Tộc Hồ và võ phái Hồ Công ở làng Châu Bí, Quảng Nam

Theo võ sư Hồ Công Vinh cho biết, ông tổ của dòng tộc Hồ đã đến đây từ rất sớm. Câu chuyện khai cơ lập nghiệp cho dòng tộc và khai sáng võ phái Hồ Công được anh kể như sau:

Sách "Đại nam nhất thống chí" có ghi, tướng quân Hồ Công Sùng làm quan triều đình nhà Mạc, nổi tiếng là người đảm lược, tài ba nên được làm quan đến chức "Đô chỉ huy sứ Thiêm sự vệ phù Nam". Đầu thế kỷ XVII, tướng quân Hồ Công Sùng từ quan, dẫn ba người con trai vào miền Châu Bí khai hoang, mở đất. Và việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo làm nền tảng kỹ thuật cho võ phái Hồ Công sau này...

Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật bắt mồi của loài rắn dữ, dựa vào đặc điểm phối hợp cương nhu, mà rèn luyện thân pháp cho người tập võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Người ngòai cuộc nhìn đòn, thế đánh ra, có lúc thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương chống đỡ thấy nặng tựa ngàn cân...

Câu chuyện về những người Việt, vì kinh tế hoặc vì chính sự, chạy vào phương Nam tìm chốn mở cõi, lập đất ở vào các thế kỷ XVI, XVII như trên không phải là cá biệt. Thời đó, rừng thiêng, nước độc, cọp beo, rắn rít... ở các xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là chuyện đương nhiên. Chính vì vậy mà đặc điểm dân tộc của người dân Việt từ phương Bắc di cư vào ở những vùng này là gan dạ, mạo hiểm, bất khuất, sẵn sàng chấp nhận hy sinh kèm theo đức tính cần cù, chịu khó, đồng lòng chung thủy, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Cái khác của tướng quân Hồ Công Sùng và ba người con trai của ông (Hồ Công Vạn, Hồ Văn Bền, tên người thứ ba không thấy ghi rõ trong tư liệu, cũng đều là tướng quân) là họ đã "xây dựng dòng tộc mình thành một dòng võ". Theo anh Vinh cho biết, tất cả con, cháu trai nhiều đời sau của các ông đều rèn luyện võ nghệ tinh thông, thuần thục và truyền nối từ đời này sang đời khác. Từ thời ấy cho đến mấy trăm năm sau, võ phái Hồ Công cũng chỉ lưu truyền võ nghệ trong con cháu của dòng họ. Con gái tộc Hồ cũng không được học những thế bí truyền.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, quy luật "Ngoại tộc bất truyền" này mới được bãi bỏ vì hầu hết các võ sĩ Hồ Công đều là những chiến sĩ trong các phong trào yêu nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từ đây, họ mang kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra dạy cho nghĩa quân để chống lại quân thù.


Năm 1916, phong trào Duy Tân nổi dậy chống Pháp dưới sự lãnh đạo của hai nhà chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân, tộc Hồ Châu Bí có nhiều người tham gia Nghĩa quân, trong đó có các ông Hồ Công Cung, Hồ Quảng Ngôn, Hồ Xuyến cùng với các ông Phan Phú Dinh và Phan Bá Thiều mở các lớp dạy võ tại Cấm Lớn để chiêu binh, phát triển nghĩa quân cho phong trào (4)

Đến thời kỳ này, võ phái Hồ Công có nhiều võ sĩ rất xuất sắc về tài nghệ. Có người lừng lẫy tiếng tăm trong võ giới, có người nổi danh trên võ đài, có những người vừa là võ sĩ vừa là chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào đấu tranh chống ngoại xâm ngày nay sử sách vẫn còn ghi.

Người đầu tiên cần nhắc đến trong số đó là ông Hồ Hương, truyền nhân đời thứ 7 của Hồ Công võ phái. Tuyệt chiêu của ông là khinh công. Thời ấy, khi trong làng, xã có nhà bị cháy, ông tung người nhảy lên các mái nhà bên cạnh, dở tranh ném xuống đất để khỏi bị ngọn lửa cháy lan. Trong những trường hợp khẩn cấp, ông có thể "bốc" từng người ném lên các mái nhà để họ cùng dở tranh với ông.

Võ sư Hồ Công Vinh còn kể câu chuyện rằng: "Ở phủ Điện Bàn ngày ấy có một ông quan võ của triều đình Huế thường gọi là Đội Du, rất giỏi về Roi. Nhân chuyến về quê, ông Đội Du thách ông Hồ Hương đấu roi với ông vào dịp lễ hội của phủ Điện Bàn sẽ tổ chức sau đó 2 tháng. Ông Hồ Hương nhận lời. Dân chúng trong phủ nghe tin ai cũng đợi xem trận đấu đó. Trong thời gian tập luyện, ông Hồ Hương đã sáng chế được 5 "đường" roi tuyệt kỷ. Đến ngày thi đấu, 5 đường roi liền lạc, thần tốc của ông Hồ Hương đã làm ông Đội Du tối tăm mặt mày và bó tay chịu thua trong chốc lát".

Ông Hồ Hương cũng là người cùng với các ông Đoàn Cử, Nguyễn Phổ lập ra Hội Võ và tổ chức đấu võ tại đình làng Châu Bí vào các dịp Tết Nguyên Đán đầu thế kỷ XX, làm cho phong trào dạy võ, học võ ở đây lên rất cao.

Người thứ hai là võ sư Hồ Điệp, vừa là học trò vừa là cháu gọi ông Hồ Hương bằng bác ruột. Võ sư Hồ Điệp học võ từ năm 7 tuổi. Lớn lên, trở thành võ sư, truyền nhân đời thứ 8 của võ phái, ông đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc nhất, có 2 anh em ruột là Hồ Cưu và Hồ Cập.

Theo tư liệu của võ sư Hồ Công Vinh:

Hồ Cưu sinh năm 1912, với biệt tài "hốt" ngựa, ông đã tung hoành ngang dọc trên các võ đài lớn, nhỏ mà chưa một lần thất bại. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937-1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.

Trong phong trào Duy Tân, Hồ Cưu cùng với em là võ sĩ Hồ Cập, theo thầy Hồ Điệp dạy võ cho Nghiã quân tại Cấm Lớn, Đồi Mồi...
Từ năm 1942 đến 1948, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ và làm Đội phó, huấn luyện võ thuật cho đội Quyết Tử của tổng Định An. Sau cách mạng tháng 8/1945, Hồ Cưu công tác tại tỉnh đội Quảng Nam và hy sinh trong một lần đi công tác vượt sông Thu Bồn, hưởng dương 36 tuổi.

Hồ Cập là em ruột Hồ Cưu, cũng là một võ sĩ bất khả chiến bại trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B (Hồ Cưu vô địch ở hạng A).

Trong phong trào chống Pháp, năm 1943 Hồ Cập được giao nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho đội vũ trang Châu Bí. Khi cách mạng tháng 8 thành công, đội Tự vệ làng Châu Bí do võ sĩ Hồ Cập chỉ huy được điều động về Hội An làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng bộ Việt Minh tỉnh Quảng Nam (4).
Sau hiệp định Genève 1954, Hồ Cập ở lại miền Nam hoạt động bí mật. Sau năm 1959, ông làm bí thư chi bộ Đảng Châu Bí (4). Mùa xuân năm 1968 võ sĩ Hồ Cập hy sinh trong cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân.

Từ năm 2001, khi võ sư Hồ Điệp qua đời, Hồ Công Vinh trở thành truyền nhân đời thứ 9 của Hồ Công võ phái.

Sinh năm 1955, Hồ Công Vinh học võ với cha từ nhỏ. Năm 1971, lúc 16 tuổi, Hồ Công Vinh thượng đài lần đầu tiên tại võ đài Ngô Văn Sở, Đà Nẵng. Sau này anh còn thi đấu ở một số võ đài Hòa Khánh, An Hải Đông (quận 3 Đà Nẵng). Năm 1976 Hồ Công Vinh nhập ngũ. Trong thời gian ở trong quân ngũ, anh đã tham gia thi đấu ở các võ đài Đại Lộc, Quảng Ngãi (với các võ sĩ Phan Quốc Anh, Phan Quốc Lượng, Tống Anh Phước) và võ đài Duy An (với võ sĩ Thanh Vinh, tỉnh Khánh Hòa).

Năm 1981 xuất ngũ về quê nhà, Hồ Công Vinh mở võ đường Long Xà, nhận dạy học trò tại Điện Bàn và Đại Lộc. Trong số học trò của Hồ Công Vinh, có nhiều người trở thành võ sĩ xuất sắc như: Nguyễn văn Trị (2 HCV huyện Điện bàn), Đỗ Thanh An (HCĐ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng), Trần Văn Đạt (2 HCB tỉnh QNĐN), Lê Văn Tâm (HCV tỉnh QNĐN), Hồ Công Thạch (con của võ sư Hồ Công Vinh, HCV Giải trẻ toàn quốc, HCB giải vô địch quốc gia), Võ Thành Long (HCV giải vô địch quốc gia 3 năm liền 2004-2006)...

Để kết thúc bài viết này, cũng cần nhắc đến một hiện tượng quí hiếm trong làng võ cổ truyền Việt Nam; Đó là trong nghĩa trang tộc Hồ tại làng Châu Bí, xã Điện Tiến hiện nay có đến 6 tấm bia mộ ghi danh hiệu "Võ sư". Có những tấm bia còn ghi cả câu ca tôn vinh công đức của họ, như:

- "Lâm bài hổ cứ hoàng chơn mạch,
Thủy sứu ngư thu tấu họa đồ" (Bia mộ tiền hiền Hồ Công Sùng)

- "Danh lẫy lừng khắp cả Bắc, Nam,
Thắng Ngọc Lực trận đài Trung Phước" (Bia mộ võ sư Hồ Cập)

Quả thật, võ phái Hồ Công xứng đáng để được ngợi ca như nội dung hai câu đối sau:

"Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ,
Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi"
(Mở mang ngày trước, công đức đến nay còn mãi,
Thịnh vượng sau này, cháu con tiếp nối chẳng rời) ./.

Theo Internet