Hiện kết quả từ 1 tới 6 của 6

Chủ đề: Tiểu Hiểu Chiến Dịch "Đả Hổ Diệt Ruồi" Do Tập Cận Bình Khởi Sướng

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts

    Tiểu Hiểu Chiến Dịch "Đả Hổ Diệt Ruồi" Do Tập Cận Bình Khởi Sướng

    Chiến dịch 'đả hổ' của ông Tập Cận Bình



    03/08/2014 09:00

    Kể từ khi lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012 và nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3.2013, ông Tập Cận Bình hay cảnh báo nạn tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng và cam kết không dung thứ bất kỳ quan chức tham nhũng nào, dù thuộc dạng “hổ hay ruồi”.


    Ông Tập Cận Bình (trước) tại kỳ họp quốc hội của Trung Quốc vào tháng 3.2014 - Ảnh: Reuters

    Đại lão hổ

    Bằng chứng thuyết phục nhất từ trước tới nay cho thấy ông Tập đã thực hiện cam kết trên là ngày 29.7, giới lãnh đạo Trung Quốc công bố quyết định điều tra “đại lão hổ” Chu Vĩnh Khang (71 tuổi), người từng nắm vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương (2007 - 2012), với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ ám chỉ tham nhũng. Đây là lần đầu tiên một cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị bị điều tra tham nhũng vì Trung Quốc lâu nay có luật bất thành văn là ủy viên Thường vụ dù đương nhiệm hay về hưu cũng “không thể bị đụng tới”, theo tờ South China Morning Post. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo trong năm 2013 đã có 31 quan chức cấp cao bị điều tra, gồm có cả cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh và ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ nghiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước đồng thời là cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Hai ông này được cho là nằm trong số hơn 10 quan chức có cấp bậc tương đương thứ trưởng trở lên bị điều tra liên quan đến vụ ông Chu.

    Chiến dịch “đả hổ” của ông Tập cũng không loại trừ quân đội. Đầu tháng 4.2014, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Cốc Tuấn Sơn chính thức bị truy tố tội tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực, trở thành sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án quân sự nước này kể từ năm 2006. Sau đó gần 3 tháng, Tân Hoa xã đưa tin ông Từ Tài Hậu (71 tuổi), cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), cựu Ủy viên Bộ Chính trị, bị khai trừ đảng để điều tra tham nhũng.

    Công cụ cho cải cách
    Nhiều nguồn tin gần gũi với giới lãnh đạo Trung Quốc mới đây tiết lộ với Reuters cuộc điều tra nội bộ được thực hiện trong năm 2013 cho thấy có khoảng 30% quan chức trong đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc dính đến tham nhũng. Các nguồn tin khẳng định cho đến nay, ông Tập chưa gặp sự phản đối lớn về chiến dịch chống tham nhũng từ các đảng viên lão thành hoặc những quan chức khác, bất chấp việc họ có nguy cơ trở thành người kế tiếp bị “hạ bệ”. Tuy nhiên, hiện vẫn có giới hạn về số quan tham mà ông Tập có thể trừng trị. Một quan chức nhận định với Reuters: “Nếu ông Tập tấn công tất cả quan chức tham nhũng, chính phủ sẽ bị tê liệt”.

    Theo các nguồn tin, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn dùng nỗ lực chống tham nhũng làm công cụ cho chiến lược cải cách. Cụ thể, ông Tập hy vọng việc loại trừ quan tham và những nhân vật bảo thủ sẽ giúp ông củng cố quyền lực và có thể thực hiện suôn sẻ những cải cách “khó nuốt” về kinh tế, tư pháp và quân đội mà ông cho rằng có vai trò quyết định đối với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một quan chức khác trích lời ông Tập thừa nhận việc thực hiện cải cách đang gặp nhiều khó khăn do có sự phản đối từ nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng nhóm đảng viên lão thành có ảnh hưởng lớn và con cháu của họ. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước và con cháu của nhóm đảng viên nói trên được cho là hưởng nhiều đặc quyền trong một số ngành nên không chấp nhận thay đổi. Do đó, ông Tập dùng chiến dịch loại quan tham để buộc những người có đầu óc bảo thủ phải nhượng bộ và ủng hộ cải cách. Ngoài ra, một nguồn tin cấp cao khác khẳng định với Reuters: “Chống tham nhũng chỉ là phương tiện, mục tiêu là đưa những người thân cận của ông ấy và quan chức cấp tiến vào các vị trí quan trọng để đẩy mạnh cải cách”.

    Ngôi sao đang lên

    Ngày 1.8, Reuters dẫn 2 nguồn tin cấp cao từ Trung Quốc tiết lộ ông Tập có thể cất nhắc một người dám tố cáo tham nhũng trong quân đội, giúp mở đường cho cuộc điều tra ông Từ và ông Cốc, vào CMC tại Hội nghị trung ương 4 khóa 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10. Người đó chính là Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên, con trai cả của cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (1898 -1969) và là bạn của ông Tập. Trong đó có một nguồn tin khẳng định thượng tướng Lưu (62 tuổi) ít nhất sẽ trở thành ủy viên hoặc phó chủ tịch CMC.

    Ba nguồn tin khác tiết lộ nhà ông Lưu hiện được thắt chặt an ninh sau khi ông này bị dọa giết vì đã phơi bày nạn tham nhũng trong quân đội. Các nguồn tin nhận định với Reuters rằng ông Lưu có năng lực cũng như quyết tâm chống tham nhũng và việc đưa ông này vào CMC sẽ góp phần đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của ông Tập. Tại Đại hội đảng khóa 18 vào tháng 11.2012, ông Lưu không được cất nhắc vì bị xem là gần gũi với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người “ngã ngựa” sau vụ bê bối liên quan đến vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood do vợ ông là bà Cốc Khai Lai chủ mưu. Trong đợt thị sát các đơn vị quân sự ở tỉnh Phúc Kiến ngày 30.7, ông Tập tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt vào nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội, theo Reuters.

    Để có được những người mình tin cậy, ông Tập tìm chọn những quan chức có đầu óc cải cách từ Đại học Thanh Hoa, một trong những trường danh tiếng ở Trung Quốc, và ở một số tỉnh khác. Tuy nhiên, tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập làm bí thư tỉnh trong giai đoạn 2002 - 2007, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển chọn “người tài” của ông, theo một số nguồn tin cấp cao tiết lộ với Reuters. Chiết Giang, nằm phía nam Thượng Hải, từ lâu đã đi đầu trong công cuộc cải cách kinh tế, khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân tập trung ở đó, giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Cụ thể, ông Tập có kế hoạch đưa khoảng 200 quan chức Chiết Giang có đầu óc cải cách vào các vị trí quan trọng của đảng, chính phủ và quân đội trong vài năm tới. Ông Tập còn cử nhiều quan chức Chiết Giang đến các tỉnh khác công tác. Chẳng hạn, theo các nguồn tin, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Hạ Bảo Long đang là ứng viên hàng đầu để nhận nhiệm vụ đầy khó khăn là lãnh đạo Khu tự trị Tân Cương trong năm nay hoặc năm tới để sau đó có thể trở thành ủy viên Bộ Chính trị năm 2017. Ngoài ra, một trong những người thân cận nhất của Chủ tịch Tập là Chung Thiệu Quân, cũng từ Chiết Giang, có thể sẽ thăng tiến trong PLA dù ông bước vào con đường binh nghiệp chưa được bao lâu, theo 2 nguồn tin gần gũi với PLA nhận định với Reuters. Hồi năm ngoái, trong một động thái bất thường, Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm ông Chung giữ chức Phó chánh văn phòng Quân ủy trung ương, trong khi ông Chung được xem là chuyên về ngoại giao.

    Bach_djen theo internet
    Lần sửa cuối bởi bach_djen; 06-12-2014 lúc 04:35 PM

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts
    Cháy 4 máy đếm tiền khi kiểm kê tài sản của 'quan tham' ở Trung Quốc

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Không loại trừ một ai trong chiến dịch chống tham nhũng.


    01.11.2014 | 08:12 AM

    Theo Tân Hoa Xã, các điều tra viên chống tham nhũng ở Trung Quốc vừa phát hiện ra lượng tiền mặt khổng lồ tại nhà riêng của thuộc sở hữu của Ngụy Bằng Viễn, một quan chức cao cấp phụ trách ngành than tại Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia.

    Một công tố viên cho hay, lượng tiền mặt thu được tài nhà ông Ngụy lên tới hơn 200 triệu NDT (tương đương 32 triệu USD). Đây là một trong những khoản tiến mặt lớn nhất được tìm thấy trong các vụ điều tra tham nhũng cho đến nay.

    Được biết, sự việc trên nằm trong chiến dịch chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Kể từ khi phát động, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có hơn 13.000 quan chức bị kết tội tham nhũng và hối lộ.


    Tham quan: Ngụy Bằng Viễn

    Theo báo An ninh Thủ đô, trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay lần này, ông Tập Cận Bình muốn nhắm tới cả “hổ” và “ruồi”, không trừ một ai – kể cả những thành viên cao cấp của Đảng – có thể thoát khỏi các đợt thanh, kiểm tra. Bởi vậy, trong số những nhân vật bị nhắm tới, có không ít chính trị gia “nặng ký” ở Trung Quốc, như Phó chủ tịch Quốc hội hay cựu Bộ trưởng công an. Dẫn tin tức từ báo Tài Tân của Trung Quốc, báo Tuổi trẻ cho biết: Cục trưởng Cục chống tham ô hối lộ thuộc viện kiểm sát Trung Quốc Từ Tiến Huy hôm 31/10 cho biết tổng số tiền mà ông Ngụy cất giấu trong nhà khoảng 200 triệu NDT (tức 32,7 triệu USD). “Lúc Ngụy bị giải đi, tiền mặt trong nhà Ngụy lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ. Nhà chức trách đã phải điều 16 máy đếm tiền để đếm hết số tiền mặt trên. Do hoạt động quá nhiều, 4 máy đếm tiền đã bị cháy” - báo Tài Tân cho biết.

    Giới chuyên gia thậm chí còn cho rằng tỷ lệ quan chức Trung Quốc tự tử tăng vọt gần đây là do áp lực từ chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của ông Tập.

    Bach_djen (Tổng hợp)
    Lần sửa cuối bởi bach_djen; 06-12-2014 lúc 04:47 PM

  3. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    281
    Thanks
    18
    Thanked 46 Times in 39 Posts
    Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị bắt


    Chu Vĩnh Khang


    Thứ bảy, 6/12/2014 | 07:01 GMT+7

    Truyền thông Trung Quốc hôm nay cho biết cựu ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đã bị bắt và đang được chuyển sang cơ quan tư pháp, sau khi ông bị khai trừ khỏi đảng.
    Cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đã "làm rò rỉ bí mật của đảng và quốc gia", Xinhua cho hay. Ông Chu còn "nhận nhiều khoản tiền lớn và tài sản trực tiếp hoặc thông qua gia đình".

    Theo báo cáo từ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chu "lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước". Ông này cũng "thừa nhận có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền". "Những việc ông Chu làm hoàn toàn lệch khỏi bản chất cũng như sứ mệnh của đảng, vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng", thông báo Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết. "Hành vi của Chu hủy hoại uy tín đảng, gây tổn hại lớn đến sự nghiệp của đảng và nhân dân, mang đến hậu quả nghiêm trọng". Ngoại tình không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm qua có nhiều thông tin đảng viên nước này có nhiều tình nhân, gây mất uy tín của đảng. Bắc Kinh hồi tháng 6 tuyên bố các quan chức phạm tội liên quan đến chuyện tình cảm "có thể bị cách chức hoặc khai trừ đảng". Ông Chu hiện là thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra kể từ sau khi "Bè lũ bốn tên", trong đó có vợ của Mao Trạch Đông, bị xét xử năm 1980. Thông báo chính thức mở đường cho điều tra hình sự, thường dẫn đến phán quyết có tội và sau đó là một án tù.


    Phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của ông Chu Vĩnh Khang. Danh sách những người từng có đầy quyền lực quanh ông Chu. Đồ họa: BBC.

    Ông Chu từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong những năm 1990 và giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999 - 2002, sau đó làm bộ trưởng công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Ông về hưu trong một cuộc chuyển giao quyền lực năm 2012.

    Khi còn đương nhiệm, ông Chu có mối quan hệ rộng rãi trong ngành dầu khí và công an. Cả hai lĩnh vực này đều đang là mục tiêu điều tra của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cựu ủy viên Bộ Chính trị không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng qua kể từ cuối năm 2012. Các nguồn tin khi đó cho rằng ông đang bị chính quyền điều tra tội danh tham nhũng và bị quản thúc tại gia.

    Như Tâm

  4. #4
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Thế trận vây bắt Chu Vĩnh Khang

    Từ vòng ngoài vào vòng trong, từ địa phương lên trung ương, từ khối doanh nghiệp sang khối nhà nước là các bước trong thế trận điều tra cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang.

    Tháng 7/2012, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) chọn Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, làm địa điểm tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo tập đoàn. Tổng giám đốc khi đó là ông Tưởng Khiết Mẫn, tuyên bố CNPC sẽ hỗ trợ xây dựng Tứ Xuyên thành căn cứ địa của nền công nghiệp khí đốt Trung Quốc. Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành cũng tham dự hội nghị, tỏ thái độ sẽ tiếp tục ủng hộ CNPC phát triển tại tỉnh này.

    Theo Caixin, hội nghị lần này tập trung các tay chân thân tín của ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khi đó là Chu Vĩnh Khang. Ngoài Tưởng Khiết Mẫn và Lý Xuân Thành, còn có các lãnh đạo cấp cao khác của CNPC và tỉnh Tứ Xuyên như Vương Vĩnh Xuân, Lý Hoa Lâm, Vương Đạo Phú, Quách Vĩnh Tường.


    Mạng lưới thân tín của Chu Vĩnh Khang. Đồ họa: BBC

    Cuối năm đó, Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, Chu Vĩnh Khang về hưu theo quy định. Nhưng, một số thân tín của Chu được thăng chức trong kỳ đại hội này. Tưởng Khiết Mẫn và thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh trở thành ủy viên trung ương đảng, Lý Xuân Thành và Vương Vĩnh Xuân là ủy viên dự khuyết trung ương đảng

    Cũng trong năm 2012, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức và khai trừ khỏi đảng, mở đường cho vụ xét án tham nhũng gây chấn động chính trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Bạc được cho là có quan hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang. Vụ án Bạc Hy Lai thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của giới lãnh đạo mới Trung Quốc, dấy nên dự đoán về một cuộc điều tra ở cấp cao hơn.

    Khuấy động quan trường Tứ Xuyên

    Ngày 2/12/2012, Phó bí thư tỉnh ủy Lý Xuân Thành, người vừa vào trung ương đảng chưa đầy một tháng, bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) bắt giữ. Theo một số nhân chứng giấu tên kể lại, khi bị bắt, Lý yêu cầu được vào nhà vệ sinh để hủy sim điện thoại cá nhân.

    Việc Lý bị bắt gây chấn động trong quan trường và giới doanh nghiệp tỉnh Tứ Xuyên. Trong vòng bốn tháng sau đó, một loạt chủ doanh nghiệp sân sau của Lý Xuân Thành bị bắt giữ để phục vụ điều tra, như Chủ tịch Tập đoàn Lang Tửu Uông Tuấn Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thành Đô Trương Tuấn và Chủ tịch Tập đoàn Hán Long Lưu Hán. Các doanh nghiệp này cũng đều có quan hệ làm ăn với người thân của Chu Vĩnh Khang.

    Tháng 6/2013, nguyên phó chủ tịch tỉnh Quách Vĩnh Tường bị điều tra. Quách từng là thư ký của Chu Vĩnh Khang trong một thời gian dài, từ thời Chu còn lãnh đạo CNPC đến khi nhậm chức ở Tứ Xuyên.

    Nửa cuối năm 2013, một loạt các quan chức cấp huyện và thành phố trực thuộc tỉnh Tứ Xuyên cũng bị điều tra. Các quan chức này đều từng tạo điều kiện cho các công ty của người thân Chu Vĩnh Khang làm ăn trục lợi phi pháp.

    Ngày 29/12/2013, Lý Sùng Hỷ, chủ tịch Ủy ban Chính hiệp Tứ Xuyên, bị chính thức điều tra. Lý là quan chức địa phương rất được lòng Chu Vĩnh Khang, từng được Chu đề bạt vào chức phó bí thư tỉnh ủy.

    "Quan trường và thương trường Tứ Xuyên coi như kinh qua một cuộc tẩy bài. Ngoài ngành dầu khí ra, Tứ Xuyên là một đại bản doanh khác của Chu Vĩnh Khang", một quan chức ngành kiểm sát cho biết.

    Đột kích ngành dầu khí

    Gian đoạn 1996-1998, Chu Vĩnh Khang giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNCP), công ty năng lượng lớn nhất nước này. Ảnh trên được chụp khi Chu trò chuyện với các sinh viên Đại học Dầu khí Tây An vào thời điểm ông còn giữ chức phó tổng giám đốc. Ảnh: Sina
    Ngày 4/8/2013, thương nhân Ngô Binh bị bắt tại ga tây Bắc Kinh, khi cố trốn chạy khỏi thủ đô. Ngô Binh là bạn thời đại học và là trung gian làm ăn của Chu Bân, con trai trưởng của Chu Vĩnh Khang.

    Việc Ngô bị bắt được cho là bước đầu tiên nhằm vào mạng lưới thân tín của Chu trong ngành dầu khí. Trước khi bước vào chính trường, Chu Vĩnh Khang từng có nhiều năm lãnh đạo CNPC.

    Trong hai ngày 26 và 27/8/2013, bốn quan chức cấp cao của CNPC bị chính thức điều tra. Trong đó có Phó tổng giám đốc Vương Vĩnh Xuân, người mới trở thành ủy viên dự khuyết trung ưởng đảng. Vương cũng là người phụ trách mỏ dầu Đại Khánh, đơn vị công tác đầu tiên của Chu Vĩnh Khang.

    "Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng", một quan chức ngành dầu khí cho biết. "Không phải không có người liên tưởng đến việc ở Tứ Xuyên, nhưng mọi người đều nghĩ rằng 'ông trùm' không sao cả".

    Cựu tổng giám đốc CNPC Tưởng Khiết Mẫn cũng tin rằng nếu "ông trùm" Chu Vĩnh Khang còn đứng vững, thì bản thân mình cũng sẽ không có vấn đề gì. Tưởng khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản nhà nước (SASAC), cơ quan phụ trách giám sát các công ty nhà nước.

    Ngày công bố quyết định điều tra các quan chức CNPC, Tưởng được yêu cầu tránh mặt, quyết định do phó chủ nhiệm Trương Nghị tuyên đọc. Bốn ngày sau, ngày 31/8/2013, Tưởng Khiết Mẫn bị bắt.

    "Trong đầu Tưởng chỉ có nhà họ Chu, lại muốn leo cao hơn nữa, nên muốn lấy lòng Chu Bân bằng cách tạo điều kiện làm ăn phi pháp", ông Mã Phú Tài, người tiền nhiệm của Tưởng Khiết Mẫn cho biết.

    Chấn động Ủy ban Chính pháp

    Việc Tưởng Khiết Mẫn bị bắt được cho là bước đi quyết định, phá vỡ bức tường lửa bảo vệ của toàn bộ phe nhóm Chu Vĩnh Khang. Cuối năm 2013, Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh bị bắt, đánh dấu những nước cờ cuối cùng trong thế trận điều tra cựu trùm an ninh.

    Năm 2002, Chu Vĩnh Khang đảm nhiệm chức bộ trưởng Công an, phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật hay Ủy ban Chính pháp. Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực này, quản các lĩnh vực an ninh, công an, tòa án, kiểm sát.

    Trước khi chuyển sang bộ Công an, Lý từng là phó tổng giám đốc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), phụ trách mảng tin thời sự. "Lý Đông Sinh không giỏi nghiệp vụ truyền hình, nhưng rất biết lấy lòng lãnh đạo", một cựu lãnh đạo của CCTV cho biết.

    Theo một số trang tin nước ngoài, chính Lý là người làm mối cho Chu Vĩnh Khang và người vợ thứ hai, bà Giả Hiểu Diệp. Giả từng là biên tập viên kênh truyền hình kinh tế của CCTV.

    Năm 2007, do bị tố cáo có hành vi tham nhũng, Lý trượt mất cơ hội trở thành ủy viên trung ương đảng, nhưng không bị điều tra và vẫn giữ chức phó ban tuyên truyền trung ương. "Nghe đâu là Chu Vĩnh Khang giúp Lý Đông Sinh giải quyết việc này", cựu lãnh đạo trên nói.

    Hai năm sau, Lý được Chu thuyên chuyển sang làm thứ trưởng Công an, dù không có kinh nghiệm trong ngành an ninh. Lý phụ trách mảng chống tà giáo. Tháng 12/2012, Lý Đông Sinh được bầu vào trung ương đảng, như ước muốn 5 năm về trước.

    "Chu Vĩnh Khang là nhân vật đặc biệt, từng nắm quyền lớn trong ngành dầu khí, tỉnh Tứ Xuyên và Ủy ban Chính pháp. Vì vậy, việc điều tra một tập đoàn tham nhũng lớn như vậy là một thách thức với giới lãnh đạo và những người thừa hành", bà Hồ Thư Lập, tổng biên tập Caixin, bình luận.

    Theo bà Hồ, chiến lược của Bắc Kinh là đánh từ vòng ngoài vào vòng trong, từ địa phương lên trung ương, từ khối doanh nghiệp sang khối nhà nước. "Bất kể là trong lĩnh vực nào, cũng bắt kẻ cầm đầu trước. Sau khi có chứng cứ sơ bộ đủ để cấu thành tối trạng, lập tức tiến hành bắt giữ, thẩm tra, phá vỡ mạng lưới quan hệ của cả nhóm", bà nói.

    Cuối tháng 9/2013, vì lý do chính trị, Chu Bân buộc phải về nước và bị giam lỏng tại một căn biệt thự gần sân bay. Ngày 1/12, con trưởng của cựu trùm an ninh bị chính thức bắt giữ. Vợ và bố vợ của Chu Bân là Hoàng Uyển và Hoàng Du Sinh, cũng bị bắt để phục vụ điều tra.

    Một tuần sau, biệt thự của nhà họ Chu ở quê nhà Vô Tích cũng bị lục soát. Ngày 18/12/2013, gia đình Chu Nguyên Thanh, em trai thứ ba của Chu Vĩnh Khang bị bắt và áp giải lên Bắc Kinh phục vụ công tác điều tra.

    Không chịu được sức ép từ cuộc điều tra, Chu Nguyên Hưng, người em thứ của Chu Vĩnh Khang, vốn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương, mất vào sáng sớm ngày 10/2/2014.

    Chưa đầy nửa năm sau, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định điều tra cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, do nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ngày 6/12, Chu chính thức bị bắt và vụ án được chuyển sang cơ quan tư pháp, sau khi ông bị khai trừ khỏi đảng. Ông bị cáo buộc "tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền".

    Đức Dương (theo Caixin)
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  5. #5
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts
    Trung Quốc điều tra em vợ Lệnh Kế Hoạch


    Phó giám đốc công an tỉnh Hắc Long Giang Cốc Nguyên Húc, em vợ cựu chánh văn phòng trung ương đảng Lệnh Kế Hoạch, đang bị điều tra.


    Cốc Nguyên Húc lúc còn làm phó giám đốc công an tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Caixin.

    Caixin hôm nay đưa tin tên của Cốc Nguyên Húc đã bị gỡ khỏi trang mạng của chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, một tỉnh phía bắc Trung Quốc.

    Theo một nguồn tin giấu tên, sau khi anh rể là Lệnh Kế Hoạch bị điều tra vì bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hôm 22/12, Cốc cũng bị người ở Bắc Kinh dẫn đi. Cốc sinh năm 1963, tốt nghiệp đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ông này từng làm giám sát hậu cần tại chương trình "Vùng trời phương Đông" của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Trong thời gian làm việc ở CCTV, đồng nghiệp đánh giá Cốc là người có trình độ không nổi trội, nhưng rất nhanh nhẹn. Cốc sau đó được chuyển đi, thăng chức làm phó giám đốc đài truyền hình tỉnh Ninh Hạ, phía tây Trung Quốc. Sau 3 năm do bị đánh giá là "chưa đủ năng lực để làm giám đốc", ông này trở lại Bắc Kinh, vào làm ở Cục chống khủng bố, Bộ Công an.

    Năm 2010, Cốc được điều đi làm phó giám đốc công an tỉnh Hắc Long Giang trong 2 năm. Tuy nhiên, khi hết nhiệm kỳ tháng 9/2012, Cốc vẫn tiếp tục ở lại công an tỉnh Hắc Long Giang, đảm nhận thêm chức bí thư đảng ủy công an tỉnh và chủ nhiệm văn phòng chống khủng bố của tỉnh.

    Theo báo Haiwai, vụ điều tra Cốc nằm trong chiến dịch điều tra Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Lệnh Kế Hoạch là một trong "tứ hổ" bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Ba "hổ" còn lại là Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ bộ chính trị; Từ Tài Hậu, phó chủ tịch quân ủy trung ương; Tô Vinh, phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc.

    Hồng Hạnh
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  6. #6
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    'Đả hổ diệt ruồi' - mạnh tay nhưng vẫn gây ngờ vực


    Dù giới lãnh đạo Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng có vẻ rất gắt gao và chặt chẽ nhưng nỗ lực này cũng không ngăn được những ngờ vực trong dân chúng.

    Một quan chức nhà đất bị ghi hình khi đang âu yếm nữ nhân viên tại quán karaoke; 41 đảng viên tại Vân Nam bị khai trừ vì sử dụng heroin và ma túy đá; tổng giám đốc một công ty nông nghiệp nhà nước lĩnh án tử hình vì bỏ túi 55 triệu USD tiền hối lộ. Những tin tức như trên, liên quan tới hành vi phạm tội của giới quan chức, thời gian gần đây xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

    "Người dân Trung Quốc bình thường như chúng tôi thấy vui khi chứng kiến các quan chức tham nhũng phải chịu hình phạt thích đáng", New York Times dẫn lời ông Yang Tianrong, 75 tuổi, một người lính về hưu, nói. Ông hiện sống gần một khu nghỉ dưỡng ven biển ở phía đông thủ đô Bắc Kinh, cũng là quê hương của một quan chức ngành nước. Người này xuất hiện liên tục trên mặt báo sau khi chính quyền cho biết tìm thấy khoảng một tấn tiền mặt, trị giá hơn 20 triệu USD cất giấu trong hầm nhà ông ta.

    Hoài nghi sâu sắc

    Sau hai năm theo dõi chính quyền thực hiện chiến dịch quy mô nhằm chống lại những hành động phi pháp của giới quan chức, nhiều người dân vẫn giữ thái độ hoài nghi sâu sắc và luôn tự hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể xóa bỏ hoàn toàn những hành vi vụ lợi đã từ lâu tràn ngập trong cơ chế quan liêu của Trung Quốc hay không.

    Một số người nghĩ ông Tập thật sự nghiêm túc trong việc loại trừ vấn nạn tham nhũng. Nhiều quan chức cũng đã thu mình lại, cảnh giác hơn mỗi khi muốn làm điều gì phi pháp. Nhưng một phần dân chúng vẫn tỏ ra nghi ngờ, cho rằng vấn đề sẽ lập tức trở lại một khi chiến dịch chống tham nhũng kết thúc.

    "Tham nhũng là một thứ gì đó mà bạn không bao giờ có thể nhổ tận gốc. Xử lý xong nhóm quan chức này thì nhóm khác sẽ xuất hiện và thế chỗ", Gong Qiang, một lái xe taxi ở Bắc Kinh, nói. "Nó giống như việc phát quang những đám tỏi tây vậy, hôm nay bạn cắt chúng đi nhưng rồi những mầm mới sẽ lại mọc lên trên bề mặt".


    Chu Vĩnh Khang, một quan chức cao cấp bị bắt

    Các lãnh đạo đảng những ngày gần đây tái khẳng định quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời thể hiện mối lo ngại về việc những hành động phản kháng sẽ xuất hiện trong nội bộ đảng Cộng sản với hơn 86 triệu thành viên.

    Trong một bài bình luận đăng hôm 11/1, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, thẳng thắn lên án những quan chức có suy nghĩ cho rằng chiến dịch đang làm tổn hại hình ảnh của đảng khi phơi bày quá chi tiết thực trạng tham nhũng. Bài viết cũng khiển trách những người nói trấn áp tham nhũng sẽ chỉ khiến các nhân viên chính phủ ngồi yên một chỗ thay vì làm những công việc có thể khiến họ rơi vào rắc rối.

    "Gửi những cán bộ vẫn đang than vãn về việc có quá nhiều cuộc điều tra, thăm dò được thực hiện, tốt hơn hết các bạn hãy nhanh chân lên và thích ứng với các tiêu chuẩn mới", bài báo viết.

    Dù ngờ vực nhưng người dân vẫn cho hay họ khá ấn tượng trước quy mô và tầm vóc của các quan chức bị hạ bệ. Năm ngoái, gần 72.000 cán bộ bị điều tra, trong đó có tới 68 quan chức cấp cao.

    Mặt khác, một số chuyên gia lại tin rằng ông Tập chỉ đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng như một phương tiện để răn đe các thế lực chống đối cũng như củng cố thêm quyền lực. Nếu không có những thay đổi mang tính hệ thống, bao gồm cả việc nâng cao sự minh bạch và tự do báo chí, các hành vi phạm pháp sẽ tái diễn.

    "Thật sự chiến dịch chống tham nhũng cũng có những tác động tích cực không thể phủ nhận nhưng dường như nó giống với một nước cờ chính trị hơn", Murong Xuecun, nhà phê bình xã hội, thường xuyên viết về nạn lạm dụng quyền lực, bình luận.

    Zhu Ruifeng, phóng viên tự do chuyên sử dụng mạng Internet để vạch mặt các quan chức có hành vi sai trái, nhận định các nhân viên điều tra tham nhũng thường không mấy quan tâm tới khiếu nại của những dân thường Trung Quốc.

    Người ta cảm thấy thất vọng khi các quan chức tham nhũng tại địa phương mình vẫn chưa bị điều tra. "Dân chúng đều phấn khích với ý tưởng tự mình có thể làm sạch những thối rữa trong bộ máy nhà nước, nhưng khi cố gắng báo cáo về những quan chức tham nhũng tại quê hương mình, họ ngay lập tức phải đối mặt với thực tế phũ phàng", ông Zhu nói.

    Trên trang web Giám sát từ Nhân dân (People’s Supervision), Zhu thêm rằng một số vụ việc quan chức làm sai mà ông phát hiện những tháng gần đây vẫn chưa được xử lý. "Chính quyền có kế hoạch và suy tính riêng trong việc chọn mục tiêu theo đuổi, đây là lý do vì sao người dân cảm thấy thất vọng về chiến dịch này", ông nhấn mạnh.

    Trong một nghiên cứu gần đây, Geremie R. Barme, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, còn chỉ ra rằng con cháu của lớp lãnh đạo đầu tiên ở Trung Quốc, những người được gọi là "thế hệ đỏ thứ hai" của quốc gia, nếu có làm sai điều gì thì đều bằng cách nào đó thoát khỏi những hình phạt nặng.

    Tìm hiểu một cuộc điều tra công khai hơn 40 quan chức cấp cao ở Trung Quốc vào năm ngoái, giáo sư Barme nhận thấy tất cả những người này đều thuộc "tầng lớp bình dân", đi lên từ nguồn gốc khiêm tốn. Ngược lại, "thế hệ đỏ thứ hai" dường như được miễn các tội trạng nặng và đều không bị xử lý công khai.

    "Không ít người thuộc tầng lớp quý tộc, hay con cháu của các bậc lãnh đạo từ thời Mao Trạch Đông, có liên quan tới các hành vi tham nhũng", ông viết trong một bài nghiên cứu đăng vào tháng 10 năm ngoái. "Nhưng giống với những bậc tinh hoa có mạng lưới quan hệ rộng rãi khác, họ 'hạ cánh an toàn' với các chiêu bài như bí mật thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu sớm để tránh tai ương hay lặng lẽ bổ nhiệm lại chức vụ".

    Chán nản từ địa phương

    Tại Bắc Đới Hà, thị trấn ven biển nơi các đảng viên cao niên của Trung Quốc cùng gia đình thường lui tới nghỉ dưỡng vào mùa hè, những mâu thuẫn trong tư tưởng của người dân cũng hiện hữu tương đối rõ nét. Trong mấy tháng trở lại đây, cả thành phố sững sờ trước tin Mã Siêu Quần, nguyên tổng giám đốc một công ty cấp thoát nước đô thị, bị bắt giữ với nhiều tội danh, trong đó có việc đòi tiền lại quả trong một dự án cấp nước.

    Ông Mã bị cáo buộc trữ hơn 37 kg vàng, 40 thùng tiền mặt và sổ đỏ của 68 ngôi nhà, 7 căn trong số này tọa lạc tại thủ đô. Cả một ngôi làng cùng một trạm xe buýt địa phương đã bị cắt nước hoàn toàn vì từ chối trả hoa hồng cho Mã, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

    Ông Mã, 48 tuổi, từng là một thợ sửa nồi hơi, nổi tiếng vì tính khí nóng nảy và thù dai. Ông này được cho là đã bắt nhân viên lau sạch cửa sổ trụ sở công ty nước ngay dưới trời mưa tuyết. Người dân địa phương không thể nào quên cái lần ông lớn tiếng lăng mạ một người đi đọc số nước . "Ông ta cứ thế xỉ vả, nói rằng có thể khiến một con chó làm được công việc của cô ấy chỉ bằng hai cái bánh bao hấp", một người chứng kiến vụ việc kể lại.

    Ngay cả khi đang vui mừng trước sự sụp đổ của Mã, người dân vẫn tỏ ra thất vọng khi còn quá nhiều quan chức lạm quyền khác vẫn tại vị. Thực tế, những chi tiết đề cập đến thói ăn tiêu vô độ của viên quan chức ngành nước bị phơi bày trên báo chí còn khiền người dân càng thêm tức giận.

    "Nếu một quan chức chỉ nhỏ bé bằng hạt vừng như ông ta còn tham lam và có thể bán rẻ nhân phẩm như vậy, thì bạn có thể tưởng tượng nổi các vị cán bộ cấp cao đang ăn cắp những gì không?", Qiu Ying, 55 tuổi, chủ một cửa hàng ăn uống nằm cạnh ngôi biệt thự bị nghi nhờ tham ô mà có của ông Mã, nói.

    "Chúng tôi ban đầu hy vọng vụ việc của Mã Siêu Quần bị phanh phui sẽ khiến các quan chức tham nhũng khác ngã ngựa theo", ông Yang chia sẻ, "nhưng những gì chúng tôi nhận được chỉ là sự chán nản mà thôi".

    Vũ Hoàng (theo New York Times)
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •