Những thần đồng khiến cả triệu người mê mẩn, ước ao giờ... ra sao?


Thứ Ba, 17/11/2015 - 17:28

Dân trí Biết đọc khi chưa biết nói, 4 tuổi đã biết quy đổi ngày tháng chỉ trong vài giây, biết tính nhẩm siêu phàm trong phạm vi 100 khi mới lên 3 tuổi... một số “thần đồng” Việt đã bộc lộ khả năng thiên bẩm khiến triệu người mê. Cuộc sống của những thần đồng ấy bây giờ gần như rơi vào quên lãng.
Không có môn nào vượt trội

Cách đây vài năm, cậu bé Tuấn Minh (sinh năm 2008) ở Từ Sơn, Bắc Ninh khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên bởi trí nhớ siêu phàm. Năm 2 tuổi, bé Minh thuộc lòng quốc kỳ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Lên 3 tuổi, Minh đọc được sách báo rành mạch. Khi lên 4 tuổi, cậu bé đã ghi nhớ lịch vạn niên và quy đổi ngày tháng dương- âm chỉ trong vài giây khiến nhiều người sửng sốt. Em được mệnh danh là “thần đồng” của Bắc Ninh. Nhiều người còn gọi Tuấn Minh là cậu bé có đầu óc máy tính.



Bé Tuấn Minh và mẹ

Chia sẻ với Dân trí, chị Phạm Thị Hà (mẹ bé Tuấn Minh, đang là giảng viên dạy Thể dục – trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết, sau khi tài năng của con trai được phát lộ và tỏa sáng đến nay, Minh không có biểu hiện gì đặc biệt hơn. Hiện con chị đang học lớp 2 ở Bắc Ninh. Học kì 1 năm lớp 1, Minh đứng nhất lớp. Sang học kì 2, Minh tuột vị trí thứ nhất và đứng nhì hoặc 3 gì đó chị không nhớ rõ. “Vài năm gần đây, cháu phản ứng về tính toán chậm hơn. Có lẽ do biết tính toán trước các bạn nhiều quá nên giờ con ngại nghiên cứu và chỉ tập trung cho bài vở ở lớp”, chị Hà nói. Đặc biệt,theo lời chị Hà, cháu Minh cũng không phải dạng “cày sâu cuốc bẫm” mà thường học rất nhanh. Học về Minh thường đi chơi, cơm tối xong, cháu học vài tiếng đã xong bài. Trong học tập, cháu cũng không thích môn nào đặc biệt hoặc có khả năng vượt trội ở môn nào đó. Theo quan sát của gia đình, riêng môn Văn cháu có vẻ kém hơn. Nhiều khi con chưa biết sử dụng từ để làm văn miêu tả sao cho đúng nên bị cô giáo hoặc ông ngoại gạch.

“Vài năm trước, sau khi clip con trai tính nhẩm trong vài giây được đăng tải trên mạng, một người bạn tôi có nhã ý gửi cháu vào một gia đình có điều kiện kinh tế ở Hà Nội để con có điều kiện học hành hơn. Biết như thế tốt hơn cho con nhưng tôi thấy sợ và quyết để cháu học ở quê nhà chứ không đưa con đi đâu nữa”, chị Hà tâm sự. Được biết, hiện chị Hà vẫn phóng xe máy đi về giữa Hà Nội và Bắc Ninh với quãng đường gần 70km hàng ngày. Cứ 5 rưỡi sáng, chị dậy và xuống Hà Nội giảng dạy.

Chia sẻ với chúng tôi, giọng chị Hà đượm buồn: “Khoảng 7 giờ tối, tôi mới đi làm về. Ngày nào cũng quần quật vậy nên chẳng có thời gian dạy con học hành. Nhiều hôm tôi mệt quá, gieo mình xuống nằm luôn, chẳng nhìn được mặt con. Có người bảo, sao không thuê giáo viên dạy riêng cho con nhưng tôi và các bác của cháu đều nghĩ, giờ con còn bé, chưa cần đầu tư nhiều nên cứ để con học ở quê. Vả lại, cháu cũng không thích học thêm gì cả nên kệ con phát triển tự nhiên vậy”.

Được biết với khả năng nổi trội của cậu bé, trước đây Tuấn Minh đã nhận được lời mời học với mức hỗ trợ hoàn toàn học phí 12 triệu đồng/tháng tại trường Newton Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình chỉ có hai mẹ con nên chị Hà không thể xoay sở cuộc sống tại thành phố. Chị sợ con không thể chăm sóc được bản thân vì vốn kiến thức xã hội của con chưa bằng bạn bè. Tâm sự về việc chị nghĩ thế nào khi nhiều người gọi Tuấn Minh là “thần đồng”, chị Hà cho biết: “ Tôi nghĩ cháu bình thường thôi. Giá như có điều kiện và môi trường học tập tốt hơn, có lẽ cháu phát huy được tốt hơn. Tôi thì phải vất vả kiếm sống nuôi con. Hè vừa rồi, tôi cũng định cho cháu đi học một lớp kĩ năng sống để nếu phải xa mẹ, con có thể tự lập được. Thế nhưng khi tham khảo về học phí, tôi choáng vì học phí cả chục triệu đồng nên thôi vậy”.

Kết thúc buồn của thần đồng xứ mỏ

Trong số các thần đồng cách đây khoảng ba mươi năm, Trần Nam Sơn (sinh năm 1983 ở Quảng Ninh) cũng tốn nhiều giấy mực bởi phát lộ khả năng đặc biệt: Biết đọc khi chưa biết nói.

Năm ấy, Sơn mới 27 tháng tuổi, chưa biết nói bỗng dưng nhìn màn hình karaoke đọc nhoay nhoáy. Sơn gặp cái gì có chữ là đọc, tấm thẻ nhà báo cũng được cậu xướng to lên rất dõng dạc. Và người phát hiện ra điều này chính là nhà báo Ngô Mai Phong. Sơn được báo chí nhắc đến nhiều như một hiện tượng của thời đó. Tuy nhiên, câu chuyện về Trần Nam Sơn sau này được báo chí nhắc đến như một kết thúc buồn cho một thần đồng từng rất được kỳ vọng thời bấy giờ. Em không những không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình mà theo mẹ của Sơn, em ngày càng nhút nhát, rất ít khi đi chơi, không thích đến những nơi đông người. Đến năm lớp 9 nhưng mẹ Sơn vẫn phải chăm em như một cậu bé lớp 1.

Gia đình cho biết, giờ ra chơi cậu thường leo lên đồi ngồi trầm ngâm một mình thay vì nô đùa cùng các bạn. “Cựu thần đồng” này cũng không còn đam mê học tập mà chỉ ham mê vẽ vời với tranh truyện.

Thần đồng toán học khổ vì... danh hiệu

Trong số các “thần đồng” được phát hiện, Phó Đức Bình An (sinh năm 1999, Hà Nội) từng được rất nhiều người biết đến. An có khả năng tính nhẩm siêu phàm trong phạm vi 100 khi mới 3 tuổi, có khả năng giải toán cực giỏi.

Năm lên bốn, An đã đọc vanh vách những dòng chữ trên màn hình tivi. Thậm chí, nhiều người còn gọi em còn là “cuốn danh bạ” của gia đình vì em nhớ hết các số điện thoại mà những người thân trong gia đình em cần nhớ. Năm lớp 1, Bình An đã giải được những bài toán lớp 3, lớp 4. Đầu em dường như cài sẵn chương trình tính toán vì vừa đưa đề bài, An đã có ngay câu trả lời, kể cả phép tính rất khó.


Em Phó Đức Bình An (ảnh Người lao động)

Với biệt tài ấy, Phó Đức Bình An được gọi là “thần đồng toán học”, được đài truyền hình mời “trình diễn” trong chương trình tôn vinh những kỷ lục VN. Được biết hiện tại, An vẫn học tốt môn Toán và tính toán vẫn nhanh. Tuy nhiên, danh hiệu "thần đồng" khiến An ngày càng trở nên nhút nhát, không dám nói, nhiều khi bị bạn bè bắt nạt, thậm chí bị đánh cũng không phản ứng.

Cũng giống như mẹ của Tuấn Minh, khi được hỏi về tên gọi “thần đồng” mà nhiều người đã gán cho con mình trước đây, gia đình An chỉ mong muốn em mạnh dạn hơn, thay vì mong ước về một tài năng toán học siêu phàm như nhiều người từng kì vọng trước đó.

Quốc Huy