HỌ THIỀU - MỘT DÒNG HỌ DANH GIÁ TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT


Trước tiên cần khẳng định, họ Thiều có nguồn gốc ở Thái Nguyên thuộc tỉnh Hà Bắc, nay thuộc Tp. Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong 553 họ của người Trung Quốc (được liệt kê trong sách Bách Gia Tính, sách được cho do người đời Bắc Tống sáng tác), họ Thiều được xếp thứ 260. Tuy chỉ xuất hiện ước bảy trăm năm trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc thế nhưng, xuyên suốt quá trình phát triển của mình, dòng họ Thiều Việt Nam đã sản sinh nhiều bậc hiền tài với những đóng góp to lớn cho sự phồn thịnh của đất nước.

1. “Thượng đẳng phúc thần Đại vương” – Tướng công Thiều Thốn.

Theo gia phả ghi lại, khoảng vào đời vua Trần Anh Tông (1294-1315), cụ thủy tổ của họ Thiều là đức Thiều Kim Tinh nhân nhà Tống có loạn giặc Nguyên Mông mới cùng hai con trai là Thiều Kim Nhật và Thiều Kim Tình xuất phát từ Thiều Châu (tỉnh Quảng Đông, TQ) chạy sang Việt Nam tránh loạn. Khi đến đất Thọ Sơn (nay là thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhân thấy cảnh vật hiền hòa, sơn thủy hữu tình, lại xem phong thủy biết đấy là thế đất “long chầu hổ phục” nơi có thể phát tích hưng long cho con cháu nên đức sáng tổ mới quyết định an cư và coi đất Thọ Sơn của Đại Việt như quê hương thứ hai của mình.

Được biết, trong hai người con trai chạy loạn cùng đức sáng tổ, đức Thiều Kim Nhật sinh được một người con trai tên là Thiều Kim Xích (trong gia phả chỉ có chút thông tin như thế nên hiện nay không thể truy nguyên, không ai biết sinh sống ở đâu). Riêng đức Thiều Kim Tình lấy Tổ tỷ là cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, người xã Triệu Xá (nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) sinh ra đức ông Thiều Thốn, người có công rất lớn trong việc giữ yên cơ nghiệp nhà Trần.


Đức Thiều Thốn nguyên có tên là Thiều Kim Thốn sinh vào ngày 3 tháng 3 năm Khai Thái thứ 3 (開泰 - 1326) đời vua Trần Minh Tông (陈 明宗) tại xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê, phủ Thiệu Hóa (nay là làng Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền khi sinh ra đức ông có tướng mạo khôi ngô dĩnh ngộ, tuấn tú khác thường. Mắt rồng mày phượng, chân trái có chữ vương ( 王), tư chất thông minh, sức khỏe hơn người. lên bảy tuổi đã xin mẹ cho đi học.

Cha mất từ lúc ngài chưa sinh, nhà nghèo nên chàng trai Thiều Kim Thốn thường ngày phải lên núi hái củi mưu sinh, thờ mẹ tận hiếu. Những lúc nhàn rỗi, chàng lại cùng đám thanh niên trong làng luyện quyền múa võ đợi dịp báo đền ơn nước (đến nay, phía trước núi Đào Sơn về phía Nam vẫn còn một cái gò gọi là gò Lực sĩ, theo truyền thuyết trong dân gian, gò này chính là gò mà lúc thiếu thời, chàng trai Thiều Kim Thốn và trai tráng các làng luyện tập võ nghệ)...

Lớn lên, gặp lúc Chiêm Thành thường xuyên quấy nhiễu, trong nước giặc cỏ nổi lên như cồn... xã tắc đảo điên. Tuân Mẫu mệnh, Thiều Thốn tòng quân hết lòng "Tinh trung báo quốc" và có công rất lớn trong việc đánh đuổi Chiêm Thành, bình "loạn tặc" Ngô Bệ... được vua Trần tin yêu cho giữ chức Kim Ngô vệ đại tướng quân (chức quan to nhất phụ trách Cẩm vệ quân bảo vệ vua và Hoàng thành) lại gả con gái yêu là Công chúa Trần Thị Ngọc Hải (tục gọi đức ông là "Phò mã đô úy").

Cuối đời nhà Trần, do các vua bỏ bê chính sự, ham mê sắc dục... Trong nước thực hiện chính sách sưu cao thuế nặng, giặc giã nổi lên khắp nơi. Quý tộc nhà Trần tranh giành quyền lực, gian thần kéo bè kết đảng v.v. khiến nhân dân vô cùng chán nản (Điển hình là vụ "Thất Trảm Sớ" của đại thần Chu Văn An - 朱文安, một vị quan thanh liêm, trung thần tại triều đình, đã dâng "Thất trảm sớ - 七斬疏" đề nghị trị tội những tên tham quan ô lại nhưng không được Dụ Tông chấp thuận đành cáo lão từ quan). Bên ngoài, ngoại bang dòm ngó...

Trước tình hình ấy, Thiều Thốn được triều đình tiến cử giữ chức "Phòng ngự sứ Lạng Giang". Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC viết: "Thiều Thốn giỏi an dân, khéo vỗ về phủ dụ quân sĩ nên ai cũng yêu kính". Phòng ngự xứ Thiều Thốn tận trung báo nước, hết lòng vì công việc, có công rất lớn trong việc giúp vua giữ yên bờ cõi, giúp nhân dân an cơ lập nghiệp. Trong giữ vững cơ nghiệp nhà Trần, ngoài trấn áp, tránh sự nhòm ngó của ngoại bang...

Đức ông làm quan trải qua 3 đời vua: Trần Dụ Tông - 陈裕宗 (1342-1369), Trần Nghệ Tông - 陈藝宗 (1371-1372) và Trần Duệ Tông - 陈睿宗 (1372-1377), trong quá trình làm quan, ông được các vua nhà Trần phong “Khai quốc công thần, Phụ quốc Thượng tướng công” kiêm “Kim Ngô vệ Phò mã Đô úy Thượng trụ quốc”.


Dâng hương trong buổi giỗ Tướng công Thiều Thốn ngày 8/8 AL (2015)

Khi mất (ngày 8.8 năm Canh Thân 1380, hưởng thọ 55 tuổi) đức Thiều Thốn được nhà Trần sắc phong “Thượng đẳng phúc thần Đại vương”, lại lệnh cho nhân dân các Tổng thuộc phủ Thiệu Hóa Thanh Hóa lập đền thờ quanh năm hương khói. Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào Sơn (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Xá, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) và tại nơi khi xưa đức ông làm Phòng Ngự sứ (tại Đông Bình, Lạng Giang) vì cảm ân đức trời bể của ông, nhân dân vùng biên ải Lạng Giang cũng lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

2. Mạ Tặc Thượng Đẳng Thần – Thượng Thư Bộ Lại Thiều Quy Linh (1479-1527)

Vào triều vua Lê Uy Mục niên hiệu Đoan Khánh (Ất Sửu năm 1505) có đức ông Thiều Quy Linh tên húy là Lãng, tự là Trực Lương (cháu đời thứ 6 của đức Thiều Thốn, người làng Y Xá, nay là xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) thi đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ (hiện còn trong bia Tiến sĩ ở văn miếu Quốc Tử Giám), làm quan đến chức Lại Bộ Thị Lang kiêm Lễ Bộ Tham tri, Thượng thư Thọ Xuyên Hầu.

Vào triều vua Lê Chiêu Tông đức Thiều Quy Linh được sung chức Bồi Tòng tả thị lang tháp tùng đoàn sứ thần sang sứ bên Trung Quốc. Khi đoàn sứ thần về đến cầu Long nhĩ, sông Nhị Hà (sông Hồng bây giờ) nghe tin Mạc Đăng Dung bắt và giết chết vua Lê Chiêu Tông (năm 1526), phế truất Cung Hoàng tự lên ngôi lập ra nhà Mạc. Đức ông khóc lóc tiếc thương cho cơ nghiệp nhà Hậu Lê đồng thời chửi bới ngụy Mạc hết lời sau đó nhảy xuống sông Nhị Hà tuẫn tiết. Niên hiệu Thành Thái năm thứ 2 (1890), nhà Nguyễn vì tôn kính gương tuẫn tiết của bậc trung thần bèn sắc phong đức Thiều Quy Linh là “Lại Bộ Thượng Thư Tiết Nghĩa Tôn Thần”, gia phong “Quảng Ý Dực Bảo Trung Ương Thượng Đẳng Thần” lệnh cho dân lập đền thờ quanh năm cúng tế nhằm xiển dương gương sáng của các bậc trung thần hết lòng vì xã tắc (nhà thờ trước ở xóm Quang thuộc Y Xá xã. Sau Cách mạng văn hóa đã bị đám ngu dân đập bỏ hiện chỉ còn sót lại một số dấu phế tích).

3. Lê Triều Tham Chính - Thám Hoa Thiều Sĩ Lâm

Đức Thiều Sĩ Lâm và chi họ Thiều ở Cổ Bôn (còn gọi là Kẻ Bôn, địa danh của vùng đất xưa, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vốn là con cháu họ Thiều từ dòng Nhuận Thạch (xã Đông Tiến) ra Kẻ Bôn lập nghiệp. Tương truyền khi còn nhỏ, ngài rất hiếu học và đặc biệt thông minh, có trí nhớ hơn người. Ngài thích chơi ở gần những nhà có thuê thầy về dạy học và tuy chơi ngoài sân nhưng tai mắt lại để ở trong nhà, chỉ nghe thầy giảng bài qua là thuộc, thời bấy giờ cả vùng ai cũng cho là bậc kỳ tài, thần đồng vậy.

Niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông, ngài đi thi đỗ Thám Hoa (khoa Canh Tuất, 1670). Làm quan giữ chức Tham Chính, hàm Nhất phẩm (hiểu như kiểu ban trợ lý, giúp việc cho vua chúa xưa, chuyên can gián, chỉnh đốn chính sự, có ngạch hàm ngang Thứ bộ trưởng bây giờ), ngài sống cần kiệm, ước thúc, thanh liêm, chính trực… nổi tiếng đức cao vọng trọng trong triều. Hiện ở Cổ Bôn vẫn có đền thờ ghi nhớ công lao của ngài.

4. Thượng Kỳ Tả Cơ Đội trưởng Thiều Văn Thái (? – 10/10 AL)

Trong gia phả của dòng họ không ghi rõ về ngày tháng năm sinh cũng như ngày mất của đức Thế tôn Thiều Văn Thái tên thật là Thiều kim Bá, tên chữ là Văn Thái, đạo hiệu gọi là Hiền Đạt Tiên Sinh (chỉ biết giỗ ngày 10/10 AL). Chỉ biết, đức Thế tôn sinh ra và lớn lên tại Y Xá xã (thôn Văn Bắc, xã Đông Văn, là dòng dõi của đức Thế tổ Thiều Quy Linh), là võ quan dưới triều nhà Lê (khoảng niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1780) với chức vụ Tả Đội trưởng trong “Thượng Kỳ ?”.


Dưới triều đại nhà Lê, trong quân đội được biên chế rất nhiều đội, ngay trong nội cung cũng có nhiều “Cấm vệ quân” tức là các đội hộ giá của vua và đứng đầu các chức danh này thường được gọi là Đội Trưởng như: Thân cấm binh chánh đội trưởng có phẩm hàm NGŨ PHẨM gọi là Tam đẳng Thị vệ; Thân cấm binh Chánh Đội trưởng suất đội, Tinh binh Chánh Đội có phẩm ngạch hàm Tòng Ngũ phẩm và được gọi là TỨ ĐẲNG THỊ VỆ. Việc gia phả không thể hiện được Phẩm ngạch hàm của đức Thế Tôn, thiết nghĩ đấy là một khiếm khuyết lớn đối với những người viết sử… gia tộc (trong quan chế triều Lê, Cơ to hơn Đội, chức Tả Cơ có hảm Tứ Phẩm trong khi chức Đội là Ngũ Phẩm, kém hẳn một ngạch).



Còn nữa…

<><><><><>
Tp.HCM, ngày 22.9.2015
Thiều Ngọc Sơn