Thái Cực Quyền có giúp ta luyện cơ bắp không?


Trên trang một trang web võ thuật vừa qua có bài viết như vầy:

Chúng ta đã biết môn vận động Thái Cực Quyền (TCQ) là một bài quyền được tạo thành bởi nhiều động tác Phủ , Ngưỡng , Khúc, Thân (Cúi , ngữa , co, duỗi). Ði xong một bài quyền thì toàn thân phát nhiệt . Ðiều này chứng minh rằng đi một bài quyền TCQ là thực hiện một lượng vận động nhất định.

Nếu so sánh với các môn đấu vật, cử tạ, và các môn thể thao khác, lượng vận động của TCQ tương đối kém hơn. Các môn vận động trên, bằng các hoạt động kỹ xảo, có thể rèn luyện bắp thịt làm thân hình nở nang, đẹp mắt.

TCQ thì “khó tính” , bắt phải dùng ý chớ không được dùng sức , lấy “tâm , ý , thần ,khí” chi phối sự thực hiện toàn bộ động tác bài quyền . Không lấy việc nở nang bắp thịt , khỏe như trâu làm mục đích , mà mục đích là khước trừ tật bệnh . Do đó TCQ không làm cho thân hình có những bắp thịt cuồn cuộn rắn chắt đẹp mắt . Nhưng điều này thật ra không cần phải nói , ở những người tập TCQ , có khuynh hướng mập ra, bụng cũng có khuynh hướng nở ra.

Vấn đề một người nào đó mập ra , theo đó bụng cũng nở ra , là do nhiều nhân tố , như điều kiện sinh hoạt cao hay thấp , sự sinh hoạt có điều độ mực thước hay không , tâm tính có thoải mái hay không ; nhưng nhiều người dù có đủ các điều kiện này cũng không nhất định trở nên mập mạp béo tốt. Tóm lại , chúng ta không nên lấy việc làm thân thể trở nên mập mạp là kết quả duy nhất của TCQ .

Ở đây cần nói rõ một điều là có nhiều người yêu TCQ , không hiểu “khí trầm đan điền” là tác dụng chi phối của ý thức , tức là lúc hít hơi vào thì từ từ hít vào một cách có ý thức giống như là rót vào đan điền , mà lại hiểu “khí trầm đan điền” là “tận lượng thâu sức” (hết sức hóp bụng), rồi khi tập luyện lâu ngày , bụng sẽ nở to ra , tập như vậy là sai , như đã nói trên , đạt cái không phải là mục đích của nó . Như vậy , muốn có một thân thể đẹp mà khõe nữa thì trừ TCQ ra , ta có thể tập thêm một môn vận động tương đối tốn sức và thiên về phát triển bắp thịt.

Quang Bình(Sưu tầm) Theo Maxreading

<><><><><><><>

Dưới đây là phần đặt vấn đề của Vs. Thiều Ngọc Sơn:

Bài viết trên tuy không chính thức quy kết cho TCQ nhưng cách đưa vấn đề, nhận định vấn đề một cách hồ đồ khiến người đọc, đặc biệt những người yêu vận đông TCQ có sự hồ nghi về tính hiệu quả, tính điều chỉnh và hoàn thiện của bộ môn TCQ.

Với nhận định gần như áp đặt và sự so sánh vận động cơ bắp với vận động TCQ như vậy rõ ràng là khập khiễng hết sức.

Cần nhớ, vấn đề cơ bắp, phát triển cơ bắp là một vấn đề hoàn toàn khác. Tập võ mà "phình bụng dưới" không liên quan gì đến TCQ. Phình bụng hay bụng bự, bụng to nó liên quan đến nhiều thứ, bởi vậy không nên qui chụp cho TCQ mà tội nghiệp TCQ. Trong TCQ cũng có một số người càng tập bụng càng to ra và ngược lại, cũng có người tập mãi mà bụng chẳng... to.

Chỉ căn cứ vào việc TCQ vận động chậm chạp, dụng ý chứ không dụng lực rồi nói tập TCQ bụng to cũng khả dĩ lắm... Vì đúng là có nhiều người như vậy thật (!). Nhưng theo sự quan sát của Thiều gia, chẳng cứ gì TCQ, ở một số môn vận động khác, đặc biệt là võ thuật, tình trạng càng luyện bụng càng lúc càng to, càng luyện bụng mỗi ngày mỗi lớn cũng đầy dẫy và cũng... chẳng khác gì TCQ. Kể cả ở một số môn có lượng vận động cực lớn như Karatedo, Võ thuật cổ truyền, Shaolin (Thiếu lâm)... Có nhiều người quả đúng càng luyện bụng càng lúc càng phình ra (?!).

Không tin, bạn thử coi lại một số hình ảnh của các bậc đại cao thủ dưới đây, hình của các Diễn viên võ thuật Hồng Kim Bảo, Thành Long của TQ xem họ dư thế nào nhá?


Diễn viên võ thuật Hồng Kim Bảo


Bụng của Chưởng môn Vovinam cố võ sư Lê Sáng


Võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch hội VT tình Lâm Đồng


Bụng của Vs. Hồ Tường


Bụng của thầy Lê Kim Hòa, Chủ tịch Hội VTCT Tp.HCM


Bụng của các vị Chưởng môn Karate Okinawan Shorin-ryu chụp trước cung điện Shuri. (Người đứng thứ 5 từ trái sang phải là Shoshin Nagamine Chưởng môn Shorin-ryu

Như vậy, bụng to, bụng bự đâu cứ mấy ông TCQ phải không ạ. Bụng bự, bụng to nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như cơ địa của từng người, tình trạng tuổi tác, tình trạng sức khỏe, công việc, dinh dưỡng v.v. và nhiều vấn đề khác nữa các bạn ạ.

Sẽ là không hay nếu chúng ta chưa xem xét một cách thấu đáo, kỹ lưỡng một vấn đề gì mà đã vội đưa ra các kết luận, các nhận xét thiếu chứng cứ, cơ sở lý luận... Đấy chính là những lối suy nghĩ phiến diện, chủ quan, duy ý chí. Bài viết trên chính là một bài viết thiếu các luận điểm, chúng cứ, cơ sở... như vậy.