Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Bàn về chuyện "Đám ma " mà hò hát của người miền Nam ???

  1. #1
    Administrator
    Tham gia ngày
    Jun 2011
    Bài gửi
    227
    Thanks
    15
    Thanked 19 Times in 18 Posts

    Bàn về chuyện "Đám ma " mà hò hát của người miền Nam ???

    Bàn về chuyện "Đám ma" mà hò hát của người miền Nam ???



    Đám tang nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ảnh lấy từ Internet và chỉ có giá trị minh họa).


    Addmin từng đi và dự nhiều đám hiếu của nhiều vùng miền trên đất nước ta. Từ Nam chí Bắc nhìn chung vùng miền nào cũng thế, khi nhà có người mất mình có thể cảm nhận được không khí tang thương của cả làng chứ không giêng gì gia chủ có tang.

    Một lần, bản thân Admin cũng gần như bị "sốc" khi được chứng kiến một đám ma trên Gò Vấp (tại hẻm 675, ngay khách sạn Quyền đi vào thuộc phường 3, GV bây giờ), ấy là khoảng vào năm 1987 khi mình từ đơn vị xuống nhà Bác chơi.

    Hôm đó, trong hẻm phía sau nhà bác mình có một gia đình có người mất. Vì là lần đầu mới vào Nam nên mình cũng tò mò muốn xem phong tục tổ chức đám ma của người Miền Nam như thế nào. Chỉ thấy, chiếc quan tài được đặt ngay ngắn giữa nhà, trên quan tài là di ảnh của người đã khuất (coi hình đám tang nhà văn Quang Sáng trên kia), trước quan là một chiếc bàn nhỏ, được phủ một chiếc khăn có dòng chữ 哀 其 致 丧 (nơi đặt đồ lễ tế người mất) trên đó đặt linh vị ghi tên người đã mất bằng tiếng Hán, có bát hương bằng thân cây chuối, khói mù mịt... Trống kèn inh ỏi. Con cháu trong nhà đeo khăn tang và trực bên linh cữu và cũng có người khóc nhưng không khóc lóc kiểu ỉ ôi, kể lể cà kê như những đám tang của người Miền Bắc. Trước nhà, dựng rạp lấn ra đường và trong rạp kê vài cái bàn cho con cháu, khách khứa và hàng xóm đến chia buồn ngồi uống nước.

    Khoảng 21h đêm, thấy đám tang cũng không có gì đặc biệt so với người miền Bắc nên Admin tính đứng dậy đi về thì một người nói : Chú cứ ở đây, tí nữa thể nào cũng có pê đê đến phục vụ "văn nghệ". Khoảng mươi phút sau, quả có băng pê đê kéo đến thật và không khí bi ai của đám tang bắt đầu sôi động bởi những màn ca hát có 1 không 2 của những người ái nam ái nữ (theo cách gọi của người miền Bắc). Sau khi trình bày hàng loạt các ca khúc như Đời tôi cô đơn, Hoa sứ nhà nàng, Chuyến tàu hoàng hôn, Tôi đưa em sang sông... là bắt đầu đến màn múa lửa.

    Lúc này, không khí tang thương của đám tang hoàn toàn biến mất, nhạc xập xình, chát chúa nổi lên và đặc biệt là phần trình diễn uốn éo khoe mình của những anh chàng pê đê khiến cho những người dự đám như phát cuồng. Họ hô hoán, vỗ tay, cổ vũ nồng nhiệt khiến đám pê đê càng lúc càng diễn quên mình, cởi dần từng món đồ mặc trên người để lộ tấm thân trắng toát. Đám thanh niên trong xóm khoái trá tranh thủ sáp lại gần, sờ nắn, bóp trộm vú (dĩ nhiên là vú giả, ngực độn) của mấy chàng pê đê. Mỗi lần sờ bóp như vậy, cả đám thanh niên cùng phá lên cười khoái trá khiến ngay con cháu trong nhà cũng quên cả tang thương, bỏ việc trực quan ra ngồi cổ vũ...

    Đấy, đám ma có pê đê nhảy múa lúc mình mới vào chỉ đơn giản như vậy. Tức họ cũng chỉ là đến góp vui, có để lộ một phần thân thể nhưng không đến độ tuột hết đồ như mấy người trong hình ở dưới đây. Và theo mình tìm hiểu, đám pê đê chỉ đến phục vụ khi được tang chủ đồng ý, họ tự nguyện biểu diễn, tiền thù lao chủ yếu do quan khách hứng chí thưởng cho chứ họ không hề đòi hỏi ở chủ nhà.

    Hôm nay, đọc bài viết nói về hiện tượng xảy ra gần đây mà báo chí gọi là "Đám ma vui", thấy tác giả bài viết phân tích rất là hữu lý.

    Vậy xin giới thiệu lại bài viết để mọi người cùng đọc và hiểu thêm về 1 tập tục đẹp, một nét văn hóa rất đáng trân trọng của người Việt Nam ta, đồng thời cũng nhận chân được những điều lố bịch do một số người thiếu hiểu biết, hoặc nhận thức chưa đầy đủ đã vô tình bóp chết, làm biến dạng, méo mó nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt.

    Xin trân trọng giới thiệu bài viết được đăng trên Kênh 13 Info dưới đây:


    Đám ma đàn hát thâu đêm, thuê ca sĩ, vũ công hát múa có cả múa lửa, múa sexy… xuất hiện ngày càng nhiều. Có người lý giải đây là văn hóa Nam Bộ, khác với đám ma Miền Bắc buồn than khóc bi ai. Đây quả là sự ngộ nhận đáng tiếc.


    Trên một diễn đàn, có người giải thích rằng đây là “nét văn hóa riêng” của Nam Bộ:

    "Lúc mình mới vào Sài Gòn năm 1998, thấy họ hát thâu đêm. Điều khác biệt rõ rệt nhất mà mình nhận thấy giữa đám tang hai miền là đám tang miền Nam không hề buồn chút nào. Minh đã từng được nghe kể rồi, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến vẫn không khỏi ngạc nhiên. Trong khi đó, đám tang miền Bắc thì buồn lắm, thê lương ai oán khủng khiếp".

    Ở đây có chuyện cần bàn là là “đám ma vui” có phải là hiện tượng phổ biến, đặc thù của văn hóa miền Nam hay không ?

    Người Việt nói chung trong nền tảng hỗn dung Tam Giáo tin tưởng con người có linh hồn, có luân hồi thế giới, có trời đất, có địa ngục niết bàn, nên nghi lễ tang ma cũng xoay quanh yếu tố này, thể hiện tấm lòng hiếu đạo của người còn sống với người mất, và mục tiêu làm sao cho ngưòi mất sớm siêu thoát vào cõi cực lạc. Nghĩa tử là nghĩa tận nên nghi tiết lễ nghĩa với người chết phải được thực hiện chu đáo.



    Đám ma thoát y


    Cổ luật quy định việc tang ma không chỉ là nghi lễ mà còn là luật hình. Quy định về tang chế được Quốc Triều Hình Luật của Lê Thánh Tông và Hoàng Việt Luật Lệ của vua Gia Long quy định tương tự như nhau. Ai vi phạm quy chế này, cưới vợ gả chồng, vui chơi chè chén trong lúc cư tang sẻ bị phạt tù, lưu đày hoặc bị đánh bằng roi. Quy định này về sau bị mê tín hóa thành chuyện hên xui nên mới phát sinh lệ “đám cưới chạy tang”.

    Nghi tiết về ma chay cưới hỏi của người Việt được thực hiện theo sách Thọ Mai Gia Lễ. Người Nam Bộ thực hiện tang ma có một vài nghi tiết dị biệt như lễ đánh phá quàn trong lễ động quan, nhạc lễ trong đám tang, nhưng đều thống nhất theo tinh thần chung đám tang là trang nghiêm.


    Truy tìm nguồn gốc đám ma… vui (Ảnh minh họa).

    Lễ phá quàn được cho là nhằm nhắc lại lòng hiếu thảo của chàng Lía, một nông dân chống lại triều đinh bị vây trên núi. Mẹ chết, biết quân triều đình mai phục, chàng Lía vẫn lẻn về nhà cướp quan tài của mẹ đem về căn cứ chôn giấu. Lễ phá quàn diễn một hoạt cảnh có diễn xướng ca hát múa võ. Nội dung và giai điệu diễn xướng này đều phải theo quy ước, tuồng tích chàng Lía cướp quan tài của mẹ để báo hiếu.
    ...

  2. #2
    Administrator
    Tham gia ngày
    Jun 2011
    Bài gửi
    227
    Thanks
    15
    Thanked 19 Times in 18 Posts

    Ngày nay lễ "phá quàn" đơn giản hơn, chỉ là là một người biết võ cầm đuốc, đèn sáp, múa bài quyền tứ trụ trước đầu săng và chung quanh quan tài. Đơn giản hơn nữa là người trưởng nhóm đạo tỳ khiêng quan tài mang cặp nến to vái lạy trước quan tài và sau đó cùng đám đạo tỳ đi một vòng quan tài trước khi di quan.
    Ý nghĩa của lễ phá quàn có phần biến tướng. Về ý nghĩa là đánh bạt ma quỷ đeo bám để việc di quan được an toàn thuận lợi. Biến tướng hơn nữa là có vài trường hợp những người đồng tính đã lợi dụng lễ này để múa may uốn lượn kiếm tiền.
    Tuy nhiên những biến tướng này vẫn nằm trong khuôn khổ nghi thức động quan của đám tang, không phải là nội dung ý nghĩa của “đám tang vui”.

    Đặc điểm thứ hai cùa đám tang ờ Nam Bộ là nhạc lễ. Với tên gọi của nó đã cho thấy không phải để mua vui mà là để tăng tính trang trọng cho tang lễ, khác với dàn nhạc vui chơi giải trí là đàn ca tài tử. Dù cũng là nhạc cổ nhưng hai bản nhạc này khác nhau về nhạc cụ (nhạc lễ có đầy đủ bộ gõ, dây, hơi; nhạc tài tử chủ yếu bộ dây), cách chơi, bài bản.

    Ngay bản nhạc lễ, ngày xưa có hai nhóm: Ban nhạc chỉ gồm những nhạc công; ban lễ riêng gồm những lễ sinh mặc đồng phục mang lễ vật tiến cúng theo nghi thức. Chỉ có các gia đình giàu có mới thuê cả ban nhạc và ban lễ. Trách nhiệm của ban nhạc lễ là tấu nhạc nghi lễ khi gia đình, các thầy cúng hoặc người phúng điếu cúng viếng. Các bài nhạc lễ xuất phát từ nhã nhạc cung đình được cải biên… vừa tạo ra sự phù hợp với hoàn cảnh, vừa thể hiện được yêu cầu nghiêm túc, trang nghiêm... Người hiểu biết nghi lễ không cần nhìn, chỉ nghe tiếng nhạc cũng biết ai đang cúng?

    Ban nhạc lễ phải mặc lễ phục áo dài khăn đóng nghiêm trang.
    Về sau, nghi thức này được chế giảm với các nhạc công khác, nhưng riêng người đánh trống nhất thiết vẫn duy trì. Trong điều kiện thời tiết quá nóng bức, ngươi đánh trống cũng tối thiểu phải quàng áo dài lên vai. Ngoài việc phục vụ cúng tế theo nghi lễ, vào lúc đêm khuya vắng người, theo yêu cầu của gia chủ hoặc những người dự tang, ban nhạc lễ cũng có thể hòa tấu những bài nhạc trong khuôn khổ nhạc cổ, nhạc lễ nhưng không có ca hát. Việc làm này có ý nghĩa làm không khí bớt cô quạnh vắng vẻ chứ không nhằm để vui.

    Với những quy ước nghiêm ngặt như vậy, nhạc lễ trong đám tang Nam Bộ là sinh hoạt văn hóa đúng đắn, tích cực, tăng tính trang nghiêm, long trọng cho nghi lễ mà không phải để mua vui. Và bản chất của lễ tang Nam Bộ hoàn toàn không có nghi thức đàn ca múa hát.

    Nghi thức dàn nhạc Tây trong đám tang không phải của người Việt ở Nam bộ mà là từ người Hoa và người Việt gốc Hoa, khởi phát từ khoảng những năm I960, diễn ra trong lễ động quan, di quan, hạ huyệt. Dần dần, nghi thức này lan ra một số gia đình có tiền của, thích phô trương. Những ban nhạc Tây cũng không phải là nhạc công thực thụ mà chỉ là những người học lỏm, thổi thuộc lòng những bản nhạc quen, chơi loạn xạ không theo nội dung, nghi thức nào.

    Gần đây, ở một số nơi có xảy ra biến tướng, ban nhạc lễ chơi cả tân nhạc trong những lúc nghỉ ngơi ngoài nghi lễ thậm chí có thể có những trường hợp múa hát nhạc trẻ, nhạc ngoại. Dùng nhạc cụ cổ truyền theo cung bậc ngũ âm chơi nhạc Tây phương với giai điệu bát âm là sự pha trộn lố bịch, sự xuống cấp đáng báo động của những ban nhạc lễ, sự xuống cấp về thẩm mỹ văn hóa ứng xử của người nghe.

    Hiện tượng ca, múa thoát y, hoàn toàn là yếu tố ngoại lai chứ không phải là “văn hóa Nam Bộ” như một số bài viết và ý kiến trên các diễn đàn mạng.

    Admin theo Kenh 13 Info

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •