau lại tiếp - Các khanh ! Nhớ làm nhiều nhiều vào rồi đem ra cho dân các nơi người ta thưởng thức mí, để cho họ ăn, họ biết cái ngon, cái hay, cái ý vị của đất nước và con người xứ Thanh ta".


    Cái bừa, ý tưởng của nghệ thuật ẩm thực

    Vâng mệnh vua, từ bấy giờ bánh răng bừa không chỉ nổi tiếng khắp nơi trên non nước xứ Thanh, mà miếng ngon còn vọt đến tận tai người Lào, vượt qua biên giới Nghệ An, Ninh Bình, khiến dân khắp xứ Bắc Hà hễ nghe nói đến bánh "răng bừa" của quê hương Hoa Thanh Quế là thôi rồi, dải nhớt chảy... tong tỏng .

    ____________________ Hết _________________

    Tp.HCM, ngày 08.11.2016
    Thanh Hoa kiều: Thiều Ngọc Sơn.
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  10. #10
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    TẬP TỤC TRONG TANG LỄ

    Tang lễ là những lễ nghi được đặt ra để bày tỏ lòng thương xót và kính thờ người chết. Người Việt Nam coi tang lễ cha mẹ là quan trọng nhất.

    Khi cha mẹ hấp hối thì phải khiêng ra giữa nhà để tỏ rằng cha mẹ chết một cách quang minh chính đáng. Lúc này phải đặt tên hiệu, tên thụy, còn gọi là tên cúng cơm, rồi thưa cho cha mẹ biết để sau này mỗi khi cúng giỗ, nghe con cháu khấn tên thì cha mẹ về dự lễ. Lại lấy một miếng lụa trắng dài đặt lên mặt, có người nói đặt lên ngực (1) để hồn người sắp chết nhập vào, rồi kết thành hình người, gọi là hồn bạch.

    Khi tắt thở rồi thì tang chủ (người chủ lễ, thường là con trai trưởng) lấy một chiếc đũa để ngang hàm, dùng một miếng khăn hoặc một miếng giấy phủ lên mặt để tránh ma quỷ ám hại. Xong, khiêng xác đặt xuống đất, rồi lại khiêng lên giường, mong rằng người chết hấp thụ sinh khí của đất, may ra sống lại. Phan Kế Bính cho rằng tục này mang ý nghĩa là người ta bởi đất sinh ra thì khi chết lại về đất (2). Có lẽ Phan Kế Bính đã chịu ảnh hưởng của Đạo Thiên Chúa chăng ?

    Người con cầm cái áo của người chết mới thay, đi đường phía trước trèo lên mái nhà hú vía ba lần (lễ phục hồn, chiêu hồn) :
    - Ba hồn, bảy vía, cha đâu về với con !

    Hoặc :
    - Ba hồn, chín vía mẹ đâu về với con!

    Ấy là tỏ cái ý những mong cha mẹ sống lại. Theo quan niệm của Đạo giáo thì phách (hay vía) là phần tinh thần của người phải phụ vào xác mới tồn tại, khi người chết thì tan đi, còn hồn là phần tinh thần không có xác vẫn tồn tại được.

    Hú vía xong tụt xuống bằng lối phía sau. Mang áo vừa được hú vía phủ lên xác. Dùng nước thơm tắm rửa cho người chết (lễ mộc dục ), chải tóc, cắt móng tay móng chân, thay quần áo mới. Con trai tắm rửa cho cha, con gái tắm rửa cho mẹ. Người chết được mặc quần áo sang trọng hay đơn sơ tùy theo nhà giàu hay nghèo, có chức tước hay không, chết già hay chết trẻ. Các đồ dùng và nước tắm của lễ mộc dục được đem chôn.

    Sau đó làm lễ phạn hàm, hay ngậm hàm. Bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi phải thành ma đói ( ngạ quỷ). Tiền dùng để đi đò hay qua cầu sang bên kia thế giới. Những người lúc sống ăn ở bạc ác thì lúc chết linh hồn phải qua cầu Nại Hà. Người lương thiện được qua cầu Kim Ngân. Ngày xưa nhà giàu dùng gạo và vàng, ngọc để làm lễ phạn hàm.

    Từ lúc mặc quần áo đẹp cho người chết xong, con cháu không mặc đồ tốt đẹp, chải chuốt. Ngược lại, càng ăn mặc tiều tụy càng tỏ lòng hiếu thảo.
    Tiếp đến là lễ khâm liệm. Khâm liệm là dùng vải bọc xác trước khi đặt vào áo quan. Xác được chèn đồ bổ khuyết, bọc kín và buộc chặt thành một khối vuông vức. Lúc đặt xác vào áo quan (lễ nhập quan), lót giấy bản, rắc bỏng hay trà khô để đề phòng hút nước do xác tiết ra. Nhiều nhà mời thầy phù thủy làm lễ phạt mộc(chém gỗ). Một tay cầm dao, tay kia cầm bó hương, thầy phù thủy vừa niệm thần chú, vừa quát tháo, vừa chém vào thành áo quan để trừ ma quỷ còn ẩn nấp trong áo quan và trong những tấm ván.

    Phạt mộc xong, thầy phù thủy bỏ vào trong áo quan một miếng ván đục hình chòm sao bắc đẩu, gọi là ván thất tinh (bảy ngôi sao). Gia đình nghèo thì chỉ vẽ chòm sao lên một mảnh giấy.

    Ván thất tinh có công dụng gì ?

    Theo quan niệm của Đạo giáo thì trên cõi trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế và nhiều vị thần ngự trị. Trong số các vị thần được người đời thờ kính có Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị thần chuyên ghi chép và kiểm soát sổ sinh, sổ tử của loài người.
    Chòm sao bắc đẩu (đại hùng tinh) tượng trưng cho thần Bắc Đẩu. Bỏ tấm ván thất tinh vào trong quan tài, người ta hi vọng rằng linh hồn người chết sẽ được vị thần giữ sổ tử che chở.
    Người nào chết nhằm giờ xấu thì phải bỏ thêm vào áo quan một cỗ bài tổ tôm, ngày nay có chỗ dùng bộ bài tây, một quyển lịch tàu hoặc lịch ta.
    Tục này mang ý nghĩa gì ?
    Chữ bài (hán việt, bộ thủ), nghĩa là trừ bỏ, và chữ lịch (bộ chỉ) nghĩa là trải qua, vượt qua.
    Chết nhằm giờ xấu, người ta dùng bộ bài, quyển lịch để trừ bỏ điều xấu, vượt qua được mọi khó khăn.
    Nhiều nhà còn dán thêm bùa bên trong và bên ngoài áo quan để trừ khử ma quỷ. Có nhà dùng tàu lá gồi thay cho quyển lịch. Lá gồi trừ được thần trùng (2)(3).
    Nhập quan rồi, chèn thêm đồ bổ khuyết, đậy nắp áo quan, gắn sơn, đóng cá hoặc đóng đinh cho kín.
    Linh cữu được khiêng ra đặt giữa nhà, trên nóc bày một bát cơm úp, cắm một chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn (có nơi gọi là chiếc đũa bông), một quả trứng luộc, ba nén hương.
    Bát cơm, quả trứng, có thể là bữa ăn để linh hồn người chết khỏi trở thành ma đói. Nhưng chiếc đũa có gai nhọn thì chắc chắn không phải là để dùng ăn cơm. Không ai có thể ăn với một chiếc đũa như thế.
    Vậy chiếc đũa gai này mang ý nghĩa gì ?
    Chiếc đũa chữ hán việt là khoái (bộ trúc). Chữ khoái (bộ tâm) có nhiều nghĩa : sướng thích, nhanh chóng, sắc bén, và lính đi bắt giặc cướp.
    Cái gai nhọn chữ hán việt là thứ (bộ đao), thứ còn có nghĩa là đâm chết.
    Chiếc đũa gai tượng trưng cho một tên lính đi bắt và đâm chết giặc cướp, được người xưa dùng làm bùa trừ ma quỷ.
    Nếu trong gia đình còn người ở bậc cao hơn người chết thì đặt linh cữu ở gian bên cạnh, đầu quay ra ngoài sân hoặc quay về hướng nam.
    Sau vài ba ngày, chờ con cháu ở xa về đông đủ, thì làm lễ thành phục, cũng gọi là phát tang. Gặp mùa nóng bức hoặc lúc có bệnh dịch thì phát tang sớm hơn. Con cháu, họ hàng, tùy theo thứ bậc mà mặc đồ tang. Đồ tang của người vắng mặt được đặt trên linh cữu.
    Luật xưa quy định rõ ràng năm hạng quần áo, mũ khăn, cùng thời hạn để tang.
    Làm lễ nhập quan rồi nhưng chưa phát tang thì con cháu còn được phép cưới, gọi là cưới chạy tang.
    Nhà nào rộng rãi, giàu sang thì đặt linh sàng (giường của linh hồn người chết) và linh tọa (bàn thờ linh hồn).
    Buổi sáng bưng chậu nước, khăn mặt vào linh sàng, khóc ba tiếng rồi rước hồn bạch ra linh tọa, lúc đó mới dâng cúng cơm nước. Buổi tối dâng cúng xong, lại rước hồn bạch vào linh sàng, buông màn đắp chăn rồi mới trở ra. Nhà nghèo thì treo hồn bạch vào linh tọa, rồi làm lễ dâng cúng. Lễ này gọi là lễchiêu tịch điện.
    Trong mấy ngày linh cữu còn quàn trong nhà, nhiều gia đình mời phường bát âm thổi kèn, đánh trống đệm cho con cháu khóc, và mỗi khi có người tới phúng viếng. Nhà giàu lại còn thuê người khóc mướn cho tăng vẻ thương nhớ, sầu thảm.
    Trước hôm đưa ma thì làm lễ thiên cữu (xê dịch linh cữu). Rước linh cữu sang nhà thờ tổ làm lễ yết tổ rồi đưa trở về chỗ cũ. Có nhà rước hồn bạch đi làm lễ. Không có nhà thờ tổ thì xoay linh cữu một vòng rồi lại đặt vào chỗ cũ.
    Đến ngày phát dẫn (đưa đám), làm lễ khiển diện (tiễn biệt), rồi rước linh cữu lên đại dư (xe đòn). Có nhà làm lễ cáo thần đạo lộ, xin phép cho đám tang bắt đầu lên đường. Bắt đầu cuộc phát dẫn. Tuỳ theo đám ma to hay nhỏ, cách sắp đặt cũng như thứ tự tuần hành có đôi phần khác nhau.
    Đi mở đường là hai phương tướng mặc quần áo đạo sĩ, đeo mặt nạ dữ tợn, cầm gươm xua đuổi ma quỷ. Có khi phương tướng được làm bằng giấy hoặc vẽ vào tấm mộc, cho trẻ con vác.
    Tiếp theo làthể kì, một bức hoành trắng do hai người khiêng, viết bốn chữ theo vài công thức có sẵn để đọc lên người lạ cũng có thể biết người chết là đàn ông hay đàn bà. Thí dụ cha chết thì viết câu Hỗ sơn vân ám (núi Hỗ mây che, theo điển tích xưa thì núi Hỗ là nơi tưởng nhớ cha). Mẹ chết thì viết câu Dĩ lĩnh vân mê (núi Dĩ mây mờ, núi Dĩ là nơi ngóng mẹ).
    Sau thể kì đến minh tinh làm bằng một tấm lụa hay vóc màu đỏ dùng để ghi chức tước, họ tên, thụy hiệu người chết. Đây là chỗ để các gia đình danh giá đua nhau dài dòng minh tinh, đem hết phẩm hàm ra khoe. Nhà nghèo thì dùng giấy điều buộc lên cành tre cho một đứa bé cầm.
    Kế tiếp là hương án bày đồ thờ và thực án bày đồ ăn.
    Rồi đến linh xa chở hồn bạch, có phường bát âm đi kèm bên. Một người cầm biển đan triệu bằng giấy viết hai chữ trung tín hay trinh thuận tuỳ theo người chết là đàn ông hay đàn bà.
    Tiếp theo là cờ công bố dẫn đường cho phu khiêng đại dư.
    Nhà giàu thường che linh cữu bằng cái nhà táng trang hoàng lộng lẫy, hoặc một chiếc thuyền bát nhã bằng giấy nếu người chết là một Phật tử. Có nhà thắp thêm bảy cây nến xếp thành hình chòm sao bắc đẩu trên nắp linh cữu(1).
    Tục ta mong muốn cho người chết được yên nghỉ, cho nên phu khiêng linh cữu, đại dư phải chú ý đi đứng nhẹ nhàng, ngay ngắn. Nhiều nhà cho đặt một chén nước đầy trên linh cữu, nếu trong suốt lúc di chuyển, khiêng vác, nước không sánh ra ngoài thì phu khiêng sẽ được thưởng tiền.
    Cha đưa mẹ đón. Đám tang cha, con trai chống gậy tre theo sau quan tài. Đám tang mẹ, con trai chống gậy vông (ngày xưa gọi là cây đồng) nửa dưới đẽo vuông, nửa trên vót tròn, đi giật lùi đằng trước quan tài. Con trai nào vắng mặt thì treo cái gậy của người ấy ở đầu đòn đại dư. Nếu có con trai nào chết trước thì con trai của người này (hoặc người được ăn lập tự) phải chống gậy thay cha.

    Còn nữa...
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •