Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Bài thơ "Học Đánh Cờ" của Bác Hồ Là Bí Kiếp Chiến Thắng Trong Thi Đấu Võ Thuật...

  1. #1
    Administrator
    Tham gia ngày
    Dec 2011
    Bài gửi
    2.162
    Thanks
    156
    Thanked 334 Times in 280 Posts

    Bài thơ "Học Đánh Cờ" của Bác Hồ Là Bí Kiếp Chiến Thắng Trong Thi Đấu Võ Thuật...

    Bài thơ "Học Đánh Cờ" của Bác Hồ là một bài thơ nằm trong tập "Ngục trung Nhật Ký" hay còn gọi là Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記 - Hán-Việt: Ngục trung nhật ký), một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập thơ được viết trong quá trình Bác bị bắt và giam trong các nhà tù của Quốc dân Đảng (viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943) khi người sang hội đàm với các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc.


    Dư nguyên đại biểu Việt Nam nhân, Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân

    ...
    Tạm thời dừng tại đây (lý do mệt), hôm sau Thieugia sẽ phân tích kỹ chiến thuâqtj, các yếu tố quyết định sự thắng thua, thành bại trong bài thơ của bác.

    學奕棋

    閑坐無聊學奕棋
    千兵萬馬共驅馳
    進攻退守應神速
    高才疾足先得之

    眼光應大心應細
    堅決時時要進攻
    錯路雙車也沒用
    逢時一卒可成功

    雙方勢力本平均
    勝利終須屬一人
    攻守運籌無漏著
    才稱英勇大將軍

    Hán Việt:

    Học dịch kỳ

    Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
    Thiên binh vạn mã cộng khu trì;
    Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,
    Cao tài tật túc tiên đắc chi.

    Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
    Kiên quyết thời thời yếu tấn công
    Thác lộ song xa dã một dụng
    Phùng thời nhất tốt khả thành công?

    Song phương thế lực bản bình quân
    Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;
    Công thủ vận trù vô lậu trước,
    Tài xưng anh dũng đại tướng quân.

    Dịch thơ:

    Học Đánh Cờ

    Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi,
    Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài;
    Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
    Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

    Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
    Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
    Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
    Gặp thời, một tốt cũng thành công.

    Vốn trước hai bên ngang thế lực,
    Mà sau thắng lợi một bên giành;
    Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
    Đại tướng anh hùng mới xứng danh.

    <><><>
    Shaojiazhuangzhu 韶家庄主 — 韶玉山

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Mar 2014
    Bài gửi
    150
    Thanks
    24
    Thanked 18 Times in 16 Posts
    Lấy thi ca mà bàn việc binh đao


    Tập thơ tỏa sáng trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn. Nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai đã nói “Nhật ký trong tù là một tác phẩm vĩ đại mà tác giả hình như đánh rơi vào kho tàng văn học Việt Nam, nhưng lại là viên ngọc quý, ở đó chứa đựng rất nhiều bài học…”.

    Nhân kỷ niệm 70 năm tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xin trân trọng giới thiệu với độc giả một cách tiếp cận mới về bài thơ Bài thơ “Học đánh cờ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

    Trong lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, các tướng soái thời Lý Trần đã lấy thi ca mà bàn việc binh đao. Thời Lê, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo, một kiệt tác được lịch sử văn hóa xưa nay coi là một áng “thiên cổ hùng văn”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cũng như qua hai cuộc Kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã lấy thi ca và âm nhạc mà bàn việc binh đao. Tác phẩm đầu tiên mở đầu cho nét văn hóa đặc sắc ấy là bài thơ “Học đánh cờ” của Bác Hồ.

    “Học đánh cờ” là bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” (Nguyên văn chữ Hán: “Ngục trung nhật ký”) mà Bác Hồ đã sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch Trung Quốc bắt giam từ 20 tháng 8 năm 1942 đến 10 tháng 1 năm 1943.

    Trong bối cảnh tối tăm, cực khổ của chế độ lao tù, tập thơ Nhật ký trong tù tỏa sáng tinh thần cao đẹp và bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao” (Lời đề từ cho toàn tập thơ Nhật ký trong tù).

    Vượt lên sự khắc nghiệt của lao tù, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian, tâm huyết để suy ngẫm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tinh thần và tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có vấn đề tư tưởng quân sự được Người giãi bày trong bài thơ “Học đánh cờ”.

    Bài thơ gồm ba khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu bảy chữ, được làm theo thể thất ngôn.

    Khổ thơ đầu như sau:

    Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
    Thiên binh vạn mã cộng khu trì
    Tấn công thoái thủ ưng thần tốc
    Cao tài tật túc tiên đắc chi

    Dịch:

    Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
    Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
    Tấn công thoái thủ nhanh như chớp
    Chân lẹ, tài cao ắt thắng người

    Hồ Chí Minh đã dùng thời gian “nhàn rỗi” trong tù để suy ngẫm, trầm tư. Bàn cờ của Người là bàn cờ thế cuộc. Cuộc cờ của Người là công cuộc giải phóng dân tộc đang đến gần.

    “Thiên binh vạn mà đuổi nhau hoài”. Binh mã của đối phương là bộ máy chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc với quân đội chính quy nhà nghề có vũ khí trang bị hiện đại. Binh mã của Hồ Chí Minh là toàn thể dân tộc, là nhân dân lao động bị áp bức. Hồ Chí Minh chủ trương “khởi nghĩa vũ trang toàn dân”, “kháng chiến toàn dân”. Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của tổ tiên, vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Hồ Chí Minh nêu cao chính sách Đại đoàn kết dân tộc. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

    “Tấn công thoái thủ nhanh như chớp”. Hồ Chí Minh chỉ ra một điều tưởng như đơn giản là trong chiến tranh, mọi điều động binh lực dù là tấn công hay thoái thủ đều phải dứt khoát, quyết liệt, táo bạo, bất ngờ, làm cho đối phương không kịp trở tay. Ba mươi năm sau, điều ấy đã trở thành mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc điều binh vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Mệnh lệnh hào hùng như lời hịch: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. (7/4/1975).

    “Cao tài tật túc tiên đắc chi”. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng dùng binh phải tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt. Người làm tướng phải có tài thao lược, đa mưu túc kế, hạ quyết tâm chiến lược, chiến dịch, chiến đấu phải tính trước đối phương một nước cờ, dự đoán trước các bước tiếp theo.

    Đó cũng là nội dung câu thơ:

    “Nhãn quang ưng đại, tâm ưng tế”
    (Dịch: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”)

    Nguyễn Trãi cũng đã từng nói:
    Trải biến nhiều thì mưu kế sâu
    Tính việc xa thì thành công lạ

    Khổ thơ thứ hai trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự:

    Nhãn quang ưng đại, tâm ưng tế
    Kiên quyết thời thời yếu tấn công
    Thác lộ, song xa dã một dụng
    Phùng thời, nhất tốt khả thành công

    Dịch:

    Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
    Kiên quyết không ngừng thế tấn công
    Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
    Gặp thời, một tốt cũng thành công

    Nghệ thuật quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là tư tưởng chiến lược tiến công. Cách mạng là tiến công, quyết chiến quyết thắng là tiến công. Tấn công là luôn giành thế chủ động “Kiên quyết không ngừng thế tiến công”, đó là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tiến công. Theo Người, tư tưởng chiến lược tiến công là tư tưởng chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Còn hình thức tác chiến thì có công, có thủ, có tác chiến tiến công, tác chiến phòng ngự cả về chiến lược, chiến dịch, chiến đấu. Tiến công phải nắm vững nguyên tắc chắc thắng, không phiêu lưu mạo hiểm. Khi Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, đến chào Bác Hồ, Bác căn dặn: “Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trải qua 11 ngày đêm suy nghĩ, ở phút cuối cùng sắp nổ súng đã ra “quyết định khó khăn nhất” làthay đổi cách đánh chiến dịch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, từ đó mà đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.


    “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”. Nghệ thuật quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nghệ thuật tạo lực, tạo thế, tranh thời, dùng mưu. Người dạy “đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế”. Người lấy ví dụ: “Quả cân chỉ một kylôgram, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh nhấc bổng được một vật nặng hàng trăm kylôgram, đó là thế thắng lực”. Muốn vận dụng lực, thế, thời cho có kết quả, phải dùng mưu. Lực, thế, thời, mưu kế hợp với nhau tạo ra thắng lợi.

    Nguyễn Trãi cũng đã nói về thế, thời như sau: “Gặp thời được thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa lớn. Không thời mất thế thì to hóa ra nhỏ, mạnh hóa ra yếu, an lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”.

    Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chỉ ra mối quan hệ giữa tạo lực, lập thế, nắm vững thời cơ. Đó là kết quả của sự chỉ đạo đúng đắn của Bác Hồ và Trung ương Đảng.

    Khổ thơ cuối là:

    Song phương thế lực bản bình quân
    Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân
    Công thủ vận trù vô lậu trước
    Tài xưng anh dũng đại tướng quân

    Dịch:

    Vốn trước hai bên ngang thế lực
    Mà sau thắng lợi một bên giành
    Tấn công, phòng thủ không sơ hở
    Đại tướng anh hùng mới xứng danh

    Trên bàn cờ lúc đầu hai bên ngang thế lực, mà sau thắng lợi một bên giành. Nhưng trong thực tế hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thì Việt Nam là một “nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to”. Trong cuộc kháng chiến không cân sức mà lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh là một nghịch lý, không giống với lý thuyết quân sự kinh điển của thế giới, cho rằng chiến thắng chỉ đạt được bằng ưu thế quân số và trang bị.

    Việt Nam là một nước nhỏ, lãnh thổ hẹp, nguồn tài nguyên hạn chế, chỉ có một vốn quý gần như duy nhất là con người với lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn, tình yêu tự do và truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc.

    Đi đôi với tư tưởng “toàn dân đánh giặc”, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển cách đánh “lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu địch mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đoàn binh thắng trường trận” củacha ông ta. Người nói:

    “Nay tuy châu chấu đá voi
    Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”

    Với con đường cứu nước đúng đắn, với đường lối chính trị, quân sự sáng tạo và nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta, quân đội ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần quyết chiến quyết thắng và tư duy sáng tạo để chiến thắng quân xâm lược có trang bị kỹ thuật hiện đại.

    Lấy thi ca để bàn việc binh đao ngay trong những ngày bị đày ải, tù ngục giam cầm, đó chính là chất thép trong thơ, là khí phách, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản Hồ Chí Minh. Trong bất kì hoàn cảnh nào, ở Người cũng tỏa ra một thứ ánh sáng kì diệu - ánh sáng của lòng yêu nước thương dân sâu sắc, hi sinh tất cả cho hạnh phúc nhân dân. Bài thơ “Học đánh cờ” là một trong những bài thơ như thế, phản ánh tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Bài thơ phảng phất phong cách của Nguyễn Trãi và các tướng soái thời Lý Trần - lấy thi ca mà bàn việc binh đao.

    Vượt lên sự thông thường “thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp”, bài thơ vút lên vẻ đẹp văn hóa, về nội dung là văn hóa quân sự, về hình thức là văn hóa thi ca.

    TRUNG TƯỚNG PHẠM HỒNG CƯ

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •